Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

HƯƠNG VỊ QUÊ HƯƠNG 65

(ĐC sưu tầm trên NET)
                                      Canh cua đồng - Mắm chưng | Món ăn dân dã Miền Tây

Ngày nắng nấu 5 món canh cua đồng này, mẹ chồng khó tính mấy cũng phải khen ngon

Những ngày nắng cuối hè mà được thưởng thức những bát canh tuyệt ngon từ cua đồng cùng bát cà muối thì còn gì bằng.

1. Canh mồng tơi cua đồng

Nguyên liệu :
+ Rau mùng tơi
+ Cua đồng
+ Gia vị
Cách nấu:
– Bước 1: Rửa sạch rau mồng tơi rồi cắt nhỏ.
– Bước 2: Cua đồng sau khi rửa sạch thì giã nhỏ, đổ thêm nước vào cua đã giã nhỏ đó. Dùng tấm vải mỏng hoặc lưới bé để lọc lấy nước nấu.
– Bước 3: Tiếp theo, cho nước cua đã lọc vào nồi, thêm gia vị và quậy đều tay đến khi nước sôi. Khi nước vừa đến sôi, chúng ta vớt hết thịt cua, tránh không nên để gạch chín quá.
– Bước 4: Sau đó, chúng ta cho gạch cua, rau mồng tơi vào nồi rồi đun sôi lần nữa thì đổ thịt cua lên trên bề mặt và tắt bếp.
2. Canh rau muống cua đồng

Nguyên liệu:
+ Rau muống: 1 mớ
+ Cua đồng: 300 gam
+ Nước mắm, hạt nêm, mắm tôm
+ Hành củ
Cách nấu:
Ngâm cua vào nước trong 30 phút để cua nhả sạch bùn đất.
Xóc và rửa lại với nhiều lần nước cho sạch.
Bóc mai cua khều lấy gạch, để riêng, bỏ yếm, cho cua vào cối giã nhuyễn rồi lọc lấy nước cua.
Rau muống nhặt bỏ phần cọng già, lá héo, đem rửa sạch, để ráo nước rồi dùng tay vặn làm 3 phần.
Phi thơm hành tím với một ít dầu rồi cho gạch cua vào xào thơm, nêm ít nước mắm rồi cho ra bát nhỏ.
Bắc nồi nước lọc cua lên bếp đun dùng chút muối và hành tím băm nhỏ, để lửa bé, nấu đến khi sôi thì vớt thịt cua nổi lên ra, cho rau muống cùng 1 thìa mắm tôm vào, nấu chín rau thì cho phần thịt cua vào, rưới gạch cua lên trên và tắt bếp.
3. Canh cua đồng rau ngót

Nguyên liệu:
300 g cua đồng xay
2 mớ rau ngót
1 ít nước mắm
1 ít bột nêm
Cách nấu:
Rau ngót tuốt lấy lá, rửa sạch, để ráo nước.
Cua xay cho nước vừa xâm xấp vào, khuấy đều cho cua tan ra. Đợi bã của lắng xuống đáy thì gạn lấy nước cua đổ ra nồi, đun cho sôi.
Khi nước của sôi thì bỏ rau ngót vào, nêm cho vừa ăn với nước mắm và bột nêm. Đun sôi trở lại là xong.
4. Canh cua đồng khoai sọ rau rút

Nguyên liệu:
- 600gr cua đồng
- 200gr rau rút đã nhặt
- 500r khoai sọ
- 20gr hành khô
- Muối, mì chính, nước mắm, mỡ nước
Cách nấu:
Cua đồng chọn con vừa, chắc thịt và béo, đem ngâm, rửa sạch cát, xé lấy thịt cua, rửa lại với nước để ráo, xóc chút muối hạt, đem giã tay hoặc dùng máy xay nhuyễn, lọc lấy nước cua. Gạch cua khều xong để riêng ra bát. Khoai sọ rửa sạch rồi đem luộc chín, bóc vỏ, bổ làm 3 hoặc 4. Rau rút nhặt sạch, bỏ đi cọng già, ngắt từng đoạn dài 3 – 4 cm, rửa sạch rồi để ráo.
Đặt xoong nước cua lên bếp, khuấy theo một chiều đều tay, đun to lửa. Khi thịt cua nổi lên, đóng váng thành tầng đông chắc thì hớt ra bát và để riêng. Cho khoai sọ vào xoong canh, nêm với nước mắm vừa ăn, khi khoai chín bở cho tiếp rau rút vào. Khi canh cua sôi lại, rau chín tới thì bắc ra bên ngoài, nêm mì chính vào khuấy đều.
Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành khô băm, trút gạch cua vào đảo kĩ rồi đổ gạch vào xoong canh cua rau rút, múc canh ra bát, đặt thịt cua lên trên mặt khoai và rau, rưới lên đấy một chút gạch cho đẹp. Món canh cua khoai sọ rau rút ăn khi còn nóng là ngon nhất.
5. Canh riêu cua đồng

Nguyên liệu:
- Cua đồng: 200-300 g
- Cà chua: 4-5 quả vừa
- Me chua: 2 quả
- Hành khô: 1-2 củ
- Hành lá, thì là, rau dăm
- 1-2 quả ớt (tùy thích)
- Rau sống ăn kèm
- Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, súp, mì chính.
Cách nấu:
- Cua đồng chọn con cỡ vừa, còn khỏe. (Để tránh mua phải cua nuôi bạn không nên tham chọn con to đều nhé).
- Chuẩn bị 4 quả cà chua, hành, dăm, thì là, me cạo vỏ tất cả rửa sạch để ráo. Cà chua bổ múi cau, hành, dăm, thì là thái nhỏ.
- Cua bóc vỏ mai, phần mai khều lấy gạch, phần thịt cua để riêng.
- Cho cua vào máy xay với lượng nước vừa đủ xay nhuyễn và lọc bỏ lấy nước trong. Đặt nồi nước cua lên bếp đun nhỏ lửa. Khi nồi riêu sôi thêm 2 quả me chua vào đun khi me chín nổi lên vớt chắt lấy nước chua bỏ vỏ. (Nếu thích gạch đặc cho thêm chút xíu muối khuấy đều gạch sẽ đóng thành tảng. Nếu không thì bỏ qua phần này).
- Phi thơm hành khô băm nhỏ với chút dầu ăn. Cho cà chua vào xào chín tới. Thêm chút xíu gia vị.
- Đổ phần cà chua đã phi thơm vào nồi nước riêu khi đang sôi. Nêm gia vị vừa miệng.
- Đun thêm khoảng 5 phút. Khi nồi riêu đã chín, thêm hành, rau dăm và tắt bếp cho riêu cua ra bát.
- Bày riêu cua lên bàn ăn kèm với rau thơm các loại. Nếu thích bạn có thể ăn bún cùng nước riêu cua cũng rất ngon.
Theo Tùng Anh
Gia đình và Xã hội
cách nấu canh cua rau đay

Cách nấu canh cua rau đay đơn giản thơm ngon bổ mát trong ngày hè

Canh cua nấu với rau đay” đã trở thành món ăn dân dã của người Việt Nam, đặc biệt trong những ngày hè, món canh này được mọi người yêu thích bởi ngon miệng, bổ dưỡng và thanh mát. Ăn canh cua rau đay với thịt kho tàu thì thật tuyệt. Vậy cách nấu canh cua rau đay như thế nào là ngon nhất, hãy cùng học ngay tuyệt chiêu dưới đây.
cách nấu canh cua rau đay

Nguyên liệu nấu canh cua rau đay:

  • 1 mớ rau đay
  • 1 mớ rau mồng tơi
  • 1kg cua đồng
  • 1 quả mướp
  • Hành khô, ớt, tỏi
  • Gia vị: muối, mì chính, 1 muỗng nhỏ mắm tôm

Cách nấu canh cua rau đay

Cách nấu canh cua rau đay mặc dù đơn giản nhưng phải làm sao để có được bát canh ngon, đậm đà, không ngấy khi ăn nhưng vẫn giữ được độ béo ngậy vừa đủ của bát canh, để cả nhà ăn thấy ngon miệng.

Bước 1: Làm cua

Cách nấu canh cau rau đay phải chú ý ngay từ bước đầu của việc chọn cua, cua được chọn phải còn sống, không gãy chân, gãy càng. Cua được mua về đem ngâm với nước sạch trong 30 phút để bùn bẩn được ra ngoài. Sau đó mới thực hiện làm cua.
chọn cua
Cua được chọn phải còn sống, không gãy chân gãy càng
Cua đã được ngâm rửa sạch, bóc yếm và mai cua, lấy phần gạch cua cho vào bát. Tiếp đến ta cho phần thân cua đã được loại bỏ yếm và mai cho vào cối giã nát hoặc có thể xay nhuyễn trong máy xay sinh tốt.
Bạn cho vào cua xay nửa thìa muối trắng, một bát tô nước, dùng tay bóp nhẹ nhàng cua xay, lọc cẩn thận lấy phần nước cua và bỏ đi phần xác cua. Hãy sử dụng dụng cụ lọc thật cẩn thận.

Bước 2: Sơ chế rau và mướp

cách nấu canh cua rau đay
Rau đay, rau mồng tơi được rửa sạch, thái nhỏ. Mướp bào vỏ thái nhỏ
Rau đay, mồng tơi được nhặt sạch cuống, sau đó rửa sạch và ngâm trong chậu nước muối pha loãng. Ngâm rau trong nước muối là cách tốt nhất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau 20 phút ngâm với nước muối, bạn rửa rau lại một lần nữa và thái nhỏ rau.
Cách nấu canh cua rau đay thơm ngon là không thể thiếu một quả mướp, nhưng nếu gia đình bạn không thích ăn mướp thì có thể thay thế bằng quả bầu. Mướp được nạo hết vỏ, rửa sạch và thái thành miếng vừa miệng ăn.

Bước 3: Nấu canh cua

Bạn cho hết nước cua vào nồi, đun sôi với lửa nhỏ.  Để có được cách nấu canh cua rau đay thơm ngon, bạn nên chú ý cẩn thận ở bước này. Nếu nấu ở lửa to, khi canh sôi mạnh thịt cua có thể trào ra ngoài mất đi dinh dưỡng. Vì vậy, nên để lửa nhỏ, canh cua sôi, thịt cua bắt đầu kết lại thành tảng thì bạn cho mướp, sau 3 phút có thể cho rau đay và rau mồng tơi vào. Cuối cùng là thả phần gạch được lấy trong mai cua cho vào nồi canh.
cách nấu canh cua rau đay đơn giản
Đun sôi nước canh cua
Cách nấu canh cua rau đay để không bị nồng và rau có được màu xanh mát nhẹ nhàng, là khi nấu bạn nên mở vung. Sau khi những nguyên liệu cho vào nồi canh sôi, sau 1 phút bạn có thể tắt bếp và cho nồi ra ngoài.
Nếu gia đình bạn ưa với mùi mắm tôm thì bạn nên cho 1 muỗng nhỏ mắm tôm vào nồi canh cua khi sôi vì khi cho mắm tôm vào nồi canh sẽ dậy mùi và thơm hơn. Sau đó nêm nếm gia vị sao cho phù hợp.

Bước 4: Phi tỏi, hành cho vào canh

Một nồi canh cua rau đay ngon không thể thiếu được hương vị thơm của hành tỏi phi vàng. Vì vậy, bạn có thể đập hoặc băm nhuyễn hành tỏi và vài lát ớt, sau đó đặt chảo lên bếp cho dầu nóng và phi vàng hành tỏi. Cuối cùng là cho vào nồi canh cua khi thấy hành, tỏi đã được vàng thơm.
bát canh cua rau đay
Canh cua rau đay ăn kèm với cà muối thì thật tuyệt
Cách nấu canh cua rau đay không hề khó chút nào, hãy thể hiện tài năng nội trợ của mình trong bữa cơm của gia đình. Ăn canh cua rau đay với món nào là ngon? Với món canh này ngày hè thì bạn có thể ăn kèm với bát cà muối, thịt kho tàu thì ngon hết ý.

Cách muối cà pháo xổi giòn ngon, trắng ngần cực đơn giản tại nhà

Hướng dẫn bạn cách muối cà pháo xổi ăn vừa ngon làm vừa đơn giản tại nhà. Thành phẩm món ăn với cà nguyên quả hoặc bổ đôi trắng ngần, khi ăn giòn có vị cay của ớt và thơm của riềng ai cũng thích
Mục lục
Cách muối xổi cà pháo
Cách muối xổi cà pháo
Cà pháo muối xổi - món ăn đã quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam như câu “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”, bữa ăn thêm phần hấp dẫn khi có thêm đĩa cà pháo ăn kèm, hương vị mà những ai đi xa, tha hương cầu thực nhớ da diết - cái hương vị quê nhà.
Cà pháo giòn tan, trắng ngần không bị thâm hay sẫm màu, chua ngọt, thanh dịu,… Khi ăn giòn tan, cay, thơm ngon ngây ngất làm bạn dư hoài cái hương vị, ăn một lần thôi đã nghiền.
Muối cà pháo xổi không phải là khó nhưng để làm ra được cà pháo đúng kiểu, đúng mùi, đúng vị, ăn là cuồng ngay thì không phải ai cũng biết, cùng nhau vào bếp với các bí kíp này bạn sẽ có ngay một món ăn kèm ngon tuyệt cho bất kỳ dịp nào!

Chuẩn bị nguyên liệu

Cà pháo: 1 kg. Khi chọn cà pháo nên chọn loại to vừa đều nhau, không chọn quá non hay quá già. Bạn chưa có kinh nghiệm chọn cà hãy cắt đôi quả cà để xem ruột cà thế nào nhé. Nếu cà non sẽ rất ít hạt, khi muối sẽ mềm không giòn, dai. Nếu cà quá già, ruột sẽ nhiều và đặc khi muối sẽ có mùi hăng không còn thơm ngon nữa.
cà pháo
Chọn cà pháo loại ngon là sự chuẩn bị hoàn hảo
  • Ớt: 20g loại cay
  • Muối: 5 - 10g
  • Tỏi: 3 củ. (Dùng tỏi Lý Sơn tăng vị thơm bạn nhé)
  • Riềng: 1 củ riềng khoảng 50g. Đây là thành phần không thể thiếu khi muối cà pháo. (Nếu có thể bạn hãy sử dụng thêm một ít hoa riềng, mùi vị sẽ thơm ngon hơn )
  • Một ít giấm, đường hoặc thêm một xíu nước mắm
nguyên liệu muối cà pháo

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Mẹo khi sơ chế cà pháo:
Khi bạn cắt cuống cà pháo nên cho nhanh vào nước để cà không bị thâm hay sẫm màu và cắt sát cuống tránh xém vào thịt, nước ngấm vào cà mất ngon. Nếu bạn muối nguyên quả, nhớ cắt một khía nhỏ quanh quả, cà sẽ thấm nhanh và đều hơn, nếu không bạn có thể bổ đôi quả cà và nhớ bổ ngang, cà giòn hơn đấy.
sơ chế cà pháo
Pha một ít nước muối loãng (dùng nước sôi để nguội là tốt nhất), ngâm cà trong vòng 15 - 20 phút nếu bạn đã bổ đôi cà trước đó. Nếu bạn ngâm nguyên quả cần ngâm nước muối thật đậm, ngâm đi ngâm lại độ 2-3 lần sao cho nước ngâm thật trong rồi vớt cà để ráo. Ngâm như thế này cà sẽ thải hết nhựa và chất độc ra bên ngoài, đảm bảo an toàn hơn khi sử dụng. Đồng thời, không ngâm cà quá lâu trong 1 lần dễ làm cà ngấm nhiều nước, cứ mỗi lần vớt ra bạn chờ tầm 1-2 phút cho ráo xíu rồi lại ngâm.
cà pháo sau khi sơ chế
Sơ chế gừng, ớt, tỏi:
Riềng: cạo sạch vỏ (gọt vỏ), rửa sạch và để ráo nước (khô cũng không sao), đem riềng ra thái mỏng hoặc cắt sợi đều được. Bạn cần đập dập riềng trước khi đem muối , riềng nhanh chóng thấm vị và tiết ra mùi thơm đặc trưng.
Ở bước này, nếu bạn sử dụng hoa riềng thì chỉ cần thái không quá nhỏ là được và vẫn nên kết hợp dùng thêm củ nữa.
Ớt: để nguyên quả nếu ớt nhỏ, cắt khoanh hay băm nhuyễn đều được. Nếu bạn bổ đôi cà pháo nên bâm nhuyễn ớt để sau khi ngâm sẽ cay hơn và màu đỏ vô cùng nổi bật khi ớt bám nhiều trên cà, còn muối nguyên quả thì nên để ớt nguyên trái hay cắt khoanh để sau khi ngâm sẽ đẹp hơn, cà vẫn nguyên màu tươi, trắng trong, vừa đẹp vừa nhẹ nhàng.
Tỏi: bóc vỏ, đập dập (không cần thái nhỏ).
sơ chế nguyên liệu
Sau đó bạn có thể cho cả riềng, ớt, tỏ vào cói giã cho tất cả trộn đều vào nhau, khi ngâm sẽ thấm đều, tạo mùi thơm đặc trưng, lan tỏa.

Bước 2: Pha nước ngâm

Hòa tan 2 thìa muối (chừng 40g-70g), 1 muỗng đường (10g) vào 1 lít nước rồi đun sôi tầm 1 phút. Ở bước này bạn có thể thêm một ít giấm vào để tăng độ chua, rút ngắn thời gian ngâm và thêm đường vào dung dịch này cũng không phải là điều rất cần thiết vì thêm đường chỉ tạo thêm vị ngọt cho cà.
pha nước ngâm để muối cà
Cho 1/3 riềng, ớt, tỏi vào khuấy đều giúp nước ngâm thêm đậm vị, đun sôi, khi bọt nổi li ti là đạt yêu cầu. Bạn nên nếm thử vị của nước ngâm và thay đổi cho hợp lí.

Bước 3: Tiến hành ngâm cà pháo

Bạn nên dùng hũ thủy tinh, sành, sứ thay vì hũ nhựa. Hũ thủy tinh sẽ giữ món cà pháo tươi lâu hơn, ngon giòn, dai và mùi vị không thay đổi trong suốt quá trình ngâm hơn so với hũ nhựa. Khi mua hũ thủy tinh về bạn cần rửa sạch, trán qua nước nóng và phơi thật khô.
món cà pháo muối
Tiến hành ngâm: bạn cho 1/3 hỗn hợp riềng, tỏi, ớt dưới đáy hủ, tiếp đến cho 1/2 cà pháo lên, sau đó tiếp tục cho hết phần riềng, tỏi, ớt vào rồi cho toàn bộ cà pháo còn lại nằm trên cùng và đổ từ từ phần nước ngâm vừa pha vào ngập cà.
Ngâm cà tầm 2-3 ngày là ăn được, khi đó bạn nên kìm hãm độ thấm chua cà pháo lại bằng cách cho vào tủ lạnh và ăn dần.

Một số lưu ý:

  • Nếu bạn cho giấm vào khi pha nước ngâm hãy cho ít thôi, giấm giúp cà mau chính hơn nhưng quá nhiều sẽ làm nước ngâm chua.
  • Bạn có thể pha nước ngâm bằng nước sôi để nguội thay vì đun sôi sau đó.
  • Tránh dùng hũ nhựa, ngoài dùng hũ thủy tinh bạn có thể dùng lọ, âu đều được.
  • Sau khi cho cà vào hũ bạn có thể dùng túi đựng một ít nước hay miếng nhựa rồi đặt vật nặng lên để giữ cho cà không trôi và nén cà chặt lại không tiếp xúc với không khí dẫn tới tình trạng cà bị thâm và nổi váng.
  • Khi muối bằng cách này, có một số mẹ không dùng riềng, tỏi, ớt mà chỉ pha nước với muối, đường, giấm (đây là cách muối cà pháo từ rất lâu đời - muối nước). Kiểu ngâm này cũng giúp bạn có cà pháo muối để ăn kèm trong bữa ăn nhưng không đậm mùi, đậm vị như việc bạn thêm một số nguyên liệu khác. Chỉ tốn thêm một ít thời gian, công sức thôi đã làm món ăn tưởng chừng đơn giản trở nên đặc biệt hơn, thơm ngon hơn ngại chi mà không thử bạn nhỉ.
muối cà pháo với ớt băm
Cà pháo bổ đôi muối với ớt băm
Ngoài những nguyên liệu trên bạn còn thể thêm vào nước ngâm như gừng (tầm 1 củ), 1-2 thìa nước mắm góp phần làm nước ngâm trên đậm đà hơn.
Nồng độ muối: nhiều muối cà sẽ lâu chua, ít muối lại mau chua nhưng mau hư không dùng được lâu, thay đổi lượng muối nếu cho hợp lý.

Yêu cầu cần đạt khi muối cà pháo:

Món ăn ngon về cả hình thức lẫn mùi vị là đích đến của tất cả chúng ta khi bước vào căn bếp. Để biết liệu món cà pháo muối có như mong đợi, hãy điểm lại những tiêu chuẩn mà món này cần đạt được sau khi hoàn thành nhé.
yêu cầu thành phẩm món cà pháo muối
- Về hình thức, màu sắc:
  • Cà vẫn xếp chồng lên nhau, đặc biệt là tình trạng cà nổi hẳn lên trên tiếp xúc không khí, hết sức lưu ý bạn nhé không khéo sẽ nổi váng dẫn đến cà hư, không dùng được.
  • Cà sau khi ngâm trắng bóng không sẫm màu, căng phồng, đây là dấu hiệu chứng minh cà vẫn tươi giòn, dai và đem lại cái đẹp, cái thanh tao của món này.
 Về hương vị:
  • Khi mở nắp hương bay ra tỏa mùi thoang thoảng không quá gắt hay hăng, vô cùng dịu nhẹ.
  • Khi ăn: cà vừa trắng vừa giòn, vừa dai, lại chua thanh, ngọt vừa phải, cay cay của ớt, thơm lừng mùi riềng, tỏi. Một hương vị không thể lẫn vào đâu được, khiến người ăn hài lòng khen ngợi. Nhờ vào cái đẹp, cái nhẹ nhàng đầy quyến rủ cùng cái vị chua, ngọt, cay đó sẽ giúp bữa ăn thêm ngon miệng, giảm được độ béo của các món ăn, nhất là món chiên, xào.

 Cà pháo muối được ăn cùng với món gì?

cà pháo muối thịt luộc
Cà dầm tương, món ăn quá quen thuộc, hương vị mà khi xa nhà ai cũng nhớ đến, đừng bỏ qua cách chế biến này nhé, rất ngon và rất đáng để thử.
cà pháo muối canh cua
Cà pháo muối ăn kèm với thịt luột chấm mắm tôm mà nghe thôi đã thèm, ăn với canh cua, canh rau dền, rau đay là ngon tuyệt cú mèo, không chê vào đâu được (nhất định nếm thử nếu bạn chưa từng ăn nhé).

Lưu ý khi ăn cà pháo muối

Cà pháo rất ngon nhưng đừng ăn quá nhiều và không ăn khi bạn đang đói nên ăn cùng các món khác.
Khi đang bị ốm thì không nên ăn cà pháo muối sẽ làm bạn thêm mệt mỏi, khó chịu, khiến bệnh thêm nặng và vừa hết ốm cũng không nên ăn do cà pháo có tính hàn sẽ gây cản trở cho việc khôi phục sức khỏe.
Phụ nữ mang thai và sau sinh không nên ăn vì sẽ ảnh hưởng đến cả bản thân lẫn thai nhi.

 Mua cà pháo muối ở đâu?

Cà pháo muối là món rất phổ biến, bạn dễ dàng mua được từ chợ hay siêu thị với các thương hiệu nổi tiếng được nhiều người dùng tin tưởng như: Cà pháo Trung Thành, Sông Hương,…

Cách làm mắm chưng thơm ngon dân dã miền Tây

Một trong số cách làm mắm chưng thì cách làm mắm chưng thịt luôn hấp dẫn đơn giản hơn cả. Mắm chưng thịt là món ăn kết hợp từ mắm cá linh, các lóc, thịt ba chỉ....một đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, món mắm chưng bạn có thể để được khá lâu mà không lo hỏng. Hãy cùng chúng tôi vào bếp để thực hiện món mắm chưng thịt dân dã này nhé.

cách làm món mắm chưng
Món mắm chưng thịt miền Tây đơn giản mà hấp dẫn

1. Nguyên liệu làm món mắm chưng thịt

  • 3 muỗng canh mắm cá xay nhuyễn, các loại mắm có thể dùng để chế biến món ăn này là mắm cá lóc hoặc mắm cá linh. Nếu chọn mắm lóc, bạn cần chọn khứa mắm có phần thịt cá ( phần thân giữa); nếu chọn mua cá linh bạn nên chọn con mắm nhỏ để ít xương.
  • 300g thịt ba chỉ 
  • 3 củ hành tím
  • 4 quả ớt
  • Hành lá, rau mùi
  • 4 quả trứng gà
  • Gia vị: mắm, muối, đường, hạt nêm, tiêu, dầu ăn

2. Các bước thực hiện món mắm chưng thịt 

Bước 1 : Sơ chế mắm
- Mắm sau khi mua về cần băm nhuyễn cả xương. Sẽ rất đơn giản nếu bạn chọn mắm lóc bởi đây là loại mắm từ cá lóc vốn có nhiều thịt, bạn chỉ cần tách phần thịt mắm, bỏ phần xương rồi băm nhuyễn. Sẽ vất vả hơn với mắm cá linh bởi bạn cần băm cho kĩ cả thịt lẫn xương. Lý do chúng ta có thể chọn mắm cá linh thay mắm cá lóc là vì mắm cá linh rẻ tiền hơn mà lại cho mùi thơm đặc biệt.
băm nhỏ mắm linh hoặc mắm cá lóc
Băm nhỏ mắm cá linh hoặc mắm cá lóc
- Sau đó, khi mắm đã được băm nhỏ thì bạn cho vào một cái bát tô, đổ 70ml nước lọc vào, vừa khuấy vừa dùng muỗng nghiền thật nhuyễn, đều cho đến khi cá tiết hết ra chất thơm của mắm rồi cho mắm vào rây, tiến hành lọc kĩ để lấy phần nước mắm.
dùng rây lọc lấy nước mắm
Bạn dùng rây lọc lấy nước mắm để nước mắm được mịn
Bước 2: Sơ chế thịt ba chỉ và rau củ
Sau khi bằm mắm, bạn tiếp tục ngâm thịt với nước muối sau đó rửa sạch thịt ba chỉ rồi băm nhuyễn hoặc xay nát bằng máy xay thịt với 1 củ hành khô hoặc hành tây. Lưu ý, không nên sáng tạo bằng cách cho thêm tỏi hoặc các nguyên liệu khác sẽ làm mất mùi đặc trưng của món ăn. Món có trứng ở trong đặc biệt không hợp với mùi của tỏi đấy ạ.
Ớt lấy bớt hạt cắt nhỏ, tỏi bằm nhỏ, hành tím cắt lát, hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.
sơ chế thịt và rau củ
Các bạn sơ chế thịt và rau củ để chuẩn bị cho bước tiếp theo
Bước 3 : Trộn hỗn hợp gồm mắm, thịt ba chỉ, hành khô, ớt và gia vị
Chuẩn bị một thố chưng đủ to để cho các nguyên liệu vừa bằm xong vào, đập 2 quả trứng gà vào (thường các bạn chỉ cần khoảng 2 quả trứng gà cho một tô mắm chưng). Cho ít tiêu xay, bột ngọt rồi trộn đều. Nếu gia đình không có trẻ em, người nấu có thể bằm cả ớt tươi trộn cùng để món ăn có vị cay cay.
Lưu ý: Dung dịch sau khi trộn sẽ ở tráng thái sền sệt, nếu thấy quá lỏng cần tăng thịt bằm hoặc trứng đề phòng tình trạng mắm không thể đặc sau khi chưng.
trộn đều hỗn hợp
Bạn trộn đều hỗn hợp đến khi nước sệt lại
Bước 4: Hấp mắm chưng
Khâu cuối cùng, bạn cho thố mắm đã trộn vào nồi chưng chuyên dụng hoặc chưng cách thủy bằng cách cho nước vào một nồi to, cho thố mắm vào trong, đậy nắp kín rồi đun. Thời gian đun khoảng 30 phút, chính vì thế cần cân nước trong nồi để tránh nồi bị cháy vì cạn nước. Sau đó, thi thoảng bạn hãy mở nắp lau nước còn đọng trên nắp nồi đi nhé, đừng để cho chúng đọng nước rơi xuống như thế làm món ăn sẽ kém ngon đi.
Một trong những cách kiểm tra để biết mắm chín hay chưa là chọc một đầu đũa vào tô mắm rồi rút lên. Mắm chín sẽ không bị dính vào đũa nữa nhé.
hấp hỗn hợp
Các bạn hấp hỗn hợp đã trộn trong nồi hấp hoặc hấp cách thủy
Bước 5 : Hoàn thành món mắm chưng 
Sau đó, bạn đem chén đựng lòng trắng trứng đã được đập ra từ trước. Lúc này (khi tô mắm đã chín) đánh cho tan lòng đỏ, rồi đem tráng đều lên mặt tô mắm chưng, cốt như vậy để cho tô mắm đẹp và ngon miệng hơn. Sau đó bạn có thể trang trí thêm một ít lát lớt (lặt cuống, để cho những ai muốn ăn xay thì xén vô chén để ăn luôn nhé). Cuối cùng cho thêm chút ít tiêu lên bề mặt mắm và chờ thêm 5 phút nữa thì có thể tắt bếp, một lưu ý nhỏ là bạn đừng đậy vung để mặt trứng được  nhanh khô.
đổ lòng đỏ trứng lên trên
Các bạn đổ lòng đỏ trứng lên trên cùng để món ăn được đẹp mắt
Món mắm chưng thịt sau khi hoàn thành phải có màu vàng ươm, vị thơm ngon đậm đà mới đạt chuẩn.
hoàn thành món ăn
Món ăn đạt chuẩn có màu sắc đẹp, hương vị đậm đà
Món mắm chưng thịt ăn rất ngon khi kèm với dưa chuột, rau sống, chối xanh hoặc khế chua. Một số người Nam Bộ còn ăn món này với cà tím sống. Món mắm chưng thịt cũng đặc biệt hợp khẩu vị với món canh khoai mỡ.
Với cách làm mắm chưng trên đây, hi vọng các bạn sẽ có thêm một món ăn mới làm phong phú thêm bữa ăn của gia đình. Chúc các bạn thực hiện thành công nhé!
Thái Oanh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét