Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

NHỮNG VÌ SAO SÁNG 9 (Lev Yashin)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Ngôi đền huyền thoại | Lev Yashin

Lev Yashin: Biểu tượng bất tử của bóng đá Liên Xô

Người Nga (và cả Liên Xô trước kia) không có nhiều thứ để tự hào về nền bóng đá của họ, ngoài một cái tên: Lev Yashin, thủ môn đầu tiên và duy nhất đến nay từng đoạt Quả bóng Vàng châu Âu.
Ở nước Nga hiện nay có một danh xưng không chính thức dành cho những thủ môn có trên 100 trận giữ sạch lưới trong sự nghiệp, đó là “Câu lạc bộ Lev Yashin”. Thủ môn đội trưởng đội tuyển Nga tại World Cup 2018, Igor Akinfeev, cũng là một thành viên của câu lạc bộ ấy với 245 trận giữ sạch lưới.
Akinfeev, cùng với Rinat Dasaev (thủ môn đội tuyển Liên Xô giành ngôi á quân Euro 1988) và Yevhen Rudakov (thủ môn huyền thoại của Dynamo Kyiv thập niên 1970) là 3 người đã vượt qua Yashin về số trận giữ sạch lưới, nhưng chẳng ai trong số họ chạm được đến tầm vóc vĩ đại của ông.
Mọi cuộc bầu chọn danh hiệu trong thế kỷ XX đều thống nhất ở một điểm: Lev Yashin là thủ môn xuất sắc nhất trong lịch sử túc cầu. Năm 2001, Yashin được IFFHS bình chọn là thủ môn xuất sắc nhất thế kỷ XX, đánh bại những tên tuổi xuất chúng khác trong khung gỗ như Dino Zoff, Gordon Banks hay Ricardo Zamora (người mà tên ông đang được đặt cho giải thưởng thủ môn xuất sắc nhất hàng năm của giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha La Liga).
Không phải ngẫu nhiên mà tấm poster chính thức của World Cup 2018 có hình Lev Yashin.
Bóng đá ngày nay đang ở trong kỷ nguyên của những con số thống kê. Bất chấp việc Johann Cruyff từng nói rằng, “thống kê đang giết chết bóng đá” thì cũng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của những con số trong việc giúp các huấn luyện viên đánh giá hiệu suất thi đấu những cầu thủ của mình.
Lev Yashin sở hữu một thống kê vô tiền khoáng hậu mà chắc chắn sẽ không có thủ môn nào vượt qua: theo FIFA, trong suốt sự nghiệp ông đã phải đối mặt với 151 quả penalty và có tới ... 150 lần Yashin từ chối đối phương ghi bàn.
Ở tình thế mà khoa học đã chứng minh di chuyển của thủ môn luôn luôn chậm hơn tốc độ bay của bóng, Yashin vẫn sở hữu tỉ lệ cản phá thành công lên đến ...99% cho thấy khả năng phán đoán và tâm lý thi đấu bậc thầy của ông.
Thường xuyên ra sân với bộ trang phục đen từ đầu đến chân (thi thoảng còn đội thêm chiếc mũ cat-ket), Yashin giống như một “fashion icon trên sân bóng”, chính điều đó khiến công chúng đặt cho ông vô số biệt danh, nào là Black Panther (Báo Đen), Black Spider (Nhện Đen) hay thậm chí là Black Octopus (Bạch tuộc Đen).
Ông luôn biết cách khiến mình nổi bật trong mắt công chúng. Ngày nay, chúng ta không xa lạ gì với những biểu tượng thời trang trên sân bóng như David Beckham, Ronaldo, Messi hay Neymar... nhưng ở thập niên 1960 thế kỷ trước, việc luôn xuất hiện với tạo hình thống nhất như thế khiến hình ảnh Yashin ghim rất lâu trong trí nhớ công chúng.
Cũng nên biết rằng, thời đó không có các chuyên gia tư vấn hình ảnh cho các cầu thủ như ngày nay. Yashin làm việc đó một cách hoàn toàn bản năng, ông là người lịch thiệp và thích mặc đẹp, và bởi vậy, rất nhiều tờ báo đã gọi ông là “quí ông trên sân cỏ”.
Nếu như chỉ mặc đẹp, Yashin sẽ không nhận được sự thừa nhận của đông đảo công chúng cũng như các nhà chuyên môn.
Gordon Banks, thủ môn vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh và là người về đích thứ 2 sau Yashin trong danh sách các thủ môn vĩ đại nhất thế kỷ XX của IFFHS nói về ông như thế này: “Phong cách thi đấu của Yashin tạo ra chuẩn mực cho vị trí thủ môn. Không chỉ có những pha cứu thua không tưởng, ông ấy còn làm chủ mọi mét đất trong vòng cấm địa. Đó cũng là một quí ông lịch thiệp và dễ mến ngoài đời”.
Manuel Neuer đang được thừa nhận như thủ môn xuất sắc nhất thế giới hiện nay bởi anh thay đổi quan niệm của mọi người về vị trí thủ môn. Neuer vừa là một thủ môn, vừa có thể chơi như một libero với khả năng phân phối bóng bằng chân tuyệt hảo và những tình huống băng ra ngoài vòng cấm để giúp đội bóng của mình như được chơi hơn một người. Lev Yashin cũng từng là một nhà cách mạng như thế ở vị trí thủ môn.
Những năm 50 – 60 thế kỷ trước, các thủ môn thường xuyên chôn chân giữa 2 cột và chỉ làm công việc cản phá khi bóng bay tới khung thành. Yashin không nghĩ như thế! Không chỉ thụ động cản phá bóng, Yashin thường xuyên chỉ đạo và tổ chức hàng hậu vệ, và không ngại rời xa cầu môn để hạn chế tối đa khả năng dứt điểm của đối phương.
Phong cách bắt bóng dũng mãnh đậm chất điền kinh thể hiện ở vô số pha lăn xả vào chân đối phương để bắt bóng ngay trong tầm kiểm soát của tiền đạo đối phương. Thời đó, người ta ít khi trao băng đội trưởng cho thủ môn, nhưng Yashin là một trong những người gác đền đầu tiên trong lịch sử có vinh dự này.
Những biệt danh của ông không phải tự nhiên mà có. "Báo Đen" là để ca ngợi sức mạnh, sức bật và khả năng phản xạ nhanh nhẹn, "Nhện Đen" và "Bạch tuộc Đen" để nói về khả năng chặn bóng, bắt dính bóng trong những tình huống không tưởng như thể có 8 cánh tay giống loài nhện hay cả chùm vòi như loài bạch tuộc.
Tài năng sân cỏ của Yashin đã giúp cho các đội bóng của ông có được thành tích tốt nhất còn bản thân ông đã trở thành biểu tượng cho một thủ môn hoàn hảo. Tất cả mọi chân sút đều tự hào nếu ghi được bàn vào lưới Yashin.
Khi được hỏi về bí quyết của mình, ông nói chẳng rõ đùa hay thật rằng bí quyết thành công là "hút thuốc để bớt căng thẳng và uống rượu mạnh để giãn cơ bắp".Theo một số nguồn tin, vẻ bình tĩnh đến mức vô cảm mà Yashin có được, kể cả ở những trận đấu quan trọng và căng thẳng nhất trong suốt sự nghiệp, một phần cũng do ông thường dùng rượu mạnh và hút thuốc để lấy tinh thần trước các trận đấu lớn.
Yashin cũng từng nổi tiếng với câu nói: “Khoái cảm của việc nhìn thấy Yuri Gagarin bay vào vũ trụ cũng chỉ ngang bằng với việc cản phá thành công một quả penalty mà thôi”.
Thời của Yashin, ông giành được sự tôn trọng dù khi đó người ta không đề cao vị trí thủ môn. Ngày nay, thủ môn được thừa nhận là “một nửa đội bóng”. Nhưng sẽ cực khó để một thủ môn nào đó có thể vươn tới vị thế như Yashin đã từng. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay Yashin vẫn là thủ môn đầu tiên và duy nhất giành Quả bóng vàng châu Âu (vào năm 1963). Xuất chúng như Neuer cũng chưa giành được danh hiệu này.
Thủ môn hiện nay được coi trọng hơn, nhưng họ cũng phải gánh chịu nhiều áp lực hơn trong thời đại truyền thông đại chúng và mạng xã hội bùng nổ. Một pha cứu thua không tưởng khiến công chúng đưa họ lên mây, nhưng chỉ một sai lầm sẽ khiến họ mất tất. Mà thủ môn lại dễ dàng trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng vì sai lầm của họ trực tiếp dẫn đến thất bại của đội bóng.
Lịch sử bóng đá, chỉ có một Lev Yashin!
Huyền Châu - Đồ họa: HÀ THÀNH

‘Nếu bỏ thuốc lá, Lev Yashin có thể sẽ chết sớm hơn’

Trong 62 năm tồn tại kể từ khi ra đời, giải thưởng danh giá Quả bóng vàng chưa bao giờ là khái niệm gần gũi với các thủ môn. Bóng đá đã trải qua nhiều lần “thay máu” nhưng tuyệt nhiên, những buổi trao giải thường niên vào tháng Giêng tại Zurich không có chỗ cho nhóm người gác đền. Qua ngần ấy năm, người duy nhất phá vỡ tình trạng này vẫn chỉ là Lev Yashin – người gác đền huyền thoại của bóng đá Liên Xô.
Cẩm Chi

Vào thuở hồng hoang, khi khán giả còn lạ lẫm và không đề cao vai trò của thủ môn thì Lev Yashin đã trở thành tượng đài bất tử. Năm 1963, đúng 7 năm sau khi giải thưởng Quả bóng vàng ra đời, Yashin bước lên bục cao nhất của bóng đá châu Âu để nhận danh hiệu cao quý ấy. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bảng vàng UEFA vẫn chưa thể khắc thêm tên của một thủ môn nào khác.
Yashin vĩ đại là vậy, và cuộc đời của ông cũng đầy những màu sắc thần tiên. Yashin nghiện thuốc lá, đến nỗi đi họp Đảng trước mặt bao quan khách, ông vẫn phì phèo nhả khói. Dù là thủ môn hàng đầu thế giới, nhưng cả cuộc đời Yashin chỉ gắn bó với một đội bóng, là Dinamo Moscow.
Nhân tuần lễ khai mạc World Cup 2018 tại Nga, BĐ&CS trích đăng bài phỏng vấn của nhà báo Igor Rabiner – tác giả cuốn sách “Hành trình World Cup của nước Nga” – với bà Valentina Timofeevna Yashina, vợ của Lev Yashin. Bà Timofeevna sẽ kể lại những thăng trầm trong cuộc đời của chồng mình với tư cách người trong cuộc, mắt thấy tai nghe ở cái thời mà tivi là cái gì đó rất xa xỉ, chứ chưa nói tới Internet.

Lev Yashin bên bà Valentina Timofeevna Yashina, người vợ cận kề nhiều năm trong cuộc đời ông
- Mọi người vẫn nói Yashin tuy nổi tiếng nhưng rất thân thiện và dễ gần. Ở cùng ông ấy, bà thấy có đúng không?
Chính xác. Bà vợ hai của bố chồng tôi thường kể trong thế chiến thứ 2, Lyova (tên gọi thân mật ở nhà của Yashin) thường kéo theo một đứa trẻ về nhà và nói: “Bạn ấy không có gì để ăn. Bố và dì cho nó ăn cơm cùng gia đình mình”. Có lần, mẹ kế của Yashin phát khùng vì ông ấy cho bạn hàng xóm chiếc áo len mới mua, vì dưới Yashin vẫn còn một em trai.
Yashin là người tình cảm. Có lần tôi hỏi ‘Sao trên sân anh quát đồng đội to thế’, ông ấy giải thích ‘Đâu anh quát đâu em, là anh đang đưa ra lời khuyên và chỉ dẫn cho đồng đội’. Tôi nhớ ông ấy không bao giờ gọi tên thật của đồng đội, mà thường dùng tên cúng cơm thân mật, như Vitek (Victor) hay Tolik (Anatoly).
- Liên Xô thời xưa có nhiều CLB kình địch không đội trời chung. Mối quan hệ giữa chồng bà và các cầu thủ thuộc biên chế nhóm ‘đối đầu’ thế nào? Nhất là những người của Spartak Moscow – đối thủ ngàn đời của Dinamo Moscow.
Trong và ngoài sân là hai bức tranh khác nhau. Yashin thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Armenia với Simonyan. Ông ấy còn là bạn thân của Isaev, llyn và Paramonov. Các bà vợ như tôi cũng hay nói chuyện với nhau. Bọn tôi tụ tập xem trận đấu của các ông chồng và thường hỏi thăm cuộc sống của nhau qua điện thoại.
Nói vui, chứ Yashin ở với đồng đội nhiều hơn ngủ cùng tôi. Chúng tôi kết hôn ngay trước đêm giao thừa năm 1955, thì ngày 6/1 Yashin đã lên tuyển tập trung hơn 2 tháng trời.
Có một trận derby Moscow giữa Dinamo và Spartak xảy ra tình huống Yashin và Isaev va chạm mạnh, Isaev lao xầm vào Yashin, ngăn chồng tôi phát bóng lên. Khi Yashin về nhà, tôi có hỏi là vì sao Isaev cư xử lạ thế. Yashin cũng nói là khá bất ngờ nên đã hỏi ngay Isaev. ‘HLV bảo tôi làm thế. Xin lỗi bạn nhé’, Isaev đã nói với Yashin như vậy, và ôm đầu chạy thẳng về sân nhà đầy xấu hổ.
Mọi người đều biết Yashin nền tính và ôn hòa thế nào. Ông ấy không ghét ai bao giờ, cũng không tỏ thái độ ngôi sao. World Cup 1958 ở Thụy Điển, Yashin đi bộ qua một công viên, hút thuốc và ném vào thùng rác. Một đứa nhỏ ở gần đó nhìn thấy liền vội vàng lấy điếu thuốc đã tàn, chôn nó xuống một mô đất trống. Ngay cả với trẻ nhỏ, Yashin cũng luôn nở nụ cười trên môi.

Là 1 ngôi sao nhưng Yashin không xa cách mà rất hòa đồng với đồng đội, người hâm mộ và cả đối thủ
- Có đúng con rể bà là fan cuồng của Spartak không ?
Đúng, nhưng có sao đâu. Hâm mộ đội bóng nào là lý tưởng và quyền tự do cá nhân. Yashin lên tuyển nhưng có bao giờ mặc áo ĐTQG đâu. Tôi còn giữ nhiều bức ảnh Yashin ra sân ở các trận đấu cấp quốc gia với chiếc áo đấu mặc trên người in logo Dinamo Moscow.
- Hình như Yashin cũng không có bất kỳ xích mích nào với các thủ môn bắt chung đội khác thì phải.
Ai ghét được Yashin chứ (cười). Trong nhiều năm liền ở Dinamo, Volodya Belyaev chịu cảnh bắt dự bị cho chồng tôi, dù Yashin nhiều lần nói Belyaev không gặp thời chứ tài năng còn giỏi hơn ông ấy. Hai người họ cũng lên tuyển cùng nhau và dĩ nhiên là Belyaev tiếp tục sắp vai kép phụ cho Yashin.
Vậy mà Belyaev chẳng những không thù hận, trái lại còn là bạn cực thân của Yashin. Họ cùng nhau về thị trấn Nalchick ở núi Kavkaz thăm quê nhà Belyaev. Trong những buổi rượu hàn huyên bên vách núi, Yashin thường trách Belyaev tại sao cứ cứng đầu ở lại Dinamo, lẽ ra phải chuyển tới một đội bóng danh giá khác để được bắt chính ra sân nhiều hơn.
‘Volodya à, tôi đâu bất tử. Rồi sẽ có lúc tôi bị đau. Lúc đó, ai thay tôi trên khung gỗ ĐT Liên Xô? Cậu phải ra sân nhiều hơn, vì cậu xứng đáng với điều đó’, Yashin từng nói thế với Belyaev. Rốt cuộc, Yashin vẫn sừng sững trong khung gỗ chứng kiến 3 thế hệ của ĐT Liên Xô. Và không một ai trong số các thủ môn từng cạnh tranh suất bắt chính với Yashin, từng mảy may một suy nghĩ ác cảm về ông ấy.

Yashin luôn mặc áo len màu đen khi thi đấu vừa để lấy may vừa để giảm thiểu tối đa chấn thương
- Tôi đọc ở đâu được một giai thoại ở đầu sự nghiệp, Yashin thường xách cặp cho bậc tiền bối Alexei Petrovich Khomich. Cũng có người bảo Yashin thường đứng sau cầu môn quan sát và sao chép các động tác, kỹ năng của Khomich.
Tôi có thể xác nhận chi tiết Yashin đứng sau cầu môn. Lúc xa xưa, các trận đấu thường bố trí chiếc ghế bành phía sau cầu môn cho thủ thành dự bị ngồi quan sát. Yashin học được nhiều từ Khomich.
- Vậy ông ấy có kết giao với những nhân vật nổi tiếng của Liên bang Xô Viết cũ không? Như phi hành gia Yury Gargarin hay thi hào Vladimir Vysotsky từng viết về Yashin chẳng hạn.
Yashin không phải tuýp hay cà kê giao du. Chỉ có German Titov (người thứ hai trên trái đất đặt chân vào vũ trụ) là bạn ngoài bóng đá tôi hay thấy mặt. Dạo Yashin đi học ở trường Đảng tình cờ ngồi cùng bàn với người đi học hộ cho Titov 1 buổi. Nhân vật này đã giới thiệu hai người và tổ chức cuộc gặp mặt tại nhà hàng. Mối quan hệ đó hình thành từ ấy.
- Tại sao Yashin lại đi học trường Đảng bà biết không ?
Một fan cuồng của Dinamo và ông nhà tôi là giáo viên kinh tế - địa chính trị. Ông ta từng hỏi Yashin ‘Cậu sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp trường huấn luyện viên cấp cao Xô Viết?’.
Thực ra, Yashin không bao giờ muốn trở thành HLV dù đã lấy bằng. Yashin tự nhận thấy mình không sở hữu các tố chất cần có của một HLV giỏi. Ông ấy đi học trường Đảng để rèn luyện khả năng giao tiếp đám đông. Sau này, Yashin là diễn giả có tiếng nhờ tài ăn nói.
Một lần, Yashin trở về nhà từ lớp học. ‘Hôm nay ở trường có bài kiểm tra môn triết, câu hỏi đại để là các biện pháp cần làm để thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Hehe, 70 năm qua chính phủ còn chưa tìm ra lối đi chung nhất mà bảo 1 cá nhân như anh giải đáp, quá bằng đánh đố’, Yashin nói xong thì cả hai chúng tôi phá lên cười.

Yashin cũng thường đội 1 chiếc mũ dạ màu tro làm nên thương hiệu của bản thân
- Peter Shilton (cựu thủ môn ĐT Anh) nói với tôi là rất ngưỡng mộ chiếc áo đen huyền thoại của chồng bà. Phải chăng cái áo đen có công lực làm hoa mắt tiền đạo đối phương ?
Thực ra đấy không phải là áo đen. Nó là màu xanh tím than tối màu làm bằng len.
20 năm liền, Yashin mặc cái áo đấy. Ông ấy có quan điểm tâm linh của riêng mình. Nếu không nhầm thì chồng tôi chỉ thay áo 2 hay 3 lần, khi tay áo bị sờn rách. Mỗi lần đổi, ông ấy lại đặt may cái áo y hệt.
- Nhưng tôi thắc mắc cái này, là chả lẽ mùa hè cũng mặc áo len ư?
Đúng vậy, bởi nó sẽ giúp cầu thủ giảm thiểu tối đa chấn thương. Yashin thường bất bình với việc các đồng đội là thủ môn không chịu mặc đồ len. ‘Chúng ta sẽ dễ tổn thương đầu gối, người đầy vết bầm dập bắt đầu sợ cảm giác rơi từ trên cao xuống. Làm sao có thể tự tin đứng trước cầu môn nữa đây’, Yashin thường xuyên nhắc nhở đồng đội như vậy.
- Bà còn giữ lại chiếc áo nào của chồng làm kỷ vật không ?
Không, cầu thủ phải trả lại đồ thi đấu cho CLB chủ quản ngày đó. Ngay cả khi Yashin chơi trận đấu cuối cùng chia tay Dinamo vào năm 1971, CLB cũng đánh công văn yêu cầu ông ấy trả lại áo và găng tay dù đồ đã rách vì cũ. Yashin không thể giữ lại một chiếc áo kỷ niệm nào của Dinamo. Cứ cuối mùa, tôi lại đem đi giặt cho mới để trả CLB.
Chỉ còn lại một chiếc trong tủ đồ nhà tôi, nhưng là màu vàng chứ không phải xanh tím than. Chiếc áo đó số 13, ông nhà tôi mặc trong trận đấu nổi tiếng tại London khi bắt cho đội tuyển các ngôi sao thế giới. Khi lãnh đội hỏi ai mặc áo số 13, không ai nhận. Yashin liền nhận nó về mình và giữ sạch lưới. Sau hôm ấy, Yashin xem 13 như là con số may mắn.
Tại sao thủ môn thời xưa thường mặc áo tối màu chứ không xanh đỏ tím vàng như giờ, là bởi vào mùa xuân và thu, mặt sân rất ẩm, nhiều bùn nên mặc áo sáng màu dễ dơ. Rất nhiều trận đấu Yashin trở về nhà, tôi phải giặt bộ đồ đầy mùn cưa và bùn.

Nhiều người đồn Yashin là sâu rượu nhưng thực ra ông chỉ uống rất ít trong những trường hợp bất khả kháng
- Một ‘phụ kiện’ không thể thiếu khác của thủ môn trong thời đại Yashin là mũ dạ màu tro. Có đúng là trong nhiều tình huống đối phương treo bóng từ biên, Yashin cởi mũ, bật lên đánh đầu phá bóng rồi lại đội mũ vào không ?
Thi thoảng thôi. Khu cấm địa trong bóng đá ngày xưa không quá dày đặc như bây giờ nên làm được. Lần đầu tiên Yashin bay người đánh đầu phá bóng, ông ấy vẫn đội mũ trên đầu. Trong giờ nghỉ, Yashin bước vào phòng thay đồ, cúi gằm mặt và sợ rằng HLV trưởng Mikhail Yakushin sẽ mắng mình. Mikhail chỉ nhắc là lần sau có làm thế thì bỏ mũ ra, vì đội mũ thì điểm tiếp xúc bóng sẽ không chuẩn nữa. Vậy mới có chuyện Yashin bỏ mũ để đánh đầu rồi lại đeo mũ.
- Tôi muốn xác nhận một việc nữa: Có đúng là chiếc mũ của Yashin bị lấy cắp sau khi ĐT Liên Xô vô địch EURO 1960 ?
Báo chí đã đưa tin cảnh sát Pháp đã tìm thấy chiếc mũ và trả lại cho Yashin nhưng đó là nói dối. An ninh ở sân Parc des Princes không tốt, khán giả tràn xuống sân như ong vỡ tổ. Ai đó đã lợi dụng lấy đi chiếc mũ, sân đông thế ông ấy không thể chạy đuổi theo.
- Yashin mắc bệnh loét dạ dày mãn tính có phải không ? Có quá nhiều điều bí ẩn về ông ấy tôi muốn trực tiếp xác nhận.
Đó là căn bệnh Yashin mắc phải từ lúc 11 tuổi, hệ quả của việc ăn thực phẩm bẩn trong thời gian chiến sự. Lên 16, Yashin được gia đình gửi tới một bệnh viện ở miền Nam để chữa trị. Nhưng căn bệnh không đỡ đi vì lịch tập luyện khắc nghiệt của Yashin. Mà đấy là tự Yashin làm khổ mình chứ không ai bắt cả. Ở với ông ấy một đời người, tôi chưa từng thấy Yashin đi muộn. Ông ấy luôn đúng giờ và yêu cầu người khác phải như vậy.
Chứng đau dạ dày của Yashin nặng tới nỗi trong túi áo của ông ấy bao giờ cũng phải có soda để pha với nước. Nếu không có nước đúng lúc lên cơn quặn bụng, Yashin sẽ nuốt chửng soda và quay mặt đi để mọi người không nhận ra ông ấy đang chịu đựng nỗi đau thế nào.
Yashin là một người đàn ông vĩ đại. Ông ấy quyên sinh vì nghề nghiệp. Sau này, Yashin cũng bị biến chứng của ung thư dạ dày. Tôi đã từng đến sân xem 1 buổi tập của chồng và tự nhủ sẽ không bao giờ đến nữa. Đối phó với những cơn đau bất chợt, Yashin thường xuyên nhờ đồng đội nán lại sân tập, sút bóng khoảng 30-40 lần thẳng vào bụng ông để cái dạ dày làm quen với cường độ khắc nghiệt của bóng đá. Cảm giác như dạ dày ông ấy thủng lỗ chỗ ấy. Nhưng Yashin đi vào sử sách cũng vì những tiểu tiết như thế.
Tôi từng xem một bộ phim tư liệu, ở đó Paramonov (cựu tuyển thủ Liên Xô cùng thời với Yashin) nói nhiều điều tốt đẹp về chồng tôi. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận được chi tiết Paramonov nói Yashin thường pha soda vào rượu cognac. Ông ta bảo Yashin đến sân tập lúc nào cũng găm 1 chai cognac pha soda.

Yashin có rất nhiều bạn bè trong giới bóng đá là người nước ngoài và họ luôn sẵn sàng giúp đỡ ông và gia đình như Franz Beckenbauer (giữa)
- Ý bà là Paramonov tưởng tượng ra chuyện này ?
Ai hiểu hóa học sẽ biết soda không thể hòa tan trong cognac. Vả lại, chồng tôi là dân nhà nghề, tuyệt đối không động vào cognac. Ông ấy hiếm khi uống bia chứ đừng nói là vodka hay rượu mạnh, hãn hữu lắm mới động vào.
Đấy không phải chuyện bịa đặt đầu tiên về Yashin. Để tôi kể anh nghe, một lần tôi đi tàu nghỉ mát, ngồi cùng toa với hai người phụ nữ có quyền lực. Một làm ở văn phòng quốc hội đảng cộng sản, một làm ở bộ công thương. Tôi có nghe họ nói chuyện với nhau là từng gặp một nhóm ngôi sao bóng đá tại sảnh điện Kremlin, ai cũng say rượu. Trong đó, nổi bật nhất là Yashin, tay cầm chai vodka tay kia cầm chai sâm-panh, tu ừng ực từng chai một thoáng cái là hết.
Trời, nghe mà hết hồn. Họ không biết tôi là ai, và tôi im lặng ngồi nghe câu chuyện hoang tưởng ấy. Yashin là đàn ông, cũng có khi say nhưng không phải con sâu rượu. Nếu Yashin nát rượu thì làm sao duy trì sự nghiệp đỉnh cao suốt 20 năm? Mọi người cũng không biết, là Yashin nếu phải uống rượu thì cứ 1 ngụm rượu lại 1 ngụm nước, không thì sẽ ho khan rất dữ.
- Vào năm 1960, tạp chí France Football của Pháp đã đăng một bài phỏng vấn nói rằng, Yashin thích ăn tôm hùm sốt mayonnaise. Để tôi đoán, lại một thông tin... bịa đặt nữa đúng không ?
Không lâu trước khi bài báo kia ra đời, Yashin tới Thụy Điển giao hữu cùng đội tuyển Liên Xô. Một trong các cầu thủ tỏ ra không hài lòng vì chất lượng đồ ăn trong nhà hàng. Yashin phải đứng lên và dạy cho người này một bài học: ‘Ở nhà, món ăn xa xỉ nhất tôi và các anh hay ăn là cà rốt. Giờ sang đây lại mắc bệnh ngôi sao thích ra vẻ à?’. Yashin ăn tất cả những gì ăn được, đặc biệt là món cháo của châu Á.
- Nghe nói Yashin có rất nhiều bạn bè trong giới bóng đá là người nước ngoài, dù ông ấy không biết tiếng Anh. Thật kỳ lạ. Trong một văn bản, tôi khá sốc khi biết rằng trung vệ Karl-Heinz Schnellinger của Đức từng mua 15 chiếc cà vạt của Tây Âu rồi gửi Yashin tặng đồng đội tại Dinamo.
Quả thật là Yashin rất quảng giao. Lúc ông ấy còn sống, chúng tôi đi Barcelona và phải nối chuyến ở Frankfurt. Franz Beckenbauer đích thân ra sân bay, dẫn vợ chồng tới cửa làm thủ tục hải quan. Khi Yashin qua đời, Beckenbauer đã bay sang Moscow dự tang lễ.
Năm 1992, có một sự kiện thế này làm tôi nhớ mãi. UEFA gửi thư mời tôi tới Đan Mạch dự lễ ghi công Yashin – thủ môn vĩ đại nhất nửa sau thế kỷ 20. Văn phòng LĐBĐ Nga nhận giấy tờ nhưng không ai để tâm. Phòng quan hệ quốc tế làm thất lạc thư mời. Tôi phải gọi cho tổng thư ký liên đoàn lúc đó là Vladimir Radionov để nhờ.
Chưa hết, không hiểu sao mà liên đoàn lại đặt vé về ngay sau khi tôi tham gia Gala trao giải. Chả lẽ đến nhận cái Cúp rồi về luôn à? Đi thế tôi không được xem lễ khai mạc EURO 1992.
Buổi tối Gala, tôi có gặp nhà báo thể thao nổi tiếng Karl-Heinz Heimann, người nói tiếng Nga rất thuần thục. Ông ấy biết Yashin nhà tôi khá rõ nên tôi cũng tiện mở lời nói về tình hình vé máy bay. Beckenbauer đi qua, nghe được liền bảo: ‘Để tôi’. Vậy là vé về lùi sang 2 ngày, tôi được xem lễ khai mạc vô cùng ấn tượng.
Tôi luôn biết ơn Yashin và công việc của chồng mình, vì nó đã mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống của tôi.

Yashin hút thuốc rất nhiều nhưng đó không phải nguyên nhân gây ra cái chết của ông
- Yashin có một sự nghiệp lẫy lừng, nhưng báo cáo ghi lại thì vào năm 1962, suýt chút nữa ông ấy giải nghệ sau khi Liên Xô bị loại sớm tại World Cup.
Ở Nga lúc đó không có TV. Khán giả quê nhà chỉ cập nhật diễn biến qua kênh tuyên truyền duy nhất, là hãng thông tấn quốc gia APN vốn quen đưa tin chính trị hơn là bóng đá. Vì bài tường thuật sơ sài ấy, cả quốc gia hiểu nhầm Yashin là tội đồ.
- Những bức ảnh tư liệu cho thấy, Yashin hút thuốc rất nhiều. Có phải thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới cái chết của Yashin không?
Các bác sỹ nói rằng cơn đột quỵ của Yashin là do hút thuốc. Cái chân hoại tử phải cưa của ông ấy trước khi qua đời cũng là vì thuốc lá. Nhưng tôi không nghĩ vậy.
Tôi từng hỏi một vài chuyên gia, họ nói là nếu một người hút thuốc lâu năm đột ngột bỏ thuốc thì mới dễ tử vong. Chứ ông nhà tôi đã hút từ thời là cầu thủ, HLV cũng cho phép, hút bao năm đâu có sao. Tất nhiên, Yashin không hút thuốc trong phòng thay đồ trước mặt mọi người. Mỗi ngày, Yashin hút 1 bao thuốc.
Chỉ có Đảng cộng sản khuyên Yashin không nên hút thuốc trong một cuộc họp, nhưng nhà báo Leonid Soloviev đã đứng lên bảo vệ Yashin: ‘Cậu ấy là thủ môn, đâu phải di chuyển nhiều. Cứ để Yashin hút thuốc, miễn sao đôi tay vàng kia được trân trọng’.
- Đã bao giờ, Yashin cố gắng bỏ thuốc lá chưa?
Sau cơn đột quỵ, Yashin có bỏ thuốc khoảng 2 tháng. Rồi ông ấy thấy cơ thể lại ổn nên hút tiếp. Đúng 2 tháng trước khi qua đời, khi căn bệnh ung thư dạ dày di căn, người quá yếu nên Yashin mới bỏ thuốc. Yashin mà bỏ thuốc sớm thì khéo chưa chắc đã thọ như thế đâu.
Tôi có đi tìm hiểu mới biết, nguồn gốc căn bệnh của Yashin là vì kết cấu dị biệt quả tim. Bác sỹ phát hiện tim của Yashin to hơn người khác nhiều lần, phải chạy, vận động thường xuyên để máu lưu thông. Nhưng khi Yashin giải nghệ và chuyển lên khối văn phòng, ông ấy ít vận động, lập tức tăng 10kg. Cholesterol tích tụ, dẫn tới xơ vữa động mạch nên mới đột quỵ.

Lev Yashin - Người khai sinh ra thủ môn hiện đại

Thập niên 60 của thế kỷ trước, Liên Xô là một thế lực lớn của bóng đá thế giới. Và biểu tượng của thế lực đó là "nhện đen" Lev Yashin, thủ môn vĩ đại nhất hành tinh trong thế kỷ 20.

► Cập nhật lịch bóng đá Euro 2016 và kết quả VCK Euro 2016 mới nhất.
Năm 1990, Yashin trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 60 vì căn bệnh ung thư dạ dày. Người ta cho rằng đó là kết quả của chứng nghiện thuốc lá, nguyên nhân khiến ông phải cắt bớt một chân vào bốn năm trước đó. Nhưng ít ai biết rằng, thuốc lá và rượu chính là liều "doping" của riêng Yashin. "Bí quyết của tôi là hút thuốc để làm dịu tâm hồn và uống một hơi rượu mạnh để giải tỏa cho cơ bắp" - Yashin đã nói như thế về chứng nghiện thuốc nặng.
Lev Yashin còn có một thú vui khác để giải tỏa áp lực của bóng đá. Nhiều người khi nhắc đến Yashin có nhớ như in hình ảnh ông bới tung những mảng đất gần thùng rác để kiếm giun và sâu, thứ mồi câu mà ông ưa thích. Khi không thi đấu, điều khiến Yashin thích thú nhất là câu cá. Nó giúp ông giải tỏa những áp lực trong thi đấu. Yashin thích tự chế biến những món từ cá chính ông câu được cho vợ và con gái. Ít ai biết thủ thành xuất sắc nhất thế kỷ 20 do FIFA bình chọn lại bình dị như thế.
Lev Yashin - Nguoi khai sinh ra thu mon hien dai hinh anh
Lev Yashin là người khai sinh ra mẫu thủ môn hiện đại.

Không ai biết vì sao Lev Yashin lại bắt đầu sự nghiệp bóng đá không thành công, khi ông không gây được ấn tượng với HLV của Dynamo Moscow vào năm 18 tuổi. Nhưng có một thực tế rằng Lev Yashin đã phải chuyển sang khúc côn cầu trên băng và cũng thi đấu ở vị trí thủ môn. Lev Yashin sau đó trở thành một trong những thủ môn hay nhất tại giải khúc côn cầu trên băng của Liên Xô. Năm 1953, Lev Yashin cùng Dynamo Moscow vô địch Liên Xô, và ông còn có cơ hội tham gia World Cup cùng đội tuyển Liên Xô tại Thụy Điển. Nhưng đúng vào thời điểm đó, Yashin quyết định từ bỏ khúc côn cầu trên băng để theo tiếng gọi của bóng đá. Nhờ thế, trang sử về một huyền thoại được viết nên.
"Lev Yashin là mẫu thủ môn đi trước thời đại từ 10 đến 15 năm" - Thủ thành huyền thoại người Anh Gordon Banks phải thốt lên như thế. Quả thật, Yashin đã làm thay đổi hẳn tư duy về cách chơi bóng của một thủ môn. Nhiều chuyên gia nhận định Yashin là người phát minh ra cách thi đấu của thủ môn hiện đại.
Trong khi đại đa số thủ môn thời đó thường phát bóng lên một cách vu vơ thì Yashin lại tư duy hoàn toàn khác. Ông cho rằng thủ môn cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong tấn công. Vì vậy, ông ném bóng cho đồng đội của mình hoặc đá bóng lên để các đồng đội có thể chuyển sang phản công nhanh. Không chỉ có thể, Yashin cũng làm thay đổi tư duy thủ môn phải đứng trong vòng cấm. Không ít lần, Yashin lao ra ngoài vòng cấm để cản phá khi đối phương thoát bóng xuống. Người hậu bối mà người ta cho rằng có nhiều điểm giống Yashin trong bóng đá hiện nay là Manuel Neuer của Đức.
Năm 1963, Lev Yashin giành chiến thắng trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng châu Âu. Giành rất nhiều danh hiệu cá nhân, trong đó có cả Huân chương Lê-nin, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Liên Xô cũ, nhưng Yashin vẫn đau đáu sự nuối tiếc lớn trong sự nghiệp. Trải qua 3 kỳ World Cup trong màu áo đội tuyển Liên Xô nhưng Yashin chưa một lần được nếm trải cảm giác của nhà vô địch.
Thậm chí tại World Cup 1962, Lev Yashin còn hứng chịu làn sóng chỉ trích từ giới truyền thông và người hâm mộ Liên Xô khi ông thi đấu không tốt. Điều đó khiến Lev Yashin chịu áp lực nặng nề. Vì vậy ngay cả khi giành được danh hiệu Quả bóng vàng cao quý vào một năm sau đó, Yashin vẫn khiêm tốn trả lời: "Tôi không phải là thủ thành xuất sắc nhất thế giới, Vladimir Beara mới xứng đáng".
Lev Yashin hinh anh 2
Lev Yashin được FIFA bình chọn là thủ thành hay nhất thế kỷ 20

Nhưng dù sao, Yashin vẫn được an ủi bởi ông là nhân tố chính giúp đội tuyển Liên Xô vô địch Euro 1960, kỳ Euro đầu tiên trong lịch sử. Dù rằng nhiều người cho rằng Liên Xô đã may mắn khi không phải đối đầu với ĐT Tây Ban Nha, khi nhà độc tài Franco yêu cầu đội tuyển nước này bỏ giải, nhưng không thể phủ nhận Yashin cùng các đồng đội đã có một giải đấu xuất sắc.
Hè này, ĐT Nga sẽ tham dự Euro 2016 với những ký ức vẹn nguyên về lần đầu tiên và cũng là duy nhất, những người con của xứ sở Bạch Dương đứng trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu. Tất nhiên, những ký ức đó không thể thiếu Yashin, ngôi sao không chỉ của dân tộc, châu lục mà của cả thế giới.
Năm 1971, 100.000 người đã đến sân Lenin tại Moscow để nói lời chia tay đối với Lev Yashin. Một loạt những huyền thoại đại diện cho bóng đá tấn công như Pele, Eusebio, Bobby Charlton, Gerd Muller và Franz Beckenbauer đứng ở bên kia chiến tuyến như để vinh danh cho tài năng của Lev Yashin, thủ thành hay nhất thế kỉ 20 và cũng là thủ thành duy nhất giành Quả bóng vàng trong lịch sử.

Thủ môn Lev Yashin – chân dung ‘Nhện đen’ huyền thoại



Lev Yashin được biết đến với biệt danh “Nhện đen” vì luôn mặc màu đen và cũng bởi khả năng cứu bóng của ông làm người ta liên tưởng đến chú nhện có đến 8 chân.
Thực tế thì chẳng phải đợi đến vòng chung kết EURO đầu tiên vào năm 1960, các tín đồ của môn túc cầu giáo đã biết đến và ngưỡng mộ tên tuổi của thủ môn mang biệt danh “Con nhện đen” với những pha “bay như chim” trong khung thành cùng biệt tài cản phá penalty. Trước đó 4 năm, Lev Yashin từng giúp Liên Xô giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại Olympic Melbourne.
Tuy nhiên, EURO 1960 vẫn là cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp vĩ đại của Lev Yashin. Đúng là Liên Xô đã có phần may mắn khi được vào thẳng vòng chung kết sau khi Tây Đức, Italia và Anh từ chối tham dự còn Tây Ban Nha bị chế độ độc tài Franco cấm đến Liên Xô thi đấu. Nhưng không vì thế mà phủ nhận những màn trình diễn chói sáng của Lev Yashin tại vòng chung kết đầu tiên của giải vô địch các quốc gia châu Âu.
Ở trận bán kết gặp đối thủ sừng sỏ thời bấy giờ là Tiệp Khắc, Lev Yashin không chỉ vững vàng, chắc chắn trong khung thành mà còn chỉ huy các đồng đội phía trên thi đấu gắn kết và hiệu quả. Nhờ đó, Liên Xô đã giành chiến thắng thuyết phục 3-0 để tiến vào chung kết gặp Nam Tư.
Ở trận đấu cuối cùng, Liên Xô đã gặp rất nhiều khó khăn trước đối thủ từng hạ Pháp ở bán kết. Tuy nhiên, Lev Yashin vẫn là chỗ dựa tinh thần cho toàn đội bằng một loạt những pha cản phá xuất sắc trước khi Ponedelnik ghi bàn thắng quý như vàng trong hiệp phụ, ấn định chiến thắng 2-1 để đưa Liên Xô lên ngôi vô địch.
Danh hiệu “Thủ môn xuất sắc nhất Liên Xô” năm 1960 là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho Lev Yashin vì những đóng góp quan trọng của ông vào chức vô địch lịch sử.
Với tư cách là thành viên của đội tuyển Liên Xô, Yashin đã tham dự 3 kỳ World Cup (1958, 1962 và 1966). Với tinh thần luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng đội, ông thậm chí còn tham dự World Cup 1970 với tư cách thủ môn dự bị kiêm trợ lý.
Tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại Thụy Điển năm 1958, ở cuộc đối đầu Brazil, Lev Yashin vẫn khiến cho những chân sút khét tiếng bên kia chiến tuyến, trong đó có cả Pele phải nể phục, dù Liên Xô là kẻ thất bại.
World Cup 1962 là một kỷ niệm buồn đối với cá nhân Lev Yashin, khi ông mắc nhiều sai lầm ở trận gặp Colombia ở tứ kết. Điều này đã khiến báo giới cho rằng, “Nhện đen” đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Song chỉ một năm sau, Lev Yashin đã dập tắt mọi lời xì xào, khi giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu” (Quả bóng Vàng châu Âu). Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại một thủ môn có vinh dự nhận giải thưởng danh giá này.
Chưa dừng lại ở đó, Lev Yashin còn giúp đội tuyển Liên Xô về đích ở vị trí thứ 4 tại World Cup 1966 tại Anh. Với những cống hiến lớn lao cho nền bóng đá Liên Xô, Lev Yashin đã vinh dự được trao huân chương Lenin vào năm 1967.
Năm 1971, ông đá trận đấu cuối cùng cho Dynamo Moskva trước đội các ngôi sao châu Âu. Trận đấu chia tay “Nhện đen” trên sân vận động Lenin đã có hơn 100.000 cổ động viên tới dự khán. Đặc biệt, trận đấu ấy còn có sự hiện diện của những huyền thoại như Pele, Eusebio và Beckenbauer.
Trong sự nghiệp mình ông đã ngăn chặn khoảng 150 quả phạt đền, nhiều hơn so với bất cứ thủ môn nào trong lịch sử.
Một trong những màn trình diễn xuất sắc nhất của Yashin là trong trận đấu kỉ niệm 100 năm thành lập liên đoàn bóng đá Anh FA, giữa đội các ngôi sao thế giới với đội tuyển Anh tại sân Wembley, Yashin đã có những pha cứu bóng ngoạn mục và không tưởng.
Thật tiếc nuối khi Lev Yashin qua đời vào năm 1990 ở tuổi 60 vì bị ảnh hưởng bởi chấn thương gối kéo dài từ 4 năm trước đó.
Nhưng chắc chắn, tên tuổi của ông sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ, từ quá khứ, hiện tại cho đến mai sau.
Vài nét về “Nhện đen” Tên đầy đủ: Lev Ivanovich Yashin
Ngày sinh: 22/10/1929 tại Moskva, Liên Xô
Ngày mất: 20/3/1990 tại Moskva, Liên Xô
Chiều cao: 1m89
Câu lạc bộ: Dynamo Moskva (1949-1971)
Đội tuyển Liên Xô: chơi 78 trận (1954-1967)
Thành tích:
– 5 lần vô địch Liên Xô (1954, 1955, 1957, 1959, 1963)
– 3 Cúp quốc gia Liên Xô (1953, 1967, 1970)
– Vô địch Olympic (1956), vô địch châu Âu (1960), hạng 4 World Cup 1966
– Quả bóng Vàng châu Âu năm 1963
– Thủ môn xuất sắc nhất Liên Xô các năm 1960, 1963, 1966
– Thủ môn xuất sắc nhất thế kỷ 20 của FIFA
– Thủ môn xuất sắc nhất thế giới thế kỷ 20 của Liên đoàn Thống kê và Lịch sử bóng đá Thế giới (IFFHS)
– Thủ môn trong đội hình tiêu biểu thế kỷ 20 của FIFA.
– Danh hiệu khác: Huân chương Lenin (1967); Huân chương Olympic (1986); Huân chương công trạng vàng của FIFA (1988); Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa (1989)
.
S.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét