Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 65

-Mọi người đều mù quáng đi trên con đường đời của mình! Vì đố ai thấy chính xác con đường ấy!
-Đến chặng cuối đường đời, hình dáng nó mới hiện lên rõ nét với những nỗi niềm hối tiếc khó nói được thành lời!
 -Và đời ta, ta không thể đánh giá đúng được mà phải để đời sau đánh giá!
- Hiền-ác là hai giá trị tùy thuộc vào nhận thức nên rất dễ chuyển hóa thành nhau. Tuy nhiên chân lý tuyệt đối chỉ có một!
-Cuộc sống chân-thiện-mỹ có vẻ như bản năng (!?), không thể bắt chước được!
-Đúng là điên rồ giữa vòng danh lợi! 
 

------------------------------------------------------------------
(Đc sưu tầm trên NET)
                                        

Vì sao 'đại gia' Tăng Minh Phụng thất bại đau đớn?

Là ông chủ của Cty may với gần 10 nghìn công nhân, từng nắm cả nghìn tỷ trong tay, nhưng điều gì đã khiến một con người đáng lẽ là anh hùng thành kẻ thất bại đau đớn?
Tăng Minh Phụng ngày chờ thụ án. Tăng Minh Phụng ngày chờ thụ án.
17 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án Tăng Minh Phụng - Epco. Kẻ đã nằm xanh cỏ, người đã trở về sau những năm tháng ngồi sau song sắt nhà tù. Đúng hay sai, thời gian đã trả cho mọi phán xét nhưng vẫn còn đó những câu hỏi để ngỏ dành riêng cho ông chủ Cty Minh Phụng ngày nào - một người đàn ông đã từng là doanh nhân Việt thành công và đã sống để rồi chết trong chính tham vọng cuộc đời mình.
Là ông chủ của Cty may với gần 10 nghìn công nhân, từng nắm cả nghìn tỷ trong tay nhưng Giám đốc Cty Minh Phụng bình thường và đơn giản như bao người. Cho đến tận bây giờ, người anh em thân thiết một thời Liên Khui Thìn vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng đầu tiên về Tăng Minh Phụng trong buổi gặp gỡ: Một người có khuôn mặt phúc hậu, dễ mến, nói năng nhẹ nhàng và ăn mặc hết sức giản dị. Tăng Minh Phụng là người có tài kinh doanh, điều đó không thể phủ nhận được.
Tạo lập một DN tư nhân chuyên gia công may mặc, giày dép xuất khẩu lớn mạnh, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước ngay trong những năm đầu đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường không phải ai cũng làm được. Nhưng với tham vọng của mình Tăng Minh Phụng không tự hài lòng với việc mãi chỉ là một ông chủ làm gia công mà mong muốn sẽ trở thành một ông chủ của tập đoàn kinh tế mạnh.
Khát vọng làm giàu mạnh mẽ của người đàn ông đã sống một thủa hàn vi vất vả, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được luôn là chính đáng bởi Tăng Minh Phụng là người biết trân trọng mồ hôi, công sức để kiếm ra những đồng tiền đó. Qua các câu chuyện kể về Minh Phụng, không ai không bảo Phụng là người có cả tài, cả tâm.
Vậy mà Tăng Minh Phụng đã ngã ngựa trên con đường làm giàu đầy phiêu lưu mạo hiểm. Kinh doanh thất bại nhưng đau đớn hơn khi Tăng Minh Phụng phải lãnh bản án khắc nghiệt nhất. Nhiều giọt nước mắt của những người công nhân đã rơi xuống khi nghe thông tin ấy không chỉ bởi tương lai mờ mịt của chính họ mà còn bởi cái tình họ dành cho ông chủ Tăng Minh Phụng.
Tuổi trẻ, sức lực, tâm huyết Tăng Minh Phụng đều dồn vào công việc. Nếu nói Tăng Minh Phục tử vì đạo kinh doanh của mình không hề sai. Vợ Tăng Minh Phụng đã từng chia sẻ: Niềm vui duy nhất của ông là con cái và đam mê lớn nhất là công việc. Không rượu chè, cờ bạc, trai gái - những thú tiêu khiển của đại gia lắm tiền nhiều của luôn đứng bên lề cuộc sống của Tăng Minh Phụng. Ngay cả Liên Khui Thìn cũng phải thừa nhận đôi khi bản thân còn có lúc uống bia rượu nhưng Tăng Minh Phụng thì tuyệt đối không.
Nếu có bắt buộc thì cũng chỉ là cầm lên cho có lệ. Lắm khi, chỉ một ổ bánh mỳ thịt hoặc tạt ngay quán ăn bên đường gọi một tô bánh canh thêm một ly trà đá vậy là đã xong một bữa ăn. Thật khó tin nếu nói tất cả những điều này đều thuộc về ông giám đốc cầm tiền tỷ trong tay. Và chắc chắn sẽ có người cho rằng Tăng Minh Phụng đang đóng một vở kịch lòe thiên hạ. Nhưng tất cả điều đó là thật. Thật đến cay đắng. Phụng là nô lệ của chính tham vọng làm giàu của mình.
Vì sao 'đại gia' Tăng Minh Phụng thất bại đau đớn? - ảnh 1 Rạp Đại Nam - địa điểm một thời Tăng Minh Phụng đã tìm tới liên kết liên doanh. Ảnh: Thái Anh.
Thực tế, Tăng Minh Phụng không phải “đại gia” bởi tất cả những người biết đến vụ án Tăng Minh Phụng - Epco đều biết tài sản cá nhân của ông ta chỉ dừng lại ở con số nhỏ đến không tưởng khi cơ quan an ninh khám xét tại nhà riêng để phục vụ công tác điều tra. Tất cả những bài báo đưa tin về vụ án ngày ấy, chưa có một bài viết nào nói Tăng Minh Phụng có của chìm của nổi, có những khối tài sản kếch xù làm của riêng.
Đồng tiền có thể hủy hoại mọi thứ và làm mờ mắt những kẻ tham lam, ấu trĩ nhưng bản chất con người đã từng nhọc nhằn kiếm sống từng đồng hiểu hơn hết giá trị đồng tiền nên Tăng Minh Phụng không bao giờ dùng tiền lao vào các cuộc ăn chơi trác táng, bài bạc như một số “đại gia” tiêu tiền chùa. Tất cả mọi tiền bạc có được và vay được từ ngân hàng Tăng Minh Phụng đều “ném” vào việc đầu tư kinh doanh BĐS với những kế hoạch lớn lao...
Có lẽ khó ai có thể hiểu chính xác nỗi lòng hay suy nghĩ của Tăng Minh Phụng khi đứng trước vành móng ngựa nghe kết án cho chính hoài bão, mộng tưởng của mình. Nhiều người đã phân tích, mổ xẻ và nói tham vọng của Tăng Minh Phụng là sự hoang tưởng. Thực tế, trong số những bài học rút ra từ vụ án kinh tế lớn nhất của đất nước ta thế kỷ trước, mô hình Cty mẹ - Cty con của Tăng Minh Phụng đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi hiện nay, tất nhiên là với nghĩa tập đoàn đầy đủ nhất cùng hệ thống pháp lý vững vàng. Dẫu sao thì Tăng Minh Phụng cũng không còn có mặt trên đời để chứng kiến sự thay đổi đó.
Ngày về đã không bao giờ trở thành sự thật khi đơn xin tha tội chết của Tăng Minh Phụng bị bác bỏ. Nỗi đau của người đàn ông cùng một lúc sự nghiệp tan vỡ, vợ theo chồng vào tù, con cái chông chênh giữa cuộc đời. Bữa ăn cuối cùng trước giờ ra pháp trường, Tăng Minh Phụng không hề đụng đũa mà ông chỉ xin giấy bút để lại bức thư cho con cái.
Tay trắng tạo dựng sự nghiệp. Khi chạm đỉnh vinh quang thì mọi thứ sụp đổ và tan thành mây khói. Tăng Minh Phụng đã chết trong giấc mơ của chính tham vọng làm giàu nhanh chóng của mình. Dẫu biết thất bại luôn song hành trên suốt chặng đường kinh doanh của mỗi người nhưng nếu được hai chữ “giá như” liệu mọi chuyện về Tăng Minh Phụng có khác. Và sẽ không có nhiều những xót xa, ngậm ngùi cho một con người, một ước mơ đặt không đúng lúc, đúng chỗ, vội vàng và phiêu lưu.
Tăng Minh Phụng (1957-2003), tên thường gọi là Bảy Phụng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Minh Phụng và là Phó Giám đốc Công ty TNHH EPCO.
Trong vụ án EPCO - Minh Phụng, Ông bị bắt giam ngày 24 tháng 3 năm 1997 về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng 5 năm 2003, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã bác đơn xin ân xá của Tăng Minh Phụng. Vào 5h sáng ngày 17 tháng 7 năm 2003, Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng bị hành quyết.
Theo Báo Xây Dựng


Vụ án Minh Phụng – Epco sau 10 năm nhìn lại



1 Vote
Cho đến tận bây giờ, vụ án Minh Phụng – Epco vẫn đang giữ khá nhiều kỷ lục, đặc biệt về giá trị tài sản phải thi hành án, theo đó các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 Ngân hàng Thương mại.
Cách đây 10 năm, vụ án hình sự Minh Phụng – Epco ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo luật pháp hiện hành đã thu hút được sự chú ý cao độ của xã hội. Và sau đó, hậu vụ án này cũng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà nghiên cứu pháp lý và báo chí, trong quá trình xử lý phần phát sinh của vụ án liên quan đến thi hành án phần tài sản.
Tuy nhiên, sau 10 năm, có nhiều vấn đề về pháp lý, về kinh tế xung quanh vụ án Minh Phụng – Epco được nhìn nhận toàn diện hơn và ý nghĩa thời sự của vụ án vẫn còn nóng hổi, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản. Báo CAND xin trở lại vụ án này qua phóng sự điều tra của tác giả Nguyễn Công Long, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hẳn rất nhiều người còn nhớ, mười năm trước đã xảy ra một vụ án gây chấn động dư luận với hàng loạt đại gia và cán bộ ngành Ngân hàng phải hầu tòa, đó là vụ Minh Phụng – Epco.
Cho đến tận bây giờ, vụ án này vẫn đang giữ khá nhiều kỷ lục, đặc biệt về giá trị tài sản phải thi hành án, theo đó các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 Ngân hàng Thương mại: Công thương Việt Nam (Incombank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Công thương Ngân hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.
Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án cũng đứng hàng “top ten” với trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự v.v… khối tài sản này Tòa án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng.
Nội tình vụ việc đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới, nhiều tờ báo, tạp chí, kể cả các báo, tạp chí có uy tín trước đó quảng cáo rất màu mè cho Công ty Minh Phụng và Công ty Epco (và dĩ nhiên, tiêu tốn của các doanh nghiệp này không ít tiền), đến khi vụ án xảy ra thì chính các báo, tạp chí này lại là người buộc tội các bị cáo đanh thép nhất (!).
Dưới đây, chúng tôi sẽ không nêu lại những tình tiết của vụ án, bởi các hành vi phạm tội của Tăng Minh Phụng và các bị cáo đã được Tòa án phán xử, các bị án cũng đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất, vả lại, toàn bộ diễn biến cũng như nội tình vụ án đã được báo chí phân tích, mổ xẻ rất kỹ lưỡng trong thời gian dài.
Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là qua thời gian mười năm, những chiêm nghiệm và kiểm chứng qua thực tế cho phép chúng ta có thể đánh giá sự sụp đổ của Minh Phụng với cái nhìn khách quan hơn. Liệu sự thất bại của Minh Phụng, của Epco có giúp gì đôi chút kinh nghiệm cho các nhà đầu tư, các ngân hàng và cả người dân hiện vẫn đang say trong cuộc chơi bất động sản được thua như đánh bạc hiện nay hay không? Và liệu từ thực tiễn điều tra, xét xử, thi hành vụ án này, các cơ quan tố tụng có thể đúc rút được điều gì?
Sự sụp đổ của một “đế chế”
Vào thời gian năm 1993-1996, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người ta có thể thấy Công ty Minh Phụng nổi lên như là một “tập đoàn” kinh tế năng động và rất thế lực. Mức độ tăng trưởng và sự bành trướng các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp này thể hiện qua số liệu các trang quảng cáo của rất nhiều tờ báo, tạp chí làm cho không ít người kinh ngạc
Thực tế thì sự cả tin vào tiềm lực của Minh Phụng không phải là không có căn cứ. Hình thành từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, với chức năng chủ yếu là sản xuất, gia công hàng may mặc, giày dép xuất khẩu, giai đoạn đầu Công ty Minh Phụng có những bước phát triển rất ổn định, doanh số có năm lên tới nhiều triệu USD.
Tính đến trước khi xảy ra vụ án, Minh Phụng có tới 15 phân xưởng sản xuất gồm 10 phân xưởng may mặc, 1 phân xưởng chuyên ngành nhựa, một phân xưởng dệt gòn, một phân xưởng bao bì PP, 1 phân xưởng thiết kế mỹ thuật cho hàng hóa ngành may và 1 phân xưởng thiết kế vi tính. Quy mô sản xuất thời điểm cao nhất có trên 9.000 lao động.
Ngày nay, khi đề cập đến lĩnh vực kinh doanh BĐS, bất cứ doanh nghiệp nào dù nhỏ hay lớn đều có thể nói vanh vách về quy hoạch, về dự án v.v… (còn các chiêu thức “thổi giá” như các nhà kinh doanh BĐS đang làm thì mê hồn trận!).
Nếu xem lại quá trình kinh doanh của Minh Phụng, hẳn không ít người sẽ cho nó là ấu trĩ, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi vì sao lựa chọn kinh doanh BĐS bằng toàn bộ vốn vay ngân hàng mà Minh Phụng lại đầu cơ số lượng lớn, tạo ra sự tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn đến như vậy, và tại sao, vay đầu tư BĐS mà hầu hết là vay ngắn hạn, chứ không vay trung hay dài hạn?
Hơn nữa, kinh doanh BĐS mà lại không định hướng rõ ràng, không xác định được vùng trọng điểm, bạ đâu làm đấy, xem danh mục BĐS mà Minh Phụng đã đầu tư trải dài suốt từ Đà Lạt, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí cả Hà Nội, thì hẳn rất nhiều người sẽ có chung nhận xét, dù có tài ba đến mấy thì một bộ máy như Minh Phụng khó có thể quản lý hết được hàng triệu mét vuông đất chuyên dùng, không thể cùng một lúc triển khai hàng trăm dự án về hạ tầng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, làm ăn như thế không sập tiệm mới là lạ.
Nhưng hãy lùi lại khoảng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trong khi thị trường BĐS chưa hình thành rõ nét, cơ chế, chính sách về đất đai không đồng bộ, tình trạng tranh mua, tranh bán rất phổ biến. Những đợt sốt đất đầu những năm 90 làm lóa mắt không ít người, thực tế cũng có nhiều kẻ phất lớn từ đất đai.
Cũng giống nhiều doanh nghiệp khác, Minh Phụng mong muốn nhanh chóng chớp thời cơ, tích lũy được càng nhiều đất càng tốt, chờ cơ hội sẽ bán ra được với giá cao hơn, điều này không phải là không có lý, vì đất đai không thể đẻ ra được. Ngay từ đầu Minh Phụng đã xác định đầu tư trên quy mô lớn, nhất quyết không làm ăn cò con, sự tăng trưởng quá nóng vô hình trung đã biến Minh Phụng trở thành một “đại lý” về địa ốc, la liệt nhà, đất khắp nơi.
Phương thức kinh doanh địa ốc theo kiểu hàng xén như vậy, hẳn nhiên sự bất trắc là không thể tránh, bởi cũng giống như tất cả các đợt “sốt” trên thị trường, thời điểm Minh Phụng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đỉnh điểm của cơn sốt, khi qua cơn sốt thì bán không có người mua.
Cha ông ta đã đúc kết buôn tài không bằng dài vốn, nếu thực sự có khả năng đầu cơ đất đai chờ đến chu kỳ sốt tiếp theo, hẳn là Minh Phụng đã phát tài. Song toàn bộ khối tài sản là từ vốn vay, giả sử có chờ được cơn sốt tiếp theo, thì khoản lợi nhuận thu được cũng khó có thể bù đắp cho số lãi mẹ đẻ lãi con, có lẽ bi kịch bắt đầu từ đây
Về hình thức huy động vốn, có người cho Minh Phụng thật điên khùng khi vay ngân hàng để đầu tư vào BĐS mà chủ yếu là vay ngắn hạn lãi suất cao. Tuy nhiên, vào thời điểm trên, các định chế về bảo đảm tiền vay rất bó buộc.
Để có thể được chấp nhận vay vốn của ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu nhiêu khê, đó là chưa kể đến sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ biến chất tại các ngân hàng. Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu này thì thời cơ đầu tư vào BĐS đã qua đi (do sự hỗn loạn mua bán trên thị trường).
Do vậy, để chớp thời cơ, Minh Phụng buộc phải chọn giải pháp cố đấm ăn xôi là “đẻ” thêm hàng chục công ty. Thực tế hàng chục công ty con của Minh Phụng thực chất là các doanh nghiệp “ma” không hề có thực, toàn bộ số vốn đều là ảo, giám đốc, kế toán đều là những người làm thuê, thậm chí đó là những người vốn là bảo vệ, lái xe, lao công, các công ty này có nhiệm vụ duy nhất được sinh ra để vay vốn ngân hàng, mọi hoạt động vẫn hoàn toàn do Tăng Minh Phụng điều hành.
Ngoài ra, để thỏa cơn khát vốn, Minh Phụng còn áp dụng các “chiêu” không ai tưởng tượng nổi, đó là ký các hợp đồng mua bán, nhập khẩu hàng hóa dù biết chắc thương vụ sẽ lỗ, mục đích nhằm thông qua các hợp đồng này các ngân hàng có “cớ” để mở L/C hoặc ký bảo lãnh cho Minh Phụng có tiền.
Sự “phối – kết – hợp” giữa Minh Phụng và một số cán bộ ngân hàng biến chất còn thể hiện ở việc nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên nhiều lần, đến khi xét xử vụ án, Tòa án đã xác định giá trị tài sản thế chấp thấp hơn giá trị thực hàng ngàn tỷ đồng.
Với tất cả những điều này, viễn tưởng về sự thành công của mô hình Minh Phụng chỉ là điều ảo mộng và Minh Phụng đã phải trả giá đắt. Nhưng có lẽ điều có ý nghĩa nhất trong các sai lầm của Minh Phụng là cách thức điều hành, tổ chức hệ thống kinh doanh của Minh Phụng là đã cung cấp trong thực tế kinh nghiệm về mô hình “công ty mẹ – công ty con” khá hoàn chỉnh, mô hình mà sau đó ít lâu nước ta vận dụng.
Còn việc Minh Phụng cùng cán bộ ngân hàng tự định giá tài sản thế chấp, phải chăng từ đây đã hình thành cơ chế thỏa thuận về giá trị tài sản thế chấp giữa tổ chức tín dụng và bên thế chấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng mà hiện đang được các ngân hàng thương mại áp dụng?
Vũng Tàu – miền đất dữ
Có thể nói không ngoa rằng, có thời kỳ hầu như két sắt của các ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam đã hoàn toàn trống rỗng, bởi một phần vốn khổng lồ đã được Minh Phụng ném hết xuống các cánh đồng hoang vu khu Chí Linh, Vũng Tàu, các bãi sình lầy ở Thủ Đức hoặc trong các khu kho xưởng mênh mông tỉnh Sông Bé cũ.
Chả thế mà gần đây, khi tổng kết công tác xử lý nợ tồn đọng, Ngân hàng Công thương Việt Nam – đơn vị thiệt hại lớn nhất trong vụ án Minh Phụng – Epco, đã tự đánh giá thiệt hại trong vụ án làm ngân hàng này rơi vào tình trạng “phá sản về kỹ thuật”(!).
Dù bị coi là rất nóng vội, phiêu lưu nhưng không thể phủ nhận tầm nhìn khá xa, định hướng mang tính chiến lược của Minh Phụng khi đầu tư vào bất động sản tại các khu vực trên.
Thực tế khi xử lý tài sản thế chấp sau này cho thấy, các danh mục tài sản thế chấp là nhà xưởng, kho tàng tại các khu công nghiệp đều có giá khá cao, với thời gian thuê khoảng 40-50 năm, chỉ tính riêng tiền khai thác có ngân hàng đã thu được hàng trăm tỷ đồng.
Đối với tài sản là biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực TP HCM, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá Tòa án định khi xét xử.
Riêng đối với các lô đất mà Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức trước đây (nay thuộc quận 2), theo quy hoạch của TP HCM, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, nếu được triển khai đầy đủ theo các dự án khả thi, thì lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn.
Chẳng thế mà có ngân hàng được Tòa án giao cho một số lô đất tại khu vực quận 2, TP HCM, chưa cần phải triển khai xây dựng dự án, cũng không cần đầu tư hạ tầng, qua phiên đấu giá một lô thôi đã thu đủ toàn bộ số nợ trên 15 triệu USD, ngoài ra đơn vị này còn dư ra được số tiền và tài sản trị giá cả chục triệu USD!
Nếu số BĐS Minh Phụng đầu tư tại khu vực TP HCM và tỉnh Bình Dương được coi là rất thành công, thì ngược lại, việc đầu tư vào vùng Bà Rịa – Vũng Tàu thực sự trở thành thảm họa.
Khi xét xử vụ án, để đảm bảo thu hồi số nợ của Minh Phụng, riêng tại địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tòa án đã giao cho các ngân hàng hàng trăm đơn vị tài sản gồm các khu biệt thự, nhà ở, văn phòng, kho tàng và trên 2,6 triệum2 đất chuyên dùng…
Quá trình xử lý tài sản thế chấp khu vực này của các ngân hàng đều rất chật vật, ngoài số danh mục là nhà ở, văn phòng, biệt thự đã bán được, số đất chuyên dùng bán rất chậm, thậm chí có ngân hàng qua gần chục năm phải ôm hơn 1 triệum2 đất chuyên dùng mà không sao “tiêu hóa” nổi.
Nhiều báo chí đưa tin cho rằng: Các lô đất của Minh Phụng tại khu vực TP Vũng Tàu trị giá mấy ngàn tỷ đồng, nhưng các ngân hàng bán rẻ như cho(?). Mặc dù các trường hợp ngân hàng sai sót trong xử lý tài sản thế chấp mà Tòa án giao trong vụ Minh Phụng – Epco không phải là hiếm, nhưng thực tế việc xử lý số tài sản này không phải “dễ xơi” như nhiều người nghĩ.
Rất nhiều lô đất được định giá xong thông báo không có người mua, hơn nữa, với diện tích quá lớn như vậy, việc sử dụng phải theo đúng quy hoạch của địa phương, đồng thời hầu hết các lô đất vẫn là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nên cần có sự đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng (quy hoạch đường giao thông, điện, nước, công trình công cộng v.v…), không thể “tính cua trong lỗ” theo kiểu chỉ việc chia lô bán nền là có thể thu lời lớn như các đầu nậu đất vẫn làm.
Thống kê cho thấy, số tài sản thế chấp của Minh Phụng tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu giá bán được cao hơn từ 1,3 đến hơn 2 lần so với giá Tòa án đã định khi xét xử, tuy nhiên, so với giá thẩm định của ngân hàng khi cho vay thì giá bán được chỉ xấp xỉ bằng 25 đến 43%.
Như vậy, dù bán hết số đất này cũng không thể nào thu hồi được khoản vay nên có thể khẳng định các dự án của Minh Phụng tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu phần lớn là thất bại.
Chính vì vậy, để đỡ gánh nặng cho các ngân hàng, cuối năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phải quyết định cho phép UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngân hàng nhận thế chấp thỏa thuận việc chuyển giao cho địa phương quản lý, sử dụng trên 1,3 triệu m2 đất và thanh toán lại cho ngân hàng theo giá trị thẩm định, giúp ngân hàng thu hồi nợ.
Vậy, tại sao Minh Phụng lại dốc gần như hết tâm lực vào vùng đất này đến như vậy?
Không phải ngẫu nhiên khi Minh Phụng lại chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là miền đất hứa và đổ tiền của vào để rồi ôm hận. Nếu ta nhớ lại đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Bà Rịa – Vũng Tàu đã được chọn là vùng trọng điểm về kinh tế phía Nam, với định hướng phát triển ngành Dầu khí, khi đó, theo quy hoạch, TP Vũng Tàu sẽ là trung tâm của ngành Công nghiệp hóa dầu với một nhà máy lọc dầu rất hiện đại dự kiến sẽ xây dựng tại khu vực xã Long Sơn.
Như vậy, sẽ phải có hàng ngàn doanh nghiệp, hàng vạn con người tập trung ở đây, kéo theo các dịch vụ về ngân hàng, tín dụng, nhà ở, văn phòng, biệt thự v.v… Đón bắt được hướng phát triển này, bằng tất cả khả năng của mình cũng như bằng mọi phương cách, Minh Phụng lao vào đầu cơ đất đai.
Không chỉ những vị trí đẹp nhất trong thành phố, mà cả những vùng đất sình lầy, bãi hoang chưa có người ở trên địa bàn TP Vũng Tàu và các vùng lân cận cũng đều nằm trong kế hoạch phát triển đầy tham vọng của ông chủ Minh Phụng.
Nói một cách khách quan, thực sự Minh Phụng đã in dấu ấn khá đậm nét trong quá trình đô thị hóa ở đây. Những năm 1993-1996, nếu ai đến khu vực TP Vũng Tàu, hẳn dễ dàng nhận thấy sự khởi sắc từng ngày về cảnh quan, kiến trúc đô thị.
Hàng loạt khu biệt thự to đẹp, đầy đủ tiện nghi nhanh chóng mọc lên tại TP Vũng Tàu. Không những thế, cả những “cánh đồng hoang” khu vực Chí Linh, rồi những địa danh: Đồng Sát, Hải Đăng, Long Hải, Phước Tỉnh v.v… một ngày kia đều được gắn với tên Minh Phụng với những dự án hoành tráng.
Tuy nhiên, sự sụp đổ có thể thấy ngay khi quy hoạch có sự thay đổi, khu công nghiệp hóa dầu được chuyển ra Dung Quất (Quảng Ngãi), kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu tại TP Vũng Tàu chưa biết bao giờ mới thực hiện.
Các cơ hội mà Minh Phụng tưởng như đã đón bắt được, nay vụt qua như ánh sao băng! Kết cục cũng giống như một số đại gia khác đã lao vào đất đai tại Vũng Tàu như Ba Vinh, Phạm Huy Phước,… Minh Phụng cũng đã phải bỏ mình tại miền đất này.
Có người cho rằng Vũng Tàu quả là miền đất dữ, có ý kiến cho rằng Minh Phụng sụp đổ do sai lầm quá nóng vội, đi trước thời cuộc, nhưng những gì cho ta thấy ở trên, có thể sẽ khách quan hơn, nếu ta nhận xét thất bại của Minh Phụng một phần rất lớn từ rủi ro.
Những kinh nghiệm
Do tính chất đặc biệt và mức độ ảnh hưởng về chính trị, kinh tế – xã hội của vụ án rất nghiêm trọng, sau khi vụ án Minh Phụng – Epco được xét xử, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 15/1/2002 thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án Minh Phụng – Epco, do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng ban, nhằm chỉ đạo thống nhất, bảo đảm thi hành khẩn trương, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho Nhà nước và công dân, đây cũng là Ban chỉ đạo đầu tiên được thành lập tại Trung ương nhằm chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự.
Sau hơn 5 năm tổ chức thi hành án, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, việc thi hành phần tài sản vụ án Minh Phụng – Epco đã đạt kết quả rất khả quan.
Theo báo cáo tổng kết của Ban chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án Minh Phụng – Epco, trong 6 ngân hàng được thi hành trong vụ án, đã có 3 đơn vị thu hồi đạt trên 100% số nợ và còn dư chuyển đơn vị khác (trong đó có trường hợp 1 ngân hàng thu đủ số nợ trên 15 triệu USD và còn dư số tiền rất lớn đã nêu); 1 đơn vị cơ bản thu gần đủ toàn bộ số nợ.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam dự tính sẽ thu đủ toàn bộ 100% số nợ của nhóm Minh Phụng và còn dư; số nợ thiếu không thể thu hồi được thuộc nhóm Epco.
Riêng Ngân hàng Công thương Việt Nam là đơn vị thiệt hại lớn nhất, tổng thu nợ đạt trên 42% (khoảng trên 2.400 tỷ đồng), theo ước tính, nếu xử lý hết số tài sản và chuyển phần dư của các ngân hàng khác sang, Ngân hàng Công thương Việt Nam có thể thu hồi được xấp xỉ 50% số nợ.
Qua kết quả này, có thể nói chưa có vụ án nào mà việc khắc phục hậu quả thiệt hại lại có hiệu quả như vụ án Minh Phụng – Epco. Mặc dù vậy, số nợ không thể thu hồi được của cả hai nhóm Minh Phụng và Epco tại Ngân hàng Công thương Việt Nam vẫn lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Quá trình xét xử và thi hành vụ án này, các ngành chức năng cũng đã đúc rút nhiều kinh nghiệm quý báu. Trước hết, vai trò can thiệp của Nhà nước vào các vụ “đổ bể” quy mô lớn có ảnh hưởng xấu về kinh tế – xã hội được xem là một trong những bài học xương máu.
Vụ án Epco – Minh Phụng xảy ra ngoài các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân thuộc hai nhóm Minh Phụng và Epco, của một số cán bộ trong ngành Ngân hàng, thì còn những nguyên nhân khách quan khác, đó là sự ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ tại châu Á (1997-1999).
Trong điều kiện nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là pháp luật về đất đai, tài chính – tín dụng. Các ngân hàng thương mại Nhà nước còn thiếu kinh nghiệm, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vẫn đang trong giai đoạn hình thành, phát triển, thiếu vốn, năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh rất thấp, mức độ rủi ro cao.
Thêm vào đó, do sự điều chỉnh kế hoạch xây dựng các vùng kinh tế, các dự án trọng điểm của Nhà nước và việc thay đổi quy hoạch đất đai của các địa phương, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc triển khai thực hiện dự án sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, nếu chúng ta có cơ chế giúp các doanh nghiệp xử lý rủi ro, có sự can thiệp kịp thời bằng các công cụ pháp lý và kinh tế, có lẽ sự thiệt hại và tác động xấu về kinh tế – xã hội sẽ được giảm thiểu tối đa.
Nhìn lại vụ án Minh Phụng – Epco, khi vụ việc đổ bể, dường như các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung vào việc xử lý sao cho thật nghiêm về hình sự đối với các cá nhân và giải quyết việc thu hồi nợ của các ngân hàng theo trình tự tố tụng mà thôi, hầu như chúng ta chưa có sự can thiệp nào bằng các biện pháp kinh tế, chẳng hạn khoanh nợ, giảm nợ, khôi phục kinh doanh, áp dụng các giải pháp đặc biệt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các bị can tiếp tục sản xuất kinh doanh, qua đó thu hồi nợ có hiệu quả hơn
Kết quả định giá khối tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco từng gây nên cuộc tranh luận rất gay gắt trong quá trình tố tụng, chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã rơi lệ cay đắng ngay trong phiên tòa khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì “mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem”(?).
Nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới có thể thấy, trong điều kiện thị trường cạnh tranh hết sức khốc liệt, sự phá sản của các doanh nghiệp là chuyện cơm bữa hằng ngày, ngay cả các tập đoàn kinh tế lớn cũng không phải là ngoại lệ, chẳng hạn như các trường hợp phá sản của Tập đoàn Enron (Mỹ), Tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc)…
Trong các vụ việc này vai trò can thiệp của Nhà nước bằng các công cụ kinh tế, thậm chí về hành chính là rất quan trọng và hiệu quả.
Hẳn chúng ta còn nhớ vụ Tập đoàn Năng lượng Enron (Mỹ) tuyên bố phá sản cuối năm 2001. Theo luật về phá sản của Mỹ, bất kỳ công ty nào của Mỹ tuyên bố phá sản đúng trình tự pháp luật đều sẽ được Chính phủ giúp đỡ.
Việc phá sản của Enron cũng mang tính chất hình sự, Chủ tịch HĐQT của Enron là Kenneth Lay và các nhân vật chủ chốt của tập đoàn này đều phải hầu tòa.
Nhưng riêng đối với doanh nghiệp, để tránh cho thị trường chứng khoán Mỹ khỏi cơn chao đảo, đồng thời giúp hơn 30.000 nhân viên của Tập đoàn Enron thoát cảnh “đứng đường”, Chính phủ Mỹ đã trích ngân khố mua lại toàn bộ tập đoàn này, nhờ đó mà hiện Enron đã hoàn toàn hồi phục và phát triển, vững bước cùng sánh vai với các đại gia ngành năng lượng Mỹ và thế giới.
Mọi sự so sánh đều là khập khễnh, có thể các cơ quan Nhà nước của Việt Nam chưa đủ tiềm lực như Mỹ, để có thể hào phóng bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, tuy nhiên, trong hoàn cảnh của Việt Nam, các hình thức hỗ trợ hoặc tác động gián tiếp khác cũng có tác động tích cực không kém.
Chẳng hạn, sau vụ án Minh Phụng – Epco, việc xử lý nợ của Công ty Huy Hoàng (doanh nghiệp này cũng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ và có tính chất tương tự như Minh Phụng, nhưng tất nhiên số nợ nhỏ hơn nhiều), đã tỏ ra rất hiệu quả, không chỉ thu hồi đủ nợ mà còn tránh phải xử lý vụ việc theo trình tự tố tụng, ngăn ngừa những tác động xấu về kinh tế – xã hội có thể xảy ra nếu phải xử lý vụ việc theo phương thức này.
Nhưng bài học đắt giá qua vụ án này không chỉ dừng lại ở vai trò việc can thiệp của Nhà nước, ở phạm vi hẹp hơn chúng tôi cho rằng việc áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các vụ án kinh tế lớn, thậm chí các cơ chế được coi là “đặc biệt” khi Tòa án vận dụng để xử lý vụ án Minh Phụng – Epco cũng cần được nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm.
Nguyên tắc tố tụng từ trước tới nay, khi xét xử các vụ án hình sự, Tòa án có quyền giải quyết đồng thời về dân sự, hầu hết các vụ án hình sự đều áp dụng nguyên tắc xử lý này.
Bên cạnh vụ án Minh Phụng – Epco có thể kể rất nhiều vụ án kinh tế có tính chất phức tạp như: “Nước hoa Thanh Hương”, “Tamexco”, Mai Văn Huy” và sau này là các vụ án “Ngân hàng Việt Hoa”, “Ngân hàng Nam Đô” v.v…
Việc áp dụng quy định về giải quyết trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự có ưu điểm là rút ngắn được tiến trình tố tụng, làm giảm chi phí về tiền bạc, công sức, thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các đương sự.
Tuy nhiên, trong các vụ án lớn, phức tạp, nếu chỉ vì muốn đáp ứng yêu cầu về “tiến độ” đưa ra xét xử đối với các bị cáo, mà phải hoàn tất toàn bộ hồ sơ vụ án để giải quyết phần tài sản và trách nhiệm dân sự ngay trong vụ án hình sự, thì nhiều khi những hậu quả xấu về pháp lý còn nguy hại hơn rất nhiều, điều này có thể thấy rất rõ ngay trong vụ án Minh Phụng – Epco.
Một vụ án mà bên cạnh tính chất đặc biệt nghiêm trọng như chúng tôi đã nêu, tổng số nợ phải thu nếu quy đổi trị giá vào thời điểm đó trên 500 triệu USD, với hàng trăm hợp đồng, khế ước, hằng trăm đương sự với vô số mối quan hệ phức tạp về dân sự, kinh doanh – thương mại, tài chính – tín dụng, đất đai… Vậy mà các Thẩm phán hình sự vừa xét xử về hình sự vừa phải giải quyết ngay về dân sự, chứ không tách riêng ra để giải quyết bằng vụ dân sự khác.
Chính vì lẽ đó phần quyết định về tài sản có rất nhiều sai sót. Ví như tài sản giao cho ngân hàng xử lý có cả phần tài sản (quyền sử dụng đất) chồng lấn diện tích, ranh giới với tài sản của vụ án lớn khác; hoặc có doanh nghiệp phải dở khóc dở mếu vì nếu chiểu theo phán quyết của Tòa phải trả nợ đến hai lần, vì Tòa “quên” khoản nợ đó đã được cấn trừ tài sản, rồi hàng loạt các trường hợp tài sản đã được tuyên xử lý nhưng trong quá trình thi hành án, TAND Tối cao phải ra quyết định Giám đốc thẩm và tái thẩm tuyên hủy.
Và cho đến thời điểm hiện tại, khi phần quyết định về tài sản trong vụ án Minh Phụng – Epco đã có hiệu lực thi hành đã hơn bảy năm, vẫn có nhiều khoản tuyên về tài sản đang được xem xét lại.
Trớ trêu hơn, có trường hợp phần tuyên của Tòa về trách nhiệm thu hồi khoản đầu tư của một doanh nghiệp có độ dài không quá ba dòng, nhưng Tòa án đã có tới bốn, năm lần ra văn bản giải thích nội dung thi hành, văn bản giải thích sau lại “đá” văn bản trước, làm cho cơ quan thi hành án dân sự cũng như các bên có nghĩa vụ chẳng biết đâu mà lần.
Thậm chí như Báo Lao động bình luận, theo văn bản giải thích trước thì chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ phải “xộ khám”, nhưng đến văn bản giải thích sau, thì sẽ lại kẻ khác (phía doanh nghiệp) có nguy cơ đi tù(!?).
Kể ra điều này, chúng tôi hoàn toàn không có ý đánh giá thấp cơ quan xét xử và các Thẩm phán, mà chỉ muốn lưu ý rằng, dù xuất phát từ tính chất hình sự hay tranh chấp dân sự thông thường, các quan hệ tài sản mang những đặc trưng riêng và hết sức phức tạp, nhất là các quan hệ về tài chính – tín dụng, kinh doanh, thương mại hay đất đai, đòi hỏi phải có thời gian và thủ tục giải quyết riêng.
Hơn nữa, việc cân nhắc, đánh giá chứng cứ để đi đến quyết định về trách nhiệm dân sự hoàn toàn khác với đánh giá chứng cứ về hình sự nhằm định tội và lượng hình. Với những vụ án có quy mô và tính chất như Minh Phụng – Epco, nếu giải quyết cả về hình sự và dân sự trong một vụ án, thì có tài ba đến mấy, người cầm cân nảy mực cũng khó tránh được sai lầm.
So sánh với pháp luật tố tụng của nhiều nước, thì hầu như tất cả các quốc gia đều có quy định phần bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm tài sản trong vụ án hình sự, các bên phải khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác, chứ không giải quyết ngay trong bản án hình sự.
Về vấn đề định giá tài sản và giao tài sản để cấn trừ nợ trong vụ án Minh Phụng – Epco, đây được coi như một án lệ tiêu biểu, một “cơ chế xử lý đặc biệt” được Tòa án áp dụng riêng trong vụ án này.
Như chúng tôi đã đề cập, toàn bộ khối tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco đã được các cơ quan chức năng định giá rất cẩn trọng (có cả hội đồng với đủ đại diện các cơ quan có thẩm quyền).
Kết quả định giá này đã từng gây nên cuộc tranh luận rất gay gắt trong quá trình tố tụng, chắc hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã rơi lệ cay đắng ngay trong phiên tòa khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì “mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem”(?).
Nhưng dù có thế nào, về mặt hình sự kết quả thẩm định giá là một trong các chứng cứ quan trọng để định tội.
Cụ thể là đối với các bị cáo thuộc hai nhóm Minh Phụng và Epco, cùng các hành vi về mặt khách quan khác, giá trị khối tài sản thế chấp theo kết quả định giá thấp hơn rất nhiều so với tổng khoản nợ vay ngân hàng, là một trong các căn cứ kết án bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về dân sự, Tòa án cũng căn cứ giá trị tài sản để áp dụng phương thức xử lý nợ của hai nhóm Minh Phụng và Epco.
Theo đó, tổng số nợ theo các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh hoặc khoản nợ vay khác của 6 ngân hàng được cấn trừ bằng giá trị tài sản thế chấp trên 2.232 tỷ đồng. Số nợ còn lại (khoảng trên 4.000 tỷ đồng) bản án xác định “là số nợ còn thiếu sau khi cấn trừ tài sản thế chấp”, do vậy các bị cáo và các doanh nghiệp của các bị cáo phải bồi thường.
Điều đặc biệt là trong vụ án này, Tòa án đã tuyên giao toàn bộ số tài sản thế chấp cho các ngân hàng để quản lý, khai thác, phát mại thu hồi nợ.
Xin không bình luận về phần hình sự, riêng phần dân sự qua thực tiễn tổ chức thi hành án, quyết định của Tòa án về xử lý cấn trừ nợ và giao xử lý tài sản như vừa nêu, chúng tôi thấy rất đáng bàn.
Một là, quyết định của Tòa án cấn trừ nợ bằng giá trị tài sản thẩm định tại thời điểm xét xử vụ án, theo chúng tôi xét trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn, là điều rất bất hợp lý.
Có lẽ tất cả những người có kiến thức tối thiểu về kinh tế cũng đều sẽ ngạc nhiên là tại sao cả khối tài sản khổng lồ với trên 390 danh mục đất đai, nhà xưởng, kho tàng, biệt thự, văn phòng, v.v lại được Tòa án quy ra bằng một lượng tiền mặt cố định để cấn trừ nợ, hoàn toàn không tính đến những yếu tố biến động về giá trị, không đặt tài sản trong mối quan hệ thị trường, giá trị về khai thác, sử dụng và các giá trị gia tăng khác v.v và v.v.
Nói một cách nôm na, đến thế kỷ XXI, dường như Tòa án vẫn áp dụng phương thức cổ điển nhất của loài người về trao đổi giá trị, mà theo đó, hàng trăm danh mục bất động sản kể trên cũng chẳng khác gì những chiếc vỏ sò mà người nguyên thủy đã từng dùng để trao đổi hàng vạn năm về trước!
Lẽ ra, trường hợp này, trên cơ sở xác định tổng số nợ, Tòa án phải tuyên phương thức thu hồi nợ căn cứ vào giá trị thực tế tài sản thời điểm xử lý, cộng với giá trị khai thác, sử dụng v.v  thì mới bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên (các ngân hàng và hai nhóm bị cáo).
Author: Nguyễn Công Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét