Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

VÕ THUẬT TINH HOA 67/c

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
CON ĐƯỜNG VÕ HỌC | CDVH #2 FULL - Tầm sư học đạo | Tùng Yuki lĩnh ngộ tuyệt chiêu Tấn Gia Quyền 

Giới thiệu về Võ cổ truyền Việt Nam

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất của con người, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người mà thông qua việc tập luyện Võ cổ truyền Việt Nam còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và tính nhân văn của con người Việt Nam.

Văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó có Võ học và Võ đạo, sản sinh trên nền tảng giá trị lịch sử, phong tục tập quán, địa lý và tâm thức dân tộc. Võ học và Võ đạo Việt Nam hình thành lên triết lý sống “Nhân Văn và Thượng Võ”, là kim chỉ nam để dân tộc ta trường tồn và phát triển.

Võ cổ truyền Việt Nam hình thành và phát triển gắn liền với truyền thống lao động cần cù, tính hiếu học và tinh thần thượng võ của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của Lịch sử, Võ cổ truyền Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, được truyền bá và lưu giữ từ đời này qua đời khác trong mỗi gia đình, dòng tộc cũng như các võ đường, lò võ trên các vùng miền của đất nước. Cũng qua những thăng trầm của sự phát triển đó, Võ cổ truyền Việt Nam đã thấm sâu vào máu thịt, vào tư tưởng, vào hành động của mọi người, trở thành một mảng văn hóa tinh thần đầy tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhân dân ta đã dùng võ để rèn luyện thân thể, nâng cao khả năng tự vệ, tôi luyện ý chí sắt đá và ứng dụng trong các trò chơi, lễ hội để tăng cường sự giao lưu trong cộng đồng.

Với chủ trương “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế”. Ngành Thể dục thể thao đã quan tâm sưu tầm, nghiên cứu phát triển các trò chơi vận động dân gian, các hoạt động thể thao dân tộc để trở thành các môn thể thao dân tộc trong đó hoạt động Võ cổ truyền Việt Nam được quan tâm ưu tiên phát triển hàng đầu.

Cùng với tiến trình giao lưu, trao đổi, mở rộng các mỗi quan hệ hợp tác, phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật... với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Võ cổ truyền Việt Nam cũng đã sớm hiện diện ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, theo nhiều con đường, thời điểm và lý do khác nhau. Ngoài ra Võ cổ truyền Việt Nam còn “xuất ngoại” thông qua con đường ngoại giao, giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa, thương phẩm, thăm viếng, du lịch giữa các nhà ngoại giao, nhà truyền giáo, thương nhân, du khách...của các nước với nước ta và nước ta với các nước từ nhiều thế kỷ trước, nhưng sâu rộng và nhanh mạnh hơn cả là kể từ khi người Việt sang học tập, công tác, định cư lâu dài ở nhiều châu lục, trong đó có khá đông các nhà nghiên cứu võ học, hoạt động võ thuật, các võ sư, huấn luyện viên và võ sĩ nổi tiếng qua các thế hệ.

Đặc biệt, kể từ khi nước ta mở rộng hội nhập, quan hệ hợp tác và phát triển toàn diện với tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài yêu chuộng Võ cổ truyền Việt Nam có cơ hội đến nước ta nghiên cứu, thi đấu, biểu diễn, giao lưu và học tập võ cổ truyền, để rồi sau đó trở về nước mình hoặc đến một số quốc gia khác truyền bá, giảng dạy, phát triển theo tôn chỉ, mục đích riêng của từng môn phái và theo xu hướng “trăm hoa đua nở”.

Nhà nước ta cũng đã thường xuyên cử các đoàn Võ cổ truyền Việt Nam sang các nước để thắt chặt quan hệ, giao lưu, trao đổi, hợp tác trên lĩnh vực võ thuật và khuyến khích các võ sư, huấn luyện viên cao cấp, võ sĩ trong nước đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để giảng dạy, thi đấu, biểu diễn và truyền bá Võ cổ truyền Việt Nam, góp phần cùng với các thế hệ võ sư, huấn luyện viên, võ sĩ người Việt ở hải ngoài và người nước ngoài đã và đang học tập Võ cổ truyền Việt Nam đồng tâm, hiệp lực, ra sức vun đắp, nâng cao uy thế, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới phong phú, đa dạng của Võ cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì thế Võ cổ truyền Việt Nam không chỉ là một môn thể thao đơn thuần mà đã trở thành một bộ phận của nền văn hóa thể chất và là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý báu của Việt Nam.

Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam là lĩnh vực rộng, có tính xã hội cao, có vị trí quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển Thể dục thể thao ở nước ta. Việc Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam là cần thiết và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước, quốc tế. Ngày 3 tháng 01 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”.

Võ cổ truyền Việt Nam là tổng hợp các môn phái võ của dân tộc Việt Nam đã được phát triển rộng rãi ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên Thế giới. Trên trường quốc tế, theo thống kê ban đầu, hiện nay trên toàn thế giới ước tính có khoảng 400 trung tâm đào tạo, huấn luyện, môn phái, võ phái, võ đường, câu lạc bộ với khoảng 900 nhà hoạt động võ thuật, võ sư chưởng môn, võ sư, huấn luyện viên và khoảng hơn 1 triệu lượt môn sinh qua các thế hệ, đã và đang theo học võ cổ truyền Việt Nam. Đến nay Võ cổ truyền Việt Nam đang được giảng dạy và tập luyện ở trên 45 nước như: Austraria (Úc), Austria (Áo), Angeria (An-giê-ri), Cambodia (Campuchia), Canada (Ca-na-đa), Szech (Cộng hòa Séc), Congo (Cộng hòa Công Gô), England (Anh), France (Pháp), Germany (Đức), Holland (Hà Lan), Italy (Ý), Japan (Nhật Bản), Laos (Lào), Luxembourg (Lúc-xăm-bua), Morocco (Ma Rốc), Philippine (Phi-lip-pin), Poland (Ba Lan), Portugal (Bồ Đào Nha), Russia (Nga), Spain (Tây Ban Nha), Switzerland (Thụy Sỹ), Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ), USA (Mỹ), Israel (Ít-sa-ren),…

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4299/VPCP-KGVX ngày 10 tháng 6 năm 2015 cho phép tổ chức Đại hội thành lập Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam được thành lập ngày 08 tháng 8 năm 2015 tại Hà Nội. Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thế giới trở thành một tổ chức chính quy, hợp pháp, là một ngôi nhà chung cho cộng đồng quốc tế yêu thích môn võ thuật truyền thống này nhằm tiếp tục quảng bá sâu rộng hơn nữa những giá trị văn hoá cao đẹp của Việt Nam đến mọi châu lục.  

Truyền thống thượng võ

0
Truyền thống thượng võ
Từ thuở dựng nước, dân tộc Việt quần cư trên vùng đất không rộng, thường xuyên gánh chịu nhiều thiên tai, lại ở bên cạnh nước láng giềng lớn hơn gấp nhiều lần, luôn tìm cách gây hấn, chèn ép, đe dọa và xâm lấn.
Từ thuở dựng nước, dân tộc Việt quần cư trên vùng đất không rộng, thường xuyên gánh chịu nhiều thiên tai, lại ở bên cạnh nước láng giềng lớn hơn gấp nhiều lần, luôn tìm cách gây hấn, chèn ép, đe dọa và xâm lấn. Đứng trước sự tồn vong của mình, người Việt buộc phải chung lưng đấu cật, sẵn sàng đương đầu chống giặc ngoại xâm. Trong tư thế và tâm thế như vậy, dân tộc Việt đã sáng tạo một hệ thống chiến đấu đặc dị: lấy đoản binh thắng trường trận, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
>> Độc đáo võ cổ truyền Việt Nam
Nói đến truyền thống và tinh thần thượng võ, có không ít sự ngộ nhận. Chúng tôi nhớ có lần dự buổi tổng kết của một võ phái cổ truyền, có cả ngàn người tham dự, một vị giáo sư có tên tuổi lên phát biểu: Ông cha ta vốn trọng văn khinh võ, người Việt vốn không chuộng võ nghệ. Rồi ông dẫn chứng bằng câu: Quan văn cửu phẩm đã sang/Quan võ tứ phẩm còn mang gươm hầu. Lời phát biểu ấy đã gây nên một làn sóng giận dữ. Lý giải sự nhầm lẫn này, võ sư Lê Kim Hòa có ý kiến thật sâu sắc: Xưa nay việc trị nước thuộc văn ban, giữ nước thuộc võ ban. Nếu nước không còn thì lấy gì cai trị? “Mang gươm hầu” ở đây chính là bảo vệ sự an nguy của triều đình, cũng là giữ yên xã tắc.
Truyền thống thượng võ - ảnh 1
  Song đấu U Linh thương và Song Phượng kiếm - Ảnh: Đình  Phú
Tinh thần thượng võ được hiểu là chuộng nghiệp võ, nghề võ. Mở rộng ra trong ứng xử là thái độ và khí phách hào hiệp. Trong quá khứ, cha ông ta khi đánh thắng kẻ thù, không bao giờ bắt giết tù binh. Sử sách còn ghi chép bao lần tù binh giặc được “trải thảm” thả về để giữ sự hòa hiếu với lân bang. Điều ấy chỉ đúng một nửa, nửa còn lại chính vì dân tộc Việt có đức hiếu sinh, có văn hóa thượng võ không đánh người ngã ngựa. Như thời Lý Thái Tông khi bình Chiêm bắt về hơn 5.000 tù binh, đã ban cho ruộng đất lập thành phường ấp làm ăn. Tinh thần thượng võ ấy đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Trọng việc võ, khuyến khích luyện võ chính là hun đúc dân khí, giữ gìn khí mạch dân tộc. Sách Võ cổ truyền Việt Nam viết: “Người xưa dạy rằng: Tập võ chi Đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn”. Võ thuật không chỉ là loại hình văn hóa vận động mà còn là một hiện tượng văn hóa thần kỳ với những công phu đặc dị, công năng khí công tuyệt kỹ, một hệ thống triết học uyên thâm gắn liền với thuyết âm dương, ngũ hành và dịch lý.
Để hiểu rõ hơn ông cha ta từng chuộng võ, trọng võ như thế nào ta có thể đọc qua trích đoạn: “Kể từ đời tiền Lê (năm 986) nhà nước phong kiến đã chọn lựa những trai tráng khỏe mạnh, biết võ nghệ để bổ sung vào quân ngũ. Năm 1253 triều Trần cho lập Giảng võ đường, một trường rèn luyện võ cho hoàng thân quốc thích là các võ tướng. Nhờ dạy và học võ, thời Trần đã xuất hiện nhiều danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão… Chiến công của họ đã làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt trước quân Nguyên - Mông hung hãn một thời. Dưới thời vua Lê Dụ Tông (năm 1721), trường đào tạo võ đầu tiên cho quảng đại quần chúng gọi là Võ học sở được mở tại kinh thành Thăng Long. Tới thời vua Lê Đại Tông, chúa Trịnh Cương định ra các kỳ thi võ nhằm tuyển chọn nhân tài. Các tạo sĩ (tiến sĩ võ) luôn được trọng dụng. Thời hậu Lê, Võ Miếu cũng đã được xây dựng (năm 1740) để thờ những binh gia nổi tiếng. Đến triều Nguyễn, năm 1835 vua Minh Mạng chuẩn tấu theo kiến nghị của Bộ Lễ cho xây Võ Miếu thờ các danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật… Các tạo sĩ đậu trong các kỳ thi võ cũng được khắc tên lên bia tiến sĩ nhằm tôn vinh”. (Nguồn: Võ cổ truyền Việt Nam).
Nếu nói võ học qua các đời được chú trọng như vậy tại sao bị mai một thất truyền? Lúc còn sống, PGS-TS Mai Văn Muôn có bài phân tích rất hay. Theo ông, kể từ khi xuất hiện hỏa khí (súng ống) của người phương Tây, bạch khí (gươm đao) đã bị đánh bại. Lại thêm dưới thời thuộc Pháp, nhà cầm quyền đã cấm võ, cấm truyền bá võ một cách ngặt nghèo. Việc sử dụng chữ Hán bị bãi bỏ, chuyển sang dùng chữ quốc ngữ cũng làm bao nhiêu kinh sách võ học bị thất tán. Nhưng võ dân tộc không mất hẳn, vẫn âm thầm chảy trong mạch sống của nhiều dòng tộc và được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Sự phục hưng của võ cổ truyền mấy mươi năm qua chính là nhờ tinh thần thượng võ của biết bao người âm thầm cống hiến công sức, không màng lợi danh. Có thể kể như võ sư Lê Kim Hòa, một trong những “kiến trúc sư” chính hoạt động không mệt mỏi gầy dựng phong trào, xây dựng chương trình huấn luyện thống nhất. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Trương Quang Trung luôn “đứng mũi chịu sào” ở những thời điểm khó khăn nhất. Võ sư Trương Văn Bảo dù ở chốn “thâm sơn cùng cốc” vẫn tả xung hữu đột, có mặt kịp thời ở những nơi cam go nhất…
Khôi phục lại hoạt động của võ cổ truyền không chỉ là bảo lưu truyền thống, hoặc đưa ra các sân chơi thể thao quốc tế, dù đó cũng là mục tiêu. Cái chính là làm sống lại tinh thần thượng võ trong mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói không ngoa rằng chính với tinh thần võ sĩ đạo, người Nhật đã ngoan cường đứng lên trong hoang tàn sau chiến tranh. Người Hàn Quốc, Trung Quốc luôn coi võ thuật dân tộc của họ là quốc bảo. “Một ngày nào đó võ cổ truyền có mặt ở học đường, phủ kín các sân trường đại học sẽ là ngày hạnh phúc nhất của những người theo đuổi nghiệp võ như chúng tôi”, đó là những lời nói chân tình, tâm huyết của làng võ cổ truyền mà võ sư Lê Kim Hòa đã thay mặt bộc bạch trong một ngày đầu năm mới.
Cao Thụ

Võ thuật truyền thống có nội hàm thâm sâu, không phải để đấu đá hay so tài cao thấp

Hạo Hòa tiên sinh chia sẻ: “Võ thuật truyền thống có nội hàm thâm sâu, là nét đẹp văn hóa chứ không chỉ là đánh một bộ quyền cước để đấu đá hay để so tài cao thấp”.
Nền võ thuật truyền thống bác đại tinh thâm, như dòng chảy xuyên suốt lịch sử 5.000 văn hoá Á Đông, cho đến nay đã lưu giữ lại biết bao truyền thuyết sâu sắc.
Một võ thuật gia lão niên có biệt danh Hạo Hoà là người hồng dương và kế thừa nền võ thuật cổ truyền của các dân tộc Á Đông. Ông đã từng hai lần tham gia Cuộc thi Quốc tế về Võ thuật của người Hoa và rất nhiều lễ hội võ thuật quốc tế khác nhau. Chia sẻ với Thời báo Đại Kỷ Nguyên, ông đã kể về những lý niệm và sự hồng dương khắp thế giới của võ thuật truyền thống.
Từ nhỏ, Hạo Hoà đã luyện võ cùng cha, lớn lên ông lại được nhiều vị đại sư truyền thụ. Ông từng tới rất nhiều quốc gia, dạy rất nhiều môn võ khác nhau. Hiện nay ngoài trọng tâm bồi dưỡng nhân tài, ông còn chú trọng hơn tới việc truyền thụ “võ đức” và “nội hàm” trong võ thuật truyền thống. Ông hy vọng có thể giúp mọi người lĩnh ngộ được giá trị đích thực của võ thuật cổ truyền, giữ gìn các môn võ chính tông, khiến chúng không bị thất truyền.
Võ thuật gia lão niên có biệt danh Hạo Hoà là người hồng dương và kế thừa nền võ thuật cổ truyền của các dân tộc Á Đông. (Ảnh chụp võ sư Hạo Hòa khi còn trẻ, dẫn theo NTDTV)
Cổ nhân học võ là để bảo vệ mình và bảo vệ quốc gia
Nói tới võ thuật truyền thống, ông Hạo Hòa cho biết: “Cổ nhân học võ là để rèn luyện sức khỏe, phòng thân, tu tâm dưỡng tính và bảo vệ nước nhà”. Ông rất tỏ tường về đặc điểm của từng môn phái võ thuật và lịch sử phát triển của võ thuật Trung Hoa.
Ông nói rằng quê hương của võ thuật Trung Hoa là ở Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Ông nói: “Thương Châu cũng là nơi nổi tiếng nhất về luyện võ thuật Trung Quốc. Lâm Xung trong “Thủy Hử” là giáo đầu thống lãnh 80 vạn quân tại Biện Kinh vào thời Tống Huy Tông, đã bị hãm hại phải lưu đày tới Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Điều đó cũng khiến mảnh đất này càng thêm có tiếng tăm. Rất nhiều người cũng tới đây học võ, thậm chí còn có tiến sỹ võ thuật, cử nhân võ thuật và cao thủ thâm cung”.
Ông đã từng luyện “Thái Cực Quyền họ Hác” hơn 10 năm. Ông nói rằng cổ nhân học võ chủ yếu là để tu luyện tâm tính và nâng cao đạo đức.
Ông tiếp lời: “Ngày xưa những người luyện võ nhất định phải coi trọng tu tâm dưỡng tính, phải có khả năng chịu khổ, coi trọng đạo đức võ thuật (võ đức), chứ không phải dùng để kiếm tiền. Nhưng những cậu ấm cô chiêu là con một hiện nay lại rất ít người sẵn sàng chịu khổ. Điều này không thể tách rời khỏi việc giáo dục của cha mẹ chúng”.
Sự khác biệt giữa võ thuật hiện đại và võ thuật truyền thống
Vậy, võ thuật hiện đại và võ thuật truyền thống có gì khác biệt?
Ông Hạo Hòa nói:
“Võ thuật hiện nay đa phần chỉ là một bộ võ cạnh tranh. Họ tổ hợp những động tác này lại rồi cải biên, làm như vậy cho dễ chấm điểm, động tác cũng phải được tiêu chuẩn hóa. Đồng thời họ thêm vào một vài động tác lộn nhào trên không, lật người, lộn ngược, xoay người 360 độ, 720 độ, thêm vào một vài trình độ thưởng thức, miễn sao trông đẹp mắt là được rồi. Họ cộng điểm cho những động tác khó, làm được những động tác có độ khó cao thì được điểm cao, không làm được thì không được điểm.
Võ thuật truyền thống của chúng tôi được kế thừa qua biết bao nhiêu năm, thậm chí hàng mấy trăm năm. Sư phụ dạy thế nào thì chúng tôi học thế nấy. Bản thân tôi cũng không thể thay đổi nó, không được phép thay đổi, vì hễ thay đổi thì không còn là bộ võ đó nữa. Động tác của chúng tôi cũng không đẹp mắt, nhưng lại rất thực dụng. Trong nước có một vài người cảm thấy mười mấy động tác trông thật phiền phức, không ai có đủ nhẫn nại để học nên đã đơn giản hóa nó. Còn những điều chúng tôi dạy là truyền thống, có mang theo nội hàm văn hóa trong đó”.
Ông nói rằng: “Các ngành các nghề đều nói về chính tông, nhưng lại tự ý thay đổi loạn lung tung cả lên, biến chúng chẳng còn ra thứ gì. Làm như vậy cũng là có lỗi với sư phụ của mình, như vậy là không có võ đức. Những chiêu thức này đều đã bị thay đổi, nhưng bạn lại không có năng lực để thay đổi nội hàm của nó. Thế mới nói rằng thay đổi cũng chính là đánh mất đi sự chân thực vốn có của võ thuật. Là ủy viên thể dục thể thao, họ có thể chỉnh sửa, họ có quyền này. Họ có thể tìm một vài danh gia có tiếng tăm cùng nghiên cứu và biên soạn ra một bộ động tác mới.
Mục đích thay đổi là gì? Họ hy vọng khiến động tác trở nên đơn giản và dễ luyện, nên chỉ phát triển theo phương diện này. Họ chỉ cần dễ chấm điểm, nhiều người có thể tham gia thi đấu, họ nhất trí với nhau như vậy. Họ không giảng về những thứ mang nội hàm, văn hóa nội hàm và nội công, nội khí. Họ đã coi nhẹ những điều thâm sâu về phương diện này, chỉ cần biểu diễn trông đẹp mắt, dễ thưởng thức, dễ chấm điểm trong cuộc thi là được. Võ thuật hiện đại lại được thêm vào rất nhiều động tác, ví như nhào lộn, lộn vòng trên không, nhìn thì có vẻ vui mắt, nhưng nội hàm văn hóa thì không còn nữa”.
Võ thuật truyền thống coi trọng “võ đức”, coi trọng “nội hàm”. (Ảnh dẫn theo epochtimes.com)
Võ thuật truyền thống coi trọng “võ đức”, coi trọng “nội hàm”
Hạo Hòa đã từng hai lần tham dự “Cuộc thi Quốc tế về Võ thuật của người Hoa” trên Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Ông kể về lý do tham dự cuộc thi, rằng:
“Bởi vì đây là cuộc thi võ thuật truyền thống, nên chúng tôi có nghĩa vụ phải tham dự để quảng bá võ thuật và tinh thần văn hóa truyền thống Trung Hoa, trong đó gồm cả đạo đức của giới võ thuật. Toàn thế giới đều cần phải hồng dương võ thuật, hồng dương văn hóa truyền thống. Bởi điều này giúp mọi người trên thế giới không quên những giá trị trân quý trong truyền thống của các dân tộc Á Đông, nền văn hóa võ thuật truyền thống đã có từ 5000 năm trước. Đây không phải là thứ có thể dễ dàng đạt được chỉ trong một sớm một chiều, mà là truyền thống văn hóa mấy nghìn năm, phải dày công vun đắp và truyền thừa để nó có thể tiếp tục tồn tại. Đây chính là đạo lý của võ thuật”.
Hạo Hòa cho rằng điều quan trọng nhất của võ thuật truyền thống là phải có “võ đức”. Ông nói: “Võ thuật truyền thống coi trọng võ đức, chính là dạy con người hành thiện. Người luyện võ không được bắt nạt người khác, chỉ dùng để rèn luyện sức khỏe và phòng thân. Khi quốc gia bị xâm chiếm, thì những người luyện võ có thể bước ra đầu quân để bảo vệ đất nước”. Cho nên đối với các dân tộc Á Đông thì luyện võ là để bảo vệ sự bình yên cho dân tộc, cho quốc gia mình.
Ông nhắc nhở rằng võ thuật truyền thống có nội hàm văn hóa, nên không thể bỏ mất hai chữ “truyền thống”. Nếu chỉ dùng để thi thố tài năng, chỉ cần động tác đẹp mắt thì loại võ thuật đó sẽ vĩnh viễn đánh mất tinh thần chân chính của mình.
Việc kế thừa và hồng dương truyền thống văn hoá Á Đông
Về việc kế thừa và hồng dương truyền thống văn hóa Á Đông, ông cho rằng những chuyên gia võ thuật có một trách nhiệm không thể chối từ. Ông nói:
“Võ thuật truyền thống có nội hàm thâm sâu, là nét đẹp văn hóa chứ không chỉ là đánh một bộ quyền cước để đấu đá hay để so tài cao thấp. Ngày xưa con người nghèo khó nên mới phải đi mãi võ mua vui cho thiên hạ để kiếm kế sinh nhai. Lúc đó không gọi là đoàn xiếc, mà gọi là gánh xiếc mua vui. Ngày xưa biểu diễn võ thuật phải căng bạt, đây cũng là văn hóa của Trung Quốc. Trước kia ở Bắc Kinh có một chiếc cầu vượt, có rất nhiều người mãi võ, biểu diễn ở đó. Hiện giờ đã không còn nữa, không còn ai diễn, cũng chẳng còn ai luyện nữa”.
Kể về môn đấu vật của Trung Quốc, ông nói:
“Như kiểu đấu vật của Trung Quốc, thì từ những năm 60 đã bị xóa bỏ. Đây là một nét văn hóa truyền thống. Thời nhà Tống, nhà Thanh trước kia cũng có đấu vật. Những dân tộc thiểu số cũng thích đấu vật, người Hán cũng thích đấu vật. Vì sao Trung Quốc lại phế bỏ nó đây? Lúc đó nói là đấu vật kiểu Trung Quốc không thể vào được Á vận hội, nên có luyện cũng chẳng ích gì. Vậy là người ta đề xướng kiểu vật quốc tế, như thế mới được tham dự Á vận hội”.
Hạo Hòa cho rằng đấu vật Trung Quốc đại diện cho một nền văn hóa, là văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông nói rằng: “Hiện nay nước Pháp người ta mỗi năm tổ chức đấu vật Trung Quốc một lần. Thế là người Trung Quốc phải chạy sang tận Pháp để thi đấu. Thứ của dân tộc mình lại để người nước ngoài tổ chức thì chắc chắn sẽ có những vấn đề không toàn diện. Văn hóa của Á Đông không thể bị phế bỏ, mà cần phải bảo tồn. Hiện nay trong dân gian cũng bắt đầu tự tổ chức các cuộc thi đấu, nhưng lại không biết tổ chức một cách hoàn hảo”.
Ngày nay, thi thoảng trên truyền hình, đài báo hay mạng Internet, chúng ta lại nghe thấy những võ sỹ hiện đại gửi lời thách đấu tới chưởng môn các môn phái võ thuật truyền thống. Điều họ mong muốn phải chăng là để chứng minh rằng võ thuật hiện đại có thể hạ thủ được võ thuật truyền thống, rằng võ thuật truyền thống chỉ là những bông hoa đẹp để ngắm, tiếng tăm được lưu truyền chỉ là thứ huyễn hoặc, lừa người? Những thứ chúng ta nhìn không thấy thì không tin? Hay chỉ để gây dựng danh tiếng cho bản thân và môn phái của mình, để hưởng thụ một chút hư vinh trong kiếp người ngắn ngủi?
Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, đã biết bao người diễn đi diễn lại cho chúng ta vở kịch về cuộc đời. Dù thắng hay thua, làm vua hay làm giặc, dù thành hay bại thì tới khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta cũng không thể mang theo tiếng tăm và cúp vàng ấy xuống cõi hoàng tuyền.
Nhìn lại những vĩ nhân trong lịch sử, điều khiến hàng triệu trái tim rung động sâu sắc chính là sự tu dưỡng đạo đức của bản thân họ, tự mình làm gương bảo tồn những giá trị truyền thống và đạo đức tốt đẹp của tiên tổ cho lớp lớp thế hệ con cháu mai sau.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hiểu Mai biên dịch

voduongphantho.com
Chân dung “minh chủ võ lâm” của võ thuật cổ truyền Việt Nam
Ngày đăng: 15/01/2015

Nhưng ít ai biết rằng để có sự nghiệp võ thuật lừng lẫy như thế, người con của vùng biển cát cháy Phú Yên đã phải trải qua những thử thách khôn lường, hiểm hóc trong giới võ lâm đầy sóng gió.
Đó là một chặng đường gian nan để thống nhất võ lâm mà chỉ con người đầy khí chất và bản lĩnh như vậy mới làm nên thành công.
Duyên võ đạo với người con xứ biển
Sinh ra tại miền biển nắng gió Tuy Hòa, Phú Yên giàu truyền thống võ học, cậu bé Lê Kim Hòa sớm nuôi dưỡng lòng yêu võ thuật từ chính ông nội mình. Khi đó cậu mới có 9 tuổi đã được người ông võ sư "áo vải" Lê Côn truyền dạy võ dân tộc với cái tên bình dị là võ Ta. Những trận huyết chiến thư hùng của dân tộc trong những thế võ cổ truyền vừa cương vừa nhu mà ông nội kể lại càng khơi dậy trong huyết quản đứa cháu niềm đam mê võ thuật cháy bỏng.
Vừa say sưa học võ nhưng cậu bé vẫn không quên học văn hóa. Ba mẹ đều làm nghề lênh đênh trên biển sớm tối, vì thế tinh thần tự học của cậu rất cao, không cần ai phải nhắc nhở. Sáng sáng, cậu đều phải vượt quãng đường xa xôi mấy chục cây số đến trường bằng cách… nhảy tàu vì không có xe đạp. Học xong văn hóa, cậu bé lại tìm bãi đất trống ở gần đó để "tung hoành ngang dọc" với những đường quyền thế bay bổng giữa biển cát cháy Phú Yên. Chính vì thế, cậu không quản xa xôi đến trường bởi "một công đôi việc", được tập võ nơi tiếng sóng và gió biển vi vu như dẫn hồn người học võ càng say mê và rạo rực hơn.
Sau khi được truyền thụ tình yêu và những đường thế căn bản của võ dân tộc từ ông nội, cậu bé ham học hỏi đã tìm đến nhiều vị võ sư khác trong huyện, tỉnh để chắp cánh cho ước mơ võ đạo của mình. May mắn, ông đã tìm được thầy Võ Kim Khanh, người giỏi về binh pháp và quyền cước của dòng võ Tây Sơn - Bình Định nổi tiếng lúc bấy giờ. Những đòn thế hiểm hóc của võ Tây Sơn cùng thăng hoa với chất tinh túy, nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ của dòng võ gia truyền đã làm cho người thụ giáo "ngộ" ra một võ thuật của riêng mình. Đối với người con xứ biển này, võ thuật không chỉ để tấn công mà nó đầy kỳ ảo và biến hóa như gió lùa và trăng khuyết trên biển đêm quê ông vậy.
Mong muốn phát triển những tinh hoa võ học mà ông nội truyền dạy và những binh pháp được điêu luyện của phái võ Tây Sơn được học, võ sư Lê Kim Hòa tự mình đứng ra thành lập môn phái Thanh Long võ đạo khi mới bước vào tuổi 20. Không tự phụ với những gì mình đạt được, chàng thanh niên ấy vừa hăng say tập luyện, rèn rũa võ thuật, vừa mở lớp dạy võ cho những môn sinh của mình. Năm 1979, trong khi giới võ thuật còn "loạn nhịp" trong thời cuộc thì phái võ của ông đã lan rộng khắp Sài Gòn, rồi lên tận cao nguyên Đà Lạt xa xôi. Đó quả là một sự cố gắng không ngừng của ông khi phát triển một phái võ còn non trẻ như vị chủ nhân sáng lập nhưng đã tạo nên tiếng vang khiến cả giới võ lâm kinh ngạc.
Đó quả thực là thời kỳ khó khăn với môn phái Thanh Long võ đạo buổi đầu khi giới võ thuật đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Lúc đó, ông phải lặn lội ngược xuôi thuê võ đường để có đất truyền dạy võ thuật cho môn sinh ở nhiều nơi Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Thiêm,… Môn phái nào cũng muốn được nhiều người chú ý đến, lôi kéo người học võ. Khi biết được phái võ của ông chiêu mộ được nhiều đệ tử, những người của môn phái khác đã kéo tới thách đấu để thử tài vị chưởng môn. Nhưng ông biết rằng nếu tiếp nhận thách thức với các phái võ dù thắng hay thua cũng tạo nên ân oán sau này. Vì thế, ông khéo léo từ chối, bởi người theo võ không được để mình rơi vào vòng xoáy giang hồ.
Đi đến thống nhất nền võ thuật cổ truyền Việt Nam
Bị võ sư Lê Kim Hòa khước từ thách đấu, những người kia đều tỏ ra đắc chí cho rằng vị chưởng môn này vì sợ thua nên không dám tiếp mình. Nhưng có một vị giang hồ nhất quyết buộc ông phải ra mặt cho bằng được, biết không thể từ chối, ông liền âm thầm sắp xếp một trận thư hùng để phân thắng bại. Sau lần tỉ thí ấy, vị giang hồ kia xin kết bạn tâm giao với ông như một sự kính phục và bày tỏ mong muốn được thỉnh giáo võ thuật phái Thanh Long võ đạo. Từ đó, tin tức về cuộc đấu võ ấy lan truyền khắp giới võ lâm đã dẹp tan mọi hoài nghi và chứng tỏ khả năng võ thuật của ông với những kẻ từng thách đấu. Và những người yêu thích họ võ cứ lũ lượt kéo nhau tới võ đường của ông ngày một đông. Bằng tài năng và tâm huyết với nghề võ, ông đã đưa Thanh Long võ đạo tạo nên uy tín lớn trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong hoàn cảnh nhiều môn phái võ thuật hoạt động riêng lẻ, cần có sự hợp nhất để tạo nên tính bền chặt phát triển cho võ thuật nước nhà. Vì vây, ngành thể dục thể thao đã thành lập ban chuyên môn về võ thuật để đưa phong trào vào nề nếp. Bằng tài năng và uy tín trong giới võ thuật, võ sư Lê Kim Hòa được anh em đồng môn tín nhiệm và bầu làm Trưởng ban chuyên môn, nhằm tạo cơ sở để thống nhất võ lâm. Tiếp đó, ông lại được bầu chọn làm Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền TP.HCM (một "thị trường" võ thuật sôi động của cả nước) kiêm Phó Chủ tịch hội võ cổ truyền Việt Nam. Với khí chất và bản lĩnh trẻ của mình, vị "minh chủ võ lâm" khi mới 36 tuổi này không khỏi khiến nhiều người kinh ngạc và nể phục. Nhưng ông luôn tâm niệm: "Tôi cũng chỉ là một nhân tố nhỏ bé hòa vào dòng võ thuật cổ truyền đất nước mà thôi. Bất cứ ai theo học võ dân tộc đều là góp phần phát triển nền võ học của Việt Nam chứ không phải chỉ riêng tôi".
Từ đây, ông say sưa truyền dạy võ thuật không chỉ trong nước mà còn "xuất khẩu" sang phương trời Tây Âu. Những lần xuất chinh ra nước ngoài dạy võ làm cho ông thấy cuộc đời võ học của mình có ý nghĩa hơn. Ông kể rằng, kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình là chuyến đi lưu dạy vào năm 1991. Đó là lần đầu tiên một vị võ sư người Việt đến xứ sở bạch dương dạy võ cổ truyền Việt Nam. Những môn sinh nước ngoài hăm hở đón thầy tận sân bay Matxcơva để chứng tỏ lòng thành kính và yêu thích võ Việt.
Lớp học đông đúc gồm 80 môn sinh, lọt thỏm người thầy nhỏ nhắn ở giữa những chàng thanh niên Nga cao lớn. Ai cũng tỏ ra hiếu kỳ về võ cổ truyền Việt Nam, thử thách thầy bằng những ngón tấn công hiểm hóc sở trường. Nhưng ông đã hóa giải bằng đường quyền nhẹ như gió thoảng nhưng có sức công phá mạnh mẽ. Đó là bí quyết lấy nhu thắng cương, lý giải vì sao con người Việt Nam nhỏ bé như thế lại có thể đánh thắng bao nhiêu giặc ngoại xâm hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Nói đến đây, các học trò phương Tây ai nấy đều nhìn người thầy bằng ánh mắt khâm phục. Hai nền văn hóa và lịch sử khác nhau dường như ngay lúc này đã thấu hiểu và hòa hợp làm một bởi cầu nối đam mê võ thuật.
Sau khi ông trở về nước, các môn sinh còn theo về tận Việt Nam để được thọ giáo thầy nhiều hơn. Trong đó, một học trò người Nga đã ở lại theo ông học võ khổ luyện suốt mười mấy năm trời để thành tài. Và sau đó, người đệ tử này đã trở lại phương trời Tây Âu để thực hiện tâm nguyện của thầy, mở rộng môn phái Thanh Long võ đạo đến nhiều nơi trên nước Nga rộng lớn. Đến nay, nhờ sự cố gắng của mình, ông đã mở được hơn 30 lớp võ cổ truyền Việt Nam với vô vàn môn sinh ở các dân tộc khác nhau.
Để chứng tỏ vị thế của võ Việt, ông đã nhiều lần dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia các kỳ festival và đại hội võ thuật truyền thống quốc tế. Tới đâu, đoàn võ thuật Việt Nam đều gặt hái được nhiều thành tích, gây tiếng vang lớn trong giới võ toàn cầu. Ông tâm sự: "Đó là niềm vinh dự và tự hào lớn nhất trong nghiệp võ của tôi. Điều quan trọng nhất là võ cổ truyền Việt Nam đã quy về một mối, anh em võ sư có một nơi giao lưu võ nghệ thật sự." Có lẽ, người võ sư đã qua tuổi "tri thiên mệnh" này vẫn đau đáu về tương lai võ thuật trẻ nước nhà để làm rạng danh nền võ thuật cổ truyền của dân tộc ngàn năm văn hiến.
 
Con đường Samurai tại Việt Nam

Võ cổ truyền Việt Nam có bao nhiêu môn phái?

2017-06-27 14:31:36

Võ cổ truyền là hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Võ cổ truyền Việt Nam có bao nhiêu môn phái?

Hinh-anh-vo-co-truyen-Viet-Nam-co-bao-nhieu-mon-phai
Để đảm bảo an toàn cho cá nhân và những người thân xung quanh, học võ là bí quyết được nhiều người tìm hiểu và học hỏi. Có nhiều loại võ thuật khác nhau, trong đó võ cổ truyền Việt Nam là bộ môn dễ thực hiện và được mọi người áp dụng. Võ cổ truyền Việt Nam có bao nhiêu môn phái là câu hỏi được nhiều người tìm hiểu. Theo các chuyên gia, võ cổ truyền Việt Nam bao gồm có 5 môn phái:
Hinh-anh-vo-co-truyen-Viet-Nam-co-bao-nhieu-mon-phai
- Môn phái thứ nhất: Nhóm Bắc Hà (miền Bắc)
Các phái võ Bắc Hà ban đầu đều phát triển ở miền Bắc Việt Nam dù có võ phái sau đó đã ảnh hưởng lan rộng đến các khu vực khác trong cả nước.  Một số môn phái tiêu biểu của nhóm Bắc Hà bao gồm:
+ Thiên Môn Đạo: Có lịch sử lâu đời trong các võ phái cổ truyền Việt Nam, có khởi nguồn từ Chương Mỹ, Hà Nội.
+ Vật Liễu Đôi: Võ vật có truyền thống lâu đời và rất phổ biến tại miền Bắc Việt Nam. Nhiều làng tổ chức thi đấu vật vào các lễ hội mùa xuân. Lễ hội Vật Liễu Đôi tổ chức thường niên ở làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
+ Nhất Nam: có lịch sử lâu đời trong các võ phái cổ truyền Việt Nam, có khởi nguồn từ Thanh Hóa, Nghệ An.
+ Nam Hồng Sơn: do võ sư Nguyễn Văn Tộ sáng lập dựa trên cơ sở chương trình rèn luyện võ cổ truyền dân tộc từ thời Nguyễn và vay mượn thêm một số kỹ thuật của võ Trung Hoa.
+ Hoa Quyền: do cố võ sư Hoàng Văn Thơ sáng lập dựa trên sở học võ thuật của bản thân và các kỹ thuật được các thầy Trung Hoa truyền dạy
+ Việt Võ đạo (Vovinam): Vovinam Việt Võ Đạo là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938. Đây là hệ thống pha trộn võ học gia đình, võ Việt Nam và các trường phái võ các nước khác như Judo, Karate... Võ phái dựa trên kỹ thuật phản công ngang, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Hinh-anh-vo-co-truyen-Viet-Nam-co-bao-nhieu-mon-phai
- Môn phái thứ hai: Nhóm Bình Định (miền Trung)
Bình Định là vùng từng thuộc vương quốc Chăm pa, nơi có truyền thống võ thuật lâu đời mà những phù điêu của vương quốc Chăm còn lưu giữ hình ảnh. Đây cũng là cái nôi võ thuật miền Trung gắn liền với triều đại Tây Sơn (1778-1802). Trong thế kỷ 18, một số võ sư nổi tiếng từ miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc chuyển đến định cư tại vùng này và dạy võ cho người dân địa phương. Từ thời Tây Sơn đến nay, nhóm Bình Định bao gồm nhiều võ phái xuất phát từ Bình Định và vùng phụ cận như: Roi Thuận Truyền, quyền An Thái, quyền An Vinh và các hình thức võ thuật do các gia tộc, các nhà sư truyền dạy như Tây Sơn Nhạn, Thanh Long võ đạo, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Tân Sơn Bạch Long, Tây Sơn Thiếu Lâm, Bình Định gia, Tiên Long Quyền Đạo...
Hinh-anh-vo-co-truyen-Viet-Nam-co-bao-nhieu-mon-phai
- Môn phái thứ ba: Nhóm Nam Bộ (miền Nam)
Các phái võ Nam Bộ xuất hiện cùng với quá trình mở cõi và định cư của người Việt trong thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Sau khi dừng chân ở Nam Trung Bộ, các chúa Nguyễn tiếp tục mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam và di dân từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quy Nhơn vào khai khẩn đất hoang tại đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều võ sư ở miền Nam nổi danh được ví với "Tam nhật" (ba mặt trời) Hàn Bái, Bá Cát và Bảy Mùa; "Tam nguyệt" (ba Mặt Trăng) Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế và Vũ Bá Oai; "Tứ tú" (bốn vì sao) với Hồ Văn Lành, Trần Xil, Xuân Bình và Lý Huỳnh. Võ Thanh Tồng (Hai Ngữ) Nhiều võ sĩ miền Nam đã tham gia thượng đài với rất nhiều lần toàn thắng trước các võ sư đến từ những quốc gia lân bang như Cao Miên, Lào, Xiêm. Trước năm 1975, ở miền Nam cũng đã có Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam của Tổng nha Thanh niên trực thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.
Hinh-anh-vo-co-truyen-Viet-Nam-co-bao-nhieu-mon-phai
- Môn phái thứ tư: Các môn phái có nguồn gốc từ Trung Hoa
Sự giao lưu, ảnh hưởng lâu đời từ Trung Hoa trong suốt trường kỳ lịch sử đã tạo nên ở Việt Nam những hệ phái võ thuật do các võ sư Trung Quốc hoặc võ sư Việt giảng dạy. Có một đặc điểm chung nhất cho các môn phái có nguồn gốc Trung Hoa hiện đang được giảng dạy tại Việt Nam: Hầu hết là những hệ thống đã ít nhiều cải biên cho phù hợp với thể chất và văn hóa của người Việt. Danh sách không đầy đủ các môn phái có nguồn gốc Trung Hoa trên lãnh thổ Việt Nam gồm: Bắc Mã Sơn, Lâm Sơn Động, Phật gia quyền, Không Động, Vĩnh Xuân Quyền (Việt Nam), Thiếu Sơn Phật Gia, Thiếu Lâm Long Phi, Thiếu Lâm Bắc Truyền Thiên Mục Sơn...
Hinh-anh-vo-co-truyen-Viet-Nam-co-bao-nhieu-mon-phai
- Môn phái thứ năm: Võ thuật Việt Nam ở nước ngoài
Theo bước chân của người Việt đến khắp thế giới, có nhiều kỹ thuật võ Việt Nam đã đến với nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây như Pháp và một số nước châu Âu, Mỹ, Canada. Có đến 22 môn phái võ thuật có cội nguồn từ Võ thuật Việt Nam tại Pháp, và có đến 30.000 võ sinh theo học. Một số võ phái tại Pháp được coi là "cái nôi của võ thuật Việt Nam tại nước ngoài" như: Cửu Long võ đạo, Võ trận Đại Việt, Nam Hổ Quyền, Phái Trung Hòa...
Võ thuật cổ truyền ở Việt Nam đa dạng và được sắp xếp thành 5 môn phái rõ ràng. Hiện nay, việc tìm hiểu và lưu giữ các môn phái võ thuật ngày càng chiếm giữ vị trí hết sức quan trọng góp phần kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của võ thuật nước nhà.

Pho võ học của miền Nam

31/12/2017 05:21

Ở làng võ Việt Nam, nhiều người biết đến môn phái Võ Lâm Tân Khánh - Bà Trà mà các võ sinh người nước ngoài gọi tắt là Takhado dù xuất thân của môn võ này đến từ Bình Dương…

 Có lẽ vì vậy, những môn sinh của phái võ này thường cư xử rất nhẹ nhàng, từ tốn như chính vị truyền nhân Võ Lâm Tân Khánh - Bà Trà là võ sư Hồ Tường, hiện đang là Trưởng Ban huấn luyện Lớp Võ lâm tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM.
Sinh năm 1954 tại ấp Khánh Thạnh, xã Tân Phước Khánh, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là khu phố Khánh Thạnh, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), là con út trong số 3 người con trai của lão võ sư Hồ Văn Lành (tức Từ Thiện), một võ sư nổi tiếng thời bấy giờ, ngay từ nhỏ, Hồ Tường đã nhận được sự chân truyền võ thuật từ cha mình, với hơn 200 bài quyền và bài binh khí. Sau ngày đất nước thống nhất, cậu sinh viên văn khoa của ĐH Văn khoa Sài Gòn ngày ấy đã cùng một số võ sư khác đề nghị cho khôi phục lại các hoạt động võ thuật thông qua bài phân tích của mình trên Báo Sài Gòn Giải phóng. Nhờ vậy, năm 1979, TP HCM là nơi đầu tiên cho phép các lớp võ hoạt động để kiến tạo trở lại phong trào võ thuật Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của vị võ sư trẻ.
Pho võ học của miền Nam - Ảnh 1.
Võ sư Hồ Tường biểu diễn trong một buổi giao lưu võ thuật
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Với làng võ Việt, đóng góp của võ sư Hồ Tường phải kể đến vốn học thuật của ông. Võ sư này không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và giới thiệu cho mọi người về các nền văn hóa, võ học gắn liền với truyền thống dân tộc Việt. Với gần 20 đầu sách về võ thuật mà đặc biệt là chuyên san Sổ tay võ thuật của ông, rất nhiều người đã biết đến võ học Việt Nam không chỉ là các phương pháp đấm đá, tự vệ mà còn là những câu chuyện lễ nghĩa, văn hóa gắn với từng thế tấn, bài quyền. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa như: Đình Nam Bộ, Tín ngưỡng và nghi lễ (viết chung với Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường), Tục lệ thờ Hai Bà Trưng và Liễu Hạnh Thánh mẫu, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, Đình ở TP HCM, Nghi lễ vòng đời người… cũng được võ sư quảng bá và được nhà nước trao tặng "Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa" vào năm 2000. Vì vậy, các võ sinh nước ngoài khi đến Việt Nam hay tìm tới vị tiến sĩ - võ sư này đầu tiên để có được cái nhìn tổng quát về võ học Việt Nam.
Năm 2013, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng đã xác lập kỷ lục cho vị võ sư xứ Tân Uyên là võ sư dạy võ miễn phí cho sinh viên và công nhân lâu năm nhất của Việt Nam. Từ năm 1995, hàng ngàn võ sinh đã được ông dạy võ miễn phí bằng chính tâm huyết của mình. Ông cho biết: "Năm 1995, tôi đề xuất với Ban Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM mở lớp võ miễn phí cho sinh viên nam nữ học vào các tháng 10, 11 và 12 hằng năm và được chấp thuận. Mục đích duy nhất mà tôi hướng đến là giúp cho các bạn có một sân chơi võ thuật để rèn luyện thân thể, đồng thời giữ gìn võ cổ truyền của dân tộc".
Số võ sinh ngày càng đông, sân tập luyện cũng được nâng cấp, phát huy thành quả đã đạt được, từ năm 2008, võ sư Hồ Tường đã bắt đầu mở thêm lớp dạy võ miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Bên cạnh việc đến lớp luyện võ, các sinh viên - học sinh còn được võ sư Hồ Tường cho tham gia biểu diễn cờ người võ thuật cùng ông tại các lễ hội văn hóa lớn ở TP HCM và các tỉnh thành lân cận.
Quang Liêm

Võ sư Phạm Đình Phong: “Treo ấn từ quan” vì võ Việt

Thứ Tư, 18/07/2012 07:34 GMT+7

(TT&VH)- Từng là một quan chức cao cấp của ngành TDTT Bình Định, nhưng niềm đam mê và ý thức trách nhiệm với các môn võ cổ truyền của dân tộc đã khiến võ sư Phạm Đình Phong xin thôi chức PGĐ Sở TDTT Bình Định để có thể dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho hành trình chấn hưng võ Việt.
Tâm nguyện chấn hưng võ cổ truyền
Sinh ra và lớn lên trên miền đất võ Bình Định, đâu đâu cũng có phong trào học võ và luyện võ nên từ tấm bé võ sư Phạm Đình Phong đã được trui rèn trong môi trường võ thuật, nơi không chỉ rèn luyện thể chất và tinh thần, mà còn giúp ông thêm hiểu biết và yêu mến truyền thống võ học vĩ đại của dân tộc VN.
Từng là Phó Giám đốc Sở TDTT tỉnh Bình Định, võ sư Phạm Đình Phong không ngừng trăn trở vì nền võ dân tộc đang dần mai một, các làng võ dần biến mất, các tư liệu quý dần thất lạc theo thời gian, nếu không kịp thời chấn hưng bảo tồn thì e rằng trong thời gian ngắn nữa sẽ không còn khi các võ sư lớn tuổi qua đời.
Nhận ra việc bảo tồn văn hóa dân tộc là điều cấp bách trước nguy cơ nền văn hóa dân tộc bị pha tạp, vì thế, cuối năm 2000, ông xin thôi chức để tập trung sưu tầm nghiên cứu võ học. Với kinh nghiệm trong công tác quản lý văn hóa thể thao, ông vào công tác tại báo Thể thao VN với các bút danh Đình Phong, Duyên Anh, Phạm Đình.
Một thời gian dài võ cổ truyền không được chú trọng, ông đi gõ cửa nhiều nơi thỉnh đạt những ý kiến mong được quan tâm để cùng chấn hưng dòng võ dân tộc. Bên cạnh đó, ông tự bỏ kinh phí đi khắp nơi từ Nam ra Bắc để nghiên cứu, đúc kết, sưu tầm những tư liệu, những di chỉ và tài liệu quý của võ dân tộc để xây dựng những kế hoạch phát triển nâng tầm võ Việt.


Võ sư Phạm Đình Phong tâm huyết với võ cổ truyền Việt Nam
“Trong cuộc hành trình đầy chông gai này, nhiều lúc tôi có ý định bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần như vậy thì dòng máu đam mê võ học lại thôi thúc khiến tôi suy nghĩ rằng, một nền võ học dân tộc với bao công lao của các vị võ sư, các bậc tiền bối cha anh đã dày công gây dựng không thể bị mai một. Như vậy sẽ có lỗi với tổ tiên”, võ sư Phạm Đình Phong chia sẻ về hành trình của mình.
Yêu quý, đam mê nghiệp báo và nặng lòng với võ thuật, ông đã phối hợp cùng phòng truyền hình báo Tuổi trẻ dàn dựng bộ phim “Huyền thoại miền đất võ” gồm 6 tập và ngay sau đó, nó tạo được tiếng vang lớn trong công tác bảo tồn nền võ học dân tộc.
Năm 2006, với mối quan hệ nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực võ thuật, ông cùng nữ võ sư Hồ Hoa Huệ vận động các hiệp hội võ cổ truyền VN các nước cùng hành hương về nguồn. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh Bình Định để tổ chức liên hoan quốc tế võ cổ truyền VN lần đầu tại quê hương Hoàng đế Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định).
Việc tổ chức ở đây không chỉ đơn thuần là hoạt động giao lưu võ thuật, mà còn là cuộc hành trình về thăm miền đất võ oai hùng, thăm các di tích lịch sử, văn hóa và các làng võ nổi tiếng đã dệt nên bao huyền thoại kỳ bí được lưu truyền từ đời này sang đời khác trên chính quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Lần tổ chức đầu tiên chính là cầu nối của võ Bình Định với bạn bè võ sư – võ sĩ nước ngoài. Từ đó đến nay đã 3 kỳ liên hoan được tổ chức và đều là những ngày hội lớn của người yêu võ. Đầu tháng 8/2012 này sẽ là liên hoan lần thứ 4. Tính đến thời điểm này đã có 53 đoàn của 26 quốc gia đăng ký tham gia.
40 năm làm trong ngành văn hóa thể thao, ông đã đi khắp miền đất nước tìm hiểu võ thuật cũng như giành hết tâm huyết để chấn hưng nền võ học cổ truyền nước nhà. Tâm nguyện lớn nhất của ông là mong sao trước lúc qua đời được nhìn thấy võ cổ truyền VN trở thành quốc võ như thời hoàng kim cách đây hơn 200 năm của nhà Tây Sơn.
Đổi 12 năm cho 1 tác phẩm
Sau nhiều năm điền dã đến nhiều miền đất nước để nghiên cứu sưu tầm, ông chứng kiến sự biến mất khá nhanh của các “bảo bối” võ cổ truyền dân tộc. Nhiều làng võ vang danh một thời nay chỉ còn trong ký ức; nhiều dòng võ, võ phái nổi tiếng với các bậc anh hùng võ công tuyệt thế nhưng nhiều lý do khác nhau mà con cháu không theo nghiệp võ nữa nên hầu hết các tư liệu, hiện vật về võ học cũng mai một theo năm tháng. Mặt khác phần lớn các sách sử về võ học do để quá lâu và không được bảo quản đúng cách cũng đã nhanh chóng bị hư hỏng và tiêu hủy, trong khi đó ở các thư viện, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ tư liệu lại quá ít.
Lo sợ trước thực trạng trên, đầu năm 2001, sau khi xin thôi giữ chức Phó Giám đốc Sở TDTT Bình Định, ông bắt đầu cuộc phiêu lưu tìm về cội nguồn của võ học cổ truyền. Đó là một chặng đường đầy chông gai. Một mình đơn độc trong việc sưu tầm nghiên cứu với điều kiện thiếu thốn trong khi nguồn tư liệu quá khan hiếm, tản mát do đó ông gặp không ít khó khăn khi đến các bảo tàng, thư viện, viện nghiên cứu, kho dữ liệu và các vùng đất võ để sưu tầm khai thác các nguồn tư liệu, gặp gỡ các dòng tộc, môn phái, võ sư…
Năm 2009, ông gặp tai nạn trên đường nghiên cứu và có ý định bỏ cuộc, nhưng với lòng yêu nghề và sự động viên của các võ sư, giáo sư, ông đã tiếp tục viết tác phẩm tâm huyết.
12 năm, một quãng đời không nhỏ của một con người chỉ dành cho việc nghiên cứu đúc kết tinh hoa võ thuật, cuối cùng đứa con tinh thần mà ông Phong mang nặng đẻ đau cũng hoàn thành.
Nó mang tên “Lịch sử võ học VN”, sách được phát hành vào ngày 17/6/2012. Sách dày 784 trang, gồm 2 chương, 12 mục và hơn 80 tiểu mục về quá trình hình thành, các giai đoạn phát triển, mốc son, sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ Việt. Sách cũng có nhiều thông tin về các bậc tiên đế, anh hùng trung liệt với võ công tuyệt luân.
Những mảnh đất võ và nhiều truyền thuyết thú vị về những võ sư, môn phái lừng danh được dân gian truyền tụng cũng được ghi chép lại. Những kiến thức về hệ thống võ học VN như võ lý, võ lễ, võ đạo, võ y... cũng được viết lại một cách sâu sắc.
12 năm đằng đẳng không quản công chỉ với một khát khao gìn giữ cho được một tinh hoa văn hóa của dân tộc. Ngần đó thôi đủ nói lên cái tâm của ông với truyển thống, bản sắc đáng tự hào của quê hương. Trưởng thành trong gian khó nên thấu hiểu những khó khăn trên con đường võ nghiệp, hơn 40 năm hoạt động và chuyên tâm nghiên cứu võ cổ truyền dân tộc võ sư Phạm Đình Phong còn có một ước nguyện thành lập quỹ ủng hộ tài năng võ thuật và các lão võ sư gặp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. Với những tấm gương điển hình như võ sư Phạm Đình Phong, võ học VN không sợ mất đi cái vốn quý nhất.
Việt Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét