Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng những hồi ức về thời chiến vẫn vẹn
nguyên trong tâm trí Trung tướng Trần Hanh, nguyên Phó Tổng Tham mưu
trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Những chiến tích
trong cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với những dấu mốc quan trọng
của cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ. Trận không chiến ngày 4/4/1965
lịch sử trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa) là một trong số đó.
Tướng Trần Hanh đang mô tả lại trận đánh năm nào.
Hạ gục “Thần sấm”
Bầu trời sân bay Nội
Bài sáng 4/4/1965, mây bao phủ, âm u như báo hiệu những điều không an
lành. Quả đúng như vậy, Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân
của ta nhận được tin máy bay địch đang xâm phạm vùng trời Miền Bắc. Bốn
chiếc MIG 17 do Đại uý Trần Hanh dẫn đầu lập tức lao vút lên bầu trời.
Trước đó, Không quân Việt Nam đã có cuộc “thử lửa” với không quân Mĩ
trên bầu trời Hàm Rồng. Sau trận đánh này, nhiều ý kiến không tán thành
đợt bay thứ 2 vào trận địa trên với lý do yếu tố bí mật, bất ngờ không
còn nữa. Nhưng với ý chí quyết tâm của toàn phi đội, trận không chiến
lần 2, ngày 4/4 vẫn được thực hiện.
Phi công Trần Hanh thời trẻ.
“Tới Hàm Rồng, thấp
thoáng từ trong các đám mây, biên đội chúng tôi ngay lập tức đối mặt với
một đàn quái vật khổng lồ, thân dài, đầu nhọn, phía dưới cánh lặc lè
bom. Sau này tôi mới biết nó mang biệt danh “Thần Sấm” (tức F 105), nặng
tới 25 tấn. Lúc này lưới lửa phòng không từ dưới đất bắn lên dữ dội,
đạn cao xạ đan chéo như lưới. Yểm hộ cho “Thần Sấm” là từng tốp “Thanh
bảo kiếm” F100.
Mải mê “ngắm” trận địa,
nhả bom, máy bay địch không ngờ phía trước phi đội bay của ta đang chờ
sẵn. Lợi dụng lúc “Thần Sấm” đang nghiêng mình thả bom, tôi quyết định
cắt bán kính áp sát mục tiêu. Khi cách “Thần Sấm” 300-400m, máy ngắm bao
trọn mục tiêu, tôi siết cò điểm xạ, thấy trúng, tôi làm tới luôn. 200
viên đạn từ 2 khẩu 23 ly và 30 ly đồng loạt rời nòng tạo lên một quầng
lửa quanh mục tiêu. Trong giây lát, “Thần Sấm” bị tiêu diệt, lửa bùng
lên đỏ rực. Tôi thét lên sung sướng trong buồng lái”, Tướng Hanh nhớ
lại.
“Con trời” về làng
Trung tướng Trần Hanh.
Tướng Trần Hanh nhớ
lại, khi chiếc F105 của địch trúng đạn, cả dàn F 100 nhào lên truy sát.
Chiếc MIG 17 của ông nằm trong lưới đạn dày đặc. Trong tình thế nguy
cấp, ông kéo gập cần lái, máy bay chao mình lộn ngược, vừa hay 2 quầng
sáng của 2 quả tên lửa “rắn đuôi kêu” từ chiếc F100 bắn ra xẹt hai bên
cánh. Để thoát vòng vây, ông vội đưa mắt lên chiếc la bàn tìm hướng,
nhưng trục kim đã hỏng sau cú lộn mình tránh đạn. Hết cách, ông buộc
phải nhằm hướng Tây bay thẳng. Sau vài phút, đèn tín hiệu báo hết xăng.
Tình thế một lần nữa đẩy chiếc MIG 17 vào chỗ gay cấn. Không thể quay
về, không còn xăng để hạ cánh vào bất cứ sân bay nào gần nhất, chiếc MIG
17 hạ dần độ cao rồi rơi tự do. Trong thời khắc nguy cấp, Sở chỉ huy ra
lệnh cho ông bỏ máy bay, nhảy dù để bảo toàn tính mạng.
Tuy vậy, ông vẫn dồn
hết sức cố điều khiển chiếc MIG 17 lúc này đang đâm chúi đầu xuống đất.
Từ trên cao, một mảnh ruộng bằng phẳng bên bờ suối lọt vào tầm ngắm.
Không hạ càng, ông để cho chiếc máy bay đáp xuống bằng bụng. Sau cú hạ
cánh có một không hai đó, chiếc MIG 17 trượt trên đám ruộng được vài
chục thước rồi khựng lại. Đại úy Trần Hanh gục đầu trong buồng lái không
động đậy, máu chảy ướt đẫm mặt và áo ông.
Không biết mình ngất đi
bao lâu, lúc tỉnh dậy, chưa kịp định thần thì đã thấy rất đông người
người dân đã kéo đến bao vây chiếc máy bay. Lột vội chiếc mũ lái, ông
thò tay lấy cuộn phim ghi lại cảnh hạ “Thần Sấm” đút vội vào túi ngực.
Lò dò bò ra khỏi khoang lái, ông bị bà con người Thái “áp tải” ngót 3km
về một thung lũng khác để... tạm giam.
Đại úy Trần Hanh không
biết rằng, lúc ông đang rơi thì trên bầu trời, 3 đồng đội của ông là
Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh. Trước đó
chỉ vài phút, sau khi Lê Minh Huân bắt chiếc F - 105 thứ hai đền tội,
tên lửa đối không từ máy bay địch bắn ra dữ dội. Cuộc chiến không cân
sức đã khiến Lê Minh Huân và hai đồng đội mãi mãi ra đi.
Về phần Trần Hanh, sau
khi thông tin về một phi công cùng chiếc máy bay hạ cánh bên bờ ruộng
làng Kẻ Tằm (Quỳ Hợp - Quỳ Châu - Nghệ An) được cấp báo, đích thân Trung
đoàn trưởng Trung đoàn 64, Đại đoàn 320, Trung tá Nguyễn Văn Quế đã
băng rừng lên Kẻ Tằm ngay trong đêm. Tới nơi, gặp phi công “lạ” ông hét
to: “Hanh 48 đây rồi!”. Lúc ấy bà con mới tin đó là “phi công mình”. Họ
đồng thanh hô to “Khăm klơi! Khăm klơi! (con trời! con trời) đã về
làng!”.
Cuộc hôn nhân “thần tốc”
Trung tướng Trần Hanh sinh ngày 29/11/1932
tại xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Tham gia cách mạng tháng
12 năm 1946. Cấp bậc, chức vụ cao nhất: Trung tướng; Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng; Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Tướng Trần Hanh được phong tặng Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân
năm 1967, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy hiệu của Người.
Ngoài ra, ông còn được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, huy chương
cao quý khác.
Về Hà Nội, ông phải
nhập viện điều trị vết thương. Va chạm từ lần hạ cánh trên... ruộng đã
khiến 3 đốt xương sống của ông dẹt vào làm 1, đầu bị chấn thương do đập
vào máy ngắm. 3 tháng ròng bà Xuyến, vợ ông, cứ mỗi buổi tan làm lại vào
viện chăm ông. Ông nói tình yêu của bà dành cho ông là vô bờ bến, còn
ông chỉ đem đến cho bà những nỗi đau.
Hai ông bà yêu rồi cưới
nhau (năm 1958) chỉ trong vỏn vẹn đúng 1 tháng. Sau đó là khoảng thời
gian 3 năm trời xa nhau biền biệt. Trong thời gian này, có người trêu
đùa bảo, hôn nhân thần tốc thì cũng khó vững bền. Vậy nhưng bà chỉ cười.
Năm 1961, sau lần nghỉ phép ông từ Trung Quốc về nước và cũng trong năm
này bà hạ sinh cô con gái đầu lòng Trần Thị Ngọc Hà. Tên con cũng là
tên phố, nơi hai ông bà được gặp nhau sau bao năm xa cách.
Với niềm tin, sự vun
đắp tình cảm của 2 bên gia đình vốn thân thiết bao năm và hơn hết là
tình yêu cao cả của bà dành cho ông, Trần Hanh đã dần bình phục sau một
thời gian. Đến năm 1967, tại làng Thụy Hương (Sóc Sơn - Hà Nội) bà sinh
tiếp cho ông cậu con trai Trần Trung Dũng. Hiện cả 2 người con của ông
bà cùng nối nghiệp cha, cống hiến cho Quân đội. Ông tự hào khoe rằng,
các cháu nội ngoại đều chăm ngoan hiếu thảo. Cháu lớn đã lập gia đình,
có con đưa ông bà lên chức cụ.
Trước lúc chia tay, ông
ký tặng tôi một bức chân dung, gửi lời hỏi thăm đến ông nội và bố tôi,
đều là những người lính Cụ Hồ. Ông căn dặn lớp trẻ chúng tôi phải sống
sao cho xứng đáng với cha ông mình.
Theo Công Tâm
Gia đình & Xã hội
Vị khách đặc biệt của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy
QĐND - Những “cựu thù” từng truy lùng để tiêu diệt nhau
trên bầu trời lại có ngày gặp nhau, cùng ngồi chia sẻ những câu chuyện
với cảm xúc đời thường như những người bạn. Cuộc gặp gỡ giữa Đại tá, phi
công, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy và cựu phi công Mỹ, Đại tá,
TS Marshall L.Michel III đã diễn ra như vậy.
Sau chiến tranh họ là những người bạn
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy được người dân Nam Bộ yêu mến gọi
là “Anh hùng Bảy lúa”. Biết có đoàn khách tới thăm, ông đi xe gắn máy
len lỏi qua con đường nhỏ ven kênh ra tận đầu ngõ để đón. Chàng phi
công, anh hùng không quân ngày xưa, giờ đã 83 tuổi, dáng người quắc
thước, râu tóc bạc phơ với chiếc khăn rằn đặc trưng của người Nam Bộ và
giọng nói thì vẫn sang sảng...
Rời binh nghiệp, ông về vùng quê ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai
Vung, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá, trồng cây, sống giữa bà con xóm ấp. Sống
chan hòa, đồng cam cộng khổ với người dân miệt vườn, ít ai biết rằng,
lão nông này từng là phi công huyền thoại với thành tích bắn rơi 5 chiếc
F4 và 2 chiếc F-105 của không quân Mỹ.
Cuộc sống đời thường của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy
Năm 1965, người Mỹ bị chấn động bởi những chiếc MiG-17 của Không quân
nhân dân Việt Nam, bay chậm hơn nhưng lại bắn hạ được máy bay tiêm
kích-ném bom siêu thanh F-105 Thunderchief (Thần sấm) của Mỹ ở miền Bắc
Việt Nam. MiG-17 của ta khi đó chỉ được trang bị pháo 37mm ngắm bắn,
không có tên lửa và tốc độ đương nhiên không thể sánh với những "Thần
sấm", "Con ma" (F4) của Mỹ.
Còn Marshall L.Michel III, dù đã có 321 phi vụ bay trinh sát bằng F4
trên bầu trời Việt Nam nhưng cũng chỉ được nghe có những phi công Việt
Nam giỏi như thế. Họ không biết tên cũng không biết mặt nhau. Kết thúc
chiến tranh, từ những cuốn sách về không chiến, đặc biệt là cuốn sách
“Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai
phía”, do tác giả Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên và nhóm các cựu phi
công biên soạn (NXB Quân đội nhân dân, xuất bản tháng 12-2013), ông
Marshall L.Michel III mới biết đến phi công Nguyễn Văn Bảy.
Ông Nguyễn Văn Bảy lấy trái cây trong vườn đã được chuẩn bị sẵn để tiếp đoàn khách đặc biệt.
Vào tháng 4-2016, đoàn khách 11 cựu phi công Mỹ đã có chuyến thăm Việt
Nam. Đáp lại chuyến thăm đó, tháng 9-2017, đoàn 12 cựu phi công tiêm
kích Việt Nam do Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát dẫn
đầu, đã có chuyến thăm thành phố San Diego, Mỹ. Cuộc hội ngộ lịch sử
lần thứ hai đó có chủ đề “Từ không chiến đến hòa giải”. Trong cuộc gặp
gỡ này, Marshall L.Michel III và Nguyễn Văn Bảy đã gặp nhau.
Ông Nguyễn Nam Liên, Cơ trưởng Hãng hàng không quốc gia Việt
Nam-Vietnam Airlines, Hiệu trưởng Trường Phi công bay Việt, là người đi
cùng trong chuyến thăm đó. Ông được các cựu phi công Mỹ chú ý đến bởi
cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975)
nhìn từ hai phía” mà mình đồng tác giả.
Dẫn đoàn khách đến thăm quê phi công Nguyễn Văn Bảy, ông Nguyễn Nam
Liên trò chuyện: Cuộc gặp gỡ tháng 9-2017 là cơ hội cho các cựu binh Mỹ
từng tham chiến tại Việt Nam gặp lại các phi công của ta và đúng như tên
gọi của nó, ý nghĩa lớn nhất của cuộc gặp gỡ là khép lại quá khứ để
hướng tới tương lai. Cuộc gặp gỡ không chỉ đơn thuần là sự gặp mặt giữa
các cựu phi công mà đằng sau nó là tình bạn. Họ hiểu nhau nhiều hơn qua
cuộc sống đời thường. Sau cuộc gặp gỡ ấy, kết quả là nhiều cựu phi công
Mỹ trở lại Việt Nam để gặp những người từng tham chiến. Trường hợp cuộc
gặp gỡ của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy và Marshall L.Michel III
là một ví dụ. Miền quê mộc mạc
Năm 1990, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy, nguyên Phó
tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (Quân chủng Phòng không-Không
quân), nghỉ hưu. Ông rời TP Hồ Chí Minh cùng vợ về xã Tân Phú Đông, TP
Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để nuôi cá, nuôi heo, trồng cây... Vài năm trở
lại đây, vùng quê Tân Phú Đông đô thị hóa, ông giao lại nhà cho con gái,
cùng vợ trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” xã Hòa Thành, huyện Lai Vung,
tỉnh Đồng Tháp để được sống với nghề nông, cần mẫn lao động làm kinh tế,
tích cực tham gia công tác địa phương, vận động bà con đoàn kết xây
dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mới. Dù là "phi công huyền thoại"
nhưng người dân ở đây đã quen thuộc với hình ảnh một lão nông chân
chất, giản dị. Về nơi miệt vườn này thấy cảnh dân nghèo chưa có điện,
đèn dầu tù mù, ông vận động các doanh nghiệp, bà con góp tiền xin chính
quyền kéo điện về thắp sáng vùng quê.
Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy và cựu phi công Marshall
L.Michelll (nắm tay) trên con đường mòn nhỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn
Bảy.
Với Marshall L.Michel III, đây là lần đầu tiên ông tới thăm quê phi
công Nguyễn Văn Bảy. Tại căn nhà nhỏ ở miền quê mộc mạc, họ cùng thăm ao
cá, vườn cây, trải nghiệm cầu khỉ, cùng ngồi ăn trái cây và những món
"cây nhà lá vườn" đặc trưng của miền quê sông nước... Lần gặp này đã để
lại ấn tượng sâu sắc đối với hai cựu phi công.
Ông Marshall Michel III chia sẻ: “Chúng tôi không nghĩ rằng một phi
công huyền thoại như thế lại sống ở miền quê mộc mạc. Nhưng khu vực nông
thôn này thật đẹp, tĩnh lặng và tuyệt vời, rất ấn tượng đối với tôi.
Tôi cũng nghĩ rằng, khi mọi thứ đã kết thúc thì chúng tôi cần gần lại
bên nhau để hiểu nhau hơn. Khi chúng tôi rút khỏi Việt Nam là những
người lính thì giờ đã đến lúc chúng tôi quay lại như những người bạn.
Cảm xúc của mọi người Mỹ đến Việt Nam đều rất là ấn tượng, nhiều người
Mỹ đến đây không những một lần mà rất nhiều lần. Tôi tin rằng, các mối
quan hệ đó ngày càng đẹp và tình cảm hơn, đặc biệt là khi chiến tranh đã
lùi xa vào quá khứ”.
Hai cựu phi công trò chuyện và thưởng thức món ăn đặc trưng miền sông nước.
Về những câu chuyện khi còn tham chiến tại Việt Nam, Marshall L.Michel
III chia sẻ: “Ông Bảy là một con người rất anh hùng, dũng cảm; một người
lính có tài năng đặc biệt trong không chiến. Chúng tôi nghĩ rằng đã rất
may mắn khi ông Bảy không tham gia không chiến từ năm 1967, bởi nếu ông
tiếp tục ngắm bắn trên không thì ắt sẽ còn nhiều máy bay của chúng tôi
bốc cháy hơn nữa”.
Marshall L.Michel III còn được độc giả biết đến là một trong những tác
giả có những nghiên cứu sâu sắc về cuộc chiến trên không ở Việt Nam. Ông
mong muốn có thêm tư liệu để có một cuốn sách mới cho độc giả thế giới
hiểu thêm về cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam. Đó là một trong
những lý do mà ông sang Việt Nam lần này. Ông cũng mong muốn cùng nhóm
tác giả của cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam
(1965-1975) nhìn từ hai phía” hợp tác sâu rộng để có thêm các ấn phẩm
mới về lịch sử của một lực lượng không quân nhỏ bé, mới thành lập nhưng
đã tạo nên những chiến công hiển hách ngày ấy... Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG
MiG 21 số hiệu 4324 – huyền thoại bầu trời ám ảnh phi công Mỹ
Từ khi được biên chế vào lực lượng Không quân Việt Nam, máy bay
tiêm kích MiG 21, số hiệu 4324 đã trải qua quyền điều khiển của 9 phi
công, bắn rơi 14 máy bay địch.
Đây có thể nói là chiếc máy bay may mắn và anh hùng. Từ khi vào Việt
Nam, MiG 21, số hiệu 4324 đã được 9 phi công lái chiến đấu, bắn rơi 14
máy bay địch và 8/9 phi công được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực
lượng Vũ trang Nhân dân khi lái chiếc máy bay này.
Với thành tích đó, nhiều phi công Mỹ gọi chiếc máy bay này là “thần
chết” của bầu trời, hình thành huyền thoại về một nỗi khiếp sợ của không
quân Mỹ trong mỗi trận không chiến khi đối mặt với MiG trên bầu trời
Việt Nam. Nguồn gốc 14 ngôi sao trên mũi máy bay 14 ngôi sao tượng trưng hạ 14 máy bay địch
Nói về chiếc may bay Mig 21, số hiệu 4324, một cán bộ Bảo tàng Lịch
sử Quân sự Việt Nam tự hào, đây là chiếc máy bay nhiều sao nhất của
Không quân Nhân dân Việt Nam. 14 sao là biểu tượng cho 14 chiến công
oanh liệt bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam.
Về nguồn ngốc của biểu tượng ngôi sao in trên mũi máy bay, phải kể
đến thời gian khoảng 1966 – 1967 khi Bác Hồ thăm một đơn vị không quân.
Trong buổi gặp gỡ thời gian đó, Bác đề nghị mỗi phi công nếu bắn rơi
được 1 máy bay Mỹ thì được tặng một huy hiệu của Người và gắn 1 ngôi sao
trên mũi của chiếc máy bay đó, nếu bắn rơi 2 máy bay địch thì được in 2
sao…
Kể từ đó, những chiếc én bạc của không quân Việt Nam đã chiến đấu
dũng cảm, lập công oanh liệt đều được in hình ngôi sao trên mũi máy bay.
Chiếc MiG 21, số hiệu 4324 màu bạc, kiểu F94, 1 động cơ phản lực P11 –
300, kiểu máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi có trần bay thực tế 22km, trọng
lượng cất cánh lớn nhất 9,8 tấn, được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm
1967. So với các máy bay cùng thời như F4, F105 của Mỹ thì Mig 21 thua
kém hơn về vũ khí, rada, tầm hoạt động… chỉ nhỉnh hơn đối phương ở tốc
độ bay.
Nhưng theo đánh giá của một số thợ chuyên sửa chữa máy bay Mig thì
chiếc Mig 21, số hiệu 4324 có máy móc thuộc loại tốt trong không quân
Việt Nam thời đó. Nhờ thế mà nó có thể xuất hiện giữa đội hình địch, tấn
công bất ngờ và thoát ly trong nháy mắt như bóng ma. 16 lần xạ kích, 14 lần hạ máy bay Mỹ
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc , Không quân Việt Nam đã bắn
rơi nhiều máy bay Mỹ, thuộc 19 chủng loại gồm cả pháo đài bay B52, trong
đó có chiến công của chiếc MiG 21, số hiệu 4324. Chỉ trong năm 1967, 9
phi công thuộc Trung đoàn không quân số 921 lần lượt thay nhau lái chiếc
4324 tham gia không chiến, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại.
Hồ sơ bay của chiếc Mig 21, số hiệu 4324 ghi: “Ngày 30.04.1967, phi
công Lê Trọng Huyên lái máy bay 4324 bình tĩnh, dũng cảm bắn rơi 1 chiếc
F105, mệnh danh “Thần sấm” trên bầu trời tỉnh Bắc Thái, mang về ngôi
sao đỏ đầu tiên cho máy bay Mig 4324…
Đến ngày 17/12/1967, đánh dấu chiến thắng oanh liệt nhất của MiG 4324
do phi công Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đăng Kính thay nhau lái lần lượt đối
mặt với 32 chiếc F105 và F4 của địch trên hành trình tiếp cận ném bom
Hà Nội và bắn rơi 2 chiếc “thần sấm” F105. Hai ngày sau, 19.12.1967, phi
công Nguyễn Đăng Kính tiếp tục đối đầu với biên đội F4 và F105 trên bầu
trời Tam Đảo, bắn rơi 1 chiếc F4, đánh dấu ngôi sao thứ 14 trên mũi”. Chiếc Mig-21 số hiệu 4324 đang ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự
Đáng nói là xác suất tiêu diệt mục tiêu của chiếc Mig 21, số hiệu
4324 cao nhất lực lượng không quân tiêm kích Viêt Nam thời điểm đó. Cụ
thể, trong năm 1967, chiếc 4324 đã gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần và
tiêu diệt 14 máy bay Mỹ. Có 8/9 phi công lái chiếc 4324 được phong Anh
hùng. Có người đã 2 lần bắn rơi máy bay địch gồm có phi công Lê Trọng
Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đăng
Kính.
Hiện, phi công Nguyễn Văn Lý, người đã lập công xuất sắc bắn rơi máy
bay Mỹ trên chiến đấu cơ 4324 cũng đang được đề nghị Nhà nước phong danh
hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Nếu đề nghị này được chấp
thuận thì cả 9 phi công đã lái chiếc 4324 năm 1967 đều là Anh hùng Lực
lượng Vũ trang Nhân dân.
Kể lại sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” trong hồ
sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân cho
biết: “Ngày 4.05.1967, tôi được lệnh điều khiển MiG 21, số hiệu 4324
xuất kích nhiều lần và bắn rơi 1 chiếc F105 của Mỹ trên bầu trời Tuyên
Quang, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Đến ngày 18.11.1967, tôi và anh
Cốc xuất kích, đối mặt với biên đội gồm 4 tiêm kích F4 và 12 chiếc F105
của Mỹ ở phía Tây Phúc Thọ.
Nhận mệnh lênh chiến đấu, biên đội MiG của ta phối hợp chia tách đội
hình địch, chiếc 4324 của tôi lại bắn cháy thêm một máy bay Mỹ”.
Đây là biểu tượng của tinh thần bách chiến bách thắng của Quân đội
Nhân dân Việt Nam. Sau những chiến công oanh liệt, ngày 07.12.1974, máy
bay Mig 21, số hiệu 4324 đã được Trung đoàn không quân số 921 bàn giao
cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để làm hiện vật trưng bày,
Ngày 14.01.2015, máy bay này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Theo VTC New
Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía (1): Hạ gục tượng đài F-8
ANTĐ Một tháng sau khi bắt đầu chiến dịch
Sấm Rền, các phi công Mỹ quá bất ngờ khi đối đầu với MiG trên bầu trời
miền Bắc. Sự lúng túng khiến họ mất đi hai chiếc F-8 - máy bay mang tính
biểu tượng của Hải quân Mỹ ngay trong trận đánh đầu tiên.
LTS: Hơn 40 năm qua, những trận không chiến trên bầu trời miền
Bắc Việt Nam đã đi vào lịch sử. Tại Mỹ, đề tài về cuộc chiến tranh trên
không ở Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu, các cựu phi công tham
chiến công bố trong hàng trăm cuốn sách. Trong khi đó, vì nhiều lý do
khác nhau, các tài liệu lưu trữ và tổng kết của Không quân nhân dân Việt
nam về giai đoạn lịch sử hào hùng này vẫn chủ yếu lưu hành nội bộ, chưa
có điều kiện công bố rộng rãi.
Mới đây, NXB Quân đội Nhân dân và Công ty sách Tân Việt đã tái bản cuốn
sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975)- Nhìn từ
hai phía”, do nhóm các cựu cán bộ và phi công biên soạn, cuốn sách
không chỉ kể về một giai đoạn lịch sử đặc biệt, là bài học thực tiễn đối
với Không quân Mỹ và Việt Nam mà còn là tài liệu đa chiều từ hai phía
để độc giả có thể so sánh, đánh giá, phân tích về những chấn trận không
chiếu hào hùng nhất trong lịch sử chiến tranh trên không của thế giới
hiện đại.
Báo ANTĐ xin trích đăng một số đoạn trong cuốn sách, nhằm giới thiệu tới độc giả về cuốn sách thú vị này.
Những tình cờ và cú “chạm trán” đầu tiên
Buổi trưa 16-9-1963, một máy bay T-28 sơn cờ hiệu Không quân Hoàng
gia Lào do phi công Bun Khăm lái đã bất ngờ hạ cánh xuống sân bay Bạch
Mai. Đây là chiếc máy bay của Không quân Lào bay biểu diễn nhân ngày
sinh nhà vua tại Viêng Chăn đã bay sang hàng phía Việt Nam.
Hai phi công là Thượng úy Nguyễn Văn Ba, Trung úy Lê Tiến Phước, các
giáo viên bay YAK-18 của Trường Hàng không được giao nhiệm vụ nhanh
chóng nắm vững kĩ thuật và bay trên chiếc T-28 (giai đoạn đầu có phi
công Lào Bun Khăm hướng dẫn). Chiếc T-28 với 2 khẩu súng 12,7mm (200
viên đạn) được đưa vào biên chế chiến đấu với số hiệu 963. Sau thời gian
huấn luyện, một số linh kiện và lốp của chiếc 963 hết hạn sử dụng.
Rất may là sau đó lại có 1 chiếc T-28 khác của Không quân Vương quốc
Thái Lan (không biết do hết dầu, hay bỏ chạy sang Việt Nam) phải hạ cánh
và bỏ lại máy bay ở phía Tây Quảng Bình.
Lực lượng kĩ thuật đã tháo rời 2 động cơ và 2 cánh, rồi chở chiếc T-28
này về sân bay Bạch Mai và lấy các linh kiện còn tốt lắp cho chiếc 963.
Tháng 1-1964, sau khi kiểm tra kĩ toàn bộ công tác chuẩn bị, Bộ Tư lệnh
Quân chủng quyết định đưa T-28 vào trực chiến. Các phi công MiG 21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu
Lúc 1 giờ 07 phút sáng 16-2-1964, Tư lệnh Quân chủng quyết định cho
T-28 cất cánh. Đêm 15 sáng 16-2 mặc dù là tuần trăng mờ đầu tháng, nhưng
trời lại rất tối.
Phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước tập trung quan sát, khi đến cự
ly khoảng 500m, Nguyễn Văn Ba đã nhìn thấy hình chiếc vận tải C-123 hai
động cơ của đối phương. Anh ấn nút lên đạn, xin vào công kích.
Chiếm vị trí thuận lợi, phi công Nguyễn Văn Ba ấn cò bắn hai loạt hết
163 viên đạn, đến loạt thứ ba thì súng bị tắc. Nhưng chiếc C-123 đã
trúng đạn, phụt lửa, tròng trành rồi nghiêng về bên trái và rơi rất
nhanh xuống khu vực gần biên giới Việt – Lào. Sở chỉ huy lệnh 963 về sân
bay Gia Lâm hạ cánh.
Có tài liệu của Mỹ cho rằng sự kiện này diễn ra đêm 15-2-1965, và tổ bay
lái chiếc C-123 này là các phi công của Hãng China Airlines – Đài Loan.
Đây là chiến thắng đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam bằng
phương tiện chiến đấu trên không, sử dụng chính máy bay T-28 của Mỹ để
tiêu diệt chiếc C-123 của Mỹ làm nhiệm vụ thả biệt kích. Truy đuổi Alpha 9
Theo thông tin từ mạng tình báo chiến lược, ngày 3-4-1965, các biên
đội cường kích của Không quân Mỹ tham gia đánh phá các mục tiêu quanh
khu vực cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa (mật danh Alpha 9), sẽ gồm 79 máy bay,
trong đó có 46 chiếc F-105 làm nhiệm vụ tấn công, 21 chiếc F-100 (Supper
Sabres) làm nhiệm vụ chế áp MiG (MiGCAP), 2 chiếc RF-101 (Voodoo) làm
nhiệm vụ trinh sát và 10 chiếc KC-135 tiếp dầu trên không. Đội hình tấn
công do Chỉ huy trưởng Phi đoàn Không quân tiêm kích chiến thuật số 67
TFS, Trung tá Robinson Risner dẫn đầu bay vào công kích phá hủy cầu Hàm
Rồng.
Mệnh lệnh chiến đấu đã được phổ biến xuống các phi đội từ tối ngày
2-4. Lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 3-4-1965, các biên đội trực chiến đã
sẵn sàng. Biên đội tấn công gồm 4 chiếc máy bay MiG-17A: Phạm Ngọc Lan
số 1; Phan Văn Túc số 2; Hồ Văn Quỳ số 3; Trần Minh Phương số 4. Biên
đội nghi binh, thu hút tiêm kích địch và sẵn sàng yểm hộ cho biên đội
tấn công gồm 2 máy bay MiG-17A: Trần Hanh số 1 và Phạm Giấy số 2.
Đến 10 giờ 09 phút, số 4 Phương báo cáo phát hiện mục tiêu 6 chiếc F-8
bên phải đang bay đối đầu, một số chiếc khác đang công kích các trận địa
Phòng không quanh khu vực cầu Hàm Rồng. Đây là biên đội 4 chiếc F-8E
của Phi đoàn VF-211 (tàu USS Hancock), với đội hình cường kích được phân
công chế áp các trận địa Phòng không, bay hộ tống 3 chiếc A-4E của Phi
đoàn VA-212 và 3 chiếc A-4C của Phi đoàn VA-216.
Ngay sau khi phát hiện mục tiêu, số 1 MiG-17 Phạm Ngọc Lan lập tức ra
lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tăng tốc tiếp cận đội hình F-8”. Biên đội
tách thành 2 tốp. Sau khi cắt bán kính bám theo mục tiêu, số 1 MiG-17
lệnh số 2 vào công kích, số 2 lập tức vòng gấp về phía chiếc F-8, số 1
bám theo yểm hộ.
Đúng lúc đó, chiếc F-8 cũng đã phát hiện có MiG, vòng gấp vào để không
chiến. Lúc này, chiếc F-8 số 2 đã bị mất đội hình. Chiếc F-8 của Thiếu
tá S.Thomas, sau khi thoát ra khỏi công kích đang kéo vọt lên độ cao
10.000ft (3.300m) và đang tìm kiếm số 2 bị lẫn trong những đám mây, thì
số 1 MiG-17 Phạm Ngọc Lan đã nhanh chóng bám theo phía sau.
Số 1 Lan đưa được chiếc F-8 vào vòng ngắm, đến đúng cự ly anh bóp cò.
Máy bay F-8 trúng đạn, bốc cháy, lao xuống đất. Đó là lúc 10 giờ 14 phút
sáng 3-4-1965.
Đây là giờ phút lịch sử, khi MiG của Không quân việt Nam lần đầu tiên
bắn rơi chiếc F-8 của Hải quân Mỹ trong không chiến trên bầu trời miền
Bắc Việt Nam.
Cùng lúc đó, số 2 Túc đã phát hiện chiếc F-8 số 2. Anh từ phía sau,
có độ cao hơn, đã nhào xuống bắn một loạt đạn. Chiếc F-8 trúng đạn, bốc
cháy, lao xuống đất. Quá bất ngờ khi bị MiG tấn công, các máy bay F-8
tăng lực bỏ chạy, bỏ mặc các máy bay cường kích A-4 không có lực lượng
hộ tống.
Số 1 Phạm Ngọc Lan, sau khi nổ súng bắn rơi chiếc F-8 đã lao qua đám mây
mù, bám theo các máy bay cường kích A-4. Khi thoát ra khỏi lớp mây, anh
đã nổ thêm một loạt đạn, ngay lúc đó, anh thấy phía trước là biển, đã
nhanh chóng đổi hướng bay quay về sân bay.
Ngoài 2 chiếc F-8 bị biên đội MiG-17 (Lan, Túc, Quỳ, Phương) bắn rơi,
ngày 3-4-1965, 1 máy bay A-4C từ tàu USS Hancock bị súng Phòng không
bắn hạ. Thiếu tá, phi công Raymond Arthur Vohden nhảy dù và bị bắt, trở
thành phi công tù binh thứ ba của Không quân Mỹ.
Một chiếc F-100D và 1 chiếc RF-101C bị Phòng không bắn rơi ở phía Đông
thành phố Vinh. Nhiều máy bay Mỹ bị thương, bao gồm cả máy bay của Phi
đoàn trưởng, Trung tá Robinson Risner phải về hạ cánh ở Đà Nẵng. Một vài thông tin về máy bay F8
Do hãng Chance-Vought sản xuất (tên gốc ban đầu là F-8U), là máy bay
tiêm kích 1 động cơ phản lực vượt âm, được biên chế cho các tàu sân bay
(Aircraft Carries) của Hải quân và Thủy quân lục chiến (US.Marine
Corps).
Trong chiến tranh Việt Nam, F-8 là máy bay tiêm kích đầu tiên của Mỹ
đụng đầu với MiG-17 của Không quân Việt Nam và bị MiG-17 của Không quân
Việt Nam bắn rơi 2 chiếc ngay trong trận đầu tiên (3-4-1965). Trong toàn
bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ mất 170 chiếc F-8. Trong khi đó,
phía Không quân Việt Nam công bố bắn rơi 15 chiếc F-8 trong các trận
không chiến.
Các phi công của Hải quân Mỹ rất tự hào khi được bay trên F-8. Thậm
chí trong hàng ngũ phi công còn lưu truyền câu khẩu hiệu: “Nếu anh bị
loại ra khỏi hàng ngũ phi công F-8, thì cũng coi như bị loại khỏi hàng
ngũ phi công tiêm kích”. Tuy nhiên, chính F-8 là loại máy bay Mỹ đầu
tiên bị MiG-17 bắn rơi trong không chiến ở Việt Nam.
(Trích Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) Nhìn từ hai phía – Nguyễn Sỹ Hưng – Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả. NXB Quân đội Nhân dân và Nhà sách Tân Việt liên kết xuất bản)
Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía (2): Quần nhau với Thần Sấm F-105
Máy bay F-105 được đặt cho cái tên Thần Sấm bởi nó có khả
năng “bay nhanh gấp hai lần tiếng động”. Nhưng lần đầu gặp nhau, Thần
Sấm đã bị loại máy bay lạc hậu hơn hai thế hệ - MiG-17 – bắn rơi trong
một thế trận hùng hậu nghiêng hẳn về phía Mỹ.
Thiếu tá thua cuộc
Sáng
sớm 4-4-1965, nhiều tốp máy bay của Hải quân Mỹ vào trinh sát khu vực
Thanh Hóa và quan sát tình hình thời tiết. Với ý đồ đánh sập cầu Hàm
Rồng, đội hình tấn công của Không quân Mỹ được tăng cường lên 48 chiếc
F-105, cùng 10 chiếc F-100D làm nhiệm vụ hộ tống. Trận này, Phi đoàn
trưởng, Trung tá Robinson Risner lại dẫn đầu. Ngoài ra còn có hơn 30
chiếc F-4B của Hải quân Mỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ khi cần thiết.
Thời
tiết ngày 4-4 vẫn xấu, có mù khô dày đặc từ độ cao 4.000m đến 5.000m,
khiến cho đội hình cường kích phải bay vòng chờ ở phía Nam Hàm Rồng để
lần lượt vào công kích mục tiêu. Do hơn 80 máy bay của Không quân Mỹ
cùng sử dụng trên một tần số, khiến liên lạc vô tuyến đối không bị tắc
nghẽn.
Trung đoàn Không quân 921 giao nhiệm vụ đánh chính cho biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm.
Lúc
10 giờ 22 phút, biên đội tấn công gồm Hanh số 1, Giấy số 2, Huân số 3,
Năm số 4 cất cánh. Sau khi xuyên mây, biên đội bay về hướng 230 độ, rồi
bất ngờ ngoặt xuống hướng Đông Nam, tiến vào khu vực chiến đấu.
Lúc
10 giờ 30 phút, các phi công trong biên đội đều báo cáo phát hiện mục
tiêu trên không bay từ phía Đông vào. Số 1 Trần Hanh phát hiện 4 chiếc
F-105 đang kéo lên sau khi cắt bom nên hoàn toàn rơi vào thế bất lợi.
Các
máy bay F-105 với cấu hình cường kích, đeo 8 bom MK117 (250kg) và 2
thùng dầu phụ, rất nặng nề, lại phải vòng chờ đến lượt ném bom nên tất
cả đều bay với tốc độ 600-650km/h. Đây là tốc độ bất lợi khi chuyển sang
không chiến. Các máy bay F-100D làm nhiệm vụ hộ tống cũng phải giảm tốc
độ bay để bám theo các máy bay F-105. Vì vậy, khi phát hiện MiG, F-100D
phải mất thêm thời gian tích lũy để đạt tốc độ không chiến với MiG.
Phi công Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan kiểm tra phim xạ kích sau trận đánh
Trong
khi đó, biên đội MiG-17 của Trần Hanh đã khéo léo chen vào giữa tốp
F-105 và tốp F-100D để chiếm vị trí công kích máy bay cường kích của
Không quân Mỹ.
Quan sát thấy chiếc F-105 số 1
đang kéo lên, Trần Hanh quyết định bám theo, lệnh Phạm Giấy yểm hộ. Lúc
này, các máy bay F-105 vừa bắt đầu vào vòng chờ ném bom (Orbit). Chiếc
F-105 số 3 phát hiện hai máy bay lạ đang bổ nhào tiếp cận khoảng 3km
phía sau các máy bay F-105. Đến cự ly 1.200m thì chiếc F-105 số 3 nhận
ra đó là hai chiếc MiG đang chiếm vị trí tấn công hai chiếc F105 phía
trước.
Hai chiếc F105 số 3 và số 4 báo động cho
số 1 và số 2 xong không thấy hai chiếc của tốp đầu phản ứng gì. Hai
chiếc MiG-17 lao vượt qua đầu 2 chiếc F-105 với tốc độ lớn...
Chiếc
MiG của Trần Hanh bắt đầu bám theo công kích chiếc F-105 số 1. Đến cự
ly 400m, số 1 Trần Hanh bắn hai loạt đạn nhưng không có kết quả. Anh
bình tĩnh chiếm lại vị trí và ngắm bắn lần thứ ba, ở cự ly 150m, siết cò
cả 3 khẩu pháo. Anh nhìn thấy đạn trùm lên hai bên cánh, chiếc F-105
bốc khói, lật ngửa, nổ tung và rơi xuống. Chiếc MiG-17 của Trần Hanh
lướt qua ngay trên đầu chiếc F-105 đang bốc cháy.
Viên
phi công điều khiển chiếc F-105 bị Trần Hanh bắn hạ là Thiếu tá Frank
Everett Bennett thuộc Phi đoàn 354 Không đoàn 355 TFW. Máy bay của
Bennett bị trúng đạn, tuy cố bay ra biển nhưng đã rơi cách Thanh Hóa
30km, gần đảo Hòn Mê. Bennett nhảy dù ra, nhưng bị chìm mất trước khi
lực lượng cứu hộ kịp đến.
Gần như đồng thời, số 3
Lê Minh Huân được số 4 Trần Nguyên Năm yểm hộ vào công kích chiếc F-105
số 2. Lê Minh Huân đã nổ súng, nhiều phát đạn đã trúng thân chiếc F-105
của Đại úy James A.Magnusson. Chiếc máy bay này rơi ở phía Nam Thanh
Hóa 30km. Cả hai chiếc MiG-17 tiếp tục bám theo công kích F-105 đến cự
ly 250m thì dừng bắn, và bay mất hút trong lớp mù khô.
Thoát chết trong gang tấc
Sau
khi bắn rơi chiếc F-105D và thoát ly, phi công Trần Hanh nhìn thấy rõ
các máy bay F-100D đang rút ngắn cự ly bám theo phía sau. Khi viên phi
công của F-100D phóng tên lửa, anh lập tức lật ngửa máy bay, kéo lộn
xuống với quá tải rất lớn. Khi mũi máy bay chìm xuống dưới đường chân
trời khoảng 30 độ, thì 2 quả tên lửa Sidewinder bay vút qua phía trên.
Động
tác cơ động của Trần Hanh mạnh đến nỗi càng máy bay bật ra khỏi chốt
khóa, hệ thống con quay định vị của la bàn máy bay bị hỏng, khiến máy
bay sau đó mất khả năng định vị. Ngay sau khi phóng 2 quả tên lửa không
trúng mục tiêu, chiếc F-100D tiếp tục bám theo số 1 Trần Hanh để công
kích, nhưng chiếc MiG đã kéo cao và biến mất trong mây.
4
chiếc F-100D làm nhiệm vụ RESCAP (tuần tiễu, cứu nguy) cũng phát hiện
ra một MiG-17 (có thể là MiG của Trần Hanh) ngay trước mũi, trong tư thế
đối đầu. 4 chiếc F-100D ép độ nghiêng định bám theo thì phát hiện ra
thêm 2 chiếc MiG khác đang bám theo phía sau. Các máy bay F-100D vòng
gắt khiến 2 chiếc MiG bị xông lên trước...
Nhưng
ngay lúc đó, chiếc MiG bằng động tác điều khiển khéo léo kịp vòng gấp
lại, bám theo số 1 của biên đội RESCAP. Do lo ngại chiếc MiG đã vào vị
trí công kích nên chiếc F100D số 2 vội bắn ra một loạt đạn dài từ cự ly
xa. Chiếc MiG khoan một vòng, lật úp xuống và biến mất.
Trong
khi đó, số 4 Năm bám theo chiếc F-100D số 3 và bắn ra một loạt đạn
nhưng không trúng mục tiêu. Tiếp đó anh lại bám theo F-100D số 4 nhưng
chiếc này cũng khôn khéo bổ nhào chạy thoát.
Riêng
Trần Hanh, sau khi thoát ly khỏi khu vực chiến đấu ở độ cao thấp, mất
liên lạc với Sở chỉ huy, không xác định được chính xác vị trí. Do hết
dầu, anh đã quyết định nhảy dù. Nhưng khi nhìn thấy một vệt dài bằng
phẳng phía dưới, anh thay đổi quyết định, hạ cánh xuống một thung lũng ở
bản Kẻ Tằm, Nghệ An.
Sau khi tiếp đất bên một
con lạch nhỏ, thấy mô đất cao đã đạp lái hướng cho máy bay quay ngang.
Máy bay chạy thêm một đoạn thì dừng lại trên ruộng lúa, bùn sâu khoảng
15cm. Phi công bị ngất một lúc. Khi tỉnh lại vẫn đang tư thế ngồi sau
tay lái.
Những thông tin khác nhau từ hai phía
Ngày
4-4-1965, trong buổi họp báo ở Sài Gòn, Tướng William W.Momyer – Tư
lệnh Tập đoàn Không quân Mỹ số 7 đã phải thừa nhận rằng, các máy bay của
không lực Bắc Việt Nam đã dùng súng Cannon bắn hạ các máy bay phản lực
siêu âm của Mỹ, “trong khi chúng tôi không bắn rơi chiếc nào”.
Hãng
tin Mỹ - UPI thì đưa tin: “Việc máy bay MiG bắn hạ những máy bay phản
lực bay nhanh gấp 2 lần tiếng động, khiến Nhà Trắng phiền lòng, còn Lầu
Năm góc thì đang loay hoay tìm cách thay đổi chiến thuật ném bom ở Bắc
Việt Nam…”.
Các tài liệu của Mỹ ghi nhận có 3
chiếc F-105 bị rơi. Hai chiếc thừa nhận do MiG bắn rơi, nhưng chiếc thứ 3
thì không khẳng định do Không quân hay Phòng không bắn rơi.
Theo
phân tích các hành động của biên đội MiG trong trận chiến, chiếc F-105
thứ ba này rất có thể do phi công Phạm Giấy hoặc Trần Nguyên Năm bắn
rơi, đặc biệt là các động tác bám theo và xạ kích của phi công Năm vào
cuối trận không chiến.
Mặc dầu phía Mỹ công bố
không bắn rơi máy bay nào của Việt Nam, tuy nhiên, phía Việt Nam công
khai ghi nhận có 3 phi công hi sinh trong chiến đấu. Đó là Phạm Giấy, Lê
Minh Huân và Trần Nguyên Năm.
Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía (3): Ngày thứ Tư đen tối...
ANTĐ
Trận
không chiến ngày 23-8-1967 được Mỹ gọi là “Ngày thứ Tư đen tối”, khi có đến 6
máy bay của Không quân và 1 chiếc của Hải quân bị bắn hạ. Tư lệnh dẫn đầu lại
là một viên Đại tá phi công lọc lõi giàu kinh nghiệm từ Thế Chiến II – Robin
Old.
Hiệp đồng tác chiến
Chiều 23-8-1967, Không quân Mỹ sử dụng đội hình lớn với hơn 60 chiếc,
bao gồm 9 biên đội F-105 và 4 biên đội F-4 (trong đó, có một biên đội
bay chế áp MiG), do Đại tá, phi công Ace, từ Chiến tranh Thế giới thứ
II, Robin Old dẫn đầu. Đội hình bay vào từ Sầm Nưa, qua Yên Bái, rồi rẽ
sang Tuyên Quang, trước khi men theo triền phía Đông Bắc dãy Tam Đảo
đánh vào Hà Nội.
Để gây khó khăn cho lực lượng Phòng không và MiG, Không quân Mỹ sử
dụng nhiễu cường độ rất lớn, nên tên lửa và cao xạ của phía Việt Nam rất
khó phát hiện. Sở chỉ huy Không quân quyết định tổ chức đánh hiệp đồng
giữa MiG-21 và MiG-17 để bảo vệ thủ đô. Phương châm chỉ đạo là “tấn công
từ nhiều hướng, chia cắt đội hình địch, tập trung tiêu diệt địch trên
một hướng”. Biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương chiến thắng trận đầu, ngày 3-4-1965
Trung đoàn Không quân 921 giao nhiệm vụ cho biên đội Nguyễn Nhật Chiêu
và Nguyễn Văn Cốc trực ban chiến đấu tại sân bay Nội Bài. Lúc 14g40,
mạng tình báo xa bắt được tốp mục tiêu cách phía Nam Sầm Nưa 70km, Trung
đoàn trưởng Trần Mạnh lập tức cho biên đội vào cấp 1. Đến 14g54, đội
hình máy bay Mỹ đã bay vào biên giới...
Trung đoàn xin lệnh cất cánh. Bộ Tư lệnh Không quân đồng ý. Chỉ 2 phút
sau, biên đội MiG-21 gồm Chiêu, Cốc được lệnh cất cánh từ sân bay Nội
Bài làm nhiệm vụ chặn đánh địch từ xa. Sau khi cất cánh, biên đội được
dẫn về hướng 250 độ Tây, bay trên độ cao thấp, sau đó tăng lực lên độ
cao 6.000m, rồi vòng phải lên hướng Bắc, tiếp cận máy bay Mỹ ở góc vào
60 độ, đến cự ly 15km, trên độ cao có lợi.
Lúc 15g08, Nguyễn Nhật Chiêu báo cáo phát hiện mục tiêu, với đội hình
40 chiếc bao gồm cả F-4 và F-105 bay theo đường thẳng ở độ cao thấp
hơn. Phán đoán đội hình F-4 chưa biết có MiG-21 bám theo, Nguyễn Nhật
Chiêu lệnh vứt thùng dầu phụ vào công kích. Thấy thời cơ thuận lợi,
Chiêu lệnh cho Nguyễn Văn Cốc sẵn sàng đánh theo phương án cả hai đồng
thời công kích tạo thế bất ngờ, nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Khi Chiêu định ép vào để bám theo tốp thứ 3 thì Cốc thông báo “phía
sau hãy còn!”. Chiêu khẽ nghiêng cánh quan sát, phát hiện thêm 8 chiếc
đang bay sau tốp thứ 3. Chiêu phân công Cốc công kích tốp cuối cùng,
nhưng nhắc chưa tăng lực vội để không bị kéo khói, mất yếu tố bất ngờ.
Biên đội lao vào chiến đấu, bằng động tác nhanh chóng và chính xác.
Phi công Nguyễn Nhật Chiêu tăng tốc độ, bám theo chiếc F-4. Khi đã đưa
chiếc F-4 vào vòng ngắm ổn định ở cự ly 1.500-1.800m, tốc độ 1.100km/h,
anh ấn nút phóng một quả tên R-3S, bắn rơi chiếc F-4 (tên lửa R-3S lúc
đó mới nhận được về từ Liên Xô, rất tốt).
Chiếc F-4 bị phi công Chiêu bắn rơi ngay tại hẻm núi Thần Sấm cách Hà
Nội 80km về phía Tây Bắc do Thiếu tá Charles Robert Tyler và Đại úy
Ronald Nichalis Sittner thuộc Phi đoàn 555, Không quân 8TFW điều khiển.
Thiếu tá Tyler nhảy dù và bị bắt, nhưng Đại úy Sittner đã bị chết.
Ngay lúc đó, Chiêu thấy một quả tên lửa bay vọt qua, lao vào chiếc
F-4 khác phía trước. Đó chính là quả tên lửa của Cốc. Cốc từ vị trí yểm
trợ thấy thời cơ thuận lợi, quan sát kĩ phía sau không có máy bay Mỹ, đã
lao lên gần ngang hàng với máy bay của Chiêu, để bám theo chiếc F-4 bay
bên phải.
Khi điểm ngắm đã ổn định, Cốc phóng tên lửa ở cự ly khoảng 1.000m, bắn
rơi thêm chiếc F-4 thứ ba, chếch phía bên phải. Do phóng tên lửa quá
gần, các mảnh vỡ máy bay Mỹ văng cả vào miệng hút động cơ khiến anh
không thể tăng tốc tiếp. Về sau, khi hạ cánh, các thợ kĩ thuật đếm được
51 mảnh vỡ máy bay Mỹ nằm trong phần chóp nón động cơ.
Sau khi phóng tên lửa, Cốc lập tức phóng gấp thoát li. Thấy trước mắt
bốc lửa, nhiều mảnh kim loại bay tung tóe, biết thoát ly quá gần, Cốc
kéo lượn vòng chiến đấu lên độ cao 10.000m. Chiếc F-4 bị trúng tên lửa
của Cốc do Đại úy Larry Edward Carigan và Trung úy nhất Charles Lane
điều khiển. Đại úy Carigan nhảy dù và bị bắt ngay, nhưng Trung úy Lane
được ghi nhận là đã chết trận.
Thực hiện đúng chiến thuật đánh nhanh rút nhanh, Trung đoàn trưởng
Trần Mạnh lệnh biên đội thoát ly về sân bay Kép hạ cánh. Nghe báo cáo
máy bay của Cốc bị thương, Chiêu quay lại để yểm trợ cho Cốc về hạ cánh.
Trong khi vòng máy bay lại, Chiêu phát hiện đội hình máy bay Mỹ đang
bay thẳng ngay trước mũi chiếc MiG của mình. Những chiếc F-4 đang bay
phía trước vẫn chưa biết sự xuất hiện của MiG-21. Thấy thời cơ quá thuận
lợi, và biết chắc Cốc không bị F-4 bám theo, Chiêu quyết định tăng tốc
bay lên bám theo chiếc F-4 đang bay ngoài cùng, ở cự ly 1.500m. Và khi
nghe âm lượng của tên lửa kêu tốt, anh ấy nút phóng quả tên lửa R-3S thứ
hai. Chiếc F-4 trúng tên lửa, khựng lại, rồi bốc cháy. Lúc đó Chiêu
không kịp quan sát điểm nổ. Nhưng nghe Cốc hô “Hoan hô, lại cháy rồi!”.
Đây là chiếc F-4 do Thiếu tá Robert Ralston Sawhill và Trung úy nhất
Gerald Lee Gerndt điều khiển. Cả hai phi công nhảy dù và đều bị bắt. Lúc
này các máy bay F-4 của Mỹ mới phát hiện MiG. Chiêu nhanh trí lao thẳng
vào đám mây và thoát ly khỏi khu chiến.
Giây phút sinh tử
Ghi theo lời kể của phi công Nguyễn Nhật Chiêu: “Chiều ngày 23-8-1967, Phi đội 1, E-921 trực chiến 2 chiếc MiG-21
tại Nội Bài. Trong lúc tôi và Cốc đang mặc quần áo bay ngồi trực, nghe
qua đài bài Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ do Tân Nhân hát, khi giọng ca Tân
Nhân đang lên khúc cao nhất thì chuông điện thoại reo. Đầu bên kia là
Trung đoàn trưởng Trần Mạnh, ông nói: “Hôm nay thời tiết tốt có lợi cho
cả hai phía. Cậu nhắc anh em chuẩn bị tốt sẵn sàng cất cánh”. Được một
lúc thì anh Mạnh lệnh vào cấp 1 và mở máy ngay.
Cuối trận không chiến này đã diễn ra một chuyện rất kì lạ, hiếm
có trong lịch sử không chiến hiện đại. Đó là khi quay về hạ cánh, máy
bay của Cốc bị thương, hỏng chóp nón. Khi đến ngang Vĩnh Yên, với vị trí
đội trưởng, tôi không yên tâm, hỏi Cốc xem đang ở đâu. Cốc trả lời
ngang Vĩnh Yên, tốc độ 600km/h. Phi đội Quyết Thắng sau trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975
Lúc đó, ngay đầu sân bay rất nhiều máy bay F-4 và F-105 của Mỹ
đang bay để đón lõng, khi các máy bay MiG trở về đã gần cạn dầu sẽ lao
vào công kích. Nhưng buổi chiều ngày 23-8-1967 điều kì lạ đã xảy ra, đến
bây giờ vẫn chưa lí giải được. Lúc đó tình hình rất phức tạp. Trên bầu
trời dày đặc máy bay Mỹ đang không chế sân bay. Trong khi MiG-21 của Cốc
đã bị thương và gần cạn dầu, không thể tăng tốc để không chiến.
Cùng lúc đó, trên vòng ba gần sân bay, cả máy bay MiG-21 và các máy bay
Mỹ bay rất gần nhau như chung 1 đội hình. Thậm chí nhìn thấy cả số hiệu
trên đuôi và khuôn mặt các phi công Mỹ đội mũ bay trắng trong buồng lái.
Mọi người dưới sân bay đều nín thở.
Phi công Nguyễn Văn Cốc sẵn sàng cho trận không chiến không cân sức.
Nhưng không hiểu sao, như có một phép lạ. Sau vài vòng lượn, các máy bay
F-4 và F-105 bỏ quay ra, không bên nào tấn công bên nào. Điều gì đã xảy
ra vậy? Phải chăng các phi công Mỹ sợ MiG gài bẫy, hay các phi công Mỹ
đã biết đây là phi công Ace tương lai của Việt Nam – người giữ kỉ lục
dùng MiG-21 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trong chiến tranh hiện đại –
nên e ngại?
Đây được coi là một chuyện lạ có thật xảy ra vào ngày 2-8-1967 trên bầu trời sân bay Nội Bài”.
Ace là danh hiệu ghi
nhận cho phi công ưu tú. Đa số các quốc gia quy định phi công bắn hạ 05
máy bay đối phương sẽ được công nhận là Ace. Trong chiến tranh trên
không ở Việt Nam, ta có 16 phi công Ace. Phi công Ace Nguyễn Văn Cốc giữ
kỉ lục bắn rơi tổng cổng 11 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
MIỀN TÂY HOANG DẠI Ước gì một lần về thuở ấy miến Tây Sống lầy lội những tháng ngày hoang dại Súng cặp kè hông, nhong nhong lưng ngựa Phóng khoáng thảo nguyên, đạn nổ ì đùng Ta sẽ về, rủ em gái theo cùng Đem tình yêu vào vòng đấu súng Và ngã xuống trong một lần anh dũng Để mai này định nghĩa lại...thằng khùng! Đã khùng rồi thì xá chi anh hùng Của một thời tìm vàng sôi động Người người xô bồ tìm giàu sang cuộc sống Để lại điêu tàn, bắn giết mênh mông! Ta ước thế nghe có rùng rợn không? Trần Hạnh Thu NHẠC HUYỀN THOẠI CAO BỒI VIỄN TÂY
(ĐC sưu tầm trên NET) Bản tin 113 online cập nhật ngày 2/5: Truy tố 254 bị can bị trong đại án sai phạm lĩnh vực đăng kiểm 🔴 TRỰC TIẾP: Thời sự quốc tế 3/5 | Nga tuyên bố khai hỏa Iskander, hủy diệt hai pháo HIMARS Ukraine Tin tức thời sự mới nhất hôm nay | Bản tin sáng ngày 5-3-2024 MỘT CÕI ĐI VỀ (Sáng Tác: Trịnh Công Sơn) - KHÁNH LY OFFICIAL Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ 9 giờ trước Khoảnh khắc tên lửa Nga công kích pháo HIMARS Ukraine 12 giờ trước Mong muốn Campuchia chia sẻ thông tin về Dự án kênh đào Funan Techo 10 giờ trước Gần 50 người chết trong vụ sập đường cao tốc ở Trung Quốc 10 giờ trước Lý do xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bất ngờ sụt giảm 8 giờ trước Ukraine nói Nga sản xuất tên lửa Zircon 'nhanh bất thường' 6 giờ trước Hàng chục nghìn người Gruzia tiến hành biểu tình lớn nhất từ trước tới nay 16 giờ trước Video 'rừng người' xem phương tiện chiến đấu bị Nga tịch thu ở chiến trường Ukraine 16 giờ trước U23 In...
I Only Want to Be with You - Dusty Springfield (Cover by Emily Linge) VẪN THẾ MÀ! Anh vẫn thế, trước sau vẫn thế mà Nhìn anh này, đừng nhìn phía trời xa Vẫn ngày ngày ra ngóng chờ trước của Đợi Nàng Thơ về tác hợp thi ca Tâm hồn anh có cửa đâu mà khóa Mà phải cùng em mở cánh cửa tâm hồn Anh tìm mãi nào thấy đâu ô cửa Toang hoác tứ bề, thông thống càn khôn* Còn trái tim anh vẫn êm đềm, yên ả Vẫn yêu quê hương, tổ quốc, con người Miền nhiệt đới khi thấy tim băng giá Chắc chắn là anh đã ngoẻo tự lâu rồi! Trần Hạnh Thu CT: * Trời đất
Nhận xét
Đăng nhận xét