Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 154

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Kinh hoàng phát hiện sự thật hãi hùng về thần giữ của và cái thủ lợn khiến cả làng rùng mình

Báo ứng kinh hoàng, giết chó phải đền mạng và sự biến mất bí ẩn của ‘kinh đô thịt chó’ Nhật Tân



Từ chỗ là “kinh đô thịt chó” của dân nhậu Hà thành, đến nay phố thịt chó Nhật Tân đã trở thành kỷ niệm. Hơn 50 hàng thịt chó đồng loạt biến mất một cách khó hiểu vì nguyên nhân gì?
Cách đây không lâu, cứ chiều chiều, “phố thịt chó” Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) lại chìm trong làn khói mờ ảo và mùi thơm nức mũi của những xiên chả nướng kích thích khướu giác, vị giác. Hình ảnh đó, giờ đây đã trở thành câu chuyện một thời ký ức.
Phố Nhật Tân vào thời hưng thịnh nhất (năm 1993 -2005) có tới trên dưới 50 hàng thịt chó hàng ngày thu hút khách trong ngoài nội thành. Có quán phải tiếp các thực khách tới tận đêm khuya. Ô tô, xe máy nườm nượp đến nỗi không kiểm soát xuể, còn bàn ghế phải xếp cả ra đường, tràn cả lên đê ven đường Nhật Tân.
Các chủ tiệm bán thịt chó cũng từ đó mà phất lên. Những thương hiệu như Trần Mục, Hồ Kiểm, A Trang, A Tú Xịn… cũng được dân sành ăn nhớ mặt, nhớ tên. Nhưng giờ đây “phố thịt chó” gần như chỉ còn lại một cái tên duy nhất mang tên Anh Tú Béo ở Âu Cơ.


20160105094414-pho-thit-cho1
Quán thịt chó Anh Tú Béo trên đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội.

Phát tài nhưng phải chịu báo ứng
Quán Trần Mục là một quán làm ăn khấm khá từ những ngày đầu mở nghề. Chỉ sau một thời gian ngắn kinh doanh phát đạt bỗng nhiên ông chồng đòi chuyển nghề, dừng bán thịt chó. Đang ăn nên làm ra, tất nhiên vợ ông không chịu. Thế rồi trong khi người vợ tiếp tục kinh doanh thu lãi hàng ngày, ông nhất tâm bỏ xới, về nhà vui vầy với con cháu.
Khi đồng tiền phủ kín trong tâm trí bà, dường như bà càng chạy theo lợi nhuận mà không tin vào chuyện nghiệp báo sát hại sinh linh. Nhưng bà cũng nhận ra một điều là nhiều gia đình trở nên lục đục, gánh kết cục không có hậu khi làm nghề này.
Khi công việc kinh doanh đang càng thuận lợi, quán thịt chó làm ăn rất “phát” thì bà càng mắc nhiều thứ bệnh. Người chủ quán nước gần quán kể rằng: “Thời điểm đó hầu như tháng nào bà ấy cũng phải đi viện”.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ là bà đã gãy tay hai lần khi đang làm thịt chó. Cũng không ngẫu nhiên mà bà luôn gặp những cơn ác mộng ai oán. Nhân viên quán thịt chó của bà cũng vướng phải nhiều chuyện không hay trong cuộc sống.


Quấn thịt chó Trần Mục nổi tiếng một thời.
Quán thịt chó Trần Mục nổi tiếng một thời.

Nỗi sợ hãi về quả báo sát sinh đã bao trùm các gia đình kinh doanh thịt chó ở Nhật Tân nên hễ nhà nào làm ăn khá giả, có đủ vốn là họ đóng cửa quán, đi làm nghề khác. Cả nhà bà chủ quán Trần Mục cũng mau chóng chuyển sang nghề kinh doanh bất động sản, chấm dứt nghề kinh doanh thịt chó.
Bà đã từng giãi bày tâm sự: “Dù tôi nghỉ đã mấy năm nay nhưng vẫn thường xuyên nhận điện thoại đặt hàng của khách. Kinh doanh thịt chó rất có lãi, nên dù ít khách hơn xưa nhưng chắc chắn không lỗ được. Tuy nhiên, ai cũng sợ hãi nghiệp báo sát sinh nên không dám tiếp tục kinh doanh thịt chó nữa”.
Những câu chuyện tương tự không hề hiếm gặp. Ông L. là chủ một quán thịt chó nổi tiếng nhất nhì trong khu phố. Vốn người làng Trung Hòa, trước kia từng kinh doanh cá sông, gà đồi nhưng sau thấy mấy nhà hàng thịt chó ở Nhật Tân phục vụ khách không xuể, ông này đóng cửa nhà hàng ở Trung Hòa, thuê địa điểm rồi mở quán thịt chó ở Nhật Tân.
Do có kinh nghiệm chế biến thịt chó, địa điểm quán lại đẹp, nên quán của ông nhanh chóng thu hút thực khách, làm giàu nhanh chóng. Ông này thuê tiếp địa điểm và mở quán thứ hai cũng với thương hiệu đó. Tuy nhiên, đúng lúc công việc kinh doanh thịt chó phất lên thì vận rủi liên tiếp đổ xuống gia đình ông. Đầu tiên là chuyện xảy ra với người con trai lớn của ông. Là người ông hướng theo nghề, nối nghiệp cha quản lý, con trai ông không may bị chó cắn trong lúc làm thịt.
Chừng 1 tháng sau, anh này lên cơn, sùi bọt mép mới biết là bị chó dại cắn. Cuối cùng anh chết trong  một bệnh viện nổi tiếng ở Singapore dù ông L. đã đổ ra cả đống tiền để chạy vạy điều trị.


Người làm thịt chó luôn đứng trước nguy cơ bị chó dại cắn do không kiểm soát được nguồn gốc.
Người làm thịt chó luôn đứng trước nguy cơ bị chó dại cắn do không kiểm soát được nguồn gốc.

Vận hạn tiếp theo đổ lên gia đình ông là vợ bất ngờ bị tai biến, nằm liệt. Quá hoảng sợ, ông L đã đóng cửa vĩnh viễn cả 2 quán thịt chó ở Nhật Tân. Từ đó đến nay, thay vì giết chó, ông L. chú tâm đi chùa, cầu siêu, mong được giải nỗi oan nghiệp cho bản thân mình sau bao năm gắn bó với cái nghề sát sinh này.
Bà Minh, bán hàng nước trên đê Nhật Tân nói: “Trời ạ, làm cái nghề giết chóc ghê rợn ấy thì làm sao mà có hậu được? Mấy gia đình kinh doanh thịt chó không gặp chuyện nọ, thì cũng vướng chuyện kia. Dù họ có nhiều tiền như nước thì cuối cùng cũng hết sạch thôi. Của thiên trả địa mà. Cũng có nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng, nhưng lục đục lắm, vợ chồng đánh lộn, con cái hư hỏng cả”.
Rồi bà bấm đốt ngón tay từng gia đình kinh doanh thịt chó trong cái làng tiếng tăm một thời lẫy lừng ấy. Mỗi gia đình bà đều kể vanh vách từ khi mở quán, ăn nên làm ra hay phá sản, đóng cửa ra sao.
Bà kể rất nhiều gia đình kinh doanh thịt chó ở đây không có hậu. Phần lớn là phá sản, thất thoát tiền bạc. Có gia đình con cái dính vào lô đề, cá cược, cờ bạc, nghiện ngập, nên dù làm ra bạc tỉ cũng trắng tay. Thế nên nhiều gia đình bỏ xứ mà đi. Chỉ còn lại bà gắn bó với nghề bán nước nơi này, ngày ngày kể những câu chuyện ly kỳ, bi ai về “phố thịt chó”.
Quả báo nhãn tiền
Cách đây không lâu, ở Thanh Hóa, người ta truyền tai nhau câu chuyện về cậu bé có bộ mặt “trâu ngựa” vì đời trước làm đồ tể. Đó là một câu chuyện có thực, hiển hiện trước mắt về luân hồi, quả báo.


Khuôn mặt cậu bé với các đặc điểm đáng sợ là quả báo của nghiệp sát quá nặng cậu bé đã tích trong các đời trước…
Khuôn mặt cậu bé với các đặc điểm đáng sợ là quả báo của nghiệp sát quá nặng cậu bé đã tích trong các đời trước…

Câu chuyện của những người làm nghề giết chó cũng chẳng khác là bao. Nếu như chuyện của cậu bé “đầu trâu mặt ngựa” là nhân quả báo ứng có từ đời trước thì người giết thịt chó phải nhận quả báo ngay nhãn tiền.
Phật gia giảng “nghiệp lực luân báo”. Khi người ta xuống tay giết hại bao nhiêu con chó để thu lợi cũng chính là hại mạng bao nhiêu sinh linh. Chẳng phải con vật cũng giống con người, đều là sinh linh trong “lục đạo luân hồi” này là gì? Vậy thì giết chó cũng khác gì giết người, đã gây bao nghiệp lực cho bản thân để rồi tự chuốc lấy tai họa về mình và gia đình.
Bà chủ quán Trần Mục mơ thấy ác mộng, rồi đi cầu cúng siêu độ hết nơi này nơi khác, tổn tiền hao tài mà nghiệp bệnh cũng vẫn không xua tan. Rồi những trắc trở liên tiếp đến với gia đình ông L. cũng chẳng phải là điều ngẫu nhiên. Nỗi đau về mặt thể xác dù sao cũng không lớn bằng nỗi đau tinh thần. Nhưng đó đều là những nghiệp báo mà người giết thịt chó phải chịu nghiệp báo của mình, chẳng phải quá đúng hay sao?
Ở phương Tây, chó là thú cưng được nhiều người cưng chiều, thậm chí là bạn, là thành viên trong gia đình. Trong khi, người Việt lại lạm sát, giết hại chó một cách ngang nhiên, không thương tiếc. Người xưa nói: “Khuyển thủ dạ, kê tư thần”, nghĩa là con chó thức đêm, con gà gáy sáng báo thức thì người mới sớm khuya mới an giấc. Chó là loài thân thiết với con người là vậy, mà sát hại nó, ăn thịt nó thì quả thực quá tàn nhẫn vậy.
Báo ứng vì giết thịt chó ở Nhật Tân:
Theo thống kê, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt để phục vụ quán ăn. Dù không có một bộ luật nào cấm cho nghề giết thịt chó ở Việt Nam nhưng việc sát sinh đó là tạo ra đầy ác nghiệp. Những quả báo nhãn tiền có lẽ vẫn chưa đủ cảnh báo người ta?
Nguyệt Hà (Tổng hợp)

Câu chuyện có thật về nhân quả báo ứng: Người con đã mất nhập hồn cảnh báo cha hãy dừng làm việc ác



Có trách nhiệm hơn với cuộc sống cũng chính là trân quý những ngày tháng quý giá chúng ta đang trải qua… tích đức, phục thiện, trong luân hồi chuyển sinh. (Ảnh: Sưu tầm)
Đời người có 4 câu hỏi lớn: Ta vốn là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Phải chăng luật nhân quả là có thật, thiện có thiện báo, ác có ác báo? Chuyên mục văn hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên kể lại những câu chuyện có thật, với mong muốn qua những câu chuyện nhân sinh này, mỗi người cùng suy ngẫm và có trách nhiệm hơn với cuộc sống, trân quý những ngày tháng quý giá chúng ta đang trải qua…
Nhân quả báo ứng là quy luật xưa nay không sai lệch. Người làm việc ác tất sẽ chuốc lấy tai họa, không chỉ cho bản thân mà thân nhân gia đình cũng có thể vì đó mà vạ lây. Vậy nên, nhân tâm hướng thiện, từ bỏ việc ác mà quy chính là điều nên làm nhất.
Trong các giáo lý nhà Phật từ xưa đến nay đều cho rằng, con người có luân hồi chuyển kiếp và thiện ác đều có báo ứng. Còn có một loại gọi là hiện tượng “nhập hồn”, chính là người sau khi chết đi, vong linh bám lên thân người khác, miệng của người này sẽ nói theo ý của vong linh kia, hiện tượng loại này tương đối phổ biến. Còn có người sau khi chết đi rồi sống lại, có thể nhớ lại được cảnh tượng mà mình chứng kiến được dưới âm phủ. Ở nước ngoài còn có các nghiên cứu về trải nghiệm cận tử, lại có một số người thông qua thôi miên mà có thể nhận biết được một ít tín tức từ âm gian.
Dưới đây là vài ví dụ, đều là những sự việc có thật, hơn nữa đã từng làm chấn động ở địa phương nơi phát sinh sự việc. Những ví dụ này cũng chính là những lời khuyên nhủ con người hãy dừng làm việc ác.
Người con chết yểu nhập hồn, cảnh báo cha hãy dừng làm việc ác
Hoạt Hải Anh, là ủy viên Ủy ban thanh tra kỷ luật huyện Tán Hoàng tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Tại thị trấn Thành Quan thuộc huyện Tán Hoàng, có chàng thanh niên có tên Đinh Cương Tử, hiền lành, tốt bụng sống bằng nghề sửa chữa xe đạp.
Một ngày, mọi người không hiểu tại sao Đinh Cương Tử, một người vốn làm ăn chân chính, lương thiện, lại bị bắt vào Trung tâm giam giữ của huyện. Tại trung tâm giam giữ, lính canh dùng dây thừng trói tay, xiềng chân, rồi dùng dùi cui điện tra tấn anh. Vào ngày 11/6/2001, Đinh Cương Tử đã bị đánh đập đến chết. Trưa hôm đó, cuồng phong bỗng nhiên nổi lên, thổi quét tung mù mịt khắp mặt đất huyện Tán Hoàng. Những viên cai ngục chột dạ sợ bị mất mạng, bèn mua pháo về đốt giữa trưa, để lấy thêm dũng khí, cho vơi bớt nỗi sợ.
Chiều cùng ngày 11/6, vào khoảng 2h, con trai cả của Hoạt Hải Anh là Hoạt Hằng mới 18 tuổi, đi xe máy không biết vì sao bị tông chết. Người cô của Hoạt Hằng nghe tin liền chạy vội đến nhà Hoạt Hải Anh, vừa vào tới cửa đã gào khóc thảm thiết. Sau đó âm giọng liền thay đổi, lớn tiếng kêu to: ‘Ta muốn tìm cha ta nói chuyện! Ta muốn tìm cha ta nói chuyện! Hãy gọi ông lại đây!”. Thì ra vong hồn của Hoạt Hằng đã nhập lên người cô này.
Hoạt Hải Anh đi đến trước mặt nói: “Con có lời gì nói với ba thì nói đi, ba nghe đây”.
“Ba à, ba sau này đừng bức hại những người tốt nữa. Những người tu  theo Pháp Luân Công là những người tốt, Pháp Luân Đại Pháp là Phật Gia, bức hại Pháp Luân Đại Pháp là phạm tội chết. Ba có nghe thấy không?”, từ miệng của người cô phát ra giọng nói của Hoạt Hằng. Hoạt Hải Anh sững sờ không biết phải làm sao, đành im lặng không nói gì.
Hóa ra, Hoạt Hải Anh chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, sai khiến cán bộ hương, thôn đến nhà Đinh Cương Tử bắt anh và ép anh ký giấy cam đoan ngừng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện Phật gia vốn bị bắt bớ và bức hại ở Trung Quốc, do chính quyền e sợ số lượng lớn người tham gia luyện tập môn này có thể gây ảnh hưởng đến chính quyền. Nhưng Đinh Cương Tử đã nhất quyết không từ bỏ niềm tin vào các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn” của mình và đã bị đánh đến chết.
Người cô bị vong hồn Hoạt Hằng điều khiển, túm lấy cổ áo Hoạt Hải Anh và lắc mạnh như muốn liều chết, nhắc lại: “Ba sau này đừng bức hại Pháp Luân Công nữa, bức hại Pháp Luân Đại Pháp là phạm tội chết. Ba có nghe thấy không? Ba có nghe thấy không?”.
Lúc ấy một người bà con đứng bên cạnh Hoạt Hải Anh liền nói với ông ta: “Đến lúc này anh còn không mau trả lời thằng bé đi!”. Hoạt Hải Anh dường như nhận ra điều gì đó, liền nói: “Ba nghe thấy rồi. Được rồi, đi đi … Ba sẽ nghe lời của con”.
Tận mắt chứng kiến người con trai nhập hồn mà cảnh báo mình, Hoạt Hải Anh tự ý thức được rằng, chính vì mình đã làm việc ác, nên con trai mới gặp nạn chết thảm. Đây là nhân quả báo ứng ngay tức thời cho việc làm ác của anh ta.
Sự việc này diễn ra đã làm chấn động cả huyện Tán Hoàng lúc bấy giờ. Bởi vì vào thời điểm đó Pháp Luân Công đang bị bức hại ghê gớm, mọi người đều đang chú ý, đột nhiên lại xảy ra sự việc như vậy, nên cả huyện không khỏi ngỡ ngàng.
Từ đó, thông tin về sự việc nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Hoạt Hải Anh bàng hoàng, thật thà đem sự thật kể hết ra cho mọi người, sau đó còn xin từ chức không làm nữa.


Một bức ảnh mô tả lại cảnh một người tập Pháp Luân Công bị bắt, tra tấn. Thay vì oán trách, họ hướng tới đức tin cao hơn vào Chân-Thiện-Nhẫn (Tranh: zhenshanrenart.com)
Một bức ảnh mô tả lại cảnh một người tập Pháp Luân Công bị bắt, tra tấn. Thay vì oán trách, họ hướng tới đức tin cao hơn. (Tranh: zhenshanrenart.com)

Làm chuyện ác, sau khi chết nhập hồn cảnh tỉnh đồng nghiệp
Tại Văn phòng tổ chức quản lý thị trấn Cao Kiều, huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông, có một cậu thanh niên tên là Vu Trường Lượng. Lượng mới 27 tuổi, là người thôn Gia Hà cách thị trấn 40 dặm, đã tốt nghiệp đại học và hiện là nhân viên thử việc của ngành công an.
Tiết Thanh Minh năm 2006, Vu Trường Lượng đi đến vùng dân ở sông Thuật thực thi công việc, xong rồi về thôn Vũ Gia Câu la cà uống rượu. Sau đó Vu đi xe máy về nhà, khi đi đến con đường phía Đông thôn Quan Trang thì lao xe vào ven đường, ngã lăn ra đất, đầu bị đập mạnh gần như vỡ thành hai, tử vong tại chỗ.
Mọi người thấy Vu Trường Lượng tuổi còn trẻ mà đã chết thảm, rất lấy làm đáng tiếc.
Hơn 20 ngày sau, trưởng công an thị trấn Trương Vĩnh Tân, chập tối mới về đến nhà, đột nhiên thấy vợ của mình là Lão Phan dáng vẻ khác lạ dị thường. Giọng nói của Lão Phan đột nhiên thay đổi, dùng giọng nói của Vu Trường Lượng nói: “Ta là Vu Trường Lượng, mấy ngày nay phải vất vưởng ở nơi này, không về nhà được, hãy gọi thư ký La, Đậu Trấn Trường đến đây”.
Trương Vĩnh Tân tức giận, nghĩ thầm: “Vu Trường Lượng vốn đã chết hơn 20 ngày rồi, làm sao hắn có thể tới đây mà dọa nạt ta được!”. Sau đó cầm chiếc giày lên đánh vào mặt vợ 3 cái liền. Chỉ nghe Lão Phan vẫn nói giọng của Vu Trường Lượng: “Ông cứ đánh đi, ông không đánh chết cô ấy, thì tôi cũng hành hạ cô ấy đến chết!”.
Việc này khiến Trương Vĩnh Tân sợ hãi, vội vàng gọi thư ký La, Đậu Trấn Trường đến. “Vu Trường Lượng” còn nói: “Còn thiếu Vương Thiểu Ba vẫn chưa tới”. Vương Thiểu Ba chính là chủ nhiệm Văn phòng tổ chức quản lý. Trương Vĩnh Tân nói: “Để tôi đi gọi”.
Trương Vĩnh Tân chưa kịp đi, đã thấy Lão Phan từ từ nhắm hai mắt lại, cầm lấy di động, bấm bấm số, gọi điện cho Vương Thiểu Ba đến gấp.
Vu Trường Lượng lúc ấy bị ngã chết thì đầu bị vỡ, hai mắt cũng bị dập nát. Lão Phan bị hồn nhập, khi bấm số điện thoại mặc dù hai mắt nhắm chặt nhưng vẫn bấm rất thuần thục. Kỳ lạ hơn nữa là Lão Phan không rành về điện thoại, cũng không biết số của Vương Thiểu Ba. Mấy người kia chứng kiến việc này thì đều sợ đến kinh hồn bạt vía.
Sau đó, “Lão Phan” nằm ở trên ghế salon nhắm nghiền hai mắt, nói: “Người ở Văn phòng tổ chức quản lý không phải là người tốt, mặt của tôi bị tông đến biến dạng, cũng không còn nguyên vẹn nữa. Đã nhiều ngày như vậy rồi, cũng không có ai đến thăm hỏi mẹ tôi”.
Vương Thiểu Ba nói: “Tôi có lỗi, là tôi đã không phải, mấy ngày nữa tôi sẽ đến thăm mẹ cậu”. “Vu Trường Lượng’ chỉ tay vào mấy người này nói: “Tôi muốn nói với các ông mấy lời. Các ông mấy năm nay không làm nổi một việc tốt, nếu các ông không chịu hối cải sửa sai, thì tất cả sẽ xong thôi! Ngay cả tôi đây cũng xong rồi!”.
Văn phòng tổ chức quản lý những năm đó đều là tích cực bức hại học viên Pháp Luân Công trong thị trấn, lời nói đó khiến ai ai cũng xanh mặt.


Đức tin vào nhân quả báo ứng, làm điều tốt nhận thiện nghiệp, làm điều xấu phải chịu báo ứng. (Tranh: zhenshanrenart.com)
Đức tin vào nhân quả báo ứng, làm điều tốt nhận thiện nghiệp, làm điều xấu phải chịu báo ứng. (Tranh: zhenshanrenart.com)

“Vu Trường Lượng” nói tiếp: “Các ông hãy mau đưa tôi về nhà, nếu không tôi sẽ gọi mẹ tôi tới làm náo động cả nhà các ông”.
Thư ký La vừa nhìn thấy sự tình này liền len lén chạy ra ngoài, rồi vội vàng phái người đi mời thầy cúng đến trừ tà. Trong phòng, “Vu Trường Lượng” liền hỏi: “Thư ký La đi đâu rồi?”. Một người nói: “Đã ra xe về rồi”.
Một lúc sau, thầy cúng được mời tới, vị này dán một lá bùa lên người Lão Phan rồi lôi cô ra bên ngoài. Bỗng nghe “Vu Trường Lượng” lớn tiếng nói: “Ông xem bộ dạng ông đi, xem là thứ gì, hơn 50 tuổi, bị bệnh lao, làm sao chịu nổi một cú đấm của tôi. Giờ ông muốn chơi gì thì chơi đi, muốn ăn uống gì thì ăn đi, muốn xem gì thì xem đi, nếu không thì cũng sắp tiêu rồi. Còn không thì để tôi tiễn ông đi!”. Vị thầy cúng nghe thấy vậy thì mặt mày xám xịt, vội bỏ đi.
Cứ thế làm ầm ĩ cả một đêm, mọi người trong phòng khuyên “Vu Trường Lượng” nhanh về nhà đi, hứa sẽ đưa cậu về nhà. Xe cứu thương bệnh viện được gọi tới, Lão Phan vẫn gồng mình chống cự, mọi người phải vất vả lắm với đưa được cô ấy lên xe. Ngồi trong xe cứu thương, Lão Phan vẫn còn bị hồn nhập, hai mắt vẫn nhắm nghiền.
Thư ký La, Đậu Trấn Trường, Vương Thiểu Ba, chủ tịch công đoàn Vương, Trương Vĩnh Tân, chủ nghiệm Phòng quản lý xí nghiệp Vương Tân Lương … cùng đi về nhà mẹ của Vu Trường Lượng cách thị trấn 40 dặm.
Nhưng mọi người đều không biết đường, Lão Phan lúc này ở trong xe vẫn nhắm nghiền mắt, chỉ dẫn lái xe tường tận đường đi rẽ trái rẽ phải ra sao. Khi xe chạy đến đúng trước cửa nhà, “Vu Trường Lượng” nói: “Dừng lại, tới nơi rồi!”. Cả đám người trong xe đều sững người sợ hãi.
Lúc này có chú ba của Vu Trường Lượng là Vu Đông Ba làm kinh doanh ở huyện Nghi Thủy đến thăm. “Vu Trường Lượng” nói: “Chú ba à, con năm nay đã 27 tuổi rồi, mà vẫn chưa có vợ”. Nghe thấy vậy thì có người cười thành tiếng. “Vu Trường Lượng” nói:“Không được cười, không được cười tôi. Tiết Thanh Minh năm nay tôi cũng không được ăn trứng gà”. “Vu Trường Lượng” bèn bảo chú ba là muốn ăn trứng gà, chú ba cậu chạy nhanh xuống nhà cầm lên 3 quả trứng gà. Còn chưa đi tới nơi, “Vu Trường Lượng” đã nói: “Các ông xem chú ba lấy trứng gà như vậy thì làm sao mà ăn đây?”. Thư ký La nói: “Luộc, nhanh đi luộc đi”. Sau khi luộc chín, ăn hết 3 quả trứng gà, “Vu Trường Lượng” lại nói với chú ba: “Có người đứng ở trên cao đang gọi cháu, là cha của cháu đã tới rồi, đang gọi cháu lên phía trên kia”.
Cha của Vu Trường Lượng từ hơn 10 năm trước đi về vùng phía Nam mua trâu, tại nhà ga Thanh Châu bị mất tích cho đến đó không một chút tin tức.
Vu Trường Lượng vốn là một cậu bé hiền lành, hai mẹ con sống dựa vào nhau, vất vả học xong đại học, không nghĩ rằng lại tìm được một công việc hại người như vậy, khiến cho cậu nay phải rơi vào ác báo.
Xe cứu thương lại chở Lão Phan chạy đến khu nghĩa trang có mộ của Vu Trường Lượng. “Vu Trường Lượng” nói: “Thư ký La, tôi không đủ sức làm cho các ông minh bạch, một trận mưa nhỏ sẽ tiễn tôi đi”. Sau đó quả thực đã có một cơn mưa phùn chừng hơn 10 phút. Đám người có mặt không khỏi tròn mắt kinh ngạc.
“Vu Trường Lượng” miệng nói “Đi rồi, đi rồi”, nói xong lập tức nằm sấp xuống phần mộ của mình. Một lát sau, Lão Phan mới tỉnh lại, mọi người hỏi cô nhưng cô chẳng nhớ điều gì.
Chuyện này được rất nhiều người chứng kiến.
Môn Chấn Lượng – phó chủ nhiệm Văn phòng tổ chức quản lý, người cũng đã ra sức bức hại Pháp Luân Công, có người vợ bị ung thư vú và chết khi tuổi đời vẫn còn trẻ, trước khi lâm chung trong cơn mê tỉnh, cô cũng dặn dò chồng: “Sau này đừng tiếp tục bức hại nữa, học viên Pháp Luân Công đều là người tốt”.
Hai câu chuyện này quả thực đã làm chấn động tới nhân viên công tác ở thị trấn Cao Kiều, khiến cho những người đã từng tham gia bức hại cũng muốn tìm một cơ hội để thoát thân.


Nhân tâm hướng thiện, từ bỏ việc ác mà quy chính là điều nên làm trong đời người. (Ảnh: Sưu tầm)
Nhân tâm hướng thiện, từ bỏ việc ác mà quy chính là điều nên làm trong đời người. (Ảnh: Sưu tầm)

Nhân quả báo ứng là quy luật xưa nay không sai lệch. Người làm việc ác tất sẽ chuốc lấy tai họa, không chỉ cho bản thân mà thân nhân gia đình cũng có thể vì đó mà vạ lây. Vậy nên, nhân tâm hướng thiện, quy chính từ bỏ việc ác là điều nên làm nhất.
Hà Phương biên tập dựa trên bản dịch của tinhhoa.net

Bí ẩn "giếng thiêng" và "chó thần" báo oán ở Bắc Giang

Từ bao đời nay, người dân ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang không ngớt lời đồn thổi xung quanh câu chuyện ở giếng chợ Bà Cô. Giếng chỉ sâu hơn 1m, nước trong như mắt mèo và không bao giờ cạn. Bên giếng có một ngôi đình và một con chó bằng đá, người ta bảo rằng con chó đá xuất hiện cùng khi có giếng nhưng không ai biết giếng được đào tự bao giờ. Con chó đá đặt bên cạnh giếng được cho là thần giữ của bởi theo đồn đại ở dưới giếng có vàng và  rất nhiều của cải từ đời xưa để lại. Sự tích “giếng chợ Bà Cô”
Đem câu chuyện về chiếc giếng chợ Bà Cô “thắc mắc” với cụ Bùi Thị Nhỡ tại thôn Tranh, chúng tôi như gặp được nhân chứng sống. Cụ Nhỡ đã từng chứng kiến bao biến đổi thăng trầm và trong đó có những câu chuyện ly kỳ xung quanh cái giếng.
Cụ Nhỡ năm nay ở cái tuổi 90 nhưng còn khỏe và minh mẫn lắm. Hỏi những chuyện từ thời cụ sinh ra đến nay cụ đều kể vanh vách. Cụ lớn lên đã thấy cái giếng này rồi, không biết nó có từ bao giờ.
Giếng chợ Bà Cô trước đây còn có tên gọi khác là Giếng Đình, ngay bên giếng có một ngôi đình cổ nhỏ nằm tọa lạc soi bóng xuống đáy giếng. Ngay cạnh đó có một bãi đất trống rộng lớn và bằng phẳng được người dân sử dụng để làm nơi họp chợ. Phiên chợ chính diễn ra đúng ngày 15 âm lịch hàng tháng, chủ yếu mua bán trao đổi nông sản hàng hóa.
Cụ Nhỡ còn nhớ như in, khi còn chăn trâu cắt cỏ đã được nghe đồn chuyện yểm long mạch hay bùa ngải gì đó tại giếng chợ Bà Cô, khi lớn lên cụ mới hiểu và tin đó là chuyện có thật. Đồn rằng nơi đây, để yểm được bùa ngải, ma thuật thì ngày đó thầy phù thủy đã tìm chọn và bắt trong làng một cô gái đồng trinh có mái tóc dài, xinh đẹp nhất vùng và cô gái đó phải là người còn trong trắng trinh nguyên. Trước khi yểm bùa, phù thủy đã bắt cô gái đó ngậm một loại sâm khoảng chừng 3 tháng rồi sau đó mới được thả xuống giếng nước trong. Sau khi cô gái bị thả xuống giếng nước thì chưa thể chết ngay mà còn sống thêm được một thời gian nữa. Tên gọi giếng đình đổi thành giếng chợ Bà Cô cũng không phải bỗng dưng mà có. Nó xuất phát từ việc yểm bùa này.
Uống nước khen, chê đều bị ốm
Cụ Nhỡ sống được đến hôm nay cũng đã gần một thế kỷ rồi nhưng cụ khẳng định với chúng tôi rằng chưa bao giờ giếng nước bị cạn. “Nước giếng trong và mát lắm, máy bơm nước công suất lớn bơm cả ngày cũng không cạn được. Cả làng tôi từ bao đời đến mùa hạn hán lại thi nhau ra đó gánh nước về ăn uống và sinh hoạt. 10 mẫu ruộng lúa ở cánh đồng này cũng lấy nước tưới từ chiếc giếng bé tẹo này chứ đâu” – Cụ Nhỡ cho biết.
Bà Nhỡ kể lại câu chuyện mà bà từng được nghe và chứng kiến
Vì giếng nước rất trong và mát nên những khi khát nước dân làng đi ngang qua thường hay ghé vào giếng để uống nước. Những lời đồn thổi về cái “giếng thần” này cứ thế loang rộng ra. Nào là khi khát nước thì đến bên giếng mà xin rồi lẳng lặng mà uống chứ đừng nói thêm lời nào, chỉ được uống nước, không được rửa mặt hay tay chân. Khi uống nước thì chỉ biết uống rồi đi chứ đừng khen ngon hay chê bất cứ một lời nào.
Theo lời cụ Nhỡ thì giếng thiêng lắm, nếu ai vô tình hay cố ý vi phạm một trong những điều nói trên thì đều bị đau bụng quằn quại đến 3 ngày mới khỏi, uống thuốc gì cũng không lành được. Nặng hơn nữa là nhiều người ở các làng khác không biết đến những “lời nguyền” đó nên sau khi uống nước giếng chợ Bà Cô về nhà bị ốm liệt giường nằm đến đúng 3 tháng sau mới khỏi, đi bệnh viện cũng không phát hiện được bệnh gì.
Cụ Nguyễn Hồng Tảo có nhà cách cái giếng chừng 200m kể lại chuyện mà chính mắt cụ nhìn thấy và chứng kiến từ đầu đến cuối. Khoảng những năm 45 của thế kỷ trước, ông Hiệu cùng lứa với cụ, hôm đó hai người rủ nhau dắt trâu đến cánh đồng có giếng chợ Bà Cô để chăn trâu. Lũ trẻ chăn trâu mải cùng nhau chơi trò trốn tìm để trâu ăn lúa của dân làng. Lũ trâu ăn xong khát nước mà giữa cánh đồng lớn chỉ có duy nhất giếng chợ Bà Cô là đầy nước nên lũ trâu tìm đến đó uống và đằm mình trong lòng giếng. Ba hôm sau, khi ông Tảo đến rủ Hiệu chăn trâu thì mới hay con trâu hôm nọ đã lăn quay ra chết mà không vì một nguyên do nào. Còn Hiệu thì ốm liệt giường, phải 3 tháng sau mới khỏi bệnh.
Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại chuyện cũ thì những trưởng lão như cụ Hồng, cụ Thín, cụ Tảo đều khẳng định chuyện đó là có thật. Thời đó, mỗi lần vào buổi tối phải đi học ngang qua giếng chợ Bà Cô, bọn trẻ phải rủ nhau đi thật đông để đỡ sợ. Mỗi lần có việc qua cái giếng ấy, cụ Tảo đều có cảm giác lạnh người, sợ đến toát  mồ hôi, rợn cả tóc gáy. Những lời đồn thổi thực hư, người bảo có thật, người bảo không, đã khiến dân chúng bán tin bán nghi. Mỗi khi có ai hỏi đến, họ đều phải tranh nhau mà kể, mà phân trần cho thỏa trí tò mò. Qua bao đời, góp nhặt những câu chuyện xung quanh cái giếng ẩn chứa, hiện hữu thần linh càng làm cho nét văn hóa tâm linh bản địa nơi đây thêm phần phong phú.
Bí ẩn “thần” giữ của
Khi những câu chuyện ly kỳ bên cái giếng chợ Bà Cô còn chưa hiểu rõ thực hư thì nay lại đến sự kiện một con chó bằng đá nằm ngay cạnh cái giếng bỗng dưng biến mất khiến cho người dân xóm Chùa bán tin bán nghi. Người ta đồn thổi rằng, con chó đá là “thần” giữ của, kẻ nào lấy con chó đá về nhà mình là tự rước họa vào thân. Chuyện chó đá canh giữ cả một gia tài kho báu khổng lồ dưới lòng giếng chợ Bà Cô bỗng dưng biến mất còn đang là một bí ẩn cho đến bây giờ chưa có ai khám phá được.
Qua câu chuyện với ông Hoàng Văn Triệu, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân của xã Vô Tranh, có ngôi nhà cách giếng chợ Bà Cô chừng 100m. Sinh năm 1960, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1980, ông Triệu lập gia đình và dựng căn nhà trên mảnh đất hiện tại đang ở. Khi ông Triệu cùng vợ về đây, cả làng lác đác dăm ba hộ. Ông Triệu cho biết, khi tôi cùng vợ về đây đã thấy cái giếng, bên giếng có một con chó đá ngồi với tư thế như để “canh” giữ giếng vậy.
Giếng Bà Cô
Chó đá được làm bằng đá xanh có chiều cao khoảng hơn 60cm, chiều dài khoảng 80cm và nặng khoảng 3 tạ. Chó đá được tạc trong tư thế có 2 cái tai vểnh về phía trước, lưỡi thè ra như đang chăm chú theo dõi, phòng vệ hay sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Hai chân trước của chó đá quỳ xuống như để lấy đà trước khi nhảy chồm lên, dưới bụng nó có một cái bát hương cũng được đúc liền khối từ tảng đá xanh ấy. Dưới cổ chó đá được đeo một tràng hạt cườm hình tròn bằng đá xanh ngắt và óng ánh trông rất đẹp mắt.
Năm 1972, dân làng nơi đây bàn nhau “khai quật”, dọn vệ sinh cho giếng chợ Bà Cô để nước giếng được trong và sạch hơn nhằm phục vụ cho sinh hoạt của người dân trong thôn. Trước khi dọn giếng, các bậc cao niên, các thầy địa lý trong làng đều chuẩn bị lễ vật để cúng bái. Anh Triệu là một trong những người tham gia tu bổ, sửa sang giếng cho biết, trước khi khai quật thì trên miệng giếng chợ Bà Cô có một tảng đá bằng phẳng, xanh bóng và to bằng chiếc chiếu một dùng để đậy kín miệng giếng lại. Dưới tảng đá xanh ấy là 4 thanh gỗ vuông vức được xếp theo hình vuông để làm giá đỡ cho tảng đá ấy. Những ai có mặt tại hôm đó đều không khỏi bất ngờ, khi tảng đá được nhấc ra khỏi miệng giếng thì xuất hiện một luồng khí lạ bốc lên từ miệng giếng có mùi thơm rất đặc biệt giống như mùi sâm lẫn với mùi thảo dược dùng để xông, tắm. 4 thanh gỗ có màu đỏ sẫm cũng có mùi thơm tương tự, không biết trải qua bao nhiêu thời gian nhưng những thanh gỗ ấy vẫn còn nguyên vẹn và không hề bị mối mục.
Dân làng tiến hành vệ sinh giếng, người múc nước, người vét bùn. Giếng chợ Bà Cô chỉ sâu hơn 1m, người dân thay phiên nhau múc nước nhưng phải đến quá một buổi nước trong giếng mới vơi được một nửa bởi nguồn nước mạch chảy ra từ đáy giếng rất mạnh không thể múc cạn. Dưới giếng có một tảng đá hình chữ nhật, tảng đá có chiều dài hơn 80cm, chiều rộng khoảng 60cm nhưng khi đó phải huy động tới 7 thanh niên lực lưỡng trong làng mới nhấc được ra khỏi giếng. Khi tảng đá được khiêng lên thì đột nhiên một cột nước trong miệng giếng phun ngược với chiều cao tầm 7-8m khiến ai nấy đều hốt hoảng.
Nhắc chuyện con chó đá, ông Hoàng Văn Triệu kể lại, khi khai quật giếng có rất nhiều người. Thấy con chó đá đẹp quá ai cũng muốn xin về đặt làm cảnh, xin không được có người muốn mua nhưng những người chủ trì hôm đó đều thống nhất không cho mà cũng không bán cho bất cứ ai bởi họ cho rằng đó là “báu vật” của làng, hơn nữa trước đó đã có rất nhiều câu chuyện xảy ra khiến ai cũng phải sợ.
Lời nguyền và kho báu
Sẽ không có chuyện gì để nói nếu không có sự kiện con chó đá bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn. Sự việc càng được dân làng nơi đây quan tâm và bàn tán xôn xao hơn khi sau đó là xâu chuỗi những câu chuyện ly kỳ xảy ra có sự trùng hợp với nhau đến từng chi tiết khiến những câu chuyện kể quanh cái giếng này người ta cho là có thật.
Vào ngày 27 tháng chạp năm 2008, con chó đá hằng ngày vẫn ngồi cạnh giếng bị kẻ nào đó đánh cắp. Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Lành, người dân xóm Cầu thì sáng sớm hôm đó như mọi hôm chị đến giếng chợ Bà Cô múc nước về dùng thì thấy con chó đá bị biến mất rồi. Chó đá nặng như thế, phải có nhiều người và phương tiện là ôtô hoặc xe bò, xe ngựa mới mang nó đi được. Dân làng cứ đinh ninh rằng, chắc chó đá là một thứ đồ cổ quý giá hay là báu vật gì đó mà lâu nay đang được các đại gia săn lùng. Họ còn khẳng định người trộm chó đá chỉ là dân trong làng chứ ai khác vì chỉ có họ mới thông thạo đường đi lối lại và cách vận chuyển.
Giếng chợ Bà Cô với nhiều câu chuyện gây xôn xao vùng quê nghèo
Rồi bất ngờ đúng một năm sau kể từ ngày chó đá bị mất thì kẻ nào đó phải trả lại con chó đá về đúng về vị trí của nó. Ông Triệu kể lại: “Tôi nhớ hôm đó cũng đúng vào ngày 27 tháng chạp năm 2009, tỉnh dậy đứng trên sân nhà nhìn ra cái giếng ông thấy con chó đá lại xuất hiện ở chỗ cũ. Chạy xuống gần xem thì thấy bên cạnh có một bát hương đang cháy dở và có rất nhiều hoa quả, tiền, vàng mã đốt quanh giếng”. Lấy làm lạ, đang khi có nhiều tin đồn thì sau đó vài hôm lại hay tin ông Nhi Hải ở xóm Trại Găng gần đó bị chết không rõ lý do. Xác định thông tin, người dân mới biết chính ông Nhi Hải là người đánh cắp con chó đá mang về nhà mình để cách đây đúng năm. Ông Nhi Hải bị chết, ít ngày kế cận sau đó thì con trai của ông lại bị tai nạn giao thông nhưng rất may thoát chết.
Những câu chuyện quanh giếng chợ Bà Cô thêm một lần nữa được thêu dệt, thêm bớt và không ngớt lời truyền miệng. Nhiều người đặt câu hỏi có hay không những lời nguyền truyền kiếp từ cái giếng thiêng ấy. Nhiều thầy địa lý, thầy cúng trong vùng cho rằng sự xuất hiện con chó đá bên giếng là để canh giữ của cải. Họ đồn rằng, sau khi bọn giặc Tàu thua trận và bỏ về nước, chúng có rất nhiều của cải nhưng không mang đi hết được. Vì thế chúng chôn tất cả những thứ của cải vàng bạc châu báu ấy dưới lòng giếng và yểm phép thuật để không một ai có thể chiếm đoạt được. Tin đồn dưới lòng đất sâu nơi giếng chợ Bà Cô có rất nhiều vàng, vì vậy vào năm 2006, nơi đây đã xuất hiện một nhóm người đến đây thăm dò vàng.
Ông Hoàng Văn Triệu cho biết, năm đó có một thời gian cứ đêm khuya lại xuất hiện một tốp có đến cả chục người cầm que sắt, đèn pin soi soi chọc chọc để tìm kho báu. Cũng dạo ấy có rất nhiều nhóm thanh niên trong làng đến đây dùng máy bơm nước có công suất lớn để hút cát từ lòng giếng lên để đãi vàng tìm vận may. Nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp rồi dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau. Có thông tin họ cũng tìm được một ít thứ vàng cám nhưng số lượng không lớn. Những nhóm thanh niên ấy, nghe đâu sau một thời gian rồi kẻ Bắc người Nam biền biệt đi làm ăn xa không thấy quay về nhà, người thì bệnh tật ốm đau triền miên, người bị tai nạn. Theo anh Triệu giải thích thì miệng giếng rất bé, lại nông nhưng dưới đáy giếng toàn là cát mịn, vàng óng ánh và rất đẹp.
Anh Triệu dẫn chúng tôi ra giếng chợ Bà Cô nhưng con chó đá một lần nữa đã bị lấy trộm từ giữa năm 2010. Nếu như những lời nguyền, những sự kiện mà dân xóm Chùa đã từng được nghe kể, chứng kiến thì anh Triệu vẫn tin rằng kẻ lấy cắp con chó đá vẫn phải chịu một kết cục tương tự.
Những câu chuyện và lời đồn thổi thực hư bên giếng chợ Bà Cô chưa có một ai kiểm chứng, người dân xóm Chùa, xã Vô Tranh vẫn cứ kể mỗi khi có ai hỏi chuyện. Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Phó chủ tịch UBND xã Vô Tranh thì đúng là có chuyện các cụ già trong làng, xã vẫn truyền tai nhau về chuyện người Tàu yểm bùa giữ của nhưng đã có rất nhiều người dùng máy dò đến tìm nhưng chỉ tìm được những đồng xu tiền cổ còn vàng thì chưa ai tìm thấy.
Theo Hà Văn Long - PeT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét