Nhạc sĩ Vinh Sử

(ĐC sưu tầm trên NET)

Vinh Sử

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vinh Sử
Tên khai sinh Bùi Vinh Sử
Sinh 1944
Sài Gòn
Nghề nghiệp Nhạc sĩ
Thể loại Nhạc quê hương
Ca khúc tiêu biểu Mưa bụi, Gõ cửa trái tim, Làm dâu xứ lạ, Nhẫn cỏ cho em, Đêm lang thang, Vòng nhẫn cưới, Không giờ rồi
Vinh Sử (tên thật Bùi Vinh Sử, sinh ngày 9 tháng 6 năm 1944 tại Sài Gòn) là một nhạc sĩ Việt Nam, được mệnh danh là "Vua nhạc sến"

Tiểu sử

Quê ông ở tỉnh Hà Tây. Cha mẹ của ông hòa vào dòng phu đồn điền cao su lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 40, thế kỉ XX. Sau đó, ông bà bỏ nghề, chuyển về một xóm lao động nghèo ở quận 4, Sài Gòn và làm nghề lò bún. Chính nơi đây, hàng trăm sáng tác viết cho giới bình dân của Vinh Sử đã ra đời. Hiện nay, ông là chủ tiệm giày. Ngoài ra, ông vẫn sáng tác nhạc và tham gia hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.[2]
Ông từng có 4 đời vợ chính thức nhưng hiện tại sống một mình. Gần đây ông bị ung thư trực tràng. Sau thời gian điều trị sức khoẻ đã tạm ổn định, tại dêm nhạc ngày 01/ 08/ 2015 ông được tặng nhiều quà để chăm sóc cho phần đời còn lại của mình

Sự nghiệp sáng tác

Vinh Sử sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng,... Ông gắn bó với dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng. Các sáng tác của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận vì nó gần gũi với cuộc sống của họ. Nội dung ca khúc thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không "môn đăng hộ đối" giữa một chàng trai nghèo và một cô gái giàu sang. Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì họ thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình. Vinh Sử cho biết: "(...) nhạc mình viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng." 

Sáng tác

  • Anh Sáu về quê
  • Áo vàng người yêu (Cô Phượng)
  • Bạc màu áo trận 
  • Bài hát sau cùng (Hàn Ni) - nhạc phim Cánh Chim Bạt Gió
  • Bài thơ dâng mẹ
  • Cầu tre kỷ niệm
  • Cậu cả lên thành (Cô Phượng)
  • Chắp tay lạy chúa
  • Chẳng dám làm quen
  • Chiều nước lũ
  • Chiều quê hương
  • Chiều ghé đồi sim
  • Chôm chôm lý qua phà
  • Chuyện người con gái vườn sầu riêng (Hàn Ni)
  • Chuyện tình liêu trai (Hàn Ni)
  • Chuyện tình Sao Ly 
  • Chuyến xe lam chiều
  • Còn nhớ không em
  • Để tóc nàng ngủ yên
  • Đêm lang thang
  • Đêm hỏa châu
  • Đêm không ngủ
  • Đêm sầu đời
  • Đoạn buồn đêm mưa 
  • Đong đưa võng buồn (Hàn Ni)
  • Đừng như ong bướm (Cô Phượng)
  • Em cắt nửa vầng trăng
  • Em sẽ yêu anh mãi
  • Gái nhà nghèo (Cô Phượng)
  • Giã biệt trường xưa (Ly ca)
  • Giết người anh yêu
  • Giọt lệ người tình
  • Gõ cửa trái tim
  • Hà Nội và em
  • Hai bàn tay trắng
  • Hỏi nàng xuân 
  • Khi không
  • Khổ tâm (Bồng Nga Nữ)
  • Không còn nhớ người yêu (Vinh Sử & Chế Huyền Trân)
  • Không giờ rồi
  • Kỷ niệm thời con gái 
  • Làm dâu xứ lạ
  • Lắng nghe cung buồn
  • Lỗi hẹn cùng ca dao
  • Lỗi hẹn cùng tôn nữ
  • Lời cô giáo trẻ (Cô Phượng)
  • Lý qua phà
  • Ôm trái tình sầu
  • Mai em theo chồng
  • Mai Lan (Cô Phượng)
  • Mẹ quê hương
  • Mẹ sáng hơn mặt trời
  • Miền Trung quê em
  • Mùa bông so đũa
  • Mùa Xuân cho Ngọ
  • Mùa Xuân ông đồ
  • Mưa bụi 
  • Mưa bụi 2 
  • Mười năm áo lụa
  • Một căn nhà mướn (Cô Phượng)
  • Năm 17 tuổi (Linh Ngân)
  • Nét buồn thời chiến
  • Nếu phải mất nàng
  • Nghéo tay nhau thề (Cô Phượng)
  • Người đẹp Mỹ Tho
  • Người đó ta còn đây
  • Người không cô đơn
  • Người tình diêu bông
  • Người tình luật khoa
  • Người tình nhạc viện
  • Người về bên ấy
  • Nhành cây trứng cá
  • Nhẫn cỏ cho em
  • Nhớ người em gái miền tây
  • Nối lại tình xưa
  • Nụ hôn đầu
  • Nước mắt người vu quy
  • Phản bội
  • Quên cây cầu dừa
  • Rước dâu trên đường quê
  • Sao muốn giết người yêu
  • Sau không giờ
  • Thà giết người yêu
  • Thành phố ba trăm năm
  • Thương bát cơm lũ
  • Tình ca màu hồng
  • Tình ngoại
  • Tình sầu đâu?
  • Tình vợ chồng quê
  • Tình yêu mới gõ cửa
  • Trách người trong mộng
  • Trái mồng tơi
  • Trái tim biết cám ơn
  • Trái tim trinh nữ (Hàn Ni)
  • Trái tim xôn xao
  • Trời ghen má đỏ (Linh Ngân)
  • Tương tư áo trắng
  • Xóa tên người tình
  • Vắt chân chữ ngũ
  • Vẫy tay chào
  • Về đâu cánh chim biển
  • Về thăm miệt vườn
  • Vòng nhẫn cưới (Chế Huyền Trân)
  • Vỗ tay ngợi ca (Hàn Ni)
  • Yêu người chung vách

Những vụ mạo danh nhạc sĩ khác

Vinh Sử từng dính líu vào một số vụ mạo danh tác phẩm hoặc đổi tên nhạc phẩm, thêm tên đồng tác giả như các nhạc phẩm của nhạc sĩ Giao Tiên hay Đài Phương Trang , Mộng Long...

