Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Ca sĩ Duy Khánh

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Duy Khánh
12/7/2013 9:35 PM




Duy Khánh khởi nghiệp là một ca sĩ từ năm 1954, rồi mới chuyển qua viết nhạc từ những năm đầu thập niên 60. Anh là một người con Quảng Trị chân chính. Khi đã thành danh, nổi tiếng toàn quốc với hàng triệu khán thính giả ái mộ, người ca sĩ đẹp trai, cao lớn này đã không chối bỏ mà còn rất hãnh diện về gốc tích quê hương nghèo khổ của mình: "Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, miền thùy dương, ruộng hoang nước mặn đồng chua, thôn xóm tôi sống đời dân cầy" như được diễn tả trong nhạc phẩm "Tình Ca Quê Hương".

Duy Khánh đã nói chuyện, tiếp xúc báo giới, truyền thanh truyền hình với một giọng nói hoàn toàn Quảng Trị dù đã sống xa quê hàng 50 năm dài trên các thành phố, thủ đô miền Nam hay tại Hoa Kỳ. Đúng như lời nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu trong ngày tiễn đưa anh về bên kia thế giới: "Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh".

Ca nhạc sĩ Duy Khánh, mà suốt cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với nền tân nhạc Việt Nam, đã trở thành biểu tượng cho lòng chung thủy, tha thiết yêu mến quê hương, là niềm hãnh diện cho những con dân núi Mai sông Hãn dù ở thế hệ nào, dù ở bất cứ địa bàn nào trên năm châu bốn biển.

Duy Khánh là con áp út trong một gia đình vọng tộc, gốc làng An Cự, Triệu Phong thuộc dòng dõi Quận Công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh Đại Thần có uy quyền tối thượng trong nhiều đời vua triều Nguyễn. Anh đã lớn lên trong một nền giáo dục cổ truyền nặng ảnh hưởng Nho và Phật Giáo... Thân sinh anh là cụ Nguyễn Văn Triển, từng dạy học trước khi làm Trưởng phòng Hành chánh tỉnh Quảng Trị. Cụ Triển thường được biết dưới tên ông Trợ Triển, là một hội trưởng Hội Phật Giáo tại tỉnh nhà, từng là dân biểu thời Đệ Nhị Cộng Hoà, có nhiều uy tín lớn trong tỉnh. Thân mẫu Duy Khánh là con gái của cụ Thị Lang bộ Công Đỗ Văn Diêu, chánh quán làng Đầu Kênh, Triệu Phong, là một phụ nữ mẫu mực, nghiêm khắc. Gia đình Duy Khánh có 6 anh chị em, ba trai, ba gái, hiện nay chỉ còn một anh cả và một chị đầu còn sống tại Pháp và Canada.



Khởi Nghiệp

Sau khi đậu tiểu học năm 1949, Duy Khánh, tên thật là Nguyễn Văn Diệp, cũng như các con nhà giàu quyền thế trong tỉnh, đã được cha mẹ cho vào Huế theo học chương trình trung học. Chính tại cố đô trầm mặc này, Duy Khánh đã tìm thấy con đường tiến thân đúng với khả năng thiên phú của mình. Tưởng cũng cần nhắc lại một chi tiết nhỏ: trong một dịp nghỉ hè năm 1952, Duy Khánh đã về Quảng Trị tổ chức nhạc hội tại chùa Tỉnh Hội. Anh diễn và hát bài Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy, trong đó có câu "chàng về nay đã cụt tay", Duy Khánh đã sửa thành "chàng về nay đã cụt chân" và nhảy cò cò lên sân khấu.

Duy Khánh khi đó lấy biệt hiệu là Tăng Hồng, đã lần mò vào tận Sài Gòn tham gia các chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng. Anh thường hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai những bài ca rất đậm tình quê hương. Trong một chương trình phụ diễn tại rạp Thanh Bình trên đường Phạm Ngũ Lão, cạnh chợ Hoà Bình, anh đã tiếp xúc lần đầu với nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1955, anh đã đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế qua bài hát Trăng Thanh Bình.

Mặc dù gặp phải sự phản đối của gia đình khi tỏ ra muốn theo đuổi nghiệp cầm ca, Duy Khánh chuyển hẳn vào Sài Gòn, bắt đầu hát trên các sân khấu đại nhạc hội, đài phát thanh cũng như bắt đầu thu đĩa nhựa hay hợp tác với ban văn nghệ của Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn khắp nước. Thời kỳ này anh được coi như một trong vài giọng ca nam nổi tiếng nhất, trong số đó có Anh Ngọc và Duy Trác là hai nam ca sĩ chỉ hát giới hạn cho các hãng thu băng và đài phát thanh với những nhạc phẩm tiền chiến chọn lọc. Trong khi Duy Khánh thì chọn loại nhạc có khuynh hướng dân ca, rất thành công vì dễ dàng hợp với thị hiếu của đại đa số quần chúng.

Duy Khánh từ đó được khán thính giả biết đến dưới tên Hoàng Thanh với các bản Tía Em Má Em, Vợ Chồng Quê, Ngày Trở Về, Nhớ Người Thương Binh, Tình Nghèo, Quê Nghèo, Về Miền Trung, vv... Cuối cùng anh chọn tên Duy Khánh. Chữ "Duy" từ tên nhạc sĩ Phạm Duy là người anh ái mộ. Chữ "Khánh" từ tên một người bạn rất thân là Phạm Hữu Khánh, đã tử nạn tại Pháp. Anh giữ tên Duy Khánh cho đến cuối đời.



Thành Danh

Nhìn thấy tương lai rực rỡ của người ca sĩ mầm non có tên Duy Khánh này, nhạc sĩ Phạm Duy đã mời anh tham gia vào chương trình Hoa Xuân trên đài phát thanh Sài Gòn cùng với Nhật Trường, Mai Trường, Trần Ngọc, Y Vân. Duy Khánh là giọng Ténor chính của ban nhạc nhờ tiếng hát trong sáng, mạnh và giầu sức ngân. Anh có thể ngân dài đến 21 nhịp và chuyển từ thấp lên cao, vượt hai bát độ một cách nhẹ nhàng. Có lần trình bày bản Vọng Ngày Xanh của Khánh Băng, anh đã ngân đoạn kết lâu đến nỗi khán giả vỗ tay tán thưởng đến lần thứ tư mà tiếng ngân của anh vẫn còn nhẹ nhàng, dần dần đi vào tan biến. Quả thực Phạm Duy - và cả các nhạc sĩ sau này như Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân, Phạm Thế Mỹ - đã thố lộ là chính nhờ giọng ca truyền cảm của Duy Khánh mà các nhạc phẩm của họ được mọi người biết tới và nhiệt liệt tán thưởng.

Theo ghi nhận của rất nhiều người, hai bài trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam chỉ có thể trở thành bất hủ qua hai tiếng hát tuyệt vời của Việt Nam là Thái Thanh và Duy Khánh. Một lần nữa, Phạm Duy đã công khai bày tỏ sự biết ơn thầm kín của ông với hai danh tài đó trong ngày tang lễ của Duy Khánh tại quận Cam vào tháng 02 năm 2003. Ông đã cho rằng chính Duy Khánh và Thái Thanh đã tái tạo hai bản trường ca của ông.

Những năm đầu thập niên 60, Duy Khánh thường hát các nhạc phẩm của Y Vân, Lê Thương, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương. Riêng ba bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương đã đưa anh lên tột đỉnh của sự ái mộ trong lòng hàng triệu khán thính giả miền Nam. Giọng anh khi thì rộn ràng như tiếng trống trận đưa đoàn quân nườm nượp lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Khi thì nhẹ nhàng thấm đượm cảm xúc của người thiếu phụ bồng con đứng giữa trời mưa gió kiên nhẫn chờ đợi chồng đến nỗi hoá thành tượng đá. Khi thì nghẹn ngào tức tưởi hình ảnh người chinh phu trở về, tưởng tìm lại được vợ con thương yêu, nhưng chỉ là tan vỡ trong tâm hồn khi nhìn thấy người vợ hoá đá của mình. Duy Khánh không chỉ hát mà còn diễn đạt hết tình cảm của mình theo từng nội dung bản nhạc khiến người nghe phải hài điệu theo từng cảm xúc rất sống động của lời ca và chất giọng âm thanh của anh.

Có thể nói, Duy Khánh đã phục vụ một đại đa số quần chúng đau khổ vì phân ly, tan vỡ và chết chóc do hậu quả của chiến tranh. Anh làm nhạc, ca hát để phục vụ quê hương, trong đó có quê hương Quảng Trị nơi anh mở mắt chào đời và lớn lên giữa mùa ly loạn. Vì thế khán thính giả yêu mến anh bao gồm mọi tầng lớp. Lời ca của anh luôn được phát trên bằng tần các đài phát thanh, truyền hình từ Sài Gòn cho đến các tỉnh thành, làng mạc xa xôi....

DUY KHÁNH
Người nghệ sĩ nặng tình với quê hương

Phạm Duy đã không quá lời khi nói rằng Duy Khánh là nhạc sĩ của quê hương. Anh đã để lại cho đời trên ba mươi bản nhạc giá trị, vừa mang âm hưởng dân ca, vừa mang một nội dung nhân bản và đầy dân tộc tính. Những năm giữa thập niên 60, anh tự phát hành tuyển tập nhạc 1001 Bài Ca Hay, mỗi tháng ra vài bản. Bìa nhạc phần lớn do hoạ sĩ Kha Thủy Châu trình bày với nét vẽ tân kỳ độc đáo do đích thân Duy Khánh chọn mẫu bìa và mầu sắc. Các bản nhạc trong bộ sưu tập 1001 Bài Ca Hay được sử dụng kỹ thuật in offset trên giấy láng nên gây được sự bắt mắt khách hàng hơn các bản nhạc khác. Cũng thời gian này, anh phát hành các cuốn băng nhựa Trường Sơn dùng cho máy thu băng lớn rất thịnh hành.

Khi về ở chung cư trên đường Trần Hưng Đạo, anh mở lớp luyện ca để gầy dựng một lớp mầm non ca sĩ mới. Các ca sĩ trong nhóm Trường Sơn của anh, ngoài một số ca sĩ thượng thặng như Thái Thanh, Hoài Bắc, Thanh Thuý, số còn lại thường là những tên tuổi lớn như Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Xuân Thu hoặc các ca sĩ mới do anh hướng dẫn và lăng xê như Băng Châu. Qua 1001 Bài Ca Hay và các băng nhạc Trường Sơn của anh mà nhạc sĩ Dũng Chinh và ca sĩ Phương Dung trở thành nổi tiếng qua bản Màu Tím Hoa Sim.

Trong thời gian này, Duy Khánh rất thân cận với nhạc sĩ Trúc Phương và tay sáo nổi tiếng Nguyễn Đình Nghĩa. Hầu như tất cả những ca khúc do Trúc Phương sáng tác đều được Duy Khánh giới thiệu trong 1001 Bài Ca Hay và những băng nhạc Trường Sơn. Duy Khánh cũng rất tâm đắc các bản Mưa Nửa Đêm, Con Đường Mang Tên Em của Trúc Phương. Khi Duy Khánh tổ chức các buổi đại nhạc hội, anh không bao giờ bỏ quên phần cổ kim hoà điệu, với tiếng đàn tranh và sáo đi theo tiếng đàn guitar và trống. Lời ca Duy Khánh thâu băng thường được mở đầu bằng điệu sáo trầm bổng, ngân nga của Nguyễn Đình Nghĩa. Thời gian sau, Duy Khánh thường hát những bản nhạc tình tứ theo giai điệu Bolero, Tango Habanera của các nhạc sĩ Trúc Phương, Châu Kỳ, Anh Bằng, Lê Dinh, Phạm Thế Mỹ, vv...

Cuộc sống tình cảm:

Cuộc đời Duy Khánh là một mẫu mực của lòng nhân ái, khoan dung, chung thủy và độ lượng đối với bạn bè, thân quyến. Tuy nhiên với một tâm hồn nghệ sĩ, anh lại rất phóng khoáng về tình cảm. Anh luôn được bao quanh bởi các thiếu nữ đẹp, sẵn sàng dâng hiến hết cho người mình ái mộ.

Mối tình đầu của anh là ca sĩ Tuyết Mai, người cùng hát đôi với anh lúc khởi nghiệp. Chị Tuyết Mai sinh cho anh hai người con. Khoảng năm 1964 anh thành hôn với Âu Phùng, một vũ công xinh đẹp trong ban vũ Lưu Bình Hồng. Chị Âu Phùng là một thiếu nữ người Hoa xinh đẹp, có dáng dấp cao ráo và rất chiều chồng. Hai người thuê căn phố hai tầng trên đường Trần Quang Khải, Tân Định và có với nhau hai người con. Sau đó hai người lại dọn về một căn nhà nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Trãi. Đây là thời gian anh bị rắc rối với quân cảnh và bị đưa lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để trở thành binh nhì Nguyễn Văn Diệp.

Anh phục vụ tại Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Cục Tâm Lý Chiến. Ngày ngày anh cỡi chiếc xe Suzuki cọc cạch đến đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè để làm việc. Nhưng vào cuối tuần, anh vẫn thường tổ chức nhạc hội, khi tại rạp Quốc Thanh, khi thì tại rạp Hưng Đạo. Sau khi ly thân cùng Âu Phùng, anh dọn về một căn nhà 3 phòng trên đường Trần Hưng Đạo, nơi anh tiếp tục mở lớp nhạc Trường Sơn và hoạt động mạnh trong việc sản xuất băng nhạc.



Duy Khánh ăn mặc rất đúng thời trang và lịch lãm với rất nhiều áo quần và giầy, thường được chọn lọc kỹ càng tại các nhà may nổi tiếng thời đó như La Ligne, Văn Quân cũng như thường đóng giầy ở tiệm Trinh.

Trong các bản nhạc hay về Đà Lạt, có 3 bản do các nhạc sĩ Quảng Trị sáng tác. Đó là Hoàng Nguyên với Ai Lên Xứ Hoa Đào, Hoàng Thi Thơ với Mối Tình Mầu Hoa Đào và Duy Khánh với Giã Từ Đà Lạt, nhưng không biết anh có liên hệ tình cảm với một cô gái Đà Lạt nào không...

Lưu đầy trên quê nhà...

Sau biến cố tháng 4 năm 75, Duy Khánh ở lại Sài Gòn với cuộc sống mới không lối thoát. Duy Khánh ở trong tình trạng cô đơn và tuyệt vọng thực sự. Khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, anh mượn danh Thông Tin Văn Hoá địa phương đế thành lập đoàn Quê Hương, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh miền Nam trước 75 như các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân cùng các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến, vv... rất thành công. Thời gian này, Duy Khánh tuy kiếm được nhiều tiền, đời sống có phần sung túc hơn trước đó nhiều, tuy nhiên anh vẫn mang một tâm trạng buồn bã và chán nản nên đã vùi đầu vào rượu chè một cách quá độ. Do đó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tình đưa đến cái chết của anh.

Vào khoảng giữa thập niên 80, Duy Khánh thành hôn với chị Thuý Hoa và cư ngụ tại Vũng Tầu với những buổi tổ chức nhạc hội rất thành công. Anh cũng từng thăm dò tìm đường vượt biên, nhưng thấy vô cùng hiểm nguy nên anh được những người thân khuyên nên ráng chờ để có thể đi theo chương trình HO.



Những ngày cuối đời...

Cuối cùng, Duy Khánh cùng vợ là chị Thúy Hoa và ba con đến Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 08 năm 1988 qua sự bảo lãnh của người em là Nguyễn Thị Giáng Tuyết và cư ngụ tại Anaheim, Orange County. Cuộc sống của anh có vẻ chật vật với một sự xuống sắc rõ ràng. Từ khi qua sống tại hải ngoại, Duy Khánh đã nhận được khá nhiều lời mời trình diễn trên những "live show" hoặc trên những chương trình video. Khán thính giả vẫn dành cho anh những cảm tình nồng hậu như ngày nào trong khi giọng hát của anh vẫn còn được những nét quyến rũ ngày xưa. Tuy nhiên trước sự xuất hiện của những ca sĩ thuộc lớp trẻ, những lời mời lưu diễn dành cho anh cũng bớt dần trong khi sức khỏe của anh với khuôn mặt đã nhiều nếp hằn nhọc nhằn năm tháng chồng chất. Tuy nhiên anh vẫn phải hát cũng như điều hành một trung tâm nhạc với cái tên quen thuộc Trường Sơn như thời vàng son ngày nào. Một phần vì sự gắn bó với nghệ thuật, và một phần phải lo sinh kế.

Một tháng trước khi anh qua đời, vào ngày 10 tháng 01 năm 2003, bạn bè của Duy Khánh đã đứng ra tổ chức một buổi nhạc hội khiêu vũ đặc biệt dành cho anh mang chủ đề "Tạ Tình Tiếng Hát Và Dòng Nhạc Duy Khánh" với sự góp mặt của nhiều nam nữ nghệ sĩ như Thanh Thúy, Thanh Mai, Kim Tuyến, Nguyễn Hưng, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Trần Quốc Bảo, Bảo Yến. Buổi tổ chức này đã thu hút khoảng 600 khán thính giả yêu mến tiếng hát Duy Khánh, đến với vũ trường Majestic.

Sau nhiều năm tháng ra vào bệnh viện vì những căn bệnh trầm kha, Duy Khánh đã từ giã gia đình và bạn bè, khán giả hâm mộ để đi vào miền vĩnh hằng lúc 12 giờ trưa ngày 12 tháng 01 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Orange County, California, hưởng thọ 65 tuổi. Tang lễ của anh đã quy tụ rất nhiều người trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam tại hải ngoại, trong đó có nhạc sĩ Phạm Duy, đã nói lên những lời tâm tình đầy yêu thương trìu mến đối với anh, một người em, một người bạn mà nhờ đó nhạc của anh và nhiều nhạc sĩ khác đã được coi là bất hủ.

Tác Phẩm

Từ cuối năm 1959, Duy Khánh bắt đầu viết nhạc. Những nhạc phẩm đầu tay của anh đều mang nội dung hướng về miền Trung như Ai Ra Xứ Huế, Thương Về Miền Trung, Bao Giờ Em Quên. Tiếp theo đó là những bài Giã Từ Đà Lạt, Tình Ca Quê Hương, Sao Không Thấy Anh Về, Sầu Cố Đô, Huế Đẹp Huế Thơ, Vùng Quê Hương Tương Lai, Đi Từ Ruộng Đồng Bao La, vv... Nhạc của anh mang âm điệu rất Huế, đôi lúc thiết tha, não nùng, đôi lúc uyển chuyển tươi sáng. Lời ca của anh không trau chuốt bóng bẩy như lời ca của các nhạc sĩ tiền chiến nhưng lại chân thành, tha thiết đi thẳng vào lòng người với những cảm xúc bồi hồi cùng với những rung động nhẹ nhàng.

Hai sáng tác đầu tay của anh là Thương Về Miền Trung và Ai Ra Xứ Huế nhắc nhở nhiều về hình ảnh con đò bồng bềnh trên sông Hương trong những đêm trăng hay những tiếng thông reo khi chiều buông xuống trên núi Ngự Bình.

Điểm đặc biệt của Duy Khánh là không sử dụng sáo ngữ, những chữ thời thượng thật kêu nhưng chỉ dùng ngôn ngữ đơn sơ của người dân thường nên có được những nét trong sáng, thiết tha, chan chứa tình quê hương nồng nàn, chân thật. Còn nhạc của anh không khó hát, nhưng chỉ hát hay được bằng một tâm hồn rất Trung, rất Quảng Trị, rất Huế. Duy Khánh không viết những bản nhạc ca tụng tình cảm trai gái thông thường, mà thường lồng vào bối cảnh một quê hương chinh chiến điêu tàn như trong những nhạc phẩm Biết Trả Lời Sao, Thư Về Em Gái Thành Đô, Mưa Bay Trong Đời, Mùa Chia Tay, Đêm Bơ Vơ, Màu Tím Hoa Sim, Ngày Xưa Lên Năm Lên Ba, vv...

Riêng nhạc phẩm Bao Giờ Em Quên có lẽ nguồn cảm hứng đã đến với Duy Khánh khi người yêu của anh là một thiếu nữ rất đẹp và duyên dáng tên Kiều Oanh, là em tay trống Linh Giang, từ giã anh đi lấy chồng. Sau thời điểm này, anh có theo đuổi nữ ca sĩ Thanh Thúy nhưng không ai được biết kết quả ra sao. Chỉ biết Thanh Thúy đã trình bày rất xuất sắc bài Bao Giờ Em Quên của anh và vẫn giữ mối giao hảo tốt đẹp với anh và vẫn đều đặn hát cho những băng nhạc Trường Sơn do Duy Khánh chủ trương.

Trường Kỳ

Ca nhạc sĩ Duy Khánh không còn nữa (1938-2003)


Báo  Little Sàigòn



Ca sĩ Duy Khánh từng nổi tiếng qua các bài hát như "Ai ra xứ Huế", "Thương Về Miền Trung", "Xin anh giữ trọn tình quê", "Trường cũ tình xưa", "Lối về đất mẹ", "Huế đẹp, Huế thơ", "Bao giờ em quên", "Mưa bay trong đời", "Sao không thấy anh về"... đã phải vào bệnh viện Fountain Valley, Orange County từ hồi tháng 12-2002, vì nhiều bệnh cùng lúc, như thận, gan, tim... theo như lời kể của bà Thúy Hoa, vợ của ca nhạc sĩ Duy Khánh.

Trong suốt thời gian dài nằm tại bệnh viện ca sĩ Duy Khánh đã được đông đảo đồng nghiệp vào thăm hỏi, trong khi vợ và ba người con, một trai (Trường Sơn, 27 tuổi) và 2 gái (Quỳnh Tiên, 25 tuổi, và Quỳnh Trang, 22 tuổi) luân phiên coi sóc.

Trong thời gian Duy Khánh nằm bệnh viện các nghệ sĩ đồng nghiệp cũng đã tổ chức một "Đêm Tạ Tình tiếng hát và những giòng nhạc Duy Khánh" vào lúc 9 giờ tối thứ Sáu 10-1-2003 tại vũ trường Majestic, Orange County, và đạt thành công vượt ngoài mong đợi của ban tổ chức, với sự góp tiếng của các nam, nữ ca sĩ như: Thanh Thúy, Thanh Mai, Kim Tuyến, Nguyễn Hưng, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Trần Quốc Bảo, Bảo Yến...

Duy Khánh sanh ra tại miền Trung khô cằn sỏi đá, làng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào năm 1936 (Bính Tý) trong một gia đình vọng tộc.

Tên thật là Nguyễn Văn Diệp. Khởi nghiệp ca hát bằng nghệ danh Tăng Hồng, trúng tuyển kỳ tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Pháp Á vào khoảng năm 1955, hát bài Trăng Thanh Bình.

Sau đó đổi tên thành Hoàng Thanh và cuối cùng là Duy Khánh cho đến ngày nay (Duy Khánh là tên một người bạn học thân thiết thuở thiếu thời, hồi ở Quảng Trị, đã qua đời tại Pháp từ lâu rồi).

Ngoài khả năng ca, Duy Khánh còn sáng tác nhạc, anh viết nhiều nhạc phẩm có giá trị, đáng kể là các bài: Thương Về Miền Trung, Bao Giờ Em Quên, Biết Trả Lời Sao, Ai Ra Xứ Huế .v.v...

Một buổi chiều rất gần đây, trước khi lâm bệnh nặng, (dù trước đó đã ra vào bệnh viện rất nhiều lần), anh nói với giọng buồn buồn và đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ:

"Mình viết bài 'Điệu Buồn Chia Xa' khi nhìn ra biển khơi Thái Bình Dương mà bên tê bờ là Việt Nam để nhớ về mối tình cùng bạn bè còn ở lại quê nhà".

Sau biến cố 1975, anh hụt hẫng và túng bấn nhiều, vì thuở nào chỉ sống bằng giọng hát và giòng nhạc, nay bị cấm hát, anh đâm ra chán nản rồi uống rượu thêm nhiều. Ai còn kẹt lại Việt Nam lúc đó mới hiểu: uống mà uống toàn rượu độc, như một hình thức tự tử bằng hơi men; vì nhìn quanh chỉ thấy toàn một màu đen.

Khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, Duy Khánh mượn danh Thông Tin Văn Hóa địa phương lập đoàn Quê Hương, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh miền Nam trước 1975, như: Châu Kỳ, Nhật Ngân (phó đoàn, phụ trách ngoại vụ, như xin phép, lấy bến bãi v.v...), ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến v.v... rất thành công.

Lúc đó tiền thù lao của anh rất cao, đời sống được sung túc hơn trước nhiều, nhưng tâm trạng vẫn là buồn. Anh uống quá độ và có lẽ do đó gây ra bệnh tình hôm nay.

Duy khánh đã đến Hoa Kỳ vào ngày 10-8-1988.

Ở Mỹ, bước đầu, ngoài việc đi trình diễn khắp nơi, thu băng, thu dĩa, anh còn ký hát độc quyền cho Trung tâm Băng nhạc Làng Văn. Sau khi mãn hai hợp đồng với Làng Văn, anh thành lập Trung tâm Băng nhạc Trường Sơn, hoạt động được một thời gian...

Tưởng nhớ cố nhạc sĩ Duy Khánh

2003-02-25
Hãy bấm vào đây để nghe tiết mục này Thy Nga Thưa quý vị, một tin buồn vừa đến với làng nghệ thuật Việt Nam, ca nhạc sĩ Duy Khánh đã từ trần vào ngày 12 tháng này tại quận Cam, California, Hoa Kỳ sau một thời gian lâm bệnh...
Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936 tại tỉnh Quảng Trị. Thích hát từ nhỏ, đến năm 1955, anh trúng tuyển kỳ tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á. Khi ấy, anh còn lấy tên là Tăng Hồng và trình bày bài “Trăng thanh bình”. Sau đó, sinh hoạt ca hát nhiều thì anh đổi tên thành Duy Khánh, lấy theo tên một người bạn thân thuở học trò ở quê nhà. Bản “Trăng thanh bình” đượm tình quê hương, và cho thấy chiều hướng cùng sở trường của Duy Khánh sau này.
Duy Khánh có giọng ca đặc biệt thích hợp với âm điệu dân tộc nên anh chọn thể loại này để trình bày cũng như để sáng tác. Những nhạc bản dính liền với tên tuổi Duy Khánh đều chứa chất tình tự dân tộc, nhất là hướng về miền Trung, vùng “đất cày lên sỏi đá”, nơi anh sinh trưởng. Ta có thể kể các bài như “Qua cơn mê”, “Đưa em vào hạ”, “Mấy nhịp cầu tre”, “Tiếng hát hành quân xa”, “Lính trận miền xa”, “Ai ra xứ Huế”, “Thương về miền Trung”, “Huế đẹp, Huế thơ”, “Sầu cố đô”, “Lối về đất mẹ”, “Xin anh giữ trọn tình quê”, …
Duy Khánh cũng viết một số nhạc phẩm nói lên tình gia đình, tình đồng đội trong bối cảnh đất nước chiến tranh, như bản “Xuân này con không về”. Bản nhạc này là bài hát được ưa thích nhất, khi nói đến Duy Khánh. Nữ thính giả Hồng Mai cho biết vì sao chị thích bản ấy...
Biến cố tháng Tư 1975 đem tới nhiều đau thương, như chị Hồng Mai vừa tâm sự. Duy Khánh thì kẹt lại dưới chế độ cộng sản. Bị cấm hát, anh buồn chán vô cùng, chỉ còn biết uống rượu giải sầu.
Mãi sau, khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, Duy Khánh mới mượn danh Thông Tin Văn Hóa địa phương để qui tụ một số ca nhạc sĩ thời trước, và lập ra đoàn Quê Hương khá thành công.
Tới tháng 8 năm 1988 thì anh đặt chân đến Hoa Kỳ. Thời gian đầu, Duy Khánh đi trình diễn các nơi, thu băng, thu dĩa. Và sau khi mãn hai hợp đồng hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn, Duy Khánh thành lập trung tâm băng nhạc Trường Sơn, hoạt động được một thời gian thì anh bị bệnh.
Những ngày đau ốm, Duy Khánh lại càng thấy nhớ bạn nơi chốn cũ, như lời anh tâm sự: “Mình viết bài “Điệu buồn chia xa” khi nhìn ra biển khơi Thái Bình Dương mà bên tê bờ là Việt Nam, để nhớ về bạn bè còn ở lại quê nhà.”
Tình bằng hữu từng được Duy Khánh thể hiện qua các nhạc phẩm “Trường cũ tình xưa” và “Những ngày xưa thân ái” anh trình bày...
Một người quen với gia đình Duy Khánh hồi ở Quảng Trị, là ông Hồ Ðắc Giá cho biết...
Và anh Huy Thắng mà bố mẹ là bạn với Duy Khánh, cho biết nhiều hơn về tâm tính của người nghệ sĩ này... Với tâm hồn nghệ sĩ, Duy Khánh không tránh khỏi những vương mắc tình cảm, như anh có lần thổ lộ trong một buổi phỏng vấn, là biết vậy nhưng ... cứ bị vướng vào, rồi lại khổ tâm.
Nhạc bản “Bao giờ em quên” qua giọng hát Thanh Tuyền, quý vị vừa nghe.
“Ai về xứ mộng xứ mơ Cho tôi gởi một vần thơ tặng nàng Sông Hương lắm chuyến đò ngang Chờ anh em nhé đừng sang một mình”
Bốn câu vừa rồi là của Tạ Hiếu, trích trong bài thơ đã gây cảm hứng cho Duy Khánh viết nhạc phẩm “Thương về miền Trung”.
Dù biết rằng người nghệ sĩ này lâm bệnh nặng từ mấy tháng nay, nhiều người ái mộ giọng ca Duy Khánh vẫn bàng hoàng khi nghe tin anh từ giã cõi đời.
“ … Dù anh đi đường mây, quê hương còn say … ”
"Âm nhạc cuối tuần" kỳ này xin ngừng nơi đây, Thy Nga chào tạm biệt và hẹn tái ngộ cùng quý thính giả trong mục này vào sáng thứ Bảy tuần tới.

Cấm lưu hành VCD của ca sĩ hải ngoại Duy Khánh

Tại các cửa hàng băng đĩa ở TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam gần đây xuất hiện VCD của ca sĩ này với những bài hát có nội dung không lành mạnh. Bộ Văn hóa - Thông tin vừa có công văn gửi đến các địa phương yêu cầu thanh tra văn hóa xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tàng trữ ấn phẩm này.
VCD nói trên có những tên gọi khác nhau như Duy Khánh - Một cuộc đời, một dòng nhạc hoặc Đám tang Duy Khánh, gồm 21 bài hát do Duy Khánh sáng tác trước năm 1975. Các bài hát trong đĩa ca ngợi chế độ cũ với hình ảnh ca sĩ mặc quân phục ngụy quyền. Ngoài ra, trong ấn phẩm còn ghi lại cảnh đám tang của ca sĩ hải ngoại này với lá cờ ba sọc phủ lên quan tài.
(Theo Người Lao Động)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét