Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ 9 / Đọc truyện

(ĐC sưu tầm trên NET)

Sách là ngọn đuốc soi rọi chân lý, là chiếc khăn thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân ái của loài người!
--------------------------------------------------------------------
NGUYN HU KIT dịch
TSÁCH HUYN MÔN
NHNG GIAI THOI HUYN BÍ
(LCH SHI THÔNG THIÊN HC - PHN 2)
HI KÝ CA ĐẠI TÁ H. S. OLCOTT
CHI TRƯỞNG HI THÔNG THIÊN HC THGII

CHƯƠNG MƯỜI SÁU 
CHÂN SƯ K. H. TẠI LAHORE

I.

Trong một chuyến đi miền Trung Ấn, khi đến Sholapore, có một người cộng tác mới là bạn W. T. Brown quê tại Glasgow (Anh quốc) tháp tùng với chúng tôi. Anh ta từ Anh quốc sang đây do sự thúc đẩy của lòng mong muốn phụng sự, và vừa mới đến Madras. Anh có viết thư cho tôi, bày tỏ thiện chí tình nguyện trợ giúp tôi trong công việc.
Tôi đã trả lời anh ta bằng một bức thư lời lẽ lịch sự nhưng rất thẳng thắn, cảnh giác về những sự hy sinh mà anh ta phải gánh chịu khi chấp nhận dấn thân vào; cùng với sự vô ơn bạc nghĩa của người đời; những sự lừa đảo phản trắc cá nhân, vị kỷ; những sự vu khống bôi nhọ thanh danh; sự nghi ngờ bất công về ý đồ hay mục đích của mình; và những chuyến đi vất vả mệt nhọc đêm cũng như ngày, bằng đủ mọi thứ phương tiện di chuyển thô sơ và thiếu tiện nghi. Tôi cũng khuyên y nên trở về xứ nhà nếu y thấy có triển vọng nào khác, để cho bà Blavatsky và tôi tiếp tục công việc mà chúng tôi đã bắt đầu với một tinh thần tỉnh táo chứ không ảo vọng.
Anh ta trả lời bằng một bức điện tín cho biết là sẽ đến và đợi tôi tại ga Sholapore.
Đây nhắc lại trường hợp của Damodar Mavalankar. Khi người bạn trẻ này gia nhập Hội Thông thiên học và đặt hết cả tâm hồn vào công việc phụng sự, y được cha y cho phép đến sống chung với chúng tôi, bất chấp cả những qui luật hạn chế về giai cấp và sống theo giới luật khổ hạnh giống như của một tu sĩ xuất gia.
Theo tập quán của người Bà-la-môn, Damodar đã có đính hôn ngay từ khi còn nhỏ, đương nhiên là không có sự chấp thuận của chính anh. Đến giai đoạn trưởng thành là thời kỳ anh phải bước vào đời sống gia đình. Tuy nhiên, nguyện vọng duy nhất của anh trong đời là sống một đời sống tâm linh thoát tục, nên anh xem hôn nhân như một chướng ngại ghê gớm. Anh cảm thấy mình là nạn nhân của phong tục tập quán, và rất muốn được giải thoát khỏi sự giao kết ràng buộc kia để có thể trở thành một đệ tử chân chính của chân sư K. H. mà anh đã nhìn thấy linh ảnh khi còn bé thơ, và lại có dịp nhìn thấy ngài sau khi y đến với chúng tôi.
Cha của Damodar vốn là một người hiểu rộng và khôn ngoan, nên sau cùng đã bằng lòng. Damodar bèn ký thác cho người cha phần gia tài ruộng đất của anh do tổ phụ để lại, mà nếu tôi nhớ rõ, thì trị giá đến năm mươi ngàn ru-pi, với điều kiện là người vị hôn thê từ thời thơ ấu của anh phải được đưa về nhà nuôi dưỡng tử tế.6
Khi đến Kanpur, tôi đã có những bằng chứng về sự phát triển tâm linh mau chóng của Damodar. Như đã nói trước đây, trong một cơn bệnh nặng hồi còn thơ ấu, anh ta được sự viếng thăm của một đấng cao cả mà nhiều năm về sau anh đã có lần nhận ra như một trong các đấng chân sư, sau khi gia nhập Hội Thông Thiên Học. Kể từ đó, mối liên hệ mật thiết giữa chân sư và đệ tử đã được thiết lập, và Damodar đã đặt hết cả tâm hồn vào việc tu luyện, ăn uống đạm bạc, tham thiền đúng giờ khắc, luyện đức tính hoàn toàn vị tha vô kỷ, và làm việc ngày đêm không quản công lao khó nhọc để làm tròn chức vụ mà tôi giao phó trong Ban quản trị Hội Thông thiên học.
Damodar tham gia chuyến đi này của tôi là thừa lệnh sư phụ, và trong suốt thời gian hành trình, chúng tôi đã có nhiều bằng chứng về sự tiến bộ tâm linh mà anh ta đã có được.
Tôi còn nhớ rằng vào buổi chiều chúng tôi vừa đến Kanpur, anh ta đã làm tôi ngạc nhiên bằng cách nhắn miệng với tôi một thông điệp của chân sư để trả lời tôi về một việc mà tôi đang băn khoăn do dự không biết phải giải quyết bằng cách nào. Anh ta còn nói thêm rằng tôi sẽ thấy bức thông điệp ấy viết trên một tờ giấy nằm trong một hộc tủ có khóa cẩn thận, mà chìa khóa nằm trong túi áo của tôi.
Khi tôi đi mở hộc tủ, tôi thấy bản thông điệp viết tay mà Damodar vừa nói, và đó chính là thông điệp của đức chân sư K. H. gửi cho tôi.
Vào ngày thứ hai sau khi đến Kanpur, tôi nhận được một số thư tín chuyển đến cho tôi từ Adyar. Trong số đó có một bức thư của ông Sam Ward gửi từ Capri, có kèm theo một thông điệp gửi cho chân sư K. H. mà ông ta yêu cầu tôi chuyển đạt đến ngài nếu có thể.
Vì lúc ấy Damodar mỗi đêm đều xuất hồn đi đến đạo viện của chân sư, nên tôi đưa bức thư ấy cho y, và nói rằng y có thể hỏi ngài xem có nên đem theo bức thư ấy hay không.
Đó là vào buổi trưa ngày 4 tháng 11 năm 1883, và chúng tôi đang ở tại Kanpur, thuộc vùng Tây Bắc. Độc giả hãy nhớ rõ chi tiết này để theo dõi phần nối tiếp ở một đoạn sau. Sau một buổi thuyết trình và làm các công việc khác, chúng tôi từ Kanpur đi theo lộ trình đã vạch sẵn, qua các thị trấn Lucknow, Bareilly Moradabad. Ở mọi nơi, chương trình hoạt động thường gồm có việc tiếp khách, thảo luận về đạo lý, và diễn thuyết công cộng.
Tại Moradabad, bạn Damodar đã cho tôi thấy một bằng chứng khác nữa về khả năng xuất hồn của anh. Anh đã xuất hồn đi đến Adyar, nói chuyện với bà Blavatsky, nghe giọng nói của một vị chân sư thốt ra một thông điệp gửi cho tôi, và yêu cầu bà Blavatsky hãy gửi điện tín cho tôi phần nội dung của bức thông điệp ấy để chứng tỏ cho tôi thấy tính cách chính xác của các sự việc xảy ra.
Khi anh ta trở về và báo cáo lại với tôi mọi việc, anh đọc lại bức thông điệp của chân sư bằng trí nhớ, và tất cả mọi người có mặt trong gian phòng đều ký tên vào một bản chứng thư để chứng nhận việc ấy.
Sáng hôm sau, người đưa thư của Sở Bưu điện mang đến cho tôi bức điện tín của bà Blavatsky. Bức điện tín ấy xác nhận nội dung bản thông điệp như Damodar đã đọc ngày hôm trước, và các nhân chứng có mặt trong phòng cũng lại đồng ký tên vào phía sau bức điện tín để xác nhận việc ấy.
Trạm kế đó trên lộ trình là Aligarh, và tại đây vào ngày 12 tháng ấy, sự việc đã diễn biến tiếp nối theo vụ bức thư của ông Sam Ward gửi cho chân sư K. H.
Tại Bưu điện, tôi nhận được thư tín từ Adyar, trong số đó có một bức thư của bà Blavatsky đề ngày 5 tháng 11, kèm theo với bức thư của ông Sam Ward gửi cho chân sư K. H. mà tôi đã nhận được trước đây từ Capri (nước Ý) và đã đưa cho Damodar tại Kanpur vào chiều ngày 4 tháng 11, tức là cách một đêm trước khi bà Blavatsky gửi thư ấy tại Adyar. Bức thư của bà có đóng dấu gửi đi tại Bưu điện Adyar, ngày 5 tháng 11, và con dấu nhận được tại Aligarh ngày 10 tháng 11, hai địa điểm này cách xa nhau năm ngày đường xe lửa. Bức thư ấy đã nằm tại Bưu điện Aligarh hai ngày trước khi tôi đến nhận thư.
Đây là một trường hợp có thể chứng minh cho khả năng chuyển di tức khắc một vật thể giữa hai địa điểm cách xa nhau trong không gian. Không thể có sự giả mạo hay ngụy tạo trong vấn đề này, do bằng chứng rõ rệt là những con dấu Bưu điện đóng ở ngoài bì thư như đã diễn tả ở trên.
Damodar có kể cho tôi nghe một việc lý thú liên quan đến chuyến đi bằng thể vía của anh. Như thường lệ, khi thể xác đã ngủ mê anh mới xuất hồn vượt không gian bay thẳng đến nơi ở của chân sư trên dãy núi Tuyết sơn. Nhưng khi đến nơi, anh mới thấy rằng chân sư cũng đã xuất hồn đi đâu đó rồi! Kế đó, do quyền năng hấp dẫn của ngài đối với người đệ tử, thể vía Damodar đã bị cuốn hút mãnh liệt và đến với ngài tức khắc chẳng khác nào bị giòng nước xoáy mạnh và sâu thẳm cuốn trôi đi. Trong giây phút, Damodar đã thấy mình ở tại Adyar, đứng trước mặt chân sư và bà Blavatsky.
Khi đi ngủ, Damodar đã cầm trong tay bức thư của ông Ward, và thư ấy dường như đã cùng với y đi lên cõi Trung giới, lẽ tất nhiên là đã chuyển biến từ trạng thái vật chất cụ thể sang trạng thái khinh thanh của chất dĩ thái hay chất thanh khí của cõi Trung giới.
Khi anh ta nói với chân sư về bức thư ấy, vẫn cầm nó trong tay và trao cho ngài. Kế đó, ngài bảo anh hãy quay trở về nhà. Do một quyền năng bí hiểm thuộc về khoa vật lý hay hóa học siêu hình, bức thư bằng chất dĩ thái khinh thanh đã được phục hồi trở lại trạng thái đông đặc vật chất, được bà Blavatsky cầm lấy, và ngày hôm sau, được gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ của tôi ở Aligarh. Việc gì xảy ra sau đó thì độc giả cũng đã biết rồi.
Nếu tôi có được kiến thức uyên bác về khoa học hơn, có lẽ tôi đã dùng sự việc này, cùng với hiện tượng cái khăn vấn đầu mà một vị chân sư khác đã cho tôi khi ngài đến viếng tôi bằng thể vía ngay trong phòng của tôi tại New York trước đây, và những trường hợp chuyển di các đồ vật khác nữa... để làm một đề tài thảo luận về khả năng biến đổi những đồ vật từ trạng thái vật chất cụ thể, hữu hình sang trạng thái khinh thanh, vô hình vô ảnh của những vật thể trong cõi Trung giới. Sự biến thể đó có thể tác động theo cả hai chiều, tức là từ trạng thái vật chất hữu hình trở thành siêu hình và từ trạng thái khinh thanh quay ngược trở về trạng thái vật chất hiển hiện cụ thể. Các nhà khảo cứu uyên bác về những hiện tượng thông linh đều biết rõ vấn đề này.
Kế đó, chúng tôi đi Delhi, Meerut Lahore. Tại đây đã diễn ra những sự việc độc đáo. Giữa hai trạm sau này, Damodar đã thực hiện một chuyến đi khác bằng thể vía cũng rất lý thú và đáng ghi nhớ. Chúng tôi ba người, kể cả bạn Narain Swamy Naidu cùng đi chung trong một toa xe lửa. Damodar có vẻ thẫn thờ dường như buồn ngủ, và bước lên một băng ghế dài để nằm ngủ, còn tôi ngồi đọc sách dưới ánh đèn của toa xe.
Thình lình, Damodar bước đến gần tôi để hỏi giờ, tôi nhìn đồng hồ thì thấy đã gần sáu giờ chiều. Anh ta cho tôi biết rằng anh vừa từ Adyar trở về, tại đó bà Blavatsky vừa bị một tai nạn mà anh cũng chưa rõ là nặng hay nhẹ, nhưng anh nghĩ là bà đã vấp chân vào tấm thảm lót và té quỵ trên đầu gối bên tay mặt.
Độc giả sẽ thấy rằng Damodar chỉ là một người sơ cơ trên đường huyền môn và không thể nhớ rõ một cách chính xác việc gì đã xảy ra ở cảnh giới bên kia khi trở về tâm thức ngoại giới hồng trần.
Khi tôi nghe anh ta kể chuyện ấy, tôi làm ngay hai việc sau đây để biết rõ sự thật. Tôi viết một bản chứng thư về sự việc này và yêu cầu bạn Narain Swamy hãy cùng tôi ký tên vào đó, có ghi rõ giờ khắc. Đến nhà ga kế đó, tức ga Saharanpore, tôi gửi điện tín hỏi bà Blavatsky: “Tai nạn gì đã xảy ra tại Adyar lúc sáu giờ chiều nay?”
Chúng tôi đến Lahore vào lúc chín giờ sáng ngày hôm sau, và được đưa đến một trại lộ thiên gồm có sáu chiếc lều cá nhân dùng để ở và bốn chiếc lều công cộng căng bằng vải cứng dùng làm chỗ hội họp và chỗ diễn thuyết, dựng trên một khoảnh đất trống ở ngoại ô phía bắc thành phố.
Chúng tôi kể cho các bạn đạo nghe câu chuyện xảy ra đêm hôm trước trên xe lửa, và đưa tờ chứng thư ra cho họ xem: tôi yêu cầu các bạn có mặt lúc ấy ký tên vào đó và ghi nhận rằng lúc ấy bức điện tín mong đợi của bà Blavatsky vẫn chưa đến.
Kế đó mọi người từ giã tôi để đi tắm và ăn sáng. Trong khi tôi đang ngồi trong lều vải với ông R. C. Bary, chủ bút tạp chí Arya, thì một người đưa thư của Sở Bưu điện bước vào, tay cầm một bức điện tín có bọc trong bao giấy màu nâu. Tôi yêu cầu bạn Ruttan Chand hãy giữ lấy bức điện tín để chờ đến khi những người bạn khác trở lại sẽ mở ra đọc trước mặt mọi người.
Việc này được thực hiện vào đúng mười hai giờ trưa, do ông R. C. Bary và chín bạn đạo có mặt đồng ký tên phía sau bức điện tín để chứng thực các sự việc.
Nội dung bức điện tín như sau:
“Tôi vấp phải chiếc ghế bành, té nặng trên đầu gối tay mặt, ngã vào mình bà Coulomb, làm ông bà Morgan hốt hoảng. Damodar làm chúng tôi giựt mình.”
Bức điện tín của tôi gửi từ Saharanpore đến tay bà Blavatsky vào đêm 17; điện tín trả lời của bà Blavatsky đề ngày 18 tại Adyar lúc 7 giờ 55 phút và tôi nhận được tại Lahore vào giữa trưa hôm ấy. Sự sai biệt về chi tiết giữa câu chuyện tường thuật của Damodar và bà Blavatsky cũng không làm ai ngạc nhiên vì trình độ sơ cơ của Damodar lúc ấy, còn sự việc chính, tức là việc bà bị té nặng và bị thương trên đầu gối bên tay mặt được xác nhận hoàn toàn là đúng.

II.

Lều trại của tôi được khách đến viếng thăm rất đông suốt ba ngày liền trong thời gian chúng tôi lưu trú tại Lahore, và tôi có diễn thuyết hai lần dưới lều vải công cộng trước một đám quần chúng đông đảo.
Đêm 19, tôi đang ngủ trong lều. Thình lình tôi thức giấc vì cảm thấy có một bàn tay sờ vào người tôi. Trại này được dựng lên giữa đồng trống, và nằm ngoài sự bảo vệ của cảnh sát thành phố Lahore. Phản ứng đầu tiên của tôi là tự vệ chống lại một kẻ cuồng tín tôn giáo có thể đến ám sát tôi. Tôi bèn ngồi nhổm dậy, nắm chặt lấy hai cánh tay người lạ mặt và hỏi bằng thổ ngữ Hindoustani rằng y là ai và y muốn gì.
Việc ấy chỉ xảy ra trong chớp mắt, và tôi giữ chặt lấy người kia trong tư thế tự vệ của một người trước cơn nguy biến có thể bị hành hung bất ngờ và phải bảo toàn tính mạng của mình. Nhưng ngay khi đó, một giọng nói êm ái dịu dàng thốt lên: “Anh không biết tôi sao? Anh không nhớ tôi chăng?”
Thì ra đó là giọng nói của chân sư K. H. Cảm xúc của tôi liền thay đổi đột ngột, tôi bèn buông tay ra, chắp hai tay kính cẩn vái chào ngài, và muốn nhảy ra khỏi giường nằm để đảnh lễ ngài. Nhưng ngài đưa tay ngăn tôi lại, và sau khi đã trao đổi với nhau vài câu, ngài nắm bàn tay trái tôi trong tay ngài, cuốn tròn những ngón tay mặt của ngài trong lòng bàn tay tôi, và đứng yên bên cạnh giường, trong khi đó tôi có thể nhìn thấy gương mặt đầy hảo ý và thánh thiện của ngài dưới ánh đèn trong lều. Sau một lát, tôi cảm thấy một vật gì mềm mại tượng hình trong bàn tay tôi, kế đó chân sư đặt bàn tay trên trán tôi, thốt ra một lời ban an huệ, và sau khi rời khỏi gian lều ngăn đôi của tôi, ngài bước qua gian kế bên để thăm ông W. T. Brown. Ông này ngủ ở gian bên cạnh, sau một tấm vách ngăn bằng vải cứng chia lều ra làm hai buồng.
Khi tôi có thời giờ để lấy lại tinh thần và chú ý đến mình, tôi thấy tôi đang nắm trong bàn tay trái một tờ giấy xếp làm tư, gói trong một cái khăn lụa. Động tác đầu tiên của tôi lẽ tự nhiên là bước đến gần đèn và mở tờ giấy ra đọc. Đó là một bức thư khuyên bảo về việc riêng tư của tôi, có chứa đựng những lời tiên tri về cái chết của hai đối thủ hết sức chống lại Hội Thông thiên học lúc ấy, nhưng không nói rõ tên. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm với cái chết của Swami Dyanand Saraswati Keshab Chandra Sen ít lâu sau đó.
Việc gì xảy ra trong gian buồng của bạn Brown ở kế bên, ông ta đã kể lại cho nhiều nhân chứng nghe, và đã công bố trong một tập văn thư nhan đề: “Vài kinh nghiệm ở Ấn Độ”. Trong một tập văn thư khác nữa nhan đề: “Một tham luận giải thích về Hội Thông thiên học”, ông ta viết:
“Có thể nói rằng chân sư K. H. là một bậc siêu phàm. Người viết đã có hân hạnh gặp ngài tại Lahore, và có diễm phúc nói chuyện và tiếp xúc với ngài. Người viết cũng đã nhận được thư của ngài tại Madras, Lahore, Jammu, và một lần nữa ở Madras, tất cả các thư ấy đều được viết bằng một tuồng chữ giống nhau, v.v...”
Khi tôi nghe thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên ở gian buồng kế bên, tôi mới bước qua xem việc gì đã xảy ra, thì ông Brown liền đưa cho tôi xem một bức thư gói trong một chiếc khăn lụa giống như của tôi nhưng với nội dung khác hẳn. Thư ấy cũng được ngài tượng hình trong lòng bàn tay ông, giống như trường hợp của tôi, và chúng tôi cùng lấy ra đọc chung nhau.
Về sau, người bạn trẻ này lại thay đổi chí hướng nhiều lần, và sau khi đã xoay trở giáp một vòng thay đổi lớn qua nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau, sau cùng ông theo đạo Gia Tô và làm giáo viên trong một trường học của Hội Thánh La Mã.
Bức thư của chân sư K. H. có đề cập đến việc chân sư M. đến viếng thăm tôi tại New York trước đây, khi ấy ngài đọc được tư tưởng thầm kín của tôi và ban cho tôi cái khăn vấn đầu của ngài để chứng minh cụ thể rằng ngài đã thật sự xuất hiện trong phòng tôi. Thư viết như sau:
“Tại New York, con đã muốn có một bằng chứng cụ thể rằng cuộc viếng thăm của ngài không phải là một ảo ảnh, và ngài đã cho con cái bằng chứng đó. Bây giờ, tuy con không đòi hỏi, ta cũng cho con cái bằng chứng này: khi ta không còn ở đây, cái thư này sẽ nhắc nhở cho con biết sự gặp gỡ của chúng ta đêm nay. Bây giờ ta sang gặp Brown để thử thách năng khiếu trực giác của nó. Đêm mai, khi trại đã vắng người, ta lại sẽ đến đây để nói chuyện với con nhiều hơn, vì con cần phải được cảnh giác trước về vài sự việc sẽ xảy đến trong tương lai.”
Ngài kết luận:
“Hãy luôn luôn cảnh giác, nhiệt thành, và sáng suốt trong mọi việc; vì con nên nhớ rằng sự hữu ích của Hội Thông thiên học phần lớn tùy nơi sự cố gắng của con, và ân huệ của chúng ta luôn luôn được ban xuống cho những nhà “sáng lập” chịu đau khổ hy sinh, và cho tất cả những người trợ giúp trong công việc của họ.”

III.

Kinh nghiệm lạ lùng trên đây chắc hẳn sẽ gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn những kẻ trì độn nhất, huống hồ đối với những người có hoài bão được có cơ hội cộng tác bằng cách này hay cách khác với các đấng chân sư vì mục đích phụng sự nhân loại. Nếu có ai hỏi tôi thế nào là nỗi niềm sung sướng hiếm có nhất, tôi sẽ trả lời rằng: “Được nhìn thấy và nói chuyện với một vị chân sư, vì dưới ảnh hưởng hào quang thánh thiện của ngài, tâm hồn ta sẽ nảy nở như cái hoa dưới ánh mặt trời và bản thể ta tràn đầy một niềm vui tươi hoan lạc khôn tả.”
Về phần tôi, tôi đã có cái niềm phúc lạc đó mà không mong cầu. Tuy nhiên, mỗi khi tôi có dịp hồi tưởng lại việc ấy, nó chỉ giống như một ánh nắng thoáng qua trong ngày u ám, chỉ xuất hiện trong giây lát rồi lại biến mất đi.
Thời gian gặp gỡ giữa tôi với chân sư đêm ấy không kéo dài quá mười phút đồng hồ. Cái chạm tay của ngài kéo tôi ra khỏi giấc ngủ ngon say không mộng mị. Hôm ấy tôi đã trải qua một ngày làm việc mệt mỏi, cái lều vải rất lạnh lẽo, chỉ được sưởi ấm bằng vài cục than hồng đựng trong một cái chậu đất, và tôi kéo mền trùm lên đến tận hai mang tai. Tôi bị một bàn tay lạ sờ vào mình, tôi giật mình thức giấc, tôi nắm chặt lấy hai cánh tay người lạ, cũng có thể là một kẻ đến ám sát tôi. Thế rồi, giọng nói ngọt ngào hiền dịu của ngài làm tiêu tan cơn ngái ngủ cuối cùng của tôi, gương mặt ngài sáng rỡ với một nụ cười; tôi nhìn thấy ngài dưới ánh sáng mập mờ của ngọn đèn dầu ở phía sau. Kế đó là hiện tượng tạo nên một bức thư gói trong chiếc khăn lụa ngay trong bàn tay tôi, vài lời khuyên bảo, một cái chào từ giã. Ngài đã bước đi qua khỏi cây đèn để trên cái rương, nhưng hình dáng phong nhã của ngài còn lưu lại một lúc nơi cửa lều. Ngài ban cho tôi một cái nhìn thân mến cuối cùng, rồi đi.
Tất cả không kéo dài được bao lâu, nhưng ký ức đó vẫn còn mãi suốt đời tôi. Nhiều năm trước đây, như độc giả chắc còn nhớ, tôi được lệnh xúc tiến công việc cơ hồ như không có sự hướng dẫn và trợ giúp của các đấng chân sư mà chỉ vì mục đích phụng sự nhân loại. Chúng tôi không trông đợi gì nơi các ngài, nhưng sẵn sàng làm bất cứ việc gì cần thiết và sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xảy ra. Tôi đã tiếp tục làm việc trong tinh thần đó cho đến ngày nay, không cầu mong được trợ giúp, cũng không hề thối chí ngã lòng vì không có lời hứa hẹn giúp đỡ của các ngài.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không bao giờ bị bỏ rơi khi sự giúp đỡ ấy thật sự là cần thiết. Cuộc viếng thăm của chân sư tại Lahore chỉ là một trong nhiều bằng chứng cho tôi thấy rằng chúng tôi luôn luôn được theo dõi và trợ giúp; không hề bị bỏ rơi hay quên lãng trong những cơn nghịch cảnh khó khăn, dù cho viễn ảnh tương lai mờ mịt tối tăm hay nguy kịch đến đâu.
Trên hai mươi năm trải qua cái kinh nghiệm đó đã gieo trong tâm hồn tôi một sự bình tĩnh thường xuyên và đức tin vững chắc, cũng như nó đã gây nên trong tâm hồn bà Blavatsky. Kinh nghiệm đó đôi khi có thể là linh ảnh của một đấng cao cả, có khi là một giọng nói nghe được rõ ràng, có khi là một lời tiên tri việc sắp đến, có khi cũng là một thông điệp nhắn qua lời của một người trung gian, chẳng hạn như thông điệp mà bà Mongruel, một nhà nữ linh thị tài tình, đã nhắn với tôi trong một cơn xuất thần tại Paris năm ngoái, cho tôi biết trước tương lai gần đây của Hội Thông thiên học, thời hạn kiếp sống hiện tại của tôi, và tình hình của Hội khi tôi từ trần.
Cũng y như vậy, trong bức thư của Chân Sư tạo ra ngay trong lòng bàn tay tôi, có tiên liệu về cái chết của hai đối thủ lợi hại của Hội, kèm theo với những lời khuyên hữu ích của ngài. Tuy những kẻ thù nghịch phản bội có thể ngụy tạo những sự gièm siểm, phỉ báng về lịch sử của phong trào Thông thiên học và bôi nhọ tên tuổi của chúng tôi, nhưng việc ấy không đem cho họ một mảy may lợi ích nào. Công việc của chúng tôi vẫn tiếp tục, những người phụng sự chân chính được nhìn nhận, khích lệ và trợ giúp, chừng nào mà họ vẫn trung thành với lý tưởng và làm tròn bổn phận.

IV.

Sau khi tôi và ông Brown có cái hân hạnh được chân sư đến viếng, đêm hôm sau hai chúng tôi và Damodar cùng ngồi trong túp lều của tôi lúc mười giờ đêm để đợi sự tái ngộ với chân sư K. H. như ngài đã cho biết trước.
Trại hoàn toàn vắng lặng, các bạn đạo của chúng tôi đã đi tản mác vào thành phố Lahore. Chúng tôi ngồi trên ghế ở phía sau lều vải, để khuất dạng cho người trong trại không nhìn thấy.
Mảnh trăng hạ tuần còn chưa mọc lên. Sau khi ngồi đợi một lát, chúng tôi nghe có tiếng chân người và thấy một người Ấn Độ cao lớn từ phía đồng bằng trống trơn bước đến gần chúng tôi. Người ấy còn cách chúng tôi có vài thước, bèn ra hiệu cho Damodar hãy bước đến gần. Người kia nói cho Damodar biết rằng chân sư sẽ đến trong vài phút nữa, và ngài có việc riêng với Damodar. Đó là một đệ tử của chân sư K. H.
Ngay khi đó, chúng tôi thấy chân sư K. H. xuất hiện đến cùng một phía và đi qua mặt người đệ tử. Người này bèn rút lui ra sau đó một quãng ngắn.
Ngài đứng trước mặt nhóm chúng tôi, chúng tôi cũng đã đứng dậy và chắp tay cung kính vái chào ngài theo kiểu Ấn Độ, chỉ cách ngài có vài thước. Bạn Brown và tôi đứng yên một chỗ, còn Damodar bước ra và nói chuyện trong vài phút với chân sư, sau đó y trở lại với chúng tôi còn chân sư bước ra về. Tôi còn nghe tiếng chân ngài đi trên mặt đất, như thế ngài không phải đi bằng thể vía mà là bằng xác phàm.
Tôi còn ngồi lại bàn để viết nhật ký trước khi đi ngủ thì thấy vị đệ tử xuất hiện ngoài khung cửa sổ, ra hiệu cho tôi nhìn ra phía ngoài, và chỉ cho tôi thấy chân sư đang đứng đợi tôi dưới ánh sao khuya.
Tôi bước ra khỏi lều đi về phía chân sư. Ngài và tôi cùng đi đến một nơi cách đó một quãng để không sợ bị ai quấy rầy. Khi đó ngài mới nói chuyện với tôi trong khoảng nửa tiếng đồng hồ về tất cả những gì tôi cần biết. Không cần phải nói rằng tôi đã ngủ rất ít trong hai đêm đó. Tuy nhiên, chân sư cho tôi biết rằng ngài đến không phải hoàn toàn do ý riêng, tuy rằng ngài rất vui lòng mà đích thân đến gặp tôi. Ngài đến đây vì thừa lệnh một đấng trưởng thượng còn cao cả hơn ngài, đấng ấy rất hài lòng về sự trung kiên của tôi, ngài muốn nhắc nhở tôi hãy giữ vững tinh thần và đừng bao giờ mất lòng tin tưởng.
Khi cuộc hội kiến chấm dứt, chân sư ban ân huệ và từ giã tôi, rồi cùng với người đệ tử bước chân ra về.

V.

Ngày hôm sau, chúng tôi nhổ trại và rời Lahore đi Jammu theo lời mời của vị Quốc vương xứ Kashmir. Một quan viên ban tiếp tân của nhà vua được gửi đến Lahore để tiếp đón và đưa tôi về kinh đô.
Tôi được biết rằng vị Quốc vương có tục lệ tặng quà rất hậu bằng tiền và đồ y trang quý giá cho các vị tân khách, nhưng tôi quyết từ chối không nhận dù chỉ một ru-pi, vì việc ấy không phù hợp với thói quen của tôi.
Vị sứ giả không biết phải xử sự ra sao giữa hai đàng với những lập trường cứng rắn như thế. Một cuộc trao đổi điện tín tiếp theo sau đó vẫn không làm cho tình trạng được tốt đẹp hơn. Rốt cuộc, vấn đề được giải quyết bằng một cách làm thỏa mãn cả đôi bên. Chúng tôi thỏa thuận rằng quà tặng của nhà vua sẽ được tôi tiếp nhận với tư cách Hội trưởng Hội Thông thiên học, vì trên cưong vị này thì tôi sẵn sàng chấp nhận mọi sự đóng góp hay biếu tặng cho Hội, dù là số tiền lớn hay nhỏ, miễn không gây thiệt hại cho bất cứ người nào.
Khi đến thủ đô Jammu, tôi được đưa đến tòa Vương cung. Tại đây, vị Quốc vương tiếp đón tôi một cách niềm nở, trang trọng theo nghi lễ, tỏ cho tôi thấy rằng tôi được nghênh tiếp như một vị thượng khách.
Sau khi đã phân ngôi chủ khách và trao đổi những lời chúc mừng xã giao thông thường, Quốc vương mới cùng tôi đàm luận về triết học và đạo lý. Tôi nhận thấy ông thông thạo triết lý Phệ-đà và cũng thông suốt các môn phái triết học Ấn Độ. Quốc vương hoàn toàn tin tưởng nơi sự hiện diện của các đấng chân sư, và tin rằng các ngài sẽ giúp cho xứ Ấn Độ có được những gì tùy theo nghiệp quả của nó cho phép chứ không hơn nữa.
Quốc vương cũng nói qua về vấn đề sức khỏe kém của ông. Ông biết tôi đã từng chữa khỏi bệnh cho nhiều người, và gần đây tôi đã được lệnh ngưng công việc đó, nhưng hỏi rằng tôi có thể nào giúp cho ông giảm bớt cơn nhức đầu dữ dội mà ông đang chịu đựng. Lẽ tự nhiên tôi bằng lòng, và sau khi Quốc vương đã tháo gỡ cái khăn vấn đầu, tôi mới khoát tay truyền điện cho ông. Tôi rất thích thú mà làm cho Quốc vương hết đau nhức, và khi cuộc hội kiến chấm dứt, Quốc vương yêu cầu tôi hãy đến viếng ông mỗi ngày hai lần trong thời gian lưu trú tại đây, để chúng tôi còn trao đổi với nhau về các vấn đề tôn giáo cao siêu mà cả hai chúng tôi đều ưa thích.
Ngày hôm sau, tôi đến hoàng cung hai lần để tiếp tục cuộc đàm thoại về đạo lý và cũng để truyền điện chữa bệnh cho Quốc vương. Vị Thủ tướng cũng có mặt cùng với những quan viên khác, gồm cả vị Chánh án Tư pháp, và thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện đạo lý, theo lối tự nhiên của người phương Đông.
Vị Chánh án đã cùng tôi đàm luận suốt buổi tối hôm đó, và trong buổi nói chuyện, ông ta nói rằng Quốc vương rất quý mến tôi đến mức sẵn sàng thỏa mãn bất cứ điều gì tôi muốn. Tôi nghe thì biết vậy thôi, nhưng không lưu ý lời nói ấy. Tuy nhiên, sau khi ông Chánh án đã ra về, tôi lấy làm ngạc nhiên vì bạn Brown đã dựa vào lời nói ấy mà yêu cầu tôi xin cho y được bổ nhiệm chức Thẩm phán.
Tôi nói: “Sao? Anh đến Ấn Độ để hiến thân vào công việc phụng sự. Tôi đã viết thư cảnh cáo anh đừng có trông đợi gì ngoài việc chấp nhận hy sinh. Anh lại vừa có cái vinh hạnh được một vị chân sư đến viếng và gửi thư cho anh, đó là một ân sủng đặc biệt mà nhiều hội viên kỳ cựu nhất của Hội Thông thiên học cũng chưa có được! Thế mà nay anh lại sẵn sàng ngã quỵ trước sự cám dỗ đầu tiên và xin được nhận một chức vụ ngoài khả năng của mình?”
Tôi giải thích cho anh ta rằng nếu thật sự vị Quốc vương kính trọng tôi, đó là vì ông ta biết rằng tôi không hề nhận lấy bất cứ một món quà tặng hay một ân huệ nào cho riêng mình, hay cho bất cứ một người thân nào. Sau cùng, anh ta đã nghe ra và không nói thêm gì nữa, nhưng việc này đã phơi bày tâm địa của anh ta một cách rõ ràng trước mắt tôi, và cuộc đời anh ta sau đó đã xác nhận đúng những gì tôi cảm nhận về trình độ và con người của anh ta.

CHƯƠNG MƯỜI BẢY 
DAMODAR BIỆT TÍCH

I.

Trong khi tôi vẫn tiếp tục đến hội kiến hằng ngày với Quốc vương Kashmir, thì vào đêm nọ có một biến cố xảy ra: Damodar thình lình biến mất và không để lại dấu vết gì để cho tôi biết rằng anh ta đã đi đâu hay bao giờ sẽ trở lại.
Tôi hối hả đi tìm, nhưng tất cả các gian phòng đều trống trơn. Những bạn đạo khác đều đã xuống tắm dưới sông. Tôi hỏi thăm một người phục vụ thì biết rằng Damodar đã đi ra khỏi nhà một mình vào lúc sáng sớm, nhưng không nhắn lại gì.
Không biết phải làm thế nào, tôi liền trở về phòng riêng thì thấy trên bàn có một bức thư của một vị chân sư, bảo tôi đừng lo nghĩ gì về người bạn trẻ vì anh ta được đặt dưới sự che chở của ngài, nhưng không nói gì về việc anh ta có trở về hay không. Tôi chỉ mất chừng một phút để đi quanh khắp các phòng và không nghe có tiếng chân người đi ngoài sân lót đá sỏi vụn. Không một người nào có thể bước vào phòng tôi trong thời gian đó, tuy vậy đây là bức thư bí mật, với tuồng chữ viết của chân sư K. H. và cái phong bì kiểu Trung Hoa quen thuộc, nằm trên bàn của tôi.
Việc làm đầu tiên của tôi khi đó là thu gom hành trang của Damodar, gồm một cái rương và đồ nệm gối để ngủ, và xếp gọn dưới gầm giường của tôi. Kế đó tôi gửi một điện tín cho bà Blavatsky biết tin Damodar đi biệt tích và không biết bao giờ về.
Khi những bạn đạo đi tắm xong trở về nhà, họ cũng xúc động như tôi về sự việc này, và chúng tôi đã mất nhiều thì giờ thảo luận và phỏng đoán về hậu quả khả hữu của nó. Tôi đến hoàng cung hai lần trong ngày đó, và đã được Quốc vương đón tiếp ngày càng trọng vọng hơn. Ông tỏ ra vô cùng hậu đãi tôi, thảo luận với tôi về triết học Védanta một cách thích thú rõ rệt, và khẩn khoản mời mọc tôi cùng đi với ông lần sau, khi Quốc vương đi lên Srinagar, thủ đô xứ Kashmir.
Khi trời đã sắp tối, tôi còn ngồi viết một mình trong ngôi biệt thự, khi đó các bạn đạo khác đã cưỡi ngựa đi chơi quanh vùng, bỗng tôi nghe tiếng chân người đi trên mặt đất rắc sỏi ở phía ngoài. Nhìn quanh, tôi thấy một người đưa thư Kashmir cao lớn, đem điện tín đến cho tôi.
Đó là thông điệp của bà Blavatsky trả lời bức điện tín của tôi. Bà nói rằng một vị chân sư có cho bà hay rằng Damodar sẽ trở về, và dặn tôi không nên để cho một người nào khác động chạm đến đồ hành trang, nhất là đồ nệm gối của y. Phải chăng thật lạ lùng, vì lúc đó bà Blavatsky đang ở Madras, tức là cách đó độ hai ngàn dặm, lại dặn tôi làm chính cái việc mà tôi đã làm, theo phản ứng đầu tiên khi nhận thấy rằng Damodar đã ra đi. Phải chăng đó là thần giao cách cảm? Nhưng lại còn một điều lạ lùng hơn nữa. Mở ra và đọc bức điện tín không làm cho tôi mất đến một phút; người đưa thư không có đủ thời gian đi ngang qua hàng ba ngôi nhà để bước ra sân. Nhưng khi ấy, như một tia chớp nhoáng, tôi cảm thấy người đưa thư ấy không phải là một người thường, mà chỉ là một ảo ảnh.
Tôi biết chắc như vậy, tôi có thể thề thốt để quả quyết như vậy, bởi vì có một sự dao động tâm linh huyền bí gây ra nơi tôi mỗi khi có một trong các đấng cao cả bước đến gần tôi. Thật vậy, ngay sau khi đó tôi đã có thể nhận ra cái tiết điệu rung động kỳ bí gây nên bởi luồng từ điển huyền diệu của sư phụ tôi, ngài cũng là sư phụ của bà Blavatsky. Tôi chạy ngay ra cửa và nhìn qua cái sân trống trơn của khuôn viên nhà, trong đó không có cây cối hay bụi rậm nào để dùng làm nơi ẩn trú, nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy gì cả! Người đưa thư đã biến mất cơ hồ như chui vào lòng đất!
Khi tôi kể lại chuyện này, có người hỏi tôi rằng làm sao có thể giải thích sự thuyên chuyển bức điện tín từ tay người đưa thư thật qua tay người đưa thư giả, và việc thâu hồi tờ ký nhận của tôi về Sở Bưu điện, trừ phi có sự toa rập với người đưa thư kia để làm việc này? Nhưng việc ấy thật ra rất đơn giản, miễn là người ta hiểu được về quyền năng của sự thôi miên, hay nói theo từ ngữ của huyền môn Đông phương thì đó là cái bí quyết của việc tạo nên ảo giác hay ảo ảnh. Vị chân sư gặp người đưa thư; bằng quyền năng của ý chí, ngài làm cho anh ta không nhìn thấy ngài; ngài làm cho anh ta trở nên vô ý thức, đưa anh ta đến một chỗ nào đó và để anh ta nằm trong giấc ngủ thôi miên; rồi ngài khoác lấy cái hình dáng bên ngoài của người kia để che khuất tác phong diện mạo của ngài; đem bức điện tín đến cho tôi; cầm lấy cái biên lai do tôi ký nhận; đưa tay lên chào từ giã, và lui bước. Một lúc sau đó, sự rung động thần kinh do luồng từ điển của ngài gây ra nơi tôi phản dội lại nơi ngài, cảnh giác cho ngài biết rằng tôi đang ở vào tình trạng báo động và đương nhiên sẽ bước ra cửa để theo dõi ngài; thế là ngài thôi miên thị giác của tôi để tôi không nhìn thấy ngài; trở lại chỗ người đưa thư nằm ngủ lúc nãy; nhét tờ biên lai vào bàn tay anh ta; dùng ý chí làm cho người kia nhớ lại mọi việc vừa xảy ra giữa tôi với ngài dường như đã xảy đến cho anh ta; đánh thức anh ta dậy; dùng phép thôi miên che lấp thị giác của anh ta; và trả anh ta về Sở Bưu điện.
Đó là một chuỗi dài những sự việc diễn biến nối tiếp nhau một cách rất đơn giản, mà mọi nhà chuyên môn về khoa thôi miên và nhân điện đều hiểu được một cách dễ dàng.
Damodar ra đi lúc sáng ngày 25 tháng 11, và trở về chiều ngày 27 tháng 11 sau khi vắng mặt độ sáu mươi giờ, nhưng y đã thay đổi rất nhiều! Khi ra đi, y là một thanh niên mảnh khảnh yểu điệu, một bạch diện thư sinh, nhút nhát rụt rè, nhưng y trở về với một gương mặt rắn rỏi, nước da sậm, rám nắng, thân hình khỏe mạnh, cứng cát, và tác phong bạo dạn, đầy cương nghị. Chúng tôi không thể ngờ rằng đó vẫn là một Damodar của trước đây!
Anh ta đã đến đạo viện của chân sư và được truyền thụ một phép tu luyện nào đó. Anh ta đưa cho tôi một thông điệp của một vị chân sư khác, mà tôi được biết rõ, và để chứng minh sự thật, anh ta thì thầm vào tai tôi một mật khẩu tôi đã được truyền dạy từ trước để chứng thực những thông điệp của các chân sư.

II.

Ngày từ biệt vị Quốc vương đã đến. Lúc một giờ trưa, chúng tôi cưỡi voi đi qua sông để đến Wazirabad và ngủ đêm tại đây. Hôm sau, Damodar từ giã chúng tôi để đi Madras, còn chúng tôi tiếp tục lộ trình đi đến Jaipur.
Sáng hôm sau nữa, những bạn đạo tại địa phương đưa tôi đến viếng một nhà tu khổ hạnh tên là Atmaram Swami. Từ lâu trước khi tôi đến, vị tu sĩ này đã từng nói với họ rằng ông ta có liên hệ trực tiếp với những vị chân sư của chúng tôi, và tám năm trước đây, ở bên Tây Tạng, một trong các vị ấy là Jivan Singh có nói với ông ta rằng không cần phải thất vọng vì tình trạng tâm linh suy đồi ở Ấn Độ, bởi vì các ngài đã sắp đặt cho hai người Âu Tây, một nam và một nữ, không bao lâu sẽ đến đây để phục hưng nền tôn giáo cổ của phương Đông.
Thời điểm tám năm đó trùng hợp với năm thành lập Hội Thông thiên học tại New York, và điều tiết lộ này thật tối ư quan trọng đối với tôi. Tôi nhận thấy tu sĩ là một người có tác phong cao quí, điềm tĩnh, và trang nghiêm, hoàn toàn khác hẳn những người tu sĩ tầm thường khác mà nay người ta thấy ở khắp nơi và vô tích sự cho xứ Ấn Độ.
Tu sĩ chào tôi với một cung cách lịch sự lễ độ rất dễ mến, và bày tỏ lòng ước mong thành khẩn rằng những hội viên của chúng tôi nên được khuyến khích tu luyện theo pháp môn Yoga. Tôi nói cho ông ta biết rằng tôi không dám làm như vậy một cách cẩu thả bởi vì, trừ phi những môn sinh có một tính chất thích nghi, và trên hết mọi sự, được sự theo dõi tỉ mỉ của những bậc minh sư, thì họ mới có thể tu luyện không sai lệch và không mắc phải những hậu quả tai hại.
Tu sĩ đồng ý với tôi về điểm này, nhưng nói rằng mọi sự đã được tiên liệu trước, và mọi nhu cầu cần thiết sẽ được đáp ứng vào đúng lúc.
Thật vậy, điều này quả là đúng như vậy, và những điều huyền diệu đã xảy đến với bà A. Besant, ông Leadboater, và nhiều vị khác nữa mà hồi đó thậm chí cũng chưa phải là hội viên của Hội Thông thiên học, đã hoàn toàn xác nhận những lời tiên đoán của tu sĩ Atmaram Swami đã nói với tôi tại Jaipur năm 1883.

III.

Tại hội thường niên của Hội Thông thiên học được tổ chức tại Adyar vào hạ tuần tháng 12. Khi Đại hội khai mạc, những đại biểu các Chi hội tề tựu tham dự đông đảo từ khắp nơi, chật ních cả hội trường. Toàn thể các buổi hội họp và sinh hoạt đều biểu lộ một lòng hứng khởi nhiệt thành. Vị thế của Hội ở Ấn Độ đã rất vững vàng kiên cố, không một gợn mây u ám nào xuất hiện trên vòm trời của chúng tôi.
Những khoản tổn phí để tổ chức Đại hội đều do hội viên đóng góp kẻ ít người nhiều. Ngày 28 tháng 12, khi mọi người còn đứng ở ngoài hội trường trước khi Đại hội khai mạc, tôi có phàn nàn với bà Blavatsky rằng thật là một điều đáng tiếc mà thấy hội viên tỉnh Madras lại để cho vị thẩm phán Srinivas Row đóng góp tới năm trăm ru-pi cho Đại hội, vì tôi biết chắc rằng ông ta không có đủ khả năng tài chánh để tiêu xài rộng rãi như vậy. Bà suy nghĩ một lúc, rồi gọi Damodar trong khi người bạn trẻ này đang đứng nói chuyện với một nhóm bạn đạo ở cách đó một quãng không xa. Bà nói: “Anh hãy đi lên chánh điện và lấy xuống cho tôi một cái gói ở đó.”
Damodar tuân lệnh, và không đầy năm phút sau, y hối hả trở lại với một bao thư kín trong tay, ngoài bao thư có đề chữ: “Gửi cho P. Srinivas Row”.
Vị thẩm phán được mời đến để chúng tôi trao bức thư ấy cho ông, và yêu cầu ông mở ra. Ông làm y theo lời, và lấy làm ngạc nhiên khôn tả mà lấy từ trong bao ra, một bức thư lời lẽ rất ưu ái của chân sư K. H., cảm ơn về tinh thần phụng sự nhiệt thành của ông, và gửi kèm theo đó là một xấp giấy bạc tổng cộng là năm trăm ru-pi, trên mỗi tờ có viết hai mẫu tự “K. H.” bằng bút chì xanh.
Tôi kể lại đúng như sự việc đã xảy ra, và với sự đồng ý của vị thẩm phán, tôi còn giữ lại một tờ giấy bạc mười ru-pi để làm kỷ niệm.

IV.

Tháng tư năm ấy, tôi có buổi hội kiến với một nhà chiêm tinh Bà-la-môn, người đang sở hữu một quyển sách rất cổ xưa viết trên lá kè, gọi là Bhima Grantham. Những lời tiên tri mà ông ta rút ra từ bộ sách này đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Những lời tiên tri họa phước đều không có giá trị cho đến khi thật sự ứng nghiệm, nhưng khi đã ứng nghiệm rồi thì chúng lại có một tầm mức quan trọng như là những bằng chứng của khả năng tiên tri tiên giác trong con người. Bởi vậy, tôi có thói quen ghi chép làm tài liệu tất cả những gì tôi được nghe về vấn đề ấy, để có thể nêu ra vào đúng lúc khi những lời tiên tri đã ứng nghiệm.
Nhiều bạn đạo có cho tôi biết rằng họ đã được nhà tiên tri này tham cứu trong bộ sách cổ thư đó và nói lên những chi tiết rất chính xác về cuộc đời của họ, và tiên tri về những kế hoạch, dự tính của họ mà về sau đã tỏ ra vô cùng ứng nghiệm. Họ cũng đã được nhà chiêm tinh cho phép kiểm chứng lại những lời tiên tri ấy bằng cách đích thân tra cứu trong bộ sách. Hơn nữa, các bạn đạo còn cho tôi biết rằng trong khi tra cứu, họ thấy trong sách ấy có ghi nhận mối tương quan của họ với Hội Thông thiên học, và ngoài ra, quyển sách còn có chứa đựng nhiều điều tiên tri về Hội Thông thiên học nữa. Vì lẽ đó, họ đã sắp đặt một cuộc hội kiến giữa nhà chiêm tinh với tôi, nhưng sự việc đã gặp rất nhiều khó khăn và chỉ được thực hiện sau khi đã vượt qua những sự chống đối của người này về việc hội kiến với một người Âu Tây. Dầu vậy, ông ta cũng chưa quyết định dứt khoát cho đến sau khi đã tra cứu lại trong quyển sách, và ghi nhận ngày giờ chỉ định cho cuộc họp mặt, số người được phép tham dự, và vị trí cùng phương hướng chỗ ngồi của nhà chiêm tinh và của tôi.
Đến ngày giờ đã định, chúng tôi ngồi xếp bằng trên chiếu trải dưới đất, theo kiểu Ấn Độ. Khi cái bọc vải gói quyển sách được mở ra, thì đó là một quyển sách cổ, chữ khắc trên lá kè bằng một cây bút nhọn.
Tôi nhận thấy quyển sách rất cũ, cạnh sách đã phai màu và nhàu nát, những chữ viết đã đen sậm với thời gian. Quyển sách được để dựng đứng trước mặt tôi, những bìa lá ngửa lên trên, với một sợi dây buộc lá xuyên qua các lá đã soi sẵn trên các lá kè mà một đầu dây còn thừa và ló ra ngoài. Nhà tiên tri bảo tôi cầm lấy đầu dây này, để nó vào giữa bất cứ hai lá kè nào do tôi chọn, và mở quyển sách ra ở chỗ đó.
Tôi làm y theo lời, và lúc bấy giờ nhà chiêm tinh mới đọc những chữ viết trên trang đó và những trang sau. Quyển sách tiên tri viết: “Đương sự không phải người Ấn Độ, mà là người ngoại quốc. Y sinh ra vào lúc sao Thái Âm lọt vào chòm sao Rua (Pléiades), với dấu hiệu sư tử ở vòng cung đi lên.”
Tiếp theo đó là vài điểm chi tiết nói về những sự hy sinh mà tôi đã làm vì mục đích phụng sự công ích xã hội. Kế đó, quyển sách nói tiếp: “Cùng với một bạn đồng môn, đương sự tổ chức một Hội để truyền bá giáo lý huyền môn (Brahma Gnyanum). Người bạn đồng môn ấy là một người nữ, có năng lực mạnh mẽ, thuộc dòng quí tộc, và cũng như đương sự, là người nước ngoài. Tuy sinh trưởng nơi quyền quí, người nữ ấy cũng từ bỏ tất cả, và đã cùng theo đuổi một đường lối hoạt động tương tự trên ba mươi năm. Tuy nhiên, nghiệp quả khiến cho bà phải chịu nhiều gian truân, đau khổ; bà bị người đồng chủng ghét bỏ, mặc dù bà đã lao công tổn sức làm việc vì sự ích lợi cho họ.”
Kế đó, quyển sách nói về hai người da trắng lúc đầu rất thân thiện, nhưng về sau đã phản bội, đặt chuyện công khai mạ lỵ, bêu xấu bà, và âm mưu làm cho công chúng nghi ngờ sự chân chính của phong trào Thông thiên học. Quyển sách tiên tri lại tiếp tục: “Nhiều phép lạ nhiệm mầu đã được thực hiện liên quan đến Hội Thông thiên học, và những thư từ mà các nhà sáng lập nhận được của các đấng chân sư, đã bị đem ra công bố một cách ngu xuẩn dại dột. Đó chính là nguyên nhân của tất cả những sự khó khăn rối rắm hiện nay.”
Kế đó, tiếp theo lời tiên tri rằng Hội Thông thiên học sẽ tồn tại lâu dài sau khi tôi chết, và thật là một điều ngạc nhiên, vì hai người bạn có mặt cũng không biết gì hơn nhà chiêm tinh, quyển sách nói về một cuộc hội họp riêng tư giữa tôi với vài người khác (tại tư gia của Bahadur Ragunath Row) vào ngày trước đó, với đề tài thảo luận, và nói một cách chính xác về kết quả cuộc hội họp. Quyển sách ấy nói: “Hội Thông thiên học hiện đang trải qua một chu kỳ hắc ám, đã bắt đầu từ bảy tháng và mười bốn ngày vừa qua, và sẽ còn kéo dài thêm chín tháng và mười sáu ngày nữa, tổng cộng là một thời gian đúng mười bảy tháng.”
Đếm ngược trở về dĩ vãng kể từ ngày xem bói, là thời kỳ trong năm 1884 mà bà Blavatsky bị sự tấn công của các nhà truyền giáo. Điều ấy xác nhận lời tiên tri trong quyển sách là đúng. Cũng kể từ ngày ấy tính tới với sự diễn biến của các việc xảy ra, lời tiên tri nói về sự chấm dứt chu kỳ hắc ám của Hội Thông thiên học và sự bắt đầu một chu kỳ sáng sủa tốt đẹp hơn cũng đã ứng nghiệm.
Về vấn đề này, đương nhiên lại trở lại trong trí tôi câu hỏi thường được đưa ra về sự tin tưởng của tôi đối với khoa chiêm tinh. Tôi phải nói rằng tôi vẫn chưa có đủ bằng chứng để đảm bảo lời nói của tôi rằng tôi tin hay không tin. Nhiều sự việc thuộc về kinh nghiệm của người khác, vài sự việc trong kinh nghiệm của chính tôi, có khuynh hướng chứng minh sự thật của khoa học huyền bí này, nhưng vẫn chưa đủ để cho một người thận trọng có thể dùng làm nền tảng cho một sự tin tưởng tuyệt đối. Tôi còn chờ đợi, và sẵn sàng chịu thuyết phục, nhưng cũng nhất định không nói rằng tôi tin, trừ phi tôi gặp một trường hợp hoàn toàn thỏa đáng để cùng bàn luận với một hội đồng những học giả thông minh sáng suốt và cùng đi đến một kết luận chung.
Nhà chiêm tinh, hay quyển sách bói của ông ta, có đưa ra một lời tiên tri mà thỉnh thoảng người ta còn phải nhắc lại như một sự thí nghiệm của khoa bói này. Ông ta nói rằng, vào lúc tôi từ trần, Hội Thông thiên học sẽ có một trăm năm mươi sáu Chi hội lớn, không kể những Chi hội nhỏ, với tổng số độ năm ngàn hội viên. Nhiều Chi hội sẽ xuất hiện và biến mất, nhiều hội viên cũng đã đến rồi đi trước kỳ hạn đó.
Chính tôi cũng sẽ còn sống thêm được hai mươi tám năm, năm tháng, sáu ngày và mười bốn giờ nữa kể từ ngày hôm nay (tức là ngày 3 tháng 4 năm 1885), và như thế tôi sẽ còn sống đến sáng sớm ngày 9 tháng 9 năm 1913. Lời tiên tri này hãy còn thuộc về tương lai, để cho người nào còn sống sót sau khi tôi chết sẽ kiểm chứng lại.
Vì tôi chỉ ngồi nghe một cách khách quan chứ không chấp nhận mù quáng những sự tiết lộ trong quyển sách bói cổ Bhima Grantham và vì tôi không có thời giờ để xem xét tỉ mỉ quyển sách ấy trong cuộc hội kiến với nhà chiêm tinh, nên sau đó tôi đã cùng đi với Ananda đến Mylapore để tìm gặp lại ông ta. Ông ta để cho tôi cầm lấy và quan sát kỹ lưỡng quyển sách tùy ý muốn.
Nó chứa đựng ba trăm câu trả lời cho những câu hỏi viết bằng bút sắt nhọn trên lá kè. Có lẽ nó đã xưa đến năm trăm năm, và viết bằng chữ Telugu. Dường như không ai có thể nghi ngờ rằng đó là một “ngụy thư”. Tuy nhiên, có điều lạ kỳ là chỉ trong số ba trăm câu trả lời đó, nhà chiêm tinh đã tìm thấy một số liên quan đến lịch sử và định mệnh của Hội Thông thiên học. Phải chăng những lời tiên tri đó đã đợi đến năm trăm năm sau mới được tiết lộ cho người đến xem vận mệnh, khi người này xuất hiện vào năm 1885? Điều đó có vẻ vô lý, tuy vậy những chi tiết của cuộc hội kiến đã được tường thuật lại một cách trung thực, và lời tường thuật của tôi chắc chắn sẽ được bạn Subiah Chetty xác nhận là đúng thật như mọi việc đã xảy ra.

- HẾT -

1Tức Tổng thống Rutherford B. Hayes (1822-1893), là Tổng thống thứ 19 của Hoa Kỳ, cầm quyền từ năm 1877 đến năm 1881.
2Bến cảng nằm ở Gravesham Borough, Kent, miền đông nam Anh quốc.
3Elephanta: kiến trúc động đá cổ xưa, từ khoảng thế kỷ 8, được tạo hình thành các điện thờ các vị thần. Động đá lớn nhất (Great Cave) có chu vi vuông vức mỗi bề 40 mét và cao đến 5 mét.
4Bà Blavatsky đã nhập quốc tịch Mỹ tại New York vào tháng 7 năm
5Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William Maxwell Evarts (1818-1901), phục vụ dưới quyền Tổng thống Rutherford B. Hayes từ năm 1877 đến năm 1881.
6Theo phong tục Ấn Độ thời cổ xưa cho đến thời gian gần đây, người con gái đã đính hôn, dẫu rằng chưa xuất giá vẫn được xem như gái đã có chồng và chỉ biết có vị hôn phu là chồng mình thôi, không thể kết hôn với người nào khác suốt cả cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét