Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

HIỆN THỰC KỲ ẢO 132

(ĐC sưu tâm trên NET)

Đau lòng ngôi mộ bê tông chôn chặt đầy hận thù ở ngoại ô Hà Nội

  • 15:16 ngày 06/07/2015
Kỳ 1: Lá thư tuyệt mệnh dang dở và cái chết tức tưởi của hai mẹ con

Vụ tự tử có thể nói là kinh thiên động địa, ở một ngôi làng vùng ven quận Hà Đông (Hà Nội) diễn ra đã 10 năm, mà đến nay vẫn còn nóng hổi. Dưới những tán tre, bờ ao, sân đình, góc chợ, thi thoảng người dân ở ngôi làng T. này vẫn nhắc đến vụ tự tử quá đau lòng ấy.

Người đàn bà và đứa con nhỏ đã được chôn chặt một cách tàn nhẫn trong một khối bê tông vĩnh cửu, dù đã được nhà chồng xây tường bao kín, song người dân đi qua con đường ấy vẫn cứ rờn rợn.

Người chết thì cũng đã chết, người sống đau đớn suốt bao năm nay, nên chúng tôi xin được giấu tên những nhân vật liên quan trong sự kiện đau lòng này. Chỉ mong rằng, câu chuyện sẽ là bài học cảnh tỉnh cho mọi người về mối quan hệ vợ chồng, gia đình, lối sống.

Chục năm trước, con đường vào làng T. rợp bóng tre xanh, với những thửa ruộng rau muống xanh rờn tít hút. Những mái nhà gianh, nhà ngói, với cổng làng cổ kính rêu phong, mang đặc trưng của những ngôi làng ở Hà Tây.

Giờ đây, xã đã lên phường, làng T. đã thành một tổ. Nhà cửa san sát. Ruộng lúa, ao đầm thả muống cũng đã được cắt mảnh chia lô, mọc lên nhà cao tầng. Chợ làng T. xưa nằm ven cánh đồng, có vài ba gian hàng, với mớ rau, con cá. Giờ chợ sầm uất hơn, người đi chợ tấp nập. Cây đa vẫn còn, nhưng nhà cửa quây kín. Giếng làng lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng.
Làng T.
Tôi tạt vào quán trà đá cạnh giếng làng ngồi hóng chuyện. Bà bán nước kể chuyện nửa to nửa nhỏ với mấy bà hàng xóm ngồi vỉa hè: "Bà biết chuyện cái H. hiện hồn về báo oán chưa? Sợ thật đấy! Phen này chắc nó tìm về trả thù gia đình nhà chồng đây. Không rõ rồi chuyện này sẽ còn tiếp tục như thế nào".

Một bà khác chen vào: "Tôi thì không tin chuyện ma quỷ lắm. Hai cái nhà ấy cũng một chín một mười, kẻ chín lạng người một cân, lắm thủ đoạn lắm. Có khi rồi lại mượn chuyện linh hồn cái H. ra hành nhau đây. Thôi thì cứ nghe ngóng xem tuồng chèo tiếp diễn ra sao. Đến là tội cho con H., chết rồi mà vẫn không được yên. Đúng là người sống còn đáng sợ hơn người chết".

Tôi lang thang ra đầu chợ, đem chuyện bà chủ quán trà đá kể chuyện có "hồn ma thiếu nữ" về báo oán, tức thì mấy bà, mấy chị buôn thúng bán mẹt xúm vào kể thêm. Người thì bảo hồn chị H. hiện về kêu nóng quá, không chịu được ngôi mộ bê tông, người thì bảo chị H. không chỉ nhập hồn vào người khác, mà còn liên tục ngồi trên nóc mộ khóc cười dọa nhà chồng chết khiếp.

Thôi thì đủ các chuyện, toàn đồn đại nhảm nhí. Chuyện linh hồn chị H. qua miệng người nọ, người kia, được thêm mắm dặm muối, nên cứ méo mó, hoang đường, liêu trai dần lên.

Theo sự chỉ dẫn của mấy chị bán thịt, tôi tìm vào con đường, xưa kia là trục chính từ quốc lộ dẫn vào làng. Giờ nhà cửa san sát, nhiều đường lớn được mở ngang dọc, các đô thị mọc lên, nên con đường làng này trở nên nhỏ hẹp, như một cái ngõ.

Thấy tôi dừng xe trước một bức tường cao đến 3m, lôi máy ảnh ra chụp, rất nhiều người kéo ra ngó nhìn. Một bà gọi lại bảo: "Nhà báo phải không? Định tìm hiểu chuyện cái H. tự tử hở? Ngôi mộ mẹ con nó ở trong bức tường này cơ.

Ngôi mộ bê tông chôn 3 mẹ con chị H. nằm phía trong bức tường này
Ngày trước chưa xây tường, còn có cả bàn thờ sát đường làng. Cứ ngày mùng một, ngày rằm dân làng chúng tôi lại mua hoa quả, thắp nén hương cho mẹ con nó đỡ tủi. Nhưng giờ nhà ông N. xây tường bao kín rồi, nên muốn chia sẻ nén hương với mẹ con nó cũng không được nữa. Nghĩ lại chuyện xưa mà đau lòng quá chú ạ!".

Người phụ nữ này trình bày một hồi, rồi chột dạ không nói nữa. Dường như bà sợ những lời nói của mình sẽ lại gây tổn hại tình làng nghĩa xóm. Bà chỉ tôi vào nhà ông T., bà L., là bố mẹ đẻ của H., thiếu phụ xấu số, hiện đang nằm trong ngôi mộ bê tông, được bao kín bởi một bức tường cao gần bằng mái nhà.

Nhà ông T. cách ngôi mộ của mẹ con chị H. chỉ chừng 100m, ngay đầu làng. Tôi gọi cửa một hồi, thì người đàn ông lò dò ra mở cổng. Thấy người lạ, ông không tỏ ra ngạc nhiên. Dường như bao năm qua, ông vẫn phải đón tiếp khách lạ viếng thăm như tôi.

Tôi giới thiệu là nhà báo, ông lôi tuột vào trong nhà. Đã bao năm trôi qua, ông T. vẫn còn giữ nguyên những bức xúc như ngày đầu. Nhắc đến cô con gái xấu số, đứa cháu ngoại chết uổng, ông không kìm được xúc động.

Ông chỉ tay lên tấm giấy chứng nhận là chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị treo trang trọng trên tường bảo: "Đồng đội tôi chết sạch sẽ, hóa ra lại may mắn. Tôi sống trở về tưởng may mắn hơn đồng đội, nhưng nào ngờ, lại phải chịu một nỗi đau còn hơn cả mất mạng.

Người ta không cầm dao giết con tôi, cháu tôi, nhưng người ta đã ép con tôi, cháu tôi phải chết. Thử hỏi, hoàn cảnh đó rơi vào anh, thì anh có chịu được không? Tôi đã mất một năm làm ông từ trông đền, mong được tĩnh tâm, trút bỏ thù hận, nhưng mối thù này quá lớn, không gỡ bỏ được".

Rồi ông T. lọ mọ mở tủ, lôi ra bọc nilon với những giấy tờ phủ bụi. Ông vẫn còn giữ rất nhiều đơn kiện, giấy tờ liên quan đến cái chết của con gái và cháu ngoại. Đọc lại những dòng thư tuyệt mệnh của con, đôi mắt ông lại rưng rưng.

Trước khi chết, chị H. viết hai bức thư. Một bức gửi cho mẹ, một bức không đề gửi cho ai, mà có lẽ để tố cao người chồng, cũng như gia đình chồng, để mọi người hiểu vì sao H. phải chết tức tưởi, chết đau đớn cùng con mình.

Ông T. đau buồn kể về cái chết của con, cháu
Ông T. bảo: "Dù cái chết của con tôi đã 8 năm rồi, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chẳng xử lý gì cả. Con tôi chết oan uổng, còn những người liên quan thì vẫn ngoài vòng pháp luật. Tôi nhờ chú đăng lên báo để mọi người cùng hiểu tại sao con tôi, cháu tôi phải chết oan, và vì sao đến nay tôi vẫn không xóa được hận thù".

Lá thư này chị H. viết với tâm trạng bình tĩnh, kể tỉ mỉ, đầu cuối vì sao phải chọn con đường chết: "Tôi và anh X. lấy nhau từ năm 1999. Từ ngày tôi sinh cháu thứ hai, vợ chồng chúng tôi luôn nghì ngoặc với nhau. Anh X. đi làm ở Phú Xuyên, có bồ bịch. Mỗi lần anh về đối xử với tôi như là con ở, như là người thừa. Tôi cũng chấp nhận, thôi thì cho thời gian nó trôi qua để sống vì con.

Mùng 2 tháng 9 năm 2003, anh X. đưa bồ về nhà, chúng tôi lại nghì ngoặc với nhau. Từ hôm đó, anh X. giãy ra đòi bỏ tôi và bắt tôi ký đơn ly hôn. Tôi không chấp nhận.

Tôi cố níu kéo anh X. nhưng càng ngày mâu thuẫn càng diễn ra kịch liệt. Anh X. cho chị Ng. là chị chồng tôi hành hạ tôi và cho chị muốn đánh tôi thì đánh, muốn làm gì thì làm...


Ngày 12 tháng Giêng năm 2004, chị Ng. đánh tôi. Bố mẹ chồng ra can và nói chồng tôi ra can. Chồng tôi bảo: "Chúng nó đánh nhau kệ chúng nó, không liên quan gì đến tôi!". Bố mẹ chồng tôi nói anh X. không được.

Đến tháng 7-2004, ông bà quay ra đuổi đi hết: "Bao giờ chúng mày sống được bên nhau thì tao cho về!". Tôi uất ức, tôi nghĩ lung tung, tôi nói với ông bà và anh X: "Mùng 10-8-2004 con sẽ đi".

Tôi không làm gì nên tội. Tôi không nói láo, không hư. Anh cứ bắt ép tôi ký đơn ly dị. Ngày 6/8/2004, anh X. về hành hạ 2 đứa nhỏ. Hai đứa sợ quá, khóc. Tôi đứng gần cháu, anh X. đạp tôi một cái ra vỉa hè, chửi bới tôi và đùng đùng gấp quần áo ra đi...

Vài hôm sau, anh lại về xúi bẩy gia đình ép tôi phải đi, nhưng tôi không đi vì chúng tôi chưa giải quyết xong. Ngay tối 13-8-2004, 3 mẹ con tôi đưa nhau đi chơi khoảng 9h về. Gia đình anh X. đã đóng cổng và khóa trái cửa hàng.

Không mở được, tôi gọi từ 9h đến 12h đêm mà không ai ra mở. 3 mẹ con dắt nhau về bà ngoại. Tôi gửi cháu lớn ở nhà bà ngoại rồi lại ra gọi cửa cho đến 1h sáng. Hàng xóm nghe tiếng, ra xem thấy 2 mẹ con tôi ở ngoài đường, liền quay về lấy cho tôi mượn màn và chiếu. Thế là đêm hôm ấy 2 mẹ con tôi ngủ ngoài đường bê tông.

Đêm hôm đó, con tôi bị sốt. Tối hôm sau, ông bà lại không mở cửa cho tôi vào nhà. Hai mẹ con tôi lại ngủ ngoài hè. Nửa đêm, cháu sốt cao. Tôi cho cháu uống thuốc, cháu khóc. Ông ra mở cửa, nhìn thấy mẹ con tôi cho nhau uống thuốc, ông lại đóng cửa vào đi ngủ.

Hôm thứ ba, con thứ hai của tôi sốt quá, tôi vào hỏi: "Bố mẹ cho con xin chìa khóa để con mở cửa lấy gạo thổi cơm cho cháu", nhưng bố mẹ chồng tôi bảo: "Không biết!". Tôi đứng mãi... Tôi không còn cách nào bèn sang hàng xóm mượn kéo về cắt khóa để vào nhà. Thấy vậy, bố chồng tôi bảo: "Mày bảo mùng 10 mày dọn đi, nếu hôm nay mày không mang đồ ra khỏi nhà thì tao thuê người chuyển đồ của mày ra đường!". Tôi im lặng không nói gì.

Hôm sau, ngày 15/8/2004, anh D., là anh chồng tôi, bảo: "Tối nay mày không chuyển đồ thì tao thuê người chuyển đồ của mày ra, trả tao nhà!". Tôi nói: "Thôi thì bố mẹ và anh chị hãy để từ từ để em nói chuyện"... Anh X. thì tránh mặt tôi, không có nhà...".

Lá thư chỉ dừng lại ở đó, chưa có hồi kết. Có lẽ, viết đến đây, cảm xúc tuyệt vọng lên cao, chị chuyển sang viết thư cho mẹ. Lá thư người con gái hiền dịu, nết na của ông T. gửi cho mẹ, tức cho vợ ông, như xoáy vào tim ông đau đớn.

Lúc viết thư gửi cho mẹ, có lẽ không còn giữ được bình tĩnh, nên chị H. viết nguệch ngoạc, chỉ được vài câu: "Mẹ ơi, con không thể sống được nữa, vì con không thể chịu đựng được. Cả nhà chồng ức hiếp con. Nếu con mà sống thì con điên mất. Mẹ ơi, con xin lỗi bố, mẹ, anh, chị, họ hàng, cô bác… Kiếp sau con sẽ là đứa con ngoan. Hai cháu cũng sẽ là cháu ngoại ngoan của ông bà".

Sau những dòng thư xúc động tột độ, chị H. đã dùng xơ-ranh bơm những lọ thuốc diệt chuột vào hộp sữa tươi, đánh thức 2 cậu con trai thức dậy, ép hai con uống. Số sữa pha thuốc diệt chuột còn lại, chị dốc nốt vào miệng mình…

Còn tiếp...

Cả làng đào nền nhà, đổ bê tông chôn chặt mẹ con

A- A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Người chết vẫn chưa mồ yên mả đẹp, còn người sống mãi không chôn được hận thù. Đêm đó, nghe tiếng khóc thét của đứa trẻ, bà Nguyễn Thị Đ. (làng T. phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội), một người hàng xóm, đã chạy sang căn nhà vợ chồng H. ở để xem tình hình thế nào.

Cả làng đào nền nhà, đổ bê tông chôn chặt mẹ con
ảnh minh họa
Kỳ 1: Đau lòng ngôi mộ bê tông chôn chặt đầy hận thù ở ngoại ô Hà Nội
Kỳ 2: Chuyện tình bi thảm của thôn nữ đẹp
Bài 3 (Bài cuối): Đào nền nhà, đổ bê tông chôn chặt mẹ con
Đẩy cửa vào, bà Đ. thất kinh khi thấy chị H. và bé T. mới 3 tuổi nằm bất động trên sàn nhà, máu rỉ ra từ miệng. Cậu bé Nguyễn Đình L., khi đó mới 5 tuổi khóc lóc thảm thiết.

Nhìn hộp sữa tươi, xơ-ranh và những tuýp thuốc diệt chuột, mọi người hiểu ngay vấn đề. Chị H. đã bơm thuốc diệt chuột vào hộp sữa, cho hai con uống, rồi chị cũng tự kết liễu cuộc đời. Chị H. và bé T. uống hết thuốc, nên đau đớn quằn quại một lúc rồi chết, còn bé L. ngậm sữa thấy đắng liền nhổ ra, nên sống sót.

Câu chuyện của H. và X. đã gây mâu thuẫn âm ỉ giữa hai gia đình từ nhiều năm nay. Cái chết của mẹ con H. là giọt nước làm tràn ly.

Không chỉ đại gia đình ông T., mà cả làng P. khi đó phẫn uất tột độ. Trong cơn phẫn chí, họ đã làm một việc mà bao năm sau vẫn phải xót xa, đau đớn.
Làng T., nơi xảy ra câu chuyện bi thảm
Ngay sau khi công an làm xong hiện trường, bác sĩ phẫu thuật tử thi xong, đại gia đình ông T. đã hè nhau đào tung nền nhà mà vợ chồng H. ở thành một hố rộng.

Xe chở xi măng, cát đã đổ một đống ngay mặt đường. Hàng chục người trong gia đình ông T., rồi cả thanh niên trong xóm cùng nhào xi măng trút xuống hố, tạo thành một lớp bê tông dày.

Quan tài hai mẹ con H. được đưa xuống, hướng đầu về phía căn nhà đại gia đình ông N. đang ở phía trong. Lớp bê tông nữa tiếp tục được trút xuống.

Người ta rào cả lưới thép B40, cùng nhiều sắt thép được tống xuống, rồi lại đổ tiếp lớp bê tông nữa. Có tới vài khối bê tông được trút xuống, với khung thép, bọc chặt quan tài của mẹ con H.

Mặc dù hành động này là sai, nhưng chính quyền thôn, xã khi đó cũng bất lực. Gia đình X. cũng sợ hãi, nên phải trốn khỏi địa phương. Có đến cả trăm người tham gia đào bới, lấp mộ, cả ngàn người chứng kiến đều sôi sục, nên không sức mạnh nào cản được.

Mục đích của những người bị kích động khi đó là muốn đào sâu chôn chặt, muốn gia đình ông N. không thể cải táng được mộ mẹ con H. Họ muốn mẹ con cô được mãi mãi ở căn nhà này, không ai đuổi đi được.

Ngôi mộ bê tông chôn chặt hai mẹ con ở sau bức tường này
Bà Phạm Thị B., Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn P. vẫn nhớ như in khoảnh khắc kinh hoàng diễn ra khi chị Nguyễn Thị H. ép hai con uống thuốc chuột, rồi chị cũng tự tử theo.

Bà B nhớ lại: “Mấy hôm trước, H. còn gặp tôi tâm sự chuyện gia đình mâu thuẫn. Nó bảo, nó không kể với ai ngoài tôi. Tôi cũng khuyên nhủ nó vài câu, mong nó nhịn nhục thêm thời gian nữa. Tôi cũng không ngờ nó lại dám làm một chuyện động trời như vậy, giết cả con lẫn mình”.

Theo lời bà B, hôm đó, làng T. như có đại họa. Cả làng đứng về phía gia đình ông T., bố đẻ của H., trút giận lên gia đình ông N.

Dù gia đình ông T. có vai vế, nhiều người làm cán bộ to, ở xã, ở trung ương, rồi lực lượng công an, chính quyền cũng có mặt, nhưng không thể làm gì được.

Người ta đào tung cả nền nhà, chôn hai mẹ con xuống hố, quay đầu về nhà bố mẹ chồng, rồi đổ mấy mét khối bê tông xuống.

Lúc đó, cả làng phẫn uất, bà B. cũng cảm thấy phẫn nộ, nhưng ngẫm lại, việc gia đình H. và làng xóm bức xúc làm như thế là chưa phải.

Bà B. cho biết: "Cái gì cũng phải xét hai mặt. Cái H. là đứa hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng cách chọn kết cục như thế là không phải. Trên đời này thiếu gì đàn ông ngoại tình, hắt hủi vợ con, nhưng chọn lối thoát bằng cách giết con, rồi tự tử là sai lầm hoàn toàn.

Ông T., bố đẻ chị H.
Hồi nó tâm sự chuyện gia đình với tôi, tôi cũng khuyên giải nó đến nơi đến chốn. Đàn bà có chồng ngoại tình ai chẳng hận, nhưng nó có 2 đứa con đẹp đẽ như thế… Không có chồng thì thôi, cứ ở vậy làm ăn nuôi hai đứa con cũng đâu có gì là bi kịch. Ối người mong có con còn chẳng được. Thế mà nó lại làm điều dại dột. Trách nhà chồng nó mười, thì cũng trách nó không ít.

Rồi hành động đào nền nhà, chôn con và cháu ngoại, đổ bê tông xuống mộ cũng là hành động không nên chút nào. Giờ hậu quả nhãn tiền. Người chết thì khốn khổ, chẳng được mồ yên mả đẹp, mà người sống thì mãi day dứt, hận thù”.

Ngay khi đổ bê tông xuống mộ, đại gia đình ông T. đã phá tường căn nhà mặt đường, xây một cái ban thờ nho nhỏ. Người dân làng P. ai cũng xót xa cho thân phận của mẹ con H., nên ai đi qua cũng hương khói.

Ngày rằm, ngày mùng một, người dân mua hoa quả, đặt tiền trên mộ, bàn thờ. Để tránh sự bức xúc của dân làng và gia đình chị H., gia đình ông N. đã bỏ nhà trốn đi nơi khác ở.
Trao đổi với phóng viên, ông N. nói giọng rưng rưng: “Cuộc đời tôi trải bao trận mạc, mà không chết. Cả đơn vị còn có 2 mạng. Giá chết ngoài chiến trường thì có lẽ đời tôi đỡ nhục anh ạ. Tôi không làm gì sai, nhà tôi đây, đất hương hỏa, mà không dám ở, phải sống cảnh trốn chui trốn lủi suốt mấy năm trời.

Chuyện vợ chồng chúng nó thế nào tôi không biết, nhưng phận làm cha mẹ như tôi, rồi tổ tiên tôi ở đất này có lỗi gì, mà phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi?”.

Sự việc ngôi mộ hai mẹ con bị đổ một khối bê tông khổng lồ ở làng T. gây bức xúc suốt chục năm trời, chưa một ngày yên lặng, thì mới đây, cả làng bỗng xôn xao vì tin đồn chị H. "nhập hồn" vào một phụ nữ lạ, tìm về làng T. gặp người thân kêu khổ nơi cõi âm.

Những ngày này, khắp đầu làng, ngõ xóm, đâu đâu cũng bàn tán, mỗi người nói một kiểu. Người bảo cái H. "hiện hồn" tìm về "báo oán" nhà chồng.

Những người thân quen, bảo vệ gia đình ông N. thì lại kể với giọng khác, rằng "linh hồn" chị H. tìm về oán trách gia đình mình, rằng đã làm một việc ác, là đổ cả núi bê tông xuống mộ, khiến linh hồn chị H. và cậu con trai 3 tuổi không thể nào siêu thoát.

Ông Nguyễn Hữu T., bố đẻ chị H., vẫn vô cùng bức xúc trước cái chết của con gái. Ông bảo rằng, mối hận này không sao gỡ bỏ được. Ông vẫn nung nấu hận thù và muốn những người gây ra cái chết của con cháu ông phải trả giá.

Như vậy, thực hư "linh hồn" chị H. hiện về tố khổ nơi cõi âm đến nay vẫn chưa rõ ràng. Chính vì thế, đã tạo ra nhiều lời đồn đoán theo nhiều hướng khác nhau.

Một số người không tin chuyện ma quỷ cho rằng, gia đình ông N., bên chồng H., đã thuê người đóng kịch, với mục đích kích động nhà ông T. chuyển mộ con gái và cháu ngoại đi. Hoặc, sau này, gia đình ông N. tiến hành chuyển mộ, cũng sẽ gặp thuận lợi, đúng ý nguyện của người chết. Bởi vì, hiện ngôi mộ hai mẹ con H. nằm giữa mảnh đất mặt đường nhà ông N. Mảnh đất ấy có giá nhiều tỷ bạc, trong khi gia đình ông N. vẫn phải sống trong ngõ ngách.

Tuy nhiên, một số gia đình ủng hộ ông N. thì lại phán rằng, chuyện hồn ma do gia đình ông T. dựng lên, để lấy lý do cải táng cho con gái và cháu ngoại. Họ cũng đồn rằng, vì chôn con cháu bằng khối bê tông đầy hận thù, nên gia đình ông T. cứ nghèo mãi, không khá lên được.

Đem những lời đồn này gặp gia đình ông N., ông N. lại khẳng định rằng: “Cả đời tôi ra sống vào chết, tôi chả tin có chuyện ma quỷ trên đời. Tôi cho đây là chuyện dị đoan, vớ vẩn, không tin được. Cái H. là con dâu tôi, là người trong nhà, nên dù nó sống ở đây, chết nằm đây, cũng chẳng có gì phải bận tâm cả.

Người ta cứ đồn đại này nọ, nhưng tôi chẳng sợ gì cả. Anh xem, từ ngày tôi trở về đất này sinh sống, ở ngay bên mộ con dâu và cháu nội, gia đình tôi có gặp hoạn nạn gì đâu.

Chẳng những thế, con cái thành đạt, các cháu học giỏi, ngoan ngoãn. Con trai của H. được gửi học ở trường tốt nhất Hà Nội. Chính quyền đều khẳng định việc chôn mộ trong nhà là sai, cần phải chuyển đi, nhưng tôi cũng không bận tâm gì cả. Cháu nó ở đây, tôi vẫn hương khói tử tế”.

Tôi rời làng T. trong buổi chiều muộn. Đâu đó dưới gốc tre, quán nước, vỉa hè, góc chợ, người dân vẫn bàn tán xôn xao chuyện "hồn ma" chị H. hiện về kêu khổ nơi cõi âm. Chuyện đúng – sai giữa hai gia đình đã có công lý và tòa án lương tâm giải quyết.

Người chết thì đã thành cát bụi, người sống thì cũng đã tự vấn lương tâm của mình. Họ cũng đều đã phải trả giá cho những hành động sai. Chỉ hy vọng rằng, cái gì đã qua thì nên cho qua, mỗi người nên hướng về tương lai, để người già sống nốt những ngày có ý nghĩa trên trần gian, và con trẻ không phải mang hận thù do người lớn gây ra.
Ông Nguyễn Đình N., bố chồng chị H.: “Chuyện này chúng tôi không muốn nhắc lại nữa. Nó làm chúng tôi quá khổ sở. Những chuyện đằng sau đó không ai hiểu được, chỉ có gia đình tôi biết và chúng tôi phải ngậm đắng nuốt cay. Nếu chúng tôi có lỗi, chúng tôi làm sai, thì đã có pháp luật xử lý rồi, chứ sao sống thế này được? Làm sao anh hiểu được chúng tôi phải khốn khổ như thế nào. Đầu bạc rồi, nhà mình đây, mà mình không dám ở, phải sống trốn chui trốn lủi, lang bạt suốt mấy năm trời. Chúng tôi nhục lắm, nhưng tôi vẫn răn con cháu không nên rửa cái nhục ấy làm gì, bởi làm thế chỉ bới sâu thêm thù hận”.
 
 

Dựng tóc gáy chuyện sống trong lăng mộ đá giữa Hà Nội

  • 11:02 ngày 29/07/2015
  •  Kỳ 1: Cả xóm sống trong nghĩa địa 
Một ngày cuối tuần, nhà tâm linh Lê Thái Bình (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt) rủ tôi đi xem lăng mộ, mà theo anh, đây là lăng mộ đá cổ lớn nhất miền Bắc. Đến nhiều lăng mộ, những khi nghe có lăng mộ đá lớn ở Hà Nội, lại là mộ cổ, tôi rất hào hứng, nên đi ngay.

Con ngõ 252 phố Sơn Tây người ra vào đông đúc, họp chợ tấp nập suốt dọc ngõ. Nhà cửa san sát, quán hàng như nêm. Thật khó tin, khi nhà tâm linh Lê Thái Bình bảo rằng, toàn bộ khu dân cư trong con ngõ này nằm trên một khu nghĩa địa của dòng họ ông tổng đốc Hoàng Cao Khải, là vị đại thần nhà Nguyễn.

Lê Thái Bình cho biết, anh đã đi khảo sát và phát hiện một chuyện kinh dị, là có hàng chục ngôi mộ lọt trong nhà dân. Hầu hết các nấm mồ cổ kính, rêu mốc đều nằm trong những ngôi nhà ở con ngõ này.

Ngôi mộ nào may mắn lắm thì nằm lọt khe giữa hai ngôi nhà, nằm ở phần sau chỗ lấy ánh sáng, rồi trong sân, còn lại đều nằm trong phòng khách, phòng bếp, thậm chí phòng ngủ của các gia đình.

Giờ đây, những ngôi mộ ấy coi như đã thất lạc, không còn ai chăm sóc, khói hương nữa. Nhiệm vụ khói hương là của những gia đình xây nhà lấn chiếm trùm lên mộ.

 
Lăng mộ đá của ông Hoàng Trọng Phu lọt thỏm trong nhà dân
Nhà tâm linh Lê Thái Bình tìm hiểu và biết rằng, nhiều gia đình trước đây đã chuyển mộ đi, chiếm đất xây nhà và đều gặp đại họa, không chết người thì cũng điên khùng, bệnh tật, làm ăn thất bát, sa sút. Chính vì thế, những gia đình chiếm đất xây nhà sau này không dám di chuyển mồ mả nữa.

Lúc đầu, họ chiếm đất trong khu nghĩa địa, dựng nhà ở cạnh mộ, ở lâu quen dần, không thấy sợ hãi nữa, trong đi tấc đất tấc vàng, nên quây lại chiếm hết, rồi xây nhà trùm luôn cả lên mộ.

Người đàn ông gầy còm, hom hem, ngồi bán nước ở ngay trước lăng mộ đá Hoàng Trọng Phu khá dễ gần, hay chuyện. Anh mặc chiếc áo phông, để lộ lấp ló trên cánh tay những hình xăm vằn vện.

Nhìn người đàn ông ấy, cũng biết từng có quãng đời "nghịch ngợm". Thật lạ là anh rất thích nói chuyện tâm linh, chuyện Phật giáo, chuyện nhân quả.

Anh H. bảo rằng, anh đã sống cạnh lăng mộ đá này 40 năm rồi và anh chính là người nắm rõ về ngôi mộ này nhất, cũng như tất cả những câu chuyện tâm linh kinh dị liên quan đến khu mộ của ông hai ông tổng đốc Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu.

Hỏi chuyện người dân sống chung với mồ mả, người chết, anh H. khẳng định đó là thật.

Lăng mộ Hoàng Cao Khải biến thành trụ sở tuần tra nhân dân
Theo lời các cụ kể lại, trước đây, ông Hoàng Cao Khải là tổng đốc Hà Đông, là người giàu có, có thế lực mạnh nhất miền Bắc. Toàn bộ khu vực ấp Thái Hà thuộc sở hữu của ông.

Hồi còn sống, ông đã vời thầy địa lý từ bên Tàu sang chọn đất đặt mộ cho mình. Thầy Tàu đã cắm mảnh đất ở ấp Thái Hà, là chỗ đặt mộ bây giờ.

Để ngôi mộ có phong thủy theo lối tựa sơn đạp thủy, ông Khải đã cho người đào hồ, đắp đồi. Hồ nước bây giờ vẫn còn trong ngõ 252 phố Tây Sơn là di tích của cuộc đào bới lấy đất đắp đồi.

Ngôi mộ ông Khải được đặt trên quả đồi, nhưng bao năm mưa nắng mài mòn, rồi người ta đắp đất dựng nhà, nên giờ nó thấp lè tè, chỉ cao hơn nhà dân một chút.

Xây mộ cho mình xong, thì ông Hoàng Cao Khải quy hoạch luôn khu nghĩa địa cho gia đình, dòng họ của mình.

Phía sau ngôi mộ của ông Hoàng Cao Khải, là một của con trai ông, tức Hoàng Trọng Phu.

Ông Phu cũng xây dựng cho mình một ngôi mộ đá khổng lồ, to hơn mộ cha, to nhất miền Bắc hồi đầu thế kỷ 20.

Trong nghĩa địa này, chỉ có mộ của con cháu, người thân của ông Hoàng Cao Khải. Theo các cụ kể lại, những người không được làm quan, thì chỉ có mộ nhỏ, là những nấm mồ nằm rải rác trước và sau hai lăng mộ đá khổng lồ.

Năm 1945, nhà Nguyễn bị lật đổ, thực dân Pháp về nước, thì con cháu ông Hoàng Cao Khải cũng sang Pháp hết.

Rồng đá của lăng mộ nằm ngay trước cửa nhà dân

Không còn ai ở đây, nên toàn bộ nghĩa địa bị bỏ hoang, hai lăng mộ đá khổng lồ của ông Khải và ông Phu cũng không có người trông nom, hương khói.

Anh H. nhớ lại: "Hồi còn bé, cũng phải hơn 30 năm trước, quanh khu vực này vẫn hoang vu lắm, cây cối rậm rạm, mồ mả âm u, ít người dám vào. Tuy nhiên, dân cư đã kéo đến xung quanh chỗ này cắm đất dựng nhà.

Hà Nội mở rộng, chỗ này thành đất vàng, nên dân tứ chiếng kéo về, người ở nội đô tràn ra. Đất nghĩa địa, hoang vu, chẳng ai quản lý, nên dân nhảy dù cứ thế kéo đến ở, mà không bị xua đuổi. Có lẽ, phải đến ngót trăm ngôi mộ đã bị các gia đình lấn chiếm, xây nhà đè lên cả rồi.

Bây giờ, tôi vẫn biết rõ, có khoảng chục ngôi mộ vẫn nằm lọt trong nhà dân. Nhà nào có mộ tôi đều biết cả, nhưng tôi chẳng nói làm gì. Cái chuyện người ta xây nhà chiếm đất mộ, đem mộ vào trong phòng ngủ, phòng bếp nhà mình nó nhạy cảm lắm, nên tôi chẳng kể ra làm gì.

Nhưng tôi khẳng định với chú, là những gia đình ấy sống thảm lắm, không có nhà nào ra hồn cả. Con cái cứ ngơ ngơ, cha mẹ cứ lầm lì, làm ăn không ra đâu vào đâu cả.

Đặc biệt, rất nhiều gia đình ở đây đều tuyệt tự, tức là không có con trai, và rất nhiều gia đình có con trai nhưng cả bố và con đều tù tội.

Phía bên kia ngõ 252, nơi không dính dáng gì đến nghĩa địa, thì nhà nào cũng khá giả, con cái sáng láng, đến con bảo vệ, công nhân cũng đỗ đại học, còn bên này thì kém lắm. Nhiều người bán nhà bỏ đi, người khác mua đến ở đều hối hận vì ham rẻ mà trúng quả đắng".

Còn tiếp…

Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội

(VTC News) - Người ta đã xây tường, gác tấm bê tông lên trên mộ phần bằng đá, rồi biến tấm bê tông đó thành giường ngủ.

Kỳ 2: Ăn, ngủ trong hầm mộ

Đang ngồi trò chuyện với anh H., người bán hàng nước ngay chân lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu (ngõ 252 phố Tây Sơn, Hà Nội) thì một cậu thanh niên, dáng người còm nhom, mở cửa lùa bằng những miếng gỗ mỏng phía bên phải lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu.

Theo anh H., bên trong lăng mộ có 2 phần mộ đá, hình cái quách khổng lồ. Gian giữa là nơi thờ tự, bên trái là nơi đặt mộ phần và quan tài của ông Phu, còn bên phải là nơi chôn cất vợ ông.

Anh H., người bán nước ở chân lăng mộ Hoàng Trọng Phu 

Toàn bộ gian bên phải, đã bị người dân xây những bức tường gạch quây kín. Một bức ngăn các gian với nhau, còn một bức bịt phía ngoài, lắp cửa gỗ, biến thành căn phòng nhỏ để ở.

Khi cậu thanh niên mở cánh cửa gỗ, tôi bước vào, một cảm giác lạnh lẽo xâm chiếm toàn bộ cơ thể.

Thật khó có thể tin, con người lại có thể sống trong "căn nhà" với ngôi mộ đá lù lù giữa phòng.

Phần mộ bằng đá, chạm trổ rồng phượng của vợ ông Hoàng Trọng Phu vốn nằm ở gian hữu của lăng mộ, nhưng bị người ta xây bức tường nối hai cột đá, ngăn thành phòng riêng.

Phần mộ vợ ông Hoàng Trọng Phu đã nằm dưới chiếc giường bằng bê tông 
Có cả gác xép trong lăng mộ 

Người ta đã xây bức tường bao quanh phần mộ, đổ tấm bê tông phía bên trên và theo anh H., thì tấm bê tông bên trên nắp mộ chính là cái giường ngủ của gia đình này. Điều đó có nghĩa, là người ta đã ngủ luôn ở bên trên phần mộ, nằm ngủ trên đầu người chết.

Cách lăng mộ Hoàng Trọng Phu không xa là lăng mộ đá Hoàng Cao Khải. Lăng mộ đá này hiện là Trụ sở tuần tra nhân dân Cụm 9, phường Trung Liệt với cửa sắt đóng kín.

Xung quanh lăng mộ đá cũng được xây bịt kín, có cả cửa sổ với nan sắt, mà trông qua tưởng như đây là ngôi nhà cổ. Phía trước lăng mộ là sân để xe cho các tiểu thương buôn bán ở chợ tạm trước lăng mộ. Hai bên sân là những tượng đá đứng im lìm.

Tôi ngó vào trong lăng mộ, thấy có rất nhiều đồ đạc linh tinh, chiếc tủ cũ, bộ bàn ghế tiếp khách, quạt treo tường, đồng hồ chạy tích tắc. Có lẽ, đây là trụ sở tuần tra kinh dị nhất cả nước.
Phía cuối gian phòng của lăng mộ, ngay trên đầu phần mộ là gác xép bằng gỗ rộng chừng 3 mét vuông, nhỏ đúng bằng một cái giường. Chiếc cầu thang bằng gỗ ở phía trong giúp mọi người trèo lên gác xép để ngủ.


Gác xép ở quá cao, nên tôi có cảm tưởng phải lom khom người khi trèo lên gác xép.

Ngay dưới gác xép, phía sau phần mộ, là căn phòng vệ sinh. Người ta làm cả nhà vệ sinh trong lăng mộ, thì quả thực kỳ quái. Thật khó có thể tin một cuộc sống kinh dị đã diễn ra ở trong lăng mộ này.

Theo anh H., gia đình bà Nguyễn Thị T. đã nhảy dù vào sống ở lăng mộ này từ mấy chục năm trước rồi.

Bà T. là người ở đây, nhưng không hiểu do làm ăn thất bát thế nào mà mất hết nhà cửa, phải kéo gia đình chui vào lăng mộ tá túc.

Trước đây, bà T. chỉ tính ở tạm bợ, coi như trốn tránh mưa nắng lúc chưa kiếm được nhà, nhưng rồi nhà chẳng làm được, mà cuộc sống cứ thêm khó khăn, nên bao năm không ra được khỏi ngôi mộ.

Theo anh H., không biết bà T. bị bệnh gì, hay do âm khí toát ra từ ngôi mộ, mà tóc của bà T. tự dưng rơi rụng dần, rồi đầu bà trọc lốc, nhìn rất sợ.

Bên trong lăng mộ ông Hoàng Cao Khải 
Mộ phần ông Hoàng Trọng Phu 

Thời điểm bà T. bị rụng tóc là lúc bà T. dựng cái giường bằng bê tông trên nóc phần mộ phu nhân ông Hoàng Trọng Phu và vợ chồng bà nằm ngủ trên đó.

Sau này, đi xem bói, thầy bói phán bị ma hành, nên vợ chồng bà sợ quá, mới đầu tư xây dựng cái gác xép, rồi nằm ngủ ở phía trên cao.

Bà còn lập một cái bài thờ, gắn trên tường mộ, để vừa thờ cúng tổ tiên, vừa hương khói cho bà cụ nằm trong phần mộ mà gia đình bà quấy quả.

Lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu đã bị xây tường bịt kín, lắp cửa ngăn phòng làm chỗ ở 

Bà Nguyễn Thị K., bán nước ở ngay đầu ngõ kể: "Tôi thật không dám tin sao người ta lại có thể chui vào lằng mộ để ở. Họ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, rồi thậm chí là cả làm chuyện tế nhị trong đó nữa chứ. Có đến mấy đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở trong lăng mộ ấy rồi.

Nghèo quá, không có nhà ở, thì cắm cái lều ở cánh đồng mà ở, chứ ai lại nhảy vào trong mộ sinh sống như thế. Tôi cũng không hiểu họ là người hay ma nữa. Mà quả thực, trong mắt những người dân ở đây, họ chả khác gì những bóng ma vất vưởng quanh xóm".

Hoàng Cao Khải quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ông đỗ cử nhân năm 1868, được bổ nhiệm làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Tuần phủ Hưng Yên.

Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, thì ông hợp tác với Pháp để đàn áp nhân dân. Năm 1904, khi tỉnh Cầu Đơ đổi tên là Hà Đông, ông làm tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sư Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà đông đến năm 1937.

Ông về hưu tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây.

Mộ của Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu đều đặt ở ấp Thái Hà. Vì theo Pháp, nên di tích của hai ông không được người dân tôn trọng, ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế.

Khu ấp có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng năm 1893, nằm ở phía Tây gò Đống Đa. Nhiều công trình tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.

Ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...

Còn tiếp…

Đường Phong

Những cuộc đời tăm tối trong lăng mộ đá giữa Hà thành

(VTC News) - Bất kỳ ai động đến ngôi mộ này cũng đều gặp họa, chứ đừng nói đến chuyện đào bới, hay xâm phạm vào chỗ ở của người chết.

Kỳ 3 (kỳ cuối): Những cuộc đời tăm tối trong lăng mộ

Theo anh H., người bán hàng nước trước lăng mộ đá ông Hoàng Trọng Phu, ở ngõ 252, phố Tây Sơn (Hà Nội), trong lăng mộ của ông Hoàng Trọng Phu có 4 gia đình với 12 nhân khẩu sinh sống. Hai gia đình chiếm hai gian đặt phần mộ của ông Phu và vợ ông, còn hai gia đình chiếm gian thờ ở trung tâm, nơi đặt bài vị thờ cúng ông.

Vòng ra phía ngoài ngõ, mở cửa vào gian chính, tôi gặp ông Nguyễn M. Trong gian chính này vốn có 2 gia đình sinh sống suốt mấy chục năm nay, nhưng một gia đình đã chuyển đi từ tháng trước, còn gia đình ông M. cũng đang dọn đồ để chuyển khỏi lăng mộ.

Ông M. cởi trần, ngồi hút thuốc lào, uống nước chè trên chiếc giường ọp ẹp. Trong nhà chẳng có đồ đạc gì ngoài cái tivi 14 in cổ lỗ sĩ, chắc phải có tuổi 20 năm.

Ông M. cho biết: "Trước đây, ai đến đây, vào lăng mộ này là tôi đuổi tất, không tiếp. Tôi đã mua ngôi mộ mội đá của ông quan này từ 100 năm nay rồi (?!). Đừng có ai động vào tôi, chết với tôi ngay. Nhưng giờ tôi đã quyết định bán ngôi mộ này cho mấy người Việt kiều Pháp rồi. Gia đình tôi đang chuẩn bị dọn đồ đi đây".
Lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu 
Lăng mộ ông Hoàng Cao Khải 

Ông M. chỉ nói vậy, rồi mặc kệ khách tham quan, muốn làm gì thì làm. Bà Nguyễn Thị V., bán hàng rau ở ngay trước lăng mộ kể rằng, từ hồi vợ chồng ông M. chuyển vào lăng mộ đá này sinh sống, thì tâm tính ông M. thay đổi hẳn.

Ông M. trở nên khó tính khó nết, hay nói nhảm, thậm chí còn xua đuổi những người vào lăng mộ thắp hương cho người quá cố.

Bà vợ ông M. cũng là người ít nói, không muốn giao du với hàng xóm bao giờ, thậm chí còn chẳng biết những người hàng xóm là ai, dù đã sống ở đây rất lâu rồi.

Vợ chồng ông M. năm nay mới 52 tuổi, và nhảy vào lăng mộ sinh sống khoảng 40 năm trước. Hồi vào lăng mộ sống, ông M. còn nhỏ. Bố mẹ ông M. đều đã qua đời tại lăng mộ này. Ông M. có 3 anh em, đều làm thuê làm mướn kiếm miếng ăn, không mua được nhà riêng, nên chia thành 3 gia đình sống trong lăng mộ này.

Bây giờ, con ông M. cũng đã lấy vợ, lấy chồng, và ông M. đã có cháu nội, ngoại. Như vậy, đã có 3 thế hệ sống trong ngôi mộ này.

Tuy nhiên, theo bà V. không có chuyện gia đình ông M. đã mua lăng mộ này từ 100 năm trước, vì cách đây 100 năm, lăng mộ này còn đang xây dựng. Việc ông M. cứ khẳng định đã mua lăng mộ từ 100 năm trước là lời nói nhảm của người không bình thường.

Các gia đình đang chuyển khỏi lăng mộ sau mấy chục năm sống chung với người chết 

Cũng theo bà V., mới đây, con cháu ông Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu, sống ở Pháp, đã về Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ đồng, để các gia đình chuyển khỏi lăng mộ, để họ tu bổ, quản lý, trông nom lăng mộ của cha ông.

Số tiền ấy với những Việt kiều Pháp giàu có thì không đáng gì cả, nhưng với các hộ gia đình ở đây thì quá lớn, nên họ đồng ý chuyển đi một cách vui vẻ.

Theo người dân quanh vùng, thì đại gia đình nhà ông M. thảm hại nhất khi sống trong khu lăng mộ đá này. Không chỉ vợ chồng ông M. mà đám con cháu cũng đều hâm hâm, dở dở. Ngày bé thì đều không sao, nhưng lớn lên một chút thì tâm tính đều trở nên kỳ quặc, không bình thường, mặt mũi lúc nào cũng u ám.

Trong số mấy người con, thì có anh H. là bình thường nhất, được coi là khôn lanh nhất nhà. Anh này được học cao nhất, tới lớp 12. Thế nhưng, đột nhiên một ngày, anh này tự dưng ngớ ngẩn, cứ ngồi nói lảm nhảm một mình.

Phần mộ ông Hoàng Cao Khải 

Nghe đồn, có thời gian, anh này rủ bạn bè đến dùng xà beng bật nắp phần mộ đá trong nhà mình, với mục đích tìm kiếm của cải, nhưng không thấy quan tài đâu cả. Dưới nền phần mộ là một lớp đá rất cứng và dày, búa bổ vào chẳng ăn thua gì, nên lại đậy nắp lại, không phá nữa.

Có người đồn rằng, đây chỉ phần phần mộ giả, lại có người khẳng định xác của vợ chồng ông Hoàng Trọng Phu được chôn sâu dưới lòng lăng mộ, dưới lớp đá cứng, không thể đào tới được.

Anh H., người bán nước ở ngay trước lăng mộ bảo: "Bất kỳ ai động đến ngôi mộ này cũng đều gặp họa, chứ đừng nói đến chuyện đào bới, hay xâm phạm vào chỗ ở của người chết.

Ông Hoàng Cao Khải, ông Hoàng Trọng Phu đều là quan lớn, và đất này là của ông ấy, hai ông ấy khác gì vị thần ở đất này, nên đâu có thể tự tiện mà xâm phạm vào được. Ngay như tôi đây, chỉ mới đào một cái lỗ nhỏ để cắm cái ô cho khỏi nắng, mà còn sống dở chết dở". Anh H. vừa nói, vừa chỉ cái ô cắm ngay trước cửa lăng mộ, chỗ anh đặt cái bàn bán trà.

Anh H., người gặp nhiều vận rủi khi bán hàng ở chân lăng mộ 

Theo anh H. ngay phía dưới chỗ anh ngồi, vốn có 2 con rồng đá, ngự ở hai bên bậc thềm dẫn vào lăng mộ. Tuy nhiên, quá trình dân cư sinh sống, xây nhà dựng cửa, rồi làm đường, làm ngõ tôn cao, nên hai con rồng đá đã chìm xuống lòng đất.

Hồi năm ngoái, anh H. đã khoan lỗ ngay trên đầu con rồng đá. Ngay buổi chiều, đi về nhà, bỗng dưng anh không biết gì nữa. Lúc tỉnh lại, anh thấy nhà cửa tan hoang, vợ con khóc lóc ghê lắm.

Lúc đó, anh mới biết, vừa về đến nhà, thì bị "ông Hoàng Trọng Phu" nhập vào, tố cáo anh H. xâm phạm nơi yên nghỉ của ông, nên ông đập phá hết đồ đạc, tivi tủ lạnh vỡ nát, thậm chí anh cứ vơ lấy dây điện mà nhai rau ráu. Sau khi "vong" thoát, anh H. mệt lử, sợ hãi và như thể biến thành người khác.

Sau lần ấy, có hôm, đang ngồi bán nước, buổi trưa, ngủ gà ngủ gật, tự dựng nhìn thấy rất nhiều người vái sống mình.

Mặc dù thấy mọi người vái, nghe tiếng mọi người gọi "ông Hoàng Trọng Phu", nhưng anh không sao cử động được cơ thể để nói với mọi người. Cảm giác của anh lúc đó như thể có một vong xâm chiếm cơ thể anh. Lúc tỉnh lại, mọi người mới kể rằng anh bị vong nhập và nói cả tiếng Pháp (?!).
 Hoàng Cao Khải quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ông đỗ cử nhân năm 1868, được bổ nhiệm làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Tuần phủ Hưng Yên.

Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, thì ông hợp tác với Pháp để đàn áp nhân dân. Năm 1904, khi tỉnh Cầu Đơ đổi tên là Hà Đông, ông làm tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sư Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà đông đến năm 1937.

Ông về hưu tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây. Mộ của Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu đều đặt ở ấp Thái Hà.

Vì theo Pháp, nên di tích của hai ông không được người dân tôn trọng, ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế. Khu ấp có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng năm 1893, nằm ở phía Tây gò Đống Đa.

Nhiều công trình tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...

Đường Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét