Chuyển đến nội dung chính

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 65

-Mọi người đều mù quáng đi trên con đường đời của mình! Vì đố ai thấy chính xác con đường ấy!
-Đến chặng cuối đường đời, hình dáng nó mới hiện lên rõ nét với những nỗi niềm hối tiếc khó nói được thành lời!
 -Và đời ta, ta không thể đánh giá đúng được mà phải để đời sau đánh giá!
- Hiền-ác là hai giá trị tùy thuộc vào nhận thức nên rất dễ chuyển hóa thành nhau. Tuy nhiên chân lý tuyệt đối chỉ có một!
-Cuộc sống chân-thiện-mỹ có vẻ như bản năng (!?), không thể bắt chước được! 
-Cuộc đời vì nước, vì dân và biết hành động sáng suốt như của Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt...thật sự đáng để mọi người tôn vinh! 

------------------------------------------------------------------
(Đc sưu tầm trên NET)

CON ÔNG CHÁU CHA PHẢI CÓ KHÍ PHÁCH NHƯ VẬY!

 

HỔ PHỤ - HỔ TỬ

1-HỔ TỬ 
(Liệt sĩ Võ Dũng)



 Hổ phụ sinh hổ tử
Người xưa nói chớ sai
Đúng là con nhà Võ
Khí khái một đời trai!

Đòi về quê yêu dấu
Noi theo cha kiên cường
Hy sinh trong chiến đấu
Lặng lẽ thành tấm gương! 

Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27-7:

Chuyện chưa biết về sự hy sinh anh dũng của người con cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt

09:26 16/07/2016

Đầu năm 1967, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc. Xa má đã 7 năm mà không có một lá thư, Dũng linh cảm đã có chuyện chẳng lành. Hỏi ba thì ba không trả lời. Nhiều lần Dũng lên gặp Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh xin nghỉ học, về nước chiến đấu.


Trong lịch sử 35 năm tồn tại của Trường Văn hóa Quân đội thì có 5 năm (1965 – 1970) được mang tên Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi (còn gọi là Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, gọi thân mật là Trường Trỗi). Nhà trường đã đào tạo 8 khóa với 1.200 học sinh, hơn 900 học sinh đã nhập ngũ; trong đó hơn 800 người trở thành sĩ quan.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 2 thầy giáo và 28 học sinh của trường đã anh dũng hy sinh, trong đó có người bạn thân thiết của chúng tôi, liệt sỹ Võ Dũng.
Di ảnh liệt sỹ Võ Dũng.
Nợ nước, thù nhà
Anh Võ Dũng tên thật là Phan Chí Dũng (SN 1951 tại Rạch Giá), là bạn học Trường Trỗi với chúng tôi. Ba của Dũng là chú Sáu Dân (sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt), má là cô Trần Kim Anh. Cô kém chú 10 tuổi và họ thành thân năm 1948.
Dũng có 3 em: Phan Hiếu Dân (1955), Phan Thị Ánh Hồng (1958) và Phan Chí Tâm (1966). Sau 1954, đất nước chia cắt, chú Sáu ở lại Nam Bộ. Mấy anh em Dũng phiêu bạt theo má mưu sinh và trốn chạy sự truy bức của chính quyền địch. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp nơi. Cơ quan Trung ương Cục phải tạm lánh sang Phnômpênh. Chú Sáu Dân đưa Dũng và em Dân đi cùng.
Năm 1960, anh em Dũng cùng một số bạn được đón ra Bắc theo tuyến đường đặc biệt trên chuyến bay Air France từ Pochentong tới Hồng Kông rồi qua phà biển về Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó đi tàu liên vận quốc tế về Hà Nội. Võ Dũng được gửi vào Trường Học sinh miền Nam ở Cầu Rào, Hải Phòng.
Đến năm 1963, Bộ Giáo dục có chủ trương đưa học sinh miền Nam có cha mẹ hoặc người thân về sống với gia đình. Cô Bảy Huệ, vợ bác Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư), đã đón Dũng về nhà. Theo lời Hiếu Dân kể với chúng tôi, anh Dũng rất thương các em. Đêm nào cũng hay kể những chuyện kiếm hiệp, vừa kể anh vừa hóa thân thành các hiệp sĩ oai hùng.
Tháng 5-1965, Dũng nhập Trường Thiếu sinh quân tại Trại Hòe, Hiệp Hòa, Hà Bắc (cũ, huyện Hiệp Hòa nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Những năm tháng ở trường, Dũng rất hiếu động và nghịch ngợm, hay cầm đầu các cuộc vui chơi pha chút mạo hiểm. Những lần máy bay Mỹ bay qua khu vực trường, Dũng không sợ mà đứng hẳn trên bờ hào, lấy tay che mắt, theo dõi đường bay. Khi máy bay Mỹ bị bắn rơi, Dũng là người đầu tiên nhảy cẫng lên, vỗ tay reo hò...
Trong khi Võ Dũng đang ở miền Bắc thì xảy ra một chuyện đau lòng với má và các em tại quê nhà. Cuối năm 1966, Trung ương Cục cử dì Tư, liên lạc viên, về Sài Gòn đón má và 2 em lên chiến khu thăm chú Sáu. Lúc này, em út Chí Tâm chưa đầy 1 tuổi. Để đảm bảo bí mật, dì Tư chọn đi chuyến tàu Thuận Phong chuyên chở vợ con sĩ quan, binh lính Sài Gòn lên thăm chồng ở đồn Dầu Tiếng.
Đúng ngày 17-12-1966, địch có lệnh thiết quân luật, cấm mọi tàu bè chạy trên tuyến đường sông qua Củ Chi. Chủ tàu Thuận Phong không hay biết vẫn cho tàu chạy, vừa rời Sài Gòn được hơn tiếng đồng hồ thì bị một tốp trực thăng bắn xối xả. Tàu trúng đạn và bị chìm, toàn bộ hành khách trên tàu không còn ai sống sót…
Chú Sáu đau buồn, tha thẩn suốt mấy ngày dọc bờ sông, mong tìm kiếm được chút gì của vợ con, trong đó có thằng út chưa hề biết mặt. Đau đớn đến tột cùng nhưng chú Sáu vẫn dặn anh em, đừng cho Võ Dũng và Hiếu Dân biết tin này.
Đầu năm 1967, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc. Xa má đã 7 năm mà không có một lá thư, Dũng linh cảm đã có chuyện chẳng lành. Hỏi ba thì ba không trả lời. Nhiều lần Dũng lên gặp Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh xin nghỉ học, về nước chiến đấu. Tháng 3-1968, anh được về nước vào học Trường Quân chính Quân khu Tả ngạn ở Chí Linh, Hải Dương.
Về Nam chiến đấu
Tháng 8-1969, Võ Dũng tập trung ở Trường 105B – Trường huấn luyện cán bộ đi B ở Hòa Bình. Thương Võ Dũng, các chú ở Ban Tổ chức Trung ương bảo: “Các chú cho cháu đi máy bay qua Campuchia, rồi giao liên đưa về chỗ ba cháu”, nhưng Dũng trả lời: “Con không đi máy bay đâu. Đã đi Nam là phải vượt Trường Sơn. Nhiều chú bác, anh chị là cán bộ còn vượt Trường Sơn; con tuổi 18, làm sao con lại đi máy bay”.
Các chú phát cho Dũng tăng võng bằng vải dù, Dũng cũng từ chối, chỉ nhận tăng võng ka-ki, màn vải như các anh chị khác. Trước ngày đi, cô Bảy Huệ cùng cô Tư Duy Liên và em Hiếu Dân lên thăm. Ai cũng lo vì hồi đi học Dũng nghịch ngợm quá, không hiểu Dũng sẽ ra sao khi trở về Nam? Võ Dũng cười và hứa: “Các cô yên tâm đi, con quyết sẽ trả thù cho má và 2 em. Lần này con đi, các cô sẽ thấy “một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực”!
Dũng hồ hởi nhập đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn” về Nam chiến đấu. Trong đoàn còn có vợ chồng anh Long, chị Phương. Sau này, Hiếu Dân được anh Long kể lại, dọc đường hành quân, tuy rất vất vả, nhưng Dũng rất vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Khi thì đeo hộ ba lô, lúc lại đeo thêm khẩu súng, tới đâu cũng kể chuyện vui để quên đi vất vả. Có ít thuốc lá mang theo, Dũng chia đều cho mọi người.
Tới căn cứ B2, Dũng được gặp ba. Hai ba con ôm nhau vào lòng, nghẹn ngào không nói nên lời. Chỉ dăm bữa, Dũng nằng nặc xin về Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Biết càng vào sâu thì cái chết càng cận kề, hòn tên mũi đạn có chừa ai; vậy mà chú Sáu đã gật đầu. Các chú cho Dũng về đơn vị Thông tin, nơi ít phải giáp mặt với quân thù; nhưng Dũng xin về Rạch Giá: “Má cháu đã bị giặc giết hại, các chú phải cho cháu về quê má chiến đấu”.
Đến tháng 6-1971, Dũng được điều về Mặt trận T3 thuộc Khu 9. Tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba và xin bằng được về Trung đội 2 trinh sát (thuộc Tiểu đoàn 3). Thấy con trai thủ trưởng quyết tâm, các chú đành chấp nhận. Từ đó, Dũng hăng hái lặn lội đi trinh sát cùng anh em, no đói, gian khổ cùng sẻ chia.
Sáng sớm ngày 21-4-1972, Dũng cùng 2 đồng đội đi trinh sát nhưng bị sa vào ổ phục kích và cả 3 anh em hy sinh trên kênh Tây Ký (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Rạch Giá). Võ Dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi 21, ngay trên quê hương má Trần Kim Anh.
Sau ngày giải phóng, tháng 11-1975, chú Sáu nhờ đơn vị tìm mộ phần Võ Dũng, cải táng và đưa về nghĩa trang An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Thật cảm động, khi đưa thi hài Dũng lên, trong túi quần vẫn còn bịch nilon đựng thuốc rê… Nghe Hiếu Dân kể đến đây, chúng tôi nhớ lại những ngày học ở trường, Dũng là một trong những số ít “tay nghiện” thuốc lá của lớp.
Gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt (ảnh ghép).
Sau này, Võ Dũng được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Không xa bức phù điêu lớn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là nơi yên nghỉ của Võ Dũng cùng bia mộ tượng trưng của má Trần Kim Anh và 2 em. Chín nấm mộ xếp chụm lại như 9 cánh của một bông hoa.
Khi chú Sáu Dân còn bình sinh, mỗi lần Hội trường Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi đều mời chú đến dự. Còn nhớ dịp 27-7-1993, chúng tôi đã đến thắp hương cho Võ Dũng. Chú chia sẻ: “Nhà chú mất thằng Dũng, Trường Nguyễn Văn Trỗi mất 27 bạn nữa như nó cùng 2 thầy. Đất nước có chiến tranh thì mất mát có của riêng ai. Nhưng chúng ta phải sống, phải sống cho tương lai, các con ạ!". Lúc chia tay, chú vấn vương: “Chả hiểu hồi ở trường, Dũng có thương con bé nào? Biết đâu... để chú còn đi tìm?”.
Trước ngày về cõi vĩnh hằng, chú Sáu Dân đã đưa cô Kim Anh, Võ Dũng, Ánh Hồng, Chí Tâm về nghĩa trang dòng họ ở Vĩnh Long... Mới đây, Hiếu Dân gửi cho tôi mấy bức ảnh quý mà chú Sáu đã gìn giữ bấy lâu. Trong đó có bức ảnh cả gia đình, nhưng nhìn là biết ảnh ghép.
Hiếu Dân tâm sự: "Ba em rất thương má, thương anh Dũng và các em. Cụ đã lấy ảnh chụp ba với má đang bế Ánh Hồng, rồi nhờ thợ ghép thêm anh Dũng, em và Chí Tâm vào để có đầy đủ các thành viên trong gia đình".
Trần Kiến Quốc
                                            


2-LỤC DÂN

Võ dũng lừng vang một thủ quân
Văn nhân nức tiếng khắp lục dân
Kiệt xuất đổi dời, xây, trị thủy
Hòa khí lan tràn chín tầng vân

Là con xứ sở Cửu Long điền
Là anh xung phong của thanh niên
Là bộc cúc cung vì đại chúng
Hồn nay an lạc Vĩnh Long viên...
                                            
Trần Hạnh Thu

Câu nói nổi tiếng

Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.
Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào. 
Không ai chọn cửa mà sinh ra! 
Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán các em. 
Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì
Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn

Tổng công trình sư của thời kỳ đổi mới

Bài viết nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2012)
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - gần một thế kỉ là vô cùng phong phú, sinh động, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và trải dài trên cả 3 miền đất nước. Ông là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, là “tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo.. Dù ở bất kỳ cương vị nào, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn quan niệm: Tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung. Niềm tin ấy giúp ông thành công trong mọi bước đi.
Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, quê xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tham gia Cách mạng từ khi mới 16 tuổi, năm 17 tuổi đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Người đảng viên trẻ, giàu nhiệt huyết sau đó đã tham gia hoạt động trong Đảng bộ Vĩnh Long, rồi Khu ủy Khu Tây Nam bộ trên nhiều chiến trường nóng bỏng. Năm 1960, đồng chí được Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam điều động về phụ trách Sài Gòn - Gia Định và giữ cương vị Bí thư, Phó Bí thư suốt 11 năm liền trong cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam...
Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Võ Văn Kiệt - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã có những cống hiến to lớn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển. Đồng chí Võ Văn Kiệt là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược kiệt xuất, luôn dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở lắng nghe ý kiến nhân dân, văn nghệ sĩ trí thức và biết tập hợp sức mạnh của mọi lực lượng trong xã hội. Riêng đối với trí thức, đồng chí Võ văn Kiệt nhận thấy đó là nguồn lực hàng đầu không thể thiếu cho quá trình phát triển, phải tập hợp lực lượng này, phát huy trí tuệ, tài năng của họ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ  đất nước.
Nói về người đồng chí của mình, đồng chí Đỗ Mười - Nguyên Tổng Bí thư, chia sẻ: “Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội và đối ngoại, anh thể hiện nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động, triệt để. Anh là người lãnh đạo năng động và đầy nhiệt huyết, cả cuộc đời gắn với dân, với phong trào. Trong việc chỉ đạo thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bốn vùng Tứ giác Long Xuyên, anh là người lặn lội với thực tế, thấu hiểu được lòng dân. Khi đã thấy đây là những vấn đề hữu ích, anh dám làm và chỉ đạo làm một cách quyết liệt”.
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhấn mạnh: :Đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt góp phần quan trọng đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển”.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “ở tầm quốc gia, những thành tựu to lớn về kinh tế của đất nước trong những năm đổi mới là công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng thời cũng đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt. Với tầm nhìn chiến lược, với tính cách nổi bật là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “làm nhiều hơn nói nhiều”, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những tổng công trình sư của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước”.
Thà mất chức chứ không để dân đói
Cuộc đời ông Sáu Dân gắn liền với những năm tháng lăn lộn trong dân, ăn cơm, mặc áo của dân, được dân cưu mang, che chở nên thấu hiểu được nỗi cực khổ cùng tâm tư, khát vọng giản dị của họ: Sau độc lập tự do là miếng cơm, manh áo, ruộng cày. Sống trong dân, ông cũng học được nhiều ở trí tuệ người dân. Họ không biết lý luận nhưng có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng.
Niềm tin đó càng được củng cố sâu sắc thêm qua lời căn dặn của Bác Hồ: “nhân dân rất thông minh”, một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền “được lòng dân”. Điều đó đã tạo cho ông niềm tin và lòng dũng cảm để trở thành “tướng xé rào” ngay từ trong chỉ đạo đấu tranh vũ trang sau Hiệp định Paris rồi đến cả trong thời bình.
Trải lòng về nhà lãnh đạo kiệt xuất của thời kỳ đổi mới, GS Trần Hiếu Đức - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết; “dù ở vị thế nào trên con đường của mình, từ người chiến sĩ cách mạng thời trai trẻ đến cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn có niềm tin sâu sắc: Tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung. Niềm tin ấy giúp ông đến gần với dân hơn”.
Cả cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt đều dành cho cách mạng, hết lòng vì đất nước, vì nhân dân, lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Đồng chí Võ Văn Kiệt có tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo; có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã cống hiến trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, góp phần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.  Ngoài công tác lãnh đạo toàn diện, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tập trung chỉ đạo nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết các vấn đề sản xuất và đời sống. Trong thời bình, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những chỉ đạo “xé rào” nhằm tháo gỡ những bế tắc cho sản xuất và đời sống… nhất là thời kỳ 1978-1980. Đó là những quyết định về thu mua lúa với giá cao gấp 5 lần, khuyến khích sản xuất mặt hàng tiểu thủ công nghiệp…, đồng chí chấp nhận thà mất chức chứ không để dân đói.
Hoạt động cách mạng, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trải qua 70 năm là vô cùng phong phú, sinh động, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và trải dài trên cả 3 miền đất nước. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986, là “tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo thời kỳ đổi mới. Dấu ấn của ông được khắc ghi bằng những công trình thế kỷ như: Đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam, dự án thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Không chỉ quan tâm phát triển về kinh tế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn là nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng về văn hóa. Đại học Quốc gia, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… được xây dựng là những minh chứng cho tâm huyết của cố Thủ tướng trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về giáo dục và đào tạo; về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn là người phấn đấu không mệt mỏi vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới.
“Cha đẻ” của hai Đại học Quốc gia
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với sinh viên ĐHQGHN, ngày 04/3/1997
Một trong những thành tựu đáng kể của giáo dục Việt Nam là sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của hai Đại học Quốc gia và đây cũng là một trong những “dấu ấn đậm chất Võ Văn Kiệt”. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học có thể so sánh như một thứ “ Khoán 10” trong giáo dục đại học. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển đại học trên thế giới, đặc biệt là trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão.
Trong hồi ký của mình, GS.VS Nguyễn Văn Đạo - Nguyên Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ: “Chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, xây dựng các Đại học Quốc gia, đã được đặt ra từ lâu (QĐ 73/HĐBT) và được bàn nhiều lần, ở nhiều cấp, nhưng trong một thời gian dài không triển khai được. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đại học quốc gia với những ý tưởng mới về một nền giáo dục đại học. Sự ra đời của hai Đại học Quốc gia là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Việc xây dựng Đại học Quốc gia nhằm mục tiêu để Việt Nam ta nhanh chóng có những trung tâm đại học mạnh, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các Đại học Quốc gia được xây dựng sẽ có tác dụng thúc đẩy đối với toàn bộ hệ thống đại học của nước ta”.
Lễ ra mắt Ban Giám đốc ĐHQGHN, tháng 4/1994. Ảnh từ trái sang: GS.Đào Trọng Thi - Phó giám đốc, GS. Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc, GS. Nguyễn Đức Chính và GS. Nghiêm Đình Vỳ - Phó giám đốc.
Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định thành lập ĐHQGHN. Tiếp theo đó là thời gian hoàn thiện ý tưởng và mô hình Đại học Quốc gia, thể hiện trong bản Quy chế đầu tiên về ĐHQGHN được ban hành vào ngày 5/9/1994. Quy chế này đã phản ánh khá đầy đủ những ý tưởng chiến lược của Thủ tướng về giáo dục đại học.
Khi hai ĐHQG được hơn một chục năm xây dựng và phát triển, cố Thủ tướng đã nói: “Bất cứ một chủ trương nào mà coi là đúng thì cũng phải có thời gian kiểm nghiệm. Quyết định thành lập ĐHQGHN và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã được hơn 12 năm. Tới nay, nói chung chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định đó là chủ trương đúng. Bởi lẽ nước ta trong tiến trình đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và thế giới, thì điều quan trọng hàng đầu là đào tạo con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức trẻ có tâm và tài, đủ năng lực bắt kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Khi cân nhắc, lượng sức mình thì thấy không có cách nào khác hơn là chọn một số trường mũi nhọn để nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện còn khó khăn, nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển. Chính vì thế, sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, giáo dục có uy tín, lúc bấy giờ Chính phủ quyết định thành lập hai đại học là ĐHQGHN và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh ở hai trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn của đất nước, tạo cho mỗi trường một số điều kiện thuận lợi và trao cho mỗi trường một quy chế tự chủ rộng rãi“.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần làm việc với ĐHQGHN, năm 1997.
Tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đại học như đã nói ở trên đã gặp không ít khó khăn khi thực hiện ở trong ngành giáo dục cũng như ở bên ngoài, do nhận thức, do thói quen và cả do lợi ích cục bộ. Mặc dù vậy, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa ra những quyết định táo bạo vào những thời điểm khó khăn nhất. Đồng chí trước sau như một kiên quyết chỉ đạo việc xây dựng ĐHQGHN theo tinh thần đổi mới đã đề ra và đã đạt được thành công to lớn.
Nhờ được quyền tự chủ cao và được tạo điều kiện thuận lợi, ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc được cả trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất của ĐHQGHN cho đàng hoàng, xứng đáng với tầm vóc dân tộc. Đích thân Thủ tướng đã đi tìm địa điểm để xây dựng ĐHQGHN. GS.VS Nguyễn Văn Đạo kể: "Cán bộ và sinh viên của ĐHQGHN rất xúc động khi được biết rằng vào một ngày chủ nhật, Thủ tướng đã đi thị sát các địa điểm có thể xây dựng ĐHQGHN. Đến một nơi, do không được thông báo trước nên cổng thường trực không mở. Vậy là Thủ tướng và cả đoàn tuỳ tùng đã phải leo qua hàng rào để vào tận nơi quan sát khu đất. Sau nhiều ngày suy tính về tương lai của một đại học lớn, Thủ tướng đã quyết định dành cho ĐHQGHN một khu đất rất đẹp, rộng một ngàn hec ta tại Hòa Lạc. Khi đó, có những cán bộ thắc mắc sao lại đi xa vậy? Song bây giờ mọi người đều nhận ra sự sáng suốt của việc lựa chọn địa điểm này: Đại học Quốc gia phải có môi trường sinh hoạt rộng thoáng, phải đáp ứng cho nhu cầu phát triển của cả trăm năm sau, phải xứng đáng là một đại học lớn trong khu vực và trên thế giới".
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với GS. Nguyễn Văn Đạo
Trong nhiều năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn trăn trở: “Với quy mô của một đại học quốc gia thì điều kiện cơ sở vật chất còn quá khiêm tốn, hoàn toàn chưa đủ. Lẽ ra chúng ta phải đầu tư xây dựng ĐHQGHN ở Hoà Lạc sớm hơn. Nếu trong vòng 10 năm tới, chúng ta có thể xây dựng hoàn thiện ĐHQGHN trên diện tích đã được quy hoạch ở Hoà Lạc thì rất tốt. Chính đó mới xứng với tầm cỡ, đúng với ý nghĩa của ĐHQGHN, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của Thủ đô và cả nước”.
Đã 4 năm kể từ ngày mất của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tinh thần của một nhà lãnh đạo tài năng, nhiệt huyết, hết lòng vì Đảng, vì dân luôn đọng lại trong tâm trí bao người. Để kết xúc, xin trích lời GS. Chu Hảo: “Một tấm lòng nhân ái sâu sắc, một bầu nhiệt huyết sục sôi, một tầm nhìn rộng mở giàu trí tuệ... vẫn đang vẫy gọi và cổ vũ chúng ta, bằng những cố gắng thiết thực không mệt mỏi của từng người, tiếp nối sự nghiệp của ông còn dang dở và kế tục những gợi mở của ông còn tươi nguyên với cuộc sống này”.
Trao tặng Thủ tướng bức ảnh Thủ tướng với sinh viên ĐHQGNN, ngày 12/11/1999

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MIỀN TÂY HOANG DẠI

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/153

VẪN THẾ MÀ!