Chuyển đến nội dung chính

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 147 (Nguyễn Tường Tam- Nhất Linh)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Nguyễn Mạnh Cường: Cái chết của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

Xung quanh cái chết của nhà văn Nhất Linh, 45 năm trước

TP - Nhà văn Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam, cử nhân khoa học Pháp, chủ súy nhóm văn chương Tự lực văn đoàn những năm ba mươi, bốn mươi thế kỷ trước.
Nhất Linh còn là đại biểu Quốc hội khóa I, là Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến,... thế nhưng ông từ chức và lưu vong.
Nhắc tới Nhất Linh, nhà thơ Tú Mỡ nói rằng đó là người vừa đáng yêu vừa đáng tiếc. Ông viết “Điều đáng tiếc là sau kháng chiến, anh đã theo bè lũ Ngô Đình Diệm vào Nam để rồi bị bè lũ ấy chèn ép, cắt mất nguồn sống đến nỗi uất ức phải tự tử”.
Vậy vì sao mà Nhất Linh tự quyên sinh?
Với tấm thẻ căn cước số F 13108 do Phủ thủ hiến Bắc Việt cấp ngày 19/2/1951 tại Hà Nội, ghi rõ: “Nguyễn Tường Tam, nghề nghiệp văn sĩ, nơi sinh tổng Ngọc Trục, Cẩm Giàng, Hải Dương, con ông Nguyễn Tường Nhu và bà Lê Thị Sâm...”, khoảng mùa xuân năm 1951, nhà văn Nhất Linh từ Hà Nội vào Sài Gòn cư trú.
Ở đây ông cho in lại các tác phẩm cũ và viết tác phẩm mới. Thời gian này vợ con ông cũng đã di cư vào Nam. Bà Nhất Linh (tức Phạm Thị Nguyên) mua một căn gác trong chung cư số 39 đường chợ An Đông, Chợ Lớn để lấy chỗ ở và buôn bán.
Sang năm 1955, ông lên Đà Lạt, lấy thú vui là chơi hoa phong lan. Năm 1958 Nhất Linh về ở luôn Sài Gòn hoạt động văn hóa. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Văn Bút Việt Nam (về sau là cố vấn).
Bấy giờ chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức tìm diệt người kháng chiến cũ. Luật 10/59 ra đời đã giết hại bao nhiêu thường dân vô tội, với phương châm là thà giết nhầm còn hơn bỏ sót. Nhất Linh cùng các nhà hoạt động khác thành lập mặt trận Quốc dân đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông.
Cuộc đảo chính tháng 11 năm 1960 thất bại, hầu hết những người liên can bị bắt. Chính quyền Diệm nhân cơ hội này cho bắt giam các nhân sĩ, lãnh tụ đảng phái, giáo phái khác... chỉ mình Nhất Linh được quản thúc tại gia hơn hai năm rưỡi. Ngày 5 tháng 7 – 1963 Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi ông có mặt lúc 7giờ30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn, và để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Ngày 6/7/1963, người chiến binh Nguyễn Văn Nam đã tống đạt lệnh này tới tận tay ông.
Trong hồi ký “Nhất Linh – cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết phát hành tại Sài Gòn năm 1964, những ngày cuối cùng của Nhất Linh được kể lại như sau:
“… Buổi sáng ngày 7/7/1963, Nhất Linh đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Các con đoán có lẽ ông đi họp ở đâu vì cũng đúng vào Chủ nhật tuần trước, tức 30/6 ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt.
Khoảng gần 10 giờ Nhất Linh về. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh người con trai. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay, ông mở bia, rót vào cốc nhỏ ra dáng suy nghĩ. Một sấp ronéo để trước mặt ông.
Đó là bản cáo trạng khá dày, trong đó có những lời kết tội như “phản quốc”, “xâm phạm an ninh quốc gia”. Trong suốt hơn một giờ, Nhất Linh vẫn giữ im lặng, suy nghĩ. Khoảng 11 giờ, với vẻ thảnh thơi, ông thay quần áo ngủ,  rồi dặn người con trai Nguyễn Tường Thiết: “Chiều nay con lại luật sư Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?”.
Con trai nói: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ  coi như là một dịp đi nghỉ mát”.
Nhất Linh đáp lại: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc”.
Nhất Linh đã chủ ý cho độc dược vào rượu uống. Khi gia đình phát hiện ra thì đã muộn: Cuối phòng, vẫn trên cái ghế xích đu, ông gục đầu hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn lên gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ gục.
Gương mặt êm ả, bình thản. Để ý lắm mới thấy một ít nước bọt rỉ ra ở khóe mép… Thân thể ông mềm, trong túi có một tờ giấy, đó là Di ngôn. Ông đã viết hai bản di chúc, một để trong túi áo ngực, một tờ dặn đưa cho bác sĩ Đặng Văn Sung, nhờ ông ấy chuyển ra ngoại quốc.
Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng… Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. 7/7/1963 Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”.
Theo Thế Uyên trong bài “Người bác” (TLVĐ trong tiến trình văn học dân tộc – NXB VHTT, năm 2000), đám tang ông có nhiều cảnh sát chiến đấu và mật vụ đi lẫn trong những người đưa đám. Đoàn đưa tang đầu tiên là một vòng hoa lớn, sau là một người mang ảnh Nguyễn Thái Học, tiếp theo là tấm ảnh chụp lại hình Nhất Linh do Nguyễn Gia Trí vẽ.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương viếng Nhất Linh đôi câu đối:
* Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt
* Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu.
Trừ bốn chữ “chứ sao, đâu chỉ” ra, còn là tên tác phẩm của ông.
Ngày 8/7/1963 phiên tòa bắt đầu xét xử. Trong số những can phạm, có người nào đó đã xé một chiếc áo đen làm thành từng mảnh chia cho mọi người, đeo cánh tay trái làm băng tang Nhất Linh, khiến cho chủ tọa phiên tòa ngỡ ngàng.
“Ủy viên chính phủ”, trung tá Lê Nguyên Phụ tòa án quân sự đặc biệt (người ký trát đòi Nhất Linh ra tòa) nói: “Bọn Quốc dân đảng để tang Nguyễn Tường Tam”. Thực ra theo Trương Bảo Sơn, hôm đó gần ba chục chính trị phạm có mặt tại phiên tòa đều đeo băng tang, chỉ trừ Phan Quang Đán. Kết thúc phiên tòa, mỗi bị cáo bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo.
Thi hài Nhất Linh được an táng tại nghĩa trang Giác Minh, sau được hỏa thiêu di cốt, gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu, quận 3, Sài Gòn.
Trước khi mất khoảng mấy giờ đồng hồ, Nhất Linh còn trò chuyện với con trai, khi người con gợi ý cha viết hồi ký, Nhất Linh đã bộc lộ: “Cậu cũng có ý định viết ba quyển. Cuộc đời làm báo của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết về hoa  phong lan”.
Ngoài di chúc gồm 71 từ nói rằng cuộc đời ông để lịch sử xử, ông còn dành cho người vợ một lời tuyệt mệnh, với 20 từ rất cô đọng:
“Mình, Mối tình của đôi ta hàng bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không… mong ước gì hơn nữa. Anh, Nhất Linh 7/7/1963”.
Ấy vậy mà đã 45 năm.
Để Trả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam Về Cho Lịch Sử
Trần Thanh Hiệp
ngày
Trích từ "Tạp chí Thế kỹ 21 xuất bản, USA, 2004, trang 128". Nhân dịp 41 năm ngày giỗ của văn hào Nhất Linh (7-7-1963 - 7-7-2004), vào cuối tháng 6 vừa qua, tạp chí Thế Kỷ 21 đã phát hành quyển "Nhất Linh - Người nghệ sĩ, Người chiến sĩ", gồm các bài viết của nhiều tác giả (Nguyễn Tường Bách, Võ Phiến, Trương Bảo Sơn, Anh Thơ, Tú Mỡ, Nguyễn Thị Vinh, Thụy Khuê, Đông Hồ, Linh Bảo, Trần Thanh Hiệp, Lê Đình Thông, Khoa Hữu, Bùi Bích Hà, Trần Khánh Triệu, Nguyễn Tường Thiết, Trương Kim Anh, Lưu Văn Vịnh, Phạm Phú Minh) về cuộc đời làm báo, hoạt động văn học nghệ thuật và chính trị, và một số tác phẩm điển hình của nhà văn Nhất Linh. http://phiem-dam.com/vanhoc57.htm

Tự hủy đời mình…
Trong quyển Nhất Linh, cây bút trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn, do Văn Hóa-Thông Tin xuất bản ở Hà Nội năm 2000, Nguyễn Tường Thiết có kể lại rằng, trên đường chở cha vào bệnh viện Grall để cấp cứu, “(…) tôi thò tay vào túi áo ngủ của cha tôi lấy ra một tờ giấy mà lúc ở nhà tôi không kịp xem. Trên một vuông kẻ ô, cha tôi để lại những hàng chữ cuối cùng trong đời ông. Đọc xong, gần như vô ý thức, miệng tôi cứ lập đi lập lại mãi một câu ‘’đời tôi để lịch sử xử’’…”. Giáo sư Nguyễn Thành Vinh – người hoạt động chính trị ở miền Nam Việt Nam, đầu thập niên 60 được coi như gần với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, trong cuốn hồi ký tập thể Biến Cố 11. Từ đảo chính đến tù đày, do Trần Tương tuyển chọn và biên soạn, xuất bản tại Saigon năm 1971, đã ghi lại đầy đủ lời tuyên bố trên như sau :
“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do,
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
7-7-1963”

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgxc55u3DFnlNcj9RWcrSxleyr4BBy7KKGorUYFdNwpTGE8GjckP3YxfvmPB60YK0i2f_UkU_66tnsg8u7CQAfhJn1PO4b38NnEoyu-Ojx05G-mhc1_0HgSgJs_16hW7ApLuLNLdOMZ2vuu/s1600/Nhat_Linh1.jpg
… để đời sau phán xét !
Để lịch sử xử” là một lối nói có thể hiểu theo nhiều cách, tùy hoàn cảnh, tùy thời đại. “Lịch sử”, ở phương Đông có nghĩa gốc là bản sách chép những việc đã qua của một người hay của một nước. Ý chính trong nghĩa này là sự ghi chép (phong tình cổ lục còn truyền sử xanh). Ở phương Tây, nghĩa vượt trội của từ “lịch sử” không phải là việc ghi chép mà là những kiến thức – nay đã thành khoa học – giúp chọn lựa những điều gì của quá khứ đáng ghi chép để ghi chép. Rồi từ đó người ta tách đối tượng của những công trình nghiên cứu ghi chép quá khứ, coi đối tượng ấy như một thực thể trừu tượng độc lập, có một đời sống riêng biệt, chẳng những trong dĩ vãng mà cả trong tương lai. Nhà văn nổi tiếng của Pháp, J.P.Sartre, có câu «Chúng ta sống trong lịch sử như cá sống trong nước.» Và nghĩa của từ lịch sử lại rộng thêm khi tiếng này được dùng để chỉ ký ức của loài người, sự phán xét của đời sau. Cách nói «lịch sử sẽ phán xét» (l’histoire jugera) là do hiện tượng trượt nghĩa (như trượt tuyết) này mà có.
Khi viết “để lịch sử xử”, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam muốn nói: để cho lịch sử phán xét hành động của ông. Gần bốn mươi năm đã trôi qua. Nguyện vọng cuối cùng này của ông đã được thỏa mãn hay chưa? Nhiều người, đồng chí, bạn bè, đồng nghiệp, thân nhân v.v… của ông đã bàn về cái chết của ông. Nhưng không vì thế mà có thể khẳng định rằng “để lịch sử xử”. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã không chấp nhận cho bất cứ ai – trừ đời sau – được quyền đánh giá việc làm của ông. Nhưng lịch sử – đời sau – là ai? Xử ai, Nhất Linh hayNguyễn Tường Tam hay Nhất Linh Nguyễn Tường Tam? Xử nghĩa là phán xét, nhưng phán xét về những gì, phán xét như thế nào v.v…? Biết bao nhiêu nghi vấn đã được đặt ra, còn được đặt ra. Chưa có giải đáp nào được coi là thỏa đáng. Sự thật, nói “để lịch sử phán xét” là suy nghĩ theo cách phương Tây. Trong môi trường này, dư luận làm nền tảng cho phán xét của lịch sư đồng thời là con kênh để các sự kiện được lưu trữ vào trí nhớ tập thể.
Việt Nam những năm 2000 không còn là Việt Nam những năm 60. Bước phát triển quốc tế của vùng đất này, phát khởi từ phần nửa sau thế kỷ XX, đã ngày càng gia tăng mức độ phương Tây hóa của nó. Dư luận Việt Nam bây giờ cũng phải lớn lên để tầm nhìn lịch sử của người Việt Nam được mở rộng mà phán xét. Và nó sẽ làm công việc Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã ủy thác. Để lại di ngôn “Đời tôi để lịch sử xử,” ông ký tên Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một tên gọi kết hợp ông chỉ mới dùng những năm cuối đời. Kết hợp con người làm văn học nghệ thuật và con người làm cách mạng chính trị. Cái chết rất đặc biệt của ông là cái chết của cả hai con người ấy, hay nói đúng hơn, cả hai con người này đã làm ra cái chết ngày 7-7-1963 của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
Lịch sử “chính danh” hay lịch sử “nhân danh”?
Muốn “để cho lịch sử xử” thì trước hết phải có “lịch sử” đã. Vậy lịch sử là gì? Cho đến nay, dù nhân loại đã bước vào kỷ nguyên khoa học thần kỳ, vẫn chưa có một định nghĩa nào – đúng tuyệt đối về lịch sử – vạch rõ được bản chất của lịch sử. Nhưng người ta tin rằng có một dòng diễn biến khách quan, thị hiện bằng một chuỗi biến cố có vẻ ngẫu hữu, theo chiều hướng tiến bộ, dưới sức đẩy của ba động cơ là ngẫu nhiên, tuân nguyên và tự do. Tạm gọi thứ lịch sử này là lịch sử “chính danh,” lịch sử viết bằng chữ hoa “Lịch Sử.” Bên cạnh lịch sử chính danh này còn có những lịch sử người ta nhân danh lịch sử chính danh để ghi chép theo một sử quan riêng. Hay lịch sử người ta nhân danh tự do mà làm ra. Tạm gọi những loại lịch sử này là lịch sử “nhân danh.” Do đó, có sự cách biệt giữa hai loại lịch sử và đã phát sinh tệ trạng ngụy tạo lịch sử, viết lại lịch sử với những quy mô cá nhân hay tập thể. Một tệ trạng đã gây biết bao thảm họa không thể phai mờ trong ký ức của loài người, và đặc biệt của những người Việt Nam hơn nửa thế kỷ bị chìm đắm trong các tội ác khủng bố, diệt chủng, dưới danh nghĩa giai cấp.
Trong trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, có những lý do để e ngại rằng vẫn còn những khoảng tranh tối tranh sáng xung quanh cái chết của ông. Những công trình nghiên cứu, ghi chép về thân thế và sự nghiệp của ông chưa đủ để cho lịch sử có thể phán xét thật công bằng công tội của ông, như ông muốn.
Một cá nhân, ở vào một vị thế nào đó trong xã hội – và đây là trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam – có thể viết cho riêng mình một lịch sử vi mô đóng góp vào việc việc viết nên lịch sử vĩ mô cho xã hội. Mấy luồng dư luận – chính quyền Ngô Đình Diệm qua bản cáo trạng của Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt truy tố ông về tội “xâm phạm an ninh quốc gia,” những đồng chí của ông có dính líu vào cuộc binh biến 11-11-60 phải ra tòa – đã không giúp làm sáng tỏ công tội của ông trước lịch sử, không cho thấy rõ lô gích nào đã đưa tới cái chết ngày 7-7-63 của ông. Người đời sau còn phải đẩy cho dư luận đi tới xa hơn nữa, để tìm ra ý nghĩa lịch sử của cái chết này. Dĩ nhiên, ai cũng có quyền nghĩ hay nói về cái chết ấy. Và càng nhiều người nghĩ hay nói thì dư luận càng đầy đủ. Nhưng điều nên tránh là đừng tự cho mình quyền “nhân danh” lịch sử vĩ mô để viết lại, theo chủ quan của mình, lịch sử vi mô Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Tốt hơn, nên trả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam về thời đại của ông để các sự kiện có tiếng nói. Như vậy ông sẽ được trả về cho lịch sử, điều tương xứng với sự nghiệp, phong cách của ông. Và để cho lịch sử phán xét ông.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và thời đại của ông
Muốn trả ông về cho lịch sử, trước hết phải trả ông về cho thời đại của ông. Để xem ông đã đột xuất như thế nào trước thời đại ấy.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sinh ra đời năm 1906 và 57 năm sau, năm 1963, ông tự kết liễu đời mình. Khoảng thời gian này, tuy rất ngắn trên dòng lịch sử, nhưng ở Việt Nam, nhiều biến đổi dồn dập xảy ra, trên khắp các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Nó là sự thể hiện của cuộc vận động Duy Tân đã bắt đầu từ thế kỷ trước, qua một tiến trình trong đó Việt Nam, từ một nước nô lệ lạc hậu, tự chuyển hóa thành một nhân xã độc lập đối với ngoại bang và một chủ thể chính trị trên đường dân chủ hóa nội trị. Hàng triệu người đã góp phần viết nên lịch sử vĩ mô này, bằng những lịch sử vi mô của mỗi người hay của mỗi nhóm họp lại. Để phán xét Nhất Linh Nguyễn Tường Tam không thể không tìm hiểu cách đóng góp và sự đóng góp – mà nhiều người thường tự ý thêm hay bớt – của ông vào lịch sử vĩ mô nói trên, qua hai con người Nhất Linh và Nguyễn Tường Tam. Sự thật khó mà chia phần một cách thật chính xác giữa Nhất Linh và Nguyễn Tường Tam. Nhất là khi sử dụng quyền tự hủy, ông đã nhân danh cả hai con người Nhất Linh và Nguyễn Tường Tam. Nếu dưới đây vẫn cứ phân chia thì đó chỉ là để thuận tiện cho sự trình bày mà thôi.
Nhìn dưới độ góc này, Nguyễn Tường Tam đã đột xuất trước thời đại, dưới tên gọi Nhất Linh – nhà văn, nhà báo, nhà hội họa, nhà trí thức, nhạc sĩ v.v…- cha đẻ của một loạt nhân vật hư cấu, những Lệ Nương, Loan, Dũng, Nhung, Nghĩa, Phương, Thái, Triết, Trương, Thu, Mùi v.v… Những nhân vật hư cấu nhưng linh hoạt như đang sống thực ở ngoài đời, tuy chỉ hiện hữu trong tưởng tượng. Những nhân vật, vì vậy, phản ánh được một bộ mặt nhất định của xã hội đương thời, mở ra được một chiều hướng đi lên cho cuộc sống. Trong từ ngữ chuyên môn của văn học, người ta gọi đó là “không gian văn chương” của Nhất Linh. Không gian cung cấp cho xã hội một kiểu mẫu sống, một rung cảm mới và và nhất là một ngôn ngữ mới, một văn phong mới. Công trình mở đường này đã khiến cho Nhất Linh được đồng thanh nhìn nhận là người mở đuờng cho văn học sử Việt Nam vào thời điểm thập niên 30, mang lại cho bộ môn tiểu thuyết một bước tiến bộ theo hướng nghệ thuật, và thổi vào báo chí tiếng Việt một sức sống vươn lên. Trong chừng mực đó, Nhất Linh đã đi vào lịch sử của đất nước.
Còn Nguyễn Tường Tam? Hành trình của con người “làm cách mạng” này không sáng tỏ như hành trình của Nhất Linh. Chẳng những ngoài xã hội mà cả trong gia đình ông, các bạn bè, văn hữu của Nguyễn Tường Tam cũng không ai biết đích xác về những hoạt động chính trị của ông. Theo tiểu sử nòng cốt của ông, do Nguyễn Ngu Í công bố ở Sài Gòn năm 1966, Nguyễn Tường Tam năm 1939 lập đảng chống Pháp lấy tên là Hưng Việt sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Năm 1942, Nguyễn Tường Tam ra ngoài nước để sang Trung Quốc, đứng vào hàng ngũ phe tranh đấu người Việt xu hướng quốc gia tại Liễu Châu. Ông hoạt động trong Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội với cụ Nguyễn Hải Thần và một thời gian có cả Hồ Chí Minh. Sau đó, ông về Côn Minh tranh đấu dưới màu cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cho đến giữa 1945, ông có về nước ở vùng Hà Giang nhưng rồi lại quay sang Côn Minh và đi Trùng Khánh. Khi đảng Cộng Sản Việt Nam cướp chính quyền dưới danh nghĩa Việt Minh thì Nguyễn Tường Tam vẫn còn ở ngoài, mãi đầu năm 1946 mới về nước. Tổ chức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội cũng dời địa bàn hoạt động về Việt Nam.
Để có lực lượng đối lập công khai với chính quyền cộng sản, một Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ra đời với Nguyễn Tường Tam làm Phó chủ tịch, bên cạnh Nguyễn Hải Thần, chủ tịch. Vào thời điểm này, dưới áp lực của Trung Quốc, và của tình hình mới do sự hiện diện của quân đội Pháp ở Việt Nam, hai phe quốc cộng ở Việt Nam phải thành lập một chính phủ Liên Hiệp. Nguyễn Tường Tam nhận lời tham gia, giữ chức vụ bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng ngày 5-3-1946, Nguyễn Tường Tam gửi thư cho Hồ Chí Minh xin từ chức bộ trưởng ngoại giao, nói rõ rằng quyết định rút lui của ông chỉ có tính cách “hoàn toàn cá nhân,” không “liên quan gì đến sự đoàn kết các đảng phái.” Bởi vậy, ông không cầm đầu phái đoàn Việt Nam sang Pháp tham dự cuộc đàm phán Việt Pháp tại Hội nghị Fontainebleau. Trước khi cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào gần cuối tháng 12-1946, Nguyễn Tường Tam lại trở qua Trung Quốc, cùng với cựu hoàng Bảo Đại tìm một giải pháp chính trị tranh thủ độc lập cho Việt Nam.
Việc này không đi tới kết quả cụ thể nào đối với Nguyễn Tường Tam và một số đồng chí cùng lưu vong với ông ở Trung Quốc. Năm 1949, tất cả những người này quyết định giữ vững lập trường không hợp tác với Pháp, cũng không bắt tay với cộng sản Việt Nam, dù để kháng chiến. Một trong những người này, Nguyễn Tường Bách, tác giả quyển Hồi ký nhan đề Việt Nam một thế kỷ qua viết rằng : “Đối với ý kiến của chúng tôi đi tìm một con đường mới để thoát khỏi bế tắc, anh Tam không biểu lộ ý nghĩ cụ thể, không tán thành hay phản đối việc chúng tôi làm. Xưa nay, anh không ép buộc ai phải theo ý muốn của mình cả, có thể vì thế mà anh không tổ chức được hàng ngũ đấu tranh có kỷ luật chặt chẽ (…)” Năm 1949, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội, tuyên bố không hoạt động chính trị nữa. Năm 1953, ông lên Đà Lạt ở ẩn, 1958 trở về Saigon, hoạt động văn nghệ, ấn hành tờ tạp chí Văn Hóa Ngày Nay, được 11 số thì đình bản. Ngày 7-7-1963, ông tự sát vì không chịu để tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử ông. Mặt khác , ông còn muốn chống lại “Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản.” Ông minh xác: “Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.”
Trong lịch sử chính trị cận đại Việt Nam chưa có một người làm chính trị nào chọn cái chết như Nguyễn Tường Tam. Trong chừng mực đó, ông cũng đã trở thành một nhân vật lịch sử, nhưng không theo lô gích chính trị. Sự thật, Nguyễn Tường Tam không trực tiếp hay gián tiếp liên hệ gì với nhóm quân nhân đảo chính, ngày 11-11-1960 tấn công Dinh Độc Lập nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia” đã được áp đặt cho ông vì nhu cầu đàn áp. Đã vậy, cũng không có đủ tội chứng để biện minh cho bất cứ một hình phạt nào ông có thể gánh chịu. Sau hết, vào thời điểm chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông ra xét xử trước tòa, trong dư luận quần chúng, chính quyền này đã tới bên bờ vực thẳm của tiêu vong. Cái chết của Nguyễn Tường Tam quả thật không phải là điều tất yếu của tình thế. Nhưng Nguyễn Tường Tamđã chết “để cảnh cáo” một bạo quyền.
Như vậy, có thể là Nguyễn Tường Tam đã chết theo hai lô gích. Hoặc là lô gích “luân lý” để tỏ bày cái “thượng dung” của một đấng trượng phu. Phải chăng Nguyễn Tường Tam đã trở lại với nhân sinh quan “Nho phong” mà ông vẫn còn thấm nhuần khi bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình? Hoặc là lô gích thẩm mỹ, Nguyễn Tường Tam đã trở thành một “nhân vật tiểu thuyết” của Nhất Linh ? Trong các tiểu thuyết của Nhất Linh người ta luôn luôn gặp những nhân vật, vì lý do này hay lý do khác, tính chuyện kết liễu cuộc đời mình một cách bình thường, tự nhiên. Phiên xử ngày 9-7-1963 của Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt là giọt nước làm tràn ly. Như một người viết tiểu thuyết đi tìm chi tiết dựng tác phẩm, Nguyễn Tường Tam đã thản nhiên bố trí cái chết của mình. Chết như vậy là một vẻ đẹp trong một toàn bộ thẩm mỹ mà tác giả, như Thượng Đế, có toàn quyền sắp xếp. Phải chăng vì vậy mà ông đã ký tên dưới di ngôn của mình là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam? Hai con người này đã nhập làm một để lấy một quyết định chót.
Ba mươi chín năm sau khi Nhất Linh Nguyễn Tường Tam nằm xuống, có lẽ nay và mãi sau vẫn còn những người tưởng nhớ đến ông. Dù muốn hay không muốn, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã là quá khứ mà những lớp người ở Việt Nam lựa chọn làm văn học nghệ thuật hay làm cách mạng chính trị đã mang trong mình. Trọng lượng của quá khứ ấy có thể nặng nhẹ, tùy theo cách đánh giá của mỗi người. Đối với một số người, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã làm xong công việc của một chặng trên con đường đổi mới nghệ thuật (xin xem Thảo Luận, nhà Xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn 1965). Đối với một số người khác – những người duy lịch sử, tự cho mình là Lịch Sử – sự đóng góp của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chỉ đáng kể trong một giới hạn nào đó thôi (xin xem Nhất Linh, cây bút trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn, nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nôi 2000).
Trong trí nhớ tập thể, vẫn còn những khoảng tối trên thân thế và sự nghiệp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Không dễ gì mà có được một “cây đàn muôn điệu” (văn, họa, nhạc) như ông. Lại thêm một vốn sống thượng vàng hạ cám, phong phú, không phải ai cũng có. Vậy tại sao Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã ngưng sáng tác sau Bướm TrắngXóm Cầu MớiGiòng Sông Thanh Thủy(1961)? Ông có mặt tại nhiều nơi, đã liên tục dấn thân cho cách mạng chính trị từ thập niên 30, lúc nào cũng ở trên cấp bậc lãnh đạo, vậy tại sao ông đã tuyên bố rút lui khỏi chính trường đầu thập niên 50 và hơn một thập niên sau, lại tự sát vì chính trị ? Những bí ẩn này gợi ý rằng sự hiểu biết của đời sau về nhân vật Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vẫn còn phải bổ sung. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có thể có một thái độ của khách bàng quan, trong khi chờ đợi.
Miền Nam Việt Nam đã mất vào tay Cộng Sản, điều mà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã lo ngại. Tất nhiên không hẳn hoàn toàn do những hành động ông lên án. Nhưng lịch sử đã bắt đầu việc phán xét và sẽ còn tiếp tục phán xét. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam không có ý định để lại cho đời sau một thông điệp với một nội dung nhất định nào. Vào cái tuổi 57 chưa hẳn quá về chiều của cuộc đời, ông đã lấy cái chết của mình để cảnh cáo những người cầm quyền bạo ngược, ngang nhiên chà đạp lên mọi thứ tự do và nhân phẩm, thứ giá trị khiến cho con người khác biệt được với các sinh vật khác. Không phải ai cũng lấy được một quyết định như vậy.
Phong thái lẫm liệt ấy hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Người Việt Nam có thể tự hào đã có một nhân vật Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trong lịch sử.
Trần Thanh Hiệp

  
Trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
Thụy Khuê
Tiểu sử Nhất Linh


 Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam(1), sinh ngày 25 tháng 7 năm 1906, tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, trong một gia đình sáu trai, một gái. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy, là công chức không dính líu đến văn nghệ và chính trị, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm, mất tích ở gần Hà Nội, đến Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, Tứ Ly Hoàng Ðạo - Nguyễn Tường Long, Nguyễn Thị Thế, Thạch Lam - Nguyễn Tường Lân và bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều là những người tham dự vào văn chương. Nguyễn Thị Thế và Nguyễn Tường Bách viết hồi ký về gia đình Nguyễn Tường; và năm anh em Nhất Linh có những đóng góp tích cực trong việc quản trị các cơ sở báo chí và nhà in của Tự Lực Văn Ðoàn.
 Thích văn chương từ nhỏ, năm 16 tuổi Nhất Linh làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi, có bài Bình Luận Văn Chương Về Truyện Kiều trong Nam Phong Tạp Chí.
 Cuối năm 1923 đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, viết Nho Phong. Lấy vợ và theo ban cao đẳng. Lúc đầu, năm 1924 học thuốc được một năm thì bỏ, chuyển sang học Mỹ Thuật, được một năm cũng bỏ.
 1926, Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Ðình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng  nghề vẽ và tìm đường đi du học.
 1927 du học Pháp. Ðậu cử nhân khoa học. Ở Pháp ông nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản.
 1930 trở về nước. Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Ðạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng Tiếng Cười, nhưng thiếu tiền, chưa ra được báo thì giấy phép quá hạn, bị rút.
 Từ 30 đến 32, Nguyễn Tường Tam dạy tư ở các trường Thăng Long và Gia Long. Ở đây ông quen với Trần Khánh Giư - Khái Hưng. Sẵn có tờ Phong Hóa của giáo sư Phạm Hữu Ninh vừa đình bản, Nhất Linh mua lại và tục bản tờ Phong Hóa.
 Kể từ ngày 22 tháng 9 năm 1932, báo Phong Hóa ra 8 trang lớn, chú trọng về văn chương và trào phúng, tạo ra ba nhân vật điển hình: Xã Xệ, Lý Toét và Bang Bạnh.
 Tự Lực Văn Ðoàn được thành lập năm 1933 với 7 người: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Ðạo, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí và Thế Lữ. Về vai trò lãnh đạo của Nhất Linh, Tú Mỡ kể lại:
 "Anh Tam thuê một cái nhà nhỏ ở ấp Thái Hà để mấy anh em làm việc. Tôi đi làm thì chớ, về đến đấy bàn bạc về cái tôn chỉ của nhà báo và soạn bài vở dự bị cho đủ in trong sáu tháng. Anh Tam vừa viết, vừa vẽ. Anh đặt ra mục này, mục nọ, giao cho mọi người. Anh có lối làm việc rất khoa học. Anh đã giao cho ai việc gì thì chỉ có chuyên việc ấy. Nhiều lúc tôi muốn viết những bài thuộc về loại khác, anh khuyên chỉ nên chuyên về một lối. Có lẽ là một điều rất hay cho chúng ta. Tôi có thể nói, anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy.2"
 Năm 1936, Phong Hóa bị đóng cửa vì Hoàng Ðạo viết bài châm biếm Hoàng Trọng Phu.
 Tờ Ngày Nay -trước đã ra kèm với Phong Hóa- tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh phát động phong trào Ánh Sáng cùng nhóm Tự Lực, chống lại các nhà ổ chuột ở các khu lao động.
 Năm 1939 Nguyễn Tường Tam lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Ðại Việt Dân Chính. Hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực trở thành công khai.
 Năm 1940, Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đầy lên Sơn La, đến 1943 mới được thả. Trong thời gian này, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay.
 Cuối năm 1941, Ngày Nay bị đóng cửa.
 1942 Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội vì bệnh lao.
 Tại Quảng Châu, Liễu Châu, gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh mới ở tù ra, Nguyễn Tường Tam cũng bị giam 4 tháng. Trong thời gian từ 42 đến 44, ông học Anh văn và Hán văn, hoạt động trong Cách Mạng Ðồng Minh Hội, rồi về Côn Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Sự tranh chấp, bắt bớ và thủ tiêu giữa hai đảng Việt Minh và Việt Quốc càng ngày càng gia tăng. Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Giang với quân đội, nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh. Giai đoạn này đã được phản ánh trong Giòng Sông Thanh Thủy.
 Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay lại tục bản, khổ nhỏ, ngày 5 tháng 3 năm 1945 và trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, với Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách.
 Biến cố 19 tháng 8 năm 1945 bùng nổ. Việt Minh lên nắm chính quyền. Ngày Nay bị đóng cửa và phân tán.
 Sau chiến tranh Việt Pháp ngày 19 tháng 12 năm 1946, Khái Hưng rời Hà Nội, tản cư về quê vợ ở Nam Ðịnh. Tại đây, bị công an Việt Minh bắt, ông bị thủ tiêu năm 1947.
 Hoàng Ðạo và Nguyễn Tường Bách sang Trung Quốc. Hoàng Ðạo mất ở Quảng Châu tháng 8 năm 1948.
 Thời điểm năm 1946, Việt Minh và Quốc Gia chủ trương hòa hoãn và hợp tác. Ðầu tháng 6 năm 1946, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội. Hợp tác với chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ ghế bộ trưởng ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị trù bị Ðà Lạt. Ðược cử làm trưởng phái đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, nhưng ông từ chối và bỏ sang Tầu, gặp cựu hoàng Bảo Ðại, và ở lại Trung Hoa 4 năm.
 Năm 1951, ông trở về Hà Nội và tuyên bố không thuộc đảng phái nào, không hoạt động chính trị.
 Vài tháng sau, vào Nam, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản những sách Tự Lực Văn Ðoàn.
 Năm 1953 lên Ðà Lạt ở ẩn, sống với hoa lan ven suối Ða Mê.
 1958 rời Ðà Lạt về Sài Gòn, chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay, phát hành được 11 số thì bị đình bản.
 Dính líu đến vụ đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960, ông bị chính quyền Ngô Ðình Diệm gọi ra xử ngày mùng 8 tháng 7 năm 1963. Nhất Linh uống thuốc độc tự tử ngày mùng 7 tháng 7 năm 1963.
*
 
 Trong 40 năm hoạt động văn học và chính trị, Nhất Linh đã hoàn thành trên 20 tác phẩm, và những sách sau đây đã được xuất bản:
 Nho phong, viết năm 1924
 Người quay tơ, 1926
 Anh phải sống, viết chung với Khái Hưng  1932-1933
 Gánh hàng hoa, viết chung với Khái Hưng  1934
 Ðời mưa gió, viết chung với Khái Hưng  1934
 Nắng thu, 1934
 Ðoạn tuyệt, 1934-1935
 Ði Tây, 1935
 Lạnh lùng, 1935-1936
 Hai buổi chiều vàng, 1934-1937
 Thế rồi một buổi chiều, 1934-1937
 Ðôi bạn, 1936-1937
 Bướm trắng, 1938-1939
 Xóm Cầu Mới, 1949-1957
 Viết và đọc tiểu thuyết, 1952-1961
 Giòng sông Thanh Thủy, 1960-1961
Thụy Khuê
Paris 1996
Chú thích:
1 Theo tiểu sử Nhất Linh, Nguyễn Ngu Í, Sống Và Viết Với ..., Sàigòn 1966, Xuân Thư in lại, không đề rõ xuất xứ và năm tái bản. Trong phần chú thích, Nguyễn Ngu Í viết: "Tiểu sử này, do chính Nhất Linh đọc cho tôi viết và đã xem lại trước khi in, tôi xin giữ trọn vẹn và không thêm đoạn đời từ thu 1954 đến thu 1963, để giữ chút kỉ niệm về anh. Khi tái bản sẽ in bổ túc." Và Nguyễn Ngu Í mất tháng 8 năm 1977 tại Sài Gòn. Hình như sách chưa tái bản khi còn sinh thời Nguyễn Ngu Í, cho nên chúng ta không có được phần tiểu sử Nhất Linh từ 54 đến 63, do chính Nhất Linh biên soạn.
2 Trích Chân Dung Nhất Linh của Nhật Thịnh, trang 128-129, Ðại Nam tái bản, không đề rõ xuất xứ và năm tái bản, Tú Mỡ trả lời Lê Thanh trong bài "Phỏng vấn các nhà văn".


© Copyright Thuy Khue 1996, 2002
Tìm mộ Nhất Linh ở Hội An Phanxipăng
Nhà văn kiêm nhà báo tài năng Nhất Linh (1905 - 1963) hiện được an táng đâu?
Những tư liệu khả tín cho biết: năm 2001, di cốt Nhất Linh đã được chuyển từ Sài Gòn về chôn ở Hội An.
Kỳ lạ thay, từ ấy tới nay, tôi ghé phố cổ bên bờ sông Hoài, 
hỏi thăm nhiều người địa phương, kể cả các cán bộ ngành văn hoá, thì họ đều trả lời:
- Hội An không có mộ Nhất Linh!
Nhất Linh mang họ tên thật là Nguyễn Tường Tam, chào đời ngày 25-7-1905 (Ất Tị) tại thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, em ruột của Nhất Linh là Nguyễn Thị Thế viết trong Hồi ký họ Nguyễn Tường (NXB Sóng, Sài Gòn, 1974) rằng thẻ căn cước của anh mình ghi ngày sinh 1-2-1905 do Nhất Linh từng làm lại giấy khai sinh nhằm đủ tuổi dự thi, chứ thực tế năm sinh lại là 1906 (Bính Ngọ). Cần thêm rằng nguyên quán của Nhất Linh là làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; hiện thời là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thời học sinh trường Bưởi ở Hà Nội, Nguyễn Tường Tam đã đăng thơ trên báo Trung Bắc Tân Văn và đăng bài bình luận Truyện Kiều trên tạp chí Nam Phong. Năm 1923, thi đỗ tiểu học, rồi kết hôn với Phạm Thị Nguyên, quê làng Phượng Dực (1). Năm 1924, học y lẫn mỹ thuật ở Hà Nội, nhưng chỉ thời gian ngắn thì bỏ. Năm 1926, vào miền Nam, đoạn qua Cao Miên tức Campuchia. Năm 1927, sang Pháp, nghiên cứu nghề báo và nghề xuất bản. Năm 1930, tốt nghiệp cử nhân khoa học giáo khoa chuyên ngành lý hoá tại Pháp.
Trở về nước, Nguyễn Tường Tam dạy học tại các trường Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội. Năm 1932, làm giám đốc báo Phong Hoá. Năm 1933, thành lập Tự Lực Văn Đoàn gồm bản thân Nhất Linh và Khái Hưng (Trần Khánh Giư còn gọi Nhị Linh), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ). Sau, Tự Lực Văn Đoàn thêm Xuân Diệu và Trần Tiêu (2). Năm 1936, tờ Phong Hoá bị đóng cửa, tờ Ngày Nay kế tục phong trào.
Năm 1938, Nhất Linh lập Đảng Hưng Việt, rồi đổi tên thành Đảng Đại Việt Dân Chính. Từ ấy, Tự Lực Văn Đoàn công khai chống Pháp. Năm 1941, tờ Ngày Nay bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh dạt qua Quảng Châu, Trung Hoa, bị bắt giam 4 tháng, hoạt động trong Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Cách. Năm 1945, Nhất Linh trở về nước, ở Hà Giang thời gian ngắn liền quay lại Trung Hoa, chỉ đạo Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách tục bản báo Ngày Nay tại Hà Nội. Tháng 5-1945, tại Trùng Khánh, Trung Hoa, Nhất Linh sáp nhập Đảng Đại Việt Dân Chính và Đảng Việt Nam Quốc Dân thành Đảng Đại Việt Quốc Dân, gọi tắt là Việt Quốc.
Đầu năm 1946, trở về Hà Nội, Nhất Linh ra báo Việt Nam, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, và được đặc cách tham gia Quốc hội khoá 1 mà khỏi cần bầu cử. Cũng năm đó, dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, Nhất Linh làm trưởng đoàn Việt Nam đàm phán với Pháp. Được cử đứng đầu phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau nhưng Nhất Linh không đi mà trốn qua Trung Hoa, tham gia thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Việt Nam nhằm ủng hộ Bảo Đại.
Năm 1951, Nhất Linh về nước, mở Nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn. Năm 1954, sang Pháp chữa bệnh. Năm 1955, lên Đà Lạt sống, mê sưu tập phong lan. Năm 1958, xuống Sài Gòn, trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội Văn bút Việt Nam. Cũng tại Sài Gòn, từ năm 1958, Nhất Linh thực hiện giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay, phát hành được 11 số thì bị đình bản.
Năm 1960, Nhất Linh thành lập Mặt trận Quốc dân đoàn kết, ủng hộ đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông đảo chính nhằm lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Ngày 11-11-1960, cuộc đảo chính thất bại, chính quyền đương thời giam lỏng Nhất Linh trong nhà riêng gần chợ An Đông, dự định đưa ra toà án xét xử ngày 8-7-1963. Noi gương hoà thượng Thích Quảng Đức, Nhất Linh dùng độc dược tự tử vào ngày 7-7-1963, lưu lại những dòng tuyệt mệnh:
"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả."
Thơm danh liệt sĩ - nổi tiếng văn hào
Nhất Linh trút hơi thở cuối, để lại người vợ thân yêu Phạm Thị Nguyên cùng 7 con gồm 5 nam Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thạch, Nguyễn Tường Thái, Nguyễn Tường Thiết, và 2 nữ Nguyễn Thị Kim Thư, Nguyễn Thị Kim Thoa. Nhất Linh còn lưu cho đời cả loạt tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị, bao gồm các tập truyện ngắn Nho phong, Người quay tơ, Anh phải sống (viết chung với Khái Hưng), Đi Tây, Hai buổi chiều vàng, Thế rồi một buổi chiều, Thương chồng, các tiểu thuyết Gánh hàng hoa (viết chung với Khái Hưng), Đời mưa gió (viết chung với Khái Hưng), Nắng thu, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Bướm trắng, Xóm cầu mới, Dòng sông Thanh Thuỷ, tiểu luận Viết và đọc tiểu thuyết, cả bản dịch Đỉnh gió hú của Emily Brontë. Ngay sau khi Nhất Linh tự huỷ mình, nhà cầm quyền thuở ấy lập tức ra lệnh chôn ông gấp trong nghĩa trang chùa Giác Minh ở Gò Vấp vào sáng thứ bảy 13-7-1963 mà không chờ đợi con trai cả của người vừa khuất là Nguyễn Tường Việt từ Pháp về phục tang.
Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ bệ, lễ truy điệu Nhất Linh được tổ chức rất trọng thể tại sân Tao Đàn ở Sài Gòn. Bấy giờ, vang vọng áng văn tế Nhất Linh do thi sĩ Vũ Hoàng Chương soạn ngày 5-1-1964 mà đây là đoạn kết:
Hỡi ơi!
Tố Đoạn tuyệt thành hồ đoạn tịch, mộng dẫu chơi vơi nửa cuộc, sử còn thơm danh liệt sĩ Tường Tam;
Phượng Nhất Linh hề thiên nhất phương, lầu tuy ngơ ngác bên sông, gió vẫn nổi tiếng văn hào họ Nguyễn.
Năm 1975, tại Sài Gòn, Nguyễn Tường Thạch hoả thiêu di cốt cha, đoạn gửi bình tro trong chùa Kim Cương trên đường Trần Quang Diệu, quận 3.
Năm 1981, quả phụ Phạm Thị Nguyên từ Việt Nam sang Pháp đoàn tụ với các con. Bà mất năm đó, được an táng trong một nghĩa trang tại thủ đô Paris.
Năm 2001, toàn gia quyết định di dời hài cốt mẹ Phạm Thị Nguyên từ Paris và cha Nhất Linh từ Sài Gòn về Hội An. Sự kiện này được Phạm Phú Minh tường thuật trong bài Nấm cỏ đưa về tấc đất xuân đăng tạp chí Thế Kỷ 21 số tháng 7 năm 2002, và Khúc Hà Linh ghi nhận trong bài 12 năm cuối đời của người đứng đầu Tự Lực Văn Đoàn đăng báo Tiền Phong 24-2-2008 rồi in trong sách Anh em Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam: ánh sáng & bóng tối (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2008).
Hội An với nấm mồ Nhất Linh
Sau khi tiếp nhận các nguồn tin trên, tôi mấy lần ghé Hội An, hỏi một số người địa phương về nấm mồ Nhất Linh, đều nghe đáp: - Ở Hội An có từ đường Nguyễn Tường, chứ không có mộ Nhất Linh.
Mùa hè 2010, lại về thăm phố cổ, tôi quyết định dành thời gian tìm kiếm âm phần thủ lĩnh của Tự Lực Văn Đoàn, người từng chủ trương: "Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ". Thoạt tiên, tôi liên hệ với một số cơ quan chức năng tại đây. Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao thành phố Hội An là Võ Phùng cho biết:
- Chắc chắn không có mộ Nhất Linh ở Hội An.
Công tác tại Trung tâm kia, lại dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời lẫn sự nghiệp Nhất Linh, song nhà thơ Phùng Tấn Đông vẫn nhấn mạnh:
- Chưa hề dời mộ Nhất Linh từ Sài Gòn ra Hội An.
Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An là Nguyễn Chí Trung nói:
- Hội An không có mộ Nhất Linh. Nhân vật nổi tiếng vậy mà chôn ở Hội An thì dân địa phương biết liền chứ. Tuy nhiên, anh thử tìm hiểu thêm, biết đâu...
Trần Tuấn - trưởng phòng kỹ thuật Palm Garden Beach Resort & Spa ở Cửa Đại - vừa lái xe đưa tôi đi, vừa cười:
- Chẳng khác mò kim đáy bể, anh Phanxipăng ạ!
Từ đường phái nhì Quảng Nam của dòng họ Nguyễn Tường trên đường Lê Quý Đôn, toạ lạc giữa các di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Khổng miếu và lăng ngài Tham tri Trần Ngọc Dao (3). Tôi tạt vào từ đường, gặp chị Nguyễn Thị Quyên. Chị tươi cười:
- Mộ nhà văn Nhất Linh cùng vợ và con gái Nguyễn Thị Kim Thư đã được gia quyến cải táng về Hội An ngày 28-4-2001. Dạo đó, các con của Nhất Linh gồm Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Thị Kim Thoa cùng đến đất này lo hiếu sự.
Trong từ đường, gian phía Tây có thờ chân dung Nhất Linh.
Nội dung bia mộ Nhất Linh đan xen Hán tự phồn thể lẫn giản thể và Việt ngữ. Chữ Hán: 錦江阮祥门第十世顯考号一灵阮府君之佳域 (4). Phiên âm: Cẩm Giàng. Nguyễn Tường môn đệ thập thế. Hiển khảo hiệu Nhất Linh Nguyễn phủ quân chi giai vực. Nghĩa: Cẩm Giàng. Họ Nguyễn Tường, đời thứ 10. Mộ thân phụ có hiệu Nhất Linh của chúng tôi. Chữ Việt: Sinh năm 1906. Mất năm 1963. Nam: Tường Việt, Triệu, Thạch, Thiết, nữ: Kim Thoa, cháu nội: Tường Anh, Phong, Thao phụng lập 4-2001.
Chị Quyên nhiệt tình đưa tôi ra xã Cẩm Hà, tới Nghĩa trang nhân dân thành phố Hội An, bước vào khu âm phần dành cho tộc Nguyễn Tường. Trông thấy mộ vợ chồng Nhất Linh, ngay lập tức, Trần Tuấn thảng thốt:
- Hỡi ôi! Mộ Nhất Linh dời về đây từ năm 2001, lẽ nào người Hội An lâu nay mù tịt? Mộ bậc tài danh lẫy lừng mà sao nhỏ nhắn quá, bị chìm khuất quá, khó tìm kiếm quá!
Chị Quyên cất tiếng:
- Nghe tin tỉnh Hải Dương đang xúc tiến tạo dựng Khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn. Đúng không anh Phanxipăng?
Quả đúng vậy. Tại thị trấn Cẩm Giàng thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản cố trạch của Tự Lực Văn Đoàn đã được tổ chức ngày 9-5-2008. Ngày 17-12-2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành công văn chỉ đạo quy hoạch khu vực cố trạch của Tự Lực Văn Đoàn tại thị trấn đó. Tháng 4-2009, UBND huyện Cẩm Giàng lập ban chỉ đạo quy hoạch; và theo kế hoạch thì giai đoạn 1 tạo dựng Khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn đạt diện tích 1,2ha, trong đó có công viên văn hoá, thư viện, nhà khách.
Thế thì với ngôi mộ của vị chủ soái Tự Lực Văn Đoàn là nhà văn kiêm nhà báo Nhất Linh, thành phố Hội An nên sớm trù hoạch và triển khai biện pháp tôn tạo khả thi nhằm mở thêm chốn giao lưu văn hoá bổ ích, đồng thời là điểm du lịch thú vị thừa khả năng cuốn hút đông đảo tao nhân mặc khách muôn phương.
____________
(1) Phượng Dực hiện là 1 trong 3 làng thuộc xã cùng tên ở huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Xưa, Đồng Khánh dư địa chí ghi nhận rằng "xã Phượng Dực thuộc tổng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội". Năm 1888, Pháp lập tỉnh Hà Đông, có phủ Thường Tín gồm 3 huyện Thanh Đàm, Thượng Phúc, Phú Xuyên. (2) Qua bài Phải chăng Trần Tiêu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn? đăng tạp chí Văn Học 7-2008, Cù Huy Hà Vũ cho rằng Trần Tiêu chưa bao giờ là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn.
(3) Có thể tham khảo bài Phó bảng của Phanxipăng đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 868 (11-1-2010) rồi truyền lên mạng Chim Việt Cành Nam ngày 18-12-2010 http://chimviet.free.fr/giaoduc/phanxipang/phanxipn_phobang.htm
(4) Bút hiệu / bút danh chính của Nguyễn Tường Tam 阮祥叄 là Nhất Linh được ghi kiểu kép 壹零 còn bia lại khắc kiểu đơn 一灵. Qua bài Nấm cỏ đưa về tấc đất xuân, Phạm Phú Minh phê bình tấm bia này: "Riêng chữ thứ 9 từ trên xuống, có lẽ do thợ khắc sai, không có nghĩa, được đoán là chữ chi ". Kỳ thực, chữ chi cũng được thể hiện theo dạng "thượng sơn, hạ nhị" như vậy, chẳng hạn bia nơi mộ Tăng Bạt Hổ trong khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở Bến Ngự, Huế. Có thể tham khảo bài Tăng Bạt Hổ có họ tên thật là gì? của Phanxipăng đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 752 (22-10-2007) và truyền vào mạng Chim Việt Cành Nam http://chimviet.free.fr/lichsu/phanxipang/phanxipn_tangbatho.htm

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1905 - 1963). 
Tranh: Nguyễn Gia Trí
Di ảnh vợ chồng Nhất Linh được thờ tại Từ đường phái nhì 
dòng Nguyễn Tường ở Hội An. 
Ảnh: Phanxipăng
Bia mộ Nhất Linh ở Hội An. 
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng viếng mộ vợ chồng nhà văn Nhất Linh ở Hội An. 
Ảnh: Trần Tuấn


  
Thế Rồi Một Buổi Chiều - Truyện ngắn của Nhất Linh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MIỀN TÂY HOANG DẠI

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/153

VẪN THẾ MÀ!