Một số tác phẩm Vinh Sử mạo nhận là của mình

  • Áo đẹp nàng dâu - của Anh Bằng & Trúc Ly
  • Chuyện tình dang dở - của Mộng Long bị sửa tên thành Thôi anh hãy về đi
  • Đẹp lòng người yêu - của Ngọc Sơn & Tuấn Hải
  • Đừng nhắc chuyện lòng - của Đài Phương Trang
  • Em là tất cả - của Lam Phương bị sửa tên thành Thao thức vì anh
  • Hình bóng người yêu - của Giao Tiên bị sửa tên thành Chuyện tình ong bướm
  • Hoa mười giờ lỗi hẹn - của Hàn Châu bị sửa tên thành Tý Ngọ của tôi
  • Lần đầu nói dối - của Giao Tiên
  • Mất nhau rồi - của Ngân Trang bị sửa tên thành Thà trắng thà đen
  • Trao nhau nhẫn cưới - của Phạm Minh Cảnh
  • Xe mo ngày cũ - của Trường Giang Thủy bị sửa tên thành Người phu kéo mo cau




Vua nhạc sến Vinh Sử: 'Ai đẻ con với tôi, tôi coi đó là vợ'


    Tác giả "Nhẫn cỏ cho em" tâm sự, ông chưa bao giờ chủ động rời xa bất cứ người phụ nữ nào, chỉ có họ chọn cách bỏ ông, ngay cả ở thời điểm ông thừa tiền tài lẫn danh vọng.
    - Thời gian này, ông đang ôm trong người nhiều căn bệnh. Vì sao vẫn có thể ra tận Hà Nội lo làm liveshow?
    - Sức khỏe của tôi trong tình trạng không rõ ràng. Tôi mắc bệnh ung thư trực tràng. Sau 6 lần phẫu thuật, bệnh không khỏi hẳn nhưng tôi cũng chưa thể chết. Giờ đây, tôi không còn được như người bình thường nữa. Tôi phải đeo hậu môn giả bên hông với một bịch ni lông đi kèm. Mỗi bịch có giá khoảng 50 nghìn mà cũng chỉ dùng được vài ngày. Sinh hoạt hàng ngày rất bất tiện.
    Lúc mới biết tin mắc bệnh, tôi rất ngỡ ngàng. Tôi thấy cuộc đời này thật chán chường, chẳng còn gì có ý nghĩa nhưng ngẫm lại, tôi thấy nhiều người cũng mắc bệnh như tôi, thậm chí nặng hơn. Vì thế, tôi tự an ủi bản thân, học cách sống chung với bệnh tật, coi nó như người bạn đồng hành, nghĩ thế lâu rồi cũng quen.

    Ai cũng phải nằm xuống. Nếu tôi suy nghĩ lạc quan hay chán nản thì nó cũng tới, vậy nên, sống vui vẻ có phải hơn không?
    Vua nhạc sến Vinh Sử: 'Ai đẻ con với tôi, tôi coi đó là vợ'
    Nhạc sĩ Vinh Sử sống một mình trong căn phòng trọ rộng 1 m, dài 5 m tại TP HCM.
    - Ai là người chăm sóc ông trong thời gian này?

    - Ngày xưa có bà Lệ (người vợ thứ 4 của nhạc sĩ Vinh Sử - PV) thường xuyên tới chăm sóc, tuy nhiên, vì bà đã có nhà cửa, con cái và cuộc sống riêng rồi nên tôi thấy không tiện lắm. Bây giờ, chỉ thỉnh thoảng bà ấy mới tới, còn lại tôi tự chăm sóc bản thân.

    Với tình trạng sức khỏe không tốt mà phải sống một mình, lúc đầu tôi có chạnh lòng nhưng lâu rồi cũng quen. Tôi có 6 người con, có đứa ngỏ ý muốn chăm sóc nhưng tôi không chịu. Tính tôi thích tự do, muốn làm gì thì làm. Nếu ở với ai, đi đâu cũng phải hỏi, làm gì cũng phải nghĩ, tôi không chịu nổi. Các con có gọi điện hỏi thăm tôi cũng nhắc: các con cứ tập trung lo cho cuộc sống của mình đi, nếu có gì khó khăn, ba sẽ gọi. Tính tôi không thích bị làm phiền. Ai gọi lúc tôi đang làm việc, tôi bực mình lắm.

    Ở một mình, tôi mới có thời gian và dành hết tâm trí cho việc viết nhạc. Tôi cũng lớn tuổi, lại mắc bệnh nữa, thời gian sống chắc cũng chẳng còn được bao nhiêu, phải tranh thủ sáng tác.

    - Ông từng được mệnh danh là "vua nhạc sến", tiêu tiền như nước. Giờ sống trong căn phòng trọ rộng 1 m, dài 5 m, ông nghĩ sao?

    - Ngày xưa, nếu viết được một bản nhạc được công chúng yêu thích, người nhạc sĩ có thể mua được 1-2 chiếc ô tô. Tôi thì may mắn hơn, có nhiều bài thuộc dạng hot - theo ngôn ngữ mà mọi người thời nay hay dùng -  nên có thể mua được nhiều hơn 2 chiếc ô tô.

    Do đi lên từ hai bàn tay trắng nên khi có tiền, tôi quậy lắm. Tôi hay chơi kiểu một đêm làm hoàng đế. Mỗi cuộc chơi thâu đêm như thế "ngốn" của tôi khoảng 12 cây vàng, nếu tính theo giá như hiện nay.

    Lúc đó, tôi làm ra tiền dễ nên tiêu hoang phí lắm. Tôi ném cả nắm tiền vào các cuộc chơi cũng giống như người ta mua gói xôi. Tôi hoàn toàn không có suy nghĩ phải tiết kiệm hay mua nhà cửa. Tôi cứ thấy tiền nhiều thì tiêu nhiều thôi.

    - Xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn nhưng sớm trở nên nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền, vậy sao các ca khúc của ông luôn có bóng dáng của một anh chàng nghèo mang mối tình đơn phương với những cô gái đài các?

    - Khi còn trẻ, tôi là một chàng trai nghèo, đã xấu lại còn hay thích làm những điều khiến người ta để ý. Tôi chỉ yêu những người con gái đẹp, hoa khôi, tiểu thư "cành vàng lá ngọc". Những người ấy đâu có để ý tới tôi. Tôi toàn yêu đơn phương nên "đẻ" ra những bài hát buồn, thất tình. Khi nổi tiếng, cũng có nhiều người phụ nữ đến với tôi, nhưng sau đó, họ chọn cách bỏ đi.

    Ngày xưa, ai khen tôi đào hoa là tôi dẫn đi ăn nhậu "mệt nghỉ" nhưng khi cuộc đời về chiều, nằm một mình tôi mới ngẫm: À, hóa ra họ nói mình đào hoa tức là đào huyệt chôn mình đó.
    Vua nhạc sến Vinh Sử: 'Ai đẻ con với tôi, tôi coi đó là vợ'
    Nhạc sĩ Vinh Sử được mệnh danh là "vua nhạc sến".
    - Lý do gì khiến những người phụ nữ ấy không gắn bó với ông?
    - Tính tôi thích ăn chơi, thích tự do, không thích bị gò bó. Tôi muốn đi là đi, có khi đi cả tuần mới về trong khi đâu có người phụ nữ nào thích điều đó. Họ muốn tôi đi đâu phải báo cáo nhưng tôi không làm được điều đó.
    Tôi ít khi làm bậy lắm, chỉ người nào khiến tôi thực sự vừa ý, tôi mới tiến tới. Tôi chưa bao giờ sống cùng lúc với hai hay ba người phụ nữ. Người này bỏ tôi thì tôi mới đến với người khác.

    Người ta bỏ, tôi cũng đâu có gì phải đau buồn. Tại tôi không tốt nên họ mới ra đi. Họ đi thì tôi được tự do hơn, thoải mái hơn và có thể viết được nhiều bài hát hay.
    - Ông có nhớ mình từng yêu bao nhiêu người phụ nữ ?

    - Đâu có ai đếm được người mình từng yêu, có người tôi yêu và được đáp lại, có người tôi thích nhưng họ không chú ý tới tôi, lại có người tôi chỉ dám thầm thương trộm nhớ....
    Tôi yêu nhiều khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác thôi. Còn ngày đi học có thích ai, tôi cũng đâu có gan thể hiện, đến cái nắm tay cũng không dám, nói chuyện chỉ kêu tên đâu dám xưng anh em.

    Đời tôi, ở với ai cũng không có hôn thú. Ai có con với tôi, thì tôi coi là vợ. Tôi có 6 người con với 4 người phụ nữ.
    - Giờ đây, trái tim ông còn rung động?

    - Giờ già rồi, còn ai yêu nữa mà nếu có ai yêu, tôi cũng đành chịu.
    Vua nhạc sến Vinh Sử: 'Ai đẻ con với tôi, tôi coi đó là vợ'
    Nhạc sĩ Vinh Sử trong buổi họp báo đêm nhạc Hai bàn tay trắng tại Hà Nội
    - Tâm trạng của ông như thế nào khi sắp có một đêm nhạc riêng mang tên "Hai bàn tay trắng" tại Hà Nội vào ngày 1 và 2/8?

    - Tôi rất xúc động. Tôi không thể ngờ rằng, ở hoàn cảnh hiện nay, tôi vẫn có được một đêm nhạc để tri ân với khán giả thủ đô. Tôi nhớ trong đêm nhạc lần trước, có nhiều người, già có, trẻ có lên sân khấu tặng tiền giúp tôi có thể chữa bệnh. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của khán giả.

    - Ông nhận thấy môi trường âm nhạc hiện nay và trước kia khác nhau như thế nào?

    - Trước kia người ca sĩ quý trọng người viết nhạc lắm. Họ quan niệm, vì có bài hát hay nên họ mới có thể nổi tiếng. Còn ca sĩ bây giờ khác. Phần đa họ nghĩ rằng, vì có họ nên các sáng tác của người nhạc sĩ mới có cơ hội đến với công chúng.

    Tôi không biết quan niệm nào đúng hay sai, nhưng tôi thích cách nghĩ của thời ngày xưa hơn. Giao Linh, Thanh Tuyền hay Chế Linh quý tôi lắm. Gần đây, Giao Linh có tới thăm, mua cho tôi tấm đệm, chiếc ghế và cùng với một số đồng nghiệp khác tặng tôi 300 triệu đồng tiền chữa bệnh.

    Nói như thế không có nghĩa là tôi phủ nhận tấm lòng của các ca sĩ trẻ hiện nay. Có nhiều người rất tốt. Họ tới động viên tôi và biếu tôi tiền chữa bệnh.

    Tôi rất hãnh diện và cảm kích khi ca sĩ trẻ, người hâm mộ vẫn hát những ca khúc của tôi. Có những bài tôi viết cũng cách đây tới 50 năm. Tôi sẽ cố gắng để có thêm nhiều sáng tác mới.
    Thu Giang
    Ảnh: BTC

    'Vua nhạc sến' Vinh Sử tiết lộ về 4 người vợ cũ

    “Người ta nói tôi 4 vợ nhưng thực tế không phải như vậy. Người này bỏ đi thì tôi mới cưới người vợ khác. Cả đời tôi chưa từng bỏ ai, chỉ có phụ nữ bỏ tôi mà đi...,” nhạc sỹ Vinh Sử chia sẻ.
    Ông bị choáng ngợp khi tiền vào tay mình nhanh và nhiều đến thế chứ?. Ông bị choáng ngợp khi tiền vào tay mình nhanh và nhiều đến thế chứ?.
    Xuất hiện trước mặt tôi là một người đàn ông với gương mặt khắc khổ, nước da đen sạm. Tôi bỗng hỏi người đàn ông đã viết lên những bản tình ca buồn, đã chinh phục được 4 người đàn bà, sao hơn 70 tuổi sao vẫn ăn vận ''màu mè" đến thế, nào kính gọng vàng, giày nõn chuối và áo sắc màu và "Vua nhạc sến" Vinh Sử cười đáp: "Từ nhỏ tôi đã mê cải lương nên gu ăn mặc cũng màu mè là bởi vậy".
    Ông đã viết rất nhiều các ca khúc nổi tiếng: Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Qua ngõ nhà em, Nối lại tình xưa...,vậy ông có còn nhớ con đường đưa mình đến với việc sáng tác nhạc như thế nào không?
    Ngày xưa ba mẹ tôi từ Bắc chuyển vào Nam làm nghề làm bún kiếm sống. Ông bà kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại chi tiêu vô cùng tằn tiện và muốn con cái theo nghề không muốn cho đi học. Tôi vẫn còn nhớ ba tôi từng nói: "Ba mẹ không biết chữ nhưng biết làm ăn vẫn giàu có nên con không phải đi học".
    Ba mẹ muốn vậy nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi tự tìm cho mình công việc kiếm tiền là bán báo dạo để có tiền đi học. Rồi đang học tôi bỗng mê nhạc. Tôi từng lấy tiền trộm của ba mẹ để đi cho một số nhạc sĩ thời đó mong họ chỉ bảo dẫn dắt vào con đường viết nhạc.
    Ba mẹ đã vô cùng đau lòng với cậu con trai ngang tàng, khó bảo là tôi. Cũng chính nhờ cách sống rất "tay chơi", chịu chơi ấy mà tôi bước chân vào con đường sáng tác. Một sáng thức dậy tôi trở thành nhạc sĩ bán bài hát được nhiều tiền nhất lúc bấy giờ.
    Đúng vậy. Tôi đang từ hai bàn tay trắng bỗng dưng tiền rơi nhiều quá nên đã không biết cách giữ gìn mà ăn tiêu bạt mạng. Tôi mua 2 xe hơi để làm phương tiện đi lại trong sự ngỡ ngàng của bạn bè. Và bạn có tin tôi ném tiền qua cửa sổ vào những bữa tiệc tùng thời đó, có những đêm tiêu hết cả 12 cây vàng.
    Ông có tới 4 người vợ. Vậy có khi nào ông dùng tiền là vũ khí tối ưu để "đánh gục" họ?
    Những bà vợ tình cờ họ đến với tôi là bằng âm nhạc. Có khi là học trò của tôi nữa. Bà vợ thứ 4 là học trò của tôi. Từ học trò, thành vợ của mình nhưng ở với nhau được 2 năm có cùng chung cô con gái thì bà ấy thấy chán lại bỏ đi.
    Và giờ thì người đàn bà thứ 4 lại quay về với ông?
    Khi bỏ tôi bà ấy đi lấy chồng khác đẻ thêm mấy người con nữa. Sau đó lại có trục trặc trong hôn nhân rồi bà ấy lại quay về với tôi. Trái tim tôi mở rộng mà nhưng được một thời gian bà chán lại về nhà riêng của bà ấy hoặc ở với các con. Bây giờ thi thoảng 10 ngày, 20 ngày bà ấy về dòm ngó tôi sống thế nào vài bữa rồi lại đi.
    Ngoài 4 người vợ chính thức, ông đã bao giờ "thương thầm" một ca sĩ nào chưa?
    Tôi trong nghề này nên không thích yêu ca sĩ. Bởi vì bản chất của họ như mình, hai người nghệ sĩ tự do khó sống được với nhau lâu. Do vậy tôi tìm những người ở ngoài nghề, có thể họ chung thủy hơn. Nhưng nhiều khi người bình thường cũng lại bỏ mình trước.
    Người ta nói tôi 4 vợ nhưng thực tế không phải như vậy. Người này bỏ đi thì tôi mới cưới người vợ khác. Cả đời tôi chưa từng bỏ ai, chỉ có phụ nữ bỏ tôi mà đi vì ai tôi cũng dành cho họ những tình cảm riêng trong trái tim mình.
    Có khi nào ông tự hỏi những người đàn bà rời xa mình là vì điều gì không? Sự phong lưu, tính nghệ sĩ hay vì điều gì khác?
    Bây giờ nói lý do ra sợ đụng chạm đến các bà ấy. Về phía mình, tôi không thể giải thích hết được cho những đổ vỡ của mỗi cuộc tình. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu sống với nhau không êm đẹp thì nên chia tay bởi nếu cứ sống với nhau trong sự dằn vặt thì giá trị sống sẽ cạn.
    Sau bao nhiêu cuộc tình đi qua, liệu ông có đúc kết được bài học nào đó cho mình? Ở "tuổi xế chiều" lại thường trực phải sống một mình trong căn phòng chật hẹp hẳn là ông luôn phải đối diện với sự cô đơn. Khi cô đơn nhất, ông có khóc?
    Tôi không dám nói mình đào hoa. Tôi xấu xí nhưng cuộc đời tôi may mắn có những người phụ nữ bên cạnh. Hầu hết những sáng tác của tôi đều có in dấu những bóng hồng đã đi qua cuộc đời tôi. Ở độ tuổi này tôi tìm niềm vui trong những sáng tác. Lúc tôi cô đơn nhất thì tôi thấy mình cô hồn vì thế không khóc được.
    Đọc báo tôi được biết ông đang phải đối diện với căn bệnh ung thư. Vậy tình hình sức khỏe của ông có đủ tốt để là người dẫn chuyện trong liveshow "Hai bàn tay trắng" diễn ra ngày 1/8 tới tại Hà Nội?
    Tôi bị ung thư trực tràng. Đến thời điểm này tôi đã trải qua 6 lần mổ, phải nằm viện và vấn đề tiêu hoá luôn gặp khó khăn. Trong sinh hoạt tôi không ngồi lâu được nhưng sức khỏe hiện tại đã khá hơn. Người nghệ sĩ khi lên sân khấu họ như được tiếp thêm những sức mạnh và tôi hi vọng mình sẽ đảm đương tốt công việc của mình.
    Ai cũng biết ca sĩ Quang Lê hát rất hay các ca khúc của ông nhưng lần này vắng mặt. Có thông tin cho rằng vì Quang Lê hét cát sê cao quá. Có đúng không ông?
    Chương trình lần này đơn vị tổ chức của ca sĩ Ngọc Châm làm chủ yếu để vinh danh tôi nên việc có hay không các ca sĩ nổi tiếng cũng không quá quan trọng. Các ca sĩ không nổi tiếng mà hát bài của mình hay làm lay động lòng người thì cũng tuyệt vời lắm chứ bạn.
    Còn Quang Lê - nó bận lắm. Nhiều khi tôi gọi điện rủ đi ăn trưa hay ăn sáng hay chỉ đơn giản hỏi han mà còn không được luôn. Trước đây Lê cũng hay qua thăm tôi nhưng thăm hoài chắc giờ nó cũng chán vì thấy tôi nhễu nhão bệnh tật kéo dài...
    Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
    Theo VietNamNet

    Nhạc sĩ Vinh Sử kể chuyện thời “làm vua”: “Một đêm tiêu hết 12 cây vàng”

    LĐO Bích Hà

    Nhạc sĩ Vinh Sử trong buổi họp báo đêm nhạc "Hai bàn tay trắng" sẽ diễn ra ngày 1 và 2.8 tới. Ảnh: Khôi Nguyên
    Nhạc sĩ rưng rưng nhớ lại thời “hoàng kim” của mình, ngày mà chỉ sau một đêm ông trở thành “vua nhạc sến”, tiền tiêu không cần nghĩ, một đêm có thể tiêu đến 12 cây vàng.
    Đáp chuyến máy bay muộn tới Hà Nội vào lúc gần 2 h chiều ngày 22.7 để tham dự buổi họp báo liveshow “Hai bàn tay trắng”, nhạc sĩ Vinh Sử cười niềm nở và không giấu niềm hạnh phúc. Ông chia sẻ, trong cuộc đời, chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ có đêm nhạc riêng tại Nhà hát Lớn – nơi nhạc sĩ ví là đẹp như thánh đường.
    Nhạc sĩ Vinh Sử đọc từng tên ca sĩ sẽ tham gia trong đêm diễn của mình.  
    Nhạc sĩ “Qua ngõ nhà em” cũng không giấu được sự hồi hộp trước đêm nhạc của mình. Khi tới dự gặp mặt báo chí về đêm nhạc, ông đã đi quanh phòng họp một vòng, xem những tấm poster đêm nhạc, dòm thật kỹ từng gương mặt ca sĩ và đề nghị người bạn đi cùng chụp lại poster để giữ làm kỷ niệm và post….facebook. Ông bảo, thời đại thay đổi nên ông cũng phải đi theo giới trẻ, cũng có facebook, cũng lên mạng để cập nhật tình hình âm nhạc mới…
    Từng nổi tiếng là một nhạc sĩ hái ra tiền nhờ bán nhạc và cũng có tiếng là người đào hoa, nhưng cuối cùng Vinh Sử lại không nghĩ những lời  ca của “Hai bàn tay trắng” lại vận vào đời mình. Hiện tại, ông đang sống trong căn phòng nhỏ chừng 10 m2 và không có người vợ, người con nào bên cạnh. Dù ông từng khoe mình có đến 4 người vợ và rất đông con.
    Nhạc sĩ Vinh Sử và nhạc sĩ Nguyễn Quang. 
    Nhạc sĩ cũng tâm sự cuộc đời ông không sống thiếu phụ nữ được, người này bỏ ông đi thì ông lại cưới người vợ khác. Và tất cả những bóng hồng từng đi qua cuộc đời mình đều có in dấu trong các sáng tác của Vinh Sử. Ông cũng kể chưa bao giờ bỏ phụ nữ mà chỉ những người đẹp tự bỏ ông ra đi. “Nhiều phụ nữ đến với tôi, nhưng rồi chỉ sau 1 thời gian là họ lại ra đi, bởi lẽ khi đến ban đầu thường là vì yêu những ca khúc của tôi, nhưng vì tôi là người đàn ông xấu xí nên phụ nữ không “mê” được” – nhạc sĩ Vinh Sử chia sẻ.
    Trong cuộc gặp gỡ, “ông vua nhạc sến” cũng giãi bày về ca khúc Hai bàn tay trắng, cũng là tên của liveshow sẽ diễn ra vào 1 và 2.8 tới đây tại Nhà hát Lớn. Ông nó, bài hát viết khi ông lang thang, trắng tay và ca khúc cũng như số mệnh của ông, đến giờ vẫn thấy mình tay trắng.
    Qua 6 lần phẫu thuật vì bệnh ung thư đại tràng, sức khỏe của Vinh Sử đã yếu nhiều. Nhưng nhạc sĩ vẫn luôn lạc quan và tiếp tục sự nghiệp sáng tác.
    “Ngày xưa, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, bố mẹ từ Bắc chuyển vào Nam, làm nghề làm bún kiếm sống, ông bà kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại chi tiêu vô cùng tằn tiện và muốn con cái theo nghề, nhất định không cho đi học. Cả bố và mẹ tôi đều không biết chữ. Tuy nhiên, tôi thích đi học. Tôi đã đi bán dạo để có tiền đi học. Học rồi bỗng mê nhạc. Tôi từng lấy trộm tiền của bố mẹ để đi “chăm sóc” những nhạc sĩ nổi tiếng thời đó để mong họ dẫn dắt và bảo cho cách viết nhạc. Ba mẹ đã vô cùng đau lòng với cậu con trai ngang tàng, khó bảo này” – ông vua dòng nhạc bolero chia sẻ.
    Vinh Sử cũng xúc động kể lại chuyện một sáng thức dậy, ông trở thành nhạc sĩ bán bài hát được nhiều tiền nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên, vì đang “tay trắng”, bỗng dưng tiền rơi nhiều quá vào đầu, ông đã không biết cách giữ gìn mà ăn tiêu… bạt mạng, ném qua cửa sổ vào những bữa tiệc tùng “hoàng đế” thời đó, có những đêm ông từng tiêu hết 12 cây vàng.
    Nhạc sĩ Vinh Sử chân thật chia sẻ, có nhiều điều ông không nghĩ được, không nghĩ đến một ngày mình lại hết tiền vì ăn tiêu như thế, không nghĩ mình có thể bệnh tật mà lại là bệnh nan y như vậy. Nhưng dù bệnh trọng, ông vẫn sống vui vẻ, lạc quan vì ông coi đó là số phận, là cuộc đời mình phải chấp nhận.
    Với đêm nhạc Vinh Sử lần này, nhạc sĩ Nguyễn Quang đảm nhận vai trò đạo diễn âm nhạc, ông nói, đêm nhạc thực sự là một “ca” rất khó, vì không phải style nhạc của Nguyễn Quang. Nhưng khó mới thích, bị thách thức mới thích.
    Góp mặt trong chương trình là các giọng ca đặc biệt yêu mến nhạc Vinh Sử như: Lệ Quyên, Bảo Khánh, danh hài Chiến Thắng, ca sĩ Ngọc Châm, Hạ Vân, Quang Tám, Bách Nguyễn.

    Cuộc sống khổ cực của nhạc sĩ Vinh Sử

    “30.000 nghìn đồng có khi chúng tôi ăn được trong hai ngày, tôi thì ăn chút rau chấm nắm vậy thôi, còn ông ấy thì ăn có chút xíu” – Bà Nguyễn Ngọc Lệ chia sẻ.
    Hôm qua (3/4), nhạc sĩ Vinh Sử đột ngột phải cấp cứu tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, ngay sau đó ông được các bác sĩ chỉ định mổ gấp, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng. Khi chúng tôi tìm đến thì thấy bà Lệ là vợ cũ của ông đang túc trực trước phòng mổ để khi các bác sĩ, y tá cần gì thì gọi đến.
    Bà Lệ cho biết, nhạc sĩ Vinh Sử đã được các bác sĩ mổ thành công hồi tháng 8/2013, sức khỏe sau đó cũng khá lên, nhưng không được bao lâu thì ông ấy lại bị di căn.
    Từ cuối năm 2013 đến nay ông ý phải tới bệnh viện điều trị thường xuyên, đến nỗi các bác sĩ y tá ai cũng biết mặt. Trong lúc chờ đợi chồng trong phòng mổ. Bà Lệ bùi ngùi chia sẻ về những năm tháng bệnh tật của nhạc sĩ Vinh Sử.
    “Nhạc sĩ Vinh Sử bị bệnh ung thu đại tràng cho đến nay đã được 4 năm rồi, cũng trải qua mấy lần mổ, những tưởng đã đẩy lùi được căn bệnh nhưng không ngờ nó di căn, ông ấy đã xạ trị rồi nhưng vẫn không khỏi. Hôm qua, nhận thấy tình trạng bệnh của ông ấy càng thêm nặng nên tôi đã chở ông ấy đến nhập viện".
    "Tại đây, các bác sĩ lại khuyên phải mổ tiếp nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Trước tình vậy, chúng tôi quyết định mổ tiếp cho ông ấy”.
    Vinh Sử, cuộc sống, nghèo khổ
    Bà Nguyễn Ngọc Lệ - vợ cũ của nhạc sĩ Vinh Sử
    Bà Lệ và nhạc sĩ Vinh Sử từng gắn kết tình nghĩa vợ chồng trong một thời gian, cũng có con chung với nhau, nhưng sau đó ông bà chia tay. Sau này khi thấy chồng cũ bệnh tật, bà Ngọc Lệ quay lại chăm sóc ông tận tình.
    Theo lời bà Lệ, nhạc sĩ Vinh Sử là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng cuộc sống hiện nay của ông ý rất khổ cực.
    Ông ấy đang thuê một căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2 ở quận 7 – TP HCM. Trong nhà chật hẹp, đồ đạc trong phòng hầu như chẳng có gì, có vài vật dụng đơn giản để phục vụ cho cuộc sống qua ngày, còn lại là những sấp bản thảo ông ấy viết nhạc mà thôi.
    “Những ngày thời tiết mát mẻ thì còn đỡ chứ nóng nực, ông ấy nằm trong căn phòng đó nóng như thiêu đốt, lại bị bệnh tật hành hạ, nhiều lúc nhìn ông ấy đau đớn nhưng giờ tôi chỉ biết chăm sóc ông ấy cho chu đáo thôi chứ giờ cũng biết làm sao được” -  Bà Lệ vừa nói nước mắt vừa lăn dài trên khuôn mặt đầy khắc khổ.
    Cuộc sống về già của nhạc sĩ Vinh Sử càng khổ hơn khi bị căn bệnh ung thư hành hạ suốt nhiều năm qua. Hàng ngày, vào buổi sáng, bà Lệ thường chuẩn bị hết đồ ăn sáng và trưa cho chồng. Sau đó bà đi nhận thuê việc giặt quần áo cho người ta để trang trải cuộc sống của vợ chồng già.
    Bà Lệ kể: "Có những hôm trong hai ngày chúng tôi chỉ tiêu có 30.000 nghìn để mua thức ăn. Tôi thì chỉ cần chút rau chấm mắm, trái cà chua dầm cũng xong bữa. Tôi chỉ mong trời cho tôi có sức khỏe để chăm sóc ông ấy, tôi thì ăn gì cũng được, miễn sao ông ý ăn được chút để cho sức khỏe hồi phục. Bản thân ông Sử cũng ăn được rất ít vì căn bệnh tác quái".
    Bệnh nặng là vậy, nhưng nhạc sĩ Vinh Sử cũng không muốn nhờ cậy đến con cháu, chia sẻ về điều này, bà Lệ cho biết: “Các con của ông cũng rất khó khăn, chúng cũng đi làm thuê làm mướn, cũng phải lo cho cuộc sống gia đình. Vì thế ông ấy không phiền hà đến các con của mình”.
    "Mỗi khi bệnh tái phát, tôi  lại khăn gói đồ đạc để đằng trước xe, đèo chồng ngồi phía sau đưa ông lên bệnh viện. Lên đến bệnh viện, tôi dìu ông lên phòng chờ khám bệnh trước, sau đó lóc cóc xuống lấy đồ đạc mang lên. Trong lúc chờ khám bệnh, bác sĩ gọi mãi không thấy ông ấy đâu, đến khi tôi đến thấy họ đã để sổ sang bên cạnh. Tôi liền đi tìm thì thấy ông ý đang đứng ở hành lang, tôi có hỏi thì ông ấy bảo: Tôi ra ngoài này nhìn trời nhìn đất, rồi còn sáng tác nhạc chứ ở trong đó đông đúc thế làm sao tôi có cảm hứng được, Bà Lệ kể lại sự đam mê công việc của chồng cũ.
    Vinh Sử, cuộc sống, nghèo khổ
    Nhạc sĩ Vinh Sử
    Bà Lệ cho biết, dù có mang bệnh nặng nhưng nhạc sĩ Vinh Sử vẫn yêu nghề đến cháy bỏng. Nhiều lúc chính bản thân bà cũng không thể lý giải được vì sao ông lại yêu nghề đến thế.
    "Ông ấy vẫn sáng tác vẫn cần mẫn chăm chỉ, chưa bao giờ nghỉ. Có thời điểm bệnh nặng, tay run ông còn không vẽ chuẩn được nốt nhạc nhưng ông vẫn sáng tác. Nhiều khi nhìn thấy ông ý căng thẳng, suy nghĩ điều gì dữ lắm, thì tôi lo lắng lắm bởi bác sĩ lúc nào cũng khuyên là phải giữ gìn sức khỏe không được suy nghĩ nhiều".
    Bản thân bà Ngọc Lệ nhiều khuyên nhủ chồng giữ gìn sức khỏe, nhưng ông một mực khẳng định: sẽ sáng tác đến cho đến khi nào không thể nào cầm được cây bút trên tay, nằm một chỗ, lìa xa cõi đời này thì mới ngừng sáng tác.
    Mong ước lớn nhất của bà Lệ là sau ca mổ này, sức khỏe của nhạc sĩ Vinh Sử sẽ khá hơn. Dù bây giờ ông bệnh tật có khó tính, nhưng vẫn còn đầy đủ hai người, sống cũng không cô quạnh.
    “Từ ngày ông ấy bệnh, ông ấy suy nghĩ dữ lắm, mỗi lần mổ là chỉ nhìn xem tôi khóc hay cười, nếu tôi khóc thì lại nghĩ chắc bác sĩ báo là bệnh nặng nên người thân mới khóc thế kia. Chính vì thế mỗi khi ông ấy mổ tôi lại cười nhưng trong lòng tôi lại khóc, tươi ngoài héo trong mà, mong để ông ấy nhìn thấy mà có tinh thần chống chọi với bệnh tật” – Bà Lệ khóc khi chia sẻ về bệnh tật của chồng cũ.
    Nhạc sĩ Vinh Sử tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại quận 4, Sài Gòn. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau đó gia đình tìm về miền đất hứa Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi đầu ông mới đi học lớp năm (lớp một bây giờ), ông là người duy nhất trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học.
    Học hết lớp nhất (khoảng 15 tuổi) thì Vinh Sử bỏ học vì mê nhạc. Âm nhạc như đã có sẵn trong máu của ông từ kiếp nào. Vừa học nhạc, ông vừa mua sách hướng dẫn sáng tác nhạc để học cách sáng tác. Sau một năm học nhạc, Vinh Sử âm thầm tập sáng tác, những tác phẩm của ông nói về sự chia ly, những mất mát của tình yêu đôi lứa. Hình như trong tất cả nhạc phẩm nói về tình yêu của ông chỉ có những nhớ nhung, đau thương, mỗi người một ngả, yêu và không được yêu... Các bản nhạc: Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em... đã được ông sáng tác từ trong những ngày đầu tập tành làm nhạc sĩ. Sau đó ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, được mệnh danh là “vua nhạc sến”, có những thời kỳ huy hoàng ông từng làm “vua một đêm” ở các nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn, chi phí mỗi đêm cả chục lượng vàng.
    Thế nhưng về già, người nhạc sĩ nổi tiếng một thời gần như trắng tay khi phải sinh sống trong căn nhà trọ trật trội và đang đối diện với căn bệnh ung thư và nỗi khắc khoải kiếm tiền chữa trị căn bệnh.
    Theo Tri Thức Trẻ

    Đàm Vĩnh Hưng sửa mới nhà cho nhạc sĩ Vinh Sử

    Ngày 21/8, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trao chìa khóa ngôi nhà được sửa mới cho nhạc sĩ Vinh Sử. Trước đó, ngôi nhà ông ở chật chội và xuống cấp. 
      Ở tuổi 71, mang trong mình căn bệnh ung thư trực tràng, tác giả Nhẫn cỏ trao em sống trong một phòng trọ tồi tàn. Nhạc sĩ sau đó gom góp được một khoản tiền từ đêm nhạc tổ chức tháng 8/2014 và mua một căn nhà trả góp tại quận 7, TP HCM. Ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ, chật chội và có dấu hiệu xuống cấp.
      Căn nhà cũ của nhạc sĩ có bề ngang chưa tới 3 m, chiều dài 7 m, gồm một trệt và một gác xép. Tầng trệt vừa đủ cho một xe máy, khu vực bếp nấu ăn và vệ sinh. Do bị bệnh, nhạc sĩ chọn chỗ nằm nghỉ ngay dưới gầm cầu thang dẫn lên gác xép. Mọi sinh hoạt chủ yếu ở ngay tầng trệt, trong không gian chật chội, ngổn ngang đồ đạc.
      nah-moi-6149-1440208897.jpg
      Nhà cũ (trái) và nhà được sửa sang mới của nhạc sĩ Vinh Sử. Ảnh: Tiểu Vũ.
      Chứng kiến cảnh sống chật chội của Vinh Sử, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã kêu gọi một số tổ chức, cá nhân chung tay sửa sang chỗ ở cho nhạc sĩ. Trong thời gian Vinh Sử ra Hà Nội tham gia liveshow Hai bàn tay trắng, nhà của ông được sơn mới, ốp đá, thay đổi vị trí bếp, nhà vệ sinh, cầu thang và được sắm thêm một số đồ nội thất. 
      Ngay khi nhận chìa khóa từ tay ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vinh Sử ngỡ ngàng trước sự rộng rãi, khang trang của ngôi nhà. "Tôi vui mừng quá đỗi. Trước kia từng có nhà cao cửa rộng nhưng chưa khi nào tôi thấy hồi hộp, xúc động như lần vào nhà mới này", nhạc sĩ tâm sự.
      Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ nguyện vọng khi có chỗ ở ổn định, nhạc sĩ ngày càng mạnh khỏe, có nhiều sáng tác hay hơn nữa dành cho những khán giả yêu mến nhạc Bolero.
      Châu Mỹ

      'Vua nhạc sến' Vinh Sử kể về số phận tay trắng trong đêm nhạc

      Nhạc sĩ Vinh Sử sẽ trực tiếp dẫn chuyện, kể về cuộc đời nhiều sóng gió từ lúc trên đỉnh vinh quang đến tuổi già cô đơn với căn bệnh ung thư trong liveshow tại thủ đô.
      Đầu tháng 8, nhạc sĩ Vinh Sử trở lại Hà Nội với đêm nhạc Hai bàn tay trắng sau ba năm xa cách. Liveshow này nằm trong chuỗi chương trình Vàng son một thuở nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm được yêu thích một thời, gần đây nhất là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với đêm nhạc Kỷ niệm. Đây cũng là dịp để Vinh Sử dành lời tri ân tới những người giúp mình trong khoảng thời gian khó khăn.
      Nhạc sĩ Vinh Sử phải đối mặt với căn bệnh ung thư đại tràng suốt bốn năm qua.
      Nhạc sĩ Vinh Sử phải đối mặt với căn bệnh ung thư đại tràng suốt bốn năm qua.
      Cách đây ba năm, nhạc sĩ Vinh Sử phát hiện mình bị ung thư đại tràng. Vì đêm nhạc tổ chức tại Hà Nội khi ấy, ông tạm dừng việc điều trị để hoàn thành chương trình rồi mới quay lại TP HCM để mổ. Tưởng mọi việc đã xong xuôi nhưng đến năm ngoái, nhạc sĩ lại phát hiện căn bệnh đã di căn, phải mổ lại. Ông tâm sự: "Mấy năm nay, sức khỏe của tôi yếu nên bệnh triền miên, phải ra vào bệnh viện như cơm bữa. Bao tiền kiếm được đều đổ vào thuốc thang, điều trị".
      Bà Nguyễn Ngọc Lệ - vợ cũ của Vinh Sử - sau khi chia tay thấy nhạc sĩ bệnh tật cũng ra sức chăm sóc tận tình. Bà cho biết suốt những năm qua, nhạc sĩ Gõ cửa trái tim phải sống tằn tiện để đủ tiền chữa bệnh. Toàn bộ cuộc sống của ông chỉ gói gọn trong căn nhà 15 mét vuông tại một ngõ nhỏ ở TP HCM.
      Khó khăn là vậy nhưng Vinh Sử chưa bao giờ thấy mình bất hạnh. Nhạc sĩ kể suốt thời gian qua ông được nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ giúp đỡ trang trải các khoản tiền điều trị ung thư. Sau đợt chữa trị mới đây, sức khỏe của ông đã ổn định hơn. Vinh Sử cho biết ông có thể tự đi lại, nấu nướng, chăm sóc cho bản thân.
      Khi biết mình sắp có đêm nhạc tại thủ đô, ông hạnh phúc nói: “Cuộc sống của tôi không còn bao nhiêu nữa. Người nhạc sĩ như tôi luôn khao khát có một đêm nhạc như thế này. Tôi thấy vinh hạnh khi người ta vẫn nhớ đến nhạc của mình”.
      Lệ Quyên là một trong những ca sĩ xuất hiện trong đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Vinh Sử.
      Lệ Quyên là một trong những ca sĩ xuất hiện trong đêm nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử.
      Liveshow Hai bàn tay trắng sẽ vinh danh những ca khúc nổi tiếng của Vinh Sử như Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Qua ngõ nhà em, Nối lại tình xưa... Chương trình còn có một số ca khúc ông mới sáng tác gần đây. "Vua nhạc sến" cho biết những ngày đau bệnh chính là quãng thời gian ông sáng tác được nhiều nhất. Trong đêm nhạc, nhạc sĩ sẽ là người trực tiếp kể về con đường âm nhạc và số phận trước khán giả. 
      Hai bàn tay trắng diễn ra vào 20h ngày 1/8 tại Hà Nội. Các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc gồm Lệ Quyên, Bảo Khánh, Ngọc Châm, Hạ Vân, Hồ Quang Tám, Bách Nguyễn và danh hài Chiến Thắng.
      Nhạc sĩ Vinh Sử tên thật là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại TP HCM trong một gia đình nghèo khó. Gần 10 tuổi, ông mới đi học. Vinh Sử là người duy nhất trong bốn anh chị em trong nhà được đi học.
      15 tuổi, Vinh Sử bỏ trường lớp vì mê nhạc. Ông mua sách hướng dẫn để học sáng tác. Sau một năm, Vinh Sử bắt đầu viết nhạc. Các tác phẩm của ông thường nói về sự chia ly, mất mát của tình yêu đôi lứa. Các bản nhạc như Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em... được ra đời. Theo thời gian, Vinh Sử dần khẳng định được vị trí. Ông được mệnh danh là "vua nhạc sến" thời ấy.
      Về già, nhạc sĩ gần như trắng tay. Ông trải qua bốn đời vợ nhưng không giữ được ai ở lại. Vinh Sử phải đối mặt với căn bệnh ung thư và sinh sống trong căn nhà trọ nhỏ ở TP HCM.
      Đức Trí

      Nhận xét

      Bài đăng phổ biến từ blog này

      NGẬM SẦU (ĐL)

      MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

      MỌC CÁNH