Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 96

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                         Đại tướng Hoàng Văn Thái

Đại tướng Hoàng Văn Thái

 

Đại tướng Hoàng Văn Thái - Võ, Văn toàn diện

Đại tướng Hoàng Văn Thái được đánh giá là một trong những vị tướng có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống chủ nghĩa thực dân.

Người “có duyên” cầm cờ từ ngày thành lập quân đội

Đại tướng Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh tháng 5/1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Từ nhỏ, Hoàng Văn Xiêm là một học sinh chăm chỉ, ham học nhưng năm 13 tuổi đã phải bỏ học đi làm thuê. Năm 1936, do tham gia các hoạt động bãi công chống lại chủ mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), ông bị đuổi việc. Hoàng Văn Xiêm trở về quê và tích cực hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tháng 3/1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1941, ông lấy bí danh là Quốc Bình, cùng với Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập được cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối tháng 10/1944, Hoàng Văn Xiêm về nước với bí danh mới: Hoàng Văn Thái.

Ngày 22/12/1944, Hoàng Văn Thái là một trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến. Theo hồi ức của các đồng đội, ông là người cầm lá cờ trong buổi lễ thành lập đội. Trong trận đánh đồn Nà Ngần, ông cũng là người cắm lá cờ chiến thắng. Không chỉ Hoàng Văn Thái mà cả vợ ông cũng “có duyên” với lá cờ trong những ngày trọng đại. Bà Đàm Thị Loan (phu nhân của ông) là một trong hai người kéo lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trong buổi lễ Độc lập thiêng liêng ngày 2/9/1945 ở Hà Nội.

Vị tướng tham mưu lỗi lạc

Ngày 7/9/1945, Chủ tịch  Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng với những lời căn dặn: “... tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm dịch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”. Vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi đó mới 30 tuổi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội, ông cùng với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch tác chiến của Tư lệnh Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ. Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội đã kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong thành phố hai tháng, thêm thời gian chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Ngày 20/1/1948, Hoàng Văn Thái nhận quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên.

Ngày 26/11/1953, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái dẫn đầu đoàn cán bộ tiền trạm Bộ Tư lệnh tiền phương lên đường đi Tây Bắc. Ông được bí mật cử làm Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 30/11, ông dừng lại nghiên cứu tập đoàn cứ điểm Nà Sản rất kiên cố của Pháp. Chính những nghiên cứu thực địa kỹ lưỡng này đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm cho trận quyết chiến Điện Biên Phủ với công sự kiên cố của quân Pháp.

Tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu

Khi soạn kế hoạch tác chiến cho hai năm 1975 - 1976, Hoàng Văn Thái  nhận định: “Dù bằng cách nào và bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, bản kế hoạch yêu cầu các lực lượng phải ngay lập tức hành động và khai thác triệt để thời cơ, mở cuộc tấn công bằng mọi sức mạnh có thể có để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất có thể được trước khi ‘đối phương có xu hướng can thiệp’, nghĩa là trước khi Hoa Kỳ và Trung Hoa kịp có phản ứng”. Lịch sử đã chứng minh những nhận định này hoàn toàn chính xác, thể hiện tầm nhìn của một vị tướng chiến lược tài ba.

Trong trận tổng công kích mùa xuân năm 1975, ông được phân công là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện, Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất. Trên thực tế ông đã đảm nhiệm vai trò Tổng Tham mưu trưởng lần thứ ba, thay cho tướng Văn Tiến Dũng bí mật vào Nam để trực tiếp chỉ huy chiến trường.

Năm 1980, ông được phong quân hàm Đại tướng. Trước Đại hội Đảng lần thứ VI, 5 giờ 7 phút sáng ngày 2/7/1986, ông đột ngột qua đời.

Hơn 45 năm gắn bó với từng bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đi qua hai cuộc kháng chiến, tham gia chỉ huy 15 chiến dịch lớn, Đại tướng Hoàng Văn Thái được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng tham mưu. Người Mỹ đã từng coi ông là người số 1 trong Danh sách Việt Cộng tại miền nam Việt Nam.

Vị tướng tài hoa, tràn đầy tình cảm


Là một tướng chỉ huy và tham mưu, nhưng Hoàng Văn Thái có thể chất tốt như một nhà thể thao (ông cao 1m75). Ông còn là một người yêu âm nhạc, là một nhạc công. Ít người biết rằng ông là tác giả bài hát “Phất cờ nam tiến” sáng tác trong đêm trước buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với những lời ca hào sảng, tràn đấy khí thế: “Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến/ Mau bước đều lên, tiến tới cho kịp thời cơ/ Phong trào lên đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa/ Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long/ Trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau...”. Cũng ít người biết từ năm 1949, Hoàng Văn Thái đã đề xuất hệ thống ký hiệu tổ chức đơn vị quân đội Việt Nam theo ký hiệu ABC. Từ đó đến nay, các ký hiệu chỉ từng cấp đơn vị được sử dụng thống nhất trong toàn quân.

Là một vị tướng, nhưng Hoàng Văn Thái luôn chăm sóc, dành tình thương của mình cho các chiến sĩ. Ông đã khóc khi nghe bộ đội (vẫn) trả lời “No ạ!” với phần cơm ít ỏi đạm bạc trong kháng chiến. Đối với đồng nghiệp, cấp dưới trong cơ quan, ông sống có tình có nghĩa, thường xuyên thăm hỏi động viên. Ông cũng là người rất gắn bó với quê hương. Những bí danh của ông như An hay Mười Khang được lấy từ tên làng An Khang nguyên quán, hay Quốc Bình, Hoàng Văn Thái lấy từ tên tỉnh quê hương Thái Bình đã nói rõ điều này.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về tướng Hoàng Văn Thái: “Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục”.
T.S. Ngô Vương Anh

Những dòng thư dạy 8 người con của vị đại tướng

Qua hồi ức của bà Hoàng Minh Châu – người con thứ 6 của Đại tướng, thì ngay từ khi các con còn nhỏ, Đại tướng đã rất chú ý rèn dạy. Mặc dù rất bận công việc, nhưng ông vẫn dành thời gian phân công, giao việc cho các con rồi kiểm tra và nhắc nhở.
Giao việc nhà để rèn sự giản dị, khiêm tốn
Bà Hoàng Minh Châu nhớ lại: “Chị Nguyệt tôi vẫn kể chuyện vui ngày nhỏ được cha phân công cuốc một mảnh đất để chuẩn bị trồng rau. Khi chị vừa cuốc được một ít thì các bạn trong khu tới rủ đi bơi, thế là chị cuốc đất qua quít cho xong rồi đi bơi với các bạn. Chiều tối về, cha tôi gọi chị ra nhắc nhở rằng con làm dối để cha về phải cuốc đất lại. Cha nhẹ nhàng yêu cầu chị lần sau không được làm như vậy, khi đã nhận bất cứ việc gì thì phải cố gắng làm đến nơi đến chốn cho thật tốt, không được làm dối để người khác phải làm lại. Cha tôi ít nói, điều cha nhắc dù chỉ một lần, chúng tôi đều nhớ mãi”.
đại tướng, Hoàng Văn Thái
 Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986)
Đại tướng Hoàng Văn Thái rất thích tăng gia trồng trọt. Ông phân công các con tham gia cuốc đất, trồng rau và tưới rau, nhổ cỏ... Ông coi việc tăng gia không chỉ là để cải thiện sinh hoạt gia đình, rèn luyện sức khỏe mà quan trọng hơn còn là để xây dựng ý thức yêu lao động, biết trọng người lao động và biết quí mọi thành quả của lao động. “Chính từ những việc làm này, ông đã dạy chúng tôi một nếp sống giản dị, trung thực, cần kiệm, khiêm tốn, biết quí trọng của công” – bà Châu cho biết. “Ngoài trồng rau ăn, gia đình tôi cũng nuôi lợn, gà nữa. Hàng ngày, chúng tôi được phân công thái rau, nấu cám lợn, cho lợn gà ăn và quét rửa chuồng lợn. Làm nhiều, quen việc, dần dần chúng tôi không còn ngại khó, sợ bẩn”.
đại tướng, Hoàng Văn Thái
Nếu không có chiến tranh, ông mong muốn sẽ là một giám đốc nông trường.
Yêu lao động, chăm sóc cây quả là một thú vui thường ngày của ông dù ở nhà hay tại chiến trường.
Ông Hoàng Quốc Hùng, con trai của Đại tướng thì có một kỉ niệm mà ông mãi mãi không thể nào quên. “Chú Hoàng Văn Thiệm là em của cha do di chứng vết thương  hồi kháng chiến chống Pháp bị liệt hai chân  phải ngồi xe lăn. Tôi nhớ đầu năm 1969, cha ra Bắc báo cáo tình hình cách mạng miền Nam cho Bộ Chính trị và Bác Hồ. Trên cho xe đón chú lên nơi ở của cha lúc đó tại Quảng Bá để anh em gặp nhau sau quãng thời gian dài xa cách. Khi xe tới, cửa vừa mở, có chú bảo vệ chìa lưng ra để cõng chú Thiệm. Cha liền đi nhanh tới và nói: “Cảm ơn các cậu, đây là việc riêng của anh em chúng tớ”, rồi cúi xuống cõng em mình. Chú Thiệm ngồi trên lưng cha, xúc động rớt nước mắt”.
Lời dạy từ những lá thư
Sống ở Hà Nội cùng gia đình được 5 năm, tới tháng 10/1960, Đại tướng Hoàng Văn Thái  (khi đó là Trung tướng) được cử đi học lớp quân sự cao cấp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đến tháng 11/1962.
đại tướng, Hoàng Văn Thái
Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân
Tháng 3/1966, Đại tướng lại nhận nhiệm vụ vào Nam. Một thời gian sau thì phu nhân Đại tướng cũng đi B. Các con ông tuy phải sống xa cha mẹ nhưng luôn nhận được sự động viên an ủi rất nhiều bởi tình thương yêu đùm bọc của các cô, chú, bác cũng như sự gần gũi thân thiết, cảm thông của bạn bè trong Khu.
Ở chiến trường rất bận, nhưng ông thường xuyên viết thư cho các con, lúc thì viết chung rồi mọi người truyền nhau đọc, lúc thì ông viết riêng cho từng con vì điều kiện chiến tranh mỗi đứa học ở một nơi.
đại tướng, Hoàng Văn Thái
Cha và con
Tết năm 1967, ông động viên các con: “Ở nước ngoài, trên hậu phương lớn chắc các con nhớ Tổ quốc lắm, nhớ gia đình lắm phải không? Đúng, người ta ai cũng có gia đình và Tổ quốc. Không đâu yêu quí và đẹp bằng đất nước thân yêu của mình… Lúc này Đảng và Tổ quốc đang cần các con học tập, trau dồi đạo đức cách mạng để trở nên những thanh niên có đức có tài, mai ngày đem tuổi thanh xuân với nghị lực mạnh mẽ của mình ra xây dựng đất nước…” (thư tháng 3/1967).
đại tướng, Hoàng Văn Thái
Gia đình tướng Hoàng Văn Thái năm 1960
Hàng trên từ phải sang: Hoàng Quốc Trinh, Hoàng Minh Tuyết, Hoàng Minh Nguyệt, Hoàng Minh Châu
Hàng dưới từ phải: Hoàng Quốc Hùng, Tướng Hoàng Văn Thái , Bà Đàm Thị Loan, Hoàng Minh Phượng
Ông luôn thấu hiểu nỗi lòng của con cái: “Các con ạ, muốn trưởng thành, trước hết phải bồi dưỡng và rèn luyện cho mình có lý tưởng. Có lý tưởng rồi, còn phải coi việc phấn đấu cho lý tưởng là điều cao quí nhất, là hạnh phúc lớn nhất. Ngoài ra trong cuộc sống, phấn đấu có quan điểm và xây dựng đúng về tình bạn, tình đồng chí...”. Ông luôn tỏ ra tin tưởng, dù: “Các con tuổi đang còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm đấu tranh trong xã hội, trong cuộc sống. Cuộc sống sẽ rèn luyện dần cho các con, nhưng các con phải tự rèn luyện mình có một cuộc sống có lý tưởng, lý tưởng của những thanh niên của thế hệ Hồ Chí Minh, của một người dân nước Việt Nam anh hùng. Ba tin ở các con lắm” (thư tháng 8/1967).
Ông viết thư đều và luôn yêu cầu các con viết ra những suy nghĩ, cảm nhận của mình để ông hiểu và kịp thời uốn nắn. Ông thường nói: “Cha tuy không có nhiều thời gian, nhưng lúc nào có thể là cha viết, mỗi ngày viết một ít, khi có người đi là cha có thể gửi được thư dài, các con cũng nên làm như vậy để cha con mình luôn hiểu nhau và thấy gần nhau hơn”.
đại tướng, Hoàng Văn Thái
Trung tướng Hoàng Văn Thái (người ngồi giữa) họp với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam, năm 1967
Hè năm 1968, Hoàng Minh Châu tốt nghiệp lớp 10 Trường Nguyễn Văn Trỗi. Ông viết thư động viên: “Chắc khi nhận được thư này, con đã thi xong rồi đấy nhỉ?... Ba tin rằng con Ba không buồn vì ba mẹ đi vắng cả…Cũng có lúc nghĩ khi các con về không có ai ở nhà trong lúc các bạn khác có cha mẹ rồi có thể các con tủi thân, nhưng ba mẹ lại nghĩ chắc các con đã lớn, biết suy nghĩ, nên dù có nghĩ gì cũng để trong lòng và sẽ phấn đấu. Không những thế các con còn thấy tự hào vì ba mẹ mình đang trên tiền tuyến lớn, đang ngày đêm vì sự nghiệp chống Mỹ giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và các con lại càng thấy vui trong lòng, càng thấy mình phải làm gì đây, phải cố gắng thế nào đây cho vui lòng và xứng là con của ba mẹ…”.
 đại tướng, Hoàng Văn Thái
Hình ảnh về tình yêu đẹp mà giản dị của một vị tướng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt tại miền Nam!
“Cha cũng luôn dặn chúng tôi phải rèn cho mình tinh thần tự lập tự cường tức là tự mình biết phấn đấu, không ỷ lại, phải tự cố gắng học tập, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, phẩm hạnh” – bà Châu xúc động chia sẻ.
Nhiều lúc ông cũng tâm sự: “Các con yêu quí! Nhiều đêm không ngủ được, Ba rất nhớ các con, nhớ những ngày gia đình đoàn tụ, những buổi Ba con ta cùng lao động, sinh hoạt, cả những lúc các con còn nhỏ dại chưa biết nghe lời và những khi các con chăm chỉ học tập, cùng nhau vui đùa…” (thư tháng 6/1968).
Ông luôn lắng nghe và động viên góp ý cho các con: “Trong thơ con có viết một số điểm tự phê bình như thế là tốt. Nhưng chú ý đừng bi quan về khuyết điểm mà cái chính là biết để kiên quyết sửa chữa. Con chưa có kinh nghiệm nhiều trong cuộc sống, đó là điều tất nhiên. Nhưng trong cuộc sống và chiến đấu con sẽ dày dạn trưởng thành lên. Đó cũng là quy luật. Nhưng không phải tự nhiên nó tiến bộ mà phải có sự cố gắng của bản thân, con biết làm điều này ba mẹ rất vui lòng...” (thư tháng 10/1969).
Là người sống rất tình cảm và trọng nghĩa tình, đại tướng luôn nhắc các con viết thư cho ông bà ngoại (ông bà nội đã mất cả). Ông căn dặn: “Các con uống nước phải nhớ nguồn, bất kỳ đi xa mấy cũng phải nhớ đến ông bà sinh ra cha mẹ mình. Ông bà bây giờ già, ở nhà một mình, thỉnh thoảng các con viết thư thăm hỏi thì ông bà sẽ vui mừng, khỏe mạnh…”.
Năm 1971, khi bà Châu đang đi thực tập ở bệnh viện, đại tướng viết thư động viên con gái: “Con học đa khoa à, sau này con có định đi sâu vào chuyên khoa nào không? Ba tin tưởng con sẽ trở thành thầy thuốc giỏi, đúng như lời Bác Hồ dậy “Lương y như từ mẫu”. Do đó con vừa phải giỏi chuyên môn lại vừa phải rèn luyện đức tính kiên trì nhẫn nại, tinh thần phục vụ tận tụy…” (thư tháng 11/1971).
“Thư Cha viết cho chúng tôi lúc nào cũng vui, lúc nào cũng đầy tình cảm và sự tin tưởng, động viên chúng tôi cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện để sau này cống hiến được nhiều cho Tổ quốc” - bà Hoàng Minh Châu chia sẻ.
đại tướng, Hoàng Văn Thái
Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái bàn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên, năm 1975
“Ông không bao giờ nói về bản thân, về công việc cũng như các trọng trách ông giữ. Trong thư ông chỉ kể về gương chiến đấu của các bạn cùng lứa chúng tôi, không được đi học như chúng tôi nhưng chiến đấu rất dũng cảm và chỉ viết: “Gần đây các con nghe đài báo thấy quân ta ở miền Nam đánh thắng Mỹ dồn dập, trong đó có một phần rất nhỏ của Ba đóng góp tham gia đấy””...
Ngân Anh (lược thuật)- Ảnh tư liệu
Đại tướng Hoàng Văn Thái - vị tướng trận mạc nhà lý luận quân sự của Đảng ta
Đại tướng Hoàng Văn Thái làm việc với Bộ Tư lệnh Công binh năm 1974. (Ảnh tư liệu.)
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thái gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt là quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Hoàng Văn Thái sinh ngày 01-5-1915, tại Thái Bình, tham gia hoạt động cách mạng khi mới 18 tuổi. Năm 1938, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi 23 tuổi, từng bị địch bắt  giam. Những dấu mốc đầu tiên đáng nhớ và gắn cuộc đời của Hoàng Văn Thái với lĩnh vực quân sự, quân đội - Đội trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn và cũng là người trực tiếp thành lập Đội (cuối năm 1940) và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, (năm 1944), Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật,… có lẽ là tiền đề để trở thành vị tướng tài ba, nhà lý luận quân sự của Đảng. Hoạt động trong Quân đội, trưởng thành, phát triển cùng Quân đội, đồng chí Hoàng Văn Thái được giao nhiều trọng trách, cương vị khác nhau: Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, Đại biểu Quốc hội khóa VII. Mấy chục năm trong Quân đội, Đồng chí đã phụ trách công tác: tình báo, tham mưu, tác chiến, nhà trường, huấn luyện,… và ở cương vị nào, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Nhưng trong đó, mặt công tác mà đồng chí gắn bó nhất, tham gia lâu nhất, để lại dấu ấn sâu đậm nhất là công tác tham mưu, tác chiến. Đại tướng Hoàng Văn Thái là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (07-9-1945) khi mới 30 tuổi và cũng là người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Hoàng Văn Thái  đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong lĩnh vực quân sự, Quân đội, nổi bật với tư cách: vị tướng trận mạc, nhà lý luận quân sự của Đảng ta.
Vị tướng trận mạc dày dạn
Đó là cách nói hình ảnh về Đại tướng Hoàng Văn Thái, nhưng hoàn toàn đúng theo nghĩa đen. Bởi, Đồng chí là một trong số tướng lĩnh của Quân đội dày dạn thực tiễn chiến trường qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Không những thế, đồng chí còn trực tiếp tham gia với cương vị chỉ huy tham mưu, tác chiến ở hầu hết các chiến dịch lớn, chiến dịch có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong chiến tranh, lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Và, để giành thắng lợi thì một trong những mặt công tác quan trọng nhất cần phải làm tốt đối với Quân đội là tham mưu, tác chiến. Trong đó, Bộ Tổng tham mưu là cơ quan chiến lược trọng yếu chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện công tác này. Cũng vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bộ Tổng tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện quân sự cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta cho rõ ràng, bầy mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thống nhất, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”1. Nêu như vậy để thấy rõ vai trò và những đóng góp to lớn của Đại tướng Hoàng Văn Thái đối với Quân đội, trực tiếp là Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt là khi thành lập và trong giai đoạn Đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng (1945 - 1953). Việc xây dựng Bộ Tổng Tham mưu chỉ sau thời gian ngắn thành lập Quân đội và ít ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để xứng đáng với niềm tin của Đảng, bằng những kiến thức cơ bản được trang bị qua đào tạo ở nước ngoài, cùng kinh nghiệm thực tiễn được tích lũy, đồng chí Hoàng Văn Thái đã cùng một số cán bộ quân đội dốc sức xây dựng, tổ chức Bộ Tổng tham mưu, hệ thống cơ quan tham mưu toàn quân hoạt động nền nếp, từng bước phát triển, hoàn thiện, giúp cho Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triển khai, chỉ đạo tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhất là quân đội nhân dân ngày càng trưởng thành vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngoài trọng trách là Tổng Tham mưu trưởng, Đồng chí còn trực tiếp làm Tham mưu trưởng, Đảng ủy viên các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Đường 18, Hà - Nam -Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc và Chiến dịch Thượng Lào. Đặc biệt, trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Đồng chí không những có đóng góp quan trọng vào việc hoạch định kế hoạch tác chiến chiến lược, làm phá sản Kế hoạch Na-va (trọng tâm là ý định tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp), mà còn trực tiếp chỉ huy tham mưu, tác chiến và giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tại mặt trận Điện Biên Phủ, tạo thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Hoàng Văn Thái có mặt tại chiến trường miền Nam từ đầu năm 1966, được giao nhiều nhiệm vụ, giữ nhiều trọng trách. Từ năm 1966 - 1972, Đồng chí được chỉ định làm quyền Bí thư Khu ủy Khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5; Phó Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy Miền, Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền. Với cương vị đó, Đồng chí đã trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo các đợt hoạt động tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) và các chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Toàn thắng (01-1971), Chen la 1, Chen la 2 của địch và góp phần giành thắng lợi của ta trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Tiến công tổng hợp năm 1972.
Sau Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-01-1973), đồng chí Hoàng Văn Thái từ chiến trường miền Nam ra Bắc và trở lại công tác tại Bộ Tổng tham mưu, với cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng thứ Nhất, phụ trách tác chiến và chi viện chiến trường. Đóng góp nổi bật của Đồng chí trong thời gian này là đã cùng với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo cơ quan xây dựng Kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam (1975 - 1976) theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Và tiếp đó, giúp Bộ thống soái tối cao chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch, từ công tác chuẩn bị các mặt, nhất là các binh đoàn chủ lực đến việc tạo thế và lực, nắm thời cơ lịch sử để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Khái quát những dấu mốc quan trọng trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc suốt mấy chục năm ròng, thông qua những trọng trách mà đồng chí Hoàng Văn Thái được giao, những cương vị từng đảm nhiệm, những chiến dịch lớn đã tham gia, chúng ta càng thấy rõ những cống hiến to lớn và chân dung của một vị tướng trận mạc dày dạn của Quân đội ta.
Nhà lý luận quân sự sắc sảo
Lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng. Vai trò của lý luận là chỉ đạo thực tiễn; nhưng, lý luận lại xuất phát từ thực tiễn, nghiên cứu thực tiễn mà khát quát lý luận, bổ sung và hoàn thiện lý luận để tiếp tục chỉ đạo thực tiễn đạt những thành tựu mới. Đối với cách mạng vô sản, nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ ra rằng: không có thực tiễn cách mạng thì không có lý luận cách mạng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam vô cùng phong phú và đầy khắc nghiệt qua mấy mươi năm đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc, do đó lý luận cách mạng của Đảng ta mà biểu hiện tập trung ở đường lối, quan điểm hết sức đúng đắn, sáng tạo, không ngừng phát triển hoàn thiện và đó là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Hoàng Văn Thái có thể thấy Đồng chí là hiện thân, là minh chứng của mối quan hệ: lý luận - thực tiễn, thực tiễn - lý luận. Trước hết, Đồng chí là con người của thực tiễn, hơn thế còn là thực tiễn quân sự, thực tiễn chiến tranh - môi trường khắc nghiệt nhất, cam go nhất. Và chính điều đó, và từ điều đó, từ một vị tướng trận mạc dày dạn hình thành nên nhà lý luận quân sự Hoàng Văn Thái. Có thể khẳng định như vậy qua những tác phẩm quân sự có giá trị lý luận cao mà ông đã để lại cho Quân đội, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trong suốt mấy mươi năm hoạt động cách mạng, lặn lội thực tiễn chiến trường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầy cam go, quyết liệt của dân tộc ta, với phẩm chất và tư cách của một cán bộ quân sự, vị tướng trận mạc, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã viết hơn mười tác phẩm và hồi ký, hàng trăm bài nghiên cứu có giá trị lý luận, chỉ đạo thực tiễn đăng trên các báo, tạp chí lý luận như: Quân sự Tập san, Quân chính Tập san, Tạp chí Quân đội nhân dân, Tạp chí Học tập, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Công tác Nhà trường v.v.
Hầu hết những tác tác phẩm, bài viết trên đề cập về chiến tranh, quốc phòng, quân sự, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, về khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự, về công tác chỉ huy tham mưu, tác chiến, v.v. Đó thực sự là những tác phẩm quân sự, công trình nghiên cứu khoa học quân sự có giá trị lý luận, thực tiễn. Trong cuốn “Tổng tập của Đại tướng Hoàng Văn Thái” dày 900 trang, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân biên soạn, ấn hành năm 2007 đã đăng 02 tác phẩm hồi ký (Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử và Những năm tháng quyết định), 02 tác phẩm quân sự (Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và Mấy vấn đề về chỉ huy tham mưu), cùng phụ lục gồm danh mục 17 tác phẩm đã xuất bản, 80 bài đăng tạp chí và 39 bài đăng Báo Quân đội nhân dân trong giai đoạn từ năm 1948 - 1979.
Điều rất đáng quan tâm là, Đại tướng Hoàng Văn Thái có những bài viết về quân sự từ khá sớm (năm 1948) và những bài viết, những tác phẩm đó thể hiện sâu sắc tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo và nó không chỉ giàu tính lý luận, mà còn luôn mang hơi thở thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn. Thiết nghĩ,  với chừng đó những tác phẩm, hồi ký, bài viết đủ khẳng định, khắc họa chân dung nhà lý luận quân sự Hoàng Văn Thái.
Trong những ngày này, các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái (01-5-1915 – 01-5-2015) đang diễn ra sôi nổi trong toàn quân. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, với lòng biết ơn, niềm tự hào sâu sắc về Đại tướng Hoàng Văn Thái - vị tướng trận mạc, nhà lý luận quân sự, Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
NGUYỄN HÀ ANH

Đại tướng Hoàng Văn Thái - Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội

A- A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Với kiến thức và tài năng quân sự xuất sắc, Đại tướng Hoàng Văn Thái trở thành một vị tướng mẫu mực về công tác tham mưu, chỉ huy chiến đấu.

Hội thảo khoa học về Đại tướng Hoàng Văn Thái tổ chức sáng 17/4, tại Hà Nội
Hội thảo khoa học về Đại tướng Hoàng Văn Thái tổ chức sáng 17/4, tại Hà Nội
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái (1/5/1915-1/5/2015) - Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, sáng 17/4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Hoàng Văn Thái – Nhà quân sự tài năng, đức độ của cách mạng Việt Nam”.
Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, Đại tướng Hoàng Văn Thái là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đảng viên cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, tận hiếu với nhân dân.
Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Hoàng Văn Thái được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin cậy giao nhiều chức vụ quan trọng. Đại tướng là một trong những người lãnh đạo, chỉ huy quân sự có ảnh hưởng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển lực lượng vũ trang, quân đội, có công lao to lớn trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được cán bộ và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Cung nhấn mạnh: “Không chỉ là một nhà tổ chức thực tiễn quân sự xuất sắc, Đại tướng Hoàng Văn Thái còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận trong quá trình cụ thể hóa đường lối chính trị, quân sự của Đảng vào đấu tranh vũ trang, tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang và củng cố nền quốc phòng toàn dân. Các tác phẩm, công trình của Đại tướng đã trở thành tài sản tinh thần giá trị của Đảng, Quân đội và nhân dân ta”.
Đại tướng Hoàng Văn Thái (Ảnh tư liệu)
Sinh ra trong một gia đình yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, Hoàng Văn Thái sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lúc 23 tuổi.
Năm 1944, ông được giao nhiệm vụ tham gia tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, phụ trách công tác tình báo và tác chiến. Cách mạng Tháng Tám thành công, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu và được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhà quân sự tài năng, đức độ của cách mạng Việt Nam
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài trọng trách Tổng Tham mưu trưởng, ông Hoàng Văn Thái còn kiêm nhiệm Tham mưu trưởng và Đảng ủy viên các chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng Biên giới (1950), Trung du (1951), Hòa Bình, Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh, ông trực tiếp chỉ huy công tác tham mưu tác chiến tại Mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông được Bộ Chính trị chỉ định làm Quyền Bí thư Khu ủy 5, Tư lệnh-kiêm Chính ủy Quân khu 5. Tháng 10/1967, ông được giao nhiệm vụ giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền. Trong những năm tháng này, ông cùng với các đồng chí trong Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường, đồng thời đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn làm cơ sở để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác.
Đặc biệt, với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách tác chiến và chi viện chiến trường, ông đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược Giải phóng miền Nam trong giai đoạn kết thúc chiến tranh. Đây là văn kiện kết tinh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của tập thể cơ quan chiến lược quân đội ta để cụ thể hóa quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong tạo thế, tạo lực cho toàn quân và dân cả nước nắm lấy thời cơ giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III, IV, V, đại biểu Quốc hội khóa VII, ông đã tổ chức nghiên cứu, tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Nhớ về những ngày tháng làm Bí thư của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thiếu tướng Đặng Văn Cẩn-nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng cho biết, Đại tướng có cách làm việc dân chủ, thoải mái, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Đại tướng khêu gợi cho mọi người nói ra những trăn trở, khúc mắc, khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường. Trong công việc, Đại tướng rất nghiêm túc, nhưng trong đời thường, Ông sống rất chân thành, cởi mở, luôn quan tâm đến cán bộ với tấm lòng khoan dung độ lượng.
“Tôi còn nhớ có đồng chí cán bộ bị kỷ luật, trên có ý định điều đồng chí đó về công tác ở một nhà trường, nhưng đồng chí cán bộ đó không muốn nhận mà muốn về quân khu làm việc. Nhận thấy đồng chí nếu về công tác tại nhà trường sẽ phát huy được tối đa năng lực của mình, Đại tướng đã gặp riêng, nhẹ nhàng phân tích để đồng chí hiểu và vui vẻ nhận quyết định về công tác tại nhà trường. Sự chân thành, cởi mở của Đại tướng khiến chúng tôi cảm nhận được tình thương yêu, sự khoan dung, độ lượng của Ông đối với cán bộ cấp dưới”, Thiếu tướng Đặng Văn Cẩn xúc động.
Tại hội thảo, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến của Đại tướng Hoàng Văn Thái đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp của Đại tướng về tổ chức thực tiễn lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chỉ đạo công tác tham mưu, xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc để vận dụng vào chuẩn bị đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đồng thời khẳng định và làm sáng tỏ đạo đức, phẩm chất, phong cách của một con người được đồng bào, đồng chí tôn vinh “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”
đăng bởi: vov

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét