Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

BÒ KÉO XE (Đăng lại)

 
Đàn bò vào thành phố

BÒ KÉO XE

 

Trưa nắng chang chang, con đường cháy bỏng
Có một chú bò è cổ kéo xe đi
Lọc cọc chiếc xe nặng nề lăn bánh
Ông lão gật gù nửa tỉnh nửa mơ

Nắng dữ quá, đường trưa vắng ngắt
È cổ, cố đi chậm chạp, chú bò
Sùi bọt mép, nhai lại phần rơm rác
Xua đỡ thèm thuồng vạt cỏ đồng quê

Sụp ổ gà, chiếc xe giật thót
Ông lão hết hồn, tức giận vút roi
Mắt chú bò thoáng mở to sửng sốt
Chợt nhớ càng xe buộc ách tôi đòi

                        *** 

Có một chiếc xe giữa trưa ì ạch
Ông lão ngồi trên nắng cháy bơ phờ
Có một chú bò lặng thinh vác ách
Dưới tầm roi, è cổ kéo xe đi

Mắt chú thẫn thờ, hoe đỏ, buồn so...



                                       Trần Hạnh Thu

 

Lời Bài Hát Tình ca du mục

Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời
Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng
Tìm em năm tháng thấy đâu hình bóng nàng
Em thân yêu ơi biết em giờ đây nơi đâu

Nhắn giúp cho ta chim ơi
Nhắn giúp cho ta mây ơi
Thảo nguyên bát ngát đem giấu em tan nơi nào
Lần theo dấu vết em đi
Tìm đâu cho thấy em yêu
Tình yêu đốt cháy trong tim phút giây nào nguôi
Tháng tháng năm năm trôi qua
Gió tuyết mưa rơi sương sa
Tình anh vẫn xanh như lá cây đang mùa xuân

Dù cho năm tháng phôi phai hình bóng nàng
Dù thời gian có xóa tan bao ước vọng
Hàng mi đen láy như nhung vì nắng chiều
Trên vai em tôi nỗi buồn dài theo mái tóc

Those were the days my friend
we thought they'd never end
We'd sing and dance
forever everyday
we'd live the life we choose
We'd fight and never lose
When we were young
and sure we have our way
La la la la...

Once upon a time there was a tavern
where we used to raise a glass or two
Remember how we laughed away the hours
and dreamed of all the great things we would do

Nhắn giúp cho ta chim ơi
Nhắn giúp cho ta mây ơi
Thảo nguyên bát ngát đem giấu em tan nơi nào
Lần theo dấu vết em đi
Tìm đâu cho thấy em yêu
Tình yêu đốt cháy trong tim phút giây nào nguôi
La la la la...
La la la la...

Tháng tháng năm năm trôi qua
Gió tuyết mưa rơi sương sa
Tình anh vẫn xanh như lá cây đang mùa xuân

Tháng tháng năm năm trôi qua
Gió tuyết mưa rơi sương sa
Tình anh vẫn xanh như lá cây đang mùa xuân
_____Lyrics_____
 
Tinh ca du mục - Triều Linh (Guitar: Thiên An)

Cuộc sống du mục Mông Cổ trong bộ ảnh đẹp mê mẩn

Thanh Long, Theo Mask Online 00:00 28/09/2014

Cùng hiểu hơn về cuộc sống những cư dân du mục Mông Cổ đã sống, chăn thả gia súc trên các thảo nguyên hàng ngàn năm qua.

Mông Cổ được biết đến là đất nước của những thảo nguyên bát ngát và là nơi cư trú của cộng đồng người du mục. Những người dân Mông Cổ chủ yếu di cư theo mùa và theo nhu cầu của động vật - tìm nơi chăn thả phù hợp, tránh thời tiết khắc nghiệt.

Cuộc sống "nay đây mai đó" cũng tạo cho nhiếp ảnh gia Brian Hodges nhiều cảm hứng sáng tác. Yêu thích sự khám phá, ông đã tới đây và sống nhiều tháng trong chiếc lều của một gia đình người Mông Cổ. 

Qua bàn tay nhiếp ảnh điêu luyện của mình, cuộc sống của người dân du mục giữa thảo nguyên hùng vĩ hiện ra đầy mê hoặc.

Dù diện tích rộng nhưng phần lớn đất đai ở Mông Cổ là đồng cỏ, thích hợp với chăn nuôi gia súc hơn để trồng trọt. 

Cùng với đó, khí hậu nơi đây tương đối khắc nghiệt, mùa hè nền nhiệt có thể đạt tới 40 độ C trong khi mùa đông, nhiệt độ trung bình xuống - 30 độ C. Điều này khiến cho không ít cư dân Mông Cổ rời bỏ nơi quê hương của mình, chuyển qua tìm việc ở các khu công nghiệp, mỏ.


Cuộc sống của người dân du mục Mông Cổ ngày nay không khác nhiều so với tổ tiên của họ, vẫn nay đây mai đó với túp lều tròn và một đàn gia súc - tài sản lớn nhất của mỗi gia đình. 



Tuy vậy, cùng với sự phát triển của thế giới, cuộc sống của họ ngày nay đã có thêm xe đạp, xe máy, các đồ gia dụng như tivi, máy giặt… lấy điện từ pin Mặt trời. 


Các túp lều tròn, người Mông Cổ gọi là Yurt hoặc Ger - một nét đặc trưng trong kiến trúc Mông Cổ. Người Mông Cổ đã bắt đầu xây dựng chúng từ thế kỷ XVI. Hai cột trụ đỡ bộ khung, tâm của vòng tròn là nơi đặt bếp lò. 

Bộ khung gồm 3 lớp: ngoài cùng là vải bạt trắng, lớp giữa là da thô bằng lông thú để cách nhiệt, lớp trong cùng là thảm trang trí. Trên mái lều có một khoảng trống đóng vai trò như đồng hồ, dựa vào bóng nắng rọi qua mà họ biết giờ chăn thả gia súc.



Các kích thước của lều được tính toán kỹ lưỡng để ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Đồ dùng sinh hoạt cũng được sắm sửa một cách tiết kiệm để tiện lợi cho việc di chuyển thường xuyên. Mỗi năm, một gia đình dân du mục “chuyển nhà” khoảng 7- 8 lần. 


Gia súc phổ biến của người dân du mục Mông Cổ là ngựa, cừu, bò và lạc đà, tại một số nơi lạnh hơn còn có thêm tuần lộc.


Ngựa là gia súc quan trọng nhất, cung cấp cho người dân sữa, thịt, là nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm. Dù ngày nay, các cư dân bộ tộc Mông Cổ đã sử dụng nhiều phương tiện cơ giới nhưng ngựa vẫn là phương tiện đi lại chính trên thảo nguyên.


Thức ăn chủ yếu vào mùa hè của người du mục Mông Cổ là sữa ngựa lên men. Sữa ngựa vắt ra được chứa trong các thùng sắt để qua đêm và hớt lớp váng sữa trên mặt, rồi cho vào những bao da lớn, dùng một cây gỗ khuấy mạnh. 

Vài ngày sau sữa lên men chua, trở thành món sữa ngựa có vị chua thanh như giấm.Vào mùa đông, váng sữa cũng được để lên men và phơi khô thành những bánh lớn màu phô mai, rắn như đá nhưng khi cắt ra nhai lại thấy dẻo và có vị ngậy béo.



Hàng năm, từ ngày 11 - 13/7, người du mục ở các nơi trên đất nước Mông Cổ lại cùng nhau tổ chức lễ hội Naadam nhằm kỷ niệm ngày Thành Cát Tư Hãn thành lập Nhà nước Mông Cổ (1206). 

Đây là một lễ hội mang tính quốc gia và có ý nghĩa với nhiều người. Tại lễ hội, các cư dân bộ tộc sẽ cùng nhau biểu diễn âm nhạc, thể hiện điệu múa dân gian và tổ chức thi tài các môn thể thao truyền thống của Mông Cổ là đua ngựa, bắn cung, môn Polo...



Mông Cổ ngày nay tuy đã phát triển hơn nhiều so với trước đây nhưng sự tồn tại của những bộ tộc du mục vẫn mãi là nét đặc trưng của đất nước với những thảo nguyên bát ngát này. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử một lần tới đây để được trải nghiệm “cái thú” của cuộc sống du mục.

(Nguồn: Featureshoot, Brian Hodges)

Long đong đời du mục

11/09/2012 23:59

Nay triền đồi, mai góc núi; khi cắm trại trên những đồng cỏ mênh mông, lúc di chuyển đàn gia súc hàng chục cây số để tìm kiếm thức ăn. Cuộc sống lang bạt của dân du mục ở vùng đất Ninh Thuận ngày nối ngày như vậy

Đầu tháng 9-2012, những cơn mưa đã trải dài ở các tỉnh phía Nam nhưng trên vùng cát nóng Ninh Thuận, nắng vẫn như đổ lửa. Trong gió bụi oi bức, chúng tôi theo chân anh em Thành Văn Kiểm - Thành Văn Hóa về Phước Ninh, một xã vùng xa của huyện Thuận Nam - Ninh Thuận, nơi có đàn bò, dê, cừu đang “cắm núi” lên đến hàng ngàn con.

Thất học truyền đời

Theo những lối mòn quanh co, dày đặc gai xương rồng, lùm bụi và gập ghềnh đá cuội, chúng tôi cắt đường lớn, từ trung tâm xã nhắm về hướng núi Chà Vin. Chỉ mới hơn 3 km, đôi chân tôi đã mỏi nhừ, trong khi anh em Kiểm vẫn bước đều, thậm chí mỗi lúc càng nhanh hơn. Hóa bảo phải về lán trại trước khi trời sập tối để còn phụ cha mẹ kiểm đếm bầy gia súc.
Đàn cừu của một gia đình nhận chăn dắt thuê đang thả nuôi dọc triền núi Chà Vin, huyện Thuận Nam - Ninh Thuận

Cha mẹ Kiểm - Hóa là người Chăm, gốc ở Phước Nhơn, huyện Ninh Hải - Ninh Thuận, sau đó chuyển về huyện Ninh Phước sinh sống từ hơn 10 năm trước để chăn bò thuê. Ngày theo cha mẹ lên núi sống đời du mục, Hướng 11 tuổi, Hóa lên 8 và cô em út tên Mên chỉ mới chập chững biết đi.

Đàn bò hơn 70 con được một chủ trang trại ở huyện Ninh Phước khoán cho gia đình Kiểm chăn dắt với giá 15 triệu đồng/năm. Gần 7 năm qua, cả gia đình 5 người của Kiểm đùm túm đưa nhau lên núi rong ruổi trên lưng bò khắp vùng núi Chà Vin. Sống đời du mục long đong, khốn khó buộc Kiểm phải nghỉ học khi vừa xong lớp 4, Hóa lớp 2, còn bé Mến nay đã lên 9 tuổi nhưng chưa một ngày đến trường.

“Sang năm, tui cho con Mến về làng học bổ túc ban đêm để biết đọc, biết viết kẻo lại như cha mẹ nó”- ông Thành Văn Sình, cha của anh em Kiểm, tâm sự. Người đàn ông 46 tuổi đời này vẫn hiểu rằng thất học cũng đồng nghĩa với chuyện không thoát nổi cảnh đói nghèo. “Nhưng mà gia đình tui lo ăn hằng ngày còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền cho tụi nhỏ học hành đàng hoàng. Đành chấp nhận vậy thôi, biết sao được…” – ông trải lòng.

Dưới rặng núi Chà Vin có gần 20 hộ sống đời chăn dắt gia súc thuê như gia đình ông Sình. Gia đình ít nhất cũng 30 chục con bò, cừu, dê; nhiều thì đến 150 con. Con cái họ nếu may mắn được ông bà nội ngoại cưu mang, ở lại làng thì còn có cơ hội cắp sách đến trường. Tuy nhiên, số trẻ được đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phải lang bạt núi đồi cùng cha mẹ.

Quanh năm luẩn quẩn núi rừng

Cuộc sống du mục đã gắn với nhiều thế hệ người Chăm ở Ninh Thuận. Ông Hán Văn Toán, một lão nông 74 tuổi ở làng Chăm Lương Tri, huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận, cho biết từ mấy trăm năm trước, tổ tiên ông chọn dải đất từ Ninh Sơn kéo dài sang Ninh Phước, ước hơn 20 km, để lập nghiệp. Thuở ấy, vùng  này chỉ toàn là rừng già, núi đá mênh mông. Để tồn tại, họ đã phải gắng sức khai thác vùng bán sơn địa này. Người Chăm lúc bấy giờ sinh sống chủ yếu bằng nghề săn bắt, hái lượm men theo các triền đồi, núi khộp. Cuộc sống du mục cũng ra đời từ đó.

Những năm gần đây, nhiều gia đình người Chăm làm ăn thất bại, vườn rẫy mất mùa. Kinh tế gia đình lâm cảnh túng thiếu, họ đành chấp nhận chăn dắt thuê gia súc cho các trang trại lớn ở Ninh Thuận.

Thiên Thị Anh Hoàng, một “digan” ở vùng núi Tà Vum thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái - Ninh Thuận, cho biết nếu không bị tai vạ mất cừu, mỗi năm chị cũng dành dụm được vài triệu đồng làm vốn. Cha mẹ Hoàng ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân - Ninh Phước nhận chăn thuê gần 200 con cừu thả núi cho 3 chủ trang trại tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải từ 5 năm qua. Nghe tôi hỏi chuyện chồng con, cô thôn nữ Chăm vừa bước qua tuổi 24 này cười buồn e thẹn: “Quanh năm cứ luẩn quẩn giữa núi rừng, lâu lâu mới về làng mua chút cá, mắm cải thiện bữa ăn, đâu có cơ hội tiếp xúc nhiều với ai nên chưa nghĩ đến chuyện ấy”.

Anh Trượng Hồng, dù mới 36 tuổi nhưng có đến 17 năm sống đời du mục trên nhiều vùng đất ở Ninh Thuận, cho rằng khổ nhất là những năm hạn hán. Cũng như hàng trăm gia đình du mục khác, cha mẹ và 4 anh em Hồng phải di chuyển đàn bò, cừu hàng trăm con đi mỗi ngày 15-20 km để tìm nguồn nước, rơm rạ và chút cỏ tươi cho chúng.
“Tui nhớ mãi đợt hạn hán năm 2005 rồi 2008. Gần 10 tháng, Ninh Thuận không có một giọt mưa. Hầu hết các đàn gia súc mấy chục ngàn con từ những trang trại trên núi được lùa hết về đồng bằng. Tụi tui phải tranh nhau từng vạt cỏ, gàu nước cho bầy gia súc của mình” - Hồng kể.

Theo anh Hồng, dù sao thì dân du mục “nội tỉnh” vẫn đỡ vất vả hơn nhiều so với những “đồng nghiệp” của họ. “Như vợ chồng Phích - An bạn mình đó, phải đưa khoảng 60 con bò và 50 con cừu vào tận huyện Bắc Bình - Bình Thuận chăn thả. Nhiều khi cả năm, vợ chồng nó mới về quê một lần. Con tụi nó chỉ có thằng út ở với ông bà ngoại được đi học, còn 2 đứa lớn theo cha mẹ phụ chăn dắt bò, cừu” – Hồng cho biết.

Nay triền đồi, mai góc núi; khi cắm trại trên những đồng cỏ mênh mông, lúc lại phải di chuyển đàn gia súc hàng chục cây số để tìm kiếm thức ăn. Những nhọc nhằn của cuộc sống lang bạt, ngày nối ngày, năm tiếp năm như cột chặt các phận đời du mục trên vùng đất khát Ninh Thuận.
250.000 con bò, dê, cừu

Ninh Thuận có diện tích tự nhiên trên 3.360 km2, chủ yếu là núi đá, rừng và sa mạc cát. Đây là địa phương khô hạn nhất nước, lượng mưa hằng năm chỉ bằng 1/3 lượng mưa bình quân cả nước. Chăn nuôi gia súc là thế mạnh của Ninh Thuận với trên 250.000 con bò, dê, cừu, chủ yếu được chăn thả trên các đồi núi và những vùng đất bán sơn địa mênh mông. Đi theo bầy gia súc mà mình nhận chăn thuê, dân du mục Ninh Thuận sống phần lớn thời gian ở những vùng núi đồi, bán sơn địa đó.

Bài và ảnh: LÊ TRƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét