Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ 4 / Đọc truyện

(ĐC sưu tầm trên NET)

Sách là ngọn đuốc soi rọi chân lý, là chiếc khăn thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân ái của loài người!
--------------------------------------------------------------------
NGUYN HU KIT dịch
TSÁCH HUYN MÔN
NHNG GIAI THOI HUYN BÍ
(LCH SHI THÔNG THIÊN HC - PHN 2)
HI KÝ CA ĐẠI TÁ H. S. OLCOTT
CHI TRƯỞNG HI THÔNG THIÊN HC THGII
I

CHƯƠNG SÁU 
MỘT CHUYẾN ĐI LÊN MIỀN BẮC

I.

Trong chuyến đi lên miền Bắc, chúng tôi có dịp đến bờ sông Jumna để viếng thăm một nhà tu khổ hạnh tên Babu Surdass, một đệ tử của đạo sư Nanak. Người ấy đã thể hiện đến một trình độ tuyệt luân những khả năng làm chủ thể xác với một ý chí kiên cường không hề lay chuyển.
Kể từ năm 1827, tức là trong 52 năm trường, ông ta đã ngồi yên một chỗ trong tư thế tọa thiền trên một cái bệ đá ở gần pháo đài, trên đầu không một mái che, bất chấp mọi sự thay đổi thời tiết, nóng lạnh, mưa gió và giông tố, bão bùng.
Ông ta vẫn ngồi nhập định như thế trải qua suốt thời kỳ chiến tranh, khi quân bản xứ nổi loạn chống giai cấp thống trị người Anh, không màng chú ý đến những tiếng nổ kinh hồn của những khẩu đại bác hay những trận giao phong đẫm máu diễn ra khắp nơi ở các vùng chung quanh. Những tiếng động ồn ào náo loạn của chiến tranh không thể xâm nhập vào cõi giới thiền định thâm sâu mà trong đó ông đã chôn vùi suốt cả cuộc đời.
Ngày chúng tôi đến viếng ông ta là một ngày nóng như thiêu đốt, mặt trời cháy rực như lửa than hồng, người tu sĩ vẫn để đầu trần nhưng dường như không cảm thấy gì là khó chịu. Ông ta vẫn ngồi yên bất động suốt ngày và suốt đêm ở một chỗ ấy, trừ ra vào lúc nửa đêm mới đứng dậy và đi đến chỗ gặp nhau giữa hai con sông Hằng và sông Jumna để tắm rửa và cầu nguyện.
Những gian lao khổ nhọc của phép tu khổ hạnh đã làm cho ông mù cả hai mắt và phải có người dắt ông đi đến bờ sông, tuy nhiên gương mặt ông toát ra một niềm an lạc tuyệt vời, với một nụ cười dịu dàng và chân thật.
Nhờ Mulji làm thông ngôn, chúng tôi nói chuyện được với vị tu sĩ già. Ngài cho chúng tôi biết rằng ngài đã được một trăm tuổi. Điều này có thật hay không cũng không quan hệ gì, nhưng thời gian mà ngài đã trải qua trên bục đá lại là một sự thật lịch sử.
Trường hợp của người tu sĩ này quả là ly kỳ độc đáo, xét theo tiêu chuẩn đời sống của xã hội phương Tây. Làm sao ông ta có thể ngồi yên bất động trong sự tham thiền quán tưởng trải qua đến nửa thế kỷ giữa những dục vọng, đam mê và náo loạn của loài người luôn khuấy động ồ ạt ở chung quanh? Những điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến ông ta, dù tốt hay xấu, ví như những đợt sóng cồn gầm thét lăn xả vào một ghềnh đá trên bờ biển nhưng tuyệt nhiên không thể làm rung chuyển cái nền tảng vững chắc của nó.
Câu chuyện của vị tu sĩ này cũng có hàm xúc vài nét thi vị, chẳng hạn như khi ông nói rằng bậc hiền giả nhận định và nắm vững những điểm chân lý cũng giống như con trai hấp thụ giọt nước mưa để chuyển hóa thành hạt trân châu.
Ông ta vẫn điềm nhiên khi nghe tôi nói về sự cấu tạo thành hạt trân châu, và bảo rằng khoa học nói sai, nên ông vẫn giữ lập trường của mình. Trích dẫn lời dạy quen thuộc trong các thánh kinh Ấn Độ, ông nhắc nhở chúng tôi rằng, chỉ khi nào tâm hồn yên tịnh, thần trí vắng lặng hư không, người ta mới có thể nhận biết được chân lý, cũng ví như hình chiếu của mặt trời chỉ có thể thấy được trên mặt nước phẳng lặng êm đềm.
Nói về những tai biến, hoạn nạn nghịch cảnh trong đời người, ông cho rằng những kinh nghiệm đó làm thức động phần tinh anh tế nhị của tâm hồn, ví như chất dầu thơm chỉ có được bằng cách nghiền nát và chế biến những cánh hoa tươi.
Khi được hỏi rằng ông có thể biểu diễn phép thuật thần thông cho chúng tôi xem hay không, ông quay cặp mắt trống rỗng không còn thị giác về phía chúng tôi và đáp rằng, người hiền giả không bao giờ tách rời tâm trí của mình ra ngoài đường đạo và để cho bị lôi cuốn bởi những trò chơi đó của kẻ ngu dốt. Ông nói, khi ở trong tâm trạng thích hợp, ông có khả năng nhìn thấu suốt cả quá khứ và tương lai, nhưng ông từ chối không cho chúng tôi thấy bằng chứng cụ thể về năng lực thần nhãn đó.
Kể từ đó về sau, mỗi khi có dịp trở lại Allahabad tôi đều đến thăm viếng nhà tu khổ hạnh này, nhưng trong lần vừa qua, tôi nghe nói rằng ông đã từ trần. Hẳn sẽ là một điều lý thú nếu người ta được biết rằng cuộc đời trường kỳ khổ hạnh của ông đã ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng tâm thức của ông sau khi chết.
Từ đó, chúng tôi tiếp tục chuyến đi đến Kanpur. Tại đây chúng tôi gặp những người bạn mới là hai anh em ông Ross Scott Walter Scott. Người anh là một kỹ sư làm việc cho Chính phủ.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến viếng một tu sĩ khổ hạnh khác. Người này đã từng sống trên bờ sông Hằng khoảng một năm. Ông ta có một gương mặt với những nét thanh tú, biểu lộ một đời sống tinh thần dồi dào, một thân mình gầy ốm và một phong độ hoàn toàn thản nhiên đối với những sự vật trần gian. Người này cũng từ chối không biểu diễn cho chúng tôi xem những hiện tượng thần thông, với một vẻ mặt dường như khinh bỉ. Thật hiển nhiên là những tu sĩ Ấn Độ này có một lập trường khác hẳn với quan niệm của người Tây phương, và khinh thường những phép thuật nhiệm mầu nhất của những đồng tử giỏi nhất. Dù sao, đó chỉ là cảm nghĩ của tôi. Tuy nhiên, vị này có nói cho chúng tôi nghe chuyện một nhà tu khổ hạnh khác tên là Jungli Shah, đã nhiều lần làm phép lạ theo kiểu “bánh mì và cá” được kể trong Kinh Thánh. Ông ta đã làm gia tăng số lượng thực phẩm dành cho một người ăn đến mức khiến cho hàng trăm người ăn được một bữa no nê.
Kể từ khi đó, tôi đã nhiều lần nghe nói có những tu sĩ Ấn Độ khác cũng đã làm các phép lạ tương tự. Những nhà phương sĩ lão luyện đều nói rằng việc làm tăng số lượng một vật giản dị đơn thuần, chẳng hạn như hạt gạo, một trái cây, một ly nước lạnh, v.v... là tương đối dễ dàng. Điều kiện cần thiết là phải có một trung tâm hạt nhân để hành giả có thể qui tụ chung quanh nó chất liệu của không gian. Nhưng tôi muốn biết phải chăng sự tăng gia số lượng thực phẩm đó chỉ là những ảo giác, và nếu vậy thì người ăn những thực phẩm mầu nhiệm ấy có thực sự được bổ dưỡng hay không?
Tôi còn nhớ giáo sư Berheim đã cho tôi thấy rằng bằng phương pháp thôi miên ông có thể làm cho một đối tượng trong một lúc cảm thấy bỗng no tràn thức ăn, và một lúc sau đó liền cảm thấy bao tử trống rỗng và đói kinh khủng.
Người tu sĩ trẻ nói trên cũng cho biết rằng nhà đạo sĩ Lukhi Bawa và một tu sĩ khổ hạnh có quyền năng làm cho nước biến thành sữa.
Khoảng ba giờ chiều hôm ấy, chúng tôi cưỡi voi đi viếng Jajmow, một thành phố cổ hoang tàn ở cách Kanpur bốn dặm. Tương truyền rằng đó là kinh đô của chủng tộc Thái Âm (Lunar Race) vào thời kỳ năm ngàn năm trăm năm trước Công nguyên. Mục đích chuyến đi này là viếng thăm nhà đạo sĩ Lukhi Bawa đã nói ở trên.
Chúng tôi nhận thấy vị đạo sĩ này có một tác phong khả kính. Ông là một triết gia và một nhà chiêm tinh lỗi lạc. Một lần nữa, chúng tôi lại bị từ chối sự biểu diễn phép thuật thần thông, khi chúng tôi bày tỏ ý muốn được xem ông ta thi thố quyền năng nhiệm mầu.
Đại khái, đó là khía cạnh nghiêm chỉnh của chuyến đi này. Nhưng ngoài ra nó cũng có một khía cạnh trào lộng rất buồn cười. Con voi của chúng tôi cưỡi có cái tên rất thi vị là Chenchal Peri, có nghĩa là “tiên nữ linh động”. Trên lưng nó không có bành để ngồi dựa lưng cho thoải mái mà chỉ có đặt một tấm nệm lớn và dày được buộc chặt vào mình voi bằng những sợi dây cói khổng lồ. Khi voi cất bước di chuyển, người cưỡi phải khéo léo giữ thăng bằng mới ngồi được yên, và tôi để cho những bạn bè quen thuộc với bà Blavatsky hãy thử tưởng tượng việc gì xảy ra khi bà với bốn bạn đạo sơ cơ về môn cưỡi voi cùng chia sẻ với nhau khoảng trống có giới hạn trên tấm nệm.
Vì phép lịch sự, chúng tôi đỡ bà trèo cái thang ngắn lên ngồi trước, đương nhiên nghĩ rằng bà sẽ dành chỗ cho chúng tôi lên sau, nhưng bà lại không nghĩ như vậy! Bà nghiễm nhiên chiếm trọn khoảng giữa của tấm nệm, và không chịu nhích một phân để cho chúng tôi có cơ hội trèo lên. Bà còn phát ngôn mạnh mẽ và cứng cỏi khi chúng tôi nhắc nhở cho bà nhớ rằng bà không có độc quyền chiếm trọn tấm nệm cho một mình bà!
Thế rồi, khi “nàng tiên linh động” bắt đầu đập hai cánh quạt trên lỗ tai và biểu lộ những cử chỉ sốt ruột khác nữa, vì sự giằng co của chúng tôi. Bọn chúng tôi bốn người là W. Scott, Mulji, Babula và tôi, đều lần lượt trèo lên và bám lấy bốn góc của tấm nệm, tùy sự xoay xở tháo vát của mỗi người. Bạn Walter Scott ngồi phía sau và bỏ một chân thòng xuống, nhưng con voi đầy hảo ý, ngoắt cái đuôi nó lên đỡ lấy bàn chân anh ta và giúp anh ngồi lại ngay ngắn, an toàn.
Thế là chúng tôi khởi hành. Bà Blavatsky miệng phì phèo thuốc lá, vẻ mặt hân hoan cơ hồ như đã từng quen thuộc với môn cưỡi voi từ thuở nhỏ. Nhưng chỉ độ vài trăm thước đầu tiên cũng đủ lấy mất đi cái bộ vó tự phụ của bà. Bà ngả nghiêng bên nọ bên kia một cách nặng nề, chậm chạp, làm cho bao nhiêu mỡ trong người bà đều quấy động và hơi thở của bà như thổi hết ra ngoài, cho đến khi bà nổi trận lôi đình và nguyền rủa bọn cười đùa chúng tôi, cùng với con voi và cả thằng nài, đều chết sa đọa xuống âm ty!
Bạn Ross Scott, em ruột của Walter, vì đau chân không thể cưỡi voi nên ngồi trên một chiếc xe nhỏ kiểu bản xứ, trông rất lạ mắt, gọi là ekka, giống như một cái thùng mà chỗ ngồi là một mảnh gỗ lớn hơn bàn tay, do một con ngựa kéo. Suốt chuyến đi dài bốn dặm đường trường, (mà bà Blavatsky quả quyết là hai mươi dặm), chúng tôi đi trong sự vất vả khổ nhọc, còn bà thì trong cơn ầm ĩ thịnh nộ. Nhưng đến bận về, không một sự thuyết phục nào có thể làm cho bà Blavatsky tiếp tục ngồi lại chỗ cũ trên lưng voi. Bà bảo bạn Scott ngồi thu mình nép vào một bên trên chỗ ngồi của chiếc ekka và bà cùng ngồi chung trên xe ấy để trở về nhà.

II.

Do nhiều bạn đạo kể chuyện và sau khi đã trao đổi quan niệm bằng cách giao dịch thư từ với nhóm Arya Samaj, một chi phái Ấn Giáo tiến bộ, tôi được biết đạo sư (Swami) Dyānand Saraswati như một nhà bác học Phạn ngữ (Pandit) và một nhà cải cách tôn giáo, đang lãnh đạo một phong trào tâm linh rất mạnh mẽ mệnh danh là tổ chức Arya Samaj, nhằm mục đích phục hưng tôn giáo Phệ-đà (Veda) thuần túy cổ xưa của Ấn Độ.
Khi chúng tôi đến Agra, chúng tôi được người đại diện địa phương của đạo sư Dyānand Saraswati đến viếng thăm và trao đổi với chúng tôi nhiều điều về vị lãnh đạo tôn giáo này. Sự trình bày của ông ta rất thỏa đáng nên chúng tôi quyết định đi Saharanpore để gặp vị Swami khi ngài đi hành hương từ Hardwar trở về.
Tại Saharanpore, những tín hữu của chi phái Arya Samaj nghênh tiếp chúng tôi rất nồng hậu với những quà tặng bánh trái và hoa quả. Nhưng sự vui thích của chúng tôi đã có phần giảm bớt do sự có mặt của mấy tên mật vụ. Họ theo dõi mọi sự di chuyển của chúng tôi, khám xét thư từ, đọc điện tín của chúng tôi, và làm cho chúng tôi có cảm tưởng như mình đang phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ngành an ninh!
Trụ sở chi phái Samaj dành cho chúng tôi một cuộc tiếp tân long trọng và một bữa tiệc theo phong tục bản xứ. Chúng tôi ngồi ăn dưới đất với bàn tay mặt rửa sạch, bốc thức ăn đựng trong những cái đĩa kết bằng lá cây.
Đạo sư (Swami) về đến nơi vào sáng sớm ngày hôm sau. Bạn Mulji và tôi cùng đến để chào mừng. Tôi vô cùng cảm kích về tác phong, dáng điệu, giọng nói ấm áp cũng như những cử chỉ lịch sự và cốt cách tôn nghiêm cao quí của ông. Đạo sư nắm tay tôi, đưa tôi đến một hàng ba rộng rãi lộ thiên, cho người đem đến một ghế dài và mời tôi ngồi bên cạnh người.
Sau khi đã trao đổi với nhau những lời chúc mừng, chúng tôi chia tay từ giã, và độ một giờ sau đó, đạo sư đích thân đến nơi quán trọ của chúng tôi để thăm xã giao bà Blavatsky.
Trong cuộc nói chuyện dài tiếp theo sau đó, đạo sư cho biết quan điểm của ông về các vấn đề Thượng đế, Giải thoát và Niết-bàn. Chúng tôi nhận thấy những điều này hầu như hoàn toàn phù hợp với quan niệm của chúng tôi.
Hôm sau, chúng tôi cùng đạo sư đáp chuyến xe lửa đi Meerut. Khi đến nơi, chúng tôi được đưa đến ngôi biệt thự của ông Sheonarain, một nhà thầu giàu có làm việc cho Chính phủ. Ông này là một tín hữu phái Samaj, đã tình nguyện cung ứng ngôi nhà của ông cho chúng tôi sử dụng.
Chiều hôm sau, vào lúc sáu giờ rưỡi chúng tôi tham dự một buổi hội họp đông đảo của môn phái Arya Samaj, được tổ chức ở một sân rộng lộ thiên, giữa những ngôi nhà lầu bao quanh. Ở cuối sân có một bục xây bằng gạch, trên có trải nệm và thảm Ấn Độ. Đạo sư Swami ngồi xếp bằng trên tấm thảm, dựa lưng vào một cái gối tròn và dày. Loại gối này rất thông dụng ở các xứ phương Đông.
Tác phong trầm tĩnh, oai nghi, đạo sư nổi bật giữa đám đông, và trong một bầu không khí im lặng hoàn toàn, toàn thể hội trường đều lắng tai nghe ông thuyết pháp.
Sau khi phái đoàn chúng tôi được đưa đến chỗ ngồi đã sắp đặt sẵn, ngài Swami im lặng tọa thiền trong vài phút, kế đó ông ngẩng mặt lên trời, rồi với một giọng trầm ấm, ngân vang những thánh ngữ: “AUM, AUM! Shantih, Shantih, Shantih!” (ngụ ý: Cầu cho muôn loài được bình an), và khi những âm thanh vang dội đã tan dần, ông mới bắt đầu một thời pháp về đề tài “Cầu nguyện”.
Ông định nghĩa rằng cầu nguyện tức là làm việc. Cầu nguyện không phải là thốt lên những lời lẽ vô vị trên đầu môi chót lưỡi; không phải là nịnh hót hay ca tụng Thượng đế, vì như thế sẽ không đem lại một kết quả nào. Có lần, ông nghe một tín đồ phái Brahmo Samaj bỏ phí mất hai giờ đồng hồ chỉ để lặp đi lặp lại cả ngàn lần những lời này: “Ôi! Thượng đế, Ngài là từ bi và công bằng vô lượng vô biên!” Làm như vậy có ích gì? Ông nói, có người nói chuyện với Thượng đế như người ta nói chuyện với kẻ tôi tớ; cơ hồ như họ có quyền áp đặt, sai phái! Thật là rồ dại, ngu ngốc. Người nào muốn cầu nguyện có hiệu quả, hãy làm việc, làm việc và làm việc. Tất cả những gì ở ngoài khả năng của mình phải được tìm kiếm bằng sự công phu thiền định và phát triển những năng lực tâm linh...
Đạo sư tiếp tục thuyết giảng một cách hùng biện, giọng nói truyền cảm, ngôn ngữ dễ dàng lưu loát như giòng nước chảy. Trước khi ông kết thúc, ánh trăng bạc chiếu vào mặt tiền ngôi nhà trước mặt chúng tôi trong khi chúng tôi ngồi ẩn khuất trong bóng tối, dưới nền trời xanh biếc một màu thăm thẳm. Một tia trăng sáng rọi vào bối cảnh phía sau lưng đạo sư, giống như một bức màn bằng bạc đánh bóng, làm nổi bật thân hình của ông với những nét thanh tú như một pho tượng đồng.
Ngày hôm sau, đến lượt tôi thuyết trình. Buổi thuyết trình được tổ chức trong một lều vải khổng lồ được dựng lên trong khuôn viên nhà của ông Sheonarain. Sàn gạch được phủ lên bằng những tấm nệm vải cứng và dày để làm chỗ ngồi, bên trên có trải những tấm thảm Ấn Độ và Ba Tư. Ngoài một cái bàn riêng cho tôi và vài chiếc ghế cho các thính giả người Âu, kỳ dư là thính giả bản xứ, kể cả đạo sư Swami, đều ngồi xếp bằng trên sàn gạch. Có vài vị quan chức người Anh tham dự, lại có cả những người mật vụ hôm trước, lần này với bộ râu mép cạo sạch nhẵn, hình như với mục đích hóa trang!
Cuộc nói chuyện của tôi do Mulji làm thông dịch, trình bày những lợi ích hỗ tương có thể đạt được bằng cách phối hợp những quyền lợi và khả năng thiên phú của cả hai chủng tộc Đông phương và Tây phương.
Ngày hôm sau, vị Swami kể cho chúng tôi nghe nhiều sự việc lý thú về những kinh nghiệm bản thân của ông và của những đạo sĩ Yoga khác trong rừng già. Ông đã từng sống gần như khỏa thân (chỉ đóng một cái khố rất nhỏ trên người) suốt bảy năm trong rừng rậm, ngủ trên mặt đất hoặc trên tảng đá, ăn toàn hoa quả, rễ cây và uống nước suối, cho đến khi thể xác ông hoàn toàn không còn cảm giác đối với tiết trời nóng, lạnh, vết thương, xây xát hay lửa bỏng. Ông không hề bị các loài độc xà, ác thú làm hại. Có lần ông chạm trán với một con gấu đói trên đường đi, con gấu nhảy chồm lên định vồ lấy ông, nhưng ông đưa tay khoát nó đi ra chỗ khác, và đường đi được giải tỏa. Một vị siêu nhân mà ông đã gặp tại núi Abu, tên là Bhavani Gihr, có thể uống cạn một chai thuốc độc mà chỉ một giọt thôi cũng đủ giết chết một người thường. Vị này có thể nhịn ăn suốt bốn mươi ngày một cách dễ dàng và thực hiện được nhiều hiện tượng lạ lùng khác.
Chiều hôm đó, có một cuộc hội họp khác của các tín hữu Arya Samaj cũng đông đảo như lần trước để gặp gỡ chúng tôi, và một cuộc thảo luận đã diễn ra giữa đạo sư (Swami) và vị hiệu trưởng của trường trung học địa phương về những luận cứ chứng minh cho sự hiện diện của Thượng đế.
Ngày hôm sau, chúng tôi sửa soạn lên đường trở về Bombay, và được vị Swami cùng với một số đông tín hữu của môn phái ông tiễn đưa ra tận nhà ga. Họ tung hoa hồng vào người chúng tôi và hô to khẩu hiệu “Namasté” để tiễn biệt khi đoàn xe lửa lăn bánh.
Sau những ngày và đêm nóng bức trên chuyến xe lửa với những tiếng động ồn ào, bụi bặm, thiếu tiện nghi, chúng tôi đã đến Bombay. Trước khi kiểm soát lại hành lý, bà Blavatsky đi ngay đến trước mặt tên mật vụ, và ngay trên sân ga, bà cho hắn ta một bài học đích đáng. Với một giọng nhạo báng chua cay, bà thốt ra lời khen ngợi y về những thành quả lớn lao mà y hẳn đã gặt hái được trong chuyến đi đắt tiền trên toa xe hạng nhất, và nhờ y chuyển đạt những lời chúc mừng và cảm ơn nồng hậu của bà lên thượng cấp của y! Tên mật vụ thẹn đỏ mặt, lúng túng ngập ngừng nói không ra lời, và chúng tôi bước đi, bỏ y lại đó một cách trơ trẽn.
Kế đó, thay vì đi thẳng về nhà để tắm rửa và ăn sáng, chúng tôi gọi xe đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ và yêu cầu viên lãnh sự gửi một thông điệp cực lực phản kháng viên Cảnh sát trưởng về cách đối xử có tính cách nhục mạ của y đối với những công dân Mỹ vô tội.
Mọi sinh hoạt của chúng tôi vẫn trôi chảy một cách êm đềm. Những cảnh tượng lạ mắt của nếp sinh hoạt bản xứ diễn ra trong đời sống hằng ngày, càng ngày càng gây ấn tượng sâu xa hơn trong tâm hồn chúng tôi. Phạm vi giao tiếp của chúng tôi với người bản xứ cũng ngày càng mở rộng thêm, nhưng chỉ trừ một vài trường hợp lẻ loi rất hiếm, còn nói chung thì chúng tôi không tiếp xúc với người Âu. Việc họ có ưa thích chúng tôi hay không cũng chẳng quan hệ gì; sự thật là họ không thể dạy chúng tôi những gì mà chúng tôi muốn biết. Nếp sống thường ngày và những công việc bận rộn của họ không có chút thú vị gì đối với chúng tôi.
Sau khi tôi gửi một bức thư phản kháng cho chính quyền địa phương tỉnh Bombay qua trung gian của ông Franham, lãnh sự Hoa Kỳ, tôi được một bức thư trả lời rằng họ không hề có thái độ cố ý khiếm nhã trong việc cho nhân viên mật vụ theo dõi mọi hành động của chúng tôi. Về sau, khi đến Simla, tôi được các viên chức cao cấp trong phủ Toàn quyền của vị Phó vương Anh cho biết rằng họ rất bực mình khi thấy công tác do thám được thi hành một cách quá ư lộ liễu và vụng về đến nỗi đã làm cho chúng tôi chú ý. Họ nói thêm rằng, việc theo dõi chúng tôi chỉ là chuyện thông thường, vì luật lệ Nhà nước ở Ấn Độ qui định phải theo dõi tất cả những người ngoại quốc nào có vẻ thân thiện đặc biệt với người bản xứ và tránh né sự giao thiệp với người của giai cấp thống trị.

III.

Ngày 4 tháng 7 năm ấy, chúng tôi quyết định xuất bản tờ tạp chí nguyệt san “Theosophist”. Như đã giải thích trước đây, chúng tôi phải đi tới quyết định đó vì nhu cầu đáp ứng sự quan tâm tìm hiểu ngày càng tăng của quần chúng về vấn đề đạo lý. Nhu cầu đó phải được giải quyết bằng một phương tiện nào tốt hơn là việc trao đổi thư từ, vì thật ra chúng tôi không thể nào chịu đựng nổi sự lao tâm khổ trí của một công việc đòi hỏi sự cố gắng vận dụng tinh thần, nhọc nhằn liên tục và thường xuyên như thế.
Tập nhật ký của tôi ghi nhận rằng đôi khi tôi đã phải làm việc từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối, và tiếp tục cho đến hai hay ba giờ sáng mỗi đêm, mà vẫn không hết việc. Vả lại, có những câu hỏi mà phần đông người hỏi thường lặp lại nhiều lần, và phải trả lời lặp đi lặp lại những câu hỏi đó là một công việc rất nhàm chán và mệt mỏi.
Chúng tôi thảo luận về vấn đề này trên tất cả mọi khía cạnh, tính toán cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, và sau cùng chúng tôi quyết định thực hiện kế hoạch.
Nhưng chúng tôi cũng gặp phải những nỗi khó khăn nghiêm trọng. Trước hết, Hội chúng tôi không có một đồng xu vốn liếng hay tài sản để có thể cầm cố vay mượn. Tôi bèn đặt một qui tắc nhất định rằng tờ tạp chí sẽ được phát hành theo những điều kiện giống như các tạp chí lớn nhất ở Anh và Mỹ, tức là mua trả tiền trước chứ không bán thiếu. Tôi sẵn sàng cho ra các số nguyệt san đúng kỳ hạn mỗi tháng trong một năm đầu, dẫu rằng chúng tôi chưa có đến một độc giả đăng ký dài hạn. Những bạn đạo Ấn Độ đều không tán thành kế hoạch này, và tiên đoán rằng nó sẽ không thể thành công. Nhưng điều đó vẫn không làm lung lay quyết định của tôi.
Thế là chúng tôi tiến hành quyên góp phí tổn cho mười hai số nguyệt san đầu tiên, và chuẩn bị cho ra số đầu. Chúng tôi liên lạc với các nhà lãnh đạo Phật giáo ở Tích Lan, Đạo sư Dyanand của Ấn giáo, các học giả Phạn ngữ ưu tú ở Ba-la-nại và nhiều tu sĩ các môn phái khác để yêu cầu họ đóng góp bài vở, và phổ biến rộng rãi xa gần ý định của chúng tôi. Chúng tôi bận rộn với bấy nhiêu công việc đó suốt cả mùa hè năm ấy.
Những hội viên hoạt động của Hội bắt đầu cổ động để tìm kiếm độc giả; riêng một bạn đạo trung kiên là ông Seervai, Thư ký của Hội, đã ghi tên được 200 độc giả mua dài hạn.
Cuối tháng chín, chúng tôi đã cho ra số nguyệt san đầu tiên với đợt đầu là bốn trăm cuốn, một công trình khả quan làm cho tất cả chúng tôi đều rất vui mừng.
Kể từ đó về sau, tạp chí Theosophist vẫn xuất hiện đều đều mỗi tháng đúng kỳ hạn, không hề vấp phải một tai nạn hay chướng ngại nào, và cũng không làm cho chúng tôi phải mắc nợ dù chỉ một xu.
Cuối năm ấy (1879), tờ tạp chí Theosophist đã ghi nhận có 621 độc giả mua dài hạn. Con số đó tuy nhỏ đối với người Tây phương, đã từng quen thuộc với những thành tích huy hoàng của báo chí Âu Mỹ, nhưng đó là một con số phát hành rất đáng kể đối với xứ Ấn Độ, vì những nhật báo lớn nhất ở Calcutta, Bombay Madras cũng chỉ có từ 1.500 đến 2.000 độc giả ghi tên mua báo dài hạn mà thôi!

CHƯƠNG BẢY 
NỮ TU SĨ MAJI

I.

Ngày 2 tháng 12 (năm 1879), bà Blavatsky và tôi, cùng với bạn Damodar và em Babula đáp chuyến xe lửa đi Allahabad để viếng thăm ông bà Sinnett mà trước đây chúng tôi chỉ giao dịch bằng thư từ chứ chưa từng được quen biết tận mặt.
Sau hai ngày ngồi trên xe lửa, sáng sớm ngày thứ ba, chúng tôi đến Allahabad và được ông Sinnett đến đón tại nhà ga cùng với một cỗ xe song mã với người đánh xe và hai người hầu bản xứ mặc đồng phục rất đẹp.
Sinnett tiếp đãi chúng tôi tại nhà với một cung cách vô cùng lịch sự, và chỉ qua chừng dăm ba câu trao đổi, chúng tôi biết ngay rằng mình đã gặp được một người bạn quý.
Trong số các vị khách đến nhà ông Sinnett ngày hôm ấy, có một vị Thẩm phán Tòa Thượng thẩm và ông Giám đốc Nha Học chính. Ông bà A. O. Hume đến vào ngày hôm sau và bà Gordon đến vào ngày mồng bảy, sau khi đã đi một chuyến hành trình rất dài để đến gặp bà Blavatsky.
Dần dần chúng tôi đã có dịp quen biết với phần đông những nhân vật Anh Ấn của thành phố này. Họ cũng đáng được làm quen, vì họ tỏ ra khôn ngoan lịch thiệp và tâm hồn cởi mở. Vài người trong số đó có cử chỉ rất khẩn khoản, ân cần và dễ thương, nhưng thu hút chúng tôi nhiều nhất là ông bà Sinnett và bà phu nhân Gordon. Bà này hồi đó đang ở vào thời kỳ xuân sắc lộng lẫy và trí thông minh chói rạng. Tôi nghĩ thật không uổng công lặn lội sang tận xứ Ấn Độ khi được quen biết với ba người này.
Theo một qui ước chặt chẽ trong các giới xã hội thượng lưu Anh Ấn, người mới đến xứ này thường đi viếng thăm xã giao những nhân vật hiện đang cư trú tại địa phương. Nhưng vì bà Blavatsky không muốn đi thăm ai cả, nên ai muốn làm quen với bà phải bỏ cái tập quán kia đi và đích thân đến viếng bà.
Thời gian chúng tôi ở tại đây luôn luôn có khách đến viếng. Ngoài ra còn có những bữa tiệc tiếp tân, và trong một dịp này tôi còn nhớ rõ đã xảy ra một chuyện lý thú.
Một buổi chiều, ông bà Sinnett, bà Blavatsky và tôi cùng lên xe đi dự một bữa cơm tối. Xe chạy ngang qua một khu phố hãy còn xa lạ đối với chúng tôi. Đến một ngã tư, bà Blavatsky bỗng nhiên rùng mình một cái, và nói: “Lạ quá! Thật là một cảm giác rùng rợn! Ở chỗ này hình như đã có xảy ra một vụ tàn sát đẫm máu.”
Ông Sinnett hỏi: “Bà không biết đây là chỗ nào hay sao?”
Bà đáp: “Không! Làm sao tôi biết được, vì đây là lần đầu tiên tôi đi ra khỏi nhà ông”.
Khi đó, ông Sinnett đưa tay chỉ một ngôi dinh cơ đồ sộ ở phía tay mặt chúng tôi, và nói cho bà biết rằng trước đây đó là câu lạc bộ của quân đội, và chính tại đó các sĩ quan Anh của một lữ đoàn quân Anh Ấn đã bị các thuộc viên của họ thảm sát giữa bữa ăn trong cuộc nổi loạn của quân bản xứ.
Nhân dịp đó, bà Blavatsky nói cho chúng tôi nghe về tính cách trường cửu bất diệt của “ký ức không gian”, có tác dụng ghi nhận mọi hành vi của con người trải qua thời gian không bao giờ mất.
Qua ngày hôm sau, tôi thuyết trình trước một cử tọa đông đảo về đề tài: “Thông thiên học và những mối liên hệ với xứ Ấn Độ”. Ngồi trên ghế Chủ tọa cuộc họp là ông A. O. Hume, một luật gia nổi tiếng. Ông đã khai mạc buổi thuyết trình và giới thiệu diễn giả bằng một bài diễn văn rất hay và rất hùng hồn làm cảm động người nghe.
Ngày 15 tháng 12, chúng tôi từ giã ông bà Sinnett và cùng bà Gordon đáp xe lửa đi Ba-la-nại (Bénarès). Đến nơi vào lúc bốn giờ chiều, chúng tôi được vị đại diện của Quốc vương Vizianagram đón tiếp tại nhà ga và mời chúng tôi về ở tại một tòa lâu đài của Quốc Vương với tư cách là tân khách của ngài.

II.

Ngày hôm sau, sau khi ăn điểm tâm, chúng tôi lên xe để đến viếng đạo viện của bà Maji, một vị nữ tu sĩ rất nổi tiếng, làu thông kinh điển Phệ-đà. Bà ở trong một động đá dưới hầm của đạo viện, nằm bên bờ sông Hằng, cách thành phố Ba-la-nại độ hai dặm. Bà thừa kế đạo viện này của thân phụ bà, vốn là một Yogi, cùng với một ngôi nhà trong thành phố và một thư viện Phạn ngữ rất phong phú và quý giá.
Đó là một nơi ẩn cư rất tĩnh mịch, nhất là vào buổi sáng sớm, và rất thuận lợi cho việc công phu thiền định. Tọa lạc bên bờ sông, độ mười lăm thước cao hơn mặt nước, và được che khuất dưới những lùm cây cổ thụ, thật là một nơi đạo viện lý tưởng có phong vị thần tiên khi chúng tôi ngồi trên bệ đá dưới những gốc hòe nở hoa đỏ thắm, cành lá sum suê rậm rạp và luận đàm về đạo lý với nhà nữ tu trí thức này.
Đó là một trong những kinh nghiệm kỳ thú nhất của chúng tôi trên đất Ấn Độ, mà người quen sống ở các xứ Tây phương không bao giờ có thể tưởng tượng được.
Hồi ấy, bà Maji trạc bốn mươi tuổi, màu da lợt, với một phong độ trang nghiêm và cốt cách lịch sự làm cho người ta phải kính nể. Bà có một giọng nói dịu dàng, gương mặt và thân hình đầy đặn, đôi mắt tinh anh biểu lộ sự thông minh và đức tính quả cảm, cương nghị. Bà từ chối không biểu diễn phép thuật thần thông, như chúng tôi vẫn luôn yêu cầu các nhà đạo sĩ trong những dịp tương tự. Những lý do từ chối của bà đều được tất cả các bạn trong nhóm chúng tôi chấp nhận là đầy đủ, và cuộc thăm viếng vẫn có ảnh hưởng thuận lợi cho tất cả mọi người.
Tôi không biết rằng bà có khả năng thực hiện phép mầu hay không, nhưng vốn là một tín đồ chân chính của triết học Vedanta, bà mạnh dạn chỉ trích sự dại khờ của những kẻ ham mê các trò chơi ấu trĩ ấy, thay vì để tâm hồn được yên tĩnh vắng lặng như nền đạo lý cổ truyền từ nghìn xưa vẫn luôn khuyên nhủ các môn sinh trên đường tầm đạo. Dù đi đến bất cứ nơi nào trên đất Ấn Độ, người ta luôn luôn nhận biết được kinh nghiệm đó. Những nhà tu khổ hạnh cao siêu nhất vẫn luôn từ chối không biểu diễn những quyền năng thần bí, trừ phi trong những trường hợp rất đặc biệt. Những ai biểu diễn phép thuật nhiệm mầu bị xem như thuộc hạng thấp kém, chẳng hạn như các nhà phù thủy Hắc phái, họ chỉ được sự bảo trợ và trọng vọng của những người thuộc các giai cấp hạ tiện.
Vài ngày sau, vị nữ tu Maji đến viếng thăm trả lễ bà Blavatsky. Việc ấy gây sự ngạc nhiên trong các giới Ấn Độ, và chúng tôi được cho biết rằng đây là một điều rất lạ thường, vì vị nữ tu này hiếm khi đích thân đến viếng một người nào khác ngoài tôn sư của bà, còn việc bà đến viếng thăm một người Âu thì chưa từng có.
Tôi cảm thấy một sự say mê thích thú về nữ tu sĩ này do những chuyện mà tôi đã nghe kể lại về bà, và thật sự tôi đã đến viếng bà mỗi khi có dịp ghé qua thánh địa Ba-la-nại. Lần cuối cùng tôi đến viếng bà là cùng với bà Annie Besant và nữ bá tước Wachtmeister. Trong nhiều năm, tôi vẫn tin rằng bà là một siêu nhân.
Trong cuộc viếng thăm của bà lúc ấy, bà vẫn là một người hoàn toàn xa lạ đối với chúng tôi, và theo chỗ chúng tôi biết, không một người nào đã từng nói cho bà biết chúng tôi là ai, trừ ra chúng tôi tự giới thiệu trong dịp đến viếng đạo viện của bà lần đầu tiên. Tuy vậy, bà đã nói cho các bạn đạo cùng đi với tôi, trong một dịp bà Blavatsky vắng mặt, nghe một chuyện dị kỳ về bà Blavatsky. Bà nói rằng thể xác của bà Blavatsky đã được một nhà đạo sĩ Yoga mượn tạm vì mục đích phổ biến Triết học Đông phương. Đó là cái thể xác thứ ba mà nhà đạo sĩ đã dùng vào mục đích ấy, và thời gian ông ta đã trải qua trong ba cái thể xác đó, cộng chung lại là độ một trăm năm mươi năm.
Trong một chuyến đi Calcutta nhiều năm sau đó, tôi đã đến khu ngoại ô Bhowanipore để viếng Maji, trong dịp bà từ Ba-la-nại đến đây để viếng thăm một bạn đạo là Nobin Bannerji tại nhà ông này. Tôi đã hội kiến với bà hằng ngày trong thời gian hai tuần ở Calcutta và rất thích thú mà nghe lời thuyết giáo của bà. Bà lúc nào cũng có một số người tầm đạo vây quanh, và những lời giải đáp thắc mắc của bà luôn biểu lộ một học lực uyên thâm, sâu sắc. Phong thái hấp dẫn và giọng nói dễ mến của bà làm cho bà càng thêm đắc nhân tâm và được nhiều người ngưỡng mộ.
Sau hết, còn có sự hấp dẫn của những năng lực thần bí, thường được gán cho những đạo sĩ chân tu ở Ấn Độ, một di sản còn sót lại của những truyền thống từ thời đại cổ xưa. Những quyền lực đó, bà Maji hẳn là phải có đến một mức độ nào, bởi vì chúng ta đã thấy rằng lần gặp gỡ đầu tiên giữa bà với chúng tôi hồi năm 1879, trước khi người ta được biết gì về sự liên hệ giữa bà Blavatsky với hai vị chân sư, bà Maji đã nói với tôi những điều về các ngài mà không ai có thể nói lại cho bà biết, và trong tập nhật ký của bạn Damodar có ghi rằng bà đã làm cho ông ta vô cùng ngạc nhiên với những lời tiết lộ của bà về nhà huyền học T. Subba Rao và về những nhân vật khác nữa.
Sau khi bà Maji từ Calcutta trở về đạo viện của bà ở Ba-la-nại, chúng tôi đã có dịp trở lại viếng thăm bà lần nữa, nhưng không ngờ đây là lần cuối, vì sau đó ít lâu chúng tôi được tin bà từ trần.

III.

Khi chúng tôi trở về Bombay, một buổi chiều tà, bà Blavatsky, bạn Damodar và tôi đã trải qua một kinh nghiệm lạ lùng mà trước đây tôi đã có kể lại sơ lược bằng trí nhớ. Nhưng bây giờ đã đến lúc tôi phải tường thuật đầy đủ chi tiết.
Chúng tôi ba người ngồi trên chiếc xe ngựa mui trần mà Damodar đã làm quà tặng cho bà Blavatsky, nhắm về phía cầu Warli gần bờ biển để hóng gió mát. Một cơn giông có sấm chớp đang diễn ra từ đằng xa nhưng không có mưa. Những tia chớp nối tiếp nhau thường xuyên một cách sống động đến mức chiếu sáng cả vùng lân cận như ban ngày. Bà Blavatsky và tôi ngồi hút thuốc và cả ba chúng tôi đều cùng nhau đàm luận việc này việc nọ.
Bỗng nghe có tiếng nói chuyện của nhiều người từ trên bờ biển đi về phía tay mặt chỗ chúng tôi ngồi. Ngay khi đó, xuất hiện một nhóm người Ấn ăn mặc lịch sự vừa nói vừa cười đùa với nhau. Họ đi qua khỏi chỗ chúng tôi và lên xe riêng của họ đậu thành hàng trên đường Warli, rồi chạy về thành phố. Để nhìn theo, bạn Damodar đang ngồi quay lưng về phía người đánh xe liền đứng dậy và ngước mắt nhìn lên thùng xe. Khi đoàn người cuối cùng từ bờ biển đi lên vượt ngang qua xe chúng tôi, anh ta lẳng lặng sờ nhẹ vào vai tôi và hất đầu làm hiệu cho tôi nhìn về hướng ấy.
Tôi đứng dậy và thấy đằng sau nhóm người cuối cùng đi hóng gió biển trở về, một bóng người lẻ loi bước đến gần chúng tôi. Cũng như những người kia, người này mặc sắc phục trắng, nhưng sắc trắng của y phục người này vượt trội hẳn làm cho y phục của những người kia có vẻ như màu xám, cũng ví như ánh sáng đèn điện làm cho ngọn đèn hơi sáng tỏ nhất cũng hóa ra đục mờ.
Người này vóc dáng cao hơn nhóm người kia đến một cái đầu, và dáng đi của người quả thật là biểu lộ một cốt cách thần tiên. Người ấy bước đến gần, tách rời khỏi đường lộ và đi về phía chúng tôi, khi ấy chúng tôi mới nhận ra ngài là một vị chân sư. Cái khăn trắng bịt đầu, chiếc áo rộng trắng, mái tóc đen xõa xuống vai và bộ râu đen, mới thoạt nhìn chúng tôi tưởng là đức “sư phụ”, nhưng khi ngài bước đến bên hông xe chỉ cách chúng tôi độ một thước, ngài đặt nhẹ bàn tay ngài lên cánh tay trái của bà Blavatsky lúc ấy đang gác lên trên thùng xe, nhìn chúng tôi vào tận mắt, và đáp lại sự kính cẩn vái chào của chúng tôi, chừng đó chúng tôi mới biết không phải là sư phụ, mà là một vị chân sư khác.
Blavatsky về sau có một bức chân dung của ngài lồng trong một cái khuôn vàng bà đeo trước ngực mà nhiều người đã từng thấy. Ngài không nói một lời nào, mà lẳng lặng đi về phía đường lộ, không màng chú ý đến những người du ngoạn khi họ ngồi trên xe chạy về thành phố. Những tia chớp liên tục của cơn giông chiếu sáng thân hình ngài khi ngài đứng bên cạnh chúng tôi, và khi ngài đã đi trên con đường lót đá cách xa chúng tôi độ hai mươi thước, tôi nhận thấy rằng ánh đèn trên chiếc xe cuối cùng rọi lại làm cho thân hình ngài nổi bật trên bối cảnh chân trời ở đằng xa.
Không có cây cối hay bụi rậm nào che khuất ngài khỏi tầm mắt chúng tôi, nên chúng tôi vận hết nhỡn lực để theo dõi động tác của ngài. Chúng tôi vừa mới nhìn thấy ngài đây, thì trong khoảnh khắc ngài đã biến mất dạng, cũng như một tia chớp sáng lòe rồi vụt tắt. Dưới sự phản ứng của cơn xúc động bàng hoàng, tôi nhảy vọt ra ngoài xe, chạy đến chỗ mà tôi nhìn thấy ngài lúc nãy, nhưng không thấy gì nữa. Tôi chỉ nhìn thấy có con đường lộ vắng tanh phía sau lưng của chiếc xe vừa chạy qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét