Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ 3 / Đọc truyện

(ĐC sưu tầm trên NET)

Sách là ngọn đuốc soi rọi chân lý, là chiếc khăn thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân ái của loài người!
--------------------------------------------------------------------
NGUYN HU KIT dịch
TSÁCH HUYN MÔN
NHNG GIAI THOI HUYN BÍ
(LCH SHI THÔNG THIÊN HC - PHN 2)
HI KÝ CA ĐẠI TÁ H. S. OLCOTT
CHI TRƯỞNG HI THÔNG THIÊN HC THGII
 

CHƯƠNG BỐN 
BIỆT THỰ HOA HỒNG

I.

Kể từ ngày 29 tháng 3 năm 1879 đã lần lượt xảy ra một loạt những sự việc dị kỳ mà nhân chứng quan trọng là bạn Mulji Thackersey, không kể bà Blavatsky.
Ngày đó, bà Blavatsky bảo Mulji gọi một cỗ xe ngựa, và cùng với anh ta lên xe. Bà không trả lời khi anh ta hỏi bà đi đâu, mà chỉ bảo anh nói với người phu xe hãy rẽ về bên mặt, hay bên trái, hoặc đi thẳng, tuần tự theo chỉ dẫn của bà.
Những gì đã xảy ra, Mulji thuật lại cho chúng tôi nghe khi anh ta trở về nhà chiều hôm đó. Bà Blavatsky đã chỉ đường cho xe chạy xuyên qua rất nhiều ngõ ngách quanh co, cho đến khi ra đến ngoại ô thành phố Bombay cách đó độ tám đến mười dặm, vào một rừng thông rậm rạp, ở khu vực Parel. Mulji biết rõ vùng này vì anh ta đã hỏa táng xác chết của mẹ mình ở vùng lân cận.
Trong rừng thông có nhiều đường mòn xuyên nhau qua lại chằng chịt, nhưng bà Blavatsky không hề lạc đường, và chỉ bảo người đánh xe đi quanh đi quẹo một hồi lâu cho đến khi ra tới bờ biển. Sau cùng, Mulji vô cùng ngạc nhiên khi thấy xe đưa họ vào cổng một khuôn viên rộng lớn, với một vườn hoa hồng ở phía mặt, và một biệt thự nguy nga với những hành lang rộng rãi theo kiểu kiến trúc phương Đông.
Blavatsky xuống xe, bảo Mulji hãy đợi bà ở đó, và không được vào nhà vì bất cứ vì lý do nếu muốn được an toàn tính mạng. Thế là anh ta ngồi đợi trên xe trong một trạng thái băn khoăn khó hiểu, vì cái dinh cơ này, dù là người đã sống cả đời ở Bombay mà anh chưa từng nghe nói đến bao giờ!
Anh ta gọi một trong những người làm vườn đang trồng hoa, nhưng người này không nói gì cả về tên họ, tung tích của chủ nhân, cũng không cho biết người đã ở đó từ bao giờ, hoặc ngôi nhà đã được xây cất từ lúc nào. Đó là một điều rất bất thường giữa những người Ấn Độ với nhau.
Blavatsky đi thẳng đến ngôi nhà, được một người Ấn Độ hình dung cao lớn, mặc áo rộng trắng, với một phong cách sang cả tôn quý khác thường, ân cần tiếp đón bà từ ngoài cửa và hai người cùng đi vào nhà. Sau một lát, hai người lại bước ra cửa. Người lạ mặt bí mật kia chào từ giã, và trao cho bà một bó hoa hồng lớn mà một người làm vườn vừa đem mang vào.
Blavatsky trở lại chỗ cũ, bước lên xe và bảo người đánh xe trở về nhà. Tất cả những gì mà Mulji được biết do bà Blavatsky nói lại có thể tóm tắt như sau: Người lạ mặt là một nhà huyền học mà bà có liên hệ trực tiếp và có việc phải thương lượng vào ngày đó. Còn bó hoa hồng thì người ấy gửi cho tôi và nhờ bà trao lại.
Phần lạ lùng nhất trong câu chuyện này là theo chỗ chúng tôi biết thì bà Blavatsky không thể biết gì về vùng ngoại ô này và con đường đưa đến đó. Dù sao, kể từ khi chúng tôi đến Bombay, vì bà không hề rời khỏi nhà một mình! Nhưng bà lại tỏ ra hoàn toàn quen thuộc đường sá lẫn cả vùng này. Ngôi biệt thự kia có thật hay không, chúng tôi không thể biết được, trừ phi tin theo lời tường thuật của Mulji. Anh ta rất ngạc nhiên về việc này đến nỗi đã thuật lại câu chuyện cho các bạn trong thành phố nghe. Việc ấy làm cho một người đã từng quen thuộc với vùng ngoại ô này bỏ ra một trăm ru-pi để đánh cuộc rằng không bao giờ có một biệt thự nào như thế ở gần bờ biển, và Mulji không thể hướng dẫn bất cứ người nào đến đó.
Khi bà Blavatsky nghe câu chuyện đó, bà cảnh cáo Mulji rằng chắc chắn y sẽ thua cuộc; còn Mulji tuyên bố chắc chắn rằng y có thể trở lại, bởi y thuộc từng tấc đất trên lộ trình đã đi qua, và chấp nhận cuộc thách đố.
Tôi bèn cho gọi một cỗ xe ngay lập tức, và ba chúng tôi cùng lên xe. Do một người Ấn làm thông ngôn, tôi bảo người phu xe hãy tuân theo chỉ thị của Mulji về lộ trình sẽ đi qua và thế là chúng tôi khởi hành.
Sau một cuộc hành trình kéo dài qua nhiều ngõ ngách quanh co, chúng tôi lại đến khu rừng thông như lần trước, là nơi tọa lạc của ngôi nhà bí mật kia. Những đường lộ trong khu rừng quanh co chằng chịt, tôi mới bảo Mulji hãy cẩn thận nhắm hướng thật kỹ kẻo đi lạc đường. Tuy nhiên, anh ta vẫn rất tự tin như bao giờ, mặc dù bà Blavatsky đã nói với anh những lời chế giễu về tình trạng mê hoặc của anh và việc anh chắc chắn sẽ thua cuộc mất một trăm ru-pi.
Cỗ xe chúng tôi vẫn tiếp tục giong ruổi độ hơn một tiếng đồng hồ, quanh bên nọ, quẹo bên kia, có khi ngừng lại để Mulji bước xuống xe và nhắm hướng. Sau cùng, và chỉ độ một hai phút sau khi y tuyên bố hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi đang thẳng đến ngôi biệt thự trên bờ biển, thì ô kìa, lạ thay, một chuyến xe lửa chạy đến ầm ầm trên đường sắt gần bên, và điều đó cho Mulji thấy rằng y đã hướng dẫn chúng tôi theo một phương hướng ngược chiều với mục tiêu phải đi tới.
Chúng tôi đề nghị dành cho y nhiều thời giờ tùy nghi sử dụng để theo đuổi sự tìm kiếm ngôi nhà bí mật, nhưng y cảm thấy hoàn toàn lạc hướng và rối loạn tinh thần, rồi chịu thua và bỏ cuộc!
Thế là chúng tôi đành quay xe trở về nhà. Bà Blavatsky nói cho chúng tôi biết rằng Mulji đã có thể tìm thấy ngôi nhà bí mật nếu y không bị một bức màn ảo giác làm che lấp tầm mắt.
Ngôi biệt thự này, cũng như tất cả những nơi cư trú khác của các vị chân sư, luôn luôn được bảo vệ chống lại sự đột nhập của người đời bằng một vòng đai ảo giác bao phủ chung quanh và được gìn giữ, canh phòng cẩn mật bởi những vị thần linh. Ngôi nhà đặc biệt này được đặt dưới sự chăm sóc thường xuyên của một người tin cẩn, và được dùng làm nơi tạm trú, hội họp của các chân sư và đệ tử trong khi di chuyển, lưu động.
Bà nói rằng tất cả những thư viện cổ xưa chôn dưới lòng đất, và những kho tàng châu báu của cải còn chôn giấu kín cho đến khi nào nghiệp quả cho phép khai quật lên để sử dụng, đều được bảo vệ chống lại sự khám phá của kẻ thế nhân phàm tục. Có những bức màn ảo ảnh được tạo ra dưới hình thức những núi dựng như vách, mặt đất cứng rắn, hố sâu vực thẳm, hoặc những chướng ngại vật tương tự, để đánh lạc hướng những kẻ tìm tòi. Nhưng bức màn ảo giác đó sẽ tan biến khi một người nào đó có duyên phần thụ hưởng, và sẽ được dẫn dắt đến tận nơi vào lúc thời giờ đã điểm.
Dù sao, tôi chỉ kể lại chuyện này một cách vô tư, như tôi vẫn giữ thái độ đó trong mọi trường hợp mà tôi không chứng kiến tận mắt. Tôi chỉ nói như một người kể chuyện, và để cho độc giả tự nhận xét, dù họ tin hay không tin, việc ấy cũng không can dự gì đến tôi. Nhưng nếu tôi được yêu cầu cho biết ý kiến, thì tôi phải nói rằng theo ý tôi, câu chuyện ngôi nhà bí mật có thể là sự thật, bởi vì như đã nói trước đây, chúng tôi đã từng được nhiều vị chân sư đến viếng thăm tại nhà ở đường Girgaum trong thể xác của các ngài. Và một đêm trăng sáng, bạn Damodar và tôi cùng với bà Blavatsky đang đi trên đường đưa đến ngôi nhà ẩn giấu, thì thấy một vị tiến đến gần và hỏi thăm chúng tôi, chỉ cách nhau có một tầm tay. Những chi tiết của chuyện này không cần phải nêu ra đây vì tôi còn nhiều chuyện khác phải kể tiếp.

II.

Bây giờ tôi xin kể theo thứ tự thời gian một câu chuyện du hành lý thú, độc đáo. Những sự việc diễn biến ở đây đã được bà Blavatsky khai triển thêm một cách vô cùng phong phú trong quyển “Động thẳm rừng già của Ấn Độ”.
Chuyện này vẫn in sâu trong ký ức tôi như một kỷ niệm đáng kể và thích thú nhất trong những mối liên hệ của tôi với bà Blavatsky. Ngày 4 tháng 4 năm 1879, bạn Mulji và tôi rời khỏi Bombay bằng xe lửa trong một chuyến du hành đến những hang động Karli. Cùng đi có một em trai giúp việc là Babula.
Đến ga Narel, chúng tôi xuống xe và dùng kiệu đi lên đồi đến Matheran, là Trung tâm bồi dưỡng của Sở Y tế thành phố Bombay. Tôi được cho biết rằng chúng tôi đến động Karli do lời mời của một vị chân sư mà tôi đã có liên hệ mật thiết ở Mỹ trong thời gian soạn bộ sách “Vén màn Isis”, và những đồ vật thực cần thiết cho sự tiện nghi của chúng tôi khi đi đường đã được ngài ra lệnh cung ứng đầy đủ. Bởi vậy, tôi không ngạc nhiên chút nào khi gặp tại ga Narel một người Ấn Độ ăn vận ra dáng trung lưu. Người này tiến về phía chúng tôi và vái chào rồi đưa ra một thông điệp bằng thổ ngữ Marathi. Mulji thông dịch lại cho chúng tôi hiểu đó là những lời chào mừng của vị chủ nhân, và đề nghị chúng tôi tùy ý chọn cách đi kiệu hay đi ngựa để lên núi, vì cả hai loại phương tiện này đều sẵn sàng.
Blavatsky và tôi chọn đi kiệu, còn Mulji Babula chọn đi ngựa. Thế rồi, chúng tôi lên đường trong đêm trăng sáng rỡ như ban ngày, mỗi chiếc kiệu có mười hai người phu khiêng vóc dáng vạm vỡ, mạnh khỏe, nước da sậm, dường như là thổ dân Thakur. Họ vừa đi lên dốc với những bước chân vững chắc, vừa hát theo một điệu nhạc bình dân nghe êm tai để giữ nhịp bước cho nhanh.
Đó là một đêm của vùng nhiệt đới. Cuộc hành trình của chúng tôi đầy những nét thi vị với một nền trời đầy sao chói sáng trước khi trăng lên, với tiếng côn trùng vang vang khắp nơi trong rừng già, với những loài chim ăn đêm gọi đáp lẫn nhau, những loài dơi lớn bay lượn thấp thoáng nhưng âm thầm không một tiếng động, tiếng lá dừa xào xạc trước gió cùng hương thơm của hoa rừng tỏa ra một mùi vị ấm áp, cay nồng, với tiếng hát lạ tai của những người phu khiêng kiệu để giữ nhịp đều với những bước chân đi nhanh thoăn thoắt.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe lửa đi Khandalla, một thị trấn có khí hậu mát mẻ thuộc vùng núi. Tại đây, người phục vụ của chúng tôi ở Narel lại tiếp đón chúng tôi với một chiếc xe bò rộng rãi để đưa chúng tôi đến lữ quán của Chính phủ. Tại đây, chúng tôi nghỉ ngơi suốt một ngày và đêm hôm sau.
Chiều hôm chúng tôi đến, bạn Mulji dạo chơi đến ga xe lửa để nói chuyện với người xếp ga vốn là một người quen cũ, và gặp một việc lạ lùng làm anh ta rất ngạc nhiên.
Một chuyến xe lửa đến từ Bombay và ngừng lại bến ga, khi đó anh ta nghe có người gọi tên mình rất lớn từ trong xe. Nhìn từ toa xe này đến toa xe khác, anh thấy một người Ấn Độ đang vẫy tay gọi, anh liền bước đến gần cửa sổ của toa xe ấy. Thì ra người lạ mặt là nhân vật kỳ bí mà bà Blavatsky đã đến viếng thăm tại ngôi nhà bí mật! Người ấy trao cho Mulji một bó hoa tươi, dường như cùng một loại hoa hồng mà anh đã thấy trong vườn hoa của biệt thự trên bờ biển, và là thứ hoa đẹp nhất mà anh đã từng được biết. Người lạ mặt nói trong khi đoàn xe bắt đầu chuyển bánh: “Anh hãy trao bó hoa này lại cho Đại tá Olcott và nói là của tôi gửi tặng.”
Thế rồi Mulji trao bó hoa cho tôi và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Một giờ sau đó, tôi nói với bà Blavatsky rằng tôi muốn gửi lời cảm ơn vị chân sư về hảo ý của ngài đối với chúng tôi, và nếu bà có thể trao thư của tôi đến tay ngài thì tôi sẽ viết. Bà bằng lòng.
Thế là tôi viết một thông điệp ngắn rồi đưa cho bà. Bà đưa cho Mulji và bảo anh ta hãy đi thẳng theo con đường trước mặt và giao bức thư ấy. Mulji hỏi: “Nhưng tôi phải trao thư cho ai và ở đâu? Vì tôi không thấy có tên và địa chỉ người nhận ở ngoài bao thư.” Bà nói: “Không hề gì, anh hãy cầm lấy, rồi anh sẽ biết phải giao cho ai.”
Mulji làm theo lời dặn và thẳng tiến trên đường, nhưng sau đó mười phút, anh ta chạy trở về không kịp thở và lộ vẻ rất ngạc nhiên. “Thư đi rồi”, anh ta nói qua hơi thở đứt đoạn. Tôi hỏi: “Sao? Anh nói gì?” Anh ta lắp bắp: “Thư... lá thư... người ấy lấy đi rồi...” Tôi gặn hỏi: “Ai lấy thư ấy? Người ấy là ai?” Anhta nói: “Thưa Đại tá, tôi không biết, nếu đó không phải là ma quỉ hiện hình. Người ấy có thể từ dưới lòng đất chui lên, tôi có cảm tưởng như vậy. Tôi đang từ từ tiến bước, nhìn bên mặt, bên trái, và không biết phải làm gì để thi hành ý muốn của bà Blavatsky. Chung quanh tôi không có một bóng cây hay bụi rậm để có thể ẩn núp, mà chỉ có con đường bụi bặm và trắng xóa. Thình lình xuất hiện ngay trước mặt tôi một người chỉ cách đó có vài thước, cơ hồ như từ dưới đất chui lên và tiến về phía tôi. Đó là người ở ngôi biệt thự có hoa hồng, người đã đưa cho tôi bó hoa để tặng ông ở ga Khandalla, mà tôi đã nhìn thấy trên chuyến xe lửa đi Poona!”
Tôi phản đối: “Vô lý, anh đã mơ hoảng rồi đấy!”
“Không đâu, tôi vẫn tỉnh táo như thường. Người ấy nói: ‘Anh định đưa thư cho tôi phải không, lá thư anh đang cầm nơi tay?’ Tôi ngạc nhiên và nói: ‘Thưa ngài, tôi cũng không biết, vì thư không có địa chỉ.’ Ông ta nói: ‘Thư ấy của tôi, anh đưa đây.’ Rồi ông ấy lấy thư trên tay tôi và nói: ‘Bây giờ anh hãy về đi.’ Tôi quay lưng đi vừa độ một lát và quay lại nhìn xem thì ông ta đã biến mất: con đường trống trơn! Tôi sợ quá, quay lại chạy về, nhưng vừa chạy được chừng năm mươi thước thì nghe một giọng nói bên tai tôi: ‘Đừng có điên lên như thế, hãy bình tĩnh một chút, mọi việc đều tốt lành.’ Điều này lại càng làm cho tôi sợ hơn nữa, vì chung quanh tôi không có một người nào. Tôi chạy một hơi không nghỉ về đến đây.”
Đó là câu chuyện tường thuật của Mulji và tôi lặp lại trung thực những lời anh ta đã nói với tôi. Nếu có thể tin ở bề ngoài, thì chắc chắn anh ta đã nói sự thật, vì cơn sợ hãi và xúc động của anh thật quá rõ rệt, không thể nói đó là sự giả vờ với một người rất vụng về như anh ta. Hơn nữa, có một nội dung yêu cầu trong bức thông điệp của tôi đã được chân sư trả lời trong một bức thư của ngài mà sau đó tôi đã nhận được tại lữ quán ở Bhurtpore, tỉnh Rajputana, cách chỗ Mulji gặp người lạ mặt trên một ngàn dặm đường. Và đó là một sự kiện đáng kể.

CHƯƠNG NĂM 
VIẾNG ĐỘNG KARLI

I

Đó là một đêm trăng sáng. Chúng tôi ba người cùng ngồi thưởng trăng trên sân cỏ trước nhà cho đến khuya, và bàn kế hoạch du ngoạn hang động Karli vào ngày hôm sau.
Tối hôm đó, bà Blavatsky ngồi nhập định trong một lúc, và sau đó khi xả thiền bà nói với tôi rằng đúng năm giờ chiều mai, sẽ có một vị tăng lữ Bà-la-môn đến gặp chúng tôi trong hang.
Bốn giờ sáng hôm sau, Baburao, người thừa sai của chân sư, rón rén bước vào phòng ngủ của tôi và Mulji, sẽ đánh thức tôi dậy, nhét vào tay tôi một cái hộp sơn mài nhỏ, hình tròn, đựng một miếng trầu có têm vôi và gia vị gói ở trong, như người ta thường gói sẵn cho gọn để mời khách, và nói nhỏ vào tai tôi thánh danh của vị chân sư bảo trợ chúng tôi trong cuộc đi chơi này. Ý nghĩa món quà này là: trong tổ chức Huyền môn của chúng tôi, đó là dấu hiệu thâu nhận đệ tử mới. Chúng tôi thức dậy, đi tắm, dùng cà phê sáng xong, đúng năm giờ lên xe bò đi Karli và đến nơi vào lúc mười giờ.
Vào giờ này, mặt trời đã lên cao, chúng tôi phải đi lên dốc một cách vất vả, khó nhọc trên con đường mòn từ dưới chân đồi dẫn lên các hang động trên núi. Bà Blavatsky có vẻ mệt lử và hơi thở hổn hển như sắp dứt, đến nỗi vài người phu phải đem lại một chiếc ghế bành và kiệu bà đi trên đoạn đường dốc cuối cùng.
Tôi không cần phải miêu tả ở đây ngôi đền vĩ đại khoét trong hang núi và những xà lim nhỏ vuông vức đục trong vách đá dùng làm chỗ ngủ của các tu sĩ khổ hạnh thời xưa. Toàn bộ kiến trúc gây cho du khách một cảm giác bàng hoàng kinh ngạc về tính cách hùng vĩ của công trình mỹ thuật độc đáo vô song này.
Mọi cuốn du lịch chỉ nam đều có mô tả hang động Karli với đầy đủ chi tiết. Mệt mỏi sau cuộc leo núi dưới ánh mặt trời nóng bức, chúng tôi bước vào trong hang lớn, trải nệm và cắm trại luôn trên nền đá. Kế đó chúng tôi ăn trưa và đàm đạo với nhau về vấn đề thịnh vượng và suy vong của nền minh triết cổ truyền (Brahma Vidya) của Ấn Độ, và những triển vọng phục sinh của nó trong tương lai.
Cuộc đàm thoại về những vấn đề cao siêu đó làm tiêu hao thời gian cho đến khi tôi nhìn đồng hồ thì thấy chỉ còn có sáu phút nữa là đúng năm giờ chiều. Thế là bạn Mulji và tôi để bà Blavatsky ở lại đó rồi cùng đi ra chòi canh ở ngoài cửa hang để ngồi đợi. Không có một tăng lữ khổ hạnh nào xuất hiện, nhưng sau độ mười phút thì thấy có một người tu sĩ đẩy tới trước một con bò cái có tật với một cái chân thứ năm ngắn ngủi mọc ra từ cái gù trên lưng. Có một người nô bộc đi theo ông ta .
Người tu sĩ có một gương mặt dịu dàng, khôi ngô, dễ mến. Ông ta có một đầu tóc đen dợn sóng và xõa xuống tận vai. Một bộ râu rậm chẻ hai ở dưới cằm theo kiểu dân Rajput, đuôi râu vắt lên hai bên mép tai và xoắn lại với tóc trên đầu. Ông mặc bộ áo vàng của người tu sĩ xuất gia, trên vầng trán rộng biểu lộ sự thông minh có bôi tro xám biểu hiệu chi phái thờ thần Shiva.
Chúng tôi để ý dò xét xem ông ta có nhận ra chúng tôi không, nhưng thấy là không. Sau cùng chúng tôi mới lên tiếng để bắt chuyện với ông ta. Ông ta nói rằng ngày hôm qua trong khi ông đang trên lộ trình hành hương ở Hardwar thì sư phụ ông dạy rằng hãy đến đây ngày hôm nay, lúc năm giờ chiều, vì có những người mà ông cần gặp gỡ. Ngoài ra, ông không được dặn dò gì thêm.
Nếu chúng tôi trông đợi ông ta, thì chúng tôi hẳn là những người mà sư phụ ông ta muốn nói đến, nhưng ông ta lại không mang đến một lời nhắn nào cho chúng tôi, hoặc ít nhất chúng tôi cũng chưa biết được điều đó.
Sư phụ ông ta không đích thân nói chuyện với ông, mà ông nghe được lời dạy của ngài qua một giọng nói dường như thì thầm bên tai. Điều này chúng tôi biết được, sau khi đã gặn hỏi ông ta nhiều câu hỏi quanh co, và sau một lúc im lặng, ông ta có vẻ như đang lắng nghe giọng nói của một người nào đó mà không ai trong chúng tôi nhìn thấy. Đó cũng chính là cách ông ta tiếp nhận những lời dạy của sư phụ trong khi đi đường.
Thấy rằng không còn khai thác thêm được điều gì nữa từ ông ta, chúng tôi tạm biệt và trở lại với bà Blavatsky. Chúng tôi quyết định ngủ đêm trên núi, và sau khi thông báo quyết định ấy cho Baburao, anh ta và Mulji liền đi tìm một nơi cư trú thích hợp. Khi họ trở lại, chúng tôi cùng di chuyển hành lý đến một hang nhỏ dùng làm phòng ngủ đục trong vách đá, ở cách đó không xa.
Những nhà điêu khắc thời cổ đã kiến tạo ở cổng vào hang động này hai cây cột đá chạm trổ tinh vi, và bên trong động là mười căn phòng nhỏ, với những hành lang đưa đến một phòng vuông vức rộng lớn dùng làm đại sảnh trung tâm hay hội trường. Bên trái cổng vào là một bồn chứa nước đục vào vách đá để tiếp nhận một thứ nước suối rất trong và mát lạnh.
Blavatsky cho chúng tôi biết rằng từ một căn phòng nhỏ trong hang có một cửa bí mật thông với những hang động khác ở trung tâm quả núi. Tại đây có các bậc siêu nhân đang ẩn trú mà người thế gian không hề biết được mảy may tung tích. Bà nói rằng, nếu có thể tìm thấy một bộ phận nào đó trên vách đá và đẩy vào đó theo đúng phương pháp thì sẽ có thể lọt vào bên trong cửa động bí mật. Đó là một sự tiết lộ rất hấp dẫn trong hoàn cảnh hiện tại!
Tôi đã thăm dò, tìm kiếm rất lâu và trong một hang nhỏ khác cách đó không xa, tôi đã thử đặt tay vào một chỗ nọ và sắp sửa đẩy mạnh vào thì bà Blavatsky gọi giật tôi lại một cách hối hả. Trong bức thư của chân sư mà tôi nhận được ở Bhurtpore sau đó, ngài cho tôi biết rằng lúc ấy tôi đã thật sự đặt tay vào đúng chỗ và đã có thể đột nhập quá sớm vào nơi ẩn trú của ngài nếu tôi không bị gọi giật trở lại.
Mulji Babula đã cùng với Baburao đi xuống chợ trong làng để mua vật thực, chỉ còn bà Blavatsky và tôi ở lại. Chúng tôi ngồi trước cổng hút thuốc và nói chuyện. Một lát sau, bà bảo tôi hãy ngồi yên một chỗ trong vài phút và đừng nhìn quanh cho đến khi bà lên tiếng. Kế đó, bà đi vào động, còn tôi vừa hút thuốc vừa ngắm cảnh vật rừng núi mênh mông trải rộng dưới chân đồi.
Thình lình, từ phía trong hang vọng ra một tiếng động lớn giống như tiếng đóng sầm của một cánh cửa rất nặng, và một chuỗi cười dài ngạo nghễ nghe vang tai. Tự nhiên là tôi day đầu lại, nhưng bà Blavatsky đã biến mất. Bà không có mặt trong bất cứ gian phòng nhỏ nào mà tôi đã xem xét tỉ mỉ từng chi tiết. Tôi cũng quan sát cẩn thận những mặt đá trên tường, nhưng không thấy một chỗ rạn nứt nào hay một dấu hiệu gì tỏ rằng có một cánh cửa bí mật.
Tôi đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm huyền linh trong một thời gian lâu dài với bà Blavatsky nên không thắc mắc nhiều về điều bí hiểm này, và trở lại ngồi chỗ cũ, châm lửa hút thuốc, thản nhiên chờ đợi mọi diễn biến có thể xảy ra.
Nửa giờ đã trôi qua kể từ lúc bà biến mất dạng, bỗng tôi nghe có tiếng chân người ngay sau lưng và giọng nói của bà Blavatsky nói chuyện với tôi, một giọng nói rất tự nhiên dường như không có gì đã xảy ra một cách khác thường. Tôi liền hỏi xem nãy giờ bà đi đâu. Bà đáp rằng vì bà có đạo sự cần bàn tính với chân sư X. nên bà đã đến viếng ngài tại nơi trú ẩn bí mật của ngài. Có điều lạ là bà cầm nơi tay một ngọn đao đã gỉ sét, kiểu cổ xưa trông rất kỳ dị. Bà nói là đã lượm được trong một hành lang bí mật và mang theo tới đây. Bà không chịu để cho tôi giữ cây đao ấy, mà dùng hết sức quăng nó ra xa. Tôi nhìn thấy nó rơi xuống một bụi rậm ở tận dưới chân đồi.
Tôi không giải thích những sự việc đã xảy ra, để cho độc giả tự tìm hiểu tùy khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, để rào đón trước sự thiên lệch của những người có ít nhiều thành kiến, tôi có thể nói rằng, ngoài chuyện cây đao gỉ sét, tất cả đều có thể giải thích bằng giả thuyết thôi miên. Tiếng động của cánh cửa đá đóng sầm lại và giọng cười vang dội kéo dài, sự tàng hình và thình lình xuất hiện trở lại của bà Blavatsky, tất cả đều có thể giải thích như những ảo giác do bà Blavatsky dùng thuật thôi miên tác động trên giác quan của tôi. Bà có thể đã đi qua cổng hang ngay bên cạnh tôi để đến một nơi nào đó, và trở lại ngay trước mắt tôi mà tôi không nhìn thấy. Đó là một cách giải thích, tuy rất bấp bênh mơ hồ, của người môn đệ sơ cơ như tôi đối với một người đã lão luyện tinh thông về khoa phương thuật.

II.

Khi các người bạn Ấn Độ đi mua sắm vật thực đã trở về, chúng tôi được ăn một bữa tối nóng sốt trong hang và sau đó ra ngắm cảnh đồi núi dưới ánh trăng. Đêm hôm đó, chúng tôi trải nệm trên sàn đá và ngủ ngon lành cho đến sáng. Baburao ngồi trước cổng hang và đốt lửa trại suốt đêm để ngăn ngừa sự đột nhập của loài thú dữ.
Trong quyển “Động thẳm rừng già của Ấn Độ” có đoạn diễn tả tôi bị rơi xuống vực thẳm và được người tu sĩ Ấn Độ có con bò năm chân cứu thoát, nhưng đó chỉ là chuyện giả tưởng. Cũng thế, những “tiếng gầm thét của chúa sơn lâm từ xa vọng lại dưới chân đồi; một con cọp lớn rình chụp chúng tôi lúc nửa đêm và bị đẩy xuống vực sâu do một quyền năng bí mật che chở chúng tôi, v.v...” đều là do óc tưởng tượng của bà Blavatsky để làm cho câu chuyện phiêu lưu du ký này thêm phần ly kỳ hấp dẫn đối với độc giả bên Nga.
Sáng hôm sau, Mulji và tôi thức dậy trước bà Blavatsky, và sau khi chúng tôi đi tắm dưới suối, y xuống làng mua sắm thức ăn trong ngày, còn tôi đứng trên đồi ngắm cảnh vật chung quanh dưới ánh nắng ban mai. Sau một lúc, tôi lấy làm vui thích mà thấy người tu sĩ có con bò năm chân bước đến gần tôi và hiển nhiên là có ý muốn nói chuyện với tôi. Tôi còn do dự không biết phải làm sao, vì bà Blavatsky và tôi không ai biết nói thổ ngữ địa phương. Nhưng sự băn khoăn của tôi về vấn đề này đã được giải tỏa ngay, vì y liền đến gần bên cạnh tôi, nắm lấy bàn tay tôi, bày tỏ lòng thiện cảm đối với Hội Thông thiên học, và nói nhỏ vào tai tôi thánh danh của một chân sư! Kế đó, y chào từ giã tôi một cách rất lịch sự, và lui bước. Chúng tôi không còn gặp y lần nào nữa.
Suốt ngày hôm đó, chúng tôi đi thám hiểm các hang động, và đến bốn giờ rưỡi chiều mới trở về lữ quán Khandalla.
Đang khi chúng tôi còn ở trong hang lớn, bà Blavatsky chuyển đạt cho tôi một huấn lệnh của chân sư mà bà nói là đã nhận được bằng thần giao cách cảm. Ngài dạy chúng tôi phải đi Rajputana, trong tỉnh Punjab.
Sau bữa ăn tối, chúng tôi ra ngồi ngoài sân cỏ ngắm trăng. Hai bạn tôi vừa đi rảo bước vừa nói chuyện với nhau và đi vòng ra phía sau quán trọ, nhưng bỗng Mulji hối hả trở lại, và trong cơn xúc động bàng hoàng nói rằng bà Blavatsky đã biến mất dạng ngay trước mắt anh ta trong khi anh đang đứng nói chuyện với bà dưới ánh trăng.
Anh ta vừa nói vừa run cầm cập, dường như sắp sửa muốn phát chứng động kinh. Tôi bảo anh ta ngồi xuống, hãy giữ bình tĩnh và đừng có phát điên lên, vì đó chỉ là một trò thôi miên che lấp thị giác của anh ta. Trò ấy vốn tuyệt đối vô hại, và bất cứ nhà thôi miên nào cũng có thể tác động như thế trên một đối tượng nhạy cảm.
Độ một lát, bà xuất hiện trở lại, ngồi lại chỗ cũ, và chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện. Bỗng thấy có hai người Ấn Độ mặc sắc phục trắng đi qua sân cỏ cách chúng tôi độ năm mươi thước. Khi đến một chỗ đối diện với chúng tôi, họ ngừng lại và bà Blavatsky bảo Mulji hãy đến nói chuyện với họ. Trong khi Mulji đang tiếp đón họ, bà Blavatsky lặp lại cho tôi nghe những gì họ nói với nhau, và Mulji cũng đã tường thuật lại đúng y như vậy khi y trở lại một lúc sau đó.
Đó là một thông điệp nhắn cho tôi biết rằng bức thư của tôi gửi cho chân sư đã tới tay ngài và được ngài chấp thuận, và tôi sẽ nhận được thư trả lời khi tôi tới Rajputana.
Trước khi Mulji nói dứt lời, tôi thấy hai người sứ giả ấy quay gót ra đi độ một quãng ngắn, đến sau một bụi rậm nhỏ không đủ che khuất một người mặc áo rộng trắng, nhất là dưới ánh trăng sáng tỏ như ban ngày, rồi biến mất dạng. Chung quanh bụi rậm là đồng cỏ trống trơn, nhưng cả hai người đều biến mất không còn dấu vết. Lẽ tự nhiên, phản ứng đầu tiên của tôi là chạy ngang qua sân cỏ và tìm kiếm đằng sau bụi rậm xem có dấu hiệu gì chỉ rằng có một đường hầm trú ẩn nào chăng, nhưng tuyệt nhiên không thấy có gì khả nghi: mặt đất vẫn trơn láng, bằng phẳng, không có hang lỗ, hầm hố hay vết tích đào xới nào. Tôi chỉ bị thôi miên mà thôi!
Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe lửa trở về Bombay, nhưng cuộc phiêu lưu của chúng tôi vẫn chưa chấm dứt. Baburao chào từ giã chúng tôi ở ga Khandalla sau khi đã từ chối không nhận tiền “trà nước” của tôi tặng, đó là một cử chỉ hy sinh hiếm có trong giới người thuộc giai cấp lao công Ấn Độ. Ba chúng tôi lên toa xe hạng nhì, còn Babula tìm được chỗ trong toa hạng ba. Sau một lát, Mulji ngả mình nằm trên băng “cút-xét” và ngủ luôn, còn bà Blavatsky và tôi ngồi nói chuyện.
Bà nói:
- Ước gì chân sư đừng bảo tôi nhắn miệng cho ông bức thông điệp về việc đi Rajputana!
- Tại sao?
- Bởi vì Wimbridge và cô Bates sẽ nghĩ rằng đó là chuyện bịa đặt để ông đưa tôi đi chơi một chuyến thích thú và để cho họ nằm không ở nhà một mình.
- Ồ! Không sao. Tôi chỉ tin nơi lời nói của bà là đủ.
- Nhưng họ sẽ nghĩ xấu về tôi vì chuyện đó.
- Nếu vậy, tốt hơn là ngài nên viết cho bà ít chữ. Điều này ngài có thể làm một cách dễ dàng. Nhưng bây giờ dù có hối tiếc cũng đã quá trễ. Chúng ta đã đi qua khỏi Khandalla độ mười lăm hay hai mươi dặm. Thôi, hãy bỏ qua việc ấy.
Bà ngẫm nghĩ trong vài phút rồi nói:
- Dù sao, để tôi thử xem, vẫn chưa phải là quá trễ. Kế đó bà viết vài chữ trên một trang giấy trong cuốn sổ tay bỏ túi của bà bằng hai thứ chữ, nửa trang trên viết bằng chữ cổ tự Senzar, là ngôn ngữ đặc biệt bà dùng để giao dịch thư từ với các chân sư, còn nửa trang dưới viết bằng tiếng Anh để cho tôi đọc. Bức thông điệp ấy viết như sau:
“Yêu cầu Sư phụ Gulab Singh gửi điện tín cho Olcott những huấn lệnh do đạo nữ truyền cho ông ấy ở động đá ngày hôm qua. Đó sẽ là một thử thách cho những người khác cũng như cho chính ông.”
Bà xé rời trang giấy, xếp lại thành hình tam giác, dùng ngón tay vẽ nguệch ngoạc trên đó vài dấu hiệu dị kỳ (mà bà nói là có tác dụng khống chế các loại tinh linh). Bà cầm nó trên đầu các ngón tay của bàn tay trái, dường như sắp sửa ném ra ngoài cửa sổ. Tuy nhiên, tôi giữ tay bà lại và nói:
- Bà muốn đây là một thử thách cho tôi chăng? Vậy bà hãy để tôi mở ra xem lại.
Bà bằng lòng, tôi nhìn lại bên trong tờ giấy, trả nó lại cho bà, và theo lời bà dặn, theo dõi tờ giấy khi bà quăng nó ra ngoài toa xe lửa. Tờ giấy bị gió cuốn hút đi, xoay vòng theo chiều gió và bay đến một cái cây trơ trọi gần bên đường sắt. Lúc ấy chúng tôi đang ở trên đỉnh của dãy núi Ghats, độ một ngàn mét chiều cao, chung quanh không có nhà cửa xóm làng chi cả, mà chỉ có vài thân cây trơ trọi lẻ tẻ bên cạnh đường xe lửa.
Trước khi để bà quăng tờ giấy ra ngoài cửa sổ, tôi đã đánh thức Mulji, nói cho y biết sự việc ấy, cùng với y xem giờ trên đồng hồ, và y cùng tôi đồng ký tên trên một chứng thư trong quyển sổ tay của tôi, mà hiện giờ tôi đang có ngay trước mặt, và nhờ đó tôi đã nhớ lại từng chi tiết của sự việc đã xảy ra. Bản chứng thư ấy có ghi những chi tiết về địa điểm và ngày tháng như sau:
“Ga Kurjit, ngày 8 tháng 4 năm 1879, lúc 12 giờ 24 phút” và có nhân chứng Mulji Thackersey ký tên.
Đến ga Kurjit, Mulji và tôi muốn xuống ga đi bách bộ một lát để cho giãn gân cốt, nhưng bà Blavatsky bảo chúng tôi đừng rời khỏi toa xe cho đến khi xe đến Bombay. Bà đã được lệnh và chúng tôi sẽ hiểu sự việc ấy vào đúng lúc. Thế là chúng tôi cũng ở lại trên toa xe với bà. Đoàn xe lửa đến nơi đúng giờ quy định, tôi liền đi ra phố có việc, và vắng mặt độ một giờ. Khi về đến nhà, cô Bates đón tôi trước cửa và đưa cho tôi một bức điện tín đựng trong phong bì có niêm khằng do nhân viên Sở Bưu điện đem đến, và cô đã ký nhận thay tôi.
Bức điện tín ấy ghi như sau:
“Thời điểm: 2 giờ chiều ngày 8 tháng 4 năm 1879. Từ ga Kurjit đến ga Byculla. Gulab Singh gửi Đại tá H. S. Olcott. Đã nhận được thư. Sẽ trả lời tại Rajputana. Hãy lên đường ngay lập tức.”
Như đã nói trên, tôi xem sự việc này như một trong những bằng chứng chân thật nhất và không thể lầm lẫn mà tôi đã từng có về những mối tương quan huyền diệu của bà Blavatsky với các đấng chân sư cao cả.
Khi chúng tôi đến Bhurtpore trong chuyến đi Rajputana sau đó, một đêm nọ bà Blavatsky và tôi đang ngồi ở ngoài hành lang của quán trọ thì thấy một người Ấn cao niên mặc áo rộng trắng bước đến gần, chào theo phong tục bản xứ, rồi đưa cho tôi một phong thư và lẳng lặng bước đi ngay. Tôi mở thư ra xem, thì ra đó là thư trả lời bức thông điệp của tôi gửi cho sư phụ Gulab Singh tại Khandalla, mà ngài đã báo trước cho tôi biết trong bức điện tín gửi từ Kurjit, rằng tôi sẽ nhận được khi tôi đến Rajputana.
Đó là một bức thư chứa đựng những lời khuyên ưu ái đầy thiện cảm, và quan trọng nhất đối với tôi, vì trong đó ngài dạy tôi rằng con đường tốt nhất và đảm bảo nhất để tìm chân sư là con đường hoạt động trung kiên vì mục đích phụng sự nhân loại xuyên qua Hội Thông thiên học.
Con đường đó, tôi vẫn theo đuổi tận tụy đến cùng, và bức thư của ngài là một ân huệ và nguồn an ủi thường xuyên đối với tôi trong những cơn khó khăn, gian lao nghịch cảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét