Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

AN CHI GIẢI ĐÁP 37

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Khỏi phải lo ngại, Bạch Bạch

Bạn đọc: Trong bài “Về bảng “Tiếng Thái - dụng âm Triều Châu” của Lý Văn Hùng (1960)”, đăng trên Năng lượng Mới số 442 (24-7-2012), ông đã viết:
“Triều hóa Việt ngữ” là “Tiếng Việt Triều [Châu] hóa”; mà nếu muốn xem nó như một ngữ vị từ thì đó cũng phảỉ là “Triều [Châu] hóa tiếng Việt”. Còn ở đây, điều mà Lý Văn Hùng muốn nói đến lại là “Tiếng Triều [Châu] Việt hóa” (tức “từ Việt gốc Triều [Châu]) mà “Tiếng Triều [Châu] Việt hóa” thì phải là “Việt hóa Triều ngữ” [越化潮語].
Về ý kiến trên đây của ông thì, mới đây, có người đã tạo tài khoản facebook mang biệt danh “Bạch Bạch” để nhận xét như sau:
“Những ai có học chữ Hán đều biết “Triều hóa Việt ngữ” [潮化越語] mà Lý tiên sinh nói phải hiểu là “Triều hóa Việt - ngữ”, nghĩa là: những từ ngữ có gốc tiếng Triều Châu biến thành tiếng Việt. “Triều hóa Việt ngữ” mà giảng nghĩa là “Tiếng Việt Triều [Châu] hóa” thì trong vạn người học chữ Hán chắc chỉ có An Chi tiên sinh. Mấy chuyện này nói chơi ở trong nhà thì không sao chứ đem ra chỗ đông người nói với thiên hạ thì há chẳng phải là dạy ngu em cháu hay sao? Bản nhân thật ngại cho An Chi tiên sinh quá! Lo ngại cho ông thì ít mà lo ngại cho em cháu thì nhiều!”.
Tôi thấy ngờ ngợ về ý kiến của Bạch Bạch. Xin ông An Chi cho biết ông thấy thế nào? Cảm ơn ông!  
Mạnh Cường (TP HCM)

Về bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều Châu” của Lý Văn Hùng (1960)
An Chi: Dưới đây, xin phân tích cụ thể và rạch ròi để cho Bạch Bạch có thể hiểu ra rằng “Triều hóa Việt ngữ” là “tiếng Việt Triều [Châu] hóa” chứ không phải là “những từ ngữ có gốc tiếng Triều Châu biến thành tiếng Việt”.
Hình vị “hóa” [化] đã được Hiện đại Hán ngữ từ điển của Trung Quốc xã hội khoa học viện (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992) giảng như sau: “Hậu xuyết, gia tại danh từ hoặc hình dung từ chi hậu cấu thành động từ, biểu thị chuyển biến thành mỗ chủng tính chất hoặc trạng thái” [后缀,加在名词或动词之后构成动词,表示转变成某种性质或状态] (nghĩa 8), nghĩa là “hậu tố, thêm vào sau danh từ hoặc tính từ để tạo thành động từ, biểu thị [sự] chuyển biến thành một tính chất hoặc trạng thái nào đó”. Sau đây là ba thí dụ quen thuộc mà quyển từ điển này đã cho: - điện khí hóa [電气化], - cơ giới hóa [机械化], - thủy lợi hóa [水利化]. Ba thí dụ này đều được tiếng Việt mượn và cứ để nguyên như vậy mà xài. Và nghĩa của ba động từ tiếng Hán do hình vị “hóa” [化] tạo thành này - cũng như mọi động từ khác do “hóa” [化] tạo thành - đều bắt buộc phải trực tiếp liên quan đến khái niệm do danh từ hoặc tính từ đứng trước biểu thị.
Tiếng Việt cũng dùng hình vị “hóa” để tạo ra hàng loạt động từ, mà ngay trong lĩnh vực ngữ học ta thấy cũng có rất nhiều,  như: danh từ hóa, dị hóa, đại từ hóa, hữu thanh hóa, môi hóa, ngạc hóa, ngữ pháp hóa, nhược hóa, r-hóa, thanh hầu hóa, tiền mũi hóa, từ vựng hóa, vô thanh hóa, xát hóa, v.v... Dĩ nhiên là những động từ này cũng phải theo nghĩa của từ hoặc từ tổ đứng trước “hóa” chứ không thể thoát ra khỏi quỹ đạo đó được. Trong các lĩnh vực khác cũng vậy: “bê tông hóa” phải liên quan đến “bê tông”, “ion hóa” phải liên quan đến “ion”, “nhựa hóa” phải liên quan đến “nhựa”, “oxy hóa” phải liên quan đến “oxy”, “số hóa” phải liên quan đến “số”, “tin học hóa” phải liên quan đến “tin học”, “vôi hóa” phải liên quan đến “vôi”, v.v... và v.v...
Cứ như trên thì chỉ cần có tí ti trí thông minh, người ta cũng có thể hiểu được rằng, “Triều hóa” là “làm cho giống tiếng Triều Châu” còn “Việt hóa” là “làm cho giống tiếng Việt”. Và “Việt hóa Triều ngữ” là “làm cho [từ, ngữ của] tiếng Triều Châu phù hợp với đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt” (từ, ngữ tiếng Việt mượn ở tiếng Triều Châu) còn “Triều hóa Việt ngữ” thì, ngược lại, là “làm cho [từ, ngữ của] tiếng Việt phù hợp với đặc trưng ngữ âm của tiếng Triều Châu” (từ ngữ tiếng Triều Châu mượn ở tiếng Việt). Chứ “Triều hóa Việt - ngữ” làm sao có thể có nghĩa là “những từ ngữ có gốc tiếng Triều Châu biến thành tiếng Việt” cho được? Bạch Bạch nói rằng, anh ta lo ngại cho ông An Chi thì ít mà lo ngại cho em cháu thì nhiều nhưng ở đây đâu có ai tối dạ. Bạch Bạch khéo suy bụng ta ra bụng người!

Nguồn:

Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng (P2)

Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh)

Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng
Bạn đọc: Lướt facebook, tôi thấy trên dòng thời gian của một người bạn có mục “Những lời vàng ngọc ...
Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh) và “dictionnaire des synonymes” (tiếng Pháp) không hơn không kém. Mà chúng có là những từ đồng nghĩa đích thực hay không thì cũng còn cần đến một sự thẩm định rất công phu (nếu nó thực sự xứng đáng với sự thẩm định này). Carl Darling Buck có một pho từ điển chưa dày bằng bộ sách của ông Vọng; nó chỉ dày hơn 1500 trang (nhưng giá trị học thuật của nó thì chắc chắn là “dày” hơn rất nhiều) và có nhan đề là A Dictionary of Selected Synonyms in The Principal Indo-European Languages (The University of Chicago Press, Third Impression 1971).
Buck đã tự giới hạn trong phạm vi các ngôn ngữ Ấn Âu, là những ngôn ngữ đã được nghiên cứu chắc chắn và rốt ráo về mặt từ nguyên cho nên độ tin cậy về mặt này rất cao. Ấy vậy mà Buck cũng chỉ gọi chung các từ (words) đem ra so sánh trong pho từ điển của mình là “synonyms”, chứ không gọi là “cognates” mặc dù cognates trăm phần trăm thì nhan nhản ở trong sách. Và trong pho từ điển của mình thì, sau từng bảng so sánh những từ đồng nghĩa (trong hàng chục thứ tiếng Ấn Âu), Buck luôn luôn thực hiện việc biện luận tỉ mỉ về từ nguyên chứ không phải hoàn toàn không có biện luận như BS Vọng. Và vì nhầm lẫn về khái niệm “cognate” (từ đồng nguyên) nên BS Vọng đã viết:
“Các tiếng nói Ðông nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Mông Bahnar, Rhade, v.v.] bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ chung giòng (sic) chung họ hàng mà chúng ta không ngờ đến đó thôi” (“Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt”).
Thực ra thì ở đây, ta có đến 5 dòng họ: 1. Tiếng Khmer và tiếng Bahnar thuộc dòng Môn-Khmer; 2. Tiếng Lào và tiếng Thái [Lan] thuộc nhóm phía Tây của các ngôn ngữ Tày - Thái, chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Sanskrit; 3. Tiếng Chàm, tiếng Malay, tiếng Indonesia và tiếng Rhade (Rhađê) thuộc họ Malayo - Polynesian; 4. Tiếng Nùng thuộc nhóm phía Đông của các ngôn ngữ Tày - Thái chịu ảnh hưởng của tiếng Hán; 5. Tiếng Hmong thì lại là một ngôn ngữ Miêu - Dao. Vì vậy nên, về mặt phổ hệ, ta không thể nói 10 ngôn ngữ trên là “chung dòng chung họ hàng” được. Vì không phân biệt được về mặt ngữ hệ nên hễ thấy có những từ đồng nghĩa và cận âm với từ của tiếng Việt thì BS Vọng đều cho là “cognates” tất tần tật. Thực ra, khái niệm “cognate” chỉ có hiệu lực trong phạm vi một dòng họ mà thôi; ra khỏi quỹ đạo đó thì chỉ có thể lả từ mượn (borrowing, emprunt) mà thôi. Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics của Jack C. Richards, John Platt, Heidi Platt (Longman Group UK Limited, Third Edition 1993) đã định nghĩa “cognate” rạch ròi như sau:
“A word in one language which is similar in form and meaning to a word in another language because both languages are related. For example English brother and German Bruder”.
“Sometimes words in two languages are similar in form and meaning but are borrowings and not cognate forms. For example, kampuni in the African language Swahili, is a borrowing from English company”.
Dịch nghĩa:
“(Cognate) là từ của một ngôn ngữ, tương tự về hình thức và ý nghĩa với từ của một ngôn ngữ khác do cả hai đều có họ hàng với nhau. Thí dụ như brother của tiếng Anh và Bruder của tiếng Đức”.
“Có khi từ của hai ngôn ngữ [cũng] tương tự về hình thức và ý nghĩa nhưng lại là từ mượn chứ không phải là những hình thức đồng nguyên. Thí dụ như kampuni của tiếng Swahili châu Phi là từ mượn ở company của tiếng Anh”.
Xin lấy một thí dụ thuộc loại đơn giản, để thấy trong quyển từ điển của mình thì BS Vọng cho rằng từ mượn là từ đồng nguyên: Việt: ách; Thái: eek; Lào: eék; Nùng: ách; Tàu: ách.
Ở đây, “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛], có nghĩa là… ách; nói một cách khác, đây là một từ Việt gốc Hán chứ không có chuyện đồng nguyên. Chữ [軛], khi mà nguyên âm của nó hãy còn là [ε], chính là nguyên từ (etymon) của “eek” (Thái [Lan]) và “eék” (Lào); nói một cách khác, đây là từ Thái [Lan] và từ Lào gốc Hán; cũng không có chuyện đồng nguyên (với tiếng Hán). Chữ “ách”, mà BS Vọng ghi là tiếng Nùng thì chúng tôi cho là chuyện khả nghi. Từ điển Tày-Nùng-Việt của Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974) ghi âm của nó là “ec”, tức [εk]. Chắc chắn đây là cách ghi âm chính xác hơn cách của BS Vọng và đây cũng là một từ mượn, chứ không phải đồng nguyên với [軛] của tiếng Hán. Cuối cùng, cách ghi “Tàu: ách” của BS Vọng chỉ chứng tỏ rằng ông đã vi phạm nguyên tắc khi so sánh. Lý do: “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛] còn âm “Tàu” của chữ này thì lại là “è”.
Tóm lại, tính khoa học trong bộ từ điển của BS Nguyễn Hy Vọng thì thấp còn những lời “chém gió” của ông trong nhiều bài chắc chắn sẽ giúp cho những độc giả sáng suốt thư giãn một cách thoải mái.

Nguồn:

Ai nói bậy nói bạ nói quấy nói quá?

Bạn đọc: Xin phản hồi chớp nhoáng. Tôi đã đọc bài của ông An Chi nhan đề “Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng” trên Năng lượng Mới số gần đây. Tuy không hiểu thấu đáo những gì ông đã viết, tôi cũng cảm thấy ngờ ngợ về bộ từ điển “hoành tráng” của BS Nguyễn Hy Vọng. Nhưng ngôn từ mà ông dùng để nói về BS Vọng như “chém gió”, “chuyện tếu táo”, “hoang tưởng”, “hiểu trật đường rầy”, v.v... thì tôi thấy chua quá, cay quá.
Năm Móc (Tân Định, TP HCM)

An Chi: Lời lẽ của An Chi dù chua đến mấy và cay đến đâu thì vẫn nằm trong giới hạn của sự nghiêm túc. Chứ lời lẽ của BS Nguyễn Hy Vọng thì mới là bỉ ổi thượng thặng. Xin trích vài đoạn văn “mẫu” của ông đốc tờ này để bạn Năm Móc và các bạn khác có thể… thưởng lãm (những chữ in đậm là do An Chi nhấn mạnh).
Trong bài “Dính líu giữa tiếng Việt và tiếng Lào Thái”, ông ta viết:
“Mục đích bài này là để giúp ta bỏ đi cái ý nghĩ sai lầm của phần lớn các nhà học giả Hán Việt xưa nay đã tiêm nhiễm vào đầu óc họ, cho là “tiếng Việt do từ tiếng Tàu mà ra [sic] @ Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Phương, Huệ Thiên… và hàng tá các ông khác nữa”.
“Các ông khác” có phải là những lọ dầu cù là hay những ống kem đánh răng đâu mà đốc tờ Vọng trịch thượng đếm họ bằng cái cách nói “hàng tá”. Nguyễn Hy Vọng mắc chứng vĩ cuồng thô lậu; ông ta tưởng với bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt thì mình đang đứng trên đỉnh cao của học thuật chứ không ngờ rằng về mặt ngữ học thì bộ sách của ông ta chẳng có bao nhiêu giá trị.
Trong bài “Chỗ đứng của tiếng Việt trong thế giới”, ông ta viết:
“Ai không tin, xem quyển sách du lịch chính thức của họ in ra cho cả thế giới xem… cười chơi muốn nứt bọng đái luôn”.
Rồi ngay bên dưới, ông ta gọi các nhà lãnh đạo bằng cái danh ngữ mất dạy là bọn bắc cụ bắc bộ phủ mà quên rằng chính hai chữ “bắc cụ” của đốc tờ Vọng mới chứng tỏ rằng tác giả của nó là một kẻ thậm vô giáo dục, nếu không nói là vô loài. Cũng trong bài này, ông ta đã chế nhạo:
“Còn Việt ta thì trong nước dành nhau loạn cào cào khoe tiếng Anh bồi, Mỹ bồi trong các sách vở của chúng nó là childish garden [vườn trẻ] trong công viên Phan Thiết!”.
Đốc tờ Vọng chế nhạo như thế nhưng cái childish garden ở Phan Thiết bất quá cũng chỉ xuất hiện tại một địa phương nhỏ trong nước chứ với thâm niên 30 năm làm Từ điển nguồn gốc tiếng Việt như Nguyễn Hy Vọng mà gọi sách của mình là cognatic dictionary (Xin xem bài của An Chi trên NLM số 448) thì mới là họ “Bồi” cấp U-ết-xì-a.
Trong bài “Những con đường đi không tới”, ông ta viết: “Chém giết nhau đâu mấy sản, ngủ với nhau đêm này qua đêm nọ cả mấy triệu năm mới có được 7 ngàn triệu mạng người hôm nay đó chứ, mới có được 6 ngàn tiếng nói khác nhau đó chứ! (…). Cái sức sống, cái nếp sống quá mạnh của con người đã làm ra thế giới ngôn ngữ chứ đâu có phải ăn rồi chỉ lo xách đít di chuyển khắp nơi”.
“Ngủ với nhau đêm này qua đêm nọ”, kinh nghiệm bản thân chăng? Thật là trơ trẽn một cách khả ố. Rồi ở một đoạn bên dưới, đốc tờ Vọng lại viết:
 “Mấy cái quyển sách về nhân chủng/anthropology toàn nói bậy nói bạ nói quấy nói quáchúng nó nghe ầm ầm!”.
Chẳng biết đốc tờ Vọng dùng hai tiếng “chúng nó” để chỉ ai chứ “mấy cái quyển sách về nhân chủng/anthropology” kia thì có giá trị gấp trăm lần bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt của Nguyễn Hy Vọng. Còn kẻ nói bậy nói bạ nói quấy nói quá thì chính là đốc tờ Vọng chứ chẳng phải là ai khác.
Trong bài “4.000 năm ròng rã buồn vui”, ông ta viết về dân số Việt Nam:
“Từ # 1 triệu người cách đây 2 ngàn năm, nay chúng ta đã là 83 triệu, đông hết biết luôn, sinh đẻ quá nhiều, chết bao nhiêu cũng không sao!”.
Đốc tờ Vọng nói như vậy, có lẽ cũng đồng điệu với tay hồng y Spellman, khi hắn ta kêu gọi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, cách đây 60 năm.
Trong bài “Cái nguồn và cái ngọn”, ông ta viết:
“Xin ôm bụng cười nửa phút, vì nó buồn cười quá! chong xáng vườn chè làm xao mà tiêu chuẩn cho nổi, chính chị chính em thì làm xao mà hiểu được ai là chị ai là em!, làm xao cho xướng thì hết mẹ nó cái xướng rồi”.
“Xướng” mãi thế nào được khi bị 27.500 mục từ trong “cognatic dictionary” của Nguyễn Hy Vọng ám ảnh?
Trong bài “Cái hệ lụy Tàu Việt”, đốc tờ Vọng viết:
“Viết đến đây tôi muốn lộn máu, đành tạm ngưng. Tôi thách mấy ông Hán Việt nô lệ chữ Tàu cho quá năm 2002, hãy công khai tranh luận với tôi về điểm này, độc giả sẽ là người làm trọng tài”.
 Vì tức “lộn máu” lên đầu, không còn bình tĩnh nên đốc tờ Vọng mới dại dột thách thức như trên chứ ai thừa thì giờ, công sức mà đi tranh cãi với kẻ điên, thằng khùng. Và đốc tờ Vọng đã quên một cách đáng thương rằng, chính mình cũng nô lệ chữ Tàu. Chẳng thế mà vật tượng trưng tinh thần cho cá nhân là con triện vuông của Nguyễn Hy Vọng lại viết bằng chữ Tàu, phân nửa bên phải thì nguyên chữ “Nguyễn” [阮] màu trắng trên nền đỏ; phân nửa bên trái là hai chữ “Hy” [希] (trên), “Vọng” [望] (dưới) màu đỏ trên nền trắng (Xin x. ảnh [đen trắng]). Chạy trời không khỏi nắng, cuối cùng đốc tờ Vọng cũng phải nhờ đến chữ Tàu để làm con dấu. Huống chi, đốc tờ Vọng còn quá ngu ngốc nên cứ luôn mồm nhắc đến chuyện “tiếng Việt do từ tiếng Tàu mà ra” chứ điều mà hiện nay người ta đang nói - và tuyệt đối đúng - chỉ là các từ và hình vị Hán Việt trong từ vựng tiếng Việt chiếm một tỷ lệ khá cao. Chỉ có những kẻ dốt ngữ học và Việt ngữ học mới nhắm mắt phủ nhận điều này.
Trong bài “Khi hai tiếng nói sống chung với nhau > 2000 năm”, ông ta đã bịa đặt một cách khả ố:
“Ngay cả một cái Viện ngôn ngữ của [Việt Nam - AC] cũng sản xuất ra những từ điển đầu voi đuôi chuột, bịa ra những định nghĩa quái đản như là “chốc mòng” thì bảo nghĩa là “rộn rịp”! chững chạc thì bảo nghĩa là “ngay ngắn” [sic] thật là hết thuốc chữa! [Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê]”.
Thực ra, Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên đã giảng chính xác “chốc mòng” là “trông mong” với ghi chú “động từ; cũ; văn chương” còn “chững chạc” là “đứng đắn, đàng hoàng”, với ghi chú “tính từ”, chứ đâu có giảng bậy bạ, ngu xuẩn như đốc tờ Vọng đã bịa đặt một cách bỉ ổi. Từ điển của người ta “chững chạc” như thế mà ông ta lại mở mồm mở miệng nói là từ điển đầu voi đuôi chuột. Kẻ làm từ điển vừa cẩu thả vừa không có phương pháp chính là Nguyễn Hy Vọng với bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, mà chúng tôi cũng đã vạch ra trong bài trước trên Năng lượng Mới số 448 & 449. Ở đây, xin nêu thêm vài chi tiết.
Trong bài “ANH TAM là gì”, nói về hai chữ (tạm đọc) là “song viết”, ông ta kể:
“May thay khi đọc đến quyển từ điển Lào của Russell Marcus thì tôi thấy hai chữ song viết lù lù ra đó, có nghĩa là cách ăn mặc và cách ăn ở. Tôi lại xem quyển từ điển Thái của Mary Haaj thì may thay cũng hai chữ đó sờ sờ trước mắt, trang 138 và tôi đã trình bày hai chữ đó, đương nhiên là viết bằng chữ Lào và Thái chứ không phải chữ Nôm, với học giả Đoàn Khoách”.
Xin thưa rằng không có Mary Haaj nào là tác giả của từ điển cả mà chỉ có Mary R. Haas nhưng quyển từ điển của bà Haas cũng không phải là “Thai Dictionary” vì bà chỉ làm quyển song ngữ Thai-English Student’s Dictionary do Stanford University Press ấn hành (bản đầu tiên là vào năm 1964) mà thôi. Chẳng những trật vuột trong lời kể trên đây, mà ở phần “Tài liệu tham khảo” trong bài “Tết là gì?”, đốc tờ Vọng cũng ghi: “Thai Dictionary, Mary Haaj, Stanford, CA 1964”. Rồi trong phần “Tài liệu tham khảo” hoành tráng hơn, thấy được tại trang http://lhccshtd.org/, ông ta cũng ghi y chang: “Thai dictionary / Mary Haaj, Stanford, CA 1964”. Hiển nhiên là đốc tờ Vọng đã ghi sai từ tên quyển từ điển cho đến tên của tác giả. Trong “MARY R. HAAS 1910 - 1996 A Biographical Memoir” do Kenneth L. Pike viết, chúng tôi cũng chỉ thấy Pike ghi nhận như sau: “1964 Thai-English Student’s Dictionary Stanford: Stanford University Press.” Rồi trong bài ghi nhận của James A. Matisoff (University of California, Berkeley) nhan đề “Remembering Mary R. Haas’s Work on Thai”, tác giả này cũng chỉ nhắc: “In my opinion, Haas’s crowning achievement in Thai studies is her wonderful Thai-English Student’s Dictionary (1964)” (Theo ý kiến của tôi, thành tựu đỉnh cao của Haas là quyển Thai-English Student’s Dictionary tuyệt diệu (1964) của bà”.
Hai cái sai (“Thai Dictionary” & “Haaj”) của Nguyễn Hy Vọng cứ lặp đi lặp lại, ngay cả trong thư mục, khiến ta nghĩ rằng không biết có thật đốc tờ Vọng đã tận mắt nhìn thấy quyển từ điển của Mary R. Haas hay không, hay là người khác cung cấp thông tin cho ông ta còn chính ông ta thì đã nhớ tên sách và tên tác giả một cách trật vuột? Ông ta nói trang 138 nhưng không cho biết đây là trang 138 trong bản nào vì bản in lần đầu tiên của Thai-English Student’s Dictionary là vào năm 1964 nhưng nó cũng đã được in lại ngay trong năm đó, rồi những lần in sau đó là vào 1966, 1967. Từ 1967 đến nay, không biết có in thêm lần nào nữa không (vì chúng tôi dùng bản 1967).

Nguồn:

Ai nói bậy nói bạ nói quấy nói quá? (tiếp theo và hết)

Bạn đọc: Xin phản hồi chớp nhoáng. Tôi đã đọc bài của ông An Chi nhan đề “Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng” trên Năng lượng Mới số gần đây. Tuy không hiểu thấu đáo những gì ông đã viết, tôi cũng cảm thấy ngờ ngợ về bộ từ điển “hoành tráng” của BS Nguyễn Hy Vọng. Nhưng ngôn từ mà ông dùng để nói về BS Vọng như “chém gió”, “chuyện tếu táo”, “hoang tưởng”, “hiểu trật đường rầy”, v.v... thì tôi thấy chua quá, cay quá. Năm Móc (Tân Định, TP HCM)

Ai nói bậy nói bạ nói quấy nói quá?
Bạn đọc: Xin phản hồi chớp nhoáng. Tôi đã đọc bài của ông An Chi nhan đề “Những lời vàng ...
Quyển từ điển của Mary R. Haas đươc ghi rõ ràng là “With the assistance of [Với sự trợ giúp của - AC] George V. Grekoff, Ruchira C. Mendiones, Waiwit Buddhari, Joseph R. Cooke, Soren C. Egerod”. Còn từ điển của Nguyễn Hy Vọng? Tuyệt đối không có ai trợ giúp chăng? Nhưng ngay cả khi nó là công trình của một mình đốc tờ Vọng thì cái công của ông ta cũng chỉ là ở chỗ tập hợp dữ liệu chứ cái phần vắt óc để tìm cho ra từ nguyên đích thực thì… không có gì. Đốc tờ Vọng hoàn toàn khác BS Trần Ngọc Ninh với bộ Cơ cấu Việt ngữ và BS Bùi Minh Đức với bộ Từ điển tiếng Huế. Hai vị này không hề ba hoa và nói bậy nói bạ nói quấy nói quá như đốc tờ Vọng. Họ đâu có cần làm xằng như thế vì sách của họ tự nó đã có giá trị đích thực.Xin nêu thêm vài chi tiết đơn giản để khẳng định đốc tờ Vọng không đủ tư cách làm từ điển từ nguyên. Trong bài “Dính líu giữa tiếng Việt và tiếng Lào Thái”, ông ta đã so sánh:
“Ta và Khmer đã chung nhau tiếng đó từ mấy ngàn năm về trước.
xí quách < chi-wích / life / đời sống
Thí dụ: hết xí quách, tan tành xí quách cũng là tiếng chung của Thái, Lào, Miên [gốc Sanskrit].”
Dĩ nhiên là tiếng Khmer chi-wích thì do tiếng Sanskrit mà ra và nguyên từ (etymon) của nó là jīvita, có nghĩa là sự sống, sinh vật. Đến như xí quách mà bảo là tiếng Việt cùng gốc với chi-wích của Khmer thì ai ở trong Nam mà có đến ăn ở xe mì hoặc tiệm mì của người Hoa cũng phải “ôm bụng cười nửa phút” (nhưng không “nứt bọng đái”). Xí quách là do âm Quảng Đông chű quách của hai chữ Hán [猪骨] mà âm Hán Việt là “trư cốt”, có nghĩa là xương heo. Nước lèo dùng cho mì, hủ tiếu được nấu bằng xương heo và khi xài hết nước lèo thì còn lại là xương heo đã ninh rục trong thùng nước lèo. Những khúc xương còn dính thịt và những ống xương còn đầy tuỷ là món bình dân yêu thích của dân nhậu - mà chả cứ gì với dân nhậu; có một xị đế với một đĩa xí quách để lai rai thì chẳng còn cần biết Nguyễn Hy Vọng là ai. Xí quách mà chung gốc với Khmer chi-wích thì chỉ chứng tỏ Nguyễn Hy Vọng không đủ khả năng để làm “cognatic dictionary” mà thôi. Chỉ có Thái và Lào mới chung gốc với Khmer trong trường hợp này mà trong trường hợp này thì các từ hữu quan cũng chỉ là borrowings (từ mượn) chứ không phải cognates (đồng nguyên).
Sau đây là vài thí dụ đơn giản nữa. Trong bài “Đào sâu tiếng Việt”, đốc tờ Vọng khẳng định rằng tiếng Pali phloi cùng gốc với trời của tiếng Việt. Nhưng xin thưa ngay rằng tiếng Pali không có phụ âm kép “phl” và đây là chuyện sơ đẳng mà ai muốn làm từ nguyên học liên quan đến tiếng Pali cũng cần phải biết. “Trời” trong tiếng Pali là “ākāsa” hoặc “gagana”. Cũng liên quan đến tiếng Pali, trong bài “Bài toán của tiếng Việt”, đốc tờ nhà ta đã khẳng định: “Sa- mạc là tập trung tư tưởng, định thần , từ chữ  “samadhi” / meditative incantation ”. Đúng ra thì tiếng Pali ở đây phải là samādhi (“a” dài [= ā] sau “m”) nhưng điều làm cho ta kinh ngạc là samādhi mà lại cùng gốc với “sa-mạc” (desert) thì không biết đốc tờ đã thấy nó ở quyển từ điển thần kỳ nào. Còn Tàu thì phiên âm samādhi thành “tam ma địa” [三摩地] hoặc “tam muội [三昧], là hai hình thức thường thấy nhất, để diễn dạt cái ý “định thần”, “tập trung tư tưởng”.
Sau đây là dẫn chứng cuối cùng để khẳng định rằng đốc tờ Vọng không đủ tư cách để làm từ điển từ nguyên. Vì quyển từ điển “quốc tế” của ông ta chưa đưa hết lên mạng nên chúng tôi xin trích mẩu so sánh về từ “gió” trong bài của Trần Mộng Tú viết về “Tác giả Nguyễn Hy Vọng và Nguồn gốc tiếng Việt” và chỉ lấy hai ngôn ngữ Thái và Lào cho đỡ rườm rà:
“Thái: wa-du/wa-giu/ph-giú/ kh-glol (chặp kh-glol là bắt gió/cạo gió).
Lào: ph-gio”.
Ta không biết những dữ liệu trên đây do ai cung cấp cho đốc tở Vọng hay ông ta lấy ở đâu ra nhưng phần tiếng Thái thì “thập cẩm” còn phần tiếng Lào thì lại là một món ăn ế vì không ai chịu nếm. Chúng tôi chỉ chọn hai ngôn ngữ này trong bảng so sánh để tập trung nêu bật cái dốt của anh đốc tờ phét lác. Trong phần tiếng Thái thì “kh-glol” là một đứa con vô thừa nhận vì ngôn ngữ này không có tổ hợp phụ âm đầu “kh-gl” còn “wa-du”, “wa-giu”, “ph-giú” thì thực tế chỉ là ba cách phiên âm khác nhau của “wayu” là một từ mà tiếng Thái Lan đã mượn của tiếng Sanskrit hoặc Pali “vāyu”, có nghĩa là “gió”. Với tiếng Lào thì “ph-gio” cũng là một kẻ vô thừa nhận vì ngôn ngữ này cũng chẳng có tổ hợp phụ âm đầu “ph-gi”. Nhưng cái khuyết điểm “hoành tráng” nhất của đốc tờ Vọng là ở chỗ ông ta không hề biết đến  “lôm” của tiếng Thái cũng như “lôm” của tiếng Lào, đều có nghĩa là “gió”, đều thuộc từ vựng cơ bản của hai ngôn ngữ đó và đều đồng nguyên với “lồm” của tiếng Tày-Nùng, “lỗm” của tiếng Thái (Tây Bắc), v.v... “Gió” trong bốn thứ tiếng này, như đã ghi ở trên, mới đích thị là những từ đồng nguyên trong các ngôn ngữ Tày-Thái và nếu đã làm từ điển từ đồng nguyên thì phải dùng những từ này chứ không thề dùng “wayu” của tiếng Thái, là một từ vay mượn ở tiếng Sanskrit hoặc Pali. Sở dĩ đốc tờ Vọng nhà ta đưa ra những “wa-du”, “wa-giu”, “ph-giú”, “ph-gio” thì chỉ là để cho có dáng dấp của “gió” ở trong đó mà thôi.
Tóm lại, làm từ điển từ nguyên tuyệt đối không phải là hễ thấy có những từ cùng nghĩa và gần âm thì cứ vơ lấy mà nhét vào trong một cái bị gọi là “cognatic dictionary”, như đốc tờ Nguyễn Hy Vọng đã làm. Công việc này, Henri Frei cũng đã làm từ năm 1892 với quyển L’annamite, mère des langues (Tiếng An Nam, mẹ của các ngôn ngữ) trong đó “ăn thịt” của tiếng Việt đồng nguyên với tiếng Esquimau “estimantik”!


Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét