Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

NHỮNG VÌ SAO SÁNG 8 (George Best)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Ngôi đền huyền thoại | George Best

George Best và một cuộc đời lãng tử

Hôm nay 25/11 là tròn 10 năm ngày mất của cố danh thủ bóng đá Anh. Sinh thời ông được xem như ngôi sao giải trí đầu tiên của giới quần đùi áo số.


Pele từng nói: "George Best là người vĩ đại nhất trong số những cầu thủ chưa từng tham gia World Cup". Diego Maradona thì bảo rằng: "Tôi điên, nhưng Best còn điên hơn". Người dân quê hương ông - Bắc Ireland lại chơi chữ: "Maradona good; Pele better; George Best" (Maradona giỏi, Pele giỏi hơn, George giỏi nhất). Còn bản thân Best từng "khiêm tốn" nói về bản thân như sau: "Báo chí viết rằng tôi từng ngủ với bảy Hoa hậu thế giới. Bịa đặt đến thế là cùng. Sự thật, chỉ có bốn cô. Còn ba cô kia, tôi không hề gặp".
Thế giới bóng đá của George Best là như thế đấy.
george-best-va-mot-cuoc-doi-lang-tu
Giống như mọi siêu sao bóng đá khác, Best có xuất phát điểm là tài năng và niềm đam mê cống hiến trên sân cỏ.
Ngày 6/2/1971, trên sân Old Trafford diễn ra trận đấu giữa Man Utd và Tottenham. Trong một tình huống lộn xộn ở vòng cấm địa, quả bóng bay ra đúng vào vị trí của Best. Trước một khung thành kín đặc người với bốn hậu vệ và một thủ môn, ông tâng nhẹ bóng lên cao, tạo thành một hình vòng cung vừa đủ để đi qua đầu tất cả và rót vừa đúng xuống khung thành.
Pha làm bàn chuẩn mực đến từng centimet đó được xem là bàn thắng đẹp nhất trong sự nghiệp của Best. Đó cũng là khoảnh khắc của con người ông, thể hiện đúng tài năng thiên bẩm, kỹ thuật siêu phàm và chất nghệ sĩ hiếm hoi trong vương quốc bóng đá “kick and run” (chạy và sút) ở xứ sương mù. Thời còn thi đấu, Best nổi tiếng với các pha độc diễn đầy kỹ năng, khả năng bứt tốc trong đoạn ngắn cực tốt, ghi những bàn thắng nhanh và mạnh theo kiểu Anh nhưng được mềm hoá qua những cú đảo người sở trường. Cách Best đi bóng, đủ khiến cho một cầu thủ của Southampton, phải tức giận mà hét lên: "Mày mà còn lặp lại kiểu đi bóng đó, tao sẽ giết mày".
Best là cầu thủ hàng đầu thế giới vào thập niên 1960 và đầu 1970, giành Quả bóng Vàng châu Âu (1968), là Cầu thủ hay nhất bóng đá Anh 1968 và là hạt nhân chính khi Man Utd đoạt Cup C1 năm 1968. Nhưng nếu mọi việc chỉ dừng ở đó, thì ông chỉ đơn giản là một cầu thủ vĩ đại của Man Utd và bóng đá châu Âu.
george-best-va-mot-cuoc-doi-lang-tu-1
Best chính là hình mẫu để những Beckham, Ronaldo về sau hướng tới, khi họ không chỉ toả sáng trên sân cỏ, mà còn trở thành những cục nam châm thu hút các đối tác, tài trợ quảng cáo. Ảnh: AllSport.
Điều khiến ông trở nên bất tử, cũng là điều khiến cho ông có một cuộc sống đặc sắc tạo nên cách mạng cho thế giới bóng đá, là khuôn mặt đẹp trai và tính cách phóng túng ngoài sân cỏ. Tài năng trên sân đi cùng chất dân chơi bên ngoài được thể hiện qua câu nói sau của Best: "Nếu phải cân nhắc giữa việc có thể rê bóng qua bốn hậu vệ Liverpool rồi ghi bàn từ cự ly 30m và việc được ngủ cùng Hoa hậu thế giới, quả là lựa chọn khó khăn. Nhưng may mà tôi không phải lựa chọn, vì tôi đã làm được cả hai".
Với Best, một thế giới bóng đá mới đã được mở ra, nơi đó người ta nhận ra rằng các cầu thủ không phải sáng ngủ dậy, chiều mặc quần đùi xỏ giày ra sân. Họ có thể làm người mẫu, trở thành một thương hiệu quảng cáo. George Best là celebrity (người nổi tiếng, có sức hút lớn với công chúng) đầu tiên của bóng đá thế giới. Sau này, những David Beckham hay Cristiano Ronaldo cũng theo cách đó để đưa hình ảnh ra khắp thế giới.
Có thể nói, nếu Jean Marc Bosman, với một vụ kiện đã biến các cầu thủ thành triệu phú, thì Best lại giúp các cầu thủ bóng đá sau này hiểu rằng họ có thể còn là người con của truyền thông, có thể tạo ra ảnh hưởng không chỉ mỗi quanh trái bóng tròn. Bản thân Best đã giữ vai trò người mẫu cho các nhãn hiệu, xuất hiện trên các tạp chí thời trang, và được gọi là “Thành viên thứ năm của ban nhạc huyền thoại The Beatles”.
george-best-va-mot-cuoc-doi-lang-tu-2
Với Best, trái bóng và những người đàn bà đẹp đều xứng đáng để ông dành tình yêu ngang nhau.
Hào quang rực rỡ, nhưng rồi ánh lửa cũng lụi tàn. Phía sau Best là một câu chuyện buồn về thói nghiện rượu. Sự đắm chìm trong tửu sắc với chai rượu bên tay trái và hoa hậu bên tay phải đã khiến Best gục ngã. 30 năm ngập chìm trong men rượu và lối sống đầy phóng đãng khiến ông chỉ thọ 59 tuổi. Câu chuyện về cố danh thủ tài hoa này bao nhiêu lần chữa bệnh là bấy nhiêu lần phá hoại, làm người ta liên tưởng đến một chi tiết trong tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ” của nhà văn Kim Dung. Khi ấy Lệnh Hồ Xung đang bị nội thương và phải đến nhờ danh phu Bình Nhất Chỉ chữa bệnh. Bình Nhất Chỉ nói rằng “Muốn trị bệnh thì hãy xa rời nữ nhân, không được uống rượu, không được đánh nhau thì có thể sống thêm được ba năm”. Lệnh Hồ Xung đã cười lớn mà nói rằng "Sống thế thì còn ý nghĩa gì nữa", rồi bỏ đi. Best cũng vậy. "Đã có lúc, tôi đoạn tuyệt với rượu và phụ nữ. Và đó là 20 phút tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi", ông nói.
Có những con người như Best, đã gieo vào đời những cánh hoa đẹp nhất, không chỉ trên sân cỏ, mà cả trong tình yêu. Hàng trăm phụ nữ qua đời ông, Best luôn nồng cháy và lãng mạn với tất cả. Bà vợ Angela của ông nói rằng: "Best là tên khủng bố, nhưng tôi vẫn yêu ông ta". Cách sống của Best là sai hay là đúng? Là thẳng hay cong? Tùy theo lăng kính của mỗi người để nhìn nhận. Bản thân Best đã dùng tài năng bóng đá để đổi lấy một đời lãng tử, và cho đến lúc chết ông cũng không cảm thấy phí hoài tuổi xuân mà thượng đế ban tặng.
Huyền thoại George Best
Dũng Phan

Con ma men và danh vị “siêu sao bóng đá" đầu tiên

Có một huyền thoại bóng đá với tài nghệ chơi bóng tuyệt luân, nhưng rút cuộc lại khổ vì rượu. Đó là George Best - cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Bắc Ireland và là cầu thủ đầu tiên trên thế giới làm nên khái niệm siêu sao trong bóng đá đỉnh cao.

ĐỊNH MỆNH MA MEN TỪ BỤNG MẸ

Khi mẹ của George Best qua đời vì nghiện rượu vào năm 1978, báo chí tranh nhau tìm hiểu vì sao bà lại uống rượu như điên để thành nghiện. Đời tư của các thành viên trong gia đình George Best là như thế nào? Họ có chuyện gì buồn bực, phiền muộn?
Bản thân Best khi ấy liệu có nghiện rượu như mẹ ông? Nếu có thì đâu là nguyên nhân chính? Best điên tiết giảng giải cho cánh nhà báo: “Các anh dốt đến thế là cùng. Hoặc giả, các anh không dốt, nhưng cố bới móc mọi chuyện để có bài viết. Tại sao các anh không hiểu một lẽ đơn giản là những người nghiện rượu đều không cần bất cứ nguyên nhân, lý do nào để uống”.
Với Best, bi kịch lớn nhất trong đời không phải là chứng nghiện rượu của bản thân ông, càng không phải là cái chết vì rượu mà chính ông thấy trước. Cái chết ấy đã treo lơ lửng trước mặt huyền thoại Best không biết bao nhiêu lần trước khi ông thực sự nhắm mắt vào ngày 25/11/2005.
Ông qua đời, chính xác hơn là qua đời vì rượu, vì cuộc sống xa hoa của một “siêu sao bóng đá đầu tiên” dứt khoát không thể tách rời khỏi rượu. Nhưng hình như, Best nói có lý. Bi kịch lớn nhất của Best là tận mắt thấy người mẹ yêu quý nghiện ngập, chìm dần trong men rượu, không vì bất cứ nguyên nhân gì.

Thói quen nghiện rượu của George Best thật ra bắt nguồn từ người mẹ của ông, người đã chìm dần trong men rượu mà không vì bất cứ nguyên nhân gì.
Giống như bất cứ bà mẹ nào khác ở Anh sau Đệ nhị thế chiến, mẹ của Best phải tằn tiện nuôi con - 6 đứa con - giữa muôn vàn khó khăn về vật chất. Xa hoa gì với một cuộc sống thiếu thốn sau chiến tranh. Mẹ ông cứ hễ thấy rượu thì uống. Và đứa con trai nổi tiếng của bà rút cuộc cũng là như vậy.
Khác biệt chỉ là ở chỗ, Best nổi tiếng hơn mẹ. Và sự cám dỗ của rượu đối với George Best cũng được biết đến nhiều hơn. Có lần, Best cùng bạn bè vào một quán bar trên bãi biển ở Mỹ, nhưng họ lại không mang tiền. Khi phát hiện một phụ nữ ngồi gần đấy đi vào toilette, Best lập tức lục giỏ, ăn cắp tiền để đãi bạn bè.
Từ bé đến lớn, luôn là như vậy. Best mà đã thấy chai rượu thì ông không có cách gì cưỡng lại sự hấp dẫn, mời gọi của nó. Thật ra, Best còn nghiện... kẹo nữa. Có hẳn một giai đoạn mà Best cho là hạnh phúc nhất trong đời mình. Sau này, kể cả khi đã là ngôi sao bóng đá nổi tiếng nhất thế giới, Best vẫn không thấy hạnh phục bằng giai đoạn ấy.
Đấy là lúc mẹ ông làm việc trong một hãng sản xuất kẹo và trong nhà không bao giờ thiếu kẹo. Nhưng một ngôi sao bóng đá thích ăn kẹo thì chẳng bao giờ là đề tài hấp dẫn báo chí. Kẹo không hấp dẫn bằng rượu và phụ nữ!

ÔNG TỔ CỦA NGÀNH “CELEBRITY”

George Best sinh năm 1946 tại Belfast. Khi ông cùng đồng đội ở CLB Manchester United đánh bại Benfica của huyền thoại Eusebio để lên ngôi vô địch Cúp C1 năm 1968, thế giới từ lâu đã được biết đến Pele, Garrincha, Bobby Charlton, Eusebio...
Trước Best là Ferenc Puskas, Alfredo di Stefano, Raymond Kopa, còn sau đó, Franz Beckenbauer và Johan Cruyff cũng nhanh chóng vươn lên đỉnh cao. Thật ra, người ta đã biết đến Beckenbauer từ trận chung kết World Cup 1966, chứ không đợi đến lúc “Hoàng đế” khẳng định chiếc ngai của mình bằng những ngôi vô địch EURO và World Cup liên tiếp vào đầu thập niên 1970.
Nói vậy để thấy, bóng đá quốc tế trong thời của Best tràn ngập những ngôi sao lớn. Và xem ra, Best thiệt thòi so với tất cả vì ông chỉ được khoác áo ĐT Bắc Ireland quá nhỏ bé. Thế nhưng, Best lại được xem là “siêu sao” đầu tiên trong lịch sử bóng đá.

Best chính là siêu sao đầu tiên trong thế giới bóng đá khi đã biết kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo trên danh tiếng của mình và luôn bị báo giới rình rập tìm kiếm những scandal.
Gần nửa thế kỷ trước khi người ta soi mói xem Cristiano Ronaldo tắm biển với người đẹp nào hoặc Lionel Messi ký được bao nhiêu hợp đồng quảng cáo, những điều như thế đã vây quanh George Best, ở cái thời kỳ mà bóng đá chuyên nghiệp hãy còn chìm trong tăm tối, các cầu thủ nổi tiếng đôi khi còn được chuyển nhượng với giá... 11 đôi giày hoặc vài bộ trang phục.
Quả thật, Best là hình tượng “celebrity” đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao, là ngôi sao bóng đá đầu tiên luôn bị báo giới rình rập xem ông hẹn hò với ai, xem phim gì, vào khách sạn nào. Người ta gọi Best là “chàng Beatles thứ 5” (thập niên 1960 là thời kỳ rực rỡ của The Beatles gồm 4 thành viên).
Best quảng cáo cho đủ mọi sản phẩm trên đời, từ dao cạo râu đến... giày phụ nữ. Trong số những người tình của Best, có ít nhất 2 hoa hậu thế giới. Những mối tình thoáng qua thì không cách gì kể xiết. Như đã nêu trên, ĐT Bắc Ireland của Best quá yếu nên ông chưa bao giờ có dịp tham dự World Cup hoặc EURO.
Toàn bộ giá trị chuyên môn của Best do vậy chỉ gắn liền với Man United, trong thời kỳ mà CLB này không hề thống trị bóng đá Anh như hiện nay (M.U chỉ có 2 lần VĐQG từ 1957 đến 1993). Thế nên, những đề tài ngoài chuyên môn về George Best còn hấp dẫn hơn, lôi cuốn độc giả nhiều hơn những gì người ta viết về ông trên sân cỏ.

THIÊN TÀI BÓNG ĐÁ KIÊM THẦN NHẬU

Nhưng tất nhiên, không thể phủ nhận tài năng bóng đá của Best. Biệt tài đi bóng của ông là độc nhất vô nhị, ở nơi chỉ nổi tiếng với thứ bóng đá “chạy và sút”. Best có khả năng giữ thăng bằng một cách kỳ lạ, đến mức không thể lý giải.
Ông có kỹ thuật điêu luyện ở cả hai chân, thường ghi các bàn thắng đẹp sau khi lừa qua hậu vệ. Ông là cầu thủ góp công lớn nhất giúp M.U trở thành CLB Anh đầu tiên đăng quang ở Cúp C1, và thành tích đoạt cúp C1 1968 của M.U lập tức đi vào huyền thoại vì nó diễn ra đúng 10 năm sau khi đội bóng nổi tiếng này bị tàn phá bởi tai nạn hàng không năm 1958 ở Munich.
Vài tháng sau khi M.U đăng quang lịch sử ở Cúp C1, Best trở thành cầu thủ duy nhất trong lịch sử bóng đá Bắc Ireland được trao “Quả bóng vàng châu Âu”. Bại tướng của Best trong Top 10 khi ấy gồm toàn những huyền thoại: Bobby Charlton, Eusebio, Franz Beckenbauer, Luigi Riva, Giacinto Facchetti, Gianni Rivera, Jimmy Greaves...

Tài năng bóng đá của Best là không phải phủ nhận nhưng khả năng nhậu nhẹt của ông cùng thuộc dạng hang khủng trong thế giới bóng đá. Có thể nói bóng đá và rượu là 2 niềm đam mê bất tận của ông.
Khi ấy, Best đã... nghiện rượu? Xin thưa là có! Giống như huyền thoại Garrincha của bóng đá Brazil, Best vừa uống rượu, vừa thống trị trên sân cỏ, cứ như đấy là những điều không liên quan gì đến nhau. Một mặt là do thể lực của Best quá dồi dào ở tuổi đôi mươi.
Mặt khác, tuy uống rượu nhưng Best rất siêng tập. Ông luôn là người rời sân cuối cùng và dù chỉ là ở trên sân tập, Best vẫn tập trung tinh thần, chơi bóng một cách nghiêm túc hơn bất cứ cầu thủ nào khác. Không bao giờ có chuyện Best đến sân trong tình trạng chuếnh choáng hoặc quên đem theo giày như các bài báo lá cải.
Sau khi trận đấu kết thúc, tất cả lại là chuyện khác. Khi ấy, Best lại là ngôi sao xuất sắc nhất trên bàn nhậu. Cứ như cái họ của ông đã định sẵn mọi chuyện: trong lĩnh vực nào, Best cũng là nhất, một cách tuyệt đối!

CHỦ NHÂN CỦA... 5 SỐ ÁO HUYỀN THOẠI

Người ta vẫn cho rằng số 7 là chiếc áo thiêng liêng nhất tại sân Old Trafford, có một ý nghĩa lớn đến mức có thể trở thành sức nặng khiến các ngôi sao trẻ không dám nhận áo số 7. Nhưng George Best còn huyền thoại hóa mọi áo đấu ông mặc. Bị rao bán với giá “trên trời” 300 nghìn bảng, tuyên bố giải nghệ để tránh bị báo giới làm phiền ở tuổi 26, đáng lẽ ra, Best sẽ còn lừng danh và tột đỉnh vinh hoa hơn nữa nếu sinh muộn khoảng 10 năm.
Khi siêu sao David Beckham đạt đến đỉnh cao phong độ dưới màu áo M.U, anh được xếp vào hàng ngũ “những số 7 huyền thoại tại Old Trafford”, sánh vai với Cantona, Bryan Robson và George Best. Nhưng thực ra, Best còn đạt mức “huyền thoại” hơn cả thế...
Có phải George Best chính là siêu sao mở ra huyền thoại về chiếc áo số 7 tại sân Old Trafford? Không hề! Rất nhiều cây bút chuyên tung hô các siêu sao bóng đá trong kỷ nguyên hiện đại đã nhầm lẫn rất lớn khi bàn về chiếc áo số 7 của Best, lại càng sai lầm khi kết nối Best với những Cantona hoặc Beckham sau này.
Sự thật, Best chỉ mặc áo số 7 trong giai đoạn 1966-1968. Đấy là thời kỳ mà M.U phát áo cho cầu thủ theo vị trí trên sân, chứ không phát áo cố định cho từng cầu thủ như bây giờ. Khi chơi ở vị trí tiền vệ phải, Best khoác áo số 7. Còn khi là tiền vệ trái, Best khoác áo số 11.

Nhiều người chỉ biết đến chiếc áo số 7 gắn liền với Best nhưng thực ra ông từng mang đến 5 số áo theo các vị trí trên sân và ở vị trí nào cũng thành công mỹ mãn.
Trong các mùa 1963/64 hoặc 1971/72, Best chủ yếu chơi ở cánh trái, giống như Ryan Giggs sau này. Cũng có rất nhiều lần Best chơi dịch vào phía trong và mặc áo số 8 (mùa 1970/71 là tiêu biểu nhất). Lại có lúc ông khoác áo số 10.
Cầu thủ số 8 giữ vai trò hữu nội trong đội hình ngày xưa, chơi ở vị trí phía trong so với cầu thủ chạy cánh phải, thấp hơn trung phong nhưng cao hơn cầu thủ đá cánh. Tương tự, cầu thủ số 10 là tả nội, vai trò và vị trí giống như hữu nội nhưng đứng ở phần sân bên kia.
Best thậm chí từng khoác áo số 9 và đá trung phong, trong những lúc Bobby Charlton chấn thương. Và chưa bao giờ Best ra sân trong chiếc áo số 9 mà lại không ghi bàn cho M.U!
Tóm lại, Best từng chơi ở mọi vị trí trong hàng công M.U, từ biên phải sang biên trái, từ tiền vệ lên tiền đạo. Ông chạy cánh hoặc chơi ở phía trong đều được. Từ vị trí số 7 đến vị trí số 11, Best đều thành công như nhau, trong những vai trò rất khác nhau về mặt chuyên môn.

BI KỊCH VÌ TỎA SÁNG... QUÁ SỚM

Khi M.U thắng Benfica ở chung kết Cúp C1 1968, báo chí gọi đấy là chiến thắng huyền thoại vì rất nhiều lý do, đặc biệt là nó diễn ra đúng 10 năm sau tai họa hàng không 1958 (cướp đi hầu như toàn bộ mạng sống lực lượng M.U ở Munich).
Người ta ca ngợi Bobby Charlton - ngôi sao đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần ở Munich rồi trở thành nhà vô địch World Cup 1966. Người ta ca ngợi HLV Matt Busby về kỳ công tái thiết, vực dậy M.U. Người ta ca ngợi Denis Law... Nhưng trên thực tế, ngôi sao sáng nhất của M.U khi ấy chỉ có thể là George Best.
Ông góp công lớn nhất giúp M.U trở thành CLB Anh đầu tiên lên ngôi vô địch châu Âu. Ông làm cho huyền thoại Eusebio phải ngả mũ kính phục. Eusebio? Đấy là ngôi sao bóng đá vĩ đại nhất châu Âu kể từ sau thời kỳ của Alfredo di Stefano.
Sau Eusebio, và cho đến trước thời kỳ của Michel Platini, chỉ có 2 siêu sao khác vươn được lên đến hàng ngũ tượng đài của bóng đá châu Âu - đó là Johan Cruyff và Franz Beckenbauer. Và cả Cruyff lẫn Beckenbauer đều chỉ vươn lên sau thời đỉnh cao của Best.
Nói tóm lại, số ngôi sao bóng đá sánh được với Best suốt hàng chục năm tính đến lúc ông tỏa sáng thật sự là không nhiều, hơn được ông thì chỉ có vài người. Đến đây, chúng ta hãy nhìn sang góc độ bi kịch, khi George Best tỏa sáng... quá sớm.

Cùng thời với Best có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng nhưng ít người tàn lụi như ông vì Best thành danh quá sớm. Ở tuổi 22, Best đã cùng M.U vô địch bóng đá Anh, đoạt Cúp C1, giật “QBV châu Âu” và tuyên bố giải nghệ ở tuổi 26.
Năm 1972, George Best tuyên bố giải nghệ, dù ông mới 26 tuổi. Ở thời điểm ấy, Ajax Amsterdam đã vô địch Cúp C1, nhưng chưa ai xem đấy là một huyền thoại. Cruyff khi ấy cũng chưa thật sự khẳng định chỗ đứng trong lịch sử. Quyền lực của Bayern Munich và Beckenbauer thì chỉ được xác định vài năm sau đó.
Chẳng ai thấy sốc khi báo chí đưa tin ngôi sao George Best tuyên bố giải nghệ. M.U còn xem đấy là hành động vô kỷ luật, đưa Best vào danh sách cầu thủ cần bán với giá 300.000 bảng. Chẳng có CLB nào quan tâm đến mức giá bị cho là “trên trời” ấy.
Vì những “kỳ tích” ấy, người ta gọi Best là “siêu sao bóng đá đầu tiên”. Tất nhiên, những cột mốc đầu tiên đều không bao giờ là chuẩn mực về sự phát triển. Vài năm sau khi Best qua khỏi đỉnh cao phong độ, thế giới mới choáng ngợp khi thấy Cruyff độc chiếm mặc áo số 14 dù ĐT Hà Lan phát số áo theo thứ tự ABC.
Cruyff có thương hiệu riêng, và có cả cái đặc quyền mặc áo khác với đồng đội ngay trên sân cỏ World Cup (áo ông chỉ có 2 sọc ở cánh tay để phân biệt với mẫu áo có 3 sọc vốn là dấu hiệu của Adidas - nhà tài trợ của Hà Lan tại World Cup 1974).
Beckenbauer được gắn mác “Hoàng đế”, và để cạnh tranh với “Hoàng đế” trên thương trường, Cruyff lại nghĩ ra cách thu “lệ phí phỏng vấn”, như một cách để phân biệt siêu sao với những ngôi sao bình thường.
Trên hết, khi một cựu VĐV bóng nước từng dự Olympic nhưng lại có đầu óc kinh doanh cực nhạy, Joao Havelange, chiếm được ghế chủ tịch FIFA, thì trò chơi bóng đá gần như lập tức trở thành một ngành kinh doanh có giá trị bạc tỷ. Cuộc đời Best sẽ như thế nào nếu ông sinh muộn khoảng chục năm?

NHẤT LÀ BEST & BEST LÀ NHẤT

Ở tuổi 22, Best đã cùng M.U vô địch bóng đá Anh, đoạt Cúp C1, giật “QBV châu Âu”. Và, như đã nêu trên, ông bỗng tuyên bố giải nghệ ở tuổi 26 chỉ vì muốn thoát khỏi sự săn đón của báo chí (bây giờ, thậm chí đã là ngôi sao đi nữa, khối người vẫn sẵn sàng làm đủ mọi cách lố lăng chỉ để được xuất hiện trên mặt báo, và qua đó được nhiều người biết đến hơn).
Best còn quá trẻ để kiểm soát thành công của mình. Khoan nói chuyện khai thác những thành công ấy để kiếm tiền, ngay cả chuyện làm sao để không bị sa ngã trong thành công đã là quá khó rồi. Thiên hạ gọi Best là siêu sao bóng đá chẳng qua vì ông thu hút quá nhiều người đẹp vào vòng tay mình, uống rượu quá nhiều, và cũng có quá nhiều điều kiện để tận hưởng rượu và gái đẹp.
Best chưa bao giờ biết mình có bao nhiêu tiền, chẳng có cố vấn kinh doanh, giám đốc hình ảnh hoặc công ty đại diện nào để vạch ra những chiến lược hốt bạc. Chẳng có điều gì liên quan đến “Chàng Beatle thứ 5” mà lại được thông báo đã có đăng ký độc quyền.

Đấy là chưa kể, Best (người Bắc Ireland) còn có một bất lợi hiển nhiên là ông không được thi đấu cho một ĐTQG lớn. Ông chưa bao giờ xuất hiện trên sân cỏ World Cup hoặc EURO.
George Best tỏa sáng trên sân cỏ Anh và châu Âu ngay trước cái thời kỳ mà sự tỏa sáng ấy có thể đem lại những khoản lợi kếch sù. Ông tỏa sáng trong cái thời kỳ mà phong trào hippy bùng phát, người ta chẳng cần lo toán quá nhiều cho tương lai, phóng túng và mặc kệ các chuẩn mực. Bi kịch cho một tài năng lớn, mang họ Best (nghĩa là Nhất)!


Tên trộm, gã côn đồ và hậu quả của đời ong bướm

Hàng chục năm sau khi qua đời, vua nhạc rock and roll Elvis Presley vẫn hái ra tiền. Thật ra, nói thế cho sốc, chứ câu chuyện không có gì lạ trong khía cạnh kinh doanh. Chuyện lạ chỉ là: sau khi George Best qua đời, báo chí vẫn đều đặn phát hiện thêm những người đẹp "mới" mà ông từng cặp kè lúc sinh thời, nhưng trước đây không ai biết, còn bản thân ông cũng không thể nhớ.

NIỀM AO ƯỚC CỦA PHỤ NỮ THẬP NIÊN 1960 - 1980

Những bức ảnh mới, lần đầu công bố. Những câu chuyện giật gân thuộc loại "bây giờ mới kể". Những bí mật mới được "bật mí"... Cứ thế, thi thoảng lại xuất hiện "sự kiện mới" trong hơn 7 năm kể từ khi George Best qua đời (2005). Càng không thể thiếu những chuyện như vậy trên mặt báo vào các ngày 25/11 hoặc 3/12 hàng năm (ngày sinh của Best và ngày ông qua đời).
Từ khi còn là một cầu thủ trẻ của M.U, mới 16 tuổi, Best tỏ rõ khả năng thu hút phụ nữ, chinh phục một cô gái trẻ làm việc ở lò bánh mì địa phương. Thế rồi, người ta thống nhất một cách tuyệt đối: chắc chắn đã có đến hàng ngàn người đẹp từng lên giường với Best.
Tài năng tuyệt luân trên sân cỏ, thôi thì miễn bàn. Nhưng Best còn có vẻ ngoài điển trai, phong thái của một siêu sao nhạc pop, và một "ma lực" mà phụ nữ trong các thập niên 1960 - 1980 rất khó cưỡng lại.

Tài năng sân cỏ, danh tiếng lẫy lừng lại có vẻ ngoài điển trai, phong thái của một siêu sao nhạc pop, và một "ma lực" mà phụ nữ trong các thập niên 1960 - 1980 rất khó cưỡng lại, không lạ khi vây quanh George Best lúc nào cũng là vô số người đẹp.
Như đã nói ở phần trước, Best là "celebrity" đầu tiên trong thế giới bóng đá. Ông quảng cáo cho mọi sản phẩm, từ nước trái cây đến... đồ lót phụ nữ. Tin, bài về Best xuất hiện không chỉ trên trang bóng đá hoặc trang thể thao, mà còn ở các mục thời trang, điện ảnh, tin thời sự.
Trên hết, cuộc sống tình cảm của Best vừa phong lưu, vừa lãng mạn, mà trong đó không ai có thể chỉ ra bất cứ chỗ nào thiếu chân thật hoặc mang tính vụ lợi. Dù là Hoa hậu Thế giới, thôn nữ, hay một sinh viên không được biết đến, Best đều cư xử như nhau: luôn hết lòng, nồng cháy, và tất nhiên là chẳng bao giờ Best toan tính đến "ngày mai" của những cuộc tình như vậy. Phụ nữ có hoặc chưa có chồng đều ao ước được "ở" với Best - ít ra là trong mộng!

BẢN HỢP ĐỒNG 500 BẢNG

Tất nhiên, trong số hàng ngàn phụ nữ từng liên quan đến Best, có những cái tên nổi tiếng hơn những cái tên khác. Họ, và những câu chuyện của họ, khác nhau chỗ nào, thì thật ra Best không bao giờ xem trọng. Với ông, những người đẹp... đều đẹp, thế thôi!
Có lần, Best và M.U sang Đan Mạch tập huấn trước mùa bóng mới. Ông tỏ ra choáng ngợp trước một cô tóc vàng, đã có hôn phu, tình cờ gặp ở quán bar. Về nước, Best kể lại ấn tượng về người đẹp ấy với một phóng viên. Phóng viên nọ đăng luôn quảng cáo trên báo chí Đan Mạch để tìm cách liên hệ với người đẹp tóc vàng.

Cô sinh viên Đan Mạch Eva Haraldsted là người đầu tiên được cho là có quan hệ với Best và cuộc tình đã nhanh chóng chấm dứt sau khi cô bắt Best phải bồi thường 500 bảng vì không tôn trọng hợp đồng giữa 2 người.
Rút cuộc, người đẹp ấy không chỉ đồng ý cho nhà báo gặp gỡ, mà còn sang Anh tìm Best để chung sống. Cuộc tình chỉ diễn ra ngắn ngủi. Người đẹp có tên là Eva Haraldsted ấy rút cuộc đã tố cáo Best "không tôn trọng hợp đồng", thắng kiện 500 bảng, và trở về Đan Mạch.
Họ thỏa thuận với nhau những gì, đến nỗi Best phải thua kiện, chuốc lấy tội danh "không tôn trọng hợp đồng" và phải bồi thường thiệt hại? Ông không nhớ. Với ông, tình yêu, kể cả loại "yêu qua đường", không phải là những cú áp phe mà người ta phải thỏa thuận với nhau về các điều khoản. Ừ thì nộp phạt!

HOA HẬU THÌ CŨNG THẾ THÔI

Marjorie Wallace có lẽ là cái tên nổi tiếng nhất trong số những người đẹp từng liên quan đến cuộc đời Best. Và kỷ niệm của Best với Wallace rút cuộc cũng kết thúc nhanh chóng, chủ yếu vì với Best thì không bao giờ có những cuộc tình vụ lợi.
Năm 1973, Wallace đi vào lịch sử với tư cách Hoa hậu Mỹ đầu tiên đăng quang ở giải Hoa hậu Thế giới. 1 năm sau, Wallace sang Manchester du lịch. Tất nhiên một Hoa hậu thì không bao giờ chỉ có mục đích du lịch khi đi du lịch.
Phái đoàn của Marjorie Wallace liên hệ các nơi xem Manchester có những điểm đến hấp dẫn nào, và người ta hỏi Best. Ông đáp tỉnh bơ: "Thực lòng mà nói, tôi thấy Manchester chẳng có chỗ nào đáng để giải trí". Khác biệt chỉ là ở chỗ, có nơi ra vào tự do, có nơi độc quyền, có nơi chỉ tiếp khách có thẻ thành viên, hoặc có nơi thường được những người nổi tiếng ghé qua.
Best giới thiệu một vài CLB mà ông và bạn bè hay lui tới. Người đại diện của Wallace chọn một địa điểm, rồi cho biết thêm: "Nơi nào được Hoa hậu Wallace ghé chơi dù chỉ vài phút đều phải trả tiền. Đấy là vấn đề kinh doanh thuần túy. Giá thông lệ là 150 bảng".
Best cười xòa: "Thế ư? Tôi thì chỉ biết, người ta phải trả tiền khi đến chơi ở CLB của tôi. Nhưng vì đây là Hoa hậu, cô ta sẽ là khách mời của tôi và không phải trả tiền. Tôi thành thật, và chính thức, có lời mời. Đến hay không là việc của Hoa hậu ấy".

Ngay cả Hoa hậu Thế giới năm 1973, Marjorie Wallace, cũng không giữ chân nổi Best và cũng chỉ là 1 cuộc tình qua đường như bao người đẹp khác.
Khi người đại diện của Marjorie Wallace còn đang mải mê phân tích tình huống để khẳng định việc "chủ nhà phải trả tiền cho Hoa hậu", thì Best đã cúp máy từ lâu. Sau này, ông kể: "Tôi đâu có thiếu 150 bảng. Tôi sẵn sàng trả một số tiền như thế chỉ để thoát khỏi những ống kính đầy soi mói của cánh nhà báo, để cùng bạn bè tận hưởng những cuộc vui riêng tư. Nhưng tôi không trả tiền để được làm quen với nhân vật nổi tiếng nào".
Cần nhớ: đấy là lúc George Best đã chia tay M.U và những năm tháng ngự trị bóng đá đỉnh cao của ông đã trôi qua từ lâu. Rút cuộc, Marjorie Wallace cũng chấp nhận đến thăm CLB "của Best và bạn bè" một cách miễn phí. Và chỉ trong thoáng chốc, Hoa hậu Mỹ kiêm Hoa hậu Thế giới đã trúng tiếng sét ái tình của "ngôi sao bóng đá hết thời" George Best. Wallace để lại số điện thoại trong địa chỉ tiếp theo của cô, tại London. Và cuộc tình Best - Wallace bắt đầu.
Ở thời điểm ấy, Best là cầu thủ tự do, không chịu bất cứ ràng buộc nào nên ông đi đâu tùy ý. Không như phái đoàn tùy tùng của Hoa hậu, luôn có lịch trình và kế hoạch chặt chẽ trong mọi chuyện, Best làm Wallace ngạc nhiên khi họ gặp nhau ở London, bởi chi tiết Best chỉ có mỗi chiếc va-ly nhỏ, đi một mình, và không hề biết trước ông sẽ ở khách sạn nào.
Thế rồi, khi đã thật sự thân thiết, Wallace lại càng ngạc nhiên khi Best không hề phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào với những người đẹp mà ông từng quen, nổi tiếng hoặc không nổi tiếng. Best không quá xem trọng việc ông cặp được với người đẹp nào, khác hẳn việc Wallace luôn chăm chú theo dõi xem báo chí viết gì về mối quan hệ giữa mình với các ngôi sao thời ấy: ca sỹ Tom Jones, tay đua mô tô Peter Revson hoặc ngôi sao quần vợt Jimmy Connors...

BỊ NGƯỜI TÌNH TỐ CÁO TỘI... ĂN CẮP

Khi giới đại diện sắp xếp để hoa hậu thế giới Marjorie Wallace gặp Best trong chuyến sang Anh du lịch, họ còn mặc cả với nhau xem ai phải trả tiền cho ai (còn sau đó, khi Wallace và Best lao vào nhau, thì đấy lại là chuyện khác).
Cuộc tình của Best với hoa hậu Wallace nổi tiếng không chỉ ở chỗ trai tài gái sắc, mà còn vì đấy là cuộc tình ầm ĩ nhất, đình đám nhất, kịch tính cũng tăng đến mức cao nhất. Đoạn kết, cảnh sát ập vào bắt ngôi sao Best vì lời tố cáo ăn cắp, của chính Wallace.
Có lần, Best cảm thấy không vui khi Wallace nhận điện thoại và nói những lời yêu đương với người khác ngay khi đang nằm cạnh Best, trong một khách sạn ở London. Best nổi cáu: “Em không có được một chút lịch sự tối thiểu là nói lời xin lỗi và hẹn sẽ gọi lại sau?”. Hoa hậu chỉ cười khẩy: “Anh đang nghĩ mình là ai thế?”.

Không những kết thúc chóng vánh, cuộc tình của Best và Hoa hậu Marjorie Wallace còn bị cười nhạo bởi scandal khi Wallace tố cáo Best… ăn trộm hành lý của mình.
Họ gây gổ, và cùng đuổi nhau ra khỏi phòng. Cuối cùng, người phải “cút đi” là Wallace. Mới sáng sớm, Best đã thức giấc và chợt thấy qua cửa sổ chiếc Rolls Royce của hoa hậu đang đậu phía dưới. Người đẹp quyết định trở lại và xin lỗi Best? Ảo tưởng! Marjorie Wallace quả đã trở lại, nhưng cùng đi với cảnh sát.
Ngôi sao bóng đá nổi tiếng nhất nước Anh bị Hoa hậu thế giới tố cáo tội ăn cắp hành lý. Còn gì tuyệt vời hơn, cho các tờ báo lá cải? Chuyện đi thưa cảnh sát là có thật, còn nội dung tố cáo dĩ nhiên là sai trái. Best được phép gọi điện cho luật sư trước khi về đồn cảnh sát. Ông bị tạm giữ 6 giờ.
Dù luật sự đã dặn trước là không nên hé miệng, Best vẫn tự tin trả lời mọi câu hỏi của các điều tra viên. Đại khái, ông thừa nhận mọi chi tiết như gặp Wallace lúc nào, ở đâu, đi xem phim gì, sau đó ăn uống ở đâu, vào khách sạn khi nào... Chỉ có chuyện ăn cắp va ly của Wallace là hoàn toàn không có. Như bao vụ cố ý gây scandal khác, vụ này rút cuộc cũng chìm xuồng khi Best tự do bước ra khỏi đồn và cảnh sát xác nhận là ông vô tội.

HUYỀN THOẠI NHIỀU LẦN ỐM ĐÒN

Sau này vẫn vậy. Chỉ vài tháng trước khi qua đời, dù đã là một con bệnh vô phương cứu chữa, Best vẫn bị tố cáo là hành hung một bé gái 13 tuổi, vẫn phải trả lời các điều tra viên trước khi được thừa nhận là vô tội.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, Best bị tạm giữ ở đồn cảnh sát sau một cuộc ẩu đả với người đẹp cuối cùng trong cuộc đời ông, Ros Hollidge. Và khi vụ ẩu đả giữa Hollidge với Best còn chưa ngã ngũ, ông lại bị bồ cũ Devivo Gina tố cáo về chuyện hành hung...
Khó mà kể xiết, Best đã có bao nhiều lần đến đồn cảnh sát. Và tất nhiên, đa số đều là những lời tố cáo không căn cứ. Dù sao đi nữa, chuyện ẩu đả giữa Best với người bạn gái cuối cùng, Ros Hollidge, là có thật. Trớ trêu ở chỗ, Best là nạn nhân, chứ không phải hung thủ.

Người đẹp cuối cùng gắn bó với Best là Ros Hollidge, người nhiều lần tẩn Best lên bờ xuống ruộng vì bất đồng quan điểm.
Cũng dễ hiểu, giữa người đẹp Hollidge tràn đầy sinh lực ở tuổi 37 và một George Best đã 59 tuổi, đang gần đất xa trời vì bệnh hoạn (ông sẽ qua đời ngay sau đó), thì... ai đánh ai? Báo chí Anh từng đưa tin: George Best chấp nhận trở lại sống chung với người phụ nữ đã tẩn mình!
Cũng vậy, khi cảnh sát tiếp nhận hồ sơ về bạo lực, có liên quan đến Best và người đẹp Revivo (34 tuổi), thiên hạ tỏ ra ngạc nhiên khi Best đứng ở vị trí bị cáo chứ không phải nạn nhân. Gan đã phải thay, cơ thể đã bị “ngâm cồn” suốt 40 năm, răng rụng gần hết, tay chân bạc nhược, Best hành hung người khác thế nào được!
Sự thật là trong những năm tháng cuối đời, Best đã nhiều lần phải ốm đòn, bên cạnh những lần ốm... thật, phải nhập viện. Có lúc, ông bị Hollidge tống ra khỏi nhà sau một màn ẩu đả, và trở thành vô gia cư. Chỉ đến khi Hollidge đồng ý, Best mới được quay về.

CŨNG LÀ NHÂN - QUẢ

Khi Best còn ở đỉnh cao phong độ thì ngược lại, người đẹp nào muốn đến với ông để trở nên nổi tiếng đều phải chịu thiệt thòi. Vợ cũ của ông, Angie James, sau này thú nhận: 8 năm chung sống trong gia đình Best là một địa ngục. Bà phải chịu đựng sự cô đơn khi Best chỉ biết lao từ cuộc vui này sang cuộc vui khác, phải một mình chăm sóc con, lại còn thỉnh thoảng hứng lấy những tràng thóa mạ, mắng mỏ khi không làm Best hài lòng.
Cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm của Angie kết thúc vào năm 1986, như một sự giải thoát. Bà cũng đã khóc khi Best qua đời. Nhưng những giọt nước mắt thật sự của buồn tủi, của nhục nhã, thì Angie đã khóc đến kỳ hết từ hàng chục năm trước đó.
Angie kể: “Khi con trai chúng tôi là Calum Best đã khôn lớn và tôi đưa nó sang Anh để gặp cha ruột, tôi thật sự bàng hoàng không nhận ra được Best như ngày xưa nữa. Mãnh hổ bỗng trở thành mèo”.

Sự lăng nhăng của Best khiến những người vợ của ông như Alex Pursey (trái) và Angie James đã phải chịu nhiều cay đắng nên khi nhắm mắt, Best phải chịu cảnh cô đơn và bệnh tật như 1 quả báo của số phận.
Best còn có một người vợ chính thức khác là Alex Pursey, và cuộc hôn nhân của người đẹp này cũng chẳng khác gì bà vợ cả Angie. Alex nói giống hệt Angie khi Best qua đời: “Vì sao tôi không khóc ư? Tôi đã khóc hết nước mắt từ lâu rồi. Các thành viên trong gia đình Best luôn ném cho tôi những cái nhìn khinh miệt. Cuộc hôn nhân (9 năm) của tôi chỉ gồm cay đắng chứ không có chút hạnh phúc”.
Ngay từ cuộc tình đầu tiên mà Best làm cho báo giới phải tốn giấy mực, với cô sinh viên Đan Mạch Eva Harasted vốn chịu bỏ nhà sang Anh chỉ để tìm kiếm ngôi sao, Best rút cuộc cũng phải ra tòa nộp phạt vì tội không tuân thủ hợp đồng!
Các diễn viên Annette Andre hoặc Sinead Cusack thì đành chia tay George Best vì ghen. Ghen nhau đã đành, họ còn không thể yên tâm khi Best hẹn hò với họ nhưng lại quả quyết phải tìm cách cưa cho bằng được minh tinh Brigitte Bardot! Với diễn viên Susan George thì Best bị chê là không rành rẽ những “kỹ năng yêu”. Cứ thế, cơ man những cuộc tình “qua đường” nối tiếp nhau trong cuộc đời Best, mối nào cũng nhanh chóng kết thúc vì những trắc trở.
DANH SÁCH NHỮNG NHÂN TÌNH ĐÁNG CHÚ Ý
- 1969: Sinh viên Đan Mạch Eva Harasted.
- 1969: Diễn viên Barbara Windsor.
- 1970: Ca sỹ Lynsey de Paul và các diễn viên Annette Andre, Sinead Cusack.
- 1970: Sinh viên Thụy Điển Siv Hederby.
- 1970-1972: Cựu hoa hậu vương quốc Anh Carolyn Moore.
- 1973: Hoa hậu Mỹ và thế giới Marjorie Wallace.
- Suốt thập niên 1970: Diễn viên Susan George.
- 1976-1982: Người mẫu Angie James. Kết hôn vào năm 1978 và có một con trai, Calum Best, chào đời năm 1981.
- 1983: Cựu hoa hậu Thụy Điển và thế giới Mary Stavin.
- 1985: Người mẫu Angie Lynn.
- 1986: Người mẫu quảng cáo cho hãng sữa Lotta Bottle, Jude Dennis.
- 1995-2004: Tiếp viên hàng không Alex Pursey. Kết hôn rồi ly dị.
- 2003-2005: Người đẹp Gina Devivo.
- 2004: Người đẹp Lisa Pesch.
- 2004: Ros Hollidge


10 câu nói bất hủ của George Best


Huyền thoại MU là người đi tiên phong trong việc đưa cầu thủ bóng đá trở thành ngôi sao giải trí. Với tính cách phóng khoáng và hài hước, ông có nhiều câu nói bất hủ.
“Nếu phải lựa chọn giữa việc rê bóng qua 4 hậu vệ Liverpool cùng lúc rồi ghi bàn từ cự ly 30m, với việc được ngủ cùng hoa hậu thế giới thì đây quả là lựa chọn khó khăn. Rất may là tôi đã làm được cả hai".
“Nếu họ nói tôi xấu, có lẽ họ chưa nghe đến cái tên Pele”.​

10 cau noi bat hu cua George Best hinh anh 1
Huyền thoại George Best có khuôn mặt đẹp trai lãng tử, với mái tóc dài và đôi mắt xanh sâu thẳm, đủ sức bắn hạ trái tim của các cô gái. Ảnh: Telegraph.
“Tôi chi rất nhiều tiền để mua rượu, phục vụ gái đẹp và sắm siêu xe. Phần còn lại mới là lãng phí”.
“Năm 1969, tôi bỏ gái và rượu. Đấy là 20 phút đen tối nhất cuộc đời”.
“Tôi nhớ nhiều thứ lắm chứ, hoa hậu Canada này, hoa hậu Anh này, cả hoa hậu thế giới nữa”.
“Thực ra cũng có lúc tôi ngừng uống rượu khá lâu đấy. Lúc ngủ".
“Người hâm mộ sẽ quên đi mọi thứ đen tối  và rác rưởi trên thế giới này khi chứng kiến tôi chơi bóng. Nếu chỉ có 1 người nói tôi là cầu thủ hay nhất thế giới thì tôi cũng xem thế là quá đủ”.
10 cau noi bat hu cua George Best hinh anh 2
George Best là người mở đưởng cho hành trình dấn thân vào showbiz của ngôi sao bóng đá sau này. Ảnh: Manchester United.
“Mọi người cứ ngăn tôi đừng thổi tắt 2 ngọn nến đặt hai đầu cái bàn chỉ bằng 1 hơi. Có lẽ vì họ chưa có cây nến đủ to ấy chứ”.
“Pele bảo tôi là cầu thủ hay nhất mọi thời đại. Tôi thấy đúng quá rồi. Bạn phải luôn nhìn vào sự thật. Tôi chẳng bao giờ nhìn vào ai để tự gây áp lực”.
Dân Bắc Ireland chơi chữ khi ca ngợi George Best: “Maradona good, Pele better, George Best” (Tạm dịch là: Maradona hay, Pele hay hơn nhưng Best là hay nhất).
"Báo chí viết rằng tôi từng ngủ với 7 cô hoa hậu thế giới. Hết sức vô lý. Sự thật, chỉ có 4 cô. Còn 3 cô kia  tôi chưa hề gặp".
Anh Dũng

10 năm George Best qua đời: 'Hãy nhớ đến ông trong hình dáng của thiên tài…'

10 năm George Best qua đời: 'Hãy nhớ đến ông trong hình dáng của thiên tài…'

Thứ Tư, 25/11/2015 19:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trên sân cỏ, ông là thiên tài. Ông có dáng dấp của một tài tử Hollywood. Nhưng khi rời khỏi sân cỏ, huyền thoại George Best đã rơi vào cuộc chiến với ma men và qua đời ở tuổi 59.
Hôm nay, 25/11, kỷ niệm 10 năm ngày thiên tài bóng đá qua đời. Người hâm mộ Man United sẽ bật sáng màn hình điện thoại ở phút thứ 7 trận đấu với PSV ở Champions League để tưởng nhớ huyền thoại của CLB. Fan của Best trên toàn thế giới cũng thể hiện tình yêu đối với ông theo cách riêng của họ. Nhưng ở nơi an nghỉ cuối cùng của Best, nghĩa trang Roselawn, mọi thứ vẫn tĩnh lặng.“Chúng tôi sẽ đến phần mộ của gia đình để bày tỏ sự kính trọng tới George. Chắc sẽ có một số người bạn của George từ Manchester tới nữa”, em gái của Best, bà Barbara McNarry chia sẻ với Belfast Live. Một ngày kỷ niệm trong yên tĩnh, không phải họ chẳng quý mến Best. Đơn giản vì trong lòng những người như Barbara chưa bao giờ nghĩ rằng Best đã ra đi: “Trong lễ tang, tôi bảo với mọi người rằng George không qua đời. Anh ấy chỉ rời khỏi sân cỏ mà thôi, và sự thật là như vậy”.
Là con trai của Annie và Dickie, 2 công nhân của nhà máy đóng tàu Belfast, Best phát lộ tài năng chơi bóng ngay từ khi còn nhỏ. Cơ hội để khẳng định sự nghiệp đến với Best khi ông được phát hiện bởi các tuyển trạch viên của Man United. 15 tuổi, Best khăn gói đến vùng đất mới giữa những con người hoàn toàn xa lạ, để lại nỗi nhớ thương cho những người thân ở Belfast.
Alex Best đấu giá kỷ vật chồng cũ: Nội chiến trong gia tộc George Best

Alex Best đấu giá kỷ vật chồng cũ: Nội chiến trong gia tộc George Best

Khi George Best còn sống, Alex hiếm khi xuất hiện tại các sự kiện lớn nhưng bây giờ, lúc chồng cũ đã nằm sâu dưới nấm mồ, người phụ nữ đó lại là tâm điểm của dư luận.
“Chúng tôi khóc mỗi đêm vì nhớ George. Mẹ yêu George và nhớ anh da diết. Khi George rời nhà theo đuổi sự nghiệp, nơi đây thiếu vắng niềm vui, tiếng cười. Sau này, George thi thoảng ghé nhà, nhưng mỗi lần chỉ được khoảng 2 ngày rồi anh ấy lại đi. Trong nhiều năm liền, mẹ tôi vẫn không quen nổi cảm giác trống vắng đó”.Bi kịch của thiên tài
Ở Manchester, cậu bé 15 tuổi ngày nào vụt sáng thành ngôi sao của “Quỷ đỏ”. Ông giúp Man United giành 2 danh hiệu quốc nội, trở thành CLB Anh đầu tiên đăng quang ở Cúp C1. Càng ý nghĩa hơn khi danh hiệu châu Âu đến với đội chủ sân Old Trafford đúng 10 năm sau thảm họa Munich 1958. Vài tháng sau đêm vinh quang ở Wembley, Best trở thành cầu thủ duy nhất trong lịch sử bóng đá Bắc Ailen được trao “Quả bóng Vàng châu Âu”.
Best trở thành một hiện tượng toàn cầu, trở thành một “celebrity” (người nổi tiếng, người công chúng) đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao. Những bước chân của Best đều bị cánh săn ảnh theo sát, mọi hoạt động của anh và gia đình đều trở thành chủ đề được công chúng quan tâm. Nhưng Barbara cho biết Best không thực sự thoải mái với cuộc sống của một siêu sao.
“Cuộc sống của George không còn là của riêng anh ấy. Đôi lúc, tôi nhìn vào gương mặt Best khi anh nhận những lời ca tụng từ đám đông, và thấy sự không thoải mái. Nhưng Best chưa bao giờ phàn nàn về điều đó. Quãng thời gian bên anh, tôi luôn cảm nhận được sự vui vẻ, nhiệt tình và dí dỏm”, Barbara nhớ lại.
Năm 1978, mẹ Best qua đời vì chứng nghiện rượu ở tuổi 50. Cái chết của mẹ cùng với áp lực của sự nổi tiếng đã tác động nặng nề tới Best. Ông cố tìm sự an ủi bằng ma men và rồi chìm sâu không lối thoát. Những năm 1980, chủ đề Best nghiện rượu xuất hiện hàng ngày trên khắp các mặt báo. Rượu dần dần hủy hoại cả thể chất và tinh thần của Best. Tháng 10/2005, Best được cấp cứu tại bệnh viện Cromwell, London và không thể khỏe mạnh để rời khỏi đó. Ngày 25/11, Best mãi mãi ra đi, kết thúc những năm tháng nghiện ngập.
“Tuần cuối cùng thực sự là ác mộng. Chúng tôi gắng trò chuyện, làm mọi thứ để George có thể nghe chúng tôi. Ca phẫu thuật cấy ghép có thể giúp thể trạng của anh ấy tốt hơn nhưng không giải quyết được vấn đề gốc rễ. Ngày mẹ qua đời, chúng tôi thực sự không biết rằng anh ấy gặp vấn đề. Giá như…”
Barbara nghẹn lại khi nói đến đó. Trong bà có cảm giác của sự tiếc nuối, có cả sự hối hận khi không hiểu hết những khó khăn về tinh thần mà anh trai phải trải qua. Bây giờ, 10 năm trôi qua, Barbara chỉ có một mong muốn duy nhất. “Đừng gọi anh ấy là ma men, hãy nhớ đến George trong hình ảnh của một siêu sao bóng đá. Đó là điều anh ấy muốn”.
Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét