Giáo sư Willard Boyle (trái) và Giáo sư George Smith đang làm thực nghiệm truyền dẫn tín hiệu ảnh kỹ thuật số

Trang web chính thức của Ủy ban Giải thưởng Nobel www.nobelprize.org công bố rằng: một nửa Giải thưởng Nobel Vật lý 2009 thuộc về Giáo sư Charles K. Kao vì ông là người đầu tiên đạt được các thành tựu truyền dẫn các tín hiệu dưới dạng ánh sáng qua cáp sợi quang.
Nửa còn lại của Giải thưởng Nobel Vật lý năm nay chia đều cho Giáo sư Willard S. Boyle và Giáo sư George E. Smith vì đã sáng chế ra công nghệ bán dẫn số hóa các hình ảnh và đọc được các tín hiệu số thường được gọi là công nghệ CCD sensor.
Phát minh của hai ông dựa trên hiệu ứng từ phát minh về quang điện của nhà Vật lý thiên tài Albert Eistein - người đoạt giải Nobel vật lý năm 1921. Công nghệ CCD được ứng dụng trong ảnh kỹ thuật số, ghi hình và truyền hình qua và từ vệ tinh...
Ngân khoản Giải thưởng Nobel Vật lý 2009 trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,4 triệu USD).
Giáo sư Charles K. Kao
Mang hai quốc tịch
Trang thông tin điện tử Wikipedia.org cho biết: Giáo sư Charles K. Kao là người gốc Hoa hiện nay đang mang hai quốc tịch Mỹ và Anh.
Ông Charles K. Kao sinh năm 1933 tại quận Jinshan, Thượng Hải, Trung Quốc, trong một gia đình có hai anh em trai, bố làm nghề luật sư. Sau khi học hết trung học phổ thông, ông vào học ngành điện Trường Cao đẳng Kỹ thuật Saint Joseph ở Hong Kong. Sau đó ông sang học tiếp để năm 1957 lấy bằng kỹ sư điện tại trường Cao đẳng Hoàng gia London, Vương quốc Anh.
Tiếp đó, cũng tại trường này, ông tiếp tục nghiên cứu và được cấp bằng thạc sĩ, rồi năm 1965 nhận bằng tiến sĩ điện. Trong khi nghiên cứu sinh tiến sĩ, Giáo sư Charles K. Kao làm việc như một kỹ sư điện cho Cty Standard Telephones and Cables (STC) của Anh và nghiên cứu ngay tại Phòng thí nghiệm Viễn thông Standard ở Harlow, Vương quốc Anh.
Hiện nay ông vừa giảng dạy tại trường Đại học Hong Kong, Trung Quốc, vừa nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Viễn thông Standard ở Harlow, Anh.
Năm 1966 ông đã công bố kết quả phát minh công nghệ truyền dẫn các tín hiệu dưới dạng ánh sáng qua cáp sợi quang, đạt tới độ xa hơn 100 km so với chỉ 20m truyền dẫn qua cáp thông thường cùng thời.
Từng tham gia Hải quân Hoàng gia Canada
Giáo sư Willard S. Boyle là người Mỹ gốc Canada sinh ngày 19/8/1924 tại Amherst, tỉnh Nova Scotia, Canada. Ông từng tham gia lực lượng Hải quân Hoàng gia Canada trong Thế chiến II.
Từ năm 1947 ông liên tục nhận bằng cử nhân vật lý, 1948 bằng thạc sĩ vật lý, 1950 bằng tiến sĩ vật lý đều tại trường Đại học McGill, Canada. Sau khi nhận bằng tiến sĩ vật lý, Willard Boyle làm việc một năm tại Phòng Thí nghiệm phóng xạ Canada, hai năm giảng dạy vật lý tại trường Cao đẳng quân sự Hoàng gia Canada.
Năm 1953 ông sang Mỹ làm việc tại phòng thí nghiệm Bell Labs và đã phát minh ra tia laser đỏ tại đây. Ông được mời chọn giúp nơi đổ bộ trên Mặt trăng cho Chương trình Vũ trụ Appollo của Mỹ. Sau đó ông lại trở về làm việc tại Bell Labs từ năm 1975 đến 1979 khi ông về hưu.
Trước đó, ông và Giáo sư George E. Smith đã phát minh ra công nghệ CCD năm 1969. Hiện nay ông đang sống tại quê hương ở tỉnh Nova Scotia, Canada.
Giáo sư George E. Smith sinh ngày 10/5/1930 tại White Plains, New York, Hoa Kỳ. Năm 1955 ông tốt nghiệp ngành vật lý, Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Bốn năm sau ông được nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học Chicago, Mỹ, sau đó về nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Bell Labs từ năm 1959 đến 1986.
Trong thời kỳ này, năm 1969 Giáo sư George E. Smith đã cùng với Giáo sư Willard S. Boyle phát minh ra công nghệ số hóa hình ảnh và đọc tín hiệu số CCD để được trao Giải thưởng Nobel Vật lý 2009.