Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 14

(ĐC sưu tầm trên NET)

CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC - THU ĐÔNG 1947
(Phản công, từ ngày 7 tháng 10 đến ngày 20 tháng 12 năm 1947)


Việt Bắc là một liên khu nằm ở phía bắc của Bắc Bộ, bao gồm 17 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Yên, Hải Ninh, Tuyên Quang) và châu Mai Đà. Địa hình chủ yếu là rừng núi, một phần trung du. Rừng núi Việt Bắc trùng điệp, địa hình hiểm trở. Đường bộ và đường thuỷ ít và độc đạo. Phía đông bắc có đường số 4 chạy dọc theo biên giới Việt - Trung từ Móng Cái đến Cao Bằng. Đường số 3 từ Hà Nội chạy lên giữa lòng Chiến khu Việt Bắc, đi Thái Nguyên, lên Bắc Cạn và tới Cao Bằng. Đường số 2 từ Hà Nội lên Việt Trì, Phú Thọ, tới Tuyên Quang, Hà Giang. Đường thuỷ dọc sông Hồng lên ngã ba Việt Trì, rẽ theo sông Lô lên Tuyên Quang, rẽ theo sông Gâm tới Chiêm Hoá. Khí hậu Việt Bắc khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, mùa hè nắng nóng mưa nhiều, khi mưa hàng trăm con suối và sông nước lũ cuồn cuộn, cản trở cho việc chuyển quân của cả hai bên. Dân cư Việt Bắc gồm nhiều dân tộc ít người, sống thưa thớt, canh tác tự cung tự cấp, nghèo, nhưng vốn có truyền thống yêu nước, được giác ngộ một lòng đi theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến.

Do Việt Bắc có địa thế hiểm trở, hạn chế được địch cả về cơ động và tầm quan sát, cả khả năng triển khai lực lượng lớn và phương tiện chiến đấu hiện đại khi tiến công tiến hành tác chiến lớn phải theo mùa... nên ngay từ tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở lại Tân Trào một thời gian trực tiếp chỉ đạo củng cố khu căn cứ của Trung ương. Đến cuối tháng 10 năm 1946 (trước ngày toàn quốc kháng chiến), thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ Hà Nội trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Các huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), Chiêm Hoá, Sơn Dương (Tuyên Quang), Định Hoá, Đại Từ (Thái Nguyên), được chọn làm An toàn khu (ATK). Bắt đầu từ tháng 11 năm 1946, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính Phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để lãnh đạo, tổ chức kháng chiến lâu dài. Các binh công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, gần 63 nghìn đồng bào miền xuôi và hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu được vận chuyển, sơ tán lên Việt Bắc để quân và dân ta vừa sản xuất vừa tiếp tục chiến đấu.

Về phía địch, đầu năm 1947, sau khi “Giải pháp chính trị” lập chính phủ bù nhìn bế tắc, thực dân Pháp đã quyết định dùng “đòn quân sự” để giải quyết chiến tranh Việt Nam và Đông Dương.

Nhận rõ vị trí chiến lược của Việt Bắc, tướng Va-luy (Valluy) - Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã giao cho tướng Xa-lăng (Salan) - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương ráo riết chuẩn bị “Kế hoạch tiến công Việt Bắc”. Tháng 6 năm 1947, Va-luy bay về Pháp để thông qua “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” trước nội các Ra-ma-đi-ê (Ramadier) và xin tăng viện (đầu tháng 7, Chính phủ Pháp đã thông qua kế hoạch này). Ngay sau đó, 14 tiểu đoàn Âu-Phi trong lực lượng tăng viện đã đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam. Một số đơn vị quân Pháp ở Nam Bộ cũng được điều gấp ra Bắc Bộ.

Lực lượng tham gia tiến công trên 10 nghìn quân, gồm: năm trung đoàn bộ binh1, ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn công binh, ba đại đội cơ giới2, hai phi đội với 40 máy bay, ba thuỷ đội xung kích với 40 tàu, xuồng.

Kế hoạch tiến công, địch dự kiến chia thành hai bước:

Bước 1: Mang mật danh Lê-a (Léa)3. Mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Cụ thể, ngày 7 tháng 10 năm 1947 quân dù sẽ đồng loạt đổ bộ đánh đòn vu hồi, tập hậu hiểm hóc vào hậu phương của ta một cách bất ngờ, sẽ chiếm Bắc Cạn, Chợ Mới. Ngày 8, nhảy dù tiếp, chiếm Chợ Đồn và càn quét vùng xung quanh. Ngày 9, hai cánh quân dù này gặp nhau ở bản Pei (cách thị xã Bắc Cạn 20 km về phía bắc) hòng “bắt gọn chính phủ kháng chiến”.

Cùng lúc này hình thành hai mũi như hai gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc bao gồm năm tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Hai mũi sẽ tiến công từ hai hướng:

Hướng đông (dài 420km), lực lượng “binh đoàn B” gồm cơ giới và bộ binh sẽ thọc một mũi nhọn theo quốc lộ số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng; vừa hành quân càn quét vừa triển khai chiếm đóng cứ điểm dọc trục lộ, thực hiện phong toả vùng biên giới này. Sau đó, từ Cao Bằng, một bộ phận sẽ tiến xuống Bắc Cạn phối hợp và hỗ trợ binh đoàn dù, hình thành gọng kìm thứ nhất kẹp chặt toàn bộ mặt phía đông của Việt Bắc.

Hướng tây, lực lượng “binh đoàn C” gồm quân thuỷ và bộ từ Hà Nội lên Việt Trì, phát triển lên Tuyên Quang, Chiêm Hoá theo sông Hồng, sông Lô, sông Gâm và quốc lộ số 2, hình thành gọng kìm thứ hai (dài 250 km).

Bộ chỉ huy Pháp dự kiến: Ngày 11 tháng 10 hoàn thành việc phòng thủ Chợ Mới, sau đó sẽ tiến hành càn quét và tuần tiễu trên đường số 3 và đường Chợ Mới - phố Bình Gia. Ngày 12, cánh đông sẽ tiến xuống Bắc Cạn. Ngày 13 tháng 10, hai gọng kìm sẽ hội quân ở Đài Thị (đông bắc Chiêm Hoá 12 km).

Bước 2: Mang mật danh “Xanh-tuya” (Ceinture)4, tức “siết chặt vành đai”. Quân địch sẽ tập trung càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm. Ngày 14 tháng 10, dùng nhiều hướng, mũi: quân bộ từ Bắc Cạn xuống, từ Chợ Mới đánh sang, phối hợp với quân dù nhảy thẳng xuống Chợ Chu. Một đơn vị dù khác đổ bộ xuống phía nam huyện lỵ Định Hoá nhằm khóa, chặn đường giao thông huyết mạch của kháng chiến Chợ Chu - Thái Nguyên, đây là vùng thủ đô kháng chiến của ta.

Như vậy, không gian của cuộc hành quân trải rộng trên địa bàn tám tỉnh, nhưng chúng sẽ tập trung quân càn quét vào khu tứ giác: Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Cạn - Thái Nguyên (khoảng 360 km2), trọng điểm đánh phá, càn quét là tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới5. Cùng với lực lượng tham chiến chính thức kể trên, các tiểu đoàn dù do Phô-xây Phơ-răng-xoa (Fossey François) chỉ huy, tập kết ở sân bay Gia Lâm và Cát Bi, sẵn sàng đổ bộ xuống nơi phát hiện có cơ quan đầu não kháng chiến.

Pháp chủ trương tập trung sức mạnh tối đa, tiến công chớp nhoáng với chiến thuật hợp đồng thuỷ - lục - không quân càn quét mạnh từng khu vực, lấn chiếm dần để dồn kẹp ta lại mà bao vây tiêu diệt, nhằm “4 mục tiêu chiến lược” của cuộc tiến công là: “Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ...6.

Bộ chỉ huy Pháp dự kiến cho cuộc hành quân là ba tháng và xem đây là một kế hoạch hoàn hảo, có khả năng đi đến kết thúc chiến tranh. Tướng Va-luy khẳng định sẽ “chơi ván bài cuối cùng”. Tướng Xa-lăng, tác giả của “kế hoạch tiến công Việt Bắc” thì cam đoan “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”7.
____________________________________
1.Gồm: Trung đoàn Ma-rốc số 6 (6eRTM), trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc (RICM), trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4e - RIC), trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 (3e REI) và một trung đoàn do Cô-xtơ (Coste) chỉ huy.
2.Ba đại đội này của trung đoàn bộ binh cơ giới Ma-rốc gồm 800 xe các loại.
3.Léa (Lê-a) - Tên một ngọn đồi cao 1.362 mét, trên trục đường số 3 nằm giữa Nguyên Bình và Bắc Cạn.
4.“Kế hoạch tiến công Việt Bắc” do Xa-lăng soạn thảo gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh Lê-a và Clo-clo. Nhưng khi tiến hành cuộc hành binh thứ nhất (bước 1) đã không thực hiện được đúng như kế hoạch, mà vừa chậm vừa bị nhiều tổn thất nên đến “bước 2”, Xa-lăng đã lờ đi, không đả động gì đến mật danh Clo-clo nữa mà phải thay bằng Xanh-tuya - Tức “siết chặt vành đai”, dồn sức vào đánh phá khu tứ giác: Tuyên Quang - Thái Nguyên – Phủ Lạng Thương-Việt Trì.
5.Chợ Chu, Chợ Mới thuộc huyện Định Hoá - Khi quân Pháp nhảy dù xuống đây, cơ quan Trung ương của ta ở cách đó 20 km đường chim bay.
6.“Hồi ký Xa-lăng”. Nxb Presses de la Cité Pari, 1971 - T. 2, tr. 58 và 74.
7.“Hồi ký Xa-lăng” - Sđd.





 





WWW




Về phía ta, trước khi Pháp mở cuộc tiến công, lực lượng quân đội ta trên toàn quốc có 105.990 người (Bắc Bộ có 45.802 người)1; biên chế thành 20 trung đoàn, có hai trung đoàn 147 và 165 của Bộ và nhiều tiểu đoàn độc lập của khu và của Bộ. Trang bị thiếu thốn và không thống nhất, có gì dùng nấy. Một tiểu đoàn thường có hai đại liên, một đến hai cối 60mm, tám trung liên, 140 đến 160 súng trường đủ các kiểu (Nhật, Nga, Pháp). Một số tiểu đoàn của Bộ có pháo 20mm, trọng liên 13,2 mm, 12,7 mm và cối 81mm. Bộ đội và cán bộ chỉ huy các cấp chưa được huấn luyện thành thục về kỹ thuật, chiến thuật. Trình độ và khả năng chiến đấu giữa các đơn vị không đồng đều. Trừ Trung đoàn Thủ đô và Trung đoàn Lạng Sơn đã được thử thách qua chiến đấu, phần lớn các đơn vị còn lại chưa hề qua chiến đấu, trình độ kỹ thuật chiến thuật của bộ đội, trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ, tình hình trang bị của ta chưa cho phép tiến hành những trận đánh lớn để ngăn chặn địch. Các binh chủng pháo binh, công binh chưa được tổ chức thành đơn vị. Phương tiện thông tin liên lạc và vận tải thiếu nhiều, chủ yếu là liên lạc chạy bộ. Cung cấp, tiếp tế hậu cần có nhiều khó khăn chủ yếu dựa vào chính quyền và nhân dân địa phương. Bộ đội nhiều người bị sốt rét đã ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Thời kỳ này ta yếu hơn địch về mọi mặt nhưng tinh thần chiến đấu, chịu đựng gian khổ hy sinh, dũng cảm của bộ đội ta thì được phát huy mạnh mẽ.

Riêng trên địa bàn chiến dịch, lực lượng ta có bảy trung đoàn bộ binh, tổng cộng 18 tiểu đoàn chủ lực (trong đó có hai tiểu đoàn của Bộ), 30 đại đội độc lập, 4.228 dân quân du kích tập trung2; ngoài ra còn có lực lượng tự vệ của các thị xã, thị trấn, công xưởng trên toàn Quân khu Việt Bắc. Pháo binh có bốn khẩu (ba khẩu 75mm, một khẩu 70mm). Phòng không có hai pháo 20mm, hai khẩu 13,2 mm và sáu khẩu 12,7 mm.

Lực lượng dân quân du kích ở địa phương Việt Bắc đã được tổ chức, củng cố khá mạnh, tính đến 12 năm 1947, riêng bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã có tới 3.319 du kích tập trung. Đến cuối 9 năm 1947, cấp tỉnh có một đến hai trung đội hoặc một đại đội; huyện có một đến hai trung đội du kích tập trung; tinh thần vững, hăng hái chiến đấu nhưng huấn luyện còn ít, kinh nghiệm còn non.

Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Sở chỉ huy cơ bản ở Yên Thông; đến chiều 20 tháng 10 năm 1947, chuyển sang Tràng Xá (Thái Nguyên). Giai đoạn 2 chuyển về vùng Lục Rã, Quảng Nạp (cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1947)3.

Tổ chức thông tin liên lạc: Bộ, Khu và trung đoàn dùng vô tuyến điện (VTĐ). Từ tiểu đoàn trở xuống liên lạc bằng thông tin vận động chạy chân và thông tin tín hiệu. Ta đã lợi dụng đường dây hữu tuyến điện (HTĐ) của bưu điện một số huyện (Chợ Đồn, Chợ Mới... ). Ngoài ra, một số đơn vị đã huấn luyện được chim bồ câu đưa thư chẳng hạn, tiểu đoàn 160 chủ lực của Bộ đang huấn luyện ở thao trường, bồ câu đưa thư đến báo tin địch nhảy dù ở Bắc Cạn và đã nhận được lệnh của Bộ, thực hành ngay nhiệm vụ cơ động đánh quân đổ bộ. Mặt khác ta đã tổ chức ra các mặt trận, trực tiếp chỉ huy chiến đấu, việc này đã khắc phục được một phần khó khăn về thông tin liên lạc.

Về cung cấp tiếp tế, ta chưa tổ chức hậu phương cho chiến dịch. Công tác tiếp tế cho bộ đội chủ yếu dựa vào chính quyền, đoàn thể địa phương và sự giúp đỡ của nhân dân, bộ đội chỉ tự túc được một phần. Lúc này, Trung ương tổ chức cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, quyên góp chăn và áo trấn thủ cho chiến sỹ. Khẩu hiệu: “Làng to một chăn, làng nhỏ hai áo trấn thủ” được cả nước hưởng ứng sôi nổi, bởi vậy trước và trong chiến dịch khâu chuẩn bị chăn và áo ấm cho bộ đội đã được giải quyết cơ bản.

Công tác phá hoại trước chiến dịch cũng được triền khai rộng khắp. Nhưng do tư tưởng chủ quan nên nhiều nơi việc phá cầu, phá đường không làm triệt để (chỉ đào lỗ trên đường mà không ngả cây, rào đường), nên quân địch chỉ san lấp hai bên đường là có thể vận tải súng đạn bằng lừa, ngựa.

Công tác chính trị, ở chiến dịch đầu tiên này, ta chưa tổ chức cơ quan chính trị của chiến dịch. Chuẩn bị tư tưởng cho bộ đội sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công của địch còn nhiều chủ quan, thiếu sót. Nhưng khi địch đã tiến công, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch có lời kêu gọi thì công tác chính trị trên toàn chiến trường Việt Bắc đã nhanh chóng triển khai rộng khắp, tích cực và thiết thực. Qua đó, bóc trần âm mưu, thủ đoạn chính trị thâm độc của địch khi tiến công Việt Bắc, đồng thời cũng đánh giá đúng đắn và khẳng định rõ quân địch không mạnh, ta có thể đánh lại và đánh bại chúng. Qua đó động viên được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết thực hiện lời kêu gọi của Đảng, tập trung sức mạnh phá tan cuộc tiến công của địch; đồng thời đả phá thái độ hoảng hốt, sợ địch, dao động chạy dài, chống khuynh hướng tư tưởng đầu hàng, thoả hiệp, chống tư tưởng chủ quan, coi thường địch. Song riêng công tác địch vận thì chưa làm được việc gì đáng kể.

Để đảm bảo cho chiến dịch đầu tiên thắng lợi, ngày 12 tháng 10 năm 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 4 đã định rõ phương châm chiến lược và chiến thuật đối phó với địch. Ngày 4 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy ra “Mệnh lệnh tác chiến”, trong đó nhận định tình hình mọi mặt địch, ta, thời tiết, địa hình... để ra nhiệm vụ chung cho toàn quân, toàn quốc và “kế hoạch tác chiến”, với dự kiến hai trường hợp: Nếu địch càn quét vùng đồng bằng và nếu địch đánh lên Việt Bắc. Bản kế hoạch đã phân công cụ thể nhiệm vụ, địa bàn tác chiến cho các đơn vị trên chiến trường Việt Bắc và các chiến trường phối hợp4.

Hạ tuần tháng 9, trên hướng nghi binh: Đại tá Léc-mit (Lermitte) chỉ huy quân nguỵ người Thái đánh vào Nghĩa Lộ (Yên Bái), Cam Đường (Lào Cai), giải toả Than Uyên. Đầu tháng 10, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn Ma-rốc số 6 (3/6e trung RTM) tiến lên Sơn Tây, Trung Hà, Hưng Hoá.

Sáng sớm ngày 7 tháng 10, cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc mở màn. 8 giờ 15 phút quân dù do đại tá Sô-va-nhắc (Sauvagnac) chỉ huy nhảy xuống thị xã Bắc Cạn (hai đợt, khoảng 800 dù); 14 giờ 30 phút, toán thứ hai (khoảng 200 quân Pháp) nhảy xuống chiếm thị trấn Chợ Mới. Cùng ngày, binh đoàn bộ binh thuộc địa do đại tá Bô-phrê (Beaufré) chỉ huy, xuất phát từ Lạng Sơn, theo trục đường 4 tiến lên Cao Bằng hòng bao vây phía đông Việt Bắc. Ngày 8, quân Pháp nhảy dù chiếm Chợ Đồn. Trên hướng thị xã Bắc Cạn, khi quân dù đổ bộ, tiểu đoàn 49 trung đoàn 72 chưa kịp chuẩn bị nên chỉ giao chiến qua loa rồi rút. Vì lực lượng ta bố trí quá mỏng, bộ đội ở sâu trong hậu cứ nên tư tưởng chủ quan, kho tàng, xưởng máy chưa kịp sơ tán, công việc tiêu thổ kháng chiến chưa làm được nhiều, nên ngày tiến công đầu tiên, quân địch, nhất là quân nhảy dù đã tạo được yếu tố bất ngờ. Chúng đã phá được một số cơ quan, kho tàng, công xưởng và bắt được một số cán bộ, bộ đội và đồng bào ta5
______________________________________
1.Nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ tư ngày 12 tháng 10 năm 1947 tổ chức tập trung lại thành bảy khu nằm trong ba liên khu: Liên khu 1 gồm Khu 1 và 12; Liên khu 10 gồm Khu 10 và 14; Liên khu 3 gồm Khu 2, Khu 3 và Khu 11. Trong 20 trung đoàn, trừ hai trung đoàn chủ lực của Bộ, còn lại đều là trung đoàn địa phương các khu. Thời kỳ này trung đoàn là đơn vị tổ chức cao nhất. Bộ đang chuẩn bị thành lập “Đại đoàn chủ lực”, xảy ra việc địch tiến công Việt Bắc nên việc thành lập này hoãn lại.
2.a- Hồ sơ M-VL/10-721 BTTM, Cục Nghiên cứu khoa học quân sự (bản đánh máy tháng 4 năng 1962) ghi: “Có 10 trung đoàn gồm: Chủ lực của Bộ có hai trung đoàn 147 và 165 (thiếu 1d) và hai tiểu đoàn; Khu 1 có ba trung đoàn: 72, 74, 121 và hai tiểu đoàn: 19 và 43; Khu 12 có bốn trung đoàn: 11, 36, 59, 98 và tiểu đoàn 517; Khu 10 có một trung đoàn”. Nhưng trước khi chiến dịch Việt Bắc nổ ra, thực hiện chủ trương “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung theo quyết định của Bộ, ba trung đoàn (36, 59 và 98) đã phân tán lực lượng thành các “Đại đội độc lập” xuống hoạt động và gây dựng phong trào du kích chiến tranh ở các vùng dân cư. Do đó thực chất tham gia Chiến dịch Việt Bắc chỉ có bảy trung đoàn.

b- Dân quân du kích của năm tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Giang) mỗi tỉnh có hai trung đội, mỗi huyện có một trung đội dân quân du kích tập trung.

c- Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp: Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết lịch sử xuất bản 1991. Tr. 209. Lúc này sở chỉ huy chia thành hai khu. Khu A, nơi đặt chỉ huy chiến dịch ở Tràng Xá, khu B ở Núi Hồng (Thái Nguyên). Sở chỉ huy tiền phương đặt ở Bình Gia (Sđd – tr. 211).
3.Sau ngày 13 tháng 10, khi ta có trong tay bản “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” của địch, ta tổ chức, điều chỉnh lại lực lượng, hình thành các mặt trận (nói ở phần sau), thì trên mỗi mặt trận lại có “Sở chỉ huy tiền phương” của mặt trận đó.
4.Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh” Bộ Tổng Tham mưu xb - Tập 1, tr. 13-15.
5.Hồ sơ M.VL.10.721 BTTM (đã dẫn) ghi rõ (trang 15/H): “Tuy Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy có chỉ thị chuẩn bị đối phó cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp ngay từ mùa Hè. Nhưng do sự phán đoán sai lệch hướng tiến công (lúc đầu ta phán đoán địch sẽ tiến công vùng Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, nếu chúng phiêu lưu lắm thì mới dám đánh lên Việt Bắc) do đó sự chỉ đạo về các mặt không chặt chẽ, sự chuẩn bị cụ thể về tinh thần và vật chất sơ sài. Về phần bộ đội cũng nằm trong tình trạng chung ấy và lại đang ở thời kỳ chấn chỉnh về biên chế tổ chức; mới có một kế hoạch huấn luyện và bắt đầu học tập được vài ngày thì địch tiến công lên. Vì vậy trong những ngày đầu, khi địch nhảy dù tiến công lên Việt Bắc, nói chung quân dân ta có hoang mang, có chỗ chạy tán loạn như Bắc Cạn, Lào Cai. Các cơ quan, cơ xưởng, kho tàng chưa kịp phân tán nên bị địch cướp phá; một máy in của Tài chính ở Bản Thi, nhà máy Hoàng Văn Thụ ở Chợ Chu bị địch phá huỷ...”. Báo cáo tổng kết của Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thải, của Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp và của Tổng Bí thư Trường Chinh cũng có nội dung tương tự.

Cuộc nhảy dù táo bạo này quả có gây cho ta sự bất ngờ. Nhưng Va-luy đã lầm lẫn lớn khi cho rằng thị xã nhỏ bé Bắc Cạn trở thành “Thủ đô mới” của Việt Minh. Va-luy không hề biết rằng, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, không khi nào có cơ quan Trung ương của ta ở tại một thị xã, thị trấn. Mà tất cả đã chia thành những bộ phận nhỏ, thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân, được sự che chở của nhân dân, khiến địch rất khó phát hiện. Phân tán và cơ động nhưng các cơ quan trung ương vẫn duy trì mọi hoạt động lãnh đạo và điều hành cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước.

Khi quân Pháp nhảy dù tập hậu, lực lượng quân đội ở thị xã Bắc Cạn chỉ có một bộ phận của tiểu đoàn 49, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn lúc này cũng chỉ có một tiểu đoàn tân binh. Hai lực lượng (rất mỏng) này chủ yếu nổ súng để bảo vệ cho nhân dân và một số cơ quan đóng ở đây tản cư rút vào rừng núi an toàn. Tuy địch có phá được một số xưởng máy của ta (của xưởng in tiền và công binh xưởng), một số kho tàng và thu được 10 triệu bạc Việt Nam của Ty Ngân khố, nhưng còn quá xa so với mục tiêu “phá huỷ tiềm năng chiến tranh của Việt Minh” mà chúng đề ra. Trong “Hồi ký Xa-lăng” có đoạn nói rõ: Xa-lăng coi cuộc hành binh Lê-a ngày 7-10-1947 là một đòn quyết định “đánh thẳng vào tim kẻ thù”. Ông ta ngồi trên máy bay trực tỉếp thị sát cuộc nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn. Lúc 11 giờ 35 phút, Xô-va-nhắc từ mặt đất báo cáo qua vô tuyến điện: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Xa-lăng vội vã bay về Hà Nội báo tin mừng với Sài Gòn. Cao uỷ Bô-la (Bollaert) và quyền tổng chỉ huy Bát-tê (Battet) hấp tấp bay ra Hà Nội. Lúc đó Xa-lăng đã biết mình lầm, đành phải thú nhận: “Tôi - chúng ta đã bị đánh lừa”. Hai vị cấp trên đã bỏ cơm chiều quay về Sài Gòn sau khi đã tặng cho Xa-lăng những lời lẽ nặng nề... Thực chất hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già chững chạc, nói tiếng Pháp, cụ yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín.

Những ngày đầu chiến dịch, Bác Hồ và Trung ương ở Điềm Mạc, sau ngày 15 tháng 10 dời vào Khuổi Tát, đến 22 tháng 10 dời vào Bản Cóc huyện Định Hoá. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, Bác và cơ quan Trung ương đều chủ động, linh hoạt di chuyển vị trí bí mật, an toàn, sống và làm việc trong các bản làng đồng bào dân tộc của Chiến khu Việt Bắc.

 





WWW





Đêm 7 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy Khu 1 nhanh chóng điều thêm lực lượng về Bắc Cạn, cụ thể tiểu đoàn 160 (Bộ), tiểu đoàn 72 (Khu 1) lên vùng Chợ Mới; trung đoàn 72 rút lên hoạt động từ Bắc Cạn tới Cao Bằng; lệnh cho các lực lượng của Bộ ở trung du chuyển lên hướng bắc; lệnh cho trường Võ bị Trần Quốc Tuấn bế giảng khoá huấn luyện và đưa ngay cán bộ về các đơn vị kịp thời tham gia chiến đấu. Các đơn vị bám sát mọi động tĩnh của địch để điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành lại thế chủ động. Trước mắt Bộ đôn đốc đánh địch trên đường số 4, số 3, sẵn sàng trên hướng đường số 2 và sông Lô.

Từ ngày 8 tháng 10, các đại đội độc lập cùng quân dân du kích liên tiếp tập kích, quấy rối các vị trí: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Chợ Rã, diệt hai trung đội địch. Đại đội bảo vệ 15 (đơn vị tiền thân của Bộ tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Nội vụ và Lữ đoàn cận vệ 144 - Bộ Quốc phòng sau này) bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan trung ương khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn.

Trên hướng đông, do bị ta đào hào băm nát lộ 4 nên binh đoàn Bô-phrê phải xé lực lượng thành năm đơn vị hỗn hợp, tiến quân theo kiểu sâu đo. Vừa đi vừa sửa đường vừa đề phòng ta chặn đánh. Cơ giới không phát huy được, Bô-phrê quyết định hành quân bộ và dùng lừa, ngựa vận chuyển hậu cần, tốc độ rất chậm so với kế hoạch; đến 10 tháng 10, cánh quân này mới tới Thất Khê. Ngày 9 tháng 10 Xa-lăng buộc phải ném 300 quân dù thuộc 1e BCP xuống một vị trí xung yếu phía đông nam thị xã Cao Bằng để yểm trợ và đón binh đoàn Bô-phrê. Quân dù chiếm thị xã, củng cố rồi càn quét ra xung quanh; nhưng bị bộ đội và dân quân chặn đánh, quấy rối. Mũi tiến công vào Nước Hai và Quảng Yên của chúng bị chặn đứng. Ngày 9 tháng 10, khẩu đội 12,7 mm của đại đội 675 trung đoàn 74 bố trí ở đồi Thiên Văn, thị xã Cao Bằng bắn rơi chiếc máy bay vận tải Junker 52 Toucan (Ju52) chở sĩ quan tham mưu chiến dịch đi thị sát chiến trường, 12 sĩ quan tham mưu, trong đó có Lăm-be (Lambert), đại tá, phó tham mưu trưởng quân Pháp ở Đông Dương thiệt mạng. Ta thu được bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của chúng.

Chiến sĩ liên lạc Nguyễn Danh Lộc của trung đoàn chạy bộ, vượt rừng, mang “bản kế hoạch tiến công Việt Bắc” của địch về cho Bộ Tổng chỉ huy (lúc này đang đóng ở Tràng Xá và ở núi Hồng - Thái Nguyên)1.

Trong tuần đầu, bộ đội thiên về đánh tập trung, vận động từ xa tới, chuẩn bị vội vã, đánh địch hiệu quả thấp. Pháo binh mấy lần bỏ lỡ cơ hội diệt tàu địch trên sông Lô.

Ngày 10 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy điện gấp cho Khu 10 tích cực đánh địch trên sông. Đồng thời điều tiểu đoàn 18, chủ lực Bộ do đồng chí Vũ Phương chỉ huy trưởng, đồng chí Hồng Cư chính trị viên cơ động gấp về Bình Ca, kiên quyết bao vệ cửa ngõ phía Tây của Việt Bắc.

Ngày 13 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy có trong tay toàn bộ “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” của địch, ta khẩn trương điều chỉnh, tổ chức lại lực lượng. Các mặt trận lần lượt được hình thành do chỉ huy cấp chiến lược trực tiếp chỉ đạo. Lực lượng gồm các tiểu đoàn chủ lực của Bộ và khu. Cụ thể: Mặt trận Sông Lô - Đường số 2 do các đồng chí Trần Tử Bình và Tạ Xuân Thu2 chỉ đạo. Nhiệm vụ đánh quân thủy, bộ vận động, ngăn chặn tăng viện tiếp tế, tiến tới bẻ gãy gọng kìm phía tây. Mặt trận Bắc Cạn - Đường số 3 do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách. Nhiệm vụ tiêu diệt địch cơ động trên đường Bắc Cạn - Cao Bằng và nống ra xung quanh thị xã Bắc Cạn; bảo vệ cơ quan Trung ương. Mặt trận đường số 4 do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Nhiệm vụ đánh địch cơ động trên đường Lạng Sơn - Cao Bằng, hạn chế sức mạnh cơ giới của địch, từng bước vô hiệu hoá gọng kìm phía đông của chúng. Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị: hình thức tác chiến chủ yếu trên ba mặt trận là đánh phục kích với quy mô cấp đại đội bố trí độc lập, nhằm tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận nhỏ quân địch đang cơ động là chủ yếu. Các tiểu đoàn tập trung phải luôn đứng chân ở địa bàn, sẵn sàng cơ động đánh địch khi chúng xuất hiện.

Trên trục lộ 4, trung đoàn 74 Cao Bằng và trung đoàn 11 Lạng Sơn cùng dân quân du kích liên tiếp phục kích, đã tiêu hao và làm giảm bước tiến của địch.

Ngày 11 tháng 10 (sau năm ngày), chúng mới tới được Cao Bằng. Tới nơi Bô-phrê phải phái ngay trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc (RICM) theo trục lộ 3 xuống cứu nguy cho quân Sô-va-nhắc đang bị cô lập ở Bắc Cạn, Chợ Đồn, Chợ Mới. Dọc đường, trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc liên tiếp bị ta phục kích ở Nguyên Bình, Ngân Sơn, Phủ Thông. Quân đi cứu nguy lại bị lâm nguy, Sô-va-nhắc phải phái quân lên đón trung đoàn này, hai cánh quân dìu nhau về Bắc Cạn. Ngày 16 tháng 10, chúng chiếm Phủ Thông và tiến về “hợp điểm”. Quân ta đánh nhiều trận ở Bắc Cạn, Chợ Rã và hồ Ba Bể. Ngày 20 tháng 10, toán quân này mới đến được Bản Thi, cách “điểm hẹn” với binh đoàn Com-muy-nan (Communal) 20 km, chậm bảy ngày so với kế hoạch.

Trên hướng tây, ngày 9 tháng 10 binh đoàn Com-muy-nan mới xuất phát được từ Hà Nội ngược sông Hồng, đến Sơn Tây một bộ phận bị mắc cạn phải nằm lại. Sáng 11, tàu địch qua Phan Dư, vì thông tin chậm, ta bỏ lỡ cơ hội diệt địch. Sáng 12, chúng vướng kè Sóc Đăng phải ném bom phá huỷ kè và dùng máy nhổ cọc, mở luồng. Tại Đoan Hùng và Bình Ca, pháo ta vừa phát hoả thì hỏng nòng, phải di chuyển để tránh địch cướp pháo. Ở Bình Ca, bộ đội tiểu đoàn 18 từ trên cao nhảy xuống dùng lê, mã tấu đánh giáp lá cà, địch chết nhiều, số còn lại vội rút xuống tàu. Từ đó địch tiến công dè dặt hơn. Pháo binh tổ chức lại hệ thống thông tin báo động, bố trí lại trận địa hiểm hóc, thực hiện “đặt gần bắn thẳng”.

Ngày 13 tháng 10, quân Pháp ném bom, bắn pháo và tiến vào Tuyên Quang, đội hình dài hơn 100km. Ngày 17 chúng chia thành hai mũi theo đường số 2, đường hàng tỉnh và sông Gâm tiến sang Chiêm Hoá. Đến đâu chúng cũng chỉ thấy “vườn không nhà trống”. Quân ta phục kích và bắn trả.

Chiều ngày 14 tháng 10, Thường vụ Trung ương Đảng họp thông qua chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Hội nghị nhận định: Cuộc tiến công lần này của Pháp chứng tỏ địch không mạnh, mà vì yếu nên mạo hiểm. Địch sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn, nếu ta biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của địch thì nhất định cuộc tiến công của chúng sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nhất trí tổ chức ba mặt trận như báo cáo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tình hình cực kỳ rối ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa đã dẫn Pháp đến chỗ muốn sớm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện được đánh địch khắp nơi, buộc chúng dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Ta giữ gìn được chủ lực qua mùa đông này là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ đổi mới có lợi cho ta”

Ngày hôm sau, 15 tháng 10, sau khi Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị đánh bại cuộc tiến công mùa đông của địch, Bộ Tổng chỉ huy ra Huấn lệnh (ĐB/101) cho các khu: Phát động chiến tranh du kích trên toàn vùng, lấy đại đội làm đơn vị bố trí trên các chiến trường địa phương, làm nòng cốt cùng các lực lượng địa phương tiêu diệt từng bộ phận quân địch và thực hiện phá hoang trên địa bàn. Các đại đội này vừa trực tiếp giúp đỡ dân quân du kích, vừa phối hợp với lực lượng cơ động (là các tiểu đoàn chủ lực tập trung của Bộ và của khu) đánh những trận vừa và lớn. Những nơi địch sẽ đi qua thực hiện tiêu thổ kháng chiến (làm vườn không nhà trống) để triệt nguồn hậu cần tại chỗ của địch, phá giao thông để ngăn chặn bước tiến của địch.

Cũng trong ngày 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quân và dân Việt Bắc ra sức đánh bại cuộc hành binh của địch, quân dân cả nước tích cực đánh địch để phối hợp với Việt Bắc. Người chỉ rõ: “Địch hội quân ở Bắc Cạn tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến... Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại”.

Ngày 15 tháng 10, hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ có một khẩu đội pháo phối hợp, tiến công vào 200 quân địch đóng tại Chợ Mới. Ngày 21, một tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô tiến công một đại đội địch đóng trong Chợ Đồng. Cả hai nơi tuy ta chỉ thực hiện tiêu hao, không tiêu diệt được địch, nhưng cùng với 17 trận phục kích nhỏ trên đường Phủ Thông - Bắc Cạn, Chợ Mới - Bắc Cạn, đã làm cho quân địch nhụt chí, không dám sục sạo rộng ra ngoài vị trí đóng quân. Máy bay địch thả dù tiếp tế xuống thị xã Bắc Cạn.

Ở phía tây, tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Hà Tuyên do đồng chí Lê Thùy chỉ huy liên tục bám sát và tập kích cánh quân của Com-muy-nan, khiến chúng phải tiến quân dè dặt, ngày 20 mới tới được Đầm Hồng và phải dừng lại chờ thêm lực lượng. Cánh quân trên đường số 2 mới tới được Chiêm Hoá. Ngày 22, tự vệ thị xã Tuyên Quang dùng địa lôi đánh phục kích ở ki-lô-mét số 7 trên quốc lộ 2, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. Một tiểu đoàn quân Pháp đang tiến lên Chiếm Hoá buộc phải quay lại. Cuộc hành binh bị chậm nhiều so với kế hoạch. Cánh quân Com-muy-nan chậm bảy ngày mà không tới được đúng “điểm hẹn”. Như vậy, cả hai gọng kìm của đợt tiến công “Lê-a” đều bị bẻ gãy. Gọng kìm quy mô binh đoàn không khép được vào ngày 13, mà hợp điểm quy mô tiểu đoàn cũng không thực hiện được vào trung tuần tháng 10 như kế hoạch của chúng.

Nhận rõ chỗ yếu chí mạng của địch là vấn đề bảo đảm hậu cần, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương “Đánh mạnh ở Mặt trận Sông Lô và đường 4, phá giao thông vận tải tiếp tế của địch, kết hợp chặt việc phát động nhân dân làm vườn không nhà trống, triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch”. Cuối tháng 10, ta điều chỉnh lại đội hình chiến đấu, phân công rõ phạm vi, nhiệm vụ cho các đơn vị:

Trên mặt trận đường số 3: Trung đoàn 121, bố trí tiểu đoàn tập trung và bảy đại đội độc lập trên các địa bàn trọng điểm trên ba tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Phúc Yên3.

Trung đoàn 72: Một tiểu đoàn và năm đại đội độc lập bố trí trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn4.

Trung đoàn 165 (thiếu một tiểu đoàn): Bố trí ở Chợ Rã, Chợ Đồn, thị xã Bắc Cạn.

Trên Mặt trận đường 4: Trung đoàn 74, tiểu đoàn và các đại đội độc lập bố trí trên đoạn đường Cao Bằng - Đông Khê5.

Trung đoàn 11, bố trí đoạn Lạng Sơn - Đông Khê, đường số 1 đoạn Thất Khê - Đồng Mỏ6.

Trên mặt trận sông Lô: Trung đoàn của Khu 10 và một tiểu đoàn của Bộ đánh địch trên sông Lô từ Việt Trì đến Tuyên Quang; trung đoàn 147 và hai tiểu đoàn của Bộ bố trí phía nam đường liên tỉnh Tuyên Quang - Thái Nguyên.

Lực lượng dân quân du kích và tự vệ cũng được củng cố và tăng cường trang bị. Thông tin liên lạc tổ chức lại, chặt chẽ và hiệu qủa hơn.

Pháo binh thực hiện nghi binh, cơ động linh hoạt, bố trí sát bờ sông, đã đánh hai trận phục kích xuất sắc vào trưa 24 tháng 10: một đoàn tàu địch năm chiếc từ Tuyên Quang xuống đến Đoan Hùng lọt vào trận địa phục kích của “Trung đội pháo binh Xuân Canh” (Trung đội Pháo đài Xuân Canh - Hà Nội 12-1946) và “Trung đội Lục tỉnh”, ta bắn chìm tại chỗ hai chiếc, toàn bộ quân địch chết đuối; bắn hỏng nặng hai chiếc khác. Chiếc còn lại quay đầu về Tuyên Quang. Sau trận này, tuyến đường sông Lô của địch bị cắt 10 ngày, địch phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang, và Chiêm Hoá. Báo chí Pháp gọi đây là “Thảm hoạ Đoan Hùng”.

Thực hiện Huấn lệnh 101, hai trung đoàn Lạng Sơn và Cao Bằng đã phân tán thành những tiểu đoàn tác chiến trên từng khu vực và đưa một số đại đội độc lập về các địa phương trọng yếu để phát động chiến tranh du kích. Ngay sau đó, ở Cao Bằng, công nhân xưởng quân giới Lê Tổ và dân quân các xã Hào Lịch, Hưng Đạo, Hùng Việt đánh lui một cuộc tiến công của Pháp, diệt gần 100 tên.
______________________________________
1.Trong cuốn Hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trang 176 ghi: “... Cơ quan chỉ huy chia thành hai bộ phận: Bộ phận nặng ở lại căn cứ, đi sâu vào núi, anh Văn Tiến Dũng phụ trách bộ phận này. Tôi phụ trách bộ phận nhẹ, chuyển ra ngoài khu vực bị uy hiếp... và sau đó tôi sẽ đi Mặt trận đường 4. Anh Thái đi Mặt trận đường số 3, anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng đi Mặt trận Sông Lô
2.Sđd, tr.176.
3.Bảy đại đội độc lập bố trí ở: Đông Anh, Đa Phúc, Kim Anh, Yên Lãng, Phú Bình, Võ Nhai, Chợ Chu, Đại Từ, Đồng Hỷ.
4.Năm đại đội độc lập bố trí ở: Chợ Đồn, Chợ Rã, Ngân Sơn, Na Rì, Phủ Thông.
5.Đại đội độc lập bố trí ở: Nguyên Bình, Sóc Giang, Hoà An, Quảng Yên, Phục Hoà và Đông Khê.
6.Sáu đại đội độc lập bố trí ở: Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Điềm He, Lộc Bình, Đồng Mỏ.

 





WWW





Ngày 27 tháng 10, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp có điện chỉ đạo:

- Mặt trận đường 4: Kiên quyết tổ chức một số trận phục kích đánh tiêu diệt.

- Mặt trận đường số 3: Bao vây, cắt tiếp tế, bức địch rút khỏi khu vực Chợ Đồn, Chợ Rã.

- Mặt trận Sông Lô: Đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức Chiêm Hoá, Đầm Hồng.

Bốn ngày sau, ngày 29 tháng 10, tiểu đoàn 374 trung đoàn 11 tổ chức trận địa phục kích đoạn đường Bản Sao - đèo Bông Lau, chiều 30, đánh một trận xuất sắc tiêu diệt đoàn xe địch 30 chiếc trên đèo Bông Lau, phá huỷ 27 xe diệt 104 tên địch, bắt 101 tên, thu toàn bộ vũ khí, 600 chiếc dù và nhiều quân trang, quân dụng.

Tiểu đoàn 374 sau thời gian phân tán đi xây dựng cơ sở ở tỉnh Lạng Sơn mới tập trung lại, với toàn bộ chiến sĩ là người dân tộc Tày, Nùng. Các chiến sĩ là người địa phương nên rất thông thuộc địa hình, thời tiết và quy luật vận chuyển của những đoàn xe địch. Trận địa phục kích đã được bố trí rất khéo. Trận đánh nổ ra lúc 5 giờ chiều, vào mùa đông, ở vùng cao thời gian này đã chập choạng tối. Đoàn xe 30 chiếc từ Đông Khê xuống, sau khi qua đỉnh đèo Bông Lau hiểm trở, yên trí đổ dốc về phía Thất Khê, nơi binh lính sẽ được nghỉ ngơi. Một trái bom 25 kg bất thần nổ ở lưng chừng đèo, lật nhào chiếc xe thứ hai. Chiếc đi đầu chạy thoát. Chiếc thứ ba bị trúng đạn Badôka bốc cháy. Đoàn xe bị đánh bất ngờ ùn tắc lại. Tiểu đội công binh tiếp tục giật địa lôi. Xe địch chiếc lao xuống vực, chiếc quay đầu lao vào vách núi. Đại liên, trung liên, Badôka của đơn vị nhằm vào đoàn xe. Sau 10 phút nổ súng, ba đại đội xung kích của tiểu đoàn từ ven rừng Khau Phía đồng loạt xung phong. Già nửa quân địch là linh Âu - Phi chống cự yếu ớt. Cả đoàn xe, có cả xe bọc thép hộ tống, với khoảng 250 binh lính bị diệt và bị bắt (một số ít lính ngụy bỏ chạy vào rừng sâu.). Bộ đội thu chiến lợi phẩm rồi đốt xe. Ta chỉ hy sinh một chiến sĩ, bị thương năm người.

Sau trận này, đường số 4 bị cắt đứt nhiều ngày. Địch phải dùng máy bay thả dù tiếp tế cho Bắc Cạn, Cao Bằng, đóng thêm một số đồn bốt nhỏ dọc đường và huy động bảy đại đội càn sâu vào phía tây nam Đông Khê, Thất Khê từ 10 đến 12 ki-lô-mét. Tiểu đoàn 374 lại có dịp phối hợp với một đại đội độc lập và dân quân du kích tổ chức chặn địch, sau đó nhổ vị trí Văn Mịch. Ngày 8 tháng 11, tiểu đoàn 374 trung đoàn 11 và dân quân du kích chặn đánh quân địch ở Áng Mò, diệt 80 tên. Đường số 4 trở thành “Con đường chết” đối với địch.

Kinh nghiệm đánh hai trận Sông Lô và Bông Lau nhanh chóng được phổ biến trên toàn chiến trường Việt Bắc. Thắng lợi Bông Lau mở đầu cho hàng loạt trận phục kích lớn sau này. Bộ Tổng chi huy quyết định tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Bông Lau” cho tiểu đoàn 374.

Quân Pháp đi đến đâu cũng bị đánh, tiếp tế khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, lính hao mòn, mỏi mệt. Tìm cơ quan đầu não ta thì không thấy, tìm diệt chủ lực ta thì không gặp, tổ chức chiếm đóng thì khó khăn, rút quân thì mục tiêu cơ bản chưa đạt. Địch rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chúng buộc phải rút lui cục bộ: ngày 28 tháng 10 rời bỏ Bản Thi, Yên Thịnh; 13 tháng 11 rút Chợ Đồn; 16 tháng 11 Chợ Rã, Ngân Sơn. Kế hoạch “Lê-a” phá sản, quân Pháp chuyển sang giai đoạn hai trong tình thế bị động. Ta phát huy thắng lợi, quyết đánh chúng bật ra khỏi Việt Bắc.

Đến đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về sở chỉ huy cơ bản của Bộ ở Tràng Xá, đồng chí Đào Văn Trường ở lại làm phái viên đốc chiến trên Mặt trận đường số 4.

Sang giai đoạn 2, cả hai bên đều bố trí lại lực lượng. Bộ chỉ huy Pháp buộc phải lui quân thu hẹp địa bàn, vừa phải dùng hai trung đoàn, bộ binh Ma-rốc số 5 (5e RTM) và trung đoàn do trung tá Cô-xtơ chỉ huy, cùng lực lượng còn lại trên Việt Bắc để tập trung càn quét vùng tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Việt Trì - Phủ Lạng Thương với tham vọng “Bắt cho kỳ được cơ quan đầu não của Việt Minh, phá nát căn cứ địa”.

Về phía ta, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho các mặt trận bố trí lại lực lượng và giao địa bàn, nhiệm vụ đánh địch cụ thể cho từng đơn vị.

Ngày 10 tháng 11, pháo binh Khu 10 phát huy cách đánh “Đặt gần bắn thẳng”, phối hợp chặt chẽ với bộ binh và dân quân du kích làm trận địa nghi binh, dùng nhiều quả bưởi sơn đen giả thuỷ lôi thả trên sông lừa địch, đánh một trận xuất sắc trên sông Gâm, đoạn từ Chiêm Hoá về Tuyên Quang, đánh đắm bốn trong số năm tàu địch, diệt 200 tên địch.

Ngày 15 tháng 11, binh đoàn do Cô-xtơ (Coste) chỉ huy, từ Phả Lại theo đường bộ và sông Thương lên đánh chiếm Phủ Lạng Thương. Ba ngày sau, chúng càn quét vùng Nhã Nam, Yên Thế và Việt Yên (Bắc Giang). Tiểu đoàn 517 Khu 12 đánh được vài trận nhưng hiệu quả thấp vì thông tin kém, vận động chậm. Địch kìm chế được quân ta để yểm trợ cho cánh quân của Bô-phrê thực hành rút về hướng Thái Nguyên.

Ngày 19, Công an và tự vệ thị xã Tuyên Quang đánh địa lôi, diệt gần 100 tên địch ở ki-lô-mét số 6 đường Tuyên Quang - Hà Giang.

Những trận đánh liên tiếp trên sông Lô, sông Gâm và đường số 2, khiến các cơ quan thông tấn của Pháp gọi “Tuyên Quang là một nghĩa địa khổng lồ”. Tên quan tư Lơ-giốt (Lejsue) phải báo cáo về: “Vì trận đại bại của thuỷ binh, nên binh lính rất chán nản. Sỹ quan ra sức giữ vững tinh thần, nhưng không nên đưa họ ra trận nữa vì tinh thần suy sụp rất mau... Những hạ sĩ quan và đội trưởng tốt nhất đều bị thương”.

Từ đầu tháng 11, quân Pháp buộc phải đóng thêm nhiều đồn bốt nhỏ bảo vệ các tuyến đường số 4 và số 3. Trước khi có đoàn xe qua, địch phải tung quân lùng sục hai bên đường, vẫn không tránh khỏi những trận phục kích bất ngờ của quân ta.

Ngày 20 tháng 11, đợt tiến công mới của địch mang tên Xanh-tuya bắt đầu.

Sau hai ngày nghi binh và chuẩn bị, 2 giờ sáng 22 tháng 11, cánh quân của Com-muy-nan bí mật rút khỏi thị xã Tuyên Quang. Ta không nắm được nên bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Cùng ngày, trung đoàn Ma-rốc số 5 từ Hoà Bình ra càn quét Hưng Hoá, vượt sông Hồng đánh chiếm Việt Trì làm bàn đạp đón đồng bọn. Rút đến Bình Ca, cánh quân của Com-muy-nan chiếm đường liên tỉnh Tuyên Quang - Thái Nguyên hỗ trợ cho quân Bô-phrê từ Bắc Cạn về. Bộ Tổng chỉ huy phán đoán cuộc rút lui của địch bắt đầu. Trong khi rút có thể quân Pháp sẽ kết hợp lùng sục đánh phá các cơ quan đầu não của ta. Do đó đã lệnh cho các đơn vị chuẩn bị đánh địch trên đường rút lui và bố trí bảo vệ các cơ quan Trung ương. Quân ta đánh nhiều trận ở Sơn Dương, Bình Ca, diệt hàng trăm tên. Sáng 2 tháng 12, địch rút khỏi Sơn Dương, chia thành hai toán, một toán rút xuống Thiện Kế (Vĩnh Yên), toán còn lại rút qua đèo Khế sang Văn Lãng bắt liên lạc với quân Bô-phrê. Tại đèo Khế, chúng đã bị nhử vào trận địa phục kích của ta. Tuy có máy bay và bộ binh hộ tống nhưng đoàn quân rút theo đường sông rất chậm. Tại La Hoàng, một tàu trúng thuỷ lôi bốc cháy, gần 100 tên thuộc cơ quan tham mưu Com-muy-nan tử trận. Tới Phan Lương lại bị phục kích, một chiếc LCT trọng thương, nhiều tên địch bị diệt.

Ngày 25 tháng 11, trên mặt trận đường số 3, quân Pháp từ Bắc Cạn xuống từ Chợ Mới theo quốc lộ 3 đến ki-lô-mét 31 lên Quán Vuông và từ Chợ Mới một mũi tiến vào Chợ Chu. Ta đoán sai hướng địch rút nên bỏ lỡ cơ hội diệt địch. Ngày 26 tháng 11, địch rút khỏi Chợ Chu. Một tiểu đoàn quân dù nhảy xuống Thái Nguyên, Cù Vân, La Hiên, Tràng Xá yểm trợ cho quân Bô-phrê truy lùng cơ quan Trung ương ta, nhưng ta đã chủ động di chuyển từ trước. Quân ta di chuyển xuống phía Nam, vừa đánh quân rút chạy, phục kích quân ứng cứu, vừa bao vây uy hiếp những điểm chúng chiếm đóng. Ngày 28, ta diệt hàng trăm tên ở Kam Tra. Ngày 29, tiểu đoàn 102 diệt một đại đội ứng viện ở Lục Rã. Ngày 1 tháng 12, hai đại đội của trung đoàn 174 vừa hành quân từ Chợ Chu xuống gặp địch, đã diệt hơn 100 tên ở Quán Ông Già Thái Nguyên. Quân Pháp phải luồn rừng chạy về Quảng Nạp (Định Hoá), Phú Minh, Phục Linh (Đại Từ) nhưng vẫn bị ta đánh thiệt hại nặng. Thế trận càng nghiêng về phía quân ta.

Nhiều chiến trường trên cả nước đã có những hoạt động chiến đấu phối hợp với chiến trường Việt Bắc. Ở Hà Nội, biệt động hoạt động mạnh trong nội thành, diệt trừ Trương Đình Tri, thủ hiến Bắc phần Việt Nam. Du kích quấy rối ở Chèm, Cầu Giấy, Văn Điển, Vĩnh Tuy. Đại đội độc lập phối hợp với du kích tập kích địch ở Đan Phượng, Hoài Đức và Cần Kiệm (Thạch Thất). Cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội đã bắt giữ gần 300 tên tề gian ác. Ở nam phần Bắc Ninh, toàn bộ tề bị phá. Quần chúng nổi dậy như thời kỳ Tổng khởi nghĩa.

Khu 14, bộ đội Tây tiến giải phóng Chiềng Sai. Công tác vận động quần chúng ở Sơn La đạt nhiều kết quả, nhiều lính ngụy Thái đào ngũ.

Khu 5 và Khu 6 đánh địch khá mạnh. Những trận tập kích ở Ninh Hoà, Trại Dầu, Cam Ranh gây cho địch nhiều thiệt hại. Trên đường 19, chiến sĩ Ngô Mây dùng bom diệt gọn một trung đội địch, anh dũng hy sinh.

Ở Nam Bộ, bộ đội Gia Định phục kích tại Gò Nổi. Nửa đêm 14 tháng 11 năm 1947, tất cả các vị trí địch ở ven Sài Gòn: Thị Nghè, Gia Định, Gò Vấp, Bến Cát, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Lộc, Phú Thọ, Ngã Năm v.v... đều bị tập kích. Bộ đội Thủ Dầu Một đánh phục kích ở Phú Văn Hưng. Trận phục kích trên đường Thủ Dầu Một - Phú Riềng phá 10 xe, diệt 60 tên địch. Ở Biên Hoà, Lộc Ninh, Tây Ninh, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, nhiều vị trí địch bị tập kích, nhiều toán địch đi lẻ bị đánh; hàng trăm binh sĩ ngụy mang súng trở về với kháng chiến...

Đêm 30 tháng 11, tiểu đoàn 160 cùng với một đại đội thuộc trung đoàn 72 và du kích thị xã Bắc Cạn tập kích đồn Phủ Thông, diệt 50 tên. Đây là trận đầu tiên địch bị diệt trong sào huyệt có công sự kiên cố, trận tập kích của tiểu đoàn 160 đã làm rung chuyển hệ thống đồn bốt địch. Quân Pháp hốt hoảng rút lui càng vội vã. Ngày 6 tháng 12 chúng rút khỏi Định Hoá; 7 tháng 12, rút Võ Nhai. Nắm chắc thời cơ, ngày 15 tháng 12, bộ đội trung đoàn 165 đánh trận phục kích xuất sắc tại đèo Giàng, phá huỷ 17 xe, diệt 60 tên, thu hai triệu tiền Đông Dương và nhiều vũ khí, quân dụng. Các cánh quân Pháp trên đường rút chạy đều bị đánh thiệt hại nặng, kế hoạch “vành đai” không thực hiện “siết chặt” được mà bị băm nát. Ngày 19 tháng 12, đại bộ phận quân Pháp rút khỏi Việt Bắc. Cuộc hành quân hoàn toàn thất bại.

Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 của ta đã hoàn thành thắng lợi. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 7.200 tên (địch chết 3.300 tên, bị thương 3.900 tên, ra hàng 270 tên và một số bị bắt). 18 máy bay địch bị bắn hạ; 16 tàu chiến và 38 ca nô bị đánh chìm; 255 xe các loại bị phá huỷ. Ta thu hai pháo 105 mm, bảy pháo 75mm, 16 khẩu 20mm, 337 súng máy các cỡ, 45 Badoca, 1.660 súng trường, hàng chục tấn quân trang, quân dụng.

Ta: Hy sinh 260 đồng chí, bị thương 168 đồng chí; hỏng một pháo 75mm, mất bốn trung liên và 40 súng trường1.



Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra là “Phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp; bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến; bảo toàn và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc”. Ta đã bẻ gãy, đập tan cả bốn mục tiêu của thực dân Pháp; đập tan nát ý đồ chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài để đối phó với ta - rơi vào ý định chiến lược của Trung ương Đảng ta.

Đây là chiến dịch đầu tiên của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Bằng thắng lợi này, quân đội ta đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch ở đây là, khi địch chủ động tiến công, ta không bị động chọn loại hình phòng ngự mà chọn loại hình phản công để đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch (phản công trở thành một trong những loại hình chiến dịch đầu tiên của quân đội ta). Ta đã phản công địch bằng tiến công, lấy tiến công làm hình thức tác chiến chủ yếu. Các lực lượng tham gia chiến dịch đã được sử dụng rất linh hoạt, chiến tranh du kích đã được phát huy mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục, làm cho địch bị tiêu hao mòn mỏi và bị động đối phó. Trong đó, nét nổi bật là, ta đã chọn đúng thời cơ phản công (từ ngày 15 đến cuối tháng 10, ngay sau khi ta nắm được toàn bộ kế hoạch tiến công của chúng; ngay khi các cánh quân dù ở Bắc Cạn, quân đường thuỷ và quân đường bộ trên quốc lộ 3 gặp khó khăn); chọn đúng thời cơ “đồng loạt tiến công” khi địch bắt đầu rút quân; tổ chức và sử dụng lực lượng phản công hợp lý, đạt được hiệu suất chiến đấu và kết quả của chiến dịch. Ta đã nhận rõ chỗ yếu cơ bản ngay trên chỗ mạnh của “hai gọng kìm” của địch là: quân đông nhưng đường cơ động vừa độc đạo vừa hiểm trở nên đội hình kéo dài; từ đó ta kịp thời điều chỉnh lực lượng, kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội và dân quân du kích tại chỗ với các tiểu đoàn chủ lực cơ động, hình thành thế trận vừa vững chắc, vừa hiểm yếu, thực hiện những trận đánh phục kích, tập kích và vận động phục kích, vừa thực hiện chia cắt đội hình địch vừa phá tan ý đồ “phân tuyến” của chúng, tạo thành thế trận có lợi cho ta. Do đó, địch muốn tiến công nhanh, nhưng trên từng hướng buộc chúng phải dừng lại đối phó. Bằng lối đánh này, không những ta đã tránh được chỗ mạnh của địch mà còn từng bước vô hiệu hoá, tiến tới bẻ gãy từng “gọng kìm” của chúng, trước hết là hướng tây, hướng sông Lô, đường số 2; sau là đường số 4. Quy mô tác chiến phổ biến là tiểu đoàn và đại đội. Kết hợp giữa bộ binh trên bộ với pháo binh, công binh đánh trên sông, nhằm vào các đơn vị nhỏ quân địch đang cơ động hoặc buộc tạm dừng là chủ yếu, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, gây cho chúng những tổn thất nghiêm trọng, tiến tới giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch.

Trong chiến dịch, ta đã phát huy chiến tranh du kích rộng khắp, thực hiện tiêu hao, tiêu diệt quân địch khắp mọi nơi, địch đi đến đâu cũng bị đánh và tiêu hao. Từ nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch được phát huy tác dụng, ta đã chuyển nhanh từ thế bị động lúc đầu sang thế chủ động đánh địch theo cách đánh của ta, trên những hướng, những nơi đã chọn. Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 là chiến dịch phản công đầu tiên của quân đội ta vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch “Tiến công trong phản công địch trên địa hình rừng núi”. Đây là sự lãnh đạo tài tình sáng tạo, sự chỉ huy, chỉ đạo độc đáo, sắc sảo của Đảng ta.

Song, ta còn bộc lộ những mặt yếu và khuyết điểm:

Một là, nắm địch không chắt; thông tin chậm dẫn đến chỉ huy phán đoán sai về địch kể cả khi chúng bắt đầu tiến công (nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn), cũng như khi địch rút chạy. Thiếu kinh nghiệm đánh truy kích nên ta bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch rút chạy như đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh nói khi tổng kết chiến dịch: “Phán đoán sai nên điều động quân sai và đánh hụt địch, bộ đội mệt mà không lập được công”. Bộ đội, vì không nắm chắc địch nên bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, hạn chế đến hiệu suất chiến đấu nhất là khi đánh địch rút lui.

Hai là, ở hậu phương ta còn chủ quan, phòng thủ kém, sơ tán chậm nên khi địch nhảy dù, ta bị bất ngờ và tổn thất.

Ba là, vũ khí trang bị và thông tin thiếu, cũ, chất lượng kém, đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chiến đấu của bộ đội, kết qủa của chiến dịch.
__________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét