Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 16

 (ĐC sưu tầm trên NET)

CHIẾN DỊCH YÊN BÌNH XÃ 2

(Tiến công, từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 10 năm 1948)


Sau khi bị ta tiến công lần thứ nhất, tháng 6 năm 1948, địch tiếp tục chiếm đóng và củng cố, xây dựng Yên Bình Xã thành một cứ điểm tương đối mạnh để làm bàn đạp tiến công xuống phía nam và quốc lộ số 2 trong cuộc tiến công lớn vào thu đông 1948 sắp tới. Xung quanh cứ điểm có tường dày và cao gần hai mét. Bốn góc có bốn lô cốt. Trong tường có hào chiến đấu và hầm ngầm. Bên ngoài có một lớp rào dây thép gai dày 1,5m và một hàng chông. Binh lực có hơn một đại đội gồm 18 lính Pháp, hai trung đội lính khố đỏ, một trung đội lính dõng, do tên quan hai Cơ-lốt Vê-lê-át (Claude Veléard) chỉ huy. Vũ khí có một đại liên, bốn trung liên, hai súng cối (60mm và 50mm), tiểu liên và súng trường đầy đủ1.

Đầu tháng 10 năm 1948, Liên khu 10 chủ trương mở chiến dịch nhằm tiêu diệt Yên Bình Xã lần 2, phá kế hoạch chiếm đóng và âm mưu tiến công thu đông 1948 của thực dân Pháp; đồng thời tạo điều kiện thực tế để tập dượt cho bộ đội chủ lực cách đánh tập trung, tiêu diệt địch trong trận địa kiên cố.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Tiểu đoàn 453 chủ lực khu, có ba đại đội (664, 666 và 676), đại đội xung kích 522 của trung đoàn 115; đại đội độc lập 671 (đang hoạt động từ Yên Bình Xã đến Trịnh Tráng), đại đội độc lập 672 (đang hoạt động từ Yên Bình Xã đến Nghĩa Đô), đại đội sơn pháo 75mm (1 khẩu và 100 viên đạn). Tuy là năm đại đội nhưng tổng quân số tham gia chiến đấu chỉ vẻn vẹn có 145 người, chưa kể pháo binh.

Nhiệm vụ tác chiến được phân công cho các đơn vị như sau: Đại đội 522 và 664, có pháo binh yểm hộ, nhanh chóng và bí mật tiếp cận, bất ngờ nổ súng xung phong vào đồn. Đại đội 522 đánh từ phía tây vào. Đại đội 664 đánh từ phía đông nam đánh vào, diệt hỏa điểm, sinh lực và đề phòng địch tập kích.

Đại đội 676 có đại đội trợ chiến yểm hộ, tiến công tiêu diệt Phố Lu, sau đó phối hợp cùng 2 đại đội 522 và 664 tiêu diệt Yên Bình Xã.

Đại đội 671 phục kích gần đồn khố đỏ và đoạn đường sau Phố Lu, sẵn sàng đánh quân địch tiếp viện cho Yên Bình Xã và tiêu diệt quân địch ở Yên Bình Xã rút chạy.

Đại đội 672 bao vây và quấy rối Nà Khao, đại đội 666 bảo vệ pháo và tổ chức các tổ nghi binh.

Chỉ huy chiến dịch: Bộ tư lệnh Liên khu 102. Trong khi chuẩn bị chiến dịch, ta đã tiến hành các mặt công tác quân vận, dân vận và địch vận. Quán triệt nhiệm vụ chiến đấu và động viên tinh thần, xây dựng quyết tâm cho bộ đội. Liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, liên hoan văn nghệ làm cho nhân dân thấy được âm mưu, thủ đoạn của địch, nâng cao lòng tin tưởng vào thắng lợi của kháng chiến để huy động nhân dân giúp đỡ bộ đội trong quá trình chiến đấu. Viết và thả nhiều truyền đơn bằng nhiều thứ chữ (quốc ngữ, chữ Pháp, chữ và tiếng dân tộc), tổ chức các tổ địch vận len lỏi vào vùng địch tạm chiếm để tuyên truyền và giải thích chính sách khoan hồng của ta cho binh lính địch.

Sáng 5 tháng 10, đại đội 664 đang hành quân vào vị trí tập kết thì bất ngờ gặp một tốp địch đi lấy củi, tốp này nổ súng rồi chạy về đồn. Sau đó, địch cho máy bay thả 18 dù tiếp tế cho Yên Bình Xã. Từ giờ phút đó, các đơn vị phải tiến hành công tác chuẩn bị rất gấp.

Trận đánh thứ nhất diễn ra lúc 17 giờ 35 phút ngày 5 tháng 10. Do hiệp đồng và tổ chức hành quân không chu đáo, hai trung đội của đại đội 664 bị lạc đường, một trung đội đến chậm; đại đội 676 chưa giải quyết được Phố Lu nên không thực hiện được hiệp đồng tập trung đánh vào Yên Bình Xã. Khi phát lệnh nổ súng, chỉ có đại đội 522 tới được vị trí tập kết và thực hành xung phong. Trung đội của đại đội 664 đến chậm 30 phút, sau khi có lệnh mới xung phong, nên không thực hiện được kế hoạch tác chiến. Do đó, quân địch lúc đầu có hoang mang, nhưng sau ít phút chúng trấn tĩnh lại và tập trung binh lực, hoả lực đối phó với mũi tiến công của đại đội 522.

Trận đánh của ta không thành công. Ta chỉ phá hỏng được một số công sự, một khẩu trung liên và đốt cháy một kho đạn. Số địch thương vong ta không biết rõ. Ta hy sinh một người, tiêu thụ hết 90 viên đạn pháo.

Trận thứ hai diễn ra lúc 22 giờ cùng ngày 19 giờ 30 phút, bắt liên lạc được với đại đội 522 và 664 ở bờ suối Nậm Luông, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng đại đội 522 và đại đội 664 tiến công Yên Bình Xã lần thứ hai. Kế hoạch tác chiến căn bản vẫn như lần thứ nhất, khác là thay việc sử dụng pháo bằng dùng công binh bí mật mở đường, mở hàng rào và dùng Badôca bắn phá huỷ lô cốt, yểm hộ cho bộ binh xung phong. Cũng lại vì hiệp đồng không chặt chẽ và tích cực (đại đội 664 xung phong chậm, các hướng nghi binh không tích cực hoạt động), nên trận đánh cũng không thu được kết quả. Chỉ bắn sập một lô cốt, phá huỷ một trung liên. Ta hy sinh hai người, bị thương bốn người.

Ngày 6 tháng 10, trung đội của đại đội 672 hai lần phục kích trên đồng Nghĩa Đô - Yên Bình Xã. Lần thứ nhất, khi Yên Bình Xã bị tiến công, vì hoảng sợ, một trung đội địch bỏ chạy về Nghĩa Đô (có bốn lính Pháp và 20 lính khố đỏ), tới Cầu Đen bị ta chặn đánh, bọn này bỏ chạy tán loạn về Na Khao và Yên Bình Xã. Lần thứ hai ta chặn đánh một trung đội địch từ Nghĩa Đô lên tiếp tế cho Yên Bình Xã, địch cũng chạy thoát. Cả hai lần địch bị chết năm tên, bị thương ba tên, ta thu ba súng trường và nhiều lương thực.

Trận thứ ba diễn ra lúc 3 giờ 30 phút ngày 7 tháng 10. Nhận thấy lực lượng địch ở Yên Bình Xã đã bị giảm sút vì thương vong và bỏ chạy, tinh thần chúng đang hoang mang, Bộ chỉ huy quyết định đánh lần thứ ba.

Kế hoạch vạch ra là: Đại đội 522 và 664 xung phong đánh vào phía tây nam đồn. Đại đội 671 và 676 đánh từ mặt sau vào. Pháo binh chuyển vị trí xuống đông nam, cách đồn 150 mét. Tổ chức các tổ nghi binh hoạt động xung quanh đồn, mỗi tổ từ ba đến năm người.

Nhưng việc tổ chức hiệp đồng vẫn không tỉ mỉ, việc kiểm tra không đầy đủ, nên đại đội 676 bị mất liên lạc trong khi điều động nên không tham gia đánh được. Pháo binh thực chất chỉ còn bảy viên đạn (Hội nghị rút kinh nghiệm báo cáo còn 25 viên). 3 giờ 30 phút, pháo và cối phát hoả, các tổ nghi binh hoạt động tích cực nên đã thu hút được địch. 4 giờ, bộ đội gỡ chông và mở thêm đường. 4 giờ 45, mỗi đại đội (522 và 664) sử dụng một tiểu đội bắt đầu xung phong vượt tường. Địch rút xuống hào bắn lại và dùng chín lính khố đỏ đánh vòng ra phía sau ta, nhưng bị hoả lực ta diệt bốn tên, số còn lại bỏ chạy. Địch trong đồn dùng lựu đạn và đạn cối tháo chốt ném ra ngoài tường để chặn quân ta. Vì binh lực ta ít, không còn lực lượng tiến công tiếp, bộ phận xung phong thì bị chặn lại, 5 giờ 15, trời đã sáng, Bộ chỉ huy nhận thấy nếu tiếp tục đánh cũng không kết quả nên ra lệnh lui quân, kết thúc chiến dịch. Cùng ngày, trên một trung đội địch từ Nghĩa Đô tiếp viện cho Yên Bình Xã, bị một trung đội của đại đội 672 chặn đánh cách Nà Khao 2 ki-lô-mét. Địch bị chết một tên, còn lại rút chạy về Nghĩa Đô. Ta thu một súng trường và một lựu đạn.

Kết quả: địch chết 36 tên, bị thương 23 tên, một đại liên và hai trung liên bị phá huỷ3. Ta hy sinh 11 người, bị thương 33 người và mất hai súng trường.



Tuy không đạt được mục đích “tiêu diệt hoàn toàn Yên Bình Xã” nhưng ta đã tiêu hao, tiêu diệt được một số địch, đáng kể nhất là đã làm cho quân địch trong đồn Yên Bình Xã và các đồn xung quanh hoang mang lo sợ, tạo nên một yếu tố khó khăn trở ngại khi quân Pháp chuẩn bị mở cuộc tiến công thu đông mới. Đây là những trận đầu tiên ta hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh đánh địch trong cứ điểm, qua chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ đã trưởng thành thêm một bước và rút ra được những bài học quý báu cho những trận, những chiến dịch tiếp sau. Củng cố và gây được lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Qua ba trận chiến đấu cũng bộc lộ rõ khuyết điểm:

Một là, xác định mục đích chiến dịch quá sức của ta (địch có 18 lính Pháp, ba trung đội lính Việt) ở mục tiêu chính (Yên Bình Xã), chưa kể lực lượng tiếp viện ở bên ngoài mà ta chỉ dùng có 145 người với trình độ và trang bị còn rất thấp kém.

Hai là, sử dụng binh lực rất phân tán. Quân số đã ít mà tổ chức ba mũi đánh chính, hai đến ba bộ phận nghi binh để tiến công Yên Bình Xã. Đồng thời lại tổ chức phục kích đánh viện trên năm địa điểm, binh lực quá phán tán nên không thể tiêu diệt được cứ điểm mà đánh viện cũng không đạt hiệu quả cao, chỉ có tính chất tiêu hao.

Ba là, tổ chức hiệp đồng giữa các cánh quân, các mũi, giữa bộ binh và pháo binh không chặt chẽ, chu đáo, bộ đội bị lạc hoặc đến chậm, do đó hiệu quả chiến đấu thấp, không đạt được mục tiêu đề ra.
______________________________________
1.Phần địa hình, thời tiết, dân cư không có gì thay đổi so với Chiến dịch Yên Bình Xã 1, nên không nêu lại ở đây.
2.Xem “Chiến dịch Yên Bình Xã 1”.
3.Ta thu bốn súng trường, 126 viên đạn, một lựu đạn và nhiều lương thực thực phẩm. Ta giải phóng được 70 gia đình gồm hơn 100 người bị địch tập trung ở Yên Bình Xã.

CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC 1
(Tiến công, từ ngày 8 tháng 10 đến ngày 7 tháng 12 năm 1948)


Đông Bắc Bắc Bộ có vị trí chiến lược rất quan trọng nên thực dân Pháp chiếm đóng rất sớm. Sau thất bại ở Việt Bắc Thu-Đông 1947, Pháp càng ra sức củng cố địa bàn này. Chúng đã xây dựng được mạng lưới tề điệp, thổ phỉ dày đặc, phát triển ngụy binh (trên 95 phần trăm là người địa phương), lập được một hệ thống cứ điểm ăn sâu vào nội địa; lợi dụng thực trạng nghèo nàn lạc hậu của đồng bào các dân tộc địa phương, địch thực hiện thủ đoạn thâm độc để chia rẽ dân tộc, kìm kẹp khống chế; thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”; trước mắt chúng thực hiện phong toả biên giới Việt - Trung để vừa ngăn chặn, vừa cô lập cách mạng Việt Nam, bảo vệ việc khai thác, vơ vét khu mỏ than trù phú và củng cố bàn đạp để tiến công Việt Bắc một lần nữa.

Cuối thu 1948, Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch Đông Bắc nhằm mục đích: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, phá kinh tế và triệt đường tiếp tế cầm chân một bộ phận lực lượng của chúng để phá kế hoạch tiến công thu đông của chúng vào Việt Bắc. Lấy thắng lợi quân sự để củng cố cơ sở chính trị và phong trào chiến tranh du kích, chuẩn bị địa bàn hoạt động cho các đại đội độc lập sau khi quân chủ lực lui quân.

Phương châm của ta là: chủ động đánh thắng trận đầu, đánh liên tục. Bộ đội chủ lực tích cực đánh điểm, diệt viện, triệt phá giao thông và cơ sở hậu cần của địch; kết hợp với tác chiến của du kích, chia cắt địch để đánh từng bộ phận. Vừa đánh vừa xây dựng lực lượng vũ trang địa phương có đủ sức chiến đấu bảo vệ địa bàn sau khi chủ lực rút.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Ba trung đoàn chủ lực của Liên khu 1 (98, 28 và 55), năm tiểu đoàn chủ lực của Bộ (ba tiểu đoàn độc lập: 215, 426, 517; tiểu đoàn 18 và tiểu đoàn 29 thuộc trung đoàn 308), một đại đội và một trung đội trợ chiến và toàn bộ dân quân du kích trên địa bàn chiến dịch.

Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo, Bộ chỉ huy Liên khu 1 trực tiếp chỉ huy. Chỉ huy trưởng: đồng chí Lê Quảng Ba.

Địa hình Đông Bắc chủ yếu là đồi núi, có rất nhiều rừng rậm xen lẫn một số đồng bằng. Khu vực phía nam - tây nam (Đông Triều, Phả Lại đến Lục Nam, Lục Ngạn) là vùng đồi rừng, cây cối rậm rạp. Có ba trục đường chính: đường số 4 từ Móng Cái đến Lạng Sơn. Đường số 18 từ Phả Lại qua Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả nối liền quốc lộ 4 ở Tiên Yên. Đường số 13 từ Lục Nam nối quốc lộ 1 ở Bắc Giang, quốc lộ 18 ở Phả Lại, chạy lên hướng đông bắc qua An Châu, Lục Ngạn nối với quốc lộ 4 ở Đình Lập.

Địa bàn chiến dịch là khu tứ giác An Châu - Đình Lập - Tiên Yên - Hòn Gai rộng 1.800 km2 trong đó phân khu An Châu được chọn là khu vực chủ yếu của chiến dịch.

Vì thời gian chuẩn bị gấp nên Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định vừa đánh vừa chuẩn bị vật chất hậu cần, trước mắt ưu tiên tập trung chuẩn bị cho hướng An Châu. Do đó, trước giờ nổ súng, hậu cần đã chuẩn bị tương đối đủ gạo và đạn cho hướng An Châu, Đồng Dương, Tuấn Đạo.

Về công tác chính trị, lần này cơ quan chính trị được thành lập để giúp việc đắc lực cho Bộ chỉ huy chiến dịch lãnh đạo, động viên tinh thần bộ đội khắc phục khó khăn, chiến đấu liên tục. Bộ chỉ huy cũng đã thành lập ban gây dựng cơ sở, tiến hành vũ trang tuyên truyền ở nhiều nơi, đã củng cố được những cơ sở cũ, xây dựng được một số cơ sở mới, động viên được tinh thần của cán bộ dân chính địa phương và nhân dân tích cực tham gia phục vụ chiến dịch. Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền làm lung lạc, hoang mang tinh thần bọn thổ phỉ; giác ngộ được một số lính ngụy tình nguyện làm nội ứng khi ta đánh đồn.

Chiến dịch chia làm hai đợt:

Đợt 1 (từ ngày 8 đến 30 tháng 10). Trước ngày mở màn ta hoạt động tạo thế (sau ba lần đánh), diệt căn cứ thổ phỉ Trại Thán để triển khai lực lượng.

Ngày 8 tháng 10, ta đồng loạt nổ súng tập kích An Châu, Đồng Dương, Tuấn Đạo, Sông Rang. Ta tiêu diệt được cứ điểm Đồng Dương, bức rút ba vị trí Sông Rang, Tuấn Đạo và đồn Dấn. Nhưng không thành công trong việc tiêu diệt cứ điểm chính An Châu (chỉ chiếm được hai phần ba). Ta thu được ba trung liên, 20 súng trường, ba vạn đồng Đông Dương, phá huỷ một đại liên, ba trọng liên 12,7mm. 10 ngày sau, quân dù Pháp nhảy xuống Mai Siu tiến về An Châu. Ta bỏ lỡ cơ hội diệt viện binh địch. Cùng lúc, tỉnh Hồng Quảng phát động hai đợt đấu tranh của nhân dân, phá 2.000 mét đường, cắt năm vạn mét dây điện thoại, diệt 27 địch, làm bị thương 6 tên, gọi hàng 114 tên, thu hàng trăm súng và giải tán trên 95 phần trăm hội tề. Từ 9 đến 30 tháng 10 ta đánh nhiều trận nhỏ, quấy rối, phục kích địch trên đường 13. Ngày 1 tháng 11 ta tiêu diệt cứ điểm Đồng Khuy.

Đợt 2 (từ 31 tháng 10 đến 7 tháng 12). Sau đợt 1, địch đã phản ứng quyết liệt, chúng tổ chức tiến công khu tự do Ái Quốc, cho quân dù nhảy xuống Mai Siu càn quét đánh phá căn cứ của ta, sau đó chúng tiến về An Châu. Đồng thời chúng tăng cường sục sạo kiểm soát ở Làng Bang, phòng thủ Hòn Gai, Đình Lập, Tiên Yên, Khe Tù; tổ chức hành quân ngăn chặn và phá kế hoạch tiếp tế của ta. Ta gặp khó khăn, không đột nhập được vào vùng tạm chiếm để gây cơ sở và khai thác hậu cần tiếp tế cho bộ đội. Do đó ta không thực hiện được kế hoạch phát triển chiến dịch theo hướng Hòn Gai, Tiên Yên, mà phải chuyển sang khu vực Khe Cháy, Pắc Lang, Châu Sơn. Nhưng do chuyển hướng gấp, bộ đội chuẩn bị chưa đầy đủ nên cả hai lần tiến công, tiểu đoàn 29 và 215 không dứt điểm được Khe Cháy. Ngày 25 tháng 11, tiểu đoàn 18 tiến công Khe Mó cũng không thành công. Ngày 29 tháng 11, các tiểu đoàn 29 và 426 đánh viện nhỏ. Ta tiếp tục tiến công Pắc Lang, Châu Sơn và phá hoại đường số 4 nhưng kết quả không cao. Tình hình bảo đảm hậu cần khó khăn. Bộ đội ốm đau, sức khoẻ giảm sút nhiều. Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch ngày 7 tháng 12.

Kết quả: Ta tiêu diệt được hai cứ điểm Đồng Dương và Đồng Khuy, đánh thiệt hại nặng phân khu An Châu, bức rút bảy vị trí; diệt 150 địch, (có một quan tư Pháp) làm bị thương tám tên. Ta thu 48 súng trường, ba trọng liên 12,7mm, phá huỷ hai xe bọc thép, đốt cháy hai kho lương thực. Ta thực hiện đánh vào khu vực địch vẫn coi là “tuyệt đối an toàn”, góp phần phá kế hoạch tiến công thu đông của chúng. Ta hy sinh và bị thương hơn một đại đội.



Lần đầu tiên ta mở chiến dịch quy mô xấp xỉ bốn trung đoàn chủ lực cùng với lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn rộng, địa hình khá đặc biệt và xa hậu phương trong thời gian gần hai tháng. Ưu điểm nổi bật là sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, nhất là giai đoạn chuẩn bị chiến dịch. Do đó đã phát huy được tác dụng của các đại đội độc lập và các lực lượng vũ trang địa phương, đội tuyên truyền, gây được cơ sở chính trị tốt trong quần chúng nhân dân; việc chuẩn bị chiến dịch khá chu đáo và đã có “bài bản”. Cũng lần đầu tiên ta biết dự kiến chủ động chia chiến dịch thành nhiều đợt có nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể cho từng đợt để có điều kiện củng cố bộ đội khi chiến đấu dài ngày.

Thiếu sót lớn nhất của ta là chưa biết tạo điều kiện đảm bảo chắc thắng cho trận mở đầu. Không chọn vào chỗ yếu mà chọn An Châu là cứ điểm mạnh; trong khi đó kế hoạch dứt điểm bằng đánh kỳ tập nhưng không dự kiến tình huống nhân mối bị lộ, phải chuyển sang đánh cường tập thì binh lực, hoả lực phải tập trung đến mức nào, do đó không dứt điểm được An Châu. Ta cũng không dự kiến và có kế hoạch cụ thể đánh quân tăng viện bằng đường không, nên khi địch nhay dù xuống Mai Siu (trung tâm chiến dịch) ta bỏ lỡ thời cơ diệt địch, kể cả khi chúng tiến về An Châu. Đợt 2 cũng không dự kiến hết các tình huống nên khi chuyển hướng tiến công đột ngột, bộ đội không chuẩn bị kịp, do đó các mục tiêu tiến công đều không thành công. Chiến dịch kết thúc trong thế bất lợi và bị động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét