Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN 36

(ĐC sưu tầm trên NET)

Syria lên án phương Tây gây ra khủng hoảng di cư

Quốc Dũng (Ban Thời sự)Cập nhật 05:30 ngày 17/09/2015
Một chiếc tàu chở người di cư. (Ảnh: CNN)

VTV.vn - Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng chính những quốc gia phương Tây đã gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Các nước châu Âu vẫn đang loay hoay tìm giải pháp tạm thời để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng di cư. Về phần gốc của vấn đề, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng chính những quốc gia phương Tây đã gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay thông qua hỗ trợ các nhóm đối lập trong cuộc nội chiến đẫm máu đang tàn phá quốc gia Trung Đông này.
Trong cuộc phóng vấn với các hãng truyền thông Nga, Tổng thống Syria al-Assad đã nói "Nếu phương Tây lo ngại về khủng hoảng di cư thì họ nên dừng việc hỗ trợ khủng bố, đó chính là gốc của vấn đề". Thêm vào đó, ông al-Assad còn khẳng định ông sẽ không từ chức trước mọi sức ép, người dân Syria sẽ tự quyết định điều này.
Hồi tháng 5/2013, EU đã gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với một số nhóm đối lập muốn lật đổ chính quyền hiện tại của Syria. Còn Mỹ hiện đang huấn luyện các nhóm nổi dậy trung lập ở Syria để chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phương Tây lại cho rằng lỗi thuộc về chính quyền Syria khi để bạo lực leo thang, tạo điều kiện cho IS phát triển, từ đó khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn.
Cuộc nội chiến Syria hiện đã bước sang năm thứ 5, ước tính 12 triệu người Syria đã phải đi lánh nạn, trong đó hơn 4 triệu người tị nạn ở nước ngoài.

10.000 trẻ di cư biến mất bí ẩn ở châu Âu


10.000 trẻ di cư biến mất bí ẩn ở châu Âu

Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) cho biết, khoảng 10.000 trẻ em di cư đã biến mất bí ẩn sau khi đến châu Âu.

    Theo Europol, có khoảng 270.000 trẻ em trong số những người tị nạn đến các nước châu Âu năm 2015. Trong đó có hàng chục ngàn trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm và chúng đã "biến mất". Điều này đang làm dấy lên lo ngại những đứa trẻ này có thể trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
    "Tất nhiên không hẳn là hơn 10.000 đứa trẻ này đều liên quan đến vấn đề hình sự. Một số có thể đã được chuyển cho các gia đình nhận nuôi. Chúng tôi chỉ không biết chúng đang ở đâu, làm những gì", Brian Donald, Giám đốc Europol nói với tờ Observer.
    Ông nói thêm rằng một số khoảng 5.000 trẻ em tị nạn biến mất ở Ý và khoảng 1.000 ở Thụy Điển.
    Liên minh châu Âu hiện đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư lớn, với hàng trăm ngàn người dân đã rời bỏ đất nước ở Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu. Hơn 1,8 triệu người vượt biên giới bất hợp pháp đã được phát hiện bởi các cơ quan biên giới của EU trong năm 2015.
    Theo Theo Tuấn Kiệt
    Hà Nội mới

    “Cơn ác mộng” của châu Âu

     
    “Cơn ác mộng” của châu Âu
    Người di cư đổ xô đến nước Đức do chính sách nhập cư cởi mở của Thủ tướng Angela Merkel Ảnh: REUTERS

    Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Romania Dacian Ciolos hôm 7-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố phải nỗ lực hết sức để duy trì sự tự do đi lại trong khu vực Schengen ở Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nhấn mạnh điều đó phụ thuộc vào phản ứng chung trước cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu.

      Phát biểu này được đưa ra sau khi cảnh sát Đức bước đầu xác định danh tính 16 thanh niên, hầu hết gốc Bắc Phi, bị nghi gây ra các vụ tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ địa phương trong đêm giao thừa ở TP Cologne, trong đó 2 người bị tạm giữ.
      Báo Bild đưa tin lực lượng an ninh địa phương không thể đối phó được với những vụ tấn công nói trên vì đụng phải những phản ứng chưa từng có. Theo đó, những người di cư tham gia vụ tấn công phụ nữ nêu trên lớn tiếng nói cảnh sát không có quyền bắt giữ họ bởi vì họ đến Đức theo lời mời của Thủ tướng Merkel.
      Vụ việc nói trên, cộng với thông tin về những vụ tấn công tình dục tương tự ở các thành phố Stuttgart và Hamburg, khiến bà Merkel bị chỉ trích vì chủ trương tiếp nhận người di cư, đồng thời dẫn đến cuộc tranh luận về việc Đức ứng phó ra sao với làn sóng gần 1,1 triệu người tị nạn tìm đến trong năm 2015. Những người chỉ trích cho rằng những gì xảy ra ở TP Cologne chứng tỏ nhà lãnh đạo này đang “đùa với lửa” khi không có chiến lược rõ ràng để giúp người tị nạn, chủ yếu theo Hồi giáo, hòa nhập cộng đồng.
      Theo báo Deutsche Wirtschafts Nachrichten, sau những gì xảy ra ở Cologne, giấc mơ của Thủ tướng Merkel về cách giải quyết suôn sẻ cuộc khủng hoảng người tị nạn đã vỡ tan như bọt xà phòng, còn khái niệm “biên giới mở” đã trở thành cơn ác mộng thực sự của châu Âu. Nhận định này không phải không có cơ sở sau khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 7-1 tuyên bố nước này sẽ cấm người nhập cư Hồi giáo để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự vụ thảm sát Paris - Pháp và vụ tấn công tình dục ở Cologne.
      Theo Lục San
      Người Lao động

      Italy cứu hơn 1.500 người di cư ngoài khơi biển Libya

      ​Italy cứu hơn 1.500 người di cư ngoài khơi biển Libya
      Các nhân viên hội Chữ thập đỏ đang khiêng thi thể của một di dân tại thành phố cảng Khoms của Libya - Ảnh: AP

      Hơn 1.500 người di cư đã được cứu sống trên biển Libya trong 11 chuyến cứu hộ khác nhau. Thông tin do lực lượng bảo vệ bờ biển của Italy công bố ngày 4-12.

        Theo AFP, số người vừa được cứu sống này đã nâng tổng số người được cứu khỏi các con thuyền di cư chỉ trong 36 giờ qua đã lên tới 3.500 người.
        Thực tế cho thấy người di cư lại tiếp tục liều mình trong các cuộc vượt biên qua Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền cá ọp ẹp, không đảm bảo an toàn sau một thời gian chững lại do biển động.
        Ngày thứ năm tuần này 3-12 gần 2.000 người di cư đã thoát chết trong 11 chuyến cứu hộ khác nhau. Tham gia cứu hộ có một tàu của tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) và hai tàu tham gia chiến dịch Operation Sophia săn lùng những kẻ tổ chức đưa người vượt biên trái pháp của Liên minh châu Âu.
        Theo ước tính của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), tính tới cuối tháng 11 đã có gần 860.000 di dân đặt chân tới châu Âu. Hơn 3.500 người đã chết trong hành trình vượt Địa Trung Hải.
        Theo Liên hợp quốc, số di dân vượt Địa Trung Hải tới châu Âu đã giảm hơn 1/3 tháng qua do thời tiết xấu và do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay trấn áp hoạt động đưa người vượt biên trái phép ở Aegean trên lộ trình vào Hi Lạp.
        Ngày 3-12, MSF cho biết đã triển khai hợp tác với tổ chức Greenpeace trong hoạt động cứu hộ những người vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hi Lạp.
        Theo D. KIM THOA
        Tuổi trẻ
         

        Cô gái Syria quả cảm

        Cô gái Syria quả cảm
        Doaa - cô gái 19 tuổi người Syria đã thoát chết một cách kỳ diệu và cứu sống một em bé 18 tháng tuổi - Ảnh: AFP

        Con tàu chở 500 di dân bị đắm trên Địa Trung Hải, chỉ 11 người được cứu sống, trong đó có cô gái 19 tuổi người Syria. Không biết bơi, chỉ với chiếc phao nhỏ, cô đã cứu sống một em bé 18 tháng tuổi sau bốn ngày lênh đênh trên biển không ăn uống.

        Câu chuyện này do người phát ngôn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, bà Melissa Fleming, kể lại trên diễn đàn TED. Một câu chuyện đã làm bà thao thức suốt đêm.
        19 tuổi, Doaa cùng gia đình di cư từ Syria đến Ai Cập và sống chật vật trong cảnh nghèo đói. Cha cô luôn nhớ về những tháng ngày làm ăn phát đạt ở quê nhà và tiếc nuối sản nghiệp tan tành vì bom đạn. Khi Doaa nảy nở tình yêu với một người bạn trai đồng cảnh ngộ tên là Bassem, hi vọng về cuộc đời mới lại ngập tràn trong lòng cô gái trẻ.
        Bassem cũng đang tìm cách tới châu Âu. Cả Doaa và Bassem đều hiểu rất rõ việc đánh liều mạng sống khi tìm đường tới châu Âu qua Địa Trung Hải. Vào tháng 8-2014 đã có 2.000 người thiệt mạng trên hải trình này. Doaa không biết bơi nên rất sợ nước. Nhưng rốt cuộc đôi bạn trẻ cũng nhắm mắt đưa chân, Bassem dồn tất cả tài sản tiết kiệm lâu nay để trả lệ phí 2.500 USD mỗi người cho những kẻ đưa người vượt biên trái phép.
        Một buổi sáng thứ bảy, hai người được một chiếc xe buýt chở ra bờ biển. Hàng trăm người đã có mặt ở đó. Họ là người Syria, người Palestine, người châu Phi, người Hồi giáo, người Thiên Chúa giáo. Có rất nhiều đứa trẻ. Sau đó các thuyền nhỏ chở họ tới, nhồi nhét trên một chiếc thuyền cá ọp ẹp.
        Ngày thứ hai trên biển, mọi người lả đi vì lo lắng và ruột gan cồn cào say sóng. Ngày thứ ba, Doaa linh cảm thấy chuyện không hay. Cô nói với Bassem: “Em sợ là chúng ta sẽ không tới nơi được. Em lo con thuyền sẽ chìm mất”. Ngày thứ tư, hành khách bắt đầu bấn loạn. Khi họ hỏi thuyền trưởng bao giờ tàu cập bến, tên thuyền trưởng chửi bới, bắt họ ngậm miệng, bảo rằng khoảng 16 giờ nữa thuyền sẽ tới bờ biển Ý.
        Tất cả hành khách đều mệt lả. Thế rồi một con thuyền khác tới, nhỏ hơn và ọp ẹp hơn. 10 gã đàn ông trên thuyền dùng những lời lẽ thô tục mắng chửi hành khách, bắt họ phải chuyển từ chiếc thuyền lớn sang thuyền nhỏ.
        Những người trên thuyền không chịu khi thấy thuyền của bọn chúng không an toàn. Đám người này tức giận bỏ đi và khoảng nửa giờ sau chúng quay lại, cố tình đập thủng một lỗ bên sườn con thuyền chở Doaa.
        Cô nghe thấy chúng la lối với nhau: “Để cho cá rỉa thịt chúng mày đi” và phá lên cười khi thuyền bắt đầu chìm. 300 người ở sàn dưới của thuyền bị chết đuối, Doaa cố giữ lấy mạn thuyền khi nó đang chìm dần.
        Thật may sau đó Bassem tìm thấy một chiếc phao nhỏ. Doaa trèo lên phao, Bassem bơi giỏi, anh nắm tay cô và dùng chân đạp nước giữ thăng bằng.
        Sau khi thuyền đắm, khoảng 100 người sống sót, họ quây lại thành nhóm và cầu trời có người tới cứu. Nhưng khi một ngày trôi qua không ai tới, nhiều người đã từ bỏ hi vọng. Có người tự cởi bỏ áo phao và buông mình theo dòng nước. Rồi một người đàn ông cõng theo đứa trẻ 9 tháng tuổi tên là Malek tới. Ông gửi gắm đứa trẻ cho Doaa và Bassem vì thấy sức mình đã cạn.
        Ngày thứ hai trên biển của Doaa và Bassem trôi qua và sức Bassem bắt đầu kiệt quệ. Sau những lời trăng trối, anh buông mình xuống nước và Doaa đau khổ, bất lực nhìn tình yêu của cô bị nước cuốn trôi ngay trước mắt.
        Cũng trong hôm đó, một người mẹ đã mang bé gái 18 tháng tuổi tên Masa tới nhờ Doaa chăm sóc. Chị gái của Masa đã chết đuối trước đó và mẹ cô bé biết mình cũng sắp không qua khỏi.
        Vậy là Doaa, cô gái 19 tuổi không biết bơi, níu giữ sự sống chỉ vào chiếc phao nhỏ giữa Địa Trung Hải lúc này đã gánh thêm trách nhiệm với hai đứa trẻ nữa. Chúng đều đói, khát và la khóc inh ỏi. Cô phải gắng hết sức để dỗ dành chúng, hát và đọc kinh cho chúng nghe. Xung quanh họ, các thi thể bắt đầu trương lên. Mặt trời thiêu đốt suốt ngày. Đêm thì sương mù rất lạnh.
        Ngày thứ tư ngâm mình trong nước, một người phụ nữ lại đến và trao gửi cho Doaa đứa con trai 4 tuổi của bà. Lúc cúi xuống dỗ dành đứa trẻ cô mới hay trái tim đứa bé đã ngừng đập từ lúc nào.
        Cũng trong hôm ấy, có hai chiếc máy bay bay qua nhưng dù Doaa nỗ lực ra tín hiệu cấp cứu, hai chiếc máy bay cũng không nhìn thấy và mau chóng bay qua.
        Tới chiều hôm đó, khi mặt trời tắt nắng, Doaa phát hiện một chiếc thuyền buôn đang đi gần đó. Cô huơ hai tay và cố hét thật lớn trong suốt hai giờ để xin cứu giúp. Trời đã sẩm tối nhưng cuối cùng những người trên tàu đã nhìn thấy cô và hai đứa trẻ.
        Họ tung dây thừng và kéo tất cả lên thuyền, cho thở oxy và đắp chăn giữ ấm. Sau đó một chiếc trực thăng của Hi Lạp tới và đưa họ về cấp cứu trên đảo Crete. Nhưng bé Malek đã không thể qua khỏi. Người ta nói với Doaa là em tắt thở khi ở trên chiếc tàu cứu hộ. Điều kỳ diệu là bé Masa đã được giành khỏi tay thần chết tại một bệnh viện nhi trên đảo Crete.
        Câu chuyện về sự thoát chết kỳ diệu sau bốn ngày lênh đênh trên Địa Trung Hải của Doaa và bé Masa mau chóng được lan truyền. Viện Hàn lâm danh giá Athens của Hi Lạp đã trao tặng Doaa phần thưởng vì lòng dũng cảm.
        Theo D.Kim Thoa
        Tuổi Trẻ

        Thêm thi thể bé gái tị nạn trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ

        Thêm thi thể bé gái tị nạn trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ Thi thể bé gái 4 tuổi được vớt lên từ khu vực bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ

        Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho hay thi thể một bé gái tị nạn mới 4 tuổi bị mắc kẹt giữa các tảng đá đã được phát hiện tại khu vực bờ biển nước này.

          ABC News đưa tin giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cô bé này là một trong số những người tị nạn bị mất tích sau khi chiếc thuyền chở họ bị đắm hôm 18/11. Sau vụ lật thuyền, 15 người đã bị mất tích và cô bé 4 tuổi là một trong những thi thể được trục vớt.
          Một trong những người may mắn sống sót trên chiếc thuyền xấu số hồi tuần trước đã tới nhận diện thi thể cô bé.
          Hồi tháng Chín, hàng loạt những bức ảnh chụp thi thể một bé trai tị nạn trôi vào khu vực bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong dư luận về việc các nước thờ ơ và không giúp đỡ người tị nạn trên hành trình vượt biển tới châu Âu.
          Thi thể cô bé bị mắc kẹt giữa các tảng đá ở bờ biển.
          Theo MINH THU (lược dịch)
          Infonet

          Đau nhói hình cậu bé di cư 3 tuổi chết thảm ở bờ biển

          Đau nhói hình cậu bé di cư 3 tuổi chết thảm ở bờ biển
          Bé trai được cho là người Syria bị chết đuối trên đường tị nạn đến châu Âu - Ảnh: AP

          12 người nhập cư chết đuối và dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có hình ảnh một bé trai khoảng 3 tuổi nằm úp mặt xuống đất khiến nhiều người ám ảnh.

            CNN cho hay hình ảnh đã lan truyền mạnh mẽ trên trang mạng xã hội Twitter vào ngày 2-9 vừa qua.
            Theo chính quyền tỉnh Mugla ở Thổ Nhĩ Kỳ, bé trai xấu số là Aylan Kurdi, một trong số 17 người tị nạn từ Syria tìm cách đến đảo Kos ở Hi Lạp bằng thuyền.
            Trên thuyền lúc đó còn có anh trai 5 tuổi của Aylan, hai anh em Ahmet-Hadi (11 tuổi và Hayder, 9 tuổi) cũng thiệt mạng trong vụ đắm thuyền.
            Khi được tìm thấy, không ai trong số các nạn nhân này mặc áo cứu hộ.
            Mẹ của bé Aylan, cô Zeynep, cùng con gái 7 tuổi Rowad may mắn sống sót, hiện được điều trị tại một bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ gần đó.
            Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đội cứu hộ nước này vẫn chưa tìm thấy hai người đàn ông và một em bé bị mất tích sau khi tai nạn xảy ra.
            Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nạn nhân này sống tại thị trấn Kobane phía bắc Syria, nơi đang diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa lực lượng quốc gia Hồi giáo tự xưng (IS) và người Kurd.
            Khi hình ảnh về bé trai được đăng tải trên Twitter với hastag #KıyıyaVuranİnsanlık (nghĩa là “lòng nhân đạo bị trôi dạt” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), nhiều người bày tỏ hi vọng đây sẽ là bước ngoặt trong cuộc tranh luận làm thế nào để xử lý vấn nạn nhập cư ở châu Âu.
            Nadim Houry, phó giám đốc Tổ chức Human Rights Watch ở Trung Đông và Bắc Phi, cho biết bức ảnh này thật sự là một “nỗi ám ảnh”, là “bản cáo trạng lớn nhất về một thất bại của tập thể”.
            Mẹ và chị gái của bé Aylan được điều trị tại bệnh viên - Ảnh: AP
            Châu Âu rung chuyển
            Hành lý của 12 người tị nạn trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm qua - Ảnh: AP

             
            Cách đó không xa, hàng trăm người di cư đang đổ đến sân ga nối Paris với London gần cảng Calais của Pháp với mong muốn bước lên chuyến tàu đi đến “thiên đường”.
            Tại sân ga Budapest, tình hình càng trở nên tồi tệ khi đám đông người tị nạn trở nên giận dữ vì đây là đêm thứ hai cảnh sát không cho họ lên tàu. Nhiều người kêu gào rằng họ có vé đi đến Đức và các quốc gia châu Âu khác.
            Trước tình thế hỗn loạn, hàng trăm cảnh sát tại đây buộc phải sử dụng hơi cay để đưa những người đang tập trung tại nhà ga Keleti ra khỏi khu vực này.
            Trong bối cảnh làn sóng người di cư vẫn không ngừng gia tăng, Chính phủ Iceland kêu gọi các nước châu Âu giàu có cùng gánh vác trách nhiệm giải cứu những người tị nạn đang gặp khó khăn. Trong khi đó Đức và Pháp kêu gọi phân bố đều người di cư khắp EU.
            Trong nỗ lực giảm tải sức ép người di cư đối với châu Âu, theo đề nghị của EU, Romania sẽ tiếp nhận 1.700 người nhập cư đầu tiên trong tháng 11-2015.
            Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Europa FM, cố vấn chính sách châu Âu Leonard Orban cho biết hơn 1.700 người tị nạn đến từ Hi Lạp và Ý sẽ được tiếp nhận vào sáu trung tâm ở Romania và được cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết để sinh sống.

            Cộng đồng mạng kêu gọi tiếp nhận 5.000 người nhập cư
            Một group trên Facebook mang tên “Syria đang kêu gọi” đã được những người Iceland lập ra để kêu gọi chính phủ nước họ tiếp nhận 5.000 người nhập cư.
            Nhóm này cho biết nhiều thành viên của họ sẵn sàng mở cửa đón chào những người nhập cư đến ở, những người khác sẽ quyên góp tiền, quần áo, vật dụng gia đình cùng những vật dụng thiết.
            Nhóm cho biết họ sẽ trình bày ý tưởng của mình lên Bộ trưởng Phúc lợi xã hội của Iceland nhằm sớm xúc tiến thực hiện kế hoạch trên.
            Theo Hải Yến
            Tuổi Trẻ

            Thái độ bài người di cư Syria dâng cao sau thảm kịch Paris

              Nhiều quan chức phương Tây quan ngại việc chấp nhận người Syria tị nạn sẽ ảnh hưởng tới an toàn của người dân sau thảm kịch Paris.

              Thái độ bài người di cư Syria dâng cao sau thảm kịch Paris
              Người dân Paris hoảng sợ sau khi trải qua vụ tấn công khiến 129 người thiệt mạng. Ảnh: Getty
              Hôm 13/11, Paris trải qua một đêm kinh hoàng với 129 người thiệt mạng. Bên cạnh xác của một kẻ khủng bố tại hiện trường vụ xả súng ở nhà hát Bataclan, cảnh sát Pháp tìm thấy một cuốn hộ chiếu Syria. Ngoài ra, họ còn thu được một hộ chiếu Ai Cập và hộ chiếu của một kẻ cực đoan mang quốc tịch Pháp.
              Hiện tại giới chức Pháp vẫn đang tiến hành điều tra và chưa xác nhận cuốn hộ chiếu thuộc về một trong những kẻ khủng bố hay không.​
              Các quan chức an ninh châu Âu từng lo ngại các chiến binh thánh chiến có thể lợi dụng phong trào di cư ồ ạt của người tị nạn để trà trộn và đi vào các nước châu Âu hồi đầu năm.​
              Hôm 14/11, Ba Lan tuyên bố họ sẽ không chấp nhận người tị nạn mà không có những biện pháp đảm bảo an ninh.

              Làn sóng vận động không cho người Syria tị nạn tại Mỹ

              Thái độ bài người di cư Syria dâng cao sau thảm kịch Paris
              Nhiều bang tại Mỹ tuyên bố họ không nhận người tị nạn Syria do những lo ngại về an ninh. Ảnh: AP
              Hôm 16/11, ít nhất 26 thống đốc Mỹ phản đối việc nhận người tị nạn bởi quan ngại vấn đề bạo lực cực đoan có thể xảy ra khi những người tị nạn nhập cảnh vào nước này. Phấn lớn họ là thành viên của đảng Cộng hoà.
              “Chúng ta đã thấy những mối đe doạ thông qua những vụ việc xảy ra tại thành phố Paris. Texas không thể tham gia vào bất cứ chương trình nào dẫn đến việc người tị nạn Syria tái định cư ở đây. Bất cứ ai trong số họ cũng có thể kết nối với chủ nghĩa khủng bố”, Thống đốc bang Texas, ông Gregg Abbot, nói.
              Bên cạnh đó, Abbot đưa ra nhiều dẫn chứng nhằm khẳng định Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một nguy cơ “rất thực tế” đối với Texas.
              Rick Snyder, thống đốc bang Michigan, cũng không muốn nhận người tị nạn. Ông nói: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của người dân”. Michigan là bang mà người Hồi giáo chiếm tỷ lệ khá lớn trong dân số.  
              Stephen I.Vladeck, giáo sư ngành luật của Đại học American, nhận định rằng, về mặt pháp lý, các bang không có quyền quyết định bất cứ điều gì bởi vì vấn đề di cư thuộc về trách nhiệm của chính phủ Mỹ, mặc dù các bang riêng lẻ có thể khiến quá trình phê chuẩn luật trở nên khó khăn hơn.

              Động thái phản đối là phản ứng thái quá với cuộc tấn công​

              Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Jean Claude Juncker, cho rằng chính sách tị nạn của khối không cần phải được xem xét lại sau chuỗi sự kiện diễn ra tại Paris vào đêm 13/11 và yêu cầu các nhà lãnh đạo trên thế giới không bắt đầu đối xử với những người tị nạn như những kẻ khủng bố.
              Nhiều quan chức châu Âu bày tỏ sự quan ngại sau khi phát hiện một hộ chiếu gần thi thể của một trong những kẻ tấn công Paris. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nhận định rằng liên hệ khủng hoảng di cư tại châu Âu với các mối đe doạ khủng bố là tư duy sai lầm.
              “Chủ nghĩa khủng bố được tổ chức rất tốt. Chúng không mạo hiểm chen vào tuyến đường tị nạn gian nan và dễ mất mạng khi vượt biển”, bà nói.
              Karim Emile Bitar, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại tại đại học Saint Joseph, nói với The Christian Science Monitor rằng: “Giống như những sự kiện đã xảy ra vào thế kỷ 19, những kẻ khủng bố Hồi giáo ngày nay muốn khắc sâu hơn những mâu thuẫn trong xã hội phương tây. Các chính phủ không nên rơi vào cái bẫy đó”.
              Bên cạnh đó, một số nhà phân tích nhận định, IS coi người tị nạn Syria như những kẻ phản bội. Chúng từng lên án họ là những kẻ không tin vào tôn giáo trong một đoạn video mà chúng phát hành hồi tháng 9. Đối với những người tị nạn, IS chính là kẻ thù. Kế hoạch tấn công Paris và cố tình để lại hộ chiếu giả có thể khiến phương Tây chống lại người tị nạn Syria, đưa họ trở vè bàn tay của IS.

              Kim Ngân

              Phẫn nộ: Bé di cư Syria chết bên bờ biển bị vẽ thành kẻ biến thái

              Tờ Timeslive cho biết một bức vẽ của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo cho thấy Alan Kurdi - bé trai Syria 3 tuổi chết bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái - lớn lên thành kẻ tấn công tình dục đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội.
              Hình ảnh Phẫn nộ: Bé di cư Syria chết bên bờ biển bị vẽ thành kẻ biến thái số 1

              Bé Alan Kurdi chết đuối trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

              Bức tranh vẽ cảnh 2 nhân vật nam đuổi theo những người phụ nữ đầy sợ hãi với lời chú thích: "Cậu bé Alan sẽ trở thành kẻ như thế nào khi lớn lên? Một kẻ quấy rối phụ nữ ở Đức".
              Các vụ tấn công tình dục phụ nữ tại Cologne và các thành phố khác ở Đức vào đêm giao thừa mà nhiều người cho rằng thủ phạm là người nhập cư. Hơn 600 trường hợp bị khiếu nại gây ra làn sóng phản đối dữ dội với chính sách tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel. Hơn 1 triệu người đã tới Đức hồi năm ngoái, nhiều hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào khác.
              Bức tranh được công bố hồi đầu tuần sau khi kỷ niệm 1 năm vụ tấn công vào văn phòng của tòa soạn Charlie Hebdo tại Paris khiến 12 người thiệt mạng hồi tháng 1/2015. Cụm từ "Je suis Charlie" - Tôi là Charlie đã nhanh chóng được những người ủng hộ lan truyền trên mạng xã hội.
              Thời gian này, nhiều cư dân mạng nói rằng bức tranh biếm họa là sự công kích trong khi những người khác đã nổi giận vì Charlie Hebdo tiếp tục giữ giọng điệu khiêu khích của mình để khấu đảo cuộc tranh luận về thái độ của châu Âu với cuộc khủng hoảng di cư.
              Hình ảnh cậu bé Alan nằm úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015 đã xuất hiện trên khắp thế giới và tạo ra một làn sóng cảm thông đối với những người tị nạn đang phải chạy trốn khỏi chiến tranh, nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi.
              Bảo Linh (tổng hợp)
              Nguồn : Người đưa tin

              Ai đang trục lợi từ cuộc khủng hoảng di cư?

              Mặc dù châu Âu đang đắm chìm trong cảm giác vui vẻ vì sự rộng lượng đối với hàng nghìn người di cư và tị nạn, nhưng sự thực thì những nhân vật chỉ trích từ các đảng cánh hữu và cực hữu mới là đối tượng được hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng này.
                khủng hoảng, di cư
              Theo New York Times, các đảng phái đang phản đối nhập cư, sự ảnh hưởng của đạo Hồi và quyết định tiếp nhận người di cư của Áo và Đức, đã chỉ ra những khó khăn của việc ngừng tiếp nhận người di cư.
              Sau những hỗn loạn ở Hy Lạp, hình ảnh về một Liên minh châu Âu (EU) - dường như không thể bảo vệ biên giới của mình trong khi vẫn cố áp đặt những hạn ngạch bắt buộc với các nước thành viên trong tiếp nhận người tị nạn, phù hợp với bức chân dung mà những người hoài nghi ở châu Âu vẽ về Brussels như một thủ phủ châu Âu bất lực và độc đoán.
              "Đức, Thụy Điển và Áo xứng đáng với tin tưởng vì sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn, song ở đâu đó trên lục địa này, phản ứng về vấn đề trên đang chuyển từ thụ động sang thù địch", Michael Haltzel, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, đồng thời là cố vấn của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay.
              "Quá tải là một mối đe dọa lớn và tôi sợ rằng những đối tượng hưởng lợi chính trị ở nhiều nước sẽ là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cánh hữu".
              Cựu Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã đề cập tới nỗi lo của một số đảng cầm quyền, khi nói "vào cuối ngày, nước nào cũng bất an về một lượng lớn người di cư mới dù một số nước giả bộ không phải thế. Hiện có một xu hướng đổ lỗi, song đây sẽ là thách thức với từng nước. Việc hòa nhập vào xã hội phương Tây khó khăn và cần thời gian, nó không chỉ là cấp cho một cái lều".
              Chính phủ cánh hữu mới ở Đan Mạch đã đưa ra các quảng cáo trên báo chí Lebanon, để cảnh báo người tị nạn không nên tới nước này và tuyên bố Chính phủ Đan Mạch sẽ siết chặt các luật nhập cư và cắt giảm trợ cấp.
              Tại Pháp, trong một bài phát biểu hôm 6/9 trước đảng Mặt trận Dân tộc, nữ chính khách Marine Le Pen đã buộc tội Đức mở cửa cho người tị nạn, để lợi dụng họ như một nguồn lao động giá rẻ, trong khi đó, áp đặt chính sách nhập cư lên các quốc gia khác. "Đức không chỉ muốn lãnh đạo nền kinh tế chúng ta, mà họ còn muốn buộc chúng ta phải nhận hàng trăm nghìn người tị nạn".
              Đề cập tới cái chết của cậu bé người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người xin tị nạn trong một chiếc xe tải ở Áo, bà Le Pen buộc tội các chính trị gia châu Âu "khai thác cái chết của những người không may, vốn tham gia các chuyến đi do mafia tổ chức. "Họ đăng tải một cách thiếu tự trọng bức ảnh của một đứa trẻ đã chết, chỉ để đổ lỗi cho châu Âu và buộc mọi người phải thừa nhận tình trạng hiện thời". 
              Nội chiến Syria hiện đang ở năm thứ 5 và đã có hơn 4 triệu người Syria rời bỏ đất nước, đăng ký làm người tị nạn. Trong khi đó, cũng có 6,5 triệu người khác đang phải rời bỏ nhà cửa, Cao ủy về người tị nạn của Liên Hợp Quốc cho hay. Hiện, chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, có hơn 1,9 triệu người tị nạn Syria, còn ở Lebanon có 1,1 triệu người, Jordan có hơn 629.000 người.
              Châu Âu không thể tiếp nhận tất cả.
              Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel hôm 7/9 phát biểu gần như là tự hào rằng, Đức hiện là đích đến mơ ước với người tị nạn. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ, tuyên bố này sẽ gây ra phản ứng mạnh. Bà Merkel tuyên bố như vậy chỉ vài giờ sau vụ tấn công mới nhất trong số hơn 200 vụ tấn công trong năm nay nhằm vào người tị nạn hoặc nơi trú ẩn của họ tại Đức.
              Một ngày trước đó, các đối tác trong khối trung hữu của bà Merkel - Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CDU), đã công khai chỉ trích nữ lãnh đạo này, vì tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn từ Hungary và Áo. "Quyết định đó đã phát đi tín hiệu sai tới các nước khác", Gerda Hasselfeldt, lãnh đạo CDU tại Quốc hội cho hay.
              Cho tới giờ, Đức chưa gặp nhiều rắc rối với các đảng phái chính trị cực hữu. Tuy nhiên, tại Áo, một đảng dân túy mạnh - đảng cánh hữu Tự do, đã có được những thành quả đáng kể trong vài tháng khủng hoảng người tị nạn diễn ra.
              Áo dự kiến sẽ tiếp nhận lượng đơn xin tị nạn tương tự Đức, khoảng 1% dân số. Hiện, trước thềm bầu cử tại Vienna diễn ra vào tháng 10 tới, đảng Tự do có khả năng đánh bại đảng Dân chủ Xã hội khi tiếp cận được các tầng lớp thấp với những tuyên bố chống Hồi giáo hùng hồn. Một số nhà quan sát cho rằng việc bày tỏ thông cảm với người tị nạn đã khiến cán cân nghiêng về phe cánh hữu.
              Người tị nạn cũng là vấn đề nhạy cảm ở Anh. Năm ngoái, nước này tiếp nhận 330.000 người và Thủ tướng David Cameron hiện đang chịu sức ép từ chính đảng của ông, cũng như từ đảng Độc lập Anh, là phải giảm bớt số người tị nạn hoặc phải rút khỏi Liên minh châu Âu.
              Hoài Linh

              Châu Âu lại “chết lặng” với lập luận của cậu bé di cư người Syria

              Một bé trai 13 tuổi người Syria đã có cách cắt nghĩa hoàn hảo cho cuộc khủng hoảng người di cư mà châu Âu đang phải đối mặt.
              Kinan Masalmeh đã cắt nghĩa "hoàn hảo" về gốc rễ cuộc khủng hoảng mà cả châu Âu đang cố tìm cách tháo gỡ. Ảnh: aljazeeraKinan Masalmeh đã cắt nghĩa "hoàn hảo" về gốc rễ cuộc khủng hoảng mà cả châu Âu đang cố tìm cách tháo gỡ. Ảnh: aljazeera

              Đôi khi người thông thái nhất lại là những người ít tuổi nhất. Đó là trường hợp của cậu bé di cư 13 tuổi người Syria tên Kinan Masalmeh khi em nói về gốc rễ cuộc khủng hoảng di cư đang “quét” qua châu Âu.

              Đứng trả lời phỏng vấn kênh Al Jareeza giữa những người lớn tuổi kế bên ở thủ đô Budapest, Hungary, Masalmeh bày tỏ: “Người Syria cần được giúp đỡ. Các anh chỉ cần chấm dứt chiến tranh và chúng tôi sẽ chẳng mong chờ sang châu Âu. Hãy chấm dứt chiến tranh”. Cậu bé lý giải, em và những người di cư Syria khác muốn sống ở mảnh đất quê hương, nhưng chiến tranh và bất ổn tại quốc gia Trung Đông này đã làm mong muốn tưởng như đơn giản kia trở thành nên không thể. Lập luận của em rất đơn giản: Mọi người có thể giúp đỡ người tị nạn Syria, hoặc là tìm ra cách thức chấm dứt xung đột ở đất nước này.
              Lời bình luận “chính sách” của Masalmeh ngay lập tức “gây bão” trên mạng xã hội, nhận được hàng triệu lượt like và hàng nghìn lượt chia sẻ. Nó được đưa ra sát thời điểm dư luận thế giới bàng hoàng trước những bức ảnh chụp thi thể bé trai 3 tuổi Aylan người Syria “nằm nghỉ” bên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng xa hoa Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Ước mơ về bến đỗ mới ở châu Âu khép lại với bé. Thế nhưng bi kịch không dừng lại ở đó, người mẹ cùng người anh trai Galip cũng chịu chung số phận, chỉ còn người bố Abdullah Kurdi may mắn sống sót khi chiếc thuyền chở người di cư gặp nạn.

              Phát biểu trước báo giới hôm 3/9 khi làm thủ tục nhận thi thể của ba người thân, ông Kurdi nghẹn ngào nói: “Chúng tôi muốn thế giới để tâm đến chúng tôi, để từ đó có thể ngăn chặn những bi kịch tương tự. Hãy xem đây là trường hợp cuối cùng”. Truyền thông châu Âu hai ngày qua tràn ngập thông tin về bi kịch “cậu bé Syria”, nhiều người lên tiếng yêu cầu các quốc gia hành động tức thời trong cuộc khủng hoảng người di cư. Tờ Independent (Anh) đặt một câu hỏi lớn: Nếu những hình ảnh đặc biệt ám ảnh về thi thể em bé Syria bị sóng đánh dạt lên bờ biển không làm thay đổi thái độ của châu Âu đối với người tị nạn thì cái gì mới đủ sức làm họ lay động?

              Châu Âu vẫn chia rẽ

              Câu hỏi mà tờ báo Anh và dư luận châu Âu đặt ra dường như vẫn chưa có câu trả lời, khi mà các quốc gia ở lục địa già còn chia rẽ, thậm chí “cãi cự” lẫn nhau trong cuộc khủng hoảng người di cư. Các nước đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp, Anh có cách tiếp cận “mềm mỏng” hơn cả, kêu gọi các nước thành viên chung tay, nỗ lực hơn trước làn sóng người di cư đổ bộ vào châu lục. Thủ tướng Anh David Cameron nhiều khả năng sẽ sớm công bố kế hoạch chấp nhận số lượng người di cư ở mức lớn hơn, “đón” họ trực tiếp từ các trại tị nạn của Liên hợp quốc ở Syria. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu đề xuất thực hiện “quota bắt buộc” đối với các thành viên EU trong tiếp nhận người di cư.




              Liệu châu Âu có thức tỉnh sau những bi kịch đầy ám ảnh của người di cư Syria? Ảnh: Reuters
              Thế nhưng một số nước Đông Âu còn tỏ ra khá cứng rắn. Ngày hôm nay (4/9), đại diện các nước thuộc Nhóm Visegrad gồm có Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech (Séc) và Ba Lan có cuộc gặp ở thủ đô Praha để thảo luận về các biện pháp đối phó với dòng người di cư ở cấp độ “chưa từng thấy” và điều phối quan điểm của cả nhóm trước EU. Phiên thảo luận diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người di cư hiện bị “ách” tại thủ đô Budapest sau khi Hungary không cho phép họ vượt biên giới sang Áo hay Đức. Chính quyền của Thủ tướng Viktor Orban còn hoàn tất việc xây tường rào dây thép gai dọc tuyến biên giới với Serbia, cảnh báo sẽ triển khai khoảng 3.500 binh sĩ để ngăn không cho người di cư đổ bộ vào Hungary. Cộng hòa Czech, nước yêu cầu EU phải phân biệt rõ người “di cư vì lý do kinh tế” với “người tị nạn vì xung đột” cùng với Slovakia – nước không chấp nhận người đến từ các quốc gia Hồi giáo, sẽ cùng có cuộc bàn thảo với Ba Lan để điều phối quan điểm.

              Cuộc họp của Nhóm Visegrad diễn ra đồng thời với cuộc gặp của các ngoại trưởng EU ở Luxembourg. Các bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận về các “quốc gia gốc” và quốc gia trung chuyển người tị nạn. Theo đó, có thể sẽ thay đổi những điều khoản của Hiệp ước Dublin của EU về người tị nạn, bỏ điều khoản trục xuất người tị nạn về nước đăng ký ban đầu.



              Hoài Thanh theo Báo Tin Tức

              Sự khác nhau giữa người di cư và người tị nạn

              00:23:44 05/09/2015

              Để hiểu rõ thêm về làn sóng người di cư và tị nạn đang bùng nổ tại các nước biên giới Châu Âu, hãy tìm hiểu về sự khác nhau giữa mục đích rời bỏ quê hương của cộng đồng này.

              Hình ảnh những con người sống trong sự bẩn thỉu nhơ nhuốc tại các bến tàu Budapest, hay ngày ngày mạo hiểm trèo qua hàng rào thép ở biên giới Hungary, hoặc vạ vật qua ngày ở Calais, Pháp đã tràn ngập trên báo đài suốt nhiều tháng nay. Thế nhưng, chỉ đến khi hình ảnh xác em bé Syria nằm trên bờ biển Bodrum tại Thổ Nhĩ Kỳ được công bố, người ta mới thực sự quan tâm đến khủng hoảng tị nạn đang xảy ra bấy lâu nay.

              1-73353
              Hình ảnh bé Aylan Kurdi, 3 tuổi chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây ám ảnh về sự tàn khốc của khủng hoảng tị nạn.

              Nhưng có một vấn đề, bạn có phân biệt được rõ thế nào là dân nhập cư, dân tị nạn và người xin tị nạn? Những từ này đang được sử dụng không nhất quán và thường bị nhầm lẫn. Bài viết sau sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát nhất về 3 bộ phận những người rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới này.

              1. Dân di cư

              Theo định nghĩa, dân nhập cư là bộ phận những người chuyển đến định cư tạm thời, hoặc vĩnh viễn từ một khu vực, quốc gia tới một nơi khác sinh sống. Có rất nhiều lý do để người ta di cư, ví dụ như một người đi tới lao động tại địa phương khác, hoặc muốn tìm đến một địa phương tốt hơn cho việc phát triển công việc, những người này gọi là "Di dân kinh tế". Bên cạnh đó, còn có những người di cư vì lý do gia đình, lý do học tập... Còn có những người di cư vì mục đích chạy trốn tranh chấp hoặc trốn khỏi hoàn cảnh bị ngược đãi, nhóm người sẽ được gọi là "dân tị nạn".

              2-73353
              Làn sóng di cư bùng nổ tại các nước nghèo.

              Mặc dù cụm từ "dân di cư" từng mang ý nghĩa trung lập, thế nhưng trong thời gian gần đây cụm từ này dần bị biến tướng, mang ý nghĩa xấu với mục đích công kích và rất nặng mùi thành kiến. Tháng 8 năm nay, những người vượt Địa Trung Hải đến một vùng đất khác sẽ không còn được tính là "dân di cư" nữa, bởi theo thống kê của Liên hợp quốc, phần lớn người chết đuối khi cố tiến vào bờ biển Châu Âu đều là người chạy trốn chiến sự, ngược đãi và đói nghèo.

              Tranh cãi cũng nổ ra khi người ta bắt đầu đem so sánh về mặt thuật ngữ giữa hai cụm từ "dân di cư" và "dân nhập cư". Ý nghĩa chung của từ di cư là hành động chuyển tới định cư tại một địa phương khác, trong khi "nhập cư" lại có phạm trù ý nghĩa nhỏ hơn, chỉ là một người chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác với mục đích sinh sống vĩnh viễn. 

              Theo thống kê từ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), ước tính trong năm 2013 đã có tới 232 triệu người, tương đương 3,2% dân số thế giới sống ngoài quốc gia nơi họ sinh ra. Tỷ lệ di cư trong nước tại các quốc gia cũng ngày càng tăng mạnh.

              2. Dân tị nạn

              Một người được tính là dân tị nạn khi họ buộc phải rời bỏ quốc gia đang sinh sống nhằm mục đích chạy trốn khỏi chiến tranh, sự ngược đãi, hoặc thảm họa thiên nhiên. Năm 1951, Công ước về vị thế của người tị nạn ra đời, chỉ rõ định nghĩa về thế nào là một người tị nạn, quyền lợi của họ ra sao và nghĩa vụ pháp lý của họ là gì.

              Theo Công ước, định nghĩa về người tị nạn là: " Một người có sự sợ hãi có cơ sở bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hoặc do là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó, hay vì quan điểm chính trị, đang ở ngoài đất nước mà người đó có quốc tịch và không thể, hoặc, do sự sợ hãi như­ vậy, không muốn tiếp nhận sự bảo vệ của quốc gia đó; hoặc người không có quốc tịch đang sống ở ngoài quốc gia mà trước đó hä đã từng cư trú do kết quả của những sự kiện đó mà không thể, hoặc do sự sợ hãi, mà không muốn trở lại quốc gia đó."

              3-73353
              Dân tị nạn tập trung bên ngoài ga tàu hỏa Budapest chờ một chuyến đi tới các nước Châu Âu khác.

              Không một thời điểm nào trong lịch sử lại chứng kiến cảnh nhiều người buộc phải rời khỏi tổ ấm của mình tìm một vùng đất mới để tránh chiến tranh, ngược đãi hơn thời điểm hiện tại. Theo số liệu từ Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc, số người phải rời khỏi nơi sinh sống tính đến cuối năm 2014 đã chạm tới con số 59.5 triệu người, trong khi 1 thập kỷ trước con số đó chỉ là 37.5 triệu người, chủ yếu do động đất núi lửa, khủng hoảng chính trị, quân sự gia tăng tại các nước Châu Phi, Trung Đông, Châu Âu, Châu Á.

              Một trong những hệ quả rõ ràng nhất trong việc xung đột leo thang trên thế giới đó là người dân tại các nước bất ổn buộc phải tìm những biện pháp liều lĩnh nhất để thoát khỏi quốc gia mình đang sinh sống tới một vùng đất mới, phổ biến nhất là sử dụng thuyền băng qua đại dương. Ít nhất đã có 2000 người chết khi cô băng qua Địa Trung Hải tới các nước Châu Âu trong năm 2015.

              3. Người xin tị nạn

              Đây là những người đang đệ đơn tới một quốc gia để xin được tị nạn và đang đợi quyết định chính thức từ chính quyền nước nộp đơn sẽ chấp nhận hay từ chối họ. Nếu đơn xin tị nạn bị từ chối, hoặc người đệ đơn không thỉnh cầu được hưởng sự bảo vệ trong lúc chờ quyết định khác, họ sẽ phải tự nguyện rời khỏi nước sở tại trở về quốc gia mà họ mang quốc tịch, hoặc sẽ bị buộc phải về nước. Thông thường, khi tình hình quốc gia chưa có chuyển biến tốt, việc trở về này sẽ rất nguy hiểm. 

              4-73353
              Rất nhiều người bị bác đơn xin tị nạn tại Anh.

              Một điều quan trọng khác, những người xin tị nạn đã từng có tiền án sử dụng hộ chiếu giả, hoặc cố tình trốn khỏi đất nước thông qua đường du lịch sẽ không có nhiều cơ hội được chấp thuận đơn xin tị nạn. Gia đình cậu bé Aylan chính là một trường hợp tiêu biểu cho việc bị từ chối đơn xin tị nạn. Chị gái của anh Abdullah, cô Teema Kurdi đã tài trợ cho gia đình 4 người tới Canada tị nạn và đoàn tụ với mình, tuy nhiên do một số sự phức tạp trong tình hình Thổ Nhĩ Kỳ, visa đã không đến tay gia đình Syria. Đây chính là nguyên nhân khiến họ phải liều lĩnh sử dụng thuyền cao su vượt Địa Trung Hải, mong tới được đảo Kos, Hi Lạp nhưng không may gặp bi kịch khi chỉ mới ra khơi được 4 phút.


              5-73353
              Những người thất bại trong việc xin tị nạn tại các quốc gia buộc phải sử dụng các biện pháp tiêu cực nhất để thoát khỏi quốc gia đang sinh sống.

              Theo các báo cáo, quốc gia có nhiều người xin tị nạn nhất là Đức, với khoảng 173.000 người nộp đơn. Mỹ đứng thứ hai với 121.000 đơn xin tị nạn được gửi đến, trong khi đó con số này ở Anh là 31.300 người, chiếm khoảng 0.24% dân số đảo quốc sương mù. Cuối năm 2014, tại Anh tổng cộng có 117.161 người tị nạn, 36.383 đơn xin tị nạn đang chờ giải quyết và 16 người không rõ vị thế. 

              Phần lớn số người tị nạn sẽ ở lại quốc gia mà họ tới, cũng có nghĩa là 86% số người tị nạn đang "trọ" tại các nước đang phát triển.
              Theo Lương Hồng Phúc / Trí Thức Trẻ

              Không có nhận xét nào:

              Đăng nhận xét