Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ 1 / Đọc truyện

(ĐC sưu tầm trên NET)

Sách là ngọn đuốc soi rọi chân lý, là chiếc khăn thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân ái của loài người!
--------------------------------------------------------------------
NGUYN HU KIT dịch
TSÁCH HUYN MÔN
NHNG GIAI THOI HUYN BÍ
(LCH SHI THÔNG THIÊN HC - PHN 2)
HI KÝ CA ĐẠI TÁ H. S. OLCOTT
CHI TRƯỞNG HI THÔNG THIÊN HC THGII
I


LỜI GIỚI THIỆU

Tập sách này trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của Hội Thông thiên học, một tổ chức huyền linh đã từng một thời tạo ra khá nhiều ảnh hưởng ở nhiều nơi trên thế giới. Tiếp theo tập Hồi ký của Đại tá H. S. Olcott, một trong hai nhà đồng sáng lập của Hội Thông thiên học, tập sách này cũng do Đại tá Olcott kể lại một cách khách quan những giai thoại huyền bí mà bản thân ông đã từng chứng kiến.
Độc giả có thể tin hoặc không tin vào lời kể của tác giả, và những giai thoại huyền bí được thuật lại ở đây có hàm chứa những ý nghĩa gì hoặc phải được giải thích như thế nào, những điều đó không quan trọng. Điểm đặc sắc nổi bật trong tập sách này là thông qua những câu chuyện được kể lại, nhiều sự kiện lịch sử có liên quan cũng được ghi nhận một cách chính xác, và được mô tả một cách chi tiết, sống động, cung cấp cho người đọc một cái nhìn tồn cảnh về đất nước Ấn Độ trong một giai đoạn mà ngày nay rất ít người còn nhớ đến.
Trong ý nghĩa đó, hy vọng tập sách sẽ mang lại rất nhiều điều thú vị cho bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu.
NXB TÔN GIÁO

CHƯƠNG MỘT 
VÀI NÉT PHÁC HỌA TÍNH CÁCH CỦA BÀ BLAVATSKY

I.

Trong quyển Hồi ký của H. S. Olcott đã miêu tả tính cách của bà Blavatsky ngoài xã hội. Bây giờ, chúng ta hãy nhận xét bà khi ở nhà. Nếp sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi tại tư gia (mà tôi đặt cho tên gọi hài hước là “Lạt-ma Viện”) thường diễn ra như sau đây.
Chúng tôi ăn điểm tâm lúc tám giờ, dùng bữa chiều lúc sáu giờ, làm việc đến hai giờ sáng mới nghỉ, tùy theo việc làm của chúng tôi và những lúc gián đoạn công việc khi có khách đến viếng.
Blavatsky dùng bữa trưa tại nhà, còn tôi thường ăn trưa ngoài phố, ở một nơi gần văn phòng Luật của tôi.
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám và mọi hoạt động thế tục nói chung.
Sau bữa ăn điểm tâm, tôi đến văn phòng làm việc, còn bà Blavatsky ngồi vào bàn làm việc tại nhà. Đến bữa ăn chiều, chúng tôi hầu như bao giờ cũng có khách, hiếm khi không có; và dẫu cho những ngày không có khách đến dùng bữa, thường cũng có người đến chơi vào buổi tối.
Việc bếp núc của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi không uống rượu và chỉ ăn uống sơ sài, đạm bạc. Chúng tôi thường có một người giúp việc nhà, hay nói đúng hơn là một chuỗi dài những người giúp việc luân phiên đến rồi đi, vì chúng tôi không giữ ai ở lâu.
Khi người giúp việc dọn dẹp bữa ăn chiều xong thì được về nhà nghỉ, và sau đó chúng tôi phải tự mình trả lời những tiếng gõ cửa. Tuy việc ấy không bận rộn bao nhiêu, nhưng điều nghiêm trọng hơn là phải cung ứng trà, sữa và đường cho một số đông quan khách thường đến chật nhà, có khi đến tận một giờ sáng.
Những dịp đó, bà Blavatsky nhân lúc cao hứng tự pha cho mình một chén trà, và với một cách điệu rộng rãi hào phóng, không màng nghĩ đến những khả năng cung ứng thực phẩm hiện có trong nhà, bèn tuyên bố: “Tất cả mọi người đều uống chơi một chén, quý vị nghĩ sao?”
Dẫu cho tôi ra dấu làm hiệu để can gián cũng vô ích, bà vẫn không chú ý. Thế là, sau nhiều cơn lục lạo đi tìm sữa và đường một cách vô hiệu ở vùng lân cận vào lúc nửa đêm, tôi bèn dán một tờ cáo tri lên vách về việc đó như sau:

MỜI UỐNG TRÀ

“Quý khách sẽ tìm thấy nước sôi và trà trong nhà bếp, có thể có cả sữa và đường. Xin hãy tự pha chế và tùy nghi sử dụng.”
Điều này có vẻ như phù hợp với bầu không khí tự do phóng khoáng ở tư gia chúng tôi, nên không ai nghĩ gì khác, và sau đó thật là một điều thú vị khi thấy những khách quen thản nhiên đứng dậy đi vào nhà bếp để tự pha lấy một chén trà nóng. Các bà mệnh phụ, các vị giáo sư, học giả, nghệ sĩ và ký giả nổi tiếng, tất cả đều vui vẻ trở thành những nhân viên tự động pha trà trong nhà bếp của chúng tôi.
Blavatsky không hề có chút kiến thức sơ đẳng nào về vấn đề nội trợ. Có lần, muốn ăn trứng luộc, bà đã đặt những quả trứng sống trên lò than hồng! Đôi khi, người giúp việc xin phép nghỉ cuối tuần vào chiều thứ bảy và chúng tôi phải tự xoay xở lấy bữa ăn chiều. Những lần đó, có phải bà Blavatsky ra tay nấu nướng và dọn ăn không? Hẳn là không, mà chính là tôi, người bạn đồng nghiệp bất hạnh của bà! Còn bà thì ngồi viết và hút thuốc lá, hoặc bước vào nhà bếp nói những câu chuyện đùa để tiêu khiển.
Đôi khi, có những vị nữ khách đến nhà trong những dịp đó, liền giúp tôi một tay, chẳng hạn như tuần vừa rồi có nữ bá tước L. P. đến đúng lúc và làm giúp tôi món xà lách ngon tuyệt trần.
Hồi đó, bà Blavatsky luôn luôn có một tính cách trẻ trung, vui nhộn. Tôi không thể diễn tả tâm trạng vui tươi phấn khởi của bà hồi đó bằng cách nào khác hơn là trích dẫn một đoạn văn phóng sự đăng trên nhật báo Hartford nói về bà. Phóng viên báo ấy viết như sau:
“... Blavatsky phu nhân cười! Khi tôi viết về cái cười của bà Blavatsky, tôi cảm thấy dường như tôi muốn nói rằng bà là hiện thân của thần hài hước ngay trong phòng khách! Vì trong tất cả những chuỗi cười dài trong sáng, vui tươi, giòn giã mà tôi đã từng nghe trong đời, thì chuỗi cười của bà thật là độc đáo, điển hình.
“Thật vậy, bà dường như là tiêu biểu cho tinh thần hài hước mà bà biểu lộ thường xuyên bất cứ lúc nào. Điều đó chứng tỏ nơi bà một nguồn sinh khí dồi dào bất tận.”
Đó là cái sắc thái sinh hoạt nơi tư gia chúng tôi; cùng với tính vui vẻ hồn nhiên, ngôn ngữ hoạt bát linh động, tình thân hữu đậm đà của bà Blavatsky đối với những người bà ưa thích hoặc muốn cho họ quí mến bà, những đề tài trao đổi lạ lùng kỳ bí và bộ môn hấp dẫn nhất đối với số đông các quan khách là những phép thuật vô cùng kỳ bí của bà, làm cho “Lạt-ma Viện” của chúng tôi trở thành phòng khách sáng giá nhất của thành phố New York vào thời đó, tức là những năm đầu tiên vừa thành lập Hội Thông thiên học Thế giới.

II.

Phòng khách của chúng tôi được trang hoàng với một vẻ mỹ quan đặc biệt lạ thường. Nói chung, nó có một phong cách rất mỹ thuật và hấp dẫn đối với cả gia chủ và quan khách; nó từng là đề tài của nhiều bài phóng sự trên các báo và cũng là đề tài của những câu chuyện mạn đàm trong các giới bạn hữu của chúng tôi.
Không một bối cảnh nào có thể thích nghi hơn để làm nổi bật cái cá tính lạ lùng của chủ nhân nó là nhân vật kỳ bí Blavatsky. Nhiều nhà báo đã từng viết bài diễn tả phòng khách của chúng tôi đăng trên các báo Mỹ thời bấy giờ, trong số đó có bài tường thuật của phóng viên nhật báo Hartford Times như sau:
“... Bà Blavatsky ngồi nơi phòng khách, vừa là phòng làm việc của bà, mà người ta cũng có thể gọi là phòng trưng bày đồ cổ, vì không một gian phòng nào có thể sánh với gian phòng này về số lượng những vật quý lạ, những đồ cổ xưa, đẹp mắt, sang trọng, đắt giá, và xen lẫn với cả những đồ có vẻ tầm thường vô giá trị nữa. Miệng ngậm thuốc lá, tay cầm kéo, bà đang bận rộn cắt ra những đoạn văn, những bài báo, bài phê bình, và những bài vở đủ mọi loại, từ những đống báo chí đến từ khắp nơi trên thế giới nói về bà, về quyển sách của bà viết, về Hội Thông thiên học, và về bất cứ chuyện gì liên quan đến công việc và mục đích của đời bà.
“Bà đưa tay ra hiệu mời chúng tôi ngồi, và trong khi bà đang chăm chú đọc một bài báo, chúng tôi có thời giờ quan sát qua một lượt cảnh vật trang trí trong phòng khách của “Lạt-ma Viện” này.
“Đứng sững ngay giữa phòng là một con khỉ đột nhồi cứng, mặc quần áo chỉnh tề, với cổ ‘cồn’ trắng thắt cà vạt, tay cầm tập bản thảo một bài diễn văn, sống mũi đeo kính trắng. Phải chăng đó là một sự châm biếm ngầm các hàng giáo phẩm?
“Phía trên cánh cửa lớn là một đầu sư tử cái nhồi bông, quai hàm mở lớn với những nanh nhọn nhe ra một cách dễ sợ, đôi mắt trừng lên với vẻ độc ác tự nhiên của loài mãnh thú rừng xanh. Giữa những đồ vật cổ xưa, những pho tượng Phật bằng trầm hương và những vật linh tinh khác, bà Blavatsky nổi bật trong chiếc áo choàng bằng tơ óng ánh, màu sặc sỡ, hoàn toàn phù hợp và thích nghi với cảnh vật chung quanh.
“Bà có một tác phong đặc biệt, như toát ra một sức mạnh và sự tự tin lạ thường. Trên gương mặt bà, dường như luôn luôn có sự diễn biến của nhiều sắc thái và tâm trạng khác nhau. Bà dường như không bao giờ chú tâm vào một vấn đề nhất định. Có một luồng cảm xúc linh động, tế vi, sắc bén biểu lộ trong cặp mắt bà, làm cho chúng tôi có ấn tượng rằng bà cùng lúc có hai cá tính: vừa như bà đang ở đây, nhưng lại vừa như không có ở đây; bà nói chuyện nhưng tâm trí bà đang suy tư, hay bà đang bận hoạt động ở một cảnh giới khác.
“Bà có một bộ tóc rất dày, màu nâu nhạt, dợn sóng tự nhiên và không thấy có một sợi bạc nào. Da mặt bà hơi sậm, hẳn là vì phơi nắng và hứng gió miền biển, nhưng không có một vết nhăn nào. Hai cánh tay và bàn tay bà trắng nõn nà như tay con gái.
“Toàn thể cá tính của bà biểu lộ một sức tự chủ, một phong thái uy nghi và nội lực điềm tĩnh của nam giới, nhưng vẫn không vượt qua cái giới hạn những đức tính thuần hậu, dịu dàng tế nhị của nữ giới.”
Như đã nói ở trên, các quan khách đến viếng trụ sở “Lạt-ma Viện” đều rất thích thú khi có dịp thấy bà Blavatsky làm những hiện tượng thần bí ngoài việc được nghe những câu chuyện lạ lùng thú vị, cùng thưởng thức tài hùng biện và nói năng lưu loát, hấp dẫn của bà. Đôi khi, câu chuyện tạm ngưng một lúc, một vị khách bỗng đưa một ngón tay lên với cử chỉ ngạc nhiên, rồi tất cả đều nín thở lắng tai nghe trong im lặng, thì kế đó có tiếng nhạc reo trong không gian. Có khi tiếng nhạc ấy chỉ thoảng nghe vọng lại từ đàng xa, rồi từ từ đến gần và vang dội âm thanh cho đến khi nó vang rền khắp phòng, vọng lên trần nhà, và sau cùng tan biến dần trong khoảng không. Hoặc có khi bà Blavatsky đưa tay đánh mạnh trong không khí vài cái, thì nghe vọng lại có tiếng ngân như tiếng chuông.
Nhiều khi, trước mặt người khác, bà đặt bàn tay lên một thân cây, một vách tường, một cái thùng lớn, hoặc trên đầu một người, hoặc bất cứ vật gì khác hay ở bất cứ chỗ nào được yêu cầu, và làm cho tiếng “chuông âm” vang động ở bên trong chất liệu của cái vật thể đông đặc mà bà vừa đặt tay lên.
Có lần, tôi với bà cùng có mặt tại nhà của ông bà Sinnett Simla, và khi chúng tôi đang đứng ngoài hàng ba, bà làm cho những tiếng nhạc vọng đến chúng tôi từ xa, trong không gian của một đêm sao sáng.
Tôi cũng có mặt tại chỗ trong một buổi tiếp tân khi bà làm cho tiếng “chuông âm” ngân vang trong đầu của một vị khách có chức vị cao, và một tiếng “chuông âm” reo trong túi áo ngoài của một vị quan chức lớn khác nữa.

III.

Về hình dáng, bà Blavatsky từ khi còn trẻ vẫn là một người đầy đặn phương phi, và khi đến độ trung niên thì bà là người có một thân hình rất đồ sộ. Dường như đó là do huyết thống của gia đình. Nhưng trong trường hợp của bà thì cái khuynh hướng ấy càng trở nên trầm trọng hơn bởi nếp sinh hoạt của bà hoàn toàn thiếu vận động về thể xác, và bà ăn uống rất khỏe chỉ trừ những khi ngã bệnh. Nhưng ngay cả những lúc đó bà cũng ăn nhiều thịt mỡ và thường cho rất nhiều bơ lỏng lên trứng gà chiên khi ăn điểm tâm.
Bà không uống rượu mà chỉ uống trà và cà phê. Bà không phải là một người khổ hạnh, không ăn uống chay lạt, mà ăn thịt dường như là điều cần thiết cho sức khỏe của bà, cũng như đối với nhiều người khác trong Hội, kể cả tôi. Tôi biết có nhiều người cố gắng ăn chay với tất cả thiện chí và vài người khác, trong đó có tôi, đã ăn chay trong nhiều năm liên tiếp, nhưng sau cùng phải bỏ cuộc và quay về với lối sống trước kia ngoài ý muốn của họ. Vài người khác, trái lại, như bà A. Besant và những bạn đạo tên tuổi khác mà tôi biết, đã trở nên lành mạnh hơn, sáng suốt hơn và có sức khỏe tốt hơn với cách ăn uống chay lạt, và lâu dần đã trở nên sợ ăn thịt dưới bất cứ hình thức nào.
Blavatsky, như cả thế giới đều biết, là một người ưa hút thuốc lá. Bà tiêu thụ rất nhiều thuốc lá mỗi ngày, và do thói quen, bà vấn thuốc rất khéo. Thậm chí bà có thể vấn thuốc lá bằng tay trái trong khi cầm bút viết bằng tay mặt. Trong khi bà viết bộ “Vén màn Isis” tại New York, bà không hề bước chân ra khỏi nhà suốt một thời gian sáu tháng trường. Bà ngồi vào bàn làm việc từ sớm mai cho đến khuya, thường là đến gần hai giờ sáng. Một điều thông thường không ai lạ, là bà làm việc mỗi ngày mười bảy giờ đồng hồ. Sự vận động duy nhất của bà là đi vào phòng ăn hay phòng tắm rồi trở lại bàn viết.
Tính vui vẻ hồn nhiên là một trong những khía cạnh duyên dáng hấp dẫn của bà Blavatsky. Bà hay nói những chuyện trào phúng hài hước và thích nghe người khác nói những chuyện ấy. Như đã nói ở trên, phòng khách của bà không bao giờ nhàm chán, vô vị, trừ ra đối với những người không hiểu biết gì về triết học Đông phương hay không có chút kiến thức nào về đạo lý cổ truyền. Đối với họ, thời gian có thể kéo dài một cách nặng nề khi bà Blavatsky và tiến sĩ Wilder hay tiến sĩ Weisse, hay vài nhà bác học khác bận thảo luận về những giáo lý thâm sâu hay những quan điểm cao siêu huyền bí suốt nhiều giờ liên tiếp. Dẫu cho trong những lúc đó, bà cũng nói năng hoạt bát tự nhiên, không gò bó kiểu cách và phát biểu những quan điểm của bà một cách lưu loát dễ dàng như dòng suối chảy bất tận, đến nỗi nếu người nghe không thể theo dõi dòng tư tưởng của bà thì cũng phải thán phục tài hùng biện và khoa ngôn ngữ điêu luyện hấp dẫn của kỳ nữ Blavatsky.
Trong những lúc nhàn rỗi, tức là sau những giờ làm việc ban đêm, hoặc khi có khách đến viếng, hoặc những khi rất hiếm hoi mà bà muốn nghỉ ngơi giải trí trong giây lát, bà kể cho tôi nghe những chuyện lạ lùng, kỳ bí, những chuyện pháp môn phù thủy hoặc những chuyện phiêu lưu mạo hiểm của bà, và đổi lại, bà bảo tôi huýt sáo miệng, hoặc hát những bài hát khôi hài để chọc cười, hoặc kể những câu chuyện vui vô lý.

IV.

Về mặt xã giao, lúc bình thường bà là người hay nói thẳng, nói toạc ra sự thật mà không sợ mích lòng, nhưng khi cần phải lễ độ đối với một nhân vật mới quen biết thì bà tỏ ra là một phụ nữ quí phái chính cống.
Dù cho bà ăn mặc xuề xòa không chải chuốt về hình dáng bên ngoài, bà vẫn có cái tác phong của một người thuộc dòng quí tộc, và nếu muốn bà vẫn có thể sang trọng, hào hoa như một bà công tước nước Pháp. Nhưng trong đời sống bình thường hằng ngày, những lời châm biếm của bà thật sắc như dao, và những cơn thịnh nộ của bà như những quả bom nổ!
Đối với bà, điều khả ố duy nhất không thể tha thứ là sự giả dối, khoác lác, với vẻ thượng lưu, trang trọng giả tạo bề ngoài. Khi gặp những trường hợp đó, bà không ngần ngại nói thẳng vào mặt kẻ giả dối, làm cho anh ta cảm thấy như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt! Với một khả năng phán đoán chính xác đến lạ kỳ, bà thường thấy rõ được tất cả thói hư tật xấu của những người mà bà tiếp xúc; và nếu họ tỏ ra chê bai giáo lý Thông thiên học hoặc nói đến bà với một giọng khinh thường, thì bà sẽ phô bày tất cả những sự thật bỉ ổi kia trước mặt mọi người!
Những người giả dối làm cho bà phát ghét, còn đối với những người nghèo khổ, dốt nát nhưng ngay thẳng, thật thà thì bà luôn dành một lòng ưu ái và rất thường giúp đỡ, tặng quà. Tinh thần khoáng đạt không chịu sự gò bó chật hẹp theo nghi thức xã hội, đối với bà gần như một điều thiêng liêng và bà cảm thấy không gì thích thú hơn là làm hoặc nói ra những điều làm sửng sốt những kẻ đạo mạo mực thước. Thí dụ như tối hôm nọ, bà mặc áo ngủ nằm trên giường tiếp chuyện với một nhóm khách quen cả nam lẫn nữ. Đó là một lối sinh hoạt theo cung cách của các vị phu nhân vương giả quý phái hồi thời tiền cách mạng ở Âu Châu.
Tính chất tự nhiên không chút mặc cảm của bà trong cách xã giao đó cũng không làm cho ai khó chịu. Không một vị nữ khách nào nhìn thấy nơi bà một kẻ tình địch khả hữu, và không một người đàn ông nào nghĩ rằng bà có thể bị họ ve vãn đến phải xiêu lòng.
Bà nguyền rủa, chửi thề như lính tập ngoài mặt trận nhưng không chút ác ý, và nếu cái thú vui dị thường đó của bà không làm cho ai chú ý và lên án thì bà sẽ thôi không tiếp tục. Đó là điểm tâm lý chung của mọi người, cũng như trong tính chất tự nhiên của bà, là thích làm những điều cấm kỵ chỉ vì có sự phản kháng.
Cuộc đời thế gian đối với bà là một trò vô nghĩa, mồi danh bã lợi chỉ là rơm rác. Cuộc sống thức tỉnh của bà lúc ban ngày chỉ là một sự sống ảm đạm, khô khan, tẻ nhạt; đời sống thật sự của bà là lúc ban đêm, khi bà rời khỏi thể xác để đến ngồi dưới chân các đấng chân sư.
Bà khinh bỉ những nhà bác học thiển cận mù quáng, đầu óc nông cạn chật hẹp. Họ không hề nhìn thấy mảy may sự thật nhưng lại xét đoán, nhận xét về bà một cách bất chính và thiên lệch, sai lầm, rồi họ tìm cách ngăn chặn bà bằng những âm mưu vu khống.
Đối với các hàng giáo phẩm nói chung, bà rất ghét, bởi vì họ thường không biết gì về những chân lý trên lãnh vực tinh thần, nhưng lại nắm quyền dắt dẫn những kẻ mù quáng tâm linh, kiểm soát tín ngưỡng của người thế tục, hưởng thụ lợi lộc mà họ không hề làm ra và lên án những người “ngoại đạo”, nhưng những người này lại thường là những nhà hiền triết, những bậc thức giả.
Blavatsky có vô số bạn bè thân hữu, nhưng thường hay mất bạn. Thậm chí có người về sau lại trở thành thù nghịch với bà. Không ai có thể dễ mến hơn bà khi bà muốn, đó là những khi bà muốn qui tụ những người cộng tác với bà trong công việc đạo sự. Những khi đó thì bà tỏ ra rất ngọt ngào dễ thương trong giọng nói và thái độ, cử chỉ, làm cho người kia cảm thấy được bà xem như một người bạn tốt nhất, nếu không phải là duy nhất của bà.
Đối với những người thường gặp như tôi và những người cộng tác thân tín khác, tôi không thể nói rằng bà luôn trung hậu, chân thành. Tôi nghĩ rằng bà chỉ xem chúng tôi như những quân cờ trong một ván cờ, thế thôi, chứ không hề có một cảm tình trìu mến sâu xa tự đáy lòng. Bà kể cho tôi nghe những điều bí mật của nhiều người, cả nam lẫn nữ, thậm chí cả những điều rất tổn thương danh dự mà họ đã kể cho bà nghe, và tôi tin chắc rằng bà cũng xử sự y như vậy đối với những việc riêng tư của tôi.
Nhưng bà luôn trung thành tuyệt đối với các đấng chân sư; vì công việc của các ngài, bà sẵn lòng hy sinh không phải chỉ trọn một cuộc đời, mà thậm chí còn có thể đến nhiều đời sau nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét