Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

KIẾP GIANG HỒ 127

(ĐC sưu tầm trên NET)

"Ngựa điên" Tín Mã Nàm và "chiến tích" đoạt vợ em út

Chỉ cần đó là người đàn bà mà Tín Mã Nàm thích thì y nhất định sẽ đoạt được người đó bằng mọi giá, bất chấp tình huynh đệ.

Tình yêu sét đánh của trùm du đãng
Phải nói rằng, Tín Mã Nàm là một trùm du đãng cực kỳ có uy với thân hình thuộc loại "vai năm tấc rộng thân mười thước cao", đặc biệt là đôi mắt sắc lạnh như chứa hàng nghìn gươm đao và tỉ năm bóng tối. Tín Mã Nàm không cần nói, không cần cười, lại càng không cần phải đập bàn đập ghế, chỉ cần ngồi một chỗ và trợn mắt thôi cũng đủ khiến đàn em run lập cập.
Chỉ cần Tín Mã Nàm xuất hiện ở đâu, trật tự được thiết lập ngay ở đó. Những kẻ đang loạn đả, nghe hơi Tín Mã Nàm liền ném hết vũ khí, gậy gộc. Những kẻ đang đấu khẩu kịch liệt thấy bóng Tín Mã Nàm liền im thít, chỉ thở thôi cũng thấy căng như dây đàn.
Chẳng thế mà y lại có cái tên Tín Mã Nàm có nghĩa là Nam "ngựa điên". Và y thực sự là một con ngựa điên trong việc chém giết, đặc biệt là trong tình trường. Đó cũng là nhược điểm lớn nhất của Tín Mã Nàm khi thói đa dâm háo sắc của y ngày càng trở nên trầm trọng.
Tuy đã "vợ bế con bồng" nhưng Tín Mã Nàm nổi tiếng trăng hoa, bồ bịch đâu đâu cũng có. Mặc dù không thiếu đàn bà nhưng đi đâu gặp gái đẹp y cũng phải tìm cách chiếm đoạt con nhà người ta cho bằng được. Nếu hy hữu có một điệu nhạc nào đó được viết riêng cho tên trùm du đãng này, thiết nghĩa nhạc sỹ chỉ phải gảy đúng một dây: lòng tham.
Một lần ghé phòng trà ca nhạc Triều Châu Lệ Uyển quận 5 đúng lúc Thục Vy, một nữ ca sỹ mới nổi đang biểu diễn, Tín Mã Nàm mê ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chẳng biết nữ ca sỹ này xinh đẹp đến nhường nào nhưng tiếng sét ái tình vụt qua Nam "ngựa điên" đủ khiến hắn tâm thần bấn loạn chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng chiếm đoạt lấy trái tim người đẹp.



Đường phố Sài Gòn khu chợ Lớn trước 1975 (ảnh tư liệu)
Đường phố Sài Gòn khu chợ Lớn trước 1975 (ảnh tư liệu)
Nhưng không may cho Nam "ngựa điên", cô ca sỹ sắc nước hương trời đã là gái có chồng lại đèo bòng con nhỏ chứ đâu phải đóa hoa khoe sắc giữa đường giữa chợ để cho y hái cả rổ mang về. Nhưng đã mang danh "ngựa điên" há phải có chỗ khác người, Tín Mã Nàm thuộc dạng: "Một khi ông đã muốn thì bay có trốn đằng trời!".
Tín Mã Nàm một mặt tìm mọi cách tiếp cận Thục Vy, dùng quà cáp, của cải để "chiêu mộ" người đẹp, một mặt cho đàn em đột nhập vào tận tư gia cô ca sĩ để "xử đẹp" anh chồng khờ. Chồng Thục Vy vì thế mà bị đánh tơi tả, lại bị chọc mù hai mắt, sau cuối phải dắt con nhỏ đi ăn xin trong khi vợ đẹp đã lọt vào tay kẻ khác.
Phàm đã là đàn ông thường khi ai cũng muốn lấy vợ đẹp. Nhưng đã có phúc phận lấy được vợ đẹp, thiết nghĩ nên tránh xa Tín Mã Nàm. Ví như trường hợp chồng của cô ca sỹ Thục Vy này, chỉ vì vợ lọt vào mắt xanh của "ngựa điên" Tín Mã Nàm mà gia đình tan nát, số phận điêu tàn, không gì cứu vãn được. Bởi vậy mới nói trong phúc có họa, đâu phải cứ lấy được vợ đẹp là việc đại hỉ đại lợi suốt đời.
Trong giang hồ, không ít người trách cô ca sĩ nọ cớ sao "tham vàng bỏ ngãi" phụ nghĩa phu thê. Lại có người cảm thông cho rằng Thục Vy cũng là bước đường cùng nên mới phải nhắm mắt bỏ người quân tử theo kẻ tiểu nhân. Nhưng chuyện tình cảm chẳng ai biết trước điều gì, nội tình cơ sự ra sao chỉ người trong cuộc may ra mới tỏ tường điều hơn lẽ thiệt.
Đoạt vợ em út, hạ thủ không lưu tình
Lại nói về khu vực Đại Thế Giới, vốn là một trung tâm ăn chơi giải trí tầm cỡ từ thời Pháp thuộc do Tín Mã Nàm đóng vai "ma ma tổng quản". Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Đại Thế Giới liền trở thành sòng bài lớn nhất miền Nam, là cái máy hút tiền khổng lồ mà mọi nguồn lợi từ cờ bạc, ma túy, buôn lậu... đều chảy vào túi ông trùm du đãng Tín Mã Nàm.
Bởi nguồn lợi bất tận mà Đại Thế Giới mang lại, dưới trướng Tín Mã Nàm tụ tập rất nhiều đàn em thuộc vào hàng cao thủ võ lâm. Nhiều kẻ trong số đó xuất thân là võ sĩ ở các đội múa lân, ai nấy đều tinh thông quyền cước, không phải dạng tầm thường dễ đối phó. Băng của Tín Mã Nàm được cho là hoạt động theo phong cách Hồng Môn Hội hắc đạo của Trung Hoa.
Đứng đầu trong đám đàn em của trùm du đãng là Xú Bá Xứng và Bắc Kỳ Chảy. Trong đó, Xú Bá Xứng là cánh tay phải trông coi hoạt động của các sòng bạc và nắm tay hòm chìa khóa. Còn Bắc Kỳ Chảy, xuất thân giang hồ đất Cảng, quê Móng Cái di cư vào Sài Gòn, được cho là cánh tay trái chuyên đâm thuê chém mướn, lo khoản "an ninh trật tự, đối nội đối ngoại" cho băng đảng.
Có thể nói, Đại Thế Giới là một nơi binh hùng tướng mạnh, của cải dư thừa. Nhưng cũng chính vì thế mà mảnh đất màu mỡ này bị nhiều băng đảng trong giang hồ nhòm ngó, muốn nhảy vào xâu xé chia phần. Đây cũng chính là khởi nguồn cho cuộc "giang hồ đại chiến" giữa băng của Đại Ca Thay và Tín Mã Nàm nhằm tranh giành địa phận.
Trong cuộc chiến ác liệt này, có lẽ phần bất lợi sẽ nghiêng hẳn về phía Đại Ca Thay và tương quan đó sẽ chẳng có gì thay đổi nếu như tại thời điểm đó, Tín Mã Nàm không dính vào chuyện đoạt vợ em út đáng xấu hổ.
Xú Bá Xứng vốn có cô vợ mới cưới vô cùng xinh đẹp tên là Ái Huê. Cô này là nghệ sỹ trong một gánh hát từ Hồng Kông qua Chợ Lớn biểu diễn. Và Xú Bá Xứng cưới được Ái Huê cũng chẳng dễ dàng gì nếu không nói là phải dốc toàn tâm toàn lực để lấy lòng người đẹp.



Băng đảng của Tín Mã Nàm được cho là hoạt động theo phong cách Hồng Môn Hội (ảnh minh họa)
Băng đảng của Tín Mã Nàm được cho là hoạt động theo phong cách Hồng Môn Hội (ảnh minh họa)
Xú Bá Xứng đi coi hát, vừa gặp Ái Huê liền bị hút hồn. Hẳn nhan sắc của cô nàng nếu không phải là hàng "chim sa cá lặn" thì cũng đủ cho "hoa nhường nguyệt thẹn", đốn ngã trái tim bao chàng.
Tối nào cũng vậy, Xú Bá Xứng dường như chẳng biết làm gì ngoài việc chầu chực bên ngoài chờ người đẹp biểu diễn xong liền đưa nàng đi ăn, tặng nhẫn hột xoàn, vàng bạc nữ trang không thiếu thứ gì. Cuối cùng, những nỗ lực của y cũng chiếm được trái tim người đẹp. Sau khi gánh hát rời đi, Ái Huê quyết định ở lại Việt nam kết hôn cùng Bá Xứng.
Nhưng người đẹp như ngọc quý, ai cũng muốn đoạt về mình. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, Tín Mã Nàm lại chạm mặt Ái Huê và ngay lập tức đâm ra mê mẩn cô này. Nếu gọi những chuyện tương tự là tình yêu, là tiếng sét ái tình thì trùm du đãng Tín Mã Nàm bị trúng sét hơi nhiều và lần nào cũng khiến gia đình người ta tiêu điều, tan nát cả.
Như mọi lần, Tín Mã Nàm bắt đầu thèm muốn cô vợ của kẻ đàn em thân tín và quyết chiếm đoạt cho bằng được, bất kể đệ huynh. Muốn trừ khử Xú Bá Xứng, y dựng chuyện, vu cho hắn tội biển thủ tiền ở sòng bài làm của riêng.
Mặc dù chuyện nàykhông hề có bằng chứng cụ thể nào, không có ai thừa nhận nhưng Tín Mã Nàm vẫn hành xử theo luật giang hồ, tự tay đánh Xú Bá Xứng ngay trước mặt bọn đàn em để răn đe.
Sau trận ấy, Xú Bá Xứng gãy một loạt xương sườn, đi mất mấy chiếc răng, phải cấp tốc nhập viện. Đó chính là thời gian rảnh rang cho Tín Mã Nàm tiếp cận Ái Huê để thỏa mãn dục vọng đen tối.
Tất nhiên, không cần nói thì bọn đàn em ai nấy đều biết thừa lý do thực sự khiến Xú Bá Xứng bị đánh thừa sống thiếu chết nhưng chẳng ai dám can thiệp. Cũng sau vụ này, uy tín của Tín Mã Nàm sụt giảm thấy rõ.
Tưởng thế là hay, sau khi đánh đàn em nhập viện, Tín ngày càng lộng hành hơn nữa. Theo nhiều nguồn tin, trong dịp mừng kỷ niệm khu Đại Thế Giới không lâu sau đó, hơn 10 con lân được mời đến góp vui. Trước khi biểu diễn, tất cả phải phủ phục dưới chân ghế Tín Mã Nàm, chờ hắn vẫy tay ra hiệu cho diễn mới được diễn. Một võ sĩ ở vị trí đầu lân không may đi sai bộ liền bị Tín Mã Nàm đạp tới tấp vào mặt.
Lối hành xử bạo ngược, coi trời bằng vung, không tuân theo bất cứ một phép tắc nào của Tín Mã Nàm khiến cho hình ảnh của hắn trong giới giang hồ Sài Gòn - Chợ Lớn trở nên ngày càng tồi tệ. Đó cũng là điểm báo hiệu ngày tàn của y.

Cái chết bí ẩn của “Đệ nhất giang hồ” Sài thành ngày trước

20 tuổi, Đại Cathay trở thành nhân vật giang hồ khét tiếng nhất Sài Gòn ngày trước. Nhưng rồi có lừng lẫy đến mấy thì cuộc đời hắn cũng đã phải kết thúc từ khi còn rất trẻ. Một cái chết chui rúc và nhiều bí ẩn.

Trở thành Đệ nhất giang hồ
Sự dung túng của hệ thống chính quyền chế độ cũ trong thời điểm đó cũng là một cơ hội để Đại Cathay bành trướng thế lực. Lực lượng cảnh sát thời điểm đó đáng lẽ ra phải thanh trừng triệt để thế lực của Đại thì lại bao che, và im hơi lặng tiếng để nhận những khoản lót tay hậu hĩnh. Được thể, Đại càng ngông cuồng và chẳng ngán ngại một ai.
Đầu những năm 1960, Đại Cathay mới hơn 20 tuổi và đã trở thành một ông trùm khét tiếng. Hắn nhận bảo kê và còn có thêm các khoản bồi dưỡng của rất nhiều các đại gia Sài Gòn khi đó. Gần như hầu hết nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực quận 1, quận 2 đều chịu sự bảo kê của Đại. Đại Cathay và đàn em không phải trả bất kỳ một khoản tiền nào cho việc ăn chơi, trác táng. Tất cả những nơi hắn đến đều coi sự hiện diện của hắn là một vinh dự lớn lao.

Đại Cathay và vợ
Đại Cathay và đám đàn em bắt đầu quen biết với tầng lớp trí thức, con nhà gia thế. Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến Hoàng Sayonara, người sau đó đã trở thành quân sư chiến lược của Đại. Nghe lời các quân sư, Đại Cathay đứng ra cùng với Bảy Si (người này là một giang hồ khét tiếng, là anh vợ và từng là đàn anh của Năm Cam thuở thiếu thời) mở nhiều sòng bài để thu tiền xâu.
Nhưng khi ấy, Sài Gòn còn có ba ông trùm khác. Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế hoàn toàn không hài lòng với sự bành trướng của Đại Cathay. Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái quyết định hạ bệ Đại. Một lần hẹn gặp Tỳ và Thế cùng 3 tên đàn em, do không đề phòng, Đại Cathay đã bị phục kích. Năm tên giang hồ đồng loạt rút dao xông vào chém. Đại Cathay may mắn không chết. Không kịp lành vết thương, Đại một mình một dao, lần lượt tìm các tên đã chém mình để rửa hận. Tất cả đều bị chém trọng thương. Sau cuộc thanh toán đẫm máu ấy, Đại Cathay trở thành nhân vật số một trong “Tứ đại thiên vương” của giang hồ Sài Gòn: Đại - Tỳ - Cái - Thế. Thật sự thì sau này, ngoài bộ tứ trên, giang hồ lừng danh còn có thêm Lâm "chín ngón", một đàn em thân tín của Đại.
Trở lại với Đại Cathay, cuộc đụng độ dữ dội nhất trong cuộc đời giang hồ đầy tội lỗi của Đại là với Tín Mã Nàm, trùm giang hồ người Hoa nổi tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn. Tín Mã Nàm vốn là người có thân hình hộ pháp, từng nhiều năm học Thiếu Lâm Hồng Gia và Thái Lý Phật... Trên thực tế thì Tín Mã Nàm chưa bao giờ chịu đứng dưới Đại Cathay. Tín Mã Nàm tên thật là Trần Hà Tư, vốn là một tay Thầu Dậu (Đầu Gà), lấy biệt hiệu là Tín Mã Nàm với ý nghĩa là con ngựa điên.
Được coi là một tên tuổi giữ vai trò Hồng Trượng, một bậc đàn anh lớn trong giới giang hồ Hoa Kiều, đại diện Hội Tam Hoàng thuộc chi nhánh Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuộc đụng độ giữa băng nhóm của Đại Cathay và Tín Mã Nàm diễn ra nhiều năm liền. Bắt đầu bằng những cuộc tập kích của phe Đại. Nhận thấy mối nguy hại từ những cuộc tập kích ấy nhưng Tín Mã Nàm không sao xử trí được. Đầu năm 1964, Đại dẫn theo Ba Thế và Lâm “chín ngón” đột ngột tấn công vào băng nhóm của Tín Mã Nàm tại một quán nước. Và, Đại Cathay thất bại.
Tuy nhiên, cuộc tập kích quá liều lĩnh ấy khiến Tín Mã Nàm phải mời Đại Cathay đến gặp để điều đình. Tay không, một mình chui vào hang cọp, Đại khiến Tín Mã Nàm rất kính nể. Đại được Tín nhường cho một phần địa bàn và Đại cũng cam kết không xâm phạm vào những khu vực được coi là đặc quyền của Tín. Khoảng giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Đại Cathay đã trở thành đệ nhất giang hồ.
Vuốt oai hùm và cái chết nhiều bí ẩn
Đại Cathay có thù riêng với viên thiếu tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ . Trong một lần gặp nhau trên sàn nhảy, Đại Cathay bị Nguyễn Cao Kỳ (thời gian đấy, Kỳ mới đeo lon Trung tá) nhắc nhở. Ngay lập tức, ông Kỳ râu kẽm bị giáng ngay một quả đấm giữa bụng. Đại Cathay mãi mãi không biết được rằng mình đã chính tay ký vào bản án tử hình đúng ngày hôm đó. Từng có giai thoại kể rằng: Tướng Kỳ từng chiêu dụ Đại về làm vệ sỹ cho ông ta, nhưng Đại thẳng thừng từ chối với lý do: "Tôi đi đâu cũng có người hộ tống, nếu tôi hộ tống ngài, các vệ sỹ của tôi sẽ thất nghiệp".
Thiếu tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan thời ấy còn là Chuẩn tướng, giám đốc Nha cảnh sát Đô Thành đầy tai tiếng với vụ xử bắn tù nhân tàn nhẫn ngay tại đường phố Sài Gòn. Ông Loan là người quyết liệt nhất trong việc bài trừ du đãng thời điểm ấy. Ông ta lập ra Biệt đội hình cảnh nhằm tiêu diệt giang hồ, và cử người thân cận của mình là đại úy Trần Kim Chi làm đội trưởng. Nhưng nếu xét về thời điểm loạn lạc ấy, thì những cố gắng của ông Loan như muối bỏ bể. Ông Loan đã ra sức chiêu dụ Đại.
- Anh sẽ có lon đại úy, chức danh phó ty Cảnh sát một quận nếu anh chịu giúp chúng tôi trong việc thanh trừng các thế lực giang hồ ở Sài Gòn.
- Xin lỗi, tôi không thể hầu Chuẩn tướng được. Tôi làm thế, sao còn có thể sống mà ngẩng mặt nhìn ai ở đời này.
Đại Cathay không sợ hãi trước công quyền, cũng bởi một lẽ trên đời không có gì làm hắn phục. Trong một cuộc đọ súng vì giành gái tai tiếng vào khoảng năm 1966 giữa băng nhóm Đại với một số viên thuộc cấp của tướng Nguyễn Ngọc Loan, dù Đại Cathay bị bắn trọng thương nhưng hắn đã nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Một loạt các thành viên trong băng nhóm bị bắt, bị tống giam và bản thân Đại Cathay cũng nằm trong vòng nguy hiểm. Cuộc điều đình với viên đại úy hình cảnh Trần Kim Chi trong việc trả tự do cho các đàn em bất thành. Băng nhóm của Đại bắt đầu nhận về sự trừng phạt triệt để.
Cái chết của đại úy Trần Kim Chi là một cái chết không minh bạch. Chiếc xe tải chở gỗ đã tông thẳng vào xe của ông ta khiến ông ta thiệt mạng, nhưng những lời đồn đại về một vụ mưu sát do Đại Cathay cầm đầu đã khiến tướng Nguyễn Ngọc Loan tức giận. Đại Cathay bị tống giam và cuối tháng 11/1966, Đại cùng một loạt đệ tử của mình được đưa lên một máy bay vận tải và ném thẳng vào nhà giam tại đảo Phú Quốc. Chính Đại là người đã đặt tên cho Trung tâm hướng nghiệp Phú Quốc ấy trở thành trại Cửu Sừng. Trong một lần chơi mạt chược cùng đám du đãng, Đại chán ngán bốc lên con bài Cửu Sừng và quyết định lấy tên con bài đặt cho tên trại. Tất cả những tay giang hồ nằm trại thời điểm này, về sau, đều trở thành những tay anh chị khét tiếng nhất Sài Gòn.
Là một tay giang hồ vốn quen tự do, Đại không thể sống quá lâu trong tù túng. Kế hoạch vượt ngục được hắn vạch ra. Tiền và vàng từ ngoài đất liền được vợ và đàn em chu cấp. Đại quyết định trốn khỏi trại Cửu Sừng với lời hứa giúp đỡ của một vài viên sĩ quan bảo an trong trại.
Rạng sáng ngày 7/1/1967, Đại Cathay gọi Lâm chín ngón vào ngồi cạnh. Đại nhắn nhủ: Anh đi phen này lành ít, dữ nhiều. Mày ở lại, phải bỏ ma túy đi. Mày còn nhỏ, tính còn nông nổi, cố gắng ở lại, rồi lúc về được anh sẽ lo cho mày ra khỏi trại.
Chích xong cho Lâm mũi thuốc cuối cùng, Đại và các đàn em khác tiến hành trốn trại. Tốp trốn trại được chia đôi thành hai đường. Đại đã không gặp may. Tốp thứ nhất chạy trốn để nghi binh đã nhanh chóng bị tóm lại. Đại Cathay và đàn em thân tín nhất của mình, Hải Súng, biết không còn cách nào khác phải đổi đường chạy ngược lên phía núi Tượng thuộc đảo Phú Quốc. Kể từ đó, không ai còn được thấy Đại Cathay và Hải Súng đâu nữa.
Báo chí Sài Gòn thời điểm đó không nói gì thêm về cuộc mất tích bí ẩn này. Nhưng theo nhiều người kể lại: Ngay trong đêm 7/1/1967, một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra truy kích Đại Cathay và Hải Súng, và được lệnh bắn hạ. Toán biệt kích giả trang làm quân Cách Mạng và sử dụng súng AK47 để tiêu diệt hai tên này. Thiếu úy Trần Tử Thanh sau này đã huênh hoang khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng: Chính tay ông ta đã nổ súng hạ gục Đại Cathay.
Với mối thâm thù của Đại Cathay và hai viên tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan cùng với sự lộng hành của Đại thì giai thoại về cái chết của hắn hoàn toàn có cơ sở. Một cuộc đời tội lỗi, dù lẫy lừng đến mấy thì cũng chỉ kết thúc trong tội lỗi mà thôi.
Hoàng Hoa


Từ đứa trẻ mồ côi khổ luyện núi thiêng nuôi chí làm tướng cướp

Từ đứa trẻ mồ côi khổ luyện núi thiêng nuôi chí làm tướng cướp

GiadinhNet - Chạy nhảy như sóc, vượn trên hang núi, mắt sáng như loài khỉ, tài bắn súng hơn người, lắm mưu nhiều mẹo… Đơn Hùng Tín là một trong những tướng cướp lừng danh đất Nam Bộ một thời.

Những câu chuyện về tên “lục lâm thảo khấu” này, ngày nay đã đi vào dân gian với nhiều dị bản. Ít ai biết được từ thuở hàn vi, Tín từng khổ luyện một thời gian dài trên núi thiêng để chuẩn bị cho tương lai làm giang hồ thứ thiệt.
Từ đứa trẻ mồ côi khổ luyện núi thiêng nuôi chí làm tướng cướp 1
 Hang ông Thẻ tương truyền là đại bản doanh của Đơn Hùng Tín. Ảnh T.G
Thân thế cô độc
Đơn Hùng Tín không phải là nhân vật hư cấu mà là “người thực, việc thực”, có quê hương bản quán rõ ràng. Thế nhưng cuộc đời hắn ly kỳ với nhiều giai thoại đến khó tin. Có lẽ đây là tay giang hồ tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí thời tiền cách mạng, đồng thời làm cho những tay cò Tây (quan Pháp) Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 phải “thất điên bát đảo”. Cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép đầy đủ về năm sinh hay mất của tướng cướp Đơn Hùng Tín. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của một số nhà văn, nhà biên khảo sử, nhà văn hóa Nam Bộ… vẫn ghi chép một số điểm, đoạn về cuộc đời thiện ác của tên tướng cướp mang màu sắc huyền thoại này.
Sau nhiều ngày tìm hiểu về tiểu sử và danh phận của Đơn Hùng Tín ở An Giang, chúng tôi tình cờ biết đến một người mang “duyên nợ” và từng dành một phần sự nghiệp nghiên cứu, viết về Đơn Hùng Tín. Đó là nhà biên khảo Liêm Châu (89 tuổi, Châu Đốc). Nhà báo Liêm Châu chỉ kém nhà văn Sơn Nam hai tuổi, cả hai cùng học trường Trường Collège de Cantho (Cần Thơ) những năm 40 của thế kỷ trước. Lúc sinh thời nhà văn Sơn Nam có về vùng Bảy Núi trốn Pháp thì nghe danh tướng cướp Đơn Hùng Tín và ông đã dành một chương sách khá lớn để viết về tên “lục lâm thảo khấu” này với tựa chương “Đơn Hùng Tín chào đời”, trong tập “Hương rừng Cà Mau” nổi tiếng.
Người có “duyên nợ” với tên tướng cướp họ Đơn, cụ Liêm Châu cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thất Sơn huyền thoại, lại làm công tác biên khảo nên khá hiểu những nhân vật thuộc về lịch sử. Về Đơn Hùng Tín thì cụ cho rằng, y từng một thời “luyện phép” ở một số hang tại ngọn núi linh thiêng Tà Lơn (Campuchia). Sau đó hắn về lập hội và cát cứ ở núi Trà Sư và núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang), đến nay vẫn còn một số dấu tích. Hồi Sơn Nam còn sống, trong những buổi trà đàm cùng, Liêm Châu thường chia sẻ rằng, bản thân rất thích nhân vật này do đó có ý định viết hẳn một cuốn sách theo dạng tiểu thuyết kiếm hiệp. Đầu tiên cụ viết truyện “Ngũ hổ Đơn Hùng Tín” và nhờ Sơn Nam cùng nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà gửi báo Điện Tín ở Sài Gòn đăng dài kỳ, do cốt truyện hay nên rất được độc giả đón nhận.
Cho đến năm 1991, khi có thêm tư liệu về tướng cướp họ Đơn, cụ Liêm Châu đã tập hợp và viết tiếp thành 5 cuốn sách, mỗi cuốn 300 trang sau đó in tại một nhà xuất bản ở Sài Gòn. Thế nhưng, khi vừa xuất bản được một cuốn thì nạn tiểu thuyết Kim Dung của Trung Quốc in lậu ồ ạt vào khiến tiểu thuyết trong nước không thể bán được. Tác phẩm của cụ cũng không nằm ngoài số phận đó. Nhà nghiên cứu Liêm Châu cho biết, cuộc đời của viên tướng cướp này rất ly kỳ. Những lần “ăn hàng” của anh ta có nhiều giai thoại rất phi phàm. Cũng phải nhận thấy rằng, vì tính chất giật gân, câu khách của truyện, tiểu thuyết thời thực dân và sau này một số báo chí chế độ cũ Sài Gòn khi viết về Đơn Hùng Tín đã phóng đại rất nhiều, khiến nhân vật xa rời thực tế, không còn nguyên bản như ngoài đời.
Theo nhà nghiên cứu Liêm Châu, Đơn Hùng Tín chỉ là người bình thường đầu đen, máu đỏ chứ không phải mình đồng, da sắt đạn chì bắn không chết. Thế nhưng, vì tu luyện nên “ngón nghề” của anh ta đã đạt đến độ điêu luyện, bản thân thoắt ẩn thoắt hiện “khứ vô dấu, lai vô vết” làm quan Pháp phải đau đầu. Tín là kẻ trượng phu, trọng nghĩa khinh tài, ghét kẻ quyền thế. Dù chọn ăn cướp là một nghề nhưng anh ta luôn lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Điều đặc biệt, Tín còn nhân danh bình đẳng đấu tranh với bọn “mũi lõ” và tự xăm trên ngực hàng chữ: “Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái”.
Từ đứa trẻ mồ côi khổ luyện núi thiêng nuôi chí làm tướng cướp 2
Nhà biên khảo Liêm Châu và cuốn tiểu thuyết viết về tướng cướp họ Đơn. Ảnh T.G
Quê gốc Đơn Hùng Tín ở Cao Lãnh (Đồng Tháp). Hắn có tên khai sinh là Lê Văn Tín. Nhưng do mồ côi từ nhỏ, sống đời phiêu bạt chẳng sợ ai nên y lấy luôn tên Đơn (cô đơn), Hùng (anh hùng) và Tín (tên tục). Cũng có một giả thuyết khác là thời trẻ Tín rất thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Trung Quốc, trong đó có một nhân vật giang hồ hào hiệp tên Đan Hùng Tín (tiểu thuyết “Thiên Hạ Kiêu Hùng”, thời Đường). Vì quá ngưỡng mộ nên Tín lấy và cải tên họ của nhân vật này cho bản thân và hành hiệp giang hồ từ đó.
Cuộc đời Tín không ai rõ, nhưng nói về chuyện Tín luyện võ công như thế nào thì người dân vùng Bảy Núi ai cũng kể nằm lòng. Thuở hàn vi, nghe danh núi Tà Lơn là chốn thiên linh, hiểm địa, có nhiều đạo sỹ, người có công năng bùa phép huyền bí nên Tín lặn lội tìm tới. Trên núi nhiều hang động, mỗi động được xem là một am tu phải hương khói đầy đủ. Tín tự đặt cho mình cách rèn khắt khe. Mỗi buổi sáng thức dậy, y châm một que nhang sau đó chạy thật nhanh để châm hương cho tất cả số am trên núi mà đến am cuối cùng mồi lửa vẫn còn. Qua năm tháng tôi luyện, đôi chân Tín có thể vượt rừng, băng hang đá như loài sơn dương leo đèo. Ngoài ra để mắt tinh và sáng, Tín thường ngâm mình dưới suối nhìn mặt trời lúc ban mai và hoàng hôn. Vậy nên dân gian bảo rằng mắt Tín sáng như mắt khỉ đi đêm cũng như ngày. Rồi Tín có ăn cắp được một khẩu súng ngắn hiệu “mút-cơ-tông” của Tây. Ngày ngày tự học bắn để đạt đến “độ bách phát bách trúng”. Ngoài ra gã giang hồ này còn học bùa chú từ các thầy cao tay.
Thành “cao nhân” nhờ những màn xảo thuật
Trong tập “Đơn Hùng Tín chào đời”, nhà văn Sơn Nam có viết về cuộc gặp gỡ giữa Đơn Hùng Tín và một “quân sư” tên Giáo Phép. Phép rất thông minh, dù không biết võ nhưng rất nhiều mưu mẹo. Người này nguyên là giáo viên nhưng vì thói hút thuốc phiện và đánh bạc nên bị sa thải. Mộng đổi đời đã đưa chân Phép sang núi Tà Lơn “tu” lấy tên Giáo Phép (thầy giáo Phép) và mong gặp một ai đó sẽ “tư vấn” cho cách bịp thiên hạ để kiếm cơm. Nhân duyên thiên định đã khiến hai kẻ đồng chí hướng này gặp nhau. Biết Phép có mưu lược thì Tín coi như là quân sư, y mừng rỡ thẳng thừng đặt vấn đề cho tương lai: “Gặp được chú Giáo (Tín lớn tuổi hơn Giáo Phép), tôi mừng như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Xem qua truyện Tống, truyện Đường, tôi thích có một nhân vật tên Đan Hùng Tín, người tận trung với chúa. Mai chiều mình làm giàu, cùng nhau chia cơm xẻ áo”.
Giáo Phép có mưu cao, lược sâu mách nước với giang hồ họ Đơn rằng, trong giới tu Tiên (phái tu Tiên) trên núi đang lưu giữ một cuốn sách tên là “Thiên thư bí quyết” rất hữu ích cho việc hành đạo sau này. Cuốn sách dạy người ta một số trò xảo thuật rất kỳ bí, nếu lĩnh hội được một trong những bài đó cũng đã đủ thay đổi vận mạng rồi. Anh ta dẫn ra câu chuyện rằng, có một ông lão tại núi học được phép mầu trong quyển “bí kíp” trên. Ông này nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ 7 thì khỉ lăn ra chết. Ông đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra thì khỉ mở mắt, ông liền cho uống tiếp lá bùa thứ 8 thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Mỗi ngày con khỉ chạy xuống chân núi trộm lấy 2 đồng xu về cống nạp cho ông lão.
Tín tìm mọi cách và cuối cùng lấy được cuốn sách. Theo lời hướng dẫn của Giáo Phép, anh ta quyết định học màn xảo thuật bắn đạn vào người không chết. Đó là dùng đạn đúc bằng sáp có hun khói giống hệt đạn chì, khi bóp cò nhìn từ xa đạn như thể găm vào người. Với trò xảo thuật này cả hai sẽ biểu diễn trước đám đông để dân chúng biết đến Đơn Hùng Tín là kẻ phàm thường, súng đạn bất nhập. Ngày ngày tên cướp họ Đơn và “quân sư” Phép luyện chẳng mấy chốc đã đạt đến độ tinh xảo. Khi đã yên tâm, Tín bảo Giáo Phép xuống núi dán thông báo để những tên giang hồ đang đói cơm rách áo cần thủ lĩnh thì lên núi sẽ được nhận đệ tử, sống trong một doanh trại giống “Lương sơn bạc” bên Tàu.
Từ đứa trẻ mồ côi khổ luyện núi thiêng nuôi chí làm tướng cướp 3
Lối thoát của hang Đơn Hùng Tín. Ảnh T.G
Đúng như mong muốn, Tín phao tin làm lễ hạ sơn thu phục đệ tử bằng trò bắn đạn vào người không chết, giang hồ tứ chiếng được tin kẻ ngưỡng mộ, người hiếu kỳ tập trung lên núi xem. Tại đây, Tín đứng trên một chiếc hang thẳm mọi người hội tề vòng quanh. Hắn thuyết giảng về chuyện bản thân đã luyện thành đến độ đạn chì bất nhập cơ thể. Giáo Phép diễn theo như những gì Tín nói khi đưa khẩu “mút-cơ-tông” và đạn chì sáng loáng cho những người xung quanh xem để chứng minh đó không phải là đạn giả. Màn biểu diễn bắt đầu, Tín bảo Phép đứng từ xa nhắm thẳng người Tín bắn. Sau phát đạn nổ đanh hơi khói khét bốc lên Tín vẫn không rơi xuống hố. Ngược lại y từ từ cắn đầu viên đạn thổi phù lăn xuống đá núi leng keng, mọi người xem ai nấy đều trố mắt kinh ngạc.
Để gieo vào lòng tin bọn giang hồ đang đói rách, Tín cho mọi người chiêm ngưỡng lại “công năng” của mình bằng phát súng thứ hai. Lần này, Giáo Phép nhằm thẳng đầu Tín và bóp cò, viên đạn bay chát vào đầu thối lên vách đá lòa máu đỏ, nhưng người bị bắn thì vẫn cười nói bình thường. Không ai biết đó là trò bịp mà Tín đã luyện thành công nhờ ngậm đạn thật trong miệng, còn viên đạn thứ hai có đầu sáp bít son Tàu đỏ nên giống hệt máu. Trò tung hứng của một thầy giáo biến chất và kẻ giang hồ ma mãnh khiến mọi thứ diễn ra như thật. Sau màn “hạ sơn” thành công, tiếng tăm Đơn Hùng Tín vang xa. Nhiều tay giang hồ tìm đến gia nhập bái y làm sư phụ. Chẳng mấy chốc sơn trại của của Đơn Hùng Tín lớn mạnh trở thành băng cướp nổi danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. 
Độc chiêu “xin” sính lễ đám cưới nhà thầy Cai
Tài “ăn hàng” của Tín siêu đẳng đến nỗi anh ta từng tuyên bố lấy tài sản của người khác bằng cách lấy ngay trước mặt chứ không thèm lấy lén lút đằng sau. Trong tập “Giang hồ lục tỉnh”, nhà văn Nguyên Hùng (SN 1927-2005) có viết giai thoại về cuộc “ăn hàng đường hoàng” của tướng cướp họ Đơn như sau. Nhà thầy Cai (Cai tổng) đang nhộn nhịp khách khứa, toàn là dân có máu mặt trong tổng, ghe tầu đậu đặc dưới bến. Hôm ấy là ngày thầy Cai làm lễ thành hôn cho con. Mấy ông trong ban hội các làng đều tới chung vui với gia đình vị đứng đầu tổng. Đây cũng là dịp cho mấy bà khoe của, ai cũng đeo vòng vàng đầy cổ tay.
Hai bên thông gia làm lễ lên đèn xong xuôi, khách khứa bắt đầu nhập tiệc. Bỗng dưới bến có tiếng máy hát vọng lên lảnh lót: “Con ơi, tháng Chạp tới đây là ngày con được ghi vào sổ nhân duyên, trên cung đàn nhấn phím tơ loan đàn bản cầm sắt cho duyên hai con bền chắc…”. Đó là giọng ca truyền cảm của cô Tư Sạn, thời đó làm người dân khắp Nam Kỳ Lục tỉnh mê mệt. Trên nhà mọi người chăm chú lắng nghe. Thầy Cai bước ra hàng ba nhìn xuống bến và nói to lên: “Có khách quý ở xa tới trễ, bà con mình chờ một chút”. Dưới sông, chiếc ghe hầu cập bến, một vị khách đóng áo dài ung dung bước lên. Ông tươi cười chào hỏi gia chủ. Nhưng thầy Cai nhìn khách lạ ông mới gặp lần đầu. Khách tự giới thiệu: “Tôi là hương hào làng bên hay tin thầy Cai cưới dâu cho con, tôi tới chia vui”. Rồi sau đó khệ nệ bưng một mâm phủ vải đỏ lên nhà và mở khăn nhiễu điều nói: “Xin thầy Cai nhận cặp rượu sâm banh với hai gói trà Ô Long Kỳ Chưởng gọi là chút quà mọn.
Thầy Cai nở nụ cười thật tươi đón nhận quà của khách lạ. Sâm banh là rượu đắt tiền, chỉ có Tây đầm và dân sang mới dám dùng cho nên một phút trước, khách còn là kẻ lạ, nhưng bây giờ thì kể như quen. “Mời anh hương vô ngồi chung bàn với tôi”, gia chủ tươi cười mời khách. Rượu được vài tuần, thầy Cai và thông gia đưa chàng rể, cô dâu chào bà con hai họ cùng thân bằng quyến thuộc. Từng bàn một nâng ly chúc mừng “loan phụng hoà minh, sắt cầm hảo hiệp” hoặc nôm na hơn là “trăm năm hạnh phúc”. Khách quý tặng bao thư giúp vốn cho cặp vợ chồng trẻ “ra riêng”. Đúng vào lúc đó khách lạ mới hiện nguyên hình là “tướng núi”: Đơn Hùng Tín. Trước họng súng, tất cả các bà đều riu ríu lột hết vòng vàng, cà rá bỏ vô chiếc khay mà tên trạo chìa ra từng bàn một. Xong rồi tên trạo bưng khay “chiến lợi phẩm” tuốt xuống ghe hầu. Đơn Hùng Tín ung dung từ biệt hai họ và thực khách. 
Bỏ mạng vì đàn em phản bội
Chính vì chuyện mạo danh hương chức, quan lớn đi ăn tiệc và trấn lột những quan lại thân Tây nên nhiều bọn quan Tây lo nơm nớp một ngày nào đó tên cướp gian hùng “ghé thăm”. Tên tuổi của Đơn Hùng Tín đã được Pháp qui vào hạng đệ nhất tội phạm và ra giá thưởng với người nào cho tin chính xác để bắt. Một hôm đi kiếm ăn, ghe của Tín ghé cồn Rồng, neo giữa sông, để rồi từ đó đi xuồng nhỏ khi nào muốn qua Mỹ Tho. Vì cồn Rồng nằm cách bờ tỉnh Mỹ Tho chỉ độ 500 mét, bên bờ là chợ tỉnh, nhộn nhịp đông người. Tín sai một đàn em đi chợ mua đồ dùng.
Tên này là một kẻ sanh tâm phản trắc mà Tín không hề biết. Trên đường đi, hắn báo ngay với cảnh sát Pháp để lãnh thưởng. Vừa hay tin, chánh quyền sở tại mừng rỡ, tập trung cả cảnh sát, tàu ghe, bố trí kế hoạch bao vây cồn Rồng và ra lệnh bất cứ giá nào cũng phải bắt được, hoặc giết chết, không được để tưởng cướp thoát. Vòng vây đã xiết chặt mà Đơn Hùng Tín chẳng hề hay biết. Tên đàn em phản bội đã chỉ điểm xuồng nào của có Tín xuồng nào không nên bọn lính biết rất rõ và chúng cứ nhằm thế mà nhả đạn. Tín chống trả và định nhảy xuống sông tìm cách trốn thoát nhưng bọn Pháp trên bờ dùng hỏa lực đốt cháy và vây chặt không xuồng nào ra được, cuối cùng Đơn Hùng Tín cùng đàn em chết trong vòng vây. Cuộc đời của một tướng cướp lừng danh trời Nam chấm dứt từ đó. 
Sơn trại của tướng cướp họ Đơn?
Có giả thuyết cho rằng, hồi hoạt động ở núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang), Đơn Hùng Tín lập đại bản doanh tại hang ông Thẻ. Hang ông Thẻ nằm ở mạn Đông Bắc núi Cấm là một hang rất nhiều ngách hiểm địa, chúng tôi đã có chuyến thám hiểm công phu nhưng không còn dấu vết gì. Thế nhưng những người dân sống trên núi còn kể lại rằng, trước đây có rất nhiều tiền mục rơi trong hang, có thể đây là những “chiến lợi phẩm” mà Đơn Hùng Tín cùng đàn em để lại.
Hàn Phong

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét