Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

VÕ THUẬT TINH HOA 67/r

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
CON ĐƯỜNG VÕ HỌC | CDVH #16 FULL | Duy Nhất miệt mài luyện tập tuyệt kĩ môn phái Kim Ô - Quyền Tứ Mã


Kỳ nhân làng võ - Kỳ 11: Tuyệt kỹ Tứ mã liên hoàn

0 Ngọc Thiện

Kỳ nhân làng võ - Kỳ 11: Tuyệt kỹ Tứ mã liên hoàn 



Một vụ va quệt xe máy, 3 tráng niên hung hăng tính “mần thịt” ông già tóc bạc da mồi. Kỳ lạ thay, lão tiền bối tuy vóc dáng hom hem nhưng xuất thủ nhanh như sóc, khẽ xoay mình theo “bát quái bộ” vung “phụng nhãn” phản đòn, lập tức 3 gã lực lưỡng ngã lăn kềnh, chúng đâu ngờ rằng đã đụng nhằm Khổng Thọ - cao thủ Bạch Mi phái.

Lão võ sư Khổng Thọ  - Ảnh: N.T
Lão võ sư Khổng Thọ  - Ảnh: N.T
Võ sư Khổng Thọ sinh năm 1937, người Triều Châu, tên giấy tờ là Khổng Đức Bân (Bân tiếng Quảng Đông nghĩa là “Bánh”) vì thế võ lâm Chợ Lớn đặt biệt danh “Triều Châu Bánh” (còn gọi là “Bánh Súc” tức chú Bánh).
Vốn sáng dạ, siêng năng nên khi mới 12 tuổi, Khổng Thọ được sư phụ Diệp Quốc Lương (võ sĩ kiêm lực sĩ, đại cao đồ của danh sư Tăng Huệ Bác) hết mực thương yêu đã dốc hết “ruột gan” truyền những tuyệt kỹ tinh hoa của võ phái như Thạch Sư, Tam Môn, Thập Bát Ma Kiều, Tam Công Hổ Bộ, Mãnh Hổ Hạ Sơn, Ngũ Hành Ma Quyền, Địa Sát, Cao Mã, Tứ Môn Bát Quái, Long Hình Bức Đả, Ngũ Mã Quy Tàu (côn), Dạ Lộ Đao, Mai Hoa Thương, Trầm Hương Quải, Đông Giang Đại Bà (chĩa ba)... Trong hơn 30 bài quyền và binh khí học được, “Bánh Súc” tâm đắc Tứ mã liên hoàn quyền bởi tính thực dụng trong chiến đấu, nếu luyện thuần thục, một người thấp bé nhẹ cân dễ dàng hạ gục cùng lúc 5, 6 đối thủ lực lưỡng.
Thời gian đầu vừa học vừa theo đoàn lân, nhưng do sinh kế, năm 18 tuổi, ông Khổng Thọ bỏ cặp dùi trống, cởi bộ đồ lân rời Liên Thắng đường theo người anh làm thợ “độ” xe gắn máy (tiệm ở đường An Bình, Q.5), ban ngày “xoáy xú páp” tối đến theo Diệp sư phụ loang côn, múa quyền. Đây là “lò” chuyên “phù phép” xe Honda với các thủ thuật xoáy nòng, đôn cốt cam, cắt pít tông, cân phuộc, sắp sên nhông đĩa... một chiếc xe Honda 50cc sau khi “độ”, lúc tăng hết ga, vận tốc tối đa có thể đạt đến 160 km/giờ.
Trong thời gian này đã xảy ra nhiều xung đột dẫn đến các cuộc huyết chiến vô cùng tàn khốc do tranh giành khách, phá giá, gièm phe giữa các “lò độ xe” A Chúng (Nguyễn Hoàng, An Bình, Q.5), Tài Cống (Tạ Uyên, Trần Hoàng Quân, Q.5), Hai Châu (“lò” Thanh Tâm, Ngô Tùng Châu, Q.1), Tám Giàu (Tùng Thiện Vương, Q.8, sư phụ của tay đua Đặng Văn Quý), Bảy “tư cóc” (Nguyễn Văn Sâm, Ký Con, Q.1), A Cú (Ngô Tùng Châu, Q.1)... Nhưng khi đụng đến “lò Bánh Súc” là không một gã giang hồ nào dám manh động bởi không ít kẻ “hắc đạo” đã phải “cười đau khóc hận” khi được nếm công phu Tứ mã liên hoàn quyền của hảo hán “xì dầu” họ Khổng.
Lão võ sư Khổng Thọ nhớ lại: “Có lần vài tên giang hồ đã đến chỗ tôi muốn xin ‘tí huyết” của tôi. Chúng hò hét, hăm dọa và khiêu khích. Ban đầu tôi còn nhẫn nhịn, không phản ứng để muốn yên ổn làm ăn. Nhưng mình càng muốn im lặng thì bọn chúng lại càng lấn tới. Thế là tôi buộc phải tự vệ bằng cách thi triển Tứ mã liên hoàn. Đây là bài danh quyền của Thiếu Lâm Bạch Mi, khi xuất chiêu tay trái “cầm nã” (chụp, bẻ, vặn, nắm cổ tay đối phương), tay phải sử dụng “phụng nhãn” (mắt phụng, quặp ngón trỏ lại điểm vào huyệt đạo địch thủ bằng đốt xương thứ hai), khi công kích, chân sải tới 4 bước (tứ mã) khiến đối phương không còn đường lùi. Nhờ bài danh quyền này mà tôi đã không ít lần hạ gục nhiều tay giang hồ dữ dằn vùng Chợ Lớn”.
Sau năm 1975, “Bánh Súc” sửa xe gắn máy tại tiệm Minh Thế (Nguyễn Trãi, Q.5, gần “Phở Lệ”), dần dần do tuổi cao, ông giã từ cờ lê, mỏ lết chuyển sang làm cố vấn võ thuật cho đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa. Nhiều thanh thiếu niên nghe danh, tìm đến bái sư xin truyền “vài miếng” phòng thân nhưng “Bánh Súc” nhất mực chối từ bởi theo ông, tìm được đệ tử tâm đắc chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng Khổng tiền bối vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và hoạt bát nhờ hàng chục năm khổ luyện công phu Bạch Mi. Niềm vui của “Triều Châu Bánh” bây giờ là mỗi sáng chạy xe Honda từ nhà (Q.Gò Vấp) lên Chợ Lớn nhâm nhi cà phê và luận đàm võ thuật cùng bằng hữu.
Ngọc Thiện

Kỳ nhân làng võ: Cao thủ 'đao thương bất nhập'

09:46 Thứ hai 12/05/2014


Võ sư Châu Chí Hùng, người sáng lập Trung Nghĩa đường - Ảnh: N.T
Lão võ sư Châu Chí Hùng tên thật là Châu Giam Văn, sinh năm 1923 tại Thượng Bình (Quảng Đông, Trung Quốc) trong một gia đình chuộng võ và trật đả gia truyền. Vì thế lên 5 tuổi, Châu Chí Hùng được thân phụ gửi thọ giáo Thiếu Lâm Bắc phái với quyền sư Trần Đẩu và học khoa xương cùng HLV đội du kích Quảng Đông. Đến năm 8 tuổi, Châu Chí Hùng sang Hồng Kông học Nam Hồng quyền với võ sư Lâm Tổ (cháu danh sư Lâm Thế Vinh). Năm 1944, Châu Chí Hùng theo gia đình lưu lạc sang Việt Nam, nơi xứ lạ quê người, chàng thanh niên họ Châu mưu sinh bằng nghề đánh xe ngựa chở nước đá cây.
Một ngày nọ, vó ngựa bất ngờ dừng lại trước Phụng Sơn Tự (chùa Gò, Q.11, TP.HCM ngày nay) bởi “Lý xến xáng” - một tay “hảo công phu” đang thi triển thần oai: thương đâm yết hầu! Dòng máu võ đạo bỗng cuồn cuộn dâng trào, chàng xà ích vào bái sư phụ Lý Cẩu - cao thủ Châu gia quyền, xin thọ giáo. Từ đó, mỗi ngày hai thầy trò luyện công phu tại Tân Công đường. Ngoài quyền cước, Lý sư phụ còn chân truyền bí kíp luyện nội, ngoại, khí công cho cậu học trò tâm đắc, trong đó có nhiều bài đặc trưng như Tỏa hầu thương, Quan Công đao, Đại Phục Hổ quyền, Lữ Bố kích...
Sau đó, Châu Chí Hùng còn thọ giáo các quyền sư Châu Hiệu Minh, Châu Phòng và Chung Dưỡng, đến năm 1960 sáng lập Trung Nghĩa đường theo phong cách “Sơn Đông mãi võ” kết hợp múa lân và biểu diễn nội, ngoại, khí công kèm bán cao dán gia truyền. Từ đó, tên tuổi họ Châu vang lừng Chợ Lớn, là cao thủ đầu tiên phô diễn tiết mục lạnh gáy: đâm hai cây thương nhọn vào hai hốc mắt.
Châu Chí Hùng nổi tiếng Chợ Lớn với tuyệt đỉnh công phu Thiết Sa chưởng (dùng cạnh bàn tay chặt vỡ chồng gạch ống 10 viên), năm ngọn giáo nhọn đâm vào yết hầu và rốn, chặt vỡ sầu riêng, dừa tươi làm tám mảnh không cần điểm tựa, quấn cong hai thanh sắt dày 8 mm quanh cổ và tay, nằm ngửa trên bàn chông cho người cầm búa tạ đập vỡ chồng gạch tàu đặt ở ngực, đập nát dừa tươi, mía bằng ống quyển, dùng búa chẻ từng khúc củi đước (25 cm x 15 cm) đặt trên đầu... Nội lực phi thường và đôi tay cứng như gỗ đá của Châu sư phụ là thành quả khổ luyện Thiếu Lâm Kim Cang nội công và Kháng Đả Thần Công Thiết Bối Sam.
Sau ngày đất nước thống nhất, võ sư Châu Chí Hùng chữa gãy xương, trật khớp, phong thấp tại trạm y tế (Gia Phú, P.1, Q.6). Năm 1981, ông mở phòng mạch tại tư gia (336/16/52 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6); đến 1988, sáng lập đoàn lân sư rồng Quốc Hùng (năm 1999 đổi thành Quốc Hào).
Dù đã bước sang tuổi 91, Châu lão hổ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, nhưng luôn đau đáu một nỗi niềm bởi 12 người con (6 trai, 6 gái) chẳng ai theo nghiệp võ. Những lúc phòng mạch vắng khách, ông múa Tiểu Phục Hổ quyền rồi cầm cây chĩa ba vung vài đường cho... giãn gân cốt!
Lão võ sư Phan Thọ qua đời
Lão võ sư Phan Thọ - Ảnh: Đào Tiến Đạt
Tối 27.4, võ sư Phan Thọ (89 tuổi, ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định), chưởng môn võ đường Phan Thọ, đã từ trần sau thời gian dài điều trị bệnh. Ông là người thông thạo 18 môn binh khí của võ cổ truyền Việt Nam, 6 môn binh khí của võ Trung Quốc và 72 bài thiệu võ thuật. Cuộc đời của võ sư Phan Thọ để lại nhiều giai thoại trong giới võ thuật, nổi tiếng nhất là chuyện dùng đinh ba đánh chết lợn rừng và hạ nốc ao 2 sĩ quan tứ đẳng huyền đai và ngũ đẳng huyền đai môn taekwondo của Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1998, lần thứ 3 võ sư Phan Thọ hạ đo ván võ sĩ taekwondo của Hàn Quốc mới hơn 30 tuổi trong khi ông đã 73 tuổi khiến giới võ thuật phải nể phục. Ông có nhiều đệ tử nổi tiếng như: Đỗ Hượt, Lê Công Hoàng, Kim Dũng, Phan Trường Hận, Nguyễn Xuân Nam...
Hoàng Trọng


Kỳ nhân làng võ - Kỳ 2: 'Bát quái côn' của Đàm sư phụ

0 Ngọc Thiện
Kỳ nhân làng võ - Kỳ 2: 'Bát quái côn' của Đàm sư phụ
Đàm Canh là một trong 5 đại cao thủ Nam Hồng quyền được võ lâm Chợ Lớn tôn xưng Thất hổ Hồng gia phái (cùng Lý Long Biêu, La Duy, Huỳnh Thuận Quý, Lâm Minh Hào, Lương Sâm, Giang Hùng).
Kỳ nhân làng võ - Kỳ 2: 'Bát quái côn' của Đàm sư phụ - ảnh 1
Ông Đàm Xây, con trai thứ 5 của ông Đàm Canh - Ảnh: N.T 
Đàm Canh sinh năm 1913, tại thôn Sa Long, huyện Phan Ngư, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Từ nhỏ, ông đã được thừa hưởng những tố chất mạnh mẽ, gan dạ và cương trực của con nhà võ. Giai thoại về ông được chính gia đình kể lại là, khi Đàm Canh mới 4 tuổi đã từng bị cha bắt “đứng tấn” tàn hết cây nhang. Cha ông là Đàm Huy - khi đó là trưởng thôn, đã vận động trai tráng tập Nam Hồng quyền để chống lại nạn trộm cướp và bạo hành. Môn quyền này do danh sư Đàm Mẫn, vốn là đệ tử chân truyền của Đàm Nhường - con trai sáng tổ môn phái Đàm Nghĩa Quân, huấn luyện. Ngoài việc được luyện công, Đàm Canh còn sớm chịu ảnh hưởng thân phụ về võ thuật. Bởi thế Đàm Canh dành nhiều thời gian luyện võ, có lúc tập cùng thầy, có lúc tập một mình rất say mê. Năm lên 10, Đàm Canh đã có thể đánh ngã một gốc cây to.
Năm 1920, do diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, ông Đàm Huy dẫn gia đình chạy loạn sang Việt Nam, dừng chân lập nghiệp tại đường Nhân Vị (nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM). Được một thời gian ngắn, Đàm Canh được thân phụ đưa trở lại Quảng Đông học văn hóa, y học và võ thuật, sau 12 năm mới quay về Việt Nam, mưu sinh bằng nghề bán thịt heo ở chợ Bàn Cờ.
Những lúc rảnh, Đàm Canh tập hợp tiểu thương lại rồi biểu diễn múa côn, đi quyền, nhờ đó thu nạp nhiều đệ tử. Có lần đang múa bài Ngũ hình quyền thì một tốp cảnh sát đi trên hai xe Jeep ập vào bao vây, gã trung úy lệnh cho Đàm Canh rằng “nếu múa thấy hay sẽ không giải về bót!” (giai đoạn này thực dân Pháp cấm truyền bá võ thuật nơi công cộng), Đàm Canh bèn thi triển thần oai Bát quái côn, ánh côn loang loáng che kín khắp thân mình đến một con ruồi bay không lọt, tên trung úy gật gù khâm phục, lẳng lặng cùng đám cảnh sát lên xe bỏ đi. Bát quái côn là bài binh khí cao cấp của Nam Hồng quyền, chuyên điểm vào huyệt địch thủ, côn dài 2,2 m, một đầu lớn một đầu nhỏ nên còn được gọi là Thử Vĩ côn (côn đuôi chuột).
Một lần qua lò heo Chánh Hưng (Q.8) chở thịt về bán, Đàm Canh bị một gã trùm du đãng bến Phú Định tay lăm lăm dao bầu chặn đường đòi “nạp tiền mãi lộ”. Quá bức bách, Đàm cao thủ đành phải ra tay. Ông chụp vội tay đòn bằng tre (dùng cân heo), đường Bát quái côn của chàng buôn thịt vùn vụt như ánh chớp, đánh văng con dao trong tay gã du đãng đồng thời trở đầu côn “dích” một phát tét đầu tên giang hồ to con, hung hãn khiến gã tâm phục khẩu phục bèn năn nỉ xin theo thọ giáo Đàm sư phụ. Thời đó, ông là một trong 5 đại cao thủ Nam Hồng quyền được võ lâm Chợ Lớn tôn xưng Thất hổ Hồng gia phái (cùng Lý Long Biêu, La Duy, Huỳnh Thuận Quý, Lâm Minh Hào, Lương Sâm, Giang Hùng).
Đầu 1940, Đàm Canh mở phòng mạch chữa trật đả và dạy võ. Đến 1953, sáng lập Trung Sơn đường nhằm tưởng nhớ nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Cao thủ Nam Hồng quyền là một trong số những người sáng lập Tây Đề võ thuật nghiên cứu xã năm 1950, trụ sở tọa lạc trên đường Quảng Đông (nay là Triệu Quang Phục, Q.5, cạnh Tam Sơn hội quán). Tiếc cho Đàm sư phụ phải từ giã cõi đời khá sớm ở tuổi 53 (năm 1966) do lao lực.
10 người con của Đàm Canh chỉ có con trai thứ năm là Đàm Xây (nay đã 73 tuổi, tên Việt là Huỳnh Tô Tử, theo họ mẹ) nối nghiệp tiền nhân về võ thuật và y học. Đáng buồn là sau nửa thế kỷ chiến tranh loạn lạc, cái tên Trung Sơn đường lừng lẫy đã không còn tồn tại. Ông Đàm Xây hiện chữa trật đả theo phương pháp y học cổ truyền, vì nhiều lý do, ông không còn dạy võ dẫu biết rằng tuyệt đỉnh công phu Bát quái côn của tiền nhân sẽ thất truyền theo thời gian.
Ngọc Thiện

Kỳ nhân làng võ - Kỳ 3: Trần cao thủ với tuyệt kỹ Cổn Đường đao

0 Ngọc Thiện
Kỳ nhân làng võ - Kỳ 3: Trần cao thủ với tuyệt kỹ Cổn Đường đao
“Thật buồn là khắp vùng Chợ Lớn bây giờ chẳng còn ai có đủ trình độ lột tả được hết tinh hoa của bài Cổn Đường đao như sư phụ Trần Thế Vinh khi xưa” - võ sư Huỳnh Chí Dân tiếc nuối.

Lão võ sư Trần Thế Vinh (giữa) - Ảnh: N.Thiện
Lão võ sư Trần Thế Vinh (giữa) - Ảnh: N.Thiện
Lão võ sư Trần Thế Vinh sinh năm 1933 tại huyện Nam Hải, Phật Sơn, Quảng Đông (Trung Quốc), gia đình lưu lạc vào Sài Gòn định cư tại hẻm 89 Hàm Nghi (Q.1). Năm 1957, nhà bên cạnh rước quyền sư Trần Nhất Minh (Trần Chiêu) - cao thủ Hùng Thắng Thái Lý Phật về dạy võ cho con trai. Biết cao nhân xuất hiện, thanh thiếu niên trong hẻm rần rần đóng tiền xin theo học, trong đó có chàng trai 24 tuổi Trần Thế Vinh (thường gọi “Chú Cai”) do mẹ bán cải ở chợ Bến Thành.
Sau 6 tháng, quyền sư Trần Nhất Minh nghỉ dạy, sáng lập đội lân Chấn Võ, trụ sở tọa lạc đường Lý Thành Nguyên (nay là Đỗ Ngọc Thạnh, Q.11), Trần Thế Vinh cũng theo chân sư phụ tiếp tục luyện võ cùng các sư huynh đệ Đường Chấn Quang, La Thanh Tuyền, Trương Long, Trương Hoa, Hồ Văn Kiệt, Ngầu Xây, Mã Châu, Lâm Bác Vinh, Ngô Văn Long, Ngụy Quốc Hoa, Cam Tích Đức...
Sáng đi làm đồng ô tô, trưa đạp xe hàng chục cây số từ nhà tới võ đường học với thầy đến khi mặt trời lặn, cứ vậy suốt 28 năm ròng, Trần Thế Vinh miệt mài khổ luyện tới lúc sư phụ qua đời (1985). Trong hàng chục cao đồ, ông Trần Nhất Minh rất ưu ái Trần Thế Vinh bởi không chỉ siêng năng, trung hậu mà còn trùng... họ Trần (thầy võ người Hoa coi trọng điều này), do đó, ngoài kỹ năng múa lân, Trần sư phụ dốc lòng chân truyền những tuyệt kỹ công phu Hùng Thắng Thái Lý Phật như Truy Hồn đao, Phục Ma côn, Phong Ma trượng, Túy Tửu Bát Tiên, La Hán Phục Hổ quyền, Kim Long phiến, Phi Phụng kiếm, Ngũ Hình quyền, Phong Lôi tán, Hồ Điệp phiến, Phụng Hoàng tiêu... trong đó có bài Cổn Đường đao danh bất hư truyền của môn phái.
Cổn Đường đao tổng cộng 76 chiêu thức, đánh theo vòng tròn, người thể hiện nằm ngửa loan đao huơ chân bao bọc thân mình như hình cánh cung, vừa múa đao vừa xoay tròn người, đường kính càng hẹp càng cho thấy công phu luyện tập đã đạt đến độ tinh xảo. Thập niên 60 -70 thế kỷ trước, Trần Thế Vinh là cao thủ duy nhất Sài Gòn - Chợ Lớn biểu diễn tuyệt kỹ Cổn Đường đao lăn mình trên một chiếc bàn gỗ tròn (loại bàn chân xếp đường kính khoảng 1 m, cao độ 1,2 m), đôi chân không hề chạm đất.
Trần Thế Vinh kể lại: “Có lần tôi biểu diễn mấy chiêu Cổn Đường đao cho những người trong môn phái và vài người thân thuộc xem, họ thích quá nên đề nghị tôi ra biểu diễn rộng rãi để vừa truyền bá tuyệt kỹ này, vừa kiếm tiền. Tôi nghĩ học võ là trước hết để bảo vệ mình, hành nghĩa trọng đạo và chống lại cái ác. Hơn nữa, theo lời di huấn của sư phụ “Con phải cố công phát dương môn phái!”, nên tôi thiên về hướng truyền bá chứ không xem đó là phương tiện để kiếm sống. Do vậy tôi đã tham gia truyền bá công phu Hùng Thắng Thái Lý Phật qua nhiều đoàn lân sư rồng Thắng Anh đường, Anh Nghĩa đường, Chấn Anh đường... và hiện giữ vai trò cố vấn tại đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa đường. Ngoài ra tôi sẵn sàng tham gia vào các đoàn lân sư rồng của nhiều hội đoàn khác khi có cơ hội để thi triển công phu này đồng thời giúp cho lớp hậu bối học hỏi, phổ biến”.
Dù giỏi võ và hành tẩu giang hồ không biết mệt nhưng ông Trần Thế Vinh luôn tâm niệm rằng người học võ phải có tinh thần thư thái, phải có cốt cách phi thường, luyện võ phải luôn tập trung, biết vận dụng đúng lúc bảo vệ cho phái đẹp. Chỉ khi đó thì công phu mới có thể phát huy hết tuyệt kỹ. Trong số sáu người con của ông chỉ có 3 con trai Trần Trí Hùng, Trần Trí Tài, Trần Trí Dương theo nghiệp võ, “Tôi không dạy võ cho nữ và người hay uống rượu, con trai lớn Trí Hùng biểu diễn Cổn Đường đao rất hoa mỹ, uy lực nhưng chưa đạt đến độ tinh xảo!” - lão võ sư 81 tuổi bùi ngùi.
Ngọc Thiện


Kỳ nhân làng võ - Kỳ 4: Truyền nhân Vịnh Xuân quyền

0 Ngọc Thiện
Kỳ nhân làng võ - Kỳ 4: Truyền nhân Vịnh Xuân quyền
Nói đến Vịnh Xuân quyền, những người yêu võ thuật ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn liền nghĩ ngay đến quyền sư Lục Viễn Khai và đồ đệ Lục Hào Kim, những truyền nhân đưa môn võ học này tồn tại và phát triển ở Việt Nam.

Kỳ nhân làng võ - Kỳ 4: Truyền nhân Vịnh Xuân quyền
Quyền sư Lục Hào Kim - Ảnh: N.T
Vịnh Xuân quyền do danh sư Nguyễn Tế Công truyền bá tại Hà Nội. Đến năm 1954, di cư vào nam, ông tiếp tục dạy môn công phu này tại Chợ Lớn cho 3 đồ đệ Quang Sáng, Trương Cao Phong và Lục Viễn Khai tại nhà nhị đệ tử Trương Cao Phong (tiệm may Thượng Hải, đường Đồng Khánh, Q.5). Ngoài dạy võ, Nguyễn Tế Công còn chữa trật đả, gãy xương tại tiệm thuốc Lôi Công đường (cạnh rạp hát Lido, Q.5).
Sau 8 năm thụ đắc Vịnh Xuân quyền từ Nguyễn sư phụ, Lục Viễn Khai chỉ truyền dạy cho 3 đồ đệ là bằng hữu Lương Kiều Vũ, bào đệ Lục Hào Kim và nữ võ sĩ Lý Huỳnh Yến tại tiệm photo Thần Quang (Tản Đà, Q.5), bởi Lục Hào Kim là thợ “tút rửa” ảnh tại đây và tiệm này có khoảng sân để luyện tập. Trong suốt thời gian truyền bá Vịnh Xuân quyền, không may quyền sư Lục Viễn Khai bị bệnh và ông tạ thế năm 1981, hưởng thọ 60 tuổi. Những gì ông truyền đạt lại đã được 3 đồ đệ nỗ lực giữ gìn, chỉ tiếc là người con trai Nguyễn Trí Thành lại không theo nghề võ.
Lục Hào Kim (sinh năm 1934) tại huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), vốn là vận động viên bơi lội, đến năm 22 tuổi mới theo sư huynh Lục Viễn Khai tập Vịnh Xuân quyền. Ông Lục Hào Kim cho biết: “Lấy nền tảng từ một môn võ có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, môn phái Vịnh Xuân quyền từ chỗ chỉ được truyền dạy âm thầm trong các gia tộc trở thành một trong những phái võ được nhiều người biết đến và say mê luyện tập nhất, với hàng triệu đệ tử và hàng chục hệ phái trên toàn thế giới”. Vịnh Xuân quyền chỉ duy nhất bài Tiểu Luyện Đầu. “Theo sư huynh tôi truyền lại thì môn phái không có Ngũ Hình quyền và nội công như ở Hà Nội, tại Hồng Kông, danh sư Diệp Vấn (sư phụ ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long - NV) gọi là Tiểu Niệm Đầu và chế tác thêm chiêu thức Trầm Kiều và Biêu Chỉ”, lão võ sư Lục Hào Kim tâm sự.
Bài danh quyền Tiểu Luyện Đầu gồm 36 chiêu thức như Vân trung hạc (hạc trong mây) là động tác khởi động, Hạc hình thư bộ (bộ pháp khoan thai), Đại Phật chuyển thân (luyện xoay eo lưng), Song xà xuất động (công kích địch thủ), Nhị tử kiềm dương mã (tấn pháp), Mai hoa bộ (thân, thủ, bộ pháp), Hạc hình (đánh chỏ, gối và 5 đầu ngón tay), Xà hình (hai tay dính liền với tay đối phương, luyện khớp dẻo dai), Tam tinh quyền (3 quả đấm thôi sơn liên hoàn) cùng 8 phương pháp gồm Thán (ém tay), Phục (đè tay), Bòn (lật vai), Trầm (ém tay), Xuyên (xỉa gạt từ dưới hất lên), Biếu (dùng Song chỉ thọc mắt), Lòn (lật mu bàn tay đánh lên), Tắc (dùng ức bàn tay đánh xuống).
Vịnh Xuân quyền không múa may hoa mỹ lại ít sử dụng đòn chân, chiêu thức tập trung ở mười đầu ngón tay, cạnh mu bàn tay và cùi chỏ, tấn công yếu huyệt địch thủ từ đỉnh đầu xuống thắt lưng như trán, mắt, cổ, họng, màng tang, yết hầu… Môn sinh phải luyện hai cánh tay linh hoạt, dẻo dai và uy lực qua phương pháp Tiêu đả (đối kháng, tiêu nghĩa là hóa giải, đả là tấn công), Niêm thủ (dính tay) kết hợp luyện đánh mộc nhân và bao cát mỗi ngày.
Năm 2014, quyền sư Lục Hào Kim bước sang tuổi 80 nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn, tráng kiện và minh mẫn. Mỗi ngày hai giờ ông lên tận tầng 3 luyện Tiểu Luyện Đầu, đánh mộc nhân và bao cát. Ngoài dạy kèm Vịnh Xuân quyền cho vài đồ đệ tại tư gia, quyền sư còn dành thời gian vẽ tranh thủy mặc (ông là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam).
Ngọc Thiện


Kỳ nhân làng võ - Kỳ 5: Thái Tử Nghiêu và tuyệt kỹ Mai Hoa chưởng

0 Ngọc Thiện
Kỳ nhân làng võ - Kỳ 5: Thái Tử Nghiêu và tuyệt kỹ Mai Hoa chưởng
Thái Tử Nghiêu sẵn sàng truyền dạy tuyệt kỹ Mai Hoa chưởng - Ảnh: Ngọc Thiện Thái Tử Nghiêu sinh ngày 20.8.1930 tại làng Độc Tự Giang, huyện Tam Thủy, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Thuở nhỏ, cậu bé nghèo có cái tên như… con vua này luôn ốm đau bệnh tật, vì thế năm lên 7 tuổi, người con duy nhất trong gia đình họ Thái được cha cho thọ giáo môn phái Hồng gia. Học được 2 năm thì bóng ma chiến tranh ập tới, gia đình “vị thái tử” phải chạy loạn sang Việt Nam, dừng chân lập nghiệp tại chợ Thiếc (Phó Cơ Điều, Q.11) mưu sinh bằng nghề đan sọt.
Năm lên 10 tuổi, Thái Tử Nghiêu tìm đến Nhơn Nghĩa đường xin theo thọ giáo quyền sư Lưu Phú - võ phái Thiếu Lâm Châu gia (thuộc Nam phái, môn võ cương nhu phối triển, kết hợp Hồng gia và Thái gia), học cùng các sư huynh đệ Lưu Hào Lương, Tô Hữu, Khổng Quảng, Lư Diệu, Lâm Nhữ, Phan Ngạng (đoàn lân Trung Tín đường, Q.10), Trực Đạo, Lưu Mãng, Đặng Liêm, Dư Thượng Giai (Mã Chảy), Châu Cung Quận… Trùm du đãng vùng Chợ Lớn Tín Mã Nàm (Trần Hà Tư) từng mời quyền sư Lưu Phú về dạy võ tại nhà (đường Nguyễn Trãi, Q.5).
Do sinh kế, sau 3 năm khổ luyện võ công, Thái Tử Nghiêu đành buồn bã bái biệt sư phụ đi làm công nhân xưởng sản xuất dù, dẫu vất vả mưu sinh nhưng không vì thế mà niềm đam mê võ thuật trong lòng “thái tử” trở nên nguội lạnh. Ban ngày ông đi làm, tối về khổ luyện bên ánh đèn dầu công phu của Lưu sư phụ truyền dạy như Vạn Tự quyền, Tứ Bình quyền, Mai Hoa chưởng, Song công phục hổ, Lục Giác tạng, Ngũ Hình quyền, Tỏa Hầu thương, Cửu Hoàn đại đao, Lữ Bố kích… Nhằm tạo thu nhập đồng thời có cơ hội trau dồi nghề võ, buổi tối Thái Tử Nghiêu đi dạy Thiếu Lâm Châu gia thêm cho môn sinh. Khi bước sang tuổi 30, mái tóc của Thái Tử Nghiêu đã trở nên bạc trắng, vì thế võ lâm đồng đạo đặt cho biệt danh “Bạch Đầu Nghiêu”.
Trong hàng trăm bài quyền và binh khí Thiếu Lâm Châu gia, Thái Tử Nghiêu tâm đắc bài danh quyền Mai Hoa chưởng. Bài này tổng cộng 68 thế, khi thể hiện, tấn và thân pháp xoay bốn phương tám hướng tương tự cánh hoa mai bừng nở, quyền tung ra phải có kình lực hạ gục địch thủ nhanh chóng, luyện đôi tay không những cứng như thép mà còn phải uyển chuyển linh hoạt bằng cách đánh, đấm, xỉa, chọt mới đầu là bao mùn cưa đến bao cát rồi sỏi, đá dăm, hít đất liên tục với 10 đầu ngón tay, tung và chụp bắt quả tạ sắt nặng 3 kg… Tương truyền, đời nhà Nguyên bên Trung Quốc, vào một buổi sớm đầu xuân, Giác Viễn thiền sư đang ngoạn cảnh chùa, bỗng từ cội mai già, hàng ngàn nụ hoa rơi lả tả trước trận gió đông, vị cao tăng lập tức múa may theo hướng những cánh mai rơi, sau đó cảm hứng chế tác thành bài danh quyền Mai Hoa.
Nước da hồng hào, đôi mắt tinh anh, thân thủ linh hoạt, giọng nói sang sảng của lão võ sư 84 tuổi đã thuyết phục không ít người tìm đến ông xin theo học võ. “Tôi dạy Thiếu Lâm Châu gia tại công viên Phú Lâm từ năm 1996, ban đầu môn sinh đa số thanh niên trai tráng, về sau có thêm nhiều người cao tuổi tập dưỡng sinh tại đây, trông thấy tôi mạnh khỏe, minh mẫn lại còn tung quyền, múa kiếm, ngưỡng mộ bèn xin theo học” - lão võ sư vui tính cười cho biết.
Trước đây, mỗi sáng vị cao thủ Thiếu Lâm Châu gia từ nhà đạp xe ra công viên Phú Lâm đi về đôi lượt hơn 20 km nhằm mong truyền đạt cho hậu thế những tuyệt kỹ công phu. Vài năm trở lại đây, ông chuyển sang đi xe buýt, huấn luyện thể lực, các kỹ năng tự vệ chiến đấu cho khoảng 50 môn sinh đủ mọi lứa tuổi vào mỗi sáng trong tuần (từ 5 giờ 30 đến 11 giờ 30), buổi chiều ông dạy võ tại nhà (117/26 An Bình, P.6, Q.5) cũng như nhận đến dạy kèm tại tư gia cho những ai yêu thích võ thuật.
Ngọc Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét