Võ sư Trương Văn Bảo  -- Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Võ cổ truyền Việt Nam có nhiều võ sư danh tiếng. Từ năm 1930 (cách nay hơn 80 năm), một mốc thời gian quan trọng của võ sư Bùi Văn Hoá (1894 - 1958) khởi đầu cho sự nghiệp của một môn phái rất nổi tiếng trong làng Võ cổ truyền Việt Nam mà đến nay được xiển dương tiếp nối. Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn là môn phái có nguồn gốc và lịch sử phát triển rõ ràng, các thế hệ Chưởng môn kế tiếp đều là những người được hội đồng võ sư môn phái bầu chọn.


Picture16.jpg
Đạo đường Tây Sơn Nhạn
 

Võ sư Lưu Văn Liễn (1909 - 1985) - Chưởng môn đời thứ I

Ngày 22 tháng 2 năm 1958 nhằm ngày 05 tháng Giêng năm Mậu Tuất, võ sư Bùi Văn Hoá tạ thế tại quận 8 Sài Gòn, hưởng thọ 65 tuổi. Hội đồng võ sư môn phái Tây Sơn Nhạn thống nhất bầu võ sư Lưu Văn Liễn là Chưởng môn đời thứ nhất.
 
Picture17.jpg
Võ sư Lưu Văn Liễn (1909 - 1985)
 
Võ sư Lưu Văn Liễn (1909 - 1985), tức Ba Liễn, là đồng hương và cũng là môn đệ đầu tiên của Tổ sư Bùi Văn Hoá. Ông học thầy hơn mười năm, đến năm 1946 theo thầy vào Sài Gòn để tiếp tục lĩnh hội những kỹ thuật đặc sắc của Tây Sơn Nhạn. Võ sư Lưu Văn Liễn là người uyên bác võ học, tinh thông Phật học, Y học, Dịch học, Thiên văn, Địa lý…
 Sau hai năm chấp chưởng môn phái, võ sư Lưu Văn Liễn phát tâm bồ đề, chí nguyện xuất gia, nương thân cửa Phật, nguyện đem công đức hướng về khắp mười phương, ba cõi. Năm 1960 ông họp hội đồng võ sư môn phái Tây Sơn Nhạn để trao quyền Chưởng môn lại cho võ sư Nguyễn Văn Mách (Mười Mách).

Võ sư Nguyễn Văn Mách (1921 - 1990) - Chưởng môn đời thứ II
Picture18.jpg
Võ sư Nguyễn Văn Mách (1921 - 1990)
 
Sau khi võ sư Bùi Văn Hoá qua đời, người kế nhiệm là võ sư Lưu Văn Liễn cũng xuất gia, gánh nặng đặt lên vai võ sư Nguyễn Văn Mách (Mười Mách). Ông sinh ngày 14 tháng 2 năm 1921 tại Bình Đăng, Chợ Lớn nay thuộc quận 8 thành phố Hồ Chí Minh, ông vốn là nhân viên Sở Cứu hoả Đô thành Sài Gòn. Với tư chất thông minh và tính cách mạnh mẽ, võ sư Nguyễn Văn Mách đã chứng tỏ là người lãnh đạo giỏi tiếp bước vững chắc và thành công con đường của võ sư Bùi Văn Hoá, đưa tên tuổi môn phái lên đỉnh cao nhờ vào thành tích đào tạo những võ sĩ tài năng mà đến nay nhiều tài liệu, sách báo vẫn còn lưu lại.
Võ sư Nguyễn Văn Mách nói: “Đỡ được một trăm đòn công mới gọi là thủ; Đánh một trăm đòn trúng mới gọi là công”. Thông điệp đó mang ý nghĩa công phu luyện tập đến trình độ công thủ thượng thừa của võ thuật. Nếu võ sư Bùi Văn Hoá là người có công khai sáng Tây Sơn Nhạn ở Việt Nam thì võ sư Mười Mách là người có công phát triển môn phái lớn mạnh. Dưới sự dìu dắt của ông tại Sài Gòn, môn phái Tây Sơn Nhạn có sáu hệ thống võ đường, hàng ngàn võ sinh theo học. Ông là người có tinh thần khoa học hiện đại và kỷ luật, huấn luyện võ thuật theo tính cách chuyên nghiệp nên hiệu quả rất cao.

Không chỉ đào tạo võ sĩ thượng đài, võ sư Nguyễn Văn Mách còn tham gia nhiều hoạt động võ thuật khác. Năm 1969, ông cùng nhiều võ sư tâm huyết thành lập Tổng hội võ sư nghiên cứu và phổ biến võ học Việt Nam nhằm xây dựng, phát triển, khôi phục, chấn hưng môn võ thuật truyền thống thượng võ nước nhà, được học trò và các võ sư tin yêu, nể trọng. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Tổng hội hai nhiệm kỳ liên tiếp và được Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam tuyên dương, khen thưởng. Ngày 12 tháng 6 năm 1990, võ sư Nguyễn Văn Mách qua đời tại Long Thành khi sự nghiệp còn phía trước, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho môn phái và giới võ.

Võ sư Tô Đình Thanh - Chưởng môn đời thứ III
 Sau khi võ sư Nguyễn Văn Mách qua đời, hội đồng võ sư môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn bầu chọn võ sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn) kế nhiệm Chưởng môn đời thứ III vào năm 1992. Võ sư Tô Đình Thanh chú trọng đến chữ “tâm”. Ông nói: “Tâm chỉnh, khí chỉnh, bộ pháp vững; Tâm động, khí loạn, bộ pháp hư”. Ý nghĩa đó không chỉ dùng trong võ thuật mà trong cả cuộc sống thường ngày. Cũng như quan niệm nhà Phật: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự an vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình (Kinh Pháp cú - Yamakavaggo).
 
Picture19.jpg
Võ sư Tô Đình Thanh
 
Võ sư Tô Đình Thanh sinh năm 1954 tại Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống võ học, ông là đệ tử chân truyền của võ sư Nguyễn Văn Mách, đồng thời cũng có nhân duyên thụ giáo với các sư bá Ba Liễn, Ba Sửu, Ba Lai những tinh hoa võ học trấn môn Tây Sơn Nhạn. Ngoài dòng võ gia truyền Tây Sơn Bình Định ông cũng từng học các môn võ hiện đại như Nhu đạo (Judo), Túc quyền đạo (Taekwondo), Kiếm đạo (Kendo), ông cũng là thầy về phong thuỷ và y học cổ truyền.

Dưới sự điều hành môn phái của võ sư Tô Đình Thanh, tất cả danh xưng của Tây Sơn Nhạn trước đây đều thống nhất theo danh hiệu Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn. Căn cứ vào di bút của Tổ sư Bùi Văn Hoá, võ sư Lưu Văn Liễn trao lại, ông cố công phổ biến các tài liệu để phát triển môn phái. Sau năm 1975, võ sư Tô Đình Thanh huấn luyện cho Trinh sát biên giới (1978 - 1979), Săn bắt cướp - SBC Công an thành phố Hồ Chí Minh (1979 - 1981), Lữ đoàn 125 Hải quân - Quân cảng Sài Gòn (1985 - 1987) và nhiều hoạt động huấn luyện võ thuật khác.

Võ sư Tô Đình Thanh là thành viên Hội Võ cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh, môn phái có nhiều điểm tập trong nước và ngoài nước như Hoa Kỳ, Pháp, Úc. Hơn 30 năm qua, Võ sư Tô Đình Thanh đã nỗ lực đưa môn phái phát triển, góp phần vào sự nghiệp phục hưng Võ cổ truyền của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung. Hiện nay môn phái có Đạo đường Tây Sơn Nhạn, toạ lạc tại Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, vừa khánh thành ngày 11 tháng 11 năm 2012, đây là nỗ lực lớn của môn phái và chính là nơi để các thế hệ thầy trò về bên nhau.

 Võ sư Tô Đình Thanh đã được các cấp chính quyền và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khen thưởng. Môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn là võ hiệu danh tiếng không thể nhầm lẫn vì có tổ chức, có nguồn gốc, quá trình phát triển rõ ràng, có tư cách pháp nhân, đăng ký danh hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Các môn phái trong nước phát triển vững mạnh chính là góp phần xây dựng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn.