Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

DANH BẤT HƯ TRUYỀN 8

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Ngả mũ thán phục trước 1 ván cờ quá khủng khiếp

Kể chuyện cờ Tướng P1 : Nguồn gốc cờ Tướng

Chuyện làng cờ
Nguồn gốc cờ tướng là vấn đề rất thú vị, hiện nay vẫn còn đang tranh luận và tiếp tục được tìm tòi , khảo cứu. Ai là người phát minh? Dân tộc nào là ông tổ của cờ tướng , Trung quốc hay Ấn độ? Mời các bạn cùng xem bài sưu tầm sau...
Giả thuyết lịch sử
Hiện nay có 2 giả thuyết chính về nguồn gốc cờ tướng :
1. Cờ tướng do cờ Lục bác phát triển mà thành. Cờ Lục bác du nhập vào Ấn độ, phát triển thành Saturanga. Saturanga sao đó lại du nhập ngược vào Trung quốc, kết hợp với cờ tướng đang có để trở thành cờ tướng ngày nay.
2. Cờ tướng là do Saturanga, một phát minh của người Ấn độ, du nhập vào Trung quốc phát triển mà thành, không liên quan gì đến cờ Lục bác.

Giả thuyết 1 được sự ủng hộ chủ yếu là từ các trang web của Trung quốc trong đó có wikipedia (tiếng Trung).Theo giả thuyết này thì cờ tướng đã có ở Trung quốc rất lâu trước khi người Ấn có Saturanga. Trong các tác phẩm từ thời Chiến quốc như “ Thuyết Uyển” và “Chiêu hồn-Sở từ” đã có nhắc đến cờ tướng (mà người Trung quốc vẫn gọi là Tượng kỳ). Giả thuyết 2 được các học giả phương Tây và cả trang wikipedia (tiếng Việt) ủng hộ. Để làm rõ giả thuyết nào đáng tin hơn, hãy xem cách đi cờ Saturanga :

-Tốt : mỗi lần di chuyển chỉ tấn 1 ô về phía trước, đi thẳng nhưng ăn chéo như cờ vua. Chỉ luôn luôn tấn 1 ô, không bao giờ nhảy 2 ô, vì vậy không có việc ăn tốt qua đường, cũng không có chuyện phong cấp.
- Vua, Xe và Mã có cách di chuyển hoàn toàn giống như cờ vua (mã không bị cản)
- Sĩ : Mỗi lần có 4 vị trí để di chuyển , đi tới ô chéo góc liền kề (giống như cờ tướng)
- Tượng : Đi giống như sĩ nhưng dài gấp đôi (giống như cờ tướng nhưng không bị cản)
Cũng xin lưu ý rằng vị trí ban đầu của các quân cờ không hoàn toàn giống như cờ vua vì 2 quân Vua đặt chéo nhau, không cùng 1 cột.

Rõ ràng cờ Saturanga có một số điểm giống cờ vua và một số điểm giống cờ tướng. Điều này cũng dễ hiểu vì chính bàn cờ Saturanga khi du nhập sang phương Tây thì trở thành cờ vua, còn du nhập vào Trung quốc thì trở thành cờ tướng.  

 Những cải tiến của người Trung quốc.
Cải tiến đầu tiên và cũng quan trọng nhất là vị trí đặt quân cờ : đặt ở giao điểm các đường chứ không đặt trên ô, quân di chuyển trên đường chứ không nhảy từ ô này sang ô khác. Chỉ với động tác này, bàn cờ tăng thêm số điểm đặt quân từ 64 của Saturanga lên 81, số quân ở hàng cuối từ 8 tăng lên 9. Vua giờ đây đã có thể ở ngay trục giữa và rất dễ dàng nhận thấy quân thêm vào bên phải vua chỉ có thể là 1 con sĩ, có vậy mới đảm bảo sự cân đối của bàn cờ.
Sau đó là phải vẽ đường cho quân Sĩ, chữ X trước mặt Vua được thêm vào và thế là ta có cửu cung.

Cờ tướng cổ đại không có quân Pháo. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất là quân Pháo được bổ sung từ cuối thời nhà Đường (618-907), là quân cờ ra đời muộn nhất trong bàn cờ tướng. Nhiều người cho rằng quân Pháo xuất hiện muộn là do ngày xưa không có pháo binh. Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Pháo binh xuất hiện rất sớm trong chiến tranh thời xưa. Vấn đề là muốn đưa Pháo vào bàn cờ thì bàn cờ đó phải đủ rộng . Bàn cờ 64 ô nếu muốn thêm quân Pháo thì cũng không biết phải đặt ở đâu khi quân 2 bên đông nghẹt như lô cốt thời nay! Bàn cờ tướng có chỗ đặt quân Pháo là nhờ số điểm đặt quân nhiều hơn (81 so 64). Xin nói thêm là bàn cờ Saturanga khi du nhập vào Thái Lan đã phát triển thành makruk, sang Nhật phát triển thành shogi. Hai loại cờ này đều không có quân Pháo chỉ vì đặt quân trên ô. Chỉ có bàn cờ janggi của Hàn quốc là có quân Pháo vì loại cờ này xuất thân từ cờ tướng sau khi cải tiến của Trung quốc, cũng đặt quân trên đường.

Người Trung quốc khi ấy phải mất nhiều thời gian loay hoay tìm vị trí cho quân Pháo này và cuối cùng cũng tìm được vị trí lý tưởng cho quân Pháo như chúng ta thấy trên bàn cờ ngày nay. Tuy nhiên, để có vị trí này thì hàng chốt phải đẩy rất xa lên phía trước. Kết quả là không đấu thủ nào dám tấn chốt vì chỉ cần tiến lên 1 bước thì sẽ bị chốt đối phương ăn mất ! Thế là Sở hà Hán giới ra đời, tạo thêm không gian ngăn cách 2 bên. Khi "hà" xuất hiện trên bàn cờ, 9 điểm đặt quân nữa được tăng thêm. Như vậy, bàn cờ tướng bây giờ đã có 90 điểm so với 64, đó là một sự mở rộng đáng kể. Diện tích chung của bàn cờ hầu như không tăng mấy (chỉ tăng thêm 8 ô) nhưng số điểm tăng thêm được 1 phần 3.

Quân cờ trong cờ tướng cũng được cách tân.Theo các tài liệu lịch sử, cờ tướng ở thời Đường được gọi là Tượng hý (du hý - trò chơi) có đặc điểm là quân cờ lập thể, bàn cờ có 64 ô vuông xen kẽ hai màu trắng đen, giống hệt bàn cờ vua hiện nay. Loại bàn cờ này đã được để lại trên các bức tranh dệt "Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ" cũng như trên các vật dụng bằng sứ thời Đường.Thế nhưng sang thời Tống (960-1279) thì quân cờ trở nên dẹt và phẳng, trên có ghi chữ như quân cờ tướng ngày nay. Phải chăng đây là sự “cải lùi” ? Yếu tố kinh tế là một giả thuyết tuy dễ thuyết phục nhiều người nhưng chấp nhận giả thuyết này khác nào cho rằng người dân thời Tống nghèo hơn (hay tiết kiệm hơn) người dân thời Đường? Sự thật chẳng qua là khi người ta chấp nhận thay đổi vị trí đặt quân thì cũng dễ dàng chấp nhận những thay đổi khác như hình dạng quân cờ. Còn một lý do khác có thể thấy khi hình dung bàn cờ vua ngày nay: Nếu quân cờ đặt trên ô thì quân cờ không thể che hết ô, nhưng nếu đặt trên đường thì quân cờ có thể che hết đường, nghĩa là sẽ khó quan sát hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Saturanga là tiền thân của cờ tướng và cả cờ vua ngày nay. Bàn cờ tướng ngày nay là sự phát triển từ Saturanga, không liên quan đến 1 loại cờ nào khác. Khi người dân Trung quốc tiếp xúc với bàn cờ Saturanga, họ đã nhận ra sự ưu việt của loại cờ này so với cờ tướng hiện có lúc đó. Kết quả là hàng ngoại lấn lướt hàng nội, chiếm hết “thị phần”, thậm chí chiếm luôn cả “ thương hiệu”. Chuyện này không phải chỉ có ở bộ môn cờ. Bàn cờ tướng đã có ở Trung quốc từ trước khi Saturanga du nhập đã bị thất truyền, không còn ai chơi nữa .Tóm lại, giả thuyết 2 đáng tin cậy hơn.

Hóa ra bàn cờ tướng mà chúng ta vẫn chơi ngày nay là sản phẩm trí tuệ của hàng vạn người, thuộc nhiều thế hệ, nhiều dân tộc và phải mất hàng ngàn năm mới định hình !

Kể chuyện cờ Tướng P2 : Thú sưu tập cờ Tướng

Chuyện làng cờ
300720117566
Thưởng thức nghệ thuật cờ Tướng không chỉ là chơi cờ , với một số kỳ hữu thì sưu tập cờ Tướng mới là thú chơi đầy đam mê và thử thách lòng kiên nhẫn.

Anh Nguyễn Minh Hiển với công việc chính là nghệ sĩ Xiếc , mỗi lần đi biểu diễn ở nước ngoài là anh lại lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm tìm mua những bộ cờ Tướng với chất liệu quý hoặc kiểu dáng lạ. Lặn lội suốt mấy chục năm , bây giờ tủ kính nhà anh đã có rất nhiều bộ cờ Tướng mà trong đó không ít bộ khiến khách đến nhà phải mắt tròn mắt dẹt.  Ông Lê Thiên Vị lại có cơ may khác vì ông là HLV cờ Tướng . Những lần đưa đội đi thi đấu nước ngoài ông thường được lãnh đội bạn tặng kỷ niệm cho những bộ cờ giá trị , ngoài ra ông cũng dốc túi mua thêm những bộ cờ mà ông ưng ý . Đến nay ông cũng đã sở hữu hàng trăm bộ cờ , nhiều bộ có chữ ký của các nhà vô địch thế giới và vô địch châu Á. Anh bác sĩ Đông lại là trường hợp khác , tuy không có nhiều bộ cờ như các nhà sưu tập kia , nhưng anh rất tự hào với bộ cờ khủng bằng vàng ròng 24k trị giá hàng chục lượng vàng !
Tất cả các nhà sưu tập cờ đều có đặc điểm chung là rất say mê nghệ thuật cờ Tướng , sẵn sàng bỏ thời gian , công sức lặn lội đi tìm mỗi khi nghe nói có bộ cờ quý. Với họ thì lời trầm trồ của bạn yêu cờ mỗi khi thưởng thức các bộ cờ lạ còn quý giá hơn gấp trăm ngàn lần những tiền bạc mà họ đã bỏ ra để có bộ sưu tập. Mời các bạn cùng xem qua vài bộ cờ không đụng hàng của các nhà sưu tập này, dù ảnh chụp không tả được hết vẻ đẹp như chiêm ngưỡng bằng mắt thường .

2701201213577
Bộ quân cờ pha lê bàn mạ vàng.

2701201213550
Bộ quân cờ bằng ngà voi.

2701201213531
Bộ quân cờ gỗ quý cẩn xà cừ .

2701201213522
Bộ quân cờ bằng đá khắc chữ.

2701201213505
Bộ cờ không thể đánh được vì các quân cờ làm bằng ...trà !

300720117574
Bộ quân cờ có hình dáng và kiểu chữ khá lạ mắt....

300720117570
... và bộ quân cờ hình chữ nhật rất khó đụng hàng.

2701201213558
Bộ cờ khủng với các quân cờ làm bằng mã não !

Kể chuyện cờ Tướng P3: Giang hồ Tam Ác

Chuyện làng cờ
Giang Hồ Tam Ác là biệt danh của 3 cao thủ cờ tướng thập niên 70 của thế kỷ trước gồm : Lê Thiên Vị - Lê Nhị Trí - Trần Qưới . Trải qua bao thăng trầm , bạn có biết Giang Hồ Tam Ác ngày nay ra sao không ?
"Giang hồ Tam Ác" ngày xưa...
Nhắc đến cờ giang hồ, không thể bỏ qua nhóm “Giang hồ Tam Ác”. Trước khi lập nhóm, cả ba đã “đụng” nhau nẩy lửa bằng cách mà về sau họ đã áp dụng cho mọi đối thủ trong giang hồ.
     Lê Nhị Trí sinh năm 1949, quê ở Nha Mân (Sa Đéc). Nhờ đam mê và chịu khó học hỏi nên trình độ cậu Trí mau chóng được khẳng định khi dễ dàng hạ hết bạn bè đồng tuổi, còn so với các cao thủ trong xóm thì ngang ngửa chứ chẳng chơi. Có lần ra chợ, thấy người ta bày cờ thế ăn tiền, Trí dốc hết tiền học phí mà bố mẹ đưa để thử thách vận may.
     Ông kể: “Tuổi trẻ bồng bột, thế là bị mấy tay lão luyện dụ lấy sạch túi. Từ nỗi nhục này, tôi thề với lòng phải lấy cho bằng được những gì đã mất”. Năm đó, Trí đang học Đệ Thất (lớp 6). Có ngờ đâu, lời thề đó đã đưa ông trở thành Nhị Ác...
      Sau ngày thống nhất đất nước, ông sống bằng nghề chơi cờ độ. Năm 1976, ông gặp một người tự nhận là Bảy, có trình độ ngang ngửa với ông, thắng-thua qua lại nhiều lần, nói chung là huề vốn. Một ngày nọ, Bảy bất ngờ tăng tiền độ lên đến 1 chỉ vàng/ván. Sinh nghi, ông Trí tìm kế “hoãn binh”.
      Về nhà, ông nghiên cứu các ván đấu với đối thủ và phát hiện nhiều điều lạ. Có những ván tưởng thắng dễ, nhưng lại hòa, tưởng thua chắc nhưng rốt cuộc ăn. Rõ ràng tay Bảy trên cơ, nhưng cố tình thua để “nhử mồi”. Ông quyết định tìm hiểu thân thế của tay Bảy này. Trước ngày tỉ thí, một thông tin đắt giá chuyển đến: “Có lẽ tay Bảy là Lê Thiên Vị. Đặc điểm nhận dạng là ngón tay cái có tật. Nếu là tay quái kiệt này thì trình độ phải hơn ông đến 3 nước tiên”.
      Y hẹn, ông Trí đến nơi hội ngộ và phát hiện đây chính thật là Lê Thiên Vị. Chẳng nói chẳng rằng, ông lôi bàn cờ ra và đi liền 3 nước tiên. Đối thủ ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu, phì cười mà rằng: “Biết tui là ai rồi hả?”. Hai người kết nghĩa từ đó. Nhất Ác Lê Thiên Vị nổi danh với việc đánh hay, nhưng giả dạng trí thức để lấy tiền thiên hạ. Về sau, Trần Quới (tức Lác Chảy, vô địch nhiều năm liên tục) góp mặt, dĩ nhiên cũng phải qua hàng chục ván đấu cờ độ cùng với nhóm của Vị–Trí, họ kết nghĩa huynh đệ và biệt danh Giang hồ Tam ác ra đời từ đấy.
      Ông Trí cho biết: “Thật ra ngôi thứ chỉ là phân cấp theo tuổi tác chứ về đẳng cấp thì Trần Quới đứng đầu, nhì là anh Vị. Tôi thì được anh em nể ở tài mưu lược và chiến thuật... gài độ”. Ông Trí thừa nhận đó là thời điểm sống không lý tưởng, nhưng tình nghĩa anh em quả là “tình thân như thủ túc”.
      Năm 1988, Trần Quới mất tích và Tam Ác chỉ còn lại hai. Niềm đam mê cờ độ của họ cũng tan biến dần. “Những ngày đó, lên công đài hay ra đánh độ, chúng tôi thấy trống vắng ghê lắm, thấy thiếu mất một người hiểu mình”, ông Trí tâm sự. Rồi từ đó, Nhị Ác gác kiếm, vĩnh biệt cờ giang hồ luôn.
....Và "Giang hồ Tam Ác" ngày nay.
Giờ thì danh thủ có biệt danh Nhất Bộ Đăng Thiên tức Trần Qưới - Tam Ác đã tiêu diêu trên trời đánh cờ với Đế Thích . Nhị Ác Lê Nhị Trí là một người sưu tầm và kinh doanh lan kiểng có tiếng trên toàn quốc. Còn Đại Ác Lê Thiên Vị chính là nguyên HLV trưởng đội tuyển cờ tướng Quốc Gia và TP HCM hiện nay.
tamac
Chụp ảnh kỷ niệm đầu Xuân Nhâm Thìn 2012 , bên trái là Đại Ác Lê Thiên Vị và bên phải là Nhị Ác Lê Nhị Trí .

Kể chuyện cờ Tướng P4 : Xích-lô Việt Nam

Chuyện làng cờ
Trung Quốc, Hồngkông, Đài Loan là các cường quốc hàng đầu về cờ tướng, đọat được chức vô địch quốc gia của bất cứ nước nào trong ba nước này ắt phải là đệ nhất cao thủ . Vậy mà ở TPHCM có một anh đạp xích-lô chơi cờ tướng , mà cả ba nhà vô địch của ba nước cường quốc trên đều không thắng nổi anh !
Đạp xích-lô chơi cờ tướng...
Anh xích-lô ấy có tên là Trần Quốc Việt , xuất thân từ gia đình lao động nghèo. Mưu sinh bằng công việc đạp xích-lô , những lúc rảnh rỗi không có khách anh Việt thường chơi cờ tướng. Với khả năng thiên phú được mài giũa sắc bén qua những trận đụng độ giang hồ , theo năm tháng trình độ của anh tiến triển không ngừng. Sở trường chơi Phản Cung Mã , anh Việt mày mò nghiên cứu thế trận này rất sâu và đã dùng nó hạ không biết bao nhiêu cao thủ ! Đến nỗi giang hồ kinh sợ phải đặt cho anh danh hiệu Sát Nhân Vô Ảnh Trần Quốc Việt . Thật đáng khâm phục cho nghị lực của anh, vừa vất vả đạp xe mưu sinh trong điều kiện thiếu thốn mà vẫn chơi cờ ở trình độ cao như vậy !

Liên tiếp đọat thứ hạng cao và nhiều năm liền luôn là kỳ thủ A1 TPHCM, nhưng ít ai biết hàng tháng anh chỉ lĩnh lương 60.000đ của đơn vị Q8 . Thời gian bận rộn dành cho cuộc sống cơm áo gạo tiền đã khiến cho Trần Quốc Việt chưa thể trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp của đội tuyển cờ tướng TPHCM . Và đến khi có chỉ thị cấm xe xích-lô thô sơ, không có tiền anh đã phải chạy vạy vay mượn , nhờ bạn bè giúp đỡ mới đủ tiền mua một chiếc xe máy cà tàng chuyển sang nghề chạy xe honda ôm !

Vì vậy khi Bình Dương mời gọi với đãi ngộ khá hơn tạm đủ sống để không phải chạy xe ôm, anh Việt đành khóac áo mới dẫu đã mấy chục năm chung thủy gắn bó với làng cờ Sài Gòn ! Và khi có thời gian chuyên tâm vào cờ hơn , Trần Quốc Việt như được chắp cánh bay xa. Tại giải vô địch A1 tòan quốc 2010 anh xuất sắc đọat hạng 4 , được mời tham dự cúp Phương Trang 2010 và súyt nữa có tên trong đội tuyển quốc gia.
...hòa cả 3 nhà vô địch Trung Quốc, Đài Loan , Hồngkông !
Đến với cúp Phương Trang lần thứ IV 2010 , lần đầu tiên được so tài với các danh thủ quốc tế, Trần Quốc Việt không hề tự ti mặc cảm . Ngay ván đầu tiên anh đã xuất sắc thủ hòa với Phanh Mệnh Tam Lang Vu Ấu Hoa, người đã từng vô địch Trung Quốc, rồi liên tiếp những ván sau đó , kỳ vương Đài Loan Ngô Quý Lâm và kỳ vương Hồng Kông Triệu Nhữ Quyền đều không thắng nổi anh và đành chịu ngậm ngùi chia điểm ! Nếu 3 nhà vô địch này (là những người được đầu tư tiền bạc, điều kiện tập luyện hiện đại, đầy đủ) mà biết rằng họ đã không thắng nổi một anh xích-lô Việt Nam, ắt hẳn họ sẽ còn kinh ngạc biết bao….

Ngòai đời Trần Quốc Việt sống hiền hòa tình cảm , khi vừa thủ hòa với Đặc cấp Đại Sư Vu Ấu Hoa xong, anh đã chạy đến nắm tay khán giả như để cùng chia vui. Và sau những ván đấu bức hòa kỳ vương Hồngkông, Đài Loan lừng danh , anh lại về ngồi thu mình nơi góc nhỏ quen thuộc của quán cà-phê cờ tướng vỉa hè , trong vòng vây thân thương của bạn bè hâm mộ….
23042010153
Xích-lô Việt Nam Trần Quốc Việt (trái) bức hòa Kỳ Vương Hồngkông Triệu Nhữ Quyền (phải) tại Cúp Phương Trang 2010.

Kể chuyện cờ Tướng P5 : Ván cờ cuộc đời

Chuyện làng cờ
p1040460
Trong giới thể thao, Hoàng Thị Hải Bình vang danh với danh hiệu QTĐS cờ tướng. Rời bàn cờ, cô là chủ cơ sở chuyên xuất khẩu các sản phẩm hàng thủ công làm bằng giấy...
Ván cờ cuộc đời...
Là tuyển thủ cờ tướng của đội Nữ TPHCM , nhưng Hải Bình luôn nung nấu suy nghĩ muốn làm được cái gì đó thật độc đáo. Sau thời gian suy nghĩ, tận dụng thời gian rảnh cô cùng một người bạn thân quyết định sản xuất mặt hàng giấy xếp thủ công để trang trí bàn làm việc, văn phòng. Hải Bình đích thân đến các vựa ve chai để lục lọi tìm mua giấy phế thải về làm nguyên liệu. Lựa được giấy về, cô cùng bạn cắt dán rồi làm mẫu thử. Hàng mẫu thành công, cả hai vui trào nước mắt vì thấy nó “đẹp và dễ thương quá”, rồi tính ra chi phí cao nhất cho một sản phẩm chỉ vài chục ngàn đồng. “Cũng quá rẻ!”. Ngay lúc ấy cô nghĩ: “Những sản phẩm này ai mà chẳng thích mua”. Thế nhưng, khi đưa ra thị trường, cô mới biết đây là điều không hề đơn giản.

Làm mẫu thành công, Bình và người bạn hồ hởi đi chào hàng. Thế nhưng ngày đầu tiên, sau khi trình làng “những sáng tạo” từ nơi sang trọng đến bình dân, từ siêu thị đến quán ăn, cả hai chỉ nhận được lời khen sản phẩm đẹp và lời từ chối mua hàng. Lúc này, cô và người bạn chỉ còn biết thở dài khi mân mê chiếc xe kéo ngộ nghĩnh, nhìn con thuyền mỏng manh, cái hình nộm đáng yêu, chiếc đèn có hình cô gái mặc áo dài duyên dáng... Hai người bèn ghi vào sổ tay bài học đầu tiên: “Phải tìm hiểu thị hiếu khách hàng trước khi tung sản phẩm”. Không bỏ cuộc, Bình lại tiếp tục chào hàng với hy vọng sẽ có người nhận ra giá trị của “những đứa con”. Nhưng 2 năm trôi qua, tia hy vọng cũng không le lói. Lúc này, Bình đành chấp nhận sự thật: “Sản phẩm chưa thể có chốn dung thân tại thị trường trong nước, chỉ còn cách tìm đường đưa ra nước ngoài mới mong vượt qua ván cờ nghiệt ngã này”. Nhưng không biết gì về marketing, đồng vốn cuối cùng vay mượn được cũng không còn, nhân lực chẳng có ai... nên cô chẳng biết xoay sở thế nào để hàng ra nước ngoài. Tưởng như đối thủ cuộc đời đã chiếu bí Nữ QTĐS đến nơi, tưởng rằng giấc mơ kinh doanh đã tan vỡ. Nhiều lúc Bình nản quá muốn “xếp cờ” nhưng nghĩ nếu bỏ cuộc là sẽ mất hết - danh dự, mong muốn, vốn liếng... Bình xem đây là ván cờ với đấu thủ lớn nhất trong cuộc đời và muốn thắng nên lại tiếp tục cố gắng.

Bình chuyển qua nghĩ ngay cách tiếp thị sản phẩm với người nước ngoài. Cô bèn huy động các bạn bè cờ tướng của mình mang sản phẩm ra khu phố tây Phạm Ngũ Lão để bán và lần tiếp thị này thành công rực rỡ. Vì sau đợt ấy, có khách hàng Thái Lan và Mỹ đặt hàng với số lượng rất lớn, rồi có cả công ty lớn muốn đến xem cơ ngơi sản xuất trước khi ký hợp đồng làm ăn lâu dài... Sinh lộ đã được mở. Nhưng một lần nữa, cô phải ghi vào sổ tay bài học về sự chuẩn bị. Vì cô và bạn mình chưa hề nghĩ tới trường hợp sẽ làm và bán được ngay một lượng hàng lớn như vậy nên chưa chuẩn bị nhân sự, xưởng sản xuất... Thế là cả hai đành ngẩn ngơ nhìn những cơ hội bán lượng sản phẩm lớn ra nước ngoài lần lượt trôi qua. Hy vọng đã lóe lên, Bình lại tiếp tục chào hàng với những công ty chuyên xuất khẩu. Và cuối cùng cũng có công ty nhận làm đầu mối xuất hàng cho Bình. Đơn vị này cũng gợi ý cho hai người làm những sản phẩm có giá trị sử dụng để dễ bán hơn như đĩa, tô, hũ có nắp đậy... Sau khi thử thách tay nghề, đối tác bắt đầu mang về cho Hải Bình những hợp đồng đầu tiên. Rồi lượng hợp đồng và mẫu hàng được đặt cứ tăng dần. Có mẫu khách hàng chỉ đưa ra ý muốn, có mẫu khách đưa hẳn mẫu đã thành hình... Và đến nay, cơ sở đã xuất được 26 mẫu sản phẩm ra nhiều quốc gia khác nhau với 3 dòng sản phẩm: hàng làm từ giấy tổ ong, từ giấy bào quấn và sản phẩm làm từ giấy đan, trong đó giấy đan là sản phẩm mới nhất với hai mẫu được chào hàng.
..và sự trở lại ngọt ngào !
Ngồi nhớ lại, Hải Bình cho rằng nhờ chơi cờ mà mình vượt qua được thời gian khốn khó đã qua. Vì người chơi cờ chuyên nghiệp phải sống bằng ý chí. Trong thi đấu, kỳ thủ cần phải trầm tĩnh, phải suy nghĩ vừa rộng vừa sâu để từ đó đưa ra quyết định: đi nước cờ nào. Bên cạnh vai trò bà chủ doanh nghiệp , Bình vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nữ tuyển thủ của đội tuyển cờ tướng TP.HCM. Và tại Giải vô địch đồng đội toàn quốc năm 2012 tại Nha Trang vừa diễn ra , Hoàng Thị Hải Bình đã thể hiện phong độ tuyệt vời khi đoạt ngôi vô địch cá nhân Nữ đồng thời giúp đội Nữ TPHCM đoạt luôn chức vô địch đồng đội Nữ ! Sau khi giành chiến thắng trong ván cờ cuộc sống , Hoàng Thị Hải Bình đã trở lại bàn son quân ngà với kết thúc hết sức ngọt ngào !
p1080438
Hoàng Thị Hải Bình (trái) trong ván cờ quyết định đem lại cú đúp vô địch 2012 ngọt ngào cho đội Nữ TPHCM .

Kể chuyện cờ Tướng P6 : Cờ Người

Chuyện làng cờ
conguoi1980
Cờ Người được chơi trong những dịp lễ , tết hay hội hè...Nếu trong cờ Tướng thông thường , bàn và quân cờ được làm bằng gỗ, nhựa, ngà....thì cờ Người bao gồm 16 chàng trai khỏe mạnh và 16 cô gái xinh đẹp...
Lịch sử hình thành đội cờ Người TPHCM
Cờ Người (một loại Cờ Tướng mà trong đó, Người được sử dụng như là quân cờ và nền đất hay sàn nhà được xem là bàn cờ ) được chơi trong những dịp lễ , tết hay hội hè dựa trên cơ sở là Cờ Tướng. Trong cờ Tướng thông thường , bàn cờ được làm bằng gỗ, nhựa, ngà voi .... Nhưng trong cờ Người, những quân cờ bao gồm 16 thanh niên khỏe mạnh và 16 cô gái xinh đẹp. Họ được điều khiển bởi tiếng trống trận được đánh bởi trọng tài mặc y phục màu đỏ và dải buộc đầu màu vàng . Người tường thuật phải thông thạo về bình luận cờ và quan trọng hơn là phải biết điều khiển quân cờ . Thông thường người bình luận mặc áo choàng màu xanh với tay áo rộng, vẫy lá cờ cho trận cờ Người bắt đầu. 32 nam nữ thanh niên là 32 quân cờ di chuyển vị trí khi có hiệu lệnh . Mỗi thế di chuyển là một bài quyền, mỗi nước cờ ăn quân là một trận tỷ võ kinh thiên động địa.
alt
Đội cờ Người TPHCM dàn trận chuẩn bị thi đấu biểu diễn ván cờ
Năm 1987, các thầy Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị phối hợp cùng CLB võ thuật NVH Thanh Niên TP HCM, võ sư Lê Văn Vân bộ môn Sa Long Cương và lão võ sư Từ Thiện, võ sư Hồ Tường thuộc bộ môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà phối hợp thành lập CLB cờ Người đầu tiên tại NVH Thanh Niên. Sau đó cố lão võ sư Từ Thiện cùng võ sư Hồ Tường giao cho võ sư Phan Văn Trung làm đội trưởng thành lập CLB cờ Người TPHCM đi biểu diễn suốt từ đó đến nay.
 Thi đấu biểu diễn cờ Người
Chương trình biểu diễn 1 trận cờ người bao gồm các tiết mục thật hấp dẫn : múa Lân khai mạc song hỷ, lộn xuyên vòng lửa, quân cờ cầm cờ múa bài đồng , song đấu binh khí , bày trận nghinh chiến ...Phong cảnh giao chiến của quân xanh và quân đỏ rất hoành tráng : cờ xí rợp trời, tay lăm lăm gươm giáo, trống, chiêng.... Một nước di chuyển trong ván cờ là một bài quyền cước hay sử dụng binh khí.
alt
Pha ra đòn kết thúc đẹp mắt của nước Mã ăn Pháo
Binh khí sáng giới, mũ khiên chỉnh tề, đồng thanh quyết đấu với đối phương để bảo vệ Tướng là nét đặc sắc của đội cờ người TPHCM mà không nơi nào có được. Mỗi lần ra chuẩn bị thi đấu cũng là mỗi lần quyết tử , mỗi nước ăn quân hay thí quân là dịp các quân cờ thể hiện một bài song đấu với những đòn thế khó khăn, có thể gây chấn thương bất cứ lúc nào.
  alt
Pha chém đầu Tướng Xanh giành chiến thắng của Nữ Tướng Đỏ
Sử dụng binh khí để biểu diễn trong thi đấu là một phần hấp dẫn của cờ Người Phương Nam. Đây là nét độc đáo khác với cờ Người ( cờ Bỏi) ở các lễ hội Miền Bắc . Biểu diễn cờ Người Miền Nam luôn là những trận tỷ thí võ công không nhân nhượng, quyết đấu gây hồi hộp cho khán giả ở bốn phía khán đài. Bạn thấy đấy , không khí của một trận cờ Người sôi nổi và nghẹt thở khác hẳn với không khí trầm mặc của một ván cờ Tướng thông thường...
Đời thường của những quân cờ Người
Có dịp cùng đội cờ Người TPHCM đi thi đấu biểu diễn tại nhiều nơi , ấn tượng đậm nét nhất của chúng tôi lại là những câu chuyện bên lề của những pha biểu diễn đẹp mắt...Ít ai biết , đằng sau những đòn đánh được khán giả tán thưởng nhiệt liệt ấy là nhiều năm trời khổ luyện , mồ hôi , nước mắt và cả máu nữa... Nhìn bàn chân đầy những vết sẹo cùng ngón chân vừa bị lật móng máu chảy ướt đỏ của một em võ sinh , bên tai tôi còn nghe thoảng lời của võ sư Phan Văn Trung : " Mỗi pha thi đấu của các em là mỗi lần lo lắng anh ạ, dù đã tập luyện dạy bảo các em nhiều năm , nhưng đao kiếm vô tình , chỉ cần 1 sơ sảy nhỏ là nguy hiểm khó lường ..."
alt
Để có được 1 pha biểu diễn như thế này , các em đã tập luyện từ khi còn nhỏ xíu...

Và cũng ít ai biết , để có được 1 buổi biểu diễn như vậy , thầy Trung , thầy Khoa và các em học trò đã miệt mài nhiều năm trên sàn tập . Sơ lược Giáo án huấn luyện VĐV Cờ Người Sơ cấp như sau :
Tháng 1 : Đòn căn bản, đạp thẳng, đạp ngang, óng, 8 thế tấn,
Tháng 2 : Té căn bản, sấp, ngửa, vượt chướng ngại, loan gậy ngắn, học những bài xoa bóp đơn giản khi bị chấn thương trong quá trình luyện tập.
Tháng 3 : Phóng đạp, bay óng láy, đạp láy, bài quyền Tứ Trụ, thể lực.
Tháng 4: Kiểm tra chương trình 3 tháng trước đó. Loan 2 cây. đòn gậy ngắn căn bản. Học cách di chuyển quân Cờ.
Tháng 5 : Vượt chướng ngại nhiều người, các thế đao căn bản ( 20 thế ), bài biểu diễn cơ bản 1,2,3.
Tháng 6 : Tế sấp, té ngửa mức độ khó, Các thế roi căn bản (20 thế ),bài quyền ,Long Hổ, Liên Hoa,
Tháng 7 : Chọn các quân di chuyển, huấn luyện phong cách té. Bắt cặp chỉ vài nét té cơ bản của biểu diễn ( óng té, đạp thẳng té, quăng gót té…). Bài đồng diễn 1.
Tháng 8 : Lộn vỏ xe, tập luyện di chuyển với binh khí thật, lăn khiêng, Truyền đạt tầm quan trọng của cờ Người, nét văn hoá cổ truyền của Việt Nam.
Tháng 9 : Chọn các cặp tương xứng tập bài biểu diễn. Tập luyện bài 4,5,6 cơ bản
Tháng 10 : Kiểm tra các bài biểu diễn chọn lọc và chỉnh sửa.
Tháng 11 : Lộn vòng lửa thật, bài quyền Yến Tử, Tứ Linh Đao. Học di chuyển bằng Lân.
Tháng 12 : Kiểm tra kết quả, biểu diễn bàn cờ thật . Tuyển chọn VĐV tiêu biểu tập luyện sang giáo trình Trung cấp.
alt
Đằng sau vẻ đẹp lễ hội này , cuộc sống của các quân cờ còn rất khó khăn...
Cùng ăn cùng ở với đội cờ Người TPHCM , chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh cảm động.. Hiếm có đội thể thao nào sống chan hòa với nhau như một gia đình như thế này , cả bốn thế hệ thầy trò , cha ông, con cháu... cùng chung một đội . Các em rất tự giác kỷ luật , lễ phép , biết sống chan hòa tập thể....dù cuộc sống còn rất kham khổ. Khó khăn nhất hiện tại của CLB cờ Người TPHCM là các quân cờ không sống được bằng nghề . Các dịp lễ hội trong năm để biểu diễn cờ Người vốn đã ít , loại hình đậm nét văn hoá nghệ thuật Việt Nam này lại còn chưa được nhiều người biết đến !

Hy vọng tương lai , đội cờ Người TPHCM sẽ được nhìn nhận một cách xứng đáng như những người bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Sẽ được nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể yêu thích Cờ Tướng biết đến và tạo điều kiện cho đội có nhiều dịp biểu diễn hơn nữa. alt

Kể chuyện cờ Tướng P7 : Thiên tài Phương Nam

Chuyện làng cờ
tran quoi1Hơn ba mươi năm trước , nhiều danh thủ đã từng đánh giá kỳ nghệ của Trần Quới bằng bốn chữ "Nhất bộ đăng thiên", ý nói trình độ cờ Tướng của Trần Quới chỉ một bước là lên tới trời..
Trần Quới sinh năm 1957, con của danh thủ Trần Anh Minh – một tay cờ người Hoa khét tiếng hồi thập niên 50 của thế kỷ 20. Nhiều tay cờ giang hồ nghe tên anh Lác- một biệt danh của Trần Anh Minh, đều khiếp đảm vì anh ta đi cờ nhanh như gió và ra đòn rất độc địa. Ngày trước có lần Trần Anh Minh lên xứ Chùa Tháp gặp lúc cộng đồng người Hoa ở đây tổ chức giải vô địch, anh ghi tên tham dự và đoạt được Cúp, khiến quần hùng ở PhnomPenh tôn vinh anh ta là Kỳ Vương Nam Vang. Như vậy Trần Quới là con của kỳ vương Lác nên cũng mang biệt danh như cha là Lác chảy, nghĩa là Lác con, ai hiểu là con của Lác cũng không sai. Bạn bè rất thích gọi biệt danh này, mà Trần Quới thì không bao giờ tỏ ra khó chịu hay phản đối, bởi bản thân anh không hề bị tí lác nào !

Do hoàn cảnh rất nghèo, Quới phải bỏ học từ năm lớp 8 để đi giang hồ kiếm sống bằng nghiệp đánh cờ của cha. Dáng tầm thước, gương mặt sáng láng, đôi mắt hơi nhỏ nhưng linh động, thông minh, khiến Trần Quới có vẻ điển trai là đằng khác. Quới suy nghĩ tính toán các nước cờ cực kỳ nhanh lẹ. Đặc biệt trong những thế cờ căng thẳng, anh luôn tìm được những nước đi chính xác nhằm củng cố thế trận mình và gây lúng túng cho đối phương. Nhiều người kể chính Trần Anh Minh dạy cho Quới những nước đi đầu tiên trong chơi cờ, nhưng sau đó Trần Quới tự mày mò theo dõi, học tập và thỉnh thoảng về nhà mới hỏi cha vài chỗ khó mà thôi.

Lần đầu tiên Quới làm ngạc nhiên làng cờ là năm 1977, tại giải Mừng Xuân. Lúc đó Quới đúng 20 tuổi và mặc dù tại giải này anh không thành công nhưng đã để lại một dấu ấn sâu sắc. Ngay 2 ván thua danh kỳ Lý Anh Mậu cũng là 2 ván lịch sử mang đầy kịch tính, vừa chứng tỏ sự thông minh của Quới vừa cho thấy sự non nớt của một con tuấn mã vừa mới trưởng thành. Không phải đợi lâu, ngay giải Mừng Xuân năm sau 1978, Quới đã vươn mình lớn nhanh như Phù Đổng, dũng mạnh đè bẹp quần hùng, đoạt chức vô địch một cách oanh liệt. Những danh kỳ lỗi lạc một thời, như Phạm Thanh Mai, Hứa Kim Thành, Trần Đình Thủy và Phạm Tấn Hòa đã phải nhường bước cho sức trẻ tiến lên. Năm 1979, tại giải Các Danh thủ hàng đầu của TPHCM , Trần Quới chiếm giữ ngôi Quán quân một cách thuyết phục trước các đàn anh. Rồi liên tiếp các năm sau, Trần Quới luôn khẳng định ví trí số 1 của mình tại các giải lớn nhỏ của TPHCM .Thời kỳ này, Quới mạnh dạn đi chơi cờ giang hồ từ các tỉnh, thành phía Nam ra đến miền Trung. Bất cứ nơi nào có tay cờ nổi tiếng, anh đều tìm đến khiêu chiến. Các cao thủ miền Trung nổi tiếng lúc bấy giờ như Nguyễn Thọ Phú, tức Xí (Nha Trang), Nguyễn Minh Trưng (Quy Nhơn) ,Phan Hiền Khánh(Phan Thiết), Hà Hồng Quan(Mỹ Tho)… đều đã so tài và tất cả đều là bại tướng của Trần Quới. Danh thủ Phan Hiền Khánh của Phan Thiết là tay cờ nhiều năm vô địch tại địa phương này, xưa nay chưa hề lùi bước trước bất cứ cao thủ nào ở suốt dải miền Trung. Thế mà khi gặp Trần Quới, anh bị đánh bại liên tục để cuối cùng Trần Quới phải chấp anh 1 Mã mà anh vẫn thua ! Sau này Phan Hiền Khánh nhớ lại và nói với bạn bè:” Trong cuộc đời chơi cờ của tôi, người mà tôi khâm phục nhất là Trần Quới. Vào thời kỳ tôi sung sức thế mà chú nhóc Lác chảy chấp tôi 1 Mã mà tôi vẫn thua , thì thử hỏi có tức không?"

Trong một thời gian dài từ những năm 1980 đến 1982, tại nhà Văn hóa Quận 5 (Đại thế giới) có tổ chức một kỳ đài mà người thủ đài chính là Trần Quới. Luật chơi trước nay vẫn thế: ai thắng được đài chủ sẽ được thưởng và sẽ thay làm đài chủ mới. Vậy mà không một cao thủ nào hạ được Trần Quới. Có một lần, vào Mùa Xuân năm 1978, Phòng VHTT huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé nay thuộc Bình Dương có tổ chức một trận đấu biểu diễn cờ Tướng : Trần Quới bịt mắt đánh cờ mù cùng một lúc với hai đối thủ mở mắt, đánh 2 bàn cờ riêng biệt. Thế mà Quới thắng cả hai. Tất cả những thành tích và tài năng tuyệt vời trên khiến khách mộ điệu bàn son quân ngà khâm phục gọi anh là thiên tài cờ Phương Nam.

Khoảng những năm 1983 -1984, có một tay cờ khá cao ở Hải Dương vào TPHCM , gặp cao thủ Hoàng Đình Hồng ( nay là HLV Trưởng đội tuyển QG) nói : "Ở đây có ai dám chấp tôi 1 con Mã không? Nếu có thì đánh cá cược bao nhiêu tôi cũng đánh." . Vài hôm sau , Hoàng Đình Hồng dẫn Trần Quới đến giới thiệu và hóa ra người khách lạ này chính là anh Hồng ở Hải Dương, một cao thủ cờ Tướng rất nổi tiếng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chính Kỳ Vương đất Bắc Nguyễn Tấn Thọ cũng nói mình chỉ có thể chấp Hồng Quán trọ - biệt danh của anh Hồng Hải Dương – một nước mà thôi. Thế mà Trần Quới đã chấp anh Hồng Quán trọ 1 Mã và đánh suốt hai ngày hai đêm. Kết quả Trần Quới thắng tổng cộng 5 ván khiến làng cờ miền Bắc rung động !

Còn chuyện sau đây do Lê Thiên Vị (nguyên HLV đội tuyển QG và TPHCM) chứng kiến kể lại : Trên đường Lạc Long Quân (Quận 11) có một tay rất mê cờ khiêu khích Trần Quới : " Nghe nói chú mày đánh cờ mù giỏi. Thế chú mày có dám đánh cờ mù chấp ta mở mắt không. Nếu mày chịu , ta sẽ chấp lại mày 1 con Xe với một điều kiện ?" . Trần Quới trả lời không do dự : " Sẵn sàng chấp ! Điều kiện gì, ông thử nói xem ? " . Tay cờ nọ nghiêm chỉnh nói : " Tao sẽ chấp lại chú mày 1 con Xe, nếu chú mày đồng ý cho ta đi một nước kín. Nghĩa là trong suốt ván cờ diễn ra, ta sẽ đi một nước nhưng không nói ra ta đi nước gì. Ta chỉ nói rằng ta đi nước kín! Lúc đó đến lượt chú mày đi. Nếu chú mày đi mà phạm luật thì chú mày bị xử thua. Ta nói như vậy, chú mày hiểu rõ chứ?" . Trần Quới đồng ý và thế là dưới sự chứng kiến của hàng chục người, bạn bè của hai bên, Trần Quới đã thắng cược liên tục mà không bao giờ vi phạm luật , khiến tay mê cờ kia thua quá chạy luôn, không dám chơi nữa ! Khi kể lại chuyện này, ngay ông Lê Thiên Vị cũng rất khâm phục Trần Quới và cũng không đoán ra được nhờ bí quyết gì mà Quới biết được nước cờ kín kia.

Ai chơi cờ, trí nhớ cũng đều tốt, nhưng trường hợp Trần Quới trí nhớ rất lạ thường. Chơi cờ, nhiều người đọc hết sách này qua sách khác mà chẳng nhớ bao nhiêu, còn Trần Quới chỉ học lóm mà nhớ không sót một biến hay phương án nào. Nhiều ván cờ đấu sau mấy tháng mà anh vẫn có thể biểu diễn lại không sai một nước. Nhờ có trí nhớ đặc biệt nên khi đã thua ai trận nào, thua chỗ nào, Quới cũng nhớ rất lâu và không bao giờ phạm phải lần thứ hai những sai lầm cũ . Một nhà nghiên cứu cờ nhận định về trình độ và tài năng của Trần Quới thời kỳ Quới đang ở đỉnh cao, vào năm 1988 như sau : “ Quới suy tính như thần long biến hóa, thấy đầu mà không thấy đuôi. Khi thắng thế thì bao giờ cũng thắng, lúc thất thế lại rất khéo léo thủ hòa. Lối chơi công, thủ kiêm toàn, đúng là một tài năng hiếm thấy.” Ở thời điểm này , Trần Qưới sẵn sàng chấp bất cứ danh thủ hàng đầu nào 1 nước Tiên và anh chưa bao giờ thất bại ! Các Kỳ Vương Trung Quốc và Hongkong như Hồ Vinh Hoa , Lý Chí Hải ..cũng khen ngợi hết lời khi xem một số ván đấu của Qưới.

Là một thiên tài , Quới chỉ cần nhìn qua một thế cờ, là đã có thể dự đoán ngay được diễn biến sắp tới. Đáng lẽ với tài phán đoán như thế, Quới cũng nhìn thấy trước được diễn biến của cuộc đời mình để tìm một phương án ổn thỏa nhất. Nhưng rất tiếc ở giai đọan lịch sử cuối thập niên 80, do nhiều nguyên nhân tác động khiến Trần Qưới ra đi tìm cuộc sống mới và mất tích giữa biển khơi kể từ đó. Càng tiếc hơn khi chỉ vài năm sau làng cờ Việt Nam mở cửa hội nhập với bạn bè thế giới , năm 1993 kỳ thủ Sài Gòn Mai Thanh Minh gây dấu ấn đầu tiên khi thủ hòa cả 2 danh thủ Trung Quốc là Triệu Quốc Vinh và Từ Thiên Hồng. Rồi liên tiếp những ván đấu có thắng có thua của các danh thủ Việt Nam trước đối thủ Trung Quốc hùng mạnh khiến người hâm mộ nức lòng, đồng thời cũng tạo nên sự tiếc rẻ là phải chi còn thiên tài Phương Nam Trần Quới....

alt
Nhị Ác Lê Nhị Trí (trái) và Tam Ác Trần Quới (phải) vào những năm 80 thế kỷ trước...

Kể chuyện cờ tướng P8: Khô Mộc Thiền Sư

Chuyện làng cờ
alt
Mang danh một nhân vật lừng lẫy võ lâm giang hồ : "Khô Mộc Thiền Sư", nhưng Dương Thanh Danh  lại nhỏ nhắn, hiền lành ít nói.Ông như một gốc cây cổ thụ già lặng lẽ tỏa bóng mát che chở cho các mầm non năng khiếu cờ Tướng TPHCM đâm chồi nảy lộc....
Vượt lên số phận, tạo dựng nghiệp cờ
Khoảng hơn ba chục năm trước, giới giang hồ cờ độ Sài Gòn bắt đầu chú ý đến một "thằng nhỏ" đánh cờ tuyệt hay, tính toán cực kỳ thông minh, sắc nét. "Thằng nhỏ" còn hay đi chung với thiên tài "Lác chảy" Trần Quới nên càng được chú ý nhiều hơn. Nhưng khác với kỳ vương Trần Quới - chuyên đánh độ, cờ bạc - "thằng nhỏ" kia đi xem đánh cờ, chơi cờ chỉ để học hỏi kinh nghiệm. "Thằng nhỏ" đó chính là Dương Thanh Danh. Rồi đường đời rẽ đôi hai ngả: Trần Quới cùng một nhóm bạn cờ bỏ quê hương ra đi và mất tích từ năm 1988. Còn Dương Thanh Danh thì lặng lẽ với đời, mải mê với sự nghiệp cờ,  kể cả đến khi làng cờ phong tặng cho ông danh hiệu Khô Mộc Thiền Sư lẫy lừng thiên hạ thì ông vẫn thế...

Dương Thanh Danh kể mình bị bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó, không thuốc gì chữa được. Cũng chính căn bệnh này đã cướp đi nhiều tài hoa của của làng cờ Sài Gòn khi tuổi đời họ còn rất trẻ. Đậu xong tú tài, bệnh phổi nổi lên nặng, ông phải bỏ học ngang. Vừa lo chữa bệnh , vừa phải mưu sinh bằng những việc nhẹ, chỉ lúc rảnh rỗi ông mới đến được với cờ. Nhờ tập thái cực quyền với quyết tâm bền bỉ, ông qua được cơn hiểm nghèo. Và cũng chính nhờ đức tính thật thà, không thích cờ bạc mà Dương Thanh Danh thoát khỏi cái bẫy của nghiệp cờ luôn giăng ra với các kỳ thủ : vì đánh độ nhiều, ăn uống thất thường, lao tâm khổ tứ suy nghĩ, nhiều kỳ thủ mắc bệnh lao phổi đã phải chết sớm hơn người thường.
Hỏi thật Dương Thanh Danh, đến giờ có nợ nần, bài bạc gì không, ông nhỏ nhẹ: "Mình tiêu xài cũng ít, chưa hề nợ nần gì ai". Ông cũng chẳng hút thuốc hay bia rượu. Nói về đánh cờ độ, thấy ông cũng không hứng thú: "Ngày xưa, cũng có thời gian vài năm đánh độ nhưng do hoàn cảnh. Đánh để học hỏi, cũng bị nhiều người kêu chơi giùm, họ hùn tiền vô cho mình đánh. Quan trọng là mình không thích cờ bạc nên từ hồi đó đến giờ không đánh độ nữa". Tóm tắt về con người Khô Mộc Thiền Sư, theo lão danh thủ Phạm Tấn Hòa là: " Anh Danh có nhân cách đáng kính, biết vượt lên số phận".

Người đi ươm mầm năng khiếu
"Từ 19, 20 tuổi trở đi, người mình lúc nào cũng chỉ được 36, 37 ký. Đi đánh giải, ngồi lâu chịu không được vì đau đầu. Cũng bị thua nhiều ván vì lý do sức khỏe" - ông Danh tâm sự. Mãi cho đến bây giờ, ông mới mập, rắn chắc hơn. Ông kể: "Mình mới mập lên sau này , giờ chắc cũng được hơn 45 ký, cũng nhờ bền bỉ tập luyện thái cực quyền, tháng ăn chay 4 ngày, ngày nào cũng đi dạy học ". Bước lại xe lấy bộ cờ trong túi xách trước giỏ xe, Khô Mộc Thiền Sư nói vừa mới đi đến trường dạy cờ cho một học sinh. Từ vài năm nay , Dương Thanh Danh được chuyển từ HLV Q5 lên đội tuyển TPHCM . Ông phụ trách đào tạo cho lớp năng khiếu gồm các em học sinh các lứa tuổi từ U9 đến U18 . Nhắc đến học sinh, thấy ông vui lắm: "Nhiều em còn nhỏ, chỉ 7-8 tuổi đã có năng khiếu. Các em gọi mình bằng thầy".

Hàng ngày , Khô Mộc Thiền Sư lại đều đặn lên lớp , chỉ dẫn cho các em ở đội cờ năng khiếu TPHCM. Có những bữa, các em kẹt học văn hóa không tập trung được, thầy Danh lại đến từng trường, dạy từng em một như bữa hôm nay. "Mình gặp các em là vui. Các em phải học văn hóa nhiều, cũng thông cảm . Nên mình chỉ dạy tại lớp, không ra bài về nhà". Nói chuyện về các học sinh thông minh hiếu động, chẳng nghe thầy Danh phàn nàn một tiếng, chỉ thấy khen: "Mình dạy các em khai cuộc, tàn cuộc, sửa cho các em các lỗi căn bản, hay gặp. Mong các em tiến bộ, sau này thi đấu giành giải".
Cứ mải miết lặng lẽ như thế , vậy mà nhiều tài năng năng khiếu của Sài Gòn đã xuất thân từ lò Dương Thanh Danh . Liên tiếp nhiều năm nay , TPHCM thống trị giải quốc gia ở các lứa tuổi trẻ nhờ từ những đóng góp của các em. Các phụ huynh biết tiếng đã đưa con đến tận nhà gửi gắm cho Khô Mộc Thiền Sư. Từ đó lớp cờ tướng năng khiếu ông đang dạy tại nhà được duy trì đều đặn dù ông không lấy học phí .Dương Thanh Danh tâm sự: "Mình ngòai 60 tuổi rồi , cuối đời không có niềm vui gì hơn dạy các em học. Những em nghèo mình đều dạy miễn phí , những em khác thì phụ huynh ép quá mình mới lấy...". Ông kể tiếp : " Mỗi lần 20/11 hay lễ tết vui lắm , phụ huynh đến nhà gửi tặng mình quà và thiệp chúc mừng". Hỏi quà gì , ông nói: "Người thì ký lạp xưởng, người thì thùng nước ngọt hay hộp bánh..."
Chia tay nhau giữa trưa hè Sài Gòn , thầy Danh lại vội vã đến lớp . Một người vì bệnh, phải bỏ học ngang, chưa được đào tạo kỹ năng sư phạm nhưng giờ được người đời tôn trọng gọi bằng thầy. Một kỳ thủ danh tiếng lừng lẫy nhưng cuối đời sống giản dị, trong sạch, chỉ mình ta với cờ, với các em học sinh. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn của thầy bước đi liêu xiêu giữa trời nắng gay gắt , lòng bỗng thấy mát rượi như gặp một gốc cây cổ thụ già xum xuê , đang uy nghi tỏa bóng mát cho học trò.

Kể chuyện cờ tướng P9: Độc Cô Cửu Kiếm

Chuyện làng cờ
017
Mai Thanh Minh được xem người đi tiên phong mang cờ Tướng Việt Nam hội nhập cùng làng cờ thế giới...
Với những thành tích nhiều lần đọat chức vô địch quốc gia , là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên đọat giải Phi Hoa Duệ và được phong danh hiệu Quốc tế Đại sư , Mai Thanh Minh được làng cờ tôn vinh gọi ông là Độc Cô Cửu Kiếm....
Con nhà tông , không giống lông cũng giống cánh
Mai Thanh Minh sinh ngày 07/03/1957, cùng tuổi với Trần Quới, là con thứ tư của ông Mai Văn Phú- người gốc Nam Định. Ông Phú vốn rất mê cờ từ khi còn ở quê nhà, sau này làm cho sở Trường tiền thì gia nhập làng cờ Hà Nội, quen thân với các cao thủ đất Thăng Long như Nguyễn Thi Hùng, Trương Trọng Bảo, Đặng Đình Yến, Nguyễn Tấn Thọ.. Trình độ lúc đó của ông Phú rất khá, thuộc lòng các chiêu thức trong Quất trung bí và Mai hoa phổ. Năm 1954, ông Phú vào Nam làm ở Sở Trường tiền Gia Định được bố trí nhà ở trong khu vực đỗ xe gần lăng Ông Bà Chiểu nên ông có điều kiện quen biết Lý Anh Mậu,Quách Anh Tú và một số anh em làng cờ Gia Định. Mai Thanh Minh được cha dạy cờ lúc mới 10 tuổi, hai người anh trai của Minh cũng biết chơi nhưng không ai đam mê. Chỉ có Minh hưởng được gien di truyền mạnh mẽ của cha nên từ khi theo nghiệp cờ thì không thể nào dứt ra được.
Mùa xuân năm 1979, Quận Phú Nhuận tổ chức giải vô địch cờ tướng , Mai Thanh Minh đã giành giải nhất một cách xuất sắc. Ngày đó, Minh vừa mới đi Thanh niên Xung phong về, đang điều trị bệnh sốt rét, mặt vàng như nghệ, thân hình gầy nhom, thỉnh thoảng lên cơn sốt run cầm cập. Thời gian này Minh rất tích cực luyện cờ, tìm gặp cao thủ Nguyễn Văn Tòng và thầy Ba Thái Văn Hiệp để học lý thuyết. Minh cũng thường đến nhà cao thủ bậc thầy đồng hương Pham Thanh Mai để được ông chỉ điểm, nâng cao công lực.
Năm 1985, TPHCM tổ chức giải cờ Tướng khu vực phía Nam. Trần Quới mặc dù chơi xuất sắc nhưng với thể thức tranh giải mới lạ, có đồng hồ chuyên dùng, đấu thủ phải tự ghi biên bản nên Quới thua Nguyễn Văn Xuân và hòa Lê Bỉnh. Mai Thanh Minh tận dụng ngay cơ hội, vượt lên đoạt chức vô địch. Từ đó Minh chính thức bước vào hàng ngũ những cao thủ hàng đầu đất Sài Gòn. Nhưng phải 7 năm sau nữa Mai Thanh Minh mới thực sự vang danh thiên hạ tại giải toàn quốc lần thứ nhất.
Nhà vô địch Việt Nam đầu tiên
Sau khi đất nước thống nhất được 17 năm , giải vô địch cờ tướng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 tại Đà Nẵng. TPHCM cử đội tuyển gồm các cao thủ: Nguyễn Bá Hùng, Dương Nghiệp Lương, Mông Nhi, Dương Thanh Danh, Mai Thanh Minh và Diệp Khải Nguyên tham dự. Trận chung kết giữa Trần Văn Ninh (Đà Nẵng) và Mai Thanh Minh quyết định ai là nhà vô địch đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ván cờ hay và cuốn hút tới mức hàng trăm người bên ngoài chen lấn cố sức đẩy ào cửa để tràn vào xem, BTC vất vả lắm mới đẩy lùi được họ ra ngoài. Kết quả Trần Văn Ninh thua và Mai Thanh Minh đã đi vào lịch sử cờ Tướng Việt Nam với tư cách là nhà vô địch đầu tiên.
Liên tiếp các năm sau đó 1993-1994-1995 , Mai Thanh Minh 3 lần đem chức vô địch quốc gia về cho TPHCM và làng cờ Sài Gòn gọi ông là Tứ Liên Bá. Năm 1998 Minh lại đọat ngôi vương và lập kỷ lục qua 7 lần tổ chức giải vô địch tòan quốc thì ông đã 5 lần giành được ngôi cao nhất, đây là một thành tích mà phải đến năm 2008 thì danh thủ Trềnh A Sáng (TPHCM) mới vượt qua được !
Người đại diện làng cờ mang chuông đi đánh xứ người
puta-3
Cố danh thủ QTĐS Mai Thanh Minh trong ván đấu gặp ĐC ĐS Liễu Đại Hoa (Trung Quốc) tại Cúp Phương Trang 2009.
Hùng bá làng cờ trong nước và được phong tặng danh hiệu Độc Cô Cửu Kiếm, Mai Thanh Minh nhiều lần khóac áo đội tuyển Việt Nam tham dự các giải quốc tế. Đặc biệt năm 1993 , lần đầu tiên cờ Tướng Việt Nam hội nhập cùng làng cờ thế giới qua giải vô địch thế giới tổ chức tại Bắc Kinh , trọng trách mang chuông đi đánh xứ người được đặt lên vai Mai Thanh Minh và đồng đội . Và tại giải này, Mai Thanh Minh đã không phụ lòng khán giả mộ điệu cả nước khi xuất sắc đoạt giải Phi Hoa Duệ , trong đó có những ván đấu bức hòa hai đặc cấp đại sư Trung Quốc là Từ Thiên Hồng và Triệu Quốc Vinh, khiến quần hùng thế giới kinh ngạc, thán phục. Báo chí Trung Quốc đã đưa tin về giải này, có viết: “Việt Nam bất ngờ xuất hiện trên kỳ đàn như một chú ngựa ô dũng mãnh. Rồi đây họ sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của cờ Tướng Trung Quốc”.
Đối với Mai Thanh Minh, ông được xem là người tiên phong trong thời kỳ hội nhập, với những thành tích quốc tế như sau :
- Năm 1993 : Hạng nhất Phi Hoa Duệ - hạng 10 cá nhân tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần 3 tại Bắc Kinh , hạng 6 Giải các danh thủ châu Á lần thứ 6 tại Thái Lan.
- Năm 1994 : hạng nhì đồng đội cùng Trương Á Minh, Trần Văn Ninh và Mông Nhi tại Giải Đồng đội Châu Á lần thứ 8 tại Macau. Sau giải này Mai Thanh Minh được phong danh hiệu Quốc tế Đại sư.
- Năm 1995: hạng 11 tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 4 tại Singapore , hạng 7 tại Giải cờ tướng các danh thủ Châu Á lần thứ 7 tại Malaysia.
- Năm 1997: hạng nhất Phi Hoa Duệ - hạng 4 cá nhân tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 5 tại Hongkong.
- Năm 1998: hạng 10 Giải Phật Thừa Bôi tại Hawaii được thưởng 3.000 USD , hạng nhì đồng đội tại Giải đồng đội Châu Á lần thứ 10 tại Giang Tô.
- Năm 1999 : hạng 3 Giải Phật Thừa Bôi tại Hawaii, được thưởng 19.000 USD( trong đó có 3.000 USD để làm từ thiện).
- Năm 2001 : hạng 3 đồng đội tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 7 tại Macau.
Mai Thanh Minh đột ngột từ trần sau cơn tai biến mạch máu não vào năm 2010 khi mới 53 tuổi ! Ông để lại cho làng cờ nhiều học trò xuất sắc như QTĐS Nguyễn Trần Đỗ Ninh , QTĐS Trần Chánh Tâm , KTQG Nguyễn Nhật Duy....

Kể chuyện cờ tướng P10: Chuyện tình không biên giới

Chuyện làng cờ

alt

Chuyện tình không biên giới của Nữ hòang cờ tướng Việt Nam Ngô Lan Hương và Quốc tế Đại sư Singapore Khang Đức Vinh...
Nàng - Nữ hòang cờ tướng Việt Nam Đặc cấp đại sư Ngô Lan Hương . Chàng - Quốc tế Đại sư tuyển thủ cờ tướng Singapore Khang Đức Vinh . Họ đã cùng nhau viết lên câu chuyện tình không biên giới làm bất ngờ giới mộ điệu của môn thể thao trí tuệ này....

Người đem huy chương vàng châu Á về cho Việt Nam 

Ngô Lan Hương là cô gái gốc Hoa giỏi cờ xinh đẹp , sinh năm 1979 tại Chợ Lớn. Cô biết đến cờ tướng khi phong trào chơi cờ được đưa vào các trường tiểu học và trung học cơ sở của TPHCM. Năm 1992 thầy Dương Thanh Danh là người phát hiện và dạy Hương những nước đi đầu tiên, sau đó là QTĐS Diệp Khải Nguyên dạy cho cô về chiến thuật và chiến lược trong cờ. Nhờ năng khiếu và rất thông minh nên Hương nhanh chóng tiến bộ, năm 16 tuổi cô được đưa vào đội tuyển nữ TPHCM do thầy Trần Tấn Mỹ phụ trách.

Năm 1997 Hương đoạt HCV giải trẻ nữ toàn quốc, năm 2002 lần đầu tiên vô địch A1 toàn quốc rồi HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV . Liên tiếp chín năm liền từ 2005 đến 2013 , Ngô Lan Hương không có đối thủ tại giải A1 toàn quốc, cô đã lập nên một kỷ lục khó ai phá nổi , đó là 10 lần vô địch Việt Nam !

Trên đấu trường quốc tế, Ngô Lan Hương đã nhiều lần khóac áo đội tuyển Việt Nam thi đấu thành công . Sau những thành tích như HCĐ Giải vô địch Châu Á , HCB Giải vô địch Thế giới , HCV Đại hội Indoor Game 2007 cô được phong tặng danh hiệu Đặc cấp Quốc tế Đại sư . Đến Giải vô địch Châu Á 2011 , Hương tỏa sáng rực rỡ vượt qua Trần Lệ Thuần (Trung Quốc) trong trận chung kết trở thành kỳ thủ Việt Nam đầu tiên đọat HCV châu Á. Với bảng vàng thành tích vô tiền khóang hậu như thế Ngô Lan Hương được giới hâm mộ yêu mến gọi bằng danh hiệu Nữ hòang cờ Tướng Việt Nam.

Chuyện tình không biên giới

Khi bất ngờ vượt qua Ngũ Hà - nữ Đặc cấp Đại sư Trung Quốc để giành ngôi vô địch tại ĐH thể thao châu Á trong nhà năm 2007, giữa một rừng hoa và những lời chúc tụng, Hương không hề để ý tới đôi mắt vô cùng thán phục của Khang Đức Vinh, chàng tuyển thủ Singapore gốc Hoa dành cho mình. Những tưởng đấy chỉ là sự quan tâm bình thường của một đồng nghiệp chơi cờ mà thôi, nào ngờ…

Suốt 3 năm ròng rã, Khang Đức Vinh kiên trì theo đuổi - trước tiên với tư cách một người bạn, người anh - mối quan hệ đôi bên (chủ yếu qua những dòng thư điện tử, trò chuyện qua điện thoại, chat…) dần trở nên thân thiết. Từ món quà đầu tiên là một lọ nước hoa, rồi tới những bộ quân cờ đẹp mà chàng sưu tầm được sau những chuyến đi, trao đổi những tài liệu cờ tướng mới - nghiên cứu của các danh kỳ thế giới - mà chàng lấy làm đắc ý, cứ thế 2 người ngày càng trở nên gắn bó hơn. Chàng chỉ thật sự ngỏ lời khi 2 bên gặp nhau tại giải vô địch thế giới năm 2009, nhưng cũng phải gần 1 năm sau nàng mới chấp nhận. Từ đó, năm nào Khang Đức Vinh cũng vài lần… thầm lặng sang Việt Nam thăm người yêu. Họ bí mật đến nỗi ngay cả những người bạn thân thiết với Hương cũng chỉ được biết mọi chuyện trước ngày cưới không lâu. Ai cũng tưởng, dường như với cô, chỉ có cờ tướng là tình yêu thật sự mà thôi...

Ngày 26/4/2012, hôn lễ của họ được tổ chức trang trọng tại TP.HCM trong niềm vui của tất cả bè bạn, gia đình , thầy cô và đồng đội của kỳ nữ họ Ngô. Đám cưới được tiến hành với đầy đủ những nghi lễ, thủ tục truyền thống của người Hoa. Lần đầu tiên người ta thấy một Ngô Lan Hương vốn cực kỳ giản dị và hay e lệ trước đám đông thật xinh xắn và rạng ngời hạnh phúc trong trang phục cô dâu. Đoạn kết của mối tình thơ mộng xuất phát từ niềm đam mê với cờ tướng và hoàn toàn không biên giới ấy thật tuyệt vời !
Sau đám cưới , Ngô Lan Hương đã không theo chồng về Singapore mà vẫn chung thủy cùng màu áo đội tuyển Việt Nam trong các giải đấu quốc tế sắp tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét