Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

VÕ THUẬT TINH HOA 67/d

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
CON ĐƯỜNG VÕ HỌC | CDVH #3 FULL - ĐI TÌM XỨ ĐẢ HỔ | Võ sĩ Duy Nhất diện kiến võ sư Hồ Tường 

Nguy cơ thất truyền võ phái Tân Khánh Bà Trà (Kỳ 1): Miếng võ của những người đi khai hoang

Thứ Ba, 08/09/2009 07:19 GMT+7

(TT&VH) - Hơn 200 năm qua, võ phái Tân Khánh Bà Trà (TKBT) của những người thuộc dòng dõi nhà Tây Sơn đi khai hoang mở đất tại Đồng Nai – Gia Định được hình thành và lưu truyền đến tận hôm nay.

Nói đến võ phái TKBT là nói đến nhiều giai thoại hào hùng của các bậc tiền nhân đã có công gây dựng, sáng tạo và lưu truyền võ phái cổ truyền này. Thế nhưng hiện nay, tại “cái nôi” nơi sản sinh ra môn võ này chỉ còn là ký ức, là truyền thuyết đối với người dân huyện Tân Uyên và Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Sự kết hợp kỳ diệu của võ Tây Sơn và người Nam bộ

Vào khoảng thế kỷ 17, có một số người di cư từ miền Thuận Quảng thuộc xứ Đàng Trong đã nam tiến khai phá vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Để có thể an tâm định cư trên vùng đất mới, tại một vùng rừng núi nhiều thú dữ, những người dân này từng bước rèn luyện, sáng tạo và hình thành nên môn võ miệt rừng (còn gọi là võ lâm). Mỗi khi nhắc đến tên, người dân khắp lục tỉnh Nam Kỳ đều biết tiếng. Những người di cư này đã lập ra làng Tân Khánh, nay là thị trấn Tân Phước Khánh (huyện Tân Uyên, Bình Dương). Tới vùng đất mới, họ mang theo mình truyền thống thượng võ, những kỹ pháp võ thuật của quê hương Tây Sơn và đã tiếp tục phát triển nó trong sự hòa trộn với những hệ thống kỹ thuật tại miền đất mới.
 
Di ảnh thầy Võ Văn Phiên, người đào tạo các võ sư danh tiếng một thời

Dưới triều vua Tự Đức (1848-1883), cuộc khởi nghĩa của dân làng Tân Khánh chống lại quan lại thối nát làm tay sai cho ngoại bang ở địa phương đã nổ ra, phản ánh tinh thần bất khuất của dân ở xứ này. Đến nay, nhiều người dân  địa phương vẫn tự hào về sự kiện kể trên và luôn nhắc về nó gắn liền với tên tuổi của một người phụ nữ tên là Võ Thị Trà. Bà vốn xuất thân từ nhà võ Tây Sơn, đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại bè lũ quan lại thối nát là tay sai cho ngoại bang ở địa phưong trong 10 năm (từ năm 1850). Từ vùng đất Tân Khánh đến làng Bình Chuẩn (thuộc huyện Thuận An, Bình Dương) đều được gọi là “đất bà Trà”. Cũng từ đó, người dân gọi phái võ truyền thống xuất phát từ Tân Khánh, Bình Chuẩn là “phái võ Bà Trà - Tân Khánh” hay “Tân Khánh Bà Trà”.

Những hậu duệ đời sau của Bà Trà cũng trở thành những bậc thầy danh tiếng như: thầy Hai Ất, thầy Ba Giá, cô Năm Vuông... tiếp nối tiền nhân, cũng một thời làm rạng danh xứ võ Tân Khánh. Tiếp đến là thầy Sáu Trực, một vị võ sư nổi tiếng vào những năm 1939-1959.  Có nhiều môn sinh của võ phái TKBT sau này danh tiếng còn vang dội hơn như:  Thầy Bảy Phiên (Võ Văn Phiên) là sư phụ của võ sư Hồ Văn Lành (tức võ sư Từ Thiện), Hồ Văn Thứ (Tư Thứ), Hồ Văn Thạch (Tư Thạch), Võ Văn Ché...

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làng võ TKBT đã có biết bao thanh niên võ dũng tiếp bước lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc: Nguyễn An Ninh, Đào Ngọc Báu, Trương Văn Phước... đã tiếp tục làm rạng danh làng võ TKBT. Bên cạnh đó, để lưu truyền môn võ truyền thống này, có võ sư Từ Thiện (Hồ Văn Lành), là người có thời gian gắn bó lâu dài cùng những thế võ TKBT. Ông là người duy nhất truyền dạy môn võ cổ truyền này và phát triển rộng ra Sài Gòn từ những năm 1954 cho tới lúc cuối đời. Ngoài ra, còn có thầy Hồ Văn Thứ (Tư Thứ) thời thanh niên đã xuôi ngược lục tỉnh miền Tây, dạy không biết bao môn sinh.

Việt Nam cũng có “Võ Tòng”

Trước năm 1975, võ sinh của TKBT đã đạt nhiều thành tích khi tham gia đấu võ đài do Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn: Hai huy chương vàng của Từ Thanh Nghĩa (năm 1970) và Hồ Ngọc Thọ (năm 1974); bốn huy chương bạc của Từ Thanh Tòng, Từ Duy Tuấn, Từ Hoàng Út, Hồ Thanh Phượng. Ngoài ra, 3 võ sinh Từ Thanh Nghĩa, Từ Trung Tín, Từ Y Văn đã từng được chọn đại diện cho toàn miền Nam thi đấu bảy trận toàn thắng trước các nhà vô địch của những nước Thái Lan, Lào, Campuchia.
Từ năm 1999 đến nay, nhiều võ sinh của môn TKBT đã đạt nhiều thành tích cấp quốc gia ở các cuộc thi võ Cổ truyền và ở các môn khác như Wushu, Quyền Anh.
Để tìm hiểu thêm về võ phái TKBT, chúng tôi đã từng về lại vùng đất Tân Khánh cách trung tâm TP.HCM gần 50 km về phía Đông – Bắc. Khó khăn lắm, chúng tôi mới gặp được 2 bậc võ sư cao niên trong làng còn sót lại. Đó chính là ông Tư Thạch và ông Tư Thứ đã ngoại bát tuần.

Trong cuộc chuyện trò với 2 cụ, chúng tôi cảm nhận cái phong thái của con nhà võ vẫn hiện rõ trên khuôn mặt. Thân hình các cụ không còn rắn chắc, đi đứng tuy không còn oai vệ như thời trai trẻ, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn. Mặc dù, được các cụ cảnh báo là ở cái tuổi “bát thập hóa như nhi”, mấy căn bệnh già đã ghé “thăm” nhưng câu chuyện về giai thoại của võ TKBT vẫn được kể mạnh mẽ, nhiệt huyết, bay bổng đến lạ thường.

“Mấy chú chắc nghe đến truyện Tàu có Võ Tòng “đả hổ”? Sự tích của mình cũng có đó!”, ông Tư Thứ hỏi chúng tôi và ông chậm rãi kể lại: “Ngày trước ông Hai Ất và ông Ba Giá là 2 anh em ở cái đất Tân Khánh, 2 ông đều là đệ tử của bà Trà. Có lần, trời tối mịt mà ông Hai Ất không thấy em mình là ông Ba Giá đi làm ruộng về nên ông Hai Ất sinh lo, chạy đi tìm ông Ba Giá. Đến đoạn, ông Hai Ất thấy ông Ba Giá tay cầm cây cào cỏ Đậu thủ thế, trước mặt ông Ba Giá là một con hổ to đang nằm phục dưới đất, móng vuốt giương ra thủ thế. Ông Hai Ất biết là em mình đã có trận quần nhau sinh tử với con hổ này. Ông Hai Ất nhanh trí, quăng ngay cái áo đang mặc lên mình hổ. Con hổ tung mình lên cao và tức thời ông Ba Giá tung ngay cú đá trí mạng vào bụng con hổ. Đau quá, con hổ chạy tuốt vào rừng sâu”. 

Rồi như say sưa với câu chuyện, 2 cụ lại kể cho chúng tôi nghe về sự tích bà Trà với đôi kiếm có ghi trên đó câu ''Anh chị ăn không trả tiền, hỏi cặp kiếm ừ rồi đi'' treo ở cửa quán để răn đe những người thích ăn quịt của người khác...

Những sự tích nêu trên đã thôi thúc nhiều thanh niên thời đó theo học môn võ TKBT. Và cũng từ môn võ này đã sản sinh ra nhiều bậc anh hùng kỳ tài đóng góp cho đất nước trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước.
Kỳ 2: Vùng đất võ chỉ còn hư danh
Anh Đức – Phan Vũ

Kỳ 2: Vùng đất võ chỉ còn hư danh

Thứ Tư, 09/09/2009 09:43 GMT+7

(TT&VH) - Điều đáng buồn là tại nơi sản sinh ra võ phái Tân Khánh Bà Trà (TKBT), thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Thuận An, Bình Dương, đã từ rất lâu người dân không còn thấy những lớp dạy võ TKBT như ngày xưa.

Những thanh niên biết đến môn TKBT này ngày càng ít đi, thay vào đó là những môn võ khác được du nhập từ nước ngoài. Việc khôi phục lại môn võ TKBT ngay tại quê hương của nó là một điều cần thiết và cấp bách.

Chỉ còn là “truyền thuyết”

Rong ruổi gần 50 km từ trung tâm TP.HCM tới thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, Bình Dương, người đầu tiên mà chúng tôi gặp mặt chính là võ sư Chung thuộc môn võ Bắc phái, Bình Định. Sau khi nghe chúng tôi trình bày mục đích của mình là muốn tìm hiểu về võ phái TKBT, thầy Chung ái ngại, lo sợ chúng tôi sẽ không thu thập được thông tin gì quý giá. Thầy Chung bộc bạch: “Đã từ lâu, môn võ này không được truyền dạy tại đây và chỉ còn lại 2 ông cụ tuổi đã 80 biết về môn TKBT, mà chắc có lẽ không giúp gì nhiều được cho các chú. Riêng tôi thì không biết gì, mà nếu có biết thì cũng không dám nói vì là người ngoài”.
 
Võ sư Tư Thạch  tại quê hương môn võ Tân Khánh Bà Trà

Hai ông cụ mà võ sư Chung nhắc đến chính là cụ võ sư Tư Thạch và Tư Thứ mà chúng tôi nói đến trong bài trước. Định bụng trước khi đến gặp 2 cụ, chúng tôi muốn đi  xung quanh thị trấn để tìm lại những di tích còn sót lại về võ phái hoặc võ đường TKBT để có cái nhìn trực quan và sinh động hơn. Thế nhưng, chúng tôi đã thất vọng vì không thể tìm ra bất cứ khung cảnh, hình ảnh nào liên quan đến môn võ này. Nghe lời kể lại từ thầy Chung, ngay tại chợ Tân Khánh, trước đây có một cái rạp đã từng phục vụ cho cuộc thi đấu so tài cao thấp của 2 phái: TKBT và Bắc phái, Bình Định nhưng giờ đây cũng không lưu giữ lại dấu tích gì mà thay vào đó là ngôi chợ đẹp đẽ, kiên cố.

Nói chuyện với 2 cụ võ sư Tư Thạch và Tư Thứ, được biết các cụ đã “giải nghệ” từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Các cụ đều gác chuyện truyền bá võ nghệ sang một bên và làm nghề khác để nuôi sống gia đình. Và từ đó đến nay, không có bất cứ võ đường nào tại tỉnh Bình Dương được thành lập để truyền bá môn võ thuật này.

Theo các cụ, môn võ thuật này được truyền theo kiểu “cha truyền con nối”. Tùy thuộc vào tư chất mới truyền dạy và tùy độ “sáng, tối” của người học nên việc truyền thụ cũng có phần khiếm khuyết, chênh lệch. Có người biết nhiều, người biết ít. Bên cạnh đó, vào thời điểm đất nước còn bị xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chính quyền chế độ cũ không cho phép thành lập võ đường, nên người theo học võ phải học lén, không dám công khai.

Những bài Thiệu (bài thơ ghi các tư thế để đánh quyền) cũng được truyền miệng, học thuộc và cũng được các môn sinh ghi chép lại nhưng không đầy đủ. Hiện tại, chỉ còn lại 2 bậc võ sư cuối cùng tại làng Tân Khánh xưa này và các tư liệu về môn võ TKBT của 2 cụ lưu giữ theo năm tháng cũng đã thất lạc.

Trước khi chúng tôi lên đường đi tìm hiểu võ phái TKBT ngay tại nơi sản sinh ra nó, mỗi chúng tôi đều hi vọng sẽ được thấy và chụp hình lại những di vật, hình ảnh liên quan đến võ phái TKBT có thể như: Quyển sử ký về môn võ TKBT, hoặc là đền thờ Tổ, võ đường, chí ít thì cũng vài tấm ảnh mà các cụ múa roi đi quyền hồi xưa.

Chúng tôi đã hỏi cụ Thứ việc khôi phục lại môn võ TKBT này ngay tại quê hương của nó có thể thực hiện được không? Cụ Tư Thứ tay run run đưa điếu thuốc lá lên miệng rít một hơi dài và ngậm ngùi nói: “Điều này chỉ trông chờ vào Nhà nước và hậu duệ duy nhất là võ sư Hồ Tường đang truyền bá môn võ TKBT trên đất Sài Gòn”.
 
Các môn sinh đang tập luyện môn võ này tại NVH Thanh Niên TP.HCM

Một di sản cần được bảo tồn

Được biết, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương thực hiện công trình nghiên cứu “Bảo tồn và phát huy võ thuật Tân Khánh Bà Trà - Bình Dương” do Tiến sĩ Hồ Sơn Diệp làm chủ nhiệm công trình, Thạc sĩ - Võ sư Hồ Tường là một trong những thành viên trực tiếp thực hiện công trình. Đề tài này đã được thông qua vào tháng 5/2009 và dự kiến thời gian thực hiện đề tài là 2 năm, bắt đầu từ tháng 9/2009.

Tại TP.HCM hiện nay có khoảng hơn 50 môn phái đang được giảng dạy tại các trung tâm. Trong đó, TKBT chủ yếu được tập trung giảng dạy ở Nhà văn hoá Thanh Niên và Trung tâm TDTT Nhà Bè. Trong hệ thống võ cổ truyền dân tộc, TKBT là môn võ “có tiếng” nhất ở khu vực phía Nam cùng với Kim Kê phái và Thanh Long võ đạo. Tuy nhiên, nơi được xem là “khai sinh” môn võ này (Thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, Bình Dương) lại không còn bất cứ võ đường nào.
Đề tài sẽ tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của võ thuật TKBT, những chiến tích mà võ thuật TKBT đã giành được qua các thời kỳ lịch sử như: Từ việc chống lại thiên nhiên hoang dã để sinh tồn và tham gia chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, sẽ khôi phục, tập hợp lại tất cả các bài quyền, đòn thế của võ TKBT nhằm mục đích tiếp tục nhân rộng, vinh danh và bảo tồn. Tiến sĩ Hồ Sơn Diệp, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Môn võ TKBT được xem là tài sản văn hóa phi vật thể của con người Bình Dương. Qua công trình nghiên cứu này, với mong muốn xây dựng lại võ đường vừa làm nơi sinh hoạt võ thuật, vừa là nhà truyền thống để bảo lưu các giá trị, các hiện vật của bộ môn võ thuật TKBT”.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công công trình nghiên cứu này sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tài liệu tư liệu của môn võ TKBT qua thời gian đã thất lạc rất nhiều. Võ sư Hồ Tường cho biết, hiện còn lưu giữ được gần 20 bài quyền và bài binh khí của môn võ TKBT. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho công trình phục dựng di sản văn hóa này.
                                
Anh Đức – Phan Vũ

Võ đánh cọp “Tân Khánh – Bà Trà” và những huyền thoại

12:45 11/02/2016

Ở miệt vườn đến nay vẫn lưu truyền câu chuyện ông Ất, ông Giáp đánh cọp và môn võ thuật theo người từ thủa đi mở cõi, lập nên kỳ tích. Nhiều người từng được nghe kể, nhưng ít ai biết người khai sáng ra phái võ huyền thoại này là ai? số phận võ phái này hiện thời ra sao? có còn hậu duệ hay đã thất truyền?

Tuyệt kỹ phái võ “đòn tay móc ngược”- nơi “khai sinh” những vị hảo hán chống giặc ngoại xâm

Tuyệt kỹ phái võ “đòn tay móc ngược”- nơi “khai sinh” những vị hảo hán chống giặc ngoại xâm

GiadinhNet - Nói đến tuyệt kỹ của bổn phái, các võ sư của phái võ Tân Khánh Bà Trà kể lại: “Từ thời cha tôi, môn phái đã lừng danh với tuyệt kỹ “rờ ve” (đòn tay móc ngược) với sức mạnh thần tốc và chớp nhoáng. Điểm nhấn của võ công môn phái là nội lực ở những đòn tay và đòn chân cùng những cú “cùi chỏ” vô cùng hiểm hóc khiến đối phương kinh hãi.”

Đó gọi là đòn “hồi mã cước”, sử dụng triệt để sức mạnh chân tay vào chiến đấu. Chỉ cần một đòn đá ngang bằng gót chân hay một cái xoay chân là bao cát đã vỡ tung tóe, cho thấy sự đột phá nội lực ghê gớm của tứ chi.
Tuyệt kỹ phái võ “đòn tay móc ngược”- nơi “khai sinh” những vị hảo hán chống giặc ngoại xâm 1
Các học trò môn phái Tân Khánh Bà Trà vẫn ngày đêm tập luyện. Ảnh T.G
Truyền thuyết từ khai phá bờ cõi

Tương truyền vào khoảng thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong gả con gái là công chúa Ngọc Ngoan cho quốc vương Chân Lạp. Đáp lại ân tình đó, vị vua kia đã nhượng một vùng đất của vương quốc mình ở Đông Nam Bộ cho “cha vợ”. Lập tức, chúa Nguyễn liền phái những tay võ dũng và di dời một số cư dân của mình đến vùng đất mới để khai hoang lập nghiệp. Đó là nơi “rừng thiêng nước độc”, thường xuyên phải đối mặt với thú dữ và nạn sơn tặc hoành hành. Những người đi khẩn hoang đa số là binh lính, một số dân võ Tây Sơn và trong võ lâm với võ nghệ cao cường đã hợp sức lại chống thú dữ, nhất là loại cọp tinh của rừng thiêng. Họ dốc sức đánh tan nạn cướp bóc, đồng thời tập hợp dân chúng học võ để tự bảo vệ mình. Vì vậy, từ đó dần hình thành nên làng võ thuật của thời kỳ ấy, gọi là làng võ Tân Khánh.

Đến thế kỷ 19, phái võ Tân Khánh được ghép thêm tên một nữ cao thủ võ lâm, gọi là võ lâmTân Khánh – Bà Trà. Bà Trà tên thật là Võ Thị Trà, con của một vị tướng nhà Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Thời điểm ấy, vua Gia Long mở đợt tấn công trả thù Nguyễn Huệ tạo ra sự đẫm máu cả vương triều nhà Tây Sơn. Lúc này, bà Trà cùng với một số anh em nhà Tây Sơn “mở đường máu” thoát thân về một vùng hẻo lánh náu mình ở Đông Nam Bộ. Tại đây, bà lập nên đội võ tập luyện ngày đêm để nuôi ý chí khôi phục vương triều Tây Sơn. Địa điểm nằm ngay cạnh làng võ Tân Khánh nên được gọi là làng võ Tân Khánh Bà Trà từ đó (nay là xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên và phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Đây là phái võ kết hợp giữa võ truyền thống dân tộc và võ Tây Sơn – Bình Định, nơi đã sinh ra những người chí sĩ cách mạng yêu nước nổi danh thời kỳ ấy.

Võ lâm Tân Khánh  Bà Trà gắn liền với những thế hệ võ sư nổi tiểng có những trận đấu sinh tử vang danh thời ấy khiến bọn thực dân luôn nơm nớp lo sợ. Những võ sư làm rạng danh môn phái với tư thế “đả hổ” đã truyền thụ võ công cho nhiều môn sinh, trong đó có hai nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm. Điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cách mạng yêu nước của dân tộc Việt Nam nhiều lần đẩy giặc Pháp vào thế hoang mang, bị động. Những võ sĩ của môn phái luôn nằm trong tầm ngắm đề phòng của thực dân bởi những chiến công lừng lẫy khắp võ lâm Nam kỳ. “Đệ nhất côn” Đỗ Văn Mạnh với cây trường côn từng làm cả giới võ lâm phải khiếp vía bởi khả năng “bất khả chiến bại” trong những trận thượng đài. Võ sư Hai Ất và Ba Giá vang danh khắp Nam kỳ trong chiến công đánh nhau với cọp dữ mà không có ai đủ can đảm. Những thế hệ võ sư ấy đều mang trong mình ngọn lửa tinh thần dân tộc cao độ, làm nên những cuộc cách mạng “thư hùng” với giặc Pháp.

Đặc biệt, kỳ nhân Hồ Văn Lành là người đầu tiên truyền bá võ Tân Khánh Bà Trà xuống Sài Gòn. Ông là học trò của thầy Bảy Phiên ( đệ tử đời thứ hai của danh sư Hai Ất). Trước đây, ông đã từng bảy lần thượng đài và giành toàn thắng ở khắp các tỉnh Đông Nam Bộ khiến cho giới võ lâm hết sức kính nể. Năm 1950, ông dời đến Sài Gòn và chiêu dụ môn sinh dạy võ vô cùng đông đảo. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã đào tạo 500 võ sĩ giành nhiều huy chương võ thuật ở cấp quốc tế. Điều đó đã làm cho đế quốc Mỹ lúc này phải dè chừng và hết sức đề phòng phái võ Tân Khánh - Bà Trà. Những cuộc tấn công của Việt minh vào các căn cứ của ngụy quân có sự góp sức của các môn sinh võ phái khiến bọn đế quốc luôn sống trong lo sợ. Năm 1960, ông đã gia nhập Tổng hội Quyền thuật Việt Nam và cùng với một số võ sư tâm huyết thành lập Tổng hội Võ học miền Nam để bảo tồn và phát triển môn võ truyền thống dân tộc.
Tuyệt kỹ “rờ ve” đến giữ lửa võ cổ truyền hôm nay
Tuyệt kỹ phái võ “đòn tay móc ngược”- nơi “khai sinh” những vị hảo hán chống giặc ngoại xâm 2
Võ sư Hồ Tường. Ảnh T.G

Khi võ sư Hồ Văn Lành qua đời vào năm 2005 thì người tiếp tục giữ lửa và truyền dạy cho các thế hệ học trò nối tiếp của môn phái là võ sư Hồ Tường (con trai võ sư Hồ Văn Lành – PV). Nhắc đến việc tiếp nhận chức chưởng môn, ông cười hiền: “Tôi không phải là chưởng môn gì cả. Hiện nay, phái Tân Khánh Bà Trà thành lập Hội đồng võ sư bởi có những thế hệ đàn anh là đồng môn với người cha quá cố mà tôi luôn kính nể. Chúng tôi cùng nhau xây dựng và phát triển võ phái chứ không hề có sự phân biệt chức vị.”

Nói đến tuyệt kỹ của bổn phái, võ sư Hồ Tường kể lại: “Từ thời cha tôi, môn phái đã lừng danh với tuyệt kỹ “rờ ve” (đòn tay móc ngược) với sức mạnh thần tốc và chớp nhoáng. Điểm nhấn của võ công môn phái là nội lực ở những đòn tay và đòn chân cùng những cú “cùi chỏ” vô cùng hiểm hóc khiến đối phương kinh hãi.”  Đó gọi là đòn “hồi mã cước”, sử dụng triệt để sức mạnh chân tay vào chiến đấu. Chỉ cần một đòn đá ngang bằng gót chân hay một cái xoay chân là bao cát đã vỡ tung tóe, cho thấy sự đột phá nội lực ghê gớm của tứ chi.

Mọi phương thức tập luyện đều thực hiện tuân theo quy trình sư phạm chặt chẽ và hiệu quả cho người học võ. Quá trình luyện công bao gồm ngoại công, nội công, khí công , tổng hợp nên sức mạnh vô địch hạ gục đối thủ. Để rèn ngoại công, môn sinh võ phái phải khổ công với bao sỏi nhằm luyện tay chân cứng chắc để tạo sức công phá đối phương. Muốn có một nội công “thâm hậu”, người học võ phải luyện được sự tập trung tư tưởng cao độ để giải quyết mục tiêu, hạ gục đối tượng. Với khí công, ông thường buộc các học trò phải luyện hít thở đều đặn hằng ngày, đẩy dồn nội lực xuống tứ chi để toát lên sức mạnh ghê gớm hạ nock-out đối thủ. Võ sư Hồ Tường nhấn mạnh: “Võ công môn phái vừa có khả năng chiến đấu kinh hồn, vừa có thể cứu người trong hoàn cảnh nguy hiểm. Sử dụng ngón “rờ ve” “đả” huyệt đạo làm đối phương ngất đi trong tích tắc nhưng có thể làm thông huyệt đạo cứu sống những người đang mê man bất tỉnh. Cái hay của võ thuật cổ truyền là vậy!”

Ngoài Thập nhị binh khí của võ cổ truyền, Tân Khánh Bà Trà sử dụng Thập bát ban, tất cả gồm 36 loại binh khí. Điểm độc đáo nhất là dùng “trường côn” trong tư thế “đả hổ” xưa kia và sử dụng “quạt” như là một loại binh khí với các đòn cước đẹp mắt. Mọi tư thế chiến đấu với kẻ địch đều có thể tiếp nhận theo phương thức “trường chiến – cận chiến”, xa là đá – gần là “uýnh”. Với 32 bài quyền đều mang đặc tính của các quyền cước trong những trận đánh nhau với thú dữ, võ lâm môn phái thực sự mang tính chiến đấu sắc bén thăng hoa cùng tinh thần dân tộc của các chí sĩ yêu nước xưa kia.

Vị võ sư tóc đã hoa râm say sưa kể về thành tích của cha ông mà ít khi nói về mình, chỉ hé lộ đôi điều của bản thân: “ Tôi học võ từ năm 4 tuổi từ cha mình. Đến năm 1973, tôi thành lập võ đường riêng để dạy võ cho môn sinh. Hồi trước, vóc dáng nhỏ con, gầy gò nên tôi chỉ chú tâm vào đào tạo võ sinh đấu đài mà ít khi chính mình lên thượng đài là vì vậy.” Đến nay , ông đã đào tạo được 20 võ sư, từng người mở lớp dạy võ khắp các quận trong thành phố nhằm gìn giữ và phát triển võ Việt cho thế hệ trẻ. Và ông, với tâm huyết võ thuật của mình vẫn đang ngày đêm truyền dạy võ ở Trung tâm Văn hóa Thanh niên (quận 1- TP.HCM). Ông đã sáng lập nên bộ môn Cờ người võ thuật, vừa chơi cờ vừa đấu võ, tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của quê hương võ học. Song hành với nghiệp võ, ông còn là một Tiến sĩ nghiên cứuvà giảng dạy về văn hóa Việt Nam trong dòng chảy phát triển của dân tộc ở trường Đại học Văn hóa TP. HCM. Âu tất cả cũng là quay về bảo tồn những giá trị nguồn cội bền vững của đất nước.         
Diệu Linh

“Võ đánh cọp” sẽ là di sản văn hóa quốc gia?

Các cụ kể rằng, có một thời đất ở Tân Khánh người đi học võ đông như trẩy hội. Các võ đường giao đấu trên tinh thần thượng võ khiến người xem đã con mắt. Thế nhưng thời gian cùng chiến tranh loạn lạc đã khiến cho môn võ một thời đánh cọp lẫy lừng dần dà mai một.
THẾ VÕ CỦA NGƯỜI ĐI KHAI HOANG Theo lịch sử Bình Dương 300 năm, giữa thế kỷ 17, lưu dân người Việt từ miền Thuận Quảng thuộc xứ Đàng trong tiến vào khai phá vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Trên bước đường mưu sinh, họ mang theo thế võ cổ truyền để phòng thân. Những lưu dân đầu tiên này lập ra làng Tân Khánh, nay là thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Để thích nghi với nơi hoang sơ, nhiều thú dữ và cướp bóc, họ phát huy thế võ cổ truyền. Từ đó hình thành môn võ miệt rừng, với tên gọi võ lâm Tân Khánh (VLTK). Đầu thế kỷ 19, Gia Long lên ngôi. Với chính sách tìm diệt cựu thần nhà Tây Sơn để trả thù, mảnh đất Tân Khánh trở thành nơi đón tiếp cựu thần họ Võ đến mai danh. Từ đây VLTK có cơ hội thăng hoa, do được tăng cường kỹ thuật võ Tây Sơn - Bình Định. Cựu thần họ Võ chính là bà Võ Thị Trà, giữa thế kỷ 19, lãnh đạo khởi nghĩa chống lại bọn tham quan địa phương từ căn cứ Truông Mây trên đất Tân Khánh suốt 10 năm (1850 - 1859). Để rồi tên đất gắn tên người: Tân Khánh - Bà Trà, và môn võ miệt rừng cũng được gọi là võ lâm Tân Khánh Bà Trà (TKBT). Võ sư Hồ Tường, hậu duệ đời thứ năm của môn phái này, cho biết bà Trà có hai đệ tử xuất sắc là anh em ông Hai Ất (Võ Văn Ất) và Ba Giá (Võ Văn Giá), được người dân gọi là “Võ Tòng” Tân Khánh với hơn 10 lần đả cọp. Võ nghệ hai ông vang danh khắp vùng, ai nghe qua đều kính phục. Di ảnh võ sư Hồ Văn Lành NHỮNG GIAI THOẠI “VÕ TÒNG” TÂN KHÁNH Nói về tài đả cọp của “Võ Tòng” Tân Khánh, người dân nơi đây kể vanh vách và tự hào như “chiến tích” của mình. “Chiến tích” kinh hoàng được truyền tụng như giai thoại diễn ra ở Hố Ngỡi, nay thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên. Đó là vào buổi chiều, người ta chứng kiến ông Ất, áo rách tả tơi, nhảy qua trớ lại tránh móng vuốt của ba con cọp dữ. Càng thất kinh hơn khi ông Ất bất ngờ ngã xuống. Một số người sẵn cung tên định bắn giải cứu, bỗng nghe tiếng thét: Đừng bắn! Đó là tiếng ông Giá, sợ họ bắn lạc tên trúng anh mình bởi ông biết anh ông không dễ bị hạ như vậy. Cú ngã chính là thế “phục địa lang hành”, ngã để xoay mình đá móc lên. Quả không sai. Cọp từ trên chụp xuống tưởng tóm gọn đối thủ thì bất ngờ lãnh cú đá ác liệt. Lẹ làng, ông Ất phóng lên lưng cọp, vung tay đấm xuống gáy cọp liên hồi. Trong lúc ông Ất ra đòn thì hai con kia định nhảy bổ vào. Thấy vậy, ông Ất định buông con cọp đang giữ nhưng vừa nới tay thì nó hất ông suýt ngã. Hốt hoảng, ông lấy hết sức đấm xuống gáy nó thêm mấy cái. Do phí sức nhiều, quả đấm không còn đủ lực hạ con cọp dữ. Ông Ất đè cọp xuống, gắng sức bẻ cổ nó thì lại nghe tiếng ông Giá: Ngồi yên đó. Ông Giá la lên nhưng trong lòng rất kinh khiếp. Làm sao chặn đứng hai con cọp giải cứu anh mình? Trong chớp mắt, ông Giá dùng thế “giải giáp”, cởi phăng chiếc áo đang mặc ném vào con cọp gần nhất. Thấy chiếc áo thình lình bay tới, cọp ngỡ có người trợ chiến, liền chụp áo xé tan nát. Hai môn sinh đang giao đấu Chặn đứng một con, ông Giá vung roi phóng tới đập thẳng vào đầu con cọp đang sắp chụp lên đầu ông Ất. Cọp té lộn về phía sau, đầu vỡ toang. Tiện đường roi, ông lia vào chân con cọp vồ chiếc áo, nhưng không trúng. Liền sau đó đường roi thứ hai tung ra vắt ngang lưng khiến cọp nằm im không cựa quậy. Thấy em giết được hai con cọp, ông Ất mới hoàn hồn nhìn xuống thì thấy con cọp ông đang cưỡi đã chết tự bao giờ. Một giai thoại khác: “Cọp Bàu Lòng Võ Tòng Tân Khánh”, chuyện mà ngay cả trẻ con cũng thuộc lòng và cho rằng “Võ Tòng” Tân Khánh “dữ” hơn Võ Tòng bên Tàu. Số là người dân xứ Bàu Lòng (Chơn Thành, Bình Phước) nhiều tháng liền bị cọp về bắt bò, heo. Mặc dân làng xua đuổi bằng mõ tre, thùng thiếc cọp cũng không bỏ con mồi. Dân làng sợ đến nỗi không làm ăn gì được. Ban Hội tề bèn lên thầy Cai tổng cầu cứu. Thầy Cai cho người mời anh em ông Ất đến và lệnh hai ông lên Bàu Lòng trừ cọp dữ. Đến Bàu Lòng, vừa cơm nước xong, ông Ất nói: “Cọp đâu đánh phứt cho rồi”. Ông Ất dứt lời thì nghe một tiếng gầm rõ to ngoài sân. Dường như cọp có linh tính, biết thầy võ về làng nên đến thử sức. Trong lúc mọi người đang khiếp vía thì ông Giá cắp roi nhảy ra sân thủ thế. Ngoài sân, cọp thấy có người nhảy ra liền phóng tới chụp đầu. Ông Giá né vội, liền đó vung roi đâm trúng hông cọp. Cọp gầm lên rồi quay lại chụp. Ông Giá vung roi, lúc đập lúc đâm. Bụi bay mịt trời. Người coi quên phần sợ hãi. Cuộc giao tranh độ tàn điếu thuốc, bất ngờ cọp hộc lên một tiếng vọt ra ngoài vòng chiến, nằm chỏng vó lên trời. Theo các thầy võ, đó là thế “trâu vằn”, miếng tổ của cọp, ai sơ suất nhảy vào là toi mạng. Roi đánh thì bị cọp bắt, tiện dịp móc họng luôn đối thủ. Ông Giá thấy cọp thủ thế “trâu vằn”, không thèm đánh, đứng chống roi nghỉ. Một hồi lâu, cọp không thấy ông Giá phá miếng nghề của mình, liền gầm lên phóng lại vòng chiến. Ông Giá vung roi đánh tiếp. Lát sau cọp giở lại miếng cũ. Ông Giá chống roi đứng chờ tái chiến. Cọp không thấy ông Giá phá thế của nó liền xoay mình phóng vào vòng chiến. Và rồi người ta nghe tiếng cọp gầm thật to, vọt ra khỏi vòng chiến định chạy vào rừng. Tiếp theo, một tiếng gầm to hơn, dài hơn, nhìn lại thấy ông Ất đứng bên xác cọp. Tất cả mọi người đứng xem không ai thấy ông Ất ra tay. Thì ra ông Ất đoán được đường rút lui của cọp liền lao ra chặn đầu. Dưới ngọn roi ngàn cân của ông, cọp hết đường thoát. Không chỉ có những bậc “tiền bối” mới có tài đả cọp. Võ sư Hồ Tường cho biết, năm 1914, ông Ất được chính quyền Pháp mời về Sài Gòn đánh cọp nhân lễ khai thị chợ Bến Thành, nhưng ông từ chối và giao cho con gái mình là Năm Vuông (Võ Thị Vuông), lúc ấy mới ngoài 20 tuổi. Chỉ hơn một giờ giao đấu cô Vuông đã hạ con cọp dữ trước sự kinh ngạc của đông đảo quan khách. Môn sinh tập luyện VÙNG ĐẤT VÕ CHỈ CÒN HƯ DANH Võ lâm TKBT có nhiều thế hệ anh tài nối tiếp vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. “Nữ chúa” Truông Mây một thời lẫy lừng xứ Tân Khánh. Kế đến Hai Ất, Ba Giá, Năm Vuông từng làm rạng danh môn phái này với tài đả cọp. Đến nay, võ lâm TKBT trải qua năm đời: anh em ông Ất được xếp vào hàng tiên sư, đời thứ nhất; tiếp theo có Võ Văn Trực (Sáu Trực), Võ Văn Phiên (Bảy Phiên), Hồ Văn Lành (mất 2005, thọ 92 tuổi) và hậu duệ đời thứ năm Hồ Tường (con võ sư Hồ Văn Lành), dạy võ tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM từ năm 1981 đến nay. Theo võ sư Hồ Tường, năm 1950, đánh dấu bước ngoặc mới của môn phái này. Cố VS Hồ Văn Lành rời Tân Khánh lên Sài Gòn tham gia Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam. Với tư cách là ủy viên, ông đã nỗ lực phổ biến võ lâm TKBT vào cộng đồng võ thuật miền Nam. Từ năm 1970 - 1974, các môn sinh của ông Từ Thanh Nghĩa, Hồ Ngọc Thọ đoạt huy chương vàng cấp quốc gia. Ngoài ra có Từ Trung Tín, Từ Y Văn từng đại diện miền Nam thi đấu 7 trận toàn thắng trước các nhà vô địch Thái Lan, Lào và Campuchia. “Môn võ một thời lẫy lừng như vậy, nhưng giờ đây đi khắp làng cũng không tìm thấy dấu tích nào của võ đường. Một môn võ từng vang danh, giờ hiển hiện nguy cơ thất truyền quả thật đáng buồn” - võ sư Hồ Tường tỏ ra lo lắng. Có lẽ nhận thấy đều đó nên mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định khôi phục lại. Tiến sĩ Hồ Sơn Diệp - Khoa sử, trường Đại học KHXH & NV TPHCM, người chấp bút đề án “Khôi phục võ lâm TKBT” - cho biết sẽ hoàn chỉnh đề án vào cuối năm nay. Giai đoạn đầu đề án, biên soạn lại lịch sử môn phái, khôi phục các bài quyền, binh khí, trang phục. Tiếp theo sẽ xây võ đường, nhà truyền thống, vừa dạy võ vừa giáo dục tinh thần thượng võ cho thế hệ trẻ. Từng bước đưa môn phái này hòa nhập vào làng võ cổ truyền quốc gia và thế giới. Tiến sĩ Diệp tỏ ra lạc quan: Tương lai võ lâm TKBT không còn là tài sản của người Bình Dương mà sẽ trở thành di sản văn hóa quốc gia. Bởi trong quá khứ, võ lâm TKBT không chỉ đánh cọp mà từng mang lại vinh quang cho nền võ thuật nước nhà. Các nhà cách mạng tiền bối Nguyễn An Ninh, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiểng, Phan Văn Hùm... cũng từng là võ sinh của môn phái này. Việc để một phái võ nổi tiếng như vậy thất truyền là có tội với tiền nhân, ông Diệp nói. Tuy vậy, để khôi phục môn phái này phải có người tâm thuyết và kinh phí có thể lên đến chục tỷ đồng. Cũng theo ông Diệp, mặc dù đây là miếng võ của người đi khai hoang, nhưng những người biết võ TKBT có thể đánh thắng cọp. Do vậy, việc khôi phục phái “võ đánh cọp” là việc nên làm. Dẫu có hơi muộn nhưng cho phép những người lạc quan tin rằng, phái võ này rồi sẽ lại vang danh.

Huyền thoại võ lâm Tân Khánh – Bà Trà: Kỳ 1: “Võ Tòng Tân Khánh”

Miếng võ thời khẩn hoang
Theo lịch sử Bình Dương 300 năm, đầu thế kỷ 17, có một làn sóng cư dân người Việt từ miền Thuận Quảng thuộc xứ Đàng trong Nam tiến vào khai phá vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Trên bước đường Nam tiến, họ mang theo những miếng võ cổ truyền để phòng thân. Chính những di dân đầu tiên này lập ra làng Tân Khánh, nay là thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
 Để thích nghi vùng đất mới, hoang sơ, nhiều thú dữ và cướp bóc, họ phát huy miếng võ cổ truyền nhằm chống lại thiên nhiên hoang dã để sinh tồn. Từ đó hình thành nên môn võ miệt rừng, với tên gọi võ lâm Tân Khánh. Nhưng mãi hai thế kỷ sau, võ lâm Tân Khánh mới được nhiều người biết tới. Đó là vào đầu thế kỷ 19, Gia Long lên ngôi, với chính sách tìm diệt cựu thần nhà Tây Sơn để trả thù thì mảnh đất Tân Khánh đón tiếp một gia đình họ Võ.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời điểm đó, người ta thấy xuất hiện một quán nước ở bên đường. Chủ quán là một cô gái rất xinh đẹp. Trên quầy hàng của cô có treo một thanh gươm, với thâm ý: Anh em nào uống  nước mà không trả tiền thì xin hỏi qua thanh gươm này trước khi bước đi!
Cô gái bán nước xinh đẹp ấy có tên là Trà và về sau người ta gọi là Bà Trà (Võ Thị Trà). Con của một gia đình thuộc bộ tướng nhà Tây Sơn về đây lánh nạn. Bà Trà mang theo mình môn Quyền thuật và Thập bát ban võ nghệ Bình Định.
Ban ngày bán nước, ban đêm thỉnh thoảng bà đi vài đường côn. Đường côn của bà ít ai sánh kịp. Thấy vậy, trai tráng trong làng đến xin bà học vài miếng võ để phòng thân.
Thực ra từ trước khi Bà Trà đến đây, Tân Khánh đã là vùng đất võ. Tuy vậy, kể từ khi có cô gái họ Võ xuất hiện, võ lâm Tân Khánh mới có cơ hội thăng hoa, do sự tăng cường kỹ thuật của võ Tây Sơn Bình Định. Và cũng tại đây, lịch sử vùng đất Đông Nam bộ đã ghi nhận Bà Trà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại bọn tham quan ở địa phương từ căn cứ Truông Mây trên đất Tân Khánh trong suốt mười năm (1850 - 1859). Mặc dù qua nhiều thế kỷ, người dân địa phương vẫn tự hào khi nhắc đến “nữ chúa” Truông Mây. Để rồi kể từ đó, tên đất gắn với tên người: Tân Khánh – Bà Trà, và võ phái cổ truyền ở đây cũng được gọi là võ phái Tân Khánh – Bà Trà.
“Võ Tòng Tân Khánh”
Theo võ sư Hồ Tường, hậu duệ đời thứ năm của môn phái này, hiện đang dạy võ ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM: Bà Trà có hai đệ tử xuất sắc là anh em ông Hai Ất (Võ Văn Ất) và Ba Giá (Võ Văn Giá), có hơn 10 lần đối đầu với cọp. Hai ông sử dụng trường côn, dân Tân Khánh còn gọi là roi, được làm bằng cây mật cật, to bằng chén ăn cơm. Võ nghệ hai ông vang danh khắp vùng. Và  một trong những “chiến tích” diễn ra ở Hố Ngỡi - địa danh nằm cạnh làng Tân Khánh, nay thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên.
Truyền thuyết kể rằng, đó là vào một buổi chiều, người ta chứng kiến một mình ông Ất đứng giữa, áo rách tả tơi, nhảy qua trớ lại, tránh móng vuốt của ba con cọp dữ. Mồ hôi nhễ nhại, xem chừng đã tới hồi kiệt sức. Ông Ất vừa tránh con bên tả thì con bên hữu phóng vào, bốn móng vuốt chụp thẳng như sẵn sàng xé xác đối thủ thành trăm mảnh. Những người chứng kiến đồng thanh la lên khi thấy ông Ất té xuống. “Trời ơi! Chết rồi”.Trong lúc mọi người tưởng ông Ất cầm chắc cái chết vì kiệt sức, một số người thủ sẵn cung tên định bắn giải cứu, bỗng có tiếng thét: “Đừng bắn, đừng bắn, có tui đây”.
Đó là tiếng của ông Giá, sợ họ bắn lạc tên trúng ông Ất. Bởi ông biết ông Ất không thể nào bị hạ một cách dễ dàng như vậy, mà đó chính là thế “Phục địa lang hành”, ngã xuống đất để xoay mình đá tung lên. Con cọp từ trên nhào xuống tưởng chụp được đối thủ thì bất ngờ lãnh cú đá ác liệt. Lẹ làng, ông Ất phóng lên lưng cọp, vung tay đập xuống gáy liên hồi. Trong lúc ông Ất giáng những nắm đấm như thôi sơn vào gáy cọp thì hai con kia nhảy bổ vào. Thấy vậy, ông Ất định buông con cọp đang gìm giữ, nhưng vừa nới tay thì con này suýt hất ông ngã ngửa. Hốt hoảng, ông lấy hết sức bình sinh đấm xuống gáy nó thêm mấy cái. Nhưng vì đã phí sức nhiều, quả đấm không còn đủ lực hạ con cọp dữ. Mồ hôi ra như tắm, ông Ất vừa đè cổ cọp xuống, gắng sức bẻ lọi cổ nó thì lại nghe tiếng ông Giá: “Ngồi yên đó. Có tôi tiếp đây”.
Trong chớp mắt, ông Giá dùng thế “giải giáp”, cởi phăng chiếc áo đang mặc ném vào con cọp gần nhất. Thấy chiếc áo thình lình bay tới, cọp ngỡ có người trợ chiến, liền chụp cái áo xé tan nát. Chặn đứng được một con, ông Giá vung roi phóng tới đập thẳng vào đầu con cọp đang sắp chụp lên đầu ông Ất. Con cọp này không kịp kêu lên một tiếng, té lộn mèo về phía sau, óc văng ra trông thật khiếp. Tiện đường roi, ông Giá quất vào lưng con cọp đã vồ chiếc áo. Con này
cũng nhanh nhẹn trớ khỏi, nhưng liền sau đó những đường roi tung ra vun vút. Cọp trúng roi, lùi lại định tẩu thoát thì ông bồi thêm một roi ngang lưng nằm luôn không cựa quậy.
Thấy em giết được hai con cọp, ông Ất mới nhìn xuống thì thấy con cọp đã bị ông bẻ cổ nằm chết tự bao giờ…

HẬU DUỆ CỦA VÕ PHÁI ĐÁNH CỌP BÂY GIỜ RA SAO?KỲ 2: Huyền thoại võ lâm Tân Khánh – Bà Trà

Những hậu duệ của “Võ Tòng”
Không chỉ có những bậc “tiền bối” mới có tài đả cọp. Võ sư Hồ Tường còn cho biết, năm 1914, ông Ất được chính quyền Pháp mời về Sài Gòn đánh cọp nhân lễ khai thị chợ Bến Thành. Ông Ất từ chối và giao cho con gái mình là bà Năm Vuông (Võ Thị Vuông), lúc ấy mới ngoài 20 tuổi.
Ông Ất lúc bấy giờ mới ngoài 40 tuổi và chỉ có một người con gái, ông đem hết tài nghệ võ học truyền dạy cho con. Trước đông đảo quan chức chủ tọa lễ khai thị, nữ võ sĩ Năm Vuông nai nịt gọn ghẽ, sử dụng ngọn đao dài. Nhiều quan khách dự khán thật sự cám thấy lo ngại cho phận nữ nhi, đâu dễ đương đầu với chúa sơn lâm. Chỉ một tiếng gầm thôi cũng đủ làm người nhát gan mất vía. Nhưng ông Ất cho con ông giao đấu với cọp dữ trên sàn đấu như chiếc chuồng nhốt thú thật bội phần nguy hiểm, song ông hiểu rõ tài năng võ học và bản lĩnh của con ông. “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”, phận nữ nhi không dễ bề hạ cọp dữ trong phút chốc giống như ông, mà phải đánh dai dẳng để phá sức cọp. Cuộc thư hùng giữa người và thú khởi từ ban mai, đến giờ ngọ mới kết thúc. Có nhiều lúc cọp vồ hụt gầm lên nghe đến rợn người, đuôi đập xuống đất đầy tức khí. Cọp xoay trở rất nhanh, đưa vuốt tát liên hồi, nhưng con gái ông nhanh hơn. Khi thọc ngược đao, lúc tả, lúc hữu… thân pháp nhịp nhàng, mau lẹ thật đáng mặt con nhà võ. Qua mấy giờ giao đấu, người và thú máu me nhuộm đỏ. Có người lo ngại hỏi con ông có sao không, ông lắc đầu và mỉm cười. Cọp dần dần ra máu nhiều và kiệt sức, xoay trở chậm chạp. Sau cùng nhận lấy ngọn lao hiểm kết thúc cuộc đấu.
Đây được xem là cuộc giao đấu “kinh điển” trong giới võ thuật lúc bấy giờ. Trong tác phẩm “Những môn võ bí truyền trên thế giới” của tác giả Hàn Thanh, do NXB Lửa Thiên xuất bản năm 1973, cũng có nhắc đến trận đấu này.
Đến nay trải qua bao biến đổi thăng trầm của những tháng ngày tao loạn, võ phái Tân Khánh Bà Trà đã bước sang đời thứ năm. Võ sư Hồ Tường  cho biết, anh em ông Ất, ông Giá được xếp vào hàng tiên sư, đời thứ nhất; kế đến Võ Văn Trực (Sáu Trực); Võ Văn Phiên (Bảy Phiên) - một thầy võ nổi tiếng ở vùng đất Đông Nam bộ giai đoạn 1939 – 1959. Hai trong số nhiều học trò nổi tiếng của Bảy Phiên là nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm; tiếp đến Hồ Văn Lành (tức võ sư Từ Thiện, ông mất năm 2005). Võ sư Từ Thiện cũng chính là cháu rể và cũng là học trò tâm truyền của thầy Bảy Phiên; hậu duệ đời thứ năm cũng là hậu duệ duy nhất còn lại biết các thế võ đánh cọp của môn phái này là võ sư Hồ Tường - con trai võ sư Từ Thiện, hiện dạy võ tại TP.HCM từ năm 1981 đến nay.
Võ đánh cọp sẽ được tôn vinh?
Võ phái Tân Khánh Bà Trà có nhiều thế hệ anh tài nối tiếp vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. “Nữ chúa” Truông Mây một thời lẫy lừng xứ Tân Khánh. Kế đến Hai Ất, Ba Giá, Năm Vuông từng làm rạng danh võ phái Tân Khánh Bà Trà với tài đả hổ.
Võ sư Hồ Tường cho biết, võ đánh cọp có 10 thế riêng, mỗi thế có 10 biến thế: Thế thứ nhất hoành đả hỏa xa, thứ hai phù phóng, thứ ba roi hoành, thứ tư phục hổ tan tành, thứ năm xà địa giữ mình cho xinh, thứ sáu roi đăm lèo, thứ bảy hồi mã đừng theo mà lầm, thứ tám phục hổ đạt trùng, thứ chín bát tự, thứ mười đâm đôi. Đối với bậc tiên sư của ông, chưa nghe nói có con hổ dữ nào thoát được 10 thế võ này. Thế nhưng, ngày nay không biết có phải do mất rừng hay cọp đã bị… nấu cao mà các thế võ đánh cọp giờ đây gần như đã đi đến chỗ thất truyền.
Ông Hồ Văn Thứ, ngụ Tân Phước Khánh, Tân Uyên, năm nay ngoài 70 tuổi, một hậu duệ của võ lâm Tân Khánh Bà Trà tỏ ra rất tự hào khi nhớ về võ đường Từ Thiện: Học võ là để giữ truyền thống của cha ông, là để thấu đáo võ pháp và võ “Đạo”. Và không có gì lớn hơn cái đạo làm người. Rèn võ thuật cuối cùng cũng qui về hai tiếng “Thượng võ” mà thôi.
Những môn sinh của võ phái này từng thượng đài cấp quốc gia, đoạt huy chương Vàng năm 1970, 1974 là Từ Thanh Nghĩa, Hồ Ngọc Thọ; đoạt huy chương Bạc các năm 1969, 1970, 1974 có Từ Thanh Tòng, Từ Duy Tuấn, Từ Hoàng Út, Hồ Thanh Phương; năm 1974, Từ Hoàng Minh đoạt huy chương Đồng. Ngoài ra còn có Từ Thanh Nghĩa, Từ Trung Tín và Từ Y Văn từng đại diện miền Nam thi đấu 7 trận toàn thắng trước các nhà vô địch Thái Lan, Lào và Campuchia…

Một võ phái từng một thời lẫy lừng như vậy, nhưng giờ đây đi khắp làng cũng không tìm thấy dấu tích nào của võ đường. Một môn võ từng vang danh, giờ hiển hiện nguy cơ thất truyền quả thật đáng buồn, võ sư Hồ Tường lo lắng.
Có lẽ nhận thấy đều đó nên gần đây, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định khôi phục lại làng võ này. Tiến sĩ Hồ Sơn Diệp, Khoa Sử học, Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM, người chấp bút đề án “Khôi phục võ lâm Tân Khánh Bà Trà”, cho biết đề án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và triển khai.
Theo TS Diệp, sau khi biên soạn lại lịch sử môn phái, khôi phục các bài quyền, binh khí, trang phục sẽ tiến hành xây dựng võ đường, nhà truyền thống, vừa dạy võ vừa giáo dục tinh thần thượng võ cho thế hệ trẻ. Đồng thời, sẽ tổ chức các võ đường thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong tương lai. Từng bước đưa môn phái này hòa nhập vào làng võ cổ truyền quốc gia và thế giới. TS. Diệp tỏ ra lạc quan: Tương lai võ lâm Tân Khánh Bà Trà không còn là tài sản của người Bình Dương nữa mà sẽ trở thành di sản văn hóa quốc gia. Bởi trong quá khứ, võ lâm Tân Khánh Bà Trà không chỉ đánh cọp mà từng mang lại vinh quang cho nền võ thuật nước nhà. Các nhà cách mạng tiền bối Nguyễn An Ninh, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiểng, Phan Văn Hùm… cũng từng là võ sinh của môn phái này. Việc để một phái võ nổi tiếng như vậy thất truyền là có tội với tiền nhân, TS. Diệp nói. Tuy vậy, để khôi phục môn phái này phải có người tâm huyết và kinh phí có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

Võ sư Từ Thiện - Võ sư nổi tiếng của Võ phái Tân Khánh Bà Trà

Thứ tư, 12/08/2015  * Võ sư Trương Văn Bảo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

“…Ông thầy võ chuyên nghiệp Từ Thiện hiền lành và thật khép nép. Nhưng một khối sắt trong những bắp thịt của ông ta đó…” - Tác giả Vạn Lý, báo Thao Trường số 362, trang 22, ngày 8 tháng 7 năm 1971.


Võ sư Từ Thiện tên thật là Hồ Văn Lành, sinh năm 1914 tại ấp Khánh Thạnh, xã Tân Khánh (sau đổi thành Tân Phước Khánh), quận Châu Thành, thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, là một võ sư nổi tiếng của võ phái Tân Khánh Bà Trà. Ông là một trong những người có công sáng lập Tổng hội Võ học Việt Nam; thời gian đầu ông cùng nhiều võ sư lão thành khác là Ban cố vấn của Hội võ thuật cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

 Võ sư Hồ Văn Lành bắt đầu tập Võ cổ truyền Việt Nam - Tân Khánh Bà Trà năm 1927 với thầy Bảy Phiên (tên thật là Võ Văn Phiên), là đệ tử của thầy Võ Văn Ất, một danh sư lúc bấy giờ. Ông mở trường dạy võ, sau 7 lần thượng đài hoàn toàn thủ thắng, được giới thanh niên hâm mộ theo học rất đông. Sau đó, duyên võ, duyên y đưa đẩy, võ sư Từ Thiện thọ giáo Thiếu Lâm Bạch hạc, Thiếu Lâm Vịnh Xuân và Đông y với võ sư Huỳnh Bá Phước, từ đó kiến thức võ học được nâng cao, võ sư Từ Thiện hoàn chỉnh giáo trình giảng dạy cho chính bản thân mình và võ phái. Năm 1950, võ sư Hồ Thiện được mời xuống khu vực Cầu Muối dạy võ.

Picture28.jpg
Võ sư Từ Thiện (1914 – 2005)

 
Võ sư Từ Thiện đã góp nhiều công sức thực tế cho nền võ học cổ truyền Việt Nam, không những đào tạo võ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên, võ sư cho võ phái Tân Khánh Bà Trà, ông có công trong việc phục hưng giá trị Võ cổ truyền qua tổ chức Tổng hội Võ học Việt Nam trước năm 1975 và làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế qua hình ảnh thi đấu của các võ sĩ nổi tiếng Từ Thanh Nghĩa, Từ Y Văn, Từ Trung Tín…với các võ sĩ vô địch các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Hong Kong, Indonesia. Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ cũng là đệ tử của võ sư Từ Thiện và nhiều võ sư, võ sĩ khác là môn đệ Tân Khánh Bà Trà dưới sự dìu dắt của võ sư Từ Thiện.

Tổng hội Võ học Việt Nam (Tổng hội võ sư nghiên cứu và phổ biến võ học Việt Nam) là một tổ chức phi chính phủ, không vụ lợi, được thành lập năm 1969 bởi các võ sư uy tín tại Sài Gòn là các võ sư Lê Văn Kiển (1914 - 2003 Nam Tông), Từ Thiện Hồ Văn Lành (1914 - 2005 Võ lâm Tân Khánh Bà Trà), Mai Văn Phát (1917 - 1997 Trung sơn võ đạo), Quách Văn Phước (Lam sơn võ đạo), giáo sư Đặng Quang Lương, với mục đích nghiên cứu phổ biến võ học Việt Nam cho các thế hệ thanh thiếu niên và các tầng lớp khác trong xã hội đương thời nhằm lưu giữ và phát huy truyền thống võ học dân tộc Việt Nam. Những bài Võ cổ truyền Việt Nam được Tổng hội chọn giới thiệu vào chương trình thống nhất thời gian đầu là các bài Đồng nhi quyền, Tấn nhất côn, Thập bát liên châu quyền pháp…

Trước năm 1975, giới võ tôn vinh các võ sư Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa là “Tam nhật”, các võ sư Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai là “Tam nguyệt” và các võ sư Xuân Bình, Trần Xil, Hồ Văn Lành, Lý Huỳnh là “Tứ tú”. Sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành cùng các võ sư Đặng Văn Anh (Kim kê), Nguyễn Hữu Tiết (Hắc âu) và Quách Văn Phước (Lam sơn) khai giảng lớp Võ dân tộc, làm sống dậy phong trào Võ cổ truyền Việt Nam tại Câu lạc bộ Thể dục Thể thao quận I, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 1979. Sau đó, những kỳ Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc từ năm 1993 trở đi do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức đều có võ sư Từ Thiện và các võ sư lão thành tham dự. Ông có viết sách về võ thuật và trật đả cốt khoa, võ sư Từ Thiện mất ngày 27 tháng 11 năm 2005 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Võ sư Hồ Văn Tường, con trai của võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành là người tiếp bước Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét