Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

KÝ ỨC CHÓI LỌI 136/b: Phim tài liệu chiến tranh "A1 bùn, máu và hoa". Tập 2

-Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh.
Ralph Waldo Emerson

-Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác.
Victor Hugo

-Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nặng nề nhất.
Douglas MacArthur

-Tôi không những chỉ là một người chuộc hòa bình mà còn là một người chuộc hòa bình máu chiến. Tôi sẵn sàng chiến đấu vì hòa bình. Không gì có thể kết thúc chiến tranh nếu bản thân con người không từ chối tham gia chiến tranh.
Albert Einstein

-Đồng bào ta gái cũng như trai, trẻ cũng như già cho đến các cháu nhi đồng cỏn con, ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng có gan giết giặc.
Hồ Chí Minh

Giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Võ Nguyên Giáp
-Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.
Lão Tử
--------------------------------------------------------------- (ĐC sưu tầm trên NET)
 
Phim tài liệu chiến tranh: A1 bùn, máu và hoa tập 2

Câu chuyện về khối thuốc nổ 960kg trên đồi A1

Nằm trong dãy phòng ngự phía Đông, che chở cho phân khu trung tâm, cũng như các cứ điểm khác, A1 được xác định là mục tiêu của đợt tấn công thứ 2 của quân ta sẽ bắt đầu vào 18 giờ 30 phút ngày 30/3/1954. Tuy vậy do mất liên lạc ngay từ những giờ đầu, nên khi các cứ điểm đã nhận được lệnh tiến công thì tại A1 vẫn án binh bất động. Quá 30 phút, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An, đơn vị chủ công đánh A1 mới quyết định xung phong tiến vào để mở cửa ở hướng Đông. Được trang bị kỹ lưỡng từ hệ thống phòng thủ và lực lượng chiếm đóng, A1 quả thực là một bài toán khó với quân ta. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại đây luôn ở thế giằng co, vô cùng khốc liệt, ta và địch luôn ở tình thế mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm. Đã nhiều lần Việt Minh ở thế thượng phong, có cơ hội lại tiến lên đỉnh đồi nhằm tiêu diệt toàn bộ cứ điểm giành thắng lợi quyết định nhưng không vượt qua được vì hỏa lực quá mạnh. Bên cạnh đó việc mất các cao điểm khác một cách nhanh chóng như tại D1, D2, D3, E1 đã khiến cho Thực dân Pháp dồn mọi nỗ lực để giữ cho bằng được chiếc "chìa khóa" A1, hòng ngăn chặn Việt Minh có thể tiến vào sâu hơn khu trung tâm Mường Thanh.
Cuộc họp Đảng ủy mặt trận sơ kết đợt tấn công vào khu Đông đã đưa ra những đánh giá, nhận định và quyết định tiếp tục những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2 chiến dịch trong đó quan trọng là giải quyết dứt điểm A1. Sau khi phân tích, đánh giá, nhận thấy khó khăn lớn nhất tại A1 là ta đã chưa nghiên cứu kỹ trận địa trên A1, không phát hiện được tại đây chúng có một hầm ngầm vô cùng kiên cố nên không dự kiến cách giải quyết. Đó là một hầm ngầm đào sâu vào đồi có từ trước năm 1945; khi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Pháp đã tận dụng hầm này, củng cố thành hầm chỉ huy cứ điểm và đặt một hệ thống hỏa lực vô cùng mạnh tại đây. Ta biết thông tin này từ một người dân địa phương nhưng việc xác định vị trí chính xác căn hầm này lại vô cùng khó khăn. Nếu giải quyết được căn hầm này thì việc chiếm được cứ điểm A1 sẽ không còn là trở ngại.
Kinh nghiệm từ những chiến dịch trước đó cho thấy, phương án khả thi nhất có thể áp dụng để tiêu diệt A1 là "lấy hầm trị hầm". Công binh của ta sẽ đào một đường hầm từ vị trí của ta đến nơi dự kiến là hầm ngầm của địch. Đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, đội trưởng công binh cốt cán, với bề dày thành tích trong công tác phá đá, mở đường từ trước đó cùng với đơn vị 25 chiến sĩ của mình được giao nhiệm vụ quan trọng này. Đất đồi A1 rất rắn, cứng, ngay việc đào cửa hầm ta mất ba đêm và đổ máu vì đạn địch. Trong quá trình đào các chiến sĩ ta liên tiếp nối nhau, đầu người này nối chân người kia lấy quạt nan tự đan quạt không khí vào bên trong mới tiếp tục được công việc; đèn Xô lếch sách tay cũng được sử dụng để lấy sáng. Việc đào đường hầm kéo dài hơn dự kiến. Đến gần ngày quyết định cũng là lúc ta chạm phải đá cứng nghi là hầm ngầm, việc đào đường hầm được lệnh dừng lại, lúc này đường hầm ngầm dưới đất dài 33m, ta đào thêm một ngách ở cuối đường hầm mỗi chiều 1,5m để chứa thuốc nổ. Dự kiến số thuốc nổ cần sử dụng là 1000kg. Đây quả thật cũng là một thách thức lớn đối với các chiến sĩ công binh, trong khi cấp trên chỉ cấp gần một nửa trong số ấy.
Từ sau đợt tấn công thứ nhất, ta đã tiêu diệt 3 cụm cứ điểm quan trọng phía Bắc và Đông Bắc của địch là Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai, ta đã tiến hành siết chặt vòng vây bằng các đường giao thông hào chung quanh lòng chảo nhằm áp sát hơn nữa cứ điểm địch và chia cắt phân khu Nam và phân khu trung tâm. Cùng với đó phong trào "săn Tây bắn tỉa" được phát động mạnh, nhanh chóng trở thành phong trào thi đua, yêu nước, giết giặc lập công trong hàng ngũ chiến sĩ bộ đội ta. Hơn thế, ta đã thành công trong việc sử dụng hiệu quả hỏa lực của các loại pháo, không chế vùng trời vốn được coi là lợi thế của địch tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu và tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực tế đã cho thấy, Pháp có hệ thống pháo hiện đại, nhiều và mạnh hơn ta nhưng nó hoàn toàn bất lực trong việc xác định pháo ta để ngăn chặn và tiêu diệt. Đến cuối tháng 3, hầu như pháo ta đã kiểm soát vùng trời, không một chiếc máy bay nào có thể tiếp cận được sân bay Mường Thanh để làm nhiệm vụ. Số lượng tiếp tế theo đó ngày càng giảm và khan hiếm; có chăng chỉ là số ít những chiếc máy bay liều mình bay ở độ cao trên 2000m trong thời gian ngắn để thả những dù hàng mà phân nửa trong số đó đã rơi vào trận địa của ta.
Đến giữa tháng 4/1954 ta đã bắn rơi gần 50 chiếc máy bay các loại của Pháp trong số đó có khác nhiều chiếc hiện đại, nổi bật là "pháo đài bay" B24 đầy uy lực. Đây là máy bay ném bom có tính ưu việt hơn các loại khác, có thể bay ở độ cao cao 3.500m và sức vận tải lớn để làm nhiệm vụ. Đơn vị pháo cao xạ là đơn vị tiêu diệt máy bay này và cũng là chiếc B24 đầu tiên bị tiêu diệt tại chiến trường Việt Nam. Điều may mắn nhất, khi bị tiêu diệt chiếc B24 mang theo rất nhiều bom, khi rơi xuống Bản Kéo vẫn chưa nổ. Và đây chính là số thuốc nổ ta cần cho khối bộc phá ngìn cân để tiêu diệt cứ điểm A1.
Một nhóm các chiến sĩ chuyên biệt được cử đi tháo gỡ bom để lấy thuốc nổ. Con đường từ A1 sang Bản Kéo phải vượt qua tầm kiểm soát của địch, ta phải di chuyển ban đêm và thực hiện một cách gấp rút trong thời gian ngắn nhất có thể. Việc tháo gỡ bom cũng không hề đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận và bằng mọi giá phải lấy được thuốc nổ mang về. Và rồi, lần lượt từng quả bom được khéo léo "rút ruột" thu được 500kg thuốc nổ trong sự vui mừng khôn siết của bộ đội ta. Khi mọi việc đã xong, khối bộc phá nổ vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 06 tháng 5 năm 1954 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn Bạch điểm hỏa. Ta cũng quyết định lấy tiếng nổ của khối bộc phá làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.
Một tiếng nổ trầm không được như mong đợi phát ra từ phía A1. Một cột khói lớn bốc lên cao cách hầm ngầm không xa. Khối bộc phá tiêu diệt được một đại đội địch và làm nhiều lính Pháp bị thương. Ta đã tạo ra được một lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sĩ Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Cuộc chiến ở đây kéo dài thêm 3 giờ đồng hồ nữa, trước khi địch có những hành động tiếp theo lúc trời sáng, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Đến lúc này ta đã tiến công, phòng ngự trên đồi A1 39 ngày đêm với 4 đợt tấn công và 1 đợt phòng ngự, loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.
Cuộc chiến ở đây diễn ra ác liệt nhất vượt xa những dự đoán ban đầu của quân ta bởi cứ điểm này là chỗ dựa, niềm tin cuối cùng của người Pháp nhằm cứu vãn sự sụp đổ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Trận chiến 5 quả đồi” như tên gọi của một số lính Pháp sau khi chiến tranh kết thúc đã nhấn mạnh chiến sự khốc liệt nhất của 56 ngày đêm diễn ra trên thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ chính là ở ngọn đồi này./.
Hồng Nhung




Người châm bộc phá đồi A1

15/03/2004 06:01 GMT+7

TT - Tối 6-5-1954. Bóng đen trùm xuống cứ điểm Điện Biên Phủ trong vắng lạnh ghê người. Có ba người thầm lặng men đồi A1. Hai người chỉ huy giọng nghẹn ngào: “Có dặn lại gì không?”. Người lính đáp: “Không!”. Họ ra lệnh: “Cậu ở lại! Lúc pháo ta bắn dồn dập là hiệu lệnh để cậu giật nụ xòe!”. Người lính ở lại một mình. Một tấn bộc phá dưới đồi A1 đang chờ anh... Pháo ta nổ... Anh giật nụ xòe..

25JGlwH7.jpg
Ông Bạch - Ảnh: Đỗ Hữu Lực
TT - Tối 6-5-1954. Bóng đen trùm xuống cứ điểm Điện Biên Phủ trong vắng lạnh ghê người. Có ba người thầm lặng men đồi A1. Hai người chỉ huy giọng nghẹn ngào: “Có dặn lại gì không?”. Người lính đáp: “Không!”. Họ ra lệnh: “Cậu ở lại! Lúc pháo ta bắn dồn dập là hiệu lệnh để cậu giật nụ xòe!”. Người lính ở lại một mình. Một tấn bộc phá dưới đồi A1 đang chờ anh... Pháo ta nổ... Anh giật nụ xòe..
Đào hầm công phá đồi A1
50 năm sau chiến thắng Điện Biên, người lính ấy nay tròn 80 tuổi. Tên ông là Nguyễn Văn Bạch. Ông nhớ lại: đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất án ngữ đường đánh vào trung tâm chỉ huy địch. Ban chỉ huy chiến dịch giao cho đại đội công binh của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đào hầm ngầm xuyên vào lòng đồi A1 để đánh bộc phá.
Ông Bạch kể: “Giao thông hào lầy bùn nước và máu. Đào hầm ở tư thế hàm ếch, càng đào sâu càng tối và thiếu oxy để thở, mỗi tốp chỉ đào vài phút lại chui ra. Vận chuyển đất càng khó khăn hơn. Chúng tôi phải lấy vải dù kiếm được của địch may thành túi nhỏ đựng chừng 30kg đất để kéo ra ngoài. Ròng rã gần một tháng mới đào xong 49m đường hầm. Đoạn cuối hầm nằm ngay dưới đồi A1!”.
Ông Bạch nhớ lại: “Đưa được 1.000kg thuốc nổ vào cuối hầm, cả đại đội trưởng Khung, tổ trưởng Đảng Lê Viết Thoảng và tôi bò vào cuối hầm kiểm tra kỹ thuật lần cuối. Yêu cầu chỉ điểm hỏa một lần phải gây nổ được cả khối bộc phá gắn với năm đường dây cháy chậm và năm nụ xòe. Hai đồng chí đồng ý cho tôi xung phong ở ngoài cửa hầm điểm hỏa bằng nụ xòe. Nếu không nổ, tôi sẽ ôm 3kg thuốc nổ bò vào cuối hầm điểm hỏa bằng người như chiến sĩ cảm tử”.
Ông Bạch nói: “Hai đồng chí bịn rịn chia tay rồi trở ra phía sau. Trận địa lúc đó bỗng trở nên lặng lẽ khác thường. Đầu óc tôi căng ra như dây đàn: không phải sợ hi sinh mà sợ bộc phá không nổ, không hoàn thành được nhiệm vụ... Đến lúc pháo binh nổ, tôi giật nụ xòe và chạy được vài bước... Đất trời lặng đi vài giây. Tôi nghe một tiếng nổ không to lắm nhưng cảm nhận được sức ép dữ dội.".
"Đất đá văng lên. Tôi ngã xuống, bị một mảnh đá rơi vào chân nhưng vẫn lê được về trận địa. Không ai nhận ra và cũng không ai nghĩ tôi còn sống. Họ hỏi: “Ai?”. Tôi trả lời tôi mới châm bộc phá đồi A1 về. Các anh xông lên đánh đồi xong về kể: đồi A1 bị xé toạc, hầu hết lính địch chết, còn lại nằm thoi thóp vì bị sức ép. Một số ở vị trí an toàn thì đồn nhau VN có bom nguyên tử mới phá được A1 nên sợ hãi kéo ra hàng...”.
Dũng sĩ diệt bom mìn
DLVCW8pJ.jpg
Một góc chiến trường Điện Biên Phủ - Ảnh: Werner Mullers
Ông Nguyễn Văn Bạch không nhớ rõ mình sinh ngày tháng nào. Ông bảo: “Bố tôi nói tôi sinh năm 1924, sinh cùng ngày tháng một thằng bạn trong xóm”. Năm 25 tuổi, đội viên du kích Nguyễn Văn Bạch tình nguyện gia nhập quân đội nhân dân VN.
Anh lần lượt tham gia các chiến dịch quan trọng: chiến dịch Lê Hồng Phong đánh Phố Lu đảm nhận nhiệm vụ bắn bazooka; chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng; chiến dịch Hà Nam Ninh đánh mìn chặn đường tiếp viện của địch; chiến dịch Trần Hưng Đạo đi xây dựng sở chỉ huy chiến dịch ở núi Tam Đảo; chiến dịch Hoàng Hoa Thám đi phá cầu Phúc Liệt đường 18 Hải Phòng; chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào làm nhiệm vụ tháo bom mìn của địch...
Tháng 3-1953, Nguyễn Văn Bạch đang làm tiểu đội trưởng tiểu đội chuyên phá bom nổ chậm và bom bươm bướm ở dốc Pha Đin, bản Chẹn, thì được cấp trên điều động về làm tiểu đội trưởng đội đặc nhiệm M83 chuyên nhiệm vụ phá bom, mìn nổ chậm ở Điện Biên Phủ.
Ông Bạch kể trong đời chiến trận đã hai lần cầm chắc cái chết. Một lần xung phong tháo ngòi nổ còn nguyên vẹn gắn vào một quả bom tại Suối Rút, Hòa Bình để lấy tư liệu về cho đơn vị học tập. Lần thứ hai là lần châm bộc phá đồi A1. Nhưng để có 1.000kg thuốc nổ đánh đồi lần ấy, ông cũng đã trải qua những giờ phút đối mặt tử thần.
Ông nhớ lại: “Cấp trên giao đồng chí Khung đánh đồi bằng 1.000kg thuốc nổ nhưng chỉ cấp 500kg. Còn lại đại đội phải tự kiếm lấy. Đồng chí Khung tin tưởng tôi đủ khả năng và kinh nghiệm để kiếm ra số thuốc nổ này nên giao tôi”.
Gần thời gian đào hầm, ông Bạch phát hiện một xác máy bay B24 của địch bị bắn rơi ở Điện Biên còn năm quả bom chưa cháy. Ông dẫn đầu một tốp gồm bốn chiến sĩ bí mật luồn lách qua sân bay Mường Thanh và đồi Độc Lập, tháo được bom thu gần 500kg thuốc nổ mang về.
Ngay khi kết thúc chiến dịch, ông Bạch được dưỡng thương và ngày 8-5-1954 được đưa về bộ chỉ huy tại Mường Phăng gặp tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Ông được dự hội nghị mừng công và gắn huy hiệu Hồ Chí Minh.
Năm 1956, ông Bạch chuyển về Bộ tư lệnh công binh và ở đó hai năm trước khi về lại quê nhà làm xã đội phó. Giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc, đơn vị cũ gọi ông tái ngũ và cho đi học trường sĩ quan công binh, sau chuyển sang Bộ tư lệnh phòng không không quân. Ông Bạch nghỉ hưu năm 1977 và được ban quản trị hợp tác xã quê nhà giao làm thủ kho.
Người anh hùng thầm lặng
OCVhM0pi.jpg
Thông báo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc đề nghị phong anh hùng cho ông Bạch và sơ đồ đồi A1 do ông Bạch vẽ - Ảnh: Quyền Trung
Ở thôn Vị Thanh, xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi đến thăm ông trong căn nhà nhỏ một chiều cuối xuân. Người lính công binh già cặm cụi quét, gom ngô hạt phơi ngoài sân. Mấy đứa cháu nhỏ len lét nép vào ông khi thấy khách lạ.
Câu chuyện của ông Bạch cứ xoáy về chuyến đi kỷ niệm trở lại Điện Biên Phủ. (Ông Trần Quang Tạo, cộng tác viên báo Vĩnh Phúc, người hơn mười năm nay lần tìm khắp nơi hòng xác minh lý lịch cho ông để lập hồ sơ, tờ trình đề nghị phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông).
Ông Tạo kể: “Anh Bạch muốn trở lại Điện Biên lắm nên tâm sự với tôi, cả hai cùng nghèo, nghĩ khó khăn. Anh bảo nếu đi được sẽ bán thóc”.
Năm đó là 1996. Liên hệ, viết thư tay cho tất cả ban ngành và chính quyền; cuối cùng hai ông được UBND tỉnh Lai Châu mời lên thăm, cấp vé máy bay, kinh phí ăn ở. Chuyến đi ấy ông Bạch được người dân Điện Biên trọng thị như một người anh hùng.
Họ đòi ông kể chuyện, đòi ông giảng giải cách tháo bom mìn, xin chụp ảnh, xin tận tay sờ nắn vào người ông. Ông Tạo phải đưa ông Bạch về bằng tiền nhuận bút ứng trước nhưng vô cùng cảm động: “Dân nói với tôi: cảm ơn ông đã đưa được nhân chứng sống của chiến thắng Điện Biên về đây!”.
Khi chúng tôi tìm tới thì hầu hết người xung quanh không biết ông Bạch là người châm bộc phá đồi A1. Ông Tạo bảo: “Ngay như chỉ huy là anh Khung, anh Thoảng cũng tưởng anh Bạch hi sinh rồi. Đợt tôi tìm đến, gần trong tỉnh thì lóc cóc xe đạp, ngoài tỉnh thì bắt ôtô; ai nghe anh Bạch còn sống đều ngạc nhiên và vui mừng. Xin gì họ cho hết, từ chứng nhận, thư tay, xác minh nơi công tác của anh Bạch... "
"Cứ chỗ nào biết về anh Bạch là tôi tìm đến xin xác minh quá trình công tác, công trạng... Đến giờ thì hồ sơ đã đầy đủ, tỉnh ủy, UBND đã họp nhiều lần, đã thống nhất, có tờ trình lên Chính phủ phong tặng anh hùng chống Pháp cho anh”.
Ông Bạch thì chỉ ao ước: “Tôi vẫn mong trở lại Điện Biên lần nữa. Cũng già rồi, chẳng biết thế nào. Không trở lại tôi cứ thấy ân hận”.
NGUYỄN LÊ
 
Hò Kéo Pháo - Tốp Ca Nam

Giằng co trên đồi A1

- Những trận đánh diễn ra trên đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ được xem là cam go, quyết liệt nhất khi địch và ta giằng co để giành phần thắng quyết định (*).

A1 - Vị trí then chốt

Đồi A1 là vị trí có tầm quan trọng bậc nhất, là điểm cao then chốt trong dãy điểm cao phòng ngự phía Đông tập đoàn cứ điểm. Chiếm được A1, ta có thể uy hiếp mạnh mẽ và phong tỏa khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, khống chế vùng trời, thu hẹp phạm vi thả dù tiến tới triệt hẳn việc tiếp tế đường không của địch.

Giằng co trên đồi A1
Bản mệnh lệnh cho nổ quả bộc phá 1.000kg trên đồi A1 vào lúc 20h30 ngày 6/5/1954. Ảnh tư liệu
A1 còn là bàn đạp rất tốt để đánh vào khu trung tâm Mường Thanh. Trên đồi A1 có nhiều tuyến chiến hào giao thông liên hoàn. Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp dày chịu được đạn pháo và cối.

Dựa vào địa thế tự nhiên địch chia làm 3 tuyến phòng thủ. Ngoài cùng là tuyến chủ yếu, tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực, tuyến trong cùng ở mỏm đồi cao nhất là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Bên ngoài đồn có 5 lớp rào dày trên 100m, xen kẽ nhiều mìn.

Ngoài ra A1 còn được sự chi viện trực tiếp của hỏa lực mạnh và lực lượng cơ động trong tập đoàn cứ điểm.

Để tiến công A1, Trung đoàn 174 - Đại đoàn 316 được tăng cường 1 đại đội súng cối 120, 1 đại đội sơn pháo 75 và được sự chi viện của 1 đại đội lựu pháo 105 ở Pú Hồng Mèo. Trung đoàn 174 sử dụng Tiểu đoàn 249 làm nhiệm vụ chủ yếu đánh từ hướng Đông vào các khu A, B, C, Tiểu đoàn 251 đánh vào khu A từ hướng Đông Nam, rồi phát triển sang khu D; Tiểu đoàn 255 làm lực lượng dự bị.

Hầm ngầm và khối bộc phá 1.000kg


Từ đêm ngày 1 đến sáng 3/4, trên đồi A1 diễn ra nhiều trận chiến đấu. Hai trung đoàn đã sát cánh chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt nhiều quân địch. Tuy vậy, bộ đội ta cũng bị thương vong nhiều. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định dừng tiến công.

Để chuẩn bị tiếp tục đánh chiếm A1, Đại đoàn 316 tổ chức đào 3 đường hào. Lúc này một vấn đề quan trọng trong kế hoạch tiến công A1 thu hút tâm sức các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Đại đoàn và Trung đoàn 174 là tìm ra cách đánh hầm ngầm.

Nhiều phương án được đưa ra bàn bạc. Cuối cùng kế hoạch đào một đường hầm từ trận địa ta đến chân hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ 1.000 kg đánh sập hầm được Bộ Chỉ huy Đại đoàn nhất trí và báo cáo lên Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Đường hào đào vào càng sâu, ta càng gặp khó khăn về kỹ thuật, do thiếu ánh sáng và không khí. Bằng cố gắng và nỗ lực rất cao, đường hầm đã hoàn thành đúng kế hoạch. Đến cuối tháng 4/1954, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công mới đã hoàn tất.

2 gọng kìm

Ngay đêm đầu tiên chiến đấu của đợt 3, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt được các mục tiêu của địch.

Đến đêm ngày 3/5, Đại đoàn 308 diệt cứ điểm 311B ở phía Tây. Từ đây quân ta từ hai phía Đông và Tây Mường Thanh tạo thành hai gọng kìm kẹp chặt khu trung tâm. Địch đứng trước nguy cơ bị tiêt diệt đã có dấu hiệu mở đường máu để rút chạy. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang tổng công kích trên toàn mặt trận. Đại đoàn 316 tiếp tục đánh A1, C2. Đây là hai điểm cao then chốt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm.
Giằng co trên đồi A1
Đồi A1 ngày nay. Ảnh: Cẩm Quyên
Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị “sẵn sàng nắm thời cơ, khi có điều kiện chuyển sang tổng công kích ngay và phải bao vây chặt không cho địch rút chạy”. Thời gian nổ súng của toàn mặt trận được ấn định là 20 giờ 30 phút ngày 6/5, lấy tiếng nổ của 1.000 kg bộc phá trên A1 làm hiệu lệnh tiến công.

Ở A1 địch chống cự quyết liệt, hy vọng chờ quân tiếp viện từ Mường Thanh lên. Các mũi của ta chưa đánh được tới mục tiêu quy định. Đến 4 giờ 30 sáng ngày 7-5, Trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ A1, đồng thời tích cực chi viện cho Trung đoàn 98 tiến công A3 và sẵn sàng đánh địch phản kích ở A1, phối hợp với Tiểu đoàn 439 đập tan kế hoạch tăng viện của địch cho C2.

Như vậy sau một đêm chiến đấu, Đại đoàn 316 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm A1, C2 và A3, trong đó 2 điểm cao A1 và C2 là hai điểm cao phòng ngự then chốt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nắm vững thời cơ, Bộ chỉ huy chiến dịch phát lệnh tổng công kích. 15 giờ ngày 7/5, pháo ta ầm ầm trút đạn xuống quanh hầm chỉ huy của Đờ Cát. Bộ binh ta từ bốn phía giáp công, tiến đến đâu quân địch đều khiếp vía kéo cờ đầu hàng.

Những anh hùng trên đồi A1

Chủ Nhật, 04/05/2014, 21:06:25
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã có thêm hàng chục đầu sách viết, nghiên cứu về chiến thắng vĩ đại này của dân tộc; có nhiều cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà tên tuổi ông đã gắn với những chiến công hiển hách của đất nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách đã và sẽ còn đưa ra thị trường nhiều cuốn hồi ký, ghi chép của các vị tướng lĩnh, nhà báo, nhà văn từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những anh hùng trên đồi A1
Lọt thỏm giữa một thế giới sách trong Ngày Sách Việt Nam 21-4 vừa qua, tôi chú ý tới một cuốn có tựa đề Những anh hùng trên đồi A1của tác giả nhà văn Nguyễn Chu Phác. Cuốn sách do Công ty sách Tràng An phối hợp với NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Những anh hùng trên đồi A1 của Chu Phác không phải là cuốn tiểu thuyết hư cấu. Đơn giản, đây chỉ là một cuốn sách dưới dạng ghi chép, ký sự mà tác giả Chu Phác đã từng chứng kiến, sống và gắn bó với những người chiến sĩ đã từng cùng với ông "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt"... trên chiến trường Điện Biên năm xưa. Phải mất đúng 60 năm, bây giờ nhà văn Chu Phác mới có điều kiện tập hợp lại tư liệu, cho ra đời cuốn sách mang nhiều dấu ấn kỷ niệm một đời binh nghiệp của ông.
Mỗi câu chuyện trong tập sách Những anh hùng trên đồi A1đều chân thật, không tô vẽ, hư cấu, mỗi mẩu chuyện giản dị như chính bản thân "những người lính Cụ Hồ" mang dép cao-su, áo trấn thủ ra trận.
Trong những trang ghi chép của tác giả Chu Phác, chúng ta thấy được hàng chục những người lính ở Điện Biên Phủ rất xứng danh anh hùng. Đó là những người lính bộ binh ở Trung đoàn (E) 174, E102, Tiểu đoàn (D) 1, D9, D3, những người lính của tiểu đoàn do Vũ Đình Hòe, Nguyễn Dũng Chi là Tiểu đoàn trưởng... Đó còn là người chiến sĩ pháo binh Hà Ngọc Giá, quê ở Yên Thành, Nghệ An.
Trong lúc cùng với đơn vị kéo pháo, cũng như Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Hà Ngọc Giá đã lấy thân mình chèn pháo để khẩu trọng pháo không lao xuống vực. Đó còn là Trung đội phó Bùi Hiếu Nghĩa xung phong ôm trái bộc phá 10 kg chui vào đường hầm A1 tình nguyện làm ngòi nổ cho hàng tấn bộc phá đánh sập hầm ngầm trên đồi. Một trận đánh có một không hai trong lịch sử của Quân đội ta, mở đường cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm A1.
Với 250 trang sách Những anh hùng trên đồi A1, tác giả Chu Phác còn dành nhiều trang kể lại cuộc sống gian khổ của những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong những ngày đào hầm, vây ép địch. Tác giả kể về từng bữa ăn, ngụm nước của người lính. Một trong những nhân vật không thể thiếu được với anh bộ đội là hình ảnh người chiến sĩ nuôi quân, người lính thông tin, anh y tá, nữ cứu thương... Tác giả đã dành một số trang viết về nữ văn công ở Điện Biên Phủ, Kim Ngọc. Chị đã cùng với những người lính ở Điện Biên hát cho bộ đội, hát cho thương binh trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Tác giả cũng dành nhiều trang khắc họa hình ảnh những người cán bộ chỉ huy từ cấp tiểu đội, trung đội... lên đến cấp trung đoàn, sư đoàn. Họ luôn là những người chỉ huy gương mẫu, dũng cảm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ hiểm nguy, làm gương cho người lính xông lên phía trước.
Đó là những cán bộ chỉ huy như Vũ Đình Hòe, Bế Văn Cư, Lê Sơn, Dũng Chi... Tập sách cũng dành nhiều trang khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cảm của ông đối với cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh một vị Đại tướng toàn tài tạo niềm tin yêu, kính trọng của quân dân tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Hy vọng cuốn sách Những anh hùng trên đồi A1 của nhà văn Chu Phác sẽ mang tới cho bạn đọc nhiều cảm xúc mới mẻ.
Nhà văn ĐỖ KIM CUÔNG

Đại tá Trần Minh Phong

* Tít, tiêu đề phụ do VietNamNet đặt. Nội dung bài viết của Đại tá Trần Minh Phong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 đã được biên tập ngắn gọn so với bản gốc
  
Giải mã cuộc thẩm vấn tướng DeCastries

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét