Ai trong số chúng ta cũng đều luôn đấu tranh cho hạnh phúc và hướng tới tương lai tươi sáng. Thế nhưng nếu chính điều đó lại khiến ta bất hạnh hơn thì sao?


Hạnh phúc chính là điều chúng ta luôn khao khát đạt tới, là nhân tố khiến chúng ta hăng say lao động và tìm cách để bảo vệ. Sẽ thế nào nếu ai đó nói với bạn rằng một nỗi buồn nho nhỏ cũng có tác dụng vun đắp tâm hồn bạn tươi đẹp hơn? Thậm chí về cơ bản, mục đích cuối cùng của nỗi buồn chính là để bạn thấy hạnh phúc thật ngọt ngào hơn.
Đã sống thì phải có vui có buồn, có sáng có tối. Đó là lí do vì sao chúng ta lại chú ý, thấy hân hoan trước một ngày nắng vàng rực rỡ sau ngày mưa ẩm ướt ảm đạm. Nỗi buồn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, khiến hạnh phúc càng thăng hoa và ý vị hơn.
Trong khi đó, tính tích cực của sự buồn phiền được lý giải theo quan điểm triết học lại chẳng chứng tỏ điều gì trên phương diện khoa học. Các nhà khoa học cảnh báo rằng xu hướng dùng thuốc chống trầm cảm như thể đó là một căn bệnh đã ngăn chúng ta đón nhận sự đau khổ cũng như loại bỏ động lực để trưởng thành về cảm xúc.
Không có nỗi buồn chúng ta sẽ chẳng thể nào biết trân trọng ý nghĩa thực sự của niềm vui sướng, và tương tự như thế nếu không gặp phải biến cố, chúng ta cũng chẳng thể đánh giá đúng giá trị của sự bình yên. Bản chất cân bằng vốn có của cuộc sống đòi hỏi phải có những mảng sáng và tối, có niềm vui và nỗi buồn, có rối loạn và bình yên. 
Hãy trang bị cho mình cách kiểm soát cảm xúc để đối diện với sự đa dạng trong cảm xúc bạn hiện có, đồng thời phát huy sức mạnh nội tâm để tránh rơi vào trạng thái dễ bị “cạn kiệt” hay quá căng thẳng. Muốn có được một trang thái tinh thần khỏe mạnh bạn nên dành thời gian và học cách điều chỉnh cảm xúc bởi nó hết sức cần thiết và là một hoạt động lành mạn.
Thế nên hãy cứ để cho nỗi buồn đến bên bạn với 6 lý do sau đây:
  1. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mang tâm trạng buồn có xu hướng biết cảm thông hơn, ít tự mãn hơn và biết lắng nghe; nói tóm lại họ thường là người bầu bạn tốt hơn.
  2. Nỗi buồn khiến bạn suy nghĩ sâu xa hơn, tiếp nhận thông tin mới và thận trọng xem xét lại những ý tưởng cũ, tất cả đều cần thiết bởi vì, trớ trêu thay, cuộc sống là một chuỗi những đổi thay liên miên.
  3. Nỗi buồn là một bài kiểm tra thực tế. Nó giúp chúng ta nhận biết cái gì thực sự quan trọng để sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện cho hợp lý. Đó chính là đòn bẩy cuộc sống của mỗi người.
  4. Nỗi buồn có thiên hướng giúp chúng ta biết đồng cảm hơn, khi chính mình đã trải nghiệm qua nỗi đau, ta có thể hiểu và xoa dịu nỗi đau của người khác.
  5. Nỗi buồn trao cho ta cơ hội để trưởng thành hơn; câu châm ngôn ‘có khổ đau mới có thành công’ dù nghe hời hợt nhưng vẫn quá đúng.
  6. Sợ hãi đóng vai trò như lời cảnh báo về sự hiện diện của mối hiểm nguy; tương tự như vậy, cảm giác phiền muộn giống như một tín hiệu kêu cứu. Đó là bản năng sinh tồn biểu hiện rõ ở loài khỉ, chó và voi. Do vậy nếu bạn thấy lúc nào mình cũng luôn “vui phơi phới” thì rất có thể bạn đang xem thường những mối đe dọa thực sự.