Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

KÝ ỨC CHÓI LỌI 136/c: Phim tài liệu chiến tranh "A1 bùn, máu và hoa". Tập 3

-Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh.
Ralph Waldo Emerson

-Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác.
Victor Hugo

-Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nặng nề nhất.
Douglas MacArthur

-Tôi không những chỉ là một người chuộc hòa bình mà còn là một người chuộc hòa bình máu chiến. Tôi sẵn sàng chiến đấu vì hòa bình. Không gì có thể kết thúc chiến tranh nếu bản thân con người không từ chối tham gia chiến tranh.
Albert Einstein

-Đồng bào ta gái cũng như trai, trẻ cũng như già cho đến các cháu nhi đồng cỏn con, ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng có gan giết giặc.
Hồ Chí Minh

Giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Võ Nguyên Giáp 
-Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng rồi thì nên lấy tang lễ mà xử.
Lão Tử
---------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Phim tài liệu chiến tranh: A1 bùn, máu và hoa tập 3 

Chùm ảnh: Dấu tích trận tử chiến trên đồi A1 Điện Biên Phủ


Đồi A1 là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, với số binh sĩ thương vong của cả hai bên là cao nhất.

Trong chiến cuộc Điện Biên Phủ năm 1954, đồi A1 (Pháp gọi là Eliane 2) là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Một góc đồi A1 với đường giao thông hào và bãi rào kẽm gai bảo vệ vòng ngoài.
 Do địa thế thuận tiện cho việc tổ chức các tuyến phòng ngự cùng vị trí chiến lược đặc biệt, quân Pháp đã xây dựng đồi A1 trở hành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ. Ảnh: Một lô cốt của Pháp trên đồi A1.
 Toàn bộ quả đồi được bao bọc bởi một hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công. Ảnh: Trong một đường hào của quân Pháp.
 Trận đồi A1 là trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng nhất trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Mộc góc của khu vực đỉnh đồi A1.
 Mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane 2 trong dãy cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ, tạo nên bước ngoặt quyết định thắng lợi của cuộc chiến. Ảnh: Hệ thống lô cốt, hầm hào trên đỉnh đồi.
 Hiểu được tầm quan trọng của trận đánh, trong suốt thời gian giao tranh, quân Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Ảnh: Khu hầm chỉ huy cứ điểm của quân Pháp.
 Do vậy, quân đội Việt Nam đã phát động 4 đợt tiến công liên tục, chịu tổn thất lớn nhưng chỉ chiếm được một nửa đồi. Ảnh: Lô cốt đại liên bảo vệ ban chỉ huy cứ điểm của quân Pháp.
 Phải tới ngày 6/5, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đào bí mật để phá sập hệ thống hầm ngầm, quân ta mới vô hiệu hóa được các ổ đề kháng trên đỉnh đồi. Sáng ngày 7/5/1954, lực lượng Việt Minh làm chủ hoàn toàn đồi A1. Ảnh: Hố bộc phá trên đồi A1.
 Đây là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, với số binh sĩ thương vong của cả hai bên là cao nhất.
 Trong toàn bộ trận chiến đấu ở đồi A1, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 828 lính Pháp (bị chết 376, bị thương và bị bắt 452). Ảnh: Xe tăng Bazeille của Pháp bị quân ta tiêu diệt sáng 1/4/1954 trên đồi A1.
 Tổng số thương vong của quân ta trong 36 ngày đêm là 2.516 người (hy sinh 1.004 chiến sĩ, bị thương 1.512). Ảnh: Mộ của 4 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hi sinh rạng sáng 1/4/1954 trên đồi A1.
 Với việc mất đồi A1, trung tâm đề kháng Eliane phía Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp đã hoàn toàn sụp đổ. Việt Minh gần như đã nắm chắc phần thắng vì chỉ còn cách Sở chỉ huy cứ điểm vài trăm mét.
 Ngay sau khi chiếm đối A1, quân ta đã dễ dàng thọc sâu tiêu diệt sở chỉ huy Pháp. Toàn bộ quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng, điều mà họ không thể nghĩ đến vào thời điểm 2 tháng trước đó.
Theo KIẾN THỨC
 
BẾ VĂN ĐÀN SỐNG MÃI

Nhận vơ công lao đánh đồi A1?

Trong phóng sự đặc biệt “Vòng vây lửa” phát trên kênh VTV1 tối 5/5/2019, khán giả bất ngờ trước những lời kể của nhân chứng cựu chiến binh - thượng úy Phạm Bá Miều là chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 về đào đường hầm đánh đồi A1.

40 đồng chí hy sinh do ngạt thở?

Cựu chiến binh Phạm Bá Miều, sinh năm 1930, quê ở Thái Bình, hiện thường trú tại phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, kể lại trong phóng sự: “Đây là cửa hầm, chúng tôi phải đào lộ thiên trên chục mét… Chúng tôi cũng gian khổ, vất vả nhiều đấy… Mới xuyên qua được hầm vào đấy, đến cuối cùng cũng thiệt mất hơn 40 đồng chí… 40 đồng chí hy sinh do ngạt thở”.
Cựu chiến binh Phạm Bá Miều
Chi tiết 40 chiến sĩ hy sinh do ngạt thở dù lấy được nhiều nước mắt của người xem nhưng khiến các cựu chiến binh Điện Biên Phủ đánh đồi A1 bất ngờ.
Không những thế, ông Phạm Bá Miều còn nhận mình là người tham gia vận chuyển thuốc nổ cho khối bộc phá gần 1 tấn đánh đồi A1.
“Chúng tôi chuyển trong không đầy 2 tiếng chuyển được 964kg bộc phá”. Còn tiếng nổ của khối bộc phá được ông miêu tả: “Nó như một cái tiếng động rùng hết cả quả đồi, đồng thời đất đá lấp hết lên sở chỉ huy địch và các hầm xung quanh sập cả”.
Về những điều cựu chiến binh Phạm Bá Miều kể trong phóng sự truyền hình nêu trên, đều không khớp với những gì cố Đại tá Nguyễn Phú Xuyên Khung - người chỉ huy phân đội công binh (Trung đoàn 151 - Đại đoàn 351) và trực tiếp tham gia đào đường hầm, bố trí lượng nổ dưới lòng đất, đánh sập một phần hầm ngầm và lô cốt của địch trên đồi A1, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đơn vị nào tham gia đánh đồi A1?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cựu chiến binh Phạm Bá Miều tại thời điểm đánh Điện Biên Phủ năm 1954 là lính được biên chế của Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Đơn vị này, không tham gia đánh đồi A1. Bộ Tổng Tư lệnh phân công đánh đồi A1 là Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.
Ông Phạm Bá Miều nhận mình là người tham gia vận chuyển thuốc nổ cho khối bộc phá gần 1 tấn đánh đồi A1.
Đại tá Vũ Đình Hòe, 92 tuổi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 249 – Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, hiện cư trú tại Hà Nội, khẳng định: “Đánh đồi A1 là Bộ Tổng Tư lệnh phân công cho Trung đoàn 174. Chúng tôi được lệnh nổ sung đánh đồi A1 vào đêm 30/3/1954, mở màn đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ. Suốt 38 ngày đêm cho đến khi chiến thắng, Trung đoàn 174 làm nhiệm vụ cầm cự, tấn công, tiêu diệt đồi A1. Ngoài ra, có hỗ trợ của Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 trong 3 đêm. Trung đoàn 98 không được giao nhiệm vụ đánh đồi A1”.
Được biết, Bộ Tổng Tư lệnh phân công Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đánh đồi C1 và C2. Vì vậy, khi xem chương trình truyền hình trực tiếp “Điện Biên Phủ - điểm hẹn hòa bình” tối 5/5/2019, có cựu chiến binh Trần Trọng Bình, chiến sĩ Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, kể chuyện đánh đồi A1, thì bà Hoàng Việt Hoa - phu nhân cố Thượng tướng Vũ Lăng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 tại Điện Biên Phủ (1954) đã hết sức sửng sốt. Bà nói với con gái: “Tại sao làm phóng sự về đánh đồi A1 không hỏi cựu chiến binh Trung đoàn 174? Trung đoàn 98 không đánh đồi A1”.
Phóng viên Báo NNVN đã liên hệ với ông Lưu Trọng Lư - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên đề nghị xác minh tính chính xác của các nhân chứng nêu trên. Ông Lưu Trọng Lư cho biết: “Từ những dịp kỷ niệm 50 năm, 60 năm Điện Biên Phủ, bác Phạm Bá Miều đã lên kể chuyện đánh đồi A1 rồi. Phải là người đánh trận thật sự thì bác mới kể được chân thật từ chiến hào cho đến chuyện tìm xác đồng đội như thế chứ”.
Theo Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên thì Đại đoàn 316 được phân công đánh khu phía đông, mà Trung đoàn 174 và Trung đoàn 98 đều thuộc Đại đoàn 316 cho nên hai đơn vị này có thể đánh hỗ trợ cho nhau. Khi PV đề nghị xác minh hồ sơ đơn vị của cựu chiến binh Phạm Bá Miều thì ông Lưu Trọng Lư cho biết hồ sơ do Hội CCB thành phố Điện Biên quản lý.
Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đã gỡ bỏ link phóng sự đặc biệt “Vòng vây lửa” trên website của mình.
Cựu chiến binh Trần Trọng Bình
Cựu binh đánh đồi A1 phản ứng
Nhà giáo Đỗ Ca Sơn, cựu chiến binh Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, đánh đồi A1 đã phản ứng trước việc xuất hiện nhân chứng nhận vơ công lao đánh đồi A1.
“Trung đoàn 98 không đánh đồi A1. Nhiệm vụ cấp trên giao cho Trung đoàn 98 là đánh đồi C1. Các anh đánh đồi C1 cũng rất dũng cảm không kém đồi A1. Thật là xấu hổ với thế hệ trẻ khi nhận vơ công lao của những đồng đội đã ngã xuống mà hôm nay không còn nữa”, nhà giáo Đỗ Ca Sơn bày tỏ.

Vẹn nguyên ký ức về trận thử lửa đồi A1

Đã gần 6 thập kỷ trôi qua, nhưng những hình ảnh về năm tháng “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày giành giật với địch từng tấc đấc, từng đoạn chiến hào diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh, những tiếng reo vang ngày đại thắng vẫn vẹn nguyên trong ký ức Thiếu tướng Nguyễn Hiền. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ấy, ông là Chính trị viên của Đại đội xung kích 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ đô, thuộc Đại đoàn 308, Quân Tiên Phong.

Thiếu tướng Nguyễn Hiền sinh ra tại làng Dòng, xã Xuân Lũng (huyện Lâm Thao) một làng quê nổi tiếng của vùng đất Tổ vua Hùng, là mảnh đất hiếu học, có nhiều người đỗ đạt. Ông chính thức trở thành chiến sỹ Vệ quốc đoàn từ tháng 9/1946 khi mới 16 tuổi.

Trận chiến đấu với giặc Pháp đầu tiên của ông vào 5/1947 ở Thị xã Phú Thọ. Đến tháng 10 năm đó ông được tham gia những trận đánh địch trên dòng sông Lô, cùng quân dân Phú Thọ lập nên chiến thắng lẫy lừng, phá tan cuộc tiến công của giặc Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc.

Thế rồi Tây Bắc, Biên giới, Thượng Lào, chiến dịch nối tiếp chiến dịch, chiến công nối tiếp chiến công. Ông được rèn luyện thử thách trong máu lửa chiến tranh và đã trưởng thành nhanh chóng. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, mới 23 tuổi ông đã là Chính trị viên của Đại đội xung kích 263, chỉ huy chiến đấu đánh điểm cao A1 của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên khung cửa sổ, vị tướng già trầm ngâm: “Mới đó mà đã 59 năm trôi qua, tôi còn nhớ như in trận thử lửa đồi A1 – giành lấy cái “chìa khóa sống”. Những năm tháng quá khứ như cuốn phim quay chậm mở ra trước mắt ông. Ông kể: Giặc Pháp muốn xây dựng đồi A1 thành một cứ điểm mạnh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với nhiều tầng chiến hào kiên cố, nối liền với hầm ngầm, có lắp hồng ngoại tuyến để quan sát vào ban đêm. Tuy nhiên, quyết tâm của chiến sỹ ta đánh chiếm đồi A1 còn cao hơn núi, sâu hơn vực thẳm.

Du khách thăm quan cứ điểm lịch sử Đồi A1. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN.

Đúng 18 giờ ngày 31/3, lệnh xuất kích được phát đi trong tiếng pháo dữ dội của địch. Đại đội 263 do Đại đội trưởng Hiển, tôi là Chính trị viên- Bí thư chi bộ, Đại đội phó Đào Lẫm tấn công hướng chủ yếu của tiểu đoàn, đánh chiếm các lô cốt, chiến hào ở Yên Ngựa bên phải và đánh vào lô cốt mẹ. Đại đội 261 thì đánh chiếm lô cốt và chiến hào bên trái, chặn quân phản kích từ Mường Thanh lên. Đại đội 259, đại đội 8 của tiểu đoàn 54 cánh trái của tiểu đoàn 18, hướng tấn công của trung đoàn vẫn theo hướng cũ của trung đoàn 174 đánh đêm 30/3. Pháo địch từ Hồng Cúm, Mường Thanh bắn chặn, súng máy từ lô cốt mẹ quét sát mặt đồn, bắn dọc chiến hào, nhằm vào khu cửa mở làm một số cán bộ chiến sỹ của ta bị thương và hi sinh. Đại đội trưởng Hiển là người đầu tiên ngã xuống tại cửa mở. Khoảng 22 giờ, ta mới chiếm được các lô cốt và chiến hào Yên Ngựa.

Đến 5 giờ sáng ngày 1/4 , địch lại đưa thêm 2 xe tăng cùng bộ binh kết hợp với quân cố thủ trong lô cốt hầm ngầm, phản kích hòng đánh bật quân ta ra khỏi đồi A1. Đồng chí Nguyễn Văn Giá, Trung đội trưởng trung đội DKZ + Badôka thuộc Đại đội 265 tăng cường cho Đại đội 263 báo cáo: Đã phát hiện có xe tăng địch! Tôi liền ra lệnh: Chờ mục tiêu thật gần hãy nổ súng!

Chiếc xe tăng địch dừng ngay cạnh lô cốt mẹ chỉ cách khoảng 40m nhưng do sương mù nên không nhìn rõ, chỉ nghe tiếng máy nổ và tiếng súng bắn từ trong ra. Đồng chí Giá bèn lệnh cho 2 khẩu DKZ và Badôka đồng loạt nhả đạn về phía có tiếng nổ và tiếng súng. Tiếng máy nổ của xe tăng lập tức im bặt, chiếc thứ 2 thì vẫn còn nằm chết dí ở dưới chân đồi. Đợt phản kích thứ 2 của địch bị bẻ gãy.

Giọng kể hào hùng của ông như truyền cho chúng tôi khí thế sục sôi của một thời “Gan không núng. Chí không mòn!” của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Thiếu tướng Nguyễn Hiền xúc động kể tiếp trận chiến đấu gay go ác liệt trên đồi A1: "Suốt ngày 1/4, các mũi tiến công của Tiểu đoàn 18 vẫn bám chặt những nơi đã chiếm, bất chấp đạn địch đổ xuống đầu. Lúc này, Đại đội 263 còn ít người nhưng vẫn quyết tâm giữ vững trận địa. Khoảng 10 giờ sáng địch phản kích bằng hỏa lực, tôi bị thương. Sau đó, tôi lại bị thương lần thứ 2, lúc này quân số của Đại đội còn dưới 10 người và đều bị thương. Sau 1 ngày 2 đêm giữ chốt đồi A1 với lực lượng mỏng thì có tin Đại đội 259, Tiểu đoàn 18, sẽ vào thay. Đến 7 giờ sáng ngày 2/4, tôi được một đồng chí y tá đưa ra khỏi chiến hào và đưa về Trạm quân y của Trung đoàn. Sau 2 ngày sơ cứu vết thương tôi được anh chị em dân công hỏa tuyến đưa về Quân y tiền phương...”.

“Không có gì buồn hơn là nằm viện giữa lúc đồng đội đang chiến đấu. Tôi nhớ như in chiều hôm ấy, chiều 7/5/1954, không kìm được sự sung sướng, chúng tôi ôm nhau nhảy múa, hò hát, đấm vào nhau thùm thụp đến nỗi đấm cả vào vết thương của nhau,…”, ông xúc động nhớ lại.

Kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông Hiền được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công, được bầu là Chiến sĩ thi đua Đại đoàn 308. Lật từng bức ảnh năm xưa, vị tướng già không giấu được những cảm xúc về một thời hoa lửa. Trong số những bức ảnh được ông nâng niu như một “báu vật” vô giá của cuộc đời mình có nhiều tấm ảnh về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Nguyễn Hiền tâm sự: “Tôi đã được gặp Bác 6 lần và lần nào cũng rất ấn tượng. Nhưng sâu sắc nhất vẫn là lần thứ tư được gặp Bác tại Đền Hùng, trên quê hương đất Tổ. Tướng Hiền vẫn còn nhớ như in hình ảnh Bác, từ dáng điệu nhanh nhẹn mà hiền từ, lời nói ấm áp thân tình như cha dặn con. Bác đã nhắc nhở những điều cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Những điều Bác dặn không những đã giúp cán bộ, chiến sĩ ta hoàn thành tốt nhiệm vụ lúc ấy mà đến tận bây giờ ông vẫn còn thấy nguyên giá trị. Ông nhớ nhất lời Bác đã dặn: “Các chú phải thận trọng với viên đạn bọc đường”, muốn vậy phải "tránh thiếu ý thức kỉ luật trong ăn, ở, đi lại, mua bán, tránh xa xỉ, ăn diện, bắt chước lối sống không tốt, dễ sinh ra tham ô, hư hỏng”.

Rồi Người nói với chúng tôi rất rành rọt: các Vua Hùng là người có công dựng nước. Như vậy, Vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đó mới chính là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ tổ tiên vậy.

Những lời Bác dạy đã theo suốt cuộc đời Thiếu tướng Nguyễn Hiền, đã giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người chiến sỹ, người cán bộ trong các cuộc chiến đấu ác liệt, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Năm 62 tuổi Thiếu tướng Nguyễn Hiền được nghỉ hưu, nhưng được nhân dân tín nhiệm, ông được tỉnh Phú Thọ giao nhiệm vụ làm Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh tỉnh và sau đó được các cựu chiến binh trên quê hương đất Tổ bầu chính thức liền ba khóa. Trong 18 năm Thiếu tướng và các đồng chí của mình đã xây dựng Hội Cựu chiến binh Phú Thọ vững mạnh và trong sạch...

Mặc dù đã ở tuổi 83, nhưng với ông, niềm vui lớn nhất vẫn là được kể chuyện cho hàng xóm, bạn bè và các con, các cháu trong gia đình về những trận đánh hào hùng của dân tộc Việt Nam mà ông trực tiếp tham gia.

Q ua câu chuyện của vị tướng già nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay hãy phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của ông cha đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc hôm nay.
Vũ Bắc
  
Giây Phút Vị Bại Tướng Đờ Cát Run Rẩy Xin Hàng Sau Trận Cờ Tàn Điện Biên Phủ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét