Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

BÍ ẨN KHẢO CỔ 56/b

(ĐC sưu tầm trên NET)

 
Top 10 Địa Điểm Bí Ẩn Trên Trái Đất Chưa Từng Được Khám Phá

Những di tích kỳ bí - Kỳ 5: Khu lăng mộ bí ẩn

0
Khu di tích Gò Lăng (ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, H.Tây Sơn, Bình Định) được các nhà nghiên cứu và người dân địa phương nghi ngờ là khu lăng mộ của nhà Tây Sơn.



Ông Mai Văn Châu bên lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn đang bị hoang phế
Ông Mai Văn Châu bên lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn đang bị hoang phế
Lăng mộ 'ông nội vua nước Việt'
Đầu năm 2013, trong lần trở lại viếng lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn (ở thôn Phú Lạc) - ông nội của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (90 tuổi, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã bật khóc khi chứng kiến cảnh hoang phế. Theo cụ Liễn, dù đã được phát hiện hơn 20 năm qua, nhưng ngành văn hóa tỉnh Bình Định ngoài việc công nhận là di tích cấp tỉnh vào cuối năm 2012 vẫn chưa có động thái nào đáng kể trong việc trùng tu, bảo vệ ngôi mộ cổ này.
Tháng 4.1990, trong quá trình đào đất đắp đường, người dân địa phương phát hiện được một tấm bia mộ làm bằng đá (cao 125 cm, rộng 68,5 cm, dày 13 cm) nằm sâu dưới đất ruộng ở làng Phú Lạc. Trên tấm bia có 3 dòng chữ Hán, được nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đọc và dịch nghĩa. Dòng chính giữa có 15 chữ lớn đọc là “Việt Cố Hoàng Hiển Tổ Khảo Cang Nghị Mưu Lược Minh Triết Công Chi Lăng”, nghĩa là: Lăng mộ ông nội đã qua đời của nhà vua nước Việt, ông là một vị minh triết, mưu lược, cương nghị. Dòng chữ nhỏ bên phải đọc là “Tuế thứ Kỷ Hợi Trọng Xuân Cốc Nhật”, nghĩa là: Ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi. Dòng chữ nhỏ phía trái là “Ngự Chế”, nghĩa là: Nhà vua lập bia.
Tấm bia này được xác định là của ngôi mộ cổ cách đó khoảng 15 m. Ngôi mộ cổ nằm trên một gò cao khá rộng, chung quanh là ruộng lúa, chính giữa chân mộ còn dấu vết chỗ cắm bia đã bị gỡ từ trước. Mộ có 2 vòng thành trong, vòng ngoài, giữa hai vòng cách nhau 60 cm, cách mộ chừng 4 - 5 m còn dấu vết một vòng thứ ba. Ngôi mộ cổ này nằm cách di tích Gò Lăng, nơi có nền và vườn nhà của ông bà Hồ Phi Tiễn và bà Nguyễn Thị Đồng (được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988) khoảng 500 m.




Tấm bia trên lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn - d
Tấm bia trên lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn - Ảnh: Hoàng Trọng
Qua nghiên cứu tấm bia và nhiều tư liệu lịch sử khác, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn xác định ngôi mộ cổ là lăng mộ của ông Hồ Phi Tiễn. Lăng mộ này do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc xây dựng vào năm 1779 (năm Kỷ Hợi), sau khi lên ngôi hoàng đế chừng mấy tháng. Tổ tiên của Nguyễn Nhạc là ông Hồ Phi Long, từ xứ Nghệ vào Bằng Châu (Bình Định) phối hôn với bà họ Đinh (người Bằng Châu) sinh ra ông Hồ Phi Tiễn. Ông Tiễn lên Phú Lạc buôn trầu, hôn phối với bà Nguyễn Thị Đồng (con một gia đình giàu có ở Phú Lạc) rồi cất nhà ở luôn bên vợ.
Ông Tiễn và bà Đồng sinh được một con trai là Hồ Phi Phúc, về sau đổi họ thành Nguyễn Phi Phúc. Ông Nguyễn Phi Phúc hôn phối với bà Mai Thị Hạnh (tức bà tổ cô của Mai Xuân Thưởng), sinh hạ được ba con trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. “Lý do đổi họ Hồ thành họ Nguyễn không phải vì nguyên nhân chính trị như lâu nay người ta nói mà chính vì lý do kinh tế. Bà Nguyễn Thị Đồng là con gái độc nhất của gia đình, để đủ tư cách kế thừa hợp pháp món gia tài của cha mẹ bà để lại nên bà Đồng bàn với ông Hồ Phi Tiễn đổi họ con từ Hồ thành Nguyễn, nghĩa là theo họ mẹ. Nhiều ý kiến nói bà Đồng là mẹ của 3 anh em nhà Tây Sơn là không chính xác, phải là bà nội mới đúng”, cụ Vũ Ngọc Liễn khẳng định.
Còn nhiều lăng mộ chưa phát hiện ?
Di tích lăng mộ ông Hồ Phi Tiễn và di tích Gò Lăng hiện do ông Mai Văn Châu (62 tuổi, ở thôn Phú Lạc) trông coi. Ông Châu là con cháu dòng họ của bà Mai Thị Hạnh. Theo ông Châu, gia đình họ Mai dời đến ở tại khu vực Gò Lăng đã hơn 4 đời. Khi mới đến, khu vực Gò Lăng vốn bỏ hoang, cây cối rậm rạp, trong quá trình phát dọn thì họ Mai phát hiện được ngôi mộ cổ mà sau này được xác định là của ông Hồ Phi Tiễn. Người họ Mai tự nguyện trông coi và chọn ngày mồng một tết cúng cơm ngôi mộ, tục lệ này tồn tại cho đến ngày nay. “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã nghe các cơ quan chức năng có kế hoạch trùng tu ngôi mộ của ông (cụ Hồ Phi Tiễn - PV) nhưng đâu thấy động tĩnh gì. May mà người dân chúng tôi rất có ý thức bảo vệ mộ ông chứ không thì nó sẽ bị xâm hại, xuống cấp hơn nữa”, ông Châu nói.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, ngôi mộ ông Hồ Phi Tiễn là ngôi mộ duy nhất của dòng họ nhà Tây Sơn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngôi mộ này đã tránh được những đòn trả thù tàn bạo của vua Gia Long Nguyễn Ánh là nhờ người thời đó có công chôn giấu bia mộ một cách chu đáo. Hiện tấm bia này đã được mang về Bảo tàng Quang Trung để lưu giữ, trưng bày. “Xung quanh khu vực Gò Lăng có thể còn nhiều ngôi mộ cổ khác liên quan đến dòng họ nhà Tây Sơn nhưng đang bị vùi lấp dưới đồng ruộng cũng nên. Dân gian lưu truyền địa danh Gò Lăng mà chỉ có một lăng mộ và một cái miếu cổ nhỏ bé gọi là miếu Gò Lăng thì cũng hơi vô lý. Lăng mộ của cụ Hồ Phi Tiễn ở đây còn lăng mộ của bà Nguyễn Thị Đồng ở đâu? Khu di tích Gò Lăng phải được tiếp tục đầu tư nghiên cứu”, cụ Vũ Ngọc Liễn nói.
Tại gò Thỏ (ở thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, H.Phù Cát, Bình Định), có ngôi mộ “Bà Vua” được xác định là mộ bà Nguyễn Thị Bích, thứ phi vua Quang Trung. Trước kia, mộ "Bà Vua" chỉ là một nắm đất nhỏ, không bia, không rõ danh tính, nhưng họ Nguyễn ở xã Cát Hanh vẫn tổ chức cúng giỗ hằng năm. Năm 1997, sau khi tra cứu gia phả, các nhà sử học khẳng định bà Nguyễn Thị Bích là vợ vua Quang Trung. Theo sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế - 2003) của TS Đỗ Bang, bà Bích, quê ở Mỹ Chánh (xã Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), mất ngày 10 tháng 9, mộ táng tại gò Thỏ, thôn Vĩnh n (nay là thôn Vĩnh Long). Sau khi nhà Tây Sơn mất, bà Bích đến nương náu nhà người anh tên Nguyễn Văn Tuấn. Ông Tuấn làm quan thơ lại ở cửa biển Đề Gi và sống ở quê vợ tại thôn Vĩnh n.
Hoàng Trọng

Những di tích kỳ bí - Kỳ 6: Ông Núi linh thiêng

0
Dân gian lưu truyền rằng người sáng lập ra chùa Linh Phong tại núi Bà (ở thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, H.Phù Cát, Bình Định) là ông Núi, một tu sĩ rất bí ẩn.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Tháp mộ ông Núi - Ảnh: Hoàng Trọng
Tháp mộ ông Núi - Ảnh: Hoàng Trọng
Bậc chân tu Người dân Bình Định quen gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi. Những dấu tích về ông Núi ngày nay chỉ còn lại ngôi mộ tháp và hang Tổ ở sau chùa Linh Phong. Hang Tổ nằm sát mép suối, đá tự nhiên che kín cả 3 mặt như một ngôi nhà. Tương truyền rằng đây chính là hang đá mà ngày xưa ông Núi từng ở, từng ngồi niệm kinh tụng Phật. Phật tử đã tạo dựng tượng ông Núi và các vị Phật để thờ tại chùa. Theo ông Võ Hợi (67 tuổi, ở thôn Phương Phi), người được giao việc trông coi hang Tổ, ông Núi rất hiển linh nên ngày nào cũng có người đến dâng hương, cầu xin sức khỏe, tài lộc, học hành... Hằng năm, vào ngày 25 và 26 tháng giêng âm lịch, chùa Linh Phong có lễ hội lớn, hàng ngàn du khách đến hang Tổ để cầu khấn.
“Ông bà chúng tôi kể lại rằng, khi còn sống, hằng ngày ông Núi vào rừng đốn củi, bó thành bó lớn rồi vác xuống núi đặt bên đường. Người qua đường biết đó là củi của ông Núi nên đem rau gạo đến đổi. Ông Núi xuống lấy gạo, rau quả rồi đi mà chưa từng đối đáp với ai về việc đổi chác ít hay nhiều. Mỗi ngày ông ăn đúng 2 lon gạo, nếu đổi được nhiều thì ông đem cho người khác chứ không giữ lại. Ông Núi còn hái thuốc và chữa bệnh cho nhiều người dân trong vùng”, ông Võ Hợi kể.

Đại hồng chung chùa Linh Phong (hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng H.Phù Cát) có khắc tên một danh tướng của chúa Nguyễn là Tống Phước Hiệp (và tên con trai, con gái), cùng phụ tá của ông là Nguyễn Khoa Thuyên (và tên vợ con). Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, năm 1774, quân Tây Sơn đánh Bình Thuận, Tống Phước Hiệp cùng Nguyễn Khoa Thuyên nhận được lệnh phát hịch gọi binh đi đánh Tây Sơn. Trong chiến dịch này, Tống Phước Hiệp bắt gặp đại hồng chung chùa Thiên Phước (ở Vĩnh Long ngày nay) nên cùng với Nguyễn Khoa Thuyên cho thợ khắc chữ lên chuông rồi tiến cúng cho một vị sư. Đến nay vẫn chưa rõ Tống Phước Hiệp tiến cúng đại hồng chung cho vị sư nào và tại sao đại hồng chung này lại có tại chùa Linh Phong.

Những câu chuyện về ông Núi và chùa Linh Phong cũng được ghi chép trong các tư liệu như: Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, bài Linh Phong tự ký của Đào Tấn (1845 - 1907), Mộc Y tử thuyết của Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)... Theo bài Linh Phong tự ký, năm 1702 tại vùng núi thôn Phương Phi có người tu hành là Mộc Y Sơn Ông (người dân gọi là ông Núi) kết vỏ cây làm áo, mùa đông hay mùa hạ vẫn mặc như thế, ung dung sống bên sườn núi, trong hang đá. Nhà tu hành này có tên Lê Ban, người Trung Quốc. Nhà sư Lê Ban ở vùng núi thôn Phương Phi được vài năm thì xây dựng một am nhỏ tên Dũng Tuyền tự để tu hành.
Đến năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chú khen Sơn Ông là bậc chân tu, sai trùng tu Dũng Tuyền tự và đặt tên chùa là Linh Phong, ban cho ông pháp hiệu Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư. Năm 1741, chúa Nguyễn Phúc Khoát triệu Sơn Ông vào kinh để hỏi về giáo lý đạo Phật. Ông ở kinh gần một tháng thì về và được chúa ban một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng làm pháp phục. Ông mất năm 1785 dưới thời Tây Sơn.
Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có ghi chép những lần triều đình cấp kinh phí trùng tu chùa Linh Phong vào thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thành Thái. Vào thời Minh Mạng, một hôm nhà vua bị bệnh, vừa chợp mắt thì mộng thấy một vị sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường hầu quạt, đến sáng thì khỏi bệnh. Khi ngự triều, nhà vua đem giấc mộng hỏi các quan, có người tâu rằng vị sư già đó là Mộc Y Sơn Ông ở chùa Linh Phong. Vua Minh Mạng ban cho chùa này một chiếc áo cà sa mới để thờ, đồng thời cấp 120 lượng bạc để trùng tu lại chùa. Đó là vào năm 1826.
Thắng cảnh nổi tiếng
Năm 1965, chùa Linh Phong bị thiêu rụi hoàn toàn do chiến tranh. Đến năm 1994, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định cử hòa thượng Huệ Quang làm trụ trì chùa Linh Phong và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay. “Khi chúng tôi đến chùa Linh Phong lần đầu tiên chỉ thấy toàn cỏ dại, những đồ vật của chùa ngày xưa không cháy cũng bị kẻ gian lấy cắp. Phật tử phải phát dọn rất nhiều thời gian mới có được con đường lên chùa, nền chùa và dấu vết 18 mộ tháp của các trụ trì đời trước mới lộ ra”, hòa thượng Huệ Quang cho biết.
Dù vậy, những tư liệu cũ để lại đều khẳng định chùa Linh Phong từng là danh thắng trước khi bị phá hủy. Sách Đại Nam nhất thống chí miêu tả: “Như chùa này (chùa Linh Phong - PV), lưng dựa non cao, mặt trông ra đầm Hải Hạc (nay gọi là đầm Thị Nại). Gần chùa có suối trong lượn quanh, vị nước vừa ngọt vừa mát lạnh, cỏ hoa xinh đẹp, cảnh trí u nhã kỳ bí, cũng là cảnh đẹp đáng xem của một phương vậy”.
Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục (triều Nguyễn) chép: “Mây lành khắp chốn, chùa Linh Phong bao bọc hoa tươi” và có câu đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau: Bờ biển dấy duyên lành, mưa móc khắp trời nhuần đẹp đất/Linh Phong ngưng khí tốt, mây lành mọi chốn phủ nhân gian.
Ngày nay, di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Linh Phong là điểm viếng Phật, ngắm cảnh của rất nhiều người dân tỉnh Bình Định và du khách. Từ chân núi Bà, phải đi bộ qua hàng trăm bậc đá mới đến được chùa. Từ chùa Linh Phong, có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa hơn là đầm Thị Nại bên cạnh TP.Quy Nhơn.
Hoàng Trọng

Những di tích kỳ bí - Kỳ 7: Những cây xoài ở chùa Đá Trắng

0
Nằm bên cạnh QL1A, chùa Đá Trắng (ở xã An Dân, H.Tuy An, Phú Yên) ngày nay vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện vừa mang tính lịch sử, lại vừa nhuốm màu tâm linh.



Xung quanh chùa Đá Trắng là những cây xoài to lớn -d
Xung quanh chùa Đá Trắng là những cây xoài to lớn - Ảnh: Lê Xuân Thọ
 
Năm 1797, hòa thượng Luật Truyền, một nhà sư theo dòng Lâm Tế thiền tông, đã khởi xướng xây dựng ngôi Bạch thạch Từ Quang tự trên núi Bạch Thạch. Đại đức Thích Chúc Thuận, người được trao nhiệm vụ trông coi ngôi cổ tự này, cho hay: “Do được xây trên gò đá trắng, nên dân trong vùng hay gọi là chùa Đá Trắng, dù rằng bây giờ tên chùa là Từ Quang - Đá Trắng. Năm 1997, chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia”.
Do được lập dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn, nên có lưu truyền rằng sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều tướng quân Tây Sơn đã chọn ngôi chùa này để xuống tóc quy y nhằm tránh sự trả thù của nhà Nguyễn.
Hai cuộc dấy binh
Đầu tháng 8.1885, kinh đô Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi và xuống chiếu Cần Vương. Trước đó, sĩ tử Phú Yên ra ngoài trường thi ở Bình Định để trổ tài, nhận được lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, tất cả đều bỏ lều chõng để về tập hợp dưới lá cờ Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo. Lúc bấy giờ là ngày 15.8.1885, nơi phất cờ, cũng là căn cứ của nghĩa quân chính là chùa Đá Trắng.
Một pháo đài được dựng lên ngay sau đó, với hai khẩu thần công hướng ra vịnh Xuân Đài, dưới sự chỉ huy của phó tướng Bùi Giảng, đã ngăn được quân Pháp đổ bộ vào đất liền. Trước những chiến công của phong trào Cần Vương ở Phú Yên, tháng 1.1886, vua Hàm Nghi cho sứ thần vào tấn phong Thống soái quân vụ đại thần của triều đình Cần Vương cho Lê Thành Phương (theo sách Danh nhân Lê Thành Phương).
Tiếc là sau gần hai năm dấy cờ khởi nghĩa, nguyên soái Lê Thành Phương trúng kế “điệu hổ ly sơn” của tên Việt gian Trần Bá Lộc. Trước khi bị đao phủ của kẻ địch hành quyết, ông đã cảm khái đọc lớn: “Anh hùng mạc quản doanh do luận/Tổ quốc cô hà sỉ nhục ta!”. Hôm ấy là ngày 20.2.1887, dân gian truyền rằng khi đầu ông vừa chạm đất, cũng là lúc mặt trời lên.
Sau Cần Vương, phong trào Minh trai chủ tể dưới sự chỉ huy của Võ Trứ và Trần Cao Vân cũng từng gây nên tiếng vang một thời. Võ Trứ là người Bình Định, theo giúp Mai Xuân Thưởng chống Pháp. Việc không thành, ông ẩn náu cửa Phật để chờ thời cơ. Rằm tháng 7.1898, tranh thủ lúc dân chúng, phật tử về dự lễ Vu lan tại chùa Đá Trắng, ông đã kêu gọi mọi người về dưới lá cờ Minh trai chủ tể. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa này cũng không tránh khỏi thất bại nặng nề bởi quân Pháp quá mạnh và được trang bị súng ống đầy đủ.
Thực dân Pháp ra sức tàn sát nghĩa quân, chùa Đá Trắng lại thêm một lần chứng kiến biển máu. Võ Trứ ẩn trốn trên núi Bà, sau thấy quân Pháp tra khảo, giết hại dân chúng nhiều quá nên đành từ biệt Trần Cao Vân để nộp mạng cho địch. Còn quân sư họ Trần tiếp tục lên đường tìm kế giúp vua Hàm Nghi chống Pháp.
Người dân xung quanh chùa Đá Trắng, cũng như các vị sư ở đây còn truyền tai nhau câu chuyện: vào những đêm khuya, thường thấy một vị tướng cưỡi ngựa trắng ngang qua chùa với những tiếng gươm giáo và bước chân như quân ra trận. Họ cho rằng đó là Võ Trứ cùng nghĩa quân vẫn còn ở quanh núi để che chở cho dân.
Lạ kỳ xoài tiến vua
Rủ lên Đá Trắng ăn xoài/ Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì… Ấy là nói về giống xoài ở ngôi chùa này. Đây là giống xoài tượng trái nhỏ như nắm tay thiếu niên, khác với các giống xoài khác, xoài ở đây có hoa màu vàng. Tuy nhiên, điều làm cho xoài ở đây nổi tiếng là bởi hương vị thơm dịu và ngọt lịm của nó. Và để phân biệt với các loại xoài khác, người ta gọi đây là xoài Đá Trắng.
Theo đại đức Thích Chúc Thuận, vườn xoài này là do các vị sư phụ trụ trì, tăng ni phật tử trồng, thường cho quả vào tháng tư âm lịch. Ngày nay còn khoảng 20 cây to lớn, cành lá xum xuê. Khoảng 3 - 4 năm về trước vẫn còn một cây cho quả, còn từ đó đến nay thì không hiểu sao không cây nào kết quả. Ngày nay vẫn còn nhiều chuyện lưu truyền về vườn xoài này.
Có chuyện kể rằng vào thời nhà Nguyễn, có một vị quan ghé chân chùa Đá Trắng và được các vị sư dâng tặng xoài ngon nên về kể cho vua nghe. Kể từ đó, nó trở thành món tiến vua hằng năm. Lại có chuyện, lúc chưa lên ngôi, Nguyễn Ánh trong những lần hành quân thường dừng chân ở Xuân Đài, khi thưởng thức các đặc sản ở vùng này, ông thích nhất là xoài Đá Trắng nên từ thời Gia Long, thứ quả này được cung tiến vào dịp Tết Đoan ngọ. Thậm chí, do thấy xoài quý hiếm nên quan huyện phải cử lính canh giữ, những người làm nhiệm vụ này được miễn thuế thân.
“Hái sạch”, đó là mệnh lệnh được ban ra mỗi khi thu hoạch xoài tiến vua. Số xoài sau khi hái được một đội quân nhận nhiệm vụ vận chuyển ra kinh đô. Sau đó, tiệc ngự xoài được vua mở, rồi chia đều cho các quan có chức tước cao và nhiều công trạng. Mặc dù quân lính kiểm soát rất gắt gao trong quá trình hái xoài, nhưng sau đó, các sư vẫn “mót” được vừa đủ vài đĩa xoài để dâng Phật. Về những quả xoài còn sót lại, người thì cho rằng đó là tấm lòng che chở của đất để dâng Phật. Một số người thì cho rằng, đó là tấm lòng thành kính của người hái đối với Phật. Nhờ vậy mà khi xoài chín có màu vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt “dẫn đường” cho nhà chùa hái.
Cũng nhờ những quả xoài sót lại ấy mà giống xoài này được nhân rộng khắp vùng xung quanh cũng như nhiều nơi khác. Có điều, xoài trồng ở nơi khác độ thơm ngon lại không bằng ở chùa Đá Trắng. Dân gian lý giải là do xoài ở đây được trồng trên gò đá trắng, cũng có dòng lưu truyền là do được trồng nơi đất Phật nên xoài mới thơm ngon. Một điều khó hiểu nữa là, nhiều sư của chùa ươm cành từ những cây xoài này để trồng nhưng đều không thành công.
Lê Xuân Thọ

Những di tích kỳ bí - Kỳ 8: Bãi đá Rơ wang và dòng sông ăn thịt người

0
Khúc sông qua làng Rơ wang, cách trung tâm TP.Kon Tum 2 km, có một bãi đá lộ thiên nằm giữa dòng sông Đăk Bla cuồn cuộn chảy. Người Kon Tum gọi đó là bãi đá Rơ wang gắn liền với lời nguyền của một chuyện tình hận trên sông này.



Những di tích kỳ bí - Kỳ 8: Bãi đá Rơ wang và dòng sông ăn thịt người
 
Bãi đá Rơ wang ngày nay - Ảnh: Phạm Anh
Chuyện tình buồn
Tên làng Rơ wang (P.Trường Chinh, TP.Kon Tum) bắt đầu từ truyền thuyết dòng sông ăn thịt người, gắn liền với một chuyện tình đau thắt ruột. Người Tây nguyên là thế, mỗi tên đất, tên làng đều gắn với một huyền thoại nào đấy mà người xưa không giải thích được. Chẳng hạn như dòng Đăk Bla, mà theo nhà văn Tạ Văn Sỹ (được mệnh danh là “nhà Kon Tum học”), thì truyền thuyết về dòng sông ăn thịt người này được người Pháp ghi chép mà ông may mắn được tiếp cận và sưu tầm lại.
Chuyện rằng, ngày xưa làng này tên gì không ai biết. Trong làng có một đôi trai gái người Ba Na yêu nhau đắm say. Rồi ngày cưới cũng đến, cả làng mang rượu đến chúc mừng cô gái “bắt” được chồng giỏi giang, thương vợ. Hạnh phúc ngày nối tiếp ngày. Thế nhưng rất nhiều năm qua mà đôi vợ chồng này vẫn không có con, dù không biết bao lần thành tâm mang trâu, bò dê, heo, gà đi cúng yàng, cúng thần linh cầu khẩn xin một đứa con.
 Bí quá, để có người nối dõi, người chồng lén lút vợ ngoại tình với người đàn bà khác để mong có được một mụn con. Dần dần, người vợ biết được. Nỗi buồn kéo về như chứa cả dòng sông hiu quạnh trong mắt. Trong một đêm trăng mùa lũ, chờ cửa ngóng nhưng không thấy chồng về, người vợ mang rượu ra uống. Trong cơn say, tình hận nổi lên ngút ngàn, lại thêm đêm trăng không có đàn ông trong nhà tình tự, người vợ trang điểm kỹ càng và ăn mặc thật đẹp rồi đi ra phía bờ sông. Sau đó, nàng lấy thuyền độc mộc chèo ra giữa dòng, đôi mắt sầu tuyệt vọng nhìn trăng khấn: “Ô, trăng ơi, tao buồn lắm, hận thằng đàn ông nhà tao, hận đàn ông thế gian này. Sau khi tao chết đi, trăng hãy chứng giám dòng sông mang xác tao đi biền biệt. Mỗi năm trên dòng sông này phải có một người đàn ông chết đuối để trả thù cho tao nỗi hận này…”. Khấn xong, người vợ gieo mình xuống dòng sông. Con nước vô tình ôm người đàn bà hận tình ấy đi xa mãi.
Trở về nhà, người chồng không thấy vợ đâu. Nỗi hối hận ùa về, vội chạy ra sông tìm vợ, nhưng người xưa còn đâu nữa, chỉ có trăng nước bàng bạc một màu buồn tênh, hiu hắt cả bến sông. Người chồng phụ bạc ấy khóc vợ, nước mắt chảy ra thành máu, hòa quyện với dòng sông đỏ thẫm. Truyền thuyết cho rằng sông Đăk Bla luôn có màu đỏ cũng vì thế.
Ngày tháng như thoi đưa. Người chồng vẫn một mình thui thủi bám sông để sống. Đến đầu mùa lũ, đúng ngày trăng sáng người vợ tự vẫn, người chồng thả lưới trên sông. Bất chợt, thấy lung linh trăng vàng dưới nước là gương mặt sầu hận đầy nước mắt của người vợ. Thế nhưng, dù vớt tay hay chèo thuyền vội vã, hình bóng người vợ vẫn ở phía trước mà người chồng không tài nào đuổi kịp. Người chồng dùng hết sức mình chèo thuyền đuổi theo, cuối cùng va vào một bãi đá giữa dòng sông, thuyền vỡ tan và anh chết đuối. Sống không trọn vẹn, nhưng cùng nhau chết trên một dòng sông, lời nguyền của người vợ thành hiện thực và người chồng là người đàn ông đầu tiên trả nợ lời nguyền. Bây giờ, tảng đá ấy vẫn còn, dân làng gọi là bãi đá Rơ wang và làng ở đấy cũng lấy tên làng Rơ wang.
Dòng sông ăn thịt người
Đứng ở bến làng Rơ wang nhìn ra, dòng sông uốn khúc phẳng lì dài mấy ki lô mét, chỉ duy nhất bãi đá Rơ wang nổi lên giữa dòng. Mùa này con nước còn lớn, bãi đá Rơ wang không lộ ra hết, chỉ nhô lên một đoạn khoảng 5 m, hai bên bãi đá chính có hai tảng đá nhỏ kề cận. Mùa nước cạn, người làng
Rơ wang hay ra bãi đá này hóng mát. Những đêm trăng, trai gái cũng dắt nhau ra đây thề nguyền. Ngày xưa, bãi Rơ wang kết thúc một chuyện tình buồn, bây giờ nó lại là nơi khởi đầu của tình yêu và có thể, bãi đá này cũng in dấu bao nhiêu chuyện tình đầy nước mắt.
Đã cuối tháng 10, con nước trên sông Đăk Bla, biểu tượng của tỉnh Kon Tum, dòng chảy đã hiền hòa. Những buổi sớm chiều, khi ánh dương trải dài, sông như dát vàng, uốn lượn lấp lánh giữa lòng phố xá, làm mê mẩn lòng khách thập phương. Phải chăng, dòng sông chỉ đẹp khi có chuyện tình buồn, người càng mê mẩn với sông khi biết thêm huyền thoại trên sông. Tình là chi, để hẹn thề rồi phụ bạc, rồi chia xa để lại oán hờn qua suốt tháng năm. Để bãi Rơ wang tháng năm trầm mặc với sông hồ.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có tên bãi Rơ wang là vì ngày xưa chàng trai tên là A Rơ, còn cô gái là Y Hwang và tên bãi đá là ghép âm từ tên hai người. Thế nhưng vào làng Rơ wang, hỏi thăm vì sao có tên Rơ wang, thì cả già làng ở đây cũng không biết tên đá, tên làng có từ bao giờ.
Nhà văn Tạ Văn Sỹ, suốt gần 50 năm qua sống dọc dòng sông này, chịu khó đi tìm tư liệu tên bãi đá và làng Rơ wang có từ bao giờ, nhưng chưa ai giải thích, chưa có sách nào ghi lại. Còn chuyện này thì có thật: ấy là năm nào cũng có người nhảy sông Đăk Bla tự vẫn. Vì vậy, sông dù đẹp vẫn còn có tên là “dòng sông ăn thịt người”. Theo tiếng Ba Na, Đăk có nghĩa là nguồn nước, Bla (nguyên gốc là Blăh) nghĩa là cuồng nộ, hung bạo. Dòng Đăk Bla còn có tên là dòng sông hung bạo, nhấn chìm tất cả mọi thứ trên sông vào mùa mưa lũ và nhiều người đã chết đuối, nhất là đàn ông. Đến nay, chưa ai giải thích được điều này. Còn giải thích theo cách đơn giản nhất, thì do mỗi mùa lũ, trên sông Đăk Bla cá và củi, gỗ trôi về đây rất nhiều, đàn ông hay kiếm ăn mà bị chết đuối.
Phạm Anh

Những di tích kỳ bí - Kỳ 9: Dòng sông chảy ngược và cổ tích cây đôi

0
Trong 5 tỉnh Tây nguyên, duy nhất Kon Tum có dòng sông chảy qua phố thị. Nhưng dòng sông này không trong xanh như bao dòng sông khác, mà đỏ quạch và chảy ngược dòng theo hướng đông - tây.
Chuyện tình của dòng sông chảy ngược



Những di tích kỳ bí - Kỳ 9: Dòng sông chảy ngược và cổ tích cây đôi - ảnh 1
Dòng sông chảy ngược Đăk Bla - Ảnh: Phạm Anh 
Theo truyền thuyết người Kon Tum kể lại, thuở xưa dòng sông Đăk Bla còn chảy xuôi hướng tây - đông chứ không chảy nghịch dòng đông - tây như bây giờ. Thế nhưng có một tình yêu thủy chung nhưng đầy nước mắt đã làm cho dòng sông này biến đổi dòng chảy.



Theo sưu tầm của nhà văn Tạ Văn Sỹ (ngụ Kon Tum), chuyện dòng sông chảy ngược có từ ngày xưa, lúc chiến tranh giữa các bộ lạc, sắc tộc còn hoành hành khắp Tây nguyên. Thuở ấy, các buôn làng thường xuyên đưa quân đi đánh phá, cướp bóc lẫn nhau. Làng bên hữu ngạn phía thượng nguồn và làng bên tả ngạn phía hạ nguồn có mối thù không đội trời chung. Oái oăm thay, chàng trai bên này sông và cô gái bên kia sông yêu nhau say đắm. Hai người biết là không bao giờ làng cho họ lấy nhau, mà rời xa nhau thì không thể. Dòng sông vô tình chứng kiến những dòng nước mắt đau buồn của đôi tình nhân trong những đêm hò hẹn.
Tuyệt vọng, chàng trai hẹn cô gái vào đêm trăng sáng cùng ra bờ sông phía làng mình đâm dao tự sát nhào xuống sông để cùng trôi về nơi không có hận thù. Dòng máu của chàng trai tuôn ra, trôi xuôi về đông tìm người yêu. Lạ lùng thay, dòng máu cô gái lại ngược dòng chảy, lặng lẽ tìm đến dòng máu chàng trai đang trôi xuống. Khi hai dòng máu gặp nhau, theo tập quán mẫu hệ, máu chàng trai nhập hòa vào máu cô gái và nó lại trôi ngược lại theo hướng dòng máu cô gái đang trôi, cuốn luôn cả dòng sông trở dòng trôi về hướng ấy.
Sáng hôm sau, làng ở đầu sông và làng ở cuối sông vô cùng ngạc nhiên khi thấy con sông thân thuộc bao đời nay bỗng có dòng nước màu đỏ, lại chảy ngược về tây. Khi biết ra sự thật, hai làng thức tỉnh, gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành. Sông từ ấy cứ chảy ngược về tây, không đổi dòng được nữa. Còn dòng chảy trên sông luôn có màu phù sa đỏ quanh năm như bây giờ.
Thực ra, dòng Đăk Bla dài 139 km, bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cũng chảy theo hướng sông ngòi Việt Nam. Thế nhưng khi đến huyện Kon Rẫy, dòng chảy bất thần bẻ ngược theo hướng bắc - nam và đến TP.Kon Tum, dòng chảy Đăk Bla lại thêm lần nữa bẻ dòng theo hướng đông - tây. Có ý kiến cho rằng, dòng sông này vốn hung bạo và chảy ngược, nhưng rồi sẽ hết đi bởi một khi các công trình thủy điện trên sông hoàn tất, khi đó con đập ngăn dòng chia nước về sông Trà sẽ khiến sông Đăk Bla trở thành sông chết như “người anh em” của nó là sông Ba ở Gia Lai. Có lẽ, khi trở thành dòng sông chết, Đăk Bla lại thêm một huyền thoại của đời sau...
Cổ tích cây đôi
Trên bờ Đăk Bla thơ mộng có cây si và tơ đáp cộng sinh, ôm cuốn vào nhau như đôi người tình tự. Vì sao cây có hình dáng kiểu này, người Kon Tum cho hay cũng liên quan đến một chuyện tình sắt son nhưng trắc trở. Chuyện kể rằng, thuở chiến tranh bộ tộc, bên kia và bên này sông có hai làng thù nhau dai dẳng. Bất chấp mối thù làng, có đôi trai gái cứ yêu nhau tự nhiên như cây rừng nước suối. Khi biết chuyện, hai làng ngăn cấm.
Một đêm trăng cuối năm, vào mùa ning nơng, chàng trai lẳng lặng rời bỏ hội làng bơi xuồng độc mộc sang bờ gặp người yêu nơi điểm hẹn. Cô gái cũng lặng lẽ rời vòng xoang ra bên bờ đón đợi. Trong cái lạnh rét căm căm của núi rừng, hai người ôm ghì lấy nhau để truyền hơi ấm và cùng nhau than thở duyên tình. Đến khi nghe tiếng gà eo óc gáy, vì sợ người làng thấy, hai người liền biến thành đôi cây quấn sít vào nhau. Chàng thành cây si xòe tán lá xanh mơn, nàng thành cây tơ đáp vươn ngọn lên cao nở những chùm hoa đỏ thắm soi ửng ánh hồng xuống tán lá xanh.
Ngày sống không trọn đời nhưng chết xuống, hai người biến thành hai cây cổ thụ ôm nhau mãi mãi không rời ra. Từ đó về sau, cứ đến mùa tháng 3, cây đôi một gốc hai ngọn này lại tỏa màu hoa đỏ rực, tô thắm góc phố phường bên dòng Đăk Bla, đẹp như chuyện tình đôi trai gái ngày nào. Có không ít hiểu lầm cho rằng màu hoa đỏ là cây pơ lang (hoa gạo), tuy nhiên đây là cây tơ đáp chứ không phải pơ lang.
Cũng gần cây đôi này, trước đây có cây dông to lớn vút trời xanh. Ai đi đâu, về đâu cũng thấy cây đôi và cây dông tỏa mát, thư thái tâm hồn. Ngày trước, dọc theo dãy cây này là nhà làm việc của giới chức Pháp như nhà công sứ, phó công sứ, trại lính, đồn cảnh sát, bưu điện, ngục Kon Tum... Thế nhưng đến bây giờ, mấy cây huyền thoại này không còn nữa. Năm 2012, kỷ niệm 100 năm Kon Tum, chính quyền ở đây đã cắt bỏ mất phần nhô cao của cây tơ đáp, chỉ để lại một bóng si già thấp tè đơn độc buồn thiu như trầm ngâm trong niềm tiếc nhớ. Cây si lẻ bóng cô đơn, ngày càng ủ rũ xác xơ thảm hại và sang năm 2013 thì chết hẳn. Còn cây dông, chính quyền cũng cho chặt đi để mở mang giao thông, làm bùng binh ở cửa ngõ vào TP.Kon Tum. Mọi người tiếc ngẩn ngơ một cảnh quan tự nhiên độc đáo giữa lòng phố xá Kon Tum.
Bây giờ, sông còn đó, tình người còn đây, chỉ có cây đôi là không còn. Mai này cổ tích cây đôi sẽ còn được kể lại cho đời sau, nhưng bóng cây đôi chung thủy theo thời gian trôi mãi mãi vào cổ tích. Và, dòng Đăk Bla với những chuyện tình buồn cũng sẽ không phôi pha, gợi cho hồn du khách nhớ Tây nguyên xanh với những câu chuyện bí ẩn mang chút tơ buồn…
Phạm Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét