Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ 5 / Đọc truyện

(ĐC sưu tầm trên NET)

Sách là ngọn đuốc soi rọi chân lý, là chiếc khăn thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân ái của loài người!
--------------------------------------------------------------------
NGUYN HU KIT dịch
TSÁCH HUYN MÔN
NHNG GIAI THOI HUYN BÍ
(LCH SHI THÔNG THIÊN HC - PHN 2)
HI KÝ CA ĐẠI TÁ H. S. OLCOTT
CHI TRƯỞNG HI THÔNG THIÊN HC THGII
 

CHƯƠNG TÁM
PHÁP MÔN YOGA

Ngày 27 tháng 8 năm ấy, bà Blavatsky và tôi cùng với em trai giúp việc là Babula lại đáp chuyến xe lửa đêm từ Bombay đi lên miền Bắc. Đến thị trấn Meerut, chúng tôi được toàn thể chi bộ của môn phái Arya Samaj tại địa phương đến tiếp đón tại nhà ga, và đưa chúng tôi về trụ sở của họ. Tại đây, chúng tôi đã gặp lại đạo sư Dyànand Saraswati, nhà lãnh đạo tinh thần của môn phái Arya Samaj đã nói ở trên.
Trước sự có mặt của các tín hữu trong môn phái ông, chúng tôi mở một cuộc thảo luận nhằm biết rõ quan điểm thật sự của ông về pháp môn Yoga và về những năng lực tâm linh có thể đạt được của con người.
Chúng tôi được biết rằng những giáo lý ông đã dạy các tín hữu luôn khuyến cáo họ không nên thực hành pháp môn khổ hạnh, và thậm chí còn gieo sự nghi ngờ về sự thật của các quyền năng thần bí. Trái lại, trong những cuộc đàm thoại với chúng tôi trước đây ông có một luận điệu khác hẳn. Cuộc phỏng vấn của tôi lần này đã được các tín hữu trong môn phái ghi chép lại đúng y nguyên văn mà tôi xin thuật lại như dưới đây:
“...Câu hỏi đầu tiên đưa ra cho Thầy (Swami) là: ‘Pháp môn Yoga có phải là một khoa học thực nghiệm, hay chỉ là một giả thuyết siêu hình; và đạo sư Patanjali có tin rằng người ta có thể đạt được những quyền năng thần bí hay không? Và đã có ai đạt được những quyền năng ấy hay chưa?’
“Thầy đáp rằng: Pháp môn Yoga có thật và căn cứ trên sự hiểu biết những định luật thiên nhiên.
“Câu hỏi kế tiếp là những quyền năng siêu đẳng, hiện nay người ta còn có thể sở đắc được hay không, hay là thời kỳ ấy nay đã qua rồi?
“Câu trả lời là những định luật thiên nhiên vốn không dời đổi và không bị giới hạn trong thời gian và không gian. Những gì người ta đã làm được trong quá khứ đương nhiên cũng vẫn áp dụng trong hiện tại. Không những ngày nay người ta có thể làm tất cả những gì đã được diễn tả trong các sách cổ xưa, mà chính Thầy (Swami) có thể truyền dạy các phương pháp ấy cho bất cứ người nào thật tình mong ước đi vào con đường ấy.
“Có nhiều người đã đến xin thụ giáo Swami và quả quyết rằng họ có khả năng đạt tới sự thành công; Thầy đã thử hết ba người, nhưng tất cả đều thất bại. Lúc đầu họ tỏ ra có nhiều thiện chí, nhưng không bao lâu họ đâm ra chán nản và bỏ cuộc. Yoga là một khoa học khó khăn nhất, và ngày nay rất ít người có thể sở đắc được.
“Câu hỏi tiếp theo là ngày nay còn có chăng những đạo sĩ Yoga chân chính có thể thực hiện những hiện tượng nhiệm mầu như đã diễn tả trong các sách cổ Ấn Độ.
“Thầy đáp rằng những vị đạo sĩ ấy ngày nay vẫn còn, nhưng rất hiếm. Họ ẩn cư ở những nơi hẻo lánh, và ít khi, hay không bao giờ xuất hiện ở những nơi công cộng. Họ không bao giờ tiết lộ những bí quyết của họ cho kẻ thế nhân phàm tục, cũng không truyền dạy bí pháp của họ, trừ phi cho những người mà họ nhận thấy là xứng đáng sau nhiều cơn thử thách.
“Đại tá Olcott hỏi rằng phải chăng những vị chân sư luôn luôn khoác bộ áo vàng của nhà tu sĩ xuất gia như người ta thường thấy, hay cũng mặc y phục thường?
“Thầy đáp rằng các ngài có thể mặc mọi thứ sắc phục thích nghi tùy nhu cầu của hoàn cảnh.
“Đáp lời yêu cầu cho biết người đạo sĩ chân tu có những thứ quyền năng nào, Thầy nói rằng người Yogi chân chính có thể làm những việc mà người thế gian gọi là những phép lạ. Không cần phải nêu ra những loại quyền năng nào, vì trên thực tế quyền năng của y chỉ bị giới hạn bởi lòng mong muốn và sức mạnh của ý chí. Chẳng hạn như họ có thể giao cảm bằng tư tưởng với những vị đạo sĩ khác dù họ ở cách nhau bao xa trong không gian, và không cần sử dụng những phương tiện viễn thông thường lệ như thư từ hay điện tín. Họ có thể đọc tư tưởng của người khác. Họ có thể di chuyển (trong chân ngã) từ một nơi này đến một nơi khác, không cần sử dụng những phương tiện chuyên chở thông thường, và với một tốc độ mau chóng hơn nhiều. Họ có thể đi trên mặt nước hay trên không trung; vượt cao khỏi mặt đất. Họ có thể xuất hồn ra khỏi xác và nhập vào thể xác một người khác, trong một thời gian ngắn hay trong nhiều năm tùy ý muốn.
“Họ có thể kéo dài sự sống của thể xác bằng cách xuất hồn trong giấc ngủ, và bằng cách tiết giảm những hoạt động của cơ thể đến mức tối thiểu, họ tránh được phần lớn sự già nua. Thời gian dùng trong việc ấy sẽ cộng vào và tăng thêm tổng số thời gian sinh tồn tự nhiên của thể xác trong kiếp sống hiện tại.
“Hỏi: Cho đến ngày giờ nào của cuộc đời thì người Yogi có thể sử dụng quyền năng chuyển di linh hồn hay chân ngã của họ qua thể xác của một người khác?
“Đáp: Phải đến giờ phút chót, thậm chí đến từng giây cuối cùng. Người Yogi biết trước, thậm chí đến từng giây đồng hồ, lúc nào họ phải chết, và đến lúc đó họ có thể xuất hồn để nhập vào thể xác một người khác, nếu có một thể xác sẵn sàng cho họ chiếm đóng. Nhưng nếu họ bỏ lỡ giây phút đó trôi qua thì sẽ không thể làm gì được nữa. Sợi dây bạc đã bị đứt đoạn vĩnh viễn, và nếu người Yogi chưa được tinh luyện đến mức toàn thiện để đạt tới sự giải thoát thì anh ta phải tái sinh theo luật luân hồi. Sự khác biệt duy nhất giữa trường hợp của anh ta với trường hợp thông thường của mọi người là công phu tu luyện để trở nên tốt đẹp hơn, thông tuệ hơn và minh triết hơn người thường, nên anh ta sẽ được tái sinh trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn.
“Hỏi: Người Yogi có thể chuyển di từ thể xác của anh ta qua thể xác của một người đàn bà hay không?
“Đáp: Cũng như người ta có thể khoác lấy y phục đàn bà một cách dễ dàng, người Yogi có thể nhập vào thể xác của một người nữ. Chừng đó, xét về hình dáng và cử chỉ bên ngoài thì đó là một người nữ, nhưng xét về phần nội tâm thì anh ta vẫn là một người nam.
“Hỏi: Tôi đã gặp hai người như vậy; nghĩa là hai người nữ xét về hình dáng bề ngoài, nhưng hoàn toàn mang nam tính trong mọi yếu tố khác. Một trong hai người ấy, ông có nhớ chăng, trước đây chúng ta đã có dịp cùng viếng thăm tại Ba-la-nại, trong một đạo viện bên bờ sông Hằng?
“Đáp: À, đó là nữ tu sĩ Maji.
“Hỏi: Pháp môn Yoga có tất cả mấy loại?
“Đáp: Có hai loại pháp môn Yoga, luyện thể xác (Hatha Yoga) và luyện tinh thần (Raja Yoga). Trong pháp môn Hatha Yoga, hành giả thực hành công phu luyện xác một cách rất khổ hạnh nhằm mục đích bắt thể xác phải tuân theo mệnh lệnh của ý chí. Còn Raja Yoga là một pháp môn tu luyện khiến cho ý chí được phát triển mạnh mẽ đến mức làm chủ được tinh thần. Pháp môn Hatha Yoga đem lại những kết quả thể chất, còn Raja Yoga giúp hành giả phát triển những khả năng tâm linh. Nhưng bất cứ hành giả nào muốn thuần thục pháp môn Raja Yoga đều phải trải qua công phu tu luyện Hatha Yoga.
“Hỏi: Nhưng sự thật là có những người đã đạt được những năng lực tâm linh siêu đẳng của pháp môn Raja Yoga mà không hề trải qua giai đoạn khổ luyện xác thân theo Hatha Yoga. Chính tôi đã gặp ba người như vậy ở Ấn Độ, và chính họ đã cho tôi biết rằng họ không hề khổ luyện xác thân.
“Đáp: Đó là do họ đã có tu luyện pháp môn Hatha Yoga trong kiếp trước.
“Hỏi: Xin ông vui lòng giải thích làm sao người ta có thể phân biệt những hiện tượng nào là thật hay giả khi được thực hiện bởi một người mệnh danh là Yogi?
“Đáp: Những hiện tượng lạ gồm có ba loại: loại thấp nhất được tạo ra bằng sự lanh lẹ của bàn tay, như ta thường thấy trong những màn trình diễn ảo thuật hay trong các gánh xiếc; loại thứ nhì bằng cách sử dụng hóa chất hay những máy móc dụng cụ; loại thứ ba và là loại cao nhất, được thực hiện bằng những năng lực thần bí của con người.
“Việc thực hiện những trò lạ mắt làm cho cử tọa ngạc nhiên đều do hai phương pháp đầu tiên, và được tuyên bố giả dối rằng đó là những hiện tượng siêu nhiên hay phép lạ, gọi là tamasha, hay sự phỉnh gạt bất lương. Nhưng nếu những hiện tượng đó được người ta đưa ra một sự giải thích đúng đắn và chân thật thì chừng đó chúng được coi như sự biểu diễn xảo thuật khoa học hay kỹ thuật.
“Chỉ có những hiện tượng tạo nên bởi việc sử dụng ý chí đã được tập luyện thuần thục của con người, không tùy thuộc các máy móc, dụng cụ, mới là thuộc pháp môn Yoga chân chính.
“Hỏi: Xin định nghĩa tính chất của linh hồn con người.
Đáp: Linh hồn (atmà) con người gồm hai mươi bốn thứ khả năng, trong số đó có ý chí, hành động, kiến thức, ký ức sắc bén, v.v... Khi tất cả những khả năng đó được đem ra tác dụng ở ngoại giới, người chủ động tạo nên những kết quả được xếp hạng dưới chủ đề là Khoa học vật lý. Khi người ấy đem áp dụng chúng vào nội tâm, hay thế giới nội tàng, thì đó là Triết học tâm linh, hay Yoga nội môn.
“Khi hai người nói chuyện với nhau từ hai nơi cách biệt nhau rất xa bằng điện thoại, thì đó là họ sử dụng kiến thức khoa học; khi nào họ giao tiếp với nhau không phải bằng máy móc dụng cụ mà bằng cách sử dụng kiến thức về những giòng từ điện và sức mạnh thiên nhiên, thì đó là kiến thức Yoga.
“Cũng chính do kiến thức Yoga mà nhà thuật sĩ làm cho những đồ vật thuộc bất cứ loại nào được đem tới cho ông ta từ một nơi cách xa, và ngược lại, gửi những đồ vật ấy từ chỗ của ông ta đến bất cứ nơi nào, trong cả hai trường hợp đều không dùng những phương tiện chuyên chở như xe, tàu, v.v...
“Người xưa từng biết rõ những định luật hấp dẫn và xô đẩy của tất cả mọi sự vật trong thiên nhiên, tác động hỗ tương giữa chúng với nhau, và những hiện tượng thần thông mầu nhiệm trong pháp môn Yoga đều căn cứ trên sự hiểu biết đó. Người Yogi có thể thay đổi hay tăng cường những sức mạnh hấp dẫn và xô đẩy đó tùy ý muốn.
“Hỏi: Hành giả muốn sở đắc những quyền năng đó phải có những điều kiện tiên quyết như thế nào?
“Đáp: Đó là các yếu tố:
1. Sự ước muốn học hỏi. Lòng ước vọng đó phải mãnh liệt giống như của người sắp chết đói mong có thức ăn, hay người khát thèm nước uống.
2. Hoàn toàn làm chủ mọi thứ đam mê và dục vọng.
3. Sự trinh khiết; giao du với những bạn bè tốt và có đức hạnh; ăn uống chay tịnh, chỉ dùng những đồ vật thực trong lành, tinh khiết; nơi ăn chốn ở phải thanh tịnh sạch sẽ, không bị ô nhiễm bởi những ảnh hưởng xấu xa ô trược bất cứ loại nào; không khí trong sạch; ở nơi vắng vẻ.
“Ngoài ra, hành giả phải có trí thông minh để có thể hiểu biết những định luật thiên nhiên; phải biết tập trung tư tưởng để không suy nghĩ mông lung khiến cho trí lực bị phân tán trong cơn thiền định, và phải biết tự chủ, kiểm soát mọi thứ đam mê, dục vọng. Anh ta phải diệt trừ năm điều sau đây: vô minh, tự kiêu ngã mạn, dâm dục, ích kỷ và sợ chết.
“Hỏi: Như vậy, phải chăng ông không tin rằng người Yogi có thể hành động trái với những định luật tự nhiên?
“Đáp: Không bao giờ! Bởi vì không có gì xảy ra trái với những định luật thiên nhiên. Do pháp môn Hatha Yoga, người ta có thể thực hiện vài loại hiện tượng nhỏ, chẳng hạn như tập trung tất cả sinh lực của mình vào trong một ngón tay, hoặc trong cơn thiền định biết được những tư tưởng của người khác. Bằng pháp môn Raja Yoga, hành giả trở nên có phép thần thông, có thể làm bất cứ việc gì tùy ý muốn, và biết được bất cứ điều gì muốn biết, thậm chí đến những ngôn ngữ chưa bao giờ học. Nhưng tất cả những việc ấy đều hoàn toàn phù hợp với những định luật tự nhiên.
“Hỏi: Đôi khi tôi được thấy những vật thể vô tri như thư từ, tiền đồng hay kim loại, bút chì, đồ nữ trang, v.v... được tạo ra thành những bản sao ngay trước mắt tôi. Làm sao giải thích điều đó?
“Đáp: Trong không gian có chứa đựng những nguyên tử của mọi vật thể hữu hình trong một trạng thái vô cùng tế vi. Người Yogi biết tập trung những nguyên tử đó bằng cách sử dụng ý chí, và tượng hình những vật thể đó theo kiểu mẫu mong muốn bằng trí óc sáng tạo của mình.
“Đến đây, Đại tá Olcott hỏi vị Swami có ý kiến gì về những hiện tượng thần thông mà bà Blavatsky đã làm từ trước đến nay trước sự có mặt của nhiều nhân chứng, chẳng hạn như bà làm cho những hoa hồng rơi xuống như mưa từ trên trần nhà trong một phòng khách ở Bénarès hồi năm ngoái, gây tiếng chuông reo trong không khí, làm cho ngọn lửa trong một cây đèn lu mờ dần cho đến khi hầu như sắp tắt, rồi truyền lệnh cho nó bùng cháy lên cao vút mà không động đến cái bộ phận vặn bấc đèn, v.v...
“Câu trả lời là: Đó là những phép thuật thuộc lãnh vực của pháp môn Yoga. Vài loại hiện tượng này, những người làm trò ảo thuật có thể bắt chước, nhưng những phép thuật của bà Blavatsky không phải thuộc loại đó.”
Tôi nghĩ rằng đây là những quan điểm tóm lược đơn giản, rõ ràng, sáng sủa và gợi mở nhất về pháp môn Yoga của Ấn Độ. Người đối thoại với tôi là một trong những nhân vật ưu tú nhất trong giới tu sĩ Bà-la-môn, một người học vấn uyên thâm, một nhà tu khổ hạnh đầy kinh nghiệm, một nhà biện thuyết hùng hồn và một người có tinh thần yêu nước cao độ.
Sau đó ít lâu chúng tôi đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong vấn đề giao tiếp với đạo sư Dyanand Saraswati. Không có một lý do nhỏ nhặt nào, nhưng bỗng nhiên ông ta có thái độ thù nghịch đối với chúng tôi. Ông ta viết cho chúng tôi những bức thư lời lẽ gay gắt, nặng nề; kế đó ông đấu dịu lại đôi chút; rồi lần sau lại đổi giọng, và như thế ông đặt chúng tôi vào một tình trạng căng thẳng thường xuyên.
Sự thật là tờ tạp chí của chúng tôi không thể là một cơ quan ngôn luận đặc biệt của môn phái Arya Samaj, và chúng tôi cũng không chịu tách rời khỏi các nhóm tín đồ Phật giáo và Bái hỏa giáo, như ông ta vẫn mong muốn. Hiển nhiên là ông muốn bắt buộc chúng tôi phải chọn lựa một trong hai điều: hoặc là sự tiếp tục bảo trợ từ môn phái của ông ta; hoặc là sự trung thành với lý tưởng không bè phái của chúng tôi. Và chúng tôi đã chọn lựa. Vì những lý tưởng và nguyên tắc của Hội, chúng tôi không chịu nhượng bộ bất cứ một áp lực nào từ bên ngoài.
Cũng xin nhắc lại rằng sau những lần tiếp xúc đầu tiên với chi phái Ấn giáo Arya Samaj, đạo sư Dyanand đã cùng tôi thảo luận về những điều lệ mới của Hội Thông thiên học. Ông ta đã nhận lãnh một chân trong Hội đồng Quản trị của Hội, cho tôi có thẩm quyền thay mặt y trong những cuộc biểu quyết của Hội đồng bằng một văn thư chính thức, và hoàn toàn phê chuẩn kế hoạch của chúng tôi, là dung hòa những phân chi gồm có những tín đồ các giáo phái khác nhau như Phật giáo, Bái hỏa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, v.v... Nhưng về sau, tinh thần khoan dung, không bè phái của ông ta đã thay đổi trở thành óc bè phái, độc đoán, và thiện chí tốt đẹp của ông ta đối với chúng tôi đã trở thành sự đố kỵ thù nghịch.

CHƯƠNG CHÍN
VIẾNG THĂM TÍCH LAN

I.

Chúng tôi đã quyết định viếng thăm đảo Tích Lan theo lời mời khẩn cấp của các vị chức sắc lãnh đạo Phật giáo xứ ấy, và đã bận rộn suốt một tháng để chuẩn bị lên đường.
Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, chúng tôi xuống tàu chạy miền duyên hải của công ty hàng hải Anh Ấn để đi Tích Lan.
Ngoài bà Blavatsky, ông Wimbridge và tôi, phái đoàn còn gồm có bạn Damodar và bốn người Ấn Độ khác. Hình như phái đoàn chúng tôi là những hành khách duy nhất trên tàu. Trong chuyến đi này, nhờ chiếc tàu sạch sẽ, các sĩ quan hăng hái vui vẻ dễ mến, tiết trời quang đãng và những hải cảng ghé dọc đường đầy vẻ thích thú hấp dẫn, nên chúng tôi cảm thấy vui thích như được đi nghỉ mát trên tàu riêng của mình.
Blavatsky tinh thần đầy hứng khởi vui tươi, nói chuyện trào phúng khiến cho cả tàu đều vui nhộn. Vốn là người thích chơi bài tây, có khi bà ngồi suốt nhiều giờ mỗi ngày để đánh bài tiêu khiển với các sĩ quan trên tàu, ngoại trừ viên thuyền trưởng Wickes, vì quy luật hàng hải ngăn cấm vị thuyền trưởng chơi bài với các viên chức trực thuộc.
Viên thuyền trưởng già là một người đẫy đà, vui tính, và không có mảy may tin tưởng vào các vấn đề tâm linh hay huyền bí. Ông ta thường nói đùa với bà Blavatsky về những quan niệm của chúng tôi với một sự dốt nát về toàn thể vấn đề đến mức làm cho chúng tôi phải bật cười.
Ngày nọ, bà Blavatsky đang chơi bài một mình, trò chơi đơn độc mà bà thích thú nhất, thì vị thuyền trưởng bước vào và yêu cầu bà hãy nói tiên tri số mạng của ông ta bằng một quẻ bài. Thoạt tiên bà từ chối, nhưng sau cùng bà bằng lòng, và bảo ông ta hãy xáo trộn những quân bài rồi chọn và lật bài lên bàn.
Sau khi xem, bà nói lẩm bẩm:
- Thật là lạ lùng, có thể nào lại như vậy! Vị thuyền trưởng hỏi:
- Bà nói thế nghĩa là sao?
- Đó là những gì hiện lên trên các lá bài. Ông hãy xáo bài lần nữa.
Vị thuyền trưởng làm y theo lời, khi các quân bài được chọn và lật ngửa lên thì dường như cho thấy kết quả cũng giống y như lần trước, vì bà Blavatsky nói rằng quẻ bài tiên tri một chuyện thật vô lý đến nỗi bà không muốn nói cho ông ta biết.
Viên thuyền trưởng khẩn khoản yêu cầu, bà mới nói rằng theo quẻ bài cho biết thì ông ta sẽ không còn đi biển được bao lâu nữa; ông sẽ được cấp trên đề nghị nhận một việc làm trên đất liền, và sẽ giải nghệ.
Viên thuyền trưởng to béo cười lớn, và nói cho bà biết rằng đó chính là điều mà ông ta đang mong ước. Còn nói về việc từ bỏ nghề đi biển, thì không gì làm cho ông thích thú hơn, nhưng ông không thấy có chút triển vọng nào sẽ được sự may mắn đó.
Đến đây không ai nói thêm điều gì nữa, ngoài việc viên thuyền trưởng lặp lại lời tiên tri ấy cho một viên sĩ quan nghe, rồi qua ông này, nó trở nên một đề tài trào lộng chọc cười cho cả tàu!
Nhưng chưa phải là hết. Một hay hai tháng sau khi chúng tôi trở về Bombay, bà Blavatsky nhận được một bức thư của thuyền trưởng Wickes, trong đó ông nói ông phải xin lỗi bà về thái độ của ông đối với quẻ bài, và ông phải thú nhận rằng lời tiên tri ấy đã được thực hiện. Sau khi chúng tôi đổ bộ lên đảo Tích Lan, ông tiếp tục chuyến đi đến Calcutta. Khi tàu cặp bến, ông được đề nghị nhận lấy chức vụ hải quan ở cảng Karwar. Ông bằng lòng nhận và đã đi chuyến trở về như một hành khách trên chính chiếc tàu của ông!
Đây là một trường hợp điển hình trong nhiều quẻ bài tiên tri khác nữa của bà Blavatsky. Tôi không nghĩ rằng những lá bài có ăn nhằm gì đến lời tiên tri ấy, trừ phi chúng có thể đã tác động như một cái khoen liên lạc giữa bộ óc linh thị của bà và cái hào quang tâm linh của vị thuyền trưởng, và bởi đó nó khích động khả năng thần nhãn của bà để nhìn thấy việc tương lai. Tuy nhiên, dù bà có năng khiếu đó, tôi không thấy bà đã từng tiên liệu trước một việc nào trong số những biến cố đau thương và tổn hại thanh danh đã xảy đến cho bà do âm mưu của những kẻ phản bội và những kẻ thù nghịch đầy ác ý. Hoặc nếu có, bà cũng không hề nói với tôi hay với bất cứ một người nào, theo chỗ tôi được biết.
Có lần ở Bombay, bà bị mất trộm một kỷ vật đáng giá, nhưng bà vẫn không thể tìm ra kẻ gian, cũng không trợ giúp được nhân viên cảnh sát trong việc truy nã thủ phạm.

II.

Nói về khả năng tiên tri, tôi nghĩ rằng có lẽ tôi cũng có đôi chút khi tôi viết trong nhật ký của tôi câu này một ngày trước khi đến hải cảng Colombo: “Còn phải đương đầu với những trách nhiệm mới mẻ và lớn lao: những vấn đề quan trọng độc đáo còn tùy thuộc nơi kết quả của chuyến đi này.
Thật không có gì đúng hơn nữa! Chúng tôi bỏ neo ngoài khơi cảng Colombo vào sáng ngày 16 tháng 5, và sau đó một lúc, một chiếc tàu nhỏ tiến đến cặp vào hông tàu, có chở theo Đại đức Megittuwatte Gunananda và vài nhà sư trẻ trong tu viện Phật giáo của ông đến đón chúng tôi. Đại đức Megittuwatte tuổi độ trung niên, râu tóc cạo sạch, vóc dáng trung bình, trán cao, mắt sáng, miệng rộng, có tác phong đầy tự tin và dáng người rất nhanh nhẹn.
Không như những nhà sư khác có vẻ trầm tư, mắt thường nhìn xuống đất khi nói chuyện, Đại đức thường ngang nhiên nhìn thẳng vào mắt người đối thoại. Ông là nhà diễn giả hùng biện, ăn to nói lớn nhất trong các giới lãnh đạo Phật giáo ở xứ này, và là một mối kinh hoàng, nể sợ đối với các nhà truyền giáo Gia Tô. Vừa nhìn thấy ông, người ta biết ngay ông là một nhà tranh luận hơn là một tu sĩ khổ hạnh. Trong nhiều năm, ông là nhà lãnh tụ táo bạo, xuất chúng và có uy thế mạnh mẽ nhất của Phật giáo Tích Lan, và hiện nay là lãnh tụ phong trào phục hưng Phật giáo tại xứ này.
Sau khi chào hỏi chúng tôi một cách đặc biệt thân tình và nồng hậu, Đại đức yêu cầu chúng tôi cứ tiếp tục ở trên tàu để đi tới hải cảng Galle, tại đây đã có sắp đặt mọi việc để dành cho chúng tôi một cuộc tiếp đón quan trọng, còn Đại đức sẽ đích thân đáp xe hỏa đi Galle ngay chiều hôm đó.
Rạng sáng hôm sau, chúng tôi đã ở ngoài khơi hải cảng Galle. Tàu bỏ neo ngoài khơi, cách bờ độ năm trăm thước, chúng tôi bước xuống một chiếc thuyền lớn được trang hoàng lịch sự, kết hoa sặc sỡ, trên đó có các vị chức sắc Phật giáo cao cấp đến đón chúng tôi. Trên bến tàu và dọc theo bãi biển, một đám đông quần chúng khổng lồ đã đợi sẵn, chờ chúng tôi đến, và đồng thanh hô to khẩu hiệu chào mừng: “Sahdu! Sahdu!” vang cả một góc trời!
Một khoảng đường được lót bằng vải trắng từ những bậc tam cấp ven bờ biển đưa lên mặt đường lộ, tại đây đã có xe chờ sẵn, và muôn nghìn lá cờ được phất lên một cách nhiệt tình để nghênh đón chúng tôi. Quần chúng vây quanh và đi theo đoàn xe, cuộc diễu hành trực chỉ nơi trú quán dành sẵn cho chúng tôi là biệt thự của bà Wijeratne, quả phụ của một nhà thầu tỷ phú tại Galle.
Khi đến nhà, có ba vị sư trưởng đón tiếp và ban ân huệ cho chúng tôi tại ngưỡng cửa, miệng lẩm nhẩm đọc kinh chúc lành bằng thổ ngữ Nam Phạn (Pāli). Kế đó, chúng tôi có một buổi hội kiến với các nhân vật địa phương và vô số quan khách đến chào mừng.
Wijeratne và con trai bà lo săn sóc phục dịch chúng tôi một cách chu đáo tận tình. Trên các bàn lớn giữa nhà luôn luôn có đầy những mâm kẹo bánh, thực phẩm ngon lành và hoa quả, trái cây tươi ngon cỡ thượng hạng không đâu s ánh kịp. Chốc chốc lại có thêm một cuộc diễu hành mới, gồm các phái đoàn sư sãi áo vàng, sắp đặt theo thứ tự thâm niên của họ kể từ khi xuất gia, tuần tự đến viếng và chúc lành chúng tôi.
Thật là một kinh nghiệm độc đáo, một điềm triệu tốt lành rực rỡ mở màn cho những mối quan hệ tương lai của chúng tôi với xứ này. Trong thời gian sau đó, luôn luôn chúng tôi có khách đến viếng đầy nhà và vãng lai không ngớt suốt ngày, ngày nào cũng như ngày ấy.
Những cuộc thảo luận về đạo lý vẫn tiếp diễn không ngừng với vị sư trưởng cao niên Bulatgama Sumanatissa và với những nhà sư thông thái khác. Do sự sắp đặt của Ban tổ chức, tôi có một bài thuyết trình trước công chúng vào ngày 22 về Thông thiên học, với số cử tọa đông đảo chật ních cả hội trường. Ngoài phái đoàn của chúng tôi còn có đủ mặt tất cả các sư trưởng và chức sắc của nhiều chi phái Phật giáo đến dự thính.
Cuộc thăm viếng này của chúng tôi là bước khởi đầu giai đoạn thứ nhì của phong trào phục hưng Phật giáo do Đại đức Megittuwatte khởi xướng trước đây. Đó là một phong trào nhằm mục đích qui tụ toàn thể giới thanh thiếu niên Tích Lan vào những trường học Phật giáo.
Tờ thông tri dưới đây do bạn Damodar chính thức công bố cho thấy những bước đầu tiên do chúng tôi thực hiện để đưa đến việc thành lập những Chi hội Thông thiên học trên đảo Tích Lan.
“THÔNG TRI
Một cuộc hội họp sẽ được tổ chức vào chiều thứ hai tới đây tại Minuvengoda lúc 20 giờ. Trong dịp này, Đại tá Olcott sẽ trình bày về những mục đích của Hội Thông thiên học. Sau đó, quý vị nào muốn gia nhập Hội có thể ghi tên.
Galle, ngày 22 tháng 5 năm 1880 (Thừa lệnh)
Damodar K. Mavalankar
Phó Tổng Thư Ký Hội Thông Thiên Học”
Cuộc hội họp ấy do vị Sư trưởng Bulatgama chủ tọa, và Đại đức Megittuwatte khai mạc bằng một bài diễn văn hùng hồn làm khích động lòng người.
Ngày hôm sau, có mười một người đầu tiên được tôi thâu nhận vào hàng ngũ hội viên, và cùng với họ, tôi tổ chức Chi hội Thông thiên học tại Galle.
Thế rồi bắt đầu một cuộc hành trình dài hạn để viếng thăm nhiều thành phố khác nhau ở các vùng địa phương trên đảo. Những sự việc đã xảy ra tại Galle lại tái diễn ở các nơi khác: những cuộc tiếp đón long trọng; những sự vui mừng nồng nhiệt của quần chúng; những buổi nói chuyện trước những cử tọa đông đảo, thường có đến vài ngàn người; những cuộc viếng thăm các tu viện, chùa chiền, bàn luận giáo lý với các vị sư trưởng và các vị sư tăng ưu tú lỗi lạc, v.v...
Với đà diễn biến đó, dần dần tôi thành lập được các Chi hội Thông thiên học tại Colombo với 27 hội viên; Chi hội Kandy với 17 hội viên; các Chi hội Lanka, Bentota (23 hội viên), Welitara, Panadure, Matara, v.v...
Ngoài ra, tôi còn nhận được hàng chục thư mời đến viếng những làng mạc xa xôi ở các vùng quê hẻo lánh. Thế là, sau cuộc viếng thăm các thành phố lớn, tôi bắt đầu đi thăm viếng các vùng làng mạc và thôn quê.

III.

Nếu có ai nghĩ rằng cái ảnh hưởng mà Hội Thông thiên học tạo ra ở các xứ phương Đông đã có được một cách dễ dàng mà không phải mất nhiều công lao khó nhọc, xin hãy đọc qua những trang của quyển hồi ký này.
Ngày ngày hoạt động, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm, đều được ghi chép về những chuyến đi công tác đạo sự bằng tất cả mọi loại phương tiện di chuyển, từ toa xe lửa cho đến các loại xe ngựa, xe thồ, lớn nhỏ đủ kiểu, do một con ngựa hay con bò kéo. Có khi đi bằng thứ xe bò thông dụng ở vùng đồng quê, với những bánh xe to lớn, chỗ ngồi làm bằng tre phủ lên một lớp rơm mỏng, do một cặp bò gù lưng mang trên cổ một cái ách bằng cây kéo đi chậm chạp. Có khi đi bằng thuyền ván đóng sơ sài với một mái che bằng lá dừa thiếu tiện nghi, chỗ ngồi không có ghế hoặc nệm chi cả. Khi thì ngồi trên lưng voi trong một cái bành, hoặc thông thường hơn nữa là lưng voi không có bành, mà chỉ có một tấm nệm dày buộc vào mình voi bằng những sợi dây to lớn.
Có khi di chuyển trong những ngày sáng sủa tốt trời, có khi gặp những ngày mưa dầm như trút nước; có khi đi trong những đêm trăng sáng, có đêm đi dưới ánh sao. Có những đêm, giấc ngủ của tôi bị gián đoạn bởi những âm thanh, tiếng động chọc thủng lỗ tai của cái thế giới sâu bọ trong rừng già của vùng nhiệt đới, tiếng kêu rùng rợn của loài chó rừng, tiếng động từ xa của những con voi rừng đi xuyên qua các bãi mía, những tiếng hò hét không ngừng của người phu xe thúc đẩy những con bò chậm chạp, và những bài dân ca mà anh ta hát vang thường trộn lẫn với những âm thanh chát chúa để giữ cho anh ta khỏi buồn ngủ dọc đường.
Ngoài ra, còn có những đám muỗi mòng vây phủ quanh mình khi ngồi trên xe, với tiếng vo ve inh ỏi và những mũi dùi nhọn của chúng, gây nên một thứ cực hình chậm chạp và những vết mẩn đỏ nổi trên da thịt sáng hôm sau.
Kế đó là lúc đến nơi, xe tiến vào các làng mạc lúc trời hừng sáng; toàn thể dân làng đứng chực sẵn hai bên đường để đón tiếp; sự tò mò của họ phải được thỏa mãn; những sự khó khăn gặp phải khi bạn cần tắm rửa sạch sẽ khi vừa đến nơi, sau chuyến đi vất vả mệt nhọc; bữa ăn điểm tâm với cà phê, bánh hấp và trái cây; cuộc viếng thăm các nơi tịnh xá, tu viện; những cuộc thảo luận về kế hoạch, chương trình hành sự và những triển vọng tương lai với các nhà lãnh đạo Phật giáo; một buổi nói chuyện ngoài trời, hoặc nơi một giảng đường nếu có, trước một quần chúng đông đảo.
Kế đó là việc ghi tên họ những người quyên góp vào quỹ phước thiện, cho thỉnh kinh sách Phật giáo nhập môn và Phật giáo vấn đáp. Đến chiều, có khi còn phải nói chuyện lần thứ nhì cho những người mới đến sau từ những làng lân cận.
Rồi đến những màn từ giã, giữa những tiếng trống dồn dập và tiếng kèn bản xứ inh ỏi vang tai, những dân làng phất cờ tiễn đưa và hô to khẩu hiệu “Sadhu! Sadhu!”, rồi lại tiếp tục chuyến đi qua những làng khác trên những chiếc xe bò kêu kĩu kịt.
Bấy nhiêu sự việc vẫn tiếp diễn ngày này qua ngày khác, trong khi tôi đi châu du khắp nơi trong miền tây đảo Tích Lan, làm cho quần chúng lưu ý đến vấn đề giáo dục con em theo đường lối, tôn chỉ nền quốc giáo của dân tộc họ, phân phát kinh sách, và kêu gọi sự quyên góp, cúng dường vào quỹ Phật giáo để thực hiện kế hoạch công ích vĩ đại này.
Ngày 12 là ngày cuối cùng của chúng tôi trên đảo Tích Lan. Ngày 13, tàu đến, và chúng tôi lên tàu lúc hai giờ trưa, để lại sau lưng nhiều bạn hữu ứa lệ vì tiếc thương, và đem theo chúng tôi nhiều kỷ niệm êm đềm của tình tương thân tương ái, sự vui lòng trợ giúp và thiện chí tốt đẹp. Thêm vào đó là kỷ niệm của những chuyến đi thích thú thần tiên với những danh lam thắng cảnh đẹp như mơ, những quần chúng đầy hứng khởi nhiệt thành, và những kinh nghiệm lạ lùng, cũng khá đủ tràn đầy ký ức với những hình ảnh sống động, để còn hồi tưởng lại trong những năm về sau với một niềm sung sướng triền miên, với sự trợ giúp của vài hàng nhật ký cũ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét