Sinh năm 1926 tại Vinh, Chính Hữu - tên thật là Trần Đình Đắc - tham gia quân đội từ ngày đầu kháng chiến.
Những bài thơ hay nhất của ông cũng là những bài thơ ca ngợi người lính vào loại hào hùng nhất trong thơ ca VN hiện đại. Từ "Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng - Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm - Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm - Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa" (Ngày về) đến "Đêm nay rừng hoang sương muối - Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới - Đầu súng trăng treo" (Đồng chí).
Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 về văn học nghệ thuật.
Lễ truy điệu và an táng ông sẽ diễn ra ngày 30/11
Theo Việt Hoài (Tuổi trẻ Online)

Thương tiếc Chính Hữu, nhà thơ - chiến sĩ

Thứ Sáu, 17/09/2010, 13:00:00
Nói đến thơ ca kháng chiến và cách mạng, không thể không nhắc đến Chính Hữu với những bài thơ nổi tiếng như Ðồng chí, Giá từng thước đất, Thư nhà, Ngọn đèn đứng gác...
Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám nói chung và lớp nhà văn - chiến sĩ nói riêng, góp phần làm nên thành tựu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ Chính Hữu tên thật là Trần Ðình Ðắc, sinh ngày 15-12-1926, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Quê gốc ông ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông học tú tài (triết học) ở Hà Nội. Ông từng tham gia Trung đoàn Thủ đô vào tháng 12-1946, làm chính trị viên đại đội trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954. Bắt đầu sáng tác từ thời kỳ đầu kháng chiến, cái tên Chính Hữu được bạn đọc biết đến lần đầu khi ông cho in bài thơ Ðồng chí vào năm 1948, trên tờ  Sự thật - cơ quan ngôn luận của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Thơ Chính Hữu, cũng như cuộc đời ông, hình thành hai giai đoạn ghi dấu của hai chặng đường lớn của lịch sử dân tộc: trong chiến tranh và khi hòa bình lập lại. Ở chặng đường đầu, thơ ông là bài ca chân chất tuyệt đẹp về người lính. Họ là những anh vệ quốc đoàn, những chiến sĩ Ðiện Biên... Những con người vừa rời cuốc cày bước vào chiến trận được nhà thơ khắc họa ở nét đời thường, đời sống tình cảm mộc mạc mà chân thành, sâu lắng với đồng đội, với quê hương:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Ðêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ...

... Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Nụ cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...

                  (Ðồng chí)
Một lá thư nhà hôm nay ta đọc
Trong chiến hào chuẩn bị tiến công
Ta mới hiểu thêm từng chữ, từng dòng...
... Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết...

                  (Thư nhà)
Có thể nói, Chính Hữu là một trong số ít nhà thơ xây dựng thành công chân dung anh Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến. Thơ ông mang vẻ đẹp ở sự chân thực, giản dị của hình ảnh, nội tâm nhân vật lẫn sự tiết chế, kiệm lời của ý tứ, ngôn từ nhưng lại có sức khái quát, ngân rung lay động lòng người. Ðiều đó, có lẽ cũng là bởi ông mang tâm thế của người trong cuộc, với hạnh phúc lớn lao được hòa đồng:
Sung sướng bao nhiêu
Tôi là đồng đội
Của những người đi vô tận hôm nay

               (Ðường ra trận)
Một số bài thơ nổi tiếng của ông từng được phổ nhạc, trở thành bài hát quen thuộc một thời như: Ðầu súng trăng treo, Ngày về, Ngọn đèn đứng gác.
Sau chiến tranh, viết về cuộc sống đời thường, thơ Chính Hữu vẫn ắp đầy hoài niệm. Ông nhớ về thời niên thiếu đã qua, nhớ về những đồng đội đã nằm lại trên chiến trường lửa đạn, những cô gái công binh Trường Sơn... Nhưng, hồi tưởng quá khứ đồng thời cũng là để nghĩ suy, chiêm nghiệm. Thơ ông vì thế thiên về khái quát, mang tính triết lý, tổng kết. Những ngày niên thiếu, Lá rụng về cội, Tiếng ngân... và đặc biệt Người bộ hành lặng lẽ ông viết khi ở tuổi 70 là bài thơ tiêu biểu cho phong cách ấy, như một sự đúc kết sâu sắc của cuộc đời một con người hơn nửa thế kỷ cầm súng và cầm bút muốn gửi gắm lại cho thế hệ con cháu, mai sau: đi bộ, để nghĩ được nhiều hơn, để đếm được thời gian đang bước, "thấy được sự khác nhau giữa các mùa hạ", "thấy được sự khác nhau giữa các mùa đông"...
Chính Hữu từng quan niệm: "Thơ phải ngắn ở câu chữ, nhưng phải dài ở sự ngân vang". Thơ của ông thể hiện điều đó. Và sự "xuất hiện" của con người thi nhân ở ông cũng lặng lẽ, khiêm nhường, bởi tính từ khi bài thơ  Ðồng chí nổi tiếng đầu tiên ra đời (1948), đến tập thơ cuối cùng Tuyển tập Chính Hữu  (NXB Văn học 1998) xuất bản, tất cả chỉ có ba tập thơ với khoảng hơn 50 bài được công bố. Ðó là con số không lớn của cả cuộc đời hơn 50 năm cầm bút. "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", sự nghiệp sáng tác của Chính Hữu đã chứng minh điều đó, khi tên tuổi ông trở thành không thể thiếu trong đội ngũ nhà văn - chiến sĩ với một phong cách riêng không trộn lẫn. Với những đóng góp quan trọng cho thơ ca cách mạng Việt Nam, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật lần thứ 2 (năm 2000) do Ðảng và Nhà nước trao tặng.
Ngày 27-11 vừa qua, nhà thơ Chính Hữu đã qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và người đọc nhiều thế hệ. Một "cây lớn" của nền văn học kháng chiến đã ra đi, nhưng những vần thơ sáng đẹp của ông vẫn luôn là bài ca bất hủ về hình ảnh người chiến sĩ, hình ảnh một dân tộc, một thời đại gian khổ,  hào hùng và lãng mạn còn mãi với thời gian:
Ðêm nay rừng hoang sương muối
Ðứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Ðầu súng trăng treo...
PHƯƠNG NGUYỄN
Theo