Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN, YÊNG HÙNG NGỤY TẶC 25

-Chế độ Việt nam cộng hòa là chế độ "lộng giả thành chân" thứ thiệt.
-Quân tướng VNCH mạo danh là quân tử nhưng thực ra chính danh là ngụy quân tử. Hầu hết tướng lĩnh VNCH đều bắt đầu đường binh nghiệp bằng việc đầu quân cho Thực dân Pháp, phản quốc. Đó là lũ "tướng tiền" chứ không phải "tướng tài". 
-Việt Cộng sinh ra nhằm giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn. VNCH do ngoại bang nhào nặn ra nhằm vì danh lợi mà làm tay sai cho chúng, yêu Tổ Quốc bằng cách cam tâm và cả mù quáng "cõng rắn cắn gà nhà", âm mưu chia cắt giang sơn của giống nòi mình, gieo rắc hận thù Dân Tộc cho chính giống nòi mình.

           Không nỗi đau nào bằng nỗi đau "nồi da xáo thịt"
           Không nỗi buồn nào bằng nỗi buồn chia cắt giang sơn
          Yêu Tổ Quốc là phải biết thương tận lòng Tổ Quốc
          Thật bụng khen chê, thà ngây như kẻ thất phu.
---------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

"LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN"

Thành ngữ Việt Nam có câu "lộng giả thành chân” có nghĩa là “bỡn quá hóa thật”. Trước khi tìm hiểu định nghĩa này, tôi và nhiều người thường hiểu câu thành ngữ này nôm na là, biến cái giá thành cái thật, hay lời nói dối được nói đi nói lại nhiều lần lâu ngày ngưòi ta sẽ tin là thật.(...)
 
Tướng VNCH TRƯƠNG QUANG ÂN sư đoàn 23 bộ binh QLVNCH tài điều binh phi thường tết Mậu Thân 1968

Vị Quốc Vong Thân: Tướng TRƯƠNG QUANG ÂN
Ngày Chiến sĩ Trận vong tại Hoa Kỳ - 2017
Washington, D.C. Hoa Kỳ
Thứ Hai, ngày 29 tháng 5, 2017


 



Kể từ khi mất nước, sau ngày cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, tôi đi ở tù, cũng từ ngày đó tôi tâm nguyện không viết lách gì nữa về những ngày binh lửa năm xưa, viết chỉ gợi lên vết thương chiến tranh trong lòng làm tôi thêm buồn.

Năm mươi năm về trước, tôi là sĩ quan phụ trách kế hoạch hành quân của Quân Đoàn II, đồn trú ở Tây Nguyên, tất cả những vui buồn về các cuộc hành quân lớn nhỏ thời đó (từ 1968-1975) tôi cũng được chia sẻ, đặc biệt các cuộc hành quân giải tỏa Đức cơ, Tân cảnh, Pleime, Kontum, Buprang, Đức lập, v.v.

Mỗi khi nhắc lại, lòng cảm thấy buồn vô hạn vì bao nhiêu trận đánh hào hùng của các đơn vị lãnh thổ Sư đoàn 22, Sư Đoàn 23BB, Thiết đoàn 3 Kỵ binh, Liên đoàn 2 Biệt Động Quân và của các lực lượng tổng trừ bị kiêu hùng như Sư Đoàn Nhảy Dù, các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tại vùng Cao nguyên ngày xưa cùng máu xương của họ đổ trên đó nay chỉ còn là hoài niệm, có mấy ai nhắc nhở?

Thế nhưng tâm nguyện kia tôi không thể thực hiện được mỗi khi nhớ đến Cố Thiếu tướng TRƯƠNG QUANG ÂN, một vị tướng suốt đời tận tụy với binh nghiệp, rất mực thanh liêm, cho đến khi nằm xuống chỉ với hai bàn tay không , không nhà không cửa. Tướng quân và phu nhân (nữ sĩ quan binh chủng Nhảy dù) tạm cư tại cư xá Lữ Gia đường Lê đại Hành, ngôi nhà chật hẹp đến nỗi không đủ để quàn hai quan tài của hai Người đưa về sau khi hy sinh tại chiến trường BUPRANG-ĐỨC LẬP mùa thu năm 1968.

Tôi có cơ duyên được gần gũi Thiếu tướng trong những trường hợp đặc biệt, ngay cả khi bị Thiếu tướng rầy la như một đàn anh vì đàn em lầm lỗi, và cả khi trong trận chiến ác liệt tôi được ở cạnh Ông. Trong trái tim tôi, Thiếu tướng mãi mãi là một cấp chỉ huy tài ba, quên mình cho đại cuộc, và tư cách thanh liêm hiếm ai bì được! Những gì tôi biết được về Thiếu tướng tôi xin viết ra đây, viết từ con tim gần đất xa trời của tôi. Bởi nếu tôi không viết những gì về Tướng quân mà tôi biết được thì khi ra đi về bên kia thế giới chắc tôi vẫn còn ân hận.

Tôi xuất thân khóa 20 Võ bị Đà lạt sau Tướng quân 13 khóa. Khóa tôi mãn khóa ngày 20/10/1965. Tôi trình diện Tướng quân cũng trong trường hợp đặc biệt nếu không nói là quá ngượng ngùng.

Số là tết năm 1966, đại đội tôi đồn trú tại thị xã Bảo lộc thuộc tỉnh Lâm đồng, không biết trời xui đất khiến chi sáng mồng một tết, lính của tôi ra ngoài phố đánh bầu cua cá cọp cùng với lính của Chi đoàn 2/8 Thiết kỵ, cũng đang biệt phái cho Tiểu khu, chẳng biết đỏ đen ra sao, cuối cùng cãi lộn nhau, sinh ẩu đả. Chúng đánh lộn nhau rùm trời chẳng may lính của tôi nó uýnh luôn Đại úy chi đoàn trưởng của Chi đoàn 2/8. Sáng ngày mồng một Tết tôi vào chúc tết binh sĩ và gia đình, mới nghe thượng sĩ thường vụ báo cáo thì chuyện đã rồi. Vì tôi là đại đội trưởng, nên cấp trên qui trách cho tôi phải gánh chịu hết trách nhiệm. Cũng cần nói thêm, đại đội tôi phụ trách là Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23BB, mà lúc bấy giờ Đại tá Trương Quang Ân đang làm tư lệnh.

Sáng mồng 4 Tết tôi được Tiểu khu cho biết khoảng 10 giờ sáng Đại tá Trương Quang Ân, Tư lệnh SĐ23BB sẽ xuống giải quyết sự việc.

Tất nhiên là tôi lo lắng lắm, nhưng tâm nguyện sẽ im lặng nghe lời giáo huấn của vị tư lệnh, cũng là một vị niên trưởng đáng kính, sẽ không viện cớ bất cứ điều gì.

Rồi việc gì đến cũng phải đến. Chiếc trực thăng H34 từ trên trời từ từ đáp xuống, đại đội đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng từ quân phục, giày, mũ , vũ khí... thế mà tôi vẫn cứ lo, không biết vị Tư lệnh sẽ phân xử ra sao đây? Đó là lần thứ nhất trong đời tôi trình diện vị chỉ huy cấp cao, và cũng là cơ duyên tôi được diện kiến Trương Tướng quân.

Chiếc H34 đáp xuống cách toán quân dàn chào khoảng một trăm mét, người bước xuống đấu tiên là Đại tá Tư lệnh Trương Quang Ân, uy nghiêm nhưng nhanh nhẹn, tôi bị điếng hồn vì cái nhìn đầu tiên của vị niên trưởng tài ba nghiêm khắc mà tôi đã “nghiên cứu” tìm hiểu trước khi trình diện. Tự động như một cái lò xo, tôi hô ‘đại đội nghiêm, súng chào bắt”. Khi vị Tư lệnh vừa đến trước hàng quân, tôi thật sự mất tinh thần mà vừa lúng túng. Trong phút giây đó tôi nhớ lời nói đầu tiên của vị Tư lệnh khi đứng trước đại đội là “các bạn có mang thẻ bài đầy đủ không, có ai quên không mang không?” Tiếp theo vị Tư lệnh đề cập đến vấn đề quân trang quân dụng có được cấp phát đầy đủ không, có ai có thắc mắc vấn đề gì không? Sau cùng Ông nghiêm trang phê bình hành động không thể chấp nhận cho binh sĩ nào đã tham gia cuộc đánh lộn vô kỷ luật và gây mất trật tự trong buổi sáng mồng một vừa qua. Toàn thể binh sĩ trong đại đội lặng yên nghe giáo huấn, và thành kính nhận biết lỗi lầm của mình trước lời lẽ cứng rắn nhưng giàu tình huynh đệ của người anh cả Sư Đoàn. Sau đó, Đại tá Tư lênh tiến gần đến tôi, nghiêm trang ngắn gọn quở trách: “chẳng lẽ ngôi trường Võ Bị đào tạo trung úy ra chỉ để đánh lộn với đơn vị bạn thôi sao? Trung úy có biết vị Đại úy Thiết giáp bị lính của Trung úy đánh là niên trưởng của Trung úy không?” Oan ơi ông địa! chúng nó oánh lộn ngoài phố tôi có hay biết gì đâu, nhưng mà trước Niên trưởng Tư lệnh tôi tự hứa trong lòng là không minh oan này nọ, để sau này sẽ có người khác minh oan cho tôi. Đó là lần thứ nhất tôi diện kiến vị Tư lệnh tài ba, cả về việc điều binh lẫn trong học tập. Trước khi về nắm giữ chức vụ Tư lệnh SĐ23BB thay Chuẩn tướng Nguyễn văn Mạnh cuối năm 1966, Đại tá Trương Quang Ân từng kinh qua các chức vụ từ trung đội trưởng đến chiến đoàn trưởng của Sư đoàn Nhảy dù lừng danh của QLVNCH.

Ông đã tốt nghiệp thủ khoa của tất cả các khóa quân sự và tham mưu theo học, từ khóa Thiếu Sinh Quân, khóa 7 Ngô Quyền tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đến hai lần thủ khoa khóa tham mưu cao cấp, một ở Việt Nam và một ở Hoa Kỳ.

Buổi diện kiến chấm dứt, lòng tôi cảm thấy ray rức vì đã làm cho người anh cả của Sư đoàn phải bận tâm trong lúc có biết bao nhiêu quân vụ nhiêu khê khắp Vùng Chiến Thuật. Tôi cũng có chút thắc mắc tại sao vị đàn anh kính mến đó lại quan tâm đến chiếc thẻ bài như thế, vì trước khi huấn lệnh Ông nhắc nhở về chiếc thẻ bài trước mọi vấn đề. Sau này khi có dịp gặp lại các bạn đồng môn cùng khóa về cùng phục vụ tại Sư Đoàn 23BB dưới sự chỉ huy của Trương tướng quân, anh em cũng có chung nhận xét như vậy.

Ông thường xuyên kiểm tra thẻ bài từ người lính đến sĩ quan mỗi khi đến thăm đơn vị.

Nhưng nghiệm ra, trên thế gian này mọi việc xảy ra dù lớn dù nhỏ đều có lý do của nó. Lý do Trương tướng quân quan tâm đến chiếc thẻ bài cũng không nằm ngoài cái lẽ bất dịch đó. Mãi hơn hai năm sau, trong một buổi chiều mưa lạnh tại Pleiku, lúc bấy giờ tôi là sĩ quan phụ trách về kế hoạch hành quân của Phòng 3 Bộ tư lệnh Quân đoàn II, chính buổi chiều đáng nhớ đó vào lúc khoảng 4 giờ, Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ, Trưởng ban nghiêng mình qua tôi nghiêm trọng nói nhỏ “Chuẩn tướng Trương Quang Ân và Phu nhân đã tử nạn do chiếc trực thăng H34 bị phát hỏa khi vừa rời khỏi tiền đồn Đức Lập”. Nhận hung tin tôi sửng sốt, Trương tướng quân và phu nhân ra đi vào khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 9 năm 1968 trên bước đường quân vụ. Ông hy sinh lúc 36 tuổi, còn quá trẻ. Quân đội đã mất đi một vị tướng tài, trong sạch, tiếc thay!

Chiếc H34 bị nạn, phát hỏa, ngoài hai xạ thủ bị văng ra bị thương nhưng còn sống, tất cả các người khác ngồi trên máy bay có cả vị Đại tá Cố vấn trưởng của Sư đoàn đều chết cháy, biến dạng, và tất cả xác được nhận ra là nhờ các chiếc thẻ bài mang trên người! Âu cũng là những chiếc thẻ bài huyền diệu mà lúc sinh thời Trương tướng quân thường xuyên nhắc nhở mỗi khi đến thăm các đơn vị thuộc quyền.

Trước đó chừng 7 tháng, tôi cũng đã được gặp Tướng quân, khi ông còn là Đại tá tư lệnh, trong trận chiến khốc liệt tết Mậu Thân tại Phan Thiết, Tiểu khu Bình Thuận.

Ngày 26 thàng 2 năm 1968 Việt cộng mở chiến dịch tổng tấn công Mậu thân đợt 2 trên toàn đất nước ta, riêng tại Quân khu 2, chúng tấn công ác liệt các thành phố Ban Mê Thuột, Kontum trên cao nguyên và thành phố Phan Thiết thuộc vùng duyên hải.

Tại Phan Thiết, chúng huy động một lực lượng hùng hậu áp đảo quân số tại chỗ của Tiểu khu Bình Thuận. Lực lượng của chúng gồm các tiểu đoàn 480, 482 chính quy, C481 đặc công, C430, C450 chủ lực tỉnh cùng C485 pháo, do chính Trung tướng Năm Ngà tư lệnh Quân khu 6 việt cộng đích thân chỉ huy.

Tại thời điểm này tôi đang chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 3 thuộcTrung đoàn 44/SĐ23BB, đang hành quân săn diệt địch tại mật khu Lê hồng Phong, Bình Thuận. Sáng 27 tháng 2/1968 chúng tôi được lệnh khẩn cấp tiến về cứu nguy thị xã Phan Thiết đang bị các lực lượng Việt cộng vây hãm và đã chiếm được một số nơi trong thị xã, đặc biệt lao xá Phan Thiết nằm cạnh Tiểu khu vừa bị C481 đặc công CS đánh chiếm giải thoát khoảng 70 tù binh của chúng.

Rất may là những tù binh CS quan trọng đã được Tiểu Khu cho di chuyển đến một nơi khác trước đó. Tại cuộc hành quân ác liệt và hào hùng này của đơn vị chúng tôi, tôi đã gặp lại Đại tá Tư Lệnh Trương Quang Ân, người hùng, chiến sĩ can trường, một cấp chỉ huy thao lược, đang uy nghi sát cánh với chúng tôi trong trận chiến ác liệt này.

Lao xá Phan Thiết đã bị giặc chiếm, chúng đang đào hầm củng cố hệ thống phòng thủ để chờ chúng tôi, Tiểu đoàn 3/44, đến để tử chiến! Tôi, đại đội trưởng và toàn thể đại đội có mặt trước lao xá lúc 4 giờ chiều ngày 27 tháng 2 năm 1968 để sẵn sàng tử chiến tiêu diệt bọn cộng nô, chiếm lại lao xá.

Theo kế hoach của thượng cấp, đại đội tôi tấn công vào mặt tiền lao xá, Đại đội 2 do Trung úy Vũ Phúc Sinh làm đại đội trưởng, tấn công vào mặt hậu lao xá. Sinh cùng khóa và cùng đại đội D với tôi ở trường Võ bị Đà Lạt. Tại trận này Sinh xử dụng súng cối 60ly nòng gần như thẳng đứng, vì địch quân chỉ cách chúng tôi tiền hậu khoảng 100 thước, Sinh xử dụng cối 60ly xuất thần, có lẽ bắn hơn 500 quả trong khoảng thời gian ngắn ngủi để góp phần chiếm lại lao xá, gây kinh hoàng cho địch quân, vì khoảng cách ta với địch quá gần nên Pháo binh và Không quân bạn không thể yểm trợ chúng tôi trong trận chiến này.

Đại đội 3 chúng tôi tấn công mặt chính vào lao xá, từ 4 giờ 30 đến năm giờ chiều hôm đó. Thăm dò cách bố trí của địch bên trong, tôi cho các trung đôi xử dụng tối đa hỏa lực để phá vỡ các mảng phòng thủ của địch, đặc biệt xài M79 phá vỡ các ổ kháng cự của địch trước khi toàn thể đại đội tấn công vào sào huyệt chúng. Khoảng 5 giờ chiều tôi ra lệnh đại đội rời vị trí đứng lên tiến công diệt địch chiếm lấy lao xá đợt 1 nhưng không thành, vì địch phòng thủ khá kỹ, hỏa lực của chúng hùng hậu đặc biệt B40, chúng chưa thấm đòn hỏa lực của chúng tôi và đặc biệt hai cây súng cối 60ly mà Trung úy Sinh đang tài tình rót vào chúng, tôi nói thầm trong bụng hãy đợi đấy!

Khoảng 5 giờ 30 chiều hôm đó địch quân coi bộ say đòn vì hỏa lực ác liệt hiệu quả cùng sự phối hợp chiến đấu ăn ý của hai đại đội chúng tôi nên cộng quân trong lao xá ít vùng vẫy hơn.

Đây là thời cơ để chúng tôi mở đợt tấn công quyết định sau cùng tái chiếm lao xá Phan Thiết theo mệnh lệnh của thượng cấp! Ngay giây phút đó, tôi ngoái lại ngay phía sau lưng và xiết bao kinh ngạc: Đại tá Trương Quang Ân uy nghi xuất hiện với quần áo trận oai phong, súng colt 45 và bidon nước bên mình. Ông xem bọn cộng quân trước mặt như cỏ rác. Tôi vội đến chào vị tư lệnh và lắng nghe huấn lệnh. Không ngờ đây cũng là lần cuối tôi được diện kiến vị chỉ huy, cũng là người niên trưởng tài ba của ngôi trường Võ Bị Đà lạt.

Tôi liên lạc với Trung úy Sinh và cùng phát lệnh tấn công ngay sau đó. Cả đại đội dàn hàng ngang xung phong, tiếng súng hòa lẫn tiếng thét căm hờn của chiến sĩ Đại đội 3/3/44 chúng tôi như nước vỡ bờ, khiến quân cộng sản kinh hồn. Có lẽ vì thế chúng phản công rất yếu ớt, đi đến tan rã và cuối cùng chúng phải đầu hàng!

Hai đại đội chúng tôi bắt tay nhau, lục soát trận địa, tôi chứng kiến bọn cộng quân ôm nhau chết, có lẽ chúng chết trong kinh hoàng, đặc biệt đa số bọn chúng tuổi có đứa chỉ mới khoảng 15, 16 mà thôi.

Cuộc tấn công của chúng tôi thắng lợi lớn là nhờ tinh thần chiến đấu anh dũng của toàn đơn vị và sự hiện diện của Đại tá Tư lệnh SĐ23, trong cơn dầu sôi lửa bỏng đã khích lệ tinh thần binh sĩ góp phần đáng kể trong chiến thắng của chúng tôi chiều hôm đó!

Xin tiếp tục sơ lược về Trương tướng quân.

Phu nhân của Ông là Bà Dương thị Kim Thanh, nguyên là một trong 9 nữ quân nhân Nhảy dù đầu tiên của Quân đội quốc gia Viet Nam. Ông bà có 3 người con 1 trai 2 gái, và mẹ già cùng một cô em gái.


Đầu tháng 9 năm 1968 cộng sản Bắc việt mở chiến dịch thu-đông khắp lãnh thổ Vùng 2 chiến thuật. Chúng vây hãm căn cứ Buprang-Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức, nhưng trước tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn thể chiến sĩ trong hai tiền đồn cộng với sự chỉ huy tài giỏi không biết mệt mỏi của người anh cả Tư lệnh SĐ23BB, cộng quân bao lần tấn công vào căn cứ đều bị đánh trả quyết liệt.

Tiếc thay ngày 8 tháng 9 năm 1968 lúc 10 giờ 30 sáng trong lúc vừa đến ủy lạo chiến sĩ của hai căn cứ này, chiếc trực thăng H34 vừa mới rời khỏi căn cứ Đức Lập thì bị nạn, phát hỏa. Chuẩn tướng Trương Quang Ân và Phu nhân đều tử nạn. Cùng tử nạn với hai Ông Bà còn có 3 quân nhân Hoa kỳ, trong đó có vị đại tá cố vấn trưởng SĐ23BB, hai sĩ quan phi công, cùng hai sĩ quan Việt Nam tùy tùng. Tất cả đều bị chết cháy, chỉ phân biệt được xác từng người là nhờ các tấm thẻ bài trên người họ, những chiếc thẻ bài mà ngày trước mỗi khi đến thăm các đơn vị Tướng Quân thường đặc biệt nhắc nhở trước tiên.

Sáng ngày 10 tháng 9 năm 1968 tôi tháp tùng tướng Tư lệnh QĐII dự tang lễ của Trương tướng quân và phu nhân tại cư xá Lê đại Hành.

Hai quan tài của nhị vị khiêm tốn đặt ở trong sân trước nhà, lòng tôi chạnh nghĩ trong lúc đó các tướng tham có nhà này biệt thự nó, nhìn hai chiếc quan tài bây giờ lòng tôi bỗng quặn đau!

Tham dự tang lễ hôm ấy có:

-Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
-Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ
-Thủ tướng Trần Văn Hương
-Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng QLVNCH
-Đại tướng Creigton W. Abrams, Tổng tư lệnh quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam
-Thiếu tướng Lữ Lan, Tư lệnh Quân đoàn II Quân khu 2.


Tại tang lễ Chuẩn tướng Trương Quang Ân được truy thăng Thiếu tướng và truy tặng Đệ tam đẳng BẢO QUỐC HUÂN CHƯƠNG. Phu nhân, Bà Dương Thị Kim Thanh, được truy tặng Đệ ngũ đẳng BẢO QUỐC HUÂN CHƯƠNG.

Buổi chiều cùng ngày tang lễ tiễn đưa Ông Bà được tổ chức trọng thể, an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Hai quan tài được chở trên hai thiết vận xa M113. Tôi tháp tùng theo với đoàn người đưa tiễn, có một điều lạ lùng là trời đang trong xanh thế nhưng lúc hạ huyệt quan tài của Nhị Vị mây đen phủ tứ bề sấm chớp và mưa bỗng dưng đổ xuống, trong phút giây đó tôi nghĩ thầm trong thâm tâm phải chăng trời đất cũng thương tiếc lúc tiễn đưa Trương tướng quân và Phu nhân ra đi chăng? Thương tiếc lắm thay!

Tết trung thu năm sau 1969, tôi được đại diện BTL/QĐII, mang quà trung thu biếu cho các con của cố Thiếu tướng. Ngôi nhà quạnh hiu buồn bã làm sao! Một bà già (tôi đoán là mẹ của cố Thiếu tướng) đang nhẫn nại un luống khoai lang, không nhận ra tôi, các cháu đi học chưa về, duy nhất chỉ có cô em gái của cố Thiếu tướng đón tôi. Nói chung là nhà trông đạm bạc lắm, không có vẻ gì là nhà của một tướng lãnh ngày trước, mà cũng phải thôi, Trương tướng quân ngày xưa là một cấp chỉ huy sống chết vì Quân đội vì xã tắc, Người có bao giờ nghĩ đến lợi danh, sống trong sạch. Tiếng thơm vẫn còn đây, lưu tryền trong quân sử của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.

Tôi chào cô và nêu lý do đến gặp gỡ gia đình. Đại tang còn mới quá, tôi thấy cô rớm lệ khi chào tôi làm tôi cảm thấy áy náy như khơi lại cho cô một hoài niệm buồn mà thời gian khó phai mờ. Tôi xin phép cô để thắp nén nhang cho người quá cố. Buồn làm sao cho cả chủ và khách trong giây phút này!

Đốt xong nén nhang tôi nhìn vọng ra bàn thờ phía sau bỗng tôi giật mình. Ôi! sao có di ảnh của Phạm văn Ngô lại thờ ở đây? Tôi có nhìn lầm chăng? Ngô là bạn đồng khóa và cùng đại đội với tôi thời sinh viên sĩ quan Võ bị Đà Lạt. Từ ngày ra trường Ngô về SĐ7/BB còn tôi thì về SĐ23/BB đứa nào cũng nặng nợ binh nghiệp, đâu có thời gian để biết tin nhau!

Sau khi đốt nhang và van vái trước anh linh của Liệt vị xong tôi trở lại chỗ ngồi, tiếp tục vấn an sức khỏe của thân mẫu và hỏi thăm các cháu về học hành. Chuyện càng về sau càng cởi mở nhân cơ hội này tôi xin phép hỏi cô về trường hợp của Phạm văn Ngô liên hệ thế nào mà được thờ chung ở đây. Câu hỏi này làm cô rớm lệ và ngậm ngùi trả lời: anh Ngô là vị hôn phu của tôi, nhưng anh đã hy sinh trước khi đám cưới của chúng tôi được tiến hành. Trong một đêm tối trời anh họp các sĩ quan để ban hành lệnh hành quân thì bị bọn nội tuyến tung lựu đạn và anh đã bị tử thương! Sinh thời tôi thương anh Ngô lắm lại sợ anh phục vụ ở đơn vị tác chiến nguy hiểm nên tôi cũng đã có lần trình xin anh Ân cho anh Ngô về bộ tham mưu làm việc chung với anh khi anh làm Tư lệnh SĐ23BB, nhưng anh Ân một mực từ chối. Mỗi lần tôi đề cập đến chuyện này anh Ân đều nghiêm nghị trả lời: “làm trai phải đáng thân trai, Ngô là sĩ quan tốt nghiệp từ trường VÕ BỊ QUỐC GIA ĐÀ LẠT, đất nước đang bị cộng quân xâm chiếm nhiễu nhương khắp nơi, lẽ nào khi tất cả chiến sĩ của ta đều ra trận mạc ngày đêm đối đầu với giặc, anh lại vì tình riêng lợi dụng quân quyền mà đưa Ngô về làm tham mưu cho an toàn thì coi sao được, làm trai thời chinh chiến phải chết sống ngoài trận mạc với đồng đội “da ngựa bọc thây”, em đừng làm nhụt chí nam nhi của Ngô, hãy để Ngô sống xứng đáng với người trai xuất thân từ trường Võ bị.”

Nói đến đây bỗng cô khóc thành tiếng, có lẽ cô nhớ đến Ngô, người hôn phu không bao giờ cưới , cô nhớ đến người anh anh dũng với tinh thần “quân bất vị thân” áp dụng trong suốt đời binh nghiệp của Ông. Tôi chạnh nghĩ mà xót xa trong dạ, chỉ trong vòng hai năm mà cô mất đi đến ba người thân ruột thịt, với tuổi đời còn trẻ như thế làm sao cô chịu đựng được.

Hoàng hôn dần khuất bóng, ngoài kia phố xá đã lên đèn, tôi từ giã cô và từ giã Chư vị đã khuất trong tâm trạng u buồn, tôi tự hứa với lòng tôi mai sau cuộc chiến tàn, nếu tôi còn sống thì dù có ở chân trời gốc bể nào, và dù chữ nghĩa của tôi có hạn chế thế nào tôi cũng không ngại sẽ viết những gì về tấm gương sáng ngời, vị nước vong thân của Tướng quân TRƯƠNG QUANG ÂN mà tôi biết được, và hôm nay tôi đã mạnh dạng thực hiện tâm huyết đó cho dù văn viết đôi khi còn lủng củng lắm thì cũng xin Qúy vị niệm tình tha thứ vì đó là cái “tâm” của tôi đối với người đã khuất, âu đây cũng là nén nhang của một người lính và của một đàn em đốt lên để tưởng nhớ anh linh người chiến sĩ một thời quên mình vì đại cuộc, vì xã tắc mà vong thân, thương tiếc lắm thay!

Khóa 22B, khóa đầu tiên có học trình đủ 4 năm của Trường Võ Bị Quốc Gia đã vinh dự được mang tên vị tướng tài ba, liêm chính này: Khóa Trương Quang Ân

Portland Oregon ngày 11 tháng 5, năm 2017
Viết xong lúc 8:35 sáng
Khuongle LÊ Q TOẢN



Những chuyện thật tôi biết về Chuẩn-Tướng Trương Quang Ân.

Phạm Văn Lương


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjepvJ1EQGTp2GdCQ_F4eE-ObmUZEUDHUn4SDcCp_r2bPKKfSSuXnGY6bvQxWo7-_UVFkHvAowleDsovc8pU8T2XX7_qgiFAGjPtkuh-TNpqOiwbYgYQPa2PPI7-EH5WUP2GXmdnpX8Y2Q/s400/chuantuongan.bmp
Có điều thật lạ lùng, mỗi lần nghe nhắc tới Chuẩn-Tướng Trương quang Ân, tôi vẫn ngán ông, như ông còn trước mặt tôi. Vị tướng, không to con lắm, nhưng quân phục lúc nào cũng thẳng nếp, mũ sắt, dây ba chạc, bi đông nước, một cuộn băng cấp cứu trên thắt lưng TAB. Chuẩn-Tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh sư đoàn 23, kiêm Khu 23 Chiến thuật. Ông là sĩ quan dù, nhưng khi sang bộ binh, ông mặc quân phục bộ binh. Tết Mậu Thân, liên đoàn 2, gồm 3 tiểu đoàn 11, 22, và 23 , được biệt phái cho khu 23 chiến thuật. Chính vì thế, tôi, lúc đó làm ban 3 tiểu đoàn 11 Biệt động quân hành quân tại Dalat, Di Linh, Lâm Đồng và Phan Thiết, tất nhiên cả Kon Tum, Ban Mê Thuột và Pleiku.

Tôi gặp chuẩn tướng Ân 3 lần:

1/ Lần thứ nhất: Hành quân chung với một tiểu đoàn sư đoàn 23. Đơn vị đang hành quân, nghe lệnh Tướng Ân xuống gặp Tiểu đoàn trưởng. Tôi theo Thiếu tá Huân, cùng tới chỗ máy bay trực thăng đáp, gặp thêm hai Tiểu đoàn trưởng Sư đoàn 23. Tướng Ân xuống đất, máy bay cất lên liền vì sợ pháo kích. Tướng Ân nghe thuyết trình, rồi nhìn mấy sĩ quan có mặt. Chợt, ông thấy một thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng bộ binh, mặc một chiếc áo giáp, ông tới gần hỏi : Quân đội Việt Nam Cộng Hòa phát áo giáp cho các đơn vị năm nào, thiếu tá ? Thật tội nghiệp, viên Thiếu tá ú ớ, không trả lời được, bước ra phía sau, cởi áo giáp, rồi mới dám bước gần chỗ Chuẩn tướng. Chuẩn tướng không nói gì thêm, ban thêm lệnh cho các Tiểu đoàn trưởng, và đi. Tôi không nghe gì thêm về chuyện này, nhưng tôi bắt đầu ngán khi nghe ông ghé đơn vị.
2/ Lần thứ hai: Trong một cuộc phục kích của việt cộng, chiếm hai cây súng pháo binh tại Di Linh. Đơn vị tôi, đáng lẽ bị trận này, nhưng may mắn, xe quân vận tới đón trễ, chi khu Di Linh xin đơn vị địa phương quân tháp tùng pháo binh, đơn vị này bị việt cộng phục kích chỉ cách thị trấn Di Linh mấy cây số. Tiểu đòan tôi được lệnh lên lục soát khu bị phục kích. Tướng Ân nhẩy xuống và họp ngay lề đường, trong một chiếc lều nhỏ của trung đội dựng tạm để Tướng Ân ban lệnh. Đơn vị tôi, Tiểu đoàn 11 sẽ là chủ lực truy kích, và được thả bằng trực thăng vào sâu trong rừng, lục soát ra. Tôi và Thiếu tá Huân đi họp . Sau khi ban lệnh xong, Tướng Ân hỏi “có ai có ý kiến gì không ?". Đơn tôi im lặng, bỗng có một Thiếu tá giơ tay ‘ xưng danh, xin có ý kiên' . Chuẩn tướng Ân, hỏi “ Cấp bậc gì, Thiếu tá hả “Chuẩn Tướng nói “ Thiếu tá, thì chỉ nghe rõ lệnh và thi hành, không có ý kiến “. Lại một lần nữa, tôi ngán Tướng Ân, thật tình ông Tướng thật khó.
3/ Lần thứ ba: Lần này, chính tôi, mặt đối mặt với Chuẩn tướng, khi tiểu đoàn 11 , tôi làm ban ba bị hai tiểu đoàn việt-cộng tấn công tại phía tây thành phố Đà lat, lúc đó khoảng tháng 5/1968, Tiểu đoàn mới được trang bị AR15, và đụng việt cộng lần đầu với loại súng này. Tiểu đoàn tuy không tan hàng nhưng bị thiệt hại,Tiểu đoàn trưởng Hồ Khác Đàm, khóa 16, bị thương, cố vấn bị thương, vì nỗ lực chính của việt cộng nhằm phá tuyến vỡ phòng của tiểu đoàn, nhưng không phá nổi phòng tuyến của Đại đội 2 và Đại đội 3, do Trung úy Bé khóa 17 Thủ Đức, và Trung úy Quí, khóa Đặc biệt, để tràn ngập Tiểu đoàn. Sáng hôm sau, Chuẩn Tướng Ân xuống thị sát mặt trận. Tiểu đoàn trưởng đã tản thương, không có tiểu đoàn phó (sốt rét). Tôi ban 3, được lệnh của Trung Tá Dõng ra đón Tướng Ân và thuyết trình hành quân. Thú thật, tôi đã ngán Chuẩn Tướng Ân sau hai lần gặp mặt, lần này, lại chính tôi phải thuyết trình, mà trận chiến thì không thắng, nếu không muốn nói là thua. Nhưng làm gì được. Tôi biết tướng Ân, liền mang một súng AR15, đội mũ sắt ( không dám đội beret ). Trước đó, tôi dặn Thiếu úy Huấn, truyền tin và trung úy Thông ban hai, hai anh lo lại tuyến phòng thủ, lính gác cẩn thận, lỡ Tướng đó coi tuyến phòng thủ , mà hở thì chết luôn. Sau khi ông Tướng xuống, tôi và Thiếu úy Huấn sẽ đón ông, Trung úy Thông chờ đưa ông đi coi tuyến. máy bay Chuẩn Tướng xuống và cất cánh bay lên liền, Chuẩn Tướng Ân, một Trung Tá và một Thiếu tá ở lại. Tôi bước cách ông khoảng sáu bước, đứng nghiêm , chào tay và trình diện “ Trung úy Phạm Văn Lương, số quân 64/400 588, trình diện Thiếu tướng ( không gọi Chuẩn tướng )". Ông chào lại tôi, và nói, Trung úy thuyết trình trận đánh cho tôi nghe. Nhưng vừa nói tới đây, Chuẩn tướng hỏi “ Tiểu đoàn Trung Úy có mang 81 ly không, tôi trả lời bừa “ Thưa Có “, Tiểu đoàn trung úy có mang 57 ly không, tôi không dám nói láo thêm, bèn trả lời “ Thưa không “. Tôi cầm tấm bản đồ , vẽ sẵn tuyến phòng thủ, và hướng tấn công của Việt cộng , Chuẩn tướng nói “ Trung úy đưa tôi đi thăm chỗ nào nặng nhất. Tôi bước về hướng Đại đội 2, phải nói quang cảnh tiêu điều, mấy cây thông ngổn ngang cành xác xơ. Chuẩn tướng dứng lại, nói với tôi “ Trung úy chuẩn bị, nhận tiếp tế, máy bay L 19 sẽ thả phóng đồ hành quân xuống, cứ theo phóng đồ mà làm. Tôi đáp “ Tuân lệnh”, không dám ý kiến gì. Chuẩn tướng lên trực thăng, khoảng 2 giờ sau, một chiếc L 19 rà xuống, thả một phóng đồ hành quân, và gởi theo tiếp tế, Đại úy Phước làm Ban 5 Liên đoàn tạm thời chỉ huy tiểu đoàn truy kích.
Mấy ngày sau hành quân xong, tôi lái xe lên phòng hành chánh Tiểu khu, đón cô bạn đi vòng vòng, trời xui đất khiến, chạm mặt với Chuẩn tướng, ông nhìn tôi, không nói câu nào. Chiều về, Trung tá Dõng, Liên đoàn trưởng, gọi máy cho tôi “Lương, mày muốn chết hả, hết chỗ đi chơi, tới chỗ Thiếu tướng để ông gặp mặt", tôi giật mình, "thật ai muốn gặp", tôi nói lại với Trung tá Dõng . Trung tá Dõng kể lại , ông Tướng hỏi tao “ Tiểu đoàn 11 ở đâu rồi, tao nói mới hành quân về, ông hỏi tao “thằng Ban 3 tiểu đoàn làm gì, lính nó để đâu, tôi gặp nó đi với mấy cô bạn, nói với nó , tôi mà gặp mặt nó một lần nữa, là nó chết, hành quân về phải huấn luyện lính chứ, nó làm Ban 3 mà". Tôi hết hồn, lần đó là lần cuối cùng, sau này tôi nghe tin Chuẩn tướng Trương Quang Ân bị rớt trực thăng .
Tôi thật buồn, và không biết tại sao, tôi vẫn ngán ông cho tới giờ này.

Phạm Văn Lương
quehuongngaymai.com

Chuẩn Tướng TRƯƠNG QUANG ÂN


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjepvJ1EQGTp2GdCQ_F4eE-ObmUZEUDHUn4SDcCp_r2bPKKfSSuXnGY6bvQxWo7-_UVFkHvAowleDsovc8pU8T2XX7_qgiFAGjPtkuh-TNpqOiwbYgYQPa2PPI7-EH5WUP2GXmdnpX8Y2Q/s400/chuantuongan.bmp
Chuẩn Tướng TRƯƠNG QUANG ÂN

Nguồn tin vừa được loan đi đã làm sửng sốt toàn thể chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là các chiến sĩ thuộc Khu 23 Chiến Thuật. Đó là tin Chuẩn Tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật tử nạn phi cơ cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật sáng ngày chủ nhật 8-9-1968 vừa qua trên đường tới thăm viếng và tưởng thưởng các chiến sĩ đang hành quân tại Đức Lập.

Nguồn tin trên quả đã gây xúc động trong toàn thể chiến sĩ chúng ta, vì không nhiều thì ít, chúng ta cũng đã được biết về vị Tướng Lãnh vốn nổi tiếng về khả năng và kỷ luật gương mẫu. Chuẩn Tướng Trương Quang Ân siêng năng tận tụy lúc nào cũng một lòng lo tròn nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, Chuẩn Tướng làm việc không có ngày nghỉ; mặc dầu công việc rất bề bộn, cũng đã dành ngày chủ nhật để cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật đáp máy bay đến vùng Đức Lập với mục đích theo dõi cuộc hành quân đang diễn tiến và để tưởng thưởng tại chỗ các chiến sĩ xuất sắc.

Bất cứ trận chiến nào tại Khu 23 Chiến Thuật cũng đều có sự hiện diện của Tướng Trương Quang Ân vào lúc sôi động nhất. Đơn vị nào thuộc Khu 23 Chiến Thuật, hành quân cũng được chính Chuẩn Tướng đích thân tới tưởng thưởng và uỷ lạo.
Chúng ta hẳn không quên Tướng Trương Quang Ân là một quân nhân hiện dịch, chọn binh nghiệp làm lẽ sống, tốt nghiệp Thủ khoa Khóa 7 Đà Lạt, về Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, lập những công trạng hiển hách đầu tiên trong đời binh nghiệp với trận đánh lừng lẫy tại bản Hu siu (Lào). Năm 1957, làm Trưởng Phòng Hành Quân của Lữ Đoàn Nhảy Dù, kế đó là các chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn, rồi Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù. Sau một thời gian làm Tỉnh Trưởng Gia Định, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 25 Bộ Binh và cuối cùng, năm 1967 làm Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật.
Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ cuối cùng là Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật từ năm 1967, đặc biệt từ Tết Mậu Thân, đã anh dũng đánh tan tất cả nỗ lực tấn công của Cộng quân nhằm chiếm đóng thị trấn của miền Cao nguyên này. Cũng trong suốt thời gian Chuẩn Tướng Trương Quang Ân làm Tư Lệnh, các chiến sĩ Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã tiếp tục tạo lập chiến thắng dồn dập, nêu cao danh dự đơn vị cũng như danh dự của toàn thể Quân Đội. Tướng Trương Quang Ân được vinh thăng cấp bậc cuối cùng hiện tại vào ngày Quân Lực 19-6-1968 vừa qua, cũng đã được tưởng thưởng 30 huy chương đủ loại kể cả Bảo Quốc Huân Chương.
Suốt trong đời binh nghiệp, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân lúc nào cũng nêu gương sáng về kỷ luật, chỉ biết sống cho Quân Đội, chết cho Quân Đội. Chuẩn Tướng cũng là một sĩ quan dũng cảm có tài chỉ huy, thương yêu thuộc cấp và đặc biệt là một trong những chiến sĩ Dù giỏi nhất về môn nhảy tự động chính xác.

blank

Trong tai nạn đau buồn nầy, phu nhân của Chuẩn Tướng cũng tử nạn cùng chồng. Phu nhân nhũ danh là Dương Thị Kim Thanh, nữ Chuẩn uý phục vụ tại Tổng Y Viện Công Hòa và là một trong 7 Nữ Phụ tá đầu tiên trong Quân Lực tốt nghiệp bằng Nhảy Dù. Cả gia đình đều phục vụ Quân Đội. Cả Chuẩn Tướng và Phu Nhân trong suốt đời binh nghiệp đã nêu gương phục vụ cho tất cả thuộc cấp.
Người chiến sĩ dũng cảm và tận tuỵ, con chim đầu đàn của Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Khu 23 Chiến Thuật không còn nữa, nhưng tinh thần kỷ luật tuyệt đối và thiện chí phục vụ cao độ của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân sẽ còn là tấm gương sáng mãi mãi cho tất cả chiến sĩ chúng ta. Gắn liền cuộc đời vào binh nghiệp, tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, phục vụ Quân Đội không mỏi mệt, lúc nào cũng nghĩ tới đồng đội và thương yêu thuộc cấp. Đó là tính chất của một chiến sĩ lý tưởng và là những yếu tố cao quý tạo thành cuộc đời của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân vậy.

http://thoichinhchien.blogspot.com.au/2009/06/chuan-tuong-truong-quang.html

 
Chuẩn Tướng VNCH NGUYỄN VĂN ĐỨC và trận kịch chiến cuối cùng của sư đoàn 23 bộ binh QLVNCH

Đại Tá Nguyễn Văn Đức
Liên tỉnh lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên
(...)
10 giờ phi trường Cù Hanh chính thức đóng cửa.
10 giờ 15 phút, liên lạc lần cuối cùng giữa Tư lệnh Quân đoàn II và Tướng Cẩm tại Pleiku bằng STS-106. Xác nhận về việc ra lệnh cho Tỉnh trưởng Pleiku phòng thủ tỉnh này. Nghi ngờ hệ thống truyền tin bị địch phá.
10 giờ 45 phút, Đại tá Trần Cửu Thiên bay đi Phú Bổn cùng với các chuyên viên truyền tin, thiết lập hệ thống liên lạc để tường trình tình hình đoàn xe từng giơ về Nha Trang, Saigon.
10 giờ 50 phút, Tổng Thống Thiệu gọi ra lệnh giải tỏa gấp rút mặt trận Khánh Dương và Quốc lộ 21 bằng mọi giá. Chấp thuận cho Đại tá Nguyễn Văn Đức làm Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh.
(...)
Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, các Lực lương Thiết giáp, Không quân, Pháo binh và Chủ lực quân đã rút khỏi Kontum, Pleiku. Trong 2 ngày nữa, nếu đoàn xe không về tới Phú Bổn như dự định, thì mặt trận Phước An sẽ vô cùng nguy ngập. Bởi vì địch chỉ cần sử dụng một phần lực lượng tại trận địa Ban Mê Thuột hiện nay, với chiến xa và trọng pháo yểm trợ, sẽ dứt Phước An dễ dàng. Và sau đó là Khánh Dương.
Kiểm điểm lại quân số của sư đoàn và những đơn vị tăng cường hiện đang ở mặt trận Phước An, Đại tá Đức, tân Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vô cùng lo ngại.
Lực lương chính yếu của sư đoàn là Trung đoàn 45 Bộ binh. Đơn vị với tinh thần cao độ, đã tình nguyện nhảy xuống Phước An trong đoàn quân tăng viện ngày 12 và 13 tháng 3, thì hôm nay đã tan hàng, trở thành dân sự già nửa quân số.
Buổi sáng, trong đợt di dân mới từ Ban Mê Thuột, khoảng 5000 người đã băng rừng đi về phía Phước An và nam Khánh Dương. Một số lớn là vợ con anh em binh sĩ Trung đoàn 45. Do đó, họ tự động bỏ súng, "chạy loạn" với gia đình.
Trung đoàn 45 còn lại đúng 200. Trung đoàn 44 với một Tiểu đoàn Chiến đấu và một Đại đội Trinh sát chưa sứt mẻ, khoảng 300.
Liên đoàn 21 Biệt động quân, 110 người. Bộ Tư lệnh Sư đoàn tại Chu Cúc, 42. Hậu trạm tại Khánh Dương, 6.
Khoảng 700 tay súng, không chiến xa và có 4 khẩu đại bác 105 ly. Đó là thực lực của mặt trận lớn nhất hiện nay tại Quân khu II. Một trận đánh lớn nếu xảy ra, chắc chắn lực lượng này phải đương đầu với Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột kéo về, với quân số 7, 8 ngàn và có chiến xa, đại pháo yểm trợ !
"Người lính già" của chiến trường với 25 năm quân ngũ, Tư lệnh phó Biệt khu 44 của Tướng Phú năm 1969, chờ đợi giây phút này từ lâu. Và hôm nay ... đã đến. Tổng Thống Thiệu, Đại tướng Viên cùng chấp thuận việc bổ nhiệm ông là Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh!
Đại tá Đức khẽ mỉm cười, và tiến lại phía các chiến hữu của mình đang phòng thủ để quan sát.
17 giờ, phi cơ quan sát phát hiện khoảng 10 chiến xa địch gần Chu Cúc, xin đánh bom tối đa.
5 phi tuần khu trục từ Phan Rang lên. Điều động trễ 15 phút. Phi tuần 1 lên tới vùng mục tiêu lúc 17 giờ 40 phút. Trời mù, không nhìn rõ, các khu trục cơ phải quay về. Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vẫn tiếp tục xin Không quân đánh tiếp.
Thêm 2 xe tăng Cộng sản Bắc Việt di chuyển ở phía bắc cây số 62, mặt trận Khánh Dương. Và tin tình báo mới nhất thâu thập được qua một tù binh Bắc Việt bắt được ngày 16 tháng 3, 1975, hai Trung đoàn 64 và 48 Cộng sản Bắc Việt đã di chuyển tới tây bắc Khánh Dương khoảng 20 cây số. Lực lương Sư đoàn 23 Bộ binh sẽ cùng phối hợp với 2 Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh tăng cường tổ chức tuyến phòng thủ, chận đứng cuộc tiến quân xuống Khánh Dương, Dục Mỹ của địch.
Nhưng cũng chỉ là trứng chọi đá! Quả thật trong trận này, lực lượng Việt cộng và quân ta quá chênh lệch!
Nguồn chinhnghia
 
Trung Tướng VNCH DƯƠNG VĂN ĐỨC - Tội Đồ Hai Mặt Và Cái Án Chung Thân Với Bệnh Tâm Thần



Tr.Tướng Dương Văn Đức


trung-tuong-duong-van-duc
Dương Văn Đức (1925 – 2000) là một cựu Trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông được biết đến với vai trò chỉ huy một cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh vào ngày 14 tháng 9 năm 1964.
Thân thế binh nghiệp
Ông sinh năm 1925 tại Thủ Đức, Gia Định, từng tốt nghiệp Trung học Đệ nhị cấp chương trình phổ thông Pháp tại Sài Gòn. Tháng 7 năm 1946, ông theo học tại Trường Võ bị Liên quân Viễn Đông tại Đà Lạt. Bấy giờ, trường chỉ khai giảng một khóa duy nhất, với 16 sĩ quan tốt nghiệp năm 1947, trong đó có đến 10 người về sau trở thành những tướng lĩnh của Việt Nam Cộng hòa. Trong số này, có các sĩ quan trẻ như Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm và Lâm Văn Phát, người người về sau có những tác động quan trọng trong sự nghiệp của ông.
Sau khi tốt nghiệp ra trường với cấp bậc Chuẩn úy, ông được bổ về phục vụ trong Chi đội Nhảy dù thuộc Vệ binh Nam phần. Năm 1948, ông được thăng Thiếu úy, đến năm 1949, thăng Trung úy.
Tháng 5 năm 1950, ông được thăng Đại úy và được cử đi du học lớp căn bản sĩ quan bộ binh tại Trường Võ bị Saint Cyr ở Pháp đến tháng 7 năm 1951. Cuối năm 1951, ông được thăng Thiếu tá, chuyển ngạch sang Quân đội Quốc gia Việt Nam và được cử theo học lớp Chỉ huy Chiến thuật tại Hà Nội. Năm 1952, được cử đi du học lớp tham mưu tại Trường Tham mưu Paris Pháp, một năm sau về nước được thăng lên Trung tá.
Tướng trẻ thất thế
Năm 1955, ông được Thủ tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Tự do tiếp thu Cà Mau kiêm quyền Tỉnh trưởng Sóc Trăng kiêm Chỉ huy trưởng Bảo an Phân khu Sóc Trăng. Cùng năm ông được thăng cấp lên Đại tá Chỉ huy trưởng Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, tấn công lực lượng quân sự của Hoà Hảo đang kiểm soát phần lớn miền Tây Nam Bộ.
Ngày 5 tháng 6 năm 1955, ông chỉ huy binh sĩ tiến chiếm Cái Vồn (Vĩnh Long), phá tan đại bản doanh của tướng Trần Văn Soái (Năm Lửa). Đến ngày 29 tháng 6 năm 1955, ông tiến quân vào núi Ba Chúc, tấn công lực lượng của tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt), tuy nhiên không giành được thắng lợi nhanh chóng. Cố vấn Ngô Đình Nhu sốt ruột và đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Ngọc Thơ tìm chỉ huy khác thay thế. Ngày 29 tháng 12 năm 1955, Quốc trưởng Ngô Đình Diệm đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch Đinh Tiên Hoàng do ông chỉ huy và cho Đại tá Dương Văn Minh lên thay. Để bù lại đầu năm 1956, Quốc trưởng phong ông lên Thiếu tướng. Khi đó ông mới 31 tuổi và là một sĩ quan mang hàm tướng với tuổi đời trẻ nhất trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Tướng Đức biểu lộ bất bình về chuyện chấm dứt công tác một cách đột ngột này. Do đó, ngày 10 tháng 6 năm 1956, ông được cử đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hàn Quốc. Tại đây ông quen và cưới vợ người Đức là nhân viên Tòa Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Hàn Quốc.
Do sự việc này, Tổng thống Diệm đã cách chức và triệu hồi ông về nước, sau đó đưa ông đi học khóa chỉ huy và tham mưu ở Mỹ. Khi về nước, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng thay tướng Dương Văn Minh, một chức vụ không có thực quyền.
Sau đó, ông đã có vấn đề cá nhân với Tổng thống Ngô Đình Diệm nên từ chức và sống lưu vong ở Pháp, trước khi trở về sau vụ bắt giữ và sát hại hai anh em Ngô Đình Diệm sau cuộc đảo chính năm 1963.
Đảo chính được mùa
Sau khi về nước, ông được Hội đồng Quân nhân Cách mạng chấp nhận cho tái ngũ với cấp bậc cũ là Thiếu tướng, nhận giữ chức Tham mưu phó Kế hoạch Bộ Tổng tham mưu, phụ tá cho tướng Lê Văn Kim. Tuy nhiên, đến tháng 1 năm 1964, ông tham gia âm mưu đảo chính bởi các tướng Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm và Đỗ Mậu. Sau khi cuộc chỉnh lý thành công, ông được thăng hàm Trung tướng và được cử làm Tư lệnh Quân đoàn IV.
Mặc dù vậy, ông tiếp tục tham dự một âm mưu nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh do tướng Trần Thiện Khiêm cầm đầu. Tuy nhiên, tướng Nguyễn Khánh sớm phát hiện, ngay lập tức đẩy tướng Trần Thiện Khiêm đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Loan và cách chức 2 tư lệnh Quân đoàn là Lâm Văn Phát (Quân đoàn III) và Dương Văn Đức (Quân đoàn IV).
Điều này khiến hai người tiến hành một cuộc đảo chính chống lại tướng Nguyễn Khánh. Ngày 13 tháng 9 năm 1964, Trung tướng Dương Văn Đức, Thiếu tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Huỳnh Văn Tồn từ Cần Thơ, chỉ huy Quân đoàn 4 về làm binh biến. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu trong vai trò tham mưu trưởng liên quân đã yêu cầu tướng Nguyễn Chánh Thi đem quân về dẹp tan cuộc binh biến này. Ban đầu quân đảo chính hầu như chiếm được đô thành Sài Gòn không phải giao chiến, nhưng đã để tướng Khánh trốn thoát được, và sau khi nhóm tướng trẻ nhận được xác nhận hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, đã tăng áp lực buộc những kẻ âm mưu đảo chính phải bỏ cuộc.[1]
Ngày 15 tháng 9, tướng Nguyễn Khánh trở về Sài Gòn, tuyên bố cách chức và buộc giải ngũ tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát và một số sĩ quan cao cấp chỉ huy đảo chính. Tuy vậy, không ai trong số họ bị bắt giữ và vẫn được tự do. Tại phiên tòa quân sự sau đó, các cáo buộc đã bị hủy bỏ.
Nhưng trớ trêu thay, không lâu sau chính tướng Nguyễn Khánh bị các tướng trẻ buộc phải lưu vong và không bao giờ có thể trở về.
Say tỉnh – tỉnh say
Đảo chính thất bại, bị tước hết quyền lực, dù vẫn được tự do, nhưng ông bị cho là đã bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Trong những năm sau đó, ông thường xuyên có những biểu hiện rối loạn tâm thần, có những hành vi hoặc phát biểu bôi nhọ các tướng Thiệu – Kỳ. Đầu năm 1966, ông lại bị bắt vì cho rằng đã có những hoạt động chống lại Nội các Chiến tranh của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ nhưng sau đó lại được tha với lý do bệnh tâm thần.
Những năm sau đó, tướng Đức sống trong hoàn cảnh túng thiếu, thường xuyên trong trạng thái say rượu, lang thang trên nhiều đường phố Sài Gòn, nhiều lần mắng chửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở nơi công cộng. Mặc dù vậy, sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, ông vẫn bị chính quyền mới bắt giữ và đưa đi lưu đày trong 8 năm. Trong thời gian bị lưu đày, ông vẫn thường xuyên có những hành động cũng như phát ngôn bôi nhọ chính quyền mới. Vì vậy, mãi đến ngày 14 tháng 9 năm 1987 ông mới được trả tự do.
Ông mất năm 2000 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi. 
 
ĐẶNG SĨ VĨNH VNCH Vội Vàng Kết Liễu Cuộc Đời Mình Và Vợ Con | QUÁ ÂN HẬN Khi Theo Mỹ Ngụy
Chín nén nhang cho gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh
Cuối tháng Tư năm nay, ba mươi năm sau ngày Sàigòn sụp đổ. Đối với tôi, ở tuổi 11 vào năm 1975, tôi còn nhỏ. Xã hội quanh tôi cũng nhỏ: gia đình, vài đứa bạn tiểu học, hàng quán quanh nhà, chợ Ông Tạ, nhà thờ An Lạc, nhà thờ Nam Thái, trường Bắc Hải… Vậy thôi! Thế nhưng cái xã hội nhỏ và đơn giản của tôi phải mang một dấu ấn sắc, nhọn, nhầy nhụa, dã man. Ba mươi năm sau “ngày ấy”, tôi viết lại câu chuyện này để một lần nhìn vào dấu sẹo trong tâm hồn mình. Viết để lý giải về nó một cách bình tĩnh và trưởng thành hơn. Viết để nói với những người đã đem đến cho tôi kinh nghiệm kinh khủng đó. Nói chung, viết là lối giải tỏa tâm lý ẩn ức của người viết.

Ngày 30/4/1975, lời tuyên bố đầu hàng đã truyền đi. Lá cờ tai họa đã bay trên Dinh Độc Lập. Bố tôi từ Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị về nhà. Mắt ông đỏ tia máu. Trước nhà tôi, những người lính cởi trần ngồi lề đường khóc. Họ chửi rủa rằng họ bị phản bội, bị bỏ rơi. Họ nói đến chuyện tự tử để không thẹn với hồn thiêng sông núi. Có cái gì đó khủng khiếp khi những người đàn ông khóc. Hàng xóm súm lại an ủi họ.

Trời chang chang nắng đổ. Súng ống quân phục đầy đường từ Ngã Tư Bẩy Hiền vào Lê Văn Duyệt. Tiếng súng do bọn thanh thiếu niên hoang loạn bắn từ vũ khí vương vãi trên hè phố nổ rền suốt mấy giờ liền. Đến khoảng 2 giờ chiều chỉ còn lác đác tiếng súng ở xa. Nỗi hoang mang tiếp tục gia tăng khi người ta bắt đầu nhìn thấy những người lính miền Bắc đeo ba-lô, đi dép râu, mặt mũi lơ láo, lạ lẫm bắt đầu đi vào con đường hẻm. Bất thình lình, trong cái oi bức, ngột ngạt của không gian, trong cái căng thẳng kinh hoàng của đầu óc, có những tiếng súng nhỏ vang lên trong một căn nhà.

Những tiếng súng ấy nhỏ và không vội vã như người ta bắn qua lại khi giao tranh. Những tiếng súng ấy bình tĩnh, cách nhau đều đặn. Chúng vang lên một cách chắc chắn, chắc chắn như quyết định của người nổ súng. Đó chính là tiếng súng mà Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh đã nổ để kết liễu mạng sống của cả gia đình gồm vợ với bảy người con và chính bản thân ông.

Tôi nhớ, trước đó, khoảng cuối năm 1974, Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh bán căn nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Bắc Hải và dọn về ngôi nhà nhỏ xinh cách nhà tôi khoảng mười căn. Ngôi nhà màu xanh lá cây, cổng gạch trắng, không có garage đậu xe, mang số 98/39 đường Phạm Hồng Thái, Gia Định, thuộc Ấp Hòa Bình, quận Tân Bình. Đường hẻm lớn này thường được gọi là Hẻm Con Mắt, Khu Ông Tạ. Ngôi nhà nay là 98/39 Cách Mạng Tháng Tám, quận 5, Tân Bình.

Trung Tá Vĩnh thường mang xe sang gởi tại sân nhà ông Năm Châu xế cửa. Đó cũng là nơi tôi nhìn thấy Trung Tá lần cuối khi ông còn sống.

Bà Trung Tá Vĩnh tên tục là Trần Ánh Nguyệt, chị kế của phu nhân lão thi sĩ Hà Thượng Nhân. Ông bà từng làm chủ một nhà in. Ông tốt nghiệp khóa 3 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức năm 1953. Năm 1954, theo vận nước, ông bà Vĩnh vào Sài Gòn.

Ông bà có tất cả bảy người con. Người con cả, anh Đặng Trần Vinh, sinh năm 1948. Hai cô con gái út là một cặp sinh đôi, khoảng 15 tuổi vào năm 1975.

Trung Tá Vĩnh tùng sự tại Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu và sang làm việc tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia từ cuối thập niên 1960. Theo thi lão Hà Thượng Nhân, ông Vĩnh là người rất hiền từ. Một số quí vị đã có dịp làm việc với ông Vĩnh cũng đồng ý như vậy. Theo các vị này, ông Vĩnh không hề cau có, cãi cọ với ai bao giờ. Ông điềm tĩnh và nhân hậu.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, ông Vĩnh lúc ấy 56 tuổi mà còn phong độ. Gặp bố tôi, ông trao đổi một vài câu chuyện với giọng thật hiền hòa, thân thiện. Anh Vinh, con ông lúc ấy 27 tuổi. Hai cô em gái sinh đôi của anh thường đùa nghịch cười rúc rích. Họ đồng tuổi với chị Trang của tôi. Da trắng, tóc dài, đen nhánh, buộc bằng nơ đỏ và xanh dương.

Âm thanh và hình ảnh của gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh, nếu chỉ có thể trong tôi, đã không trở thành ký ức kinh hoàng. Ký ức đó chỉ một thời gian ngắn sau, đã bằng những tiếng súng chuyển thành kinh hoàng.

Bố tôi nói buổi trưa ngày 30/4/1975, khi nghe tiếng súng: “Chắc bác Vĩnh tự tử rồi!”. Mắt ông vẫn đỏ tia máu. Tôi dư biết ông có khẩu súng lục và một trái lưu đạn trong ngăn kéo trên lầu. Bố tôi không nói gì nữa. Ông ngồi đó mà không ăn trưa, hai mắt lừ lừ.

Tôi không tin lời bố tôi nói. Một đứa 11 tuổi chưa đủ khả năng để lượng định những áp lực tinh thần đang đè nặng trên vai kẻ sĩ trong lúc đất nước rơi vào tay giặc. Thật sự, dù có tin, tôi cũng không nghĩ đến cái chết của người khác vào lúc đó. Nhưng tôi sợ cái chết của bác Vĩnh và cả nhà sẽ khiến bố tôi quyết định cùng gia đình chọn cái chết hơn là sống với chế độ Cộng Sản.

Mẹ tôi lo ngại, lén lấy súng lục và lựu đạn của bố gói trong bao vải ném xuống kinh Nhiêu Lộc. Mẹ tôi chỉ nói ngắn gọn với bố: “Anh muốn làm gì cũng phải bàn với cả nhà, nhất là với mẹ, người sinh ra anh trên đời này”. Bà tôi thấy vậy cũng sợ, bắt chúng tôi bốn đứa âm thầm thay phiên nhau canh chừng bố. May thay sau đó bố tôi đã thoát được những ám ảnh từ gia đình bác Vĩnh.
Trung tá Đặng Sĩ Vĩnh BTL CSQG ngày 30/4/1975 đã tự sát cùng vợ và 7 con.
Những tiếng súng trong căn nhà Trung Tá Vĩnh vang lên như vậy rồi lặng đi. Mãi đến ngày hôm sau, hàng xóm mới phá cửa vào nhà. Tôi chạy theo, hối hả chen vào, để rồi chết lặng khi thấy mình đứng cách những xác chết không đầy một thước. Bố tôi nói không sai. Gia đình bác Vĩnh tự tử thật. Ngoài phòng khách, bác treo bộ quân phục đại lễ oai nghi. Nơi trong phòng, quạt máy trên trần vẫn chạy. Những tấm nệm lấy từ trên lầu xuống được xếp ngay ngắn. Xác của bảy người con bác Vĩnh cũng ngay ngắn. Họ nằm cạnh nhau trên nệm, đầu quay ra cửa. Anh Vinh lớn nhất nằm phía ngoài cùng, bên phải. Hai cô gái sinh đôi nằm ngoài cùng bên trái. Bác Vĩnh gái nằm quay ngang dưới chân các con. Mỗi người có một vết đạn duy nhất ở thái dương. Những vũng máu đông đặc. Bác Vĩnh trai nằm trong tư thế như không được ai sắp xếp cho.

Từ nơi tôi đứng có thể nhìn thấy bàn ăn. Thức ăn còn đầy trong đĩa, trong bát. Những ly nước trên bàn còn một nửa. Mỗi ly đều có một lớp đầy cặn màu trắng. Bác Vĩnh có để lại một lá thư cho ông Đặng Sĩ Toản, anh trai của bác. Trong một lá thư ngắn khác, bác có lời xin lỗi hàng xóm vì quyết định của gia đình bác có thể làm phiền lòng họ. Bác còn xin họ giúp báo tin cho thân nhân của bác để lo chôn cất. Bác cho biết bác còn một ít tiền để trong ngăn kéo.

Ngay buổi tối hôm bác Vĩnh cùng gia đình ra đi, bọn du thủ du thực trong ấp đã cạy cửa vào lục lọi khắp trong nhà bác và lấy hết tiền bạc cùng những gì chúng tìm thấy trước khi thân nhân đến nơi.

Hàng xóm đã làm theo lời bác yêu cầu. Họ báo với ông Đặng Sĩ Toản. Ông Toản báo với bà Hà Thượng Nhân. Chính bà Hà Thượng Nhân đã cùng chị là bà Chấn, chị dâu là bà Tâm, em gái là bà Viên, làm tang lễ vội vàng tiễn đưa gia đình bác Vĩnh ra nghĩa trang Chí Hòa ngày hôm sau.

Quanh xóm tôi, người ta đoán gia đình bác Vĩnh đã uống thuốc ngủ hoặc một chất độc vì nhìn thấy nhiều cặn màu trắng trong những ly nước. Người ta đoán bác Vĩnh là người cuối cùng ra khỏi cuộc đời vì xác bác nằm không ngay ngắn.

Còn tôi, tôi lạnh người trong nhiều năm mường tượng về giây phút cuối cùng của gia đình bác Vĩnh. Tôi thắc mắc đủ điều. Ai là người xướng ra đề nghị cả gia đình cùng tuẫn tiết? Tôi cứ cho rằng chỉ có thể là bác Vĩnh hay anh Vinh. Nhưng bác Vĩnh hay anh Vinh? Người hiền như bác Vĩnh sao đi đến quyết định như vậy? Bác Vĩnh hay anh Vinh có bàn thảo với bác Vĩnh gái trước không? Có nói gì với những người còn lại trong gia đình không? Nói thế nào? Nếu có nói, làm sao có thể thuyết phục người khác cùng chết với mình? Thuyết phục bằng nỗi sợ Cộng Sản? Thuyết phục bằng tình gia đình sống chết có nhau? Thuyết phục bằng lý tưởng không đội trời chung với Cộng Sản? Nếu bác Vĩnh là người ra đi cuối cùng, bác nghĩ gì vào giây phút ấy?

Sau này, người ta lấy nhà bác Vĩnh làm hợp tác xã, rồi phường đội, v.v… Những ai ngủ tại đó không bao giờ dám tắt đèn. Tôi nghĩ bác Vĩnh hiền thế, dọa họ làm chi. Tôi lại ước bác Vĩnh hay các anh chị con bác trở lại thế gian này khóc lóc như những vong hồn thác oan. Với riêng tôi, nếu có thể, hình ảnh gia đình bác không ám ảnh tôi. Thì ít nhất họ cũng thường tình: chết mà không muốn chết nên hiện về phá phách. Nhưng không, chẳng có ai hiện về. Chín thành viên gia đình bác Vĩnh tự tử mà như bằng lòng với chọn lựa của mình. Họ chết cái chết can đảm và chính trực.

Nhưng tại sao người chính trực phải chết thảm cả gia đình? Tiếng súng của gia đình bác Vĩnh từ đó cho tôi cái nhìn trần tục hơn về xã hội chung quanh. Lý giải về người hiền người ác không chỉ có trong cổ tích trời giúp kẻ hiền lương. Nếu trời luôn giúp kẻ hiền, sao cả gia đình bác Vĩnh chỉ còn một đường chết? Niềm tin của tôi không có chỗ dựa vững chãi: Thượng Đế tạo ra con gà, con thỏ xinh xinh, rồi lại tạo ra con cọp, con cáo làm gì? Tôi xét đoán về người đối diện một cách dè dặt hơn, bởi có ai đoán nổi quyết định của bác Vĩnh? Bác Vĩnh hiền còn dám thế, người hung hãn sẽ bán cả trời khi uất hận!

Tôi gõ cửa nhà ông bà Hà Thượng Nhân tìm một giải tỏa cho nỗi ám ảnh của mình. Tôi viết như viết tâm sự của mình khi kể lại chuyện thương tâm của gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh. Hình ảnh anh Vinh và hai chị sinh đôi cùng bốn anh chị em còn lại mặt trắng bệch, mắt nhắm nghiền, máu chảy thành vũng từ thái dương, tóc bay lơ thơ dưới quạt trần, từ nay xin là những đau thương của quá khứ. Chính từ những đau thương ấy, xin cho hiện tại được chăm chút trân trọng hơn. Xin cho tương lai được coi là quan trọng hơn hết khi kính mến những hy sinh, khổ sầu của người đã chết vì vận nước.

Xin thắp một nén nhang cho mỗi người trong gia đình trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh. Xin gửi lời người đã khuất cầu nguyện cho đất nước, và cho chính tôi được nhẹ nhàng.
Hà Nhân
(Bút ký của Nguyễn Hà Tường Anh)

Nguồn: http://www.haingoaiphiemdam.com/Chin-nen-nhang-cho-gia-dinh-Trung-Ta-Dang-Si-Vinh-31156

 
Đại Ca NĂM VĨNH VNCH - Biến Sư Đoàn 23 Thành Đàn Em Giang Hồ, Lộng Hành Vùng 2 Chiến Thuật

Cùng khách quan nhìn lại chế độ "Việt Nam Cộng hòa"

Cập nhật, 06:14, Thứ Hai, 09/05/2016 (GMT+7)
30/4 là đại thắng vinh quang và đường hoàng của cả dân tộc. Thế nhưng một số người ở hải ngoại vẫn chưa thấu hiểu điều này.
Cứ đến dịp lễ 30/4 hàng năm, người dân Việt Nam lại phấn khởi kỷ niệm chiến thắng chung của toàn dân tộc trước các thế lực ngoại xâm – chiến thắng vĩ đại đã giúp non sông thu về một mối.
Chiến thắng này đã nối tiếp chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như các chiến thắng hào hùng khác của cha ông ta thời Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền,…
Tranh cổ động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam (ảnh: Tapchithethao)
Tranh cổ động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam (ảnh: Tapchithethao)
Mặc dầu vậy, một bộ phận nhỏ người gốc Việt sống ở nước ngoài lại hậm hực coi dịp 30/4 là “ngày hận, tháng đen” và tổ chức kỷ niệm sự kiện này theo cách riêng của họ.
Có lẽ do chưa thấm hết lịch sử Việt Nam hoặc bị các thế lực hắc ám nào đó lừa phỉnh nên họ vẫn coi cuộc kháng chiến chống Mỹ như một cuộc nội chiến. Theo họ, cái chính thể mang tên “Việt Nam Cộng hòa” là hoàn toàn hợp pháp và sự sụp đổ của chế độ đó là do sự “cưỡng chiếm” từ miền Bắc.
Trước các luận điệu hoặc ngộ nhận này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử và làm một cuộc “giải phẫu” chế độ Việt Nam Cộng hòa cùng hai công cụ bạo lực của nó là Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa để thấy rõ bản chất của nó và những sự thật mười mươi.
Chính quyền bất hợp pháp
Có thể nói, ngay từ đầu, chính thể “Việt Nam Cộng hòa” đã không có một cơ sở pháp lý vững vàng nào. Mãi tới tận năm 1955 nó mới ra đời và ra đời một cách bất hợp pháp trên nửa lãnh thổ phía nam của Việt Nam như một “sáng tạo” thuần túy của người Mỹ nhằm theo đuổi các mục tiêu phản ánh lợi ích riêng của họ (thị trường Đông Nam Á, gia tăng ảnh hưởng ở vị trí chiến lược, ngăn chặn làn sóng xã hội chủ nghĩa…).
Trong khi đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập một cách chính danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945 sau cuộc Cách mạng tháng Tám của muôn triệu con dân đất Việt trước khi bất kỳ một lực lượng quân Đồng minh nào vào giải giáp quân Nhật.
Ngay trong năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu trên toàn quốc với sự tham gia của đông đảo đồng bào và đã có bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua – hai sự kiện này đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà nước dân chủ mới khai sinh.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành những sắc lệnh, những văn bản pháp lý đầu tiên khẳng định nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc chí Nam.
Không những vậy, sau năm 1954 nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu) vẫn chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử sòng phẳng trên tinh thần hòa hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Tuy nhiên cả phía Mỹ và cái gọi là Việt Nam Cộng hòa đều kiên quyết từ chối thiện chí đó!
Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam chỉ tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và không phải là biên giới quốc gia. Theo Hiệp định này, hai bên sẽ tiến hành hiệp thương để thống nhất đất nước trong năm 1956.
Tuy nhiên ông Ngô Đình Diệm - do CIA (Mỹ) “tìm thấy” và đưa về Việt Nam làm Thủ tướng của chính phủ bù nhìn Bảo Đại - đã tuyên bố không có tổng tuyển cử gì hết, trắng trợn vi phạm Hiệp định Geneva, và đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc.
Thời đó, người Mỹ và phe cánh của ông Diệm lo sợ uy tín to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Đảng Lao động Việt Nam và tin rằng nếu tiến hành bầu cử tự do, Hồ Chí Minh sẽ giành được tới 80% số phiếu.
Do vậy ông Diệm với sự giúp đỡ của người Mỹ đã phải sử dụng nhiều “mưu hèn kế bẩn” để củng cố quyền lực của mình (với tư cách là Thủ tướng), rồi gian lận trong cuộc “trưng cầu dân ý” để hạ bệ luôn Quốc trưởng Bảo Đại, dựng lên “Việt Nam Cộng hòa” với Diệm làm Quốc trưởng và sau đó là Tổng thống.
Tiếp đó, ông Diệm áp dụng nhiều chiêu thức man rợ để tàn sát những người kháng chiến cũ và những người yêu nước chân chính, khủng bố tinh thần của nhân dân, củng cố chính quyền phản động của mình, công khai phá hoại Hiệp định Geneva, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước.
Cảnh chính quyền “Việt Nam Cộng hòa” xử bắn sinh viên Lê Văn Khuyên ngày 29/1/1965 ngay trên đường phố Sài Gòn (ảnh: Tư liệu)
Cảnh chính quyền “Việt Nam Cộng hòa” xử bắn sinh viên Lê Văn Khuyên ngày 29/1/1965 ngay trên đường phố Sài Gòn (ảnh: Tư liệu)

Sau khi đã củng cố vững chắc chính quyền, Ngô Đình Diệm đã cho tiến hành “cải cách điền địa” với nội dung ngược với “cải cách ruộng đất” (mục tiêu dân cày có ruộng) mà cách mạng đã tiến hành trước đó.
Với “cải cách điền địa”, ông Diệm đã tước đoạt đất đai của nông dân và khôi phục lại giai cấp địa chủ, tạo thêm chỗ dựa xã hội cho chế độ. Cho nên, sau này dù có mị dân đến mấy, chính quyền này cũng không giành được sự ủng hộ ở nông thôn.
Về bản chất chính trị, “Việt Nam Cộng hòa” đại diện cho các tầng lớp tư sản mại bản và phong kiến thân Mỹ.
Nền tảng trực tiếp cho sự ra đời của Việt Nam Cộng hòa là chính thể “Quốc gia Việt Nam” (1949-1955) – đây là một chế độ bù nhìn do Pháp lập nên trong thời kỳ kháng Pháp và do cựu hoàng Bảo Đại (mất ngôi hoàng đế sau Cách mạng tháng Tám) làm quốc trưởng. Quốc kỳ “ba que” của Việt Nam Cộng hòa cũng chính là quốc kỳ của “Quốc gia Việt Nam” được Pháp “trao trả độc lập”.
Như vậy, ngay từ đầu, chính thể này đã phạm nhiều tội ác và mang “gene” Việt gian rất rõ nét, từ “từng lỗ chân lông” của mình.
Bước chuyển từ “Quốc gia Việt Nam” sang “Việt Nam Cộng hòa” là bước chuyển từ làm tay sai cho thực dân Pháp sang làm tay sai cho đế quốc Mỹ.
Theo thời gian, chính thể Việt Nam Cộng hòa ngày càng thối nát với tệ nạn tham nhũng, các cuộc đấu đá nội bộ và các cuộc đảo chính quân sự. Chế độ này không đại diện cho dân tộc và trên thực tế đã bị nhân dân và lịch sử quay lưng lại.
Còn tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rất cao, nên Mỹ không thể lấy cớ để lôi kéo quân của Liên Hợp Quốc vào lãnh thổ Việt Nam tham chiến như đã từng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Quân đội, cảnh sát mang gốc gác thực dân
Chính thể Việt Nam Cộng hòa là phi pháp nên các công cụ bạo lực của nó cũng chỉ là lực lượng phản dân hại nước, đang tâm làm tay sai cho các thế lực ngoại bang.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa thường khoe là chiến đấu cho tự do. Tuy nhiên quân đội này lại phát xuất từ chính lực lượng ngụy quân đã sát cánh bên quân đội viễn chinh Pháp dưới lá cờ tam tài! Đa phần các tướng lĩnh cao cấp của quân đội Sài Gòn đều đã từng phục vụ trong quân đội Pháp hoặc quân đội “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại để bảo vệ nền thống trị của người Pháp ở Đông Dương.
Viên tướng tư lệnh Phạm Văn Phú, kẻ đã bại trận thảm hại tại chiến trường Tây Nguyên năm 1975, cũng từng là lính Việt chiến đấu hăng hái bên các chiến hữu Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Tại Điện Biên, ông Phạm Văn Phú khi đó si mê hát Quốc ca Pháp, hô hào các binh sĩ ngụy khác đánh trả quân Việt Minh của tướng Võ Nguyên Giáp.
Cái gọi là “Cảnh sát Quốc gia” của chế độ ngụy cũng không hơn. Nó bắt nguồn từ lực lượng cảnh sát và mật thám của Pháp tại Đông Dương từ năm 1946. Tướng Nguyễn Ngọc Loan - Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia ngụy, kẻ đã dùng súng lục bắn thẳng vào đầu một tù binh cộng sản ngay trước ống kính máy ảnh và máy quay phim của phóng viên ngoại quốc trên đường phố Sài Gòn năm 1968 - xuất thân là quân nhân trong quân đội Liên hiệp Pháp.
Người dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng tháng 4/1975 (ảnh: Báo chí nước ngoài)
Người dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng tháng 4/1975 (ảnh: Báo chí nước ngoài)

Khu vực Dinh
Khu vực Dinh "Độc lập" vào ngày 30/4/1975 (ảnh: Tư liệu)
Đến khi đổi chủ, hai lực lượng này lại hết lòng với các quan thầy Mỹ. Dù người ta có ngụy biện đến thế nào cũng không thể phủ nhận bản chất tay sai của quân đội và cảnh sát ngụy.
Cả quân lực và cảnh lực ngụy đã tham gia vào những chiến dịch “diệt cộng” rất dã man, trên tinh thần “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Thời Diệm, với luật 10/59, máy chém được lê khắp miền Nam để chặt đầu người cộng sản và làm họ lung lạc ý chí.
Trong “cuộc chiến vì tự do”, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã sát cánh và tiếp tay cho “ông chủ” của mình là quân viễn chinh Mỹ - những kẻ đã phạm nhiều tội ác phi nhân tính như hãm hiếp phụ nữ Việt Nam, thảm sát dân thường (tiêu biểu có trường hợp Mỹ Lai), sử dụng chất độc da cam, sử dụng bom napalm và các loại bom chùm có sức sát thương tàn bạo…
Với những đòn nhục hình gần như chỉ để triệt hạ các tù binh cộng sản (đóng đinh vào đầu, đục răng, đục xương bánh chè, luộc sôi người, đốt cơ quan sinh dục…), nhà tù Phú Quốc - địa ngục trần gian do quân đội Sài Gòn tạo ra (sau khi học hỏi kinh nghiệm của chuyên gia Mỹ) - là minh chứng hùng hồn cho những vi phạm nhân quyền và những tội ác kiểu trung cổ trời không dung đất không tha của chế độ ngụy.
Quân đội ngụy hoàn toàn được đào tạo theo lối Mỹ, được trang bị cực tốt và đầy đủ, có hỏa lực mạnh và sức cơ động cao, hoạt động cực kỳ tốn kém theo kiểu Mỹ và bằng ngân sách Mỹ.
Đã vậy, khi tác chiến quân đội Sài Gòn còn nhận được sự cố vấn của chuyên gia quân sự Mỹ và sự hỗ trợ tối đa về hỏa lực và hậu cần từ phía quân đội Mỹ. Nói cách khác, quân đội Sài Gòn là một đội quân đánh thuê cho đế quốc Mỹ và được Mỹ ưu ái đầu tư bài bản.
Tuy nhiên, có một thứ mà chính người Mỹ cũng thừa nhận là họ không thể mang đến cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa được – đó là tinh thần chiến đấu quả cảm và sự mưu trí sáng tạo.
Với bản chất đánh thuê (và cả chết thuê nữa), quân đội Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, thiếu lý tưởng, không thể đại diện cho dân tộc Việt Nam và cũng không thể kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc.
Đến khi Mỹ rút viện trợ và ngưng yểm trợ thì quân đội này (cùng với chính thể Việt Nam Cộng hòa) suy sụp nhanh chóng, không còn biết “đánh đấm gì nữa”, chẳng khác nào “bệnh nhân bị rút ống thở”.
Trong đợt tổng công kích của quân giải phóng năm 1972, quân ngụy Sài Gòn trụ vững được phần lớn là nhờ Hoa Kỳ đã yểm hộ tối đa cho họ bằng phi pháo và oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Đến năm 1975, khi bị người Mỹ bỏ rơi thì họ đã không thể chống đỡ nổi các đòn tiến công dũng mãnh của quân giải phóng.
Sau khi trúng đòn điểm huyệt ở Buôn Ma Thuột, dù lực lượng vẫn đông và vũ khí còn nhiều (hơn hẳn quân giải phóng) nhưng quân đội ngụy ở Tây Nguyên đã nhanh chóng rã đám do thiếu mưu lược và do sĩ quan của họ chỉ mải lo cho gia đình mình và di tản một cách hỗn loạn, khiến thế trận của ngụy quyền ở toàn bộ Tây Nguyên sụp đổ.
Một số kẻ cố bào chữa cho ngụy quyền Sài Gòn, cho rằng nếu quân đội Sài Gòn đánh thuê cho Mỹ thì quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động theo chỉ đạo của Liên Xô.
Vế thứ 2 của luận điệu trên là hoàn toàn không đúng. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao và kết hợp nhuần nhuyễn hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ quý báu của nhân dân các nước XHCN nhưng không bao giờ ỷ lại vào đó.
Trong tác chiến, quân đội nhân dân Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm và lý luận quân sự của nước khác nhưng là trên tinh thần độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, xuất phát từ thực tiễn dân tộc và đất nước (trường hợp thay đổi phương châm tác chiến tại Điện Biên Phủ là một ví dụ điển hình).
Và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không để cho quân đội nước bạn nào vào lãnh thổ để tham chiến bên cạnh mình. Trong khi đó, Việt Nam Cộng hòa đã để cho nửa triệu quân Mỹ và nhiều quân chư hầu của Mỹ vào giày xéo đất nước.
Nếu xét về viện trợ thì những gì mà Liên Xô và Trung Quốc cung cấp cho Quân đội Nhân dân tuy lớn nhưng đâu thấm tháp so với khối lượng khổng lồ tiền bạc, vũ khí và quân cụ mà Mỹ đổ vào quân đội Sài Gòn.
Nên nhớ, trong hoàn cảnh thời đó, mức lương của một sĩ quan ngụy rất cao, đủ nuôi sống cả gia đình họ.
Tất nhiên, Quân lực Việt Nam Cộng hòa bao gồm những người con đất Việt máu đỏ da vàng, mang trong mình các nét văn hóa Việt.
Tuy nhiên họ đã không phát huy được sức mạnh của văn hóa và truyền thống tổ tiên, vì họ đã sống trong môi trường tha hóa và thiếu chính danh của Việt Nam Cộng hòa, đã lầm đường lạc lối, đã bị lừa dối, bị ép buộc, hoặc đơn giản là hành động chỉ vì miếng cơm manh áo.
Lòng dân
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lòng dân luôn hướng về Đảng Cộng sản Việt Nam, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam.
Trong suốt thời gian tồn tại của mình, dù nhiều lần hô hào Bắc tiến nhưng quân đội Sài Gòn chưa bao giờ có khả năng đưa lục quân ra miền Bắc XHCN, ngược lại họ luôn trong thế phòng ngự.
Nhân dân Sài Gòn vui mừng chào đón các chiến sĩ giải phóng tháng 4/1975 (ảnh: Tư liệu)
Nhân dân Sài Gòn vui mừng chào đón các chiến sĩ giải phóng tháng 4/1975 (ảnh: Tư liệu)
Trong thời kỳ 1955-1975, không có một quân đội thứ 2, một chính quyền thứ 2 ở miền Bắc, cũng không có biểu tình và các lực lượng chống đối ở miền Bắc.
Nếu có thì đó chỉ là các toán gián điệp-biệt kích do Mỹ-ngụy tung ra Bắc nhưng các nhóm này đều nhanh chóng bị cơ quan an ninh cách mạng bắt gần như toàn bộ với sự trợ giúp của quần chúng.
Điều duy nhất Mỹ-ngụy có thể làm là đưa máy bay vượt vĩ tuyến 17 ném bom phá hoại miền Bắc XHCN, giết hại dân thường.
Trong khi đó, ở miền Nam dưới ách Mỹ-ngụy, liên tục diễn ra các cuộc biểu tình của dân chúng, của Phật giáo, sinh viên, trí thức, ký giả…, các hoạt động đấu tranh vũ trang rộng khắp của quần chúng phá thế kìm kẹp ở nông thôn (như phong trào đồng khởi ở Bến Tre và toàn Nam bộ).
Nằm ngay cửa ngõ Sài Gòn là khu “đất thép” Củ Chi của các du kích và quân giải phóng miền Nam, tồn tại bao năm như cái gai thách thức chế độ Mỹ-ngụy, những kẻ đã trút xuống đó vô số bom đạn và mở nhiều cuộc càn quét sử dụng các loại vũ khí tối tân nhưng không tài nào khuất phục được ý chí của quân dân Củ Chi.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đã giáng một đòn mạnh vào Mỹ-ngụy, làm cho Mỹ nhận ra rằng họ không thể thắng ở miền Nam Việt Nam, đồng thời chỉ cho thế giới thấy chính thể Việt Nam Cộng hòa mất lòng dân đến mức nào.
Vì rõ ràng, những người cộng sản không thể tiến hành một cuộc tấn công đồng loạt, rộng khắp và mãnh liệt trong thời gian dài như vậy (trên toàn đô thị miền Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn) nếu thiếu sự che chở bao bọc của đông đảo nhân dân.
Nếu cái gọi là Việt Nam Cộng hòa thực sự hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ thì có lẽ sẽ không xuất hiện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (vào năm 1960), cùng với lực lượng Quân Giải phóng miền Nam (năm 1961), rồi sau đó là chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (vào năm 1969) ngay trên phần đất của miền Nam Việt Nam, với nhân lực chính là người miền Nam, nói giọng miền Nam.
Như vậy ở phía nam vĩ tuyến 17 đã hình thành 2 vùng kiểm soát với 2 quân đội tương ứng, khiến cho tính hợp pháp và chính danh của chế độ Việt Nam Cộng hòa vốn đã kém lại càng bị thách thức nghiêm trọng.
Nhân dân Sài Gòn vui vẻ chào đón và hỏi han các chiến sĩ giải phóng quân ngày 30/4/1975 (ảnh: Tư liệu nước ngoài)
Nhân dân Sài Gòn vui vẻ chào đón và hỏi han các chiến sĩ giải phóng quân ngày 30/4/1975 (ảnh: Tư liệu nước ngoài)
Thậm chí ngay cả ở những vùng Mỹ-ngụy chiếm giữ, vẫn tồn tại song song hai hệ thống chính quyền, hai lực lượng. Một bên là chế độ ngụy công khai, một bên là các đảng bộ cộng sản cùng các đơn vị công an và bộ đội địa phương hoạt động ngầm tương ứng với các đơn vị hành chính.
Ý Đảng luôn thống nhất với lòng dân, các đảng viên kiên định bám sát quần chúng như cá với nước. Địch phải liên tục đối phó với chiến tranh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân ở khắp nơi.
Ngay giữa Sài Gòn, kẻ địch thường xuyên phải căng thẳng vì những trận đánh xuất quỷ nhập thần của biệt động Sài Gòn (thuộc quân đội nhân dân) và lực lượng an ninh T4 (thuộc công an nhân dân).
Hệ thống cảnh sát ngụy dù dày đặc và rất hung hãn nhưng không thể cản ngăn phong trào đấu tranh của quần chúng, không thể bắt hết cán bộ cách mạng được nhân dân bảo vệ.
Ngược lại, chính lực lượng tình báo cách mạng đã xâm nhập hết sức hiệu quả vào bộ máy an ninh tình báo ngụy và hệ thống chính quyền ngụy, kể cả ở cấp cao nhất.
Trước giờ cáo chung, ngụy quyền còn tuyên truyền quân giải phóng sẽ dìm Sài Gòn trong biển máu. Nhưng cuối cùng thì không có cuộc tắm máu nào như thế cả.
Ngược lại, những người hạ vũ khí về với nhân dân đã nhận được sự khoan hồng của cách mạng. Các hình ảnh do chính phóng viên ảnh và quay phim nước ngoài ghi lại đã cho thấy quần chúng hồ hởi đón chào quân giải phóng đến nhường nào trong trưa 30/4/1975 tại Sài Gòn.
Như vậy, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng cuộc Chiến tranh Việt Nam 1955-1975 không phải là nội chiến mà là cuộc kháng chiến chính nghĩa do toàn dân tiến hành chống lại ngoại xâm và tay sai của ngoại bang./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN
 
Tướng Thủy Quân Lục Chiến Khét Tiếng Nhất Đất Mỹ Đã "Vùi" Binh Nghiệp Tại Việt Nam Thế Nào

Nhìn lại 4 năm binh nghiệp của tướng Westmoreland

Nếu cần chọn một chi tiết để tổng kết cuộc đời binh nghiệp của tướng Mỹ William Childs Westmoreland giai đoạn phục vụ chiến trường Việt Nam, có thể nói ngắn gọn rằng, ông ta là người ngoan cố và siêu ảo tưởng.

Tướng William Westmoreland đã từ trần vào thứ hai 18/7/2005 (thọ 91 tuổi). Được xem là người hùng của quân đội Mỹ từ Thế chiến thứ II, Westmoreland là một trong những người ủng hộ thuyết domino về nguy cơ lan rộng Cộng sản tại Đông Nam Á. Năm 30 tuổi, Westmoreland đã đeo lon đại tá. Với tư cách Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo binh 34 đương đầu trực tiếp với tướng Đức Erwin Rommel, Westmoreland giành được sự ngưỡng mộ và kính trọng trong hàng ngũ binh sĩ Mỹ.

Trong cuộc chiến Triều Tiên, Westmoreland được phong lon thiếu tướng và sau đó được điều về Lầu Năm Góc làm việc dưới quyền Tổng tư lệnh Lục quân Maxwell Taylor. Năm 1960, Westmoreland giám sát Học viện quân sự Mỹ West Point. Năm 1964, Westmoreland được cử sang Việt Nam, với cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cố vấn quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam. Trong 4 năm Westmoreland có mặt tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã tăng từ 20.000 cố vấn năm 1964 lên 500.000 quân năm 1968.

Cuộc chiến “riêng” của Westmoreland

Chiến thuật cốt lõi của Westmoreland là tận dụng tối đa hỏa lực. Pháo giội ào ạt, bom thả như mưa và đạn bắn như vãi cát. Lính Mỹ được chia thành từng đơn vị từ 750 quân trở lên cho từng đợt chiến dịch “tìm diệt”. Một trong những kế hoạch đáng kể nhất là OPLAN 34-A do một nhóm “siêu mật” mang tên “Ủy ban 303” thai nghén (nhóm này thường gặp nhau tại phòng 303 thuộc Tòa nhà văn phòng điều hành kế cận Nhà Trắng). Ủy ban 303 nằm dưới sự điều khiển của Tham vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy và dưới trướng gồm các nhân vật chủ chốt của chính phủ, Lầu Năm Góc và CIA.

Tháng 1/1964, Ủy ban 303 chuẩn y chương trình phá hoại Bắc Việt, bao gồm những hành động chính như rải truyền đơn, đánh tàu thuyền miền Bắc vận chuyển hàng hóa - vũ khí vào miền Nam, chuẩn bị thực hiện giội bom xuống 94 cứ điểm ở miền Bắc đã được phác thảo... Ngày 1/2/1964, Tổng thống Lyndon B. Johnson phê chuẩn chương trình hành động thử nghiệm 4 tháng, trong đó, nổi cộm là các điệp vụ do thám mang mật danh DeSoto (xâm nhập hải phận Bắc Việt với sự thực hiện của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ).

Sau OPLAN 34-A, tướng Westmoreland yêu cầu đánh mạnh vào phòng tuyến Bắc Việt. Ngày 2/3/1965, Mỹ tung ra hơn 100 máy bay cường kích thả bom xuống Bắc Việt Nam. Tháng 4/1965, Tổng tham mưu trưởng Mỹ Earle Wheeler nói với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara rằng, những cuộc không kích như thế chẳng làm thiệt hại Bắc Việt bao nhiêu và Hà Nội vẫn “tiếp tục duy trì quyết tâm của mình”.

Bởi thế, cần phải áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa. Giải pháp B-52 ra đời. Ngày 8/3/1965, các tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ lần đầu tiên đặt chân lên một vùng đất châu Á (Đà Nẵng) kể từ sau cuộc chiến Triều Tiên. Cho đến thời điểm này, tỏ ra nóng nảy trước hiệu quả không đáng kể từ các cuộc không kích Bắc Việt, Johnson triệu tập các tướng nói rằng, ông cần những “ý tưởng và giải pháp mới mẻ” chứ không phải là các đề nghị đánh bom. Đồng thời, Johnson cung cấp cho Westmoreland một “chi phiếu khống”, ý nói rằng Chính phủ Mỹ “hoàn toàn không hạn chế về ngân sách, trang thiết bị cũng như lực lượng quân sự” để đáp ứng cho cuộc chiến Việt Nam.

Năm 1967, tại Washington DC, Westmoreland hồ hởi phát biểu: “Chúng ta đã đến một chặng quan trọng” và bắt đầu nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Vài tuần sau, sự kiện Mậu Thân nổ ra! “War hits Saigon” (Chiến sự bùng nổ tại Sài Gòn) - hàng tít khổng lồ trên trang nhất tờ The News - xuất hiện tại Washington vào buổi trưa. Những hình ảnh kinh hoàng hiện trên truyền hình vào buổi chiều khiến nước Mỹ thêm bàng hoàng. Gần 6 tiếng rưỡi sau vụ tấn công, Mỹ tuyên bố khu vực Tòa đại sứ an toàn và tướng William Westmoreland xuất hiện trước ống kính phóng viên. Khi nghe tuyên bố tái lập trật tự của Westmoreland, dân Mỹ cũng nghe tin rằng, chỉ huy sở của Westmoreland tại  sân bay Tân Sơn Nhất đã bị nện nát. Hỏa tiễn Việt Cộng cũng phóng trúng bộ chỉ huy của tướng Frederick C. Weyand.

Sáng hôm sau, Tổng thống Johnson ra lệnh Westmoreland thực hiện chiến dịch tung hỏa mù nhằm vào báo chí Mỹ tại Sài Gòn “để bảo đảm rằng ông (Wesmoreland) kiểm soát hoàn toàn tình hình ở đó”. Sự kiện Mậu Thân là thất bại cuối cùng trong loạt thất bại của tướng Westmoreland tại Việt Nam.

Thất bại Mậu Thân chấm dứt sự nghiệp Westmoreland tại Việt Nam

Trong quyển CIA and the Vietnam Policymakers: Three episodes 1962-1968, tiến sĩ Harold P. Ford (nguyên viên chức cấp cao CIA, thuộc Văn phòng đánh giá quốc gia, nơi thu thập và mổ xẻ thông tin về chiến trường Việt Nam thập niên 60) cho biết, sự kiện Mậu Thân 1968 là kết quả của sai lầm không chỉ tình báo quân đội mà cả MACV (Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam).

Cùng sếp Westmoreland, MACV đánh giá sai nghiêm trọng thực lực bộ đội Việt Nam. Thứ nhất, MACV cho rằng, bộ đội Việt Nam tổn thất nhiều bởi các cuộc oanh kích của Mỹ; thứ hai, MACV dựa vào các con số khảo sát bịp của chính quyền Sài Gòn; và thứ ba, MACV tin các tài liệu tịch thu cũng như lời khai của vài kẻ bị bắt. Cùng lúc, MACV gần như không quan tâm đến tin tình báo do Văn phòng CIA Sài Gòn cung cấp. Trong thực tế, chỉ huy trưởng MACV Westmoreland đã lừa Nhà Trắng và cả sếp mình (Bộ trưởng Quốc phòng McNamara) và đó là lý do tại sao McNamara tập hợp một nhóm nhỏ bí mật, vào tháng 6/1967, với nhiệm vụ thu thập và lập Bộ tài liệu Lầu Năm Góc để nắm rõ hơn về tình hình Việt Nam (mà sau này bộ tài liệu lọt đến báo New York Times và được đăng vào tháng 6/1971).

Tại Sài Gòn, trợ lý đặc biệt CIA George Carver luôn gặp cảnh MACV miễn cưỡng hợp tác. Hóa ra, vấn đề còn mang tính chính trị. Cả Westmoreland lẫn Đại sứ Ellsworth Bunker bóng gió nói với Carver rằng quân đội không thể báo cáo toàn bộ sự thật về Washington. Một lần, Ellsworth Bunker gửi bức điện tuyệt mật (đóng dấu “Eyes Only”) về Nhà Trắng, cho biết hậu quả sẽ “rất kinh khủng, nếu rò rỉ thông tin rằng chúng ta không thành công trong việc nghiền nát Cộng quân”. Tại Washington, Cố vấn An ninh quốc gia Walt Rostow cũng rỉ tai Tổng thống Johnson nội dung tương tự.

Ngày 21/11/1967, trong buổi nói chuyện tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia ở Washington DC, Westmoreland trình bày: “Tôi tin chắc kẻ thù đang thua. Họ không chiến thắng bất kỳ trận lớn nào trong hơn một năm qua... Sức mạnh kẻ thù đang đuối...”.

Sau sự kiện Mậu Thân, Westmoreland yêu cầu Nhà Trắng bổ sung 200.000 quân (vét hết lực lượng quân dự bị Mỹ). Tổng thống Lyndon Johnson trì hoãn, triệu hồi Westmoreland về nước vào tháng 7/1968, phong chức Tư lệnh Bộ binh. Và như vậy 4 năm với nhiều nốt trầm hơn thăng của Westmoreland tại Việt Nam đã chính thức kết thúc.

“Ông ấy (Westmoreland) là  người lính có học, đọc rất nhiều sách” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời sử gia Stanley Karnow năm 1990 - “Tuy nhiên, ông ấy đã sai lầm sau sự kiện Mậu Thân khi yêu cầu tăng viện thêm 206.000 quân. Ông ấy có thể mang đến Việt Nam thêm 300.000 hoặc thậm chí 400.000 quân thì tình hình cũng chẳng khác đi được”.

Năm 1972, Westmoreland nghỉ hưu. Năm 1982, Hãng truyền hình CBS tung ra phim tài liệu The Uncounted Enemy: A Vietnam Deception, nội dung rằng Westmoreland đã đạo diễn nhiều trò bịp và thao túng thông tin tình báo về thực lực quân sự Bắc Việt để thuyết phục nước Mỹ tin rằng lực lượng Bắc Việt “yếu kém” không thể đương đầu được với quân đội Mỹ. Westmoreland kiện CBS, đòi bồi thường 120 triệu USD (vụ kiện được nhà tài phiệt Richard Mellon Scaife tài trợ). Bốn tháng sau, Westmoreland rút lui, tuyên bố “chiến thắng”, như cách ông từng "tuyên bố" đối với cuộc chiến Việt Nam!

Theo Lê Thảo Chi
An ninh thế giới
 
Chân Dung 4 Đại Tướng Lừng Danh Thế Giới Bại Trận Ê Chề Dưới Chân Tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét