Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

KIẾP GIANG HỒ 124

(ĐC sưu tầm trên NET)

Đời chìm nổi của tướng cướp khét tiếng Sài Gòn

Từng là đàn anh thu nạp Năm Cam, khi sa cơ lỡ vận, tướng cướp Huỳnh Tỳ lại quy về dưới trướng ông trùm để sinh nhai.
    Không nhiều người biết tới người dìu dắt ông trùm Năm Cam vào thế giới tội ác chính là “nhị ca” Huỳnh Tỳ trong “Tứ đại thiên vương” thống lĩnh giang hồ Sài Gòn khi ấy là Đại - Tỳ - Cái - Thế (Đại Cathay - Huỳnh Tỳ - Ngô Văn Cái - Nguyễn Kế Thế).
    Sau ngày miền Nam giải phóng, trong khi nhiều anh chị đã chết, thân tàn ma dại vì ma túy và bệnh tật, thì Huỳnh Tỳ vẫn gượng lại được, trở thành đồ đệ của Năm Cam, mặc dù trước giải phóng là đàn anh của ông trùm này.
    Huỳnh Tỳ là trường hợp trùm du đãng hiếm hoi không xuất thân từ trẻ bụi đời, thất học. Huỳnh Tỳ tên thật là Nguyễn Thuận Lai (sinh năm 1944 tại quận 1, Sài Gòn) trong gia đình yên ấm, được cha mẹ cho học hành đàng hoàng, đến hết lớp đệ tam (lớp 10).
    Cậu học sinh Thuận Lai hiền lành, chăm chỉ, học giỏi đều các môn, đặc biệt yêu thích thơ văn. Năm 1960, khi học hết đệ tam, để nhường sự học cho các em, Thuận Lai nghỉ học phụ giúp gia đình. Lúc ấy, cha của Thuận Lai làm nghề lái xe đò đường dài tuyến Sài Gòn - Pleiku, Thuận Lai theo cha học nghề lơ xe.
    Nghề lơ xe tiếp xúc với đủ mọi thành phần trong xã hội, đã sớm làm cho cậu thư sinh hiền lành trở thành tay anh chị trên tuyến đường. Tiếp thu nhanh ngõ ngách nghề đi xe đường dài từ cha, cộng với trình độ học vấn khá, Thuận Lai dần trở thành tay lơ xe bản lĩnh.
    Đi xe đò đường dài, chuyện tranh giành khách giữa các xe, rồi câu giờ để đón thêm khách... xảy ra như cơm bữa. Các tài xế và lơ xe thường giải quyết nhau theo luật giang hồ, ai mạnh thì thắng, ai yếu phải chịu lép vế. Thuận Lai sẵn sàng tỉ thí với các lơ xe khác để giành khách.
    Do cha bị bệnh không tiếp tục lái xe đường dài, Thuận Lai cũng chấm dứt 2 năm rong ruổi trên đường, trở về quận 1 tìm kế mưu sinh. Khu vực này lại nằm giữa một bên là chợ Bến Thành, một bên là ga xe lửa Sài Gòn, vì vậy mà sự náo nhiệt, phức tạp càng tăng lên theo đà sôi động của khu chợ và nhà ga. Nơi đây cũng ra đời các loại dịch vụ cho giới lưu manh trộm cắp như sòng bài, động chích, tiệm hút, động mại dâm.
    sg1.jpg
    Sài Gòn những năm 1960.
    Thuận Lai nhờ có 2 năm “chinh chiến” bằng nghề lơ xe, đã tỏ rõ sự hơn trội so với các băng tép riu. Thuận Lai cùng với 2 tay anh chị khác tên Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế đứng ra nhận bảo kê toàn bộ các dịch vụ nhám nhúa này.
    Để trốn không đi lính, Thuận Lai phải làm giấy khai nhỏ tuổi, thay đổi họ tên, từ Nguyễn Thuận Lai thành Huỳnh Tỳ. Cái tên Huỳnh Tỳ bắt đầu xuất hiện khoảng năm 1963 và nhanh chóng trở thành nỗi khiếp sợ đối với những người làm ăn lương thiện ở quận 1.
    Khoảng năm 1964, băng du đãng Đại Cathay sau khi thống lĩnh cả giới giang hồ quận 4, bắt đầu chồm sang quận 1, khu vực của Thuận Lai. Lãnh địa của 2 băng du đãng khét tiếng ở Sài Gòn bắt đầu chồng lấn lên nhau, đã xảy ra một vài vụ đụng chạm giữa đàn em của hai bên.
    Vừa bực tức vừa lo sợ, Huỳnh Tỳ bàn với hai phó tướng là Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế tìm cách loại Đại Cathay ra khỏi thế giới giang hồ Sài Gòn. Một buổi tối, Tỳ bày tiệc trên lầu rạp hát Aristo, mời Đại Cathay tới gặp gỡ để thông cảm cho những va chạm đã qua của bọn đàn em.
    Lúc ấy, giới giang hồ Sài Gòn vẫn đánh giá cao trình độ học vấn của Huỳnh Tỳ, so với Đại Cathay, kẻ không viết nổi tên mình. Thế nhưng, từ sau cuộc đụng độ giữa hai bên, cách nhìn của giới giang hồ đã thay đổi, khi mà kẻ có học lại cư xử khá “vô học”, còn kẻ thất học lại rất “quân tử”.
    Được Huỳnh Tỳ gửi thư mời tới dự tiệc giảng hòa, Đại Cathay không mảy may nghi ngờ, một mình từ quận 4 sang quận 1, vào rạp hát Aristo. Chỉ có sự may mắn và khả năng chịu đựng dao búa mới giúp cho Đại thoát chết. Chưa lên hết cầu thang, Đại cảm thấy chột dạ khi mà nụ cười đón khách của Huỳnh Tỳ có cái gì đó thâm hiểm chứ không đường hoàng, trong sáng của kẻ có học.
    Chưa kịp chào hỏi, Đại bất ngờ bị Nguyễn Kế Thế đá lộn cổ xuống thang lầu. Cùng lúc 4 tên đàn em của Huỳnh Tỳ xông ra chém Đại tới tấp. Vừa đỡ đòn, Đại vừa đánh trả để mở đường máu. Khi lao được ra ngoài đường, mình mẩy máu me đầm đìa, Đại được đàn em cõng chạy về phía chợ cầu Ông Lãnh...
    Khi những vết thương còn chưa kéo da non, Đại Cathay đã một mình lặng lẽ giắt dao đi sang quận 1 để giải quyết ân oán giang hồ. Đàn em đòi đi theo, Đại kiên quyết không cho, vì đây là chuyện cá nhân của Đại, để một mình hắn giải quyết.
    Chính cách cư xử đầy bản lĩnh và anh hùng của Đại Cathay, so với cách đánh lén hèn hạ của Huỳnh Tỳ trước đó, đã làm cho Đại Cathay nổi lên như cồn sau vụ đụng độ này. Không biết bằng cách nào, mà cả Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế đều lần lượt nhận đúng một nhát dao của Đại vừa đủ để sẹo suốt đời.
    Thấy không thể đối đầu Đại Cathay, mà cũng thấy nhục trong giới giang hồ sau vụ đụng độ đầy tai tiếng này, Huỳnh Tỳ đành bắn tiếng cầu hòa, xin gia nhập vào băng của Đại Cathay. Để rồi sau đó, băng Aristo vĩnh viễn bị xóa sổ, quân tướng của Aristo về quy phục dưới quyền của một đại ca duy nhất là Đại Cathay. Cuộc hợp nhất giang hồ vào cuối năm 1964 đã xóa sổ cái tên Aristo, đẻ ra danh xưng “Tứ đại thiên vương” Đại-Tỳ-Cái-Thế, cùng với việc danh tiếng của Đại Cathay càng lừng danh gấp bội khắp Sài Gòn.
    Vào đầu thập niên 1960, khi đã nổi danh trong “Tứ đại thiên vương”, gã có thu nhận một đàn em tên là Năm Cam, cho làm bảo vệ trong các vũ trường. Năm Cam không giỏi về đánh đấm nhưng tỏ ra mưu lược nên được Huỳnh Tỳ tin dùng. Chính gã đã cứu Năm Cam thoát nạn trong một vụ thanh toán bằng súng ngay trong vũ trường.
    Sau ngày giải phóng, cả Huỳnh Tỳ và Năm Cam đều không từ bỏ “nghề” du đãng, nhiều lần vào tù ra khám. Năm Cam dần dần củng cố thế lực, đến đầu thập niên 1990 trở thành ông trùm của xã hội đen ở TP HCM.
    Huỳnh Tỳ vốn nghiện nặng, thường xuyên đói thuốc, hoàn cảnh gia đình khó khăn khi vợ mất để lại cho 2 đứa con nhỏ dại. Không băng nhóm, không nghề nghiệp, gã phải xoay sang mánh mung cò con như lắc bầu cua, chích dạo ma túy...
    Đầu năm 1992, Huỳnh Tỳ lén lút mở sòng bạc tại một con hẻm trên đường Lê Lai. Biết chuyện, Năm Cam ra lệnh dẹp vì chỉ có Năm Cam mới có cái quyền mở sòng bạc ở Sài Gòn. Huỳnh Tỳ không nghe, ngay lập tức, sòng bạc này liên tục bị khám xét. Biết là Năm Cam ra tay, gã phải đến mời Năm Cam hùn vốn danh nghĩa, sòng bạc tiếp tục hoạt động. Đến cuối 1992 thì chấm dứt, tên tuổi của Năm Cam bị đưa lên một tờ báo ở Sài Gòn vì những hoạt động bảo kê.
    Cho rằng Năm Cam sắp hết thời, Huỳnh Tỳ không chịu cống nộp tiếp. Đầu năm 1993, sòng bạc của gã bị bắt quả tang, nhiều nhân viên của sòng phải tra tay vào còng. Gã may mắn thoát được, bị truy nã. Hắn phải đến tạ tội với Năm Cam xin nghĩ tới ân tình cũ mà cứu giúp. Ông trùm dang tay đón nhận Huỳnh Tỳ, giao quản lý các sòng bạc khác ở quận 4, quận 8 và Biên Hòa.
    Tháng 9/1995, Năm Cam lại bị báo chí phanh phui. Lần này, Huỳnh Tỳ lại trở mặt không cung phụng cho ông trùm. Không lâu sau đó, Năm Cam bị bắt đi cải tạo. Khi đi cải tạo về, Năm Cam rất giận người anh em vì tuy là người có học mà cư xử “vô học”. Từ đó, giữa Năm Cam và Huỳnh Tỳ không còn ân nghĩa anh em gì nữa.
    Bị thất sủng, nhưng đó lại là điều may mắn cho Huỳnh Tỳ. Bởi nếu được Năm Cam tha thứ, thu nạp lại một lần nữa, chắc hẳn sau đó gã không thoát khỏi là bị cáo trong chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” gây xôn xao cả nước.
    Theo Lao Động

    Trò xin số đề quái gở ở mộ tướng cướp Sài Gòn

    Họ cắt cổ gà để tiết chảy xuống mồ; ống tre lại bốc lên những vệt khói trắng xóa, nhìn vệt khói đó, họ luận ra sổ con số lý tưởng của mình.
      Cứ mỗi lần trúng số là những người ôm ấp giấc mộng đổi đời ấy lại đem lễ đến trước mộ Phước “Tám ngón” (tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1972, đã bị xử bắn vì tội Giết người và Cướp tài sản) để tạ ơn linh đình. Có người còn thuê cả xe tải chở bia, đồ nhậu lên nghĩa địa để tri ân với tử tù cả đêm. Bãi đất trống trước mộ Phước “Tám ngón” (trường bắn Long Bình, Quận 9, TP HCM) chẳng khác nào bãi chiến trường với vô số vỏ chai và những người say xỉn…
      Tới trường bắn, đặt lễ, xì xụp khấn vái xong, có nhiều cách để những “con ma lô, ma đề” ấy biết được con số mà Phước “Tám ngón” ban cho mình. Tuy nhiên, có hai cách mà ông Ba Son (người trông coi ngôi mộ) thấy dân nghiền cờ bạc hay làm đó là xin số bằng đèn dầu và bằng trứng gà. 
      Xin số bằng đèn thì sau khi nhang khói xong, họ lấy miếng giấy trắng nhúng vào rượu rồi hơ trên bóng đèn. Hơi nóng của đèn cùng muội khói sẽ “vẽ” lên trang giấy những hình thù khác kỳ quái và dựa vào những hình đó, người xin số sẽ luận ra được con số mà Phước “ban tặng” bằng một “binh pháp” riêng biệt. 
      Xin số bằng trứng gà cũng tương tự thế. Người xin chuẩn bị sẵn trứng cùng miếng nhựa, trên đó có đánh dấu những ký hiệu ám chỉ những con số mà chỉ người muốn xin biết được. Khấn lễ xong, dựng trứng lên, trứng đổ, lăn về phía nào thì cứ nhằm số đó mà đánh.
      Nhiều người tới thăm mộ của Phước
      Nhiều người tới thăm mộ của Phước "Tám ngón" để xin số đề. Có người đã trúng tiền tỷ từ những con số xin được ở đây.
      Ngoài hai cách xin số truyền thống trên, theo ông Ba Son, trước nấm mồ Phước “Tám ngón”, dân nghiền cờ bạc còn rất nhiều cách “xin số” lạ lùng quái đản khác nữa. Chẳng hạn như cách xin mang đầy tính phù thủy của mấy “cao thủ lô đề” ở Chợ Lớn. Họ thường về xin số vào giữa buổi trưa khi trời chang chang nắng. 
      Ông Ba Son bảo, đến giờ, mỗi lần chứng kiến những người gốc Hoa ấy làm phép, dụi mắt mấy lần mà ông vẫn chẳng tin vào mắt mình. Người ta lấy một ống tre vát nhọn đầu cắm xuống mồ của Phước sau khi đã thắp hương, quỳ lạy xong.

      Dựng ống tre theo phương thẳng đứng, họ mới cắt cổ con gà ác để tiết chảy theo ống tre xuống mồ. Lạ lùng, cứ khi tiết gà chảy xuống thì từ ống tre lại bốc lên những vệt khói trắng xóa. Giữa trưa nắng mà những vệt khói đó lởn vởn rất rõ ràng. Nhìn vệt khói đó, mấy người làm “thư ký” vội vàng vừa ghi chép vào sổ vừa bấm ngón tay vừa lẩm nhẩm tính ra “con số lý tưởng” của mình. 
      Ban đêm, trước 24h, là thời điểm những người xin số vào “hầu”, thời gian còn lại đổ về sáng là dành cho những người đến lễ tạ, cảm ơn. Ông Ba Son bảo, ông và những người sống quanh trường bắn thích những người “đến sau” này hơn, bởi đến tạ ơn là họ đã trúng số, bởi thế nên họ hào phóng, xin gì, mua gì cũng vung tay không phải nghĩ.

      Phước “Tám ngón” là dân giang hồ nên người ta thường tạ ơn hắn bằng bia rượu. Khi cầu cúng, ai cũng tiện mồm bảo: “Nếu trúng, tôi bao anh một chầu nhậu tới bến thì thôi!”. Vậy nên, có nhiều người đánh cả ôtô tải chở bia đến. Lên đây, thắp hương cho Phước xong, họ vung bia cho tất thảy những ai có mặt. Mồi nhậu là lợn quay, gà luộc. Nhậu say thì mỗi người một góc, cứ ôm bia mộ tử tù mà ngủ.

      Ông Ba Son kể, nhiều hôm, đi thu dọn bãi chiến trường ấy, riêng vỏ lon bia, ông cũng kiếm đủ. Có hôm, từ nghĩa địa tử tù, ông mang về nguyên một con lợn sữa. Dân “tạ ơn” nhậu không hết, không biết mang đi đâu nên đành cho ông. Một thân một mình ông cũng không ăn hết nên xẻ ra chia xóm làng mỗi người một tảng.
      Ông Ba Son là người đứng ra xây cất lại phần mộ cho Phước “Tám ngón”. Chi phí cho việc cải mả ấy cũng do một người may mắn trúng số tài trợ. Ông bảo, đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy, nên theo hợp đồng, tính toán ông lấy tiền công chỉ gần 2 triệu đồng, nhưng sau này, biết người đó trúng lớn, ông và các cộng sự của mình đã “chăn” được gần trăm triệu bạc. Người thuê ông là 2 anh em pê đê ở quận 4.

      Đêm đó, khi công trình hoàn tất, hai anh em đã thuê ông đánh hẳn chiếc xe 12 chỗ chở đầy bia và đồ lễ lên. Trong cuộc trò chuyện, ông biết, sau khi xin số từ mộ Phước “Tám ngón”, người anh đã trúng 7 tỷ đồng còn người em ăn cả đề, cả lô cũng thu về hơn một tỷ.

      Thấy họ thắng lớn mà trả công cho mình có ngần ấy, nổi máu tham, ông đã bàn với các chiến hữu của mình tính cách kiếm thêm. Bởi thế, khi cuộc nhậu đang tới hồi tướt mướt thì bỗng đâu ánh đèn sáng lóa dọi đến từ bốn phía. 
      Đang nhậu, mấy kẻ bán mình cho những con số may rủi đó bỗng giật mình bởi tiếng quát: “Đứng im, công an đây, đề nghị các anh về đồn!”. Nghe tiếng quát rắn rỏi đó, mấy kẻ đang thả mình trong men say chiến thắng ấy tỉnh hẳn, líu ríu vỗ vai ông Ba nhờ cách giải thoát. Thấy cá đã cắn câu, ông Ba Son bồi thêm: “Tiền các anh có được là tiền đánh bạc, lên đồn là bị thu trắng đấy! Được rồi, anh này là chỗ quen biết, để tôi ra quan hệ xem sao!”. Nói rồi, ông hớt hải đi, lát sau quay về ghé tai người anh bảo phải chi tiền mới có cơ thoát nạn. Vậy là còn bao nhiêu tiền đem theo, mấy kẻ khờ dại ấy dốc sạch, đưa cho ông để đi… lo lót. 
      Ông Ba Son bảo, khi ấy, thấy bọn chúng móc sạch mới được gần trăm triệu đồng, nghĩ già néo đứt dây nên ông đành… cầm tạm. Về nhà, chia cho những người đóng kịch giúp mình 30 triệu, số còn lại ông tự thưởng cho mình.

      Tuy nhiên, mấy năm nay những dòng người tìm đến mồ Phước “Tám ngón” bỗng nhiên giảm hẳn. Người ta không còn lũ lượt rồng rắn kéo nhau đến nữa mà chỉ lác đác có mấy người ở những khu dân cư gần đó. Ông Ba Son bảo, bởi chính quyền đã cấm đoán quyết liệt hơn nhưng nguyên do chính là dân nghiền số đề không còn thấy, không còn tin vào sự linh ứng Phước “Tám ngón” nữa.

      Nhiều người máu me đen đỏ đội lễ đến đây nhưng vẫn tán gia bại sản, nhiều kẻ cũng chính bởi giấc mơ làm giàu theo cách “ăn của thiên hạ” đó mạt kiếp, mạt vận phải theo con đường mà Phước “Tám ngón” đã đi ấy là đi cướp.
      Theo VTC

      Tướng cướp khét tiếng Sài Gòn và ngôi mộ kỳ lạ

      Khi nắp áo quan của Phước 'Tám ngón' vừa lật ra, mọi người hoảng hốt khi thấy hình hài của hắn vẫn nguyên vẹn.
      Từ khi việc thi hành án tử hình được chuyển sang hình thức tiêm thuốc, trường bắn Long Bình (Quận 9, TP HCM) bỗng dưng thành hoang, cỏ dại um tùm. Nhiều ngôi mộ của tử tù vẫn lạnh lẽo nằm đó. Xung quanh những ngôi mộ của tử tù vẫn đang tồn tại những câu chuyện tưởng như khó tin nhưng có thật…
      Nhắc tới tên Phước “Tám ngón” thì không chỉ dân lành mà đám anh chị giang hồ cộm cán ở Sài thành cũng tim đập chân run bởi hắn là một tên giang hồ máu lạnh, giết người không chút gớm tay. Phước “Tám ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1972, trong một gia đình nghèo khó ở Dĩ An (Thuận An, Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Ngay từ thuở thơ bé, Phước đã tỏ ra là một đứa trẻ ngỗ ngược, khó bảo, thích cuộc sống lang thang, phiêu bạt.

      Sở dĩ mọi người gọi hắn với biệt danh “Tám ngón” là bởi bàn tay trái của hắn mất ngón cái và ngón trỏ. Khi tuổi mới 14-15 tuổi, vì bị mẹ la mắng do ham chơi, Phước đã kê tay lên miếng gỗ rồi vung dao chém lìa hai ngón tay đó. 
      Mỗi lần dạt nhà đi bụi, để có tiền tiêu xài, xúm xít đánh đu cùng đám con gái mắt xanh mỏ đỏ ở khắp các hộp đêm ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Biên Hòa (Đồng Nai)… Phước cùng đám bạn du thủ du thực của mình đã gây ra hàng loạt những vụ trộm, cướp.

      Sự tàn bạo, máu lạnh của Phước và đồng bọn được đúc kết bằng một câu nói mà bất cứ ai nghe cũng sởn da gà kinh khiếp: “Bắn trước, cướp sau”. Nhiều nạn nhân của băng nhóm này đã kể lại rằng, khi gặp toán cướp mà thằng nào thằng nấy đều lăm lăm súng trong tay đó, nhiều người đã quỳ lạy, van xin nhưng Phước vẫn lạnh lùng ra lệnh cho đồng bọn hoặc tự mình nổ súng. Chỉ khi nào thấy con mồi nằm bất động trên vũng máu tươi thì chúng mới thực hiện mục đích cướp đồ của mình.
      Phần mộ của Phước
      Phần mộ của Phước "Tám ngón".
      Bởi những tội ác kinh hãi mà Phước “Tám ngón” cùng đồng bọn đã gây ra, công an các tỉnh trên địa bàn mà băng nhóm này hoạt động đã khoanh vùng, vây ráp. Thình lình xuất hiện, gây án dã man rồi lặn mất tăm nhưng chỉ hơn một năm sau (1993), trước sự truy lùng ráo riết của công an, Phước đã bị bắt. Tháng 6/1994, với những tội ác tày trời mà mình đã gây ra, Phước “Tám ngón” bị Tòa án nhân dân TP HCM tuyên án tử hình.
      Sở dĩ người ta cho rằng Phước “Tám ngón” thiêng là bởi hắn “được chết”… 2 lần. Có lẽ, trong lịch sử tội phạm hình sự ở Việt Nam thì Phước là trường hợp hiếm có bởi sau khi bị bắt, bị tuyên án tử hình, đang chờ ngày ra pháp trường thì hắn may mắn lẩn trốn được khỏi sự truy lùng của thần chết. Và cũng chính bởi điều này đã tạo cho Phước “Tám ngón” một vị thế khác trên chiếu giang hồ. 
      Trại giam Chí Hòa (người Sài Gòn thường gọi là khám Chí Hòa) nơi Phước bị giam cầm chờ ngày ra trường bắn có 3 tầng lầu. Trại giam từng được mệnh danh là “lò bát quái” chỉ có đường vào chứ không có… lối ra này từ khi được xây dựng tới nay chỉ có 2 trường hợp tù nhân đào tẩu thành công và được coi là sự kiện hy hữu.

      Trường hợp thứ nhất là vào năm 1945, những người cộng sản đã lợi dụng sự kiện Nhật đảo chính Pháp để tổ chức cướp trại, tổ chức giải thoát cho tù chính trị bị giam cầm nơi đây. Trường hợp thứ hai, xảy ra đúng 50 năm sau và người đã đào thoát khỏi “lò bát quái” này một cách ngoạn mục không ai khác chính là Phước “Tám ngón”.
      Tại bãi tha ma tử tù Long Bình, so với những ngôi mộ nằm khuất lấp sau tán cỏ tranh khác thì mộ Phước “Tám ngón” trông khang trang, bề thế nhất. Bia mộ được làm mới bằng đá hoa cương, ghi đầy đủ tên tuổi, năm sinh năm mất. Theo những phu trường bắn ở đây thì mộ phần đó không phải do người nhà Phước bỏ tiền xây dựng mà do chính những người đã được hắn “phát lộc”, cho trúng số đề trả ơn. 
      Người thân thường lui tới ngôi mộ của tướng cướp để... xin số đề.
      Người thân thường lui tới ngôi mộ của tướng cướp để... xin số đề.
      Ông Ba Son (nhà ở phường Tân Phú, cách Long Bình chừng gần 1 km) là người có thâm niên mấy chục năm làm phu ở trường bắn nổi tiếng này. Trước đây, ông Ba Son sống nhờ việc chôn cất tử tù, thậm chí rình mò trộm xác tử tù theo yêu cầu của gia đình người có thân nhân vướng vào vòng tội lỗi để phải khoác lên mình án tử.

      Giờ, đã rửa tay gác kiếm, ông Ba Son bảo, tất cả những bí mật của cái nghề kỳ quái của mình ông tung hê hết, chẳng giấu thứ gì. Nhiều nhân vật khi sống là những tên tội phạm khét tiếng, ai nghe cũng thấy rợn tóc gáy khiếp kinh nhưng khi chết đều do ông mai táng và… trộm xác mang đi.

      Người đàn ông có mái tóc dài lãng tử ấy có nhiều bí mật khó tin về những ngôi mộ tử tù ở trường bắn Long Bình, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là chuyện Phước “Tám ngón” hiển linh, cho số lô, đề để cả trăm người muốn… làm giàu không khó.
      Theo ông Ba Son, chuyện mồ Phước “Tám ngón” linh thiêng được dân tình phát hiện và đồn đại ngay sau khi tên tội phạm khét tiếng này bị bắn chừng hơn một năm. Ông Ba Son bảo, chính ông là một trong những tác nhân tạo ra tin đồn đó.
      Dịp đó, theo ông Son nhớ là vào dịp giỗ đầu Phước. Hôm đó, đang ngồi ở một quán cà phê gần trường bắn, ông bỗng giật mình khi thấy cả chục người chẳng cần nhìn lâu cũng biết là dân giang hồ, đao búa thình lình xuất hiện trên những chiếc xe phân khối lớn.
      Vào quán, họ đến trước mặt ông hất hàm hỏi: “Ông là ông Ba Son?”. Thấy thái độ của họ vậy, thoạt đầu cứ nghĩ mình đã vô tình gây thù chuốc oán với ai nên giang hồ tìm đến trả thù nên ông không dám nhận ngay mà ú ớ hỏi lại: “Ủa, mấy anh tìm chú Ba có việc gì vậy?”. 
      “Anh em là lính của anh Phước, muốn nhờ chú Ba đưa xác anh ấy về quê!”. Nghe họ nói vậy, ông thở phào nhẹ nhõm. Họ đã tìm đúng người, bởi khi ấy, muốn đưa xác tử tù ra khỏi nghĩa trang thì ngoài ông ra chẳng ai có bản lĩnh đó. 
      Ông Ba Son kể những chuyện liên quan đến mộ Phước
      Ông Ba Son kể những chuyện liên quan đến mộ Phước "Tám ngón".
      Thuốc lá thơm được mấy tay anh chị gọi ra, tiền cũng được đặt xuống, vớ được món khá, ông Ba gật đầu đánh rụp. Vậy là, ngay đêm đó, ông Ba cùng với mấy chiến hữu của mình và cả đám “lính của anh Phước” kia nữa đột nhập vào nghĩa trang. 
      Theo kinh nghiệm nhiều năm đi “ăn xác” của mình, nếu tính thời gian thì khi đó thi thể Phước “Tám ngón” đã hoàn toàn phân hủy, ông Ba và các cộng sự chỉ việc bóc tách lấy xương cho vào cốt là xong.
      Thế nhưng, lạ lùng, khi nắp áo quan của Phước vừa được lật ra thì mọi người đã vô cùng hoảng hốt khi thấy hình hài của Phước vẫn còn gần như nguyên vẹn. Thêm nữa, chẳng giống như những ngôi mồ mà ông Ba từng bốc trước đây, mồ Phước “Tám ngón” có mùi vô cùng kinh khủng. Ông Ba bảo, giờ nghĩ tới mùi đó, ông vẫn thấy rờn rợn, gây gây. 
      Đám đàn em Phước “Tám ngón” cũng chỉ là những tay giang hồ vặt không hơn không kém. Ông Ba kể, nhìn tướng họ cứ nghĩ họ coi trời bằng vung, thế nhưng, khi vừa thấy hình hài đại ca, lại được đón tiếp bằng thứ mùi khó chịu ấy nên đứa thì ôm bụng nôn thốc tháo, đứa thì ba chân bốn cẳng ù té chạy. Thế nên, thi thể của Phước chẳng còn ai để nhận nữa. Ú ớ với theo mà chẳng giữ được ai, ông Ba và mọi người đành lại chôn Phước xuống. 
      Theo ông Ba Son, nghe tin ấy, người ta mới bắt đầu râm ran đồn thổi về thân xác không phân hủy của Phước “Tám ngón”. Theo quan niệm của nghiện lô, đề, cờ bạc thì những xác rũ như thế thiêng lắm, “cầu con gì về ngay con ấy”, “sáng đi một chỉ tối về bảy cây”. 
      Chẳng hiểu có ai trúng số đề từ việc cầu cúng ở mộ Phước không, nhưng dân tứ xứ đã lũ lượt kéo về đây xì xụp khói nhang, mong Phước hiển linh cho lộc. Ông Ba Son kể, không chỉ dân Sài Gòn mà cả những người máu me đề đóm ở cả những tỉnh miền Đông, miền Tây cũng lũ lượt kéo về, đông như đi hội chợ. Người ta đội lễ, đội xôi gà, có người còn rước nguyên cả con heo quay cùng vô khối vàng hương đến xếp hàng cầu cúng, xin xỏ. Có người còn thuê cả thày cúng đến, múa may, nhảy nhót loạn xạ. 
      Theo VTC

      Hồn ma báo oán ở trường bắn tử tù

      Những người liệm hay chôn cất cho tử tù đều gặp phải những chuyện không hay, người nhẹ thì bị điên, tai nạn, nặng thì tử vong đầy bí ẩn.
      Trường bắn Long Bình (quận 9, TP HCM) được lập từ năm 1976 trên khoảng đất trống rộng hơn 7ha, là nơi hành quyết lượng tử tù nhiều nhất cả nước. Hàng chục năm tồn tại, nó là vùng đất dữ mang trong mình nhiều câu chuyện rùng rợn.
      Những ngôi mộ san sát nhau lúc trước nay chỉ còn là những cái hố vừa được đào xới còn nguyên dấu tích. Mộ các tử tù đã được dời đến một nghĩa trang tại Bình Dương, nhường chỗ cho các dự án đô thị đang triển khai. 
      Trường bắn nằm cạnh con đường lớn nhưng bị chia cắt bởi một bờ dốc cao. Giữa trường bắn rộng lớn có một cây cao, đứng trơ trọi. Bên dưới tán cây là những ngôi mộ chi chít. Có khi một loại dây leo trùm lên một lúc bốn, năm ngôi mộ thành một “cụm” mộ sâu hun hút. Giữa những lùm cỏ dại quá thân người, mộ tử tù rất ít ngôi “ngoi” lên được hết mặt cỏ um tùm.
      Nằm ở ngay “mặt tiền” trường bắn là mộ Nguyễn Hữu Thành, tức Phước “tám ngón” thấy có nhiều chân nhang, cả vỏ lon bia uống dở. Anh Nguyễn Văn Hùng, cửu vạn gần trường bắn nói rằng mộ đại ca Phước được năng thăm viếng nhất bởi giang hồ khắp chốn. Không chỉ có vậy, nó còn nổi tiếng linh nên một thời, dân cờ bạc, số đề ào ào đến cầu may. Cứ giữa trưa hoặc ban đêm là lại có nhiều con bạc cùng thầy bà đến cầu cơ xin số. Từ mộ đại ca Phước lan sang các mộ khác. Nhiều kẻ trúng lớn quay lại cúng heo quay, xây cho các tử tù mộ bằng bê tông để trả lễ. Không biết có linh thật không mà có dạo nạn cầu cơ xin số đề ở pháp trường này thành một cơn sốt.
      Mộ Phước "tám ngón".
      Mộ Phước "tám ngón".
      Chính quyền nhiều lần ra quân càn quét mới dẹp yên được. Trong một lần càn quét như thế, có người đã cố tình bắn sứt một mảng bia mộ của Phước “tám ngón” để trấn tĩnh đám khát bạc mê muội. Mộ Phước đại ca cũng từng bị đào trộm như Năm Cam và Châu Phát Lai Em nhưng bất thành vì quá nặng mùi tử khí. Kẻ đào mộ Năm Cam là để lấy tiền người nhà còn đào mộ đại ca Phước chỉ để lấy tiếng.
      Ông Tư Bé (60 tuổi) sinh ra và lớn lên gần trường bắn nên mọi điều về nó ông đều biết. Ông kể, tử tù đầu tiên bị xử ở trường bắn này là một ông già ăn trộm vịt bị hai cha con gia chủ phát hiện nên dùng búa tạ đập đầu giết chết cả hai người. Từ đó đến khi đóng cửa, trường bắn đã hành quyết hơn 500 tử tù. Lúc trước, mỗi lẫn có xử bắn dân tình xung quanh đến nườm nượp, người ngoại tỉnh nghe tin cũng khăn gói về xem. Ông nhớ nhất vụ tử hình Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai sau ngày giải phóng có lượng “khán giả” đông nhất, vòng trong vòng ngoài có đến vài nghìn người.
      “Đã ra đến pháp trường thì coi như đã chết trong lòng rồi, hồn vía phiêu bạt chỉ còn cái xác rỗng mà thôi”, ông Tư nói. Những kẻ tội ác tày đình giết người không ghê tay nhưng ra đến nơi mềm như cọng bún hoặc cứng đờ như khúc gỗ, đội thi hành án phải kéo lê lên dựa cột. Nhiều kẻ còn vãi ra ướt sũng quần.
      Sau khi tổ năm người dùng súng AK bắn ở cự ly gần, đội trưởng thi hành án gí súng lục vào đầu tử tù bắn một phát ân huệ trước khi đội mai táng tẩm liệm đem đi chôn. “Cái trường bắn này từ lâu là đất dữ đầy ám khí, người ta còn kể rằng ở đây rất nhiều ma. Đêm đến nghe nhiều tiếng khóc ai oán. Kẻ kêu đói, kẻ than đau. Cũng phải, có cái chết nào hơn bị hành quyết đâu”, ông nói tỉnh queo.
      Ông Tư khẳng định còn rất nhiều lời đồn đoán rùng rợn khác khiến người ta kinh sợ vùng đất dữ này. “Chuyện đâu không biết, riêng thằng cháu họ tôi trước làm nghề tẩm liệm xác, bây giờ bị điên rồi, phần do rượu, phần do ám ảnh”, ông gằn giọng. Khoảng mười năm về trước, xóm ông có ông già lấy cái cột trói tử tội về làm giàn bầu. Vụ đầu cây ra trái sum suê nhưng được ít lâu ông treo cổ chết luôn trên cái giàn bầu chẳng biết vì lý do gì.
      “Nhiều người nói rằng những người đó bị âm hồn tử tù về bắt. Tôi không biết có nên tin hay không nhưng thấy cũng lạ”, ông kể tiếp. Gần đây, lại xảy ra nhiều cái chết kỳ lạ khác ở đoạn đường chạy ngang trường bắn. Nhiều người đang chạy, bỗng dưng té xe hoặc đâm đầu vào cây chết bất đắc kỳ tử. Riêng đoạn đường ngắn trước mặt trường bắn này đã có mười mấy người chết. Kỳ lạ hơn, nhiều người trong số họ từng khâm liệm hoặc đào mồ chôn tử tù.
      Những ang thờ người chết vì tai nạn trên đoạn đường trước trường bắn.
      Những ang thờ người chết vì tai nạn trên đoạn đường trước trường bắn.
      Ông Hai Thổ, người từng làm nghề chôn cất tử tù ngày trước, kể: “Bữa trước, tui đang chạy tự nhiên thấy tối sầm lại, người cứng đơ. Sém chút nữa thì đâm xe vào gốc cây mất mạng rồi”. Ông tâm sự, người ta hay đồn đoán về việc báo oán. Riêng ông không tin. Ngày trước, ông làm nghề chôn cất tử tù phần vì miếng cơm manh áo, phần vì nghĩa hiệp.
      Ông cho biết, pháp trường thường có hai đội, một đội tẩm liệm và một chuyên đào huyệt chôn xác tử tù. Người tẩm liệm thì được trả 200.000-300.000 đồng, chôn cất thì ít hơn, nhiều nhất chỉ được 100.000 đồng. Ông Hai Thổ hành nghề phụ hồ kiếm sống, mỗi lần có người kêu chôn xác thì tham gia.
      Việc tẩm liệm và chôn cất xác tử tù ngày trước thường do hai “ông trùm” là Lê Hoàng Phước (tự Tỷ) Phạm Quốc Thanh (tự Thanh "Mập") thay nhau đảm nhận. Đây cũng chính là hai người cầm đầu đường dây trộm xác Năm Cam và đồng bọn ngày trước. Chính Thanh "Mập" rủ Hai Thổ tham gia đào xác nhưng ông từ chối. Sau vụ án chấn động, ông “giải nghệ”, không làm cái nghề rùng rợn ấy nữa. “Thanh Mập cũng vừa đi rồi. Nó chết ngay trước mặt trường bắn”, ông Hai kể giọng buồn bã.
      Vài tháng sau khi trường bắn đóng cửa, giữa trưa, Thanh chạy xe ngang trường bắn bất ngờ ngã dúi xuống mặt đường rồi chết trên đường đưa đi cấp cứu. Cái chết của Thanh “Mập” và nhiều người khác chính là lúc khởi phát tin đồn báo oán nhắm vào những người từng hành nghiệp tại pháp trường này. Riêng ông nghĩ đó chỉ là trùng hợp, vì ở đời ai gây oán mới nhận oán. Ông chỉ làm việc nghĩa, việc đúng đắn thì chẳng có gì phải sợ.
      Hai Thổ tâm sự, lâu lắm rồi ông cũng không quay lại trường bắn Long Bình. Ông không sợ gì cả, nhưng đó là nơi hiu quạnh, buồn bã mà ai cũng muốn quên đi. Trường bắn lúc đầu lập nên, dân xung quanh hiếu kỳ lắm nhưng dần dà ai cũng sợ. “Bây giờ thì nó đã thật sự được dẹp bỏ, không còn ai bị ám ảnh nữa”, ông nói. Dân tình quanh trường bắn ai cũng thấy nhẹ lòng, không còn nhớ đến tiếng còi hú của xe chở tử tù hay những tiếng súng khô khốc những sớm mai yên tĩnh nữa.
      Theo Công Lý

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét