Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

VÕ THUẬT TINH HOA 67/m

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
CON ĐƯỜNG VÕ HỌC | CDVH #11 FULL | Duy Nhất về Cần Thơ học Thiếu Lâm Song Diện

Thiếu Lâm Song Diện sau 24 năm thành lập và phát triển

Email In PDF.
Võ sư Trần Văn Tư người đã sáng lập võ phái Thiếu Lâm Song Diện, người có công đúc kết tinh hoa võ thuật Trung Hoa với võ Karate-do để sáng lập ra môn phái này.
Từ khi tóc còn để chỏm, cậu bé Tư đã theo con đường võ thuật, duyên mai đã đến với cậu khi được thọ giáo với không ít vị danh sư thuộc nhiều dòng võ khác nhau như : võ sư Thạch Ngọc Sâm – cao đồ của Thiếu Lâm Tự, Võ sư Đoàn Tâm Ảnh – Chưởng môn phái Võ Lâm Chánh Tông ... Năm 1971, chàng thanh niên này tiếp tục nghiên cứu thêm võ Karate-do với Võ sư Nguyễn Sơn tại Sài Gòn và nhiều môn võ khác.
Trong thời gian này, có thể coi đây là thời vàng son và sung mãn nhất với chàng võ sĩ này. Đã không ít lần anh thượng đài làm buồn lòng bao võ sĩ đến từ nhiều võ đường, võ phái khác nhau.
Võ sư Trần Văn Tư người đã sáng lập võ phái Thiếu Lâm Song Diện
Sau ngày 30/4/1975, được sự cho phép của Đảng và Nhà nước. Phong trào võ thuật bắt đầu hoạt động trở lại. Bằng tài năng và uy tín của mình, võ sư Trần Văn Tư đã xây dựng môn phái Thiếu Lâm Song Diện phát triển rực rỡ tại TP. Cần Thơ, sản sinh ra nhiều thế hệ võ sư, huấn luyện viên tài năng như võ sư Nguyễn Thái Học, Nguyễn Quốc Tiến, Trần Hoàng Vũ, Phan Quốc Sơn, Phan Văn Út, Nguyễn Thành Lắm ... Đây là những người kế tiếp sự nghiệp của ông trong việc phát triển môn phái tại Việt Nam.
Trong những năm đất nước chiến tranh ở biên giới Tây Nam, không ít những môn sinh của võ đường Thiếu Lâm Song Diện ngày ấy đã hăng hái tòng quân, lên đường đánh giặc, nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống trên những nẻo đường của Tổ quốc.
Môn phái Thiếu Lâm Song Diện là một trong những đại môn phái của Cần Thơ tham gia xây dựng Hội Võ thuật cổ truyền Tỉnh Cần Thơ (nay là Thành phố Cần Thơ). Trong suốt những năm đầu xây dựng và phát triển, võ phái Thiếu Lâm Song Diện luôn đóng góp những vận động viên tiêu biểu cho Cần Thơ tham gia biểu diễn khắp trong và ngoài nước. Nhiều võ sinh của môn phái  tham gia và thi đấu ở những bộ môn thành tích cao, mang về cho những tấm huy chương vàng cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Bước chuyển mình
Năm 1997, hòa chung với không khí đổi mới của đất nước, môn phái Thiếu Lâm Song Diện tiếp tục có những bước chuyển mình lớn mạnh. Với mục tiêu cao cả là: Rèn luyện võ thuật, lấy sức khỏe bảo vệ Tổ quốc, tham gia xây dựng đất nước; võ thuật đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Các học trò tâm huyết của võ sư Trần Văn Tư là võ sư Nguyễn Thái Học, Võ sư Tô Văn Khén và võ sư Trần Hoàng Vũ đã không phụ sự tin tưởng của thầy, khi tiếp tục nhận nhiệm vụ mở thêm võ đường, đưa Thiếu Lâm Song Diện ngày một phát triển.
Năm 2007, để có thêm thời gian làm công tác xã hội, tham gia Lực lượng Xung Kích hình sự thuộc Công An TP.Cần Thơ góp phần mang lại bình yên cho mọi người. Võ sư Trần Văn Tư đã họp Hội đồng môn phái và trao quyền Chưởng môn lại cho võ sư Nguyễn Thái Học.
Võ sư Nguyễn Thái Học - Chưởng môn võ phái Thiếu Lâm Song Diện
Hiện nay, khắp nơi trong TP.Cần Thơ có 6 võ đường với hơn 900 lượt võ sinh đang theo học. Võ đường Thiếu Lâm Song Diện có đội ngũ 12 võ sư, 23 huấn luyện viên, trợ giảng có chuyên môn cao, trong đó có 17 huấn luyện viên cấp quốc gia và thành phố. Các môn sinh của võ đường sau thời gian theo học đã rèn luyện được sức khỏe, bản lĩnh, trí tuệ của con nhà võ; giúp các em trưởng thành hơn trong đường đời, biết đối nhân xử thế đúng với tiêu chí của một môn sinh "thắng không kiêu, bại không nản", thấy việc bất bình trong xã hội không làm ngơ, nhưng cũng không bao giờ ỷ thế có võ thuật mà làm những điều trái với luân thường đạo lý...
Kỳ thi thăng cấp của Võ đường Thiếu Lâm Song Diện tại Quận Bình Thủy ngày 10/6/2012
Một tiết mục đối luyện Binh khí chống binh khí của các môn sinh Thiếu Lâm Song Diện
Tại Hoa Kỳ, một chi nhánh của võ phái Thiếu Lâm Song Diện với hơn 16 võ đường đang hoạt động với hơn 1500 võ sinh theo học trên đất Mỹ do võ sư Trần Phước Tuấn điều hành.
Trò chuyện với võ sư Trần Văn Tư và võ sư Nguyễn Thái Học, chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa sâu xa của việc "rèn đức" đối với môn sinh, nhất là môn sinh mới nhập học. Các môn sinh đến với võ đường hầu hết đều là những người trẻ, mang theo tâm lý của những thanh niên mới lớn, hơi ngông nghênh, hơi phá phách nghịch ngợm. Nhưng đã bước chân vào ngôi nhà chung là Võ phái Thiếu Lâm Song Diện, các em đều được rèn dạy về tinh thần tôn sư trọng đạo, biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương, đoàn kết nhau trong cuộc sống. Nhiều em ban đầu tỏ vẻ bất cần, nhưng sau đó, bằng cái tâm và tình yêu thương thực sự của người thầy, các em đã dần hiểu và nghe theo, thay đổi hẳn tâm tính ngỗ ngược, chịu khó rèn luyện để đạt được những yêu cầu khắt khe về chuyên môn.
Ngoài việc tập luyện võ thuật, võ đường luôn chú ý tới việc tạo cho các võ sinh sự đoàn kết gắn bó. Không chỉ có thời gian trên lớp, võ đường đã tìm cách gắn kết được các võ sinh và phụ huynh, qua đó các phụ huynh học sinh hiểu được hoạt động của con em mình và yên tâm gửi gắm ủng hộ mọi hoạt động. Điều này đã được các bậc phụ huynh ghi nhận,  đánh giá cao.
24 năm xây dựng và trưởng thành, võ phái Thiếu Lâm Song Diện vui mừng khi nhận tin võ sư Trần Văn Tư, võ sư Nguyễn Thái Học, võ sư Trần Hoàng Vũ được Nhà nước trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp thể thao.
Phan An

PHƯỢNG HOÀNG QUYỀN

Email In PDF.
PHƯỢNG HOÀNG QUYỀN
(THE PHOENIX KUNG FU)
* Võ sư Trương Văn Bảo
(Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt)

Phượng hoàng quyền là tên một bài Võ cổ truyền Việt Nam nổi tiếng, được truyền dạy rộng rãi tại các võ đường, võ phái, môn phái Võ cổ truyền trong và ngoài nước.
Thiên Lễ Vân, sách Lễ Ký chép: Long, lân, quy, phụng vị chi tứ linh. Phượng hoàng hay phụng hoàng là loài chim thần thoại, là sản phẩm của trí tưởng tượng con người. Các tài liệu nghiên cứu khoa học, sinh vật học, văn học, điêu khắc, hội họa… đã viết nhiều về loài chim này.
Phượng là “chim tưởng tượng ra, có hình thù như chim trĩ, được xem là chúa của loài chim” (Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa- Thông tin 1998). Phụng (Phượng) “giống chim trong tứ linh, coi như chúa tể các loài chim” (Từ điển Việt Nam, copyright 1951 by Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo Saigon). “Phượng hoàng là thứ chim người Tàu và ta cho rằng chỉ đời thái bình mới có nó, con trống là phượng, con mái là hoàng” (Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt, NXB Imprimerie Tiếng Dân 1932).
Cùng với phượng còn có loan, một loài với chim phượng, trong văn học cũng như trong đời sống dân gian thường nghe hai chữ “loan phượng”, có nhiều thành ngữ về “phượng hoàng” cũng như “loan phượng”, sau này ghép phượng với long thành “long phượng”. Khoảng 2.200 năm trước, thời nhà Hán, biểu tượng phượng là con trống, hoàng là con mái quay mặt vào nhau ở hướng nam, tượng trưng cho hoàng hậu, sau cặp đôi với long, tượng trưng cho quyền lực vua chúa. Phượng hoàng còn mang ý nghĩa trung thành, đức hạnh, thanh nhã, biểu thị sự hòa hợp âm dương nên nhiều người thích trang trí tranh ảnh, điêu khắc hình phượng hoàng.
“Phượng hay phượng hoàng, phụng, là một trong tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các nước Á Đông khác. Phượng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ, vẩy cá chép, móng chim ưng, đuôi công. Các bộ phận của phượng đều có ý nghĩa của nó: đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phượng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế phượng là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc. Nếu rồng có yếu tố dương tượng trưng cho  vua chúa thì phượng có yếu tố âm nên tượng trưng cho hoàng hậu và người đàn bà đẹp” (Bách khoa toàn thư mở).
Từ những quan niệm, ý nghĩa cao quý mà con người dành cho phượng hoàng nên phượng hoàng có vị trí đặc biệt trong võ thuật, cùng rồng, lân, qui làm nên tứ linh: Long, lân quy, phụng. Ở góc độ khác, phượng hoàng là biểu tượng của sự chiến đấu kiên cường nhưng thanh nhã, dũng mãnh mà nhu hòa với tuyệt chiêu là đôi cánh cùng sự uốn lượn của thân hình, vận dụng linh hoạt chiếc đuôi dài, mỏ diều, móng chim ưng, tinh thần uy dũng như đại bàng… vùng vẫy giữa trời cao không biết mỏi.
Gối, chỏ là những kỹ thuật cận chiến hiệu quả của Võ thuật cổ truyền; tượng hình các thế đánh cùi chỏ như đôi cánh phượng hoàng gọi là “phượng dực”. Phương dực có nghĩa là cánh chim phượng, từ đó nhiều thế võ có tên “phượng hoàng triển dực”, “phượng hoàng lượng dực”, “phượng hoàng tranh cước vĩ”… Sự hình thành các thế đánh cùi chỏ Võ thuật cổ truyền mang tên “phượng dực” có ý nghĩa đặc thù và truyền thống thượng võ, không phải ngẫu nhiên mà các bậc tôn sư lựa chọn cánh phượng hoàng làm biểu tượng cho kỹ thuật sử dụng cùi chỏ.
Thất thập nhị huyền công và Thập bát La Hán quyền của cố võ sư Đoàn Tâm Ảnh (1900 - 2008), trong phần thủ pháp có 6 bộ gọi là lục quyền, nội dung lục quyền có Bộ phượng dực 7 môn gồm các thế: Phượng dực ẩn long. Phượng dực loan đài. Phượng dực thần xà. Phượng dực kim chung. Phượng dực bạt hổ. Phương dực bạt phong. Phượng dực hoành phong.
Kỹ thuật các đòn tay (thủ pháp) của Môn phái Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt có Bộ phượng dực với các thế: Phượng dực hạ sơn. Phượng dực đăng sơn. Phượng dực cao sơn. Phượng dực phi sơn. Phượng dực hoành sơn. Phượng dực bạt sơn. Phượng dực tung sơn. Phương dực trấn sơn. Phượng dực di sơn. Phượng dực đảo sơn.
Sinh thời, cố võ sư Trương Thanh Đăng (1895 - 1985), biệt danh Sa Long Cương, sáng lập võ đường Sa Long Cương, sau trở thành hệ phái Võ cổ truyền Việt Nam, Bình Định Sa Long Cương, đã đích thân biểu diễn truyền dạy bài Phượng hoàng quyền pháp cho môn sinh (http://salongcuong.blogspot.com).
Cố võ sư Lê Văn Vân (1954 - 2009), nguyên Trưởng tràng đời thứ 4 Môn phái Bình Định Sa Long Cương Việt Nam, viết bộ sách Võ cổ truyền Bình Định Sa Long Cương chính bản, tập 1 Bát bộ chân quyền (NXB Thể dục Thể thao 1992). Nội dung sách giới thiệu: Bộ pháp căn bản Bát bộ chân quyền; bài quyền Thiền sư và bài quyền Phượng hoàng:
“Chim phượng hoàng là biểu tượng cao quý với một tính cách trân trọng cho một trí tuệ sáng suốt, thông minh và minh mẫn. Bởi thế, nơi gìn giữ, tàng trữ sách vở thánh hiền gọi là Phượng các, hoặc sách quý của tiền nhân bao đời gọi là Phượng thư.
Bài quyền Phượng hoàng là một trong các bài quyền căn bản của bộ môn Võ cổ truyền với những đường nét riêng biệt, mềm mại, thanh thoát. Các đòn thế, dù tấn công hay né tránh, luôn luôn uyển chuyển nhu nhuyễn nhưng không kém phần vững vàng chắc chắn và tạo hiệu quả, do đó, đặc biệt tạo nên những yếu tố bất ngờ hiểm hóc. Bài quyền này giúp người tập tập trung, vận dụng, thích nghi về thăng bằng và độc dẻo dai của cơ thể trong mọi tư thế, phát huy được tính cách nhạy bén, linh hoạt của bộ pháp tạo nền tảng đầy đủ cho các bước học tập cao hơn kế tiếp.
Hình thành được bài quyền này là cả một công trình sáng tạo, học tập, nghiên cứu của tiền nhân đã vắt tim óc xương máu để lại cho nền Võ thuật cổ truyền Việt Nam đa dạng phong phú”.

Phượng hoàng tranh cước vĩ;
Mãnh hổ khai địa phi;
Song long truyền bảo đỉnh;
Đọat trấn vũ uy trì;
Nhất cấp, khai binh phát ấn;
Nhị cấp, chảo hạc binh phi;
Tiến nhất bộ, đề hoành tam bộ;
Thoái nhât công, sanh biến tứ chi;
Hồi đầu vọng bái.
Chim phượng hoàng so đuôi thử sức;
Hổ dữ từ đất phóng mình lên;
Đôi rồng đến truyền trao đỉnh quý.
Chiếm đất ra oai tỏ uy quyền.
Một bước đếm, điểm quan ban lệnh.
Bước thứ hai, tướng xuất quân đi.
Tiến một bước trở về ba bước.
Lùi một thế chống đỡ bốn phương.
Trở về bái tổ quê hương.
Tài liệu cổ Võ Tây Sơn Bình Định có bài Phụng hoàng anh thảo pháp:
Phụng hoàng sinh thiết vĩ;
Mãnh hổ đấu tha thi;
Phong long tuyền bửu điện;
Lễ phấn chấn, võ uy trì;
Phi thần võ, võ thần phi nhất thác;
Đồng Tân năng tẩy diện;
Lã Vọng điếu ngư chi;
Lão hồi tọa tĩnh qui;
Kim kê thám thủy;
Quan Âm bộ bộ khai;
Lưỡng long tranh châu nhất mã tọa;
Lão hồi tấn khóa;
Hồi lai bái tổ sư;
Lập như tiền.
Đà Lạt, Tết Nhâm Thìn 2012
Võ sư Trương Văn Bảo
  
Bài quyền Phượng Hoàng - Bình Định Sa Long Cương

Môn phái Thiếu Lâm Song Diện - Võ sư Trần Văn Tư

Đại võ sư Trần Văn Tư

Võ sư Trần Văn Tư sinh năm 1953 tại TP Cần Thơ, thầy đặt tên môn phái của mình là Thiếu Lâm Song Diện là để tỏ lòng tôn kính những người thầy đã truyền đạt võ đạo cho mình, trong đó có quyền và cước, nhu và cương luôn đi đôi với nhau.
Giải nghĩa về logo môn phái có hình quả đấm là phá mê, bàn tay là hướng đạo tu thân, dẫn những người đã từng đi vào con đường u tối về với võ đạo tu thân, môn phái được thành lập năm 1988, thầy đã lấy ngày 19/5 (ngày sinh Bác Hồ) làm ngày kỉ niệm thành lập môn phái. Hiện số môn sinh theo học môn phái tại Cần Thơ không dưới 10 nghìn người.
Võ sư Trần Văn Tư, võ sư Nguyễn Thái Học, võ sư Trần Hoàng Vũ được Nhà nước trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp thể thao.
Các bài quyền đặc sắc của môn phái như: 9 bộ chỏ, song phụng triều dâng, phượng hoàng đảo sơn, long xà quyền...
Võ sư Trần Văn Tư tâm sự: 
Có những lúc sinh hoạt cuộc sống túng thiếu, nhiều lúc mình muốn buông nhưng nghĩ lại mỗi lần vô sân tập thấy học trò đến nó vẫn năng nổ luyện tập, mình buông cũng không đành, nó vẫn thưa sư phụ con mới đến, con đến trễ chút...mình thấy không đành bỏ, thôi cũng rán. Dù rằng nghiệp võ không ai khá giả, nhưng vì yêu nghề, yêu học trò, tại vì học trò cũng yêu nghề như mình, từ đó mình mới luyến tiếc, mình không bỏ được, vẫn theo đến ngày hôm nay.
Cuộc sống giống như một ly trà, bất luận đầy hay vơi nóng hay lạnh cũng điều có vị riêng của nó, con người cũng vậy, chẳng ai giống ai, nhưng giữa cuộc sống đầy bon chen này tôi biết con người rất khó giữ được trạng thái vô lo vô nghĩ, không ưu phiền. Cũng giống như tôi, gần 50 năm theo nghiệp võ, chứng kiến nhiều môn sinh vì kế sinh nhai mà  lặng lẻ rời môn phái mà đi, lòng tôi đau như cắt, tuổi tôi mỗingày mỗi lớn, sức khỏe theo đó mà cũng giảm nhiều, có lúc tôi ước phải chi bây giờ mình có sức lực dũng mãnh như thời trai trẻ để làm nhiều việc hơn cho môn phái Thiếu Lâm Song Diện của mình.
#conduongvohoc #vocotruyenvn.net
 
  
Tinh hoa võ thuật Thiếu Lâm Song Diện đất Tây Đô

Võ cổ truyền Cần Thơ khởi sắc

CLB Thiếu Lâm Long Sơn tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều.
3 năm gần đây, võ cổ truyền TP Cần Thơ đã đạt một số thành tích đáng kể tại các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Số lượng Câu lạc bộ (CLB) và võ sinh cũng tăng lên khá nhiều. Đây là bước phát triển đáng mừng của bộ môn này sau một thời gian dài bị chựng lại... Khi mới lên 6, Nguyễn Trương Nhựt Chiêu được cha mẹ chở tới Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều để vận động và vui chơi. Lúc ấy, một người em bà con của Nhựt Chiêu đang học võ cổ truyền ở đây đã rủ em cùng học chung cho vui. Thấy tập võ hay hay, Nhựt Chiêu xin cha mẹ cho theo học. Đến nay đã 3 năm trôi qua, cứ mỗi buổi tối thứ hai, tư, sáu hàng tuần, Nhựt Chiêu đều đặn đến CLB luyện tập cùng các bạn.
Hiện Nhựt Chiêu đã đạt cấp Hồng đai, là sư huynh của khá nhiều bạn nhỏ đang theo học võ tại CLB Thiếu Lâm Long Sơn ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều. Hiện CLB này có trên 40 võ sinh ở các độ tuổi khác nhau. Khi gia nhập CLB, các võ sinh sẽ được các HLV hướng dẫn từ những đòn thế căn bản cho đến những bài quyền, sử dụng vũ khí nâng cao như: kiếm, đao, gậy... Những đòn thế lúc mềm mại, lúc sắc sảo biến hóa khôn lường đã cuốn hút người xem, giúp CLB ngày một đông võ sinh hơn.
Anh Dương Thanh Tiến, Chủ nhiệm CLB Thiếu Lâm Long Sơn (tách ra từ Thiếu Lâm Thất Sơn từ năm 2007), cho biết: “CLB hiện có 2 sân tập, một tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều và một tại Nhà Thi đấu đa năng của thành phố, với tổng số 90 võ sinh”. Đây là một trong những CLB võ cổ truyền đang phát triển khá mạnh tại Cần Thơ. Ngoài Thiếu Lâm Long Sơn, tại sân của UBND các phường, các trường học, một số cơ quan... các CLB Tây Sơn Nhạn, Song Diện, Di sơn đả hổ, Quyền thuật tự do, Côn Lôn, Long Sơn võ đạo... cũng thường xuyên mở lớp tập luyện.
* * *
Tại Cần Thơ, võ cổ truyền đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, võ cổ truyền đã phát triển khá mạnh ở TP Cần Thơ (lúc còn là tỉnh Hậu Giang). Thời điểm đó, có 7 môn phái hoạt động là Hắc Long, Tây Sơn Nhạn, Thiếu Lâm Song Diện, Quyền thuật tự do, Di sơn đả hổ, Côn Lôn và Thiếu Lâm Thất Sơn, với hàng nghìn võ sinh tập luyện thường xuyên. Năm 1995, Ban Chấp hành (BCH) Hội võ Cổ truyền của tỉnh được thành lập, góp phần lãnh đạo và đưa bộ môn này ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, đến những năm đầu thế kỷ 21, môn võ này bắt đầu chựng lại, số lượng CLB, võ sinh giảm đi đáng kể, thậm chí có một số môn phái ngừng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: thiếu võ sư đủ điều kiện đứng lớp, sự xuất hiện và cạnh tranh của các môn võ Vovinam, Karatedo, Taewkondo... Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, thành viên Ban điều hành lâm thời Hội võ Cổ truyền TP Cần Thơ, nguyên nhân chính là thiếu sự đoàn kết, nhất trí giữa các môn phái, võ sư. Nội bộ BCH Hội võ Cổ truyền thường xuyên lục đục, mâu thuẫn... đến nỗi đã 2 lần bị giải thể, ảnh hưởng rất nhiều đến việc quản lý điều hành, phát triển phong trào ở địa phương”.
* * *
Những năm gần đây, những thay đổi mới trong qui chế chuyên môn của Liên đoàn võ Cổ truyền Việt Nam tạo điều kiện cho võ Cổ truyền được phát huy.Trước đây, chỉ có chuẩn võ sư cấp 17 quốc gia mới đủ điều kiện mở CLB hoặc đứng lớp. Từ năm 2011, võ sư cấp 15 quốc gia đã đủ điều kiện được mở CLB hoặc đứng lớp. Sự thay đổi này góp phần thúc đẩy phong trào võ Cổ truyền phát triển ở các địa phương. Hiện nay, tất cả các quận, huyện đều có CLB võ Cổ truyền, tập trung nhiều nhất ở quận Ninh Kiều, sau đó đến Bình Thủy, Cái Răng... Theo thống kê của Ban điều hành lâm thời Hội võ Cổ truyền TP Cần Thơ, hiện nay toàn thành phố có 22 CLB võ Cổ truyền với hơn 700 võ sinh, chỉ đứng sau môn võ Vovinam và Taekwondo.
Từ năm 2012, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cho phép khôi phục lại hình thức đấu đối kháng trên võ đài (bị cấm từ năm 1994, chỉ cho phép đấu trên thảm, trên sân). Giải Vô địch các CLB võ Cổ truyền TP Cần Thơ tổ chức vào đầu tháng 5-2012, tại sân đình Bình Thủy, quận Bình Thủy, đã thu hút rất đông người hâm mộ theo dõi suốt 2 đêm liền. Khán giả rất phấn khởi vì đã rất lâu rồi mới được chứng kiến những trận tranh tài quyết liệt trên võ đài.
Phong trào khởi sắc góp phần củng cố thêm sức mạnh cho đội tuyển võ Cổ truyền Cần Thơ. Tại Giải võ Cổ truyền quốc tế năm 2010 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các vận động viên Cần Thơ đã đoạt được 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ. Tại Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL năm 2011, đội võ Cổ truyền Cần Thơ đứng thứ nhì toàn đoàn, chỉ sau đội An Giang. Võ cổ truyền cũng là môn mang về 1 HCV cho đoàn Cần Thơ tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2011.
* * *
Dự kiến cuối năm 2012, võ Cổ truyền Cần Thơ sẽ tổ chức Đại hội bầu lại BCH mới khi công tác nhân sự được thống nhất. Với những thuận lợi và tiềm năng hiện có, điều quan trọng nhất để võ Cổ truyền TP Cần Thơ lớn mạnh thêm vẫn là sự đoàn kết thống nhất của các môn phái, của các lão võ sư với lực lượng võ sư trẻ hiện nay, để có thể nâng cao thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.
Bài, ảnh: SƠN THỦY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét