Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

KIẾP GIANG HỒ 123

(ĐC sưu tầm trên NET)
 

Tướng cướp Bảy Đởm, “phó ông trời” vùng Bảy Núi

Dù cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đã lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ nhưng những bậc kỳ lão ở khu vực Tứ giác Long Xuyên (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang) vẫn còn nhớ như in nỗi khiếp sợ khi nhắc đến một viên sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đó là Trung tá Phạm Văn Đởm - Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn địa phương quân tỉnh Châu Đốc - người luôn tự xưng là "phó ông trời" vùng Thất Sơn, An Giang...


Ba Cụt, chủ tướng của Bảy Đởm.
Mức độ tàn ác, phi nhân của Bảy Đởm được các bậc kỳ lão đánh giá là "lay động lòng trời".
Tiểu sử bất hảo của viên Trung tá
Phạm Văn Đởm sinh 1918, ở tổ 4, ấp Núi Voi, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang. Con ông thầy pháp Phạm Văn Phải và bà Ngô Thị Có. Phạm Văn Đởm có tất cả 9 anh chị em ruột.
Ông Phải là một tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong phong trào khởi nghĩa chống Pháp bằng phép thuật của Phan Xích Long, ông Phải là một trong những đàn chủ bí mật ở vùng núi Voi. Sau khi cuộc kháng chiến của Phan Xích Long thất bại, lo sợ quân Pháp truy lùng, ông Phải lánh về vùng núi Tà Lơn ẩn cư. Tại đây, ông bái sư một pháp sư Kh'mer theo trường phái Trà Kha.
Khi trở về núi Voi, ông mở lò dạy võ Trà Kha, đồng thời lập đàn trị bệnh cho xóm giềng bằng bùa chú. Trước khi trị bệnh, ông Phải thường biểu diễn phép gồng bằng cách niệm chú rồi dùng lưỡi mác bén như dao cạo tự chém cật lực vào lưng, bụng mình nghe phành phạch khiến người chứng kiến khiếp hãi, rụng rời. Thỉnh thoảng cao hứng ông còn nhờ thân nhân người bệnh chém giúp. Điều lạ là lưỡi mác chạm vào da ông như chạm vào lốp xe ôtô, bật ra chứ không tạo thành vết thương. Nhờ những chiêu biểu diễn ấy, người ta tin ông là lục tà (thần sống).
Là con trai lục tà Trà Kha, từ nhỏ Bảy Đởm trở thành thủ lĩnh của đám trẻ trong xóm. Bảy Đởm sẵn sàng đánh nhau với bất kỳ đứa trẻ nào dám thách thức. Hàng ngày, Bảy Đởm kéo đàn em vào các xóm lân cận ăn trộm vặt hoặc gây sự. Những đứa trẻ ở xóm khác đi ngang qua xóm nhà Bảy Đởm đều phải nộp tiền mãi lộ. Ban đêm, Bảy Đởm không về nhà mà chui vào lùm cây, bụi cỏ dưới chân núi Voi ngủ lăn lóc.
Đến năm 15 tuổi, Bảy Đởm trở thành vua trộm bò ở khu vực. Hễ thấy con bò nào không có người trông coi là Bảy Đởm ngang nhiên cỡi thẳng về phía biên giới Tịnh Biên bán lấy tiền tiêu xài. Trên đường đi, nếu bị khổ chủ phát hiện, Bảy Đởm sẵn sàng dùng con dao dâu luôn giắt sẵn bên người tấn công nạn nhân.
Biết chuyện Bảy Đởm ăn trộm, ông Phải cho học trò đi lùng bắt cậu con trai điệu về nhà trói gô dưới gốc cây xoài. Lục tà sự Phải cho rằng con mình bị ma quỷ nhập quậy phá nên dùng roi tầm ma đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

Nguyễn Giác Ngộ (ngồi giữa), Tư lệnh lực lượng quân sự Hòa Hảo.
Sau trận đòn nhớ đời đó, Bảy Đởm tuyên bố từ cha rồi lên núi Bà Đội Om lấy một hang đá làm bản doanh, quy tụ đàn em lập băng cướp cạn chuyên chặn xe đò từ Châu Đốc đi Long Xuyên ngang qua dốc Tà Đét. Thuở đó, khách thương hồ Châu Đốc thường mua vé xe "bộ hiền" (một loại xe ôtô du lịch cải tạo thành xe chở khách) tài nhất (chuyến xe đầu tiên trong ngày) khởi hành lúc 1 giờ sáng của hãng xe đò Tân Thành chở hàng tươi sống đi Long Xuyên bằng tuyến đường này.
Chủ Hãng xe Tân Thành là một Hoa kiều tên Giang Ý Hía - một người thân của chủ tỉnh Châu Đốc, nên xe của ông luôn luôn được ưu tiên chạy tài nhất. Kể từ khi Bảy Đởm đóng "bản doanh" ở núi Bà Đội Om, Hãng xe Tân Thành trở thành mồi ngon của Bảy Đởm.
Một đêm, Bảy Đởm cùng đám đàn em dùng một lóng cây rừng chắn ngang đường. Xe chở hàng gặp lóng cây buộc phải dừng lại. Thế là Bảy Đởm cùng đồng bọn lao ra dùng dao dâu khống chế tài xế rồi thu tiền mãi lộ từng hành khách.
Nghe tin nhà xe Tân Thành bị cướp, viên chủ tỉnh Châu Đốc sai một trung đội lính cảnh sát lên núi Bà Đội Om lùng bắt toán cướp. Sau 3 ngày săn lùng, cảnh sát trở về tay không.
Ba Cụt bị chính quyền Ngô Đình Diệm tử hình bí mật.
Đêm sau, viên chủ tỉnh đang ngủ, chợt giật mình thức giấc. Mở mắt ra, ông ta trông thấy toàn bộ gia đình mình bị trói gô nằm lăn lóc dưới đất. Hai tên đàn em của Bảy Đởm đang cầm con dao dâu mài hù dọa trên cổ từng người. Bảy Đởm thì đang cầm con dao dâu bén ngót vừa cạo bộ râu củ ấu của viên chủ tỉnh vừa hầm hừ đe dọa. Viên chủ tỉnh hoảng vía năn nỉ xin tha mạng và hứa không đụng chạm đến lãnh địa của Bảy Đởm.
Kể từ đó, trở thành thông lệ, cứ xe đò chạy đến dốc Tà Đét dưới chân núi Bà Đội Om là phải nộp tiền mãi lộ cho Bảy Đởm như nộp phí cầu đường. Có đêm, do ăn nhậu no say, chúng ngủ quên không ra thu tiền mãi lộ. Hãng xe tưởng thoát được một chuyến "thuế". Không ngờ đêm sau, xe vừa ngừng, chúng lôi tài xế xuống đánh vì tội đến "trạm" mà không bóp còi báo cho chúng thức.
Nếu trên xe có phụ nữ đẹp, chúng bảo tài xế tắt máy xe chờ rồi chúng lôi nạn nhân xuống bìa rừng thay nhau cưỡng hiếp. Hiếp xong, chúng cõng nạn nhân ném trả lên xe. Từ đó, nhà xe Tân Thành không nhận chở phụ nữ trẻ. Sau vài đêm chặn xe, không thấy phụ nữ, Bảy Đởm lôi tài xế xuống đất dùng chày vồ đánh đến hộc máu rồi buộc hứa mỗi tuần phải… chở một hành khách nữ cho chúng hiếp. Nhà xe phải thuê một gái mại dâm, để đáp ứng dục vọng của Bảy Đởm và lũ đầu lâu. Dạo đó, dân địa phương gọi Bảy Đởm là "tướng cướp dao dâu".
Ngôi mộ gió của Ba Cụt tại Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ.
Bảy Đởm lộng hành tại vùng núi Bà Đội Om từ năm 1933 đến năm 1954 thì gặp lãnh chúa Ba Cụt. Cuộc gặp gỡ này đã nâng cấp cuộc đời tướng cướp Bảy Đởm.
Chủ tướng Ba Cụt
Tên thật của Ba Cụt là Lê Quang Vinh. Ông ta sinh năm 1923, ở rạch Bằng Tăng, phường Thới Long, quận Ô Môn, Cần Thơ. Có tài liệu cho rằng Ba Cụt sinh ra trong một gia đình khá giả. Tuy nhiên, những cụ già cao niên hiện đang sinh sống tại rạch Bằng Tăng khẳng định, gia đình Ba Cụt rất nghèo. Từ nhỏ, ông này đã phải đi chăn vịt chạy đồng cho một điền chủ ở cù lao Cát (ngày nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt).
Tính tình ngang bướng và nóng nảy, Ba Cụt mê đánh lộn hơn chăn vịt. Một hôm, chủ vịt phát hiện Ba Cụt để vịt đói nên đã rầy la. Thế là Ba Cụt đập chết hết bầy vịt rồi bỏ về nhà cha mẹ.
Bị chủ vịt mắng vốn, người cha tức giận đét vào mông Ba Cụt vài roi. Không ngờ, Ba Cụt đấm cha ruột một phát bất tỉnh rồi lấy dao thái chuối chặt đứt một ngón tay với lời thề: "Có chết phanh thây cũng không về căn nhà này nữa". Vì lý do đó, ông ta có hỗn danh là Ba Cụt.
Sau khi bỏ nhà đi bụi, Ba Cụt đi thẳng đến Chắc Cà Đao (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) ở nhà người cậu ruột là ông Huỳnh Kim Thành. Tại đây, Ba Cụt được cậu nuôi ăn học đến hết tiểu học. Thời gian này Ba Cụt xin thọ giáo võ sư Sáu Kim ở cùng xóm. Ba Cụt tỏ ra có năng khiếu võ nghệ, vượt trội các bạn đồng khóa, nên trở thành đồ đệ cưng của Ba Kim và trở thành côn đồ địa phương. Hầu như ngày nào Ba Cụt cũng phải đánh nhau với một ai đó. Những thanh niên bất hảo ở địa phương tụ tập nhau lại thành một băng nhóm chuyên đi gây sự từ xóm trên đến xóm dưới. Họ tôn Ba Cụt làm đại ca.
Năm 1940, Ba Cụt đi xem Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thuyết giảng đạo pháp Phật giáo Hòa Hảo tại Chắc Cà Đao. Do quá sùng tín Giáo chủ, những tín đồ địa phương chen lấn nhau giành chỗ ngồi gần, không ai nhường nhịn ai. Thấy vậy, Ba Cụt cùng đàn em dùng nắm đấm giữ trật tự.
Kết thúc buổi thuyết giảng, Ba Cụt chặn đường Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, ngổ ngáo thách đố: "Ông là Phật sống, có ngon dùng phép thuật biến hóa cho tui coi. Ông làm được, tui theo đạo của ông". Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ chẳng nói chẳng rằng, vơ cái bội nhốt gà ven đường chụp lên đầu Ba Cụt rồi đi thẳng. Những người chứng kiến tưởng Ba Cụt sẽ tấn công Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Không ngờ Ba Cụt cứ đứng im lặng suy nghĩ rất lâu. Không ai hiểu vì sao Ba Cụt lại đứng "chết trân" như thế. Sau này, khi trở thành tư lệnh một đơn vị quân đội Hòa Hảo, Ba Cụt tâm sự với Bảy Đởm: "Lúc ổng mới trùm bội nhốt gà lên đầu, tao cứ tưởng ổng dùng phép thuật gì đó. Tao đứng yên để xem phép thuật biến hóa ra sao. Ai dè, đứng hoài không thấy gì hết. Khi ngẩng lên thì ổng đã đi mất tiêu rồi".
Mấy hôm sau, từ nguồn xác minh của các đệ tử, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã nắm được nhân thân Ba Cụt. Thời điểm này, phong trào ủng hộ Cường Để đang ngấm ngầm lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ. Một lực lượng quân sự kháng Pháp trong giáo phái Hòa Hảo dần hình thành. Lúc đầu, lực lượng này được gọi chung chung là "đội Bảo An". Ba Cụt đưa băng nhóm của mình gia nhập vào đội ngũ này. Đến năm 1944, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ mới chính thức công khai đội Bảo An quân.
Ba Cụt được giao chỉ huy một đại đội gồm các thành phần đầu gấu trong xã hội. Vùng trách nhiệm của Ba Cụt trải dài từ Ô Môn (Cần Thơ) đến Long Xuyên, sang Tri Tôn (bây giờ là tỉnh An Giang). Khu vực Tà Đét, núi Bà Đội Om nằm trong vùng trách nhiệm của Ba Cụt.
Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, nhóm vũ trang của Ba Cụt được lệnh của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáp nhập với lực lượng Vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực, trực thuộc lực lượng quân sự Hòa Hảo do Trần Văn Soái làm chỉ huy.
Ngày 18/5/1947, Trần Văn Soái đại diện lực lượng quân sự Hòa Hảo tự ý ký kết một hiệp định liên kết với đại tá Cluzet - Tư lệnh Phân khu Tây Nam Bộ của Pháp. Theo đó, quân đội Hòa Hảo - một lực lượng kháng Pháp, giờ trở thành Lực lượng Dự bị (Suppletif Forces) của quân đội Pháp. Ba Cụt tuyên bố ly khai với Trần Văn Soái, đặt tên mới cho lực lượng quân sự của mình là "Nghĩa quân Cách mạng". Không ai biết lực lượng "nghĩa quân" của Ba Cụt hoạt động với mục đích gì, bởi ông ta chống lại tất cả mọi lực lượng quân sự khác, từ quân đội Hòa Hảo, Pháp, kể cả Việt Minh…
Ba Cụt đóng bản doanh tại Bằng Tăng (Ô Môn, Cần Thơ) cát cứ một cõi theo kiểu thổ phỉ và trở thành nỗi khiếp hãi của nhân dân địa phương.
Quen thói côn đồ chợ, Ba Cụt đối xử với binh lính và quần chúng rất tàn nhẫn, ác độc. Cho đến tận bây giờ, nhiều vị kỳ lão địa phương vẫn rùng mình khi nhớ về giai đoạn "sống chung với quân Ba Cụt".
Để có tiền nuôi quân, Ba Cụt lệnh cho nhân dân trong vùng phải đóng thuế. Ai nộp thuế chậm, Ba Cụt cho quân bắt trói thúc ké nằm phơi nắng lăn lóc dưới sân suốt ngày đến khi nào người thân đem tiền đến nộp mới thả. Đối với những người bị tình nghi là phe địch bị bắt, Ba Cụt thường dùng cây đinh dài 10 cm đóng vào 2 lỗ tai rồi thả. Nạn nhân được thả chạy sảng quanh một lúc lâu mới lăn ra chết sau khi co giật.
Có lần tình cờ đi ngang nhà hai vợ chồng nọ đang gây gổ nhau. Thấy người phụ nữ mắng chồng leo lẻo, Ba Cụt lệnh cho thuộc hạ xông vào bắt trói. Đích thân ông ta dùng dao rạch miệng người phụ nữ đến mang tai, mặc cho ông chồng quỳ lạy van xin. Mấy hôm sau nạn nhân chết, ông chồng tự tử theo

Năm 1954, Bảy Đởm vẫn còn đóng trại trên lưng chừng núi Bà Đội Om và vẫn thu tiền mãi lộ những ai đi ngang qua đoạn đường này. Một hôm Ba Cụt cho một tiểu đội lính tuyển mai phục bắt trọn ổ nhóm cướp Bảy Đởm trói gô lại chở về "Tổng hành dinh" ở Bằng Tăng.

Vừa gặp Ba Cụt, tướng cướp Bảy Đởm quỳ sụp xuống vừa lạy như tế sao vừa ca ngợi Ba Cụt như một vị tướng trời. Bảy Đởm thề sống chết, nếu Ba Cụt tha mạng, sẽ trung thành phò tá suốt đời.
Nhận ra Bảy Đởm cũng có thành tích bất hảo như mình, Ba Cụt thu nhận và giao cho Bảy Đởm chỉ huy 1 đại đội đóng chốt tại núi Cấm. Từ một thảo khấu cướp đêm, chớp mắt Bảy Đởm trở thành thảo khấu cướp ngày công khai, núp dưới danh nghĩa "kháng chiến quân".
“Phó ông trời” vùng Bảy Núi
Từ khi mang danh nghĩa kháng chiến, Bảy Đởm thường khề khà nói với thuộc hạ: "Vùng này, anh Ba (tức Ba Cụt) là ông trời, còn tao là phó ông trời". Được trao quyền sinh sát, Bảy Đởm thỏa sức thể hiện bản chất độc ác của một tên đồ tể. Hắn dùng việc tra tấn, giết chóc, cướp bóc, ức hiếp dân lành làm thú vui.
Để lấy uy trấn áp đám thuộc hạ - hầu hết là lưu manh, côn đồ - Bảy Đởm thường khoe mình được cha truyền thụ võ bùa gồng Trà Kha đến mức thượng thừa. Nhiều lần Bảy Đởm biểu diễn cho đám thuộc hạ chứng kiến khả năng dùng bùa chú chống đạn như sau: Ông ta đưa khẩu súng ngắn cho một thuộc hạ bảo đứng cách 2 mét rồi bắn thẳng vào mặt ông ta. Súng nổ. Bảy Đởm há mồm táp đầu đạn rồi nhe ra cho mọi người xem. Thật ra, trước khi biểu diễn, Bảy Đởm đã lắp đạn mã tử vào khẩu súng và ngậm sẵn đầu đạn trong mồm.
Lần khác, Bảy Đởm đi ngang đám thuộc hạ, bất thần quả lựu đạn đeo bên hông sút kíp an toàn rơi lông lốc dưới đất. Trong khi đám thuộc hạ hoảng vía nằm bẹp xuống đất thì Bảy Đởm đưa tay bắt ấn quyết, miệng hô lớn thần chú. Quả lựu đạn không nổ. Thật ra, quả lựu đạn đã bị Bảy Đởm cắt bỏ kíp nổ từ trước. Từ 2 chiêu "bùa" đó, đám thuộc hạ truyền tai nhau rằng: "Thân thể ông Bảy bất khả xâm phạm bởi súng đạn, dao, búa".
Để tăng thêm sự can đảm cho thuộc hạ, Bảy Đởm vẽ bùa "đạn né" phân phát khắp đại đội. Ai đã có bùa hộ mạng mà vẫn bị trúng đạn, Bảy Đởm đổ thừa nạn nhân không thành tâm với "phó ông trời” nên bị nạn.
Khi Bảy Đởm đi đến vùng nào, phụ nữ vùng đó đều dùng bùn, tro bếp hoặc nghệ bôi trát lên mặt để "phó ông trời" không thèm chú ý. Bởi, Bảy Đởm khen người phụ nữ nào đẹp thì ngay lập tức được đội cận vệ "mời" - bất kể đã có chồng hoặc chưa - về doanh trại. Cưỡng hiếp chán, hắn "thưởng" cho thuộc hạ.
Bảy Đởm có tổng cộng 7 người vợ thì có 5 bà đều bị hắn cưỡng hôn bằng một kịch bản gần giống nhau: Cho thuộc hạ vu oan cha cô gái tội làm gián điệp cho Tây rồi bắt trói. Chúng dàn cảnh như sắp tử hình nạn nhân rồi khuyên cô gái: "Đi gặp ông Bảy xin tội cho cha". Khi cô gái đến xin "tội", Bảy Đởm nói thẳng: "Muốn cứu mạng cha thì phải chịu làm vợ của qua".
Duy người vợ cả ở Cái Dầu và người vợ thứ 6 (hiện bà và các con vẫn cư ngụ ở rạch Bà Chiêu, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) Bảy Đởm không dùng chiêu "Thúy Kiều chuộc cha" mà xách súng vào thẳng nhà xin cưới dù không quen biết. Không rào trước đón sau, ông ta nói gọn với cha mẹ cô gái: "Ngày mai tôi cưới con gái ông".
Không cần biết cha cô gái đồng ý hay không, ngày hôm sau, Bảy Đởm lệnh cho cả đại đội đem bò, heo đến nhà cô gái làm thịt bày cỗ ăn nhậu. Đến giờ hợp cẩn, Bảy Đởm vận quân phục khệnh khạng xuất hiện bắn một tràng tiểu liên lên trời "báo tin vui". Đám thuộc hạ cũng bồng súng bắn ăn mừng vang động một góc trời. "Đốt pháo mừng" xong, Bảy Đởm đến trước bàn thờ gia tiên xá chiếu lệ vài cái, ném cho cha mẹ vợ đang ngồi chết khiếp một bao tiền rồi bế thốc cô dâu xuống chiếc phà kết hoa. Vậy là xong lễ cưới.

Mộ Bảy Đởm.
Suốt nửa thế kỷ qua, dù Bảy Đởm đã chết, hai người phụ nữ ấy không bao giờ hé răng một lời về cuộc hôn nhân khủng khiếp đó. Con cái của họ chưa từng có dịp nghe mẹ kể về cha mình.
Dù có 7 vợ, 18 đứa con, nhưng ngày Bảy Đởm đền tội với dương trần, chỉ duy nhất bà vợ ở Cái Dầu dự đám tang. Dự đám tang nhưng bà không đội khăn tang.
Về món tra tấn, Bảy Đởm vượt mặt chủ tướng Ba Cụt nhiều bậc. Ông Tám (cương quyết giấu tên) hơn 90 tuổi, cư ngụ tại rạch Bà Chiêu kể: "Ổng (tức Bảy Đởm) có chiếc chày vồ bằng gỗ. Hễ bắt được ai, dù có tội hay không có tội, ổng cũng trói giật cánh khuỷu vào gốc cây gáo rồi lấy chày vồ dộng vô ngực nạn nhân nghe ình ình như đánh trống. Người nào khỏe mạnh, bị dộng 3 cái là hộc máu mồm. Nếu không nhận tội thì ổng đánh cho đến khi nhận tội. Nếu nhận tội, ổng dộng 1 phát chày vồ vô màng tang là giãy đành đạch, chết tươi.
Có lần, tôi đi câu vô tình ngang qua chỗ ổng đang ngồi uống rượu đế. Ổng uống rượu bằng chén ăn cơm. Ổng biểu tôi vô uống với ổng một chén. Tôi từ chối, ổng liền sai lính trói tôi vô gốc cây gáo. Tôi tưởng phen này mình chết dưới tay chày vồ của ổng. Ai dè ổng chỉ giỡn. Chỗ cây gáo đó, ổng dùng chày vồ đập chết nhiều người lắm. Khi ổng kéo quân đi, những đêm trăng người ta thường nghe có tiếng khóc than trên ngọn gáo. Người dân sợ quá, lập miếu thờ. Đúng ngày ổng chết, cây gáo và ngôi miếu đổ ụp xuống sông".
T.Đ.H. - một võ sư thuộc môn phái Trương Gia, hiện đang định cư ở California (Mỹ) - nguyên là sĩ quan phụ tá của Bảy Đởm kể rằng, Bảy Đởm rất mê đá gà. Tuy là sĩ quan phụ tá nhưng TĐH chỉ làm mỗi việc duy nhất là nuôi và luyện gà đá cho Bảy Đởm.
Nghe ở đâu có trường gà là Bảy Đởm sai ông đánh xe jeep chở đến. Chủ trường gà gặp Bảy Đởm kể như xui tận mạng. Bởi Bảy Đởm luôn tuyên bố "gà của phó ông trời không bao giờ thua". Nếu gà nhà có vẻ yếu thế, Bảy Đởm rút súng ngắn bắn chết tươi con gà đối thủ. Sau một năm phục vụ dưới trướng Bảy Đởm, viên sĩ quan phụ tá T.Đ.H. nhận ra mình là một trong số những kẻ cướp mang danh quân đội đã đào ngũ về quê.
Ngày đền tội
Năm 1955, khi được Mỹ đưa lên ghế Thủ tướng cho chính quyền Bảo Đại, Ngô Đình Diệm mở 2 chiến dịch lớn tấn công lực lượng quân sự Hòa Hảo. Ba Cụt tự xưng là thiếu tướng lực lượng quân sự ly khai cát cứ vùng Thốt Nốt (nay là Cần Thơ). Ba Cụt phong cho Bảy Đởm cấp bậc thiếu tá, chỉ huy Tiểu đoàn 206 - Lê Lợi.
Dù mở chiến dịch rầm rộ nhưng không giải tán được lực lượng quân sự của Ba Cụt, Ngô Đình Diệm dùng Nguyễn Ngọc Thơ dụ hàng. Tin lời chiêu dụ của Nguyễn Ngọc Thơ, Ba Cụt bị bắt tại Chắc Cà Đao (Châu Thành, An Giang) rồi đưa ra tòa án binh tuyên án tử. Chủ tướng bị bắt, Bảy Đởm kéo hết tàn quân về vùng núi Cấm và núi Bà Đội Om lập căn cứ quấy nhiễu trả thù chính quyền Diệm ở khu vực Châu Đốc, Long Xuyên. Thời điểm này, bất kỳ viên chức nào làm việc cho chính quyền Diệm đều là mục tiêu bắt cóc, ám sát của Bảy Đởm.
Sáng sớm ngày 13/7/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm xử tử Ba Cụt bằng hình thức chém đầu. Đề phòng Bảy Đởm cho người cướp xác, Ngô Đình Diệm ngầm ra lệnh cho thiếu úy Nguyễn Văn Nhung (sau này là kẻ trực tiếp bắn Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chính 1/11/1963) dùng dao lê xẻ tử thi Ba Cụt thành nhiều mảnh nhỏ rồi bí mật rải nhiều nơi.
Nghe tin này, Bảy Đởm lập đàn cầu siêu cho Ba Cụt trên núi Cấm. Trong lễ cầu siêu, Bảy Đởm thề moi tim Nguyễn Ngọc Thơ ăn sống để trả thù cho Ba Cụt. Từ đó đến ngày cuối đời, Nguyễn Ngọc Thơ không dám mò về nơi chôn nhau cắt rốn ở Long Xuyên.
Mặc dù Ngô Đình Diệm nhiều lần đưa quân lên vùng Thất Sơn truy lùng Bảy Đởm nhưng không thành công.

Miếu "quỷ ông Bảy".
Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ phù phép lên ghế Tổng thống, Bảy Đởm được Nguyễn Văn Huệ - Trung tá Tỉnh trưởng Châu Đốc mời ra hợp tác với chính quyền. Bảy Đởm đồng ý kéo quân phỉ gia nhập với quân đội Việt Nam Cộng hòa với điều kiện thăng cho ông ta hàm trung tá và tổ chức lễ "quy thuận" long trọng chứ không chấp nhận lễ… đầu hàng.
Đầu năm 1967, Nguyễn Văn Huệ đứng ra tổ chức lễ "quy thuận quốc gia" cho lực lượng phỉ và đeo hàm trung tá cho Bảy Đởm. Đó là trường hợp duy nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa: trung tá đeo hàm cho trung tá.
Lực lượng phỉ Bảy Đởm được đồng hóa thành Tiểu đoàn địa phương quân tỉnh Châu Đốc chịu sự chỉ huy của Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Huệ và được tiếp tục đóng quân dưới chân núi Cấm.
Trở thành Tiểu đoàn trưởng địa phương quân Châu Đốc, suốt ngày Bảy Đởm ngồi xe jeep đi săn lùng gái để bắt cóc. "Chiến công" đầu tiên của trung tá Bảy Đởm là cho pháo cối nã cấp tập vào… hang Ông Thẻ trên núi Cấm. Nơi đó, trước khi ra hàng Việt Nam Cộng hòa, Bảy Đởm đã sai đàn em chôn giấu một số súng ống thời Pháp. Sau khi nã hàng trăm quả cối, Bảy Đởm cho đàn em lên "bãi chiến trường" thu nhặt vũ khí đem ra Châu Đốc triển lãm thành tích "đánh bật một tiểu đoàn Việt Cộng ra khỏi núi Cấm".
Dù hùm báo với dân chúng nhưng suốt thời gian chỉ huy tiểu đoàn thổ phỉ mang danh "Quân đội quốc gia", mỗi lần đụng trận với du kích Tri Tôn là mỗi lần đám phỉ chạy thục mạng.
Ngày 12/11/1969, Bảy Đởm ngồi trên xe jeep chỉ huy đám thuộc hạ càn quét, cướp bóc khu vực núi Bà Đội Om. Bảy Đởm không hề biết Tòa án chính quyền cách mạng đã tuyên án tử cho hắn. Một xạ thủ ẩn trên núi Ba Đội Om kết thúc cuộc đời tướng cướp của Bảy Đởm bằng một phát đạn duy nhất xuyên vào hốc mắt, thủng sọ.
Trong giây phút cuối cùng cuộc đời, Bảy Đởm rống lên thảm thiết. Có lẽ những oan hồn nạn nhân của ông ta đã bao vây đòi nợ trần thế.
Đám tang Bảy Đởm diễn ra lặng lẽ. Ngoài thân tộc và tổ mai táng của quân đội Việt Nam Cộng hòa không ai muốn đưa tiễn lần cuối cùng kẻ đã gieo rắc tang thương cho hàng trăm gia đình lương thiện. Bảy Đởm chết trong lặng lẽ, cô độc. Để an ủi Bảy Đởm, chính quyền Việt Nam Cộng hòa "đôn" cho ông ta hàm đại tá. Một người cháu của ông ta cho biết, kể từ ngày Bảy Đởm chết đến nay, chưa từng có bất kỳ một người bạn, một thuộc hạ hay bất cứ ai đến viếng mộ, ngoài thân tộc.
Cho đến tận bây giờ, những đứa con của ông ta- kết quả của những vụ cưỡng hôn - cũng không muốn nhận mình là dòng máu của đồ tể Bảy Đởm.
Dù bị ông ta gieo rắc nhiều nỗi tang thương, cư dân địa phương vẫn cất một ngôi miếu nơi Bảy Đởm trút hơi thở cuối cùng dưới chân núi Bà Đội Om để làm nơi trú ngụ linh hồn không siêu thoát của ông ta

 


Chuyện về “công tử hảo hán” Nam bộ - Cậu Hai Miêng

authorÚt Tẻo Thứ Năm, ngày 06/11/2014 19:30 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Huỳnh Công Miêng sanh năm 1857, là con trai của tên Việt gian phản bội Huỳnh Công Tấn (kẻ đã chỉ điểm cho Pháp sát hại Bình Tây Nguyên soái Trương Định). Hai Miêng là nhân vật nổi tiếng khắp vùng miền Đông Tây Nam bộ, không phải vì tài năng mà lại vì tính cách của ông ta tạo nên hai chiều dư luận rất khác nhau.   

    Theo những tài liệu còn lưu giữ ở Thư viện Đại học quốc gia TP.HCM thì đây là nhân vật phục vụ đắc lực cho nhà cầm quyền Pháp trong công cuộc chinh phục Nam Kỳ: … Năm 17 tuổi, Huỳnh Công Miêng, Trần Bá Hựu (em ruột Trần Bá Lộc) Lê Công Phụng, con nuôi của lãnh binh Tấn, được qua Pháp du học Trường La Seyne gần Toulouse.
    Sau 4 năm, cả ba không đỗ đạt bằng cấp gì cả, nhưng nói trôi chảy tiếng Pháp, về nước được Pháp cho làm thông ngôn, sau thăng ông Phán, Tri huyện hàm. Đợt sau cậu Hai Miêng có Lê Công Hoàng, Nguyễn Quang Nghiêm (anh em cô cậu với Trần Bá Lộc) đều đậu Tú tài, hồi hương liền được bổ làm Tri huyện ngay.

     chuyen ve “cong tu hao han” nam bo - cau hai mieng hinh anh 1

    Gia đình một Hội đồng người Việt thời Pháp thuộc ở Nam kỳ (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Internet)
    Trường hợp cậu Hai Miêng lúc mới về nước, Pháp cho cậu phục vụ dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc, hy vọng cậu thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa lập công. Khi Lộc đem quân ra Bình Thuận, Khánh Hoà, Hai Miêng cũng có mặt trong đoàn quân đó. Lần này Lộc lập kế bắt mẹ của lãnh tụ nghĩa quân tra khảo, đe dọa giết để Mai Xuân Thưởng về hàng. Kế sách ấy tuy cũ, nhưng đã gây tàn độc dã man.
    Ở một khía cạnh khác, với những truyền miệng dân gian thì đây là một công tử hảo hán, biết bênh vực dân lành. Người ta truyền rằng: Pháp kích động cậu Hai Miêng lập công, nhưng công việc ấy không hợp với bản tính hào phóng của cậu. Cậu vốn ghét những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, bênh vực người cô thế, và rất oán ghét bọn cường hào ác bá. Chán cảnh bị ràng buộc, làm tay sai cho Pháp, cậu trả chức tước Pháp ban cho để sống cuộc đời của một kẻ miễn tử lưu linh, có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép hỏi giấy, ngồi ghe hầu chu du khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Cậu Hai Miêng sống cuộc đời ngoại hạng, vượt xa các công thức đương thời. Lúc mới về nước, cậu chỉ thích võ nghệ, luyện côn quyền, múa kiếm. Hàng ngày cậu đi đá gà, uống rượu, hối me (một thứ cờ bạc) thả giàn,… 
     chuyen ve “cong tu hao han” nam bo - cau hai mieng hinh anh 2

    Cảnh một nhà giàu ở Mỹ Tho (Tiền Giang) thời Pháp thuộc (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Internet).

    Dân gian kể lại rằng có một lần cậu vào thăm quan tham biện Mỹ Tho (tương đương chức tỉnh trưởng bây giờ) với thái độ hống hách khác thường, biểu hiện trong hai câu thơ sau:
    Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm/ "Búa xua" (Bon jour) ông tham biện, bạc tiền ông để đâu?
    Hành động ấy chứng tỏ hành vi ngang tàng của cậu, không nể bất cứ ai, kể cả viên tỉnh trưởng người Pháp.
    Cũng mạch cảm xúc đó, dân gian gán cho cậu Hai Miêng cách hành xử và bản lĩnh của một kẻ khác thường. Có lần cậu đi xuống Giồng Tháp để hốt me, nhiều đàn em theo để mang một bao bạc giấy, thứ bạc con cò, rất có giá trị hồi cuối thế kỷ 19. Cậu Hai Miêng cầm chén hốt me, có các thủ hạ là Bảy Danh, Ba Ngà, Tám Hổ lo vùa tiền và chung tiền.
    Sòng me nào có cậu cũng ăn thua rất lớn. Lúc sòng bạc tan, cậu ra về, đi ngang qua một vườn xoài, thấy nhiều trái xoài vừa chín ửng vàng, trông rất ngon lành, cậu kêu chủ nhà hỏi mua. Chủ nhà bằng lòng, đi lấy cây sào tới hái. Cậu cười, nói: Để tôi hái cho, khỏi cần sào!
    Nói xong, cậu giậm chân, nhún mình, nhảy lên bứt một lượt mấy trái xoài chín cây. Ai nấy đều khen ngợi.
    Trong Thơ Cậu Hai Miêng – tác phẩm khuyết danh, có đoạn mở đầu như sau:
    Nam Kỳ có cậu Hai Miêng/ Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công.
    Cậu Hai là bực anh hùng/ Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh!
    Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh…
    Người Gò Công lớn tuổi, hẳn ai cũng nhớ chuyện cậu Hai Miêng ra tay đánh cặp rằn Tây vì ức hiếp dân phu đào Ao Trường Đua. Khi Pháp cho đào Ao Trường Đua (xung quanh là đường vòng đua ngựa), bắt dân phu trong tỉnh Gò Công phục dịch, làm sưu cực khổ. Họ cưỡng bách lao động như tù khổ sai: ban ngày đào đất, đắp lộ, ban đêm ăn ngủ tại chỗ. Hết toán này tới toán khác thay phiên, còn bị cặp rằn (tức giám thị) đánh đập họ tàn nhẫn nhằm đốc thúc công việc mau hoàn thành.
    Một buổi sáng, cậu Hai Miêng đi ngang qua đó, thấy cảnh làm việc quần quật mà còn bị đánh như trâu ngựa. Nổi máu anh hùng, cậu liền thộp ngực một tên cai mã tà hung ác, đấm đá luôn. Cai Phi, cặp rằn đều bị cậu cho ăn mấy bạt tai, rồi cậu bắt họ đội đất chạy lên chạy xuống như mấy người dân đang bị hành hạ. Tay quất roi, miệng cậu quát: Tao đánh chúng bây coi tụi bây có đau như dân phu hay không?
    Chuyện về công tử Hai Miêng còn được đẩy xa tới mức hồi trước ở miền Nam, thấy ai ăn ở tánh nết ngang tàng, ông bà ta thường nói:
    Cậu Hai, cậu chớ có lo/ Hết tiền, cậu cứ xuống kho lấy xài.
    Lại một câu chuyện khác về chuyện đụng độ giữa cậu Hai Miêng với bọn cường hào ác bá mới nổi lên ở xứ Nam Kỳ thuộc địa. Có một lần đoàn ghe hầu mấy chiếc của cậu Hai Miêng ngao du tới xứ Bạc Liêu. Lúc đó nhằm mùa khô, nhiều ghe chài đến ăn lúa tại nhà các đại điền chủ. Khi ấy, dưới bến sông, trước nhà anh em ông chủ Thời, chủ Vận diễn ra cảnh vác lúa xuống ghe rộn rịp như cái chợ. Ở địa phương này, dân chúng ai cũng ngán hai anh em chủ Thời, chủ Vận. Ông chủ Thời có một cô con gái tên là cô Hai Sáng. Dân chúng khắp trong vùng này không ai dám nói đến chữ Sáng như buổi sáng; hồi sáng mai, mà phải nói lại buổi sớm; sớm mơi... cũng đủ biết thế lực hai ông ấy ra sao.
    Khi mấy chiếc ghe hầu của cậu Hai Miêng do thủ hạ chèo đi ngang qua, vô tình ông chủ Thời trông thấy, kêu một đứa bạn (người ở đợ) gần đó, hỏi lớn: Ghe của ai đi dưới sông đó bây?
    Nghe câu hỏi phách lối ấy, cậu Hai Miêng tức giận. Cậu cho ghe ghé lại. Thấy cô Hai Sáng đang đứng chơi dưới bến, cậu Hai Miêng liền cho tay chân bộ hạ bắt cô ta trói lại, và kéo lên cột buồm.
    Khi biết đó là cậu Hai Miêng, quan tham biện Pháp còn nể, ông chủ Thời xuống nước nhỏ, năn nỉ. Ông thương lượng với cậu Hai Miêng xin chuộc cô Hai Sáng bằng một bao cà ròn giấy bạc. Khi ông chủ Thời năn nỉ xin tha cho cô Hai Sáng, cậu Hai Miêng bằng lòng, mở trói cho cô Hai Sáng, rồi gia nhân ôm bao cà ròn đầy nhóc giấy bạc xuống ghe, chèo đi. Từ đó, ông chủ Thời, chủ Vận bớt hống hách với dân làng.
    Tuy có học bên Tây, nhưng cậu Hai Miêng cũng có ít nhiều tác phong của bọn du côn do ảnh hưởng của Thiên địa hội. Ông cai tổng Lê Quang Chiểu, người Phong Điền, Cần Thơ, có soạn quyển Quốc âm thi hiệp tuyển, trong đó, có bài thơ ca ngợi cậu Hai Miêng:
    Số hệ ai làm hỡi cậu Miêng?/ Ba mươi tám tuổi du huỳnh tuyền.
    Sao lờ Bến Nghé xiêu người ngó/ Khói toả Cầu Kho thăm vợ hiền.
    Đúng bực phong lưu trời vội dứt/ Những trang hào kiệt đất không kiêng.
    Cho hay khuất bóng danh còn tạc/ Nhựt báo đòi nơi đã khắp truyền.
    Đến đây có lẽ chúng ta cũng dừng lại để thử tìm xem vì sao dân gian lại hư cấu hình tượng nhân vật này như vậy?
    Có lẽ là khi Tây chiếm Nam Kỳ, mượn chuyện cậu Hai Miêng, các sĩ phu yêu nước tạo ra một nhân vật ngang tàng như vậy vừa kích động tâm lý xem thường Tây và thỏa mãn ẩn ức nỗi niềm mất nước. Người bình dân chân lấm tay bùn, nghe chuyện lưu truyền nọ có phần phù hợp với tính cách hảo hán, hành xử nghĩa hiệp kiểu như nhân vật Võ Tòng, … trong truyện Tàu nên góp phần phát tán.
    Cõ lẽ từ tâm lý ấy, nên người bình dân đã cố tạo ra một hình tượng không tì vết. Cậu Hai Miêng trở thành một thứ thần tượng trong người bình dân khắp cõi Nam Kỳ lục tỉnh thời bấy giờ.
    Và cậu Hai Miêng trong những câu chuyện truyền miệng kia không hẳn là Huỳnh Công Miêng ngoài đời. Có chăng chỉ là bóng dáng, còn hành động, tính cách được các tác giả tạo ra nó nhằm mục đích khác, ý tưởng khác nhưng lại vô tình tạo nên sự lập lờ khó phân biệt rạch ròi cho hậu thế chăng?
    Cuối bài viết này chúng tôi xin cung cấp thông tin Huỳnh Công Miêng mất năm 1895, được an táng trong một ngôi mộ lớn nay nằm trên đường là Trần Đình Xu, TP.HCM.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét