Nhạc sĩ Thanh Tùng

(ĐC sưu tầm trên NET)
 

Nhạc sĩ Thanh Tùng - ông già chải chuốt ngồi xe lăn

Bảy năm trời đôi chân là hai bánh xe, chỉ có thể nghe, gật và lắc, lại thêm mỗi tuần ba lần chạy thận, vậy mà nhạc sĩ "Giọt nắng bên thềm" vẫn giữ hình ảnh tươm tất và lối sống phong lưu.




Nhiều người nói nhạc sĩ Thanh Tùng bệnh nặng lắm rồi. Tìm ông đỏ mắt. Người bảo ông vẫn sống ở TP HCM. Người nói ông đã ra Hà Nội từ ba năm trước để chữa bệnh. Người cho hay ông giờ chỉ nằm một chỗ, không nói được, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ đến hộ lý. Những thông tin hiếm hoi vẽ ra hình dung về một cụ già ốm yếu, nằm liệt, quanh giường đầy thuốc men, cuộc sống như ngọn đèn dầu leo lét.
Gặp ông, mọi bi quan đều biến mất. Thay vào đó là sự bất ngờ. Bên bàn uống nước ở vườn sau của ngôi biệt thự nơi nhạc sĩ Thanh Tùng sống cùng vợ chồng con trai thứ, ông ngồi chờ sẵn. Nhạc sĩ mặc quần xám, áo sơ mi đen trắng cộc tay thời thượng, đi đôi giày lười xám ăn nhập với trang phục, đội chiếc mũ fedora. Người nhà cho hay đích thân nhạc sĩ Thanh Tùng chọn bộ đồ để mặc khi biết có khách và sẽ lên hình. Hỏi ông vì sao lại chọn chiếc áo đang mặc trên người, ông chỉ vào hai bên áo, nửa trắng, nửa đen và dòng chữ Tây thật phong cách chạy dọc trước ngực. Trông ông thật bảnh. Người nhạc sĩ ấy như sắp sửa một chuyến lang thang, rong ruổi tìm cảm hứng cho những ca khúc mới đầy lãng mạn và say đắm. Nếu không có chiếc xe lăn.
7-3002-1444025842.jpg
Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn phong cách dù ngồi xe lăn.
Năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, nhạc sĩ không còn đi lại được. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông hiện còn bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông ba lần tới chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai. Bệnh tật đầy mình nhưng tinh thần nhạc sĩ rất tốt. Ông luôn ý thức phải giữ gìn hình ảnh của mình.
Phòng của nhạc sĩ đầy quần áo. Trên giá treo ba chiếc áo cánh dài tay - một in hoa, một màu hồng, một xanh nhạt - được ông soạn sẵn chờ mặc và hai chiếc mũ rộng vành khác. Suốt buổi trò chuyện, nhạc sĩ ôm khư khư trong lòng chiếc cặp da màu đen. Hỏi ông đựng gì trong đó, ông lắc đầu, ngọng nghịu bảo "Khô...ng". "Vậy ông ôm cho đẹp thôi phải không?". Nhạc sĩ lập tức gật đầu.
Chị Nhung - con dâu nhạc sĩ Thanh Tùng - chia sẻ ông rất thích đi mua sắm quần áo. Được người nhà đưa tới cửa hàng trên xe lăn, ông tự chọn đồ. Có khi còn ra hiệu vào đúng cửa hàng mà ông thích mới chịu. "Dù bệnh nhưng bố vẫn phải đẹp, vẫn phải phong cách, bố nhỉ", người con dâu nói. Ông lại gật đầu khẽ nhoẻn miệng cười.
Không nói được nhưng nhạc sĩ tỏ ra khá minh mẫn, nghe tốt, hiểu tốt. Ông vẫn "có", "không" hay cố gắng diễn đạt ý muốn của mình, dù lời thốt ra rất khó khăn. Ông chỉ vào miệng, ý chừng nói khó lắm. Có lúc ông muốn nói dài hơn một từ, nhưng rồi mệt quá, giữa chừng thì bỏ cuộc.
Ngồi trong không gian nhỏ hẹp ở vườn sau của ngôi nhà, ông ngắm những chiếc lồng chim treo đầy xung quanh. Nghe chim hót, nhạc sĩ thỉnh thoảng đưa tay trái chỉ lên, ra hiệu với mọi người. Dường như, không gian ấy là một hiện thân khác của những điều từng được nhạc sĩ đưa vào ca khúc nổi tiếng của ông: "Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm. Bài hát bâng khuâng, bài hát mang bao kỷ niệm. Những ngày đã qua". Hỏi ông có còn nhớ những ca khúc mình sáng tác không, ông lắc đầu.
Nhắc đến Một mình - ca khúc nhạc sĩ viết cho người vợ quá cố - chừng như ông có nhiều cảm xúc. Nhạc sĩ lấy tay trái di di trên bàn, cố đánh vần năm sáng tác dù rất khó để nghe. Ông gật đầu khi được hỏi có nhớ bà không. Từ khi vợ qua đời, dù nổi tiếng đào hoa, yêu nhiều và được nhiều phụ nữ yêu, ông vẫn một mình nuôi lớn ba con, giữ lời hứa trong phút vợ lâm chung là "không đi bước nữa". Hỏi ông thương ai nhất, nhạc sĩ Thanh Tùng lấy hết sức nói gần tròn vành rõ chữ: "Bà".
Không nói được nhưng Thanh Tùng thích nói. "Ngày trước, khi chưa bị bệnh, một mình bố nói cho cả nhà nghe", con dâu ông chia sẻ. Bệnh rồi, khi được hỏi chuyện, ông cũng hào hứng trả lời bằng cách của mình. Nghe mọi người trao đổi nếu ông được trò chuyện nhiều hơn chắc khả năng nói có thể cải thiện, nhạc sĩ như trúng ý. Ông chỉ vào con dâu, bập bẹ nói tên con trai Thông, rồi lại chỉ vào mình. "Ý ông là các con phải dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với bố, đúng không bố?" - con dâu ông hỏi. Nhạc sĩ gật đầu liên tục, mừng ra mặt vì được hiểu ý. Chị Nhung cho biết hai vợ chồng đều làm kinh doanh, công việc bận bịu, chị lại vừa sinh con thứ hai được nửa tháng nên ít thời gian dành cho ông. Ở bên nhạc sĩ phần lớn thời gian là anh Thắng, người bà con và cũng được coi như hộ lý của ông nhiều năm qua.
Không nói và đi lại được nhưng may mắn mắt ông vẫn còn tinh. Người con dâu cho hay ông vẫn có thể xem ti vi, đọc báo trên điện thoại không cần đeo kính. Phòng nhạc sĩ có một chiếc ti vi. Ông tự bấm điều khiển ngồi xem. Đến cảnh giới thiệu về món bánh bèo Huế, nhạc sĩ chỉ tay, ra hiệu cho mọi người với vẻ mặt đầy thích thú.
Ngoài ba ngày mỗi tuần phải tới bệnh viện chạy thận, ông ở nhà chơi với cháu và đi dạo. Nhạc sĩ vẫn giữ những sở thích phong lưu như uống cà phê, dạo ngắm Hồ Tây, ăn những món ăn vặt. Người nhà chia sẻ ông thích nhất là uống cà phê với sữa chua. Nhạc sĩ không ăn được nhiều cơm mà ăn cháo. Hỏi ông ăn được mỗi bữa mấy bát, ông lắc đầu nguầy nguậy rồi giơ ngón tay ý chừng một ít thôi. Nhưng ông ăn vặt nhiều. Món khoái khẩu của ông là bánh giò, bánh nếp... Được cháu gái đưa cho quả ổi thơm trên bàn, nhạc sĩ cũng ngồi tẩn mẩn ăn hết.
Hộ lý của nhạc sĩ nói: "Ông thích ăn đồ ngọt. Không cho ăn là cáu. Uống cà phê thì ngày phải hai cốc to. Uống xong, đo lượng đường máu cao thấy ớn. Trước đây thì kiêng nhưng giờ thì cho ông ăn thoải mái những gì ông thích". Trên giá tủ trong phòng nhạc sĩ xếp nhiều hộp bánh ngọt. Thậm chí còn có cả một thùng vang nhỏ. Nhạc sĩ gật đầu khi nghe hỏi có phải ông vẫn uống rượu vang.
Thanh Tùng với khoảng sân nhỏ sau nhà, thông với phòng ngủ của ông.
Thanh Tùng với khoảng sân nhỏ sau nhà, thông với phòng ngủ của ông.
Con trai Thanh Tùng kể, dù bệnh tật, anh cảm nhận nhạc sĩ vẫn giữ niềm đam mê với âm nhạc và cuộc sống. "Có lần tôi hỏi ông có sáng tác được nữa không thì tôi mua máy tính về cho ông sáng tác. Ông vẫn cố gắng và có thử một vài lần nhưng vì bệnh có di chứng khá nặng, ông lại liệt bên tay phải nên không gõ hay viết được. Thế nhưng tôi thấy những đam mê của ông vẫn sống".
Ban ngày anh Thông thường cho người chở bố đi chơi những quán ngày xưa ông hay ngồi, đi ngắm Hồ Tây. "Tôi vẫn thấy bố theo dõi nhiều chương trình ca nhạc trên ti vi. Ông thích được đưa ra phố Hoàng Hoa Thám mua chim, cá, chó cảnh, gà... Cách đây vài tuần sinh nhật bố, tôi mời vài người bạn của ông tới chơi. Khi mọi người ngồi nói chuyện về cuộc sống, âm nhạc và những điều ngày xưa, bố tham gia nhiệt tình. Mặc dù không nói được, tinh thần bố vẫn rất tốt", anh Nguyễn Thanh Thông chia sẻ.
Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow Một mình 2008. Không còn những chuyến đi xuyên Việt vừa đàn vừa hát. Không còn cơ hội lang thang để "một ngày tình cờ, trên đường phố tôi có bàn chân em". Giờ đây, ông chỉ nghe, gật và lắc với cuộc đời. Dù vậy, có thể trong thẳm sâu, Thanh Tùng vẫn còn giữ cho mình một trái tim ca hát lãng du.


Anh Sa
Ảnh: Quý Đoàn
Video: Trần Quang

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời


    Tác giả "Lối cũ ta về" từ trần lúc 5h45 ngày 15/3, tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.
    Anh Nguyễn Thanh Bách, con trai nhạc sĩ xác nhận với Zing.vn thông tin bố qua đời và cho biết gia đình đang chuẩn bị hậu sự cho ông. Lễ viếng và truy điệu được tổ chức vào hồi 8 giờ ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (tỉnh Phú Thọ).
    NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương ngậm ngùi: “Tôi vừa đi công tác về, khi nghe tin dữ, tôi rất sốc và buồn”, ông chia sẻ.
    Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời
    Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh:
    Nguyễn Đình Toán
    Ca sĩ Mỹ Dung - người học trò nhỏ của Thanh Tùng - nghẹn ngào: “Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột. Tôi nghe mà đau xót vô cùng. Tôi cũng ân hận vì thiếu sót của mình. Mấy năm qua vì bận chuyện gia đình, tôi không có thời gian thường xuyên thăm hỏi thầy. Dù thầy bị bệnh đã 8 năm trời, cơ thể yếu, nhiều lần phải ngồi xe lăn lên sân khấu nhưng không ai ngờ thầy lại ra đi như vậy”. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn dành sự ưu ái cho Mỹ Dung. Một trong những sáng tác cuối cùng của ông là Hoa cúc vàng cũng được ông tin tưởng giao cho giọng ca Sao Mai điểm hẹn.
    Lúc sinh thời, Thanh Tùng là một người đàn ông đào hoa, có vô số người đẹp vây quanh. Có người giải thích, Thanh Tùng được yêu vì ông nổi tiếng và giàu có. Nhưng nếu vì thế thì người ta chỉ gặp những cô gái “đào mỏ”, chứ không thể có những người "xin chết" như vậy.
    Trần Bình bảo, Thanh Tùng may mắn nhưng cũng bất hạnh hơn người ở chỗ, ông có người vợ tuyệt vời cả về nhan sắc và nhân cách, nhưng bà ra đi rất sớm, từ những năm đầu thập niên 1990, sau 18 năm sánh bước bên ông. Phút lâm chung, có mặt cả Trịnh Công Sơn bên giường bệnh, bà hỏi Thanh Tùng: “Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là tuyên án chung thân, bởi chỉ “không” là có thể nói lúc này.
    Thanh Tùng thường gửi nỗi yêu thương, sự cô đơn, mất mát trong những bài hát như cách trải lòng cùng người vợ đang ở trên thiên đàng. Năm 1998, ông viết Một mình. 2007, ông viết Hoa cúc vàng đều là dành tặng cho mẹ của ba đứa con mình.
    Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời
    Nhạc sĩ Thanh Tùng bên các con. Ông từng chia sẻ, ông không mưu cầu sức khỏe cho mình, chỉ cần các con thành đạt. Ảnh:
    Nguyễn Đình Toán
    Vợ nhắm mắt, Thanh Tùng một mình nuôi ba con Bách, Thông và Bạch Dương trưởng thành. Khi được hỏi về ước nguyện, Thanh Tùng chọn sự thành đạt của con cái thay vì sức khỏe của mình. Thanh Tùng từng chia sẻ, ông không khuyến khích con cái theo nghề của bố vì đó là nghề rất khổ và khắc nghiệt, ông chỉ muốn họ phát triển tự nhiên, làm những việc mình thích. Rất may, cả ba con Thanh Tùng đều yêu nghệ thuật, trân trọng bạn bè của bố nhưng chọn đi những con đường khác.

    Nhiều báo chí, khán giả gọi Thanh Tùng là người bố vĩ đại vì một mình nuôi ba con thành tài. Khi được hỏi, ông có nghĩ mình đúng như người ta nói hay không, ông cười sảnh khoái: “Đúng”. Là nghệ sĩ nhưng chưa khi nào Thanh Tùng để sự bay bổng của mình lên trên trách nhiệm với các con. Đó cũng là cách để ông tiếp tục thể hiện tình yêu với vợ.
    Trong lần dạo chơi Hà Nội năm 2008, Thanh Tùng bị xuất huyết não và bị di chứng nặng nề. Ông liệt bên phải, nói khó khăn, bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông đều phải tới bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Ông nhập viện từ đầu tháng 3, sau gần hai tuần thì qua đời.
    Thanh Tùng (tên đầy đủ Nguyễn Thanh Tùng) là một nhạc sĩ với nhiều ca khúc nhạc trẻ rất được yêu thích.
    Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Năm 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi.
    Từ năm 1971 đến 1975 Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, Thanh Tùng về sống tại TP HCM và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP HCM và khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Thanh Tùng cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh...
    Năm 1975 Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay Cây sầu riêng trổ bông cho một vở cải lương. Từ 1987, Thanh Tùng trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác, trong đó rất nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích như Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...
    Ngọc Trần

    Những câu nói tình cảm của nhạc sĩ Thanh Tùng về vợ

    Khi còn sống, nhạc sĩ 'Trái tim không ngủ yên' từng tâm sự rằng, hạnh phúc đã tan vỡ từ khi vợ ông ra đi. 
    Trong sự nghiệp sáng tác của Thanh Tùng, rất nhiều nhạc phẩm ông viết tặng người vợ quá cố, trong đó nổi tiếng nhất là hai ca khúc Một mìnhHoa cúc vàng. Ông từng kể rằng: "Ngay từ nhỏ tôi đã không được sống gần bố mẹ. Lấy vợ thì đến năm bốn mươi tuổi đã mất vợ và phải gà trống nuôi con. Là một người đàn ông nhưng tôi luôn khao khát sự che chở, luôn thấy mình bé bỏng. Cũng chính vì vậy mà tôi thấy mình thất thường và dễ bị tổn thương. Tôi luôn sẵn sàng nổi điên khi thấy mình bị xúc phạm".
    Ông nói về cảm giác trống vắng khi thiếu vắng đi hình bóng của người phụ nữ ông yêu nhất: "Trong thời gian có vợ, tôi cũng có nhiều người đàn bà khác và vợ tôi cũng ghen ghê gớm lắm nhưng cô ấy vẫn thương tôi. Sau khi vợ mất thì tôi cảm thấy cảm hứng sáng tác của mình cũng không còn. Tôi không còn có cảm giác yêu đương với bất cứ ai nhưng lại luôn mong muốn có một người bạn gái săn sóc, an ủi và tạo cảm hứng để tôi sáng tác".
    Ông còn nói: "Khi người vợ của tôi ra đi, thì những giáo lý đó đã luôn nhắc tôi phải chung thủy với vợ mình, dù cô ấy không còn tồn tại ở trên đời này nữa. Thế rồi, tôi vẫn phải tồn tại, tôi không thể nào cũng ra đi như vậy. Khi tôi tồn tại ở lại thì tôi phải tìm một cách sống cho mình".
    Hôm nay (15/3), nhạc sĩ Thanh Tùng đã vĩnh biệt cuộc đời, rời xa các con, cháu để trở về bên người vợ ông hằng thương nhớ. Ngoisao.net xin điểm lại một số lời tự sự chân thành của tác giả Lối cũ ta về dành cho vợ và những suy nghĩ của ông về nghề nghiệp và danh tiếng.
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-1
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-2
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-3
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-4
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-5
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-6
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-7
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-8
    nhung-cau-noi-tinh-cam-cua-nhac-si-thanh-tung-ve-vo-9
    Tiến Thành

    Nhạc sĩ Thanh Tùng và chuyện cái ví khiến người đẹp nhất Việt Nam đỏ mặt

    Đó là một người dù đã khuất nhưng vẫn chiến thắng tất cả các bóng hồng khác, ở lại mãi mãi với cuộc đời và một ca khúc hay nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Thanh Tùng.
    Người ta nói, trong cuộc sống gia đình, đàn ông sống bằng thói quen, phụ nữ sống bằng sự thân thuộc. Khi mất một trong hai thứ đó, sự cô đơn sẽ hiện hữu.
    Điều đó hoàn toàn đúng với câu chuyện của nhạc sĩ Thanh Tùng, một câu chuyện mà ông tái hiện đầy đặn trong ca khúc Một mình, một trong những ca khúc nổi tiếng của ông.
    Chuyện chưa kể về nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời, nhạc Thanh Tùng
    Nhạc sĩ Thanh Tùng.
    Một người đàn ông nổi tiếng hào hoa, thường có những bóng hồng vốn là những người đẹp có tiếng ở xứ này, nhưng rốt cuộc trong đời, ông chỉ nhớ hình ảnh giản dị của người vợ thuở cơ hàn:
    "Nhớ em vội vàng trong nắng trưa. Áo phơi trời đổ cơn mưa. Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ. Tan ca bố có đón đưa
    Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai. Gió sương nặng cả hai vai. Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ. Nghiêng nghiêng dáng em gầy".
    Nhạc sĩ Từ Huy lúc còn sống, trong câu chuyện nửa đùa nửa thật, ông nói rằng bài hát này khiến cánh đàn ông “thương cơm hơn phở”. Rằng, phụ nữ Việt Nam đến tuổi nào đó thì lo mất chồng.
    Đàn ông Việt Nam đến tuổi nào đó thì thích những cái lạ hơn những cái quen hoặc lờ những cái quen để tìm đến cái lạ. Rõ là bài hát này, các ông muốn lờ cái quen đi cũng khó.
    Quả vậy, quay lại với nhân vật chính của “Một mình”, một người phụ nữ trong ký ức của chính tác giả, là một phụ nữ chịu thương chịu khó, giản dị, đã tạo cho ông những thói quen sống muốn mất đi cũng rất khó.
    Trước khi vợ của nhạc sĩ qua đời, bà có hỏi ông rằng khi bà mất đi, ông có đi bước nữa để các con bơ vơ không? Ông đã trả lời là “Không”.
    Sau này, nhạc sĩ Thanh Tùng có thú thật rằng, lúc đó, ông phải trả lời vậy cho an lòng người quá cố chứ thực ra đàn ông thì luôn cần một người phụ nữ đồng hành trong cuộc sống.
    Một người bạn đời mất đi, không có nghĩa là người đàn ông ấy phải khép lòng mình lại.
    Tuy nhiên, là ông nghĩ thế, lúc đó, chứ thực sự, thời gian đi qua bao năm mà những thói quen mà vợ ông tạo ra cho ông vẫn còn đó.
    Dù phiêu lãng với các bóng hồng bên ngoài, nhưng khi trở về căn nhà, thì những thói quen ấy lại hiện hữu.
    Ông cảm nhận được nỗi cô độc của một người đàn ông đã mất đi những gì thiêng liêng nhất trong cuộc sống, những thứ mà tiền bạc, danh vọng không thể đổi được.
    Những thứ mà chỉ có sự chân thành, sự vì nhau, sự lo toan, sự hy sinh và sự đồng hành cuộc đời mới có thể có.
    Và ông viết Một mình: "Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay, tôi lại một mình…".
    Một người đàn ông có danh vọng, tiền tài, tiếng tăm, bao năm vẫn sống với một hình bóng quen thuộc của người bạn đời đã khuất, theo tôi, đó là một hình ảnh đẹp, trong một bản tình ca thật đẹp và thật hướng thiện.
    Dù có nhiều bóng hồng trong cuộc đời nhưng không ai thay thế được người vợ đã mất của ông.
    Sau này, tôi may mắn được gặp một số bóng hồng đã đi qua đời nhạc sĩ Thanh Tùng sau khi vợ ông mất. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện khá cảm động.
    Cô đầu tiên được xem là một trong những phụ nữ đẹp nhất Việt Nam với một vẻ đẹp trở thành biểu tượng, nền nã bên tà áo dài. Cô cũng là một thạc sĩ ngôn ngữ, nói chuyện rất thú vị. Hai người có một quãng thời gian đẹp.
    Cô kể, một lần họ hẹn hò, tối về nhạc sĩ hỏi:
    - Sao em đùa anh dai thế?
    - Tính em vốn hay đùa mà - cô vô tư trả lời
    Ngày hôm sau, ông lại gọi điện:
    - Thôi, đừng đùa anh nữa. Chuyện này anh nghiêm túc mà. Rất quan trọng với anh
    - Cái này em không đùa. Anh nghĩ em đùa à? Cô trả lời thẳng thắn
    Ngày tiếp theo ông lại gọi điện:
    - Em ơi, những giấy tờ trong cái ví ấy rất quan trọng. Anh rất cần nó, em cho anh xin lại đi!
    Lúc này thì cô tá hỏa. Té ra mấy hôm nay ông không hỏi cô về chuyện tình cảm mà hỏi cái ví của ông bị mất. Cô cảm thấy nóng mặt:
    - Thế anh nghĩ em là người làm cái việc đó sao?
    Ông xin lỗi cô và đến thẳng cái nơi hẹn hôm trước. Bằng vị thế của mình, cuối cùng, nhà hàng ấy cũng tìm ra được người đã lấy cắp cái ví để trả ông.
    Sau này khi gặp lại xin lỗi, ông có nói với cô một câu mà cô quyết định không tiếp tục mối quan hệ này nữa: “Trước đây, mỗi lần anh ra khỏi nhà, vợ anh hay nhắc anh hãy kiểm tra cái ví mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó. Vì trong đó là các giấy tờ quan trọng”.
    “Đừng bao giờ yêu một người đàn ông quá nặng lòng với quá khứ”- cô nói.
    Một cô khác, cũng là hoa khôi, hiện đang sống yên ấm với lựa chọn của cô. Câu chuyện của cô với nhạc sĩ tài hoa này một thời cũng được rất nhiều người biết đến và cứ ngỡ, cô sẽ ở lại với cuộc đời nhạc sĩ.
    Có lần cô kể lại câu chuyện này:
    "Mình không phải kiểu con gái thấy giàu thì xúm vào. Mình yêu anh ấy và muốn đồng hành với cuộc đời anh. Nhưng anh tỏ rõ thái độ rằng chúng ta chỉ là tình nhân thôi, rằng có những thứ trong cuộc sống của anh, không ai có thể thay đổi được".
    Cô hiểu là ông đang nhắc về nhân vật trong ca khúc “Một mình”. Trong khi cô chỉ là một “Giọt sương trên mi mắt” dù hình bóng cô đã không ít lần khiến trái tim nhạc sĩ “không ngủ yên”.
    Cô khóc tạm biệt một cuộc tình và cũng rời xa làng giải trí. Cuộc tình ấy cũng nhắc cô rằng, hãy tạo cho mình những giá trị trong cuộc sống mà không ai dễ gì thay đổi được.
    Nhạc sĩ Thanh Tùng đã thành người thiên cổ. Và chúng ta, ai cũng sẽ rồi sẽ thành người thiên cổ. Ông đã để lại những thứ mà người khác không dễ gì thay đổi được.
    Đọc câu chuyện của ông, để rồi suy ngẫm, với chính mình…
    Theo Trí Thức Trẻ

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    NGẬM SẦU (ĐL)

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH