(DĐDN) - Làm rõ nội hàm, chức năng của từng loại phí và lệ phí như phí sử dụng lòng đường vỉa hè hay phí đường bộ để tránh hiểu nhầm. Các ĐBQH tiếp tục đưa ra những yêu cầu rạch ròi trong từng khoản phí và lệ phí để người dân dễ giám sát và giảm gánh nặng.

3 ĐBQH Danh Út (Kiên Giang) phát biểu tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật phí, lệ phí
Với đặc thù, mức thu phí và lệ phí là áp đặt nên rất dễ bị lợi dụng trục lợi, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Quy định rõ danh mục phí và lệ phí trong luật Phí và lệ phí được ghi nhận là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, sự vận động không ngừng của đời sống xã hội đã khiến danh mục này phải có sự linh động đảm bảo tính khả thi. Dự thảo Luật Phí và lệ phí cũng cần có sự phân cấp hợp lý. Đây là đóng góp của các ĐBQH.
Phí hạ tầng giao thông chưa hợp lý
Nên hay không nên áp dụng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè? Đây là băn khoăn của nhiều ĐBQH bởi vì điều này rất dễ gây hiểu lầm việc nhà nước cho phép sử dụng lòng đường vỉa hè ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, cần có lộ trình chấm dứt thu phí lòng đường vỉa hè. Thực tế thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng cái gọi là phí trông giữ xe để thu quá cao, nhất là vào các dịp lễ tết. Dự thảo luật cần có quy định xử lý nghiêm vấn đề này.Để tránh lạm dụng thu phí và lệ phí, một số ĐBQH đề nghị phải quy định cụ thể về quyền khiếu kiện của cá nhân, tổ chức.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị về tổng thể cần chấm dứt thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, vì rất dễ lạm dụng, phát sinh tiêu cực. Theo ĐB Nghĩa, một số quốc gia cho dùng lề đường. Ví dụ tại Paris cho mở một số quán cà phê tại đại lộ. Nhưng các quán này phải đảm bảo được các nguyên tắc không cản trở giao thông, bảo đảm vệ sinh, bảo đảm mỹ quan, phải đóng tiền đầy đủ và chỉ được sử dụng trong một thời điểm nhất định. Do đó, những trường hợp cá biệt được sử dụng lòng đường, vỉa hè phải do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt quy hoạch, đồng thời thông báo công khai cho mọi người dân.
Bên cạnh đó, theo ĐB Nghĩa không nên đưa ra những khoản thuế thu nhập trá hình để giảm thu nhập của người dân, bởi dân đã đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập. Phí hạ tầng giao thông, nhiều trường hợp là phí thu nhập trá hình.
Nhiều người dân đã phàn nàn với các ĐBQH, Nhà nước đã bỏ tiền ngân sách, vay ODA ra để làm đường. Đơn vị BOT chỉ nâng cấp, sửa chữa lại đi thu phí quá cao. Tại nhiều quốc gia họ bắt nhà đầu tư phải chứng minh tạo giá trị gia tăng cho con đường, chất lượng dịch vụ tốt hơn để thu của người dân theo mức hợp lý. Có những con đường ghi rõ được làm từ tiền thuế của dân, phần trả phí là việc nhà đầu tư tạo thêm giá trị cho con đường đó. Người dân được quyền khiếu kiện nếu chất lượng dịch vụ công yếu kém. Đồng thời, nhà nước cũng phải tránh trường hợp tạo lợi thế tự nhiên cho tư nhân. Ví dụ như trường hợp họ làm con đường độc đạo. Ai cũng phải đi qua con đường này sẽ tạo lợi thế độc quyền cho tư nhân. Trường hợp này nhà nước nên làm, chỉ tư nhân hóa khi người dân được quyền lựa chọn dịch vụ.
Cũng liên quan đến phí giao thông, ĐBQH Danh Út (Kiên Giang) đề nghị quy định rõ trong luật bỏ phí đường bộ với xe máy. Đây là loại phí hiệu quả thấp. Đồng thời, xe máy là phương tiện sinh kế cơ bản của ngươi dân, nhất là người nghèo, dân tộc, vùng sâu xa. Có nơi chưa có đường nhựa, nếu thu phí của họ là không công bằng. ĐB Út đề nghị dừng thu loại phí này ngày từ 1/1/2016.
Làm rõ từng khoản phí
Hầu hết các ĐBQH đều cho rằng, dự luật cần quy định rõ danh mục phí và lệ phí. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết từng loại phí và lệ phí. Tuy nhiên, dự luật cũng cần tạo cơ chế giám sát chặt chẽ của các tổ chức xã hội dân sự đối với việc thu từng loại phí và lệ phí. Nếu cần bổ sung, sửa đổi thì Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội điều chỉnh. ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, những dịch vụ công đã xã hội hóa thì cần đưa ra khỏi dự luật. Phải làm rõ như vậy thì việc xã hội hóa các dịch vụ công mới có kết quả, chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ mới được khuyến khích cạnh tranh.
Với một số loại như viện phí, học phí chuyển sang cơ chế giá, nhà nước cũng cần tính đúng, tính đủ và đưa là lộ trình khuyến khích phù hợp. Theo ĐB Sơn, yêu cầu về chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nghề đòi hỏi ngày càng cao. Trong nhiều trường hợp, tư nhân đầu tư đào tạo cần có sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước thì mới đảm bảo được yêu cầu chất lượng. Đây là những lĩnh vực Chính phủ cần có sự linh hoạt.
Bản chất của một khoản phí chỉ là khoản thu ngân sách mang tính bổ sung, hỗ trợ và bù đắp cho các khoản chi phí quản lý, không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Chính vì vậy ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị xem lại phí trước bạ. Theo ĐB Đồng, đây thực chất là thuế tài sản, không mang bản chất dịch vụ công. Khoản thu này góp phần đáng kể vào thu ngân sách nhà nước. Bởi vì các loại tài sản thu lệ phí trước bạ thường có giá trị lớn như bất động sản, ô tô.
Theo vị ĐB Đồng, các dịch vụ công là trách nhiệm của nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ cá nhân, tổ chức mà không nhằm mục đích có lợi nhuận như một đơn vị kinh doanh. Nếu để nguyên tắc có lợi nhuận phù hợp trong nguyên tắc thu phí thì sẽ biến những khoản phí thành một khoản thu vượt quá mục tiêu ban đầu là bù đắp chi phí và có thể sẽ bị đội lên mức phí quá cao so với thu nhập cũng như lợi ích mà người dân và tổ chức được hưởng. Do đó, dự thảo luật cần tách bạch giữa phí và lệ phí với các dịch vụ công đã xã hội hóa.
Các ĐBQH đồng tình với quan điểm những khoản phí và lệ phí có mức hành thu cao, hiệu quả thu thấp đều phải loại bỏ khỏi danh mục phí và lệ phí trong dự thảo thảo cũng như những điều chỉnh sau này. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng, việc phân cấp cho Chính phủ, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cần thiết. ĐB Tâm đề nghị công tác rà soát và giám sát cần được tạo điều kiện để bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao, phức tạp. Đặc biệt, phí không được để phí chồng lên phí.
Bên cạnh đó, để tránh lạm dụng thu phí và lệ phí, một số ĐBQH đã đề nghị phải quy định cụ thể về quyền khiếu kiện của cá nhân, tổ chức. Những khiếu nại và xử lý vi phạm về phí và lệ phí cần được áp dụng quy trình tương tự như đối với thuế từ xử lý hành chính đến trách nhiệm hình sự.
Cảnh báo câu chuyện “BOT”
nguyetiensinh copy ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng đoàn ĐB tỉnh Hòa Bình
Vừa qua, người dân sống tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình rất bức xúc vì bị thu phí đường bộ trên quốc lộ 6 quá cao. Đây là dự án BOT đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh Hoà Bình do TCty 36 Bộ Quốc phòng triển khai. Sau một thời gian thì công đưa vào sử dụng thì DN đã tiến hành thu phí. Những người dân sinh sống gần trạm thu phí hàng ngày đi qua, đi lại đã bị thu phí như phương tiện vận tải thông thường nên đã không chấp nhận, phản ứng gây mất trật tự địa phương. Thử hình dung tự nhiên trước cổng nhà mình có trạm thu phí chình ình, hàng ngày mình đi qua đi lại mà phải nộp tiền thì khó ai có thể chấp nhận. Ví dụ về sự bất cập này là một cán bộ công chức trong khu vực đi lên thị trấn làm việc, ngày đi 4 lần, mỗi lần 25.000 đồng, ngày 100.000 đồng, một tháng hơn 3 triệu đồng, đó là chưa kể người ta đi thăm nom bạn bè, đưa con đi học... Chính quyền tỉnh Hòa Bình đã kiến nghị có chế độ thu đặc thù đối với cư dân nhưng bộ ngành TƯ xử lý chậm. Chính quyền tỉnh Hoà Bình hoàn toàn bó tay vì ấn định giá do Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, ngay kể cả nhà thầu BOT cũng không có quyền định giá. Khi chúng tôi trao đổi với người dân địa phương, họ đồng ý mức giảm 20-30%, nhưng nhà BOT không làm được mà phải chờ ý kiến bộ ngành, tạo bức xúc. Chính sách phải phù hợp với đối tượng, đặc biệt liên quan đến thu nhập người dân. Trường hợp trạm thu phí trên là một sự cảnh báo cho câu chuyện BOT. Mỗi dự án phải thu bao nhiêu cho từng đối tượng để qua đó huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng không tạo gánh nặng cho xã hội. Vấn đề này đã có ĐBQH cho rằng, người dân đã đóng thuê, chúng ta dùng thuế đó xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi huy động vốn BOT để sửa sang, nâng cấp con đường cũng phải tính toán rõ ràng minh bạch từng phần để có chính sách thu phù hợp.
Cần làm rõ đâu là phí, lệ phí, giá dịch vụ
do van ve copyChúng tôi thống nhất dự Luật này sẽ không điều chỉnh các khoản thu dịch vụ do DN, tổ chức, cá nhân ngoài khu vực Nhà nước đang cung cấp để khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ công. Việc loại bỏ viện phí và học phí ra khỏi danh mục phí và lệ phí sẽ góp phần đẩy nhanh xã hội hóa, khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các loại dịch vụ nào có thể chuyển thành giá để đưa ra khỏi danh sách phí và lệ phí. Trong thực tiễn có rất nhiều khoản thu dịch vụ theo cơ chế giá, nhưng người dân quen gọi là phí. Những khoản này không có trong danh mục phí và lệ phí nên sẽ không được điều chỉnh bởi luật này. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng biết. Để bảo đảm rõ ràng minh bạch tránh nhầm lẫn hay lợi dụng từ phí và lệ phí để áp mức thu gây gánh nặng cho người dân, đề nghị bổ sung quy định rõ trong luật. Theo đó, “các khoản thu dịch vụ được gọi là phí nhưng không có trong danh mục phí và lệ phí thì thực hiện cơ chế giá theo quy định pháp luật về giá và các quy định liên quan”.
Chúng tôi cũng đề nghị làm rõ một số khoản thu phí và lệ phí trong danh mục như: phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa trên tiêu chí nào? Theo quyết định số 31/2007 của Bộ Tài chính, thì cho rằng chữ thu phí lại bao hàm phí kiểm tra an toàn tàu cá, phí kiểm tra trang thiết bị cá, phí kiểm định kỹ thuật có yêu cần nghiêm ngặt về an toàn. Trong khi đó, tại một khoản khác cũng có khoản phí về an toàn tàu cá, kiểm định an toàn nghề cá rồi. Như vậy là có sự chồng chéo. Hay như quy định mới về lệ phí môn bài, các cơ sở kinh doanh từ trước đến nay vẫn đóng thuế môn bài. Nay quy định trong danh mục lệ phí thì Ban soạn thảo cũng phả làm rõ việc bãi bỏ khoản thuế này chuyển sang lệ phí. Điều này sẽ giúp người dân và DN hiểu chính sách thuế một cách thống nhất và rõ ràng.
Bá Tú