Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

VÕ THUẬT TINH HOA 67/g

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
CON ĐƯỜNG VÕ HỌC | CDVH #6 FULL | Nguyễn Trần Duy Nhất giao đấu võ sĩ môn phái Vovinam

Vovinam Võ Việt ra thế giới

TP - Không kể Judo của Nhật đã trở thành môn thể thao Olympic từ khá sớm, cách đây chưa lâu Hàn Quốc khá gian nan khi vận động đưa Taekwondo vào Olympic. Ở cấp độ thấp hơn, Indonesia đã đưa được Pencak Silat vào SEA Games thì tại sao Vovinam (Võ Việt Nam), tinh hoa võ Việt, lại không trở thành một môn thể thao quốc tế?
Vovinam tại SEA Games 27
Tinh hoa võ thuật
Thật xúc động khi chứng kiến cảnh các môn sinh nhiều sắc da trên khắp thế giới ngồi lạy tạ di ảnh của tổ sư Nguyễn Lộc bên dưới lá cờ đỏ sao vàng trong những lần trở về Việt Nam tham dự các giải đấu quốc tế của Vovinam. Vovinam có quá trình quốc tế hóa khá sớm và khá rộng khắp, nhưng cho đến bây giờ, tiến trình vận động để Vovinam trở thành một môn võ thể thao quốc tế mới có những dấu hiệu chuyển biến rõ nét.
Vovinam được sáng lập tại Hà Nội năm 1938 bởi Sáng tổ Nguyễn Lộc. Qua nghiên cứu về võ thuật Việt Nam và quốc tế, ông nhận thấy các phái võ Việt Nam rất độc đáo, không theo cương hay nhu nhất định, mà biến hóa, linh động tùy theo thể tạng mỗi người, mỗi địa phương. Từ việc nhận ra thực chất kỹ thuật của bài võ đến việc nhận rõ giá trị đặc thù của từng phái võ, đồng thời đối chiếu với đặc điểm tâm lý, thể tạng của người Việt, thấy cần phải xây dựng một môn võ mang tính dân tộc, khoa học và hiện đại, tổ sư Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm căn bản, đồng thời khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo một môn phái riêng đặt tên là VOVINAM (từ quốc tế hóa của cụm từ “Võ Việt Nam”). Cố võ sư Sáng tổ môn phái Vovinam cũng để lại lời di huấn là Vovinam phục vụ dân tộc và nhân loại.
Theo dòng lịch sử, Vovinam đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và du nhập vào nhiều nước trên thế giới. Tinh hoa võ Việt đã thực sự hấp dẫn hàng triệu môn đồ trên khắp thế giới như một lời giới thiệu về cốt cách, tinh thần thượng võ của người Việt Nam với quốc tế.
Hành trình gian nan
Đã từ lâu, câu cửa miệng “Ta chơi võ người” trên sân chơi đỉnh cao đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong làng thể thao Việt Nam. Nhưng giấc mơ, một ngày nào đó, trên những sân chơi quốc tế có tính chính thống, “người” sẽ chơi võ “ta” vẫn được những người làm võ Việt có tâm huyết ôm ấp dù đường đi lắm ghềnh nhiều thác.
Hơn 2.000 võ sinh Vovinam tại thủ đô Alger của Algeria
Học tập Olympic Seoul 1988 khi Hàn Quốc đưa môn Taekwondo của họ ra biểu diễn, lẽ ra Vovinam đã có cơ hội ra mắt bạn bè trong khu vực với tư cách là môn biểu diễn ở SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà, nhưng tiếc thay vì nhiều lý do, kế hoạch bất thành. Mãi 6 năm sau, Vovinam mới lại tìm thấy cơ hội khi Việt Nam chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao châu Á trong nhà (Indoor Games) lần thứ 3 vào năm 2009.
Phải nói rằng Vovinam đã có một hành trình ngược khi có nhiều giải đấu quốc tế ở trong nước và cả giải vô địch quốc gia trước khi Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được thành lập. Mãi đến 2007, VVF nhiệm kỳ đầu tiên (2007 - 2011) mới chính thức ra mắt giới mộ điệu võ thuật trong và ngoài nước. Như vậy, sau 69 năm hình thành và phát triển, Vovinam mới chính thức có một tổ chức xã hội hóa cao nhất để làm đầu mối thống nhất mọi hoạt động của Vovinam Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển của bộ môn trong cũng như ngoài nước. Sự kiện này đã đặt cột mốc quan trọng trong lộ trình quốc tế hóa môn võ Việt này.
Lộ trình quốc tế hóa tổ chức Vovinam diễn ra khá nhanh, khi chỉ 1 năm sau, cuối tháng 9/2008 diễn ra Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF) - một tổ chức xã hội cao nhất là đầu mối điều hành thống nhất mọi hoạt động của Vovinam quốc tế và thúc đẩy tiến trình phát triển của Vovinam trên trường quốc tế. IVF thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là giúp người dân Việt và bạn bè quốc tế đến với Vovinam nhiều hơn nữa, qua đó đẩy mạnh phong trào rộng khắp hơn; bảo tồn, phát huy các giá trị của Vovinam hiện đại song vẫn giữ được bản sắc môn võ thuật cổ truyền của dân tộc Việt; xây dựng, tổ chức các giải quốc tế, nỗ lực phấn đấu đưa Vovinam vào thi đấu tại các đại hội thể thao khu vực, châu lục, Olympic…
Nhưng vẫn còn một hành trình ngược mà Vovinam Việt Nam phải đi là đã có Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF) rồi mới có Liên đoàn Vovinam châu Á (AVF). Rất may là phía Iran nhiệt tình đồng ý chuẩn bị kỹ các bước để xúc tiến thành lập AVF và trụ sở chính được đặt tại thủ đô Teheran của nước này.
Năm 2015, Vovinam sẽ tiếp tục được VVF đẩy mạnh quảng bá với nhiều sự kiện quốc tế lớn như Giải vô địch thế giới lần 4/2015 vào tháng 7 tại Algeria, Giải vô địch Đông Nam Á lần 4/2015 vào tháng 8 tại Thái Lan, Giải vô địch Vovinam châu Á lần 3/2015 vào tháng 11 tại Ấn Độ.
VVF cũng sẽ mở rộng quan hệ giao lưu với các nước có phong trào Vovinam phát triển, quan tâm phát triển đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hong Kong…, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Brunei... nhằm có thể đưa Vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 29 năm 2017. Bên cạnh đó, VVF sẽ tổ chức tập huấn Vovinam cho các nước khu vực châu Á tham gia Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á 2016 do Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.
Tại châu Á, ngoài Việt Nam, Vovinam đã xuất hiện tại Afghanistan, Ấn Độ, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Iran, Iraq, Lào, Li-băng, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan. Ông Lê Quốc Ân, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVF) kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), ước mơ đưa Vovinam vào sân chơi ASIAD.
Dấu hiệu tốt lành
Sau khi được Đài truyền hình CNN (Mỹ) ghi hình và giới thiệu đến hàng triệu người trên thế giới vào tháng 11/2014, Vovinam Việt Nam sắp tới còn được Đài truyền hình TV5 (Pháp) giới thiệu đến với các nước nói tiếng Pháp và Đài truyền hình Áo giới thiệu trong chương trình “Đất nước và con người Việt Nam”.
Vovinam được đưa vào trường học
Năm 2015, VVF tiếp tục được Tập đoàn Dệt may Việt Nam đồng hành và tài trợ 1,2 tỷ đồng nhằm có thể hoạt động và quảng bá cho hình ảnh võ Việt vươn xa ra thế giới.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Vovinam đang có mặt ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu.
Không ít môn sinh nước ngoài đã về đất tổ Việt Nam tập huấn và một số HLV Vovinam cũng được mời sang châu Âu, châu Á và tận châu Phi xa xôi để quảng bá một nét văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.
Từ buổi lễ kỷ niện 70 năm hình thành và phát triển Vovinam (26/9/2008) tại TPHCM, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân hồi đó là Phó Thủ tướng đã xúc động trước hình ảnh hàng trăm võ sinh thiếu nhi biểu diễn các đường quyền, thế cước của Vovinam. Ông nói: Vovinam đã có sự lớn mạnh vượt bậc, mong VVF và IVF sẽ tiếp tục có kế hoạch, chiến lược để phát triển rộng khắp hơn nữa Vovinam trên toàn quốc cũng như trên toàn thế giới.
Ở trong nước, Vovinam liên tục tạo ra nhiều cơ hội cọ xát cho các võ sỹ Việt Nam nâng cao trình độ. Phong trào tập luyện Vovinam phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, thu hút đông đảo võ sinh tham gia tập luyện. Phong trào đặc biệt được đông đảo học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang tham gia. Vovinam cũng được quảng bá mạnh mẽ qua các cuộc giao lưu, thi đấu quốc tế.
Từ một môn phái manh nha tại Hà Nội vào mùa thu 1938, Vovinam giờ đây phát triển vượt bậc và mở rộng đến nhiều nơi trên thế giới, trở thành môn phái được đông đảo bạn bè khắp năm châu hâm mộ tinh thần thượng võ Việt Nam. Liệu Vovinam có sớm trở thành môn võ thể thao thi đấu chính thức tại ASIAD và xa hơn nữa là Olympic?
Hơn 2.000 võ sinh Vovinam tại thủ đô Alger của Algeria
Vovinam được đưa vào trường học

