Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 6

(ĐC sưu tâm trên NET)

(An Ninh Quốc Phòng) - Năm 1966, trước việc MiG-21 của KQND Việt Nam giành được nhiều chiến thắng trong không chiến, Mỹ bắt đầu tính kế nhằm đối phó.
Phải tiêu diệt MiG-21!
Mùa hè năm 1966, Không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) bắt đầu đưa các máy bay MiG-21 vào trực chiến. Đơn vị đầu tiên được trang bị loại tiêm kích này là Trung đoàn 921 “Sao Đỏ”. Các chiến sĩ không quân, mà đặc biệt là các phi công tiêm kích Không quân Nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình. Vào giai đoạn cuối năm đó, đỉnh điểm là trong tháng 12, MiG-21 rất tích cực tấn công vào những phi đội không kích Mỹ, nhiều cường kích F-105 Thunderchief (thần sấm) bị hạ hoặc phải hủy nhiệm vụ.

Thiếu tá Trần Hanh (trái), trung đoàn phó Trung đoàn 921 cùng các phi công MiG năm 1966.
Khi đó, các phi đội MiG của Không quân Nhân dân Việt Nam triển khai chiến thuật du kích trên không, dựa trên sự hướng dẫn của các đài điều khiển mặt đất, bất ngờ xuất kích, tấn công vào đội hình máy bay Mỹ đủ để F-105 phải vứt bom giữa đường để đối phó rồi nhanh chóng rút lui về căn cứ, tránh đụng độ với các máy bay không chiến chủ lực F-4, bảo toàn lực lượng.

MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam tại sân bay Phúc Yên (Nội Bài).
Khoảng 20 chú “én” MiG-21 Việt Nam đã liên tục xé nát các đợt oanh kích thuộc chiến dịch Sấm Rền được thực hiện bằng hàng trăm máy bay Mỹ. Với lực lượng không quân được coi là hùng mạnh số một thế giới, đây là điều khó có thể chấp nhận. Khi đó, quân Mỹ bắt đầu tính tới một kế hoạch qui mô nhằm loại bỏ lực lượng MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Kế hoạch đã xuất hiện từ một huyền thoại sống của Không quân Mỹ, Robin Olds – một phi công “ace” của trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách là chỉ huy không đoàn chiến thuật số 8 đóng tại căn cứ không quân Hoàng gia Thái Lan Ubon.
Viên Đại tá Không quân Mỹ này muốn sử dụng các máy bay F-4 Phantom (bóng ma) giả dạng cường kích F-105 nhử MiG. Chiến thuật đánh chặn du kích của Không quân Nhân dân Việt Nam đang đạt được hiệu quả rất tốt, vì vậy MiG-21 sẽ xuất kích khi phát hiện ra những tốp F-105. Kế hoạch của Olds đã khai thác chính vào điểm này, sử dụng một lực lượng lớn F-4 để nhử mồi cũng như đón lõng, phong tỏa bầu trời, một khi MiG-21 đã xuất kích là sẽ khó có thể rút lui được nữa. Chỉ huy Mỹ tin rằng các phi công Việt Nam sẽ bị bất ngờ và khi họ nhận ra thì mọi việc đã quá muộn.
Kế hoạch công phu


F-105 mang bom đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc oanh kích thuộc chiến dịch Sấm Rền
Ý tưởng sử dụng F-4 đóng giả F-105 không phải là mới, nó đã được thực hiện lần đầu vào năm 1965 để đối phó với MiG-17, các chuyến bay của đại đội không quân 45, mật danh là Mink đã hạ được hai máy bay của không quân ta. Tuy nhiên, chiến dịch “trá hàng” mang tên Bolo lần này có quy mô lớn và mức độ tinh vi, táo bạo chưa từng có. Vì vậy việc tổ chức phương án chiến thuật và chọn thời điểm thích hợp là những việc tối quan trọng đồng thời cũng rất khó khăn phức tạp. Đây là lúc viên phi công “ace” Robin Olds thể hiện bản lĩnh của mình. Ông ta đóng vai trò chính trong tất cả các công việc từ lên kế hoạch (mất khoảng 2 tuần) tới chỉ huy trực tiếp sau đó.
Để thực hiện kế “sói đội lốt cừu”, các biên đội F-4 sẽ được tổ chức như F-105. Mỗi biên đội bốn chiếc, mô phỏng theo những đặc điểm hoạt động điển hình của “thần sấm” như bay cùng tuyến đường, cùng với cùng tốc độ, độ cao, sử cùng phương thức và tần số liên lạc, cùng khu tiếp nhiên liệu. Để giả dạng thêm “chuẩn”, F-4 còn phải đeo thêm các khối gây nhiễu QRC-160 và sắp xếp theo đội hình QRC tạo thành một dải nhiễu mạnh và rất sáng bao phủ toàn biên đội như F-105 vẫn làm. Cách này gây khó khăn rất lớn cho các đài radar mặt đất trong việc xác định cũng như ngắm bắn chúng. Tất nhiên là để đeo máy gây nhiêu QRC-160 cùng dàn tên lửa đối không chất đầy, F-4 phải trải qua một chút sửa đổi.
F-4C Phantom II được huy động từ 2 không đoàn 8 và 366. Mỗi không đoàn 7 biên đội, tổng cộng 56 chiếc F-4C. Không đoàn 355 và 388 cho xuất kích 6 biên đội F-105F Wild Weasel tương đương 24 máy bay để thực hiện nhiệm vụ Iron Hand áp chế hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina của miền bắc Việt Nam để các F-4 có thế dồn toàn bộ tâm sức đối phó với MiG-21. Các biên đội EB-66, EC-121D cũng được gửi đến để thực hiện trinh sát điện tử và góp phần gây nhiễu. Chúng sẽ bay ngoài Biển Đông và được bảo vệ bởi F-104. Tổng cộng hơn 100 máy bay các loại của được huy động trong chiến dịch Bolo.



MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam tại sân bay Phúc Yên.
Theo các tài liệu giải mật, danh sách các sân bay của VNDCCH bị tấn công trực tiếp là: Phúc Yên, Gia Lâm, Cát Bi và Kép. Tên các sân bay được mã hóa thành tên các sân bay của Mỹ theo thứ tự tương ứng: Frisco, Los Angeles, Miami và Chicago. 12 trên 14 biên đội F-4 được giao nhiệm vụ tấn công trực tiếp vào 4 sân bay này. Hai biên đội còn lại thuộc không đoàn 366 có nhiệm vụ bọc hậu, ngăn không cho các máy bay MiG-21 rút lui. Không đoàn 8 đóng tại Thái Lan sẽ tấn công từ phía tây trong khi không đoàn 366 có căn cứ ở Đà Nẵng sẽ bay tới Vịnh Bắc Bộ và tiến vào khu vực sân bay từ phía đông.
Phía Mỹ cho rằng MiG-21 mỗi lần cất cánh chỉ 50 phút vì hạn chế nhiên liệu. Mười hai biên đội tấn công được dãn cách nhau 5 phút để tối thiểu là trong 55 phút luôn có F-4 tấn công liên tục, khiến MiG-21 rơi vào thế phải “xa luân chiến” và nhận kết cục thất bại vì cạn nhiên liệu.
Để giữ bí mật tuyệt đối cho hành động lần này, các phi công chỉ được thông báo về sứ mạng trước 3 ngày.
Giải mật chiến dịch Bolo trong Chiến tranh Việt Nam (2)
Chỉ trong vài ngày mở màn chiến dịch Bolo, Không quân Nhân dân Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại về máy bay và phi công. Theo các tài liệu giải mật sau này, chiến dịch Bolo chính thức được...
(Theo Kiến Thức)

Giải mật chiến dịch Bolo trong Chiến tranh Việt Nam (2)

(An ninh quốc phòng) - Chỉ trong vài ngày mở màn chiến dịch Bolo, Không quân Nhân dân Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại về máy bay và phi công.
Theo các tài liệu giải mật sau này, chiến dịch Bolo chính thức được mở màn vào ngày 2/1/1967 bất chấp thời tiết không được thuận lợi. Lúc đó miền bắc Việt nam đang là mùa đông, trời âm u, mây bao phủ gần như toàn bộ khu vực mục tiêu (với quân Mỹ): từ những dãy núi phía tây sông Hồng đến tận Vịnh Bắc Bộ. Trong điều kiện như vậy, tầm quan sát của phi công bị giảm nhiều, F-4 sẽ không thể bao quát được hoạt động của các căn cứ MiG-21 Không quân Nhân dân Việt Nam, ngược lại. Tuy nhiên, MiG-21 cũng sẽ không thể phát hiện sớm F-4, sau khi xuyên qua các tầng mây chắc chắn sẽ rơi vào thế bị động.

Một tổ bay F-4 thuộc không đoàn 8 trước giờ lên đường tham gia chiến dịch Bolo.
Cánh phía Tây phụ trách bởi không đoàn số 8, 3 biên đội xuất kích đầu tiên là Olds (Robin Olds chỉ huy), Ford, Rambler. Chúng lần lượt tới khu vực sân bay Phúc Yên lúc 15h, 15h5p và 15h10p. Toàn bộ các mục tiêu xuất hiện trên màn hình radar của 3 biên đội này sẽ được mặc định là MiG-21 và F-4 được khai hỏa không hạn chế, bỏ qua sự xác nhận bằng quang học. Kế hoạch là vậy, nhưng khi tới nơi, Olds đã khá bất ngờ khi không phát hiện bất cứ mục tiêu bay nào.
Theo World Aviation History thì những đám mây dày đặc có đỉnh lên tới hơn 2km (7.000 feet) hôm đó khiến “hệ thống điều khiển mặt đất của Không quân Bắc Việt hoãn các chuyến cất cánh của MiG thêm 15 phút”. Các biên đội F-4 cố lượn nhiều lần trên bầu trời Hà Nội đầu tiên là theo hướng đông-nam, sau đó theo tây-bắc. Trong tình hình mới, lệnh khai hỏa không hạn chế được Olds rút lại để tránh bắn nhầm lẫn nhau. Lúc này 4 biên đội còn lại của không đoàn là Vespa, Plymouth, Lincoln và Tempest cũng đã đều đang trên hành trình. Riêng Tempest sau đó phải quay về do vấn đề kỹ thuật.
Hướng tấn công phía đông do không đoàn 366 đảm nhận gặp khó khăn lớn với thời tiết. Các biên đội chỉ lượn lờ ở khu vực ngoài Vịnh Bắc Bộ mà không dám tiến sâu vào trong.

Ảnh vẽ MiG-21 bị F-4 bắn hạ.
Về phản ứng của phòng không-không quân ta dưới mặt đất, trong quyển “Lịch sử dẫn đường không quân” (LSDĐKQ) có viết: “Trưa ngày 2/1/1967, địch tăng cường hoạt động ở phía Sầm Nưa và nhiều tốp đã hướng về Phú Thọ. Có thể chúng sẽ vào đánh Hà Nội theo các đường bay như mấy ngày đầu tháng 12 năm ngoái. Địch qua Phù Yên, Trung đoàn 921 xin đánh. 13h56 phút, biên đội thứ nhất gồm: Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Đăng Kính và Bùi Đức Nhu rời đất và xuyên lên trên mây. Các trực ban dẫn đường: Nguyễn Văn Chuyên, Đào Ngọc Ngư tại Sở chỉ huy Quân chủng và Tạ Quốc Hưng tại sở chỉ huy Trung đoàn 921 thực hiện dẫn phối hợp. Biên đội thứ nhất đến Phù Ninh thì gặp 4 F-4 từ Phú Thọ vào. Ta đuổi địch về đến phía tây của sân bay Nội Bài lại gặp 4 F-4 nữa”.
Các tài liệu nước ngoài cho biết, 2 biên đội mà MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam gặp phải khi đó chính là hai biên đội Olds và Ford. Trận chiến sinh tử thực sự bắt đầu. MiG-21 gặp quá nhiều khó khăn. Ngay khi chạm chán, họ đã bị bất ngờ vì phải đối mặt với F-4 đeo đầy tên lửa chứ không phải F-105 mang bom.
“Bóng ma F-4 nắm được thế chủ động, lại áp đảo về mặt quân số và vũ khí (MiG chỉ mang được 2 tên lửa trong khi F-4 mang được gấp 4 lần số đó). Vậy nên “trong tình thế rất khó khăn, cả 4 chiếc của ta đều bị địch bắn và phải nhảy dù”, LSDDKQ viết.
Theo số liệu từ phía Mỹ, trong quyển “USAF F-4 Phantom II MiG Killers 1965-68” thì có 3 chiếc bị hạ bởi đội Olds, chiếc còn lại bị hạ bởi đội Ford.
LSDĐKQ viết tiếp: “Đúng lúc đó biên đội thứ hai: Nguyễn Ngọc Độ-số 1, Đặng Ngọc Ngự-số 2, Đồng Văn Đe-số 3 và Nguyễn Văn Cốc-số 4 cất cánh. Vừa lên khỏi mây, biên đội thứ hai được dẫn vào tiếp địch với góc 120 độ. Số 1 phát hiện cả F-4 và F-105, cự ly 8km”. Trận này phía Mỹ, biên đội Rambler vào ứng chiến. Kết quả cuộc đối đầu này không thống nhất giữa hai bên.
“Sau đó hai bên quần nhau, số 1 bị địch bắn, nhưng nhảy dù an toàn, các số còn lại tách tốp thoát ly về hạ cánh”, LSDĐKQ ghi. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố bắn hạ thêm 3 MiG-21. Trận đấu diễn ra trong khoảng 10 phút.
World Aviation History ghi nhận các máy bay Phantom đã phóng tổng cộng 18 tên lửa AIM-7E Sparrow và 12 AIM-9B Sidewinder. Các biên đội còn lại của không đoàn 8 đều không gặp MiG trong khi các biên đội của không đoàn 366 chỉ dám lượn lờ ở khu vực ven bờ cho đến khi hết nhiên liệu. Chúng phải quay lại căn cứ ở Đà Nẵng trong sự thất vọng và không được nếm trải hương vị của chiến thắng như các chiến hữu phía tây.

Bảng số liệu lấy từ cuốn " USAF F-4 Phantom II MiG Killers 1965-68" , Không quân Mỹ cho rằng họ đã tiêu diệt được 7 MiG-21 trong trận đánh ngày 2/1.
Như đã đề cập, Không quân Nhân dân Việt Nam chỉ công nhận 5 máy bay bị hạ. Các MiG-21 do phi công Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đức Thuận,Nguyễn Đăng Kính, Bùi Đức Nhu và Nguyễn Ngọc Độ lái.
Sau ngày 2/1, các phi công MiG-21 Không quân Nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục xuất kích. Điều này khiến không đoàn 8 của R.Olds tiếp tục tạo ra một cạm bẫy trên không nữa để gây cho ta thiệt hại không nhỏ. Trong thời gian này, hoạt động đánh chặn của MiG-21 đặc biệt quan trọng. Sở dĩ vì các tổ hợp phòng không SA-2 lúc đó bị gây nhiễu nặng và chưa tìm ra cách đối phó hiệu quả. MiG-21 chính là đe dọa lớn nhất với các đợt oanh kích Sấm Rền.
Phi vụ “trá hàng” tiếp theo được thực hiện vào ngày 5 và 6/1, tuy quy mô nhỏ hơn nhiều so với chiến dịch Bolo cách đó vài ngày nhưng thành công đạt được thì không hề nhỏ.
Biên đội Crab 2 F-4C bay sát nhau, giả tín hiệu như một máy bay trinh sát. Crab 1 thứ nhất số hiệu 640389 do tổ bay R.Pascoe/N.Wells điều khiển, crab 2 số hiệu 64-0849 do T.Hirsch/R.Strasshimmer điều khiển. Khi bắt được tín hiệu MiG trên radar sẽ thì ngay lập tức tấn công, hỏa lực được sử dụng không hạn chế. Ngày 5/1/1967, đội này không gặp được MiG nào nhưng sang ngày 6 chúng đã bắn rơi được hai MiG-21. Phi công Đồng Văn Đe đã hi sinh.
LSDĐKQ đề cập tới trận này như sau: “Ngày 6 tháng 1 năm 1967, kíp trực ban dẫn đường Quân chủng: Nguyễn Văn Chuyên dẫn tại sở chỉ huy, Phạm Từ Tịnh trên hiện sóng và Trung đoàn 921: Phạm Minh Cậy, Trần Đức Tụ dẫn tại sở chỉ huy. Biên đội Trần Hanh-số 1, Mai Cương (Mai Văn Cương)-số 2, Đồng Văn Đe-số 3 và Nguyễn Văn Cốc-số 4 được dẫn tiếp địch với góc vào 20 độ tại khu vực Việt Trì-phú Thọ. Số 1 phát hiện 2 F-4, 9km, nhưng bị nhiều tốp địch khác bám theo. Số 2 và số 3 đều bị địch bắn, nhưng số 2 nhảy dù an toàn, còn số 3 hy sinh”.
Giải mã chiến dịch Bolo trong chiến tranh Việt Nam (1)
Năm 1966, trước việc MiG-21 của KQND Việt Nam giành được nhiều chiến thắng trong không chiến, Mỹ bắt đầu tính kế nhằm đối phó. Phải tiêu diệt MiG-21! Mùa hè năm 1966, Không quân Việt Nam...
(Theo Kiến Thức)

Giải mật chiến dịch Bolo trong Chiến tranh Việt Nam (3)

 

(Kiến Thức) - Chiến dịch Bolo là một thành công lớn của Mỹ, đồng thời là một bài học xương máu cho Việt Nam.

Chỉ trong vòng hai trận chiến ngày 2 và 6/1, Không quân Nhân dân Việt Nam đã mất 7 MiG-21 (thừa nhận) và một phi công. Các biên đội Mỹ không chịu mất mát gì đáng kể.
Chiếc 
F-4C 63-7680 được điều khiển bởi R.Olds.
Trích nguyên văn trong cuốn Lịch sử dẫn đường không quân (1959-2004):
”Như vậy, chỉ trong hai ngày MiG-21 bị tổn thất quá lớn, Quân chủng quyết định Trung đoàn 921 tạm ngừng xuất kích để rút kinh nghiệm. Những nguyên nhân chủ yếu là:
- Đã không phát hiện được thủ đoạn của địch là cho tiêm kích giả làm cường kích để nhử không quân ta lên đánh và dùng lực lượng tiêm kích đánh chính của chúng phục kích tại khu vực để bám theo máy bay ta khi xuyên lên trên mây.
- Ta chưa lường hết ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và khả năng đánh địch bằng đội hình 4 chiếc của MiG-21.
- Dẫn đường cho biên đội Đỉnh-Thuận-Kính-Nhu cất cánh muộn, chỉ huy có tư tưởng nóng vội.
Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân (được thành lập ngày 24/3/1967) chỉ đạo cho các cơ quan và Trung đoàn 921 tập trung nghiên cứu, xây dựng cách đánh và cách dẫn đôi bay MiG-21 để tiếp tục đánh địch".
Về phía Mỹ, các chuyên gia nước này đánh giá đây là một trong những chiến tích đáng nhớ nhất của phi công Mỹ trong các cuộc không kích miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất.
Các nguyên nhân đến từ:
- Việc lập kế hoạch và chỉ huy tác chiến từ tổng thể đến chi tiết tốt, tính toán được các trường hợp có thể xảy ra, đặc biệt là phản ứng của MiG-21.
- Phi công được huấn luyện tốt để sử dụng tên lửa (tỉ lệ tên lửa đánh trúng mục tiêu đạt ở mức yêu cầu lý thuyết), có khả năng chuyên sâu về không chiến.
- Khả năng kỷ luật và phối hợp của các biên đội với nhau và với lực lượng hiệp đồng cũng là điều đáng phải khen ngợi.
- Về khách quan, F-4 chiếm lĩnh được ưu thế trên không (phục kích chờ sẵn) nên có điều kiện lý tưởng để tiêu diệt mục tiêu.
- Trận chiến diễn ra ở tốc độ cao nên hạn chế được ưu thế cơ động linh hoạt của MiG-21 trong khi F-4 tận dụng được triệt để vượt trội về hỏa lực, lại có lớp sơn chống phản quang, rất lợi thế để ẩn nấp khi không chiến.
Một vài thông tin thú vị xung quanh chiến dịch Bolo

 Đại tá Robin Olds và đội của mình sau khi thực hiện thành công chiến dịch Bolo.
1. Bolo là tên một loại dao lớn ở Indonesia, Philippines, được dùng phổ biến như dao quắm ở Việt Nam. Ở Cuba nó được dùng để chặt mía. Bolo cũng từng là vũ khí thô sơ trong các cuộc kháng chiến của nhân dân Philippines và có những bài võ đi kèm với loại công cụ này.
2. Không đoàn chiến thuật số 8 có biệt danh là “Đàn sói” (Wolfpack) ám chỉ nhiệm vụ và khả năng phối hợp ăn ý của họ. Một trong những không đoàn tiêm kích thiện chiến nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, biệt danh này chỉ thực sự nổi tiếng sau chiến dịch Bolo với Robin Olds là con sói đầu đàn.
3. Nếu bạn để ý thì tất cả 7 biên đội của không đoàn 8 trong nhiệm vụ này đều được đặt tên theo các hãng xe hơi.
4. Robin Olds như đã nói, đã có danh tiếng lừng lẫy từ trước năm 1967. R.Olds sinh năm 1922, ông vào được học viện quân sự danh giá nhất Hoa Kỳ là West Point nhờ khả năng .. đá bóng giỏi. Ông lái máy bay P-38 và P-51 trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và đã tiêu diệt được 12 máy bay Đức, trở thành một huyền thoại sống của không quân Mỹ. Với việc bắn hạ thêm 4 máy bay trong chiến tranh Việt Nam, R.Olds đã trở thành “triple ace” (cần bắn hạ tối thiểu 5 máy bay để một phi công nhận danh hiệu “ace”, R.Olds đã hơn 3 lần làm được điều đó).
5. Trong những người phi công Không quân Nhân dân Việt Nam trẻ tuổi đối đầu với R.Olds và lực lượng của ông trong chiến dịch Bolo, 3 người đã trở thành phi công “ace” của Việt Nam sau là Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Văn Cốc. Đặc biệt, Nguyễn Văn Cốc trở thành “ace” xuất sắc nhất (của cả hai bên) trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước với 9 lần bắn hạ máy bay của đối phương, 7 trong số đó là máy bay có người lái.
Anh Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét