MUÔN NẺO MƯU SINH 22

(ĐC sưu tầm trên NET)
Mùa cá đồng ở lưu vực sông Mekong, Việt Nam là khoảng thời gian sống động và thú vị. Bởi nguồn lợi tôm cá mang đến cho cư dân nơi này nhiều vô số kể. Nào là đặt xà di, đặt trúm, câu, lưới lọp, lờ. . .Tuy cực mà vui. Với chuyến tháp tùng đặt lọp và xà di bắt cá lóc và rô đồng đã giúp tôi có một trải nghiệm thú vị. Mời các bạn cùng xem video. Nếu cảm thấy thú vị hãy nhấn đăng ký và chia sẻ để nhiều người cùng xem và nhận những video mới. Cảm ơn các bạn.

Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người

30/07/2019 05:48 GMT+7

TTO - Về đi lũ ơi! Những ngày này đi dọc dòng sông Mekong, chúng tôi nghe bao nỗi niềm nông dân. Ở ruộng đồng Lào, Thái Lan hay hạ nguồn Việt Nam, chuyện con nước đều trĩu lòng người.

Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người - Ảnh 1.
Sông Mekon g chảy qua Vientiane, Lào kiệt nước. Ngoài thời tiết, các đập thủy điện cũng góp phần làm kiệt nước ở hạ lưu - Ảnh K.S.
Cuối tháng 7 này, nông dân nào ven sông Mekong cũng ngước mắt lên nhìn trời, mong mây đen kéo về, mong trời đổ mưa xuống...
Kiệt nước ở thượng nguồn
Nước? Nông dân Lào ít khi quan tâm tới nước, vì họ chỉ có 7 triệu người trên gần 237.000km2 lãnh thổ, tức trung bình chỉ có khoảng 31 dân/km2 (trong khi Việt Nam hơn 300 người/km2).
Nhiều năm ở đất nước không có biển này, ít khi nào tôi thấy nông dân Lào canh tác 2 vụ lúa mỗi năm, chứ đừng nói 3 - 4 vụ suốt quanh năm như ở Việt Nam. Dù canh tác rất ít, chủ yếu chỉ vào mùa mưa, nhưng gạo của họ làm ra ăn không hết và rất ngon vì phần nhiều là lúa dài ngày 6 tháng.
Người dân Lào hầu như chưa bao giờ phải quan tâm tới nước, do địa hình chằng chịt sông lớn trong khi nhu cầu tưới tiêu lại ít. Tuy nhiên những năm gần đây, tình hình đã khác.
Suốt hai tháng 6 và 7 này, khi Thái Lan liên tiếp cảnh báo lượng nước sông Mekong sụt giảm kỷ lục làm đồng ruộng họ khô cằn, tôi đã thấy người dân Lào lo lắng nhìn xuống dòng sông của mình. Chính họ cũng đang sợ thiếu nước!
Mùa mưa theo chu kỳ trời đất đã đến rồi, nhưng đồng ruộng Lào vẫn khô cằn. Còn sông Mekong vẫn kiệt nước. Nhiều cánh đồng lẽ ra đã có màu lúa xanh nhưng vẫn trơ trụi đất đai nứt nẻ.
Anh Khăm Muộn hay còn gọi Ba Huy, người Lào gốc Việt sang sinh sống ở tỉnh lỵ Xayabury từ đời ông nội vào những năm 1920, nhớ lại: "Khi tôi còn trẻ, tức khoảng năm 2000 trở về trước, người Lào hầu như còn chưa mấy ai nghe đến từ hạn hán. Các con sông chảy ngang dọc đất Lào quanh năm đầy ắp nước.
Ngoài con sông Mekong liên quan đến Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, thật ra Lào còn rất nhiều con sông lớn khác như Sê Kông, Nậm Ngừm, Nậm Khan, Nậm Tha, Sedone. Ruộng đồng không bao giờ hút cạn nổi nước các dòng sông này...".
Khăm Muộn tâm sự ngày ấy người Lào nghe nói hạn hán cũng giống như miền Tây Nam Bộ ở Việt Nam trước đây nghe nói không có mùa nước nổi. Chuyện quá xa lạ. Nhưng giờ đó là sự thật đang diễn ra từng ngày.
Em trai Khăm Muộn sống ở thủ đô Vientiane và đang có thú vui chiều chiều đá bóng cùng bạn bè dưới... lòng sông Mekong chảy qua địa phận này. Chuyện thật 100%!
Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người - Ảnh 2.
Cầu Hữu Nghị từ Vientiane, Lào sang Thái Lan lẽ ra giờ này nước đã dâng cao nhưng vẫn trơ mố trụ cầu - Ảnh: K.S.
Nước sông Mekong bị cạn kiệt giật xa khỏi bờ hàng trăm mét. Bến đò và bãi đánh cá tấp nập trước đây giờ trở thành sân đá bóng trên cát. Cái cảnh quá xa lạ khi trước đây Vientiane từng có những mùa nước tràn lên cả đường phố, tức cao hơn mực nước cuối tháng 7 này phải trên 10m.
Nếu như những năm gần đây người Lào làm nông nghiệp bắt đầu sợ thiếu nước, thì hiện trạng này ở Thái Lan nặng nề hơn nhiều. Hầu như tuần nào tôi cũng có việc kinh doanh phải từ Lào sang Thái Lan qua cây cầu Hữu Nghị. Cây cầu nối thủ đô Vientiane và tỉnh Nongkhai, Thái Lan bên bờ sông Mekong.
Tháng 7 này, những cuộc trò chuyện về việc cạn kiệt nguồn nước thiên nhiên ở Nongkhai có thể dẫn đến sự gay gắt khó lường.
"Tại sao sông cạn, tại sao? Người ta nói rằng ít mưa là đúng, nhưng nước trong các hồ thủy điện ở thượng nguồn vẫn đầy mà" - ông Khomsai Kaichan, nông dân vừa làm vườn vừa sống bằng nghề khai thác cá sông, đã trao đổi như chất vấn, dù người đối diện chẳng ai đủ tầm để trả lời rõ ràng.
Mấy đời đánh cá sông Mekong, Khomsai tuổi đã gần 50 cũng đủ để khẳng định mình tường tận con nước dòng sông liên quốc gia này. Ông kể gần đây hầu như năm nào sản lượng cá đánh bắt của mình cũng sụt giảm.
Khi Khomsai còn trẻ, tức khoảng 20 năm trước, mỗi ngày ông có thể đánh bắt được hơn 100kg cá. Đó là những loài cá rất ngon mà bên Việt Nam gọi là đặc sản như cá tra dầu, cá hô, cá lăng, còn cá thường và nhỏ đều được ông thả lại dòng sông.
Nhưng nhiều mùa nước gần đây, ông cố lắm cũng chỉ được khoảng mươi ký cá mỗi ngày, dù Khomsai có tiếng là người giỏi nhất trong những người đánh cá giỏi ở Nongkhai.
"Hơn 1/10 lượng cá của tôi đã bị mất đi đâu?" - Khomsai hỏi tôi như hỏi chính mình.
Chưa thấy "tháng bảy nước nhảy lên bờ"
Ở hạ nguồn Việt Nam, bao nông dân cũng đang ngày đêm ngóng con nước về. Miền Tây Nam Bộ chằng chịt kênh rạch, nhưng hầu như tất cả đều phụ thuộc vào mực nước sông Tiền, sông Hậu - đoạn cuối cùng của dòng Mekong trước khi đổ ra biển.
Nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, một người có thể nói rằng hiểu châu thổ này như lòng bàn tay, trầm tư: "Dân dã quê tui có câu "tháng 7 nước nhảy lên bờ". Nhưng đến giờ mực nước vẫn còn giật xa bờ sông thì đáng lo quá, làm sao lên ruộng được.
Năm nay vựa lúa miền Tây mà không có lũ từ nước ngọt thượng nguồn đổ về thì căng lắm".
Ý "căng" của cựu chủ tịch UBND tỉnh lúa Bảy Nhị này là nguồn nước lũ bao năm làm "hàng rào" chống mặn xâm nhập các cánh đồng lúa nuôi sống người dân miền Nam và xuất khẩu. Nếu lũ không có hoặc quá thấp, vấn đề mặn xâm thực chẳng phải là viễn cảnh gì xa xôi, mà ngay trước mắt khi mùa nắng tới.
"Các nhà khoa học nói về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng chủ yếu vẫn còn ở tương lai. Ngay bây giờ và ngày mai, ngày mốt, người dân miệt thấp này vẫn trông con nước Mekong đổ về cho đồng ruộng, cho con cá, con cua của mình" - ông Nhị nói.
Tâm sự mong lũ, ông Bảy Nhị kể thời trẻ của mình nghe tiếng cá quẫy lội trên đồng nước đã trở thành âm thanh quen thuộc như tiếng cơm sôi. Cá nhiều tới mức người ăn không hết, chó mèo ăn không kịp, phơi khô cũng không kịp, người ta đổ đống làm phân trồng cây là có thật.
Nguồn cá chủ yếu đến từ sông Mekong. Chúng theo con lũ thượng nguồn chảy về, rồi lên đồng ruộng nuôi sống người dân châu thổ lẫn góp phần làm sạch ruộng đồng cho vụ lúa sau lũ. Nhưng nhiều năm gần đây, nguồn lợi trời cho từ lũ đã lao dốc như xe không thắng.
"Đến tụi tui ở ngay dưới này muốn tìm con cá khô đồng ăn còn quá khó" - ông Bảy Nhị tâm sự giữa nơi từng là vựa cá khổng lồ của cả miền Nam...
Người miền Tây ngóng lũ, chờ con nước trĩu nặng lòng người - Ảnh 3.
Đến hẹn nhưng người dân huyện An Phú, An Giang vẫn chưa thấy lũ về - Ảnh: BỬU ĐẤU
Cùng tâm trạng với ông Bảy Nhị, TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cũng đang hết sức quan tâm đến mực nước sông Mekong. Một số dấu hiệu đã cho thấy mùa lũ năm nay ở miền Tây có thể sẽ không được như các năm trước:
"Thường thì giữa tháng 7 âm lịch sắp tới nước sẽ lên trắng các cánh đồng ở mạn biên giới như An Giang, nhưng đến giờ mực nước vẫn còn quá thấp, rất khó 2 tuần nữa có nước để vô đồng được".
Là chuyên gia nghiên cứu sâu về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, TS Ni tâm sự thêm lúc này người dân phải ngóng... áp thấp nhiệt đới hay ảnh hưởng bão gây mưa nhiều ở vùng Hạ Lào mới có hi vọng lũ về:
"Phải là vùng Hạ Lào, vì nếu mưa bão đổ xuống Trung Quốc hay Thượng Lào thì nước cũng chưa chắc đã xuống được hạ nguồn Việt Nam. Bởi các thủy điện của họ cần tích thêm nước sau nhiều tháng thiếu mưa. Đặc biệt là các vùng nông nghiệp Thái Lan rộng lớn ven sông Mekong cũng sẽ tận dụng tối đa nguồn nước quý như vàng".
Từng khảo sát vùng này, TS Ni kể thêm mạn bắc Thái Lan trước đây ít dân, đất hoang còn nhiều nên nhu cầu nước chưa tăng cao như bây giờ. Khi phát triển nông nghiệp, họ đưa dân về đây mở mang ruộng đồng, đào hồ chứa nước.
Nếu mưa thuận gió hòa thì không sao, ngược lại thì còn đâu nước để chảy xuống hạ nguồn.
Trong khi đó gần Việt Nam, ai đến Biển Hồ mênh mông của Campuchia mùa này sẽ dễ sốc với tình trạng nhiều nơi trơ đáy, nhà bè và thuyền cá phơi mình trên cát. Tuy nhiên, với các nhà khoa học, điều đó không lạ.
Ngoài lượng mưa ít, tình trạng phá rừng, khẩn hoang của Campuchia đã khiến tốc độ bồi lắng của Biển Hồ ngày càng nhanh hơn. Và điều đáng lo là túi nước khổng lồ này lại là nguồn quan trọng cho mùa lũ hạ nguồn Việt Nam...
Xuôi Long An, Tiền Giang rồi về Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... những ngày đợi lũ, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe trăn trở chuyện con nước lớn - ròng. Nhà khoa học lý giải theo tính toán khoa học, nhưng nông dân thì bấm đốt ngón tay tính toán theo kinh nghiệm truyền đời.
Sự thiệt hại trước mắt thì quá rõ ràng ở những làng cá, những cánh đồng xả lũ. Nhưng cái đáng lo cũng không hề xa xôi là chỉ vài tháng nữa khi gió đông về, nắng đổ lửa xuống ruộng đồng, người dân sẽ làm gì để sống khi đất đai khô cằn, biển mặn tràn vào?
Về đi lũ ơi! Nghe như tiếng thở than, nghe như tiếng ước mong của nông dân châu thổ phương Nam...
Cạn kiệt dòng sông
Mùa này đi dọc sông Mekong cả bên đất Thái Lan, Lào hay Việt Nam, Campuchia đều cảm nhận rõ người dân đang mong con nước phù sa đổ về như thế nào.
Những người bạn Thái Lan của tôi tâm tư rằng lẽ ra thời điểm cuối tháng 7 nước sông Mekong phải dâng lên cao hơn hẳn mố trụ chân cầu Hữu Nghị, nhưng suốt nhiều ngày qua nó vẫn trơ lên mặt nước.
Khi truyền thông quốc tế viết quá nhiều về tình cảnh dòng sông cạn nước, một số đập trên thượng nguồn Trung Quốc và Lào mới tạm xả nhưng vẫn chưa được như mong đợi.
Các "thủ phạm" gây thiếu nước
Thủy điện sông Nậm Khan ở Lào tích nước bên trong, nhưng sông ở ngoài lại cạn - Ảnh: QUỐC VIỆT
Thủy điện sông Nậm Khan ở Lào tích nước bên trong, nhưng sông ở ngoài lại cạn - Ảnh: QUỐC VIỆT
Theo TS Dương Văn Ni, lượng mưa ít sẽ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm thực vùng bán đảo Cà Mau. Riêng vùng phía dưới như Bến Tre, Long An, Tiền Giang lại trông chờ vào nước lũ đẩy mặn.
Lũ không về hoặc lũ thấp, chắc chắn tình trạng mặn xâm thực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ và sinh hoạt của người dân.
Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến mực nước sông Mekong quá thấp so với các năm bình thường.
Ngoài lượng mưa trên lưu vực sông Mekong ít hơn so với trung bình nhiều năm, còn có nguyên nhân lớn từ hệ thống thủy điện trên thượng nguồn Trung Quốc và Lào tích nước. Sau việc trực tiếp gây thiếu nước, các thủy điện này còn chặn dòng chảy phù sa làm mất nguồn tài nguyên quý giá và gây sạt lún nghiêm trọng.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đã ổn định diện tích canh tác, nhưng cả Thái Lan lẫn Campuchia đều đang mở rộng nông nghiệp dẫn đến tình trạng liên tục "khát" nước sông Mekong.
Ruộng đồng của họ cần xả nước để bảo vệ cây trồng khi mưa nhiều nhưng lại tích nước khi hạn hán, vì vậy sẽ làm hạn chồng hạn cho vùng hạ nguồn như Việt Nam.
Lũ năm nay diễn biến phức tạp
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền có khả năng ít hơn so với TBNN.
Khoảng từ cuối tháng 7 đến tháng 10-2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với TBNN 20 - 30%. Đỉnh lũ năm đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 - báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN 0,2 - 0,4m.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khả năng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 và tháng 11, 12-2019, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn TBNN.
Mekong khô hạn, tác động Việt Nam ra sao? Mekong khô hạn, tác động Việt Nam ra sao?
TTO - Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ngày 18-7 xác nhận mực nTHÁNG 7 ước đầu mùa lũ, tháng 6-7 năm nay trên sông Mekong đang ở mức thấp nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG 
 
 

Giải pháp cho xung đột nguồn nước trên dòng Mê Kông

Tính chất và mức độ ảnh hưởng của xung đột về sử dụng nguồn nước sông Mê Kông khiến người ta ví nó như một biển Đông thứ hai.
Một người đánh bắt cá trên sông Mekong đoạn qua huyện Pak Chom, tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan (Ảnh: Lillian Suwanrumpha/Getty Image)
Nhưng vấn đề là làm sao giải quyết những tranh chấp đó?
Cuối tháng 10 vừa rồi, đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mê Kông – đập Xayaburi 1.285 megawatt – bắt đầu đi vào hoạt động thương mại tại Lào, giữa lúc dân làng ở Thái Lan biểu tình phản đối.
Người biểu tình cho rằng đập Xayaburi và nhiều công trình khác đang được thi công sẽ phá hủy sinh kế của họ trong tương lai, theo Reuters.
Đây là con đập đầu tiên trong số ít nhất là dự án thủy điện đang được xây dựng hoặc dự kiến xây dựng ở hạ lưu sông Mê Kông tại Lào, theo hãng tin Reuters.
Đập này khởi sự hoạt động vào lúc mà nhiều khu vực trên dòng sông Mê Kông bị khô nước dù đang ở cuối mùa mưa.
Sự kiện này càng cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp việc sử dụng nguồn nước trên sông Mê Kông.
Nếu tranh chấp ở Biển Đông là tranh chấp chủ quyền, thì nguồn nước sông Mê Kông lại là cuộc đấu tranh về quyền sử dụng nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới.
Lo ngại về sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson tại Washington D.C, Mỹ, và cũng là tác giả cuốn ‘The Last Days of Mighty Mê Kông’ (tạm dịch là Những ngày cuối của dòng Mê Kông vĩ đại), nhận xét với BBC News Tiếng Việt rằng:
“Tranh chấp nước sông Mê Kông có một số điểm tương đồng với tranh chấp Biển Đông, nhưng những gì đang xảy ra ở sông Mê Kông hiện đang làm tổn thương trực tiếp đến túi tiền và nồi cơm của người dân. Bởi vậy, sông Mê Kông đã trở thành vấn đề an ninh kinh tế và lương thực quan trọng với tất cả các nước hạ nguồn.”
Theo ông Brian, hiện nay, trên sông này, có hơn 100 đập thủy điện đã hoàn thành và hoạt động trong lưu vực sông Mê Kông. Trong đó, Lào có 63, Trung Quốc 11, Thái Lan 9, Việt Nam 16 và Campuchia 2.
“Các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông giữ lại một lượng nước khổng lồ. Trong mùa gió mùa, lượng nước từ các đập của Trung Quốc chỉ chiếm nhỏ hơn 7% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nên không tác động nhiều.
“Nhưng trong mùa khô và thời kỳ hạn hán, nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc chiếm 40-50% lượng nước trong hệ thống Mê Kông. Vì vậy, vào thời gian đó, việc các đập của Trung Quốc vận hành thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn.
“Trung Quốc có thể dùng các đập này để giảm hạn hán ở hạ lưu nếu họ muốn. Theo nghĩa này, Trung Quốc có một mức độ quyền lực nhất định với các quốc gia hạ nguồn. Vì vậy, các nước ở hạ nguồn cần thỏa thuận với Trung Quốc trong điều tiết các đập nhằm bảo đảm lượng nước tối thiểu trong mùa khô và trong thời kỳ hạn hán.
“Điều không may là, Trung Quốc đã không dễ dàng đồng ý làm vậy và trên thực tế, không quốc gia nào ở hạ lưu sông Mê Kông có những thỏa thuận như vậy,” ông Brian nói.
Sông Mê Kông là nguồn sống của hàng chục triệu cư dân ven bờ (Ảnh: Lillian Suwanrumpha/Getty Image)
Giải cứu sông Mê Kông cách nào
Trong cuộc tranh chấp nguồn nước Mê Kông, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam ở thế yếu hơn so với các nước khác do nằm ở cuối nguồn.
Nhưng cũng chính vì thế mà Việt Nam càng cần sử dụng các cơ chế hợp tác khu vực và các cơ sở pháp lý quốc tế liên quan, như Công ước về nước của Liên hợp quốc, Hiệp định Mê Kông… để đàm phán và bảo vệ quyền lợi của mình.
Cơ chế hợp tác quốc tế có giá trị pháp lý duy nhất hiện nay cho việc quản lý và sử dụng nguồn nước ở hạ lưu sông Me Kong là thông qua Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), phân tích với BBC News Tiếng Việt: “Dù về mặt chính thức các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế vẫn tuyên bố tinh thần hợp tác để quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước chung. Nhưng thực tế cho thấy, các quốc gia thượng nguồn vẫn chủ trương tối đa hóa lợi ích về mình.”
Còn ông Brian thì cho rằng, các quốc gia hạ nguồn cần hợp tác với nhau để xây dựng thỏa thuận với Trung Quốc nhằm bảo đảm có được lượng nước tối thiểu trong mùa khô và trong thời kỳ hạn hán. Theo ông, Cơ chế hợp tác Lancang – Mê Kông mà Trung Quốc đề xướng gần đây đã nói về việc sử dụng các con đập để giảm hạn hán. Bởi vậy, đây có lẽ là thời điểm tốt để thúc đẩy thương thảo cho một thỏa thuận như vậy.
Tuy nhiên, ông Brian cũng nhìn nhận rằng, các nước ở hạ nguồn cần tận dụng sức mạnh của Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế để kêu gọi sự phối hợp, thay vì cho phép Cơ chế Hợp tác Lancang – Mê Kông vì cơ chế này sẽ đem tới cho Trung Quốc quá nhiều quyền lực đối với thượng nguồn.
Trong khi đó, cũng theo ông Brian, ASEAN thực sự chưa bao giờ quan tâm đến các vấn đề của Mê Kông.
Việt Nam có thể làm gì?
Mất quyền chủ động sử dụng nguồn nước Mê Kông sẽ có ảnh hưởng dài hạn lên kinh tế – xã hội của Việt Nam. Hậu quả có thể không xảy ra ngay lập tức, nhưng theo như các nghiên cứu ở quy mô lưu vực, nhiều tác động là lâu dài và không thể đảo ngược.
Theo ông Trịnh Lê Nguyên, với viễn cảnh toàn bộ 11 đập dòng chính phía hạ lưu có khả năng sẽ được xây dựng, Việt Nam sẽ phải thay đổi toàn bộ định hướng phát triển đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng.
“Ở vị thế quốc gia cuối nguồn, trong trường hợp này, Việt Nam không có nhiều lựa chọn. Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ thay đổi, sẽ rất khác so với khi con sông Mê Kông còn duy trì được dòng chảy tự nhiên tương đối,” ông Nguyên nói.
Khi con đập đầu tiên ở phía hạ lưu là Xayaburi được xây dựng, phía Việt Nam đã liên tục nêu các quan ngại về tác động của các công trình sử dụng nước dòng chính lên phía cuối nguồn, đe dọa sự bền vững của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Liên minh Cứu sông Mê Kông (Save the Mê Kông Coalition – SMC) cũng như Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã có thông cáo phản hồi về việc Chính phủ Lào đệ trình đề xuất đập Luang Prabang lên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Dự án này do một liên danh ba bên, gồm PV Power, chính phủ Lào và một nhà đầu tư của Thái Lan thực hiện. Trong đó, PV Power – công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – đứng vai trò chính, theo ông Trịnh Lê Nguyên.
Ông Nguyên nhận định rằng việc một doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng con đập thứ năm trên dòng chính sông Me Kong ở phía hạ lưu có nguy cơ làm yếu tiếng nói của Chính phủ Việt Nam trong các đàm phán về quản lý và sử dụng nguồn nước con sông quốc tế này.
“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, nếu PV Power vẫn tiếp tục triển khai dự án này có thể được các bên hiểu là phía Việt Nam đã chính thức tham dự vào xây đập thủy điện dòng chính. Điều đó đồng nghĩa với việc các dự án tiếp theo trong chuỗi đập trong kế hoạch sẽ được xây dựng mà không còn vấp phải nhiều phản đối,” ông Nguyên nói.
Ông Brian cũng chung nhận định khi cho rằng, làm điều đó chẳng khác nào Việt Nam tự bắn vào chân mình.
Ông nói: “Việc một công ty Việt Nam tìm cách xây dựng đập Luang Prabang trên dòng chính sông Me Kong ở Lào, theo tôi, Việt Nam đang phạm sai lầm lớn. Họ tự bắn vào chân mình bằng một kế hoạch có thể làm hỏng một số kế hoạch cứu đồng bằng châu thổ sông Me Kong mà Hà Nội tìm cách thực hiện trong năm tới.”
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Lào.
“Tôi nghĩ, Việt Nam nên tham gia vào cùng với Lào để mua thêm năng lượng và giúp họ trong quá trình trở thành “Năng lượng của Đông Nam Á.” Điều này nghe hơi trái, nhưng không có nghĩa là Việt Nam mua điện từ các dự án thủy điện lớn ở Lào.
“Thay vào đó, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành năng lượng tái tạo với Lào. Việt Nam cũng có thể đầu tư vào các đập được bố trí ở các khu vực của sông Mê Kông ít ảnh hưởng hơn so với các đập chính. Chẳng hạn, xây dựng một con đập trên một nhánh sông phía trên một con đập hiện có sẽ ít ảnh hưởng đến hạ lưu.”
Còn ông Phạm Phan Long, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Viet Ecology Foundation, ở Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt rằng, các nước Mê Kông cần sớm có một cuộc cách mạng về chính sách năng lượng.
“Tôi đã thấy tiềm năng năng lượng mặt trời của ba nước đủ cho họ tự giải thoát khỏi lời nguyền thủy điện Mê Kông và gọng kềm Trung Quốc.
“Lào có thể hủy bỏ cả ba dự án thủy điện Pak Lay-Pak Beng-Luang Prabang thay bằng dự án năng lượng mặt trời nổi ngay trên hồ Nam Ngum. Campuchia có thể bỏ hai dự án Sambor Stung Treng và có thể bỏ các dự án nhiên liệu hóa thạch khác nếu thay chúng bằng dự án năng lượng mặt trời trên hồ Tonle Sap.
“Và Việt Nam cũng có thể bỏ các nhà máy điện than trong quy hoạch trên Đồng bằng sông Cửu Long thay bằng dư án tương tự trên hồ Trị An,” ông Long nói.
 

Thủy điện Trung Quốc “siết nước”, hạ lưu sông Mêkông sẽ hạn nặng hơn

Lê Anh Tuấn
Chủ Nhật,  5/1/2020, 08:59 
(TBKTSG) - Báo Bangkok Post xuất bản ngày 30-12-2019 đã loan tin tám tỉnh của Thái Lan nằm dọc sông Mêkông vừa nhận được khuyến cáo từ chính quyền trung ương về việc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc sẽ giảm lưu lượng xả của đập Cảnh Hồng từ 1.200-1.400 mét/giây xuống mức 800- 1.000 mét/giây từ ngày 1 đến 3-1-2020 và ngày 4-1 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 504-800 mét/giây trước khi trở lại mức bình thường. Việc tích nước của đập Cảnh Hồng diễn ra vào đúng thời điểm hạn hán đang hoành hành ở khu vực hạ lưu Mêkông.
Nước sông Mêkông ngày 4-12-2019, đoạn qua tỉnh Nakhon Phanom, miền Đông Bắc Thái Lan, đã biến thành màu xanh nước biển, các tàu cá đã neo đậu ở các bãi cát ven sông bị lộ rõ do mực nước xuống rất thấp. Ảnh: Chessadaporn Buasai - AP.
Việc tích nước và giảm xả nước xuống vùng hạ lưu sông Mêkông từ đập thủy điện Jing Hong (Cảnh Hồng) đã từng diễn ra trong mùa khô năm 2016, đúng vào thời kỳ khô hạn gay gắt, mực nước sông Mêkông hạ thấp kỷ lục trong gần 100 năm nay. Cả 10 trong 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải ra công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn.
Năm nay, do tác động của hiện tượng El Nino, khô hạn trở lại vùng hạ lưu sông Mêkông với mức độ nghiêm trọng hơn năm 2016. Nhiều số liệu cho thấy mực nước ở các trạm đầu nguồn Việt Nam từ Thái Lan, Lào và Campuchia đều thấp hơn nhiều năm khô hạn trước đó, ngay cả trong giai đoạn cao điểm của mùa lũ năm 2019. Có thể mức độ khô hạn và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 sẽ nặng nề hơn và nước mặn sẽ đến sớm và tràn sâu vào nội đồng vùng ven biển và vùng giữa đồng bằng. Thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và canh tác chắc chắn sẽ xảy ra ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Màu nước sông ở các tỉnh ven sông của Thái Lan hiện đã bất thường, biến thành màu xanh nước biển, hiện tượng này người dân địa phương chưa từng thấy. Hiện nay, lưu lượng dòng chảy rất thấp và trong nước không còn mấy hàm lượng phù sa, nhiều nơi các bãi cát và cồn cát lộ rõ, dù mùa mưa mới chấm dứt. Tại ĐBSCL, số liệu đo tại các tỉnh ven biển sớm ghi nhận độ mặn 4 phần ngàn đã vào sâu hơn 50 ki lô mét. Tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), độ mặn 2 phần ngàn đã lan đến sông Mỹ Tho. Lưu lượng dòng chảy sông Mêkông qua trạm Tân Châu trên sông Tiền và trạm Châu Đốc trên sông Hậu đã giảm mạnh, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-45%.
Chuyện ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều, khi có thêm một tác nhân từ các đập thủy điện thượng nguồn như một tác động kép lên vùng đồng bằng. Với nguy cơ này, việc suy giảm năng suất và sản lượng lúa, hoa màu và cây ăn trái vụ Đông Xuân năm 2020 là điều chắc chắn. Ngay bây giờ các tỉnh ĐBSCL phải khẩn trương tích nước ngọt để ưu tiên sử dụng cho sinh hoạt ăn uống, cần ngưng ngay việc gieo sạ, xuống giống các vùng canh tác lúa hiện nay. Các tỉnh cần chuẩn bị các phương tiện chuyển nước sinh hoạt đến các vùng ven biển để cứu khát. Về lâu dài, cần triển khai ngay việc xây dựng các hồ tích nước mà từ mùa khô năm 2016 nhiều tỉnh đã đề xuất nhưng xây dựng quá chậm. Mặt khác, trong tiến trình xây dựng quy hoạch tích hợp cho vùng ĐBSCL, cần mạnh dạn thu hẹp diện tích canh tác lúa vào mùa khô, chuyển sang các hình thức canh tác nông nghiệp và thủy sản ít tiêu thụ nước và đưa đất trồng lúa vùng ven biển sang thành đất nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH