NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ 7 / Đọc truyện
(ĐC sưu tầm trên NET)

Sách là ngọn đuốc soi rọi chân lý, là chiếc khăn thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân ái của loài người!
--------------------------------------------------------------------
NGUYỄN HỮU KIỆT dịch
CHƯƠNG MƯỜI HAI
CHƯƠNG MƯỜI BA
Sách là ngọn đuốc soi rọi chân lý, là chiếc khăn thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân ái của loài người!
--------------------------------------------------------------------
NGUYỄN HỮU KIỆT dịch
TỦ SÁCH HUYỀN MÔN
NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN
BÍ
(LỊCH SỬ HỘI THÔNG THIÊN HỌC - PHẦN 2)
(LỊCH SỬ HỘI THÔNG THIÊN HỌC - PHẦN 2)
HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ H. S. OLCOTT
CỐ HỘI TRƯỞNG HỘI THÔNG THIÊN HỌC
THẾ GIỚI
CHƯƠNG MƯỜI HAI
VÀI MẨU CHUYỆN BÊN LỀ
I.
Sau khi rời thị trấn Simla, bận về chúng tôi dừng chân tại
Amritsar, thành phố nổi tiếng với Ngôi Đền Vàng, một kỳ công kiến trúc mỹ lệ của
người dân Sikh, một chủng tộc thiện chiến và có tinh thần thượng võ ở miền
Punjab (Bắc Ấn).
Vì lúc đó chúng tôi còn đang được sự bảo trợ tinh thần của đạo
sư Dyanand Saraswati nên sự giao tế của chúng tôi với những tín hữu môn
đệ của ông rất thân thiện tốt đẹp, và những chi bộ địa phương của môn phái Arya
Samaj đã dành cho chúng tôi những cuộc tiếp đón thân mật đầy hảo ý ở khắp mọi
nơi.
Có ba mươi tín hữu Arya Samaj đến đón chúng tôi tại
nhà ga xe lửa Amritsar và đưa chúng tôi về quán trọ nghỉ ngơi. Ngày hôm
sau, một phái đoàn Arya Samaj đến từ Lahore, do các bạn Rattan
Chand và Siris Chandra cầm đầu. Đó là hai bạn đạo lịch thiệp và khả
kính mà tôi rất hân hạnh xem như những người bạn tốt và vẫn giữ mối tình thân hữu
cho đến ngày nay.
Một cuộc đàm luận về đạo lý rất thú vị đã diễn ra với độ ba
mươi hay bốn mươi tín hữu Ấn giáo Arya Samaj, và đến chiều tối, khi mọi
người đã ra về và chỉ còn có hai người bạn trẻ nói trên ở lại với chúng tôi, bà
Blavatsky làm reo vang những tiếng “chuông thần” một cách rõ ràng và du
dương hơn tất cả những lần mà tôi đã từng được nghe bà làm ở Ấn Độ trước đây. Kế
đó, bà đề nghị với hai người bạn trẻ một việc dẫn đến sự hiểu lầm mà tôi thấy cần
phải thuật lại một cách chính xác để tránh sự đáng tiếc có thể xảy ra nếu có một
kẻ thù nghịch nêu việc ấy để chống lại bà trong tương lai.
Từ trước đến nay, ông Sinnett chưa bao giờ có dịp thảo
luận về đạo lý với một người Ấn Độ trí thức nào. Đó là điều mà ông và chúng tôi
đều lấy làm tiếc. Sự trao đổi thư từ giữa ông với chân sư K. H. vẫn đang tiếp tục,
nhưng ông muốn được có dịp gặp gỡ tận mặt với ngài hay một vị đệ tử của ngài.
Nhận thấy bạn Rattan Chand là người có đủ tính chất cần thiết để lãnh
nhiệm vụ giao liên, bà Blavatsky, với sự chấp thuận của chân sư (như bà
nói cho y và tôi biết điều ấy), đã cố gắng thuyết phục y đến gặp ông Sinnett
với tư cách là một sứ giả đem thư của chân
sư K. H. Anh ta sẽ không được tiết lộ cho ông Sinnett biết gì về cá nhân
mình như tên họ, thân thế, chỗ ở... mà chỉ trả lời đầy đủ tất cả những câu hỏi
của ông Sinnett về những vấn đề triết học và tôn giáo.
Bà Blavatsky còn cho anh ta biết rằng mọi tư tưởng và
luận thuyết cần thiết sẽ được truyền đạt cho anh ta vào lúc cần dùng bằng
phương pháp thần giao cách cảm.
Hai người bạn trẻ, vốn chưa biết gì về hiệu lực của phương
pháp chuyển di tư tưởng, và không thấy tung tích chân sư cũng như bức thư của
ngài ở đâu, nên đã tỏ ra e ngại và không có hứng thú để làm việc này. Nhưng sau
cùng, họ bằng lòng và trở về Lahore để xin phép nghỉ việc ngắn hạn rồi sẽ
trở lại ngày hôm sau.
Khi họ đã ra đi, bà Blavatsky tỏ vẻ hài lòng và nói với
tôi rằng vai trò của họ sẽ đem lại kết quả rất thuận lợi cho ông Sinnett,
và gây một nghiệp quả rất tốt lành cho hai người bạn trẻ.
Ngày hôm sau, không thấy họ trở lại mà chỉ có một bức điện
tín nói rằng họ cực lực từ chối không chịu thực hiện vai trò nói trên; và trong
một bức thư sau đó, họ cho biết rằng họ không muốn tham dự vào một hành động giả
trá phỉnh lừa như thế.
Việc ấy làm cho bà Blavatsky rất bực mình và bày tỏ sự
bất mãn bằng những lời lẽ nặng nề. Bà không do dự mà gọi họ là hai thằng điên
vì đã gạt bỏ một cơ hội hiếm có là được làm việc với các chân sư để mang lại những
kết quả lớn lao.
Bà cho tôi biết rằng nếu họ chịu hợp tác, thì bức thư của
chân sư sẽ rơi xuống ngay trước mắt họ từ trên không gian, và họ sẽ có dịp thi
hành sứ mạng. Đây là một trong những trường hợp mà một việc hoàn toàn có thể thực
hiện được đối với nhà huyền học, vốn đã khai mở những giác quan nội tàng và những
quyền năng tâm linh, lại có vẻ như một việc không tưởng, viễn vông đối với người
thường, vì họ không thể quan niệm rằng việc ấy có thể làm được, trừ phi bằng những
mưu mẹo dối trá, phỉnh lừa.
Thế là những người bạn trẻ chưa tiến hóa kia đành phải tự tạo
lấy nghiệp quả của họ. Họ đã chọn lấy con đường thích hợp với mình, và đã bỏ mất
đi một cơ hội tốt.
Đã có hằng bao nhiêu trường hợp tương tự mà bà Blavatsky bị
hiểu lầm và chuốc lấy sự chê trách đắng cay chỉ vì sự thiếu hiểu biết tâm linh
của kẻ khác, mà ý muốn thành thật của bà chỉ là để giúp đỡ họ.
II.
Ngày 27 tháng 10, tôi thuyết trình về đề tài “Môn phái Arya
Samaj và Hội Thông thiên học” trước một cử tọa đông đảo, và ngày 29, tôi có dịp
nói tiếp về đề tài “Quá trình lịch sử và tương lai của Ấn Độ”.
Những ai nghĩ rằng người Ấn không có tinh thần yêu nước, ước
gì họ có dịp nhìn thấy tác dụng của buổi diễn thuyết này đối với toàn thể hội
trường đông đảo như hôm ấy. Khi tôi diễn tả tính cách vĩ đại huy hoàng của nền
văn minh cổ Ấn Độ, và tình trạng suy đồi của Ấn Độ ngày nay, toàn thể cử tọa
phát ra những tiếng thì thầm vui sướng hoặc những tiếng thở dài đau đớn não nuột.
Có lúc họ hoan hô và vỗ tay nhiệt liệt, một lúc sau đó họ ngồi im lặng, và rơi
nước mắt.
Tôi lấy làm ngạc nhiên và sung sướng, nhưng cảnh tượng bi ai
đau đớn của họ làm tôi xúc động đến mức tôi gần như muốn ngất xỉu. Đó là một
trong những dịp vẫn thường xảy ra với những cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi với
người Ấn Độ, trong khi đó những sợi dây liên lạc của tình tương thân tương ái kết
hợp tâm hồn chúng tôi, và chúng tôi cảm thấy thật là một ân sủng quí báu khi có cơ hội đến đây để sống chung và phụng sự sát
cánh với những bạn đạo cùng chung lý tưởng.
Tôi còn nhớ một kinh nghiệm tương tự đã trải qua khi tôi
cùng đi với bà Annie Besant trong chuyến đi diễn thuyết đầu tiên của bà.
Trong dịp đó, bà nói về đề tài “Vị trí của Ấn Độ trên thế giới” tại một tỉnh nhỏ
ở miền Nam Ấn. Nói theo nguồn cảm hứng thiêng liêng và sử dụng những ý nghĩ gần
giống như của tôi, bà lôi cuốn toàn thể cử tọa theo với bà, và làm cho họ đáp ứng
như những sợi dây đàn mà những ngón tay điêu luyện của bà có thể tác động khéo
léo để tạo ra bất cứ âm điệu nào bà muốn.
Bận về ngồi trên xe, tôi với bà không ai có thể thốt ra một
lời nào, mà chỉ ngồi đê mê trong im lặng, cơ hồ như vừa bước ra từ một nhạc viện
trong đó vị nhạc trưởng vừa mới trình bày những âm điệu nhạc khúc của cõi trời.
Những ai chưa từng cảm xúc được nguồn cảm hứng thiêng liêng rung động trong người
thì không bao giờ biết rõ được ý nghĩa của danh từ “hùng biện”.
Ngày hôm sau, chúng tôi đáp xe lửa đi Lahore. Tại đây
một cuộc tiếp đón nồng nhiệt đã chờ đợi chúng tôi. Một phái đoàn Ấn giáo hùng hậu
của chi phái Arya Samaj đến đón chúng tôi tại nhà ga và đưa chúng tôi về
quán trọ. Kế đó họ trở về nhà dùng bữa và tối hôm đó
họ trở lại để thảo luận về đạo lý với chúng tôi cho đến
khuya.
Những đề tài thảo luận là vấn đề tính chất của Thượng đế,
Thượng đế hữu ngã và vô ngã. Những quan điểm của tôi và bà Blavatsky đưa
ra đều trái ngược hẳn với những sự tin tưởng của họ.
Hôm sau, bảy tín hữu Arya Samaj, gồm cả hai người bạn
trẻ mà chúng tôi đã gặp tại Amritsar trước đây, gia nhập Hội Thông thiên
học và đứng ra thành lập một Chi hội tại địa phương.
III.
Trong thời gian ở tại Lahore, chúng tôi luôn luôn bận rộn tiếp
khách và thảo luận về những vấn đề đạo lý, nhưng không phải là không có những
cơ hội tiêu khiển. Chẳng hạn như chuyến đi tham quan kinh lý của vị Phó vương
Anh, Lord Ripon, vào ngày mồng 10, và chúng tôi có dịp xem cuộc tiếp rước
linh đình trọng thể diễn ra trong thành phố.
Phó vương cưỡi một con voi lớn, lưng voi phủ vải vàng óng
ánh, đầu voi cũng đội một thứ mão hay đồ trang
sức bằng vàng. Bành voi mạ vàng sáng chói, đứng một bên là một người hầu Ấn Độ
mặc sắc phục sặc sỡ cầm một cây lọng vàng che trên đầu ngài.
Những vị Quốc vương và Đại vương (Maharajah) Ấn Độ mặc triều
phục lộng lẫy, cưỡi voi đi theo sau tùy theo cấp bậc chức vị lớn nhỏ, và tất cả
đều được những quan viên dân sự người Anh cũng cưỡi voi đi theo hộ tống (bà Blavatsky
cho là dường họ như bị canh chừng).
Nối tiếp theo sau là những toán kỵ binh Anh và kỵ binh xứ Bengale,
quân bản xứ mặc sắc phục đỏ, những đội quân Ấn Độ cầm kích và cầm giáo dài, những
toán quân nhạc thổi kèn, đánh trống, và đánh chập chõa.
Thật là một cuộc diễn hành long trọng huy hoàng, tiền hô hậu
ủng, rực rỡ tưng bừng. Tôi quả quyết rằng mỗi người Anh trong cuộc diễn hành hẳn
là phải cảm thấy lố bịch, và mỗi vị Quốc vương bản xứ chắc cũng cảm thấy bị hạ
thấp trong cái màn trình diễn công khai phô trương thanh thế và uy lực này, làm
nổi bật trước mắt công chúng cái vị thế của kẻ chinh phục và kẻ bị trị, mà cái
ý nghĩa thật sự của nó, trong thâm tâm mỗi người đều biết rằng mọi người khác
cũng biết rõ như mình.
Bà Blavatsky và tôi đứng xem cuộc diễn hành từ trên lầu một nhà ga xe lửa được xây cất như một
pháo đài để có thể sử dụng như một công sự
phòng thủ khi có biến. Những lời bình phẩm của bà về cuộc diễn hành và về những
nhân vật ăn mặc trang sức lố lăng thái quá, làm cho tôi luôn luôn phát cười nôn
ruột, và về sau, trong một bài phóng sự du ký của bà đăng trên tạp chí Russky
Vyestnick, bà làm cho cả nước Nga đều cười vỡ bụng về chuyện vắng mặt của vị
Đại vương xứ Kashmir trong cuộc diễn hành, mà thoạt tiên người ta nghi
ngờ là có che giấu một âm mưu chính trị, nhưng sau đó mới vỡ lẽ ra rằng chỉ vì
ngài bị tiêu chảy!
Ngày 15 tháng 11, vị Phó vương Anh, Lord Ripon, chủ tọa
một cuộc lễ tiếp kiến các vị Đại vương, Quốc vương và các ông Hoàng bản xứ.
Một sảnh đường rộng lớn được dựng lên bằng vật liệu nhẹ, gồm
những tấm vải cứng lớn có sọc xanh được căng ra làm nóc trên những cột đứng bằng
sắt, và những tấm vách ngăn cũng bằng một loại vải cứng tương tự, dưới đất trải
những tấm thảm gấm đỏ, bên trong thắp sáng bằng những ngọn đèn lớn.
Phó Vương ngự trên một chiếc ngai bằng bạc, mặc triều phục
chỉnh tề có thêu chỉ vàng và gắn đầy phù hiệu, huy chương, với một tấm băng lụa
xanh vắt ngang trên ngực. Đứng phía sau ngài là những người hầu bản xứ mặc đồng
phục trắng tay cầm những cây quạt lớn màu đỏ
thêu phù hiệu của Hoàng gia Anh; hai người hầu khác cầm những cây phất thủ trắng
làm bằng đuôi giống bò Yak của xứ Tây Tạng, và hai người hầu nữa cầm những
cây vương trượng tượng trưng cho quyền uy của vị Phó vương.
Giữa sảnh đường là hai hàng ghế đối diện nhau. Các quan viên
Anh ngồi ở hàng ghế bên tay mặt Phó vương, các vị vương hầu bản xứ ngồi bên tay
trái; ở giữa hai hàng ghế là lối đi rộng rãi từ cửa vào đưa đến ngai Chủ tọa.
Các vị Quốc vương, Đại vương và những ông Hoàng khác của xứ Ấn Độ được chỉ định
chỗ ngồi theo thứ tự cấp bậc, vị cao nhất ngồi gần Phó vương.
Khi mỗi ông Hoàng vừa đến ngoài cửa, có tiếng súng đại bác
chào mừng, quân dàn hầu hai bên bồng súng chào, và đoàn quân nhạc thổi kèn.
Ông Alfred Lyall, Trưởng ban Nghi lễ, mặc quốc phục
ngoại giao, tiếp đón và đưa mỗi ông Hoàng đến trước ngai vị Phó vương. Ông
Hoàng Ấn Độ dâng lên một mâm lễ vật gồm có một số đồng tiền vàng đựng trên một
cái mâm bạc. Vị Phó vương đưa tay sờ với một cử chỉ tượng trưng rồi trả lại
(nghĩa là không nhận). Cả hai, chủ và khách, đều cúi đầu chào nhau. Kế đó, ông
Hoàng được đưa đến chỗ ngồi an tọa, rồi đến lượt một ông Hoàng khác.
Sau khi tất cả các ông Hoàng đã được tiếp đón xong, vị Phó
vương mới đứng dậy làm lễ ban phát quà tặng quí giá gồm có những đồ trang sức bằng
vàng ngọc châu báu, những đồ khí giới nạm bạc, yên ngựa thêu vàng, vân vân...
Những ông Hoàng chỉ đưa tay sờ một cái rồi để cho những quân hầu mang đi.
Những bộ triều phục lộng lẫy và khăn vấn đầu giát ngọc chớp
sáng lập lòe của những ông Hoàng Ấn Độ trình bày một cảnh tưởng huy hoàng đặc
biệt của phương Đông, và làm cho buổi lễ càng thêm phần long trọng.
IV.
Sau khi đã viếng thăm vài trạm dọc đường, chúng tôi tiếp tục
đi Bénarès và được tiếp đón như những tân khách của vị Quốc vương tại địa phận
này. Trong thời gian tám ngày ở Bénarès, chúng tôi thường hội kiến với vị
Quốc vương và các triều thần cùng với những nhân sĩ của thành phố này.
Có lần, Quốc vương đi với hai người thông dịch đến nơi quán
trọ và thảo luận suốt nhiều giờ với chúng tôi về những vấn đề đạo lý, triết học
và tôn giáo. Một lần khác, Quốc vương đi với
viên quan giữ kho và đề nghị cho viên quan này đếm ngay tại chỗ vài ngàn đồng
ru-pi (một số tiền rất lớn) để cung hiến cho Hội Thông thiên học nếu bà Blavatsky
chịu biểu diễn cho ông ta xem vài phép lạ.
Lẽ tự nhiên, bà từ chối; cũng như bà đã từ chối làm điều đó
đối với nhiều nhà tỷ phú Ấn Độ khác. Một là ông Mungaldas ở Bombay,
nhưng khi ông này vừa đi khỏi thì bà liền biểu diễn một số phép lạ cho những vị
khách nghèo không có tiền. Tuy nhiên, bà đã tiết lộ cho vị Quốc vương biết một
điều bí ẩn về nơi chôn giấu những văn kiện giấy tờ quan trọng của Hoàng gia nay
đã mất, mà nếu tôi không lầm thì những giấy tờ đó đã được đem chôn giấu một
cách vội vã trong cuộc nổi loạn năm 1857.
Tuy bị thất vọng, nhưng tôi có lý do để tin rằng vị Quốc
vương kính trọng bà bội phần hơn là nếu bà đã chấp nhận món quà tặng của ông
ta. Thái độ thản nhiên đối với tiền bạc luôn luôn được người Ấn Độ xem như một
bằng chứng chắc chắn về đức xả thân vô kỷ của một vị đạo sư. Một người đạo sĩ ở
Lahore từng biểu diễn xuất thần nhập định trước Quốc vương Runjit
Singh, đã vĩnh viễn tự hạ thấp nhân cách mình khi nhận lãnh những món quà đắt
tiền của nhà vua. Một người cận thần cũ đã già của nhà vua có lần nói với tôi tại Lahore rằng: “Nếu người đạo sĩ ấy không
nhận quà biếu, mà tỏ thái độ dửng dưng đối với của cải tiền bạc, thì có lẽ vị
Quốc vương đã giữ ông ta lại suốt đời bên cạnh mình và tôn sùng ông ta như một
vị thánh.”
V.
Ngày đầu năm 1881, tôi ngồi vào bàn làm việc đến hai giờ
khuya để viết bài cho tạp chí Theosophist. Nói chung thì trong những tuần lễ đầu
năm, mọi việc vẫn bình thường, không có gì đáng kể, trừ ra những dịp chúng tôi
tiếp xúc và có những mối quan hệ thân thiện hay không thân thiện với một vài
nhân vật.
Tác giả quyển sách nổi tiếng “Nhựa sống”, với bút
danh là Mirza Murad Ali Beg, đến với chúng tôi lần đầu tiên vào ngày 20
tháng 1. Anh ta là một thanh niên Anh, thuộc dòng dõi của gia đình Mitford đã
từng đào tạo ra nhiều nhà văn nổi tiếng ở Anh quốc. Anh ta sinh trưởng tại Madras,
có một nếp sống dị thường, và theo Hồi giáo.
Khi gặp chúng tôi thì anh ta đang giữ một chức vụ trong quân đội của vị Đại vương xứ Bhavnagar,
với cấp bậc “sĩ quan kỵ binh”, nhưng
trên thực tế thì đó chỉ là một chức vụ ngồi không ăn lương. Anh ta sống một cuộc
đời phiêu lưu, phóng dật, dẫy đầy những nỗi trắc trở gian lao. Anh ta đã từng
thực hành khoa bàng môn tả đạo, và cho tôi biết rằng tất cả những nỗi khổ đau
mà anh đã trải qua trong vòng vài năm trước đây đều có thể trực tiếp truy
nguyên từ những tác động hiểm ác của vài loại âm binh bất hảo mà anh đã kêu gọi
để trợ giúp trong việc chinh phục một người con gái đức hạnh mà anh ta thèm muốn.
Tuân theo sự chỉ dẫn của một nhà phù thủy hắc phái Hồi giáo,
anh ta đã ngồi suốt bốn mươi ngày trong một gian phòng kín, mắt nhìn chăm chú
vào một cái chấm đen trên vách tường, dùng trí tưởng tượng hình dung khuôn mặt
của người con gái ấy và niệm một câu thần chú nửa Ả Rập và nửa tiếng Phạn, lặp
đi lặp lại đến cả trăm ngàn lần. Anh ta phải tiếp tục làm như vậy cho đến khi
nhìn thấy khuôn mặt của người con gái ấy linh động như thật, và khi thấy đôi
môi nàng mấp máy như sắp sửa nói chuyện thì khi đó nàng đã hoàn toàn bị quyến
rũ bởi ma lực và sẽ tự động tìm đến với anh ta.
Tất cả sự việc đã xảy ra y như đã dự liệu trước. Ý đồ hiểm
ác xấu xa của anh ta được thực hiện. Cô gái kia bị hại trong tay anh, nhưng
chính anh lại bị phụ thuộc vào quyền năng của
những âm binh bất hảo mà anh không có đủ sức mạnh tinh thần để chế ngự sau khi
đã nhờ đến sự giúp sức cưỡng ép của chúng.
Thật sự là anh ta đang rơi vào một tình trạng bi đát, khốn
cùng. Thần kinh anh ta căng thẳng, dễ bị kích động, không quyết đoán được điều
gì, luôn phải nô lệ những cảm xúc của chính mình, nhìn thấy những khả năng cao
quý của bản chất con người nhưng lại bất lực không thể đạt tới.
Anh ta đến với chúng tôi để tìm nơi ẩn trú, và đã ở lại nhà
chúng tôi trong vài tuần. Tuy là người Anh, nhưng anh ta lại có một hình thù dị
dạng. Anh ta mặc y phục của người Hồi giáo, gồm một cái áo vải trắng rộng và
dài phủ đến chân. Anh để tóc dài màu nâu lợt, bới cao lên phía sau đầu như phụ
nữ; nước da trắng và mắt xanh.
Từ ngày anh ta đến với chúng tôi, dường như anh trải qua một
cơn xung đột mãnh liệt trong nội tâm. Anh than phiền rằng mình bị lôi cuốn, giằng
co từ mọi phía, trước hết bởi những ảnh hưởng tốt lành, và kế đó bởi những lực
lượng bất hảo.
Anh ta có một bộ óc thông minh, đã đọc qua nhiều sách vở và
rất muốn gia nhập Hội Thông thiên học. Nhưng vì tôi không tin tưởng nơi căn bản
đạo đức của anh ta nên đã từ chối. Tuy nhiên,
vì bà Blavatsky đề nghị chịu trách nhiệm về anh ta, nên tôi không phản đối
và để cho bà bảo trợ sự gia nhập của anh ta.
Vài tháng sau đó, anh ta trả ơn bà một cách đích đáng bằng
cách giật lấy cây gươm của một lính canh ở ga Wadhwan và toan đâm chết
bà, rồi la lớn lên rằng bà và các chân sư đều là ma quỉ! Nói tóm lại, anh ta đã
nổi điên.
Đây nhắc lại khi trí óc anh ta còn lành mạnh và đang ở chung
với chúng tôi. Anh ta có viết vài bài đăng trong tạp chí “Theosophist”
và một đêm nọ, sau một cuộc nói chuyện với chúng tôi, anh ta ngồi viết một bài
tham luận về quyền năng của ý chí và tác dụng của nó đối với sự sống lâu. Bà Blavatsky
và tôi còn ngồi lại trong phòng, và khi anh ta bắt đầu viết, bà bước đến gần
và đứng phía sau lưng anh ta, cũng như hồi ở New York bà đã đứng phía
sau lưng họa sĩ Harisse khi người này đang vẽ bức chân dung của một vị
chân sư theo sự hướng dẫn bằng phương pháp chuyển di tư tưởng của bà.
Bài tham luận của Mirza Sahib được sự chú ý của mọi
người khi nó xuất hiện trên tạp chí, và được coi như một trong những bài có giá
trị nhất trong văn chương đạo lý của Hội Thông thiên học. Anh ta tỏ ra có trình độ trí thức, và có nhiều triển vọng cứu vãn phần lớn
những khả năng tâm linh đã bị mất nếu anh ta chịu ở lại với chúng tôi. Nhưng
sau khi đã hứa làm như vậy, anh ta lại tuân theo một động lực vô hình không thể
cưỡng, và bỏ đi theo tiếng gọi của sự diệt vong.
Anh ta không thể nào phục hồi lại được sự thăng bằng của trí
não. Sau đó, anh ta theo đạo Gia Tô, rồi quay trở lại Hồi giáo, rồi sau cùng
anh ta chết và được chôn tại Junagadh. Tại đây tôi có nhìn thấy nắm mồ
sơ sài của y.
Trường hợp của Mirza Sahib là một trường hợp đáng sợ
về cái hiểm họa chờ đợi những người nào thực hành bàng môn tả đạo trong khi còn
những đam mê thú dục tiềm ẩn trong lòng.
CHƯƠNG MƯỜI BA
ADYAR
I.
Trong chuyến đi Ba-la-nại, một buổi sáng chúng tôi ngồi thuyền
lướt trên mặt nước sông Hằng, và bận về chúng tôi cho thuyền trôi dọc theo bờ
sông để ngắm cảnh tượng độc đáo của muôn nghìn tín đồ Ấn giáo sùng tín xuống tắm
dưới sông vào buổi sáng sớm. Hàng nghìn tín đồ lũ lượt đi xuống những bậc tam cấp
xây bằng đá ven bờ sông. Họ ngồi kiết-già nhập định trên những bục
gỗ có mái che bằng lá dừa, hoặc đứng dưới sông, chỗ mực nước vừa tới đầu gối,
chắp tay lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện.
Vài người giặt giũ y phục trên những bậc thang bằng đá. Những
nhà tu khổ hạnh mình trần bôi tro thánh biểu hiệu cho dòng tu hay môn phái của
họ. Những phụ nữ lấy bùn lau chùi và đánh bóng những bình đựng nước bằng đồng
cho đến khi sáng chói như mới, múc đầy nước
sông Hằng vào bình rồi cắp bên hông, thong thả đi lên bờ.
Những nhóm người khác tiến đến khu vực hỏa táng. Tại đây xác
người chết được thiêu trên đống lửa hồng, trong khi những tử thi khác chờ đến
lượt.
Ánh nắng ban mai chiếu sáng rực trên những bình đựng nước bằng
đồng của các cô gái Ấn, làm nổi bật màu sắc lòe loẹt trên y phục đỏ thắm của họ
cùng những khăn vấn đầu màu sặc sỡ của bọn đàn ông. Những đám đông lũ lượt nối
tiếp nhau lên xuống không ngớt trên những nấc thang rộng rãi từ mặt nước sông
đưa lên đến mặt đường lộ của thành phố tấp nập ồn ào.
Trong khi đó, những chiếc thuyền hình dáng lạ mắt với mũi
thuyền chạm hình con công từ từ lướt trên giòng sông. Cảnh tượng ấy thật không
đâu có, ngoài ra ở thánh địa Ba-la-nại vào những buổi sáng sớm. Điều gây
một ấn tượng sâu xa hơn nữa là cũng một cảnh tượng ấy vẫn tái diễn hằng ngày kể
từ những thế hệ xa xưa nhất. Những gì người ta nhìn thấy ngày hôm nay dường như
đã từng diễn ra kể từ khi đấng hóa thân Krishna xuất hiện giữa loài người.
Nhưng khung cảnh này sẽ còn tồn tại bao lâu nữa thì không ai
có thể nói trước. Bàn tay tàn phá của thời gian đã tác động vào những dinh thự
lâu đài trên bờ sông. Vài ngôi dinh cơ đồ sộ
nguy nga nhất và vài khu vực trên những bậc thang tam cấp bằng đá đã loang lổ,
sụp đổ. Những ngôi kiến trúc to lớn, nền tảng bị lung lay vì những trận ngập lụt
của nước sông Hằng lên cao, đã ngả nghiêng xiêu vẹo, hoặc sụp xuống dưới mặt nước.
Những tảng vôi, hồ, đã rơi xuống từ những vách tường loang lổ của các ngôi dinh
thự, để lộ ra ngoài những viên gạch đỏ. Một ngôi đền Hồi giáo vĩ đại với những
bầu tròn và tháp nhọn nhô lên cao như có vẻ ngự trị khắp vùng, được xây bằng những
tảng đá của những ngôi đền Ấn giáo cổ mà quân Hồi đã phá hủy.
Khu hỏa táng là một nơi xác xơ tiêu điều. Tại đó những đống
củi lửa thiêu xác được chất trên những đống gạch ngói hoang tàn.
Tôi có cảm tưởng rằng những tín đồ Ấn giáo ngày nay xuống
sông tắm gội mỗi buổi sáng, dường như làm những nghi thức tôn giáo này một cách
hời hợt cẩu thả cho có hình thức thế thôi, chứ không phải do động lực thúc đẩy
sâu xa của lòng sùng tín chân thành như xưa kia.
II.
Trong suốt thời gian liên hệ giữa chúng tôi, bà Blavatsky
và tôi chưa bao giờ sống gần bên nhau một cách thân mật như trong chuyến du
hành trên một chiếc thuyền trên con kênh đào Buckingham.
Kênh đào này là một công trình thủy lợi để cứu giúp cho hàng
nghìn nông dân bị mất mùa, đói kém trong một trận thiên tai kinh khủng hồi thời
Quận công Buckingham đảm nhiệm chức vụ Thống đốc tỉnh Madras.
Từ trước đến giờ, chúng tôi vẫn sinh hoạt và làm việc chung
với sự có mặt của các bạn bè thân hữu, hay nói chung là bao giờ cũng có một
“người thứ ba”. Nhưng trong dịp này, chúng tôi sống riêng biệt trong một chiếc
du thuyền, chỉ có đứa bé giúp việc Babula và vài người chèo thuyền.
Khoang thuyền được trang bị như một phòng ca-bin nhỏ, hai
bên là hai cái tủ nhỏ để đựng hành trang, trên mặt có trải nệm để làm giường nằm.
Ở giữa có một cái bàn xếp, khi nào không cần dùng đến thì có thể xếp lại và
treo lên nóc khoang. Phía ngoài là chỗ nấu bếp, có lu đựng nước uống, có mọi thứ
tiện nghi tối thiểu và mọi thứ phẩm vật cần
dùng trong khi đi đường. Khi có gió thổi thì buồm được giương lên để thuyền lướt
nhẹ trên mặt nước. Khi gió ngược thì những phu chèo thuyền nhảy lên bờ, dùng
dây cói buộc lên vai họ và kéo thuyền đi với tốc độ khoảng năm cây số giờ.
Theo sau chúng tôi, còn một chiếc thuyền khác chở vài bạn đạo
thân tín nhất thuộc tỉnh Madras. Trong số đó có bạn Ivalu Naidu,
công chức Sở Thuế vụ đã về hưu, một người có tấm lòng vàng mà chúng tôi rất quý
mến và hãnh diện khi được kết tình thân hữu với ông.
Mục tiêu của chuyến đi trên sông này là thị trấn Nellore,
phải mất hai ngày đi thuyền mới tới. Chúng tôi khởi hành lúc bảy giờ tối một
đêm trăng sáng, nhằm ngày 3 tháng 5 năm 1882, trăng đã tròn, thuyền lướt nhẹ
trên mặt nước lặng yên và trong như bạc, làm cho chúng tôi có cảm giác như đi
vào cảnh mộng.
Sau khi ra khỏi thành phố, không một tiếng động làm gián đoạn
cái im lặng thâm trầm của miền đồng quê, trừ ra tiếng kêu lẻ loi của những con
chó rừng, giọng nói thì thầm của những phu chèo thuyền nói chuyện với nhau, và
tiếng nước vỗ nhẹ vào hai bên mạn thuyền.
Xuyên qua các cửa sổ, một ngọn gió đêm thổi vào mát rượi, đượm
mùi ruộng lúa trổ bông với hương vị đồng quê thật nhẹ nhàng bát ngát.
Tôi với bà Blavatsky cùng ngồi thưởng thức cảnh vật
êm đềm, tinh thần sảng khoái trong giờ phút nghỉ ngơi rất hiếm có giữa nếp sống
lăn lộn vô cùng kích động, ồn ào và nhộn nhịp của chúng tôi.
Chúng tôi chỉ nói rất ít, dưới ảnh hưởng mê ly đầy thi vị thần
tiên của một đêm trăng Ấn Độ. Đến tận khuya chúng tôi mới chia tay để cùng nghỉ
ngơi dưỡng sức.
Nhờ có ngọn gió nồm từ hướng tây nam thổi mạnh, chiếc thuyền
thẳng tiến suốt đêm, và lộ trình của chúng tôi được nhẹ nhàng êm ái, không trở
ngại.
Trời vừa hừng sáng, thuyền tấp vào bờ để những người phu
chèo thuyền nhóm lửa nấu cơm. Các bạn hữu trên thuyền kia cũng cho thuyền đậu
và sang với chúng tôi.
Khi mọi người đã dùng bữa xong, chúng tôi lại tiếp tục lên
đường, hai chiếc thuyền lướt nhẹ êm ru như những bóng mây. Bà Blavatsky và
tôi bận rộn suốt ngày hôm đó với công việc trả lời thư từ còn ứ đọng và soạn
bài vở cho tạp chí Theosophist, thỉnh thoảng cũng tạm ngưng để cùng nhau
mạn đàm trong giây lát.
Lẽ tất nhiên, đề tài duy nhất của chúng tôi là tình hình và
triển vọng của Hội Thông thiên học, và tác dụng rốt
ráo khả hữu của những tư tưởng Đông phương mà chúng tôi đang truyền bá đối với
dư luận quần chúng đương thời. Về vấn đề này, chúng tôi cùng lạc quan như nhau,
và không một điểm nghi ngờ hay bất đồng nào thoáng qua trong trí óc. Chính niềm
tin mãnh liệt đó đã giúp chúng tôi luôn thản nhiên, bình tĩnh trước mọi biến cố,
tai ương và nghịch cảnh, những sự ngăn chặn biết bao nhiêu lần trong cuộc đời
hoạt động của chúng tôi.
Vài bạn đồng hành hiện hữu có lẽ không thỏa mãn, nhưng quả
thật là những sự tiên liệu của chúng tôi nhắm vào ảnh hưởng của giáo lý Thông
thiên học đối với trào lưu tư tưởng cận đại nhiều hơn là bàn về sự bành trướng
khả hữu của Hội khắp nơi trên thế giới. Thật sự chúng tôi không hề trông đợi việc
ấy có thể xảy ra. Cũng như khi rời khỏi New York đi Bombay, chúng
tôi không hề mơ tưởng rằng Hội có thể mở Chi hội cùng khắp Ấn Độ và Tích Lan,
thì bây giờ cũng thế, trên chiếc du thuyền lướt đi trong im lặng này, chúng tôi
không hề nghĩ rằng Hội có thể khuấy động quần chúng để mở đường cho việc tổ chức
các Chi hội và thành lập những trung tâm truyền bá giáo lý Thông thiên học khắp
nơi ở châu Mỹ, châu Âu; đừng nói chi đến châu Úc, châu Phi và Viễn Đông.
Làm sao chúng tôi có thể nghĩ đến điều đó? Chúng tôi có thể
trông cậy nơi ai? Ai là người dũng lực phi thường để có thể gánh lấy trên vai của
mình cái trách nhiệm nặng nề như thế? Bạn đọc hãy nhớ rằng, hồi đó chỉ mới là
năm 1882, và ngoài châu Á ra, chỉ có ba Chi hội Thông Thiên Học trên thế giới
(không kể trung tâm New York vẫn còn chưa được tổ chức lại). Chi hội London
và Chi hội Corfu (Hy Lạp) chỉ là những cơ quan bất động.
Ông Judge đã sang Nam Mỹ để làm việc cho một công ty
khai thác mỏ bạc, và Trụ sở Thông thiên học ở New York vẫn im lìm không
hoạt động. Chỉ còn có hai người bạn già chúng tôi trên chiếc du thuyền này là nắm
giữ giềng mối điều khiển mọi sự, và khoảnh đất dụng võ của chúng tôi là phương
Đông. Cũng không hơn gì tôi, lúc ấy bà Blavatsky không hề biểu lộ khả
năng tiên tri nào, nên chúng tôi vẫn làm việc và xây dựng nền tảng cho cái
tương lai vĩ đại mà không người nào trong hai chúng tôi có thể nhìn thấy trước.
Trong số hàng nghìn hội viên Hội Thông thiên học hiện tại,
chắc hẳn có bao nhiêu người sẵn lòng đổi lấy với bất cứ giá nào, tình tương
thân đầm ấm mà bà Blavatsky dành cho tôi trong chuyến du hành bằng thuyền
này! Điều làm cho chuyến đi này càng thú vị và lợi lạc hơn nữa, là bà có sức khỏe
tốt, tinh thần lên cao, và không có gì làm che
ám bầu không khí vui tươi giữa tình bạn của chúng tôi. Nếu không được như thế, hẳn
tôi đã trở thành một kẻ bị nhốt trong chuồng cọp, làm bạn với một con sư tử cái
trong Sở Thú! Và như vậy, chắc hẳn là tôi thà nhảy lên bờ đi bộ, hoặc chuyển
sang thuyền kia để làm bạn với Iyalu Naidu còn dễ chịu hơn!
Ôi! Blavatsky, người bạn đáng thương, bạn đồng môn,
người cộng tác, người hướng dẫn của tôi! Không ai có thể làm khổ tôi hơn bà
trong những cơn giông tố ồ ạt, và cũng không ai dễ mến và đáng yêu hơn bà trong
những khi tinh thần lên cao, khi bà có một tác phong đằm thắm dịu dàng!
Tôi luôn tin rằng chúng tôi đã từng làm việc chung với nhau
trong những kiếp trước, và tôi cũng tin rằng chúng tôi sẽ còn hợp tác với nhau
trong những kiếp tương lai vì mục đích phụng sự nhân loại.
Chúng tôi đến Nellore lúc mười một giờ khuya và được
tiếp đón trọng hậu. Một ngôi biệt thự to lớn đã được trang hoàng lịch sự để cho
phái đoàn chúng tôi tạm trú, và tuy giờ đã khuya, tôi vẫn phải đáp từ hai bài
diễn văn, một bằng tiếng Phạn và một bằng tiếng Anh. Sau đó chúng tôi mới được
về phòng ngơi nghỉ, ai nấy đều thấm mệt.
Từ ngày hôm sau trở đi, chúng tôi lại bắt đầu chương trình
hoạt động thông thường như mọi cuộc viếng thăm ở những nơi khác: một buổi diễn
thuyết trước một cử tọa đông đảo. Ngày kế đó dành cho công việc soạn bài vở tạp
chí và thu nhận hội viên mới. Chiều đến, một phái đoàn học giả ưu tú về môn Phạn
ngữ đến viếng và chất vấn chúng tôi về đạo lý; và đến mười một giờ khuya, chúng
tôi chính thức thành lập Chi hội Thông thiên học tại Nellore.
Kế đó chúng tôi tiếp tục chuyến đi đến Mypaud, rồi đi
Guntur. Và cứ như thế, chương trình hoạt động của chúng tôi lại tái diễn
như trên.
III.
Trong những chuyến đi hoạt động khắp Ấn Độ và Tích Lan, tôi
đã tham quan nhiều địa điểm, khảo sát nhân vật và khí hậu của từng miền để chọn
lựa một nơi thích hợp nhất hầu có thể thiết lập một Tổng hành dinh lâu dài cho
Hội Thông thiên học. Nhiều dinh cơ tốt đẹp đã được cung hiến cho chúng tôi ở
Tích Lan, không phải trả tiền thuê mướn; đảo Tích Lan lại có nhiều phong cảnh đẹp
rất hấp dẫn đối với những ai muốn tìm một chỗ định cư trên đất Á châu.
Nhưng nó cũng có những khía cạnh bất lợi, như vị trí cô lập
đối với Ấn Độ, những tổn phí về bưu điện, và trình độ tri thức lạc hậu của dân
chúng nói chung. Những điều bất lợi đó đã làm nghiêng lệch đòn cân và làm cho
chúng tôi chọn xứ Ấn Độ.
Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được một nơi
nào vừa ý và chưa có một kế hoạch nào nhất định. Trong một dịp đến Madras,
vài bạn đạo đề nghị với chúng tôi hãy đi xem một khu bất động sản có thể mua được
với giá rẻ. Chúng tôi được đưa đến khu ngoại ô Adyar, và vừa xem qua,
chúng tôi biết ngay đó là nơi cư trú thích hợp mà mình đang tìm kiếm.
Ngôi dinh cơ đồ sộ, những ngôi biệt thự lớn nhỏ dựa bờ sông,
cùng những dãy nhà phụ thuộc, vườn cây to bóng mát, những cây đa cổ thụ và rừng
thông ven bờ biển làm cho khu này càng thêm vắng vẻ u tịch, có thể dùng làm một
nơi ẩn cư lý tưởng với một phong vị thần tiên. Giá tiền phải trả là chín ngàn
ru-pi, tương đương khoảng sáu trăm đồng bảng Anh. Quả thật quá rẻ, hầu như chỉ
là một giá tượng trưng, và chúng tôi quyết định mua.
Một bạn đạo ứng trước một phần tiền, số còn lại do một bạn đạo
khác đứng ra vay mượn với những điều kiện thật dễ dàng. Sau đó, một thông tri lập
tức được công bố để kêu gọi sự đóng góp của các hội viên, và trong vòng một năm
sau, tôi rất hài lòng vì đã có thể thanh toán sòng phẳng khoản tiền vay mượn
trên và nhận đủ giấy tờ sở hữu khu đất.
Lý do khu đất này được bán với giá rẻ là vì Chính phủ vừa
phóng một đường xe lửa từ Madras đến Uty, một thị trấn cao nguyên
có khí hậu mát mẻ dưới chân dãy núi Nilgiri, làm thu ngắn lộ trình và sự
giao thông từ Madras lên miền núi chỉ còn một ngày đường. Nhờ đó, những
viên chức cao cấp của Chính phủ Madras có thể định cư trên vùng cao
nguyên sáu tháng mỗi năm để tránh khí hậu nóng nực của mùa hè, làm cho những
dinh cơ đồ sộ của họ ở Madras trở nên không còn giá trị cao như trước.
Khi trở về Bombay, chúng tôi bắt đầu lo chuẩn bị thu
xếp hòm xiểng, rương trắp, sách vở và đồ tư trang để chuyển đến Madras.
Chi hội Thông thiên học ở Bombay có tổ chức một bữa tiệc tiễn đưa trọng
thể trước khi chúng tôi lên đường.
Ngày 17, chúng tôi đáp xe lửa đi Madras để định nơi
cư trú tại Adyar. Khi đã yên nơi yên chỗ, chân sư M. hằng ngày đều đích
thân đến viếng bà Blavatsky tại trụ sở mới của chúng tôi.
Năm 1883 là một trong những năm bận rộn nhất, lý thú nhất và
thành công nhất trong lịch sử Hội Thông thiên học. Có bốn mươi ba Chi hội mới
được thành lập, phần nhiều ở Ấn Độ và do tôi tổ chức.
Những chuyến đi công tác của tôi đã trải qua trên bảy ngàn dặm
đường (độ mười hai ngàn cây số), có khi đi xe lửa, hoặc ngồi trên lưng voi, hoặc
đi bằng xe bò. Bà Blavatsky và tôi thường cách biệt nhau, bà thì ở nhà
coi sóc bài vở cho tạp chí Theosophist, còn tôi phiêu bạt khắp nơi trên
xứ Ấn Độ để diễn thuyết, chữa bệnh và thành lập những Chi hội mới.
Trong những tháng đầu năm, hàng đống thư từ được gửi đến Trụ
sở Hội tại Adyar từ các nước Âu Mỹ, chứng tỏ rằng thế giới càng ngày
càng chú trọng đến giáo lý Thông thiên học.
Xét vì cuộc đời của mỗi người trong chúng ta đều được cấu tạo
bởi vô số những chuyện lặt vặt không đáng kể, và vì tôi muốn cho câu chuyện tường
thuật của tôi được hoàn toàn trung thực, nên tôi đã kể lại nhiều chuyện nhỏ nhặt
để bổ túc vào cái bối cảnh lịch sử của Hội Thông thiên học nói chung. Những
chuyện tầm thường nhỏ nhặt đó cũng trình bày chúng tôi, những nhà tiền phong
khai sáng phong trào Thông thiên học, như những nhân vật sống rất bình thường,
tức là cũng giống như mọi người chứ không phải là những nhân vật phi phàm như
người ta thường suy tôn một cách quá đáng và thêu dệt thêm nhiều chuyện vô lý.
Nếu bà Blavatsky là người đã viết ra những bộ sách hi
hữu và độc đáo, thì hằng ngày bà cũng ăn sáng với hạt gà chiên rưới lên rất nhiều
mỡ, và tập Hồi Ký này chỉ trình bày mỗi nhân vật dưới hình thức tả chân chứ
không siêu việt hóa họ như một nhân vật lý tưởng. Bởi vậy, tôi cũng ghi lại một
chi tiết nhỏ, mà tôi cảm thấy khá thích thú vào lúc nó xảy ra, làm cho tôi muốn
ghi chép lại.
Phía sau nhà của chúng tôi tại Adyar có một con sông
nhỏ, làm cho chúng tôi luôn muốn bơi lội như sở thích đã sẵn có từ ngày xưa. Và
thế là chúng tôi rủ nhau xuống sông, luôn cả bà Blavatsky. Những người
Âu ở láng giềng chắc hẳn là rất ngạc nhiên khi thấy những
người da trắng như chúng tôi lại tắm chung với độ nửa chục người bản xứ màu da
sậm, cùng nhào xuống nước vẫy vùng và đùa giỡn với nhau một cách thân tình, cơ
hồ như chúng tôi không tin rằng mình thuộc về một chủng tộc cao quí hơn!
Tôi chỉ dẫn cho bà bạn tôi tập bơi lội, hay nói đúng hơn là
tập làm động tác sao cho khỏi chìm, và cũng chỉ dẫn luôn cho bạn Damodar thân
mến, anh bạn trẻ này lại là một người rất nhát gan. Anh ta là một trong số những
người sợ nước nhất mà tôi đã từng gặp. Anh ta bắt đầu run rẩy lập cập khi mực
nước mới ngập tới đầu gối, làm cho bà Blavatsky và tôi đều phải buông ra
những lời mỉa mai, châm biếm.
Tôi còn nhớ rõ sự việc ấy đã thay đổi ra sao. Tôi nói: “A
ha! Anh muốn trở thành một siêu nhân bằng cách nào khi thậm chí anh không dám để
ướt cái đầu gối của mình?”
Lúc đó, anh ta không nói gì. Nhưng ngày hôm sau, khi chúng
tôi lại cùng nhau đi tắm, anh ta thản nhiên phóng mình xuống nước và lội ngang
qua sông!
Lời nói châm biếm của tôi không ngờ lại có tác dụng đặc biệt
đối với anh ta, và anh đã quyết định rằng hôm ấy anh phải lội qua sông hoặc là
chịu chết!
Đó chính là bí quyết để trở thành một siêu nhân. Hãy dấn
thân! Đó là định luật để tiến hóa. Bạn có thể thất bại năm chục lần, hay năm
trăm lần, nếu cần; nhưng hãy cứ dấn thân tiến bước, và tiến lên mãi, nhất định
không chịu lùi, rồi sau cùng bạn cũng sẽ thành công.
Sự rụt rè thối chí không bao giờ rèn luyện nên một con người
đúng nghĩa, càng không thể xây dựng nên một thế giới tốt đẹp.
Nhận xét
Đăng nhận xét