CA SĨ THÁI THANH
(ĐC sưu tầm trên NET)
NGÀY XƯA HOÀNG THỊ - THÁI THANH (PHẠM DUY)
NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI - THÁI THANH | Thần Tượng Của Bao Thế Hệ
Nhan sắc danh ca Thái Thanh qua thời gian
Thời son rỗi, danh ca Thái Thanh chinh phục người mộ điệu bởi nét đằm thắm với mái tóc uốn bồng, nụ cười nheo mắt.
Thưở đôi mươi, dù không phải mỹ nhân "sắc nước hương trời", Thái Thanh
được yêu mến với nụ cười duyên, vóc dáng mình hạc xương mai. Xuất thân
từ một gia đình giàu truyền thống cổ nhạc, sau khi vào Sài Gòn, bà vẫn
giữ cốt cách nền nã, khoan thai của một thiếu nữ gốc Hà Nội.
|
Thái Thanh bên chị gái - ca sĩ Thái Hằng (trái). Cả hai là giọng ca trụ
cột của hợp ca Thăng Long - ban nhạc được hâm mộ bậc nhất thập niên
1950-1960. Lúc đó, Sài Gòn còn có tam ca Ngọc Lê Hà (trong đó Hoàng Lê
và Khánh Ngọc cũng là chị em ruột), bộ đôi Thái Thanh - Thái Hằng vẫn
tỏa sáng với nét kiều diễm, sắc sảo cùng lối hát giàu kỹ thuật.
|
Thái Thanh bên hai anh trai - nhạc sĩ Phạm Đình Chương (trái) và nhạc sĩ
Phạm Đình Viêm - hai thành viên của hợp ca Thăng Long. Thời kỳ này, bà
để kiểu tóc uốn xoăn, rẽ ngôi giữa đặc trưng của phụ nữ Sài Gòn thập
niên 1960.
|
Thái Thanh bên các thành viên của hợp ca Thăng Long, gồm: nhạc sĩ Phạm
Duy (trái, hàng trên) - anh rể, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (giữa) - anh
trai, Phạm Đình Viêm - anh trai, ca sĩ Thái Hằng (trái, hàng dưới) - chị
gái và ca sĩ Khánh Ngọc (giữa) - chị dâu.
|
Bước sang thập niên 1970, sau khi làm mẹ, Thái Thanh có nét đẹp phúc
hậu, mặn mà. Bà là một trong những tên tuổi được nhiếp ảnh gia Đinh Tiến
Mậu - chủ tiệm ảnh Viễn Kính lừng danh - mời tham gia làm mẫu cho bộ
sưu tập ảnh chân dung giai nhân Sài Gòn xưa.
|
Thái Thanh tạo dáng trong studio với mái tóc búi xõa cùng phong cách
trang điểm nhấn vào mắt, chân mày - xu hướng được ưa chuộng vào thập
niên 1970. Với dung mạo khả ái và giọng hát huyền thoại, Thái Thanh trở
thành "người trong mộng" của nhiều nam nhân đương thời, trong đó có nghệ
sĩ Trần Văn Trạch và nhà văn Mai Thảo.
|
Vào thập niên 1980, Thái Thanh dần ít đi hát, chỉ thỉnh thoảng nhận lời
biểu diễn cho bạn bè thân thiết. Khánh Ly - một trong những danh ca cùng
thời với Thái Thanh - từng ca ngợi vẻ đẹp của bà, đặc biệt là đôi mắt
giàu biểu cảm và đôi tay tuyệt mỹ. Một lần, khi gặp Thái Thanh, Khánh Ly
nói: "Nếu cháu là chồng của cô, cháu đành phải để cô đi hát trước khán
giả, nhưng cháu sẽ giữ hai bàn tay cô ở lại nhà, không cho ai được nhìn
thấy hai bàn tay ấy khi cô hát".
|
Thái Thanh bên các con. Sau cuộc hôn nhân với tài tử Lê Quỳnh, bà có năm con. Trong đó, Ý Lan
(áo hoa) thừa hưởng giọng hát và phong cách của mẹ, trở thành danh ca
với các nhạc phẩm của Phạm Duy, Vũ Thành An, Phạm Đình Chương...
|
Ở tuổi ngoài 60, Thái Thanh giữ nếp sống bình dị, thanh nhàn khi định cư
tại California (Mỹ). Dòng nhạc của bà thời kỳ này hướng về đạo ca với
các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy.
|
Thập niên 2000, sau một lần đột quỵ, sức khỏe xuống dốc, Thái Thanh giải
nghệ. Thỉnh thoảng, bà vẫn góp mặt ở các sự kiện lớn. Năm 2004, trong
một chương trình ca nhạc, bà cùng Ý Lan song ca "Bài ca sao - Nụ tầm
xuân" (Phạm Duy sáng tác). Bà chinh phục người hâm mộ khi vẫn giữ phong
độ giọng hát cùng lối trình diễn tươi vui, sôi nổi. Ngày 17/3, Thái
Thanh qua đời tại California, Mỹ sau nhiều năm trị bệnh, hưởng thọ 86 tuổi.
|
Tam Kỳ (ảnh: Nhacxua, Flickr)
Buồn Tàn Thu (Văn Cao) - Thái Thanh
Giot Mua Thu - Thai Thanh
Đám tang 'đệ nhất danh ca' Thái Thanh sẽ diễn ra lặng lẽ vì dịch Covid-19
Trong cáo phó được các con danh ca Thái Thanh đăng tải, vì tình trạng nguy khẩn của dịch Covid-19 diễn ra tại Mỹ, thay cho sự tham dự chia buồn, gia đình chỉ mong khách viếng gửi lời cầu nguyện cho bà.
Danh ca Thái Thanh qua đời lúc 11 giờ 50 ngày 17.3 tại California,
Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi. Trước khi tạ thế, bà từng mắc bệnh phổi, trải qua
ba lần đột quỵ vì nỗi đau mất người thân. Tin tức
"đệ nhất danh ca Sài thành" thế kỷ trước tạm biệt cõi tạm khiến các
đồng nghiệp, đàn em và fan của nữ ca sĩ vô cùng đau buồn, đồng loạt
tưởng nhớ bà thông qua lời nhắn trên mạng xã hội.
Trong cáo phó vừa được đăng tải, bốn người con của danh ca đồng
kính báo về việc gia đình sẽ không nhận phúng điếu và vòng hoa. Bên cạnh
đó, do tình hình phức tạp của virus corona chủng mới leo thang tại Mỹ, gia đình giọng ca Ngày xưa Hoàng Thị mong
khách viếng thay vì tham dự chia buồn trong lễ viếng và an táng, có thể
gửi lời cầu nguyện từ nhà để bà Thái Thanh an nghỉ trong yên bình.
Được biết đám tang của giọng ca được mệnh danh "tiếng hát vượt thời
gian" sẽ diễn ra vào tuần sau. Theo chủ một nhà quàn tại Mỹ, phía người
thân của bà đã liên hệ để làm thủ tục quàn thi thể tại đây, song do
đang mùa dịch nên chính phủ Mỹ cần làm thêm các xét nghiệm về y tế, kéo
dài thời gian giao thi thể cho người thân, thay vì 2-3 ngày như bình
thường thì có thể mất đến 1 tuần. "Có thể phải đến giữa cuối tuần sau
đám tang của bà Thái Thanh mới có thể diễn ra. Hiện tại bang California
đã siết chặt các biện pháp chống dịch Covid-19. Trước đây người dân
không được tụ tập ở nơi công cộng từ 100 người, giờ chỉ giới hạn trong
10 người. Các nhà quàn của tôi đều có nhân viên trông coi để chỉ hướng
dẫn đúng 10 người vào viếng mỗi lần, mỗi người không quá 15 phút. Đây là
tình hình chung nên có thể gia đình đã mong khách không đến viếng trong
tình hình hiện nay", người này chia sẻ cùng Thanh Niên.
Trên trang cá nhân, trưởng nữ là ca sĩ Ý Lan đã
thay hình đại diện sang màu đen báo tin buồn, trong khi ca sĩ Quỳnh
Hương chia sẻ lại những lời chia buồn của mọi người. Hiện tại mọi kế
hoạch về tang lễ đang được Ý Lan cùng gia đình sắp xếp và sẽ thông báo
đến mọi người sau khi có quyết định.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, gia đình nữ danh ca quyết
định không làm tang lễ, vì thời gian này California đang có luật không
tụ tập đông người trong bất cứ trường hợp nào.
Thái Thanh - Hòn Vọng Phu 1, 2, và 3, bản ghi âm trước 1975
Điều ít biết về Thái Thanh – Diva của Sài Gòn một thuở
Thái Thanh vốn là con nhà nòi âm nhạc,
chị gái là ca sĩ Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc
sĩ Phạm Đình Chương, con gái là ca sĩ Ý Lan, nhưng danh ca Thái Thanh
cho đến nay dù tóc đã chuyển màu trắng cước vẫn chẳng hề bị chìm lút
giữa những nghệ sĩ nổi tiếng trong đại gia đình mình.
Diva Thái Thanh
Biết hát nhờ nhạc phẩm của Phạm Duy
Gia đình nữ danh ca Thái Thanh vốn là gia
đình nòi âm nhạc ở Hà thành xưa. Thái Thanh là thứ nữ của ông Phạm Đình
Phụng với người vợ hai. Người vợ đầu của ông Phạm Đình Phụng sinh được 2
người con là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Người vợ thứ hai sinh ra
Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng – vợ nhạc sĩ Phạm Duy), nhạc sĩ
Phạm Đình Chương và con gái út Phạm Thị Băng Thanh (tức danh ca Thái
Thanh). Thái Thanh còn một người chị gái lớn, sinh trước ca sĩ Thái
Hằng, nhưng không may đã trúng bom chết khi còn nhỏ.
Song thân của danh ca Thái Thanh đều là
những người rất sành nhạc cổ. Thân phụ của Thái Thanh vốn chơi đàn
nguyệt, còn thân mẫu chơi đàn tranh và đàn tỳ bà hay có tiếng ở đất Bắc.
Nên tất cả anh em của Thái Thanh đều ngấm máu văn nghệ sĩ từ khi còn
nhỏ.
Quê ngoại của Thái Thanh ở Sơn Tây, quê
nội ở ngay Hà Nội. Thái Thanh chào đời năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà
Nội. Năm 1946, 12 tuổi, Thái Thanh đã được ông bà Phạm Đình Phụng đưa
theo cùng các anh chị lên Sơn Tây tản cư. Cũng tại nơi đây, người chị
đầu của Thái Thanh đã bị trúng bom tử nạn. Ông bà Phạm Đình Phụng lại
đưa con chạy về xuôi, mở một quán phở đặt tên là Thăng Long. Tại quán
Thăng Long này, các văn nghệ sĩ kháng chiến thường dừng chân, ăn phở và
nghe nhạc. Chị em Phạm Đình Chương (nghệ danh Hoài Bắc), Phạm Thị Quang
Thái (nghệ danh Thái Hằng) và Phạm Thị Băng Thanh (nghệ danh Thái Thanh)
thường biểu diễn ngay tại quán Thăng Long. Khách đến rất vui vì được
thưởng thức “cây nhà lá vườn”.
Đầu năm 1949, anh chị em Thăng Long gia
nhập các ban văn nghệ quân đội của liên khu IV. Quán Thăng Long dời về
chợ Neo (Thanh Hóa). Tại đây, Thái Hằng kết hôn với Phạm Duy và hành
trình âm nhạc của gia đình từ nay nảy nở thêm những tài năng mới, với
Duy Quang là con đầu lòng sinh năm 1951, và tiếp theo là các con Duy
Cường, Thái Hiền, Thái Thảo.
Chuyện Thái Hằng gặp gỡ và nên vợ chồng
với nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ là một bước ngoặt lớn với nữ ca sĩ nổi
tiếng hi sinh cho chồng con này, mà cũng là dấu mốc quan trọng trong
cuộc đời danh ca Thái Thanh.
Thái Thanh bắt đầu hát từ năm 13, 14
tuổi. Đến giờ, nữ danh ca không còn nhớ rõ bài hát đầu tiên mà mình
trình diễn là bài nào nhưng chắc chắn là một bài hát của Phạm Duy. Lúc
đó, nhạc sĩ Phạm Duy đang theo đuổi Thái Hằng nên thường dùng Thái Thanh
làm cái cớ lấy điểm với chị Thái Hằng. Mà Phạm Duy nổi tiếng với tài
sáng tác, nên chỉ nghĩ ra cách lấy điểm nhanh nhất và hiệu quả nhất là
qua con đường âm nhạc. Phạm Duy hơn Thái Thanh chục tuổi, còn Thái Hằng
hơn Thái Thanh 7 tuổi. Khi anh rể tương lai chinh phục chị gái, Thái
Thanh trở thành cầu nối cho Phạm Duy. Hồi đó, có bài “Dòng sông Xanh”
nhạc ngoại quốc, lời Việt rất nổi tiếng. Phạm Duy đã đặt lời Việt cho
bài “Dòng sông Xanh” cho cô em gái Thái Thanh bé xíu hát để lấy điểm với
cô chị Thái Hằng. Năm 1948, Thái Hằng kết hôn với Phạm Duy. Nhạc sĩ
Phạm Duy chính thức trở thành người một nhà với Thái Thanh. Chẳng biết
Phạm Duy và Thái Hằng nên duyên vì những lẽ gì, nhưng chắc hẳn có một
phần công lớn của danh ca Thái Thanh.
Từ sau khi hát bài “Dòng sông Xanh”, Thái
Thanh đã cùng chị Thái Hằng và anh trai Phạm Đình Chương đi biểu diễn ở
quân khu 4. Lần đầu tiên Thái Thanh hát cho công chúng nghe là ở một
vùng quê những ngày tản cư kháng chiến. Khi đó, luôn có những ban nhạc
hát cho công chúng ở vùng quê nghe. Lên sân khấu ở tuổi 14, còn bé xíu
mà đứng trước đông đảo bà con, nên Thái Thanh cũng sợ lắm. Nhưng sau khi
cất tiếng hát, thì tiếng hát, âm nhạc không những làm Thái Thanh tan
biến mọi nỗi sợ mà còn cảm thấy hứng khởi, hạnh phúc, vì lúc đó, Thái
Thanh thấy mình vinh dự được đứng trong ban hợp ca gồm các anh các chị
như Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, những thành viên của ban hợp ca
“Thăng Long”.
May mắn cho Thái Thanh là song thân của
cô đều là nghệ sĩ, yêu âm nhạc nên không ngăn cấm con cái theo nghiệp
“xướng ca vô loài”. Các cụ chỉ dặn con nhất định phải học hành trước đã,
đàn hát là chuyện phụ thôi, nhưng kể từ năm 1950, Thái Thanh đã lựa
chọn đi theo con đường ca hát. Tên tuổi của Thái Thanh gắn liền với
những bản nhạc của Phạm Duy. Kể từ bài “Dòng sông Xanh”, Phạm Duy đặt
lời cho Thái Thanh hát, thì Phạm Duy đã biết giọng của Thái Thanh sinh
ra là để hát những ca khúc do ông sáng tác. Cũng có người cho rằng, Phạm
Duy vì yêu quý giọng hát của Thái Thanh nên đã sáng tác nhiều bài hát
hợp với giọng của Thái Thanh. Trải qua 60 năm, Phạm Duy vẫn khẳng định:
trong những người hát nhạc Phạm Duy, ông ưng nhất là Thái Thanh, Duy
Quang và sau này có Đức Tuấn. Chỉ có Thái Thanh mới đủ khả năng nâng
bổng nhạc của Phạm Duy lên và chỉ có nhạc của Phạm Duy mới đáng để Thái
Thanh hát. Nhiều ca khúc của Phạm Duy được Thái Thanh thể hiện đúng chất
và đúng tầm hơn hẳn những ca sĩ khác cùng thời – đó là nhận xét của một
người làm chuyên môn bỏ công nghiên cứu về nhạc Phạm Duy và tiếng hát
Thái Thanh.
Ban hợp ca Thăng Long của gia đình Thái Thanh
Thái Thanh có biệt tài “phiêu” cũng với
những ca khúc của Phạm Duy. Có những nhạc phẩm của Phạm Duy, Thái Thanh
tự ý đổi ca từ khi lên sân khấu, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy phải công nhận
điều đó làm cho bản nhạc của ông bỗng mang một chút “duyên lạ”.
Như nhạc phẩm “Cho nhau”, Phạm Duy viết:
“Cho nhau ngòi bút cùn trơ – Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa – Cho
nốt đêm mơ về già”. Thái Thanh lại hát thành: “Cho nhau ngòi bút còn
lưa…”. “Lưa” là một từ cổ, có nghĩa là còn sót lại, nhưng mang một âm
thanh u hoài, luyến lưu tiếc nuối. Như trong ca dao Bình Trị Thiên vẫn
có câu hát đẫm buồn: “Trăm năm dù lỗi hẹn hò – Cây đa bến – Cô con đò
vắng đưa – Cây đa bến Cô còn lưa – Con đò đã khác năm xưa tê rồi”. Nên
từ “còn lưa” đã đẩy ca khúc “Cho nhau” về một cõi xa xưa đầy u hoài,
luyến tiếc, để lại một dư âm da diết trong cảm nhận về ngôn từ trong
lòng thính giả. Nhờ thế mà chữ tình trong “Cho nhau” trở nên lai láng,
mơ hồ về quá vãng, còn day dứt mãi trong lòng tình nhân chứ không còn
xao xác, tận cùng như “ngòi bút còn trơ”. Nên dù vậy, Phạm Duy lưu ý
không chỉ nhắc nhớ một câu chuyện thú vị trong bài hát chứ chưa hề trách
cô em vợ một tiếng nào. Mà vì tình “còn lưa” nên Thái Thanh lại hát
câu: “Cho nốt đêm mơ về già” thành “Cho nối đêm mơ về già”, sâu nặng và
thủy chung, như cứu rỗi hai linh hồn chưa bao giờ an lạc vì trót nhớ
thương, tình lỡ.
Phạm Duy viết: “Cho nhau thù oán hờn ghen
– Cho nhau cho cõi âm ty một miền”, Thái Thanh lại hát thành: “Cho nhau
cho nỗi âm ty một miền”. Vô tình mà như hữu ý, vì từ “cõi” như là một ý
niệm hiện hữu về không gian, như xa anh em về cõi chết, tưởng như “cõi
âm ty” rất bao la nhưng thật ra chết là hết có còn vấn vương gì. Cho em
“nỗi âm ty”, từ “nỗi” dùng để diễn tả tâm trạng con người, con người
tưởng như không thể sánh được với cả một “cõi” không gian nhưng nỗi lòng
người lại bao la đến vô hình. “Nỗi âm ty” là sự chết đang tồn tại trong
thực thể còn đang sống. Chính cái “phiêu”, cái sáng tạo rất duyên dáng
của Thái Thanh đã nâng những bài hát mà Thái Thanh thể hiện, khiến cùng
một nhạc phẩm, nhưng dưới sự thể hiện của Thái Thanh luôn ở tầm rất khác
so với các ca sĩ cùng thời.
Thái Thanh được cho là một giọng hát
“vượt thời gian”, từng bị dư luận vẽ ra đủ thứ giai thoại về bí quyết
học nhạc. Có dư luận nói, Thái Thanh hát hay như thế nhờ chui đầu vào
chum để tập phát âm. Lẽ thật, giọng hát Thái Thanh sống mãi vì hai điều:
Thái Thanh hát với tình yêu âm nhạc và cháy hết mình khi đứng trước
khán giả.
Khi còn nhỏ, Thái Thanh không theo học
nhạc ở trường lớp nào. Nhạc lý cũng như là xướng âm, Thái Thanh phải đặt
mua sách từ bên Pháp, theo đó tự học, có gì khó thì hỏi nhạc sĩ Phạm
Đình Chương. Phạm Đình Chương cũng chủ yếu là tự học rồi từ vốn kiến
thức đó lại trở thành thầy của em gái. Phạm Đình Chương có lần nói: “Cô
có cái đặc biệt là trước khi tôi dậy thì cô đã biết rồi”. Thái Thanh có
được giọng ca sống mãi với thời gian và vẻ đẹp khiến đàn ông không thể
không ngoái nhìn. Có lần ca sĩ Khánh Ly trong dịp hội ngộ Thái Thanh đã
nắm bàn tay đẹp có tiếng của Thái Thanh nói: “Nếu cháu là chồng của cô,
cháu đành phải để cô đi hát trước khán giả, nhưng cháu sẽ giữ hai bàn
tay cô ở lại nhà, cháu không cho ai được nhìn hai bàn tay ấy khi cô
hát”.
Bộ ba Khánh Ly – Lệ Thu – Thái Thanh
Danh ca, một người phụ nữ và một người mẹ
Nhớ lần ca sĩ Ý Lan trở lại hát tại Hà
Nội trong một đêm nhạc tại Nhà hát Lớn, ca sĩ Ý Lan đã tâm sự, đây là
nơi Ý Lan nhất định phải tìm về, vì đó là khung trời kỷ niệm của danh ca
Thái Thanh – mẹ cô và tài tử Lê Quỳnh – cha cô. Dù sau này, Thái Thanh
và Lê Quỳnh không còn bên nhau, nhưng mong ước được một lần quay lại
khung trời kỷ niệm, nơi bắt đầu tình yêu của hai người mãi mãi là ước mơ
của tài tử Lê Quỳnh. Chính tại Nhà hát Lớn, trong một buổi biểu diễn
của Thái Thanh, tài tử Lê Quỳnh khi đó còn chưa nổi danh đã phải trốn vé
để vào nghe giọng hát mà mình vốn hằng ái mộ, để rồi sau đó bắt đầu một
mối duyên đẹp, dù mối duyên đó không trọn vẹn đến cuối đường.
Thái Thanh lập gia đình với Lê Quỳnh năm
1956 và sinh liên tiếp 5 người con, 3 gái, 2 trai. Đó là: Ý Lan sinh năm
1957, Lê Việt 1958, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương 1960, Thanh Loan 1962 và
Lê Đại 1964. Cậu út Lê Đại nhiều lần “chê” mẹ là sinh nhiều quá, “y như
gái Tầu” vậy. Lê Đại cũng là người kém may mắn nhất trong 5 chị em: khi
ra đời khỏe mạnh, nhưng Lê Đại bị bệnh sốt tê liệt từ lúc 8 tháng. Tuy
sống sót nhưng Lê Đại bị liệt nửa thân dưới.
Thái Thanh được biết đến là nữ danh ca có
ảnh hưởng lớn ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng cũng là một người mẹ hết
mình vì gia đình. Năm 4 tuổi, Lê Đại bị ốm, được tổ chức Terre Des
Hommes đưa qua nước Ý chữa trị 3 năm liền và năm 1971, Lê Đại trở về
Việt Nam khi 7 tuổi. Từ khi sang Mỹ, Thái Thanh đảm đương trách nhiệm
làm mẹ với rất nhiều nghị lực. Thái Thanh tập lái xe dù không thích thú
chút nào, nhưng phải tập ngay để có thể hàng ngày đưa đón Lê Đại đi học.
Sau 2 năm học tại College Golden West, Lê Đại đã được vào đại học Long
Beach. Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ Thái Thanh đã giúp Lê Đại (nay
là Michael Đại Lê) tự tin hơn, yêu đời hơn. Lê Đại tốt nghiệp đại học
năm 1996. Giờ Lê Đại đã đi làm, sống tự lập thoải mái trong một căn hộ
riêng gần trường và rất ngưỡng mộ mẹ. Khi sức khỏe tốt, mỗi tuần, Thái
Thanh đều đến thăm nom con trai, mang thêm vài món ăn Việt Nam nấu sẵn
cho cậu út.
Thái Thanh không chỉ vất vả với Lê Đại.
Khi cô bé Thanh Loan sang Mỹ thì cũng là lúc cô bắt đầu bị một dạng bệnh
trầm cảm. Thái Thanh một lần nữa lại khổ đau cùng cực trước số phận
khắt khe. Trong thời gian tìm hiểu về bệnh trạng của Thanh Loan, biết
con không học hành bình thường như các anh chị em được, Thái Thanh đã cố
gắng dìu dắt con gái, đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được
niềm vui sống… Nhưng bệnh tình Thanh Loan cứ nặng dần, sau cùng, Thái
Thanh đành phải nghe lời bác sĩ và các bạn đồng cảnh ngộ, đưa con vào
một bệnh viện chữa trị. Nhưng Thái Thanh vẫn kiên trì phấn đấu với
phương tiện và hoàn cảnh của mình để giúp đỡ con yêu quay trở lại với
cuộc sống. Vai trò làm mẹ của 2 con bị bệnh nặng cũng lại đòi hỏi ở Thái
Thanh một thứ nghị lực bằng “thép cứng” cùng sự kiên trì lớn lao. Với
hoàn cảnh như vậy, những đức tính phi thường nơi người mẹ được tôi luyện
đã giúp Thái Thanh được con cái yêu kính.
Thái Thanh và con gái đầu lòng Ý Lan
Sống xa Lê Quỳnh từ năm 1965, Thái Thanh
một mình đảm đương vai trò vừa là mẹ, vừa thay cha trong việc nuôi dạy
con cái. Khi dịu dàng, lúc nghiêm khắc, Thái Thanh luôn mong các con có
được căn bản vững chắc về văn hóa và đạo đức, để mai sau trở thành những
Con Người có thể viết hoa. Dù các con của Thái Thanh đều có giọng ca
thiên phú, nhất là Ý Lan và Quỳnh Hương, nhưng khi Ý Lan còn nhỏ, Thái
Thanh nhất quyết không cho con theo nghề ca hát. Thái Thanh buộc con
phải học hành như bao người khác. Nhưng dường như là số phận, sau này Ý
Lan đi làm, lấy chồng rồi mới bước vào nghiệp xướng ca và vẫn nổi tiếng
dù bước vào nghề rất muộn.
Ý Lan luôn coi mẹ là thần tượng trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc, như Ý Lan đã tâm sự:
“Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu
cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và
yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi làm mẹ. Tình
cảm thiêng liêng của mẹ dành cho tôi là niềm hạnh phúc và cả sự may mắn
vô bờ bến”.
Sự nổi tiếng của bố Lê Quỳnh và mẹ Thái
Thanh là cả một gia tài dành riêng cho con cái. Ý Lan trở thành ca sĩ
như ngày hôm nay là nhờ có cả hai yếu tố quan trọng mà bố mẹ đã để lại
trong dòng máu của Ý Lan. Cô tâm sự: “Tôi có tiếng hát và kỹ thuật hát thừa hưởng từ mẹ, còn kỹ thuật trình diễn được thừa hưởng từ bố”.
Ý Lan cho đây là điều may mắn, chứ làm sao có thể nghĩ là một áp lực
cho cuộc sống của mình. Đối với riêng tình phụ tử và mẫu tử thì lúc nào
gia đình Ý Lan cũng có sự yên ấm. Bố mẹ Ý Lan đã không còn sống chung
với nhau từ khi Ý Lan 8 tuổi. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn rất quý nhau và trân
trọng nhau, cho nên Ý Lan và các em trong gia đình đã quen một nếp sống
cố định. Còn về tính tình, có những lúc bố mẹ uốn nắn các con để theo nề
nếp căn bản nhưng luôn luôn đi đôi với tình cảm nhẹ nhàng.
Ngoài đời thường, Thái Thanh cũng là một
người rất đỗi đàn bà. Chúng ta quen hình dung Thái Thanh trên sàn diễn,
khi đang hát, hoặc qua những đĩa, băng nhạc. Chúng ta thường nhớ đến
Thái Thanh như một đệ nhất và danh ca và quên mất Thái Thanh trong đời
thường như một bà mẹ, một người nội trợ thích nấu ăn, một phụ nữ thích
mặc đẹp, ăn ngon, kể cả ăn quà vặt. Khi 70 tuổi, Thái Thanh vẫn cần mẫn
làm các món dưa chua, củ cải ngâm nước mắm, kho cá thu, làm thịt đông…
Thái Thanh vẫn say sưa kể về cách làm các món ăn “Bắc Kỳ chính cống”.
Cũng như khi đứng trên sân khấu, Thái Thanh dồn hết mình cho âm nhạc thì
khi nấu nướng, toàn bộ con người bà, thân, trí và tâm. Thái Thanh đều
chú tâm vào chuyện nấu nướng y như khi hát vậy.
Như Thái Thanh tâm sự về cách ứng xử với cây hoa lan: “Cư
xử với cây khó lắm, nhất là hoa lan, không như cư xử với người đâu. Nếu
mình không chăm sóc tử tế, không khéo, không làm đúng những gì mình
phải làm, thì cây nó bỏ đi. Còn với người, người ta sẵn sàng chịu đựng
nhau, đôi khi người ta giả dối dể vẫn liên lạc với nhau vì những điều gì
đó. Còn với cây, mình có yêu cây thì cây mới ở lại với mình.”
Trí Huân (theo Đang yêu)
Thực hiện: depweb
Nhận xét
Đăng nhận xét