Là đệ tử chân truyền của cả hệ phái Vịnh Xuân Việt Nam và Vovinam – Việt Võ Đạo, võ sư Phan Dương Bình quy tụ cả tinh hoa võ thuật thế giới và võ cổ truyền Việt Nam. Bởi vậy, không chỉ là người đại diện của môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo của miền Bắc, Võ sư Phan Dương Bình còn là người có công lớn trong việc mang tinh thần võ học Việt quảng bá ra với thế giới.
Nhắc đến ông là giới võ thuật Việt nhắc đến một cao đồ của hai môn phái võ cổ truyền lớn nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam đó là Vịnh Xuân và Vovinam. Thế nhưng khi tìm hiểu về ông, chúng tôi được biết về một biệt danh rất dân dã nhưng vô cùng thú vị của ông đó là “Bình bún”, biệt danh gắn liền với một tuyệt kỹ võ công mà rất hiếm người có thể luyện được, đó là “Xúc cốt công” (trong chốc lát có thể tự co rút xương, cơ thể mềm oặt, có thể thu mình nằm gọn gàng trong rổ bún).

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng chúng tôi cảm thấy dường như lớp bụi thời gian đã không quá ảnh hưởng đến tinh thần và sự nhạy bén, tinh anh của một cao thủ võ học như ông. Trí nhớ minh mẫn, câu từ điềm đạm, chắc gọn, võ sư Phan Dương Bình bắt đầu kể cho chúng tôi về nghiệp võ của ông.

Trong con người của Võ sư Phan Dương Bình luôn tồn tại hai cốt cách “Cương nhu phối triển” của hai hệ phái Vĩnh Xuân và Vovinam. Bởi vậy, câu chuyện của chúng tôi với ông gắn liền với sự phát triển của hai môn phái này ở Việt Nam.

 Võ sư Phan Dương Bình
Về hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam, đây là môn phái do tôn sư Tế Công (một võ sư nổi danh của Trung Quốc) du nhập vào Việt Nam năm 1907. Nếu tôn sư Tế công là người đặt những viên gạch nền đầu tiên cho việc phát triển hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam thì võ sư Phan Dương Bình chính là một trong những người đã duy trì và phát triển hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam trở thành một môn phái lớn trong kho tàng võ cổ truyền của dân tộc.

Xuất phát từ mơ ước rất “hồn nhiên” từ thuở nhỏ của ông đó là muốn được hóa thân thành các nhân vật trượng nghĩa như trong truyện truyện kiếm hiệp, bởi vậy, khi được tôn sư Tế công nhận làm đệ tử, với tinh thần ham mê võ thuật cùng một năng khiến bẩm sinh, ông đã được truyền thụ những tinh hoa của Vịnh Xuân quyền. Từ đây, ông đã trở thành cao đồ của “ông tổ” hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam. Tên tuổi của ông lúc bấy giờ đã vang danh khắp trong và ngoài nước. Bởi vậy, đã có rất nhiều đệ tử đến tìm học ông.  Hiện nay, đệ tử hệ phái Vĩnh Xuân của võ sư Phan Dương Bình không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Không dừng lại ở đó, tinh thần ham mê võ thuật trong con người võ sư Phan Dương Bình đã luôn thôi thúc ông tìm tòi và khám phá những tinh túy võ học của các môn phái khác. Đây cũng chính là cái duyên của ông với môn phái Vovinam (môn võ do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1938 và hiện có mặt trên 60 quốc gia).

Vovinam là môn võ dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới. Với nguyên lý “cương nhu phối triển”, Vovinam được coi là môn võ thể hiện rõ tinh thần, cốt cách của người Việt. Chính vì đặc trưng này, khi tìm đến võ đường của võ sư Nguyễn Lộc, lúc này đang dạy cho những thanh niên Hà thành, ông đã rất mê và xin được làm đệ tử.

Về phía võ sư Nguyễn Lộc, sau khi được chứng kiến những quyền cước vô cùng uyển chuyển của Phan Dương Bình, ông đã mời lưu lại nhà để rèn luyện và phụ trách việc trợ giảng cho các môn sinh. Thời gian rèn luyện tại võ đường, ông đã hiểu được nhân cách của võ sư Nguyễn Lộc và cái hay của môn võ Vovinam, đặc biệt là thấu hiểu giá trị cao cả của võ thuật qua lời tâm sự của võ sư Nguyễn Lộc “Là võ sinh thì phải tôn thờ danh dự võ sĩ Việt Nam. Hiểu biết nhiệm vụ và nguyện hy sinh cho lý tưởng của người võ sĩ”.

Từ đó, võ sư Phan Dương Bình đã nguyện sẽ giành trọn đời mình để gìn giữ và phát triển môn võ mang đậm khí chất và tinh thần của người Việt. Võ sư Phan Dương Bình được coi là người đại diện của môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo miền Bắc, là người kế thừa và thực hiện di nguyện của võ sư Nguyễn Lộc là truyền bá Vovinam vào miền Nam.

Hiện nay, Vovinam đã không chỉ phát triển khắp miền Nam mà còn đường lan rộng đến khắp các nước trên thế giới. Năm 1995, ông đã cùng các võ sư trong Hội đồng lâm thời võ sư Vovinam – Việt Võ Đạo Hải Ngoại, ra tuyên cáo chính thức thành lập Hội đồng võ sư lãnh đạo môn phái. Đây là tiền thân của Tổng liên đoàn Vovinam thế giới sau này. Và hiện nay, Vovinam là môn võ duy nhất của người Việt đang có mặt ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Thành công này chính là một phần đóng góp không nhỏ của võ sư Phan Dương Bình.
 
86 tuổi, nhưng hàng ngày võ sư Phan Dương Bình giành 30 phút để tập khí công và dạy tại gia cho các môn sinh, mà hiện nay đều trở thành võ sư của hai môn phái Vĩnh Xuân và Vovinam. Đây chính là lý do, tại sao ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng võ sư Phan Dương Bình vẫn giữ được sự minh mẫn và nét tinh anh của một “đại cao thủ” võ học./.
(Theo Báo Ảnh Việt Nam)

Ngày hội lớn vovinam thế giới sôi động ở Paris

Giải vô địch thế giới lần thứ 3, triển lãm 75 năm phát triển cùng Ngày hội vovinam diễn ra đồng loạt tại Pháp là sự kiện quảng bá và thi đấu rầm rộ của môn võ Việt.

vovinam-1373103256_500x0.jpg
Đội tuyển Việt Nam dự giải vô địch vovinam thế giới. Ảnh: H.Long.
Đại gia đình vovinam thế giới những ngày này đang tề tựu tại thủ đô Paris để tham dự giải vô địch thế giới lần thứ 3 cùng các hoạt động giao lưu của Ngày hội vovinam tại Pháp. Sau hai lần đầu tổ chức tại Việt Nam dưới sự điều hành của Liên đoàn vovinam thế giới, giải lần đầu tiên diễn ra ở nước ngoài.
Giải năm nay diễn ra từ ngày 5 đến 7/7 tại Học viện Judo ở Paris, Pháp, đúng dịp trong 40 năm quốc tế hóa vovinam, 75 năm hình thành và phát triển môn võ. 232 võ sĩ đến từ 24 quốc gia trên thế giới tham gia tranh tài, trong đó đội tuyển Việt Nam có 29 VĐV.
Lễ khai mạc vào tối ngày 5/7 được tổ chức long trọng với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF),Nguyễn Danh Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn, Trưởng môn phái vovinam Việt võ đạo Nguyễn Văn Chiếu, Phó chủ tịch WVVF và Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Pháp Francis Didier,...
Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định, đây là sự kiện rất có ý nghĩa vì là giải vô địch vovinam thế giới đầu tiên được tổ chức ở ngoài Việt Nam. Việt Võ Đạo đã giúp các môn đồ phát triển trí tuệ và thể lực đồng thời rèn luyện tâm hồn trong sáng, tinh thần quả cảm, tăng cường tình hữu nghị quốc tế.
Bày tỏ vinh dự của Pháp được đăng cai tổ chức giải, ông Francis Didier cho biết các môn võ Việt Nam đã có ở Pháp từ nhiều thập kỷ qua, trong đó vovinam có sức hút lớn nhất. Hiện nay ở Pháp có khoảng 800 câu lạc bộ và khoảng 15.000 võ sinh. Chính vì vậy, Pháp có thể tự hào là điểm đến đối với các môn võ Việt Nam và là nước đầu tiên ở châu Âu có các môn võ Việt Nam du nhập.
vovinam1.jpg
Học viện Judo ở Paris, nơi tổ chức giải vô địch vovinam thế giới.
Trong ngày đấu đầu tiên, ở nội dung quyền, võ sĩ Việt Nam Trần Thế Thường với kỹ thuật chuẩn và thể hiện được cái hồn của bài thi đã giành được số điểm khá cao (281 điểm), qua đó giành tấm HC vàng đầu tiên của giải ở nội dung Ngũ môn quyền. HC bạc và HC đồng nội dung này lần lượt thuộc về Senegal, Nga.
Ngoài ra, Việt Nam còn tranh tài ở các nội dung Quyền còn lại như Song luyện mã tấu (Trần Thế Thường – Lâm Động Vượng), Thập Thế Bát Thức Quyền (Phạm Văn Thắng), Tự vệ nữ (Mai Thị Kim Thùy – Nguyễn Văn Cường), Đòn chân tấn công nam (Nguyễn Văn Cường – Nguyễn Bình Định – Phan Ngọc Tới – Huỳnh Khắc Nguyên).
Ngoài diễn biến sôi động của các cuộc thi đấu, gia đinh vovinam thế giới còn đón nhận tin vui khi Bangladesh trở thành thành viên mới nhất của WVVF.
Vovinam hiện đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành một môn phái ngày càng có nhiều người hâm mộ theo học và xem đó là triết lý sống mang tinh thần nhân văn, thượng võ.
Pháp được xem là quê hương thứ 2 của vovinam sau khi xuất hiện phong trào từ năm 1971. Từ đây, vovinam đã lan tỏa khắp châu Âu, châu Phi, góp phần giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
Hồng Long

'Vovinam tự hào được bạn bè khu vực và thế giới đón nhận'

Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới Võ Danh Hải chia sẻ niềm tự hào khi môn võ cổ truyền của dân tộc được quảng bá rộng rãi cũng như sứ mệnh của Vovinam Việt Nam tại SEA Games 27.

- Ông đánh giá thế nào về mức độ quảng bá của Vovinam ra tầm khu vực và thế giới?
- Chúng ta đã tiến hành một cuộc vận động rất dài hơi, với mục tiêu đưa Vovinam đến với cuộc thi đấu quốc tế bằng cách gửi rất nhiều chuyên gia, đưa nhiều đoàn vận động viên đi biểu diễn. Kết quả thu được là Vovinam đã xuất hiện ở ba  cuộc tranh tài quan trọng ở tầm quốc tế là Đại hội Thể thao Trong nhà châu Á - Asian Indoor Games - 2009, SEA Games 2011 và giờ là SEA Games 2013.
- Cảm nghĩ của ông thế nào khi Vovinam được đưa vào các nội dung tranh tài ở ba giải đấu lớn vừa nêu?
- Từ một môn võ cổ truyền của dân tộc, Vovinam đã phát triển thành một môn thể thao quốc tế. Chúng tôi, những người tham gia vào quá trình quảng bá, phát triển môn võ này, rất xúc động khi Vovinam được bạn bè khu vực và quốc tế đón nhận như là một môn thể thao cao thượng. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều điều phải nói về thành tích, về cách quảng bá, vị thế của Vovinam trong mắt bạn bè là rất đáng khích lệ.
vovinam-4643-1387429544.jpg
Vovinam đang từng bước được khẳng định vị thế ở các cuộc tranh tài quốc tế. Ảnh: Phương Minh.
- So với taekwondo hay karatedo, Vovinam có những khác biệt như thế nào trong quá trình hội nhập với các cuộc tranh tài quốc tế?
- Với việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới vào năm 2008, Vovinam đã đạt một cột mốc rất quan trọng trong quá trình quảng bá. Nhưng chúng ta khó có thể so sánh về mức độ đầu tư như của taekwondo hay karatedo. Tôi lấy ví dụ như taekwondo, một môn thể thao Olympic. Họ nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ nhà nước, từ các tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc. 
Về cách làm, chúng ta cũng học hỏi những môn thể thao kia, với việc cố gắng đưa Vovinam vào các cuộc tranh tài để đảm bảo mục tiêu thành tích cho thể thao Việt Nam, đồng thời thuyết phục các quốc gia khác cùng tham gia thi đấu với tôn chỉ cao thượng, trung thực. Chúng ta cũng đang xây dựng luật thi  đấu mới mà theo tôi khi đi vào áp dụng, ngay cả Việt Nam cũng khó có thể chiếm thế độc tôn.
- Liên đoàn Thế giới đã hỗ trợ các quốc gia khác như thế nào trong việc phát triển Vovinam?
- Từ năm 2007, chúng tôi tổ chức nhiều đợt đưa chuyên gia sang đào tạo cho Iran, một số quốc gia Trung Đông, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và một số nước châu Phi. Từ sự hỗ trợ ban đầu đó, Vovinam ở các quốc gia này đang phát triển mạnh. Riêng tại Đông Nam Á, chúng tôi đã cử nhiều chuyên gia hàng đầu sang nằm vùng ở Myanmar, Indonesia, Thái Lan và Lào.
Để chuẩn bị cho SEA Games lần này, phía chủ nhà Myanmar đã gửi hơn 40 vận động viên đỉnh cao của họ sang Việt Nam tập huấn suốt từ đầu năm. Sau đó, chúng tôi cũng cử năm chuyên gia tốt nhất sang hỗ trợ cho bạn trong công tác tổ chức thi đấu môn võ này tại SEA Games.
Danh-Hai-6055-1387429544.jpg
Tổng thư ký Võ Danh Hải (phải) trong một lần đi quảng bá Vovinam ở Iran.
- Nhiệm vụ của Vovinam Việt Nam tại SEA Games 27 lần này là gì thưa ông?
- Tại đại hội năm nay môn này có 18 nội dung thi đấu, trong đó có 12 nội dung quyền và 6 nội dung đối kháng. Về quyền, Việt Nam là vô đối trong khu vực. Nhưng Vovinam Việt Nam luôn phải quán triệt hai nhiệm vụ. Thứ nhất, chúng ta phải đảm bảo đóng góp thành tích cho đoàn thể thao Việt Nam. Thứ hai, chúng ta phải quảng bá, giới thiệu Vovinam cho các quốc gia khác để góp phần vào chiến lược dài hơi nhằm giúp môn võ này tiếp tục hiện diện ở các cuộc tranh tài về sau.
- Vậy chỉ tiêu cụ thể của Vovinam tại SEA Games năm nay là bao nhiêu HC vàng thưa ông?
- Chúng tôi chỉ đặt mục tiêu đoạt từ năm đến sáu HC vàng.
Phương Minh (từ Nay Pyi Taw)

Chân dung võ sư Vovinam trên truyền hình Mỹ

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trả lời kênh truyền hình nổi tiếng CNN về quãng đường học tập và truyền bá môn võ dân tộc Việt Nam.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu được kênh CNN chọn làm nhân vật cho chương trình "Human to Hero" (Từ người thường thành người hùng) với chủ đề về môn Vovinam. Ông là chánh chưởng quản môn phái và là phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF). Võ sư Nguyễn Văn Chiếu từng đi dạy Vovinam tại 20 nước và có công quảng bá bộ môn võ thuật của Việt Nam trên toàn thế giới.
Trong phóng sự của CNN mang tên "Nguyễn Văn Chiếu: Người truyền võ Việt Nam", võ sư 65 tuổi được miêu tả như người cống hiến cả cuộc đời để đưa môn võ truyền thống của Việt Nam tới mọi người. Ông có thể nghỉ ngơi sau bốn thập niên cống hiến nhưng cho rằng vẫn còn nhiều điều phải làm cho Vovinam.
1-7112-1417145183.jpg
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trên trang tin của CNN. Ảnh: CNN.
"Giấc mơ của tôi là mở một học viện Vovinam thật lớn cho tất cả mọi người trên thế giới có thể tới theo học và nghiên cứu môn võ này", võ sư Nguyễn Văn Chiếu nói trên kênh CNN. "Vovinam phù hợp với tất cả mọi người, có thể đào tạo trong lực lượng vũ trang cũng như dùng để phòng thân".
Vovinam được cố võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo tại Hà Nội vào năm 1938. Đến nay Vovinam được quảng bá và giảng dạy trên 50 quốc gia, thu hút hàng triệu môn sinh theo tập. Theo võ sư Nguyễn Văn Chiếu thì Vovinam là môn võ hoàn chỉnh, có cương nhu phối hợp bên trong các đòn thế đa dạng.
2-2074-1417145184.jpg
Lớp học của võ sư Chiếu ở TP HCM. Ảnh: CNN.
Không chỉ sử dụng các đòn ném, quật, đấm, đá mà Vovinam còn có thể phối hợp khi dùng vũ khí. Chiêu thức đặc trưng của môn võ là đòn khóa bằng chân có thể vô hiệu hóa đối thủ bằng việc kẹp một phần cơ thể, thường thấy nhất là cổ. Đây là chiêu thức có cả sự đẹp mắt và hiệu quả. Tuy sở hữu các chiêu thức đa dạng nhưng Vovinam vẫn đề cao sự điềm tĩnh và ý chí của bản thân. Triết lý của môn võ là đào tạo một công dân tốt cho xã hội, không phải một người chuyên chiến đấu.
Phóng sự Nguyễn Văn Chiếu: Người truyền võ Việt Nam
CNN phát sóng Vovinam trên toàn thế giới
 
 
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu theo tập Vovinam từ năm 16 tuổi và bắt đầu công tác giảng dạy từ những năm 1970. Sau đó ông trở thành giám đốc một trung tâm đào tạo tại Bình Định.
Sau khi đất nước thống nhất, ông là người đầu tiên gây dựng lại môn võ Vovinam tại TP HCM vào năm 1978. Thành công tại quê hương trong những năm 1980 khiến võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng ánh nhìn ra nước ngoài. Ông tổ chức các hoạt động biểu diễn võ thuật ở hơn 20 quốc gia, bắt đầu tại Belarus năm 1990. Đến nay có khoảng một triệu người theo tập Vovinam tại Việt Nam và hơn nửa triệu người ở 52 quốc gia khác trên thế giới.
Tính riêng tại Pháp đã có 10 nghìn người học mới chỉ trong đầu năm 2014. Thành phố Paris cũng vừa đăng cai giải vô địch thế giới Vovinam lần thứ tư. Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Pháp, Nguyen Hung nói: "Vovinam xuất phát từ Việt Nam và giờ trở thành môn võ cho mọi người".
Sự lớn mạnh của Vovinam dần được công nhận trên toàn thế giới. Năm 2009, Vovinam được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á trước khi lần đầu có mặt ở SEA Games hai năm sau.
c4-8709-1417142110.jpg
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu cùng các thành viên đội tuyển Vovinam TP HCM. Ảnh: CNN.
Ngồi trong võ đường nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM, võ sư Nguyễn Văn Chiếu có thể nhìn lại chặng đường dài mà ông đi qua với niềm tự hào.
"Tôi đã dành cả cuộc đời cho môn võ này dù nó không mang lại cho tôi sự giàu có. So với những người làm công việc khác thì tôi thậm chí còn nghèo hơn", ông nói. "Tôi làm bởi đam mê và tinh thần võ học của Vovinam. Tôi đã theo học để rồi dạy lại mọi người như trả món ân huệ cho những người thầy của mình. Đây là số phận".
Dù ở tuổi gần thất thập nhưng ông vẫn đủ dẻo dai để thực hiện các bài tập. Đối với võ sư Nguyễn Văn Chiếu thì Vovinam lúc này như một người bạn giúp ông giữ sức khỏe, tinh thần minh mẫn và tránh những thói quen có hại.
Bảo Lam

Rất khó để ghép Võ cổ truyền và Vovinam thành môn Vovietnam

Cập nhật, 13:38, Thứ Tư, 28/02/2018 (GMT+7)

Vovinam tại Vĩnh Long được phát triển rất tốt (ảnh tại Giải Vô địch tỉnh) và có nhiều gương mặt xuất sắc được tuyển chọn vào ĐT tỉnh, quốc gia đã giành HC tại giải thế giới.
Vovinam tại Vĩnh Long được phát triển rất tốt (ảnh tại Giải Vô địch tỉnh) và có nhiều gương mặt xuất sắc được tuyển chọn vào ĐT tỉnh, quốc gia đã giành HC tại giải thế giới.
Ông Huỳnh Thành Công- Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Võ thuật tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Vovinam- cho rằng đề nghị “thống nhất 2 môn võ thuật dân tộc là Vovinam và Võ cổ truyền làm một là Vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế” của ông Hoàng Vĩnh Giang (với vị trí là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam kiêm Trưởng Ban chuyên môn và luật của Ủy ban Olympic Việt Nam-VOC) là việc đang gây ra những tranh cãi “nảy lửa” trong cộng đồng võ Việt trong suốt những ngày qua.
Giới võ thuật nhận định, với tên gọi mới là Vovietnam, đề xuất này chẳng khác nào khai tử luôn 2 loại Võ cổ truyền và Vovinam. Nói rộng ra, đề xuất này “chẳng giống ai” và hoàn toàn đi ngược với sự phát triển chung của nền võ học dân tộc.
Cùng quan điểm không đồng ý, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (Chánh chưởng quản môn phái Vovinam- Việt Võ đạo) cho rằng: “Vovinam đã có Liên đoàn thế giới, liên đoàn các châu lục và hoạt động đâu ra đó. Thậm chí, Vovinam cũng từng được đưa vào thi đấu chính thức tại SEA Games thì tại sao phải ghép chung với môn Võ cổ truyền. Tôi nghĩ môn nào thì ra môn đó, chứ sao đi sửa tên tuổi môn phái lại như vậy. Chúng tôi còn liên đoàn thế giới nữa”.
Trong khi đó, TS. Võ Danh Hải- Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới, người từng nhiều năm làm công tác quảng bá võ thuật Việt Nam ra quốc tế- cho rằng: “Sáp nhập Võ cổ truyền và Vovinam sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết và nặng nề hơn có thể dẫn đến sự mất đoàn kết giữa 2 môn võ.
Giả sử Võ cổ truyền và Vovinam được gộp thành một thì chúng ta sẽ lấy nền tảng kỹ thuật, hệ thống thi đấu của môn võ nào làm nền tảng phát triển? Việc sáp nhập 2 môn võ thuật dân tộc của Việt Nam với bất cứ lý do gì cũng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và là bước thụt lùi trên chặng đường phát triển võ thuật Việt Nam”.
Trước hết, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã được thành lập và hoạt động rộng khắp trong nước có hệ thống thi đấu cấp quốc gia từ hơn 20 năm qua.
Trong khi đó, Vovinam sau 80 năm thành lập (1938- 2018) và hơn 40 năm phát triển quốc tế, đã phát triển rộng khắp trên 60 quốc gia, Liên đoàn Vovinam thế giới ra đời vào năm 2008, Vovinam chính thức được đưa vào các kỳ tranh tài đỉnh cao của khu vực và châu lục: SEA Games (2013 (Indonesia), 2015 (Myanmar)); ASIAN Indoor Games 2009; ASIAN Beach Games (2017).
Võ cổ truyền Việt Nam và Vovinam là các môn phái võ thuật truyền thống của Việt Nam nhưng có sự tách biệt về bản sắc, triết lý, kỹ thuật, luật lệ thi đấu và cả lộ trình phát triển. Giới chuyên môn cho rằng “việc sáp nhập Võ cổ truyền và Vovinam sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường trong tương lai”.
DƯƠNG THU (tổng hợp)

Tuyệt chiêu Vovinam: Đòn chân kẹp cổ

13 Th5
Đòn chân kẹp cổ là một trong những đòn đánh rất đẹp mắt của môn võ Vovinam, các võ sĩ tung người lên cao kẹp cổ đối phương và bẻ gập xuống. Đây là đòn thế độc đáo và đặc trưng của môn võ này.

1. Mục đích đánh đòn chân:
Đòn chân là đòn quyết tử, khi sử dụng đòn chân là người đánh muốn kết thúc trận đấu, và đây cũng là đòn sinh tử. Tại sao gọi là đòn sinh tử? Vì khi ta đánh ra nếu đánh chính xác, trúng địch thủ là ta đánh thành công, địch thủ sẽ bị té nhào tùy đòn mà bị thương tích nặng hay nhẹ, nhẹ thì có thể bị thương, nặng thì có thể bị gãy cổ, bể đầu…
Nhưng nếu đánh không trúng, địch thủ né được và có thể phản công được thì người đánh sẽ bị thương trầm trọng… do đó không bao giờ dùng đòn chân tấn công khi đối phương ở thế thượng phong (tức là còn khoẻ, có sự chuẩn bị). Chúng ta chỉ dùng đòn chân khi đã dồn đối phương vào sự mệt mỏi không chú ý hoặc không thể đỡ đòn nổi nữa rồi bất kỳ xuất ý mới đánh đòn chân…
Đòn chân khi dùng để đánh đối phương là chúng ta đứng sát với đối thủ có xa thì chỉ 3 bước thôi chớ không phải từ xa chạy lại đánh như khi chúng ta tập. Do đó đòi hỏi người đánh đòn chân phải là người luyện tập nhuần nhuyễn và có sức bật bay cao tại chổ không cần lấy đà từ xa… vì khi ra đường giao đấu không ai đứng sẵn cho mình đánh cả.
2. Phương Pháp Tập Đòn Chân:
Khi tập đòn chân người chịu đòn lẩn người đánh đòn trước hết phải học cách té, té làm sao cho an toàn không bị thương tích, bể đầu sứt trán…
– Người chịu đòn phải là người gan dạ và đúng tấn cho cứng chắc, để chịu nổi sức nặng của người đánh, thậm chí có thể nắm giữ người đánh lại cho người đánh được an toàn rồi mới từ từ té xuống.
 Tuyệt chiêu Vovinam: Đòn chân kẹp cổ
– Người đánh những đòn chân từ số 6, 7, 8… phải tập nhảy xung lực cho cao… phải tập ở ngoài trước, tập nhảy ngang qua sợi dây hay nhảy ngang qua người tối thiểu phải nhảy ngang qua khỏi ngực, rồi sau đó tập bay đạp vào một vật chắn, tập bay đạp từ thấp rồi dần dần bay lên cao, người tập phải tập lấy đà dậm 1 chân nhảy lên bay đạp và học cách rớt xuống cho an toàn bằng 2 chân.
– Từ những đòn số 9, 10 người đánh phải biết cách chống tay té sấp và lăng ngang cho sức té bớt trọng lực nhẹ đi tránh cách té nặng nề dễ gây thương tích.
– Những đòn từ số 11 trở lên bay kẹp cổ, người đánh cần phải tập cách để chân lên cổ như thế nào, người chịu đòn đứng thấp cho người tập gác chân lên cổ, rồi chống 2 tay xuống đất nhiều lần khi được rồi mới kẹp hẳn và bẻ lật ngang cho đối phương té xuống trước. Khi đã biết cách đánh rồi mới nâng lên tầm cao. Sau đó là đứng thẳng tập bay kẹp với sự trợ giúp của huấn luyện viên, khi được rồi mới đánh một mình.
Trên đây là phương pháp căn bản từng bước dùng cho người mới tập để bảo đảm an toàn cho người chịu đòn lẫn người đánh đòn, nếu chúng ta tự dưng nhảy vào đánh liền sẽ bị thương tích rồi sẽ bị nhát đòn, và từ đó sẽ không dám đánh nữa…
*. Khi đã thành thạo rồi mới bay đánh thật, người chịu đòn phải đứng tấn thật chắc và đứng yên không nên nhát đòn, đừng khi thấy bạn mình chạy tới đánh sợ đòn lùi ra, làm như vậy sẽ làm cho bạn mình bị té, bị tai nạn. Người chịu đòn khi thấy bạn mình bay tới đánh phải gồng người lên hít một hơi thật sâu đứng tấn cho vững, khi bạn mình đánh xong rồi mới thở ra và té xuống.
*. Còn người đánh đòn phải nhảy cho thật cao đúng vào tâm điểm kẹp cho dính tránh kẹp hụt bị rớt giữa chừng sẽ bị tại nạn. Khi lên trên không và đã kẹp cổ được rồi, dùng hai chân xiết chặt cổ đối phương bằng đùi rồi ưỡn mình để cả cơ thể căn cứng, ở vị trí này, hai chân chéo vào nhau, cơ thể căng cứng khiến cho “vòng thắt cổ ” xiết chặt lại. Trong bước này cả cơ thể chúng ta phải căng cứng để cho đối phương không thể thở được. Bước kế tiếp là vặn người xoay ngang để bẻ gập cổ đối phương kéo xuống, theo đà người đánh đưa 2 tay chống xuống đất cho an toàn rồi mới vặn ngang người bẻ cổ đối phương cho lộn ngang.
Giang Lê (Theo Thư Viện Vovinam)

"Quốc võ" Việt Nam triệt hạ đối thủ trong chớp mắt

Lê Sơn |
"Quốc võ" Việt Nam triệt hạ đối thủ trong chớp mắt

Là “Quốc võ” của Việt Nam, Việt võ đạo - Vovinam sở hữu nhiều sát chiêu có thể khiến đối thủ gục ngã trong chớp mắt.

Đòn chân tấn công
Đây được coi là “đặc sản” nổi bật nhất của Vovinam.
Tuy nhiên khả năng áp dụng ngoài thực chiến khó hơn so với các kỹ thuật phản đòn và khóa gỡ (đề cập ở dưới), đòi hỏi người thực hiện phải tập luyện một cách cực kỳ thuần thục và linh hoạt.
Hệ thống đòn chân tấn công của Vovinam chia làm 21 chiêu, thực chất là dùng chân để tấn công vào điểm yếu hoặc quật ngã đối phương.

Vovinam có nhiều đòn chân đẹp mắt nhưng chưa thật hiệu quả.
Vovinam có nhiều đòn chân đẹp mắt nhưng chưa thật hiệu quả.
Đòn chân có thể dùng để đánh vào khớp cổ chân, khớp gối, bụng, mặt, gáy hoặc kẹp cổ để quật ngã đối thủ.
Nhìn chung các đòn chân của Vovinam bao gồm cả ưu và khuyết điểm. Ưu điểm rõ ràng nhất chính là tính chất bất ngờ và tạo ra lực tác động mạnh.
Tuy nhiên nhược điểm lại là khó thực hiện và trong thực tế có thể sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” nếu không thực hiện thành công.
Giả sử nếu bay người lên kẹp cổ đối phương mà… trượt thì rất dễ tạo cơ hội cho đối phương thực hiện các đòn phản công.

Nếu bị đỡ đòn, người tấn công sẽ gặp nhiều nguy hiểm.
Nếu bị đỡ đòn, người tấn công sẽ gặp nhiều nguy hiểm.
Đòn chân Vovinam áp dụng trong đối kháng
Vật và chỏ
Nhờ tính hiệu quả, vận dụng vào thực chiến tốt nên Vovinam ngày càng được đào tạo một cách rất bài bản ở các lực lượng vũ trang Việt Nam (quân đội và cảnh sát).
Trong đó đoàn Vovinam Quân đội được đánh giá rất mạnh trên cả nước.
Vật và chỏ là hai vũ khí được đánh giá rất lợi hại của Vovinam. Theo nhiều nhà nghiên cứu võ thuật, Vovinam có vật hiệu quả như Judo và chỏ như Muay Thái.
Mặc dù có bắt nguồn từ vật cổ truyền nhưng vật trong Vovinam được đúc kết và phát triển đi kèm với một số thế võ để trở nên “hiểm” hơn.
Thông thường khi luyện tập, các võ sinh sẽ được tập các thế vật riêng biệt sau đó tập ghép lại thành những bài đối luyện.
Trong khi đó các đòn đánh bằng cùi chỏ của Vovinam cũng rất đa dạng. Thông thường các võ sinh mới nhập môn đã bắt đầu được học về các thế chỏ (được tổng hợp thành bộ chỏ).
Các đòn đánh chỏ của Vovinam thường tấn công vào những vùng “nhạy cảm” và dễ tổn thương của đối thủ như thái dương, mặt, yếu hầu, cằm, hay đỉnh đầu…
Do tính chất sát thương cao của các đòn chỏ nên giống với Muay Thái, đòn này hoàn toàn bị cấm trong thi đấu thể thao.
Tuy nhiên nếu áp dụng ngoài thực chiến thì đây lại là đòn mang lại hiệu quả rất lớn.
Vật trong Việt võ đạo
Hệ thống phản đòn
Nhiều người lầm tưởng rằng, Vovinam – Việt võ đạo là môn thiên về biểu diễn.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác khi đây là môn võ được đánh giá rất cao ở khả năng thực chiến với rất nhiều đòn hiểm.
Trong đó, phải kể tới một hệ thống phản đòn cực kỳ hiệu quả. Phản đòn của Vovinam được chia làm 3 cấp độ, từ dễ đến khó.
Có hàng chục các kỹ thuật phản đấm, phản đòn đá, đạp, phản đòn khi đối phương dùng vũ khí…

Phản đòn đấm trong Vovinam.
Phản đòn đấm trong Vovinam.
Hệ thống phản đòn của Vovinam thực tế không quá khó tập, có thể áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, độ tuổi và thể trạng sức khỏe.
Từ một em nhỏ đến một cụ già hoàn toàn có thể áp dụng các chiêu thức phản đòn của Vovinam.
Hệ thống này bắt nguồn từ nguyên lý liên hoàn của môn phái. Một đòn thế Vovinam tung ra luôn có tối thiểu 3 động tác theo nguyên tắc “một phát triển thành ba”.
Giả sử, muốn phản đòn đấm thẳng tay phải của đối phương, võ sinh sẽ bước chân trái sang bên trái cùng lúc dùng tay phải gạt tay đấm đối phương để tránh né.
Sau đó phản công bằng cách dùng tay trái chém vào mắt, mặt hay yết hầu và kết thúc bằng cú đấm thấp tay phải vào bụng đối phương.
Hoặc muốn phản lại đòn đá tạt, ta chủ động xoay người, đan chéo chân và dùng hai tay để bắt chân đối phương, sau đó thực hiện đòn “quét chém triệt” sở trường của môn phái.

Phản đòn chống vũ khí trong Việt võ đạo.
Phản đòn chống vũ khí trong Việt võ đạo.
Nói chung, có thể đó là những động tác liên hoàn bằng tay (chém, xỉa, đấm, bật, chỏ…), hay bằng chân (đá, đạp, quét, cài, móc…), hoặc đòn tay kết hợp với đòn chân (chém quét, triệt ngã…).
Lối ra đòn này nhằm tạo lợi thế khi tự vệ và chiến đấu, phù hợp với thể trạng nhỏ bé nhưng nhanh lẹ và linh hoạt của người Việt Nam.
Đồng thời đây cũng là biện pháp đề phòng trường hợp 1 hoặc 2 đòn ban đầu đánh chưa trúng đích.
Phản đòn của Vovinam được đánh giá rất thực chiến và nếu thực hiện đúng kỹ thuật và đủ lực, hoàn toàn có thể gây ra những chấn thương rất nặng cho đối thủ.
Phản đòn căn bản trình độ 2
Khóa gỡ
Không giống các môn phái cổ truyền khác, Vovinam bao gồm hẳn một hệ thống các kỹ thuật khóa gỡ. Đó là những chiêu thức hóa giải và phản công khi bị đối phương khống chế.
Tương tự như hệ thống phản đòn, khóa gỡ cũng được chia làm 3 cấp độ tùy theo trình độ của từng học viên và cũng không quá khó để áp dụng ngoài thực chiến.
Thông thường ngay khi nắm vững các kỹ thuật căn bản (tấn, đấm, đá, té ngã…), các môn sinh Vovinam sẽ được tập luyện các kỹ thuật khóa gỡ (khi bị đối phương thực hiện các động tác khống chế như nắm tóc, nắm áo, nắm tay, bóp cổ, ôm ngang…).
Để thực hiện một đòn khóa gỡ, giả sử khi bị đối phương bóp cổ từ phía sau, ta thực hiện hóa giải và phản công bằng cách:
Bước chân phải ra sau gài phía sau chân trái đối phương; tay phải đưa lên cao, cúi đầu và xoay người sang bên phải đồng thời chém mạnh tay xuống về hướng trái cho 2 tay đối phương bật ra.
Chân trái đứng trụ, đá chém tay phải chân phải (chém vào cổ và đá quét vào gót chân trái đối phương)…
Nhìn chung các đòn khóa gỡ tuy nhìn không hề đẹp mắt nhưng lại hiệu quả, có một số điểm khá giống với một số chiêu thức của các môn võ của phương Tây.
Vovinam là môn võ được thầy Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng đến 1938 mới bắt đầu phổ biến rộng rãi.
Nó được phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới.
Dựa trên nguyên lý “cương nhu phối triển”, môn sinh Vovinam được tập luyện những đòn thế tay không, cùi chỏ, chân, gối cho đến các loại vũ khí như kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt...
Ngoài ra, môn sinh còn được học cách đối phó với vũ khí bằng tay không, các lối phản đòn, khóa gỡ và vật.
Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam được phát triển quy mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.
theo Trí Thức Trẻ
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét