Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 6

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (20.1-15.7.1968)

VietnamDefence - Chiến dịch tiến công của QGPMN VN ở khu vực đường 9-Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị), nhằm thu hút, giam chân, tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân Mỹ và QĐ Sài Gòn (chủ yếu là quân Mỹ), phá vỡ một phần tuyến phòng ngự đường 9 của địch, phối hợp với cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên toàn miền Nam VN.
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh

Lực lượng ta gồm: các sư đoàn bộ binh 304, 320, 324 và 325 (từ tháng 5, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 vào thay cho các sư đoàn 324 và 325 đi chiến trường khác), Trung đoàn 270 (Vĩnh Linh) và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng trị, 1 đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn pháo phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn hoá học, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và LLVT các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá.

Lực lượng địch trên địa bàn:
khoảng 45.000 quân (28.000  quân Mỹ), gồm 3 trung đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn lính thuỷ đánh bộ 3 (từ tháng 4 có thêm Sư đoàn kỵ binh không vận 1) của Mỹ, 1 chiến đoàn dù, nhiều đơn vị biệt động quân và bảo an QĐ Sài Gòn; 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới, trong quá trình phòng ngự được sự chi viện mạnh của không quân, pháo binh ở phía sau.

Chiến dịch diễn ra 4 đợt:
  • Đợt 1 (20.1-7.2), ta tiến công quận lỵ Hướng Hoá và cứ điểm Huội San (xem trận Huội San, 24.1.1968), diệt cứ điểm Làng Vây (xem trận Làng Vây, 6-7.2.1968), làm chủ đoạn đường 9 từ Cà Tu đến biên giới Việt -Lào.
  • Đợt 2 (10.2-31.3), phát triển lên vây lấn Tà Cơn suốt 50 ngày đêm, diệt nhiều địch; bao vây Cồn Tiên, đánh một số trận ở hướng Đông QL 1.
  • Đợt 3 (1-30.4), đánh địch ứng cứu, giải toả, giữ vững các khu vực làng Khoai, Cu Bốc, các điểm cao 689 và 622, triệt phá giao thông trên đường 9, nhưng bị địch chiếm lại một số trận địa ở phía nam và Tây Nam Tà Cơn.
  • Đợt 4 (8.5-15.7), khôi phục thế vây lấn Tà Cơn, đánh địch rút chạy khỏi Khe Sanh.
  
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh

Kết quả: Loại khỏi chiến đấu 11.900 địch, bắn rơi 197 máy bay, bắn chìm và cháy 80 tàu vận tải, phá huỷ 78 xe quân sự (có 8 xe tăng), 46 khẩu pháo, cối; giải phóng huyện Hướng Hoá với gần 10.000 dân, mở thông hành lang chiến lược Bắc-Nam, tạo thuận lợi cho các chiến trường, trước hết là Thừa Thiên-Huế thực hành thắng lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968).


Hạn chế
trong CDĐ9-KS là ta chưa tạo được thời cơ đánh những trận then chốt diệt từng tiểu đoàn quân Mỹ.
Nguồn: TĐBKQS / Trung tâm TĐBKQS - BQP.-H.:

CHIẾN THẮNG ĐƯỜNG 9 - KHE SANH XUÂN HÈ 1968



PGS, TS. HỒ KHANG
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Cách đây hơn 40 năm, đã diễn ra trận chiến quyết liệt ở khu vực đường số 9 - Khe Sanh tại miền tây Quảng Trị giữa quân đội Mỹ và lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam. Mở màn trước đòn tiến công Tết Mậu thân 1968 đúng 10 ngày và kết thúc thắng lợi sau hơn 170 ngày đêm tấn công, vây hãm, giam chân một lực lượng lớn quân đội Mỹ, buộc quân Mỹ phải rút bỏ khỏi căn cứ lớn quan trọng sau những hao tổn nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968 của quân và dân miền Nam thuở ấy tạc vào lịch sử hiện đại Việt Nam như biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đánh Mỹ.

Khe Sanh, một vị trí có tầm quan trọng chiến lược ở miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, nằm trên cao nguyên mỗi chiều gần 10km. Đây là khu vực phía tây phòng tuyến Mắc Na-ma-ra mà địch tổ chức phòng thủ rất mạnh nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, là bình phong chắn giữ cho khu vực phía đông đường số 9, bảo vệ vùng dân cư đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị. Trong nhìn nhận của các tướng lĩnh Mỹ, Khe Sanh là căn cứ tuần tra để ngăn chặn chủ lực miền Bắc thâm nhập từ Lào sang theo trục đường số 9; là bàn đạp để quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn triển khai các hoạt động đánh phá căn cứ của Việt Nam trên đất Lào; là sân bay phục vụ cho việc trinh sát đường không tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn; "là cái mỏ neo ở phía tây cho toàn bộ hệ thống phòng thủ phía nam khu phi quân sự và là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh". Theo Oét-mo-len - Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, bỏ Khe Sanh tức là bỏ mất tất cả lợi thế đó, "đồng thời chấp nhận cái tất yếu là đưa chiến tranh vào vùng dân cư ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị". Vì tầm quan trọng đó, trên tuyến đường số 9, từ Cửa Việt đến Lao Bảo, bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) tập trung tới 45 nghìn quân, trong đó có 28 nghìn quân Mỹ; riêng tại căn cứ Khe Sanh, vào những tháng cuối năm 1967 đầu năm 1968, số quân đồn trú Mỹ lên tới hơn 6.000.
Về phía Việt Nam, ngay từ giữa năm 1966, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trên cơ sở đánh giá tầm quan trọng của khu vực Đường số 9 - Khe Sanh, đã quyết định thành lập Quân khu Trị Thiên, mở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Từ đây, mặt trận này đã thu hút, ghìm chân một bộ phận quan trọng binh lực của đối phương. Trong kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một lần nữa, khu vực đường 9 - Khe Sanh được xác định là hướng tiến công và là đòn chính của bộ đội chủ lực nhằm "nghi binh, lừa địch", kéo ra và ghìm chặt một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của quân Mỹ, tạo điều kiện cho quân và dân miền Nam chuẩn bị và tiến công đồng loạt vào các đô thị trên khắp miền Nam. Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh là nhằm hiện thực hóa chủ trương chiến lược táo bạo đó. Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung vào chiến dịch này các sư đoàn bộ binh 304, 320, 324 và 3251, Trung đoàn 270 (Vĩnh Linh) và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn pháo phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn thông tin, 6 tiểu đoàn vận tải… cùng các lực lượng đảm bảo khác và lực lượng vũ trang các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Đây là lần đầu tiên phía Việt Nam tổ chức một chiến dịch tập trung quy mô lớn trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Đêm 20 tháng 1 năm 1968, quân dân miền Nam nổ súng tiến công quận lỵ Hướng Hoá. Những ngày tiếp sau, quân dân miền Nam tấn công Huội San, chi khu Cam Lộ, đánh chiếm Làng Vây,... dồn ép địch ở khu vực Tà Cơn, chặn đánh quyết liệt lực lượng ứng cứu của địch...
Lúc này, nước Mỹ đang bước vào năm vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Đó là thời điểm rất nhạy cảm trong đời sống chính trị của nước Mỹ. Cho nên, bất cứ sự đảo lộn nào trên chiến trường Việt Nam đều gây chấn động mạnh tới tình hình nước Mỹ. Vì thế, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vừa nổ ra đã ngay lập tức thu hút tâm trí của giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn. Mai-cơn Mắc-li-a, một tác giả Mỹ, sau này bình luận rằng, đạn pháo của chủ lực miền Bắc vừa giội xuống Khe Sanh đã "rơi ngay vào thủ đô Oa-sinh-tơn". Giới lãnh đạo Mỹ khi đó nhận định: Khe Sanh là một "Điện Biên Phủ" trong ý đồ của các cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam. Vì thế, tổng thống Giôn-xơn chỉ thị cho tướng Tay-lo lập phòng "tình hình đặc biệt" tại Nhà Trắng và đích thân theo dõi diễn biến tình hình Khe Sanh từng giờ. Ông lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ vững Khe Sanh bằng mọi giá, lệnh cho tướng Oét-mo-len hàng ngày phải gửi về Oa-sinh-tơn báo cáo chi tiết về tình hình chiến sự Khe Sanh. Cũng đã có ý kiến đề xuất việc sử dụng vũ khí nguyên tử nhằm giải vây quân Mỹ ở Khe Sanh. Toan tính này của giới lãnh đạo Mỹ ngày ấy, bị "ém nhẹm" và phải gần 40 năm sau mới được chính phủ Mỹ tiết lộ.
Vì tình hình căng thẳng ở Khe Sanh, đêm đêm, Oét-mo-len phải ngủ lại trung tâm hành quân trong bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn. Ông và các cộng sự trong bộ chỉ huy quân sự Mỹ nhận định Khe Sanh là hướng tiến công chính của quân dân miền Nam trong Đông - Xuân 1968. Ám ảnh bởi Điện Biên Phủ
năm 1954 từng chôn vùi uy danh quân đội Pháp, Oét-mo-len cho mời nhà sử học quân sự công tác tại MACV, đại tá R. Ác-gơ thuyết trình về nguyên do đưa đến sự bại trận của quân đồn trú Pháp ở Điện Biên Phủ. Theo nhà sử học này, tại Điện Biên Phủ cũng như nhiều nơi khác trong lịch sử chiến tranh thế giới, sở dĩ quân đồn trú thất bại là bởi bị đối phương bao vây và bị tước mất quyền chủ động. Kết luận đó, theo hồi ký Oét-mo-len, khiến ông và cả bộ chỉ huy vô cùng "choáng váng". Trong lo lắng, Oét-mo-len quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương của bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại vùng 1 chiến thuật nhằm kiểm soát, chỉ huy toàn bộ lực lượng quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở mặt trận phía bắc, và nhằm đối phó kịp thời với tình hình chiến sự ở Khe Sanh. Toàn bộ lực lượng này, vào cuối tháng 1 năm 1968, lên tới 40% số tiểu đoàn bộ binh và thiết giáp mà MACV hiện có trong tay.
Trong khi tâm trí và lực lượng quân sự Mỹ dồn vào Mặt trận Khe Sanh thì cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Việt Nam nổ ra mà hướng chính là nhằm vào các đô thị trên toàn miền Nam. Đòn tiến công táo bạo, bất ngờ và mãnh liệt này đã đặt một bộ phận quan trọng quân Mỹ bấy giờ đang tập trung ở khu vực rừng núi Khe Sanh, vào thế "cá voi mắc cạn".
Phối hợp với đòn tiến công vào các đô thị, tại Khe Sanh, quân dân miền Nam tăng thêm lực lượng đẩy mạnh các hoạt động tiến công, vây lấn. Tại đây, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt. Oét-mo-len tung cả vào đây sư đoàn kỵ binh không vận số 1, sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 và nhiều đơn vị thiện chiến khác của quân Mỹ. Đồng thời, không quân, pháo binh được phía Mỹ huy động tối đa nhằm chi viện hoả lực ồ ạt cho quân đồn trú và quân giải cứu. Chỉ tính riêng từ 20 tháng 1 đến 31 tháng 3 năm 1968, phía Mỹ đã sử dụng đến 24.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, 2.700 lần chiếc "pháo đài bay" B.52, giội xuống khu vực Khe Sanh 100.000 tấn bom; các trận địa pháo của quân Mỹ bắn tới 150.000 quả, tạo ra những trận bão lửa hòng đánh bật đối phương khỏi khu vực Khe Sanh.
Không nao núng ý chí, quyết tâm, những người lính "Bộ đội Cụ Hồ" mưu trí, dũng cảm đã kiên trì trụ bám trận địa, tiến công và đẩy lùi các đợt phản kích, chặn đánh quyết liệt lực lượng ứng cứu, làm thất bại các cuộc hành quân giải toả của sư đoàn kỵ binh không quân số 1 Mỹ và quân đội Sài Gòn, siết chặt vòng vây căn cứ Tà Cơn, dồn địch vào tình thế có thể bị tiêu diệt hoàn toàn...
Trước tình hình đó, tháng 6 năm 1968, bộ chỉ huy quân sự Mỹ buộc phải rút bỏ Khe Sanh nhằm bảo toàn lực lượng còn lại sau 177 ngày đêm bị đối phương vây hãm, tấn công và sau khi đã bị hao tổn 17.000 quân cùng hàng trăm máy bay khiến cho tuyến phòng thủ đường 9 bị đập vỡ một khâu trọng yếu. "Việc rút lui khỏi Khe Sanh không đơn giản chỉ bỏ rơi một yếu điểm, mà còn là rời bỏ một ảo tưởng và một chính sách. Tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ đã tan ra tro như những pháo đài xi-măng cốt sắt ở Khe Sanh" (Bình luận của đài phát thanh BBC ngày 30-6-1968). Đó thực sự là một thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của quân Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh xuân - hè 1968 gắn chặt với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và góp phần quan trọng tạo ra hiệu lực mạnh mẽ buộc chính quyền Mỹ phải đơn phương xuống thang, trút dần gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn, ngừng ném bom miền Bắc, cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pa-ri, khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược và quá trình đó là không thể đảo ngược. Chiến thắng Khe Sanh là kết quả của những nhân tố rất cơ bản tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp đánh bại những nỗ lực quân sự khổng lồ của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam; là hiệu lực thực tế của nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam - một nền nghệ thuật quân sự phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và sức mạnh bạo tàn của kẻ xâm lược. Đó còn là ý chí, nghị lực và sức mạnh của những người lính xung trận với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng; là sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ và tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Trị - những đồng bào Vân Kiều, Pa Cô một lòng thủy chung với cách mạng, với kháng chiến, với Bác Hồ, đã chắt chiu dành dụm, đóng góp hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn tấn sắn, hàng ngàn ngày công gùi lương tải đạn, cứu chữa thương binh, chôn cất tử sĩ...
Hơn 40 năm đã trôi qua, kể từ khi cuộc chiến Khe Sanh kết thúc! Kỷ niệm sự kiện lịch sử này, đất nước nghiêng mình tưởng nhớ bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền tự do, độc lập và thống nhất non sông! Đây cũng là dịp để ngày hôm nay những thế hệ đi sau thêm một lần chiêm nghiệm sâu sắc hơn những nhân tố đã tạo ra và nhân lên sức mạnh của lòng yêu nước, của toàn dân tộc thời trận mạc. Những nhân tố ấy, đến hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tăng – thiết giáp Việt Nam: Bản hùng ca nửa thế kỷ

“Đã ra quân là đánh thắng” – câu nói đã ngấm vào máu, khắc vào xương, là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm cao cả của những người lính xe tăng đã viết lên những bản hùng ca 52 năm qua.

I. ĐÒN PHỦ ĐẦU NGỠ NGÀNG

Năm 1968, lần đầu tiên xe tăng Việt Nam xuất kích, địch đã hoàn toàn bị bất ngờ, hoảng loạn chỉ còn biết tháo chạy. Chiến thắng vang dội ở Tà Mây – Làng Vây, góp phần vào chiến thắng chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, đi vào lịch sử Binh chủng Tăng – Thiết giáp như một mốc son chói lọi, mở đầu cho truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.
Ngày 5/8/1967, sau gần 8 năm thành lập, Bộ Tư lệnh thiết giáp được lệnh sử dụng 2 đại đội xe tăng vào Nam chiến đấu. Hai đại đội PT-76 (đại đội 3 và đại đội 9) của Trung đoàn xe tăng H03 được lựa chọn và tổ chức thành tiểu đoàn mang phiên hiệu 198. Ngày 1/10/1967, tiểu đoàn 198 bắt đầu Nam tiến.

Sáng tạo táo bạo

Hơn 2 tháng hành quân bằng bánh xích, vượt trên 1.000 km đường Trường Sơn, toàn tiểu đoàn đến vị trí tập kết với 100% trang bị chiến đấu. Suốt chặng đường hành quân phải đảm bảo tuyệt đối bí mật ấy, những người lính xe tăng đã có nhiều sáng tạo đến táo bạo. Theo thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên trưởng xe tăng 555, đơn vị di chuyển chủ yếu vào ban đêm bằng đèn gầm có lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng.
Những đêm mù sương, các trưởng xe phải đi bộ trước mũi xe, khoác dù trắng dẫn đường. Các kíp xe phải dùng cành cây tươi phủ lên ống xả, vừa ngăn được tiếng ồn, vừa tránh bụi lửa phóng ra từ ống xả. Một bộ bánh xích chỉ cho phép chạy được từ 400 đến 500km trong điều kiện đường tốt. Lần này, do xe tăng của ta phải vượt đoạn đường với địa hình phức tạp, nhiều đá to, ngầm, sông… đặc biệt là phải đi dưới làn bom, đạn pháo địch, nên hơn 90% bánh đỡ nặng và gần 50% mắt xích bị hỏng.
Mắt xích và bánh chịu nặng của xe PT-76 đã vượt hơn 1.000km đường Trường Sơn vào tham gia trận đánh Làng Vây năm 1968. Ảnh: Hà Dương.
Mắt xích và bánh chịu nặng của xe PT-76 đã vượt hơn 1.000km đường Trường Sơn vào tham gia trận đánh Làng Vây năm 1968. Ảnh: Hà Dương.
Các kíp xe đã đảo xích bên phải sang bên trái và ngược lại, đồng thời, lắp xen kẽ mắt xích lành với mắt xích hỏng để đảm bảo hành quân – cái sáng tạo chỉ có ở người lính xe tăng Việt Nam. Tới điểm tập kết, đơn vị đã nhanh chóng ổn định trú quân an toàn, khắc phục các sự cố của xe, sẵn sàng chiến đấu.
Hằng ngày, máy bay trinh sát địch luôn vè vè trên đầu, máy bay B-52 chốc chốc lại giội bom bừa bãi xuống những nơi nghi vấn, nhưng chúng không thể phát hiện ra hàng chục xe tăng nằm chình ình hơn 10 ngày ngay sát cứ điểm, trên đồi không có lấy một bóng cây chỉ bạt ngàn cỏ tranh. Vì xe đã được phủ bằt các sọt cỏ tranh được trồng và tưới nước hằng ngày.
Nguyên Đại đội trưởng Đại đội tăng 9 Ngô Xuân Nghiêm, cho biết, trong từng trận chiến đấu, tính sáng tạo của lính tăng cũng được thể hiện hết sức sinh động. Câu chuyện kíp xe 569 là ví dụ. Lái xe Phạm Văn Hương bị thương ở chân. Vì không có lái xe thay thế, kíp xe đã sáng kiến Hương lái, còn pháo thủ dùng chân đạp cần lái. Nhờ đó, xe tăng 569 vẫn cùng đồng đội lao về phía trước tiêu diệt địch. Hay chuyện chiếc kính ngắm của xe 565 bị hỏng, pháo thủ đã trực tiếp ngắm qua nòng pháo để tiêu diệt mục tiêu… Những sáng tạo đó đã góp phần làm nên chiến thắng.

Tập kích bất ngờ

Thắng lợi Tà Mây – Làng Vây có vai trò rất lớn của việc bảo đảm bí mật, bất ngờ trong hành quân, trú quân và tập kết chiến đấu. Địch không hề biết về sự có mặt của tiểu đoàn xe tăng đầu tiên của ta trên chiến trường và cũng không biết bằng cách nào ta có thể đưa được những chiếc xe tăng vượt qua núi rừng Trường Sơn điệp trùng hiểm trở.
Yếu tố bí mật đó thật sự tạo nên bất ngờ rất lớn trong trận Huội San (Tà Mây). Ngày 24/1/1968, đại đội xe tăng 3 đã tấn công cứ điểm này. Hai xe tăng 555 và 558 đã lao thẳng vào căn cứ của địch, bắn sập các lô cốt, hỏa điểm của địch. Bất ngờ trước sự xuất hiện của xe tăng ta, quân địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn, quân ta làm chủ trận địa trong một thời gian ngắn.
Đoàn tiền trạm của Tiểu đoàn 198 chuẩn bị cho trận đánh Tà Mây – Làng Vây. Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp.
Đoàn tiền trạm của Tiểu đoàn 198 chuẩn bị cho trận đánh Tà Mây – Làng Vây. Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp.
Đến khi đánh cứ điểm Làng Vây, yếu tố bất ngờ về sự xuất hiện của xe tăng không còn nữa, ta lại tạo ra sự bất ngờ mới về hướng tiến công. Để chuẩn bị tiến công, từ ngày 19/1/1968, đại đội tăng 9 đã nhiều lần cùng bộ đội công binh dùng mảng nứa, bí mật thăm dò lòng sông Sêpôn, xác định đường, bến, phương án lái trên sông và đề ra các biện pháp khắc phục cụ thể.
Đại đội xe tăng 9 bơi xuôi theo dòng sông Sêpôn từ vị trí tập kết chiến đấu ở đồi Pê Sai vào tuyến điều chỉnh cuối cùng ở Làng Troài, cách địch gần 2km. Sông Sêpôn nhỏ hẹp, quanh co, lòng sông đầy đá hộc, bờ sông dốc dựng đứng, địch hoàn toàn không ngờ xe tăng ta có thể vận động theo dòng sông để tập kích vào hướng này.
Các chiến sỹ công binh đã bơi lặn trong dòng nước lạnh buốt đo mực nước, đánh dấu các khu vực có đá ngầm và phá những tảng đá to trên quãng sông nước cạn, để mở đường cho xe tăng đi bằng xích. Những đoạn có nhiều đá ngầm, các chiến sĩ công binh quấn dù trắng trên mình, đứng dọc hai bên để làm lộ tiêu sống dẫn đường cho xe tăng bơi. Đại đội tăng 3 xuất kích theo đường 9, đến 23g cả 8 xe đều đến được vị trí cuối cùng ở khu vực cầu Bi Hiên cách cứ điểm địch khoảng 2km. Lúc này pháo binh địch từ Tà Cơn và hỏa lực địch trong căn cứ Làng Vây bắn mạnh ra trên cả hai hướng, máy bay địch cũng bắt đầu thả pháo sáng, bắn phá ngăn chặn ta tiến công.
Đúng 23g25, ngày 6/2/1968, Sở chỉ huy hạ lệnh và phát tín hiệu xung phong. Xe tăng của ta đồng loạt vượt cửa mở, dẫn bộ binh xung phong vào trong cứ điểm của địch. Sau 4 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy phòng ngự trong công sự vững chắc trên điểm cao. Xe tăng cùng bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống gần 1.000 tên địch.
Ở Bảo tàng lực lượng tăng thiết giáp, có một hiện vật không thuộc nhóm vũ khí khiến khách tham quan không khỏi rưng rưng. Đó chính là nắm cơm bị cháy.

II. NẮM CƠM BẤT TỬ

Đầu năm 1972, chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch xuân – hè nhằm tiêu diệt căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh bằng trận chiến hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia, góp phần tạo thế phát triển thuận lợi cho chiến dịch.

Như mũi tên thép

Đăk Tô – Tân Cảnh vốn là căn cứ quân sự mạnh nhất của ngụy quân ở bắc Tây Nguyên, mà Mỹ – ngụy cho là vành đai thép án ngữ hành lang Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Đầu năm 1972, ở đây có 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu doàn pháo binh và 4 tiểu đoàn thiết giáp. Phần lớn lực lượng địch được bố trí ở dãy cao điểm phía tây sông Pôkô, hình thành tuyến phòng ngự lâm thời từ xa bảo vệ thị xã Kon Tum.
Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh là giải phóng 1/3 mạn bắc tỉnh Kon Tum, làm sụp đổ tuyến phòng thủ bắc Tây Nguyên của quân đội Sài Gòn. Sau khi vừa tham chiến ở Đường 9 – Nam Lào trở về, tiểu đoàn 297 tăng thiết giáp lại được lệnh tiến vào chiến trường Tây Nguyên với khẩu hiệu “Tiến sâu – Ở lâu – Đánh thắng!”. Sau 2,5 tháng hành quân, đến đầu năm 1972 thì tới ngã ba biên giới Đông Dương.
Đêm 23/4/1972, từ ngầm sông Pô Kô Hạ, đại đội 7 gồm 9 chiếc xe tăng cùng trung đoàn 66 bộ binh bắt đầu xuất kích. 1g ngày 24/4/1972, xe 377 dẫn đầu tấn công vào hướng đông căn cứ e42 – Tân Cảnh, mở màn trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm này. Sau hơn nửa giờ chiến đấu ác liệt, căn cứ của địch chìm trong khói lửa.
Xe 377 cùng đồng đội xuất kích trong trận Đắk Tô - Tân Cảnh 1972 (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).
Xe 377 cùng đồng đội xuất kích trong trận Đắk Tô – Tân Cảnh 1972 (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).
Đến 4h30, xe 377 dẫn đầu cho bộ binh và xe 357 xốc tới, dũng mãnh tấn công, như một mũi thép lướt qua công sự, chiến hào, vật cản của địch… tiến thẳng vào sở chỉ huy e42, khiến đại tá cố vấn Mỹ, đại tá Lê Đức Đạt chết tại chỗ, đại tá Vi Văn Bình bị bắt sống. Đến 8h cùng ngày, ta cơ bản làm chủ khu vực Đăk Tô – Tân Cảnh.
Quân ta bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105 ly, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả pháo và toàn bộ phương tiện chiến tranh của địch, bắt 429 tù binh ngụy. Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định điều một trung đội xe tăng, gồm xe 377, 354, 369 vận động theo đường 18 lên hiệp đồng với Trung đoàn 1, Đoàn 2, tiêu diệt địch ở căn cứ Đăk Tô 2.

Một đấu mười

Mặc dù không có thời gian chuẩn bị nhưng, Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng Trung đội tăng 3 (ngồi trên xe 377) đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, vừa cơ động, quan sát nắm địch, đồng thời dẫn trung đội vận động với tốc độ cao, dũng cảm vượt qua các trận địa, sự bắn phá ác liệt của máy bay địch để đến căn cứ Đăk Tô 2 trước thời gian.
Xe 377 lại tiếp tục dẫn đầu hai xe 354 và 369 lao thẳng vào cứ điểm. Vì gặp chướng ngại vật nên hai xe kia bị tụt lại phía sau. Địch thấy chỉ có mỗi một xe 377 đơn độc bèn cho xuất kích 10 chiếc tăng M41 chia làm 2 mũi bao vây. Xe 377 lọt vào giữa vòng vây của địch. Cuộc đấu 1 chọi 10 diễn ra ác liệt.
Xe 377, huyền thoại của Binh chủng Tăng Thiết giáp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).
Xe 377, huyền thoại của Binh chủng Tăng Thiết giáp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).
Trong tình thế nguy nan, Nguyễn Nhân Triển đã bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu, bắn cháy 7 xe M41, làm rối loạn đội hình địch. Xe tăng 354, 369 trên đường cơ động, biết xe 377 gặp khó khăn chờ chi viện đã chạy với tốc độ cao nhất lao lên trận địa, bắn cháy 3 xe tăng địch. Lúc đó, một xe tăng địch ở phía Nam sân bay dã chiến Phượng Hoàng bắn trúng xe 377.
Dù xe bốc cháy, nhưng kíp xe vẫn kiên cường truy kích địch. Nhưng cuối cùng 4 chiến sĩ trong xe là Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển, Hạ sĩ pháo thủ Hoàng Văn Ái, Nguyễn Đắc Lương và Hạ sĩ lái xe Cao Trần Vịnh đã anh dũng hy sinh. Lúc này xe tăng, bộ binh ta mãnh liệt tiến lên tràn vào tiêu diệt địch, làm chủ căn cứ Đăk Tô 2.
11h30 hôm ấy lá cờ của Tỉnh ủy Kon Tum trao cho trung đoàn 66 tung bay trên cứ điểm Đăk Tô. Quân địch đóng ở các căn cứ Ngok Bờ lêng, Ngok Rinh Rua, Tri Lễ, quận ĐăkTô, rút chạy toán loạn. Một vùng đất từ Diên Bình, qua Tân Cảnh đến ĐăkTô, về Đăk Mot và hàng chục ngàn đồng bào các dân tộc Kontum được giải phóng.
Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô 2 (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).
Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô 2 (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).
Trận đánh kết thúc, đồng đội tìm thấy xe 377 đang bốc cháy giữa ngổn ngang xác xe tăng địch. Bên cạnh thi thể không còn nguyên vẹn của các anh, là những nắm cơm mà các anh chưa kịp ăn giữa hai trận đánh đã bị cháy thành than. Tập thể kíp xe 377 đã lập kỷ lục về hiệu suất chiến đấu cao: 1 xe tăng tiêu diệt 7 xe tăng địch trong một trận đánh.
Với chiến công trên, tập thể xe 377 đã nêu tấm gương sáng về bản lĩnh kiên cường. Chiến công của xe 377 được coi là chuyện huyền thoại của Binh chủng tăng thiết giáp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Xe tăng 377 đã trở thành kỷ vật vô cùng thiêng liêng, tự hào của Đơn vị H73 và gia đình các liệt sĩ.
Ghi nhớ chiến công của các anh, chiếc xe tăng 377 đã trở thành tượng đài đặt ở giữa trung tâm thị trấn Đăk Tô, nơi các anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Phần hài cốt của các anh đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đăk Tô, mảnh đất nơi các anh đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước; còn nắm cơm đã cháy thành than, cùng các di vật của kíp xe 377 hiện vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng lực lượng tăng thiết giáp. Ngày 1/9/2009 nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe tăng 377.
Hơn 30 năm đã qua đi, nhưng hình ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt tiến vào Dinh tổng thống ngụy quyền trưa 30/4/1975 mãi là biểu tượng chiến thắng huy hoàng của dân tộc.

III. NHÂN CHỨNG ĐẶC BIỆT

Sau khi giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết, ngày 26/4/1975, toàn bộ lực lượng của ta bắt đầu bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ba ngày sau, đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 1, lữ tăng 203, quân đoàn 2 đã giải phóng được toàn bộ căn cứ Nước Trong – Trường sĩ quan thiết giáp của địch, tạo mũi thọc sâu tiến vào Sài Gòn.

Thần tốc, táo bạo

Mất tuyến phòng ngự vòng ngoài ở Nước Trong, sông Buông, địch co lực lượng về tử thủ ở ngã ba Long Bình, cầu Xa Lộ trên sông Đồng Nai, căn cứ Nguyễn Huệ, Thủ Đức, Học viện cảnh sát, căn cứ Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn. Nửa đêm 29/4, tiểu đoàn 1 đi đầu đội hình đến phía bắc cầu Xa Lộ. Xe tăng và bộ binh ta tiến đánh cụm địch ở bên kia cầu.
Để tránh thiệt hại cho các lực lượng phía sau, ta cơ động tiểu đoàn xe tăng 1 tới sát cầu, bắn nổ tung 3 xe M113 chở đầy đạn ở giữa cầu. Sau đó quân ta tràn lên cầu. Địch cho xe tăng dẫn bộ binh ra phản kích. Xe tăng của tiểu đoàn 1 bắn cháy 4 xe địch, số còn lại hốt hoảng bỏ chạy về Thủ Đức. Sau khi đánh bại địch giữ cầu Xa Lộ, binh đoàn thọc sâu tức tốc vượt cầu, nhanh chóng vượt qua các tuyến ngăn chặn của địch.
Cánh cổng sắt Dinh tổng thống Nguỵ dưới vành xích xe 390. Ảnh do Bảo tàng Tăng - Thiết giáp cung cấp.
Cánh cổng sắt Dinh tổng thống Nguỵ dưới vành xích xe 390. Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp.
8h ngày 30/4/1975, trong đội hình đại quân thần tốc tiến vào nội đô Sài Gòn, kíp xe 390 gồm: Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy xe tăng 390, chính trị viên đại đội 4, Trung sĩ Nguyễn Văn Tập – lái xe, Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên – pháo thủ số 1 và Thiếu úy Lê Văn Phượng – pháo thủ số 2, đi đầu đội hình, vượt qua cầu Thị Nghè, gặp xe tăng địch ra ngăn chặn. Bằng một phát đạn xuyên táo, xe 390 diệt luôn 2 xe M113, số xe địch còn lại hoảng sợ bỏ chạy.
Xe tăng 390 tăng tốc theo đại lộ Hồng thập tự, tiến vào đánh chiếm Dinh tổng thống Nguỵ. Thiếu uý Lê Văn Phượng, nguyên Đại đội phó Đại đội tăng 4 nhớ lại, theo phương án tác chiến, xe tăng 390 đến ngã tư thứ 7 thì rẽ trái là vào đến Dinh tổng thống Nguỵ, nhưng vì cả kíp xe không ai biết Dinh ở đâu, xe đã chạy quá một đoạn, nên phải quay lại, theo đường Công lý (nay là đường Nam kỳ khởi nghĩa).

Thắng nhanh để không đổ thêm máu

Sau khi quay lại, chỉ còn cách Dinh khoảng 30m, kíp xe 390 nhìn thấy xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc nghiêng cánh cổng phụ bên trái. Do đột ngột gặp sức cản lớn, nên xe chết máy và kẹt ở đó. Khi thấy xe 843 bị vướng trước cổng phụ của Dinh, lái xe Nguyễn Văn Tập quay sang nói với chỉ huy xe Vũ Đăng Toàn: “Hay xe của anh Thận bị thương rồi, Thế nào anh Toàn, có cho xe vào dinh không?”.
“Tông thẳng vào”, Trung úy Toàn đã quyết đoán ra lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập tông thẳng vào cổng chính của Dinh. Lập tức xe 390 tăng ga, lao thẳng và húc hai cánh cổng thép, xích xe chồm lên cánh cổng bên phải, còn cánh bên trái bung bản lề, nghiêng sang một bên.
Ngay sau đó, xe tăng 843 nổ máy trở lại, tông tiếp vào cánh cổng bên trái, cả hai xe tăng 390 và 843 cùng vượt qua cổng, tiến thẳng vào sân, mở toang cánh cửa cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù, tạo điều kiện cho lực lượng ta tràn vào sân Dinh, bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn.
Khi xe tăng 843 vừa dừng lại, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe, được đồng đội yểm trợ và được người trong Dinh dẫn đường, tiến lên tầng thượng, hạ cờ chính quyền Sài Gòn, kéo cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên cột cờ cao nhất của Dinh tổng thống nguỵ lúc 11h30 ngày 30/4/1975, thời khắc thiêng liêng báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đánh dấu sự cáo chung của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Khi được hỏi, có nghĩ gì khi quyết định húc vào cánh cổng sắt của Dinh? Ông Vũ Đăng Toàn cho biết, lúc đó, chỉ có suy nghĩ duy nhất là phải giành được thắng lợi nhanh nhất, để đồng đội và nhân dân không phải đổ thêm xương máu nữa. Mặc dù, có thể “dính” mìn chống tăng hoặc vật cản nổ của địch bảo vệ cổng Dinh, có thể hy sinh, nhưng kíp xe không có lựa chọn khác.
Các sĩ quan cao cấp trong phủ Tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng trưa 30/4/1975. Ảnh do Bảo tàng Tăng - Thiết giáp cung cấp.
Các sĩ quan cao cấp trong phủ Tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng trưa 30/4/1975. Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp.
Trung sĩ Nguyễn Văn Tập chia sẻ: “Khi thời cơ đến, chúng tôi chỉ biết đó là độc lập. Đất nước còn chiến tranh thì đau khổ vẫn còn, vậy thì quyết định nhanh chóng để bắt nội các Dương Văn Minh đầu hàng, chấm dứt chiến tranh”. Họ là những người hạnh phúc nhất được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc.
Đó là giờ phút mà không phải người lính nào cũng có may mắn được trải nghiệm. “Cảm giác sung sướng đến phát khóc khi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử, đích đến cuối cùng sau bao nhiêu năm đồng bào, đồng chí đổ xương máu cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc”, Thiếu úy Lê Văn Phượng bồi hồi nhớ lại.
Năm tháng đã qua đi, nhưng hình ảnh xe tăng 390 húc tung cánh cổng sắt tiến vào Dinh tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975 mãi mãi là in đậm trong lòng những người lính xe tăng và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Hiện nay, xe tăng 390 được trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng – Thiết giáp. Câu chuyện về “nhân chứng” lịch sử đặc biệt này sẽ như một khúc ca truyền thống tiếp lửa cho các thế hệ những người lính Tăng – Thiết giáp.
Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của xe tăng 390 trong Đại thắng mùa Xuân 1975, tháng 8/2011, Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng đã xét duyệt hồ sơ và thẩm định hiện vật xe tăng 390, nhất trí đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét