Phút giây cảnh giác 12

(ĐC sưu tầm trên NET)

                           Bạn online, Phố trọ hiếu kỳ, Vị khách tốt bụng, Giả danh cán bộ y tế

10 mánh khóe lừa đảo du khách dễ gặp nhất

Nhờ trông đồ ở sân bay, chào mời mua đồ trang sức giá trị, cho thuê nhà ảo trên mạng... là những trò lừa đảo phổ biến mà du khách cần cảnh giác.
1. Lừa đảo ở sân bay: Nếu có người ở sân bay nhờ bạn trông hành lý hoặc túi xách trong vài phút, hãy cẩn thận. Sau khi họ đi khỏi, cảnh sát có thể ập đến và nói rằng đây là hành lý bị đánh cắp, thậm chí có hàng cấm. Khi đó bạn sẽ gặp rắc rối lớn.
2. Người khác đưa đồ: Nếu một người lạ cố đưa bạn một vật gì đó, bạn không nên cầm. Một du khách kể lại rằng, khi ở Paris (Pháp), một người bất ngờ nắm lấy cổ tay cô và đeo vào một chiếc vòng tình bạn. Rồi người đó bắt đầu đòi tiền. Sự việc tương tự xảy ra ở Venice (Italy). Một số người tiếp cận khách du lịch và đưa hoa cho họ rồi vòi tiền. Đây không hẳn là lừa đảo, nhưng cũng là một sự cố gây khó chịu cho du khách.
10 manh khoe lua dao du khach de gap nhat hinh anh 1
Đeo "vòng tình bạn" là mánh khóe lừa đảo phổ biến ở châu Âu. Ảnh: NBC.
3. Lừa đảo trên taxi: Chuyện lái xe taxi đưa khách đi vòng vèo không hiếm. Một bí quyết dành cho du khách là hãy tỏ ra bạn biết mình đang đi đâu, ngay cả khi bạn không biết. Nếu có bộ dạng như đang lạc đường, hoặc cắm cúi xem bản đồ, bạn sẽ rất dễ bị lừa.
4. Lừa đảo bán đồ trang sức: Khi đi du lịch, hãy cẩn thận khi mua những món đồ lưu niệm, đặc biệt là đồ trang sức hoặc những món đồ có giá trị mà bạn không thể kiểm chứng. Ở Ấn Độ và Thái Lan, những người bán đồ trang sức thường tiếp cận du khách và chào mời mua hàng. Nhưng khi về đến nhà, bạn mới tá hỏa khi nhận ra đó không phải đá quý mà chỉ là những mẩu thủy tinh bình thường.
5. Đổi ngoại tệ: Một số người thường tiếp cận du khách để chào mời đổi tiền mặt. Nếu không nắm chắc về tỷ giá, bạn sẽ rất dễ bị hớ.
6. Quảng cáo đồ ăn: Nếu thấy những tờ thực đơn quảng cáo đồ ăn rao tận nhà dán bên ngoài cửa phòng khách sạn, bạn đừng nên tin vội. Một trường hợp xảy ra ở Florida (Mỹ), một du khách gọi đồ ăn từ tờ quảng cáo và được yêu cầu cung cấp số thẻ tín dụng. Cửa hàng nói sẽ giao trong vòng 30 phút, nhưng đồ ăn không bao giờ được mang đến, còn thẻ tín dụng bị đánh cắp.
7. Thuê nhà: Khi bạn dự định thuê nhà qua mạng, hãy chắc chắn rằng ngôi nhà đó thực sự tồn tại, vì đây có thể là một quảng cáo lừa đảo.
8. Lừa đảo ở bãi đỗ xe: Nếu có người tỏ ra quá tốt bụng và muốn giúp bạn, đặc biệt khi bạn đang ở một bãi đỗ xe tại Florida (Mỹ), hãy cẩn thận. Khi bạn đỗ xe để vào một cửa hiệu gần đó, xe sẽ bị chọc thủng lốp hoặc lấy đi bugi. Họ sẽ tiếp cận và đề nghị giúp đỡ bạn, sau đó đòi một khoản tiền thù lao.
10 manh khoe lua dao du khach de gap nhat hinh anh 2
Khách du lịch là mục tiêu của đạo tặc ở mọi nơi. Ảnh: divoyager.
9. Móc túi: Hãy luôn cẩn thận khi xuất hiện ở các khu du lịch. Bọn lừa đảo có thể làm bạn bị phân tán tư tưởng, khi vờ va vào bạn rồi đánh rơi đồ. Khi bạn đang không chú ý, đồng bọn của chúng nhanh tay nẫng ví tiền. Bởi vậy, nếu bạn là nam, hãy để ví tiền trong túi ngực, hoặc mặc quần bó để dễ cảm giác khi người chạm vào. Phụ nữ nên chia đồ ra các túi khác nhau, không để tất cả cùng một chỗ.
10. Khi bị cướp: Bạn có thể làm ví giả, bỏ vào đó ít tiền lẻ và thẻ mở cửa phòng khách sạn. Thẻ này trông giống thẻ tín dụng nên sẽ không làm bọn trộm cướp nghi ngờ. Khi bị không chế, hãy đưa cho chúng chiếc ví giả này.
Thúy Nguyễn
Theo Washington Post

Đại lý SIM "mất tích" sau khi "phù phép" SIM ưu đãi

Thứ Năm, 04/04/2013 14:03
(ictworld.vn) - Trên thị trường di động đang xuất hiện mánh khóe lừa đảo của một số đại lý "phù phép" SIM thường thành SIM được hưởng ưu đãi để bán ra thị trường. Nhưng sau đó những SIM này bị nhà mạng rà soát và cắt vì thuê bao không có thông tin đăng ký chính xác.
Thuê bao ảo đã giảm mạnh
 
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng ngày 29/3, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, kết quả kiểm tra, khảo sát tại Hà Nội cho thấy, các doanh nghiệp đều thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư số 14 quy định giá cước dịch vụ thông tin di động cũng như Thông tư 04 quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.
Các mạng di động cần rà soát, loại bỏ những đại lý không đủ năng lực để tránh trường hợp làm ăn kiểu chụp giật. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
 
Thực hiện Thông tư số 14 quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất (ban hành ngày 12-10-2013), từ 1-1-2013, các mạng di động đã điều chỉnh mức cước hòa mạng thuê bao trả sau và tiến hành thu phí hòa mạng cho thuê bao trả trước. Cụ thể, đối với thuê bao trả sau sẽ có mức phí hòa mạng là 35.000 đồng/thuê bao/lần hòa mạng và thuê bao trả trước là 25.000 đồng/thuê bao/lần hòa mạng. Bên cạnh đó, từ 1-1-2013, các mạng di động sẽ phát hành ra thị trường bộ SIM thuê bao trả trước mới (bao gồm 1 SIM đã gắn số thuê bao xác định, không nạp sẵn tiền hoặc lưu lượng miễn phí trong tài khoản).
 
Đại diện Viettel Telecom và MobiFone khẳng định, từ khi áp dụng chính sách thu phí hòa mạng với thuê bao trả trước và cấm nạp sẵn tiền vào SIM chưa hòa mạng thì lượng thuê bao kích hoạt mới giảm khoảng 10 lần. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, đại diện 2 nhà mạng cho rằng, ngoài việc thị trường gần tới ngưỡng bão hòa khiến nhu cầu chững lại thì các chính sách siết chặt quản lý thị trường để tránh tình trạng dùng SIM thay thẻ cào cũng đã phát huy hiệu quả.
 
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, việc SIM kích hoạt mới giảm đi 10 lần và Bộ TT&TT chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào của người sử dụng về các chính sách quản lý đã chứng tỏ sự phát triển thuê bao trả trước dần đi vào thực chất hơn, hạn chế tình trạng thuê bao "ảo",  phù hợp với định hướng phát triển thị trường viễn thông theo hướng bền vững.
 
Đại lý dùng chiêu kích hoạt hàng loạt SIM rồi "mất tích"
 
Sau khi các Thông tư 04, Thông tư 14 của Bộ TT&TT có hiệu lực, nguồn thu của giới kinh doanh SIM thẻ chỉ còn trông vào khoản chiết khấu từ việc bán thẻ cào cho nhà mạng, thu nhập giảm mạnh. Nếu như trước đây, giới buôn SIM dễ dàng kiếm hoa hồng cho mỗi thuê bao phát triển mới qua SIM đa năng hoặc chiết khấu từ việc bán các bộ thiết bị kèm dịch vụ… thì khi siết chặt quản lý, nguồn doanh thu này không còn nữa.
 
Theo quy định mới, từ 1-6-2012, các đại lý phải liên kết với hệ thống của nhà mạng để được duyệt hồ sơ khách hàng trước khi kích hoạt, hòa mạng SIM mới.  Các đại lý, điểm bán còn phải đáp ứng đủ điều kiện về mặt bằng, tư cách pháp nhân và những điều kiện làm việc kèm theo: máy vi tính, máy scan... để lưu và đối chiếu thông tin. Vậy là, thay vì dễ dàng thu lợi từ việc mua bán SIM ảo, kích hoạt tràn lan như trước, giờ đây để “trụ” được trên thị trường giới buôn SIM thẻ buộc phải đầu tư nhiều hơn vào trang thiết bị kinh doanh và tự đi tìm nguồn khách hàng thực sự.
 
Trao đổi với phóng viên ICTnews, một số mạng di động cho biết, trên thị trường cũng có những đại lý không đủ năng lực kinh doanh, phải rút khỏi thị trường hoặc vẫn trụ lại nhưng tìm cách “lách” các quy định của nhà mạng để kiếm lời. Và một trong những “mánh” mà các đại lý đang thực hiện là “phù phép” các loại SIM thường thành SIM được hưởng ưu đãi của nhà mạng để bán ra ngoài thị trường.
 
Trên thực tế, các nhà mạng trong quá trình kinh doanh đều đưa ra một số gói cước hoặc chính sách ưu đãi cho nhóm đối tượng đặc thù: học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, giáo viên... Các thuê bao đặc thù được hưởng nhiều ưu đãi: tặng phút gọi, tin nhắn miễn phí, giá cước rẻ kèm theo chính sách sử dụng linh hoạt… Các gói cước ưu đãi đặc thù này đều có những quy định chặt chẽ về đối tượng sử dụng. Để đăng ký, khách hàng phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh chủ thuê bao là đối tượng được hưởng ưu đãi, ví dụ: Thuê bao gói cước sinh viên thì đối tượng phải là sinh viên, khi đăng ký gói cước cần có thẻ sinh viên còn hiệu lực; Gói cước học sinh thì chủ thuê bao phải là học sinh, ở độ tuổi 14 – 18, có CMND; Mỗi học sinh/sinh viên chỉ được đăng ký duy nhất 1 thuê bao…
 
Trao đổi với ICTnews chiều ngày 3/4/2013, lãnh đạo một mạng di động cho hay: “Vừa qua, sau khi rà soát dữ liệu hệ thống chúng tôi đã “xử” số lượng lớn thuê bao do đấu nối không đúng đối tượng được hưởng ưu đãi. Hành vi vi phạm của đại lý là sử dụng user được cấp phát để đấu nối sai gói cước, tuồn ra thị trường. Sau khi xuất bán và kiếm được khoản lợi nhuận kha khá, các đại lý chấm dứt kinh doanh nhằm đổ trách nhiệm lên nhà mạng và người tiêu dùng”.
 
Vị lãnh đạo này khuyến cáo, để tránh bị thiệt hại, khách hàng không nên mua và sử dụng các SIM không đúng đối tượng được bán trái phép trên thị trường bởi các nhà mạng sẽ rà soát hệ thống và xử lý các thuê bao đấu nối sai quy định.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, nhằm tăng cường quản lý thuê bao trả trước, các mạng di động cần rà soát, loại bỏ những đại lý không đủ năng lực để tránh trường hợp làm ăn theo kiểu chụp giật gây ảnh hưởng đến khách hàng.
 
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, muốn quản lý tốt thuê bao trả trước cũng như tình trạng SIM rác cần sự vào cuộc quyết tâm của lãnh đạo của các doanh nghiệp viễn thông. Qua thanh tra, đã phát hiện rất nhiều trường hợp phức tạp xuất phát từ sự chỉ đạo thiếu kiên quyết từ phía lãnh đạo các đơn vị. "Cục Viễn thông kiến nghị lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông chỉ đạo xuống các hệ thống của mình từ hệ thống bán hàng, kinh doanh nghiêm túc chấp hành các quy định về quản lý thuê bao trả trước", ông Hải nhấn mạnh.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, mặc dù số lượng thuê bao "ảo" đã hạn chế nhưng công tác quản lý thuê bao trả trước vẫn còn nhiều vấn đề. Thời gian tới, để kiểm tra việc thực hiện Thông tư 04 và Thông tư 14, Thanh tra Bộ TT&TT sẽ thực hiện thanh tra diện rộng. Dự kiến, Hội nghị tập huấn được diễn ra trong tháng 4/2013 và sau đó sẽ tiến hành thanh tra thuê bao trả trước. "Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ nắm được cụ thể hơn về thực trạng quản lý thuê bao trả trước và kịp thời chấn chỉnh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật", ông Hùng cho biết thêm.
Theo TH (ICTnews)

Nhan nhản tin nhắn lừa 

14/07/2010 00:54

Hàng loạt mánh khóe lừa đảo mới trên điện thoại di động khiến không ít chủ thuê bao sập bẫy

Tin nhắn rác và tin nhắn lừa không còn mới mẻ với người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Thế nhưng chưa bao giờ các loại tin nhắn lừa đảo lại “đa dạng” như hiện nay và nó cứ nhởn nhơ tồn tại và biến thái từ dạng này sang dạng khác, cộng với sự thờ ơ của cơ quan chức năng khiến rất nhiều người tiêu dùng, mặc dù đã cảnh giác nhưng vẫn bị “dính”.
 
Từ chối cũng dính
 
Qua rồi cái thời dùng tin nhắn để dụ người sử dụng ĐTDĐ với các nội dung như trúng thưởng, xem bói, tải nhạc... Gần đây những kẻ lừa đảo qua tin nhắn liên tục đưa ra những chiêu thức mới nhiều khi rất đơn giản nhưng đầy bất ngờ nên cũng khiến khối người mất tiền oan.
 
Thủ đoạn phổ biến nhất là soạn một tin nhắn theo kiểu “ăn hai mang” để “tận diệt con mồi”. Cũng một tin nhắn có nội dung tào lao nhưng bao giờ cũng thòng theo một câu chót kiểu: “Tu choi QC S/tin: TC gui 6092”. Không ít người bị nhiều tin nhắn kiểu này làm phiền đã lẹ tay bấm theo chỉ dẫn chỉ để trút bực tức và yêu cầu chấm dứt ngay trò quảng cáo đến máy cá nhân... Kết quả là chính tin nhắn từ chối đã khiến chủ thuê bao mất phéng 15.000 đồng.
 
Việc dụ thuê bao nhắn tin chơi cờ bạc, đề đóm công khai kiểu: “Ban da bao gio an LO va DE thong 1 tuan? Hay den voi TDTV 6792 de cam nhan su khac biet S/tin: CAU gui 6792 nhan ngay LO VIP. Tu choi QC S/tin TC gui 6092” cũng rất phổ biến. Trong trường hợp này nếu bạn nhắn tin chơi số đề tới 6792 hoặc bực tức nhắn tin từ chối đều bị mất tiền...
 
 
Nội dung một số tin nhắn lừa. Ảnh: HỒNG THÚY

Vừa qua, nhanh tay ăn theo World Cup, những kẻ lừa đảo đã tung ra hàng loạt kiểu tin nhắn lừa như: “Mat bao khan cap cuc Nong tu noi gian nha cai MACAO WIN cam ket thang keo 100% World Cup tran Duc - Tay Ban Nha WIN TIP gui 6765 Thua! WIN den tien gap 10 lan”. Đang “say máu” bóng đá, không ít người tin tưởng đã nhắn tin với hy vọng trúng thì quá tốt còn nếu không thì cũng chẳng mất gì vì tin nhắn nói sẽ đền tiền gấp 10 lần.
 
Và kết quả thực tế là đội Đức thua Tây Ban Nha trong đau đớn, hàng triệu tin nhắn đã gửi đi mất dạng với số tiền không nhỏ. Nhiều người bực tức đã “trút giận” bằng cách nhắn tiếp đến 6765 để đòi tiền, thế là lại mất thêm tiền...
 
Cảnh báo... lừa
 
Mới đây nhiều người sử dụng ĐTDĐ bất ngờ nhận được một tin nhắn cụt lủn: “So moi 1900599996”. Nghi đây là số điện thoại của người thân hay bạn bè nào đó mới thay nhiều người tò mò gọi tới với mục đích để biết số máy lạ kia là của ai. Nhưng khi gọi tới chỉ được nghe một đoạn nhạc “giựt”, hết đoạn nhạc này lại nghe tiếp một đoạn tấu hài. Thế là người gọi cứ dỏng tai lên nghe, tổng đài 1900599996 cứ thế rung đùi bấm giờ tính tiền 20.000 đồng/phút.
 
Không dừng ở đó, bọn lừa đảo còn nghĩ ra “chiêu” hướng dẫn các thuê bao cảnh báo sim điện thoại của họ có thể sẽ bị xâm nhập. Và để tránh bị xâm nhập, thuê bao phải làm theo hướng dẫn của tin nhắn: “Phai tu choi hoac tat may khi nhan duoc cuoc goi tu so la va nguoi goi tu nhan la ky su cua mot cong ty vien thong dang kiem tra duong dan may DTDD cua nguoi dung. Tuyet doi khong lam theo yeu cau nhan phim #90 hoac bat ky so nao, vi hien nay co mot cong ty lua dao, su dung chieu thuc yeu cau bam so #90 hoac 90#.
 
Nguoi nao nhe da lam theo thi sim DTDD cua ho se bi xam nhap. Ke xau se thuc hien cac cuoc goi ma chu tai khoan khong the kiem soat duoc. Do vay can gui thong tin nay cho nhieu nguoi de de phong”. Nhận được tin nhắn “cảnh báo” này, nhiều người tìm cách nhắn tin lại cho người thân bạn bè để cảnh giác, chỉ đến khi 2 mạng di động Vinaphone và Mobifone lên tiếng cảnh báo nội dung những thông tin trên là không đúng sự thật lúc ấy mọi người mới “té ngửa” và đương nhiên đã mất khối tiền... Song để truy tìm được ai là người phát tán những tin nhắn rác này thì các nhà mạng cho biết là... bó tay.
Người tiêu dùng lãnh đủ
Theo bà Nguyễn Hạnh Uyên, Trưởng văn phòng Khiếu nại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM: Chưa bao giờ mà những tin nhắn lừa đảo lại thỏa sức hoạt động công khai như hiện nay.
 
Người tiêu dùng sẽ không thể cảnh giác hết với những chiêu thức thủ đoạn mới ngày một tinh vi hơn. Trong khi đó, các nhà mạng gần như thả nổi công tác kiểm soát khiến người tiêu dùng lãnh đủ.
 
Cũng theo bà Nguyễn Hạnh Uyên, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý, cách tốt nhất để tránh được mất tiền oan, người tiêu dùng nên đoạn tuyệt hẳn với những tin nhắn dạng này, xóa ngay khi chúng dội vào máy.
Ngọc Mai

Chiêu lừa thuê xe chở hàng

21/12/2009 00:06

Mánh khóe lừa đảo này không mới nhưng nhiều người hành nghề xe ôm vẫn vào tròng

Chiều 18-12, anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1983), hành nghề xe ôm trước Khu Du lịch Suối Tiên – TPHCM, đã đến Báo NLĐ trình bày và đề nghị thông tin cho nhiều người biết về một chiêu lừa khá tinh vi, kỳ công mà nạn nhân chính là anh.

Anh Toàn cho biết trưa cùng ngày, khi anh đang đậu xe chờ khách ở khu Suối Tiên, một thanh niên trên 30 tuổi nói giọng miền Nam đến giới thiệu là tài xế xe tải ở Tiền Giang, cần anh chở một món hàng ra chợ An Lạc, quận Bình Tân giao cho một người tên P. Người này chìa ra chiếc hộp giấy vuông vức dán nhiều lớp băng keo, bên ngoài có ghi tên người giao - nhận cùng số điện thoại di động (ĐTDĐ). Ông ta dặn anh Toàn khi giao xong hàng nhớ chở két nước xe tải do người nhận hàng đưa về rồi lấy tiền công luôn  thể.

Anh Toàn liền nhận lời. Lúc này, ông  khách như chợt nhớ ra điều gì và yêu cầu anh chở đi cùng. Khi tới cầu vượt Thủ Đức, ông ta móc ĐTDĐ ra gọi cho ai đó nhưng bảo máy hết pin và đưa ĐTDĐ cho anh Toàn giữ rồi mượn ĐTDĐ của anh gọi cho ai đó.

Xong, ông ta nại lý do gấp quá, đem không đủ tiền và hỏi mượn anh Toàn 1 triệu đồng để lấy két nước xe tải. Nghe Toàn nói không có tiền, ông ta nhờ anh đi mượn. Toàn đành tới nhà dì của anh mượn tiền. Trên đường đi, Toàn đòi ĐTDĐ nhưng ông ta bảo mượn thêm lát nữa vì người giữ két nước xe tải sẽ gọi lại...

Những món linh tinh trong hộp giấy được dán cẩn thận để lừa anh xe ôm Nguyễn Văn Toàn

Khi đến đường Cao Thắng, ông ta yêu cầu anh Toàn chở đến chợ Thái Bình trên đường Cống Quỳnh (quận 1) để lấy két nước xe tải. Tại đây, ông ta bảo anh Toàn đưa tiền và chờ ở ngoài khoảng 10 phút. Anh Toàn kể: “Lúc đó, tôi giữ chiếc ĐTDĐ và gói hàng của ông ta nên không nghi ngờ gì.

Tuy nhiên, đợi gần 30 phút không thấy ông ta, tôi tới chỗ điện thoại công cộng gọi vào số máy của mình nhiều cuộc nhưng không có tín hiệu. Nghi ngờ, tôi cầm ĐTDĐ của ông ta đến tiệm buôn bán điện thoại hỏi thì mới biết đó chỉ là chiếc ĐTDĐ mô hình! Tháo hộp giấy ra, tôi thấy bên trong chỉ có các thứ linh tinh như: 5.000 đồng tiền kim loại, một cục đá, kim chỉ, vỏ hộp thuốc lá...”.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, mánh khóe lừa đảo nêu trên không có gì mới. Trước đó, tại TPHCM đã có 2 vụ tương tự xảy ra trước khu vực Bến xe An Sương (quận 12) và trước cổng Khu Du lịch Đầm Sen (quận 11).

Cũng với thủ đoạn nhờ chở gói hàng (đã được dán cẩn thận bằng băng keo), bọn lừa đảo yêu cầu hai người xe ôm chở về chợ An Lạc và Bến xe Miền Tây để giao cho một người nào đó. Trên đường đi, chúng tìm cách mượn tiền, ĐTDĐ của hai người rồi tìm cách tẩu thoát.
Bài và ảnh: BẰNG AN

Thừa Thiên - Huế: Xuất hiện mánh khóe lừa đảo mới 

26/07/2009 14:28

Các đối tượng đến các quầy tạp hóa gạ hợp đồng làm đại lý cho công ty và gạ bán các mặt hàng như: Nước ngọt, xà phòng, mì ăn liền, dầu ăn… với giá rẻ; đồng thời, khuyến mãi mỗi quầy một tủ kính để trưng bày sản phẩm.

Các đối tượng giao hàng trong các thùng giấy, lợi dụng người mua không kiểm tra bên trong nên đã giao thiếu số lượng hoặc có rất ít.

Những ngày cuối tháng 7-2009, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế xuất hiện một nhóm tội phạm với mánh khóe lừa đảo mới.

Theo các nhân chứng kể lại, nhóm này gồm 4 người, nói giọng miền Nam, tự xưng là nhân viên của Công ty Thương mại dịch vụ tổng hợp MERTTRO STAR (có trụ sở ở TP HCM), đi một xe ôtô loại 12 chỗ ngồi, BKS 60S-1912.

Các đối tượng đến các quầy tạp hóa gạ hợp đồng làm đại lý cho công ty và gạ bán các mặt hàng như: Nước ngọt, xà phòng, mì ăn liền, dầu ăn… với giá rẻ; đồng thời, khuyến mãi mỗi quầy một tủ kính để trưng bày sản phẩm. Các đối tượng giao hàng trong các thùng giấy (không nhìn thấy bên trong), lợi dụng người mua không kiểm tra bên trong nên đã giao thiếu số lượng hoặc có rất ít.

Với thủ đoạn này, 4 đối tượng nói trên đã thực hiện trót lọt 2 vụ: Một ở quầy tạp hóa của chị Trần Thị Hoà (Phong Thu, Phong Điền) lấy đi 5 triệu đồng; một vụ ở quầy tạp hoá của chị Hoàng Thị Phương Thảo (phường An Cựu, TP Huế) lấy 8 triệu đồng.

Công an Thừa Thiên - Huế khuyến cáo người dân cần cảnh giác với hành vi lừa đảo trên, đồng thời đang khẩn trương điều tra truy xét 
Theo Công Bình (Công an Nhân dân)

Giả danh công an, lừa đảo gần 2 tỷ đồng

Tự xưng cán bộ điều tra của Bộ Công an, dọa liên quan đến vụ án giết người, buôn bán ma túy...

Ngày 20-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã lấy lời khai chị D.T.P. (SN 1978, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) để truy tìm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Theo điều tra ban đầu: Ngày 17-3, chị P. nhận được điện thoại của người đàn ông tên Vũ Văn Tư, tự xưng cán bộ điều tra của Bộ Công an, đang điều tra vụ án giết người, buôn bán ma túy và mua bán người. Tư nói tài khoản trong ngân hàng của chị P. nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội, yêu cầu nạn nhân phải kê khai, chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản sang tài khoản của Tư để quản lý.
Sau khi xác minh xong, nếu không liên quan Tư sẽ trả lại số tiền trên. Lúc 10h và 14h30’ ngày 17-3, chị P đã chuyển tổng cộng 1.960.596.000đ vào tài khoản ngân hàng Agribank Lạng Sơn của Tư.
Qua xác minh tại Agribank Vĩnh Cửu, lực lượng Công an phát hiện tài khoản của đối tượng Tư mở ở ngân hàng Agribank Lạng Sơn đã rút toàn bộ số tiền do chị P. chuyển đến.
Theo N.Văn
Công an nhân dân
 
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH