Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

VÕ THUẬT TINH HOA 67/o

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
CON ĐƯỜNG VÕ HỌC | CDVH #13 FULL | Duy Nhất - Tùng Yuki tìm về môn phái Bắc Phái Tây Sơn
y 20/6/2012, Liên đoàn Võ cổ truyền – Pencak Silat – Wushu An Giang đã long trọng tiếp đón lão võ sư Nguyễn Xuân Bình – Chưởng môn Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo về thăm An Giang.
Lão võ sư Nguyễn Xuân Bình - Chưởng môn Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo

Một đời vì nghiệp võ.
Lão võ sư Xuân Bình sinh năm 1917 tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Gia đình ông là dòng giỏi võ thuật, nên ông được ông ngoại dạy võ Thiếu Lâm từ năm 14 tuổi. Về sau, ông còn học thêm các môn võ: Võ Kinh, võ Tây Sơn, võ Thiếu Lâm Bắc Phái.
Từ năm 1943, ông bắt đầu mở lớp dạy võ thuật ngay tại quê hương và tại: Nha Trang, Phan Rang, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn, Biên Hòa.
Ông tham gia Tổng cục Quyền thuật Việt Nam và là ủy viên sáng lập Tổng hội Võ học Việt Nam tại Sài Gòn, trực tiếp thượng đài và đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng đấm Việt Nam (có biệt danh bắt đầu bằng chữ Xuân, như: Xuân Thanh, Xuân Cúc, Xuân Liễu, Xuân Én...).
Với những thành tích đó, ông đã được Tổng nha Thanh niên (thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên của Việt Nam Cộng hòa) tặng bằng danh dự về thành tích "đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng đấm Việt Nam", cùng với các võ sư: Hồ Văn Lành, Trần XilLý Huỳnh; và cũng từ đó, ông cùng ba võ sư nói trên được giới võ thuật gọi là "Tứ Tú" (bốn ngôi sao), đã nối nghiệp xứng đáng cho "Tam Nhật" (Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa) và Tam Nguyệt (Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai).
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mãi đến năm 1979, ông mới mở lớp võ dạy lại tại xã Thiện An, Buôn Hồ, huyện Krông Buk, tỉnh Dak Lak. Ông là một trong những thành viên của Ban cố vấn Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam và đã được trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Thể dục Thể thao.
Truyền thống – nối tiếp truyền thống.
14giờ, ngày 21/6/2012. Tại Nhà tập của Trường năng khiếu thể thao tỉnh An Giang. Võ phái Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo đã có buổi họp mặt các môn đồ của võ phái tại An Giang, gồm nhiều thế hệ do võ sư Xuân Liễu đào tạo để ra mắt vị Chưởng môn. Người đã có công huấn luyện và đào tạo nữ võ sư Xuân Liễu.
Nữ võ sư Xuân Liễu và đồng chí Vũ Đức Thịnh cùng các học trò tại đấu trường Quốc Tế.
Đến dự buổi họp mặt này còn có sự hiện diện của một số võ sư, chưởng môn của các võ phái khác cùng nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện cho các ban ngành, đoàn thể các ngành nghề tại địa phương.
Võ sư Xuân Liễu đã ôn lại truyền thống tôn sư trọng đạo của võ phái. Đồng thời báo cáo với vị Chưởng môn về các thành tích của các võ sĩ Võ phái Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo đã đạt được trong suốt 22 năm do võ sư Xuân Liễu là người có công xây dựng và phát triển tại An Giang . Hiện nay, tại An Giang có trên 20 CLB võ cổ truyền thuộc Võ phái Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo đang hoạt động khắp nơi trong Tỉnh. Có hàng trăm võ sư và HLV đẳng cấp Quốc Gia, nhiều võ sĩ đạt thành tích cao tại các đấu trường trong nước và Quốc tế. (hơn 500 bộ huy chương của các giải trong và ngoài nước).
Lão võ sư Xuân Bình vui mừng khi nghe qua được các thành quả của võ phái. Tôi đọc được trong ánh mắt ông một niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của một người thầy. Những hạt giống ông ươm mần, chăm sóc cực khổ ngày nào … nay đã đơm hoa và cho đời những chùm trái ngọt.
Lão võ sư Xuân Bình gửi lời chúc mừng, khen tặng các môn sinh đã có nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và phát triển võ phái. Ông mong rằng : với những gì võ phái đã đạt được sẽ là đòn bẩy để võ phái ngày một phát triển mạnh hơn và xa hơn. Ông cũng không quên dặn dò các võ sư, HLV và các môn sinh luôn rèn luyện võ đức, trao dồi văn hóa để trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ Quốc ngày một giàu đẹp và vững mạnh.
Tại buổi họp mặt này, lão võ sư Xuân Bình – Chưởng môn Võ phái Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo long trọng tuyên bố:
1.Trao quyền Chưởng môn Võ phái Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo lại cho Võ sư Xuân Liễu để điều hành võ phái.
2.Cho phép các võ sư – HLV có nhiều thành tích thuộc Võ phái Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo tại An Giang, được phép lấy chữ “Xuân” làm võ danh của mình như một danh dự thiêng liêng của một cao đồ.
Đồng thời ông cũng phong cấp đai danh dự cho một số võ sư – HLV trong buổi họp mặt này.
Lão võ sư Xuân Bình phong đai danh dự cho một số võ sư và HLV nhân dịp về thăm An Giang
Buổi họp mặt thắm đậm tình thầy trò, huynh đệ.
-Kính chúc Lão võ sư Xuân Bình được dồi dào sức khỏe, trường thọ.
-Chúc Võ Phái Tây Sơn Bắc Phái - Xuân Bình - Võ Thuật Đạo mãi mãi phát triển.
-Chúc võ sư Xuân Liễu hoàn thành trọng trách được giao.
Võ sư Nguyễn Xuân Hiền

Quyền sư Tây Sơn Bắc phái | Đại lão võ sư Xuân Bình
Từ thời trai trẻ đến nay, quyền sư Nguyễn Xuân Bình không hút thuốc lá, cũng chẳng đụng đến rượu bia, mà suốt ngày chỉ làm bạn với bao cát, tạ sắt, côn, kiếm và hít đất. Có lẽ nhờ vậy mà đến nay dù đã 97 tuổi, lão võ sư vẫn minh mẫn, hoạt bát, ít khi ốm đau bệnh tật.
Lão võ sư Nguyễn Xuân Bình sinh năm 1917 tại thôn Phú Hậu, H.Phù Cát, tỉnh Bình Định, sớm được ông ngoại là cụ Phó Kính truyền thụ võ Thiếu lâm. Khi lớn lên thì được làm đệ tử nhị vị sư phụ Sĩ Ba và Đoàn Phong, hai quyền sư nổi tiếng đất võ Bình Định. Đến năm 22 tuổi, Xuân Bình tình cờ hội ngộ và được cao thủ Phước Kiến là Tiêu Bảo Chấn dốc lòng chân truyền tinh hoa Thiếu lâm bắc phái.
Năm 1944, ông bắt đầu dạy võ thuật cho trai tráng trong thôn. Tuy nhiên, chỉ được hơn một năm, chàng nông dân bỏ ruộng đồng nhà cửa phiêu bạt giang hồ. Trên đường hành hiệp đã đem vốn sở học truyền bá cho lớp hậu bối kháng Tây đánh Nhật, sau đó mở 6 võ đường ở Nha Trang (1949), Phan Rang-Tháp Chàm (1950), Đơn Dương (1955), Buôn Ma Thuột (1957), Biên Hòa (1959) và Sài Gòn (1960). Năm 1964, được đồng đạo Nguyễn Son tiến cử, Xuân Bình gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật VN đào tạo võ sĩ.
Lão quyền sư Xuân Bình trầm ngâm: “Sự nghiệp thi đấu của tôi khoảng 13 trận, trong đó có những trận nhớ đời như hòa “Con cáo già” Huỳnh Tiền tại Phan Rang (1946), thắng Châu Long ở Hoài Nhơn, Bình Định (1947), thắng K.O Cao Thành Sang tại Ninh Hòa (1948), thắng “Gấu đen miền Trung” Trọng Đãi ở Phú Khánh (1949), thắng “Hùm xám Khánh Hòa” Trịnh Thiếu Anh (1950) tại Nha Trang, hòa Lư Hòa Phát tại Hội chợ Thị Nghè (1951). Sau trận hòa “vua boxing” Kid Dempsey tại sân Tinh Võ (1951) tôi giã từ sàn đấu! Trong cuộc đời tôi có hai kỷ niệm khó quên. Đó là trận hòa “tượng đài” Huỳnh Tiền tại rạp hát Thanh Bình (Phan Rang), anh Tiền đánh rất mưu mẹo, khôn khéo, đôi chân di chuyển linh hoạt, uyển chuyển, ra đòn cực nhanh và chuẩn xác, còi dứt trận vang lên, tôi vẫn nghĩ rằng mình thua điểm, không ngờ trọng tài Nguyễn Trung tuyên bố hòa. Và một kỷ niệm đau lòng là vào tháng 2.1975, tôi đứng ra tổ chức thi đấu võ đài tại Biên Hòa, ngay đêm đầu học trò tôi là Trần Quyền bị dính cú đấm dập hộp sọ, hôn mê rồi qua đời khiến tôi vô cùng đau khổ day dứt suốt mấy năm trời”.
Năm 1964, quyền sư Xuân Bình sáng lập “Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình võ thuật đạo” (73 Hàm Nghi, Biên Hòa) cho ra “lò” nhiều tay đấm gạo cội như Xuân Nghĩa (52 kg, lực sĩ quốc gia 1971), Xuân Phước (vô địch quyền tự do 1973), Xuân Thịnh (hạ K.O võ sĩ Hồng Kông Ngũ Chí Cường sau 15 giây nhập cuộc tại sân Tinh Võ), Xuân Liễu (nữ võ sĩ “độc cô cầu bại” hạng cân 48 kg), Xuân Cúc (con gái của quyền sư Xuân Bình)… được Tổng cuộc Quyền thuật VN cấp bằng khen do thành tích đào tạo nhiều tay đấm giỏi cho làng võ miền Nam.
Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình võ thuật đạo được kết tinh từ võ Bình Định và Thiếu lâm bắc phái kết hợp thủ pháp môn quyền anh. Do đó, đòn thế vô cùng ảo diệu, 3 bài trấn môn của võ phái là Ngũ Hổ Bình Tây, Miêu Tẩy Diện, Tứ Trụ Long Môn cùng nhiều bài binh khí nổi tiếng của Bình Định như Tấn Nhứt, Thái Sơn và Bạch Long Kiếm. Quyền sư Xuân Bình chọn ngày Quang Trung đại thắng quân Thanh (mồng 5 tháng 5) làm ngày kỷ niệm võ phái. Năm 1971, ông giữ chức Phó đoàn quyền thuật VN tranh tài quốc tế tại Nhà hát Olympic (Phnom Penh, Campuchia), các đệ tử của ông là Xuân Thơm, Xuân Thịnh đều toàn thắng.
Sau ngày đất nước thống nhất, vị chưởng môn Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình võ thuật đạo cùng gia đình lập nghiệp tại Thiện An, xã Buôn Hồ, H.Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk. Ông cùng các con Xuân Sơn và Xuân Hà tiếp tục đào tạo những tài năng võ thuật cho tỉnh nhà. Ông được Ủy ban TDTT trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp TDTT” và vẫn tiếp tục dành hết thời gian tâm sức ghi chép lại những tinh hoa của võ phái nhằm truyền lại cho lớp hậu bối vùng sơn cước.
Lão võ sư Xuân Bình: Võ đạo dạy làm người
Trong giới võ thuật Bắc - Nam, lão võ sư Xuân Bình được coi là kho tàng sống về võ cổ truyền Bình Định. Ở độ tuổi ngót nghét 100, tuy sức lực đã mang dáng dấp của thời gian, nhưng lão võ sư vẫn rất phong độ, mọi hành động, cử chỉ vẫn mang khí lực của con nhà võ.

Ngày 22-9-2013, tại Võ đường Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình Võ thuật đạo (Thiện An, Buôn Hồ, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk), lão võ sư Xuân Bình, chưởng môn nhân đời thứ nhất, đã tổ chức lễ giao quyền kế nhiệm chức chưởng môn đời thứ hai cho con trai là võ sư Nguyễn Xuân Sơn.
Vừa luyện võ và làm ruộng đến năm 26 tuổi thì Xuân Bình mới đem sở đắc võ thuật của mình ra thi thố để ấn chứng công phu. Ông tham gia thượng đài các môn quyền tự do và quyền Anh. Nhiều trận đấu được giới võ lâm tâm đắc như trận thắng Trọng Đãi, biệt danh "Gấu đen miền Trung". Nói về Trọng Đãi, người ta không thể quên võ sĩ này từng cùng hai võ sĩ Huỳnh Tiền và Thanh Xuân thủ lôi đài ở sân vận động Nha Trang gần cả tuần lễ mà không ai hạ nổi ở Ninh Hòa. Hay trận ông thắng Châu Long ở Hoài Nhơn; thắng Cao Thành Sang ở Ninh Hòa; hòa Huỳnh Tiền ở Phan Rang; hòa với Kid Demsey ở Tuy Hòa…Lão võ sư Xuân Bình tên thật là Nguyễn Xuân Bình, sinh ngày 10-8-1917 tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thuộc dòng dõi con nhà võ, do cha mẹ mất sớm nên Xuân Bình được ông ngoại là cụ Phó Kính đưa về nuôi dưỡng và được học võ  từ năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi thì theo thầy Cửu Xưa học võ Kinh - dòng võ chính thống của triều đình, rồi luyện võ Tây Sơn với võ sư Đoàn Phong, học Thiếu Lâm bắc phái với thầy Bảo Hiếu…
Trao giấy giao quyền kế nhiệm chưởng môn cho võ sư Xuân Sơn.
Từ năm 1943, Xuân Bình bắt đầu mở võ đường dạy ở quê hương và các tỉnh, thành: Nha Trang, Phan Rang, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn, Biên Hòa. Nhiều võ sĩ nổi tiếng trong làng đấm Việt Nam như Xuân Thanh, Xuân Hùng, Xuân Phước, Xuân Thịnh, Xuân Liễu, Xuân Nghĩa… đều là học trò của thầy Xuân Bình.
"Bốn vì sao sáng" trên bầu trời võ thuật
Năm 1960, võ sư Xuân Bình gia nhập Tổng cuộc quyền thuật miền Nam Việt Nam. Năm 1969, ông cùng nhóm "Thập nhất thái bảo" gồm các võ sư chưởng môn như Mai Văn Phát, Đặng Vân Anh, Từ Thiện, Lê Văn Kiển… thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam với mục đích gom góp những tinh hoa võ học của mảnh đất Bình Định nói riêng và của nước Việt Nam nói chung. Từ đây, với những cống hiến to lớn cho võ thuật, Xuân Bình trở thành một trong "Tứ tú" (Bốn vì sao sáng) được võ lâm suy tôn.
Đông đảo võ sư và các ban ngành đến dự lễ.
Nhóm "Tứ tú" gồm Từ Thiện (Hồ Văn Lành), Xuân Bình, Trần Xil, Lý Huỳnh (Lý Kim Tuyền) khi ấy từng được Tổng nha Thanh niên (thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thành niên dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa - VNCH) tặng bằng Danh dự về thành tích "Đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng đấm Việt Nam".
Nhóm bốn người này được coi là truyền nhân trong việc phát huy truyền thống võ thuật Việt Nam của các tiền bối "Tam Nhật", nghĩa là "ba ông mặt trời" của làng võ Việt, bao gồm: Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam Nguyệt", nghĩa là 3 mặt trăng, gồm Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kê, Vũ Bá Oai.
Trong "Tứ tú" thì võ sư Từ Thiện là cao tuổi nhất (1914 - 2005). Ông tên thật là Hồ Văn Lành là nhân vật nổi tiếng của võ phái Tân Khánh Bà Trà, từng được mời xuống Sài Gòn dạy võ ngay tại khu vực Cầu Muối, mảnh đất từng nổi tiếng với nhiều tay anh chị giang hồ từ những năm 50 và đã từng được đưa vào điện ảnh sau giải phóng với nhân vật "Bảy Cầu Muối". Ông đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc như Từ Thanh Nghĩa, Từ Y Văn, Từ Trung Tín, Hồ Ngọc Thọ, Từ Thanh Tòng, Từ Duy Tuấn, Hồ Thanh Phượng, Từ Hoàng Minh, Từ Hoàng Út từng đoạt nhiều huy chương vàng, bạc trong các giải vô địch võ thuật trong và ngoài nước những năm 1969-1974.
Trần Xil là võ sư người Việt gốc Khmer, từng lập võ đường Trần Xil trong Lữ đoàn Nhảy dù của Quân lực VNCH. Ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ có tiếng như Trần Mạnh Hiền, Trần Bạch Hoa...
Còn Lý Huỳnh có tên thật là Lý Kim Tuyền, nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước" (Tung người đá 8 cước trên không) và từng thách đấu công khai với ngôi sao huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài 6 trận về quyền Anh và thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp và các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương - vô địch 6 tỉnh miền Trung. Lý Huỳnh cũng đào tạo nhiều võ sĩ giỏi như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến
Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng các bộ phim có liên quan đến võ thuật và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công với các bộ phim “Long hổ sát đấu”, “Quái nữ Việt Quyền Đạo”, “Báu kiếm rửa hận thù”, “Hải vụ 709”…
Trong sự nghiệp thượng đài của mình, võ sư Xuân Bình nhớ nhất là trận gặp võ sĩ Huỳnh Tiền ở Phan Rang vào năm 1952. Huỳnh Tiền là tay đấm danh trấn giang hồ, là sư phụ của võ sư - nghệ sĩ Lý Huỳnh. Huỳnh Tiền hầu như không có đối thủ ở môn võ tự do trong những năm đầu thập niên 50. Xong trận đấu, tuy được chấm hòa, song với tinh thần thượng võ, võ sư Xuân Bình vẫn nghĩ là mình thua.
Năm 1971, Xuân Bình được cử làm Phó trưởng đoàn Võ sĩ Việt Nam tham gia Võ đài quốc tế tại Khu thể thao liên hợp Olympic ở thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Lần ấy, các đồ đệ của ông như Xuân Thắm, Xuân Thịnh đã toàn thắng.
Lão võ sư tiết lộ chút bí quyết đã giúp ông bất bại trên sàn đài, đó là võ thuật đạo của ông là Bắc phái Tây Sơn. Sở trường của môn phái là tránh đòn và phản công. Riêng ông, ngoài việc di chuyển linh hoạt, ông có thế mạnh về bộ tay. Bộ tay của ông có thể buộc đối thủ rơi vào thế bị động. Khi họ lộ sơ hở, hoặc có dấu hiệu xuống sức, ông mới bắt đầu tấn công và thường giành thắng lợi.
Khai môn lập phái
Năm 1964, trên cơ sở vốn liếng võ thuật tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau cộng với kinh nghiệm huấn luyện, thi đấu nhiều năm, võ sư Xuân Bình đã hệ thống hóa lại các bài bản, kỹ thuật và chính thức sáng lập môn phái Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình Võ thuật đạo tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Cùng các võ sư sáng lập Tổng hội Võ thuật Việt Nam năm 1969.
Bắc phái Tây Sơn Võ thuật đạo chủ trương rèn luyện cho môn sinh có tâm tính hòa nhã, sống lễ nghĩa và nhân hậu, khiêm tốn học hỏi điều hay lẽ phải. Về kỹ thuật, môn sinh được luyện tập: Thân, bộ, thủ, cước và quyền pháp. Võ sư cho hay: thủ pháp là bài toán cộng, bộ pháp là bài toán trừ, cước pháp là bài toán nhân và quyền pháp là bài toán đố.
Một số bài quyền trấn môn của môn phái là Tứ trụ long môn, Miêu tẩy diện, Ngũ hổ bình Tây… và những bài roi (gậy) nổi tiếng của vùng Bình Định. Ngũ hổ bình Tây là bài thảo độc đáo của môn phái. Môn sinh luyện xong phần phân thế của bài này là có thể thượng đài. Những tuyệt chiêu mà các môn sinh thường sử dụng khi thượng đài rất hiệu quả là đòn hổ giáng (chỏ lật), bàng long cước… Năm 1973, tại sân Tinh Võ, quận 5, Sài Gòn, võ sĩ Xuân Thịnh đã hạ đo ván (knock out) võ sĩ Ngũ Chí Cường của Hồng Công bằng cú bàng long cước rất nhanh, mạnh và chính xác khi trận đấu mới bắt đầu được 15 giây.
Ngày giỗ Tổ môn phái Tây Sơn Võ thuật đạo cũng là ngày chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng âm lịch). Lý giải điều này, lão võ sư cho biết sở dĩ chọn ngày chiến thắng Đống Đa làm ngày kỷ niệm môn phái chào đời nhằm ghi nhớ công ơn to lớn của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hoàng đế Quang Trung xưa nay cũng được coi là Thánh tổ của môn phái.
Tâm niệm cuối đời
Những năm 80 trở đi người ta thường thấy võ sư Xuân Bình dẫn môn sinh đi mở võ đài ở khắp nơi: Nha Trang, Phan Rang, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Đi đến đâu, ông cũng tham gia thượng đài và mở lớp dạy võ để truyền bá tinh hoa võ cổ truyền Bình Định và tinh thần thượng võ, đạo sống nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ông cho hay gần đây thấy sức hơi xuống nên ít đi đâu, chứ trước đây  ông thường xuyên về quê cũ Bình Định, ghé thăm các bạn võ như võ sư Phi Long, Phan Thọ, Phi Long Vịnh… và mời họ lên chơi, giao lưu.
Một đời theo đuổi nghiệp võ, lão võ sư có niềm an ủi là đào tạo ra nhiều võ sĩ đoạt huy chương bạc và đồng ở các giải vô địch quyền Anh, vô địch võ cổ truyền toàn quốc như Xuân Anh Sơn, Xuân Anh Vũ, Xuân Đoàn, Xuân Dũng, Xuân Thắm. Lớp lớn thì có Xuân Liễu, Xuân Phương, Xuân Lực, Xuân Vinh… Hai con trai của ông là Xuân Sơn và Xuân Hà đều là huấn luyện viên Võ cổ truyền tỉnh Đắk Lắk. Năm 1992, ông cùng học trò là võ sư Nguyễn Văn Tuyên cho ra mắt cuốn sách "Võ thuật đạo Bắc phái Tây Sơn: Tự học võ thuật" giới thiệu cụ thể, chi tiết về môn phái võ thuật độc đáo này đến bạn đọc.
Tuy vậy ông không khỏi chạnh lòng khi thấy phong trào võ cổ truyền đang đi xuống. Võ cổ truyền Việt Nam không phát triển được so với nhiều môn phái võ ngoại lai khác, theo ông là vì kém về tài chính và mạnh ai nấy làm.
Tâm nguyện của ông là luôn gìn giữ và noi theo truyền thống võ cổ truyền Bình Định, không để thất truyền. "Tuổi tôi cũng đã gần đất xa trời rồi, chỉ có hai ước nguyện: một là võ cổ truyền Việt Nam sớm trở thành quốc võ, hai là tất cả kỹ thuật, bài bản của Bắc phái Tây Sơn Võ thuật đạo do chúng tôi biên soạn được in thành sách thật nhiều để phục vụ cho những người hâm mộ võ thuật". Ông cũng mong làm sao quy tụ được các võ phái cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước để tổ chức giao lưu, hội thi võ thuật cổ truyền, chọn lọc những tinh hoa, từng bước hoàn thiện bản sắc dân tộc để tiến tới xây dựng một nền quốc võ.
Kế nhiệm chức chưởng môn đời thứ hai, võ sư Xuân Sơn (sinh năm 1960) bày tỏ tâm nguyện giữ vững truyền thống "Nhớ Tổ - kính Thầy - trọng Bạn" của môn phái, ra sức truyền bá môn võ cổ truyền Việt Nam và phát dương quang đại môn phái mà người cha, người thầy của mình đã dày công vun đắp, gìn giữ gần nửa thế kỷ qua.
Võ sư Xuân Bình là thành viên của Ban cố vấn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Bình Định và đã được trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Thể dục Thể thao.

Sự đáng sợ của võ công Bình Định

Lê Sơn |
Sự đáng sợ của võ công Bình Định

Không chỉ mạnh ở khả năng thực chiến, những màn biểu diễn công phá gạch đá, nằm trên mảnh chai hay đập đá trên người… là “dễ như ăn kẹo” với các cao thủ võ Bình Định.

Nhắc đến võ cổ truyền Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới võ Bình Định. Vậy môn phái nổi danh này lợi hại nhất ở những điểm nào?
Kỹ thuật siêu đa dạng
Xuất phát từ mục đích đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Tây Sơn, võ Bình Định luôn có tính thực chiến rất cao đặc biệt là sự hiệu quả so với thể trạng nhỏ bé nhưng rất linh hoạt của người Việt.
Võ Bình Định có một hệ thống đòn thế, quyền cước rất phức tạp.
Qua thời gian những đòn thế này được tổng hợp thành các bài quyền điển hình của võ thuật cổ truyền Việt Nam như Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Hùng kê quyền, Siêu bát quái, Roi tấn nhứt, Roi ngũ môn…
Võ Bình Định có tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, được kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân).
Môn võ này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc khi áp dụng học thuyết âm - dương, lấy phép ngũ hành và phép bát quái làm nguyên lý cơ bản.
"Song thủ ngũ hành vi bản", "Lưỡng túc bát bộ vi căn" là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân trong võ cổ truyền Bình Định.

Võ Bình Định rất mạnh trong thực chiến.
Võ Bình Định rất mạnh trong thực chiến.
Tấn pháp trong bát quái và Thủ pháp trong Ngũ hành, có sự phối hợp cả hai phương diện ngoại công và nội công.
Võ Bình Định bao gồm luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần.
Quyền còn gọi là thảo bộ hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền.
Trong đó võ tay không chia thành 4 nhóm: Võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu.
Bình Định Gia – một hệ phái của võ Bình Định đã phát triển những công phu chiến đấu thành hai bộ chân tấn và cùi chỏ (trong phái gọi là cút).
Các công phu cơ bản được sắp xếp thành những bài quyền ngắn và dễ hiểu, nhưng rất hiệu quả, như Trung bình tấn cút, Đinh tấn cút, Pháp cước, Ngũ hành quyền, Tứ tượng.
Phóng sự về võ Bình Định
Nội công thượng thừa
Cùng với những công phu phản xạ, chân lực, nhãn pháp, tịnh tâm pháp thì nội công chính là một trong những kỹ thuật nâng cao của võ Bình Định.
Nhắc tới võ Bình Định không thể bỏ qua kỹ thuật nội công. Hệ thống mà nhiều người nhầm lẫn với khí công hoặc ngạnh công. Thật ra môn nội công khác với môn khí công dù vẫn cùng trong lĩnh vực kỹ thuật hô hấp.
Trong đó, việc luyện nội công được coi là khó nhất. Nội công võ Bình Định hướng tới luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư.
Nói nôm na, nội công võ Bình Định là những kỹ thuật kiểm soát và rèn luyện nội lực, để nhiếp tâm tĩnh tọa, không chỉ giúp đạt sức mạnh của thể chất mà còn giúp tu tâm dưỡng tính.
Hệ thống này đòi hỏi người tập phải có trình độ cao và phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, gian khổ.
Với những kỹ năng nội công, khí công thượng thừa, các võ sư Bình Định có thể thực hiện màn biểu diễn đòi hỏi trình độ cao như:
Lưng trần nằm trên mảnh thủy tinh cho xe tải lăn qua; đâm giáo nhọn vào yết hầu; tấn vững để đá trên gáy dùng búa đập vỡ hay đứng từ trên cao khoảng hai mét chân trần nhảy vào đống mảnh thủy tinh vỡ…
Các đệ tử võ Bình Định cũng có khả năng phi thân (hay còn gọi là khinh công) rất điêu luyện, như chạy trên chiếc chiếu trải trên mặt nước với quãng đường hàng trăm mét.
Biểu diễn nội công của võ Bình Định
Tuyệt kỹ binh khí
Hiếm có môn võ nào sử dụng binh khí một cách đa dạng như võ Bình Định.
Binh khí được dùng trong võ cổ truyền Bình Định bao gồm dài và ngắn.
Loại binh khí rất cơ bản được lưu hành khá phổ biến ở Bình Định là côn (tiếng địa phương gọi là roi) với nhiều "phách roi" độc đáo chỉ có ở võ cổ truyền Bình Định:
"Đâm so đũa", "Đá văn roi", "Phá vây", "Roi đánh nghịch"... Đây là những vũ khí rất hiệu quả để chống giặc khi xưa.
Bình Định có "Bài kiếm 12" nổi tiếng gồm 12 động tác được rút tỉa trong nhiều bài kiếm tiêu biểu của Bình Định để hình thành một cách ngắn gọn, dễ tập, dễ nhớ
Nó được đưa vào luyện tập và thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở một số địa phương.
Võ Bình Định còn gồm các loại độc khí, ám khí như Ô giang thiết địch, tiêu dây, tiêu đũa, tiêu sao… ngày càng được nghiên cứu phát huy hết công năng khi xung trận.
Tuy nhiên, những công phu tuyệt luân ấy chỉ được truyền dạy trong nội tộc để bảo lưu, gìn giữ như một món gia bảo mà không được truyền bá ra cho người bên ngoài.
Những bài quyền “huyền thoại”
Bên cạnh bài Ngọc trản quyền rất nổi tiếng, được nhiều võ sĩ biết đến cũng như tập luyện, võ Bình Định còn có nhiều bài quyền khác rất đặc sắc.
Trong đó có thể kể tới bài Hùng kê quyền, đỉnh cao võ thuật cổ truyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi.
Bài quyền này tương truyền do danh tướng Nguyễn Lữ sáng tạo ra và được truyền lại tới ngày nay.
Bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà.
Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu...
Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo.
Điều đó hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.

Võ Bình Định có nhiều bài quyền đặc sắc.
Võ Bình Định có nhiều bài quyền đặc sắc.
Theo một số tái liệu, trong võ Bình Định còn có bài quyền Ba chân hổ, một tuyệt kỹ bí hiểm có tính sát thương vô cùng lớn.
Tuy nhiên nó đòi hỏi một sự khổ công rèn luyện nhưng đến nay dường như đã bị thất truyền.
Lão võ sư Hà Trọng Ngự - người từng tập luyện tuyệt kỹ này có lần cho biết, để luyện thành công, đòi hỏi nền tảng võ học vững chắc.
Các phương pháp tập luyện tuyệt kỹ cũng vô cùng phức tạp đòi hỏi phải rất kiên trì mới luyện thành.
Để nắm được bài quyền này, võ sinh phải luyện thành 5 pháp khác nhau bao gồm: thân pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp và cuối cùng là thần sắc.
Một trong những pháp khó luyện nhất là thủ pháp.
Theo đó, để có được bàn tay cứng như sắt thép, uy lực như vuốt mãnh hổ, người tập phải dùng tay không xúc vào đá nhỏ liên tục cho đến khi bàn tay xơ tước, rướm máu rồi mới ngâm tay vào thuốc võ bí truyền.
Tiếp tục luyện như vậy cho đến khi da và các đầu ngón tay không còn cảm giác đau đớn nữa lại thay đá bằng sạn và đá loại lớn hơn.
Hỗn hợp đá và sạn trên sẽ được trộn với thuốc đổ vào chảo được đặt trên lửa đỏ.
Người tập phải dùng tay liên tục đảo hỗn hợp trên trong lửa đỏ cho đến khi tay nóng không chịu được mới rút ra ngâm vào thuốc. Cứ thế cho đến khi chịu được mức nhiệt cao nhất.
Để có được hổ trảo uy lực, ngoài việc cần có bàn tay cứng chắc, người luyện còn phải dùng năm đầu ngón tay bấu, chụp vào các vật cứng từ nhẹ đến mạnh để luyện lực kéo, xé, bóp …
Hay để có thân pháp như một “chúa sơn lâm”, võ sinh phải tập nhảy khỏi hố sâu với chân trần, chân mang chì hoặc sắt…
theo Trí Thức Trẻ

Miền võ Nam Bộ: Ngũ hổ Bình Tây

VÕ THUẬT BÌNH ĐỊNH :" ROI THUẬN TRUYỀN/ QUYỀN AN THÁI: " Bài Viết QUỐC THÀNH





 
Quốc Thành
TRUYỀN THỐNG
"ROI THUẬN TRUYỀN QUYỀN AN THÁI" Ở BÌNH ĐỊNH





Ông Hồ Ngạnh người làng Thuận Truyền thuộc huyện Bình Khê. Tương truyền: Ông vừa là hậu duệ của nhà Hồ Phi Phúc vừa mang trong người tinh hoa võ thuật dân tộc do Hoàng đế Quang Trung truyền lại. Từ những thế cước đường roi siêu quần bạt chúng mà cách đây trên hai trăm năm tam kiệt Tây Sơn đã phổ cập đến tận người nông dân tạo nền tảng về kỹ năng chiến đấu cho đoàn quân áo vải cờ đào bách chiến bách thắng: Lật đổ hai phủ chúa một ngai vàng và đập tan hai cuộc xâm lăng ở hai đầu đất nước: Xiêm La và Mãn Thanh thâu sơn hà về một mối.
Ông Hồ Ngạnh sống bên gốc cây đa cổ thụ và trong luỹ tre xanh nên tính tình thuần phát. Với dáng người mảnh khảnh giản dị phảng phất màu khắc khổ như một bác nông dân. Lúc nào ông cũng vắt chiếc khăn lông trên vai. Kể rằng: Dân hai làng lân cận tranh nước về đồng gay gắt đến mức loạn đả toàn dân . Ông Ngạnh tình cờ đi đến chỉ một chiếc khăn lông ông đã thâu tóm toàn bộ vũ khí: Cuốc xẻng gậy gộc gươm dao... của dân hai làng và đứng ra hoà giải. Thế mà nhìn bề ngoài không ai biết ông đã kế thừa tính ưu việt nét tài hoa của môn võ gia truyền ấy. Và từ ngày được ông Trương Văn Hiến sưu tầm và trao tặng tập"VÕ ĐẠO KINH THƯ" của tổ phụ ông Ngạnh càng chuyên tâm tập luyện đã phát huy linh diệu tinh hoa võ thuật đến mức thượng thừa. Gần nửa cuộc đời nhiều lúc nổi máu yên hùng ông từng dọc ngang trên suốt chiều dài đất nước chừng như  chưa gặp đối thủ ngang tầm.
Chợt ông Ngạnh nghe đồn: Ở bên kia bờ sông Côn là thị tứ An Thái vừa xuất hiện cao thủ võ thuật của môn phái Thiếu Lâm Tự ở Trung Hoa sang làm chấn động dư luận hảo hớn một vùng. Ông Ngạnh tìm đến nơi và được biết: Ông Diệp Trường Phát hiệu Thoại Chi tên Tàu Sáu là một thanh niên tầm thước dáng người nho nhã giao tiếp hào hoa với đôi mắt sáng ngời và miệng nói tiếng Việt chưa chuẩn. Sau khi giới thiệu và phân ngôi thứ thì ông Tàu nhỏ tuổi hơn ông Ngạnh nên tự nhận làm em.
Chừng như họ đều muốn tìm hiểu võ nghệ của nhau nên nhanh chóng chấp nhận một cuộc giao đấu hữu nghị trên tinh thần thượng võ với hai môn: côn - Quyền. Lấy phương thức không gây nguy hiểm chỉ dùng thủ thuật lưu lại trên võ phục đối phương những dấu mực. Tay chân đều mang vớ và quấn băng vải. Ông Ngạnh mang võ phục màu vàng mực vàng. Chú Tàu võ phục màu đỏ mực đỏ. Giao đấu mỗi môn một hiệp thời gian bằng một cây nhang ba tấc.
Cây hương trầm được đốt lên cuộc giao đấu bắt đầu. Hai người bước ra bãi tập đồng bái tổ theo nghi thức môn phái của mình. Nhanh như chớp giật họ quần đảo tới tấp bóng hình quyện chặt kẻ đánh người đỡ kẻ tới người lui đường quyền càng nhanh sức gió càng mạnh. Hai màu vàng đỏ loang loáng cuốn hút lấy nhau tạo thành một vệt sáng khi tỏ khi mờ. Tiếng trống tiếng chiêng thúc giục vang rền. Người đứng xem xung quanh như nín thở sợ gây thương tích cho nhau. Chợt trong quầng sáng lung linh ấy vút lên như chiếc pháo thăng thiên và đáp xuống nhẹ như hơi gió vờn. Ông Hồ Ngạnh reo lên :
- Đủ rồi đủ rồi! Lợi hại quá! Rõ thật danh bất hư truyền.
Chú Tàu Sáu ngạc nhiên dừng bộ tiến lại gần thi lễ nói:
- Những dấu mực của anh càng làm em hổ thẹn kia mà!
- Tuy ba dấu vàng đỏ bằng nhau - Ông Ngạnh phân bua - Nhưng dấu mực của chú nhạt hơn đủ biết võ nghệ nội công có chân truyền và đạt đến mức tuyệt kỹ.
- Tại sao anh biết ? Chú Tàu hỏi vặn lại.
- Vì những đường quyền thế cước của chú như bão giông đang ào ào vút tới có thể hạ thủ đối phương trong chớp mắt nhưng chú kịp thu khí công về chỉ để lại một vệt thoáng mờ trên võ phục đối thủ. Thật linh diệu. Xin bái phục! Bái phục!
Hai ông ôm nhau cười ha hả làm rung động cả ánh trăng. Các môn đệ và hàng trăm người đứng xem đều ngơ ngác rồi đồng loạt vỗ tay vang dậy một vùng.
Sau giờ giải lao chú Tàu Sáu cung kính thưa:
- Xin anh cho em lĩnh hội vài đường roi bí truyền của phương Nam.
- Xin lĩnh ý và mong chú nương tay cho.
Hai trường côn được đem ra mồ hôi người lâu ngày làm cho ngọn roi ánh lên màu đen loáng. Hai đầu roi độn bông và quấn băng trắng. Sau khi tẩm mực lên đầu roi cây nhang lại bén lửa. Ba tiếng trống ngân vang cuộc giao đấu bắt đầu.
Hai ông Hồ Ngạnh Tàu Sáu thong thả ra sân với thế bái tổ. Nhanh như chớp chú Tàu trở người vút thẳng đường roi chí tử bất ngờ vào đối phương để giành thế chủ động. Ông Ngạnh uyển chuyển xoay mình một vòng dùng toàn lực vào đôi tay gặc mạnh đầu roi chú Tàu xuống đất kêu "bốp" lướt bộ tới trở đốc roi đâm thẳng vào hông phải đồng thời bước chân trái lên quét ngang đường roi vào hạ bộ đối phương và tiện đà đâm thốc đầu roi lên vùng trung bộ với thế liên hoàn cực kỳ bí hiểm. Chú Tàu vẫn ung dung giở tuyệt kỹ công phu ra hoá giải ba đường roi chí mạng đó. Cùng lúc phản công lại tới tấp hầu làm địch thủ choáng mắt. Nhưng chẳng thấm vào đâu với một cao thủ võ lâm có bí truyền đã liệt vào hàng kiệt xuất. Người đứng ngoài chỉ còn nghe đường roi xé gió kêu vun vút cuốn hút vần vũ như hai luồng ánh sáng thoạt tỏ thoạt mờ. Và liên tiếp vang lên tiếng "bôm bốp bôm bốp" của hai trường côn chạm nhau gây một cảm giác rợn người. Cứ thế hai ông triển khai thần lực vận dụng khí công. Tất cả sở trường sở đoản bí quyết bí truyền đều đem ra sử dụng linh hoạt tài tình trong trận đấu này. Tuy giao hữu nhưng lại là đại diện tiêu biểu cho hai trường phái võ thuật phương Nam và phương Bắc. Nên dù một kẽ tóc đường tơ cũng không được sơ xuất. Tiếng trống đang thúc giục chợt đổ hồi báo hiệu vừa tàn một cây nhang. Hai ông Hồ Ngạnh Tàu Sáu vụt bắn ra ngoài theo thế hồi loan và bái tổ đồng tiến vào đứng đối diện chào nhau sắc mặt vẫn thanh thản. Không cần kiểm tra họ tự báo trên võ phục mình có bao nhiêu dấu mực. Chú Tàu cầm ngang cây trường côn kính cẩn xá ông Ngạnh và nói:
- Đường roi của huynh thật linh diệu và siêu phàm. Dù hai dấu mực ngang nhau nhưng thế roi của huynh điểm vào hai yếu huyệt của đệ nếu huynh không thu thế công về kịp thì đệ đã tan xương nát thịt rồi.
Ông Ngạnh xá trả lễ và nói:
- Chú khiêm nhường đó thôi. Côn pháp của chú biến ảo lạ thường nhanh như rồng cuốn mạnh tựa hổ vồ. Thực hư khó đoán. Thật là một cao thủ võ lâm mà tôi mới gặp lần đầu.
Hai ông ném trường côn ra ngoài  cho môn đệ rồi tiến về bàn nước. Chứng kiến đêm giao đấu hôm đó có cụ Nguyễn Dự Trâm vốn là thầy đồ nho lương y và địa lý. Thầy vừa khâm phục vừa thân tình gợi ý: "Trong thập bát ban võ nghệ chắc hai vị đều tinh thông. Vậy kính mong một trong hai vị hãy biểu diễn cho chúng toi xem những đường kiếm gia truyền".
Hai ông Hồ Ngạnh Tàu Sáu nhìn nhau đồng gật đầu. Thầy Dự Trâm nắm chặt hai bàn tay giơ ra trước nói:
- Hai tay này là "Tay nào có tay nào không" vậy kính mời hai vị bắt tay vào thì rõ.
Hai võ sư đều đặt tay mình lên tay thầy đồ bàn tay cụ từ từ mở ra. Ông Ngạnh bắt được chữ "có". Lưỡi kiếm mang đến. Ông ung dung rút kiếm ra khỏi vỏ sắc kiếm sáng long lanh. Ông lại bước vào bãi tập và đường kiếm loáng lên tạo thành một vòng tròn ánh sáng. Ban đầu đường gươm uyển chuyển nhẹ nhàng. Càng về sau chỉ thấy lằn sáng lung linh bao quanh bóng người và xé gió kêu vun vút. Chú Tàu chăm chú theo dõi và gật gật đầu. Chợt chú bưng thau nước lạnh tạt vào vầng sáng. Đường gươm rít lên đánh giạt những giọt nước ra ngoài và bắn vào người đứng xem nóng hổi đau như kim chích. Chú Tàu đổi sắc mặt vội ném một vốc gạo rồi vận dụng khí công điều khiển những hạt gạo thành trăm nghìn viên đạn bắn vào vầng sáng lung linh kỳ ảo ấy. Đường gươm lại xoắn lên hút những hạt gạo bay lượn cầu vồng và như ánh sao sa rơi lả tả trên mặt bàn nước. Thầy Dự Trâm và chú Tàu Sáu vụt đứng dậy tiến lên vài bước vung tay hô lớn: "Hảo à! Hảo a!.
Từ trong luồng sáng của đường gươm vụt xoẹt ra như một lằn điện ông Ngạnh đáp bộ xuống đất nhẹ như chiếc lá rơi. Ung dung cắp kiếm xá xá chung quanh mà sắc mặt chỉ hồng lên đôi chút. Chú Tàu chắp tay kính cẩn:
- Kiếm pháp của huynh bạt vía siêu quần . Chẳng những đánh giạt hàng trăm ám khí dồn dập bắn vào người mà còn vận dụng thần lực điều khiển ám khí đánh trả lại nguyên chủ thật lợi hại. Với võ thuật ấy giá đi hành hiệp giang hồ thì chắc chắn không tìm ra đối thủ. Kính mừng võ huynh.
Thầy Dự Trâm cảm kích:
­- Bấy nay trong giới võ thuật liên tỉnh chỉ biết đường roi trác tuyệt của họ Hồ. Nay lại xuất hiện môn kiếm pháp thượng thừa và khí công quán chúng này nữa. Vậy chú thọ giáo ở đâu? Tương lai của môn võ nghệ bí truyền liệu có mai một không?
- Tôi học thêm ở trong "Võ đạo kinh thư" chuyên tâm luyện tập mười mấy năm ở sườn núi Nảy quê nhà. Môn kiếm pháp quá lợi hại chỉ một đường gươm loáng lên có thể hạ sát hàng trăm người do đó không dám truyền cho môn đệ được. Có lẽ đây là buổi biểu diễn đầu tiên cũng là cuối cùng của môn kiếm thuật này.
- Tiếc a! tiếc a! - chú Tàu Sáu vụt thốt lời than thở.
Đêm hôm đó dưới ánh trăng thượng tuần còn thoi thóp ở phía đằng tây. Bên bàn tiệc sắp tàn thầy đồ Dự Trâm trân trọng viết tặng hai võ sư câu đối trên nền giấy hồng điều:
Côn kiếm Thuận truyền long hổ phục;
Cước quyền An Thái quỷ thần kinh.
Từ đó ở Bình Định đã hình thành hai môn phái võ thuật tiêu biểu:"Roi Thuận Truyền quyền An Thái" góp phần chấn hưng nền võ thuật nước nhà và sản sinh nhiều võ sĩ võ sư kiệt xuất. Đã đang và còn đứng lừng lững trên vũ trường quốc tế xưa nay và mai sau.

QUỐC THÀNH
An Khê nhân ngày giỗ tổ
Hùng Vương 10-3-2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét