Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

QUÁI KIỆT LÀNG CỜ 27

(ĐC sưu tầm trên NET)
                                Bộ Óc Thiên Tài Cũng Bị Lừa Bởi Thế Cờ Giang Hồ Vỉa Hè Này


Thân thế, sự nghiệp của cố danh thủ Lục Văn Chi (Hà Nội) - Vô địch cờ tướng Bắc kỳ năm 1938


PGS. TS. Lưu Đức Hải
Uỷ viên BCH Liên đoàn Cờ Việt Nam - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm
lucvanchiDanh thủ Lục Văn Chi sinh năm 1907, song làng cờ Tướng quen gọi là Lục Chi (tức Chi Văn Điển), quê quán ở thị trấn Văn Điển, tỉnh Hà Đông (sau là tỉnh Hà Tây và nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Hà Đông là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tên gọi tỉnh Hà Đông thay thế cho tên gọi cũ là tỉnh Cầu Đơ vào ngày 6/12/1904. Tỉnh Cầu Đơ nguyên là tỉnh Hà Nội, được đổi tên sau khi cắt phần tỉnh thành Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa và tỉnh lỵ chuyển về Cầu Đơ. Tỉnh Hà Đông gồm 4 phủ: Hoài Đức (có thêm huyện Đan Phượng của tỉnh Sơn Tây nhập vào), Mỹ Đức, Thường Tín và Ứng Hòa. Tỉnh lỵ tỉnh Hà Đông là thị xã Hà Đông, mà tên gọi cũ là Cầu Đơ. Năm 1915, Khu vực ngoại thành Hà Nội của thành phố Hà Nội đổi thành huyện Hoàn Long trực thuộc tỉnh Hà Đông.
Thị trấn Văn Điển, một địa điểm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 10km về phía Nam, trước mặt có dòng sông Kim Ngưu nước mát chảy qua, có ngôi đình lớn, giếng nước và nhiều cây muỗm lâu năm. Từ đầu thế kỷ 20 có đường quốc lộ 1A và đường xe lửa Bắc Nam đi qua, có trường học phổ thông và nhà Hộ sinh. Đầu phố là chợ 5 ngày họp một phiên, người dân trong vùng đến mua, bán đủ các mặt hàng cần thiết. Cuối phố là ga xe lửa khách qua lại đông vui thuận tiện, phố dài 1km có hàng trăm cây bàng lớn, mùa hè hoa quả thơm, những ngày nóng dữ, nhưng phố vẫn mát vì lá bàng to và dày. Đó là quê hương và cũng là nơi danh thủ Lục Văn Chi được sinh ra và lớn lên thời niên thiếu.
Sau này danh thủ Lục Chi ra sinh sống ở thị xã Sơn Tây (tỉnh Sơn Tây) và sau đó ra Hà Nội, ngụ tại số nhà 24 phố Tô Hiến Thành. Cuối đời ông về sinh sống tại số nhà 202 và sau đó chuyển đến 211A phố Huế). Ngôi nhà của ông vừa là hiệu cắt tóc, vừa là câu lạc bộ cờ Tướng ở khu vực phường Phố Huế thời kỳ 1957-1970.
Tháng 4/1938, tại Giải quán quân cờ Tướng Bắc kỳ tổ chức ở đình Thái Cam (Hà Nội) ông đã trở thành nhà vô địch cờ Tướng Bắc kỳ. Giải khai mạc sáng ngày chủ nhật 2/4/1938 và bế mạc vào tối ngày thứ sáu 21/4/1938. Thời gian thi đấu giải là từ ngày 3 đến 18/4/1938. Kết quả là danh thủ Lục Chi (Hà Đông) đã đoạt giải quán quân, danh thủ Nguyễn Trọng Nhạ (Hà Nội) đoạt ngôi á quân.
Trước khi Lục Chi trở thành vô địch Bắc kỳ 1938, tam kiệt Hà thành Yến - Du - Lịch (tức Đặng Đình Yến - Đỗ Văn Du - Đỗ Tràng Lịch) đã từng làm mưa làm gió trong làng cờ Tướng Bắc kỳ trong suốt giai đoạn 1920-1935. Vì thế sự kiện Lục Chi đoạt giải quán quân 1938 đã đánh dấu sự suy giảm của tam kiệt bởi ở giải này Đặng Đình Yến chỉ đạt tứ thắng (xếp thứ 5-8), còn Đỗ Văn Du và Đỗ Tràng Lịch chỉ đạt tam thắng. Kể từ đó Lục Chi được xếp vào hàng tứ hùng Chi - Bột - Hùng - Vệ (tức Lục Văn Chi - Chu Văn Bột - Nguyễn Thi Hùng - Lê Uy Vệ) ở giai đoạn sau này.
cup lucvanchi
Vào năm 1951 ông còn đoạt ngôi á quân (giải nhì) Giải cờ Tướng chợ phiên được tổ chức tại khu vực trụ sở Võ Sĩ đoàn xưa, số 8 phố Vua Lê, nay là trụ sở Bảo Việt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Năm đó danh thủ Đặng Đình Yến đoạt ngôi quán quân.Cúp á quân (giải nhì) cờ Tướng chợ phiên 1951
Trong ảnh là Lục San (bên phải), Lục Thị Huy (ở giữa) con trai và con gái danh thủ Lục Chi và Cúp á quân) (Ảnh: Lưu Đức Anh Quân, 7/2017).
Những thành tích điển hình của Lục Văn Chi ở các giải cờ Tướng giai đoạn 1938-1958:
Năm Tên giải cờ Kết quả Nơi tổ chức giải
1937 Lễ hội chùa Vua Quán quân Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội
4/1938 Vô địch Bắc kỳ Quán quân Đình Thái Cam, số 44 phố Hàng Vải, Hà Nội
1951 Vô địch
chợ phiên
Á quân (Quán quân là Đặng Đình Yến) Trụ sở Võ Sĩ đoàn, số 8 phố Vua Lê, Hà Nội
1952 Lễ hội chùa Vua Á quân (Quán quân là Ngô Văn Hoàn) Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội
1957 Lễ hội chùa Vua Giải ba (Nhất: Nguyễn Tấn Thọ; Nhì: Nguyễn Thi Hùng) Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội
1957 Lễ hội đền Hai Bà Giải ba (Nhất: Nguyễn Tấn Thọ; Nhì: Nguyễn Thi Hùng) Đền Hai Bà, số 12 phố Hương Viên, Hà Nội

Sau đây là một ván cờ của danh thủ Lục Văn Chi, một trong tứ hùng Bắc kỳ ở nửa đầu thế kỷ 20.
Nguyễn Thi Hùng (tiên hòa) - Lục Văn Chi (Hà Nội, 3/1957)
1. P2-5 M8.7; 2. M2.3 X9-8; 3. X1-2 P8.2; 4. M8.7 P2-5; 5. B7.1 M2.3; 6. B3.1 X1-2; 7. X9-8 X2.4; 8. P8-9 X2-4; 9. X8.6 B7.1; 10. X8-7 M7/5; 11. M3.4 X4-6; 12. B3.1 X6-7; 13. M4.5 X7/1; 14. M5/6 X7-3; 15. M6.7 M5.7; 16. M7.5 T7.5; 17. M7.6 S6.5; 18. X2.2 X8-6; 19. X2-4 P8-620. B5.1 P6.1; 21. B5.1 P6-3; 22. B5-4 M3.2; 23. X4-3 M2.4; 24. X3.5 M4.5; 25. T3.5 P3-5; 26. S6.5 X6.4; (hòa)
Đây là ván cờ giữa 2 danh thủ trong số 4 người từng được mệnh danh là tứ hùng Bắc kỳ ở nửa đầu của thế kỷ 20 là Chi - Bột - Hùng - Vệ, được chơi ở trận chung kết Giải cờ Tướng hội đền Hai Bà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm 1957 (Đền Hai Bà chỉ cách chùa Vua khoảng 500m). Vòng chung kết còn lại 3 cao thủ thi đấu vòng tròn: ván thứ nhất Thi Hùng hòa Nguyễn Tấn Thọ (sáng 9/3/1957), đây là ván thứ hai Thi Hùng gặp Lục Chi diễn ra vào chiều 9/3/1957. Thi Hùng đi tiên sử dụng Đương đầu Pháo, còn Lục Chi đi hậu sử dụng thế trận nghịch Pháo là một thế trận đối công quyết liệt.
Ngày 26/8/1992 danh thủ Lục Văn Chi đã vĩnh biệt làng cờ Tướng Việt Nam ở tuổi 86. Ông mất vào đúng năm 1992, là năm mà Giải vô địch cờ Tướng toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam. Nhà vô địch của Giải cờ Tướng Bắc kỳ lần thứ hai (1938) đã ra đi sau khi đã có nhiều đóng góp với môn thể thao trí tuệ truyền thống của nước nhà./.


Thân thế, sự nghiệp của cố danh thủ Lê Uy Vệ (Hà Nội) - 4 lần vô địch cờ Tướng Bắc kỳ (1939 - 1942)


Lê Uy Vệ sinh ngày 17/3/1917 tại thôn Từ Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Lê Uy Vệ say mê cờ từ hồi nhỏ. Cha mất năm ông 7 tuổi, còn mẹ mất năm ông 13. Từ nhỏ Lê Uy Vệ đã có năng khiếu trong môn toán: học lớp 3 mà đã giải được toán lớp 5, còn về khả năng tính nhẩm thì không ai bằng.
leuyve 1Lê Uy Vệ đến với cờ Tướng từ lúc 10 tuổi, đến năm 15 sức cờ của Lê Uy Vệ đã mạnh hơn, chững chạc hơn, thích tìm người lớn hơn mình, giỏi hơn mình để thi đấu. Sau khi mẹ mất, anh chị em Lê Uy Vệ phải sống tự lập trong sự đùm bọc lẫn nhau. Năm 18 tuổi Lê Uy Vệ tự lo kiếm sống và trải qua các nghề khác nhau như đánh máy chữ, làm thợ ở xưởng khuy bấm Gia Lâm…, song ông vẫn tiếp tục rèn luyện môn cờ Tướng.
Hồi đó Lê Uy Vệ sống ở số nhà 98 phố Bạch Mai, ở gần chùa Vua nên thường tới xem các cao thủ tỷ thí, chép lại các ván cờ của họ để về nhà học hỏi. Ở gần nhà ông thời đó có các danh thủ của nhóm cờ Tướng Bạch Mai, thường sinh hoạt tại nhà ông Trịnh Bá Sinh ở số nhà 32 phố Bạch Mai. Nhóm này còn có ông đội Công, Vũ Thọ, ông Khôi, Nguyễn Đức Lễ, Trần Văn Lan, Phan Văn Quý, Lê Công Phàn, Đào Thế Phấn và một số danh thủ khác. Thập niên 20, 30 của thế kỷ 20 Lê Uy Vệ cũng sinh hoạt tại nhóm này. Thời đó sách cờ còn rất hiếm, vậy mà nhóm Bạch Mai đã có được một số sách kinh điển của cờ Tướng như "Quất trung bí", "Bách cục Tượng kỳ phổ", "Mai hoa phổ", "Đương đầu Pháo", "Bình phong Mã", "Nghịch Pháo"… để nghiên cứu.
Tháng 2/1936 Giải vô địch cờ Tướng Bắc kỳ đầu tiên được tổ chức tại hội quán hội Hợp thiện (Hà Nội), kỳ thủ các vùng có dịp hội ngộ và tỷ thí. Thời đó các hội cờ, nhóm cờ ở đất Thăng Long lần lượt ra đời. Năm 1936 hội cờ Thuyền Quang được thành lập và Lê Uy Vệ là một trong những người sáng lập.
Năm 1939, Giải quán quân cờ Tướng Bắc Kỳ được tổ chức ở đình Thái Cam (Hà Nội). Qua sơ tuyển (khảo trịch) còn lại 32 kỳ thủ vào chia cặp đánh loại trực tiếp. Ông vượt qua cả 4 vòng đấu (tứ thắng) để vào trận chung kết với cao thủ Nguyễn Thi Hùng (Hà Nội). Sau 3 ván đấu với tỷ số hòa 2, thắng 1 Lê Uy Vệ đã đoạt được chiếc cúp vô địch Bắc kỳ, năm đó ông 22 tuổi. Lê Uy Vệ giữ vững ngôi vô địch suốt 4 năm liền (1939, 1940, 1941, 1942). Sau đó ông thoát ly đi theo cách mạng và tạm ngừng thi đấu. Tiếp theo thời kỳ oanh liệt của tam kiệt Hà thành Yến - Du - Lịch, làng cờ Bắc kỳ khâm phục tài danh trẻ tuổi và xếp ông vào một trong tứ hùng lừng danh đất Bắc thời bấy giờ Chi - Bột - Hùng - Vệ (Lục Văn Chi - Chu Văn Bột - Nguyễn Thi Hùng - Lê Uy Vệ).
Do đảm đương những trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó nên trong thời kỳ sau hòa bình lập lại (1954-1958) Lê Uy Vệ tuy vẫn tham gia thi đấu các giải cờ Tướng ở Hà Nội và ở các lễ hội, song thành tích có phần suy giảm.
Ông từng là đối thủ mà cũng là bạn thân thiết với những tên tuổi lừng lẫy như Chu Văn Bột, Đặng Đình Yến, Lục Văn Chi, Nguyễn Thi Hùng, Ngô Linh Ngọc… cho tới lớp Trương Trọng Bảo, Nguyễn Đắc Đinh, Nguyễn Tấn Thọ, Hứa Tiến… sau này.
Những thành tích điển hình của danh kỳ Lê Uy Vệ ở các giải cờ Tướng giai đoạn 1939-1958:
 Năm Giải Kết quả Nơi tổ chức
1939 Vô địch Bắc kỳ Quán quân Đình Thái Cam, số 44 phố Hàng Vải, Hà Nội
1939 Vô địch chùa Vua Quán quân Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội
1940 Vô địch Bắc kỳ Quán quân Đình Thái Cam, số 44 phố Hàng Vải, Hà Nội
1940 Vô địch chùa Vua Quán quân Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội
1941 Vô địch Bắc kỳ Quán quân Đình Thái Cam, số 44 phố Hàng Vải, Hà Nội
1941 Vô địch chùa Vua Quán quân Chùa Vua, số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội
1942 Vô địch Bắc kỳ Quán quân Đình Thái Cam, số 44 phố Hàng Vải, Hà Nội

Sau khi Tạp chí Người chơi cờ hoạt động được 3 năm (1995-1998) vị Tổng biên tập đầu tiên là Nguyễn Minh Quang đã bàn giao trách nhiệm Tổng biên tập của Tạp chí Người chơi cờ cho ông Lê Uy Vệ. Ông là người viết bài, sưu tầm những mẩu chuyện lịch sử về cờ…, tập hợp được những cộng tác viên, những nguồn tư liệu cho tạp chí hoạt động. Trong suốt 17 năm hoạt động của Tạp chí Người chơi cờ, Lê Uy Vệ đã giữ cương vị Tổng biên tập 13 năm (1998-2010) cho đến khi Tạp chí tạm ngừng hoạt động.
Bên cạnh hình ảnh của một danh thủ cờ Tướng có hạng, Lê Uy Vệ cũng có nhiều đóng góp, cống hiến cho cách mạng Việt Nam. Thời kỳ 11/1938 đến 8/1945 Lê Uy Vệ là Hiệu trưởng Trường Truyền bá Quốc ngữ ở Bạch Mai kiêm phụ trách khu Nam Hà Nội và hai huyện Thanh Trì, Thường Tín, tỉnh Hà Đông; 7/1946 đến 7/1947 là Bí thư huyện ủy Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; 9/1948 đến 8/1949 là Bí thư Liên huyện Đan Phượng, Hoài Đức - Tỉnh ủy viên - Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Hà Đông… 6/1964 đến 12/1978 là Phó Cục trưởng Cục quản lý trại giam - Bộ Công an.
Lê Uy Vệ đã được tặng nhiều huân huy chương của Nhà nước và được phong quân hàm đại tá. Ngày 21/2/2013 Lê Uy Vệ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang truy tặng huân chương Độc lập hạng ba.
leuyve 2
Các bạn đồng nghiệp đến thăm gia đình Đại tá Lê Uy Vệ nhân dịp ông thọ 90 tuổi (Ảnh: Tác giả sưu tầm).
leuyve 3
Lễ vinh danh cố danh thủ Lê Uy Vệ tại Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 21 (6/8/2017)
Sau đây là ván cờ tiêu biểu cho thời kỳ oanh liệt của Lê Uy Vệ khi mà ông đang giữ chức quán quân cờ Tướng Bắc kỳ 4 năm liên tiếp, từ 1939 đến 1942.
Năm 1958 Báo Thống Nhất, Hà Nội tổ chức Giải vô địch cờ Tướng chào mừng ngày Quốc khánh 2/9/1958, được tổ chức thi đấu tại 2 địa điểm: CLB Thống Nhất (số 16 phố Lê Thái Tổ) và Sở Văn hóa Hà Nội (số 49 phố Hàng Dầu), cả 2 địa điểm này đều tọa lạc xung quanh hồ Hoàn Kiếm (còn gọi là hồ Gươm). Ván cờ này Lê Uy Vệ đi hậu gặp Nguyễn Đắc Đinh, lại một cao thủ nữa của nhóm Hàng Bột. Nguyễn Đắc Đinh đi tiên sử dụng thế trận Đương đầu Pháo, còn Lê Uy Vệ đi hậu đối công bằng thế trận thuận Pháo.
Nguyễn Đắc Đinh - Lê Uy Vệ (hậu thắng) (Hà Nội, 1958)
1. P2-5 P8-5; 2. M2.3 M8.7; 3. X1-2 X9.1; 4. M8.9 X9-4; 5. X2.6 B7.1; 6. P8-7 X4.6; 7. P7/1 M2.1; 8. X9-8 X1-2; 9. X8.5 P5-4; 10. S4.5 X4/2; 11. X8-3 T3.5; 12. X3/1 X4/1; 13. X3-8 … Mất nước, được dịp cho đối phương lên ; Mã. Không bằng B9.1 chẹn Mã.
13. … B1.1; 14. P5.4 M7.5; 15. X2-5 P2.1; Cao! Cướp nước tiên chủ động.
16. X5/2 M1.2; 17. X8-7 M2.1; 18. X7.2 P2.4; Cao! Siết chặt thế công.
19. P7-9 P2-3; 20. X7-4 X4.4; Cao! Có nhiều thế đánh, bắt lại quân.
21. P9.2 X4-3; 22. T7.5 X3-4; 23. Tg5-4 S4.5; 24. X4/1 … Mất nước. Không bằng X4/2 tính quân cầu hòa.
24. … X2.3; 25. X4/1 P4.7;  Mất nước kèm quân không đủ lực lượng đánh. Không bằng X2.4 bắt hơn quân thắng mòn.
26. X5-8 X2-4; 27. M9/8 P3.2; 28. Tg4.1 P4-2; 29. X8/4 P3/2; 30. P9/1 B1.1; 31. X8.2 …  Lừa cho đối phương, Pháo vọt sang Mã mới thúc Xe chiếu Tướng ăn lại quân về tàn cuộc hơn quân thắng.
31. … P3.1; 32. X8.7 Xs/3; 33. X8-6 X4/8; 34. S5.6 …(Hình) Hơn quân thắng về tàn cuộc.
leuyve 4
34. … B1.1; 35. P9-8 … Mất nước chạy Pháo. Không bằng P9/2.
35. … B1-2; 36. P8-9 B2-3; 37. X4-8 X4.3; 38. X8.5 S5/4; 39. P9.7 T5/3; 40. P9-7 P3/8; 41. X8-7 B3-4; 42. X7/5… Sót! Giả định S6/5 Vệ phải X4-6 chiếu Tướng. S5.4 B4-5 ăn Tốt; Tg4-5 X6.4 ăn Sĩ; M3/2 X6-8; X7/6 (hòa cục).
42. … B4.1; 43. B3.1 B4-5; 44. Tg4/1 X4.6; 45. Tg4.1 X4/1; 46. Tg4/1 B5-6; 47. Tg4-5 B6-7; 48. X7/2 B7.1. Hậu thắng
leuyve 5
Ngày 3/2/2011, do tuổi cao, sức yếu Lê Uy Vệ đã giã từ làng cờ Việt Nam ở tuổi 95. Có thể nói ông là người xuyên suốt làng cờ Việt Nam trong gần 80 năm qua. Ông là người có thời gian dài tới 40 năm trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Cờ Tướng Việt Nam và Liên đoàn Cờ Việt Nam. Ông là người lãnh đạo có uy tín nhất, bền bỉ, dẻo dai, vượt qua những giai đoạn khó khăn, cống hiến trọn vẹn nhất cho nền thể thao trí tuệ nước nhà./
PGS. TS. Lưu Đức Hải 
Uỷ viên BCH Liên đoàn Cờ Việt Nam - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm


Thân thế, sự nghiệp của danh thủ Lê Đình Hoan (Hà Nội) - Kỳ thủ “Hoạ - Kỳ song tuyệt”


PGS. TS. Lưu Đức Hải
Uỷ viên BCH Liên đoàn Cờ Việt Nam - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm
Đế Thích là vị thần nổi tiếng trong thần thoại Ấn Độ, ông chính là thần “Indra” trong đạo Bà la môn được coi là Vua của các vị thần. Sách nhà Phật coi Đế Thích là Thiên đế trợ thủ Đức Phật Thích Ca sơ sinh. Tượng Đế Thích (Indra) trong nhiều chùa ở Việt Nam thường bố trí cùng tượng Đại Phạm Thiên (Brahma) đứng hai bên Tòa Cửu Long (tức Thích Ca sơ sinh có chín con rồng chầu) đặt ở ban thờ dưới cùng của Tòa Tam bảo. Tượng Đế Thích thường mặc áo bào, đội mũ hoàng đế. Đế Thích và Đại Phạm Thiên là hai vị thần thường xuyên hỗ trợ Đức Phật Thích Ca. Ở nước ta, Đế Thích được xem là vị thần cao cờ nhất, tục ngữ Việt Nam có câu: “Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe”.
Vào thời Lê (1428-1527) khu vực Chùa Vua làng Thịnh Yên vốn là cung Thừa lương. Nơi đây có chùa Hưng Khánh thờ Phật, có hồ bán nguyệt, nước trong mát, cây cổ thụ xanh tươi, râm mát. Làng Thịnh Yên vốn có truyền thống chơi cờ Tướng từ lâu đời. Hàng năm hội cờ làng Thịnh Yên thu hút được nhiều danh cờ và bà con hâm mộ cờ Tướng về dự Hội Cờ. Trong số đó, có một ông Hoàng thời Lê là người theo đạo Lão và lại giỏi cờ, ông đã đứng ra vận động nhân dân góp công góp của xây dựng một quán (nơi thờ phụng của đạo Lão) Đế Thích (Ô 1) để thờ Vua cờ Đế Thích ngay cạnh chùa (nơi thờ phụng của đạo Phật) Hưng Khánh - khu vực chùa Vua hiện nay (Hình 1).
Ô 1: Quán Đế Thích - Nơi thờ Vua cờ Đế Thích Quán Đế Thích, còn gọi chùa Vua, nằm ở 17 phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Thực ra, chùa Vua là tên gọi chung cụm di tích hiện bao gồm chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế (tức Đế Thích quán xưa) thờ Vua cờ Đế Thích. Chính toà điện này là vết tích quán Đế Thích thuở xưa.
Sử tích chép lại, Đế Thích quán (gồm chùa Hưng Khánh và điện thờ Đế Thích) có từ đời Lý và được tôn tạo vào đời Lê. Tương truyền có một ông hoàng đời Lê (1428-1527) theo đạo Lão, lại cực kỳ mê cờ Tướng, vì hâm mộ Đế Thích là bậc cao cờ, bèn tạo lập quán Đế Thích trên vùng đất trước đó từng dựng cung Thừa Lương, ở làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Từ đó đến nay chùa trở thành đấu trường cờ Tướng danh tiếng bậc nhất Thăng Long.
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, chùa Vua tưng bừng mở hội thi đấu cờ Tướng từ mùng 6 đến mùng 9 tháng giêng âm lịch, để mừng ngày Đế Thích đản sinh. Cổ lệ quy định: kỳ thủ nào đoạt chức vô địch 3 năm liền thì được vinh hạnh khắc tên vào bia đá đặt sẵn ở bi đình.
Ở nước ta từ thời Lê (thế kỷ 15) về sau chỉ còn tồn tại một số đạo quán (cơ sở của đạo Lão) mà không còn truyền đạo Lão nữa, vì thế chúng ta thấy rằng quán không phát triển bằng chùa (cơ sở của đạo Phật) như ngày nay.
Quan De Thich - Chua VuaHình 1: Quán Đế Thích và chùa Vua Hà Nội (ảnh trái) và Tượng Vua cờ Đế Thích trong quán Đế Thích (Ảnh tác giả sưu tầm)
Chùa Vua còn là một trong những cơ sở cách mạng, nơi đi về hoạt động từ 1926 đến 1930 của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ, chùa là nơi hội họp, cất giữ tài liệu, vũ khí, tập luyện quân sự của Việt Minh thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Nơi liên lạc và là trụ sở của Tiểu khu 7, Liên khu II trong những ngày đầu kháng chiến. Sư tổ Thích Thanh Điều (Hoàng Đình Điều) là người yêu nước đã tích cực bảo vệ giúp đỡ cách mạng, được Chính phủ truy tặng bằng “Có công với nước” năm 2001. Tối 4/6/1956, chùa Vua đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thắp hương trước khi đến thăm lớp bình dân học vụ.
Dân làng Thịnh Yên có truyền thống chơi cờ Tướng từ thế kỷ 16, đây là nơi rèn luyện và đào tạo các danh kỳ của Việt Nam. Những nhà khảo trịch cờ Tướng qua nhiều thế hệ ở chùa Vua - quán Đế Thích như các ông Lê Đình Đồng, Lê Đình Mười, Lê Đình Mai rồi tiếp đến là Lê Đình Bội, Lê Đình Hoan là Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ Tướng chùa Vua từ năm 1991 đến 2011 (Hình 2).
danh thu co tuong Ha Noi
Hình 2: Ông Lê Đình Mai (áo the đen) và ông Trịnh Văn Mẫn (áo the trắng), công bố kết quả thi đấu tại Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua 1953, quán quân là Nguyễn Thi Hùng (đang chắp tay) (ảnh trái); Ông Lê Đình Bội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cờ chùa Vua (ảnh giữa); Ông Lê Đình Hoan, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ cờ Tướng chùa Vua 1991 - 2011, vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua 1959 (ảnh giữa) (Ảnh: Tác giả sưu tầm).
Hàng năm vào mồng 6 đến mồng 9 tháng Giêng âm lịch, ở chùa Vua mở lễ hội truyền thống lễ Phật, lễ Thần và thi đánh cờ Tướng (Hình 3). Ngày đầu khảo trịch (đấu loại), ai lọt “nhất thắng”, “nhị thắng” thì vào được “tam thắng” (chung kết). Ai nhất chung kết là người phá giải cờ.
Người có công lưu trữ và bảo tồn nhiều hình ảnh lịch sử của các Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua và lễ hội chùa Vua là ông Lê Đình Hoan, vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua 1959, cùng ban tổ chức duy trì các hoạt động văn hóa trong những lễ hội Giải cờ Tướng truyền thống chùa Vua mỗi dịp xuân về. Kỳ thủ Lê Đình Hoan còn là một nghệ nhân tài hoa có nhiều công lao bảo tồn và phát huy giá trị sơn mài truyền thống của dân tộc (Hình 4).
chuavua h4Hình 3: Lễ hội chùa Vua - quán Đế Thích, làng Thịnh Yên, Hà Nội, ngày 6/1 năm Canh Tý, 1900 (Ảnh: Tác giả sưu tầm).
Do hoàn cảnh lịch sử, Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua đã bị gián đoạn hơn 30 năm, mãi đến năm 1992 mới được tổ chức trở lại nhân dịp chùa Vua - quán Đế Thích được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, trong đó có công lao đóng góp rất lớn của ông Lê Đình Hoan và dòng họ Lê làng Thịnh Yên xưa (tức phường Phố Huế ngày nay). Hội Cờ chùa Vua hàng năm còn là nơi đọ tài cao thấp của các danh thủ cờ trong cả nước và Hà Nội như Đặng Đình Yến, Lục Văn Chi, Nguyễn Thi Hùng, Lê Uy Vệ, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tấn Thọ, Nguyễn Đắc Đinh, Lê Đình Hoan, Phạm Văn Sửu, Ngô Văn Hoàn, Trương Trọng Bảo, Hứa Tiến, Nguyễn Ngọc Phan An, Đinh Trường Sơn… rồi đến Đào Thành Huy, Nguyễn Tiến Cường, Đào Cao Khoa, Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Vũ Quân, Bùi Khắc Hưởng, Nguyễn Thành Bảo, Lại Việt Trường, Phạm Quốc Hương, Bùi Dương Trân, Lưu Khánh Thịnh, Đặng Hùng Việt, Trần Tuấn Ngọc, Hà Văn Tiến, Phùng Quang Điệp…
Danh thu Le Dinh HoanHình 4: Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn giữ được niềm đam mê với những tác phẩm nghệ thuật và tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ. Ông đã từng vinh dự nhiều lần đoạt giải “Bàn tay vàng”. (Ảnh: Tác giả sưu tầm).
Danh thu co tuong Ha NoiHình 5: Chụp tại lễ hội chùa Vua quán Đế Thích (1996); từ trái qua phải: Ông Ngô Lình Ngọc - Nhà nghiên cứu cờ Tướng; Ông Lê Uy Vệ - Phó Chủ tịch hội Cờ Tướng Việt Nam; Vô địch cờ Tướng chùa Vua 1939-1942; Ông Lê Đình Hoan: Vô địch cờ Tướng chùa Vua 1959; Ông Nguyễn Tấn Thọ: vô địch cờ Tướng chùa Vua 1954-1957, Kỳ Vương miền Bắc; Ông Phát: Vô địch cờ Tướng Bộ Văn hoá 1949 (Ảnh: Tác giả sưu tầm).
Ngày 21/1/1992, tại Quyết định số 97/VHQĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa (Trần Hoàn), chùa Vua, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Giai đoạn 1991-2011 Ban Quản lý di tích chùa Vua đã giao cho các ông Nguyễn Tấn Thọ, Lê Đình Bội và Lê Đình Hoan quản lý Câu lạc bộ Cờ Tướng chùa Vua, phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Phố Huế tổ chức các Giải cờ Tướng lễ hội chùa Vua hàng năm. Từ năm 2012 Ủy ban nhân dân phường Phố Huế đã phối hợp với Trung tâm TDTT thành phố Hà Nội tổ chức các giải này.
Bảng 1: Các nhà vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua - quán Đế Thích giai đoạn 1901-1961
Năm Tên nhà vô địch Tên á quân
1935 Lê Đình Lượng Đặng Đình Yến
1936 Đặng Đình Yến
1937 Lục Văn Chi
1938 Nguyễn Trọng Nhạ
1939 Lê Uy Vệ
1940 Lê Uy Vệ
1941 Lê Uy Vệ
1943 Nguyễn Văn Học
1952 Ngô Văn Hoàn Lục Văn Chi
1953 Nguyễn Thi Hùng
1954 Nguyễn Tấn Thọ
1955 Nguyễn Tấn Thọ
1956 Nguyễn Tấn Thọ
1957 Nguyễn Tấn Thọ Đào Tuấn Bình
1958 Phạm Văn Sửu Nguyễn Tấn Thọ
1959 Lê Đình Hoan Ông Vượng
1960 Hứa Tiến Trịnh Thái Chi
1961 Nguyễn Văn Phồn
Trong số những nhà vô địch cờ Tướng lễ hội chùa Vua - quán Đế Thích xưa ta thấy có Đặng Đình Yến (một trong 3 kỳ thủ được mệnh danh là Tam kiệt Hà Thành), Lục Văn Chi, Lê Uy Vệ, Nguyễn Thi Hùng (3 trong số 4 kỳ thủ được mệnh danh là Tứ hùng Bắc Kỳ), Nguyễn Tấn Thọ (được mệnh danh là Kỳ Vương đất Bắc), Lê Đình Hoan - Nhà hoạ sỹ tài ba với “Đôi bàn tay vàng”, song kỳ nghệ không thua kém so với các bậc đàn anh trước đó. Với những đóng góp đặc biệt cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị DTLS chùa Vua - quán Đế Thích, làng cờ Tướng Việt Nam ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của ông như một nghệ sỹ “Hoạ - Kỳ song tuyệt” của thời kỳ nủa cuối thế kỷ 20 - nửa đầu thế kỷ 21./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS. TS. Lưu Đức Hải – “Cờ Tướng Việt Nam - Quá trình phát triển, danh kỳ và các nhà vô địch” - NXB Hồng Đức, 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét