Dai Chung la su suy ngam cua toi ve cuoc doi, xa hoi, nhan sinh
CA SĨ QUỲNG GIAO
Nhận đường liên kết
Facebook
X
Pinterest
Email
Ứng dụng khác
-
(ĐC sưu tẩm trên NET)
Vĩnh biệt ca sỹ Quỳnh Giao
5 tháng 8 2014
Lễ
tang ca sỹ Quỳnh Giao vừa được tổ chức tại Nam California, Hoa Kỳ cuối
tháng 7 vừa qua sau khi bà qua đời một tuần trước đó tại Garden Grove.
Sinh năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế, bà có tên thật là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang.
Năm 5 tuổi, cha của Đoan Trang qua đời và người mẹ tái giá với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Thân thế và dòng tộc
Về dòng họ, ca sỹ thuộc Hoàng phái vì có song thân là cụ Ưng Quả và danh ca Minh Trang, đều từ Huế.
Thân
phụ Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951) là cháu nội Tuy Lý
Vương Miên Trinh, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu
Trị.
Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt
học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này
có nhiều khoa trưởng của các Đại học thời độc lập.
Ông cũng từng
là Thái tử Thiếu bảo khi dạy học Thái tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường
Quốc học tại Huế, Giám đốc Nha học chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của
nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn
hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ
và văn học Việt qua Pháp ngữ.
Cũng trong dòng họ, Tướng Nguyễn Khoa Nam gọi cụ Ưng Quả là cậu, em ruột của mẹ.
Thân
mẫu Quỳnh Giao, nghệ sĩ Minh Trang, có khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc
Trâm, là con gái của Thượng thư Nguyễn Hy. Bà là cháu ngoại của Công
chúa Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, tức Mỹ Lương Công chúa, là chị cả của vua
Thành Thái.
Ở tại Huế đến khi lên bảy, Quỳnh Giao mới vào Sài Gòn
sống với thân mẫu và kế phụ là Dương Thiệu Tước, một nghệ sĩ đã góp
phần khai phá nền tân nhạc cải cách, nhạc sư đàn Tây Ban Cầm và là cháu
nội của một danh sĩ Bắc Hà, Thượng thư Dương Khuê.
Sự nghiệp âm nhạc
Do huyết thống và lại sống trong môi trường âm nhạc, Quỳnh Giao có năng khiếu về nhạc từ bé.
Vừa
cắp sách vào lớp trung tiểu học, Quỳnh Giao vừa học nhạc tại trường
Quốc gia Âm nhạc (trường có thêm ban Kịch nghệ sau này) và được sự dìu
dắt về dương cầm của danh sư Đỗ Thế Phiệt và về nhạc lý từ nhạc sĩ Hùng
Lân.
Với Hùng Lân, Quỳnh Giao là một trong những học trò giỏi nhất của ông.
Là
dương cầm thủ xuất sắc, Quỳnh Giao đã trình tấu cùng nhiều danh cầm
Việt Nam và ngoại quốc trong Dàn Nhạc Giao Hưởng của trường Quốc gia Âm
nhạc dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng Đỗ Thế Phiệt và nhiều lần xuất
hiện trong các chương trình hòa nhạc tại Đông Nam Á.
Quỳnh Giao
từng tốt nghiệp lớp dương cầm ở Trung Tâm văn Hóa Pháp, Alliance
Française và thực sự đến với âm nhạc vào năm 1961, khi mới 15 tuổi. Quỳnh Giao trở thành một ca sĩ quan trọng trong những chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Sài Gòn
Lúc đó, bà Minh Trang đang cộng tác với ban Tây Hồ
của nhạc sĩ Hoàng Trọng thì mất giọng nên Quỳnh Giao được mời vào thay
thế cho mẹ.
Từ đó, Quỳnh Giao trở thành một ca sĩ quan trọng trong
những chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội và
Tiếng Nói Tự Do trước năm 1975.
Trong những năm đầu 1970 Quỳnh
Giao cũng với các em gái Vân Quỳnh, Vân Khanh và Vân Hòa thành lập Ban
tứ ca Bốn Phương chuyên hát tại vũ trường Ritz và thâu âm cho các trung
tâm Băng nhạc Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương và Premier.
Sau 1975
Khi biến cố 1975 bùng nổ, Quỳnh Giao cùng gia đình di tản vào Tháng Tư và được anh ruột đón về miền Đông Hoa Kỳ.
Bào huynh của Quỳnh Giao là Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Dương khi ấy dạy văn chương Pháp và Trung Hoa trong Đại học Hoa Kỳ.
Ông
là một trong những người Việt đầu tiên tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học
Harvard và nay sống tại miền Nam California với gia đình Quỳnh Giao.
Tại miền Đông, Quỳnh Giao mở lại lớp dương cầm tại gia và yểm trợ rồi đón nhận thân mẫu cùng các em vượt biên qua Mỹ.
Trong thời gian này, Quỳnh Giao thực hiện lấy hai băng cassette có chủ đề "Hát Cho Kỷ Niệm" vào các năm 1983 và 1988.
Tự
đệm lấy dương cầm với phần phụ họa của Văn Phụng và vài nhạc sĩ, Quỳnh
Giao trình bày lại những ca khúc đẹp nhất của tân nhạc với lời giới
thiệu của các nghệ sĩ Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến,
Thái Thanh, Kim Tước, Châu Hà, Mai Thảo, Lê Văn, Duyên Anh, Bùi Bảo
Trúc, Phạm Văn Kỳ Thanh...
Sang năm 1986, Quỳnh Giao cũng được nhà văn Duyên Anh mời trình bày đĩa nhạc "Còn Thoáng Chiêm Bao".
Cùng
giai đoạn ấy, Quỳnh Giao cộng tác và lưu diễn một số nơi với nhạc sĩ
Phạm Đình Chương, nhưng cơ hội không nhiều vì sinh hoạt văn nghệ chưa
phát triển rực rỡ như sau này.
Sau khi tái giá với chuyên gia kinh
tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, sau là nhà bình luận hợp tác với các đài phát
thanh quốc tế và các tờ báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ, Quỳnh Giao qua
California sinh sống kể từ 1991.
Trong môi trường sinh động và đông đảo người Việt tại miền Tây Hoa Kỳ, Quỳnh Giao có cơ hội mở rộng hoạt động tân nhạc.
Quỳnh
Giao lần lượt thực hiện nhiều đĩa nhạc có giá trị nghệ thuật, đa số với
hòa âm của Duy Cường và hợp tác với nhiều trung tâm để hoàn thành đĩa
Đêm Tàn Bến Ngự - Tình Khúc Dương Thiệu Tước (1995) với tiếng hát Kim
Tước, đĩa Tình Khúc Văn Cao (1995) cùng tiếng hát Mai Hương và có những
ca khúc ghi âm riêng lẻ trong nhiều đĩa phát hành từ 1993 đến 2006.
Viết báo và làm phát thanh
Năm 1997 Quỳnh Giao thực hiện cho ban Việt ngữ đài BBC chương trình "Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam".
Được
phát thanh hàng tuần qua 20 buổi, chương trình thuộc loại "nhạc sử" vì
nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời phôi thai năm 1938 đến
sau này. Bà Quỳnh Giao qua California sinh sống kể từ 1991
Quỳnh Giao phân đoạn theo thời gian, theo thể tài và
đọc lời giới thiệu với phần minh diễn của các ca sĩ và phần phát biểu
của nhiều nhạc sĩ.
Nhờ nội dung phong phú và nhạc hiệu là bản Bến
Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao diễn tả, Suối Nguồn Tân Nhạc được
thính giả yêu thích nên là một trường hợp hiếm hoi được BBC cho phát lại
lần thứ hai.
Nguyên nhân sâu xa nữa sẽ được hiểu ra sau này là
Quỳnh Giao có ký ức rất sâu, đã sống với tân nhạc từ bé, gần gũi với các
nhạc sĩ và ca sĩ như trong một đại gia đình nên nắm vững hoàn cảnh ra
đời của từng ca khúc.
Người ta thấy được điều này khi đọc Quỳnh Giao.
Quỳnh Giao viết về nhạc thì cũng như kể chuyện về các nghệ sĩ bằng hữu của thân mẫu.
Nhưng
kiến thức sâu sắc về nhạc và về kỹ thuật trình bày còn giúp người đọc
nhớ lại và có sự thưởng ngoạn cao hơn với từng tác phẩm, từng tác giả
hay người trình diễn.
Quỳnh Giao cộng tác với giai phẩm Xuân của
Việt Báo và nhật báo Người Việt trong mục "Tạp Ghi" với những bài định
kỳ mỗi tuần và trên Người Việt kể từ năm 2005, đến nay đã có gần 500
bài.
Không chỉ đọc Quỳnh Giao, người ta còn nghe thấy tiếng nói thanh quý rất ăn micro của người nghệ sĩ.
Những
ai còn nhớ tới Quỳnh Giao trong chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc năm
xưa trên làn sóng đài BBC tìm lại được tiếng nói đó qua mục Vòng Chân
Trời Văn Học Nghệ Thuật với nhà báo Lê Đình Điểu của đài phát thanh
VNCR.
Tháng 10, năm 2011, tờ Người Việt cho xuất bản Tạp Ghi Quỳnh
Giao, một cuốn sách thuộc loại ăn khách với 67 bài trên hơn 400 trang.
Mùa Xuân 2014, Quỳnh Giao được xe cấp cứu đưa vào nhà thương vì bị ung thư phổi.
Bà
qua đời ở Fountain Valley ở miền Nam California, hôm 23/7 vừa nhiều
thập niên làm đẹp cho đời bằng tiếng hát tuyệt vời và những bài viết về
nghệ thuật, về mỹ thuật.
"Lòng Ta Ở Với Người" là tên một ca khúc
của Trần Dạ Từ mới được Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có lẽ đấy
cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra đi. Bài tổng hợp từ các tin đã đăng trên báo chí tiếng Việt ở Hoa Kỳ và tư liệu gia đình bà Quỳnh Giao gửi cho BBC.Các
chương trình bằng âm thanh của BBC Tiếng Việt gồm cả 'Suối Nguồn Tân
Nhạc Việt Nam' hiện được lưu trữ dạng kỹ thuật số (digital archives) ở
London và Đại học Stanford, Hoa Kỳ.
TIẾNG HÁT THỦY TINH CỦA CA SĨ QUỲNH GIAO - Biên soạn: Phan Anh Dũng
Hai
hôm trước, tôi có nhận thông báo từ Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng (Santa
Maria, California) là Ca sĩ Quỳnh Giao đã qua đời. Tôi bàng hoàng vì
không ngờ chị ra đi quá nhanh ở tuổi 68. Sở dĩ tôi nói quá nhanh là vì
chỉ mới vài tháng trước, tôi được tin chị lâm bệnh nặng nên "tạm thời"
ngưng chương trình "Câu Chuyện Văn Nghệ với Quỳnh Giao" ở Người Việt TV
do Nam Phương, rồi Lê Hồng Quang đồng phụ trách. Lúc ấy, tôi thầm
nghĩ: "tội nghiệp cho ca sĩ Lê Hồng Quang, anh vừa mới bắt tay cộng tác
với ca sĩ Quỳnh Giao mục văn nghệ thật lý thú này!"
Tôi
nhớ lại một kỷ niệm đẹp vào tháng 3 năm 2012, nhân dịp qua Nam
California, Tâm Hảo và tôi đã gặp một số nghệ sĩ như Nhà Soạn Nhạc Lê
Văn Khoa, Ca sĩ Lê Hồng Quang tại studio dạy nhạc, Nhạc sĩ Thanh Trang,
Nhạc sĩ Tuấn Khanh tại quán phở "Hoa Soan Bên Thềm Cũ", và 2 Họa sĩ Vi
Vi và Cát Đơn Sa (ở San Diego).
Chúng
tôi có đến thăm ca sĩ Quỳnh Giao tại tư gia ở Fountain Valley. Căn nhà
xinh xắn, vườn tược gọn ghẽ, trang trí thanh nhã và dĩ nhiên không
thể thiếu cái đàn piano ở phòng khách. Chị vui tươi, trẻ trung niềm nở
chào đón "khách phương xa". Sau đó, chị ký tặng một số sách "Tạp Ghi
Quỳnh Giao" vừa ra mắt vài tháng trước (10/2011). Tuy ở xa nhưng chị
vẫn được tin tức của anh chị em văn nghệ vùng Hoa Thịnh Đốn.
Theo
thiển ý, ca sĩ Quỳnh Giao là một người có thực tài về nhiều khía cạnh
nghệ thuật. Ngoài ca hát, chị còn đàn và dạy piano, viết văn, làm chương
trình "talk show" TV ...
Chị
được nuôi dưỡng trong một môi trường âm nhạc lý tưởng (Mẹ là danh ca
Minh Trang, kế phụ là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước). Bề dày kinh nghiệm của
chị từ sự học hỏi và thực hành hầu như mỗi ngày từ các ban Tuổi Xanh,
Tây Hồ, Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Nhạc Tâm Tình... và được huấn luyện chính
thức từ các giáo sư nổi tiếng của Trường Quốc Gia Âm Nhạc (Quỳnh Giao
tốt nghiệp thủ khoa ngành piano và nhạc pháp). Trong thời gian này, chị
vẫn theo học ở trường Trung Học Gia Long.
Ca sĩ Quỳnh Giao có
giọng hát soprano, thanh, mỏng và có kỹ thuật cao về đơn ca và hát bè.
Danh ca Châu Hà đã từng nhận định: "tiếng hát Quỳnh Giao vẫn trong, chưa
hề vẩn đục, tôi đặt tên cho giọng hát này là giọng hát thủy tinh" khi giới thiệu Quỳnh Giao hát nhạc phẩm "Yêu" của Nhạc sĩ Văn Phụng năm 1988.
Có
lẽ là một ngạc nhiên cho giới yêu âm nhạc: Quỳnh Giao có ngón đàn
piano khá điêu luyện, đã từng trình tấu solo hay đàn với dàn nhạc khi
còn trẻ. Chị còn sáng tác một số ca khúc, thí dụ như: Bâng Khuâng, sáng tác năm 1965, âm điệu cổ điển, được nhạc trưởng Vũ Thành khen ngợi.
Quỳnh
Giao cộng tác nhiều năm với Báo Người Việt, giữ mục viết tạp ghi văn
nghệ, phần lớn viết về ca nhạc sĩ Việt Nam trước 1975 và ngoại quốc.
Bài viết của chị dễ đọc, dí dỏm, dựa trên kinh nghiệm sống thực cộng
thêm khảo cứu.
Chị nói chuyện lưu loát, duyên dáng với người
cộng tác và nghiên cứu kỹ lưỡng nên nhịp nhàng, lôi cuốn khi giữ mục
"Câu Chuyện Văn Nghệ với Quỳnh Giao" ở Người Việt TV.
Xin được thành tâm cảm ơn những đóng góp tích cực quý báu của người nghệ sĩ tài hoa Quỳnh Giao cho tân nhạc Việt Nam.
Cầu
mong hương linh nghệ sĩ Quỳnh Giao, pháp danh: Như Nghiêm, khuê danh:
Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sớm về cõi Niết Bàn.
Phan Anh Dũng(Richmond, Virginia - USA; 25 tháng 7, 2014)
Mời đọc: toàn bài viết pdf (đăng trên Cỏ Thơm số 68)
Tiểu sử chính thức của nghệ sĩ Quỳnh Giao (Nguồn http://www.nguoi-viet.com/ - Monday, July 28, 2014)
Di ảnh nghệ sĩ Quỳnh Giao. (Hình: Gia đình cung cấp)
Quỳnh
Giao sinh tại Vỹ Dạ của cố đô Huế vào ngày 8 Tháng Mười Một năm 1946
với khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang.
Nói theo lối cổ điển về thân thế, Quỳnh Giao thuộc “Hoàng phái” từ song thân là cụ Ưng Quả và danh ca Minh Trang.
Thân
phụ là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), cháu nội Tuy Lý
Vương Miên Trinh, tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của
vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị. Nhà Giáo Ưng Quả là học giả uyên bác
được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một
thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các đại học thời độc
lập. Học Giả Ưng Quả từng là Thái Tử Thiếu Bảo khi dạy học Thái Tử Bảo
Long, Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung
Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công
trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn
chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ... Ngoài ra, cụ
còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.
Cụ Ưng Quả mất vào năm 1951 tại Bộ Học sau một cơn trụy tim, thọ 46 tuổi, khi Quỳnh Giao mới lên năm.
Cũng trong dòng họ, Tướng Nguyễn Khoa Nam gọi cụ Ưng Quả là cậu, em ruột của mẹ.
Thân
mẫu Quỳnh Giao, nghệ sỹ Minh Trang, có khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc
Trâm, là con gái của Thượng Thư Nguyễn Hy. Bà là cháu ngoại của Công
Chúa Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, tức Mỹ Lương Công Chúa. Công Chúa Mỹ
Lương được người đương thời tôn xưng là “Ngài Chúa Nhất” vì là chị cả
của vua Thành Thái. Bà Ngọc Trâm sinh năm 1921, tốt nghiệp Tú Tài Pháp,
làm biên tập viên và xướng ngôn viên song ngữ Pháp-Việt trong lãnh vực
phát thanh từ thời Pháp. Bà lấy nghệ danh Minh Trang từ khi hát cho đài
Pháp Á vào buổi bình minh của nền tân nhạc Việt Nam.
Nghệ danh ấy
là sự kết hợp tên của con trai và con gái của bà là hai nghệ sỹ Bửu
Minh và Ðoan Trang. Bửu Minh là danh thủ violon, ngồi ghế concert master
của dàn nhạc hòa tấu Stuttgart Symphony ở Ðức. Danh ca Minh Trang đã tạ
thế vào Tháng Tám năm 2010 tại California Hoa Kỳ.
Ở tại Huế đến
khi lên bảy Quỳnh Giao mới vào Sài Gòn sống với thân mẫu và kế phụ là
Dương Thiệu Tước, một nghệ sĩ đã góp phần khai phá nền tân nhạc cải
cách, nhạc sư đàn Tây Ban Cầm và là cháu nội của danh sĩ, Thượng thư
Dương Khuê.
Do huyết thống và lại sống trong môi trường âm nhạc, Quỳnh Giao có năng khiếu về nhạc từ bé.
Khi
danh ca Minh Trang lập ban hát thiếu nhi đầu tiên là Thiếu Sinh Nhi
Ðồng thì Ðoan Trang đã cùng anh trai tham dự, với tiếng hát thiếu nhi
của Mai Hương, Bích Chiêu, Bạch Tuyết, Kim Chi, Quốc Thắng và Tuấn
Ngọc.... Sau năm 1953, khi hai kịch sĩ Kiều Hạnh và Phạm Ðình Sĩ (song
thân của Mai Hương) vào Nam thì Minh Trang nhường cặp nghệ sĩ này điều
hành ban hát Nhi Ðồng và đổi tên ra Ban Tuổi Xanh cho thích hợp với lứa
tuổi của ca sĩ thiếu nhi. Ðấy là lúc xuất hiện những tiếng hát như Hoàng
Oanh, Mai Hân, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu....
Vừa cắp sách vào
lớp trung tiểu học, Quỳnh Giao vừa học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc
(trường có thêm Ban Kịch Nghệ sau này) và được sự dìu dắt về dương cầm
của danh sư Ðỗ Thế Phiệt (dì Ngọc Thuyền trong gia đình) và về nhạc lý
từ nhạc sĩ Hùng Lân. Với Hùng Lân, Quỳnh Giao là một trong những học trò
giỏi nhất của ông. Sau bảy năm học nhạc, năm 1963, Quỳnh Giao tốt
nghiệp thủ khoa về dương cầm lẫn nhạc pháp, và sau này còn được sự dìu
dắt về thanh nhạc của một giáo sư Pháp, cứ được gọi là Madame Robin.
Là
dương cầm thủ xuất sắc, Quỳnh Giao đã trình tấu cùng nhiều danh cầm
Việt Nam và ngoại quốc trong Dàn Nhạc Giao Hưởng của trường Quốc Gia Âm
Nhạc dưới sự điều khiển của Nhạc Trưởng Ðỗ Thế Phiệt và nhiều lần xuất
hiện trong các chương trình hòa nhạc tại Ðông Nam Á.
Do Minh
Trang bị hen suyễn phải giải nghệ, ở tuổi 15, Quỳnh Giao chính thức hát
thay mẹ và một cách thường xuyên trong nhiều ban nhạc lớn tại các đài
phát thanh. Từ đó, với nghệ danh Quỳnh Giao do nhạc sĩ Hoàng Trọng đặt
cho, Quỳnh Giao vừa đi học vừa đi hát tại các đài phát thanh Sài Gòn,
Quân Ðội, Tiếng Nói Tự Do và đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam sau này,
trong các ban nhạc của Vũ Thành, Hoàng Trọng, Hoàng Lang, Phạm Duy, Anh
Ngọc, v.v....
Trong hoàn cảnh thân mẫu về hưu, kế phụ làm công
chức, là một nhạc sĩ tài hoa có nhiều đam mê, Quỳnh Giao thực tế hỗ trợ
gia đình và được năm em bên dòng họ Dương vô cùng yêu quý. Từ năm 1968,
Quỳnh Giao còn dạy dương cầm tại gia về nhạc cổ điển Tây phương và lập
gia đình, được một con gái là Dzương Ngọc Bảo Cơ sau này tốt nghiệp cử
nhân về Giáo Dục tại Hoa Kỳ.
Trong lãnh vực phát thanh có đào tạo
chuyên nghiệp thời trước, các ca sĩ không được chọn ca khúc mà phải
trình bày những bản nhạc có hòa âm sẵn theo yêu cầu tại chỗ của nhạc
trưởng. Ngoài giọng ca, họ phải biết ký âm pháp, giỏi nhạc, một ngày ứng
khẩu hát nhiều bài khác nhau trước máy vi âm được phát thanh trực tiếp.
Quỳnh Giao là một trường hợp tiêu biểu cho các ca sĩ đài phát thanh.
Khi
biến cố 1975 bùng nổ, Quỳnh Giao cùng gia đình di tản vào Tháng Tư và
được anh ruột đón về miền Ðông Hoa Kỳ. Bào huynh của Quỳnh Giao là Giáo
Sư Nguyễn Phước Bửu Dương khi ấy dạy văn chương Pháp và Trung Hoa trong
đại học Hoa Kỳ. Ông là một trong những người Việt đầu tiên tốt nghiệp
tiến sĩ tại Ðại Học Harvard và nay sống tại miền Nam California với gia
đình Quỳnh Giao.
Tại miền Ðông, Quỳnh Giao mở lại lớp dương cầm tại gia và yểm trợ rồi đón nhận thân mẫu cũng các em vượt biên qua Mỹ.
Trong
thời gian này, Quỳnh Giao thực hiện lấy hai băng cassette có chủ đề
“Hát Cho Kỷ Niệm” vào các năm 1983 và 1988. Tự đệm lấy dương cầm với
phần phụ họa của Văn Phụng và vài nhạc sĩ, Quỳnh Giao trình bày lại
những ca khúc đẹp nhất của tân nhạc với lời giới thiệu của các nghệ sĩ
Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Thái Thanh, Kim Tước,
Châu Hà, Mai Thảo, Lê Văn, Duyên Anh, Bùi Bảo Trúc, Phạm Văn Kỳ Thanh,
v.v... Qua năm 1986, Quỳnh Giao cũng được nhà văn Duyên Anh mời trình
bày đĩa nhạc “Còn Thoáng Chiêm Bao.”
Cùng giai đoạn ấy, Quỳnh
Giao cộng tác và lưu diễn một số nơi với nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, nhưng
cơ hội không nhiều vì sinh hoạt văn nghệ chưa phát triển rực rỡ như sau
này. Ðáng chú ý thì năm 1988 và 1989 đã cùng Kim Tước và Mai Hương
trình bày nhạc Cung Tiến với dàn nhạc thính phòng của nhạc công người Mỹ
tại miền Bắc, miền Nam California, Chicago và Minnesota.
Ðấy là
lúc khán giả biết đến những ca khúc mới và thuộc loại khó diễn tả nhất
của Cung Tiến, như 10 bài Vang Vang Trời Vào Xuân phổ thơ Thanh Tâm
Tuyền. Và nhất là tác phẩm Hoàng Hạc Lâu, phổ thơ Thôi Hiệu qua phần cảm
dịch của Vũ Hoàng Chương.
Sau khi tái giá với chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa - sau này là nhà bình luận hợp tác với các đài phát
thanh quốc tế và các tờ báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ, Quỳnh Giao qua
California sinh sống kể từ 1991. Trong môi trường sinh động và đông đảo
người Việt tại miền Tây Hoa Kỳ, Quỳnh Giao có cơ hội mở rộng hoạt động
tân nhạc.
Quỳnh Giao lần lượt thực hiện nhiều đĩa nhạc có giá trị
nghệ thuật, đa số với hòa âm của Duy Cường, như Khúc Nguyệt Quỳnh
(1992), Tiếng Chuông Chiều Thu (1996), Chiều Về Trên Sông (1997), Ngàn
Thu Áo Tím (1998), Hành Trình Phạm Duy (1999), Hình Ảnh Một Buổi Chiều
(2000), Tình Khúc Văn Phụng & Hoàng Trọng (2001), Thơ Tình Phổ Nhạc
(2002), Hoa Xuân (2003), Trở Về Thôn Cũ (2005) và Tình Khúc Phạm Duy
(2006).
Ngoài ra, Quỳnh Giao hợp tác với nhiều trung tâm để hoàn
thành đĩa Ðêm Tàn Bến Ngự - Tình Khúc Dương Thiệu Tước (1995) với tiếng
hát Kim Tước, đĩa Tình Khúc Văn Cao (1995) cùng tiếng hát Mai Hương và
có những ca khúc ghi âm riêng lẻ trong nhiều đĩa phát hành từ 1993 đến
2006.
Trong giai đoạn này, Quỳnh Giao còn có hai cống hiến khác cho tân nhạc.
Nhờ
sống gần Kim Tước và Mai Hương tại miền Nam California, ba chị em trình
diễn với nhau nhiều hơn và khi hợp ca thì tự động chia bè rất ăn khớp
với sự điêu luyện độc đáo. Từ đó, Ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng Hải Ngoại ra
đời để nhắc về ban nhạc Tiếng Tơ Ðồng nổi tiếng trước 75 của nhạc sĩ
Hoàng Trọng khi ấy còn ở trong nước.
Ðáng kể hơn, là năm 1997
Quỳnh Giao thực hiện cho ban Việt ngữ đài BBC chương trình Suối Nguồn
Tân Nhạc Việt Nam. Ðược phát thanh hàng tuần qua 20 buổi, chương trình
thuộc loại “nhạc sử” vì nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời
phôi thai năm 1938 đến sau này.
Quỳnh Giao phân đoạn theo thời
gian, theo thể tài và đọc lời giới thiệu với phần minh diễn của các ca
sĩ và phần phát biểu của nhiều nhạc sĩ. Nhờ nội dung phong phú và nhạc
hiệu là bản Bến Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao diễn tả, Suối Nguồn
Tân Nhạc được thính giả yêu thích nên là một trường hợp hiếm hoi được
BBC cho phát lại lần thứ hai.
Nguyên nhân sâu xa nữa sẽ được hiểu
ra sau này là Quỳnh Giao có ký ức rất sâu, đã sống với tân nhạc từ bé,
gần gũi với các nhạc sĩ và ca sĩ như trong một đại gia đình nên nắm vững
hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc.
Người ta thấy được điều này khi đọc Quỳnh Giao.
Các
môn sinh của thầy Ưng Quả trong trường Quốc Học thì không ngạc nhiên
khi thấy Quỳnh Giao cầm bút. Sinh thời, nhà giáo ngày xưa là người lịch
lãm tài hoa với ngón đàn nguyệt mà cũng là một cây bút sắc xảo. Quỳnh
Giao tiếp nhận được huyết thống ấy, mà có lẽ khi còn thiếu thời đã không
tự biết.
Năm 1986, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 65 của nhạc sĩ
Phạm Duy, từ miền Ðông, Quỳnh Giao đã có bài viết được đăng trên tờ Văn
Học xuất bản tại California. Sau đó là một bài về nhạc sĩ Vũ Thành vừa
tạ thế vào năm 1987. Ðược sự khuyến khích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác
khi ấy phụ trách tờ Văn Học, Quỳnh Giao đã viết nhiều hơn từ tùy bút đến
truyện ngắn cho Văn Học và các tờ báo định kỳ khác, kể cả Thế Kỷ 21.
Khởi đầu là đề tài âm nhạc, gần như một loại tự truyện về thế giới tân
nhạc Việt Nam, sau này, Quỳnh Giao mở tầm viết và gây thích thú cho
người đọc...
Quỳnh Giao viết về nhạc thì cũng như kể chuyện về
các nghệ sĩ bằng hữu của thân mẫu. Nhưng kiến thức sâu sắc về nhạc và về
kỹ thuật trình bày còn giúp người đọc nhớ lại và có sự thưởng ngoạn cao
hơn với từng tác phẩm, từng tác giả hay người trình diễn. Nhờ vậy, độc
giả cảm nhận được giá trị đích thực của các ca khúc.
Khi mở ra
loại đề tài như điện ảnh, văn chương hay mỹ thuật, Quỳnh Giao còn cho
thấy sự am hiểu rộng lớn và thấu đáo. Với văn phong nhẹ nhàng, cái nhìn
tinh tế và cách nói khiêm nhường dí dỏm về mình, Quỳnh Giao lôi cuốn bạn
đọc và dần dần có một thành phần bạn đọc riêng.
Những điều ấy
trở thành rõ rệt khi Quỳnh Giao cộng tác với giai phẩm Xuân của Việt Báo
và nhật báo Người Việt trong mục “Tạp Ghi” với những bài định kỳ mỗi
tuần. Tạp Ghi Quỳnh Giao là mục ăn khách trên Người Việt kể từ năm 2005.
Cho đến nay thì đã có gần 500 bài.
Không chỉ đọc Quỳnh Giao,
người ta còn nghe thấy tiếng nói thanh quý rất ăn micro của người nghệ
sĩ. Những ai còn nhớ tới Quỳnh Giao trong chương trình Suối Nguồn Tân
Nhạc năm xưa của BBC tìm lại được tiếng nói đó qua mục Vòng Chân Trời
Văn Học Nghệ Thuật với nhà báo Lê Ðình Ðiểu của đài phát thanh VNCR. Sau
này, khi Người Việt TV thành hình từ Người Việt Online, Quỳnh Giao xuất
hiện trên màn ảnh trong chương trình “Câu Chuyện Văn Nghệ” cùng Nam
Phương hay Lê Hồng Quang. Ðấy là lúc khán giả thấy ra “cây bút Quỳnh
Giao” bằng xương thịt, với lối ứng khẩu tự nhiên và nhu mì để nói về đủ
loại đề tài hấp dẫn.
Trong khi đó, ở nhà, Quỳnh Giao tiếp tục việc dạy đàn và mở lớp luyện giọng.
Tháng
10, năm 2011, tờ Người Việt cho xuất bản Tạp Ghi Quỳnh Giao, một cuốn
sách thuộc loại ăn khách với 67 bài trên hơn 400 trang. Qua năm 2012,
Quỳnh Giao chuẩn bị hoàn thành cuốn thứ hai thì ngã trong vườn và bị
thương nặng. Sau một cuộc giải phẫu công phu vào Tháng Năm, việc sử dụng
tay trái đã bị trở ngại. Lớp dạy đàn mở ra từ mấy chục năm trước coi
như chấm dứt.
Mùa Xuân 2014, Quỳnh Giao tưởng mình ho vì bị cảm
lạnh. Nhưng sau một tháng chữa trị bình thường mà bệnh không dứt. Vào
một đêm của đầu Tháng Ba khi bị mất giọng, Quỳnh Giao mới được xe cấp
cứu đưa nhà thương và hôm sau thì như bị sét đánh. Ung thư phổi. Ðiều
này là bất ngờ vì trước đó không hề có triệu chứng gì, kể từ khi chiếu
điện vì gãy cánh tay mặt.
Sau hơn bốn tháng giải quyết bằng hóa
trị rồi xạ trị, Quỳnh Giao suy yếu dần về thể lực mà thần trí vẫn minh
mẫn lạc quan. Cho tới khi phải thường xuyên dùng ống dưỡng khí và đối
phó với nhiều biến chứng thì tình hình trở thành nguy kịch. Ðêm Thứ Ba
rạng ngày Thứ Tư 23 Tháng Bảy, Quỳnh Giao lặng lẽ gỡ ống dưỡng khí và ra
đi thanh thản trong giấc ngủ trước sự bàng hoàng ngơ ngác của chồng
con.
Quỳnh Giao làm đẹp cho đời bằng tiếng hát tuyệt vời và những
bài viết về nghệ thuật về mỹ thuật. Người ta thấy yêu đời và yêu người
hơn khi nghe hay đọc Quỳnh Giao.
“Lòng Ta Ở Với Người” là tên một
ca khúc của Trần Dạ Từ mới được Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có
lẽ đấy cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra
đi...
(Đã
được Nhà văn Phạm Xuân Đài đọc trong buổi tưởng niệm ca sĩ Quỳnh Giao
vào trưa ngày 30 tháng 7, 2014 tại nhà quàn Peek Family, Westminster -
Nam California, trước giờ hỏa thiêu).
Kính thưa quý vị,
Hôm
nay chúng ta tiễn đưa một người bạn nghệ sĩ của chúng ta về cõi vĩnh
hằng với rất nhiều nuối tiếc. Đối với riêng tôi, nỗi tiếc nuối rất sâu
đậm, vì từ lâu tôi đã nhận ra và cảm phục Quỳnh Giao là con người rất
mực tài hoa.
Quỳnh Giao đã được nuôi dưỡng trong giai đoạn trưởng
thành của nền tân nhạc Việt Nam, đã được học hành đến nơi đến chốn
trong trường Quốc Gia Âm Nhạc của Việt Nam Cộng Hòa, đã đậu thủ khoa khi
ra trường, đã sống trọn vẹn trong môi trường âm nhạc từ trong gia đình
ra ngoài xã hội, từ nhỏ đến lớn, từ trong nước ra hải ngoại. Tài năng về
âm nhạc của Quỳnh Giao chắc chắn hôm nay sẽ được những người trong giới
âm nhạc nói tới. Nhưng khả năng và kiến thức về âm nhạc, nghệ thuật còn
thể hiện trong lãnh vực viết lách, có thể nói cho tới giờ phút này, ít
ai có được những thuận lợi để viết về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ của
mình hơn là Quỳnh Giao.
Với lợi thế lớn lên trong gia đình của
đôi nghệ sĩ nổi tiếng Dương Thiệu Tước-Minh Trang, lại tham gia vào thế
giới âm nhạc từ thủa bé, Quỳnh Giao đã tích lũy không biết bao nhiêu là
kỷ niệm và sự quen biết với các nhạc sĩ, ca sĩ, bao nhiêu là kiến thức
về các tác phẩm và các sinh hoạt âm nhạc đủ loại của suốt thời gian sống
tại miền Nam. Đọc Quỳnh Giao, người ta mới thấy tác giả đúng là một
cuốn tự điển sống về cái thế giới ấy, một cây bút đầy linh động không
chỉ vì sự hiểu sâu biết kỹ, mà còn vì khả năng diễn đạt bằng văn chương
những chỗ uẩn áo của âm nhạc phát tiết ra nơi từng người nghệ sĩ, dù là
người sáng tác hay là người trình diễn. Nếu ai có ý định viết về nhạc sử
của miền Nam trước 1975, tôi nghĩ người ấy cần tham khảo rất nhiều bài
viết về âm nhạc của Quỳnh Giao.
Nhưng có lẽ ít người trong chúng
ta được biết là Quỳnh Giao còn có con mắt nhìn nghệ thuật tạo hình một
cách đặc sắc. Khoảng thời gian từ 1995 đến khoảng năm 2000, tại trụ sở
của ba cơ quan văn hóa là đài phát thanh VNCR, hội VAALA và tòa soạn báo
Thế Kỷ 21 tại đường Acacia, Garden Grove, một nhóm người đã cùng nhau
hoạt động rất vui tươi và hiệu quả. Cùng với anh Lê Đình Điểu, anh em
chúng tôi như Vũ Ánh, Lê Văn Khoa, Đinh Quang Anh Thái, Ngô Mạnh Thu,
Becky Ngô, Quỳnh Giao, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh, Hoàng Trọng Thụy vân
vân... đã quây quần để làm công tác truyền thông và văn học nghệ thuật.
Hồi đó Quỳnh Giao mỗi tuần phụ trách một chương trình về âm nhạc cùng
với Lê Đình Điểu trên đài VNCR, có số thính giả mến mộ rất đông. Một lần
tại trụ sở ấy chúng tôi tổ chức triển lãm một loạt tranh 10 bức mới
sáng tác tại Mỹ của họa sĩ Trịnh Cung từ Việt Nam sang, có tên gọi là Âm
vang của đất. Quỳnh Giao xem tranh và đã viết cho báo Thế Kỷ 21 bài
nhận định hội họa có tựa đề: Xem tranh Trịnh Cung: Chuyển Động và Âm
Thanh. Chúng tôi mời quý vị nghe lại vài đoạn ngắn của bài này.
“Nếu
các lục địa xô đẩy nhau, như vào thuở tạo thiên lập địa, ta có thể thấy
sự vỡ nát của đá và có khi sự tuôn trào của nham thạch đỏ ối như vàng,
hay nâu xậm tựa bùn đất. Nếu hoàn cảnh xô đẩy khiến một nghệ sĩ hội họa
từ Việt Nam được lãng du trên lục địa Hoa Kỳ, để ngắm nhìn người và đất,
ta có thể có mười họa phẩm hoàn tất trong thời gian ngắn - vài giây
động đất của thiên nhiên vĩnh cửu. Nhưng, người đó phải có sức sáng tác
của một họa sĩ trẻ và nghệ thuật già dặn của người đã sống để vẽ từ thời
thái cổ. Trịnh Cung là người đó, và nơi ông, âm vang của đất đã thành
bản hợp xướng hoành tráng của màu sắc và ánh sáng.” ... “Ánh sáng
trong tranh Trịnh Cung - tỏa ra từ cả những mảng đậm tím hay nâu cam -
là ngôn ngữ của âm nhạc trong giai điệu majeur, êm và sáng, dịu mà không
buồn. Âm vang của đất, nơi Trịnh Cung, là một bài hợp xướng vui tươi,
không ủ dột như nhiều ca khúc của ta (...) Tôi sở dĩ nghĩ tới âm thanh
của màu sắc vì trước mỗi bức tranh lại rung động như nghe được một giai
điệu âm nhạc. Âm nhạc đã dẫn tôi vào hội họa Trịnh Cung vì ông thường
kết hợp màu sắc để đưa người xem vào nhạc.”
Đọc Quỳnh Giao viết
về hội họa, tôi mới ngộ ra rằng tất cả các hình thái nghệ thuật của con
người đều liên quan với nhau. Người xưa nói “thi trung hữu họa” - trong
thơ có họa - nay tôi vừa được biết thêm “họa trung hữu nhạc” - trong họa
có nhạc, hoặc nói ngược lại, trong nhạc có họa, thì chắc cũng không
sai. Trong cái này có cái kia, vì mỗi hình thái nghệ thuật của con người
đều chỉ là một cách biểu hiện cái Đẹp mà con người mang trong tâm hồn
nó.
Quỳnh Giao là người hiểu tất cả những điều đó, chị đúng là
một con người tài hoa. Cụ Nguyễn Du đã nói rằng “những đấng tài hoa
(thì) thác là thể phách, còn là tinh anh”.
Thưa chị Quỳnh Giao,
hôm nay chúng tôi tiễn đưa thể phách của chị trở thành tro bụi, nhưng
phần tinh anh, tức là tài sản tinh thần mà chị để lại thì thật phong
phú, sẽ còn lại mãi mãi với chúng tôi hôm nay và cho nhiều thế hệ về
sau.
Xin giã từ chị Quỳnh Giao.
Cuối tháng Bảy 2014.
" Cho đi lại từ đầu Chưa đi vội về sau Xin đi từ thơ ấu Đi vui và bên nhau Trong tim thì sôi máu Khóe mắt có trăng sao Bông hoa cài trên áo, Trên môi một nguyện cầu
Cho đi lại từ đầu Chưa đi vội về sau. Cho đi lại từ đầu Chưa đi vội về sau."
Chương trình tiễn biệt nghệ sĩ Quỳnh Giao Sáng Thứ Tư 30 Tháng Bảy 2014
WESTMINSTER
(NV) - Theo thông báo từ gia đình, sẽ có một chương trình tiễn biệt
nghệ sĩ Quỳnh Giao, do thân hữu và người ái mộ thực hiện, tại tang lễ
của người quá cố.
Tang lễ được gia đình cử hành vào hai ngày Thứ
Ba và Thứ Tư, 29 và 30 Tháng Bảy, tại Peek Family Funeral Home, Phòng Số
Năm, địa chỉ là 7801 Bolsa Avenue, Westminster, California.
Ðặc
biệt, trước lễ Di quan và Hỏa táng vào trưa Thứ Tư, 30 Tháng Bảy, từ lúc
11 giờ 30 sẽ có phần tiễn biệt của một số đại diện thân hữu hiểu tài
nghệ, cuộc đời và yêu thương những cống hiến rất đẹp của Quỳnh Giao.
Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái điều hợp chương trình, với phần phát biểu của các diễn giả:
- Nhạc sĩ Cung Tiến, từ Minnesota về dự tang lễ.
- Danh ca Kim Tước, đã hát cùng Quỳnh Giao từ nửa thế kỷ trước.
- Danh ca Mai Hương, đã hát cùng Quỳnh Giao từ Ban Thiếu Nhi đến sau này.
- Nhà thơ Trần Dạ Từ, bạn thâm giao của gia đình Quỳnh Giao từ khi còn bé.
- Nhà báo Phạm Xuân Ðài, tri kỷ với ngòi bút và tiếng nói Quỳnh Giao trên đài phát thanh.
- Nhà văn Nhã Ca, người yêu thương theo dõi bệnh tình của Quỳnh Giao từ những ngày đầu.
- Tài tử Kiều Chinh, nói về Quỳnh Giao ở ngoài đời.
Thuộc thế hệ trẻ hơn thì có:
- Nhà thơ Trịnh Y Thư, bạn chí thiết đã viết lời một ca khúc cổ điển do Quỳnh Giao trình bày.
- Phóng viên Nam Phương, đã có nhiều chương trình phỏng vấn Quỳnh Giao trên Người Việt TV.
- Doãn Quốc Hưng, từng đệm đàn Tây Ban Cầm và hàn huyên với Quỳnh Giao về nghệ thuật.
- Kiến trúc sư Nguyễn Bá Khanh, ngưỡng mộ Quỳnh Giao về âm nhạc, điện ảnh và văn học.
-
Tiến Sĩ Tenzin Dorjee của Ðại Học Fullerton, từ hội nghị tại Oregon bỏ
về sớm để tiễn Quỳnh Giao sau khi cung thỉnh chư tăng Tây Tạng đến làm
lễ bên giường bệnh từ nhiều tháng trước.
Chúng ta sẽ tiễn đưa một
nghệ sĩ khả ái và đa tài, trong tinh thần giã biệt một cuộc đời đã làm
đẹp cho người khác, khi trình bày âm nhạc và viết về văn học nghệ thuật
Việt Nam. (Ð.B.)
Phân Ưu từ website của Nhạc sĩ Lê Dinh (Montreal, Canada)
Từ Biệt Quỳnh Giao - Nguyễn Xuân Nghĩa - 02/08/2014
Quỳnh Giao & phu quân Nguyễn Xuân Nghĩa
Nghe hồn bóng xế... mai này sẽ mới *
Trong
đời người, tình yêu và cái chết là loại cảm nghiệm riêng, chỉ kẻ trong
cuộc mới biết. Khi hai biến cố ấy hòa làm một thì người trong cuộc thấy
hạnh phúc rã rời và đành viết lời hư vô....
Nhà thơ có thể viết
"tình yêu như trái phá" - trường hợp Trịnh Công Sơn. Quỳnh Giao là trái
chín - vừa rụng. Trong sự tuần hoàn hay luân hồi miên viễn của chúng
sinh, với cái lý của "sinh, lão, bệnh, tử," trái cây không thể ở mãi
trên cành. Nhưng khi trái chín rời cành thì cũng là lúc gây mầm cho đời
sống về sau.
Quỳnh Giao là trái ngọt đã gây mầm khi còn xanh mướt trên cành, ở tuổi mười lăm.
Đấy là phần "tiểu sử", với trọng tâm là tiểu hơn sử.
Khi
trời chưa mờ sáng ngày 23, theo xe cấp cứu từ nhà tới dưỡng đường, bên
cạnh là Bảo Cơ nhợt nhạt, người viết này tụng Nam Mô Guru Bay... mà rõ
là "tâm viên ý mã". Vì nhớ đến Tô Đông Pha trong bài "Tặng Đông Lâm Tổng
trưởng lão":
Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt Sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân...
Chỉ
vì đêm tụng tám vạn bốn nghìn bài kệ, sáng sau vẫn ngơ ngác chẳng biết
mình là ai, nói gì. Vì thế, khi trời tờ mờ sáng là điện thoại cho bằng
hữu, theo giờ tỉnh giấc của từng người, trong khi đại gia đình được biết
tin dữ và trở thành "tang gia"...
* * *
Dấu hiệu của đau
khổ, của vô minh rồi trái chín gây mầm đã xuất hiện từ đầu Tháng Ba, khi
có sự chẩn đoán của khoa học về bệnh tình bất ngờ.
Bên giường
bệnh, người viết mời ông bạn thân là Vũ Tài Lục đến bắt mạch và luận về
y, lý, số với lá tử vi trên tay. Nỗi lo mơ hồ với Hoả Linh bên Hóa Kỵ
làm hai người đều ngại. Vũ Tài Lục lắc đầu, nhưng về đến nhà còn phân
vân và bói lại theo thể Bát tự rồi quay về nói với người bệnh: có hy
vọng nếu qua đến tháng sinh là Tháng Mười âm lịch ...
Từ nơi chốn
xa xôi hơn về cả không gian và thực chứng, khi người bạn Tenzin Dorjee
được biết tin bèn liên lạc với Tu viện Tây Tạng Nyingma tại Mundgod ở
miền Nam Ấn Độ để thỉnh ý chư tăng. Bên đó lập tức có ba khóa lễ Tse
Wang (chúc thọ), Tse Tor (xin phóng sinh cầu trường thọ) và mười vạn lần
niệm Phật theo nghi thức Dus Sum Sang Gyas Bum Ther của ngài Bồ Tát
Liên Hoa Sinh Guru Padmasambhava.
Từ đấy mới có sự ân cần tụng
niệm của Tu viện trưởng Khensur Rinpochet và chư tăng quanh giường bệnh,
trong hai buổi liền. Cùng lúc đó, bằng hữu của Quỳnh Giao cũng được yêu
cầu dâng lễ trong các nhà thờ Công giáo và Tin Lành. Chỉ vì thấy người
thân yêu nhất lâm ác bệnh thì mọi lý luận khi tỉnh táo đều là vô nghĩa
và mọi lời thành khẩn cầu xin đều cần thiết.
Các khái niệm Chân
Như, Vô Thường, Trung Ấm Bardo Thodol hay giải thoát tràn ngập trong nhà
cùng tiếng kệ. Tại nhà thương thì khoa học ra tay bằng hóa trị với
Carbo Platinum hoà cùng Alimta, rồi bằng xạ trị với các phương pháp hiện
đại như CyberKnife hay True Beam ...
Cứ vậy, trong nhiều tháng
liền, hàng ngày, hàng đêm và hàng giờ con gái ở trên lầu thì kê nệm bên
giường để chăm sóc mẹ với từng viên thuốc, muỗng canh. Ở dưới nhà thì
người viết đọc tin, đọc kinh, soạn bài, thắp nhang, nhiều khi ngủ thiếp
với lời thú nhận của Tô Đông Pha: Dù thiên kinh vạn quyển, nhiều lúc
mỉnh chẳng nói được cho ai ... Nóng lạnh tự biết.
Bây giờ thì biết rồi. Biết trong nước mắt.
Trong
gần một phần tư thế kỷ, người viết này được ở bên Quỳnh Giao, hiểu thêm
về nhạc và nghệ thuật sống. Còn được nhắc nhiều lần: "anh là người tâm
từ khẩu trực, đại khoan tiểu cấp mà hư đốn nhiều lần! Hãy định thần, tu
tỉnh, mềm lại, chậm hơn và đừng dùng trí tuệ nói ác nếu muốn thực thi Bồ
tát hạnh ... Sư phụ Geshe Tsultim Gyeltsen của anh đã dạy anh như vậy
thì hãy nhớ."
Nay người trang nhã từ tốn, nói điều tốt, hát lời
đẹp và viết chuyện tử tế để làm vui cho người đã ra đi trong niềm tiếc
thương của bao người. Vì thế, Quỳnh Giao sẽ trở lại, với hình sắc khác.
Chỉ mong rằng khi đó, vào một kiếp khác, mình vẫn được hạnh ngộ, khi mai này sẽ mới ... __________
(*) Thơ Trịnh Y Thư trong "Chiều Rơi Mênh Mang", lời Việt của ca khúc Spanish Dance # 5 của Granados, Quỳnh Giao trình bày trong đĩa Khúc Nguyệt Quỳnh năm 1992.
Cassettes và CDs của Quỳnh Giao
Quỳnh Giao thực hiện: 1. Quỳnh Giao - Hát Cho Kỷ Niệm 1, 1986 2. Quỳnh Giao - Hát Cho Kỷ Niệm 2, 1988 3. Khúc Nguyệt Quỳnh, 1992 4. Tiếng Chuông Chiều Thu, 1996 5. Chiều Về Trên Sông, 1997 6. Ngàn Thu Áo Tím, 1998 6. Hành Trình Phạm Duy, 1999 7. Hình Ảnh Một Buổi Chiều, 2000 8. Văn Phụng & Hoàng Trọng, 2001 9. Thơ tình Phổ nhạc, 2002 10. Hoa Xuân, 2003 11. Xuân Tha Hương, 10 bài hát về Quê Hương đánh dấu ba mươi năm Quỳnh Giao xa quê nhà, 2005 12. Tình ca Phạm Duy, 10 bài hát Quỳnh Giao yêu thích nhất, 2005 Các Trung tâm khác thực hiện:
1. Đêm Tàn Bến Ngự - Tình Khúc Dương Thiệu Tước: Quỳnh Giao-Kim Tước, Mai Ngọc Khánh thực hiện, 1995 2. Tình Khúc Văn Cao: Mai Hương-Quỳnh Giao, Mai Ngọc Khánh thực hiện, 1995 3. Tìm Nhau Bốn Mùa: Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao và Duy Trác. Kim Tước thực hiện 1998.
Danh ca Minh Trang và 2 con Bửu Minh (trái) và Đoan Trang (ca sĩ Quỳnh Giao) Dương cầm thủ Quỳnh Giao thu hình trước 1975 Kiều Chinh, Nhã Ca, Vi Khuê, Quỳnh Giao - Virginia Quỳnh Giao, Nguyễn Xuân Nghĩa, ÔB Nguyễn Mộng Giác (1993) Mai Thảo, Ngọc Hoài Phương, Lê Văn, Quỳnh Giao, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Duy Đức Trần Dạ Từ, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Quỳnh Giao Quỳnh Giao, Mai Hương & Đoàn Chính Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên & Quỳnh Giao Nhà văn Song Thao & Quỳnh Giao
Ca sĩ: Anh Ngọc, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Hà Thanh
Ca sĩ: Anh Dũng (Cali), Kim Tước, Quỳnh Giao, Mai Hương - Buổi nhạc "Chiều Nhớ" - 2006 ở Virginia
Ban Tiếng Tơ Đồng Hải Ngoại - Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước (1991)
Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Hoài Trung, Anh Ngọc & Hoài Bắc (1991)
Từ trái: Kim Tước, Thái Thảo, Bích Liên, Duy Quang, Phạm Duy, Quỳnh Giao, Mai Hương ...
Ca
sĩ Quỳnh Giao trình bày "THỤY KHÚC" của Vũ Thành (hòa âm: Lê Văn
Khoa) - Chương trình A Lifetime of Music 2013 California - Nhạc Trưởng
Khánh Hồng điều khiển dàn nhạc Vietnamese American Philharmonic
Symphony Orchestra
Ca
sĩ Quỳnh Giao (áo vàng cam bên phải) - Đêm nhạc Cung Tiến "Vết Chim
Bay" 2010 với các ca sĩ: Anh Dũng, Bích Liên, Phạm Hà, Trần Đại Phước,
Phạm Đăng Khoa, Lê Hồng Quang, Bích Vân, Lệ Thu ...
Kim Tước, Quỳnh Giao, Từ Công Phụng, Mai Hương, Ngọc Hà
Lê Văn Khoa Concert "Người Viết Lịch Sử Việt Nam Bằng Âm Nhạc" - 2008 - California
Quỳnh Giao, Tiếng Ca Mở Nẻo Lam Kiều - Bài viết của: Hồ Trường An
Tôi
biết tiếng hát Quỳnh Giao từ khi tôi vào trường Cao Tiểu Vĩnh Long
(Collège de Vinh-Long) vào năm 1950. Lúc đó cô chỉ là một cô ngọc nữ
xinh tươi với cái tên là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, lấy cái tên Đoan
Trang của mình làm nghệ danh. Cô hát chung với ông anh Bửu Minh của mình
(lấy nghệ danh là Anh Minh). Cả hai là con chung của nữ danh ca Minh
Trang và hoàng thân Nguyễn Phước Ưng Quả. Ông Ưng Quả là thầy dạy của
Thái tử Bảo Long, một bậc trí thức nổi bật trong hoàng tộc thuở đó, đã
từng viết nhiều tờ báo tiếng Pháp do người Pháp chủ trương. Quỳnh
Giao là hậu duệ của ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Vương cùng ông anh
khác mẹ là ngài Tùng Thiện Vương nổi tiếng về thi ca. Dòng dõi của
vương, về bên nữ có vài bà tôn nữ giỏi thơ văn như Công Tằng Tôn Nữ Tri
Túc (bút hiệu là Cỏ May, Cỏ Tháng Giêng), Công Tằng Tôn Nữ Tri Thức (bút
hiệu là Hoàng Du Thụy), Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang (bút hiệu là Thanh
Nhung). Riêng Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang khi đến tuổi cài trâm lại lấy
nghệ danh là Quỳnh Giao. Và khi ra hải ngoại, cô bắt đầu cầm bút viết
phê bình văn chương, viết những bài tưởng niệm các nhạc sĩ vừa qua đời
hay vinh danh các nhạc sĩ còn tại thế.
Tôi đã say mê cô ngọc nữ
Đoan Trang cùng cậu kim đồng Anh Minh song ca bài “Dưới Nắng Hồng” của
Dương Thiệu Tước. Eo ơi, cả hai mới sáu bảy tuổi chứ mấy, khi hát mà còn
ngân nga rựa ràng nào khác cặp song ca Bích Chiêu & Tuấn Ngọc vốn
là hai chị em ruột (chị gái và em trai). Và khi Đoan Trang lớn lên để
trở thành cô xuân kiều xinh tươi thì tôi quên hẳn cô vì lúc đó cô theo
đuổi việc sách đèn và học môn dương cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Đến
khi cô trở thành thiếu nữ đoan trang thùy mị với nghệ danh Quỳnh Giao
thì tôi được nghe cô hát trên đài Sài Gòn và đài Quân Đội, khi thì song
ca với Mai Hương, khi thì tam ca với Mai Hương và Như Thủy (em gái Nhật
Trường), và sau hết tam ca với Mai Hương và Phương Nga. Làm sao tôi quên
được Mai Hương, Quỳnh Giao và Như Thủy tam ca bản “Hồ Lãng Bạc” của
Xuân Tùng; ở điệp khúc cả ba ca thật xôn xao như sóng lớp lớp bủa vào
mạn thuyền, nghe đã hết sức!
Vào năm 1971, tôi mới được diện kiến
Quỳnh Giao tại đài Sài Gòn. Cô có dắt cháu Dương Ngọc Bảo Cơ (con gái
duy nhất của cô) theo. Cô bé bước đi lẫm chẫm xinh xắn như một quả tim.
Còn Quỳnh Giao thì giữ dáng dấp một cô thiếu nữ 16. Chiếc áo dài của cô
bằng lụa tằm hơi dầy nhưng mềm mại ửng màu nguyệt bạch, cách tô chuốc
son phấn quá phơn phớt, quá gượng nhẹ của cô làm tôi tưởng chừng đó là
một nữ sinh viên hơn là một ca sĩ. Tuy nhiên ở chỗ giáp nhau ở cổ áo, cô
có cài chiếc trâm nhỏ hình tròn cỡ cúc áo có nạm chuỗi hột lấp lánh.
Trong cuộc phỏng vấn cô, tôi tán gẫu với cô nhiều hơn là đặt câu hỏi.
Tuy nhiên khi bài phỏng vấn đăng trên tuần san Minh Tinh, cô rất hài
lòng. Và cô mời tôi đến tư thất cô cho biết. Thuở đó cặp uyên ương DNH
& Quỳnh Giao ở chung với dì cô là bà quả phụ Đỗ Thế Phiệt (giáo sư
trường Quốc Gia Âm Nhạc). Tuy là sống dưới mái nhà với bà Đỗ, nhưng cả
hai có giang sơn biệt lập với chỗ ở của bà. Cho nên những khi tôi đến
viếng cô thì không bao giờ tôi gặp bà.
Miền Nam thất thủ; trước
ngày 30/4/75 vài hôm, gia đình Quỳnh Giao di tản qua đảo Guam rồi định
cư trên tiểu bang Virginia. Còn tôi, phải đợi đến hai năm sau mới định
cư trên đất Pháp. Bên kia Đại Tây Dương, Quỳnh Giao dạy tư gia môn dương
cầm. Trên đất Pháp, tôi làm báo, viết báo. Và mãi tới năm 1983, tôi bắt
đầu viết văn trở lại. Tới năm 1986, nhờ nhà thơ nữ Vi Khuê cũng ở
Virginia mà Quỳnh Giao và tôi nối lại giao du. Vào năm 1989, tôi qua bên
Washington D.C. ra mắt quyển “Giai Thoại Hồng”, có ở chơi nhà vợ chồng
cô một ngày một đêm. Thuở đó cô còn chung sống với anh DNH ở thành phố
Annandale. Rồi sau đó, chín năm sau, tức là vào năm 1999, tôi trở qua
Washington D.C. ra mắt quyển “Theo Chân Những Tiếng Hát” thì cô không
còn ở Annandale nữa; cô đã ly dị anh H. từ lâu, hình như vào năm 1990
thì phải và đã thiên cư qua bên California.
Vào một sáng giữa thu
lành lạnh, nhưng nắng đẹp tuyệt vời như bạc lỏng, Quỳnh Giao lái xe đến
nhà bạn của tôi tức là Tiến sĩ Phạm Văn Hải (khi viết văn ký bút hiệu
Hải Vân Phạm Văn Hải) ở trong vùng thơ mộng nhất của thành phố Falls
Church để đưa tôi đi ăn trưa tại tiệm mì Kim Sơn. Chúng tôi có nhiều
chuyện để kể cho nhau nghe, chuyện ca giới lẫn chuyện văn giới, chuyện
những văn nghệ sĩ còn kẹt ở quê nhà cho nên chẳng ai ăn hết tô mì. Sau
đó, cô đưa tôi về tư thất cô nằm trong khu tráng lệ của thành phố
Fairfax. Nhà cô sạch bóng, cách chưng dọn thật trang nhã. Tại phòng
khách có treo tấm ảnh phóng đại của cô chụp chung với người bạn lòng của
cô. Đó là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, một chính khách và cũng là một học
giả.
Cách xa nhau 9 năm, trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi thư
từ qua lại chỉ có vài lần. Nhưng khi thực hiện được dĩa nhạc nào, Quỳnh
Giao cũng nhớ gửi tặng tôi. Gặp lại cô ở Virginia, tôi thấy cô đẹp dễ
sợ. Trước đó, nhan sắc cô chỉ dễ coi mà thôi. Cô trội hơn các ca sĩ khác
ở vẻ cao sang thanh thoát của một tôn nữ, ở kiến thức văn chương nghệ
thuật theo truyền thống “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Nhưng bước vào tuổi ngũ tuần, cô hiện thân là một trung niên mỹ phụ.
Thần thái cô sáng rực lên. Gương mặt với cặp má hơi thỏn của cô thuở nào
thì giờ đây lại đầy đặn thêm ra. Cặp lưỡng quyền tuy thế vẫn không mất,
vẫn còn rõ nét để tạo cho cô một vẻ duyên dáng nồng mặn. Bởi vì không
có lưỡng quyền rõ nét, khuôn mặt người đàn bà sẽ trơ trẻn và phèn phẹt
như tảng bánh đúc thế nào ấy! Cặp mắt cô được tô viền đen, sáng rờn rợn,
sáng uy nghiêm...
Trong lúc chuyện vãn về ca nhạc, Quỳnh Giao
không dùng những danh từ chuyên biệt dành cho âm nhạc, mà dùng những
ngôn từ rất là “bà già trầu” đã được tôi nạm lác đác trong quyển “Theo
Chân Những Tiếng Hát” của tôi. Không hiểu có phải cô muốn làm đẹp lòng
tôi mà nói những tiếng quê mùa? Hoặc là cô thấy ngôn ngữ chuyên biệt
dành cho âm nhạc trở thành những pho cẩm thạch vô hồn khi bàn chuyện với
một tác giả ưa viết truyện miệt vườn như tôi? Hay là trong lúc nói
chuyện với người bạn cố tri, cô thấy ngôn ngữ “bà già trầu miền Nam” lại
gợi cảm hơn?
Hồi
còn ở quê nhà, trên Tivi tôi chưa thấy ai hát bản “Xuân Và Tuổi Trẻ”
của La Hối (do Thế Lữ phổ lời) tươi vui rạng rỡ như Quỳnh Giao, dù khi
diễn tả bài này cô không nhún nhẩy, không phô trương mắt liếc miệng
cười. Hát mà lẳng nhức lẳng nhối, điệu đà, ỏn ẻn như mấy cô vợ bé nũng
nịu với chồng là không có cô. Ở ngay tiếng hát cô, khán thính giả đã
thấy mùa xuân tươi sáng và tuổi trẻ hạnh phúc ở trong đó rồi. Còn bản
“Giòng Sông Xanh” của Johann Strauss (do Phạm Duy phổ lời Việt) nữa chi.
Cô hát sao mà nhẹ nhàng, thênh thang, trơn ngọt, ngân bằng nguyên âm
(vocaliser) thật sướng tai! Từng chuỗi ngân dài như dải lụa rập rờn
trong gió tuôn ra không chút nắn nót.
Thuở đó, Quỳnh Giao hơi
gầy, hơi kiều nhược, nhưng giọng cô lại khá mạnh. Mỗi sáng cô uống một
cốc nước cam vắt pha mật ong để cho trơn cổ mát họng trước khi tự luyện
giọng bằng cách vocaliser từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp những vần
a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư… Đó là lối luyện chân truyền của các ca sĩ Tây
Phương.
Quỳnh Giao hát cực kỳ điêu luyện, ai cũng biết. Quỳnh
Giao tốt nghiệp môn dương cầm trường Quốc Gia Âm Nhạc, có ngón đàn tươi
và sành điệu, chắc chẳng ai quên. Nhưng mấy ai biết được sự thủy chung
và ý tình thắm thiết của cô đối với ca hát? Ca hát là tôn giáo của cô,
là mục đích mà cô đeo đuổi hơn ba phần tư cuộc đời, dù khách sành điệu
của cô quá ít, dù kẻ biết được cái chân giá trị của giọng hát cô chẳng
được bao người đi nữa. Ở ngoài
đời, Quỳnh Giao có cung cách thật cao sang, cho nên cô giữ gìn tiếng hát
cô quý phái theo. Cô không bao giờ vừa hát vừa nhỏng nhẻo với khán giả,
hoặc làm như hổn hển say nhừ lạc thú ái ân như mấy bà sủng phi ỏn ẻn mê
hoặc đức vua hiếu sắc hiếu dâm, như mấy cô kỹ nữ nịch ái các khách làng
chơi khờ khạo. Cô đưa tình cảm vào giọng hát có chừng mực. Người
chưa sành điệu khó cảm thông nổi giọng hát của cô vì đối với họ nó hơi
làn lạt, chưa đủ ngọt say sưa như mật ong, mà cũng không đắng đậm như
mật gấu. Tuy nhiên cô không hát quá chân phương như Mộc Lan hay như Anh
Ngọc. Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ. Cô cũng dùng
nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để
nữ tính cô được bộc lộ một phần nào. Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh
Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong
ngần và trắng lóa như pha lê. Từ khi ra hải ngoại, khi hát ở những chỗ
hơi trầm, tiếng cô hơi khào khào một chút, thật gợi cảm như giọng thiếu
phụ. Tuy nhiên, rồi đâu cũng vào đó, tiếng hát cô cũng trở về cái giọng
thánh thiện và trinh khiết gợi nên hình ảnh thiên thần cánh trắng.
Giọng
Quỳnh Giao thuộc loại kim (soprano). Khi hát ở những chỗ ngang ngang
thì nó quá dịu mềm làm cho chúng ta nghĩ tới hình ảnh các cô khuê nữ
kiều nhược. Khi lên cao, giọng cô tuy không xé lụa như giọng Ánh Tuyết,
tuy không lảnh lót chuông ngân như giọng Thùy Nhiên năm nào, nhưng vẫn
chắc, vẫn dẻo, vẫn thoải mái và thống khoái. Cô lại còn ưa chuyền hơi,
từ tiếng chót câu đầu cô ngân nga thật dài rồi bắt qua tiếng đầu của câu
sau với một làn hơi óng ả vóc nhung tơ và dồi như nước sông mùa lũ,
nghe mà cảm thấy đã cái lỗ tai biết dường nào! Từ
năm 1986 cho tới bây giờ, ngoài hai băng nhạc “Hát Cho Kỷ Niệm 1” và
“Hát Cho Kỷ Niệm 2”, Quỳnh Giao thực hiện cho riêng mình những dĩa nhạc
“Khúc Nguyệt Quỳnh”, “Tiếng Chuông Chiều Thu”, “Chiều Về Trên Sông”,
“Ngàn Thu Áo Tím”, “Hành Trình Phạm Duy”. Lại còn dĩa nhạc “Tìm Nhau Bốn
Mùa” mà cô hát chung với Kim Tước và Mai Hương nữa chi!
Quỳnh
Giao thường hát những bài chọn lọc, có phẩm chất cao. Cô không chiều
theo thị hiếu của khán thính giả tạp nhạp. Cô nhắm vào khách sành điệu
ít oi, dù nghìn người chỉ có một người đi nữa. Cô hát những bản có nhiều
chỗ lên cao để cô có thể biểu diễn giọng kim cao vút và sáng nguy nga,
sáng lồng lộng của mình như “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy, “Tiếng
Dương Cầm” và “Mưa Trên Phím Ngà” của Văn Phụng, “Hẹn Một Ngày Về” của
Lê Hữu Mục, “Tiếng Thời Gian” của Lâm Tuyền, “Hoài Cảm” và “Thu Vàng”
của Cung Tiến. Bản “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn và bản “Đường Chiều Lá
Rụng” của Phạm Duy tuy không có chỗ lên quá cao nhưng vẫn là hai bản khó
hát, các ca sĩ có kỹ thuật non kém sẽ hát tuột giọng, đâm hơi, lạc
giọng… Nhưng vốn có kỹ thuật thâm hậu, Quỳnh Giao hát rất đúng giọng,
không sai một bán cung, rất điệu nghệ, càng nghe càng khoái.
Càng
lớn tuổi, cô càng luyện giọng siêng chăm hơn nên làn hơi cô thêm mạnh,
chuỗi ngân càng đẹp tuyệt vời. Rõ ràng là đây là rượu bồ đào càng để lâu
càng nồng ngát say sưa. Từ căn
bản, giọng hát của Quỳnh Giao trong như nước ngọt mát rỉ rả trong lòng
giếng trên chùa đồi Mai mà nhà văn Nguyễn Tuân đã nói tới trong truyện
ngắn "Những Cái Ấm Đất" (trong tập truyện "Vang Bóng Một Thời"). Nước ấy
ngon khác nào nước mưa sa giữa trời được hứng bằng chiếc bồn Xích Bích
tráng men mà nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội đã tả trong quyển tiểu
thuyết dã sử "Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp". Hai thứ nước ấy dùng pha trà,
chưng yến, chưng sâm rất ngon; nhưng khi múc từ giếng từ bồn ra uống
liền thì nước trôi tới đâu mát mẻ khỏe khoắn tới đó, làm ẩm khách liên
tưởng tới cam lộ trong tịnh bình của Quan Thê Âm Bồ Tát. Ngoài
âm sắc trong veo như vừa kể, tiếng hát đó tràn tới ta như nắng mai thật
sáng đẹp, thật tươi vàng như hổ phách vào ngày Nguyên Đán hay những
ngày cận Tết. Nắng đó như giát thủy tinh lên lá cây bóng mượt, như rắc
pha lê lên mặt ao đầm gợn sóng lăn tăn ... Những tấm lụa đào phơi trong
nắng sẽ hắt ánh hồng rực rỡ lên đôi má trắng mịn của cô gái đến gần lụa
làm người ngắm tưởng chừng như cô đang say rượu hợp cẩn. Những bông hoa
hải đường, hồng nhung, thiên lý, hoa ti-gôn, hoa đậu ván, hoa mướp, hoa
cải sẽ thắm sắc và xôn xao màu hơn.
Tiếng hát cao vút không gợn
đục bởi tình cảm sướt mướt của Quỳnh Giao một khi cất lên như đưa tâm
hồn khán thính giả đến tận nẻo Lam Kiều in trên mây xanh nổi chập chùng
mây trắng để họ bước vào cõi tiên. Ở đó, sẽ có những nàng tiên như trong
cổ tích Việt Nam như Giáng Hương, Giáng Kiều, Liễu Hạnh hay những nàng
tiên như trong thần thoại của Trung Hoa như Hằng Nga, Vân Anh, Thái
Loan, Lộng Ngọc đón đợi chúng ta bằng những tiếng hát lót nền cho tiếng
hát của Quỳnh Giao. Hồ Trường An (Bài viết trích trong sách"Chân Dung Những Tiếng Hát - Quyển 1", Nhà xuất bản Tân Văn Tokyo, năm 2000)
Mời nghe toàn bộ cassette "Hát Cho Kỷ Niệm 2"
do Quỳnh Giao trình bày - với lời giới thiệu các bản nhạc của Minh
Trang, Thái Thanh, Kim Tước, Vũ Thành, Phạm Duy, Châu Hà, Duyên Anh,
Phạm Văn Kỳ Thanh, Bùi Bảo Trúc, Dương Ngọc Hoán
Một kỷ niệm đẹp, Lê Hồng Quang hát với ca sĩ Quỳnh Giao và Bảo Cơ:Viễn Ducủa Phạm Duy
Thôi rồi giọng hát Quỳnh Giao lịm đi và tắt. ôi chao một đời
mới đây và mới đây thôi chỉ trong phút chốc sao trời đổi ngôi
nghe tin chị. lòng bồi hồi [1] đám mây trắng quá khi chiều tôi đi
ngậm ngùi thay ánh mắt ai đã về bên mẹ Thiên Thai suối nguồn …
Họa sĩ Đinh Cường - Virginia, July 23, 2014
[1] nữ ca sĩ Quỳnh Giao vừa mất lúc 3 giờ sáng nay 23 – 7 – 2014 tại California. Quỳnh Giao tên thật Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh năm 1946 tại Vỹ Dạ- Huế (chị em chú bác ruột với họa sĩ Bửu Chỉ) con gái của nữ danh ca Minh Trang.
Quỳnh Giao, Đinh Cường, Nguyễn Xuân Nghĩa - California
Quỳnh Giao hát, như đi tìm chân dung mình qua thi, ca
Du Tử Lê - 2005
Tôi,
nhiều lần được thấy chị bước ra sân khấu, dịu dàng với nụ cười trẻ thơ,
đứng giữa một Mai Hương, đằm thắm, một Kim Tước trầm, tịnh - Hợp ca,
những ca khúc được coi là bất tử của nền tân nhạc Việt Nam, trên, dưới
năm mươi năm.
Nữ Ca Sĩ Quỳnh Giao 5 tuổi
Tôi,
nhiều lần được thấy chị khoan thai bước tới, ngồi xuống chiếc dương
cầm, đơn ca, những ca khúc, tự thân vốn đòi hỏi nơi người thưởng ngoạn
một trình độ, một cảm quan không phổ thông, đại chúng.
Tôi nhiều lần được nghe tiếng hát chị tha thiết, chênh vênh trên những nát tan; sâu, kín nơi những nồng nàn tình khúc, thất lạc.
Đó là những lúc tôi một mình, với đĩa nhạc, với tiếng hát sang cả, lênh đênh niềm xa, vắng của chị.
Đó
là những lúc, không một hình ảnh cụ thể nào của chị diễn ra trước mắt
tôi. Nhưng chẳng vì thế mà, tôi không thể hình dung chị.
Trong
đời thường, tôi không có cơ hội giao tiếp quá nhiều với chị, để mọi nét
đặc thù của một nhân dáng, một dung nhan, trở thành nhàm, nhạt.
Trong
đời thường, tôi cũng không có quá ít cơ hội tiếp xúc với chị, để ở mức
độ chẳng một ngưng đọng nào, khắc, rạch đậm nét trong tôi.
Nghe chị hát, từ những đĩa nhạc, tôi có thể hình dung chị, buổi sáng, thả bước chân đầu ngày trên đường phố Saigòn.
Nghe chị hát, từ những đĩa nhạc, tôi có thể hình dung chị, buổi trưa, rừng, cây, Hoa Thịnh Đốn.
Nghe chị hát, từ những đĩa nhạc, tôi có thể hình dung chị, buổi tối, ngọn đèn, quây quần, tình thân, California.
Hình
ảnh nào, nơi người nữ, mang tên Quỳnh Giao, (vừa kể,) nổi tiếng từ khi
còn rất trẻ, với tôi, vẫn là hình ảnh gần xa, bước ra từ âm nhạc.
Tôi muốn gọi, đó là hình ảnh của một Quỳnh Giao, nhạc sĩ...
Hình
ảnh nào, nơi người nữ, mang tên Quỳnh Giao, (vừa kể,) từ rất sớm, đã có
lấy cho riêng mình, một thổ ngơi, một phong cách, với tôi, cũng vẫn là
hình ảnh gần xa, bước ra từ dương cầm, từ tiếng hát.
Tôi muốn gọi, đó là hình ảnh của một Quỳnh Giao, ca sĩ.
Nhưng, tôi thực sự bất lực. Tôi thực sự không thể hình dung, lúc một Quỳnh Giao nhạc sĩ, bước tới (và,) ngồi xuống, bàn viết.
Tôi không thể hình dung, hình ảnh chị, khi cúi xuống, những trang văn xuôi, truyện ngắn...
Tôi
không thể hình dung, chị với những đoạn văn, viết về thảm kịch của sự
bất phân chia giữa thân, tâm một nghệ sĩ; giữa tài năng và diện mạo: Hai
mặt đối nghịch của đồng xu số kiếp!
Nhưng tôi cảm nhận được cái sóng sánh đến muốn trào, lăn của những rung cảm thầm kín nơi một Quỳnh Giao, nhà văn, qua văn xuôi.
Quỳnh
Giao không chỉ hát như một ca sĩ đã thành danh, (mà,) Quỳnh Giao còn
hát, như nhà văn đi tìm chân dung và, linh hồn mình, qua thi, ca, nữa.
Du Tử Lê
Gửi Người Em Nhỏ - Tùy bút Hồng Thủy Người
em nhỏ của tôi tuổi không trẻ lắm, nhưng dáng dấp lúc nào cũng xinh
xắn, mảnh mai như một cô nữ sinh. Nàng có giọng nói thật trong, êm dịu,
miệng cười có duyên và nói chuyện rất dí dỏm. Ở lứa tuổi hơn 7 bó của
tôi, chắc chắn ai cũng biết nàng vì nàng là một trong những ca sĩ nổi
tiếng của ban hợp ca Tiếng Tơ Đồng một thời vang bóng cùng với hai ca sĩ
đàn chị Mai Hương, Kim Tước.
Ngoài giọng ca thiên phú, nàng còn
là một giáo sư dậy Dương Cầm tốt nghiệp thủ khoa trường Quốc Gia Âm Nhạc
Sài Gòn. Một điều rất đặc biệt về nàng mà không phải ai cũng biết, nàng
là một nhà văn có tài, viết những bài tạp ghi về lãnh vực âm nhạc thật
xuất sắc. Nhờ đọc cuốn tạp ghi của nàng mà cái đầu óc tờ lờ mờ về âm
nhạc của tôi được mở mang và hiểu biết rất nhiều về các tài danh nổi
tiếng của nền âm nhạc thế giới và cả Việt Nam nữa. Những bài viết của
nàng chứng tỏ sự hiểu biết rất sâu xa về âm nhạc với lối hành văn thật
hay của một nhà văn có tài.
Nàng là ca sĩ Quỳnh Giao, ái nữ của
Giáo sư Ưng Quả và ca sĩ thật nổi tiếng ngày xưa Minh Trang mà tôi được
hân hạnh xưng hô thân mật là cô Minh Trang. Cô Minh Trang là người bạn
nhỏ thân thiết của mẹ tôi. Tuy mẹ tôi lớn tuổi hơn cô, nhưng vì hai gia
đình là hàng xóm ở Huế nên thời con gái mẹ tôi và cô Minh Trang rất thân
thiết. Hai chị em hay rủ nhau đi ciné, đi dạo phố và hay tỉ tê tâm sự
với nhau. Không ai ngờ Cô Minh Trang lại ra đi trước mẹ tôi. Ngày được
tin Cô Minh Trang mất, mẹ tôi cứ chép miệng nhắc đi nhắc lại "tội
nghiệp cô, cô còn trẻ, còn khoẻ hơn mẹ nhiều. Lẽ ra Thượng Đế phải cho
mẹ đi trước cô mới phải". Sau đó, mẹ lan man kể cho tôi những kỷ niệm
đẹp của mẹ với cô. Cuối cùng mẹ kết luận một câu làm tôi ngạc nhiên hết
sức: "cái cô em nhỏ này hư thật, dám đi trước chị mà không có một lời
giã từ". Nói rồi nước mắt mẹ ứa ra. Tôi phải ôm lấy mẹ vỗ về. "Hôm con
gặp cô ở đám cưới Orchid Lâm Quỳnh, con gái Hạnh Tuyền vợ anh Du Tử Lê.
Cô hỏi thăm mẹ và cô nói cô phục và thương mẹ lắm. Góa chồng còn quá
trẻ mà ở vậy nuôi con". Nói với mẹ xong tôi cũng chẩy nước mắt, nước
mắt khóc cho cô Minh Trang và nước mắt khóc thương thân phận mẹ tôi.
Bây
giờ xin trở lại chuyện hai chị em. Tuy hai bà mẹ thân thiết nhưng sau
khi lập gia đình mỗi người phiêu bạt một ngả. Chiến tranh đã đẩy họ cách
xa nhau, nên chúng tôi không có cơ hội gặp gỡ. Cho tới khi qua Mỹ,
tình cờ chúng tôi quen biết nhau ở buổi họp mặt của bạn bè. Chúng tôi
quí mến nhau trước khi khám phá ra tình thân của hai bà mẹ. Thân thiết
nhau rồi chúng tôi mới biết hai bà mẹ là bạn cố tri. Từ đó hai chị em
lại càng quí mến nhau hơn. Chúng tôi có những ‘cái duyên’ với nhau rất
lạ. Hai chị em sinh cùng ngày, cùng tháng. Dĩ nhiên là khác năm vì Quỳnh
Giao trẻ hơn tôi. Cả hai cùng thích mầu tím và tình cờ cùng chọn màu
tím làm nền cho bìa tác phẩm đầu tiên của mình.
Cuốn Tạp Ghi của
Quỳnh Giao và tuyển tập "Những Cánh Hoa Dại Mầu Vàng" của tôi đều có
hình bìa mầu tím của mộng mơ. Tôi thích nghe Quỳnh Giao hát bài Kỷ Niệm (Phạm Duy) và Đêm Mầu Hồng
(Phạm Đình Chương & Thanh Tâm Tuyền), sau này tôi mới biết đó cũng
là 2 bài hát mà Quỳnh Giao rất thích. Sau này Quỳnh Giao rời qua Cali,
chúng tôi không còn cơ hội gần nhau nữa. Quỳnh Giao ơi, chúng ta xa mặt
nhưng không cách lòng. Lúc nào chị cũng quí mến cô em nhỏ của chị và
cầu chúc cho em mau khỏi bệnh và gặp những điều may mắn an lành.
---------------------------
Bài
tùy bút trên tôi đã viết trước khi Quỳnh Giao vĩnh biệt mọi người đúng
10 ngày. Tôi được tin Quỳnh Giao bị ung thư phổi rất trễ. Ngay khi biết
tin, tôi đã điện thoại thăm mà không liên lạc được vì không có ai trả
lời điện thoại. Tôi tìm cách liên lạc với cháu Bảo Cơ, con gái của Quỳnh
Giao. Bảo Cơ cho tôi địa chỉ email của Quỳnh Giao và nói tôi cứ liên
lạc với Quỳnh Giao bằng email vì Quỳnh Giao không trả lời điện thoại. Tôi email thăm hỏi, an ủi và nói khoảng 14 tháng 7 tôi sẽ qua Cali dự Đại Hội Trưng Vương và muốn đến thăm.
Ngày hôm sau, tôi được trả lời bằng email với những dòng chữ thật dễ thương nguyên văn như sau: Cám
ơn chị đã hết lòng lo lắng, an ủi và thương em. Em cũng hy vọng khoa
học bây giờ tiến bộ hơn và sẽ chữa được bệnh. Em không sợ chết mà chỉ sợ
đau đớn thôi. Chị yên tâm nhé. Thương, QG
Không ngờ
những dòng chữ đó lại là những dòng chữ cuối cùng QG gửi cho tôi. Tôi đi
Cali ngày 14 tháng 7. Ngồi trên máy bay, nhớ đến Quỳnh Giao tôi đã viết
vội bài tùy bút "Gửi người em nhỏ". Ngày đầu tiên đến Cali vợ chồng tôi
được một nhóm bạn Hải Quân mời ăn tại nhà hàng Tài Bừu và gặp Hoàng
dược Thảo, chủ báo SaiGon Nhỏ. Tôi nói với Thảo tôi có bài tùy bút viết
trên máy bay, Thảo nói Thảo sẽ cho người đánh máy để đăng vào báo SaiGon
Nhỏ. Nhưng vì có ý gửi Quỳnh Giao đọc trước xem Quỳnh Giao có muốn thay
đổi gì không, rồi mới đưa cho Thảo. Tôi liền nhờ cậu con trai, đánh máy
gấp rồi email cho Quỳnh Giao. Chờ mãi không thấy Quỳnh Giao trả lời.
Tôi thắc mắc nói chuyện với ca sĩ Mai Hương, bạn thân của tôi và Quỳnh
Giao, Mai Hương nói chắc là QG mệt nên trả lời chậm. Ai ngờ đúng 10 ngày sau, Mai Hương gọi báo tin cho biết là Quỳnh Giao đã bỏ chúng tôi rồi.
Quỳnh
Giao ơi, bây giờ chị lại bắt chước câu nói của mẹ chị để trách em đây:
"cô em nhỏ của chị hư thật, dám bỏ chị đi trước mà không nói một lời từ
giã". Vĩnh biệt Quỳnh Giao thân yêu của chị. Mong đường em đi tới sẽ
đầy niềm vui và hoa thơm cỏ lạ. Có gặp Cô Minh Trang cho chị gửi lời hỏi
thăm và nói với Cô là mẹ chị vẫn nhớ Cô lắm.
Hồng Thủy
Quỳnh Giao - Bài viết của: Nguyễn Long
Con
gái lớn của nữ ca sỹ Minh Trang, người Huế giòng Tôn Thất, nên vóc
dáng, nếp sống ngoài đời cũng như trên sân khấu, hình ảnh, dáng dấp
Quỳnh Giao đã được các bạn và khán giả tặng danh hiệu “Nàng Công Chúa
của Tân Nhạc Việt Nam”
Khuôn mặt trái soan, vóc dáng khoan thai
dịu dàng, giọng hát trong như giòng suối, nhẹ nhàng thiết tha, truyền
cảm, thủ khoa nhạc lý, piano khóa 63 & 64 trường Quốc Gia Âm Nhạc
nên kỹ thuật rất vững vàng điêu luyện.
Quỳnh Giao trình diễn như
diễn đạt hồn mình qua từng ca khúc, rất chọn lựa tác phẩm, khung cảnh để
trình bày, thường trực trên các đài phát thanh, truyền hình, ít xuất
hiện trên sân khấu, nhưng hình ảnh Quỳnh Giao “Nàng Công Chúa của Tân
Nhạc Việt Nam” đã gây thành ấn tượng không thể phai mờ trong tâm khảm
người Việt Nam. Tháng 8-70 Quỳnh Giao và các em thành lập ban “Tứ Ca Bốn
Phương” trình diễn tại nhà hàng Ritz trên đường Trần Hưng Đạo của Jo
Marcel, liên tục trong 6 tháng rất thành công. Gặp lại ngày 17-1-98,
chụp hình và phỏng vấn Quỳnh Giao.
Hỏi: Thích nhạc từ bao giờ? Quỳnh Giao: Từ nhỏ, nghe mẹ hát tối ngày mà.
Hỏi: Biết hát từ bao giờ? Quỳnh
Giao: Nhỏ xíu, bài “Reo Vang Bình Minh” của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, sau
đó theo học trường Âm Nhạc, piano với bà Đỗ Thế Phiệt, nhạc lý với nhạc
sỹ Hùng Lân, thủ khoa niên khóa 63 & 64 trường Quốc Gia Âm Nhạc về 2
môn Nhạc Lý & Piano.
Hỏi: Khởi đầu trình diễn? Quỳnh
Giao: 8 tuổi ban thiếu sinh nhi đồng trong Đại Nhạc Hội trình diễn tại
rạp Moderne đường Trần Quang Thạch Tân Định, sau đó là các Đài Phát
Thanh, sân khấu, phòng trà.
Hỏi: Sinh hoạt hiện thời trên sân khấu? Quỳnh Giao: Xuất hiện trong những chương trình “Đặc biệt” yểm trợ thân hữu, cộng đồng, tôn giáo.
Hỏi: Hoạt động ngoài sân khấu? Quỳnh Giao: Dạy Piano từ đó tới nay.
Hỏi: Ý nguyện? Quỳnh Giao: Phục vụ hết đời cho âm nhạc, tiến triển, giữ gìn nghệ thuật.
Hỏi: Có điều chi tâm sự? Quỳnh
Giao: Cám ơn các bạn cùng khán thính giả, luôn nhớ tới Quỳnh Giao từ
trên 30 năm nay, cảm ơn TRỜI đã cho cơ hội, cám ơn các nhạc sỹ đã sáng
tác để ca sỹ có việc làm.
Nguyễn Long (trích “88 Nữ Ca Sỹ Trong Nước Mỹ & Canada”. 1998)
Giã biệt Quỳnh Giao - Nữ Ca/Nhạc/Văn sĩ đa tài (1946-2014)
"...
Mấy năm trước Lê Huy có tổ chức đêm nhạc chủ đề Văn Phụng Phạm Đình
Chương tại San Jose và mời ban tam ca Mai Hương Kim Tước Quỳnh Giao
trình diễn. Lúc tiễn đưa ba người ra phi trường, tôi có dịp củng ngồi ăn
phở chung nhưng không hiểu sao tôi lại không có một câu trò chuyện với
Quỳnh Giao mặc dù đôi khi đóng vai nhà báo vẫn thích hỏi han mọi điều.
Đó là lần duy nhất diện kiến.
Chiều
nay ghé nhà sách Tự Lực mua cuốn Tạp Ghi Quỳnh Giao. Đã có đọc phơn
phớt từ nhà một người bạn nhưng bây giờ những dòng chữ trở nên đặc biệt
hơn vì người viết vừa mới vĩnh viễn ra đi. Mở cuốn sách tình cờ ngay bài
Vang Vang Trời Vào Xuân nói về thơ Thanh Tâm Tuyền, có mấy chữ " Mà
Phạm Đình Chương không còn nữa, ông mất quá sớm khi vừa qua lục tuần" .
Lòng tôi chợt nghĩ Quỳnh Giao mất ở tuổi sáu mươi tám như vậy có sớm
không.
Là ca sĩ hát năm chục
năm, là cao thủ dương cầm và những năm cuối đời nói chuyện phê bình ca
nhạc cùng viết sách để trở thành văn sĩ, Quỳnh Giao quả thật là nữ nghệ
sĩ đa tài và đóng góp nhiều vào sinh hoạt âm nhạc của Việt Nam. Giã biệt
Quỳnh Giao với lòng mến phục và luyến tiếc."
Tản Mạn với Quỳnh Giao về Ca Khúc Việt Nam Trước 1975
"...
Một đặc điểm nữa của những ca khúc trước 1975 là rất giàu cá tính.
Nhiều nhạc sĩ tạo được màu sắc riêng trong những tác phẩm của mình. Giai
điệu và lời của nhạc Trịnh Công Sơn như của một kẻ rong ca, không lẫn
được với nhạc của ai khác. Ca khúc của Lê Uyên Phương đầy những tình cảm
mãnh liệt của đôi uyên ương chưa muốn rời xa nhau. Nhạc Văn Phụng là
nhạc của những người hạnh phúc, yêu đời… Những ca khúc đầy cá tính này
lại còn được trình bày bởi những giọng ca cũng đầy cá tính nữa chứ. Chị
Quỳnh Giao có cùng nhận xét với tôi là những ca sĩ trong nước bây giờ,
giọng hát có thể rất điêu luyện, nhưng lại giống nhau quá! Chứ ngày xưa,
từ Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu cho đến Thanh Thúy, Mai Lệ Huyền…, khán
thính giả chẳng thể lẫn lộn được. Tại sao vậy? Bởi vì ca sĩ ngày xưa ít
có ai được học hát trong những trường dạy thanh nhạc chuyên nghiệp. Họ
tự nhiên hình thành giọng ca của mình. "
Trích bài "Quỳnh Giao ơi và Diễm ơi" của Nguyễn Xuân Thiệp
sinh nhật anh vào một ngày tháng bảy trong vườn. sói. và thơ
…
tháng 7 còn có sinh nhật của Nguyễn Xuân Hoàng và Đinh Cường. Tưởng là
tháng 7 vui nhưng trong niềm vui đã ươm sẵn mầm mống của nỗi buồn: bạn
Nguyễn Xuân Hoàng đang trên con dốc tử sinh (từ của Ngô Thế Vinh). Trong
hình chụp thấy Hoàng gầy yếu mà xót xa.Những ngày này còn có tin Hoàng
nằm suốt, không bước chân ra khỏi phòng.Tháng bảy buồn còn vì sự ra đi
của hai người trong chỗ tình thân: ca sỹ Quỳnh Giao và nhà văn/nhà báo
Nguyễn Minh Diễm. Hai người ra đi cùng một ngày của tháng 7 này: ngày 23
tháng 7. 2014. Hôm nay, sau khi hai người bạn không còn nữa, mình ngồi
nhớ lại những đoạn đời đã qua cùng những nỗi bi hoan của kiếp sống này.
Với
Quỳnh Giao mình chỉ quen biết lúc đã sang Mỹ. Ngày xưa, trước 1975,
ngồi làm việc trong Đài Quân Đội Sài Gòn thỉnh thoảng thấy Quỳnh Giao đi
ngang qua (nàng vào hát trong một chương trình của Đài). Mình có cảm
tình với Quỳnh Giao là qua dáng người rất thơ và tiếng hát sang trọng,
quý phái của nàng. Thêm điều nữa: cũng như Hà Thanh, Quỳnh Giao là người
Huế, sinh ở Vỹ Dạ nơi có Vương Phủ của kẻ này.Thế nhưng, như mây trời
trôi đi nắng không bến đỗ, phải đợi khi sang tới Mỹ mới quen biết Quỳnh
Giao. Cũng không nhớ là khởi đầu từ đâu nữa. Có lẽ từ mình làm báo Phố
Văn và gặp ở nhà Nguyễn Mộng Giác hay gặp khi đi nghe một chương trình
nào đó có Quỳnh Giao hát. Hồi viết báo Phố Văn, cách đây đã mươi năm
rồi, trong mục Tản Mạn Nguyễn đã viết về ngôi nhà thờ con gà Đà Lạt,
nhân đó nhắc tới một cuộn phim đã xem thời còn trẻ là cuốn Les Dimanches
de Ville d’ Avray (Những Chủ Nhật ở Ville d’Avray). Trong phim này có
cảnh anh chàng Pierre vì thương và chìu ý cô bé mồ côi Cybèle, đêm Giáng
Sinh đã trèo lên đỉnh tháp nhà thờ cao vút lấy con gà bằng sắt xuống
cho cô bé. Trong bài viết của Nguyễn có một chi tiết sai: Nguyễn nói
Pierre là một anh chàng thất nghiệp lang thang. Quỳnh Giao đọc được bài
này, liền viết thư cho Nguyễn, nói: Anh chàng Pierre là cựu sĩ quan
không quân chiến đấu ở chiến trường Đông Dương. Trong một phi vụ gặp
nạn, đã tìm cách đáp xuống một khu làng, và trong hoảng loạn đã lỡ giết
chết một bé gái. Từ đó Pierre bị ám ảnh bởi cảnh hãi hùng xảy ra, rơi
vào trạng thái tâm thần chấn động và mất một phần trí nhớ (chứng
amnesia). Giải ngũ trở về, gặp bé gái Cybèle mồ côi mẹ bị cha bỏ vào ký
túc xá rồi quên luôn. Pierre tự xưng là cha của Cybèle, mỗi chủ nhật tới
lãnh bé ra đi chơi.
Trí nhớ và sự hiểu biết của Quỳnh Giao thật
tuyệt vời. Từ đó, tình bạn với Quỳnh Giao ngày càng sâu đậm. Gặp dịp
Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí ở Dallas mở Festival Văn Hóa, Nguyễn thay
mặt anh em mời một số đông văn nghệ sĩ quen biết tới tham dự. Thử nhớ
lại xem, này nhé, có Trần Mộng Tú, Phạm Xuân Đài, Phan Xuân Sinh, Lậm
Chương, Nguyễn Trọng Khôi. Nguyễn Ước, Trần Doãn Nho, Trần Trung Đạo,
Ngu Yên & Ngọc Phụng và Nguyên Thảo, Hoàng Xuân Sơn, Hải Phương
& Queen, Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm, vợ chồng Triều Hoa Đại, Trần Nghi
Hoàng và Hoàng Thị Bích Ti, nhà thơ Trần Thị Hà Thân… Dịp này, Quỳnh
Giao đi cùng Lê Uyên và Nguyễn Đình Toàn tới. Đó là vào tháng 10 năm
2005. Ngồi ăn bún bò trong quán Tây Đô, Quỳnh Giao nói vui với mọi
người: mới đó mà mình đã gần sáu bó. Nghe ai cũng ngạc nhiên vì Quỳnh
Giao trông còn trẻ quá.Trong buổi văn nghệ, Quỳnh Giao hát và độc tấu
dương cầm. Hình ảnh Quỳnh Giao nổi bật trên sân khấu.Cả mình và Ninh Hạ
Nguyễn Đức Tâm được dịp nói tiếng Huế với Quỳnh Giao. Vui thiệt là vui.
Quỳnh Giao và Trần Mộng Tú ở Festival Văn Hóa Dallas 2005
Nhưng
hỡi ơi ngày vui ngắn chẳng tày gang (xin lỗi phải dùng tới sáo ngữ mới
thấy thấm thía). Kể từ buổi đó không có dịp gặp lại Quỳnh Giao nữa, chỉ
thỉnh thoảng gọi điện thăm và gởi tặng sách báo, CD cho nhau. Rồi như
sét đánh giữa trời quang mây tạnh, tin buồn tới với bạn bè anh em, trong
đó có Đinh Cường, Hải Phương, Nguyễn Trọng Khôi và kẻ này cùng nhiều
người nữa: Quỳnh Giao ra đi vào sáng sớm ngày 23 tháng 7. 2014. Thế là
chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta mất đi hai ca sĩ tiêu biểu của
bầu trời xứ Huế: Hà Thanh và Quỳnh Giao. Mấy hôm nay, trong ánh nắng rực
rỡ của mùa hè mà lòng mình cứ chùng xuống. Thỉnh thoảng nhớ tới bạn,
đi tìm lại các CD có giọng hát Quỳnh Giao và lục tìm trên lưới những âm
thanh và hình ảnh gợi lại một vùng đất vùng trời. Trong số những ca
khúc Quỳnh Giao hát, mình đặc biệt yêu thích hai bài: Hình Ảnh Một Buổi
Chiều và Hoàng Hạc Lâu. Ôi, vàng tung cánh hạc bay bay khuất / Trắng một
màu mây vạn vạn đời… Xin chia tay cánh hạc vàng của nền âm nhạc Việt
Nam.
Quỳnh Giao trên sân khấu Festival Văn Hóa Dallas 2005
Vĩnh biệt Nghệ sĩ Quỳnh Giao - Phượng Hoàng giới thiệu (SBS Úc Châu)
Quỳnh Giao, người nghệ sĩ chuyển tải cái đẹp của âm nhạc nghệ thuật đến cho chúng ta
Ca sĩ Duy Trác, một giọng hát hàng đầu của tân nhạc Việt Nam trước 1975 nhận định như sau trong chương trình nhạc chủ đề ở trên:
"Một
thi sĩ có định nghĩa như thế này: 'Tiểu sử của một nhà thơ là thơ của
người ấy, kỳ dư chỉ là chú thích'. Đối với một ca sĩ, có lẽ cũng không
có gì khác. Ngoài tiếng hát, tất cả những gì liên quan tới tiếng hát
chỉ là những lời nói thêm. Vậy thì, chúng ta hãy trở lại với tiếng hát
Quỳnh Giao và những gì người nghe nhận được từ tiếng hát ấy:
Quỳnh
Giao hát rõ ràng, thoải mái, có vẻ như cô không cần đến môt sự cố gắng
nào khi hát. Sự hòa nhập của Quỳnh Giao đối với những bài mình hát là
một sự hòa nhập được đắn đo hẳn hoi. Hình như khi hát Quỳnh Giao còn
muốn khẳng định sự tách rời giữa tiếng hát, bài hát và người nghe, dù đó
là một sự liên hệ hỗ tương. Cái khoảng cách cần thiết, sự thật thì
người ta cũng chẳng thể nào xóa bỏ được và chỉ khi nào người ta ý thức
rõ ràng như thế, việc thưởng thức mới thật sự nghiêm chỉnh."
Ký GiảDương Phục của Radio Saigon Houston thực hiện
Trích từ bài "Vĩnh Biệt Ca Sỹ Quỳnh Giao" của đài BBC - 5 tháng 8, 2014
....
Viết báo và làm phát thanh
Năm 1997 Quỳnh Giao thực hiện cho ban Việt ngữ đài BBC chương trình "Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam".
Được
phát thanh hàng tuần qua 20 buổi, chương trình thuộc loại "nhạc sử" vì
nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời phôi thai năm 1938 đến
sau này.
Quỳnh Giao phân đoạn theo thời gian, theo thể tài và đọc
lời giới thiệu với phần minh diễn của các ca sĩ và phần phát biểu của
nhiều nhạc sĩ.
Nhờ nội dung phong phú và nhạc hiệu là bản Bến
Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao diễn tả, Suối Nguồn Tân Nhạc được
thính giả yêu thích nên là một trường hợp hiếm hoi được BBC cho phát lại
lần thứ hai.
Nguyên nhân sâu xa nữa sẽ được hiểu ra sau này là
Quỳnh Giao có ký ức rất sâu, đã sống với tân nhạc từ bé, gần gũi với các
nhạc sĩ và ca sĩ như trong một đại gia đình nên nắm vững hoàn cảnh ra
đời của từng ca khúc.
Người ta thấy được điều này khi đọc Quỳnh Giao.
Quỳnh Giao viết về nhạc thì cũng như kể chuyện về các nghệ sĩ bằng hữu của thân mẫu.
Nhưng
kiến thức sâu sắc về nhạc và về kỹ thuật trình bày còn giúp người đọc
nhớ lại và có sự thưởng ngoạn cao hơn với từng tác phẩm, từng tác giả
hay người trình diễn.
Quỳnh Giao cộng tác với giai phẩm Xuân của
Việt Báo và nhật báo Người Việt trong mục "Tạp Ghi" với những bài định
kỳ mỗi tuần và trên Người Việt kể từ năm 2005, đến nay đã có gần 500
bài.
Không chỉ đọc Quỳnh Giao, người ta còn nghe thấy tiếng nói thanh quý rất ăn micro của người nghệ sĩ.
Những
ai còn nhớ tới Quỳnh Giao trong chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc năm
xưa trên làn sóng đài BBC tìm lại được tiếng nói đó qua mục Vòng Chân
Trời Văn Học Nghệ Thuật với nhà báo Lê Đình Điểu của đài phát thanh
VNCR.
Giấc Mơ Hồi Hương
(Vũ Thành) - Quỳnh Giao. Hòa âm và đệm do ban nhạc đàn dây của nhạc sĩ
Hoàng Lang. Bản ghi âm trước 1975 tại đài phát thanh Sài Gòn
Thiên Thai
(Văn Cao) -Anh Ngọc-Mai Hương-Kim Tước-Quỳnh Giao & The Quintet Of
Mozart Institute Of Music in Houston.Texas - Clear Lake
University.1992
Ca sĩ Quỳnh Giao hát: "Màu Tím Hoàng Hôn" - Nhạc: Lê Trọng Nguyễn; lời: Nguyễn Hiền - (Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đàn accordeon) Ca sĩQuỳnh Giao hát: SAO ĐÊM (nhạc & lời: Lê Trọng Nguyễn)
Đồng Ca "Ngày Mai Trời Lại Sáng" Từ trái: Thanh Hùng, Trương Minh Cường, Vũ Trung Hiền, Xuân Thu, Quỳnh Châu, Quỳnh Giao, Mai Hương, Bà Lê Trọng Nguyễn, Phạm Anh Dũng
(Nguồn: Tưởng nhớ Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn - website Cỏ Thơm)
1. Chán Nản (Nhạc: Văn Phụng 1972) 2. Nhạc Sầu Tương Tư (Nhạc: Hoàng Trọng và Hoàng Dương 1953) 3. Tiếng Hát với Cung Đàn (Nhạc: Văn Phụng 1972) 4. Tìm Một Ánh Sao (Nhạc: Hoàng Trọng 1962) 5. Mưa trên Phím Ngà (Nhạc: Văn Phụng và Thanh Nam 1959 - Huỳnh Nhật Tân viết phỏng theo hòa âm của Văn Phụng) 6. Bạn Lòng (Nhạc: Hoàng Trọng & Hồ Đình Phương 1956) Song ca với Nguyễn Thành Vân 7. Nỗi Buồn (Nhạc: Văn Phụng) 8. Một thuở yêu đàn (Nhạc: Hoàng Trọng 1961) 9. Suối Tóc (Nhạc: Văn Phụng và Thy Vân 1956 - Huỳnh Nhật Tân viết phỏng theo hòa âm của Văn Phụng) 10. Tình Trăng (Nhạc: Hoàng Trọng & Hồ Đình Phương 1957)
Quỳnh Giao Với "Tình Khúc Phạm Duy" & "Trở Về Thôn Cũ"
Trong
số các ca sĩ của chúng ta, nổi tiếng ở trong nước từ trước 1975, ra
khỏi nước sau 1975, vẫn còn tiếp tục hát, có lẽ Quỳnh Giao là người ít
tuổi nhất.
Nhưng, trong buổi trình diễn chung mới đây, nhân dịp
kỷ niệm 50 năm hát của Mai Hương, trước số khán giả đông nghẹt hội
trường của nhật báo Người Việt, Kim Tước đã nói một câu hài hước rằng,
ban hợp ca “Tiếng Tơ Ðồng” của họ, [gồm Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh
Giao], nay có thể gọi là ban “Tiếng Tơ Bạc” được rồi. Ðiều ấy, cũng có
nghĩa là cái người ít tuổi nhất kia giờ cũng không còn trẻ nữa.
Song
phải thấy Quỳnh Giao đứng trên sân khấu, nói chuyện, ứng phó với khán
giả, với thái độ chững chạc - mới thấy “tuổi tác” có cái đẹp riêng.
Chẳng hạn khi xuất hiện trong một tiết mục [sau] - bận một bộ đồ mới,
màu vàng điểm hoa hơi sặc sỡ với một chiếc khăn cùng màu “rất điệu” vắt
ngang trên tóc, khán giả cười ồ. Quỳnh Giao đã quay xuống hỏi: “Có phải
quý vị cười vì Quỳnh Giao thay áo không”. Thay áo? Thật khéo. Câu nói đã
lấy được hết cảm tình của khán giả. Tự nhiên người ta quên cả cách ăn
mặc chỉ trước đó vài phút có thể người ta cho là hơi “xí xọn” giờ lại
thấy nó có vẻ gì đó duyên dáng!
Có những tiếng hát, nghe rồi, khi gặp người hát, người ta có cảm tưởng, giữa người hát và tiếng hát, có một cái gì đó sai lạc.
Tiếng hát Quỳnh Giao hợp nhất với khuôn mặt và cả vóc dáng người hát.
Nghe và xem Quỳnh Giao hát, người ta có thể thấy ngay rằng, người như thế ắt tiếng hát phải như thế.
Mong manh. Trong sáng. Dịu dàng.
Có người cho rằng giọng hát Quỳnh Giao hơi mỏng.
Ðó là điều người ta có thể thích hay không thích.
Nhưng cái vẻ sang trọng và kỹ thuật điêu luyện của tiếng hát thì không ai có thể phủ nhận được.
Hai
CD sau cùng vừa hoàn tất của Quỳnh Giao “Trở Về Thôn Cũ” và “Tình Khúc
Phạm Duy” ghi dấu sự đổi thay thật sự của giọng hát Quỳnh Giao.
Như trái đã đủ chín, rượu đã đủ nồng.
Không phải chỉ vì ảnh hưởng của thời gian mà còn do những đổi thay, vui buồn của cuộc sống làm nên nữa.
Tiếng hát khoan thai hơn, dịu dàng hơn.
Người ta càng thấy rõ cái vẻ mỏng manh của giọng hát Quỳnh Giao vừa là khuyết điểm vừa là ưu điểm.
Nó không chuyên chở được những đam mê bốc cháy, nhưng lại làm cho người ta hiểu được cái đẹp, cái mong manh của đời sống.
Tham
dự buổi trình diễn kỷ niệm 50 năm hát của Mai Hương, có sự tham dự của
Quỳnh Giao và Kim Tước người ta ghi nhận hiện tượng này: Thính giả của
họ là những thính giả đặc biệt, dù đông đảo như thế, nhưng hình như
không có một người nào dưới 40 tuổi. Nhiều nhất vẫn là những người ở
quanh tuổi với người hát.
Thật cảm động khi thấy quanh những hàng
ghế khán giả, giữa những mái đầu hoa râm, và cả bạc trắng nữa, luôn có
những tiếng lẩm nhẩm hát theo ca sĩ.
Họ thuộc gần hết các bài ca sĩ hát.
Ca sĩ hát sai cho dù chỉ một từ trong phần lời ca chắc chắn đủ gây cho họ sự khó chịu.
Họ
đến đấy không phải chỉ để nghe hát mà còn muốn chia xẻ với người hát và
cả tác giả nữa cái hay, cái đẹp của tác phẩm, những tang thương biến
đổi của lịch sử, vì những tác phẩm ấy đã nằm sâu trong lòng họ, nhắc lại
với nhau một quá khứ chung đã mất và những ngày còn lại.
Họ đến
đấy để gặp lại nhau và cả để biệt nhau nữa. Như người xưa tới thăm hoa
và biệt hoa vì hiểu rằng “thất thập tam nhân nan tái đáo”, một người 73
tuổi khó còn có lần trở lại...
Người hát, người nghe và một số tác giả, đã cùng tạo ra một thế giới riêng, có thể như thế.
Cái
thế giới đó đã khô cạn, người đã chết, cảnh đã thay đổi, đã biến mất,
tình cảm xa lạ, không có gì hấp dẫn và dính dấp với họ, họ nhập vào đấy
để làm gì?
Ðó là một thực tế.
Chấp nhận thực tế ấy là chấp nhận một sự đứt rời với quá khứ.
Nhưng
nếu các tác phẩm ấy rồi vẫn sẽ còn tồn tại, như nó từng tồn tại, và
“người sau” có lúc chợt thắc mắc tự hỏi không biết “người xưa lưu luyến
ra sao nhỉ”, họ có thể tìm và nghe lại Quỳnh Giao, để hiểu điều đó và để
biết người đồng thời yêu và trình diễn những tác phẩm ấy thế nào.
Vì, Quỳnh Giao là một trong những người đáng tin cậy đấy.
Nguyễn Ðình Toàn
Mời nghe toàn bộ CD "Trở Về Thôn Cũ" với tiếng hát Quỳnh Giao
Trích bài "Nhạc trưởng Vũ Thành và tôi" của Lê Văn Khoa - (San Diego, 25-11-1987)
Vũ Thành Lê Văn Khoa
Nhạc
sĩ Vũ Thành rất kỹ với tác phẩm của mình nhưng cởi mở hơn nhạc sĩ Hùng
Lân. Nhiều người biết rõ ông Vũ Thành rất trọng âm nhạc và khắt khe đối
với chính bản thân mình như thế nào. Ðiều đó làm cho Quỳnh Giao thận
trọng khi trình bày bài Nhặt Cánh Sao Rơi của ông. Nói cách khác Quỳnh
Giao kính trọng nhạc sĩ Vũ Thành nên không muốn đàn đệm qua loa. Cô yêu
cầu tôi viết phần piano cho tác phẩm này. Nhờ biết tài của tác giả cũng
như người trình diễn, tôi phóng bút viết thoải mái. Dù vậy tôi vẫn có ý
muốn cùng duyệt lại với nhạc sĩ Vũ Thành. Gặp ông trong chương trình
Xuân Họp Mặt của Kim Tước ở Santa Ana hồi đầu năm nay, ông hứa trong vài
hôm sẽ xuống San Diego chơi với tôi, nhưng vì bệnh thình lình ông không
xuống được. Tôi gửi bài qua ông. Ông viết thư đáp lại như sau:
Takoma Park, ngày 8-6-1987 Thân gửi anh Khoa,
Tôi vừa nhận được bản Piano “Nhặt Cánh Sao Rơi”.
Rất cảm động thấy anh đã viết phần đệm công phu và rất hay. Giá tôi có
tự viết chưa chắc đã kỹ được như thế. Ðủ thấy anh quý tôi rất nhiều. Xin
thâm tạ tấm thịnh tình đó.
Hôm tôi qua California, có gọi
Dương (cụ Ðào Hữu Dương, anh họ của nhạc sĩ Vũ Thành) mấy lần mà không
được. Ðịnh bụng gọi được ông Dương rồi sẽ gọi anh. Rồi bất chợt bị ốm
quá không kịp chào ai cả xách khăn gói về Washington ngay. Tôi vốn không
phải là pianist nên không hiểu bản anh viết có khó lắm không nhưng
trông bộ chắc Quỳnh Giao tập cũng khước mới đánh được. Chưa được Quỳnh
Giao cho nghe, khả năng thẩm định bằng mắt không được bén nhạy lắm nên
không dám phê bình sát. Chỉ biết accord hay và phần basse rất cẩn thận
đi mouvement contraire rất tài. Chắc vài hôm nữa thì sẽ được Quỳnh Giao
cho nghe. Ðộ tháng Novembre hay đúng hơn cuối Décembre tôi lại sang
California, sẽ gặp anh hàn huyên nhiều.
Xin thân nhiệt chúc anh chị và các cháu mạnh. Hẹn sẽ gặp lại.
Thân mến, Vũ Thành
Ðây
là bức thư ngắn nhất của nhạc sĩ Vũ Thành gửi cho tôi. Ý tứ không được
mạch lạc, nét chữ càng gần cuối thư càng tháu, khó đọc, chứng tỏ ông
không được khỏe tuy ông không đề cập đến.
1. Dưới Giàn Hoa Cũ (Tuấn Khanh) 2. Hoa Xuân (Phạm Duy) 3. Cùng Một Kiếp Hoa (Võ Đức Phấn) 4. Ngọc Lan (Dương Thiệu Tước) 5. Nụ Tầm Xuân (Phạm Duy) 6. Mùa Hoa Phượng (Văn Hạnh và Lê Đô) 7. Thiên Lý Bên Đời Vẫn Ngát Hương (Thanh Trang) 8. Hoa Tiên (Phạm Duy) 9. Bướm Hoa (Nguyễn Văn Thương) 10. Hoa Mai (Canh Thân)
Ra Mắt Tạp Ghi Quỳnh Giao: Ca Sĩ Viết Về Âm Nhạc (Nguồn: http://www.vietbaọ.com - 24/10/2011)
WESTMINSTER
(VB) - Khoảng 300 văn thi hữu, đại diện các cơ quan truyền thanh,
truyền hình, báo chí, bằng hữu và đồng hương đã tham dự buổi ra mắt cuốn
Tạp Ghi Quỳnh Giao tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, trên đường
Moran, thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ, vào chiều Chủ Nhật,
ngày 23 tháng 10 năm 2011. Hội Trường Người Việt không còn chỗ để đặt
ghế, nhiều người đến sau đã phải đứng lan ra các lối đi. Dù vậy nhiều
người vẫn vui vẻ đứng theo dõi các tiết mục của buổi ra mắt cuốn Tạp Ghi
Quỳnh Giao từ đầu đến cuối. Buổi chiều mùa thu tại miền Nam Cali với
khí hậu mát dịu và không nắng gắt như mấy ngày trước bổng trở nên thơ
mộng và nồng ấm với những tiếng hát vượt thời gian của các đồng nghiệp
của ca sĩ Quỳnh Giao như Kim Tước, Mai Hương, Lê Hồng Quang, Phạm Hà qua
các ca khúc Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Chiều Tím của Đan Thọ,
Kiếp Nào Có Yêu Nhau của Phạm Duy và Hình Ảnh Môät Đêm Trăng của Văn
Phụng. Trong số những văn thi hữu tham dự có những nhà văn, nhà thơ
tên tuổi trong văn đàn Việt Nam như nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Nhã
Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, nhà văn Nguyễn Đình Toàn,
nhà văn Phạm Xuân Đài, sử gia Tạ Chí Đại Trường, nhà văn Huy Phương, nhà
báo Nguyễn Xuân Nghĩa, diễn viên kịch trường Lê Tuấn, v.v… Nhà báo Đinh
Quang Anh Thái phụ trách phần điều hợp chương trình với tài chọc cười
cử tọa rất vui nhộn.
Nhà báo
Nguyễn Xuân Nghĩa, phu quân của ca sĩ Quỳnh Giao, mở đầu buổi ra mắt
sách với lời tâm tình của một ông Quỳnh Giao đóng vai trò yểm trợ tích
cực cho phu nhân bằng tất cả mọi điều làm được từ góp ý cho tác phẩm đến
sửa soạn cho buổi ra mắt sách.
Nhà văn Phạm Xuân Đài, Chủ Bút
Tạp Chí Thế Kỷ 21, trong phần giới thiệu cuốn Tạp Ghi Quỳnh Giao, nói
rằng độc giả có cảm nhận khác nhau khi đọc những bài tạp ghi hàng tuần
trên Nhật Báo Người Việt với đọc cuốn sách. Theo nhà văn Phạm Xuân Đài
cuốn Tạp Ghi này viết về âm nhạc. Nhà văn Phạm Xuân Đài cho rằng Quỳnh
Giao được sống và trưởng thành trong môi trường âm nhạc từ gia đình với
vai trò là con của nghệ sĩ Minh Trang đến sân khấu ca nhạc trong và
ngoài nước cho nên, tạp ghi viết về âm nhạc là sự lựa chọn đúng. Nhà văn
Phạm Xuân Đài nhận định rằng Quỳnh Giao nhờ có kiến thức và kinh nghiệm
chuyên môn và bằng tâm hồn mẫn cảm với âm thanh cộng với tài viết lách
nên đã có thể khắc họa được từng nhân vật của thế giới âm nhạc.
Nhà
văn Huy Phương, cũng là người phụ trách mục tạp ghi trên báo Người
Việt, phát biểu về tác giả Quỳnh Giao và Tạp Ghi. Huy Phương kể rằng ông
quen biết Quỳnh Giao từ thời ấu thơ, trên 60 năm trước, vì cùng ở Huế.
Ông nói rằng chưa thấy ai là ca sĩ mà nói về văn chương lâu bền như
Quỳnh Giao. Ông cho rằng viết tạp ghi không dễ tí nào cả, bởi vì phải
viết đều đặn để đúng ngày giờ cho số báo. Ông nêu ra 2 điểm độc đáo của
Quỳnh Giao là người sinh trưởng ở Huế mà không biết nói giọng Huế và có
tính ca sĩ mạnh hơn nhà văn.
Trong phần phát biểu, nhà văn Nguyễn
Đình Toàn kể lại mối giao tình và quen biết Quỳnh Giao qua gia đình của
nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Theo nhà văn Nguyễn Đình Toàn, trong Tạp Ghi,
Quỳnh Giao đề cập đến nhiều vấn đề chứ không phải chỉ là âm nhạc, dù âm
nhạc được nói đến nhiều nhất. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn cũng nhân đấy kể
một vài kỷ niệm mà ông có với Quỳnh Giao trong vòng 40, 50 năm nay. Nhà
văn Nguyễn Đình Toàn kết thúc phần phát biểu bằng một khẳng định rằng
Quỳnh Giao viết hay hơn là hát.
Kịch sĩ Lê Tuấn, trong lời phát
biểu cho biết ông nghe Quỳnh Giao hát từ lúc còn bé và ông cũng đã đọc
40, 50 bài viết của Quỳnh Giao trước khi đọc Tạp Ghi này. Ông cho rằng
trong Tạp Ghi, Quỳnh Giao rất cẩn trong trong từng chữ, từng câu. Ông
nói rằng sách của Quỳnh Giao kén người đọc cũng giống như nhạc Quỳnh
Giao kén người nghe vậy.
Quỳnh Giao, trong phần phát biểu cảm
tưởng với tư cách là tác giả của Tạp Ghi, đã trịnh trọng bày tỏ niềm
biết ơn sâu xa và kính dâng tác phẩm cho thân phụ là Cụ Ưng Quả, thân
mẫu là cụ Minh Trang, và kế phụ là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vì nhờ huyết
thống tinh tuý của cha mẹ mà bà có được cái tên Quỳnh Giao như hôm nay.
Quỳnh Giao cũng nói lời cám ơn đến các diễn giả, các đồng nghiệp ca sĩ,
tòa soạn báo Người Việt, phu quân Nguyễn Xuân Nghĩa, và tất cả bằng hữu
đã đến tham dự buổi ra mắt Tạp Ghi.
Sau cùng, như thay cho lời
cám ơn bằng hành động quý giá, Quỳnh Giao đã mời ca sĩ Kim Tước, Mai
Hương, là 3 ca sĩ trong Ban Nhạc Tiếng Tơ Đồng lên sân khấu để trình bày
ca khúc Hình Ảnh Một Đêm Trăng, nhạc của Văn Phụng.
Quỳnh Giao ký tặng sách
Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, phu quân của ca sĩ Quỳnh Giao, mở đầu buổi ra mắt sách với lời tâm tình ...
Quỳnh Giao và nhà văn Doãn Quốc Sỹ
Mai Hương, Lê Tuấn, Quỳnh Giao ... Quang cảnh buổi ra mắt sách
"...
Bài viết không mang dụng ý một bài điểm sách, càng không tham vọng tô
hồng một cây viết nữ vốn đã nổi danh nhờ nghiệp cầm ca, mà đơn thuần vì
lòng ái mộ một nghệ sĩ tôi có dịp quen biết từ năm 1965 khi đại diện
quân đội mời cô tham gia Đoàn văn nghệ của VNCH sang trình diễn ở Kuala
Lampur và Singapore theo lời mời của Hoàng gia Mãlai trong đó có tiết
mục độc tấu piano của cô gái ở tuổi 19 có tên Quỳnh Giao trên sân khấu
nước bạn nửa thế kỷ trước đây.
Nhớ
Quỳnh Giao không hẳn chỉ nghe lại lời ca tiếng hát tiếng đàn qua các
CD, với tôi, khi đọc lại Tạp Ghi Quỳnh Giao của người ca sĩ khi quay
sang nghiệp bút cũng là một sự trân trọng người nghệ sĩ vừa bỏ đường
trần về miền giao hưởng thiên thu."
Bài Tạp Ghi Quỳnh Giao cuối cùng - Tân nhạc Việt Nam sau di cư và trước di tản Friday, July 18, 2014
Người Việt lãng mạn của chúng ta thường bị giằng xé với hai giấc mơ tương phản.
Sống
tại vùng chật hẹp với giang hồ sông nước là sự cách trở, chúng ta mơ
chân trời xa lạ “như lũ chim quyết tung trời mây”... Và dù có gặp “biển
hồ mênh mông không nơi ngừng cánh tránh gió táp,” chúng ta vẫn “thề
quyết ra đi từ đây.” Nhạc sĩ Lâm Tuyền ghi lại cho tiềm thức chung cái
giấc mơ đó.
Thế rồi, khi đã toại lòng với “bao năm qua ta sống
giang hồ xa quê nhà, nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời,” thì cũng
chính tâm hồn lãng mạn ấy hát khúc ngày về. Giấc mơ hồi hương là phần
tương phản của cái chí tung hoành đi tìm đất lạ.
Nếu đọc lại
nhiều bài viết của Vũ Hoàng Chương thì có thể mường tượng ra giấc mơ
giang hồ đó. Nó trải rộng trong hồn thơ chứ vẫn thu hẹp vào khoảnh đất
nhỏ xíu. Từ Nam Ðịnh đến Hà Nội đã là một phiêu lưu. Lên tới núi rừng
Việt Bắc thì đấy là cõi bạt ngàn!...
Quỳnh Giao nhắc lại Lâm
Tuyền hay Vũ Hoàng Chương vì nhớ tuổi ấu thơ thao thức của mình khi sắp
được đi Vũng Tầu! Lên tới Ðà Lạt thì đã tựa như vào Thiên Thai trong cổ
tích....
Thế rồi một biến cố đã giập giấc mơ vào thực tại. Với nhiều người thì đấy là cơn ác mộng.
Hiệp
định Genève năm 1954 chia đất nước ra hai vùng giới tuyến làm nhiều
người phải giang hồ thật! Phong trào di cư từ Bắc vào Nam là biến cố lớn
lao nhất thế kỷ, cho đến ngày có cuộc di tản năm 1975 và sau đó.
Nền
tân nhạc cải cách Việt Nam xuất phát đầu tiên từ trong Nam vào quãng
1938-1940. Rồi bùng phát và trưởng thành là ở ngoài Bắc trong thời kỳ
1945-1954. Ðấy là giai đoạn hào hùng mà lãng mạn với rất nhiều ca khúc
trữ tình. Rồi cuộc di cư 54 là một giao động lớn trong thế giới tân nhạc
ấy.....
Chúng ta có những nhà soạn nhạc đã thành danh ở miền
Bắc. Phần lớn trong số này cũng là nhạc công, là nhạc sĩ trình diễn
chuyên nghiệp với một hay nhiều nhạc cụ. Những người vào Nam từ trước
chỉ là một thiểu số hiếm hoi. Sớm nhất thì có Lê Thương từ năm 1941, trễ
hơn chục năm thì có Phạm Duy và Phạm Ðình Chương trong “gia đình Thăng
Long.”
Phong trào di cư từ 1954 mới xô đẩy đa số còn lại vào Nam và làm thay đổi không khí tân nhạc.
Các
nhạc sĩ tên tuổi từ miền Bắc có Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Ngọc Bích,
Hoàng Trọng và Vũ Thành. Những nhạc sĩ kế tiếp nổi danh như cồn ở trong
Nam thì có Ðan Thọ, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Cung Tiến. Phải gõ chữ
vân vân vì nhiều lắm. Những người còn ở lại miền Bắc, như Văn Cao, Hoàng
Giác, Hoàng Phú, Tô Vũ hay Ðoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý thì hết viết...
như cũ.
Nhớ lại chuyện 60 năm trước, chúng ta tự hỏi là lớp nhạc sĩ di cư đã sáng tác những gì sau đó?
Trong
mọi cơn chấn động bàng hoàng, con người chúng ta chỉ là lũ trẻ thơ. Hãy
nhìn bầy trẻ khi chúng hãi sợ, hoặc gặp điều phật ý mà khó hiểu. Có
những đứa thì hờn lẫy giẫy giụa, nhưng cũng có đứa lặng người không thể
gào khóc. Còn gào thét là còn tin rằng ai đó sẽ phải lo cho mình, chứ
nếu lặng người nín thinh thì đấy là lúc đứa trẻ bần thần tuyệt vọng
nhất. Sau cơn chấn động như 1954 hay 1975, chúng ta đều lặng người trong
tê tái.
Nhưng các nhạc sĩ của chúng ta lại khác bầy trẻ. Họ không nín lặng mà khóc bằng nhạc.
Cảm
hứng viết nhạc hoài hương có sẵn trong tâm khảm đã từ biến cố 54 đưa
tới nhiều ca khúc về cố hương. Không kể những bài đã có từ trước như “Ôi
Quê Xưa” của Dương Thiệu Tước, “Tình Hoài Hương” của Phạm Duy hay
“Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, chúng ta nhớ lại “Khóc Biệt Kinh Kỳ”
và “Bên Bờ Ðại Dương” của Hoàng Trọng, “Xa Quê Hương” của Ðan Thọ, “Bóng
Quê Xưa” của Nhật Bằng và “Tìm Về Bến Xưa” hay “Thanh Bình Ca” của
Nguyễn Hiền, v.v....
Ðan Thọ và Nguyễn Hiền là hai nhạc sĩ có nhiều tác phẩm về nỗi hoài niệm quê hương đã mất kể từ thời 54. Ngày nay, Ðan Thọ vẫn còn và có lẽ không quên sự thổn thức của 60 năm trước.
Ngồi
nhớ và nghe lại thì sau biến cố Genève 54, các nhạc sĩ của chúng ta còn
bị giằng xé theo một cách khác. Nhiều người vẫn tin vào một ngày trở
về.
“Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành là tác phẩm đẹp nhất của đề
tài này. Ngoài lời một được gợi lên từ một bài thơ, lời hai của chính
tác giả trong điệp khúc có âm điệu khải hoàn ca: “ngoài chân mây xa bừng
lên muôn ánh hào quang” vì đấy là lúc giấc mơ đã thành, là “cùng dìu
nhau sát vai sống trong tình thương.”...
Người khác thì khám phá và hát mừng sự bao la choáng ngợp của miền đất mới.
Vào
Nam từ trước, Phạm Ðình Chương sớm ngợi ca miền Nam đôn hậu từ hình ảnh
Cửu Long của trường ca Hội Trùng Dương. Rồi qua năm 1955, ông chấm nơi
này là “Ðất Lành” và hát về mối tình Nam-Bắc một nhà: “Em gái Bắc Ninh,
anh trai Biên Hòa. Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mâu. Ðồi nương thương
sức cần lao, se duyên Nam Bắc ngọt ngào tình yêu”...
Cũng trong
dòng nhạc đó, trường ca “Con Ðường Cái Quan” do Phạm Duy thai nghén từ
năm 54 tại Paris và hoàn thành về sau ở trong Nam đã có những giai điệu
“tốt tươi” nhất - chữ “tốt tươi” là của ông - là từ đoạn 16 trở về sau,
khi chàng lữ khách mơ giấc hải hồ vào tới trong Nam!
Trong số
nhạc sĩ di cư, Hoàng Trọng nổi danh từ đất Nam Ðịnh với nhiều ca khúc
luyến nhớ. Sau khi vào Nam, từ “Mộng Ngày Hồi Hương” năm 1956, ông hòa
vào niềm vui mới qua bài “Ðẹp Mùa Yên Vui” sáng tác năm 1958 với lời từ
của Hồ Ðình Phương: “Miền Nam mưa nắng giao hòa, Câu hát câu hò say trời
quê đẹp như gấm hoa...”
Sự giằng xé dễ hiểu mà đáng thương của
người viết nhạc diễn tả tâm tình day dứt của chúng ta giữa cái cũ đã mất
và cái mới đã thành đời sống thật.
Ngồi hát lại trong tâm tưởng,
“Con Ðường Cái Quan” đã từ đoạn Cửu Long Giang mà hò “Về Miền Nam” và
dẫn tới đoạn kết là “Ðường Ði Ðã Tới.” “Về Miền Nam” cũng là tên ca khúc
của Trọng Khương. Chúng ta không đi nữa mà về. Thâm tâm hát mừng như
vậy thật, chứ không vì sự tuyên truyền của loại nhạc cổ động, mà dẫu gì
thì hai miền vẫn chung một đất nước.
Rồi thời gian và sự tự do của miền Nam hàn gắn tất cả và dẫn tân nhạc qua một thế giới khác lạ.
Sau
khi đất nước chia đôi, trong số đông đảo các nhạc sĩ và ca sĩ di cư vào
Nam có nhiều nhạc công cự phách. Nhạc khúc mới và cách trình diễn tân
kỳ thổi gió mới vào nhạc qua đài phát thanh, phần phụ diễn văn nghệ của
phim chiếu bóng rồi đại nhạc hội và phòng trà hay khiêu vũ trường...
Khác
bộ môn văn chương là nơi mà lối viết của dân miền Nam làm phong thái
chân phương của nhà văn miền Bắc trở thành sống động hơn, với những đối
thoại rất gần với thực tế ngoài đời, bộ môn tân nhạc ở miền Nam lại tiếp
nhận tính chất trang nhã nhiều khi cầu kỳ của ca nhạc sĩ di cư từ miền
Bắc. Nghệ sĩ di cư như Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Anh Ngọc
cùng các ban nhạc và lối hòa âm đã thật sự làm tân nhạc miền Nam đổi
khác. Từ đó, các nhạc sĩ trong Nam không còn viết như trước nữa, nhiều
ca sĩ cũng trình bày theo giọng Bắc.
Sau đấy còn có sự đóng góp
của đông đảo thi sĩ di cư từ miền Bắc, và cả các nhà thơ tòng quân nhập
ngũ, khiến nghệ thuật phổ thơ vào nhạc còn đem lại một phong thái khác
hẳn cái thời mà chúng ta gọi là “tiền chiến.”
Cũng từ đấy, người
nghe khó phân biệt được sáng tác Y Vân, Nguyễn Văn Ðông, Lê Dinh, Minh
Kỳ hay Lam Phương với ca khúc của nhạc sĩ di cư đất Bắc. Nếu có khác thì
đấy là giữa thể loại ca khúc của thành phố thanh bình, có men rượu,
khói thuốc và cả một chút Paris, với nhạc chân quê hay nhạc của người
lính thời chiến.
Cho đến khi Nam Bắc thật sự là một nhà, và khi
nền tân nhạc hết phân biệt hậu phương hay tiền tuyến thì chúng ta gặp
cuộc đổi đời thứ hai, biến cố 1975. Lần này cũng vẫn phong ba giông tố,
nhưng không là một nơi chốn mới của quê hương mà là một sự giã biệt bi
thảm hơn. Sang năm, chúng ta sẽ viết lại chuyện này....
***
Từ
nhiều tháng nay, người viết ngồi dưỡng bệnh bằng nhạc, cho đến khi tòa
soạn Người Việt yêu cầu một bài đặc biệt về tân nhạc trong và sau biến
cố 54.
Không vì “yêu sách” của tờ báo mà vì yêu nhạc, Quỳnh Giao
cố gõ lại trí nhớ mà gửi độc giả bài này, với một kết luận là sự tri ân
của một người đã nghe và hát: “Nền tân nhạc Việt Nam có nhiều tác phẩm
nghệ thuật nhất, và đáng nhớ nhất vì còn được hát ngày nay, là ở miền
Nam, trong giai đoạn 1954-1975. Trước đấy thì chưa có và sau đó thì
không còn...”
Memories của Lê Văn Khoa- Quỳnh Giao
Khi Việt Nam gặp Ukraine thì chúng ta có gì? Một món quà Giáng Sinh ý nghĩa nhất từ nhiều thập niên. Món quà ấy là đĩa nhạc Memories nhạc sĩ Lê Văn Khoa sẽ cho ra mắt.
Với
những ai thật sự yêu âm nhạc, Lê Văn Khoa không là người xa lạ. Với
người khó tính và còn ước mơ một tương lai tươi sáng hơn cho nền nhạc
Việt, những nỗ lực của Lê Văn Khoa từ nhiều năm qua là một niềm hy vọng.
Ông cố bơi ngược dòng để đưa nhạc Việt ra khỏi lối mòn và có thể hoà
chung vào dòng nhạc thế giới.
Từ một phương trời rất xa và lạ,
một số nhạc sĩ Ukraine được nghe nhạc Lê Văn Khoa. Họ bèn tìm đến nhau,
kết quả là một đĩa nhạc độc đáo được thực hiện tại thủ đô Kyiv (Kiev)
của xứ Ukraine với dàn nhạc đại hoà tấu Kyiv Symphony Orchestra, dưới dự
điều khiển của nữ nhạc trưởng Alla Kulbaba. Một dàn nhạc Ukraine cùng
những tay độc tấu vĩ cầm, dương cầm, trung hồ cầm và sáo, có thực tài để
trình bày các nhạc khúc của một nghệ sĩ Việt Nam.
Sự kiện ấy cũng đã là hiếm hoi độc đáo.
Chúng
ta từng nghe vài nhạc sĩ Nga trình tấu giai điệu của các ca khúc phổ
thông của Việt Nam và nếu yêu nhạc thì đâm ra nghi ngờ giá trị nghệ
thuật của lối hội ngộ độc đáo ấy. Trường hợp của đĩa nhạc Memories và Lê
Văn Khoa thì khác. Ông có mặt tại Kyiv và hợp tác trong từng bước thực
hiện với những nhạc sĩ có chân tài của Ukraine nên sự cảm thông tất
nhiên đã có giữa người soạn nhạc và các nghệ sĩ trình tấu.
Chẳng
những có sự cảm thông giữa các nghệ sĩ mà còn có sự thông cảm của những
người cùng chia sẻ hoàn cảnh là có lòng yêu nhạc vô biên nhưng bị trói
buộc bởi hoàn cảnh. Họ muốn thực hiện một tác phẩm chung vì nghệ thuật
hơn là vì nhu cầu thương mại.
Kết quả là một bài ngợi ca âm nhạc thật đẹp, trải trên 10 nhạc khúc mà bài nào cũng làm người nghe bồi hồi xúc động.
Với
loại nhạc "không lời", giá trị tác phẩm nằm trong khả năng gợi ý hơn là
phải được nâng đỡ hay diễn giải bằng lời ca, lời từ. Những ai chưa mấy
quen thuộc với loại nhạc cổ điển không lời thì sẽ thích thú nhận ra giai
điệu quen thuộc ở bài ngắn nhất, bài số 7, có tên là Song of the Black
Horse.
Kỳ thú là tiếng dương cầm khúc khích và khốc khách như
tiếng nhạc ngựa tung tăng. Lý Ngựa Ô của Lê Văn Khoa còn tối tân hơn
vậy. Đây là nhạc khúc ông soạn lại cho hai dương cầm thủ. Bốn tay đan
lượn trên phím đàn đã mở ra không gian mới cho một giai điệu dân ca quen
thuộc của miền Nam.
Hai diệu thủ dương cầm Irina Starodub và
Lyudmila Chichuck là những người tuyệt vời. Nghe kỹ thì hiểu vì sao họ
đã đoạt những giải thưởng cao quý nhất về nhạc của Ukraine. Hai cô là
bậc thầy về nghệ thuật trình tấu. Trong tiếng cóc cách của vó ngựa, họ
không lạm dụng pedale, không đạp để gây... "ấn tượng" "hoành tráng" -
những từ đang bị lạm dung đến thành vô nghĩa.
Họ chỉ nhấp rất nhẹ và diễn tả đúng ý soạn giả khó tính là Lê Văn Khoa.
Sau
khi "làm quen" với loại nhạc không cần lời mà vẫn có hình ảnh đầy âm
sắc, mình nên nghe một giai điệu dân ca miền Bắc qua bài Beautiful
Bamboo, bài số ba theo thứ tự. Cây Trúc Xinh trong nét ngũ cung được độc
tấu dương cầm. Hoàn toàn Việt Nam mà mới lạ chừng nào. Đây là phút "ừ
nhỉ" của chúng ta. Ừ nhỉ, nhạc Việt Nam mình hay vậy mà xưa nay chỉ chú ý
tới lời mà không cần nhớ đến cung bậc.
Qua tác phẩm số chín, bài
In the Moonlight, mình mới phát giác thêm những nét đẹp ẩn giấu như
ngọc của nhạc Việt. Ngũ cung của dân ca Việt Nam, theo điệu "oán" của
miền Nam, trong tiếng sáo vi vu của đồng quê nước ta lại cất lên như
vậy. Đêm trăng của quê nhà có những nét đẹp kỳ lạ và khác hẳn những gì
mình đã từng nghe hay còn nhớ...
Mười hai năm trước, kỷ niệm hai
chục năm sau biến cố bi thương của Việt Nam, Lê Văn Khoa đã làm điều kỳ
lạ là dùng nhạc diễn tả mấy chục năm chinh chiến của quê hương. Đó là Tổ
khúc "1975", được trình bày lần đầu năm 1995 tại miền Nam California.
Từ đó, Lê Văn Khoa vẫn lặng lẽ đi tiếp.
Đĩa nhạc Memories là công trình của chuyến độc hành ấy.
Sau
khi đã nghe lại giai điệu dân ca của Việt Nam để làm quen với một lối
trình bày khác, mình hãy cùng bước vào thế giới âm nhạc của Lê Văn Khoa,
qua những sáng tác của ông trong tác phẩm Memories này.
Bài đầu tiên là Remembrance với cả dàn nhạc và dương cầm Lyudmila Chichuck.
Mở
đầu là nét Á Đông trên cung thứ buồn bã, tha thiết theo nhịp 3/4, rồi
chuyển lên cung trưởng, trong sáng linh động, trước khi trở lại nỗi day
dứt ban đầu. Âm nhạc là ngôn ngữ trừu tượng, nhạc khúc Remembrance dùng
âm thanh vẽ ra cây cầu vồng từ chân mây u uẩn vươn tới trời cao với muôn
màu hội ngộ và chìm dần như tiếng tơ trong nhớ thương luyến tiếc.
Bài
thứ hai, Nocturne, có giai điệu Tây phương hơn và đòi hỏi kỹ thuật
trình bày còn ráo riết hơn. Lê Văn Khoa diễn tả đêm đen đặc quánh bằng
phím nhạc dương cầm và chuyển lên cung trưởng đầy kỹ thuật trong tiếng
đuổi bắt âm thanh. Trong đêm đen, mọi thứ tưởng như lắng đọng, chỉ có
tâm tư của người nghệ sĩ còn day dứt và sôi nổi với trăm ngàn hình ảnh.
Bài Dạ Khúc của Lê Văn Khoa là tiếng nhạc của một đêm không ngủ. Đêm
không đen, chúng ta không cô đơn vì tâm trí vẫn dồn dập trăm ý.
Bài
thứ tư, Longing, là nhạc khúc lãng mạn diễn tả bằng trung hồ cầm và
dương cầm với tiếng đàn dây gởi lên nỗi bâng khuâng lưu luyến nối tiếp
trên cung trưởng của tiếng dương cầm reo vui. Rồi tan loãng dần trong
giai điệu ban đầu, như một niềm hy vọng.
Bài On the Way Home, nhạc khúc thứ năm, chắc sẽ chinh phục thính giả Tây phương.
Đây
là tác phẩm nhiều hình ảnh và màu sắc được viết như một bản "song ca"
của hai tay dương cầm. Một đối thoại bằng nhạc của hai người. Họ đối
thoại về cuộc đời, việc đồng áng, về những gian nan của nhân thế. Tiếng
nhạc mở đầu chập chờn rồi dồn dập như đời sống, nhưng trong sự lầm than u
uẩn đã có nguồn hy vọng. Nên nghe lại bài này nhiều lần, rồi mình sẽ
cảm tạ sự sáng tạo của Lê Văn Khoa.
Khuôn khổ "Tạp ghi" này không
cho phép người viết giới thiệu lại từng bài của đĩa nhạc. Vả lại, khi
âm nhạc là thông điệp trừu tượng thì mỗi người nghe lại cảm thấy một
khác tùy tâm cảnh của mình. Nhưng người yêu nhạc thì có thể yên tâm rằng
đĩa Memories của Lê Văn Khoa là tác phẩm có giá trị, do những người có
thực tài thực hiện cho chúng ta.
Người viết thì yêu thích nhất
các bài Remembrance, On the Way Home, Romance và In the Moonlight, và
muốn bày tỏ sự khâm phục trân quý dành cho tác giả.
Trong một thế
giới ồn ào, với nhiều người đang cố hét rất nhiều và gào rất lớn để hát
lên lắm ca khúc vô nghĩa nếu không có ánh sáng sân khấu thì loại nhạc
của Lê Văn Khoa có sự cô đơn đáng kính của người nghệ sĩ không tìm đám
đông. Ông đi tìm nghệ thuật và đã thấy. Rồi gặp nhiều nhạc sĩ có tài của
một xứ Ukraine mờ mịt bên kia đại dương để thực hiện cho chúng ta một
đĩa nhạc hay.
Chúng ta nên trân quý những người như vậy, và nên
giới thiệu cho bằng hữu thẩm âm một tác phẩm khiến mình bớt tuyệt vọng
về trình độ nghệ thuật nước nhà.
Qua Lê Văn Khoa, cũng xin được gửi đến các nhạc sĩ cùng dàn nhạc đại hoà tấu của Ukraine một lời tri ân.
Ðường Chiều Lá Rụng - Quỳnh Giao
Một
buổi chiều cuối năm, chúng tôi cùng hát với nhau dù chỉ được một phần
cả Ngàn Lời Ca của Phạm Duy. Trong có 24 tiếng để anh chị em tổ chức một
buổi sinh hoạt impromtu mà trang nghiêm, Quỳnh Giao nhận lời hát Kỷ
Niệm và Ðường Chiều Lá Rụng.
Kỷ Niệm là ca khúc vừa sáng tác xong
là Phạm Duy đưa cho con bé (Quỳnh Giao) hát trên đài phát thanh. Hơn
hai chục năm sau đó, khi mình còn ở miền Ðông và thực hiện lấy băng nhạc
Hát Cho Kỷ Niệm theo lối thủ công nghệ, ông cẩn thận gửi lời giới thiệu
qua một cassette. Ðấy là kỷ niệm khó phai, nghe lại là nhạt nhòa nước
mắt.
Còn Ðường Chiều Lá Rụng là một dấu ấn khác của Phạm Duy,
được ông viết khi còn trẻ, vào năm 1965, căn cứ theo tập nhạc “Hát vào
Ðời” xuất bản năm 1969. Nhưng trong cuốn “Ngàn Lời Ca,” thì ông viết từ
năm 1958, sau khi đi du học bên Pháp về. Ðiều này có lẽ cũng đúng, vì
ông đã dùng những điều học được áp dụng cho ca khúc. Ðây là bài hát có
nhạc thuật cao nhất của ông, với nét ngũ cung u uẩn và những chuyển đoạn
liên tục, vừa khó hát, khó nghe và khó hòa âm.
Năm
đó, khi vừa ráo mực, ông đưa tác phẩm cho nhạc sĩ Vũ Thành. Là trưởng
phòng văn nghệ của đài Phát Thanh Sài Gòn và trưởng ban nhạc đại hòa tấu
và hợp xướng Phương Hoa, Vũ Thành cũng cộng tác với đài Tiếng Nói Tự Do
của Hoa Kỳ, chuyên phát các chương trình ra miền Bắc. Nổi tiếng khó
tính, Vũ Thành lưỡng lự khi soạn hòa âm, vì Ðường Chiều Lá Rụng không dễ
viết.
Nguyên tác của Phạm Duy là nhịp ý dìu dặt thiết tha trên
ton Si thứ với nhiều quãng năm giảm (quinte diminué) làm nhiều ca sĩ
trẹo lưỡi. Hát đúng giọng thì phải xuống nốt Fa thăng thấp (dưới hàng kẻ
ba dòng) và lên nốt Fa thăng cao nhất (dòng kẻ thứ năm). Vũ Thành sửa
lại, dùng nhịp 4/4 theo lối chậm rãi kể lể của một bản Slow và viết
nhiều nốt liên ba (triolet) trong toàn bài, rồi còn hạ một cung, tức là
ton La thứ. Viết xong, Vũ Thành quyết định thu thanh cho chương trình
của đài Tiếng Nói Tự Do để phát ra Bắc, và vì thế trong Nam mình không
được nghe.
Ông chọn Thái Thanh để trình bày tác phẩm bất hủ này. Ðấy là một chọn lựa tuyệt vời.
Thường
ngày Thái Thanh vẫn nổi tiếng là cường điệu. Bà làm cho ca khúc thổn
thức rũ rượi hơn và nồng nàn hơn nguyên bản. Nhưng với Ðường Chiều Lá
Rụng qua hòa âm Vũ Thành thì mọi lối quằn quại điệu nghệ bỗng nhiên biến
mất. Bài hát quá khó, khiến bà phải cẩn trọng từng chữ, hát sai và
không theo dàn nhạc thì Vũ Thành “quạt” ngay, chẳng nể nang ai cả!
Thái
Thanh hát nghiêm chỉnh, lại có cả dàn phụ họa của Anh Ngọc, Nhật Bằng,
Phượng Bằng, Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao nữa, nên ca khúc là một
tuyệt chiêu. *
Như có lần người viết đã kể, khi di tản năm
1975, tài sản duy nhất được Vũ Thành đem theo là một số băng ghi âm các
ca khúc quý giá ông làm cho đài Tiếng Nói Tự Do. Trong đó có Ðường Chiều
Lá Rụng. Tại hải ngoại, khi thực hiện đĩa nhạc thứ hai với tên Tiếng
Chuông Chiều Thu, Quỳnh Giao chọn Ðường Chiều Lá Rụng vì yêu mến tác
phẩm trứ danh này. Nhưng đưa cho Duy Cường nghe tape nhạc Vũ Thành thì
bị lắc đầu: “Em không bao giờ làm giống ai và chẳng bị ảnh hưởng của ai
hết!” Ðúng quá chứ! Rồi Duy Cường cũng loay hoay mãi không viết được.
Anh không chịu đổi qua nhịp Slow như Vũ Thành, dù nhịp này dễ hát hơn
nhiều.
Cuối cùng Duy Cường hòa âm theo kiểu ad lib, là tự do, chẳng có nhịp gì hết.
Cái
khó là xưa nay ca sĩ hát ad lib thì nhạc sĩ đệm theo, chứ bao giờ lại
có sự ngược là nhạc sĩ đàn ad lib và ca sĩ phải hát theo! Cường nói:
“Chỉ có chị mới hát theo dàn nhạc được, và vì chị nên em mới thử nghiệm
điều này.”
Hôm thu âm tại phòng thu Tomlinson, Phạm Duy đến nghe.
Cô cháu hát thử câu đầu “chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa
chiều” bằng hai cách. Cách thứ nhất gần giống lối diễn tả của Thái
Thanh, là láy vào chữ “vắng” và chữ “rơi.” Cách thứ hai là chỉ láy vào
chữ “ta” mà thôi. Và hát rất đều giọng, nghiêm trang. Phạm Duy chọn cách
thứ hai. Viết lại như vậy để chúng ta hiểu ý người sáng tác.
Cho
tới giờ dường như số người hát Ðường Chiều Lá Rụng chỉ đếm trên đầu
ngón tay của một bàn tay. Riêng Phạm Duy thì nhắc đến ba người là Thái
Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao. Mà người nghe chắc cũng ít. Nhạc đã thế,
lời ca lại chẳng nhắm vào cảm quan mà đầy não tính...
Quỳnh Giao
đã viết nhiều nên không dám nói thêm về các lời từ của Phạm Duy khi ông
đưa tình yêu lên tận cõi chết. Ðường Chiều Lá Rụng là một tiêu biểu rực
rỡ và rã rời nhất với hình ảnh đầy chất siêu thực. Nhưng giờ đây, khi
ông đã ra đi, mà mình hát lại với nước mắt lưng tròng thì ca khúc lại
tái sinh như một bức họa.
Ông chuyển cung như dùng màu sắc để đổi ánh sáng và có nhiều câu báo hiệu lối viết sẽ thấy ở Trịnh Công Sơn về sau.
Một
kỷ niệm cuối là khi ghi âm bài này với hòa âm của Duy Cường, Quỳnh Giao
đã ỷ vào chỗ thân tình mà xin sửa một chữ ở câu cuối! Phạm Duy nghe
lại, gật gù và cho phép!
Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.
Quỳnh Giao xin phép hát là “Hồn ta như gò mối, im chờ phút đầu thai...”
Lá đã rụng, ông đã im. Chúng ta đang chờ ông trở lại.
Tin
Lê Quỳnh mất làm gia đình chúng tôi bồi hồi vì nhiều kỷ niệm cùng người
nghệ sĩ ấy. Trong nhà, chúng tôi nói chuyện với nhau về cô Trúc và cháu
Victor, khi ấy còn rất nhỏ. Thế rồi, tin Nghiêm Phú Phi qua đời vào
buổi sáng khi chuẩn bị đi dự tang lễ của Lê Quỳnh đã ập xuống như sét
đánh!
Cả tuần qua, giới nghệ sĩ bàng hoàng xúc động trước tin ông
qua đời. Nói là giới nghệ sĩ là nói chung, chứ những người thương tiếc
ông thật ra nhiều vô kể! Từ đám sinh viên Quốc Gia Âm Nhạc ngày trước
cho tới những người làm việc trong các đài phát thanh của Sàigòn. Từ
nghệ sĩ tại các phòng trà trước 75, đến các nghệ sĩ trẻ, những trung tâm
âm nhạc sinh hoạt ở hải ngoại... và nhất là những nhạc sinh ông đã đào
tạo từ năm 1956 đến nay, trong đó có người viết bài này...
Vì vậy, lần này xin phép độc giả và thân hữu gần xa để nói chuyện riêng tư.
Ngày
ấy người viết mới lên mười, được mẹ đem đến chú học đàn. Học trò thường
gọi Nghiêm Phú Phi bằng thầy, chỉ duy nhất có mình gọi thầy bằng “chú”.
Chú
Phi người gốc Bắc, mà nói đặc giọng Nam. Chú rất ít nói, và thường chỉ
nhỏ nhẹ dạy bảo học trò cách tập, dáng ngồi... Học với ông một năm thì
chuyển qua học với bà Ðỗ Thế Phiệt, là dì ruột của mình, cũng vừa về
nước sau chú Phi một năm.
Hàng
tuần, người viết vẫn gặp chú trong trường nhạc và ở đài phát thanh.
Khác với các giáo sư dương cầm tốt nghiệp từ Pháp về, thường chỉ dạy đàn
trong trường nhạc và tư gia, chú Phi còn đàn trong các ban nhạc của các
đài phát thanh Quốc Gia, đài Quân Ðội, đài Tự Do và đài truyền hình...
Và hằng đêm, chú đội mũ đeo kính đen đánh đàn ở phòng trà Ðêm Mầu Hồng.
Như một nghệ sĩ trong một quán nhạc rất... Paris.
Chú Nghiêm Phú
Phi không chủ trương chỉ có nhạc cổ điển mới là chính phái, mà luôn luôn
coi trọng âm nhạc Việt Nam. Chú Phi tốt nghiệp về hòa âm tại Pháp, khi
trở về viết hòa âm cho các bài dân ca thì đều có nét chung là rất công
phu, độc đáo. Hãy nghe lại Trường Ca Mẹ Việt Nam hay Con Ðường Cái Quan
của Phạm Duy do Nghiêm Phú Phi hòa âm, chúng ta mới thấy thế nào là nghệ
thuật hòa âm đã chắp cánh cho âm nhạc.
Tuy bận rộn với thời khóa
biểu như con thoi, chú Phi còn là nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp
xướng Hải Sơn của đài phát thanh Quốc Gia. Ông vừa viết hòa âm vừa làm
nhạc trưởng. Ngày ấy, Quỳnh Giao mới chỉ mười sáu, hàng tuần ngóng giờ
lên đài hát ban Hải Sơn với các cô chú và anh chị. Là người nhỏ nhất
trong ban lại được chú giao cho những bài hợp ca, bè hai, bè ba rất khó.
Hát ban Hải Sơn là một niềm vui kỳ lạ vì phần hòa âm thật công phu, dàn
nhạc lớn với cả chục vĩ cầm.
Những trường ca như Con Ðường Cái
Quan của Phạm Duy hay Hội Trùng Dương của Phạm Ðình Chương thì phải là
hòa âm của Nghiêm Phú Phi mới phát huy hết nghệ thuật của tác giả, khiến
người nghe thấy được sự hùng vĩ tuyệt vời của đất nước.
Cũng tại
đài phát thanh Quốc Gia, ngày ấy có một nữ xướng ngôn viên xinh đẹp,
giọng Nam vô cùng gợi cảm, được mời riêng để giới thiệu trong các chương
trình ca nhạc. Nữ xướng ngôn viên khác thì đọc tin tức, chứ riêng Ngọc
Sương được đề cử giới thiệu nhạc. Hàng ngày, cô đến đọc lời giới thiệu
các chương trình nhạc trong đó có ban Hải Sơn. Và, con người ít nói ở
trên kia để ý đến cô lúc nào, trong đài chả ai là không biết.
Nhưng
với tính ít nói đã thành thần thoại, chú Phi tỏ tình thế nào thì các
danh tài cùng thời như Mộc Lan, Châu Hà hay Anh Ngọc đều thắc mắc. Họ đố
nhau xem bao giờ cá cắn câu! Mà thắc mắc cũng dễ hiểu, vì cô Sương xinh
đẹp nên lúc ấy có rất nhiều người theo đuổi. Sau cùng, con người ít nói
ấy đã thắng tất cả các đối thủ!
Khi nhạc sư Ðỗ Thế Phiệt qua đời
năm 1970, chú Phi thay thế chức vụ giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc và
Kịch Nghệ và tại chức cho tới khi tan hàng năm 1975. Ông và gia đình kẹt
lại đến năm 1985 mới sang Mỹ định cư.
Những người bạn cùng chia
sẻ năm tháng thê lương ấy đều có chung một kinh nghiệm: Nghiêm Phú Phi
là người chừng mực và nghiêm túc nhất. Ông nghe tất cả mọi đài phát
thanh quốc tế và ghi âm hàng đêm! Có tin đồn gì về tin tức từ bên ngoài
thì đạp xe tới hỏi ông là rõ. Có hay không, đúng hay sai, ông Phi là
người mà mình có thể kiểm chứng vì nghe và nhớ hết! Trong cảnh tù đầy
chung, khung cửa sổ ra thế giới bên ngoài là Nghiêm Phú Phi! Một người
khác nay cũng vừa hội ngộ với chú Phi ở cõi bên kia là nhạc sĩ Lê
Thương.
Hãy nhớ lại Sàigòn tang thương sau 1975 để nhớ đến những
người nghệ sĩ này, với cái tai được đào tạo để nghe những gì tốt đẹp
nhất của con người! Thương lắm!
Lúc mới sang Mỹ, thầy trò chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Kể cho nhau nghe bao nhiêu chuyện.
Cô
chú Phi lén nghe đài VOA hằng đêm, chuyện gì bên Mỹ cũng theo dõi. Cô
chú biết Quỳnh Giao và Mai Hương đi hát những nơi nào, lên đài trả lời
phỏng vấn với Lê Văn ra sao... Và đúng năm 1985 ấy, nhà thơ Thanh Tâm
Tuyền lén gửi ra ngoại quốc tập thơ “Vang Vang Trời Vào Xuân” với bút
hiệu Trần Kha, được Cung Tiến phổ nguyên tập thành một song's cycle
(liên khúc). Cũng khó hát như thơ Thanh Tâm Tuyền!
Năm đó, trưởng
ban Việt ngữ đài VOA là Lê Văn bèn tổ chức một buổi trình bày để giới
thiệu liên khúc tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Thành phần ca sĩ là Mai
Hương và Quỳnh Giao với dương cầm Nghiêm Phú Phi. Phải nói là nhạc sĩ
Cung Tiến rất cẩn trọng với những sáng tác của ông. Chính ông đã viết
luôn phần dương cầm cho liên khúc, nên ngoài Nghiêm Phú Phi, không thể
tìm người đàn đúng nguyên bản của tác phẩm, ngoại trừ phải mời tới nhưng
nhạc sĩ đã tốt nghiệp nhạc viện và tập dượt công phu mới trình bày nổi.
Tiếng đàn điêu luyện và tính tình hiền lành của chú chiếm cảm tình mọi
người. Phần hai là phần trình diễn của cặp Lê Uyên Phương, vốn là bạn
thân của Cung Tiến.
Hăng hái vì thành quả của buổi Vang Vang Trời
Vào Xuân, Lê Văn tổ chức 40 năm âm nhạc Phạm Ðình Chương. Lần này thành
phần nghệ sĩ đông đủ hơn, gồm ban hợp ca Thăng Long hải ngoại (Hoài
Bắc, Hoài Trung, Mai Hương), ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng (Kim Tước, Mai
Hương, Quỳnh Giao) và Lệ Thu. Ban nhạc cũng đông đủ hơn với Nghiêm Phú
Phi, Ðan Thọ, Hoàng Thi Thao, Dương Ðức Trường và một tay trống của địa
phương.
Người giới thiệu chương trình là Mai Thảo, nhà văn nổi
tiếng nói thẳng, nói chẳng lấy lòng của chúng ta lại rất quý trọng
Nghiêm Phú Phi, một người không thích uống rượu!
Buổi hát thành
công rực rỡ, tiếng vang lan tận đến bên Âu Châu. Lê Văn được mời là
người tổ chức và đem cả chương trình 40 năm âm nhạc Phạm Ðình Chương hát
tại Âu Châu trong hai tuần. Lần này không có Lệ Thu mà thêm phần dân ca
với Diễm Chi, và phần nhạc chiến đấu với Nguyệt Ánh. Phái đoàn đi từ
Mỹ, đến Ðức Quốc hát ở Munich, Stuggart, rồi đi Thụy Sĩ hát ở Bernes và
Bales, và sau cùng là Pháp hát ở tỉnh Troyes, và ngày cuối cùng hát ở
rạp Maubert tại Paris.
Chúng tôi di chuyển bằng máy bay, bằng xe
lửa và bằng xe hơi, đi xuyên qua các làng nhỏ, cảnh đẹp như trong
truyện. Chú Phi và cô Sương vừa đến Pháp là bị rơi mất giấy tờ. Mới chân
ướt chân ráo ra đến nước ngoài, chuyện giấy tờ làm chú cũng lo. Nhưng
bà Lê Văn rất tháo vát, nói tiếng tây như đầm, đến consulat một buổi là
xong! Ðoàn đi đến đâu cũng được tán thưởng nên nghệ sĩ vui vô cùng. Ăn
cơm Tây, uống rượu Tây mà hát nhạc Việt thì là Tiên rồi. Nhưng Tiên thì
cũng có lúc đau ốm: sau khi Nguyệt Ánh bị đầy bụng, không tiêu, thì Hoài
Trung bị đau lưng, đêm nằm dưới đất cứng, không nằm nệm được. Vậy mà
chú Phi, với cái chân bị tật, vẫn khỏe mạnh như thường.
Mỗi ngày
sau khi đi đường dài cả 10 tiếng mới đến nơi, nghỉ một chút là trình
diễn ngay. Ca sĩ còn có bài hát bài không phải hát, chứ nhạc sĩ, nhất là
người đàn dương cầm coi như phần chính của ban nhạc thì không được nghỉ
một bài nào cả. Ðêm nào cũng được kết thúc chương trình bằng trường ca
Hội Trùng Dương với các giọng ca tràn đầy sức mạnh, với giọng Hoài Trung
như sóng nước mênh mông và tiếng dương cầm Nghiêm Phú Phi vũ bão, bao
la như nước vỡ bờ làm khán giả xúc động đến rưng lệ...
Có đi và
chung sống như trong một gia đình, mới thấy cô Sương đúng là người vợ
hiền, như cái xương sống của chú Phi. Chú chỉ đàn thôi, chứ việc lớn nhỏ
nào cũng do cô chu toàn. Từ bài bản tới miếng ăn miếng uống, nhất nhất
là gọi cô Sương. Cả ngày nghe chú gọi “mẹ, mẹ, ra làm cái này, lấy cái
kia....” lúc nào cô cũng vui vẻ làm, coi chú như ông vua vậy.
Sau
này, khi Quỳnh Giao ra mắt đĩa nhạc Hành Trình Phạm Duy tại Houston,
với sự tham dự của Phạm Duy, thì cũng chú Phi đã chống gậy bay qua đàn
dương cầm cho cô cháu hát. Ông từng nói rất vui, rằng xưa kia đã đờn cho
mẹ hát, nay đờn cho con gái!
Ðấy là những kỷ niệm và báu vật
không thể quên được của một người đã được biết và làm việc chung với
Nghiêm Phú Phi trong hơn nửa thế kỷ.
Nhưng Nghiêm Phú Phi còn hơn vậy.
Ông
bị polio và phải chống nạng, điều ấy, ai cũng biết. Ông là bậc sư về
nhạc cổ điển Tây phương, tốt nghiệp ở những lò đào tạo danh tiếng nhất
của Pháp, và rất khó tính khi dạy nhạc. Ðiều ấy, chúng ta cũng có thể
biết, học trò đích thực của trường Quốc Gia Âm Nhạc thì càng biết. Nhưng
ông là nhạc sĩ có tâm hồn Việt Nam và muốn đưa âm nhạc Việt Nam lên
ngang tầm thế giới. Một số người yêu nhạc và hiểu nhạc thì có thể hiểu
được ước nguyện đó của ông. Ông có một số tác phẩm viết cho dàn nhạc
giao hưởng những bài divertissements dựa vào âm giai ngũ cung hoàn toàn Á
đông, nhưng chỉ được trình bày đôi lần trên sân khấu trường Quốc Gia Âm
Nhạc, có nhiều bản còn chưa được phổ biến...
Ðiều mà ít ai biết, Nghiêm Phú Phi còn là một cái neo.
Ông
ràng chúng tôi lại với nhau, với kỷ niệm và tình cảm của năm xưa. Bất
cứ ai đã từng làm việc trong trường Quốc Gia Âm Nhạc hay đài phát thanh
thời xưa mà ghé thăm miền Nam California đều liên lạc với Nghiêm Phú
Phi. Ông giữ mối giao tình bền chặt với từng người và liên lạc với mọi
người để gần xa, từ Úc, từ Âu hay từ Việt Nam, đều có những buổi hội ngộ
rưng rưng nước mắt, ngay tại nhà ông.
Khi ấy, Nghiêm Phú Phi im
lặng như một ông Phật, nhìn cô Sương hầu hạ mọi người trong sự náo nhiệt
đầy cảm động. Chúng tôi mà còn gặp lại được nhau, và biết tin tức của
nhau, chính là nhờ Nghiêm Phú Phi. Ông mất đi, giới yêu nhạc và yêu nghề
của thời xưa đã mất một cái neo.
Ðúng 10 năm trước, Mai Thảo ra
đi đã đem theo cái neo ràng buộc nhiều anh chị em cầm bút với nhau. Bây
giờ đến lượt Nghiêm Phú Phi trong lãnh vực âm nhạc và phát thanh.
Làm sao chúng tôi không khỏi thấy một sự trống vắng, một nỗi bơ vơ?
Trong
khi viết bài này lại còn được tin, là ở miền Ðông bên kia nhà thơ Vương
Ðức Lệ cũng vừa từ giã chúng ta, buổi trưa Chủ Nhật 20. Ông cũng là một
người bạn đáng quý trong các nhân vật đã từng phục vụ trong ngành phát
thanh, tại đài Sàigòn, trước năm 1975...
Năm 2008 này mở màn với quá nhiều mất mát...
Ban Tuổi Xanh năm xưa - Quỳnh Giao
Mới đây, người viết nhận được tấm hình ban Tuổi Xanh do Phạm Duy Ðức gửi tặng.
Ðức
là con trai út của cặp nghệ sĩ Thái Hằng-Phạm Duy, gửi với lời nhắn là
giúp Ðức tìm ra tên từng người trong hình. Thoạt kỳ thủy, chỉ nhận ra
hai bác Phạm Ðình Sĩ và Kiều Hạnh, còn trong bầy nhi đồng thì nhận ra
ngay chính mình ngày bé mà thôi.
Sau vài phút xem kỹ thì nhận ra
hầu hết mọi người: Chị Bích Chiêu, chị Mai Hương, chị Mai Hân và chị
Bạch Tuyết trong hàng “người lớn,” vì đã trên 12 tuổi rồi. Ðến hàng “nhi
đồng” thật sự gồm những đứa vắt mũi chưa sạch mới lên bẩy lên tám là
Tuấn Ngọc, Quốc Thắng, Kim Chi, và người viết bài, thời ấy còn giữ tên
thật là Ðoan Trang...
Một vài người khác thì mình đã quên mặt
nhưng trong ký ức vẫn nhớ rõ tên như các chị Lê Phi, Lê Út... Nhưng
không hiểu sao lại thiếu mặt Anh Minh, anh ruột của người viết hồi đó là
một giọng chủ chốt trong ban Tuổi Xanh!
Nhìn hình rồi miên man nhớ đến rất nhiều kỷ niệm.
Thời
kỳ đó là đầu thập niên 50. Thân mẫu của người viết là danh ca Minh
Trang thành lập ra ban Thiếu Sinh Nhi Ðồng đầu tiên, nơi hoạt động chính
yếu là đài phát thanh.
Trong ban có Lê Phi, Lê Út, Mai Hương,
Bạch Tuyết, Bích Chiêu, Kim Chi, Quốc Thắng, Tuấn Ngọc, Anh Minh và Ðoan
Trang. Nhạc sĩ duy nhất trong ban là tay pianist Hoàng Linh, chừng 18
tuổi. Anh là học trò của nhạc sĩ Võ Ðức Tuyết.
Thế rồi năm 1954,
gia đình cặp nghệ sĩ Phạm Ðình Sĩ-Kiều Hạnh di cư vào Nam, thân mẫu
người viết bèn nhường ban nhi đồng cho hai bác.
Cặp nghệ sĩ đổi
tên ban là “Tuổi Xanh” cho thích hợp với các con bấy giờ đã trên 10 tuổi
rồi, hết còn là nhi đồng. Rồi ban Tuổi Xanh có thêm Mai Hân, Tuấn
Tùng... Ðấy là lớp “Tuổi Xanh” đầu tiên. Về sau là các mầm non xuất sắc
khác, như Hoàng Oanh, Phương Tâm (tức Phương Hoài Tâm), Phương Mai, Xuân
Thu, Tý Hon, Quỳnh Mai (tức Vân Quỳnh) và Quỳnh Như (tức Vân Hòa) là
hai cô em gái của người viết.
Chắc quý độc giả cũng thắc mắc không biết các nhi đồng ngày xưa khi lớn lên hoạt động và sinh hoạt ra sao?
Xưa
nay, “thần đồng” thường là các ngôi sao tắt biến khi trở thành người
lớn. Như Shirley Temple giã từ màn bạc rất sớm và trở thành bà đại sứ
Shirley Temple Black (Black là tên ông chồng). Như Hayley Mills con gái
John Mills đóng phim rất cừ mà về sau không xuất hiện nữa.
Ðó
cũng là trường hợp của các “thần đồng” Quốc Thắng hay Kim Chi của Việt
Nam, lúc bé nổi tiếng như cồn. Quốc Thắng hình như học ngành y, trở
thành bác sĩ. Kim Chi cháu của nhạc sĩ Thẩm Oánh khi nhỏ rất thân với
người viết mà sau này mất hẳn liên lạc, không biết chị làm nghề gì, sống
ở đâu.
Còn lại những người vẫn theo đuổi nghệ thuật thì trước
hết phải kể đến Bích Chiêu, người chị lớn của gia đình nghệ sĩ Lữ Liên.
Giã từ tuổi ấu thơ, Bích Chiêu mang giọng hát nũng nịu và man dại gieo
rắc các phòng trà và và hộp đêm ở Sài Gòn. Chị trở thành thần tượng của
nhiều khán thính giả. Dù chuyên hát nhạc ngoại quốc, Bích Chiêu vẫn
thành công qua những ca khúc trữ tình Việt Nam.
Bài hát mang dấu
ấn riêng của Bích Chiêu là “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh. Có lẽ cho
đến giờ chưa thấy ai hát bài này lơi lả và khêu gợi như giọng hát Bích
Chiêu. Cách kéo câu của chị là một tuyệt chiêu mà sau này, cô em gái
Khánh Hà cũng tận dụng và thành công như bà chị.
Tuấn Ngọc cũng
trở thành một nam danh ca sáng giá. Như bà chị Bích Chiêu, anh khởi đầu
sự nghiệp bằng nhạc ngoại quốc, hát cho các club Mỹ. Nhưng chính là khi
anh hát nhạc Việt ở hải ngoại mới trở thành thần tượng của thính giả
khắp nơi. Cũng như những người con trong gia đình Lữ Liên, Tuấn Ngọc tạo
cho mình một nét riêng trong cách hát, cách nhả chữ “lừng khừng,” hay
cách lên một nốt cao đầy sung mãn khiến những người yêu nhạc mê thích.
Chỉ cần thấy hiện tượng “bắt chước” Tuấn Ngọc trong các tài năng mới,
chúng ta biết anh được sự ái mộ rộng rãi của mọi người.
Chị Mai
Hương bắt đầu hát ban “người lớn” khi 18 tuổi, và là một trong những
giọng ca chủ lực của hầu hết các ban trên các đài phát thanh, nhờ giọng
hát ngọt ngào cộng với kiến thức về nhạc lý vững vàng.
Chị Bạch Tuyết học dược và trở thành dược sĩ. Chị Mai Hân ít hát hơn, và về sau trở thành một xướng ngôn viên chuyên nghiệp.
Có
một người hát hay vô cùng khi còn nhi đồng. Theo thiển ý của người viết
thì hát hay nhất trong tất cả là Tuyết Phương. Sau khi ngưng hát, Quỳnh
Giao có thoáng gặp chị trong trường Gia Long khi hai đứa học cùng
trường mà không cùng lớp. Cùng lớp thì có cô bạn Hoàng Oanh, về sau nổi
tiếng ngâm thơ hay và là một trong những giọng hát được thu vào đĩa nhựa
nhiều nhất trước 1975.
Nhân đây Quỳnh Giao cũng phải nhắc lại
việc cộng tác với các đài phát thanh ngày xưa. Khi hát với các ban trên
đài phát thanh, kỹ thuật thu thanh và bài vở đòi hỏi ca sĩ phải vững
nhạc lý. Các nhạc trưởng đưa bài là phải cầm xem và hát ngay, cả bài đơn
ca lẫn hợp ca hay phụ họa. Trong một buổi thu thanh, ca sĩ phải chu
toàn nhiều nhiệm vụ: khi thì đơn ca, khi thì song ca hay tam ca, kể cả
trình bày các bài hợp ca và hát phụ họa cho người khác. Trong một chương
trình phát thanh mà thời ấy trong đài vẫn gọi là “émission” thì ca sĩ
phái hát cỡ năm sáu bài khác nhau, cũ và mới, quen hay lạ. Rất khác với
kiểu trình bày trong phòng trà cho khán giả.
Nhìn tấm hình, như
nhìn cả tuổi thơ hiện về. Bỗng thấy lòng mình chùng xuống vì thời gian
trôi qua mau quá, như vó câu qua cửa sổ, và nhớ ngôi nhà số 3 đường Phan
Ðình Phùng tha thiết...
Ðó là đài phát thanh mà cũng là một gia đình lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ tuổi xanh nhóc tì cho đến lão thành.
Mời nghe toàn bộ: "Tình Khúc Văn Cao" do Mai Hương & Quỳnh Giao trình bày
1. Thiên Thai (Văn Cao & Hoàng Thoại)- Quỳnh Giao & Mai Hương 2. Cung Đàn Xưa (Văn Cao) - Quỳnh Giao 3. Suối Mơ (Văn Cao) - Mai Hương 4. Làng Tôi (Văn Cao) - Quỳnh Giao &Mai Hương 5. Trương Chi (Văn Cao) - Quỳnh Giao 6. Ngày Mùa (Văn Cao) - Quỳnh Giao & Mai Hương 7. Bến Xuân (Phạm Duy & Văn Cao) - Mai Hương 8. Buồn Tàn Thu (Văn Cao) - Quỳnh Giao 9. Thu Cô Liêu (Văn Cao) - Mai Hương 10. Trường Ca Sông Lô (Văn Cao) - Quỳnh Giao & Mai Hương
Mời nghe toàn bộ CD "Tìm Nhau Bốn Mùa" với tiếng hát Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao & Duy Trác
MIỀN TÂY HOANG DẠI Ước gì một lần về thuở ấy miến Tây Sống lầy lội những tháng ngày hoang dại Súng cặp kè hông, nhong nhong lưng ngựa Phóng khoáng thảo nguyên, đạn nổ ì đùng Ta sẽ về, rủ em gái theo cùng Đem tình yêu vào vòng đấu súng Và ngã xuống trong một lần anh dũng Để mai này định nghĩa lại...thằng khùng! Đã khùng rồi thì xá chi anh hùng Của một thời tìm vàng sôi động Người người xô bồ tìm giàu sang cuộc sống Để lại điêu tàn, bắn giết mênh mông! Ta ước thế nghe có rùng rợn không? Trần Hạnh Thu NHẠC HUYỀN THOẠI CAO BỒI VIỄN TÂY
(ĐC sưu tầm trên NET) Bản tin 113 online cập nhật ngày 2/5: Truy tố 254 bị can bị trong đại án sai phạm lĩnh vực đăng kiểm 🔴 TRỰC TIẾP: Thời sự quốc tế 3/5 | Nga tuyên bố khai hỏa Iskander, hủy diệt hai pháo HIMARS Ukraine Tin tức thời sự mới nhất hôm nay | Bản tin sáng ngày 5-3-2024 MỘT CÕI ĐI VỀ (Sáng Tác: Trịnh Công Sơn) - KHÁNH LY OFFICIAL Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ 9 giờ trước Khoảnh khắc tên lửa Nga công kích pháo HIMARS Ukraine 12 giờ trước Mong muốn Campuchia chia sẻ thông tin về Dự án kênh đào Funan Techo 10 giờ trước Gần 50 người chết trong vụ sập đường cao tốc ở Trung Quốc 10 giờ trước Lý do xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bất ngờ sụt giảm 8 giờ trước Ukraine nói Nga sản xuất tên lửa Zircon 'nhanh bất thường' 6 giờ trước Hàng chục nghìn người Gruzia tiến hành biểu tình lớn nhất từ trước tới nay 16 giờ trước Video 'rừng người' xem phương tiện chiến đấu bị Nga tịch thu ở chiến trường Ukraine 16 giờ trước U23 In...
I Only Want to Be with You - Dusty Springfield (Cover by Emily Linge) VẪN THẾ MÀ! Anh vẫn thế, trước sau vẫn thế mà Nhìn anh này, đừng nhìn phía trời xa Vẫn ngày ngày ra ngóng chờ trước của Đợi Nàng Thơ về tác hợp thi ca Tâm hồn anh có cửa đâu mà khóa Mà phải cùng em mở cánh cửa tâm hồn Anh tìm mãi nào thấy đâu ô cửa Toang hoác tứ bề, thông thống càn khôn* Còn trái tim anh vẫn êm đềm, yên ả Vẫn yêu quê hương, tổ quốc, con người Miền nhiệt đới khi thấy tim băng giá Chắc chắn là anh đã ngoẻo tự lâu rồi! Trần Hạnh Thu CT: * Trời đất
Nhận xét
Đăng nhận xét